Phát Triển Và Truyền Giáo

Minh Mẫn

http://sachhiem.net/MINHMAN/Tongiao/MinhManTG49.php

10-Jun-2012

LTS: Đây là bài viết của một cư sĩ Phật giáo. Cái nhìn của ông về sự khác biệt giữa Tin Lành và Thiên Chúa Giáo La Mã không nhất thiết chính xác (xem các bài so sánh hai tôn giáo của GS Trần Chung Ngọc http://www.sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN04.php, ...TCN05.php, ...TCN06.php), nhưng những thông tin thực tế về hiệu quả truyền giáo của họ có thể rất xác thực. Nhưng GS Trần Chung Ngọc cũng đã phân tích vấn đề cải đạo, và ông lại có cái nhìn khác: không đáng lo ngại! Thực ra đề nghị và quan niệm thông thoáng của ông về Hoằng Pháp có lẽ cũng cần được phân tích, nghiên cứu và phát huy để việc triển dương Phật pháp đạt được thêm hiệu quả. Việc này cần thiết để tranh thủ giữ lại những triết lý sống tốt đẹp trong các quan niệm tôn giáo Á Đông khỏi bị vùi dập bởi làn sóng đi theo một quan niệm về tôn giáo Ki-tô hoàn toàn đặt căn bản trên sự mê tín (không biết rằng nó đang mất dần chỗ đứng ở thê giới Âu Mỹ) chỉ để chạy theo những miếng mồi vật chất mà thôi. Một khi đã chạy theo cái vòng danh lợi này, con người trở thành cuồng nhiệt và mù quáng.(SH)


Hiện nay đạo Tin Lành có khoảng 1 triệu tín đồ và là tôn giáo có số lượng tín đồ tăng nhanh nhất trong thời gian qua so với các tôn giáo khác. 

Đó là lời phát biểu của Ban Tôn Giáo chính phủ họp tại Đà Nẳng vào ngày 06/6/2012, tổ chức Hội Nghị công tác về đạo Tin Lành ở Việt Nam. Với sự tham dự của hơn 200 Linh mục, Mục sư, chấp sự và các trường nhóm của đạo Tin Lành từ Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đà Nẳng về tham dự.

Đây là điều đáng mừng cho một tôn giáo phát triển đồng bộ và linh hoạt nhất trong các tôn giáo hiện hữu tại Việt Nam.

Nếu gọi Tin Lành là một tôn giáo theo nghĩa có giáo chủ, có nghi lễ, có giáo điều, có chức sắc…thì Tin Lành chưa đủ tầm vóc của một Tôn giáo. Tin Lành thoát thai từ Kito giáo, vào thế kỷ thứ 16 bởi Martin Luther, chủ đích là canh cải sự bệ rạc của giáo hội lúc bấy giờ do quyền lực chính trị, đời sống xa hoa trụy lạc của các chức sắc và quan điểm nhân bản trong tinh thần Kinh Thánh; nhưng với thiện chí ấy, không được giáo hội lắng nghe mà còn bị trừng phạt, nên Martin Luther cùng một số chức sắc có đầu óc canh cải, tách rời giáo hội, thành lập các giáo phái có tên như: “Kháng cách” hay “tân giáo” để phân biệt với cựu giáo là Vatican. Cũng còn có tên là giáo phái “Tin Lành”

Sự khác biệt giữa Tin Lành và Công giáo: 

vấn đề khác biệt lớn nhất giữa  Thiên Chúa Giáo và Tin Lành là vấn đề con người có nhờ công đức mà được sự cứu rỗi hay không. Tin Lành tin rằng con người được cứu hoàn toàn bởi đức tin nơi sự cứu chuộc của Chúa Jesus mà không nhờ một chút nào vào công đức của bản thân người đó, nghĩa là một người được cứu chỉ bởi nhận mình có tội và nhận lấy công lao cứu chuộc của Chúa cho mình mà thôi. Ở điểm này, Công Giáo cho rằng sự cứu rỗi của con người có sự góp phần công đức của người đó nữa,  mình tin và cố gắng làm lành thì mình được cứu chớ chẳng phải do tin Chúa chết thay mình mà thôi. Dù rằng Thiên Chúa Giáo cũng tin Chúa chết thay cho tội lỗi con người, nhưng để được cứu, con người còn phải làm điều thiện nữa. 

Họ căn cứ vào kinh Thánh: Êphêsô 2:8,9 nói "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời, ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình."

Công giáo tin rằng lời cầu nguyện của tín hữu phải thông qua bà Maria, các Thánh Thần, thậm chí đức Thánh cha là những người đại diện cho Jesus; Tin Lành thì cầu nguyện trực tiếp với Chúa cha thông qua chúa con là đấng “trung bào” của Thượng Đế. Cũng vì vậy mà Tin Lành không chấp nhận bà Maria  là mẹ đồng trinh khi sanh chúa Jesus, vì bà còn có thêm những người con sau chúa Jesus như kinh Thánh, trong sách Matheu ở chương 13 câu 54, 55 có nói: "... Anh em Ngài (Chúa Giêsu) có phải là Giacô, Giosep, Simson, Giuđa ?" (Matheu 13; 55,56); hoặc sách Giăng chương 2, câu 12 còn nói rõ hơn: "Sau việc đó, anh em và môn đệ Ngài (Chúa Giêsu) đều xuống thành Ca-bê-na-um" (Giăng 2; 12). Họ chỉ kính trọng mà không thờ phượng bà.  Tin Lành cũng không chấp nhận quyền lực tuyệt đối của Giáo hoàng thay mặt chúa trên trần gian nầy, chỉ có mỗi cá nhân tín hữu có khả năng trực tiếp nhận ân điển từ chúa mà thôi.

Tin Lành cũng không xử dụng hình tượng để tôn thờ, không  hành hương đến các Thánh địa như các tôn giáo độc Thần, vì vậy Tin Lành chỉ xử dụng đức tin nội tâm mà không lệ thuộc vào hình thức lễ nghi rườm rà.

Tin Lành cũng không xây dựng cơ sở vật chất cầu kỳ, đồ sộ, tốn kém như Công giáo. Có thể một căn nhà của tín đồ cũng làm nơi nhóm họp cầu nguyện được.

Trong hệ thống điều hành, Tin Lành không có chưởng quản tối cao như một Giáo hoàng, không có hệ thống chức sắc như Công giáo, và không ai độc quyền rao giảng Thánh kinh. Họ hòa đồng với tín đồ, vì họ không đại diện riêng của Chúa. Tin Lành không có lễ Missa, không có nghi tắc rườm rà của một tôn giáo. Còn nhiều tiểu tiết khác đã tạo cho Tin Lành có một phong cách khác biệt Công giáo La Mã. Đặc biệt đó đã giúp Tin Lành linh động trong việc truyền bá đức tin một cách thành công. Tin Lành cho Tín đồ tự do chọn lựa mà không áp đặt như công giáo La mã.

Riêng tại Việt Nam, Tin Lành du nhập vào thời Pháp thuộc, một số tuyên úy Tin Lành đến Việt Nam nhưng chưa mấy thành công, mãi đến 1911  hội C&MA đã cử các mục sư P.Hosles và G.Hughes tới Đà Nẵng, thiết lập Hội Thánh đầu tiên làm mốc lịch sử truyền đạo. 5 năm sau, Tin Lành đã có 16 hội Thánh, phía Bắc có 5 chi hội, miền Trung có 6 và miền Nam có 5. Sau  khi phân đôi đất nước, phía Nam đã có những Hội Thánh như:  , Hội thánh Cơ đốc phục lâm Việt NamHội thánh Liên hữu Cơ đốcHội thánh Bắp Tít Ân Điển. Thế nhưng, suốt thời gian dài, Tin Lành vẫn chưa phát triển mạnh tại Việt Nam, đến khi Mỹ có mặt trên chiến trường miền Nam Việt Nam, một số mục sư Tuyên úy  đã vận dụng kiến thức và sự linh hoạt của xã hội công nghiệp tiến bộ, bắt đầu mọc rễ.

Sau 1975, Tin Lành tạm lắng đọng đến sau 1990, một số công nhân hợp tác lao động ở Nam Triều Tiên đem về Việt Nam thêm một hệ phái mới rất ư linh hoạt, đó là Hội Thánh tại gia. Nhóm nầy không cần cơ sở, họ có thể sinh hoạt tại các nhà tín đồ, và mỗi tín đồ cũng có thể trở thành một  vị truyền giáo theo khả năng và đức tin của mình. Một số truyền bá mạnh vùng Tây nguyên và cao nguyên phía Bắc.

Họ thành công nhất trong các tôn giáo có mặt lâu đời tại Việt Nam, vì họ không câu nệ về hình thức. Trong thời chiến, họ xử dụng xe quảng cáo trong các thị tứ hoặc dân cư đông để tặng sách; Thậm chí ở Mỹ, họ gõ cửa từng nhà để vào thuyết giảng, họ gọi điện thoại và nhiều cách mà họ có thể, nhưng ít thành công hơn ở các nước chậm tiến như Việt Nam; Trong công tác truyền giáo, họ kèm công tác từ thiện xã hội. Người tín hữu ý thức trách nhiệm như một mục sư. Họ lăn xả vào các gia đình khi có ma chay đám tiệc. Họ tài trợ vật chất nếu có nhu cầu. Họ giúp rất nhiều người vượt biên  để hội nhập xã hội mới. Họ sẵn sàng mỗi ngày đưa đón dân nhập cư đi làm, tìm việc làm, bảo trợ xã hội, học tiếng nói nước đang được nhập cảnh… Họ bán thiếu các tiện nghi xử dụng trong gia đình đến khi thuyết phục gia chủ chấp nhận tin Chúa như một số vùng thôn quê miền Nam Việt Nam.

Phát bánh mì và Bible một lượt.
Ảnh 2. http://www.lovinghandsministries.com/gallery.htm

Tóm lại, bất cứ ai, cần đến bất cứ vấn đề gì, chỉ cần tìm đếm các gia đình tín đồ Tin Lành sẽ được đáp ứng  vô điều kiện. Trên thế giới, họ phát triển như vũ bão đến độ Giáo hoàng phải lên tiếng: “Tin Lành là bọn chó sói đói mồi

Với tinh thần luôn hy sinh và biết lắng nghe tha nhân, họ đã thành công và phát triển mạnh trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Còn một số giáo phái Tin Lành chưa được hợp thức hóa, nhưng họ vẫn sinh hoạt khắp hang cùng ngõ hẽm.

Chính những yếu tố chưa hội đủ của một tôn giáo, Tin Lành vẫn được xem là giáo phái chứ không là một tôn giáo chính thống chuyên biệt. Đối với họ, chuyện danh xưng không quan trọng, miễn làm sao đem mọi người về với Chúa là việc cần thiết.

*

*   *

Phật giáo, tuy là một tôn giáo rất ư cởi mở, không ép buộc ai phải đi chùa, quy y hay chấp hành bất cứ một giáo điều nào. Một người tự nhận là đạo Phật mà cũng chưa hề bước chân đến chùa, chưa biết ăn chay hay không hiều tý gì về giáo lý, lịch sử đạo Phật…đó là điều tốt mà Phật giáo đã cởi trói cho mọi tín đồ trong khi tín đồ của vô số tôn giáo còn bị ràng buộc những quy định khắc khe khác.

Tuy nhiên, tự do không có nghĩa pha loãng tín ngưỡng với những tập quán xã hội mà người tự nhận là Phật tử không có một sắc thái đặc thù của người con Phật. Suốt thời gian dài, các tu sĩ bỏ mặc tín đồ, bỏ trống sân chơi để rồi chính những tín đồ của mình, thậm chí là tu sĩ như Thích Huệ Nhật, ngả sang Tin Lành, còn phê phán, xuyên tạc giáo lý nhà Phật mà suốt thời chiến tranh, cửa chùa là nơi dung thân cho anh ta trốn quân dịch! Và một số vùng quê, tín đồ và thân tộc của các sư sãi K’hmer cũng đã theo Tin Lành phần lớn.

Giáo Hội Phật giáo có ban Hoằng pháp, nhưng hoằng pháp trên bục giảng chứ chưa hoằng pháp vào lòng người như Tin Lành. Tin Lành không có tổ chức đại hội hoằng pháp thường niên, không có giảng sư nổi tiếng nhưng Tin Lành có tiếng phát triển nhanh nhất.

Tin Lành chỉ duy nhất có một niềm tin  ở Chúa. Trong khi, Phật giáo Bắc truyền có vô lượng pháp môn tu để tương thích với vô lượng căn tánh chúng sanh nên có vô lượng đức tin  nơi vô lượng chư Phật chư Bồ tát. Mỗi Bồ Tát có một công hạnh, mỗi đức Phật có một đại nguyện. Bồ Tát Quán Thế Âm đáp ứng lời kêu cứu của chúng sanh đau khổ, Đức Dược sự thỏa mãn về nghiệp bệnh, Đức Di Đà dung nhiếp mọi chúng sanh để đới nghiệp vãng sanh tiến tu giải thoát…Chính vì thế mà Phật giáo đa dạng và phát triển mạnh trong các quốc gia Bắc truyền trước kia, ngày nay lan tỏa trên khắp thế giới. Đạo Phật không là độc thần giáo nên không thể buộc tín đồ tin duy nhất đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, vì vậy mà có Kim Cang thừa, có Tịnh độ Tông, Pháp Hoa tông, Hoa Nghiêm tông, Thiền tông…

Suốt thời gian dài, Tịnh độ tông phát triển mạnh ở Việt Nam, nhất là thời kỳ Bắc thuộc và Pháp thuộc; chính Tịnh độ tông đã gắn bó với quần chúng tận cùng trong xã hội lúc bấy giờ, vì thế mà  “mái chùa che chở hồn dân tộc” để Phật giáo tồn tại mãi ngày nay. Thiền tông có mặt lâu đời như Tịnh độ, nhưng khó phát triển sâu rộng, vì chưa tương thích với căn cơ quần chúng.

Trong cuộc sống hiện tại, kinh tế quyết định tất cả, nhà nhà làm kinh tế mà vẫn chưa đủ ăn, làm sao tín đồ có thì giờ ngồi đó mà tụng niệm tu tập, vì thế, họ chọn pháp niệm Phật trong sinh hoạt thường ngày để duy trì đức tin trước mọi cám dỗ. Phong trào đạo tràng niệm Phật hiện nay đang phát triển ngoài dự đoán của chư Tăng và ngoài tổ chức của giáo hội.

Thật ra chư Tăng hầu hết không chủ trương lập đạo tràng cầu vãng sanh và giáo hội cũng không quan tâm đến những hình thái linh hoạt của tín đồ để bảo vệ đức tin cho nhau trước cao trào truyền đạo của các tôn giáo có mặt. Chư Tăng không thề lăn xả ngày đêm vào từng gia đình như các Phật tử tại gia. Phật tử có điều kiện kinh tế, thời gian, kiến thức thế tục và hình thức xã hội để hòa nhập cùng các gia đình hữu sự hoặc lúc lâm chung. Họ có thể chia nhau để luân phiên tụng niệm mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào. Nơi nào có Tăng Ni tham gia thì họ tháp tùng tụng niệm, những vùng xa không tiện cho Tăng ni thì họ tự nguyện đến để giúp gia chủ  lo nghi thức tôn giáo. Họ là những Phật tử xuất thân từ các chùa, Tuy giáo lý họ chưa hiểu vì chưa được chư Tăng truyển đạt, nhưng họ có tâm hy sinh, hỷ xả của một đệ tử Phật. Trên Cao nguyên, từ Bình Phước lên đến Kom tum, Gia Rai, tuy Phật giáo có mặt rất lâu, nhưng vẫn là vùng đất hoang mầu mỡ cho Tin Lành hoạt động.

Trước tình trạng đó, nhiều Phật tử tự nguyện lập thành đạo tràng niệm Phật giúp quần chúng chưa có đạo, nghĩa là họ không xâm phạm ranh giới tín ngưỡng khác mà họ chỉ giúp đỡ những người chưa có tín ngưỡng như họ, hoặc bảo vệ những Phật tử neo đơn chưa quen với chùa. Đây là một hình thái sinh hoạt, truyền bá rất hữu hiệu, Phật tử đã thay mặt chư Tăng đến với quần chúng dễ hơn là để quần chúng tự động tìm đến chư Tăng.

Giáo hội và chư Tăng Ni nên khuyến khích hình thức sinh hoạt linh động như thế; Vì chư Tăng và giáo hội chưa quan tâm đúng mức nên một số đạo tràng tự phát đã cách biệt với chùa. Một số ít những vị có thiện chí như thế bị gặp khó khăn với giáo hội và chính quyền địa phương, nên họ đã không còn là tín đồ của Phật giáo, ngoại đạo sẵn sàng dang tay đón nhận.

Tín đồ Phật giáo chúng ta là những đứa con ngoan đạo, hãy tạo điều kiện cho họ tinh tấn tu tập và phát tâm hoằng pháp dưới mọi hình thức chứ không nhất thiết phải được chư Tăng cho phép, giáo hội chấp nhận. Quá nguyên tắc và ngờ vực có thể đẩy những tín đồ nhiệt tâm đi vào con đường xa rời Phật pháp.

Nếu xét thấy sinh hoạt có hại cho Phật pháp, Chư Tăng hoặc giáo hội mời đến khuyến cáo, hướng dẫn cho họ hiểu đâu là đúng với tinh thần nhà Phật. Xét thấy vô hại mà còn có lợi cho đạo Phật, tuy bất lợi cho một số quyền lợi chư Tăng, cũng nên có chương trình huấn luyện thường kỳ để họ phát triển tâm từ và hạnh nguyện  của họ.

Theo tinh thần nhà Phật cũng như Tin Lành, mỗi người là một cán bộ truyền giáo, chư Tăng hoằng pháp theo hình thức tôn giáo, tín đồ truyền đạo theo cảm tính nhân gian, trăm sông sẽ trở về biển. Hãy tạo điều kiện cho họ sinh hoạt và duy trì tín ngưỡng, vì họ vẫn là con Phật chứ không là ngoại đạo hay một tôn giáo mới nào. Tinh thần cởi mở của Phật giáo thì không thể bảo pháp môn nầy đúng pháp môn kia sai khi cùng từ đại tạng. Thế gian pháp tức Phật Pháp thì pháp môn làm gì có chính có tà khi họ hành xử không vì lợi nhuận không vì bản ngã.

Hãy dang tay đón nhận và trân quý những người con Phật biết hy sinh như thế.  

Ngưỡng mong

 

Minh Mẫn

09/6/2012

 

Xem phản hồi của tác giả Minh Ngọc:

http://sachhiem.net/TONGIAO/tgM/MinhNgoc02.php

 

Trang Tôn Giáo