Đến Bao Giờ Mới Minh Oan Cho Những Người Đã Chết Vì Sự Sai Lầm Trong Chiến Tranh Mậu Thân 1968

Nguyễn Đắc Xuân

http://sachhiem.net/NDX/NDX026.php

02-Feb-2018

Nhiệm vụ bây giờ của cách mạng là phải minh oan gia đình, con cái của những người đã chết, trong hoàn cảnh như vậy, trong khi luật pháp cách mạng chưa hề có ý định xử họ vào tội chết; có một người phải minh oan cho một người, có một trăm người cũng phải minh oan cho một trăm người. Đó chính là lẽ phải và tình thương, quần chúng sẽ thông cảm và không bao giờ lẫn lộn trắng đen (Lê Minh)

Từ cuối tháng 1-2018 nầy tôi đã được mời dự nhiều cuộc gặp mặt, tọa đàm, Hội thảo khoa học về đề tài Huế Tết Mậu thân 1968 do Thành ủy Huế, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh TTH, Hội Cựu chiến binh Quân khu IV, Đại học Huế .v.v. tổ chức.

Thành ủy Huế đã nhận bài:

- Nhà thơ Phật giáo đã trở thành nhà tuyên truyền và người chỉ huy thanh niên của Mặt trận Giải phóng;

Kỷ yếu Hội thảo khoa học ở Đại học Huế đã in hai bài:

- Liên Minh các LLDTDC&HBVN Thành phố Huế với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc;

- Nhớ về Tết Mậu thân 1968.

Trên FB Nguyễn Đắc Xuân gần đây đã đăng thêm nhiều bài viết khác nữa.

Vì thế trong các cuộc họp mặt, hội thảo tôi không đề cập đến những bài trên mà dành thời gian cho vấn đề tôi ưu tư nhất lâu nay. Đó là vấn đề chính quyền hiện nay đối với “Những người bị xử lý oan trong chiến tranh” Tết Mậu thân 1968 như thế nào.

Từ 1988 đến nay, tôi đã viết rõ công việc của tôi trong Tết Mậu thân. Tôi chỉ biết những việc tôi đã làm trong địa bàn từ cửa Đông Ba đến cửa Thượng Tứ. Phương châm hoạt động lúc ấy “Chuyện cách mạng ai làm nấy biết” cho nên tôi không thể biết được trong Tết Mậu thân có bao nhiêu người bị xử lý oan. Tuy nhiên, khi chiến tranh đang diễn ra tôi đã đem cái sinh mệnh chính trị của tôi ra “giải oan” cho nhiều người để họ được thoát chết. Đó là trường hợp họa sĩ Lê Văn Tài, thầy LKP, nhiếp ảnh gia Lê Quang.v.v. chưa kể những sĩ quan thoát chết nhờ họ đã tham gia “nghĩa binh” do tôi tổ chức. Một sinh viên Phật tử mới thoát ly một năm rưỡi, không chức vụ, không quyền hành, không có thành tích gì để được Cách mạng khen thưởng, nhưng tôi tự hào vì đã cứu được nhiều người và tránh được cho Cách mạng nhiều sai phạm chết người.

Sau 1975, mỗi lần gặp phải trường hợp cha mẹ bị xử lý trong tết Mậu thân, các con không được vào Đại học. Nếu tôi biết rõ gia đình đó tôi luôn tìm cách minh oan cho người đã mất để các con họ được vào Đại học. Thực hiện việc đó thời Bình Trị Thiên không dễ. Nếu không quyết tâm khó có thể làm được. Tôi nhắc lại một ví dụ:

Khoảng sau năm 1987, cháu Phan Nhật Tiến – con trai thứ ba của ông Phan Thiệu Cầu (cháu nội cụ Phan Bội Châu) đỗ vào trường Y Dược TP HCM nhưng Ban tuyển sinh BTT không cho cháu vào nhập học vì lý do ông Phan Thiệu Cầu là Quân Cảnh đã bị xử lý hồi tết Mậu thân. Tôi viết giấy xác nhận ông Phan Thiệu Cầu bị xử lý oan. Ban tuyển sinh gọi tôi đến bảo:

-“Năm Mậu thân như đồng chí đã viết đồng chí chỉ hoạt động trong Thành nội làm sao đồng chí biết trên dốc Bến Ngự ông Quân cảnh Phan Thiệu Cầu bị xử lý oan?”

Tôi đáp:

- “Tôi không có mặt ở dốc Bến Ngự hồi tết Mậu thân nhưng tôi biết ông Quân cảnh Phan Thiệu Cầu bị xử lý oan vì: Cuối năm 1967, ông Phan Thiệu Cầu cùng với TS Lê Văn Hảo và các cơ sở của Thành ủy Huế tổ chức Kỷ niệm 100 năm sinh Phan Bội Châu (1867-1967), cuộc trưng bày về Phan Bội Châu còn đang diễn ra ở Thư viện Đại học Huế thì xẩy ra cuộc tấn công và nổi dậy, vì vậy không có lý gì bảo ông Phan Thiệu Cầu dù là Quân Cảnh là người có tội được. Cha chết chưa được minh oan lẽ nào chúng ta lại ngăn cản luôn con đường học vấn của người con. Do đó tôi ký xác nhận xin cho Phan Nhật Tiến đi học”.

Ban Tuyển sinh hiểu sự thật chấp nhận cho cháu Tiến đi học. Tiến vào học trễ 15 ngày. Tiến đã học tốt, nay là một dược sĩ giàu có ở TP HCM. Cô giáo Phan Thiên Nga  - chị cả của Phan Nhật Tiến còn nhớ rõ chuyện nầy.

Sau 1975 đất nước hòa bình mà còn thiếu thông tin đến vậy, làm sao trong chiến tranh có đầy đủ thông tin chính xác được. Thông tin đã không chính xác thì việc xử lý người trong chính quyền VNCH làm sao chính xác được.

Trong chiến tranh không thể nào tránh được sai lầm. Nhưng….

Năm 1988, tôi công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế, thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy: Tôi và ông Nguyễn Huy Ngọc (trưởng Ban Tuyên giáo) thực hiện cuốn sách Huế Xuân 68. Thường vụ Thành ủy Huế đã mời ông Lê Minh – người tổ chức và chỉ huy cuộc Tấn công và Nổi dậy tết Mậu thân 1968 ở Huế đến Thành ủy trình bày lại quá trình chuẩn bị, tổ chức chiến dịch, thực hiện chiến dịch và sau đó báo cáo kết quả với Trung ương như thế nào. Ông Lê Minh trình bày hai ngày. Ông rất phấn khởi vì đã đạt được một chiến công lịch sử, nhưng ông luôn luôn xót xa ưu tư về những trường hợp đã bị xử lý oan. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được Thành ủy tín nhiệm nhờ ghi chép lại ý kiến của ông Lê Minh. Sau đó ông Lê Minh xem lại sửa chữa bổ sung nhiều chi tiết trước khi đưa vào sách. Ý kiến của ông Lê Minh có tựa đề “Huế Xuân 68” và tựa đề nầy được chọn làm tựa đề cuốn sách Huế Xuân 68 dày 356 trang.

H.1. Bìa sách Huế Xuân 68 do Đinh Cường vẽ.

Bài của Lê Minh dài 59 trang (từ tr.26 đến tr.84). Tại trang 76 có đoạn viết:

Rốt cuộc là đã có những người bị xử lý oan trong chiến tranh. Dù lý do thế nào thì trách nhiệm vẫn thuộc về lãnh đạo, trong đó có trách nhiệm của tôi. Nhiệm vụ bây giờ của cách mạng là phải minh oan gia đình, con cái của những người đã chết, trong hoàn cảnh như vậy, trong khi luật pháp cách mạng chưa hề có ý định xử họ vào tội chết; có một người phải minh oan cho một người, có một trăm người cũng phải minh oan cho một trăm người. Đó chính là lẽ phải và tình thương, quần chúng sẽ thông cảm và không bao giờ lẫn lộn trắng đen

H.2. Chỉ thị minh oan

Tôi và Nguyễn Huy Ngọc thực hiện cuốn sách nầy với sự cộng tác của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Họa sĩ Đinh Cường trình bày bìa. XN in số 4 TP HCM in giúp.

H.3.Ông Lê Minh (1918-1990)

Sách in xong tổ chức phát hành trước trong giới đồng hương Huế ở TP HCM. Bài của ông Lê Minh được chú ý nhất. Đặc biệt là đoạn về việc minh oan trích trên. Những ai đã đọc qua đều ước mong được thấy lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam sớm thực hiện yêu cầu của người lãnh đạo cao nhất trong cuộc tấn công và nổi dậy hồi Tết Mậu thân.

Cho đến bây giờ chưa có một thống kê nào cho biết đã có bao nhiêu người đã bị xử lý oan trong tết Mậu thân 1968 ở Huế. Tôi không tin con số do phía Hoa Kỳ và VNCH đưa ra từ sau Tết Mậu thân 1968. Lý do tôi sẽ nói sau. Riêng tôi là một Phật tử cán bộ kháng chiến nên được nhiều gia đình quen thân có người bị xử lý oan đã nhờ tôi minh oan. Con số đó cũng đã khá nhiều. Chuyện nhầm lẫn địch ta trong chiến tranh rất dễ xảy ra. Tôi xin trích một chuyện mà tôi đã viết từ năm 2009 và sau đó in trong Nguyễn Đắc Xuân Từ Phú Xuân đến Huế - Tự truyện Tập III, nxb Trẻ 2012 (tr.151-168).

“Một buổi tối, chúng tôi đang đào hố dọc bờ thành cuối đường Ngô Đức Kế và đường Tống Duy Tân thì hỏa châu mở toang bầu trời đêm sáng lên như ban ngày. Tôi thoáng thấy một người đàn ông thấp, lưng hơi khom khom mặc đồ ngủ bị trói giật cánh khuỷu ra sau lưng lững thững bước đi giữa mấy đồng chí an ninh vũ trang. Người tù binh có mái tóc muối tiêu dài vuốt ngược ra sau hơi quen quen khiến tôi bỏ cuốc xẻng chạy đón đầu mấy đồng chí giải tù binh, một loạt hỏa châu khác lụp bụp nổ tóe sáng, tôi nhận diện đựợc người tù binh ấy là bác Lê Quang - một nhiếp ảnh gia có nhà ở đường Trần Hưng Đạo, một người đã bao năm xả thân tranh đấu chống Mỹ Thiệu Kỳ với chúng tôi trên đường phố Huế, chúng tôi có được những bức ảnh dân chúng Huế bị Mỹ ngụy đàn áp dã man từ 1963 đên 1966 phần lớn đều do ống kính của bác Lê Quang cả. May mắn sao tôi gặp được người an ninh vũ trang đi sau cùng là Thiếu tá Hải - người xứ Nghệ từng quen biết tôi mấy năm đi công tác ở Trường Sơn, tôi hỏi:

- “Ông Lê Quang bị bắt vì tội gì vậy ?”

- “Cơ sở báo mấy hôm nay chính ông nầy chỉ điểm cho địch biết đích xác chỗ đóng quân của ta nên địch tập trung bắn pháo giã nát cả vùng dân cư nầy đây!”

Tôi không tin một người hiền lành có quá trình tranh đấu chống Mỹ Thiệu Kỳ như bác Lê Quang lại đi làm cái việc ác nghiệt đó, và bác có muốn cũng không có phương tiện trong hoàn cảnh nầy để làm việc đó được. Tôi hỏi:

- “Cơ sở báo như thế nào anh Hải ?”

- “Họ báo chính ông chủ ngôi nhà ở góc đường Ngô Đức Kế với...”

Tôi hoảng hốt kêu lên:

- “Thôi sai rồi, ông ấy là người từng tranh đấu chống Mỹ Thiệu Kỳ với tôi, nhà ông ở ngoài đường Trần Hưng Đạo, có lẽ nhà ông bị tàu Mỹ trên sông Hương và xe tăng Ontos của Mỹ ghép 6 nòng đại bác không giật bắn sập nên ông chạy vào núp ở đây, chớ ông làm gì có nhà ở đây mà làm chứ?”

- “Thật không?”

- “Không thật thì làm sao tôi dám chạy theo anh mà... Nếu sai tôi chịu trách nhiệm. Xin thả ông về ngay!”

Đến phiên Thiếu tá Hải kêu lên:

- “Cám ơn đồng chí. May không thôi!...”

Bác Lê Quang thoát chết. Và có lẽ bác cũng không biết bác đã bị bắt vì tội gì và vì sao bác được thả”.

(Đoạn kể chuyện nầy đã được Mark Bowden dịch sang tiếng Anh và đăng trong cuốn Huế 1968 từ tr.456-457).

Chuyện tết Mậu thân đã xảy ra vừa tròn 50 năm. Những chuyện chúng tôi làm được và giúp dân chỉ có những người trong cuộc mới hy vọng còn nhớ. Còn những chuyện sai lầm do thiếu thông tin, do bệnh ấu trĩ, hẹp hòi, giáo điều, sợ trách nhiệm gây ra trên toàn mặt trận thì vẫn còn đeo đẳng trong tâm trí nhiều người, nhất là những người Phật tử có một quá trình đấu tranh đô thị như tôi. Tôi rất kỳ vọng ý kiến đề xuất của ông Lê Minh “Nhiệm vụ bây giờ của cách mạng là phải minh oan cho gia đình, con cái của những người đã chết, trong hoàn cảnh như vậy, trong khi luật pháp cách mạng chưa hề có ý định xử họ vào tội chết; có một người phải minh oan cho một người, có một trăm người cũng phải minh oan cho một trăm người. Đó là lẽ phải và tình thương, quần chúng sẽ thông cảm và không bao giờ lẫn lộn đen trắng.” 

Nhưng không hiểu sao mãi cho đến nay (2018) sau 30 năm (1988-2018) lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp vẫn chưa có kế hoạch thực hiện ý kiến đạo nghĩa nhân hậu của người đã làm nên lịch sử Lê Minh.

Năm nay tôi đã 82 tuổi. Tôi rất mừng đầu óc vẫn còn minh mẫn để đi dự các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Mậu thân. Tôi không tin đến các Kỷ niệm 55 năm, 60 năm sau nầy tôi còn có thể đến dự được nữa. Nếu chưa chết thì đầu óc cũng đã mụ mẫm không có thể nói lên nỗi u uẩn chất chứa trong lòng tôi năm mươi năm qua. Không thể chờ đợi được nữa, hôm nay, 31-1-2018, trước khi đi dự “Gặp mặt kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968” do Thành ủy Huế tổ chức tại Trung tâm VHTT tỉnh TTH số 41 Hùng Vương Huế, tôi viết stt nầy. Viết vào lúc 4 giờ sáng ngày 31-1 đúng vào lúc trên đường tôi bôn tập vào cửa Chánh Tây 50 năm trước.

Cho đến hôm nay Đảng viên Đảng Cộng sản VN không ai không biết Nghị Quyết Đại hội VI của Đảng đã kết luận: Có chiến thắng Xuân Mậu thân 1968 mới có Mùa Xuân thống nhất đất nước 1975. Chiến thắng Xuân Mậu thân 1968 là đỉnh cao nhất trong chiến tranh Việt Nam, buộc Mỹ phải từ bỏ chiến lược chiến thắng cuộc chiến tranh của Mỹ ở VN bằng sức mạnh quân sự mà phải quay lại tìm con đường chính trị ngoại giao để rút lui. Sự thất bại của Mỹ trong trận Tết Mậu thân 1968 khiến tướng William Westmoreland bị cách chức, Tổng thổng Johnson không dám ra ứng cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ II, ngưng ném bom miền Bắc, ngồi vào bàn Hội nghị rồi ký Hiệp định Paris, Việt Nam hóa chiến tranh Việt Nam, rút quân Mỹ về nước rồi cuối cùng bỏ VNCH. Chiến thắng 30-4-1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là tất yếu. Quá trình đấu tranh đưa đến kết quả ấy không ai có thể nói khác. Chính nhà văn nhà viết sử Mark Bowden của Hoa Kỳ với tác phẩm thời thượng Hué 1968 đã chứng minh sự thực ấy bằng những con người thực đã tham gia chiến dịch Xuân 1968 từ các phía: Hoa Kỳ, VNCH, Miền Bắc VN, Mặt trận Giải phóng miền Nam, đặc biệt với hàng trăm người Huế đã có mặt trong Tết Mậu thân 1968.

Để có được chiến thắng đỉnh cao Tết Mậu thân Xuân 1968 ấy, thành phố Huế đã đóng góp tinh thần, vật chất vô cùng to lớn. Thiệt hại to lớn nhất là về con người so với tất cả các cuộc chiến tranh trong lịch sử VN, kể cả Ngày thất thủ Kinh đô năm 1885. Chết vì chiến tranh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” để giải phóng miền Nam, chết vì bị trả thù vì đã tham gia với Mặt trận Giải phóng trong 26 ngày đêm, chết vì sai lầm trong chiến tranh, chết vì bom đạn Mỹ phá hủy 80% thành phố Huế, chết vì hận thù, nghi kỵ chụp mũ.v.v. Phần rất lớn người chết đã bị chôn lấp ở Huế. Sau khi lực lượng Giải phóng bị phản kích phải chạy sang tận biên giới nước bạn Lào, chính quyền VNCH và Hoa Kỳ đào bới các hầm hố chôn người chết trong thành phố và vùng ven rồi tuyên bố Việt Cộng đã thảm sát hai ngàn người, có chỗ nói ba ngàn, rồi năm ngàn, thậm chí có chỗ nói bảy ngàn. Một người bị xử lý oan cũng đã đau đớn chảy nước mắt huống chi hàng trăm, hàng ngàn người như thế. Trong số những con số đó có được một con chính xác thì quý vô cùng cho người viết sử sau nầy. Nhưng theo tôi bây giờ và mai sau nữa tìm cho được một con số chính xác là vô cùng khó khăn. Bởi vì trong chiến tranh Việt Nam tính chất của từng cá thể rất khó xác định. Địch mà là ta, ta mà là địch, nửa địch nửa ta. Trong tết Mậu thân nhiều người là địch mà sống và trở thành ta, nhiều người là ta mà muốn giữ thế hợp pháp trở thành địch bị giết trong chiến tranh. Người sống bây giờ còn khó phân biệt huống chi người chết bị chôn vùi thối rữa biết ai là người bị bom đạn chiến tranh giết chết, biết ai là người bị xử lý oan.

Bản thân đội Thanh niên tự vệ Thành nội của tôi trong tết Mậu thân đã chôn cất hàng trăm quân Giải phóng, cán bộ, đồng bào dọc tường thành từ cửa Đông Ba đến cửa Thượng Tứ. Nhiều đội viên lần đầu tham gia Cách mạng và đã chết ngay sau đó. Không ai còn nhớ tên, không ai biết người ấy xuất thân trong gia đình nào. Sau khi khai quật số mộ chôn chung hay chôn riêng ấy VNCH có bảo đó là “Việt Cộng” hay chỉ nói là đồng bào bị thảm sát? Ông Lê Minh cho biết đã có 3.000 chiến sĩ cán bộ Cách mạng đã chết ở Huế trong tết Mậu thân. Trong tác phẩm Trùng Tu, nhà văn quân đội Thái Bá Lợi cho biết tiểu đoàn của anh vào Huế được tăng quân 3 lần với quân số trên 700 người, nhưng đến khi rút ra chỉ còn vài chục người. Vậy cả ngàn chiến sĩ cán bộ Giải phóng chết ở Huế có mấy ai được đem xác ra khỏi Huế? Chôn ở đâu? Nếu không bị bom đạn Mỹ giã nát thì cũng nằm ở đâu đó tại Huế thôi. VNCH và báo chí Hoa Kỳ có phân biệt được trong số mấy vạn xác chết đào lên ở Huế nói là bị thảm sát ấy có bao nhiêu “Việt cộng” không? Tôi chưa nghe thấy bao giờ.

Hàng vạn người đã chết ở Huế trong tết Mậu thân, có người quê miền Bắc, người miền nam, người Quảng Nam, người Quảng Trị, người Nghệ Tĩnh chứ không riêng gì người Huế. Để có được chiến thắng Xuân Mậu thân 1968, hàng vạn người Huế và người cả nước từ nhiều phía đã chết. Thành quả của chiến thắng đưa đến thống nhất đất nước thì dân tộc được hưởng, đặc biệt là những Đảng viên có chức có quyền hiện nay. Đảng và Nhà nước phải chính thức tri ân tập thể quân dân Huế, cảm thông với những người chết từ nhiều phía trong tết Mậu thân – đặc biệt minh oan và xin lỗi đối với hàng trăm người bị xử lý oan như di huấn của ông Lê Minh để lại. Bao giờ Đảng và nhà nước chưa làm việc nầy thì trong lòng người Huế trong và ngoài nước chưa yên. Hận thù chồng chất thù hận. Hết đời nầy đến đời khác. Cõi âm bao trùm cả cõi dương. Theo tôi phải giải quyết vấn đề nầy để xã hội được yên, tránh cho con cháu cái nợ mà thế hệ chúng ta đã gây nên.

Với tư cách là một Phật tử 62 năm theo Phật, một Đảng viên 45 tuổi Đảng, người có 40 năm nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế, người đã tham gia chiến dịch Huế Xuân 68 từ đầu đến cuối, kính đề nghị với Đảng và Nhà nước Việt Nam nên dựng tượng đài ghi ơn quân dân Cách mạng đã làm nên Chiến thắng Tết Mậu thân ở Huế, minh oan cho những người bị xử lý oan, cảm thông cho những người đã chết trong Tết mậu thân vì bất cứ lý do gì. “Đó là lẽ phải và tình thương, quần chúng sẽ thông cảm và không bao giờ lẫn lộn đen trắng.” (Lê Minh).

Nếu Nhà nước thực hiện việc dựng bia với nội dung nêu trên, tôi nghĩ Giáo hội Phật giáo TTH sẽ đứng ra tổ chức một Trai đàn bạt độ Giải oan. Đảng và Nhà nước sẽ cử ra một vị đại diện quốc gia có lời tri ân và xin lỗi, cầu nguyện cho "âm siêu dương thái"…

Một trí thức Phật tử có uy tín (tạm chưa đưa tên) đã trải nghiệm cho biết tổ chức Trai đàn bạt độ Giải oan để:      

“1. Hóa giải: Người đã chết cần được người còn sống ghi nhận, vinh danh, thương tiếc, cảm thông, chia sẻ, xin lỗi hay tha thứ thích ứng với hoàn cảnh cụ thể;

2. Giải oan: Giải tỏa những oan ức, dằn vặt, hiểu lầm, nghi kỵ, đọa đày và động lực đã gây ra sự chết chóc oan khiên;

3. Siêu thoát: Cầu nguyện cho các oan hồn uổng tử được siêu thoát.

Đối với người còn sống, Đàn tràng Giải oan mang đến một nguồn tâm lý trị liệu (psychotherapy) tập thể rất cần cho sự an hòa trong cuộc sống. Nội dung cũng gồm 3 điểm chính:

1). Ghi nhận "nghĩa tử là nghĩa tận". Chết là bình đẳng và trút bỏ mọi hận thù, xung đột, ân cũng như oán, lại đằng sau. Chết là hóa giải và tự hóa giải giữa người ân và kẻ oán;

2). Yên tâm rằng, vong hồn của người thân cũng như kẻ thù đều được siêu thoát, không còn đi theo quấy phá hoặc nuôi mối hận cứ chờ ngày báo oán;

3). Giảm thiểu hay xóa được gánh nặng tinh thần về sự ám ảnh của quá khứ trong chính mình, để cho tâm hồn nhẹ nhàng đối diện với đời sống trước mắt và giúp ích cho thế hệ mai sau”.

Bao giờ lãnh đạo Việt Nam chưa thực hiện được việc tri ân và minh oan cho những người đã mất cho Huế Xuân 68 thì mọi danh hiệu đẹp đẽ nhất dành cho Huế hôm nay còn chưa trọn nghĩa, giá trị lịch sử của chiến thắng Huế Xuân 68 vẫn còn một bộ phận dân chúng chưa công nhận.

Thực hiện việc nầy có gì khó đâu. Tại sao chưa?

Ngày 31 tháng 1 năm 2018

Nguyễn Đắc Xuân

Nguồn tác giả gửi

Trang Thời Sự