GIÁO HỘI LA MÃ:

LỊCH SỬ VÀ HỒ SƠ TỘI ÁC

- Nguyễn Mạnh Quang -

http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH58.php

07-May-2014

MỤC XVII

ĐIỆN BIÊN PHỦ: MỒ CHÔN LIÊN QUÂN XÂM LƯỢC PHÁP – VATICAN

Chủ đề của Mục XVII là nói về (1) nguyên do Liên Quân Pháp – Vatican thiết lập các cứ điểm Đỉện Biên Phủ, (2) các trận đánh ác liệt và liên quân Pháp – Vatican bị vây hãm rồi bị đánh bại và phải đầu hàng. Mục này gồm có:

Chưong 58: Pháp - Vatican với chủ tâm dàn quân để dứt điểm Quân Đội Kháng Chiến VN.

Chương 59: Quân Đội Kháng Chiến Việt Nam hành động và đánh bại liên quân giặc

Chương 59a: Ảnh hưởng của Trận Đánh Điên Biên Phủ.


-- o0o --

CHƯƠNG 58


Liên Minh Pháp - Vatican Chủ Tâm Dàn Quân Dứt Diểm Quân Đội Việt Minh


Điện Biên Phủ  trong đề tài này KHÔNG PHẢI là làng Điện Biên Phủ như sử gia Bernard B. Fall đã ghi nhận ở trang 6 trong sách Hell In A Very Small Place, mà là một vùng thung lũng đông dân, trù phú, có sông  Nam Ngoun (Nậm Rốn) chẩy qua, nằm trong tỉnh Lai Châu có chiều dài vào khỏang 17 cây số và chiều rộng độ chừng 9 cây số, có nhiều ngọn đồi bao quanh, cách Hà Nội khoảng chừng 300 cây số về phía Tây Bắc, cách tỉnh lỵ Lai Châu  khỏang 80 cây số về phía Đông Bắc,  nằm gần sát biên giới Việt – Lào và cách kinh thành Luang Prabang chừng 180 cây số về phia Tây Nam.

Về phương diện khí hậu,  Điện Biên Phủ có hai mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa bắt đầu từ khoảng giữa tháng 4 Dương Lịch và mùa khô bắt đầu vào khoảng cuối tháng 10 Dương Lịch. Mùa mưa thì nóng và ẩm ướt. Những ngày có gió Lào (gió Tây) thì oi ả rất khó chịu. Mùa đông thì rất lạnh và rất khô, làm nứt nẻ cả da  người, nhất là ở gót chân.

Về phương diện chủng tộc, Lai Châu là địa bàn của nhóm thiểu số người Thái khoảng gần 700 ngàn Thái trắng và Thái đen. Thái trắng ở Lai Châu và Lào Kay, Thái đen ở Điện Biên Phủ và Sơn La.

Về phương diện chiến lược, Điện Biên Phủ nằm trên  ngã ba trục lộ giao thông chạy về phía Bắc đi Trung Hoa, chạy về phía Nam đi Trung và Hạ Lào, và chạy về phía Tây đi Thái Lan và Miến Điện.

Về phương diện lịch sử,  Liên Minh Xâm Lược Pháp – Thập Ác Vatican đã chiếm đóng Điện Biên Phủ từ năm 1888 và một sân bay được thiết lập ở đây từ năm 1939. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, khi Nhật đảo chánh, hàng ngàn quân Pháp đã dùng trục lộ giao thông  này để trốn sang Trung Hoa. Cũng trong năm 1945, cả quân Nhật và Quốc Quân Trung Hoa (sang giải giới quân Nhật) cũng đều có mặt ở Điện Biên Phủ. Ngay khi vừa ký xong Thỏa Hiệp 6/3/1946, Liên Minh Pháp – Thập Ác Vatican yêu cầu được di chuyển 800 quân lên đây nói là để thay thế Quốc Quân Trung Hoa giải giới quân Nhật.

Đất nước đã trở mình từ ngày 19 tháng 8 năm 1945, nhưng Lai Châu và Điện Biên Phủ vãn nằm dưới ách thống trị của Liên Minh Pháp – Thập Ác Vatican cho mãi tới  Trận Miền Thái (11/10/1952-1/12/1952) thì vùng này mới đổi chủ, thuộc về chính quyền Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của Mặt Trận Việt Minh.

Trong những năm cuối thập niên 1880, ngay khi vừa chiếm trọn được Việt Nam, liên minh giặc triệt để áp dụng chính sách "chia để trị" của Tòa Thánh Vatican  bằng cách tách rời nhóm thiểu số Thái này và vùng Lai Châu - Sơn La thành một vùng tự trị giống như  một bộ lạc, rồi tìm cách đưa  Đèo Văn Trí, người Thái Trắng lên làm thủ lãnh giống như một tiểu vương. Sự kiện này được tác giả Chính Đạo ghi lại trong cuốn Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng với nguyên văn như sau:

Năm 1886, vua Hàm Nghi phong Đèo Văn Chương (tức Trí), Tri Phủ Điện Biên, làm Tuyên Phủ Sứ, vì có công kháng chiến chống Pháp. Phái đoàn Auguste Pavie Pháp tới đây vào năm 1887, nhưng phải tới đầu năm 1888 mới tìm cách tiếp xúc được với Đèo Văn Trí, cố thuyết phục Trí bỏ rơi phong trào chống Pháp của vua Hàm Nghi. Nhưng phải tới chuyến đi thứ hai vào vùng 16  châu Thái từ tháng 3/1888 tới tháng 1/1889, Pavie mới thu phục được các tù trưởng thiểu số chấp nhận sự bảo hộ của Pháp từ năm 1890. Năm 1891, đặt vào Đạo Quan Binh Thứ 4 (4 ème Territoire). Dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đặt tại đây một viên chức hành chánh, lo việc sản xuất và vận chuyển thuốc phiện. Năm 1939, một phi trường nhỏ được thiết lập…” (1)   

 Tình hình chiến sự ở Đông Dương và mối lo của phe cầm quyền ở Pháp vào giữa năm 1953:

Tính đến mùa Hè năm 1953, chiến tranh Đông Dương đã kéo dài tới gần tám năm. Nhìn lại từ đầu cuộc chiến, càng về sau, thế lực của Việt Minh càng trở nên hùng mạnh và càng bất lợi cho Pháp. Trong khi đó, nhân dân Pháp càng trở nên chán ghét chiến tranh. Nhiều người trước kia tích cực ủng hộ chính sách xâm lăng của chính quyền Pháp, vào thời điểm 1953 cũng có khuynh hướng thôi thúc chính quyền Pháp phải nói chuyện với Chính phủ Hồ Chí Minh để chấm dứt chiến tranh. Thêm vào đó,  các nhà lãnh đạo chính quyền Pháp lại cho rằng Việt Minh có thể  tin rằng khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt, Hoa Kỳ có thể  tìm cách trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến và sẽ lấn lướt cướp quyền của họ. Trong khi đó  đã có những hiện tượng tỏ ra cho thấy Việt Minh sẽ  có thể phát động các cuộc hành quân đồng lọat tấn công tiến chiếm  Thượng Lào, tràn xuống Trung Lào, Hạ Lào, rồi đánh thốc vào miền Nam, và gia tăng đánh mạnh ở đồng bằng Bắc Việt để giành lấy thế thượng phong trên khắp chiến thắng hầu tạo nên một sự đã rồi làm thế mạnh khi  ngồi vào bàn hội nghi bàn thảo kết thúc chiến tranh. Như thế, Hoa Kỳ có  muốn trực tiếp can thiệp vào Việt Nam, thì cũng phải công nhận một tình trạng đã rồi. Nếu sự thể xẩy ra như vậy, thì Pháp chẳng còn gì để mà thương thuyết. Các nhà lãnh đạo chính quyền Pháp đã tiên liệu khá chính xác, vì rằng,  sau này, chúng ta thấy Đại Tướng Võ Nguyên Giáp cũng nói rõ quyết đinh của Bộ Tổng Thâm Mưu Quân Đội Việt Minh gần giống như các nhà lãnh đạo Pháp đã tiên liệu. Dưới đây là nguyên văn lời Đại Tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong cuốn Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Điện Biên Phủ:

"Qua nhiều lần đọ sức, Mỹ thấy pháo binh, xe tăng, máy bay hiện đại của mình không thể giành ưu thế trong việc đối đầu với sức mạnh quân sự của các nước xã hội chủ nghĩa, việc thiết lập một tiền đồn chống Cộng ở Đông Á là vô cùng khó khăn, buộc phải tìm cách kết thúc chiến tranh.

Nhân dịp các cường quốc đang bàn giải pháp cho chiến tranh Triều Tiên, trong chính giới Pháp lại xuất hiện ý kiến về một cuộc điều đình: Ngày 18/7/1953 Albert Sarraut, cựu toàn quyền Đông Dương, nói rõ đây là "cơ hội tốt nhất lúc này để giải quyết vấn đề Đông Dương với người sẵn sàng điều đình nhất, nghĩa là với Hồ Chí Minh". Số đông người Pháp từ lâu đã hiểu rõ nguyện vọng hòa bình thực sự của chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng đó là hòa bình trên cơ sở độc lập và thống nhất của Việt Nam mà giới cầm quyền Pháp trong những năm qua chưa thấy buộc phải chấp nhận."(2)

"Tổng quân ủy đề nghị: Để giữ vững và phát huy quyền chủ động, dùng một bộ phận chủ lực, kết hợp với lực lượng địa phương, mở cuộc tiến công vào những hướng chiến lược hiểm yếu mà địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, buộc địch phải phân tán quân cơ động để đối phó. Tiếp tục khoét sâu vào mâu thuẫn cơ bản giữa tập trung và phân tán binh lực của địch, tạo nên thế trận mới, thời cơ mới. Theo dõi tình hình, khi thời cơ xuất hiện, sẽ nhanh chóng tập trung lực lượng, tập trung chủ lực, tiêu diệt sinh lực quan trọng của địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh.

Trên chiến trường Bắc Bộ, sẽ mở cuộc tiến công lên hướng Tây Bắc, tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng Lai Châu, uy hiếp quân địch ở Thượng Lào. Hướng thứ hai là Trung Lào. Hướng thứ ba là Hạ Lào. Ta sẽ đề nghi Quân Giải Phóng Pathét Lào phối hợp với bộ đội Việt Nam mở cuộc tiến công vào hai hướng này, nhằm tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng đất đai. Hướng thứ tư là bắc Tây Nguyên. Vùng tự do ba tỉnh Liên Khu 5 sẽ là mục tiêu chính đánh chiếm trong mùa khô này. Ta mạnh dạn đưa phần lớn bộ đội chủ lực của Liên Khu 5  đánh lên vùng rừng núi bắc Tây Nguyên. Đây chính là biện pháp vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa bảo vệ vùng tự do Liên Khu 5 một cách hiệu quả. Với các chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và chiến trường sau lưng địch ở đồng bằng Bắc Bộ, phải đẩy mạnh chiến tranh du kích, vừa kìm chân các hướng khác. Tại chíên trường chính Bắc Bộ, ta sẽ có kế họach bảo vệ vùng tự do, giấu một số đơn vị mạnh ở những vị trí cơ động, kịp thời tiêu diệt địch khi chúng đánh ra..." (3)

"Tôi và anh (Hoàng Văn) Thái cùng bàn bạc với các đồng chí cố vấn xây dựng một kế hoạch đánh địch ở nhiều hướng  buộc địch phải phân tán đối phó, nhằm trước hết là phá thế tập trung binh lực của địch ở đồng bằng.

Cuối tháng 8 năm 1953, Bộ Tổng Tham Mưu báo cáo với Tổng Quân Ủy một bản kế hoạch tác chiến với 4 nhiệm vụ:

1.- Đẩy mạnh chiến tranh du kích ở  hậu địch phá tan âm mưu bình định của địch,  phá kế hoạch mở rộng quân ngụy.

2.- Bộ đội chủ lực dùng phương thức họat động thích hợp để tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, có thể tác chiến lớn trên chiến trường đồng bằng để rèn luyện bộ đội.

3.- Có kế hoạch bố trí lực lượng tiêu diệt địch khi chúng đánh ra vùng tự do.

4.- Tăng cường hoạt động lên hướng Tây Bắc (Lai Châu), Thượng Lào và các chiến trường khác để phân tán chủ lực địch.

Về sử dụng binh lực, Bộ Tổng Tham Mưu dự kiến:

1.- Mặt trận Tây Bắc và Thượng Lào, có đại đòan  316 và trung đoàn 148.

2.- Mặt trận Trung Du có từ 2 đến 3 đại đoàn và bộ đội địa phương.

3.- Mặt trận hữu ngạn Liên Khu 3 có 2 đại đoàn, trong đó một bộ phận vào địch hậu.

4.- Mặt trận Tây nguyên có các trung  đoàn chủ lực của Liên Khu 5

Đây là phác thảo đầu tiên kế họach tác chiến chiến cục Đông Xuân 1953-1954.” (4)

Vì cho rằng Việt Minh có kế hoạch như vậy, cho nên các nhà lãnh đạo Pháp quyết định ra tay trước. Họ quyết định tìm một vì tướng lãnh có khả năng hơn gửi sang Đông Duơng với một kế họach gồm những chiến lược mới để giành lấy thế chủ động trên chiến trường  bằng cách cho mở các cuộc hành quân lớn thọc sâu vào các vùng của Việt Minh kiểm sóat  nhằm tạo chiến thắng, tạo thế mạnh khi thương thuyết với chính phủ Hồ Chí Minh. Tướng Henri Navarre là mẫu người được chính quyền Pháp chọn lựa đưa sang Đông Dương với kế họach này. Ngày 28/8/1953, ông được đưa lên giữ chức Tổng Tư Lệnh Quân Đội Viễn Chinh tại Đông Dương thay thế Tướng Raoult Salan.

Lý Do Tướng Navarre Dàn Quân Ở Điện Biên Phủ

Như đã nói trên, vì Lai Châu và Điện Biên Phủ nằm trên trục lộ quan trọng, cho nên Tướng Navarre mới quyết đinh cho đổ quân xuống để thiệt lập một tập đoàn cứ điếm ở Điện Biên Phủ  làm căn cứ xuất quân đánh phá chặn đầu  với mục đích cầm chân không cho quân đội Việt Minh đưa quân về đánh chiếm miền đồng bằng Bắc Việt và đánh chiếm Thượng Lào, rồi tràn xuống Trung, Hạ Lào đe dọa miền Tây Nguyên.  Sự kiện này được sách Quân Sử 4 ghi lại như sau:

"Tướng tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp Navarre cho rằng vì những chiến dịch mở ra liên tiếp tại đồng bằng  Bắc Việt, Việt Minh có thể rời bỏ chiến trường này lên chiếm miền Thái và xua quân vào Thượng Lào, đe dọa các miền Trung và Nam Việt, nên ông đã lập ra tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ, một loại cứ điểm quân sự mà cách thức tổ chức cũng như tác dụng đều tương tự như cứ điểm Nassan đã chống lại được chủ lực đối phương vào cuối năm 1952 khi muốn chiếm trọn miền Thái. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ  được Pháp thiết lập kể từ ngày 20/11/1953 với những mục đích sau đây:

1.- Bắt đối phương là Việt Minh phải chấp nhận một trận công kiên chiến mà Pháp cho rằng họ có ưu thế hơn hẳn về không quân và trội hơn về tiếp liệu.

2.- Cầm chân chủ lực Việt Minh tại miền Bắc không cho tiếp sức miền Trung để Pháp thảnh thơi bình định miền trung tâm Trung Việt (chiến dịch Atlante) theo như kế hoạch.

3.- Thiết lập một phòng tuyến ngăn chặn Việt quân băng qua ngả Thượng Lào.

4.- Dùng Điện Biên Phủ làm căn cứ bàn đạp đánh vào hậu tuyến Việt Minh trong trường hợp đối phương rời hậu tuyến này là miền Việt Bắc đánh xuống đồng bằng Bắc Việt." (5)

Trên đây là mục đích của Tướng Navarre. Vì tin tưởng mãnh liệt vào kế hoạch giàn quân như trên cho nên sau khi đổ xuống Điện Biên Phủ và thiết lập các chùm cứ điểm tại đây, cả Tướng Henri Navarre (Tư Lệnh Quân Đội Viễn Chinh tại Đông Dương), và Đại Tá de Casrtries (Tư Lệnh chùm cứ điểm Điện Biên Phủ) đều sợ rằng Quân Đội Việt Minh huỷ bỏ kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ. Sự kiện này được sử gia Bernard B. Fall ghi lại trong cuốn Hell In A Very Small Place – The Siege Of Dien Bien Phu với nguyên văn như sau:

Sự thật là cả de Castries ở Điện Biên Phủ và Tướng Navarre ở Sàigon đều sợ rằng Việt Minh đã bỏ rơi ý định tấn công Điện Biên Phủ.”  (6)

Quân Đội Kháng Chiến Việt Nam Bố Trí Trận Đồ

Theo đúng như kế họach tác chiến của Bộ Tổng Tham, ngay khi mùa khô Đông Xuân 1953 -1954 (khỏang tháng 10/1953), các đơn vị chính của Quân Đội Việt Minh được phân nhiệm như sau:

1.- Hướng chính Tây Bắc được giao cho Đại Đòan 316 dưới quyền chỉ huy của Tướng Lê Quang Ba chịu trách nhiệm giải phóng phần còn lại trong tỉnh Lai Châu, sau đó phối hợp với Trung Đoàn 148 (chủ lực của Tây Bắc) và Quân Đội Pathét Lào giải phóng Phong Xa Ly.

2.- Hướng Trung và Hạ Lào được trao cho Đại Đoàn 304 dưới quyền chỉ huy của Tướng Hoàng Sâm phối hợp với một phần của Đại Đoàn 325 dưới quyền chỉ huy của Tướng Trần Quý Hai chịu trách nhiệm mở rộng vùng giải phóng, và mở thông lộ Bắc Nam Đông Dưòng.

3.- Hướng Tây Nguyên  được trao cho Tướng Nguyễn Chánh, Tư Lệnh Quân Đội Quân Khu 5, sử dụng các trung đoàn chủ lực 108 và 803 của Liên Khu 5 với nhiệm vụ vừa  đánh chiếm vùng Bắc Tây Nguyên vừa phá vỡ âm mưu củng cố và bình định Nam Việt của liên quân giặc Pháp - Vatican.

4.- Hướng Trung Du và Đồng bằng Bắc Việt được trao cho Đại Đoàn 320  và các trung đoàn chủ lực của Liên Khu 3 dưới quyền chỉ huy của Tướng Văn Tiến Dũng. Cánh quân này có nhiệm vụ thu hẹp vùng  địch chiếm đóng, đánh giao thông, phá hủy tất cả phương tiện chuyền  vận và các đường giao thông bằng đường thủy, đường bộ và hàng không.

5.- Phần còn lại của Đại Đòan 325 là các Trung Đòan 18 được chỉ định đặc trách vùng Bình - Trị - Thiên, Trung Đòan  95  ở lại Nghệ An để làm lực lượng dự bị, sẵn sàng lên đường đi tiếp ứng cho hướng nào cần đến.

6.- Trên toàn quốc, từ đồng bằng Bắc Việt cho tới vùng Trung Du cũng như ở Nam Trung Việt, ở Nam Việt, ở Cao Miên và ở Ai Lao, quân đội chủ lực địa phương trong các vùng này phải phối hợp với các đơn vị du kích và dân quân địa phương gia tăng họat động quấy rối khiến cho liên quân giặc Pháp - Vatican phải phân tán lực lượng để đối phó và rơi vào tình trạng lúng túng không biết đâu là chiến trường chính. 

Hành Quân Nghi Binh Của Liên  Quân Pháp - Vatican

Trước khi đổ quân xuống Điện Biên Phủ (bắt đầu từ ngày 20/11/1953), ngày 15/10/1953,  Liên Quân Pháp - Vatican quyết định mở các cuộc hành quân đánh vào Tây Nam Ninh Bình và vùng bờ biển Thanh Hóa với mục đích làm kế nghi binh đánh lạc hướng Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Việt Minh, và có thể là có dã tâm  tạo cơ hội cho khối dân chừng 500 ngàn tín đồ Ca-tô ở vùng Thánh Hóa nổi lên chống lại chính quyền Việt Minh  rồi biến các làng đạo thành  những tập đoàn cứ điểm giống như  làng đạo trong các giáo khu Phát Diệm, Bùi Chu  và các làng đạo khác trong các tỉnh thuộc Liên Khu 3.

Đó là cuộc hành Mouette với 22 tiểu đoàn  trang bị nhẹ đặt dưới quyền chỉ huy của Tướng Gilles và được chia ra làm hai đạo quân do Đại Tá De Castries và Trung Tá  Vanuxem chỉ huy cùng xuất phát từ chợ Ghềnh vào ngày 15/10/1953 theo đường 59 tiến chiếm Rịa, cách chợ Ghềnh vào khoảng 25 cây số, rồi chia quân thiết lập một tập đòan cứ điểm làm thế liên hoàn như một chiến tuyến chống lại quân đội Việt Minh. Sau khi chiếm Rịa xong, Pháp cho một đạo quân tiến vào vùng Chi Nê, Nho Quan. Tất cả cánh quân này gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của Đại Đòan 320, Đạo Đòan 304, một trung đoàn của Đại Đoàn 316 đang trú quân ở Liên Khu 4 và Ninh Bình. Chờ cho Liên Quân Pháp - Vatican tiến sâu vào tới Bỉm Sơn - Quý Hương cho tới ngày 27/10, Việt Minh mới áp dụng lối đánh tập kích phản công khiến cho liên quân Pháp – Vatican phải tìm cách rút lui và bị Quân Đội Việt Minh truy kích gây cho quân giặc tổn thất nặng nề.

Ngày hôm sau, 16/10/1953, liên quân giặc lại tung ra 500 quân đổ bộ vào vùng bờ biển tỉnh Thanh Hóa, đưa quân biệt kích (commandos) vào đốt phá nhà cửa Khoa Trường rồi lui lẹ làng. Trong khi đó, phi cơ địch dùng loa phóng thanh loan tin Liên Quân Pháp - Vatican sẽ tấn công Thanh Hóa (ngầm ý xúi giục tín đồ Da-tô nổi lọan chống lại chính quyền Việt Minh), và cho  thả những giấy thông hành in sẵn với dã tâm giúp cho những người ở trong vùng Việt Minh kiểm soát sử dụng để chạy sang vùng Liên Minh Pháp - Vatican tạm chiếm.

Ngày 2 tháng 11, Liên Quân Pháp - Vatican lại tung ra 7 tiểu đoàn đánh thẳng vào thị trấn Phủ Nho Quan lần thứ hai. Rút kinh nghiệm đau thương của lần trước, lần này quân địch tiến rất chậm vì sợ bị phục kích, nhưng tới khuya cũng bị bộ đội chủ lực của Việt Minh phối hợp với các đơn vị du kích địa phương đánh tập kích vào vị trí trú quân. Sáng hôm sau, hai tiểu đoàn giặc từ phía chợ Cầu tiến lên Móng Lá cũng bị phục kích. Sau gần một giờ ác chiến, dù  là có phi pháo yểm trợ,  Liên Quân Pháp - Vatican cũng bị tiêu mất hai đại đội, và phải rút lui.

Ngày 4/11/1953, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam,  Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Nixon ghé thăm mặt trận Phủ Nho Quan. Việc này khiến cho vị tư lệnh quân đội Liên Quân Pháp -  Vatican phải rải quân dọc đường từ tỉnh lỵ Ninh Bình đến chợ Ghềnh để bảo đảm an ninh. Sau đó, cũng trong ngày này, cuộc hành quân của Pháp đánh vào Phủ Nho Quan cũng chấm dứt. Tính ra, cuộc hành quân này của Liên Quân Pháp – Vatican kéo dài vào khoảng 3 tuần lễ với cái giá phải trả vào khoảng hơn một ngàn binh lính.

Pháp Đổ Quân Xuống Điện Biên Phủ

Chiến dịch Mouette (Hải Âu) đánh vào Phủ Nho Quân chấm dứt được hơn hai tuần thì Tướng Navarre ra lệnh mở cuộc hành quân Castor cho đổ quân xuống cánh đồng Mường Thanh nằm trong lòng chảo Điện Biên Phủ. Ngày 20/11/1953, Liên Quân Pháp- Vatican cho thả 3 tiểu đoàn dù xuống Mường Thanh, rồi hai ngày kế tiếp cho thả thêm 3 tiểu đòan nữa. Tất cả 6 tiểu đoàn này với quân số chừng 4.500 người, chia ra làm hai Liên Đoàn 1 và 2 và đặt dưới quyền chỉ huy của Tướng Gilles. Tại đây, trong những ngày đó, quân đội Việt Minh chỉ có mấy đơn vị chủ lực và du kích địa phương họat động, vì quá bất ngờ, chỉ có thể chống cự cầm chân địch và chờ lệnh Bộ Tổng Tham Mưu.

Sáu tiểu đoàn của Liên Quân Pháp - Vatican được lệnh thiết lập các cứ điểm vừa xong thì không biết TẠI SAO Đại Tá de Castries, cũng là  vị sĩ quan dưới quyền Tướng gilles trong chíến dịch đánh vào Phủ Nho Quan trước đó mấy tuần lễ,  được chỉ định lên thay thế Tướng Gilles .

Tiếp theo đó, ngày 7/12/1953, Tướng Navarre ra lệnh mở cuộc hành quân Pollux cho triệt thoái các đơn vị đồn trú  tại Lai Châu rút về Mường Thanh tăng viện cho hai Liên Đoàn Dù vừa nhẩy xuống ở đây. Cuộc hành quân này gồm có 3 tiểu đoàn Âu Phi được đặt dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Trancart. Đạo quân này lặng lẽ tiến đến Điện Biên Phủ để lại Lai Châu bỏ ngỏ. Đồng thời, gia đình "quốc vương" Đèo Văn Long (con trai của Đèo Văn Trí) cửa "xứ Thái tự trị" (do chính sách "chia để tri" của Giáo Gội La Mã tạo nên) cũng đã  được không vận đưa vào Sàigòn. Ngày 12/12/1953,  quân đội Việt Minh tiến vào thị xã Lai Châu ngổn ngang những xác quân xa nằm bên cạnh những kho chứa quân nhu và quân cụ đã bị phá hủy trước khi rút đi.

Ngoài 3 tiểu đoàn dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Trancart, quân Pháp còn có 25 đại đội biệt kích (Commandos) lính Thái (cấp chỉ huy là người Pháp) đóng chốt rải rác trong tỉnh Lai Châu cũng được lệnh triệt thoái, rút về tăng cường cho tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ. Đồng thời, một Liên Đoàn Dù (gồm 3 tiểu đoàn) được phái tới  Mường Pồn để yểm trợ cho cho các đại đội commodos này rút lui.  Cánh quân này và 25 đại đội  biệt kích (commandos) lính Thái cùng bị bộ đội Việt Minh chặn đánh và cùng bị tốn thất nặng. Về tổn thất của cánh quân Liên Đòan Dù từ Điện Biện Phủ được ghi nhận là: Bị thương 50 người; chết và mất tích 43 người. 25 đại đội biệt kích linh Thái còn thảm thương hơn nữa: Phần vì bị phục kích giữa đường, phần thì bỏ trốn vì bị ảnh hưởng bởi chính sách địch vận và dân vận của Việt Minh, các đơn vị biệt kích lính Thái này khi về đến Điện Biên Phủ chỉ còn lại không tới 10%. Tình trạng thảm thương này được sách Quân Sử 4  ghi lại như sau:

"Pháp phải tập trung để rút các đơn vị biệt kích hoạt động trong miền rừng núi thuộc Lai Châu. Đây là một việc khó khăn và gây cho Pháp một thất bại nặng nề vì Việt Minh đã có đủ thì giờ để chặn đánh. Các đơn vị biệt kích là những đại đội com măng đô, binh sĩ người Thái, cấp chỉ huy là người Pháp. Các đơn vị này có nhiệm vụ rút sau đoàn quân của Trancart để bảo đảm an toàn cho đoàn quân này vì Pháp cho rằng các đơn vị biệt kích được tổ chức nhẹ nhàng và quen thuộc với địa thế sẽ rút sau một cách dễ dàng. Nhưng trên các ngả đường, Việt Minh đều xuất hiện chặn đánh. Các toán com măng đô Thái đã bỏ trốn, một số bị bắt hoặc bị chết trong các cuộc đụng độ, nên khi về tới Điện Biên Phủ, lực lượng biệt kích Lai Châu với số quân 2.101 người trong đó có 37 người Pháp chỉ còn lại 175 người và 10 người Pháp."(7)

Như vậy là, tính từ ngày 20/11/1953 cho đến ngày 12/12/1953 (vừa đúng 3 tuần lễ), Liên Quân Pháp - Vatican đã bị thiệt hai tới  2009 quân nhân các cấp trong đó có 50 người bị thương. [(2101-185) + (43 + 50)]

Đồng thời, với mục đích làm phân tán lực lượng của Việt Minh, ngày 20/1/1954, Tướng Navarre cho mở chiến dịch Atlante với 6 liên đoàn lưu động đánh vào Liên Khu 5, nhằm đánh chiếm khu vực Phú Yên và khu vực Bình Định. Chiến dịch này có mục đích đánh vào hậu tuyến Việt Minh và dùng các lực lượng khinh binh lính Việt để thực hiện công tác bình định sau khi Liên Quân Pháp - Vatican đã đánh chiếm được mục tiêu. Như đã biết rõ ý đồ của Tướng Navarre, Bộ Tổng Tham Mưu Việt Minh vẫn theo đúng kế hoạch đã đề ra, nghĩa là vẫn để mặt trận này cho bộ đội chủ lực của Liên Khu  5 dưới quyền của Tướng Nguyễn Chánh đảm nhiệm và tự lo liệu. Mọi nỗ lực được dồn vào chiến trường Tây Bắc (Điện Biên Phủ). 

Hệ Thống Tập Đoàn Cứ Điểm Điện Biên Phủ Của Liên Quân Pháp - Vatican

Như vậy là sau 3 tuần lể đổ quân vào Điện Biên Phủ, tính đến ngày 12/12/1953, quân số Liên Quân Pháp - Vatican  tại đây đã lên tới trên 9 tiểu đoàn. Những ngày tiếp theo đó, còn có nhiều tiểu đoàn cơ động  được không vận tới để tăng cường chuẩn bị cho trận đánh sắp mở màn. Tới đầu tháng 3/1954, quân số Liên Quân Pháp - Vatcian đã có mặt ở Điện Biên Phủ lên đến 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, tính ra có tới 12 ngàn người gồm  toàn những đơn vị thiện chiến và được trang bị với những trọng pháo, đại liên, xe tăng hạng nặng. Sách Đại Tướng Võ Nguyên Giáo Điện Biên Phủ: Điểm Hẹn Lịch Sử ghi nhận lực lượng của Liên Quân Pháp - Vatican ở Điện Biên Phủ như sau:

"Quân địch ở Điên Biên Phủ hiện có 12 tiểu đoàn và 7 đại đôi bộ binh, gồm phần lớn là quân tinh nhuệ bậc nhất của đạo quân viễn chinh, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly (24 khẩu), 2 tiểu đòan súng cối 120 ly (20 khẩu), 1 đại đội pháo 155 ly (4 khẩu), 1 đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc). Lực lượng không quân thường trực tại sân bay Mường Thanh có: 7 khu trục, 5 trinh sát, 4 máy bay vận tải và 1 trực thăng. Ngoài ra, địch sẽ dùng 2/3 lực lượng máy bay ném bom, máy bay tiềm kích toàn Đông Dương, và 100% máy bay vận tài để yểm trợ trực tiếp Điện Biên Phủ trong trường hợp bị tiến công."(8)    

Số 12 ngàn quân này được rải đóng trong 49 cứ điểm nằm trong các phân khu dưới đây:

1.- Phân Khu Bắc gồm có các trung tâm đề kháng là Gabrielle (đồi Độc Lập) cách xa phân khu trung tâm 4 cây số, và  Anne Maríe nằm gần sân bay Mường Thanh. Hai trung tâm này có  nhiệm vụ bảo vệ  phân khu trung ương về mặt Bắc

2.- Trung tâm đề kháng  Beatrice (Him Lam)  nằm ở phía Đông Bắc [Theo hồi ký của Tướng Navarre cứ điểm này thuộc phân khu bắc, nhưng theo tài liệu của Pháp do Việt Minh bắt được thì căn cứ này thuộc phân khu trung ương, và theo sách Quân Sử 4, căn cứ này thuộc về Phân Khu Bắc], có nhiệm vụ chặn quân Việt Minh từ Tuần Giáo xâm nhập vào đường 41.

3.- Phân Khu Trung Tâm  cũng gọi Khu Trung Tâm Mường Thanh có  5 trung tâm đề kháng là Hugette, Claudine, Eliane, Dominique và Epervier. Mỗi trung tâm đề kháng lại có nhiều cứ điểm, tất cả nằm rải rác  ở chung quanh phi truờng Mường Thanh. Những vị trí của Trung Tâm Huguette và Trung Tâm Claudine nằm ở phía Tây phi trường và phía bên phải sông Nam Ngoun (Nậm Rốm). Những cứ điểm thuộc Trung Tâm Éliane và Trung Tâm Dominique nằm ở phía Đông phi trường và phía bên trái sông Nam Ngoun.  Cứ điểm Epervier là tổng hành dinh của bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

4.- Phân Khu Nam là cứ điểm Isabelle cách Phân Khu Trung Tâm 6 cây số và nằm trên con đường đi Thượng Lào.  Cứ điểm Isabelle gắn liền với Phân Khu Trung Tâm như răng với môi và có tới 2.000 (hai ngàn) quân lính trú đóng.

 Sách Quân Sử 4  ghi lại hệ thống tập đoàn cứ điểm của Liên Quân Pháp - Vatican như sau:

"Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm gồm có ba khu:

1.- Khu trung ương che chở cho một phi trường (phi trường Mường Thanh) gồm có 5 trung tâm kháng cự là Anne Marie, Huguette, Claudine, Eliane và Dominique.

2.- Hai cứ điểm tiền tuyến là Béatrice và Gabrielle được thiết lập ở phía Bắc trên hai ngọn đồi nhìn xuống thung lũng.

3.- Và trung tâm kháng cự Isabelle ở phía Nam, cách xa khu trung ương tới 6 cây số, tại đây có một phi trường bằng đất không thể sử dụng được.

Tính tới ngày 13/3/1954, là khi khởi sự cuộc đánh lớn, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có cả thảy 12 tiểu đoàn bộ binh được phân chia chiếm đóng các vị trí như sau:

Béatrice  : 1 tiểu đoàn Lê Dương.

Gabrielle:  1 tiểu đoàn Bắc Phi.

Năm trung tâm kháng cự trung ương: 6 tiểu đoàn gồm 2 Lê Dương, 2 Bắc Phi, 2 Thái.

Isabelle:    2 tiểu đoàn gồm 1 Lê Dương và 1 Bắc Phi.

Trừ bị:      2 tiểu đòan nhẩy dù đóng tại khu trung ương.

Về phần pháo binh, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có 28 khẩu đại bác, 24 khẩu súng cối 120 ly và 4 cỗ cao xạ 4 nòng được phân phối như sau:

Cứ điểm Isabelle: 12 khẩu đại bác 105 ly

Khu trung ương: 12 khẩu đại bác 105 ly, 4 khẩu đại bác 155 ly, 18 súng cối 120 ly, tức là 3 đại đội, 4 cỗ cao xạ  bốn nòng 12 ly 7.

Cứ điểm Gabrielle: 4 súng cối 120 ly…

Về chiến xa, cứ điểm có một chi đoàn không đầy đủ với 10 chiến xa M.24 được phân chia như sau:

Khu trung ương: 7 chiếc phân ra làm hai chi đội.

Cứ điểm Isabelle: 3 chiếc hợp thành một chi đội.

Về không quân, chỉ có một phi trường ở khu trung ương sử dụng được....

Về công binh, Pháp có một tiểu đoàn với 3 xe ủi đất. Chính tiểu đoàn này đã góp công trong việc xây dựng các cứ điểm như việc thiết lập phi trường với những hầm chứa phi cơ và nhà máy, làm một cây cầu qua sông Nam Youn (Ngoun) làm các pháo đài chiến đấu, các hầm chứa vật dụng và một nhà thương chìm rất lớn.

Về binh sở, Điện Biên Phủ có tới ba đại đội truyền tin, hai bộ phận giải phẫu lưu động và các phân sở quân nhu, quân xa, sen đầm (quân cảnh),v.v….

Kể từ sau ngày 13/3/1954, lúc chiến cuộc chính thức bùng nổ, Pháp đã tăng viện cho Điện Biên Phủ:

5 tiểu đòan nhẩy dù mà phần lớn phải nhẩy nhỏ giọt vào ban đêm để tránh khỏi bị sát hại bởi pháo binh và cao xạ của Việt Minh ở trong tầm nhìn và tầm bắn rất chính xác.

Ba  bộ phận giải phẫu.

Và chừng 850 quân nhân lẻ tẻ.

Để tăng viện cho Điện Biên Phủ, Pháp đã phải kêu gọi các quân nhân tình nguyện, và đã có tới 680 người không phải là nhẩy dù đã tình nguyện nhẩy xuống Điện Biên Phủ sau khi chỉ được chỉ dẫn qua loa một vài động tác thiết yếu."(9)

Tập đòan cứ điểm Điện Biên Phủ do liên quân Pháp - Vatican thiết trí được Bộ Tham Mưu Việt Minh điều nghiên để nắm vững tình hình trước khi khai hỏa tấn công. Đại Tướng Võ Nguyên Giáp kể lại sự kiện này như sau:

"Tập đòan cứ điểm Điện Biên Phủ gồm ba phân khu yểm hộ lẫn nhau. Mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự độc lập. Nhiều cứ điểm được tổ chức lại thành cụm cứ điểm, gọi là "trung tâm đề kháng theo kiểu phức tạp", có lực lượng cơ động, hỏa lực riêng của mình, hệ thống công sự vững chắc, chung quanh là hào giao thông và hàng rào dây thép gai, khả năng phòng ngự khá mạnh. Mỗi một phân khu gồm nhiều trung tâm đề kháng kiên cố như vậy. Mỗi trung tâm đề kháng, cũng như toàn bộ tập đòan cứ điểm nằm chìm dưới mặt đất, hệ thống công sự phụ (hàng rào, bãi dây thép gai, bãi mìn, hệ thống hỏa lực rất mạnh.

Phân khu trung tâm là bộ phận quan trọng nhất, tập trung hai phần ba lực lượng của địch (8 tiểu đoàn, gồm 5 tiểu đòan chiếm đóng và 3 tiểu đoàn cơ động), có nhiều trung tâm đề kháng yểm trợ lẫn cho nhau, bao bọc lấy cơ quan chỉ huy, các căn cứ hỏa lực và căn cứ hậu cần, đồng thời bảo vệ sân bay. Phía đông phân khu có cả một hệ thống cao điểm rất lợi hại, đặc biệt là những ngọn đồi A1 (Eliane 2), C1 (Eliane 1), D1 (Dominique 1), E1 (Dominique 2). Những cao điểm này giữ vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ phân khu.

Ở phía bắc, có phân khu bắc, gồm các trung tâm đề kháng: Đồi Độc Lập (Gabrielle), Bản Kéo. Đồi Độc Lập có nhiệm vụ án ngữ phía bắc,  ngăn chặn con đường từ Lai Châu về Điện Biên Phủ. Trung tâm đề kháng Him Lam (Béatrice), tuy thuộc khu trung tâm nhưng cùng với các vị trí  Đồi Độc Lập, Bản Kéo, là  những  vị trí ngọai vi đột xuất nhất của địch, án ngữ phía đông bắc, ngăn chặn cuộc tiến công của quân ta từ hướng Tuần Giáo vào. Ở phía nam, là phân khu nam, còn gọi là phân khu Hồng Cúm (Isabelle), có nhiệm vụ chặn quân ta tiến công  từ phía nam lên, đồng thời giữ đường liên lạc với Thượng Lào."

Hỏa lực pháo binh được bố trí thành hai căn cứ: một ở Mường Thanh, một ở Hồng Cúm, có thể yểm trợ lẫn cho nhau, và cho tất cả các cứ điểm khác mỗi khi bị tiến công. Ngoài hỏa lực chung của tập đoàn cứ điểm, mỗi trung tâm đề kháng còn có hỏa lực riêng, bao gồm nhiều súng cối các cỡ, súng phun lửa và các loại súng bắn thẳng bố trí thành hệ thống vừa tự bảo vệ, vừa yểm hộ cho những cứ điểm chung quanh.

Điện Biên Phủ có hai sân bay. Sân bay chính ở Mường Thanh, và sân bay dự bị ở Hồng Cúm, nối liền với Hà Nội, Hải Phòng bằng một cầu hàng không, trung bình mỗi ngày có gần 100 lần chiếc máy bay vận tải tiếp tế khoảng 200-300 tấn hàng, và thả dù khoảng 100-150 tấn.

Cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ sẽ diễn ra trên cả địa hình đồi núi và đồng bằng. Những cứ điểm nằm trên  dẫy đồi phía đông tạo thành bức bình phong che chở vững chắc cho khu trung tâm."(10)

Sự kiện 25 đại đội biệt kích lính Thái rút về Điện Biện Phủ bị thảm bại nặng nề tới hơn 90% và 3 tiểu đoàn dù từ Điện Biện Phủ được phái đị yểm trợ cho các đơn vị biệt kích này cũng bị phục kích và thiệt hại nặng nề cho thấy rằng Liên Quân Pháp - Vatican đang bị bộ đội Việt Minh tiến vào vây hãm. Thực tế này đã khiến cho chủ định của Tướng Navarre tung quân vào Điện Biên Phủ  là giành lấy thế chủ động thì bây giờ lại rơi vào thế bị động và bị vây hãm.

Tình trạng này đã trở thành gánh nặng cho nhiều đơn vị khác phải lo việc tiếp liệu, chuyển quân tăng viện. Nó cũng trở thành mối ưu tư hàng đầu cho chính quyền Pháp tại chính quốc và đặc biệt nhất là đối với Liên Quân Pháp – Thập Ác Vatican trú phòng tại Điện Biên Phủ,  không biết sẽ bị tấn công và bị tiêu diệt vào lúc nào. Riêng về  Đại Tá De Castries, được giao phó cho trách nhiệm chỉ huy tập đoàn quân lính trú phòng ở đây bị đưa vào cái "rọ" này. Ông hiểu rõ số phận của ông và đoàn quân bất hạnh của ông hơn ai hết. Thôi thì, "sinh ư nghịệp, tử ư nghiệp". Theo quy luật sinh tồn của nhà binh, việc trước mắt mà ông phải làm là phải dồn hết nỗ lực vào công việc thiết lập các nơi trú quân theo một hệ thống tập đoàn cứ điểm liên hoàn với những công sự chiến đấu vừa có thể chống đỡ  khi bị tấn công, vừa có thể bảo vệ cho nhau. Thần chết như đang lơ lửng trên bầu trời Điện Biên Phủ.

 

_____________

CHÚ THÍCH

(1) Chính Đạo, Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston, TX: Văn Hoá, 2004), tr 73.

(2)Võ Nguyên Giáp, Sđd., tr.8. 

(3) Võ Nguyên Giáp, Sđd., tr.  26-27.

(4) Võ Nguyên Giáp, Sđd., tr.  22-23.

(5) Quân Số 4, Sđd., tr.. 152-153.

(6) Bernard B. Fall, Hell In A Very  Small Place – The Siege of Dien Bien Phu (Cambridge, MA: De Capo Press: 2002), p.81. Nguyên văn “In fact, both de Castries at Dien Bien Phu and Gen. Navarre in Saigon feared that the Viet Minh had altogether abandoned the idea of attacking Dien Bien Phu…”

(7) Quân Sử 4, Sđd., tr..154.

(8) Võ Nguyên Giáp, Sđd., tr. 137.

(9)  Quân Sử 4, Sđd., tr. 154-155.

(10) Võ Nguyên Giáp, Sđd., tr. 138-140.