Gửi Phó GS TS Nguyễn Mạnh Hà Về Luận Cứ Công Nhận VNCH

Nguyễn Mạnh Quang

http://sachhiem.net/NMQ/NMQ121_NMH.php

22-Dec-2022

Thưa Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà,

Có hai điều quan trọng nổi bật trong một bài phát biểu của ông PGS TS Nguyễn Mạnh Hà đã ảnh hưởng đến sử quan, và sự thật lịch sử. Xin được trình bày ngay dưới đây.

A.- Vấn đề thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa.

Theo bài Viết “Bộ Quốc Sử Lần Đầu Tiên Đề Cập Nhiều Vấn Đề Nhậy Cảm” (http://yenbai.noichinh.vn/chi-tiet/bo-quoc-su-viet-nam-lan-dau-tien-de-cap-nhieu-van-de-nhay-cam-2446 ngày Chủ nhật, 04/11/2018)  với tư cách đồng chủ biên phần Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phó Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hà cho rằng:.

“…nếu chính sử không thừa nhận Việt Nam Cộng hòa thì Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bởi theo công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, chủ quyền phải được kế thừa liên tục. Trong khi giai đoạn 1954-1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thụ đắc chủ quyền hai quần đảo này.

NMQ phản biện:

Trước tiên, hai chữ "thừa nhận" cần phải được làm rõ. Nếu chỉ là thừa nhận có một chính phủ tồn tại ở miền Nam, mang tên là Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn 1955-1975, thì điều đó không ai bàn cãi. Nhưng theo dõi mục đích của các vấn đề đi theo, người ta hiểu rằng, sự “thừa nhận” theo ý của ông Nguyễn Mạnh Hà có nghĩa là thừa nhận VNCH là một quốc gia riêng, biệt lập với miền Bắc. Thực ra nó chỉ là một nửa đất nước Việt Nam bị chia cắt do âm mưu của Hoa Kỳ sau Hiệp Định Genève, cấu kết với Vatican dựng nên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm đê thực hiện âm mưu của họ.

Với tư cách là  một người có học vị đại học về sử học và  đồng chủ biên phần Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, có lẽ Giáo-sư Nguyễn Mạnh Hà cũng thừa hiểu rằng:

Trong những năm 1885-1945, các Vua nhà Nguyễn như Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại, làm bù nhìn cho Liên Minh Xâm Lược Pháp- Vatican, trên thực tế họ cũng đã có trách nhiệm bảo toàn lãnh thổ kể cả biển đảo Việt Nam. Do vậy, dù là ngụy quyền cho Liên Minh Xâm Lược Mỹ - Vatican trong những năm 1954-1975,  Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu cũng phải có trách nhiệm bảo toàn lãnh thổ kể cả biên đảo của Việt Nam.

Trong bài “Bàn về biên giới Việt Nam – Trung Quốc: Vấn đề dữ kiện”, tác giả Bàn Tân Định nói về trách nhiệm này của Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican trong việc thương thuyết với nhà Thanh:

“Phải nói ngay rằng thời thế kỷ 18 và trước đó, Việt Nam và Trung Quốc chỉ có "vùng biên giới" chứ không có lằn ranh biên giới rõ ràng. Chính vì thế mà trong một thời gian dài, qua bao nhiêu triều đại, hai bên cứ tranh giành nhau từng vùng đất. Lịch sử của ta đã ghi lại nhiều tranh chấp như thế. Cho đến cuối thế kỷ 19, biên giới đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc mới được quyết định, nhưng người Việt ta không có tiếng nói hay vai trò quan trọng trong quyết định này. Thay mặt Việt Nam, trong thời gian 10 năm (từ 1885 đến 1895), người Pháp kí kết một số hiệp ước với Trung Quốc quyết định biên giới Việt – Trung, trong đó có một số địa điểm Pháp nhân nhượng cho Trung Quốc để đổi lấy quyền lợi kinh tế [6]. Theo sử sách ghi lại, Trung Quốc – sau khoảng ba năm cầm cự và cuối cùng thất bại, cộng thêm sức ép về mặt quân sự của Pháp – bị Pháp ép buộc ký Qui ước đình chiến tại Paris ngày 4/4/1885. Theo Qui ước này, Trung Quốc phải rút quân khỏi Việt Nam (mà trước đó họ đã chiếm đóng ở miền Bắc Việt Nam), và Pháp sẽ giải tỏa Đài Loan và ngưng các hoạt động quân sự trên đất Trung Quốc.(1)

Bản văn sử trên đây cho thấy rõ trong thời gian Liên Minh Xâm Lươc Pháp– Vatican thống trị Việt Nam 1885-1945, việc bảo toàn lãnh thổ đất nước chúng ta đã được họ thương thuyết với Nhà Thanh về biên giới Việt – Trung. Việc làm này hoàn toàn nằm trong tay Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican, chứ triều đình bù nhìn nhà Nguyễn không có vai trò hay trách nhiệm gì cả!

Tương tự như vậy, khi bàn luận để chấm dứt chiến tranh Việt Nam 1945-1954 tại Hội Nghị Genève 1945,  chỉ có phái đoàn Pháp và phái đoàn của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có quyền ngồi vào bàn hội nghị để cùng thảo luận về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam với các nước Anh, Mỹ, Liên Sô, Trung Quốc, Campuchia và Ai Lao (sau đó Mỹ rút lui khỏi hội nghị), chứ ngụy quyền Bảo Đại với danh xưng là “Chính Quyền Quốc Gia” bị cho ngồi chầu rìa, không được tham dự vào các buổi họp bàn luận về các điều khoản trong Hiệp Ước Genève 1954.

Giống như thế, trong những năm 1954-1975, Liên Minh Xâm Lược Mỹ - Vatican thống trị phần đất miền nam vĩ tuyến 17 của nước Việt Nam, các ngụy quyền Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu chỉ là công cụ do Liên Minh Xâm Lược Mỹ - Vatican dựng nên để làm tay sai cho họ. Chính Liên Minh này phải có trách nhiệm bảo toàn lãnh thổ (kể cả các biển đảo) và thương thuyết với các lân quốc về vấn đề bảo toàn lãnh thổ cũng như vấn đề phân định ranh giới, chứ các ngụy quyền Sài Gòn không có tiếng nói, họ chỉ là một thứ bung xung con rối của liên minh xâm lược mà thôi.

Vì thế mà 6 tháng đầu của Hội Nghị Paris (1968-1973) các cuộc thương thuyết  chỉ có đại diện của Hoa Kỳ là Ngoại trưởng Henry Kissinger và đại diện của chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là ông Lê Đức Thọ. Mãi sau này mới mở ra thành hội nghị bốn bên, có thêm Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Phái đoàn của ngụy quyền VNCH bị loại ra khỏi các buổi họp kín của hai phái đoàn Hoa Kỳ và phái đoàn của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa giống y hệt như tình trạng của phái đoàn ngụy quyền Bảo Đại bị loại ra khỏi các buổi họp bàn luận và quyết định các điều khoản trong Hiệp Định Genève 1954.

Trong quá trình đàm phán, Hoa Kỳ gần như phớt lờ ý kiến của đoàn Việt Nam Cộng hòa và tự sắp đặt mọi chuyện trong các cuộc họp kín với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa [2- vi.wikipedia] trong khi phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam lại luôn có sự phân công, phối hợp nhịp nhàng, ăn ý, liên tục thảo luận với nhau trước khi đưa ra quyết sách.[3- vi.wikipedia] Do vậy, sau khi điều khoản Hiệp định được thống nhất giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ thì đoàn Việt Nam Cộng hòa lại từ chối ký vì có những điều khoản bất lợi cho họ. Nhưng Việt Nam Cộng hòa chỉ phản đối được vài ngày, bởi sau đó Hoa Kỳ đã đe dọa và buộc đoàn này phải ký Hiệp định.(2)

Điều đó chứng minh rằng chính quyền VNCH không có khả năng tham gia vào các quan hệ quốc tế, một trong 4 tiêu chuẩn của một thông lệ quốc tế là Công Ước Montevideo về “quyền và nhiệm vụ của các quốc gia”. Nhân đây, cũng nhắc luôn đến Điều 1 của Công Ước Montevideo, như sau:

“Một quốc gia là một chủ thể của luật quốc tế phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về: dân cư ổn định, lãnh thổ xác định, chính phủ và khả năng tham gia vào các quan hệ quốc tế.”(3)

VNCH có dân cư ổn định không? – Không. Trong số dân ở miền Nam, có rất đông người, ủng hộ chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Chính phủ VNCH không thể kiểm soát tất cả.

VNCH có lãnh thổ xác định không? – Không. VNCH không có biên giới, nhất là Vĩ tuyến 17 không phải là biên giới theo bất kỳ công pháp nào.

VNCH có là một chính quyền không? Vâng, đây là tiêu chí duy nhất VNCH đáp ứng, đó là một chính quyền, dù rằng không hoàn toàn đủ quyền hạn.

VNCH có khả năng tham gia vào các quan hệ quốc tế không? – Không, như đã chứng minh trong chuyện Hòa đàm Paris nói trên.

Như vậy, VNCH chỉ thỏa mãn có 1 trong 4 tiêu chuẩn đề ra trong Điều 1 Công Ước Montevideo trong nội hàm "chủ thể của luật quốc tế."

Phần trình bày trên đây cho thấy rằng các ngụy quyền Bảo Đại trong những năm 1948-1965 cũng như các ngụy quyền Ngô Đình Diệm và ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam trong những năm 1954-1975 không có giá trị gì, vì họ không có khả năng tham gia vào các quan hệ quốc tế. Cho nên, chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Việt Nam  vẫn được kế thừa liên tục trong giai đoạn 1954-1975 dưới sự xâm lăng của các thế lực Pháp, và Mỹ.

B .- Vấn đề tên gọi ngụy quân, ngụy quyền.

Ở một góc cạnh khác của việc “đổi mới” lịch sử Việt Nam, Phó Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hà viết:

Để đảm bảo tính khách quan, bộ quốc sử không dùng các tên gọi mang tính miệt thị như "nguỵ quân", "nguỵ quyền", "địch", "bù nhìn", "tay sai"... để chỉ (nói về) chính quyền Quốc gia Việt Nam hay Việt Nam Cộng hòa. Các danh xưng sẽ được viết đúng như tên gọi từng tồn tại.”

NMQ phản biện: Tôi không đồng ý với luận điệu trên đây của Phó Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hà.

Lý do gọi là ngụy quyền Sàigòn do Liên Minh Xâm Lược Mỹ- Vatican dựng nên để làm tay sai cho cả hai thế lực Hoa Kỳ và Vatican. Các ngụy quyền này:

1.- Được nuôi dưỡng hay được trả lương hàng tháng bằng tiền viện trợ của Hoa kỳ,

2.- Được bảo vệ bằng quân đội Hoa Kỳ và đạo quân người Việt đánh thuê cho Hoa Kỳ,

3.- Phải triệt để thi hành lệnh truyền của Liên Minh Mỹ -Vatican qua Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài gòn và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đại diện cho giáo triều Vatican.

4.- Chỉ có thể tồn tại khi Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ còn hiện diện ở Sàigòn.

5.- Khi Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ nhổ rễ cuốn cờ đi khỏi Sàigòn vào cuối tháng 4/1975 thì cả ngụy quyền Sàigòn và đạo quân người Việt đánh thuê cho Liên Minh Xâm Lược Mỹ - Vatican lập tức rơi vào tình trạng ra ngũ tan hàng.

6.- Chỉ có thế làm những gì Hoa Kỳ (qua Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ cho Phép) hay Giáo triều Vatican (qua Hội đồng Giám Mục Việt Nam) và không được làm những gì nếu hai thế lực Hoa Kỳ và giáo triều Vatican không cho phép. NẾU các ngụy quyền này không thi hành nghiêm chỉnh các lệnh truyền của Hoa Kỳ hay của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, THÌ sẽ bị khiển trách, và NẾU tìm cách tránh né không chịu thực thi lệnh truyền của Hoa Kỳ hay của giáo triều Vatican, THÌ sẽ bị trừng phạt thẳng tay. Bằng chứng là:

Thứ nhất: Trong thời gian từ ngày xẩy ra vụ ngụy quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo vào chiều tối ngày 08/05/1963 cho đến cuối tháng 7 năm đó, ông Đại Sứ Hoa Kỳ Frederick Nolting đã tỏ ra bất lực, không thể răn đe được anh em nhà Ngô về việc đàn áp Phát Giáo, băt bớ, giam cầm và tra tấn Phật tử, học sinh, sinh viên tham gia phong trào tranh đấu của Phật Giáo đòi bình đằng về tôn giáo. Vì thế mà ông ta mới bị triệu hồi về Hoa Kỳ vào trung tuần tháng 8 năm 1963, và chính quyền Hoa Kỳ quyết định đưa ông Henry Cabot Lodge đến Sàigòn thay thế ông Nolting để thẳng tay trừng trị anh em tên bạo chúa phản thần tam đại Việt gian Ngô Đình Diệm.

Trước khi thẳng tay trừng trị anh em Nhà Ngô, Tổng Thống Kennedy đã cử Phái Đoàn McNamara đến tận Dinh Gia Long vào ngày 29/9/1963 để trực tiếp ra lệnh cho tên bạo chúa Ngô Đình Diệm phải:

a.- Chấm dứt ngay tức thì những hành động bách hại Phật Giáo,

b.- Phóng thích hết tất cả các tu sĩ Phật giáo, Phật tử, học sinh, sinh viên và tất cả thành phần đối lập ra khỏi các nhà tù ở khắp mọi nơi trong lành thổ miền Nam,

c.- Giải quyết vấn đề Con Rồng Cái Trần Lệ Xuân phóng ngôn bừa bãi làm tổn thương đến uy tín của chính quyền và quân đội Hoa Kỳ, v.v...

Thế nhưng, vì đã lỡ cưỡi trên lưng cọp, Ngô Đình Diệm đã tỏ ra ngoan cố, tìm cách tránh né, không chịu tuân hành lệnh truyền trên đây của Phái Đoàn McNamara. Vì thế mà chính quyền Hoa Kỳ mới ngoảnh mặt đi để mặc cho quân dân miền Nam vùng lên làm lịch sử, lôi cổ anh em nhà Ngô ra đánh đập và bắn chết vào sáng sớm ngày 02/11/1963. Vấn đề này đã được chúng tôi trình bày khá đầy đủ trong Chương 20 với nhan đề là “Cây Muốn Lặng, Gió Chẳng Chịu Đừng”, sách Việt Nam Đệ Nhất Cộng Hòa Toàn Thư (Houston, TX: Văn Hóa, 2000), tr.433-448.

Nói về cái chết của Ngô Đình Diệm về tội phản chủ Hoa Kỳ, Giáo-sư Lý Chánh Trung viết:

“Ông đã tưởng mình có thể lệ thuộc Mỹ một phần nào thôi, còn phần kia thì vẫn “độc lập”, ông đã tưởng mình có thể nhẩy vào vòng tay người Mỹ trong một giai đoạn ngặt nghèo rồi thoát khỏi vòng tay đó khi tình hình sáng sủa hơn, ông đã tưởng có thể chấp nhận làm con cờ trong một ván cờ rồi ngay trong ván cờ đó, có thể tự động đi một nước cờ riêng của ông.

Khi ông nhìn thấy đó chỉ là ảo tưởng thì đã quá trễ: Ông đã chết vì ảo tưởng đó. Và cái chết bi thảm của ông cho thấy một sự thật hết sức tầm thường: Không một con cờ nào có thể tự động đi một nước cờ cho riêng nó, dầu con cờ đó mang tên Ngô Đình Diệm, và không một nước nhỏ nào có thể lợi dụng một nước lớn, nhất là nước đó mang tên Hoa Kỳ.”  Lý Chánh Trung, Những Ngày Buồn Nôn (Sàigòn: Đối Diện,1972), tr 137.

Thứ hai: Sau khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger và ông Lê Đức Thọ (Trưởng phái Đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) đã hoàn tất bản Hiệp Định Paris 1973 vào trung tuần tháng 01/1973, chính quyền Hoa Kỳ ra lệnh cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải ký vào bản hiệp ước này. Ông Thiệu hục hặc tỏ ra chống đối, không chịu ký. Hành động này của ông Thiệu làm cho ông Nixon tức giận và đe dọa “lấy đầu” ông Thiệu. Ông Thiệu run lên, sợ rằng NẾU KHÔNG nghe lời ông Nixon, thì số phận sẽ không khác gì số phận anh em tên bạo chúa phản thần tam đại Việt gian Ngô Đình Diệm hồi đầu tháng 11 năm 1963. Vì thế mà ông Thiệu phải ký vào bản Hiệp Ước Paris 1973. Sự kiện này được tài liệu sử ghi lại như sau:

Chính phủ Việt Nam Cộng hòa không tán thành hiệp định vì những nhượng bộ của Hoa Kỳ đẩy họ vào thế nguy hiểm. Nixon rất tức giận khi Nguyễn Văn Thiệu cản chân ông. Theo hồ sơ mới giải mật gần đây của phía Mỹ thì Nixon có nói: Nếu Thiệu không ký hiệp định thì sẽ "lấy đầu" ông ta (tức Thiệu). Nixon đã nói với Kissinger như sau: "Ông sẽ hiểu thế nào là sự tàn bạo nếu tên khốn kiếp đó (ce salaud) không chịu chấp nhận, ông hãy tin lời tôi". Ngày 16 tháng 1 năm 1973, Đại tướng Haig trao cho Nguyễn Văn Thiệu bức thư của Nixon, mà Kissinger gọi là "bốc lửa". Trong thư này đoạn quan trọng nhất là: "Vì vậy chúng tôi đã quyết định dứt khoát sẽ ký tắt Hiệp định ngày 23 tháng 1 năm 1973 tại Paris. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ làm như thế một mình. Trong trường hợp đó, tôi phải giải thích công khai rằng Chính phủ của ông cản trở hoà bình. Kết quả là sự chấm dứt không tránh khỏi lập tức của viện trợ kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ - và một sự sắp xếp lại Chính quyền của ông cũng chẳng thay đổi được tình hình".[4- vi.wikipedia] Trước sức ép của Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng phải chấp nhận ký kết hiệp định.” Nguồn: Hiệp Định Paris 1973 (Hiệp Định Paris 1973)

Trên đây là hai bằng chứng về hậu quả vô cùng nguy hiểm cho ngụy quyền Sàigòn nếu dám tỏ ra bất tuân lệnh truyền của ông chủ Hoa Kỳ của chúng.

Dưới đây là một số bằng chứng khác về các ngụy quyền miền Nam phải triệt để tuận hành lệnh truyền của Liên Minh Xâm Lược Mỹ - Vatican:

1.- Năm 1965, Thủ Tướng (Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương) Nguyễn Cao Kỳ có ý định mở chiến dịch đem quân tấn công miền Bắc, nhưng Hoa Kỳ không cho phép. Thế là ngụy quyền Sàigòn phải tuân lệnh, không dám động binh.

2.- Năm 1974, sau khi Trung Cộng cưỡng chiếm quần đào Hoàng Sa, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu tính chuyện đem quân tái chiếm quân đảo này, nhưng Hoa Kỳ không cho phép. Ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu phải răm rắp tuân lệnh.

3.- Các tài liệu được tóm tắt (xem link nguồn) trong ảnh dưới đây cho thấy rõ các nhân vật đầu sỏ ngụy quyền Sài gòn công khai nói ra cho thiên hạ biết rõ thân phân làm tay sai cho Hoa Kỳ của nguy quyền Sàigòn:

 

Phần trình bày trên đây cho thấy rõ ràng là thân phận nguy quyền Sàigòn và đạo quân người Việt đánh thuê cho Liên Minh Xâm Lược Mỹ - Vatican trong những năm 1954-1975 còn nặng “tính cách ngụy” hơn cả “tính cách ngụy” của ngụy triều nhà Nguyễn làm bung xung cho Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican thống trị Việt Nam trong những năm 1885-1945.

Muốn cho được khách quan, thì khi viết sử là phải nói lên cái bản chất hay thực trạng hoặc tư thế của cá nhân hay một thế lực làm lịch sử, chứ không phải căn cứ vào cái danh xưng mà cho là khách quan.  Vậy thì “lập lun không sử dụng hai từ “nguy quyền và nguy quân” để được coi là khách quan” của Phó Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hà không có cơ sở hay không đứng vững.

Tôi mạnh tin rằng quý Phó Giáo Sư TS Trần Đức Cường cũng như Phó Giáo Sư TS Nguyễn Mạnh Hà và tất cả các tác giả biên soạn bộ sách Lịch Sử 15 tập do ông Trần Đức Cường Chủ Nhiệm và Tổng Chủ Biên và các tác giả biên soạn bộ sách Lịch Sử Việt Nam 30 tập đều biết rõ như vậy.

Những sự kiện lịch sử đã xẩy ra trong quá khứ là bất di bất dịch, không thể nói khác đi được. Những ý kiến hay những nhận xét khác với sự thật lịch sử của bất kỳ cá nhân hay thế lực nào đưa ra nếu có mục đích lấy lòng các thế lực bản địa đã từng bán nước cho thế lực ngoại thù trước đó hay để đáp ứng cho nhu cầu chính trị cấp thời của giai đoạn nào đó đều không có giá trị!

Ở Trung Quốc trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, sử quan Đông Hồ nói với quan Tể Tướng (Thủ Tướng) Triệu Thuẫn rằng:

“Đã là sử, bao giờ cũng mang tính chất thật tại, đâu phải uốn nắn theo ý muốn của con người. Đầu tôi có thể rơi, nhưng đoạn sử (này) không thể sửa được.”

Triệu Thuẫn buồn rầu nói:

“Thế mới biết, quyền chép sử là một quyền tuyệt đối! Tiếc thay! Ta đã không làm tròn bổn phận để phải mang tiếng nghìn đời!” Mộng Bình Sơn, Đông Châu Liệt Quốc - Tập 2 (Fort Smith, AR: Nhà Xuất Bản Sống Mới, 1980?), tr. 541.

C. Tóm lại,

Với những sự thật về sự lệ thuộc ngoại bang từ Pháp đến Mỹ của các chính quyền ở miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, thì chủ thể pháp lý về tính cách thừa kế, tính cách liên tục làm chủ quyền trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong tay của Pháp, rồi của Mỹ.  Còn “chính phủ Quốc Gia” thời Bảo Đại, hay Việt Nam Cộng Hòa thời Diệm, Thiệu chỉ là những chính phủ bù nhìn của họ. Nhìn qua những cuộc thương thuyết của Mỹ và chính quyền miền Bắc là VNDCCH để tái tạo hòa bình trên Việt Nam, ta thấy rõ chủ thể pháp lý trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thời 1954-1975 là Mỹ, giống như trường hợp triều đình nhà Nguyễn trong những năm 1885-1945, người Pháp đại diện cho Việt Nam để thương thuyết và ký kết với nhà Thanh Hiệp Ước về Biên Giới 1885.

Vậy không cần phải thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa thì Việt Nam mới có thể khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Cũng vậy, tính chất ngụy của các chính phu miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 không thể gọi bằng từ ngữ nào “nhân văn” hơn mà không thay đổi bản chất ngụy của chúng. Có lẽ các vị như PGS TS Nguyễn Mạnh Hà đã tiếp xúc nghe đối phương phản đối nhiều lần nên có mặc cảm cần phải thay đổi từ ngữ cho nhân văn theo ý họ mà thôi.
Chữ “ngụy” thật ra là từ ngữ mô tả vừa chính xác lại vừa nhẹ nhàng nhất so với những thực chất khác của các chính quyền này như: “tay sai”, bù nhìn, tập đoàn đánh thuê,…”.

____________________________________

Ghi chú:

(1) Bàn Tân Định, Bàn Về Biên Giới Việt Nam – Trung Quốc: Vấn Đề Dữ Kiện
Nguồn (https://sachhiem.net/THOISU_CT/ChuB/Bantandinh.php)

(2) Hiệp định Paris 1973

https://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%BB%87p_%C4%91%E1%BB%8Bnh_Paris_1973

(3) Công ước Montevideo
https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_%C6%B0%E1%BB%9Bc_Montevideo

 

Nguyễn Mạnh Quang

______________

Bài đọc thêm:

- Thư Ngỏ Gửi Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Kiều Linh

- Thư Gửi Chị Phan Thi Quỳnh Dzư: Người Bạn Đồng Môn Của Tôi Tại ĐHSP Sàigòn