Hồ Chí Minh Chính Là Nguyễn Ái Quốc

Nguyễn Xuân Ba

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenXuanBa_03.php

20-Oct-2018

Hiện nay trên mạng có bài viết, phim tài liệu bịa đặt về lãnh tụ Hồ Chí Minh, họ nói Nguyễn Ái Quốc đã chết sau khi ra khỏi nhà tù của Quốc Dân đảng Trung Quốc, năm 1931. Hồ Chí Minh là người Trung Quốc gốc Đài Loan (*). Họ lợi dụng thời gian sau khi Nguyễn Ái Quốc ra tù, có tin đã chết để xuyên tạc.

Họ khai thác tính tự tôn dân tộc, gây nghi ngờ về người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam, làm giảm niền tin, hòng thực hiện mưu đồ lật đổ chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Tôi đã tìm kiếm tư liệu để hiểu sâu về Người, chứng minh Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, hầu góp phần phản bác những bịa đặt ấy, củng cố niềm tin cho ai đang phân vân.

1.- Về thời gian Nguyễn Ái Quốc trở lại Moskva đọc (Mat Xơ Cơ Va) sau khi ra khỏi nhà tù Quốc Dân đảng Tưởng Giới Thạch : 1934-1938, bị Quốc tế Cộng sản nghi ngờ không giao công tác.

1.1- Để trả lời vấn đề này, trước tiên phải nghiên cứu về tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc khi tổ chức hợp nhất ba đảng Cộng sản năm 1930 và các văn kiện do Người vạch ra phổ biến tại Hội nghị.

Từ việc nắm chắc thực tiễn tình hình Việt Nam Đông Dương nói riêng, Châu Á nói chung, Nguyễn Ái Quốc đưa ra chủ trương đấu tranh cách mạng ở Đông Dương có những điều khác với Quốc tế Cộng sản:

1.2- Những điểm khác giữa Nguyễn Ái Quốc với Quốc tế Cộng sản :

- Nguyễn Ái Quốc đặt tên đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có những công trình nghiên cứu chỉ ra lúc đó ở Campuchia và Lào chưa đào tạo được người nên ban đầu lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam, khi có cán bộ sẽ điều chỉnh.

Các văn kiện đưa ra tại Hội nghị hợp nhất gồm Chánh cương vắn tắt của Đảng; Sách lược vắn tắt của Đảng; Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam; Chương trình tóm tắt của Đảng có nhiều điểm không được Quốc Tế Cộng sản tán thành. Như trong Chương trình tóm tắt của Đảng có ghi : Đảng lôi kéo tiểu tư sản, trí thức và trung nông về phía giai cấp vô sản; Đảng tập hợp hoặc lôi kéo phú nông, tư sản và tư sản bậc trung, đánh đổ các đảng phản cách mạng như Đảng Lập hiến v.v.. (1)

Chính vì vậy mà Quốc tế Cộng sản cử Trần Phú về nước sửa lại tên đảng thành Đảng Cộng Sản Đông Dương và bác bỏ các văn kiên của Nguyễn Ai Quốc, soạn ra Luận cương Chính trị, theo luận điểm “tả khuynh” do Quốc tế Cộng sản chỉ đạo.

Nguyễn Ái Quốc cho rằng ở Việt Nam giai cấp tư sản chua phát triển như ở Nga, Trung Quốc, nên tranh thủ họ ủng hộ công cuộc giành độc lập, chủ trương tạm gát đấu tranh giai cấp để đoàn kết mọi giai cấp chống kẻ thù dân tộc. Người nói rõ : Không giành được độc lập cho dân tộc thì cũng không thể giành quyền lợi cho giai cấp vô sản được. Nguyễn Ái Quốc chủ trương chỉ tịch thu ruộng đất của địa chủ phản đông và của bọn thực dân, với địa chủ yêu nước phải lôi kéo họ ủng hộ cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo.

Quốc tế Cộng Sản cho rằng những chủ trương của Nguyễn Ái Quốc là tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, không đúng đường lối của Quốc tế Cộng Sản.  

2.- Quốc tế Cộng sản nghi ngờ do đâu mà Nguyễn Ái Quốc - lúc này lấy tên Tống Văn Sơ - làm sao được đế quốc trả tự do tại Hương Cảng, làm cách nào thoát được bọn mật thám trên đường trở lại Matxcơva ?

Chúng ta biết Bác được luật sư Loseby giúp đỡ cãi trắng án, ông tổ chức cho Bác bí mật đưa ra tàu để đi Hạ Môn (tức Ma Cao) đánh lạc hướng mật thám Anh Pháp rồi xuống tàu đi Thượng Hải, nhờ bà Tống Khánh Linh móc nối với đảng Cộng sản Trung Quốc, tìm được tàu thủy của Liên Xô đi Vladivostốk để trở lại Matxcơva (2). Đây là điều may hiếm có của Bác, khó nói cho các đồng chí lãnh đạo Quốc tế hiểu rõ được.

Gia đình luật sư Loseby sang Việt Nam thăm chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1960. Ảnh kiemssat.vn

Tác giả Hồ Tuấn Hùng trong cuốn “Hồ Chí Minh Bình Sinh Khảo” nói có thấy giấy báo tử của Tống Văn Sơ. Nhưng người khác, ông Phạm Đình Lân,  lập luận lúc đó giữa Chính quyền Hồng Kông và mật thám Pháp tuy bắt tay nhau nhưng vẫn có mâu thuẩn và họ đã làm giấy báo tử, nhưng Tống Văn Sơ còn sống để khỏi gây mất lòng Pháp. Theo tôi nhận định, do Tòa án Vương quốc Anh đã tuyên phải thả Tống Văn Sơ, luật sư Loseby đã cãi trắng án, ủng hộ, nên đã đưa ý kiến tạo ra chuyện Tống Văn Sơ chết để đánh lạc hướng mật thám Pháp, giải cứu Nguyễn Ái Quốc được thành công.  

Do nghi ngờ nên Quốc tế Cộng sản không giao công việc quan trọng cho Nguyễn Ái Quốc trong thời gian gần năm năm, từ 1934 đấn 1938. Thời ấy việc cảnh giác là tất yếu, khi có đồng chí bị địch bắt. Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này, người bị bắt được thả ra phải kiểm điểm và tổ chức thử thách khá lâu mới giao nhiệm vụ. Thời của Bác gặp lúc quốc tế Cộng sản khuynh tả, Stalin đa nghi, nên xử sự với Bác như thế là khó tránh. Nhưng Bác là người nhạy cảm về chính trị, khéo chịu đựng, biết tranh thủ những người khác ủng hộ nên tránh được điều không hay có thể gặp. “Chủ tịch đoàn Quốc tế Cộng sản là Đimitờrốp, người chủ xướng đường lối tập hợp rộng rãi toàn thế giới giai cấp công nhân và mọi lực lượng dân chủ thành một mặt trận nhân dân chống phát xít. Đimitờrốp đã thông cảm sâu sắc với Nguyễn Ái Quốc. Ông quyết định tạo điều kiện để người chiến sĩ cách mạng kiên cường và sáng tạo này sớm được trở về nước hoạt động” (2A). Là người thân cận với Bác Hồ nên biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có kể lại trong Hồi ký của mình thời gian này Bác Hồ là người cô đơn, rất khổ tâm vì không được tổ chức giao nhiệm vụ.

Đây là khoảng trống trong hoạt động cách mạng của Bác. Từ cuốn sách của Hồ Tuấn Hùng, kẻ khác khai thác, bịa thêm thời gian này Quốc tế Cộng sản bồi dưỡng trang bị cho một người Đài Loan bạn chiến đấu với Bác lúc ở Hồng Kông đóng giả lợi dụng uy tín Nguyễn Ái Quốc, đưa về Trung Quốc hoạt động.

3.- Những điều chứng minh Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc :

3.1- Từ các tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, tôi xin rút tỉa một số sự kiện ở những thời gian khác nhau, với nhiều người khác nhau Bác từng sống và gặp lại sau này.   

- Năm 1946, Bác Hồ qua Pháp theo lời mời của Chính phủ nước này để đàm phán tại Hội nghị Phông-ten-nơ-blô. “Ngày 4 tháng 7 (năm 1946), vào hồi 13 giờ 15 phút, Xanh-tơ-ni đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dự tiệc do Đô đốc Đắc-giăng-li-ơ mời ở khách sạn Rít-đơ, có một cuộc gặp gỡ tình cờ đầy thú vị. Trong bữa tiệc này có hai vị khách đặc biệt đáng chú ý là: A-va-ran, người đã chạm trán với Nguyễn Ái Quốc ở Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua năm 1920 với tư cách là đại biểu Đảng bộ Puy-đờ-Đôn, ủng hộ L. Bơ-lum, năm 1925 đã sang làm Toàn quyền Đông Dương; và An-be Xa-rô đã làm toàn quyền Đông Dương hai lần, làm Bộ trường Bộ thuộc địa, đã theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, định “bẻ cổ” Nguyễn Ái Quốc dám ngang nhiên chống lại nước Pháp, dám trốn đi Mát-xcơ-va, đến Quảng Châu để liên lạc với những người Cách mạng Việt Nam. Y đã có thời làm Thủ tướng của nền Cộng hòa thứ ba của nước Pháp, nay gặp lại Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh ở đây, chìa tay ra bắt, và nói một câu : “Ồ ! Anh đấy hả ? “Tên đạo tặc” năm xưa. Nghĩ lại, tôi đã trải qua một phần lớn cuộc đời để chạy theo anh”.

An-be Xa-rô xiết chặt tay Bác Hồ vào lòng, gọi Bác là “Người bạn quý”, và chỉ yêu cần Bác một điều : xin vẫn để một trường trung học mới thành lập ở Hà Nội, mang cái tên là “ An-be Xa-rô”. (3)  

- Năm 1946, khi Bác Hồ đi Pháp trở về trên chiếc tàu thủy của Pháp, khi cập cảng Hải Phòng có hàng ngàn người dân đón Bác. Trong số này có một người là bạn thân (Ông già Thuyết) thời làm thủy thủ tàu sang Pháp, người bạn đồng nghiệp đã cùng sống với Bác trong một hiệu ảnh ở Paris…

…“Ông già Thuyết sung sướng, xúc động quá, chỉ lắp bắp được mấy tiếng:

- Hồ Chủ tịch, Hồ Chủ…

Nhưng Bác Hồ đã giữ bàn tay, ngắt lời ông già :

-  Đừng xưng hô như thế ! Cứ coi tôi là Ba như ngày xưa...

Rồi Bác ân cần dắt ông già Thuyết vào phòng nghỉ của mình chuyện trò. Nửa giờ sau, khi lưu luyến tiễn chân người bạn cũ ra về, Bác thân thiết nắm tay, ân cần dặn dò :

Tôi bây giờ tuy là Chủ tịch nước, nhưng chẳng qua cũng chỉ là tôi tớ nhân dân mà thôi. Đối với anh trước sau tôi cũng vẫn là một người bạn thân. Anh nhớ gửi thư cho tôi luôn.

Bác còn đứng lại nhìn theo mãi ông cháu ông già Thuyết đi về ». (4)  

Ông gìa Thuyết là người rất thân với Nguyễn Ái Quốc, không hề nhầm lẫn.

Họ lập luận do đóng giả nên sau khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh không dám về thăm quê vì sợ bị phát hiện. Phải đợi sau khi ông Cả Khiêm mất, Hồ Chí Minh mới dám về quê. Sự thật, sau tháng Tám 1945, chị ruột của Bác là bà Nguyễn Thị Thanh ( Bạch Liên ) ra Hà Nội thăm Bác. Do bận họp Bác phải nhờ đưa bà Thanh về nhà ông Đặng Thái Mai là người cùng quê thân thiết nghỉ ngơi. Sau khi xong việc Bác đến gặp bị bà Thanh trách móc giận hờn. Bác nói những điều mà khi còn ở nhà chị em thương nhau rất xúc động thiết tha nên bà Thanh không giận Bác nữa. Liệu ai đó đóng thế làm sao biết những kỷ niệm chỉ có người trong cuộc ấy mới nhớ không ? Tôi nói là không. Và làm sao người đóng thế đó qua mặt được người chị ruột từng nuôi, chăm sóc người em thuở còn thơ vì mẹ mất sớm ?

Sau khi bà Thanh về quê ít lâu, ông Nguyễn Tất Đạt (ông Cả Khiêm ) cũng ra Hà Nội gặp Bác. (5) Xin đọc PHỤ ĐÍNH 2.

Chuyện Bác không về thăm quê sau khi giành chính quyền là điều dễ hiểu. Chúng ta biết tình hình lúc đó rất rối ren, thù trong, giặc ngoài đang chống chính phủ do Cụ Hồ lãnh đạo. Dân ta vừa bị chết đói hai triệu con người, phải lo giải quyết khó khăn đang đè nặng “ngàn cân treo sợi tóc”, thì giờ đâu mà về thăm quê. Dân tộc ta có một vị lãnh tụ suốt đời chỉ biết lo cho dân cho nước, hy sinh chuyện riêng tư cá nhân, thì làm sao về thăm quê như những con người tầm thường được.

- Ngày 12 tháng 10 năm 1937, Nguyễn Ái Quốc viết thư cho đồng chí Ăngđrê Mácty: Thể hiện tình cảm thắm thiết, lòng tiếc thương vô hạn về việc đồng chí Pôn Vayăng Cutuyariê từ trần. Liệu ai đó đóng thế Hồ Chí Minh có biết chuyện Người và Pôn Vayăng Cutuyariê thân thiết nhau mà thể hiện tình cảm thắm thiết. Có thể người ta biết, nhưng không có cái tình như vậy.

- Từ năm 1925 tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc mở lớp đào tạo cán bộ có nhiều người học ở đây và hoạt động chung với Bác như ông Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng. Năm 1940 Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc cùng Võ Nguyên Giáp, gặp Hồ Quang - tên của Nguyễn Ái Quốc lúc này- ở Thủy Hồ, Côn Minh, Người nói với ông Phạm Văn Đồng : trông chú không có gì khác trước. (tức năm 1926 ông Đồng học lớp cán bộ do Bác dạy ở Trung Quốc). Còn Võ Nguyên Giáp lần đầu gặp Người, thấy Nguyễn Ái Quốc một sự điềm đạm, bình thản, thân thuộc như đã gặp từ lâu rồi. Trong câu chuyện thỉnh thoảng Bác nói xen vào những tiếng địa phương miền Trung làm ông  rất ngạc nhiên, vì Bác xa nước đã lâu ngày. Ông nghĩ, vĩ nhân bao giờ cũng giản dị.

Lúc Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng còn ở trong nước, nghe tin  Nguyễn Ái Quốc mất trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, hai ông hết sức lo lắng, dò hỏi khắp nơi. Cho đến khi nhận được nét bút nhắn tin của Nguyễn Ái Quốc gửi về trong một tờ báo, hai ông vô cùng mừng rỡ, khi đó mới thoát khỏi cái cảm giác bơ vơ. (theo Sơn Tùng).

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh quân đội Nhân dân Việt Nam là hai người học trò gần gũi, thân thiết, được Bác Hồ quý mến nhất, là những người hiểu Bác nhất, kính trọng và có những tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu sắc nhất. Chắc chắn các ông không lầm nếu ai đó đóng giả Hồ Chí Minh.   

Ông Hồ Tùng Mậu cùng hoạt động với Bác ở Trung Quốc, khi hay tin Bác bị bắt đã đến nhờ luật sư Loseby giúp đỡ; sau đó bị bắt, Pháp dẫn độ về nước, tuyên án tử hình, rồi giảm còn chung thân, bị giam qua nhiều nhà tù như Lao Bảo, Sơn La, Kontum. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư mời ra Hà Nội và giao nhiệm vụ Chính ủy và Khu trưởng khu 4, kiêm Giám đốc Trường Quân Chính Nhượng Ban khu 4. Tháng 12/1949, khi ký quyết định thành lập ngành Thanh tra, Bác Hồ đã giao cho ông Hồ Tùng Mậu chức Tổng Thanh tra Chính phủ.

- Ngày 14-6-1957, Bác Hồ về thăm quê gặp lại những người bạn thời còn nhỏ tay bắt mặt mừng, nhắc lại chuyện thời niên thiếu của nhau. Một cụ già chờ Bác ở ngõ, Bác lên tiếng hỏi ngay :

- Có phải ông Điền không ?

- Vâng…anh Côông (*)…Bác, Bác Hồ !

Bác nhanh nhẹn bước tới, nắm tay ông cụ đang run run vì cảm động, Bác hỏi :

- Anh Điền, anh vẫn khỏe chứ ?

Cụ già đó là ông Điền, người bạn thời niên thiếu của Bác, đã từng cùng nhau đi câu cá, đi thả diều. Hai tiếng “anh Điền” làm cho cụ già cảm động. Trước mặt cụ vẫn là người bạn năm xưa dù Bác đã trở thành Chủ tịch nước”…(6).

Người đóng thế làm sao biết người bạn thời niên thiếu ấy ?

  - Được tin thân phụ (Cụ Nguyễn Sinh Sắc) đi nhậm chức tri huyện Bình Khê ( Bình Định ), Nguyễn Tất Thành rời Trường Quốc học Huế, theo cha vào Bình Khê. Nguyễn Tất Thành được cha gửi học tại Trường tiểu học Quy Nhơn, với sự giúp đỡ của thầy Phạm Ngọc Thọ.

Sau khi chia tay cha, Nguyễn Tất Thành nán lại nhà ông Phạm Ngọc Thọ một thời gian để chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Ông Phạm Ngọc Thọ kính trọng quan thừa biện Nguyễn Sinh Huy và rất mến Tất Đạt, Tất Thành. Tất Thành rất yêu quý Phạm Ngọc Thạch, con ông Phạm Ngọc Thọ (7). (Chức thừa biện là khi đỗ Phó bảng, cụ Nguyễn Sinh Huy được triều đình bổ nhiệm. Nguyễn Sinh Huy là tên khác của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Phạm Ngọc Thạch về sau là bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Hiển nhiên Phạm Ngọc Thạch là người yêu nước, một trong những thủ lĩnh Thanh niên tiền phong, một tổ chức cách mạng ở Nam bộ, có công lớn trong việc cùng các đồng chí của mình cướp chính quyền ngày 25/8/1945 tại Sài Gòn. Nhưng ông là người từng gặp Nguyễn Tất Thành thời còn nhỏ, được Tất Thành cảm mến. Nay khi chọn người vào Chính phủ, tất nhiên ông Phạm Ngọc Thạch là người được Hồ Chí Minh chú ý trước tiên.

Nếu có chuyện Hồ Chí Minh giả thì liệu người đóng giả ấy làm sao biết  Phạm Ngọc Thạch từ năm 1910 ở Quy Nhơn mà chọn sử dụng không ? Tôi nói là không.

Còn đây nữa: Năm 1924, tại Ban biên tập tờ báo “Những người xây dựng trẻ” ở Matxcova, Mácxinốp được làm quen với đồng chí Nguyễn Ái Quốc và được đồng chí hỏi về tờ báo, về câu chuyện của thiếu sinh quân. Trước khi chia tay, Nguyễn Ai Quốc viết bằng tiếng Việt vào quyển vỡ của Mácxinốp một câu : “ Các em hãy đi theo con đường của Lênin !”.

Năm 1934, tức mười năm sau, Macxi nốp gặp lại Nguyễn Ái Quốc ở quảng trường Arơbat và phố Vôrốpxki…Lúc ấy đồng chí đang giảng bài ở Trường Quốc tế Lenin…(8)

Trong cuốn "Hồ Chí Minh với nhân tài và kiến quốc", nhiều tác giả, Nxb Quân đội nhân dân phát hành năm 2008 có bài trích hồi ký của Archimedes Patti (sĩ quan tình báo của quân đội Mỹ, trú đóng ở Côn Minh, Trung Quốc lúc Thế chiến lần thứ 2.) Thời đó Bác Hồ sang Trung Quốc dẫn trả trung úy Sao phi công Mỹ bị quân Nhật bắn phải nhảy dù ta cứu sống. Pát-ti gặp Bác Hồ và biết rõ Bác là người Cộng sản, bị bắt ở Hồng Kông năm 1931. Xem đoạn hồi ký của Pat-ti ở PHỤ ĐÍNH 1.

3.2- Nghiên cứu về tình cảm, phong cách, đạo đức để xác định Hồ Chí Minh là một người Việt Nam, không phải là người Trung Quốc.

Hồ Chí Minh là một con người rất trọng nhân nghĩa, thủy chung, luôn nhớ ơn dù sự giúp đỡ nhỏ hay lớn.

- Đặc biệt Bác Hồ đã chịu ơn Luật sư Loseby cứu giúp trong vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông. Năm 1960, vào dịp Tết âm lịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời vợ chồng và con gái luật sư Loseby sang thăm Việt Nam. Bác ra tận sân bay đón và tiễn khách ôm hôn rất thân tình. Những ngày luật sư ở Việt Nam, Bác luôn đến thăm viếng căn dặn cán bộ phục vụ chu đáo trong việc đưa khách đi thăm các danh lam thắng cảnh…Sau chuyến thăm trở về nước, ngày 19-2-1960, ông bà luật sư Loseby đã viết thư cám ơn Bác, trong thư có đoạn : “ Ngài nói rằng tôi đã “cứu sống ngài”, điều đó có thể đúng, nếu vậy thì đó chính là việc làm tốt nhất mà tôi đã từng làm, và mãi mãi là một việc làm sáng suốt…”.

Liệu ai đó đóng thế Hồ Chí Minh có biết rõ và làm việc ơn nghĩa sâu nặng ấy không ? Tôi nói là không. Và nếu có người đóng giả thì có qua mặt được luật sư Loseby không ? Không thể, vì ông ấy và vợ tiếp xúc với Tống Văn Sơ - tức Hồ Chí Minh sau này - trong nhà tù ở Hương Cảng nhiều lần.  

- Ông Hồ Tùng Mậu đi công tác, bị máy bay Pháp bắn chết ngày 23-7-1951, tại Phố Còng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Nghe tin Chủ tich Hồ Chí Minh ký sắc lệnh truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và tự tay viết Lời điếu viếng ông, trong đó có đoạn :

“Chú Tùng Mậu ơi ! Lòng ta rất đau xót, linh hồn chú biết chăng ? Về tình nghĩa riêng - tôi với chú là đồng chí, lại là thân thiết hơn anh em ruột. Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi tranh đấu ở nước nhà…đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ như tay với chân”, “mất chú, đồng bào mất một lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một cán bộ lão luyện, đoàn thể mất một người đồng chí trung thành và tôi mất một người anh em chí thiết ! Mấy nguồn thương tiếc ! Mấy nguồn thương tiếc cộng vào một lòng tôi…”

(trích tiểu sử Hồ Tùng Mậu trên Wiki ).

Nếu một người đóng thế có được kỷ niệm sống chết giữa hai người để viết lên lời đau đớn thống thiết như vậy không ? Chắc là không.

- Chuyện về “Sự ra đời của một bài thơ”: …Nhân chuyến vào Thanh Hóa có việc riêng, nữ thi sĩ Hằng Phương đã nghĩ làm sao khi về phải có món quà đầy ý nghĩa đến thăm sức khỏe của Bác. Tại Thanh Hóa có nhiều loại cam làng Giang ngon nổi tiếng. Nhà thơ liền chọn mua chục quả về biếu Bác.

Ngồi trên xe trở về Hà Nội, vừa khư khư ôm túi cam, vừa nghĩ đến ngày mai vào Bắc Bộ phủ gặp Bác nên nói câu gì, và nói như thế nào cho phải phép với Bác. Hằng Phương nhẩm ngay một bài thơ:

Cam ngon Thanh Hóa vốn dòng

Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng mến yêu

Đắng cay Cụ trải đã nhiều

Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây

Cùng quốc dân hưởng những ngày

Tự do hạnh phúc tràn đầy trời Nam

Anh hùng tỏ mặt giang san

Lưu danh thiên cổ vẻ vang giống nòi.

Sáng hôm sau, nhà thơ cẩn thận gói cam vào giấy đẹp, trân trọng chép lại bài thơ rồi đến Bắc Bộ phủ thăm Bác.

Vừa đến cổng, bà liền được đồng chí bảo vệ chỉ đường vào phòng làm việc của Bác. Nhưng lúc đó Bác còn bận tiếp một vị khách nước ngoài ở phòng tiếp khách. Đồng chí văn phòng bảo nhà thơ ngồi chờ một lát. Nhưng nhà thơ thấy Bác bận quá, không muốn làm phiền Bác, bèn gửi cam và bài thơ lại rồi xin phép ra về.

Sau khi tiễn chân người khách nước ngoài, Bác trở lại văn phòng và biết bà khách đã về rồi. Nhìn gói cam và đọc bài thơ, Bác rất cảm động, nhưng lại không biết tên và địa chỉ của khách, Bác liền làm một bài thơ đăng Báo Phụ nữ để trả lời. Bài thơ đề là “Tặng cam”.

Cảm ơn bà biếu gói cam

Nhận thì không đặng, từ làm sao đây

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai.

Bài thơ bày tỏ lời cảm ơn, đồng thời nhân đó nêu lên bài học đạo đức từ một câu tục ngữ rất quen thuộc và khẳng định niềm tin vào thắng lợi sắp tới.

Mấy chục năm qua, bài thơ đã đi vào lòng người, nhưng ít ai chú ý đến chi tiết bà biếu gói cam-một chi tiết gợi cảm hứng cho sự ra đời một bài thơ có giá trị của Bác”.(9)

Ở đây tôi muốn nói tới khía cạnh ân tình, nhân nghĩa của một lãnh tụ với một công dân. Với Bác, ít khi chịu nhận quà của người lao động gửi tặng. Và khi đã nhận, dù món quà nhỏ cũng luôn gửi lời cảm ơn người tặng.

- Nếu một người Tàu đóng thế như họ nói, liệu người đó có yêu đất nước Việt Nam và hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc Việt này không ? Tôi nói là không.

- Nếu là một người đóng thế như họ nói, liệu có tiết kiệm từng đồng từng cắc, phải đi dép lốp, mặc áo vá, ở nhà như người dân, không dùng máy điều hòa để giảm nhiệt, không chịu cho ai đón rước, đãi tiệc khi về thăm vì sợ tốn kém của nhân dân không ? Tôi nói là không.

- Liệu có người Trung Quốc đóng thế mà dạy nhân dân đừng dùng từ ngữ Hán, phải dùng tiếng Việt khi chữ đó ta có để thể hiện độc lập dân tộc không ? Chắc là người Tàu họ sẽ không làm thế. Tôi khẳng định như vậy.

- Liệu là người Tàu đóng thế họ có viết Việt Nam lịch sử diễn ca để người dân dễ học dễ thuộc, nhắc nhỡ mọi người Việt: “Dân ta phải biết sử ta…”, ca ngợi cha ông từng chiến thắng quân Tống, Nguyên, Minh, Thanh không ? Chắc chắn là không.

- Những món ăn Bác Hồ thích nhất là món cà dằm tương xứ Nghệ đạm bạc thời còn nhỏ khổ cực đã quen. Người không thích ăn những món cao sang, tốn kém. Liệu ai đó đóng thế có thể làm được chuyện ăn uống ấy không ? Tôi nói là không.

4.- Tình yêu nhân dân, đất nước của Hồ Chí Minh:

-  Hồ Chí Minh là người yêu nước Việt Nam nhất trong những người yêu nước. Khi Pháp trở lại xâm chiếm Nam bộ lần nữa sau Tổng khởi nghĩa 1945, Người đã viết thư cho quân dân Nam bộ: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy quyết không bao giờ thay đổi ”.

- Hồ Chí Minh có tình yêu thương con người, đồng cảm với nỗi khổ nhân dân sâu sắc, vượt trên nhiều người. Bác từng nói: Chủ tịch nước mà mặc áo vá là hạnh phúc cho dân. Bác cũng nói : Chủ tịch một nước còn nghèo, chưa có quyền hưởng thụ quá mức trung bình của người dân. Chính vì vậy suốt đời Người không chịu dùng bất cứ thứ gì có tính xa xỉ, cao sang hơn người dân từ ăn, ở mặc, phương tiện đi lại…

- Hồ Chí Minh có tấm lòng bao dung với mọi người, kể cả họ là kẻ thù khi đã thất trận. Chính trong Chiến dịch Biên giới Bác Hồ đã dặn cán bộ ta lo cho sĩ quan, binh lính Pháp bị bắt làm tù binh ăn uống, điều trị thương tích cho chu đáo để họ thấy cuộc chiến của ta có chính nghĩa. Chính Người đã cỡi áo khoát đưa cho một sĩ quan bị bắt làm tù binh ở Mặt trận Biên giới.Về sau trong chiến tranh chống Mỹ, Bác cũng dành cho tù binh Mỹ tiêu chuẩn cao hơn người của ta, vì hiểu người Mỹ to con cần nhiều calo hơn.

- Hồ Chí Minh có tư tưởng đoàn kết mọi người hơn ai hết. Đó là Người đã thừa kế truyền thống cha ông, Hội nghị Diên Hồng thời Trần là tiêu biểu quyết tâm của một dân tộc kết lại để có đủ sức mạnh chống quân thù. Hồ Chí Minh hiểu rõ có đoàn kết mới có thêm nhiều người bạn, thêm sức mạnh, dù họ dân tộc nào, ở đâu nếu là người cũng bị áp bức đều là bạn: “Quan san muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em”.

Nếu Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc sẽ không có những phẩm chất tuyệt vời nói trên. Chỉ có Nguyễn Tất Thành là người từng chịu cảnh nghèo khổ, mẹ mất sớm, em không có sữa cũng chết sau mẹ mấy tháng. Chỉ có Nguyễn Tất Thành mới được thừa hưởng sự dạy dỗ của cha, của thầy…và từng nghe cha đàm đạo với các nhà cách mạng như Phan Bội Châu. Chỉ có Nguyễn Tất Thành mới thấm thía nổi đau của người dân mất nước nên dù còn nhỏ đã cùng anh là Nguyễn Tất Đạt tham gia biểu tình chống thu thuế năm 1908 ở Huế và bị đuổi học, ảnh hưởng đến cha bị chuyển đi làm tri huyện Bình Khê.

Ông Hồ Tuấn Hùng, một người Đài Loan viết cuốn sách “Hồ Chí Minh Bình Sinh Khảo” nói Hồ Chí Minh là người Trung Quốc này, có ý gì ?

Một là, Hồ Tuấn Hùng là một người nông cạn trong nghiên cứu một nhân vật thuộc hàng vĩ nhân của thế giới, vội vàng đưa ra nhận định khi chưa tìm hiểu đầy đủ về đối tượng nghiên cứu.

Hai là, ông ta viết sách có dụng ý xấu, bịa đặt những điều sai sự thật để hòng làm giảm uy tín của một lãnh tụ mà nhân dân Việt Nam và rất nhiều chính khách, học giả các nước tôn vinh.

Ba là, có ai đó thuê mướn ông ta viết cuốn sách này để gây hoang mang ở một số người, chống lại một biểu tượng cao quý mà toàn Đảng, toàn dân Việt nam đang tôn kính, học tập và làm theo đạo đức của Người.  

Từ cuốn sách này của Hồ Tuấn Hùng đã gợi ý cho một số kẻ chống Cộng viết, làm phim xuyên tạc về Hồ Chí Minh. Việc làm của ông Hồ Tuấn Hùng - và những người khác - đã gây phẩn nộ trong những người dân Việt Nam vốn yêu quý Bác Hồ.

Những tư liệu tôi nêu trên đây có cơ sở chắc chắn, được rút ra từ những cuốn sách, những tài liệu đã được các nhà nghiên cứu thẩm định kỹ, hoàn toàn chính xác.

Để kết thúc bài viết này xin trích Diễn văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 9 tháng 9 năm 1969. Đây là văn kiện vô cùng quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định và tôn vinh Hồ Chí Minh.

“Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

(Kỷ niệm lần thứ 124 ngày sinh Chủ tịch    Hồ Chí Minh, 19.5.1890- 19.5.2014).                                                 

NGUYỄN XUÂN BA

Chú thích của tác giả:

Tôi không chép Tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đây. Vì như vậy sẽ làm cho bài viết quá dài. Ngày nay, việc tìm đọc tiểu sử của Bác không  khó, có thể tìm sách hoặc vào mạng là có ngay.

1.  Theo sách Chủ tịch Hồ Chí Minh với xây dựng Đảng, NXB Thanh Niên, xuất bản Quý 3 năm 2008, trang 23.

2. Theo sách Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước của Hoàng Thanh Đạm, NXB Thanh Niên xuất bản Quý 3 năm 2008, trang 141-142.

2A.   Sách đã dẫn (2), trang 149.

______________

Bài đọc thêm:

- Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông năm 1931- Bùi Quang Minh (tổng hợp)- Chungta.com Thứ sáu, 24/06/2011

- Luật sư Lô-dơ-bi kể chuyện bào chữa cho Hồ Chủ tịch - http://kiemsat.vn ngày 10/10/2017 09:58

 


PHỤ ĐÍNH 1:

Bài trích hồi ký của Archimedes Patti

trong cuốn "Hồ Chí Minh với nhân tài và kiến quốc," nhiều tác giả, Nxb Quân đội nhân dân phát hành năm 2008.

Archimedes Patti. Ảnh từ video https://www.youtube.com/watch?v=fFkIQYe0l1Y

Patti, sĩ quan tình báo Mỹ OSS đóng ở Trung Quốc trong thế chiến thứ 2, biết rõ Bác Hồ:

Hồi ký của Pat-ti viết:

“...Không do dự, ông Hồ đáp ngay có thể hợp tác được, vì ông Phạm Viết Tử đã tiếp xúc với Lãnh sự quán ở Côn Minh và trên thực tế AGAS và Việt Minh đang tổ chức mọi hoạt động bí mật để cứu giúp  các phi công Mỹ bị bắn rơi trên đất Việt Nam. Nhưng ông nghĩ rằng, trước hết ông muốn  nói tới những cộng sự  của phía Mỹ chúng tôi. Ông muốn biết làm thế nào mà tôi lại được biết về Việt Minh  và hơn nữa về ông. Tôi nói thẳng thắn và vắn tắt là từ ngày còn ở Oa-sinh-tơn tôi đã nghe tin ông bị Quốc dân đảng Trung Quốc bắt giam, ông làm việc trong Đồng minh hội, ông cộng tác với Đồng minh để cứu những phi công bị rơi. Tất nhiên tôi nói đến cả cuộc nói chuyện giữa tôi và Phương...

Pat-ti viết tiếp:

"Sau cuộc gặp ông Hồ vào tháng 4 tôi đã nghiên cứu kỹ phong trào Việt Minh, tôi tin chắc đây là một phong trào thật sự năng động và nhất định sẽ giành thắng lợi. Dựa trên cơ sở vững chắc, tôi xác định Việt Minh đã được ủng hộ của dân chúng. Vì vậy, trong các báo cáo gửi cho cấp trên cho Bộ Tư lệnh quân sự Mỹ và cho Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, tôi đã kịch liệt bác bỏ những luận điệu của Pháp cho rằng Đông Dương không có phong trào thật sự đấu tranh giành độc lập và đây chỉ là một số ít những tên "cộng sản vô tổ chức" hoặc cho rằng "người bản xứ" vẫn trung thành với Pháp, dân chúng vẫn mong người Pháp quay trở lại.

Qua những người Việt Nam ở Côn Minh, tôi được biết ông Hồ đã hoạt động 25 năm ở nước ngoài. Trong thời gian đó, ông đã hấp thụ chủ nghĩa Mác - Lênin và tự lĩnh nhiệm vụ tập hợp các nhóm dân tộc khác nhau vào tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh. Biết rõ sự nghèo nàn về kinh tế xã hội của Việt Nam, đầu tiên ông Hồ đề nghị gạt các lợi ích cục bộ và giai cấp sang một bên, để tập trung vào nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập tự do, chống chủ nghĩa thực dân...

_____________________

PHỤ ĐÍNH 2:

Chuyện ông cả Khiêm thăm Bác Hồ.

(Theo sách "Chuyện kể bên mộ bà Hoàng Thị Loan" và một số sách khác)

"Tháng 11-1946, ông Cả Khiêm (anh ruột của Bác Hồ) cùng hai người cháu là Hồ Quang Chính và Nguyễn Sinh Thọ đến Bắc Bộ phủ thăm Bác Hồ. Ba ông cháu được các cán bộ giúp việc ở Bắc Bộ phủ mời lên tầng hai ngồi đợi ở phòng bên, kế phòng Bác Hồ làm việc.

Khoảng 10 phút sau, lúc gần 11 giờ 30 phút (ngày 3-11-1946) cánh cửa phòng từ từ mở. bác Hồ vẫn đôi mắt sáng ngời và hiền từ, trong bộ kaki vàng bạc màu, đi thẳng về phía ba ông cháu. Ông cả Khiêm chạy lại ôm chầm lấy Bác Hồ, nét mặt cảm động và giọng cười hoan khoái. Ông hỏi:

- Chú, chú Cung, chú có khỏe không? Anh em mình xa nhau lâu quá!

Chòm râu của Bác Hồ rung rung vào má ông Khiêm, nét mặt Bác Hồ rất cảm động, nhưng vui tươi, Bác hỏi:

- Anh mới ra, anh khỏe không? Quý hóa quá...

Bác hỏi thăm bà Thanh về quê ra sao rồi mời ông Khiêm hút thuốc lá. Ông Khiêm huơ tay không nhận:

- Tôi hút thuốc Cẩm Lệ quen rồi, thuốc đó nhẹ để chú dùng.

Bác Hồ cười và đọc một câu thơ:

"Chốc đà mấy chục năm trời

Còn non, còn nước, còn người hôm nay".

Ông Khiêm nói:

- Hôm nay ông cháu đến thăm chú, tôi mang biếu chú ít quả cam Xã Đoài.

Bác Hồ cười vui. Người chớp chớp mắt, yên lặng và hỏi anh mình về tình hình Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, huyện Nam Đàn quê hương, về hoạt động của các chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Bác hỏi thăm đời sống, công việc của một số người thân và bạn bè hồi niên thiếu của Bác. Ông cả Khiêm lần lượt trả lời và nói:

- Chú đi lâu mà chú nhớ tài thế?

Liền đó, Bác Hồ hỏi ông Khiêm:

- Anh có còn nhớ chuyện Khơm Công không?

Và Người nói luôn:

- Chẳng những mình Khơm Công mà hàng chục triệu đồng bào hồi đó cũng "khơm công".

"Khơm Công" là tên ông Khiêm và Bác Hồ từ bé, nói chệch đi một tý theo giọng địa phương là Khơm và Công. "khơm Công" nói lái là "không cơm", ý nói thời niên thiếu của Bác và gia đình cụ Phó bảng Sắc túng thiếu.

Ông cả Khiêm hỏi Bác Hồ:

- Chú có ý định lúc nào về thăm quê?

Bác Hồ thong thả trả lời:

- Về đây cũng là về đến nhà rồi, tình hình và công việc thế này chưa cho phép nghĩ tới, chắc việc đó còn lâu.

Đúng như lời dự đoán của Bác Hồ, mãi 11 năm sau, cũng là ngày chủ nhật (16-5-1957), Bác Hồ mới trở về thăm quê lần đầu tiên".

(Theo sách "Chuyện kể bên mộ bà Hoàng Thị Loan" và một số sách khác).            

Bác Hồ về thăm lại ngôi nhà xưa ở làng Kim Liên trong lần đầu về thăm quê sau 51 năm xa cách (ngày 16/6/1957). Ảnh https://baonghean.vn/

__________________

Nguồn: tác giả gửi

Trang Lịch Sử