Tổng Bí thư Lê Duẩn với danh họa Lê Bá Đảng

Bút ký - Nguyễn Hoàn

http://sachhiem.net/NGHOAN/NgHoanLS3.php

12-Jan-2022

Tôi đang ngồi trên xe bon bon trên đường Hồ Chí Minh vào Tây Nguyên băng qua trập trùng đồi núi và băng qua chất chồng ký ức lịch sử. Những dải mây như những tấm khăn voan trắng tinh điệu đàng phủ lên làm tôn thêm vẻ cao xanh vòi vọi của núi. Đường dây 500 KV Bắc - Nam sải cánh vững chãi lượn qua núi, vượt trùng mây. Chiếc xe chở tôi vào Tây Nguyên này đâu biết rằng tôi thầm cám ơn nó, vì nó không chỉ chở tôi trong hiện tại mà còn chở tôi ngược về quá khứ, được sống với dư vang của một thời hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, được cảm và nghĩ tới mối liên hệ kỳ thú giữa hai tên tuổi lẫy lừng từng ôm con đường mòn Hồ Chí Minh vào trong trái tim thương nước nồng nàn của mình: Tổng Bí thư Lê Duẩn và danh họa Lê Bá Đảng.

Ảnh huefestival.com

Đường Hồ Chí Minh là con đường huyết mạch Bắc Nam xuyên qua máu lửa chiến tranh, là con đường của những chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa dân tộc ta đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Qua 16 năm đánh Mỹ, bảo vệ mạch máu giao thông kỳ diệu này, các lực lượng vũ trang Trường Sơn đã bắn rơi 2.450 máy bay, diệt và bắt gần 18.000 tên địch, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Quân đội Mỹ đã đánh giá đường Hồ Chí Minh là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ XX” (theo văn bản lịch sử chính thức của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, dẫn theo Wikipedia).

Từ những con đường mòn nhỏ cho người đi bộ, gùi thồ, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành tuyến giao thông vận tải chiến lược có tổng chiều dài gần 16 nghìn km2, bao gồm nhiều mạng đường bộ, đường ống, đường sông, đưa hơn 4 triệu lượt người vào ra chiến đấu ở các chiến trường, vận chuyển hơn 1,5 triệu tấn hàng, hơn 55 triệu m3 xăng, đồng thời vận chuyển giúp Lào 66.354 tấn, Campuchia 8.179 tấn và 1000 xe ô tô vận tải, chi viện cho mặt trận đoàn kết chiến đấu chống Mỹ của ba nước Đông Dương. Đồng chí Lê Duẩn, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao truyền sứ mệnh kế tục lãnh đạo đất nước giành tự do, độc lập thông qua con đường Hồ Chí Minh đã viết những dòng đầy cảm khái, hào sảng và đặc biệt là đầy dự cảm về tương lai mở ra từ đường Hồ Chí Minh trong Sổ vàng của bộ đội Trường Sơn: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam - Bắc thống nhất nước nhà, là con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta và đó là con đường đoàn kết các dân tộc của ba nước Đông Dương”.

Ảnh danviet.vn

Đi trên đường Hồ Chí Minh giờ đây, dưới cánh sải vun vút của đường dây 500 KV Bắc - Nam mang nguồn sáng thủy điện sông Đà - công trình chiến lược dưới thời Tổng Bí thư Lê Duẩn - về với mọi nhà, càng thấu rõ về “con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta” mà Tổng Bí thư Lê Duẩn đã dự cảm.

Cùng chung niềm tự hào về tầm vóc đường Hồ Chí Minh, niềm dự cảm về ngày mai chiến thắng, ngày mai huy hoàng mở ra từ đường Hồ Chí Minh như Tổng Bí thư Lê Duẩn, trong những năm đất nước còn bị chiến tranh chia cắt, tàn phá khốc liệt, danh họa Lê Bá Đảng sống ở Paris, Pháp vẫn luôn đau đáu, sắt son một lòng hướng về Tổ quốc, hướng về đường mòn Hồ Chí Minh. Họa sĩ Lê Bá Đảng có một kỷ niệm đặc biệt trong đời mình là từng được đi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1946, Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp đã cử họa sĩ Lê Bá Đảng cùng một sinh viên ưu tú nữa làm đại diện đến sân bay Charles de Gaules để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp (năm này ở Pháp diễn ra Hội nghị Fontainebleau).

Danh họa Lê Bá Đảng. Ảnh xanhx.vn

Bức ảnh họa sĩ Lê Bá Đảng đi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó là tư liệu quý về tấm lòng của họa sĩ cũng như của Việt kiều yêu nước hướng về Bác Hồ và Tổ quốc hiện còn lưu giữ tại “mái nhà xưa” của họa sĩ ở làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ký ức về sự kiện đi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp hẳn đã in dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời và trong sáng tạo mỹ thuật của Lê Bá Đảng, thôi thúc danh họa dốc hết tâm huyết để vẽ về truyền thống lịch sử dân tộc (với nhiều tác phẩm tiêu biểu như “Từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh”, bộ tranh “Đất nước”, “Thánh Gióng”… ), vẽ nên loạt tranh “Phong cảnh bất khuất” về đường mòn Hồ Chí Minh, sáng tạo nên các tác phẩm mỹ thuật chống giặc, trong đó đặc biệt có những tác phẩm được làm từ xác máy bay B52 Mỹ bị bắn rơi năm 1972 trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Năm 2001, trong lần gặp họa sĩ Lê Bá Đảng về thăm quê và trao quà “Cây mùa xuân” cho trẻ em khuyết tật, đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị (trao 100 suất quà cho 100 cháu, từ nguồn bán tranh in, bán hạt gạo làm bằng đất nung của họa sĩ qua mạng Internet), tôi đã hỏi chuyện họa sĩ về bối cảnh ra đời của loạt tranh “Phong cảnh bất khuất” của họa sĩ vẽ về đường mòn Hồ Chí Minh.

Ảnh danviet.vn

Họa sĩ đã cao tuổi, đầu bồng bềnh tóc mây nghệ sĩ nhưng thần thái, phong độ vẫn đầy sinh lực như thuở nào trai trẻ, mắt ánh lên long lanh đầy xúc cảm, hứng khởi kể: “Hồi kháng chiến, tôi ở bên kia. Hồi năm 1970, tôi nghe nói về đường Hồ Chí Minh. Tôi suy nghĩ rồi nói với ông Thọ, ông Thủy (tức là ông Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt của đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và ông Xuân Thủy, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị này - chú thích của người viết) làm thế nào về nước. Ông Thọ, ông Thủy bảo anh về lúc này thì chết mất. Qua trí tưởng tượng của tôi, qua báo chí và qua lời của mấy ông sang họp Hội nghị Paris về Việt Nam mô tả, tôi suy nghĩ đưa con đường mòn Hồ Chí Minh vào trong óc tôi. Từ đó, tôi đã làm cả hàng trăm cái tranh về con đường mòn Hồ Chí Minh, đem triển lãm ở Pháp, Mỹ, Thụy Điển… được khen nhiều. Tôi gọi loạt tranh này là “Phong cảnh bất khuất” ”. Tôi đã xem những bức tranh về đường mòn Hồ Chí Minh trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật Lê Bá Đảng ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, Huế, trong dịp Festival Huế năm 2002. Đường mòn Hồ Chí Minh hiển hiện trong tranh Lê Bá Đảng với dáng nét khúc khuỷu, chông gai nhưng gân guốc, kiên cường. Giữa hai mảng màu chủ đạo là sáng, tối, họa sĩ kẻ lên những đường đỏ thắm xuyên qua, thể hiện hình ảnh “con đường máu” đánh giặc thống nhất đất nước. Họa sĩ từng tâm sự: “Trong rừng sâu hiểm trở, trên núi dưới đèo, bom đạn liên miên, khí hậu bất thường nhưng con người Việt vẫn sắt đá. Mạch máu hồng vẫn xẻ lối đưa đường, tìm cách sống. Ðồng bào tôi mở ra con đường từ Bắc đến Nam với tài trí, sức lực để tìm lẽ sống. Tôi đắp con đường với màu sắc, với mỹ thuật để tỏ lòng kính trọng những ai đã không tiếc máu xương với con đường này. Tôi đưa vào đấy tất cả tâm hồn, tài nghệ và tấm lòng cao hãnh, kính trọng những con người không chịu khuất phục”.

Đặc biệt, ngoài vẽ tranh ra, Lê Bá Đảng còn làm “mỹ thuật chống giặc” từ chất liệu là xác máy bay B52 Mỹ do ông Lê Đức Thọ và ông Xuân Thủy mang sang. Từ thùng xác máy bay B52 Mỹ, họa sĩ đã làm thành các tác phẩm mỹ thuật độc đáo, lấy của giặc để đánh giặc. Tác phẩm “Con cú” với hình đầu con cú mèo diễn tả mỉa mai và nguyền rủa bản chất cú vọ của kẻ xâm lược. Tác phẩm “Châu chấu đá voi” khắc hình một con voi và con châu chấu đeo bám vào tai voi. Voi to nhưng ngáo ộp. Châu chấu nhỏ bé nhưng tinh khôn. Họa sĩ đã tạc lên thân voi hình chiến sĩ giương cao súng chĩa vào tên giặc cao to đang giơ hai tay đầu hàng và khắc lên đó câu ca dao: “Nực cười châu chấu đá voi, tưởng rằng chấu ngã ai ngờ voi nghiêng”. “Châu chấu đá voi” là sức mạnh của chính nghĩa, của “đại nghĩa thắng hung tàn” (Nguyễn Trãi). “Châu chấu đá voi” qua hình tượng nghệ thuật độc đáo của Lê Bá Đảng đã thể hiện sức mạnh văn hóa - sức mạnh nội sinh của dân tộc trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam đánh thắng giặc ngoại xâm không chỉ bằng súng đạn mà còn bằng sức mạnh văn hóa, sức mạnh ngoại giao (trong đó có ngoại giao văn hóa như cách làm của danh họa Lê Bá Đảng) vậy.

Ảnh baothuathienhue.vn

Chính Robert S.Mc Namara, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ qua cuốn sách “Nhìn lại quá khứ, tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995) đã phải thừa nhận về sức mạnh văn hóa Việt Nam: “Chúng ta không thể đạt được mục tiêu ở Việt Nam bằng bất cứ biện pháp quân sự nào” (tr. 308); “Những đánh giá sai lầm của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự thiếu hiểu biết cơ bản của chúng ta về lịch sử văn hóa và chính trị của nhân dân trong vùng” (tr. 316). Tổng Bí thư Lê Duẩn từng khẳng định: “Mỹ yếu hơn ta một cách tuyệt đối về chính trị, về văn hoá, đồng thời cũng thua kém ta về khoa học và nghệ thuật quân sự”.

Ngay từ năm 1968, lúc đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu sang tham dự Hội nghị Paris, Tổng Bí thư Lê Duẩn (lúc bấy giờ là Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng) đã căn dặn ông Lê Đức Thọ: “Anh sang bây giờ sẽ là tư lệnh ở mặt trận ngoại giao. Làm thế nào thì làm nhưng anh phải đạt được là Mỹ cút, quân ta ở lại”. Cũng trong năm 1968, họa sĩ Lê Bá Đảng cùng nhiều họa sĩ nổi tiếng thế giới như Picasso, Matta, Pignon… đã cùng ký vào lời kêu gọi các nhà khoa học, giới văn nghệ sĩ, trí thức trên thế giới tham gia “Ngày của giới trí thức vì Việt Nam” 23/3/1968 nhằm đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam. Trong mặt trận ngoại giao do tư lệnh Lê Đức Thọ mở theo hướng dẫn của Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn, có sự tham gia đầy nhiệt huyết và công hiệu của danh họa Lê Bá Đảng, một hồn Việt luôn đau đáu nỗi niềm thương nước. Bồi hồi đọc lại những bức thư của danh họa gửi cho tôi, tôi dừng lắng lâu hơn, sâu hơn với những dòng thư kể về kỷ niệm mặn nồng của danh họa với Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Năm 1976, sau khi vừa thắng giặc xong thì bác về thăm quê. Ông Ba Duẩn cho thư ký đến đón bác về nhà ăn cơm hai lượt với ông và chuyện trò “thả cửa” như người nhà. Ông Ba Duẩn biết bác nhiều vì những ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ và những người lãnh tụ miền Nam qua Pháp đều thuật lại cho ông Ba Duẩn biết về bác ở Pháp”. Còn nhớ, trong lần tôi gặp danh họa về Quảng Trị trao quà cho trẻ em khuyết tật, đặc biệt khó khăn năm 2001, danh họa tâm sự: “Ai cũng biết tôi từ xưa. Từ ngày kháng chiến đến giờ ai cũng biết tôi làm những cái gì. Ông Thọ và mấy ông qua Pháp đã đến nhà tôi”.

Tổng Bí thư Lê Duẩn và danh họa Lê Bá Đảng là người đồng hương và bà con với nhau (bà Lê Thị Sương, vợ Tổng Bí thư Lê Duẩn là o thúc bá của danh họa Lê Bá Đảng) nên những lúc về Hà Nội, danh họa đều đến thăm o dượng. Những lúc đó, dượng Lê Duẩn thường nhắc chuyện Hội nghị Paris, chuyện đứa cháu (tức là ông Lê Bá Đảng) ở Pháp hoàn cảnh nghèo nàn mà tìm cách đi học được, chuyện làng nước. Cao hơn chuyện tình làng, tình nhà, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã dành cho danh họa Lê Bá Đảng niềm trân quý, niềm đồng vọng trong tình nước nồng nàn, tha thiết của những trái tim lớn yêu nước thương nòi. Lần giở tiếp những dòng thư cũ của danh họa gửi cho tôi, tôi bắt gặp niềm tự hào, hãnh diện trước tình cảm đặc biệt của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã dành cho danh họa trong những lần gặp gỡ: “Dượng cháu rất thân mật và không có cảm tưởng là nói chuyện với ông quan to. Và hình như về phía ông, ông cao hãnh với thằng cháu có tài, có tâm nên ông mới tiếp. Chứ cái thứ cháu như ông thì ông Ba Duẩn có mấy chục đứa là đằng khác, nhưng chỉ có tiếp đứa cháu này thôi”. Có lần, biết ông Lê Bá Đảng đang ở thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc này đang ở Vũng Tàu đã cho thư ký đến đón ông Lê Bá Đảng về ăn cơm với Tổng Bí thư ở Vũng Tàu.

Một kỷ niệm đặc biệt: Người vẽ nhiều “Phong cảnh bất khuất” về đường Hồ Chí Minh qua tưởng tượng, qua sách báo và qua ký ức của những người khác đã được Tổng Bí thư Lê Duẩn sớm tạo điều kiện cho đi tham quan đường Hồ Chí Minh lịch sử, ngay từ năm 1976. Danh họa Lê Bá Đảng kể: “Chính ông Ba Duẩn và ông Xuân Thủy, ông Lê Đức Thọ đã giao tướng Hoàng Hoa đưa bác vào thăm đường mòn Hồ Chí Minh vì lúc đất nước còn giặc, ở Pháp bác đã tưởng tượng vẽ ra đường mòn Hồ Chí Minh và đưa đi triển lãm chống giặc ở các nước bên châu Âu và bên Mỹ nữa”. Ngay khi đất nước vừa thoát ra khói lửa chiến tranh triền miên, việc tham quan đường Hồ Chí Minh không phải là chuyện dễ được chấp nhận. Lúc đầu, các vị tướng, tá quân đội đều trả lời danh họa là không đi được. Nhưng nhờ có sự “biệt đãi” của Tổng Bí thư Lê Duẩn, danh họa đã được quân đội dẫn đi xem đường mòn Hồ Chí Minh với “nghi thức” đón đưa đặc biệt: xe zíp chở danh họa đi giữa xe của ông tướng quân đội và xe zíp bảo vệ. Đến nơi có một cây to mà bị cắt đứt thân, cạnh cái cây “bị thương” này có một bông hoa mọc lên, duy nhất, trơ trọi trên vùng đất đầy xác máy bay rơi, có anh bộ đội đã lấy cái mũ cối của mình đi múc nước để tưới cho bông hoa. Danh họa đã dừng lắng ngồi ngắm bông hoa này thật lâu và được sống với những phút giây đầy xúc cảm, thi vị và lãng mạn giữa Trường Sơn bi tráng.

Ảnh baothuathienhue.vn

Từ mặt trận ngoại giao Paris, mối dây liên hệ Tổng Bí thư Lê Duẩn - danh họa Lê Bá Đảng qua trung gian các nhà ngoại giao Xuân Thủy, Lê Đức Thọ đã hình thành bền chặt, diễn ra trên nền các sự kiện hào hùng của lịch sử: Đường mòn Hồ Chí Minh (“Phong cảnh bất khuất”), trận “Điện Biên Phủ trên không” (tạc nên các tác phẩm mỹ thuật chống Mỹ từ xác máy bay B52 Mỹ: “Con cú”, “Châu chấu đá voi”… ). Nếu nói rằng “vạn sự do duyên”, dễ thấy rằng mối dây liên hệ này đã được “đưa duyên” từ mối quan hệ đồng hương, bà con, từ mối cộng cảm của những người yêu nước và đặc biệt từ cái ngày trọng đại trong đời danh họa là được đi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp năm 1946. Điều lạ lùng là mối dây liên hệ tuyệt vời này vẫn vẹn nguyên và dài lâu đến tương lai, ngay cả khi Tổng Bí thư Lê Duẩn và danh họa Lê Bá Đảng đã thành người thiên cổ.

Với tầm nhìn vượt thời gian của nhà lãnh đạo kiệt xuất, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã dự cảm rằng đường Trường Sơn là “con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta”. Niềm dự cảm này đã dần dần nên dạng, nên hình trong hiện thực, với việc xây dựng đường dây 500 KV Bắc - Nam và đường Hồ Chí Minh thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng chung niềm dự cảm đó, danh họa Lê Bá Đảng đã nghĩ đến việc sáng tạo một không gian mỹ thuật độc đáo trên sông núi Trường Sơn để phát triển du lịch, góp phần làm cho Quảng Trị trở nên giàu có. Chuyện họa sĩ nêu ra không cao siêu mà rất gần gũi, giản dị, chân mộc như chuyện… hạt gạo, củ khoai đồng đất Quảng Trị khó nghèo.

Nhắc chuyện củ khoai, chạnh nhớ câu chuyện thuở nhỏ, lúc đang còn là đứa bé ngồi trong lòng mẹ, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khóc khi nghe bà nội nói: “Đến bao giờ nhà mình mới có một nồi khoai như nồi khoai nhà bên cạnh?” (dẫn theo lời Thiếu tướng Lê Kiên Trung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an - Báo điện tử VTC New ngày 27/7/2016). Sau này, khi đã trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước, trong lần về thăm quê năm 1976, tâm sự với bà con, Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn không nguôi nhớ về “giấc mơ khoai lang” vì nhớ đến người mẹ của thuở khó nghèo: “Tôi nhớ hồi tôi còn bé, mẹ tôi chỉ mong làm sao để mỗi ngày có đủ ba bữa khoai lang cho con ăn. Tôi thương mẹ tôi, vì vậy bây giờ ở Hà Nội ngày nào tôi cũng ăn thêm vài củ khoai lang để nhớ mẹ tôi… ” (dẫn theo lời kể của ông Chu Trọng Bình, người đã làm cận vệ 13 năm cho Tổng Bí thư Lê Duẩn - Báo điện tử Công an nhân dân, ngày 5/2/2007).

Ký ức về củ khoai lang quê nhà của Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng giống như ký ức về hạt gạo Quảng Trị của danh họa Lê Bá Đảng đều có chung nỗi ám ảnh, trở trăn, thao thức, nghẹn ngào về quê hương nghèo khó và niềm khát vọng thôi thúc làm sao cho quê hương trở nên giàu có. Có lần, danh họa Lê Bá Đảng tâm sự với tôi về “nỗi ám ảnh hạt gạo” trong ký ức cha ông khó nghèo một thuở và trong khát vọng sáng tạo mỹ thuật của ông, tôi nghe mà như được sống cùng lúc cả cõi thực lẫn cõi mộng: “Tôi về quê thấy người ta cày cấy còng lưng cả ngày đêm không đủ ăn, tôi mấy phút làm ra hạt gạo. Hạt gạo của tôi có thể tròn, méo, vuông, dài, ngắn, có thể làm lớn như ngôi nhà tôi ở trong đó được. Có cái nhỏ nhỏ tôi bỏ trong túi, lúc buồn tôi sờ đến hạt gạo của tôi, gây một tình cảm thân thiết. Cái bằng đất sét, cái bằng đá, cái bằng gỗ. Tôi có thể bỏ hạt gạo dưới gối và hạt gạo của tôi nói chuyện với tôi, ai cấm. Hạt gạo đó chưa ai có. Nó ở tỉnh Quảng Trị này ra đấy - Danh họa cười sảng khoái - Nó như vậy, từ trong quê ra vậy đó, không phải cao siêu, văn chương, trăng gió… gì đâu, tôi không có những cái đó”.

Và danh họa phác vẽ ra một dự án, một không gian nghệ thuật độc đáo ở Trường Sơn: “Sao ta không chữa lại ngọn núi, con sông. Tôi đã đi từ đập Trấm lên đến tận cầu Đakrông, đoạn này rất đẹp. Quảng Trị có chỗ cho người đi du lịch dừng lại xem được. Tôi làm được điều này trên sông Đakrông. Nếu tôi làm ở Trường Sơn, trên sông đó, hỏi ai có, chỉ Việt Nam có. Ở Đakrông, tôi làm cho người ở dưới sông nhìn thấy bên kia sông có cái gì như hình hạt gạo, có thể ở đấy, rồi xuống tắm sông. Ai cũng muốn đến. Mà không chỉ để lấy tiền mà thôi, đó là mỹ thuật. Người ta có những khách sạn 5 sao, 6 sao nhưng không bao giờ có những thứ đó. Tôi thấy đá sỏi tròn tròn, xếp lại giống cái này, giống cái kia, cái đó không phải mỹ thuật à? Mỹ thuật của tôi nó khác thiên hạ, không cần láng bóng, không ai có. Trẻ con mồ côi, khuyết tật, một trăm đứa có thể có năm đứa khéo tay, mình sẽ tập cho các cháu làm”.

Ước mơ của danh họa về dự án nghệ thuật ở đường Hồ Chí Minh, dọc sông Đakrông và các dự án khác như “Hàng rào mỹ thuật” thay thế hàng rào điện tử Mc Namara… chưa thành hiện thực thì danh họa đã đi xa. Nhưng đối với Trường Sơn, danh họa đã kịp để lại những tác phẩm “Hạt gạo Trường Sơn” bằng gốm, bằng đất nung, những hạt gạo cõng trên mình “Không gian Lê Bá Đảng” (Lebadang espace), cõng dáng vóc con người và cõng cả “Dấu chân Giao Chỉ”.

Quả vậy, củ khoai, hạt gạo của dân tộc đã “cõng” dấu chân Giao Chỉ của muôn binh đoàn vượt Trường Sơn đi cứu nước, đã “cõng” dấu chân Giao Chỉ của Tổng Bí thư Lê Duẩn và danh họa Lê Bá Đảng đến tìm nhau ở Paris, tìm nhau trên đường Hồ Chí Minh, trên dãy Trường Sơn và gặp nhau ở đích đến là ngày toàn thắng, giải phóng miền Nam và cùng hướng tới “con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta”. Lại nhớ câu của Mc Namara bình luận sau khi cảm nhận, thấm thía sâu sắc về sức mạnh Việt Nam trong cuốn sách đã dẫn: “Sức mạnh sâu thẳm nhất của một dân tộc không nằm ở mũi nhọn quân sự mà ở sự đoàn kết của dân tộc” (tr. 317). Vâng, chính sự kết nối ruột rà từ bọc trăm trứng Âu Cơ, kết nối sâu sắc Tổng Bí thư Lê Duẩn với danh họa Lê Bá Đảng, kết nối thắm thiết người Việt trong nước với người Việt ở nước ngoài, “bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” như Hiến pháp năm 2013 khẳng định đã tạo ra sức mạnh vô song đó, sức mạnh được dưỡng nuôi từ hạt gạo, củ khoai chân mộc, nghĩa tình truyền đời của làng quê Việt Nam.

Xuân Đinh Dậu 2017

 

Trang Lịch Sử