Sam Harris: Tận cùng của Ðức tin

Lê Quốc Tuấn chuyển Việt

¿ Mục lục toàn bài bản in ngày 24 tháng 12, 2009

CHƯƠNG 1 (tiếp theo)

Bóng che của Quá khứ

Tìm thấy mình trong một vũ trụ như đang cúi xuống để hủy diệt mình, chúng ta nhanh chóng nhận ra rằng, cả trong vị trí của cá nhân lẫn xã hội, thật là hữu ích để hiểu được những thế lực đang dàn trận ra trước chúng ta. Và vì như vậy mà mỗi con người chúng ta trở nên khao khát đến những kiến thức xác thực về thế gian. Ðiều này luôn luôn đặt ra các vấn nạn đặc biệt cho tôn giáo, bởi vì mọi tôn giáo đều rao giảng những sự thật của các xác nhận không có chứng cớ. Thực tế, mọi tôn giáo đang rao giảng những sự thực của các xác nhận mà ngay cả không một chứng cứ nào có thể tưởng tượng ra được. Ðiều này đã đặt một “sự đột biến” trong “bước đột biến của Kierkegaard" về đức tin.

Nếu đột nhiên tất cả mọi hiểu biết của chúng ta về thế gian bỗng biến mất thì sẽ ra sao? Thử tưởng tượng sáu tỉ con người sáng mai thức dậy trong một tình trạng cực kỳ dốt nát và hoang mang. Sách vở, máy điện toán vẫn còn đấy, nhưng chúng ta không thể nối đầu thêm đuôi vào cái gì nữa. Chúng ta quên luôn đến cả cách chải răng và lái xe. Thế thì cái hiểu biết nào là cái chúng ta cần nhất? À, chính các công việc trồng lương thực và xây dựng một mái che trên đầu là những thứ chúng ta muốn tìm lại trước nhất. Chúng ta cũng muốn học lại cách xử dụng và sửa chữa các thứ máy móc của mình. Học nói, học viết cũng sẽ là một ưu tiên hàng đầu, vì kỹ năng này cần thiết cho các công việc khác. Ðến khi nào trong quá trình tìm lại nhân tính này sẽ cần phải biết đến việc chúa Jesus sinh ra đồng trinh hay không? Hay là sự việc người có người đã sống lại hay chăng? Và chúng ta có sẽ học lại những sự thật này, nếu như chúng thật sự là đúng? Bằng cách đọc Kinh Thánh ư? Ði qua các kệ sách cũng chỉ mang lại các viên ngọc quen thuộc của các di tích xưa- như “sự kiện” Isis, vị nữ thần của sinh sản, trưng diện bằng một đôi sừng bò thật đẹp. Ðọc thêm nữa, thấy thần Thor mang một cái búa và thấy các thú vật thiêng liêng là ngựa,chó và con rồng có cái lưỡi chia ba. Loài nào là loài ta nên lên danh sách ưu tiên trong thế giới tái tạo của mình. Yaweh hay Shiva? Và khi nào thì chúng ta muốn học lại rằng tính dục trước hôn nhân là tội lỗi? Hoặc tội ngoại tình đáng bị ném đá cho chết? Hoặc là có phải linh hồn đi vào hợp tử con người ngay lúc thụ thai? Và chúng ta sẽ nghĩ thế nào về những người kỳ khôi kia đang bắt đầu tuyên bố rằng một trong các cuốn kinh sách vốn được viết nên bởi chính đấng tạo hoá của chúng ta thì khác biệt với tất cả các cuốn kinh sách khác?

Chắc chắn sẽ có rất nhiều sự thật tâm linh mà chúng ta muốn học lại - một khi chúng ta đã yên ổn chuyện ăn, chuyện mặc – và đấy chính là những sự thật mà chúng ta đã từng hiểu không trọn vẹn trong tình trạng hiện tại của mình. Chẳng hạn như, làm thế nào để con người vượt qua được nỗi sợ hãi và nội tâm mình để đơn giản thương yêu một kẻ khác? Giả như, ngay vào lúc ấy, một tiến trình chuyển hóa nhân tính đã hiện hữu, và có một điều gì đáng để hiểu biết về sự việc ấy; nói một cách khác, có những năng khiếu, hoặc trui rèn, hoặc sự am hiểu có tính khái niệm, hoặc những kiêng cử phụ trợ nào đã cho phép một sự chuyển hóa đáng tin cậy để một kẻ đáng sợ, đáng oán ghét, hay một kẻ bàng quang trở thành người thân yêu. Nếu có, chúng ta nhất định phải biết đến các phương thức ấy. Thực cũng có một số chương đoạn Kinh thánh hữu ích trong ý nghĩa này – nhưng cả khối lý thuyết không thể kiểm chứng rõ ràng đã không có được một căn bản hợp lý nào để có thể xử dụng lại. Kinh Koran và Kinh thánh có lẽ sẽ tự tìm được vị trí xứng đáng của mình bên cạnh cuốn Sự biến dạng của Ovid và cuốn Tử thư của người Ai cập.

Vấn đề ở chỗ là hầu hết những thứ mà chúng ta cho là thiêng liêng thì không còn lý lẽ gì để mà linh thiêng nữa ngoài việc nó đã từng được tưởng là linh thiêng trong quá khứ. Chắc chắn rằng, nếu như chúng ta có thể tái tạo lại thế giới, thì việc thực hiện các tỗ chức cuộc sống của chúng ta chung quanh các tuyên bố không thể nghiệm chứng của thời cổ đại – không nói gì đến sự giết chóc và chết vì các tuyên bố ấy - có lẽ không thể nào minh định được. Cái gì hiện nay đã ngăn chúng ta không nhận ra sự bất khả ấy?

Nhiều người nhận xét rằng tôn giáo, bằng cách cho nhân loại vay mượn một ý nghĩa, cho phép các cộng đồng (tối thiểu là những cộng đồng hợp nhất dưới một đức tin) được nối kết lại với nhau. Căn cứ vào lịch sử thì điều này quả là đúng, và từ thành tích này mà tôn giáo đã được hưởng nhiều lòng tin cho cả các cuộc chiến tranh xâm lăng như những ngày hội hè và tình yêu huynh đệ. Nhưng trong các ảnh hưởng của tôn giáo trên một thế giới tân tiến - một thế giới đã hợp nhất , tối thiểu là có khả năng hợp nhất từ các nhu cầu về kinh tế, môi trường, chính trị và khoa dịch tễ học – thì lý thuyết tôn giáo là một suy thoái nguy hiểm. Quá khứ của chúng ta không phải là thiêng liêng bất khả xâm phạm vì là những việc đã qua, và có nhiều điều ở đàng sau lưng mình mà chúng ta phải đấu tranh để giữ chúng ở đàng sau lưng để có thể hy vọng rằng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể quay lại với một lương tâm trong sạch: đặc quyền thần thánh của vua chúa, phong kiến, hệ thống đẳng cấp, nô lệ, hành quyết chính trị, cưỡng ép thiến hoạn, mổ xẻ sống, trò thả chó săn trêu gấu, đấu kiếm vì danh dự, đai trinh tiết, xủ tội bằng thử thách (trial by ordeal), lao động trẻ con, tế sống người và thú vật, ném đá kẻ ngoại đạo, ăn thịt người, luật thú dâm, các loại cấm kỵ về sự tránh thụ thai, các thí nghiệm về bức xạ của con người- một danh sách gần như bất tận, như thể đã được tăng trưởng đến vô tận, tỷ lệ của những lạm dụng quấy nhiễu mà tôn giáo trực tiếp có trách nhiệm dường như vẫn còn chưa thuyên giảm. Thực tế, hầu như mỗi sỉ nhục vừa nêu ra ở đây có thể góp thêm được hương vị chưa chín mùi của chứng tích, cho một đức tin không thể bình phẩm trong một giáo lý này hoặc giáo lý khác. Do đó, cái ý tưởng rằng đức tin tôn giáo, bằng cách này hoặc cách khác, là một quy ước thiêng liêng của con người – thật là xuất sắc, như chính bản thân nó, cả trong sự nghèo nàn về bằng chứng lẫn sự ngông cuồng của các yêu sách – thì thực sự là một sự quái dị quá vĩ đại để có thể đánh giá trong tất cả ánh hào quang chói lọi của chúng. Ðức tin tôn giáo tiêu biểu cho một sự lạm dụng hết sức không thỏa hiệp về quyền lực tinh thần của chúng ta đến nỗi nó đã tạo nên một thứ lập dị văn hoá ngoan cố - một quan điểm triệt tiêu vượt ra ngoài cái giới hạn mà những bàn luận lý trí có thể minh chứng được. Mỗi khi lén lút đưa vào các thế hệ, nó khiến chúng ta mất đi khả năng nhận thức được bao nhiều phần của thế gian vốn bị nhường lại một cách vô ích cho một quá khứ đen tối và tàn ác.

Gánh nặng của Thiên đàng

Thế giới chúng ta đang nhanh chóng đầu hàng các hoạt động của các quý ông, quý bà đang sẵn sàng đánh đổi cả tương lai của bao sinh vật như chúng ta cho những niềm tin lẽ ra đã không thể tồn tại được trong hệ thống giáo dục của bậc tiểu học. Quá nhiều chúng ta vẫn phải chết vì những bí ẩn cổ đại vừa hoang đường vừa kinh hoàng và sự liên hệ của chính chúng ta với những bí ẩn này, dù từ những người ôn hòa hay cực đoan, đã cầm giữ chúng ta câm lặng trước dung mạo của những phát triển cuối cùng có thể hủy diệt chính mình. Thật thế, ngày nay, tôn giáo là căn nguyên sinh động của bạo lực như nó đã từng như thế trong bất cứ thời điểm nào của quá khứ. Xung khắc đương thời ở Palestine (Giữa Do Thái giáo với Hồi giáo), vùng Balkans (Giữa Chính thống giáo Serbians với Công giáo Croatian; Chính thống giáo Serbians với Hồi giáo Bosnian và Hồi giáo Albanian), vùng bắc Ái nhĩ Lan (Giữa Tin lành với Công giáo), vùng Kashmir (giữa Hồi giáo với Ấn độ giáo), vùng Sudan (giữa Hồi giáo với Kitô giáo và vật linh giáo), ở Nigeria (giữa Hồi giáo với Kitô giáo), ở Ethiopia và Eritera (giữa Hồi giáo với Kitô giáo), ở Sri Lanka (giữa Phật giáo Sinhalese với Ấn giáo Tamil), ở Indonesia (giữa Hồi giáo với người Kitô giáo Timorese), vùng Caucasus (giữa Chính thống giáo Nga với Hồi giáo Chechen; giữa Hồi giáo người Azerbaijan với Công giáo và Chính thống giáo Armenian) chỉ là một số trường hợp trong quan điểm này. Ở các khu vực vừa kể, tôn giáo đã là nguyên nhân rõ ràng của hàng triệu cái chết trong mười năm qua. Những biến cố này tấn công chúng ta như thể những thử nghiệm tâm lý đang chạy cuồng loạn, bởi vì chính chúng vốn là như thế. Mang đến cho con người các quan niệm phân rẽ, không thể dung hợp và không thể thử nghiệm được về những gì xảy ra sau khi chết, để cưỡng bách con người phải sống chung với những phương sách hạn hẹp. Kết quả đúng như chúng ta nhìn thấy: một vòng lập lại bất tận của sát nhân và ngưng chiến. Nếu lịch sử từng hé lộ một sự thực tuyệt đối, thì đó chính là sự thiếu hụt chứng tích thường chỉ mang lại sự tàn tệ nhất trong chúng ta. Chỉ cần thêm vào cỗ máy đồng hồ hiểm độc này các vũ khí hủy diệt hàng loạt, ta sẽ có ngay tấm biên nhận cho sự xụp đổ của nền văn minh.

Ta có thể nói gì về hiểm họa chiến tranh hạt nhân sắp bùng nổ giữa Ấn độ và Pakistan nếu mối phân rẽ về niềm tin tôn giáo của họ phải được “tôn trọng”? Sẽ chẳng có gì cho các nhà giáo sĩ bình phẩm ngoài chính sách ngoại giao nghèo nàn của mỗi nước – Trong khi, sự thật là toàn bộ mối xung khắc đã sản sinh ra từ sự ôm lấy các hoang dường một cách phi lý. Hơn triệu người đã chết từ cuộc liên hoan của giết chóc vì đạo giáo dẫn đến sự phân chia ra Ấn độ và Pakistan. Hai quốc gia từ đó đã chiến đấu ba cuộc chiến tranh, đau khổ vì máu đổ liên tục ở các khu vực chung biên giới và hiện đang kẻ tám lạng người nửa cân trong ý muốn tiêu diệt lẫn nhau bằng vũ khí hạt nhân chỉ vì họ bất đồng với nhau về “các sự kiện ” mà mỗi chi tiết đều hoang đường như thể các cái tên những con tuần lộc của ông già Noel. Và cuộc đàm luận của họ cứ như thể họ có khả năng tập hợp được các nhiệt tình ở mức độ chết người cho các chủ đề này mà không cần chứng tích gì cả. Mối xung khắc của họ chính thức là chỉ vì lãnh thổ, bởi vì các yêu sách không tương thích của họ về vùng lãnh thổ Kashmir là hậu quả trực tiếp từ các khác biệt tôn giáo của họ. Thật ra, lý do chính khiến Ấn độ và Pakistan trở thành hai quốc gia riêng biệt là vì các niềm tin của Hồi giáo không thể hòa giải với các niềm tin của Ấn độ giáo. Theo quan điểm của đạo Hồi, sẽ khó có thể tưởng tượng được một phương cách xúc phạm đến Allah nào mà không bị vi phạm mỗi sáng bởi một số phong tục Ấn độ giáo. “Lãnh thổ” mà những dân tộc này thực đang tranh giành nhau thì không thể tìm thấy trên thế gian này. Ðến khi nào chúng ta mới nhận ra rằng sự nhượng bộ chúng ta dành cho đức tintrong các bàn luận chính trị của chúng ta đã ngăn chúng ta khỏi việc tiêu trừ, hay ngay cả việc chỉ nói lên, cái cội nguồn phong phú của bạo lực trong lịch sử của chúng ta?

Các bà mẹ bị xiên từ những lưỡi gươm trong khi lũ con họ đang nhìn theo. Các phụ nữ trẻ bị lột truồng, bị hãm hiếp giữa thanh thiên bạch nhật, rồi …bị hỏa thiêu. Bụng một người phụ nữ có mang bị rạch toang, bào nhi của bà bị dương lên trời băng mũi kiếm sau đó bị ném bỏ vào một trong những ngọn lửa đang bùng cháy trên khắp thành phố.(8)

Ðấy không phải là một tường thuật của thời trung cổ cũng không phải chuyện bịa đặt từ vùng Trung địa (Middle Earth) . Ðấy là thế giới của chúng ta. Nguyên nhân của các hành vi này không phải là vì kinh tế, chủng tộc hay lịch sử. Ðoạn văn trên mô tả một cảnh bạo lực nổ ra giữa Ấn độ giáo và Hồi giáo ở Ấn độ vào mùa đông năm 2002. Cái khác biệt duy nhất giữa hai nhóm tôn giáo này chứa đựng trong những gì họ tin về Thượng Ðế. Hơn một ngàn người đã chết trong suốt một tháng nổi loạn - gần bằng một nửa nhân số đã chết trong cuộc xung đột giữa Do Thái và người Palestine trong hơn một thập niên. Và đây chỉ là những con số nhỏ, nếu như nhìn vào các khả năng của cuộc xung đột. Cuộc chiến tranh hạch nhân giữa Ấn độ và Pakistan là khó tránh khỏi nếu như căn cứ vào những gì mọi người Ấn và Pakistan tin về đời sống sau khi chết. Arundhati Roy đã từng nói rằng sự quan tâm của Phương Tây đến tình hình này cũng chỉ giống như việc những người da trắng theo chủ nghĩa đế quốc tin rằng "Không thể tin người da đen với những trái bom” (9). Ðây là một sự kết án kỳ cục. Có người có thể cãi rằng không có tập thể con người nào có thể tin được với những quả bom, nhưng lờ đi vai trò gây mất ổn định mà tôn giáo đang có trách nhiệm trên vùng tiểu lục địa là một sự tắc trách và không trung thực. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng các thế lực của thế tục và ý thức sẽ giữ được các tên lửa nằm yên trên bệ phóng cho đến chừng nào những nguyên nhân sâu xa của các xung khắc này cuối cùng được giải tỏa.

Trong khi tôi không có ý lựa riêng học thuyết của Hồi giáo ra để đặc biệt nói xấu, thực sự, không còn nghi ngờ gì rằng, trong giai đoạn này của lịch sử, Hồi giáo đang tiêu biểu cho một mối nguy hiểm kỳ lạ nhất cho tất cả chúng ta, dù là người Hồi giáo hay không Hồi giáo cũng thế. Không cần phải nói, nhiều người Hồi giáo có căn bản ý thức và khoan dung với tha nhân. Tuy nhiên, như chúng ta nhìn thấy, các đức tính tân tiến này gần như không phải là sản phẩm từ đức tin của họ. Trong chương 4, tôi sẽ tranh luận rằng chừng nào một người còn tuân thủ học thuyết của Hồi giáo – có nghĩa là chừng nào người ấy còn thực sự tin vào học thuyết ấy, y sẽ vẫn còn là một vấn nạn đối với chúng ta. Thật thế, ngày càng rõ ràng hơn là các trách nhiệm từ đức tin của Hồi giáo thì tuyệt nhiên không hạn chế vào các niềm tin của người Hồi giáo “cực đoan”. Phản ứng với biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 của thế giới Hồi giáo cho thấy không còn nghi ngờ gì rằng có một số lượng đáng kể nhân loại của thế kỷ hai mươi mốt đã tin vào khả năng của một cái chết tử đạo. Ðáp trả với sự kiện không chắc có thực này, chúng ta đã tuyên một cuộc chiến tranh chống "chủ nghĩa khủng bố”. Ðiều này cũng giống như tuyên chiến với sự “sát nhân”; và đó chính là một phạm trù sai lầm khiến che dấu đi nguyên nhân thực của các vấn nạn của chúng ta. Chủ nghĩa khủng bố không phải là nguồn gốc của bạo hành nhân loại, mà chỉ là một biến thái của nó. Nếu Osama bin Laden là nguyên thủ một quốc gia, và Trung Tâm Thương mại quốc tế đã bị dội xập bởi hỏa tiễn, thì thảm họa ngày 11 tháng Chín đúng là một hành động gây chiến. Rõ ràng là chúng ta đã chống lại sự cám dỗ của việc tuyên chiến với một cuộc “chiến tranh” trong hành động đáp trả với biến cố này.

Ðể nhìn thấy vấn đề của chúng ta với chính bản thân Hồi giáo, và không chỉ riêng với “chính sách khủng bố”, chúng ta cần tự hỏi chính mình tại sao khủng bố Hồi giáo lại hành động những việc như họ đã làm. Tại sao một kẻ bất mãn cá nhân, trống rỗng hoặc bất bình thường về tâm lý như Osama bin Laden - một kẻ không nghèo khổ, không thiếu học, không ảo tưởng, cũng không phải là một nạn nhân hàng đầu của mối gây hấn Tây phương – lại đi hiến mình cho các mưu đồ chui rúc trong hang hầm với ý định sát hại vô số đàn ông, đàn bà, trẻ con mà y chưa từng gặp mặt? Câu trả lời cho câu hỏi này thật là rõ ràng- nếu như chỉ vì đã từng được lập đi lập lại đến phát ngán bởi chính Bin Laden. Câu trả lời là những người như bin Laden thực sự tin tưởng vào những gì họ nói rằng họ tin. Họ tin vào cái chân lý nghĩa đen của kinh Koran. Tại sao mười chín con người thuộc thành phần trung lưu, có ăn học tử tế lại dám đánh đổi mạng sống trên thế gian này của mình cho cái đặc ân được giết hàng nghìn người láng giềng của chúng ta? Bởi vì họ tin rằng hành động như thế sẽ giúp họ đi thẳng được đến cõi thiên đàng. Rất hiếm khi có những hành vi của con người được giải thích một cách thỏa đáng và đầy đủ như vậy. Tại sao chúng ta quá do dự để chấp nhận lời giải thích này?

Như chúng ta đã nhìn thấy, thực là có một điều gì đấy mà hầu hết người Mỹ cùng chia xẻ chung với Osama bin Laden, với mười chín kẻ không tặc và phần lớn thế giới Hồi giáo. Chúng ta cũng ấp ủ cái ý tưởng có thể tin vào một số khẳng định vĩ đại mà không hề cần đến chứng tín. Những hành động anh hùng vì cả tin ấy đã không những được xem như chấp nhận được mà còn là một sự cứu rỗi khỏi tội lỗi, thậm chí còn được xem là cần thiết. Ðấy chính là vấn nạn hết sức sâu sắc và nguy hại hơn cả vấn đề chất độc anthrax tẩm trong thư tín. Sự nhượng bộ mà chúng ta dành cho đức tin tôn giáo – cho cái ý tưởng rằng niềm tin có thể được thần thánh hoá bởi cái gì khác hơn là chứng cứ - đã khiến chúng ta không thể định rõ, không thể xướng danh, môt trong những nguyên nhân phổ biến nhất của sự xung khắc trên thế giới của chúng ta.

Chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo

Vạch ra các chiều kích cực đoan thực sự của “Chủ nghĩa Cực đoan Hồi giáo” là một việc quan trọng. Họ cực đoan trong đức tin của mình. Họ cực đoan trong các hiến dâng của họ cho từng ý từng chữ nguyên văn của kinh Koran và sử thánh (văn bản ghi chép lại các hành động và lời dạy của đấng tiên tri), và những thứ này đã dẫn đạo họ trở nên cực đoan đến mức độ tin rằng nền văn hoá tân tiến và thế tục không thể tương thích với sự lành mạnh của đạo đức và tâm linh. Chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo khẳng định rằng các văn hóa tây phương xuất khẩu ra các nước khác đang lôi kéo vợ con họ khỏi Thượng đế. Họ cũng quan niệm sự không tin đạo của chúng ta là một thứ tội lỗi trầm trọng đến mức đáng phải chết ở bất cứ nơi nào sự bất tin đó cản ngăn đến sự truyền bá của Hồi giáo. Các mê say tạp nhạp này không thể giảm nhẹ thành “sự oán ghét” trong tất cả các ý nghĩa thông thường nhất. Hầu hết những người Hồi giáo cực đoan chưa từng đến nước Mỹ, hoăc ngay cả nhìn, gặp một người Mỹ. Và họ ít bất mãn với chủ nghĩa đế quốc Tây phương hơn là bất mãn các nơi khác trên toàn cầu (10). Ðúng ra, họ khốn khổ vì nỗi sợ bị ô uế. Hơn thế nữa, họ cũng héo hon trong cảm giác bị “làm nhục”. Bị làm nhục từ cái thực tế phải chứng kiến, chấp nhận những con người không tin thần thánh, những con người tội lỗi, trở thành chủ nhân của mình khi nền văn minh của họ bị lụi tàn. Cảm giác này cũng là sản phẩm từ chính tôn giáo của họ mà ra. Người Hồi Giáo không chỉ cảm thấy sự lăng nhục của những người nghèo đang bị cướp đoạt mất các cần yếu của sự sống. Họ còn cảm được nỗi nhục của một giống dân (được) chọn lọc bị chinh phục bở những kẻ man rợ. Osama bin Laden chẳng muốn gì cả. Thế thì, y thực muốn gì? Y chẳng hề kêu gọi việc chia xẻ thịnh vượng đồng đều trên thế giới. Ngay cả việc đòi hỏi tư cách quốc gia cho người Palestine cũng chỉ là ý tưởng chỉ đến sau khi đã hành động, vốn phát nguồn phần lớn từ tư tưởng bài Do Thái cũng như từ bất kỳ tình cảm gắn bó nào y có được với người Palestine (chẳng cần phải nói, loại tư tưởng bài Do Thái và tình cảm gắn bó với người Palestine đấy cũng là sản phẩm của đức tin của y). Dường như y đã hành động đa phần trên sự hiện hữu của những người không tin đạo (Lính Mỹ và người Do Thái) trong thánh địa của Hồi giáo và trên sự tưởng tượng về một tham vọng đất đai của chủ nghĩa phục quốc Do Thái trong y. Ðây là những bất mãn hoàn toàn có tính lý thuyết. Nếu như mọi nguyên nhân chỉ vì y thù ghét chúng ta thì có lẽ đã dể hiểu hơn nhiều cho mọi đàng.

Thật ra mà nói, thù hận là một thứ tình cảm hết sức đặc biệt của nhân tính,và hiển nhiên là nhiều người Hồi giáo cực đoan cảm được lòng hận thù này. Nhưng ở đây, đức tin vẫn là mẹ đẻ ra thù hận, như nó vốn là như thế ở bất kỳ nơi đâu mà con người xác định cái đặc thù đạo đức trong phạm trù tôn giáo của mình. Cái khác biệt nổi bật duy nhất giữa người Hồi giáo và người không Hồi giáo là ở chỗ người không theo Hồi giáo không biểu lộ đức tin của mình vào đấng Allah, và Mohammed là tiên tri của Người. Ðạo Hồi là một tôn giáo có tính truyền giáo: không có vẻ gì là có một học thuyết cơ bản của sự kỳ thị chủng tộc, hoặc ngay cả một thứ chủ nghĩa dân tộc, cổ cũ cho thế giới của các chiến sĩ Hồi giáo. Dĩ nhiên những người Hồi giáo có thể vừa là kẻ kỳ thị chủng tộc vừa là kẻ theo chủ nghĩa dân tộc nhưng có thể là tất cả nhưng chắc chắn rằng nếu Tây phương tiến hành một cuộc cải đạo ồ ạt qua Hồi giáo- và, nếu cần thiết - chối bỏ luôn tất cả đặc quyền của người Do thái trong vùng thánh địa – thì căn bản của mối “thù hận” Hồi giáo chắc sẽ đơn giản biến mất. (11)

Hầu hết những người Hồi Giáo phạm tội ác đều triệt để với ước vọng lên thiên đàng của mình. Một kẻ đánh bom tự sát người Palestine khi bị bắt đã diễn tả mình bị “thúc đẩy” tấn công người Do Thái từ “tình yêu cho việc tử đạo”. Y nói thêm rằng "Tôi không muốn trả thù ai cả, tôi chỉ muốn được làm người tử vì đạo”. Ông Zaydan, người đáng lẽ tử vì đạo, thừa nhận những người Do Thái bắt giữ ông còn “tốt lành hơn rất nhiều người Ả Rập”. Khi nói đến những khổ đau mà sự tử đạo của ông có thể gây ra cho gia đình mình, ông nhắc người phỏng vấn rằng một người tử vì đạo sẽ được chọn bảy mươi người theo mình lên thiên đàng. Chắc hẳn ông sẽ mời gia đình mình lên cùng. (12)

NHƯ TÔI ÐÃ NÓI, con người của đức tin có khuynh hướng tranh cãi rằng không phải bản thân đức tin mà chính bản chất hèn hạ tự nhiên của con người đã xúi dục các bạo hành ấy. Nhưng tôi trả lời rõ ràng là một con người bình thường không thể bị kích thích để thiêu sống một lão học giả thiên tài vì tội phỉ báng kinh Koran (13), hay ăn mừng những cái chết vì bạo hành của các con mình, trừ khi họ tin vào những điều không chắc có thực về bản chất của vũ trụ. Bởi lẽ hầu hết các tôn giáo đều không mang lại một cơ chế giá trị để qua đó các niềm tin cốt lõi của họ được thử thách và sửa chữa lại, mỗi thế hệ người mới tin theo bị cưỡng ép phải kế tục mối thù cũ có tính bộ tộc và mê tín từ các tiền nhân. Nếu chúng ta muốn đề cập đến tính thấp hèn của mình, sự sẵn lòng sống, giết người và chết vì các giá trị của những xác nhận mà chúng ta không hề có chứng cứ thì đấy chính là một trong những chủ đề đầu tiên để luận bàn.

Hầu hết những người ở vị trí lãnh đạo trên đất nước chúng ta sẽ tuyên bố rằng không hề có mối liên hệ trực tiếp nào giữa đức tin của Hồi giáo và “chủ nghĩa khủng bố”. Tuy vậy, rõ ràng là Hồi giáo thù ghét Tây phương từ ngay trong các phạm trù đức tin của họ và rõ ràng là kinh Koran đòi hỏi đến mối thù ghét ấy. Những người Hồi giáo “ôn hòa” đã tuyên bố ở mọi nơi là kinh Koran không hề yêu cầu đòi hỏi sự thù ghét như thế và đạo Hồi là một “tôn giáo của hòa bình”. Nhưng ta chỉ cần đọc chính từ kinh Koran để biết rằng những tuyên bố ấy thực là không đúng:

Hỡi Tiên tri, hãy khai chiến với bọn không tin đạo, bọn đạo đức giả, và cư xử khắc nghiệt với chúng nó. Ðịa ngục sẽ là nơi ở của chúng: một nghiệp chướng xấu xa.
(Koran 9:73)

Hỡi những người tin đạo, hãy khai chiến với bọn chống đạo đang ở chung quanh các ngươi. Hãy cứng rắn với chúng nó. Hãy hiểu rằng Thượng đế ở về phía người thiện.
(Koran 9:123)

Những người Hồi giáo ngoan đạo không thể không khinh miệt văn hóa của chúng ta, ở tầm mức thế tục, là một thứ văn hoá phản đạo, ở tầm mức tôn giáo, là một loại khải huyền nửa vời (như kiểu Kitô giáo và Do thái giáo), thấp kém trong mọi khía cạnh so với sự khải huyền của Hồi giáo. Cái thực tế mà người Tây phương đang thụ hưởng được sự thịnh vượng vượt trội và một quyền lực thế tục hơn bất kỳ quốc gia Hồi giáo nào bị những người Hồi giáo sùng tín xem như là một sự éo le tai ác, và tình trạng này luôn có giá trị như một lời mời rộng mở cho các thánh chiến của người Hồi giáo. Tới mức độ hễ là một người Hồi giáo, nghĩa là tin rằng chỉ Hồi giáo mới hình thành được con đường duy nhất có thể đứng vững được để đến với Thượng đế, tin rằng kinh Koran là phương cách toàn hảo nhất để diễn đạt con đường đó - kẻ ấy sẽ cảm thấy xem khinh bất cứ người đàn ông đàn bà nào dám nghi ngờ đến lẽ phải cho niềm tin như thế của mình. Hơn cả thế, y còn cảm thấy rằng niềm hạnh phúc đời đời của con cái y đang ở trong gian nguy chỉ vì sự hiện hữu của những kẻ không tin đạo kia trên thế gian. Nếu những kẻ ấy chuẩn bị làm ra các chính sách luật lệ khiến y và con cái y phải tuân theo thì cái năng lực tiềm tàng của bạo hành tác động bởi niềm tin của y có lẽ không thể nguôi đi được. Ðây chính là nguyên nhân vì sao các lợi điểm kinh tế, giáo dục, tự bản thân, là các phương thuốc không đủ để chữa trị các bạo hành tôn giáo. Chả trách có nhiều người thuộc thành phần trung lưu, chính thống có ăn học cũng sẵn sàng giết người và xả thân vì Thượng đế. Như Samuel Huntington (14) và các học giả khác đã từng nhận xét, trào lưu bảo thủ tôn giáo trong các nước đang phát triển, trên nguyên tắc không phải là phong trào của người nghèo và thiếu học.

Ðể nhìn thấy vai trò của đức tin trong sự phát tán của bạo lực Hồi giáo, chúng ta chỉ cần hỏi tại sao có quá nhiều người Hồi giáo khao khát muốn biến mình thành bom nổ trong lúc này. Câu trả lời: bởi vì kinh Koran đã làm cho những hành vi này trở nên một thứ cơ hội của sự nghiệp. Không có nơi nào trong lịch sử chủ nghĩa thực dân Tây phương từng giải thích được hành vi này (dù chúng ta có thể thừa nhận chắc chắn rằng giai đoạn lịch sử này đã ban cho chúng ta đáng kể để chuộc lỗi cho hành vi ấy). Trừ đi niềm tin Hồi giáo trong các cuộc thánh chiến và tử đạo, trừ đi các hành động vốn trở thành không thể hiểu được của những kẻ đánh bom tự sát, cùng cảnh tượng vui mừng công khai luôn luôn theo sau những cái chết ấy, thêm vào đấy các niềm tin lạ thường, người ta sẽ chỉ không khỏi ngạc nhiên tại sao các vụ đánh bom tự sát lại không thể phát triển rộng rãi hơn. Bất cứ ai từng bảo rằng học thuyết của Hồi giáo"không có gì liên quan đến chủ nghĩa khủng bố” – và các làn sóng phát thanh của chúng ta tràn ngập những kẻ biện hộ cho Hồi giáo để khẳng định thêm về điều ấy – thì đúng chỉ là một trò chơi chữ.

Những người tin đạo ở trong nhà, cách biệt hẳn với những người phải chịu những ngăn trở nghiêm trọng – thì không được ngang hàng với những kẻ dám chiến đấu vì lý tưởng của Thượng đế bằng chính của cải và nhân lực của mình. Thượng đế đã ban cho những ai dám chiến đấu bằng tài sản, nhân mạng mình một vị trí cao hơn những kẻ chỉ ngồi ở nhà. Thượng đế đã hứa tưởng tưởng hậu hĩ; nhưng thật hậu hĩ hơn nhiều là sự biết ơn đến những ai đã dám chiến đấu cho Người… Kẻ dám rời bỏ nơi ăn chốn ở của mình để chiến đấu vì Thượng đế và các tùy tòng của Người và bị lấy đi bởi cái chết sẽ được tưởng thưởng bởi Thượng đế… Bọn không tin đạo chính là kẻ thù lâu đời của các ngươi.
(Koran 4:95-101)

Trò tung hứng công khai với những bài báo về đức tin thường sản xuất ra các phát biểu đại loại như: "Hồi giáo là một tôn giáo của hòa bình. Ngay chính từ ngữ Islam vốn đã có nghĩa là hòa bình. Tự sát là việc bị nghiêm cấm trong kinh Koran. Do đó, không hề có một căn cứ nào từ kinh sách cho các hành động của những kẻ khủng bố”. Ðối với lời ba hoa xảo thuật ấy, chúng ta chắc phải thêm rằng cụm từ “bom bẩn” cũng không hề xuất hiện bất cứ đâu trong kinh Koran. Vâng, kinh Koran dường như có công bố điều gì khiến có thể phân giải trở thành một điều cấm cho sự tự sát – “Ðừng tự tiêu hủy chính mình” (4:29)- nhưng chính kinh Koran đã để lại quá nhiều kẽ hở rộng đủ cho một chiếc Boeing 767 bay lọt qua:

Hãy để những kẻ đánh đổi mạng sống của thế gian này cho đời sau, chiến đấu cho chính nghĩa của thượng đế; Chúng ta sẽ tưởng thưởng cho bất cứ ai dám chiến đấu vì chính nghĩa của Thượng đế dù thắng lợi hay phải chết đi…Chỉ người thực tin vào đạo chiến đấu vì chính nghĩa của Thượng đế, còn bọn chống đạo chỉ chiến đấu cho quỷ dữ. Chiến đấu như thế nghĩa là chiến đấu chống lại bọn bạn bè của quỷ Satan…Hãy xướng rằng "Vui thú trần gian chỉ là chuyện tầm thường. Ðời sống sau này mới thực tốt đẹp hơn cho những ai muốn tránh xa quỷ dữ…”
(Koran 4:74-78)

Khi những lời mời gọi cho tử đạo trên được soi nhìn dưới ánh sáng của thực tại là đạo Islam không hề phân biệt giữa thẩm quyền dân sự và tôn giáo (15), những khiếp đảm song sinh của lối giải thích Koran sát nghĩa nhảy ra ngay trước mắt: Trong tầm mức nhà nước, khát vọng muốn Hồi giáo trở thành thống trị trên thế giới dứt khoát có được Thượng đế tham dự ; trong mức độ cá nhân, cái ảo tưởng tử đạo mang lại căn bản hợp lý cho sự quên mình đến tận cùng. Như Bernard Lewis nhận xét, kể từ thời đại của nhà Tiên tri, đạo Hồi đã “liên kết với sự xử dụng đến quyền lực quân sự và chính trị trong tâm tư và ký ức của những người Hồi giáo” (16) Ảo tưởng của Hồi giáo đặc biệt đã chỉ đặc biệt không may ở những nơi nào mà sự khoan dung và chia rẽ tôn giáo được quan tâm đến, bởi vì tử đạo là phương cách duy nhất mà người Hồi giáo có thể đánh vòng qua khỏi các kiện cáo đau đớn của Ngày Phán xét cuối cùng đang chờ tất cả chúng ta để đi thẳng vào cõi thiên đàng. Thay vì phải chờ cả hàng trăm năm khiến mục nát trong cát bụi rồi lại phải chờ đợi được sống lại để các thánh thần dữ tợn tra khảo, kẻ tử đạo được thăng chuyển một cách trực tiếp đến Vườn cảnh của đấng Allah nơi có một bầy trinh nữ mắt nâu đang chờ sẵn.

Bởi vì họ tin tuyệt đối vào vào từng lời từng chữ theo nghĩa đen bản chép các phát biểu nguyên văn từ Thượng đế, các kinh bản như Koran và Kinh thánh phải được đánh giá, và phê phán, cho bất cứ giải thích khả thi nào đến những điều mà sự phiên giải này có thể chịu được - và đến những điều mà sự phiên giải này sẽ bị khuất phục, với những các biến đổi nhấn mạnh và đọc thoáng khác nhau, trên khắp thế giới của đạo giáo. Vấn đề không phải ở chỗ một số người Hồi giáo bất cẩn không lưu ý đến một số hướng dẫn về tính không gây hấn có thể tìm thấy trong kinh Koran, và từ đó dẫn họ đến những hành động kinh hoàng lên những người không theo đạo, vấn đề chính ở chỗ là hầu hết người Hồi giáo tin kinh Koran là lời thật nguyên văn của Thượng đế. Việc điều chỉnh cho phù hợp với thế giới quan của Osama bin Laden là không vạch ra một dòng nào trong kinh Koran chỉ trích việc tự sát, bởi vì lời khẳng định mơ hồ này được sắp đặt trong một bụi cây của những chương đoạn khác vốn chỉ có thể đọc ra như một lời kêu gọi trực tiếp đến cuộc chiến chống lại “bè lũ đồng đảng của Satan”. Câu đáp trả chính đáng cho các bin Laden của thế gian là trừng phạt việc đọc những kinh bản này của mọi người bằng cách tạo ra những yêu sách có chứng cớ tương tự về các vấn đề tôn giáo mà chúng ta đã yêu sách với tất cả các tôn giáo khác. Nếu chúng ta không tìm được phương cách của mình cho đến lúc tất cả chúng ta đều phải sẵn lòng thừa nhận điều ấy, thì tối thiểu, chúng ta không biết chắc có phải Thượng đế đã từng soạn ra một số kinh sách của chúng ta hay không, rồi chúng ta chỉ cần đếm ngày dẫn chúng ta đến Trận chiến cuối cùng - bởi vì Thượng đế đã ban cho chúng ta quá nhiều lý lẽ để giết hết người này đến kẻ khác hơn là chìa má bên kia ra cho tha nhân.

Chúng ta sống trong một thời đại mà hầu như mọi người tin rằng chỉ những từ - “Jesus”, “Allah”, “Ram” đã đủ nói đến sự khác biệt giữa thống khổ đời đời và niềm hạnh phúc bất tận. Hãy suy nghĩ đến sự nguy hiểm ở đây,quả là không ngạc nhiên khi nhiều người trong chúng ta đôi lúc thấy cần phải giết một kẻ khác bởi họ đã dùng sai các từ ma lực, hoặc dùng đúng từ nhưng sai chỗ. Làm sao mà một người nào có thể cả gan nghĩ mình biết rằng đấy chính là cách thức mà thế gian này vận hành? Bởi vì đã được bảo như thế trong các sách thánh của chúng ta. Làm sao chúng ta biết được rằng các sách thánh không bị sai? Bởi vì các chính bản thân sách thánh đã dạy như thế. Những lỗ đen ngòm của nhận thức luận về các thứ này đang vắt kiệt ánh sáng từ thế gian của chúng ta.

Dĩ nhiên, có nhiều phần trong các sách thánh ấy thông thái, đẹp đẽ và an ủi. Nhưng các từ chữ về sự thông thái và giải khuây cũng nhan nhản trong các trang sách của Shakespear, Virgil và Hormer nữa, và chưa có ai từng giết hại hàng ngàn người không quen biết vì những gợi ý mà họ có thể tìm được trong những sách thánh này. Niềm tin rằng một số kinh sách đã thực sự được viết bởi chính Thượng đế (kẻ mà, vì những nguyên nhân khó có thể tìm hiểu được, đã trước tác dở hơn Shakespear rất xa) đã khiến chúng ta bất lực trong việc chú tâm đến các cội nguồn mạnh nhất của các xung khắc nhân loại, trong quá khứ cũng như hiện tại.(17) Làm sao mà sự ngu xuẩn của ý niệm này không từng giờ từng phút bắt chúng ta phải quỳ gối xuống đầu hàng? Có thể nói một cách chắc chắn ít người trong chúng ta từng nghĩ rằng quá nhiều người đã có thể tin vào những sự việc nếu như họ không thực sự tin vào những điều ấy? Hãy thử tưởng tượng trong một thế giới mà nhiều thế hệ nhân loại đã đi đến chỗ tin rằng có một số phim nhựa được Thượng đế tạo ra hoặc tin rằng một phần mềm đặc biệt nào đó đã được giải mã từ chính Người. Hãy thử tưởng tượng đến một tương lai mà hàng triệu con cháu hậu duệ của chúng ta giết nhau vì những lời giải thích cạnh tranh lẫn nhau của Windows 98 hay Star Wars? Có thế có điều gì - bất kỳ điều gì - kỳ quặc hơn thế được không? Thế mà, những điều này đã không hề kỳ khôi hơn chính cái thế gian chúng ta đang hằng sống.

(còn tiếp)

-----------------------------

Chú thích:

(8) Theo C. G. Dugger, “Religious Riots Loom over Indian Politics” Thời báo Nữu Ước 27 tháng bảy 2002. Cũng xin đọc P. Mishra, “The Other face of Fanaticism”, tạp chí Thời báo Nữu Ước, tháng Hai 2004, trang 42-46.

(9) Theo A. Roy, War Talk (Cambridge, Mass.: South End Press, 2003), 1.

(10) Theo Lewis, Crisis of Islam, 57-58, các ghi chú, chúng ta đã gây ra quá nhiều xáo trộn trong vùng trung tâm Châu phi, vùng Ðông Nam châu Á, và vùng nam Phi. Những quốc gia Hồi giáo này vốn bị chiếm đóng bởi các lực lượng ngoại bang (như Ai Cập) thì trong nhiều phương diện lại khá hơn nhiều so với các quốc gia (như Saudi Arabia) không từng bị ngoại bang chiếm đóng. Lấy Saudi Arabia làm ví dụ, bất chấp sự thịnh vượng của mình - vốn không có nguyên nhân nào hơn ngoài sự ưu đãi của thiên nhiên - quốc gia này đã bị bỏ rơi sau các láng giềng mình trong nhiều lãnh vực. Người Saudi chỉ có tám trường đại học để phục vụ 21 triệu dân số, và mãi đến năm 1962 họ mới chấm dứt được nạn nô lệ. Trong tác phẩm Terror and Liberalism của P. Berman (New York: W.W Norton, 2003), trang 16, cũng chỉ cho thấy rằng hầu hết các xung khắc của chúng ta trong những năm gần đây đã từng là những chiến đấu để tự vệ từ nhiều dân tộc Hồi giáo: Cuộc chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên là cuộc chiến tranh để tự vệ đối với Kuwait và Saudi Arabia, và đã phải tiếp tục bằng cả một thập niên bảo vệ vùng trời cho dân Kurd người Iraq ở phương bắc và dân Shia người Iraq ở phương nam; cuộc can thiệp vào Somalia đã hình thành để giải cứu nạn đói kém ở đấy; và sự can thiệp của chúng ta ở vùng Balkan là vì mục đích bảo vệ người Bosnia và Kosovar khỏi sự cướp phá của người Kitô giáo Serb. Các hỗ trợ ban đầu của chúng ta cho quân thánh chiến phiến loạn (Mujahideen) ở Afghanistan cũng nằm trong các ý nghĩa này. Như Berman đã công bố “Trong tất cả lịch sử cận đại, không có một quốc gia nào từng chiến đấu cật lực và kiên trì cho dân cư Hồi giáo như nước Hoa Kỳ”. Ðiều này thật đúng. Thế nhưng thế giới quan của người Hồi giáo lại nhìn sự kiện này thường như một sự bất mãn khác đối với chúng ta; lại thêm một nguồn gốc khác cho sự “khinh miệt” Hồi Giáo.

(11) Dĩ nhiên, người Sunnis vẫn thù ghét người Shiites, nhưng đây cũng là một biểu hiện đức tin của họ.

(12) Theo J. Bennet, “In Isareli Hospital, Bomber Tells of Trying to Kill Israelis” Thời báo Nữu Ước ngày 8 tháng Sáu, 2002.

(13) “Năm 1994, tại một làng phía nam Islamabad, cảnh sát kết tội một bác sĩ vì dám đốt cuốn kinh Koran thiêng liêng, một tội phỉ báng đáng bị xử tử hình. Trước khi ông được đem ra tòa, một đám đông giận dữ đã kéo lê ông ra khỏi trạm cảnh sát, đổ xăng vào ông và thiêu sống ông ta”. Theo J.A. Haught, Holly Hatred: Religious Conflicts of the 90’s (Amherst, Mass.:Prometheous Books, 1995). Trang 179.

(14) Theo S. P. Huntington, The Clash of Civilization and the Remaking of World Order (New York: Simon and Schuster, 1996)

(15) Như nhiều nhà bình luận đã nhận xét, không hề có một câu tương đương trong kinh Koran như câu “cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar, và sự gì của Thiên Chúa hãy trả về Thiên Chúa” như trong kinh Tân Ước. (Matt 22:21). Kết quả là, hầu như không hề có một căn bản thuộc Hồi giáo cho sự phân biệt giữa quyền lực của nhà thờ và nhà nước. Khỏi cần phải nói thêm, điều này quả là một vấn nạn thực sự.

(16) Theo Lewis, Crisis of Islam, trang 20.

(17) Hãy thử nghĩ, cái gì sẽ lấp đầy các trang báo của chúng ta nếu như không có các đối kháng giữa Do Thái với người Palestine, giữa người Ấn độ và người Pakistan, giữa người Nga với người Chechens, giữa các lực lượng quân đội Hồi giáo với các nước Tây phương v.v… Các vấn nạn giữa phương Tây với các quốc gia như Trung Hoa và Bắc Triều Tiên vẫn còn đó, nhưng chúng cũng thường là các kết quả của sự chấp nhận không phê phán một mớ những chủ thuyết khác nhau. Thí dụ như dù những khác biệt giữa chúng ta và bắc Triều Tiên không phải là thuần tuý tôn giáo, nhưng là hậu quả trực tiếp từ sự phát triển cực kỳ loạn trí của ý thức hệ chính trị của bắc Triều Tiên, sự tôn thờ lãnh tụ một cách hèn hạ và sự thiếu thông tin từ thế giới bên ngoài của họ. Bắc Triều Tiên hiện như một giáo phái có trang bị vũ khí hạt nhân. Nếu như 29 triệu cư dân ở bắc Triều Tiên hiểu được mình đang là một cái gì lạ thường giữa thế gian, có lẽ họ đã cư xử khác đi. Vấn nạn của bắc Triều Tiên trên hết và trước hết chính là vấn nạn của những niềm tin không hề được minh chứng (và không thể minh chứng) của những người bắc Triều Tiên. Ðọc P. Gourevich, “Letter from Korea: Alone in the Dark”, New Yorker, ngày 8 tháng 9, 2003, trang 55-75.

 

 

nguồn http://www.x-cafevn.org/node/2223

Trang Tôn Giáo