Quảng Ngãi Không Thể Đặt Tên Đường Lê Văn Duyệt!

Lão Chăn Bò

http://sachhiem.net/LICHSU/L/LaoChanBo03.php

26-Feb-2023

Duyệt rắp tâm nhào nặn hậu duệ của Cảnh lên ngôi để dễ bề thao túng, nhằm thực hiện ý đồ đưa "đế quốc về cai trị", giống như sử gia McLeod miêu tả. Tư tưởng bán nước ăn sâu vào con người Duyệt như thế là thứ công gì ?

Trong những năm gần đây, một số địa phương đã có nhiều động thái tri ân Lê Văn Duyệt, vị đại thần triều Nguyễn, người có công lớn (cùng với Lê Văn Thành) giúp Nguyễn Ánh thắng quân Tây Sơn, thành lập vương triều nhà Nguyễn. Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã tổ chức lễ giỗ Lê Văn Duyệt hàng năm theo nghi thức cấp cao nhất (có cả Bí thư, Chủ tịch cùng tham dự lễ dâng hương, cúng bái...). Mới đây, Báo Thanh Niên vừa có bài đề xuất tỉnh Quảng Ngãi đặt tên đường Lê Văn Duyệt. Xin có đôi lời như sau:

Lê Văn Duyệt theo Nguyễn Ánh từ những ngày đầu. Nếu như Gia Long được xem là chúa tể “cõng rắn cắn gà nhà/rước voi giày mả tổ” thì Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Huỳnh Đức… là những trợ thủ đắc lực cho tay cầm đầu ấy. Sau khi Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn, Lê Văn Duyệt là trợ thủ đắc lực đàn áp nhân dân chống lại lao dịch, thuế khoá nặng nề do chính sách của Gia Long mà điển hình chính là vùng đất phía Tây Quảng Ngãi ngày nay. Chính Lê Văn Duyệt đã cầm quân nhà Nguyễn tàn sát những người nông dân khởi nghĩa, chống lại sưu cao, thuế nặng của Gia Long.

Man, tên gọi người dân tộc thiểu số ở khu vực Quảng Ngãi, Việt Nam

Ngay từ khi lên ngôi, Gia Long hoàng đế đã ký ban hành các loại thuế đánh vào lâm thổ sản ở vùng này, làm cho "dân Man quanh năm nộp thuế không lúc nào rỗi". Hậu quả là: "Man phải nhặt củ rau và quả ở núi để ăn cho no bụng"... Gia Long hoàng đế đã áp đặt chế độ trấn quan, cho lập đồn binh ở các nguồn, để dễ bề dập tắt các cuộc nổi dậy. Chính Lê Văn Duyệt đã tắm cuộc khởi nghĩa của nông dân người dân tộc thiểu số phía Tây Quảng Ngãi trong biển máu. Vậy nên, không thể vinh danh hay đặt tên đường Lê Văn Duyệt, đặc biệt là ở Quảng Ngãi, điều này gây ra mối kích động hận thù của người đồng bào dân tộc thiểu số phía Tây Quảng Ngãi, vốn đã được chôn vùi hàng trăm năm trước.

Khi Gia Long qua đời, Lê Văn Duyệt bất phục vua Minh Mạng, đi ngược chính sách triều đình. Minh Mạng lấy nho học làm nền tảng, trong khi đó Lê Văn Duyệt chủ trương thân thiện với người Pháp, Anh, cổ súy cho việc truyền bá đạo Công giáo.

Lê Văn Duyệt có ý đồ ly khai khỏi Đại Nam.

Sau ngày từ trần của Po Klan Thu vào năm 1828, vua Minh Mệnh tìm cách đưa người trung thành với mình lên làm quốc vương Champa trong khi đó Lê Văn Duyệt quyết định giao quyền quốc vương Champa cho Po Phaok The (Nguyễn Văn Thừa) tức là phó vương dưới triều đại Po Klan Thu (1822-1828) và cũng là con của vua Po Saong Nhung Ceng (1799-1822), một vị chiến hữu của vua Gia Long.

Sau ngày lên ngôi của Po Phaok The vào năm 1828, vương quốc Champa chấm dứt mối liên hệ với triều đình Huế, chỉ gửi triều cống cho Lê Văn Duyệt. Kể từ đó, nhân dân Champa hoàn toàn đặt dưới quyền che chở của tổng trấn Gia Định Thành, không còn phục tùng vua Minh Mệnh. Nếu Lê Văn Duyệt thành công trong việc chia cắt đất nước thì có lẽ là thế cục "Trịnh Nguyễn phân tranh" lần hai sẽ xẩy ra.

Hồng phúc cho đất nước là Lê Văn Duyệt khi đó đã già và sớm ra đi. Kết quả là sau khi Lê Văn Duyệt mất, con nuôi là Lê Văn Khôi tạo phản và bị Minh Mạng tru diệt. Lê Văn Duyệt bị vua Minh Mạng cho đào mồ cuốc mả. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc Minh Mạng tận diệt người Chăm Pa năm 1832.

Chính Lê Văn Duyệt chứ không phải ai khác, là kẻ kích động chia rẽ, thù địch dân tộc, dẫn đến các cuộc nội chiến sau này. Chẳng hiểu vì sao hết thành phố Hồ Chí Minh, bây giờ người ta còn đòi vinh danh kẻ gây tranh cãi như Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt có gốc Quảng Ngãi nhưng lại giúp Gia Long diệt chủng, tàn sát người dân tộc thiểu số Quảng Ngãi. Báo Thanh Niên lại xem việc diệt chủng thanh có công và đòi vinh danh Duyệt. Thật không còn gì để nói!

Đừng có lý luận kiểu, trước năm 1975, VNCH có nhiều đường, trường mang tên Gia Long, Lê Văn Duyệt. Xin thưa rằng, Gia Long, Lê Văn Duyệt cầu ngoại bang và ngụy Sài Gòn cũng là sản phẩm của người Pháp, Mỹ đẻ ra. Nghĩa là giữa họ có nét tương đồng là đều bán nước, làm tay sai cho ngoại bang, cõng rắn cắn gà nhà. Vậy nên đồng bệnh tương lân, đồng khí tương cầu. Bán nước ca ngợi bán nước là lẽ thường, ngụy tôn vinh Gia Long, Lê Văn Duyệt là tự mình rửa mặt cho mình.

Thế nên, Sài Gòn và Gia Định trước năm 1975 có tới hai đại lộ mang tên Lê Văn Duyệt. Đại lộ Lê Văn Duyệt của Đô Thành Sài Gòn hiện nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, còn đại lộ Lê Văn Duyệt của tỉnh Gia Định cũ nay là đường Đinh Tiên Hoàng.

Sau ngày 30 tháng 4, cả hai con đường mang tên Lê Văn Duyệt đều bị đổi tên vào cùng ngày 14 tháng tám, 1975. Không phải những người cộng sản cực đoan, không tôn vinh Lê Văn Duyệt mà chính lòng tự tôn dân tộc, dòng máu chính thống của con Lạc cháu Hồng không cho phép những người cộng sản vinh danh kẻ bán nước cầu vinh.

Ngày nay, Lê Văn Duyệt bỗng dưng thành đại anh hùng dân tộc. Đây là sản phẩm của việc xét lại lịch sử mà Phan Huy Lê và cộng sự của ông ta dày công xuyên tạc theo hướng rửa mặt cho giặc. Gia Long, Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký... chỉ là những viên đá ném ra để dò đường. Cái đích xa hơn của các thế lực thù địch chính là rửa mặt cho ngụy Sài Gòn, rửa mặt cho những Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu hay chính anh trai của Phan Huy Lê là Phan Huy Quát.

Lê Văn Duyệt được hoành tráng hoá, thần thánh hóa và hàng năm được tổ chức giỗ linh đình đến 3 ngày ở thành phố Hồ Chí Minh và bây giờ là đề xuất tôn vinh Duyệt ở Quảng Ngãi.

Không lẽ một người gây tranh cãi giữa công và tội như ông ta lại hơn cả những anh hùng dân tộc, các bậc khai quốc công thần như, Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương, Lê Lợi, Quang Trung, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp...? Lê Văn Duyệt không xứng được nhận lễ nghi tôn kính bậc nhất Việt Nam như thế. Việt Nam có hàng ngàn, hàng vạn người công cao hơn Lê Văn Duyệt. Đừng làm quá lố, kệch cỡm như vậy. Quảng Ngãi hãy sáng suốt, không mắc mưu của những kẻ xuyên tạc lịch sử, rửa mặt cho giặc./.

--------------

HỒ SƠ LÊ VĂN DUYỆT

Nghe nói mấy bữa nọ ở một thành phố phía Nam tổ chức lễ giỗ linh đình cho Lê Văn Duyệt với lý do gã này có công lớn lắm với nhân dân.

Vậy công đó là những công gì ?

Theo sử gia McLeod: "Lê Văn Duyệt có lý do chính đáng để muốn đế quốc cai trị khi Gia Long qua đời"...,

"Lê Văn Duyệt không xuất thân từ nền giáo dục Nho giáo cổ điển, ông không quá chú trọng đến truyền thống và quan tâm nhiều đến nhu cầu quân sự, và do đó, ông sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì mối quan hệ bền chặt với người châu Âu để có được vũ khí từ họ...".

Riêng câu này đã bộc lộ bản chất tận cùng phản động của hắn.

Duyệt rắp tâm nhào nặn hậu duệ của Cảnh lên ngôi để dễ bề thao túng, nhằm thực hiện ý đồ đưa "đế quốc về cai trị", giống như sử gia McLeod miêu tả.

Tư tưởng bán nước ăn sâu vào con người Duyệt như thế là thứ công gì ?

Hắn theo Nguyễn Ánh từ nhỏ. Hắn là đồng phạm lớn nhất của Ánh cõng rắn về cắn gà nhà. Đó là thứ công gì ?

Chỉ vì vũ khí để gliiết người mà Duyệt đã trung thành với mọi thủ đoạn của Ánh, quyết tâm dâng lãnh thổ cho ngoại bang. Đó là thứ công gì ?

Tại trung tâm lưu trữ quốc gia 1 còn lưu trữ bài báo tiếng Pháp của Tuần báo Đông Dương nhan đề "Le Maréchal de Le Van Duyet", có ghi một số nội dung đáng chú ý như sau :

- "...chúng ta sẽ truy hại những giáo hữu của giám mục Adran và cả những người Pháp mà nhờ họ, chúng ta mới có gạo để ăn..."

- người Pháp ca ngợi Lê Văn Duyệt như sau: "Ông là một vị tướng quả cảm, trên hết là người bạn trung thành của người Pháp, dân tộc mà ông quý mến ngay từ khi có một nhóm nhỏ..."

Những điều này là bằng chứng không thể chối cãi, Duyệt và Ánh nhờ bán nước mà ngoại bang mới đưa bọn chúng lên ngôi. Duyệt là kẻ bất chấp đạo lý của cha ông. Hắn không giữ lễ nghĩa với tổ tiên mà chỉ biết cúi đầu trước Chúa. Vậy đó là thứ công gì ?

Thứ văn hóa phản giống nòi là thứ văn hóa gì ?

Duyệt là "bạn trung thành" của những tên thực dân nô dịch phương Đông. Vậy hắn có công với Việt Nam hay là có công với nước Mẹ ?

Duyệt được Pháp trọng vọng giống như Trương Vĩnh Ký. Mả của hắn được Pháp bảo kê. Vậy hắn có công gì với quân xâm lược mà được Phú Lang Sa tôn vinh lên đỉnh cao danh vọng ?

Hắn có công với kẻ cướp, ắt phải có tội với Việt Nam.

Cớ gì lại phải chổng mông bái lạy tên hung thần Lê Văn Duyệt ?

Nguyễn Ánh làm vua 20 năm nhưng có hơn 80 cuộc nổi dậy của nhân dân vì bất mãn với sự bóc lột triều đình.

Những cuộc tàn sát nghĩa quân bằng đạo luật hèn hạ và ghê rợn của Nguyễn Ánh, có bàn tay của Lê Văn Duyệt. Công giết chóc của hắn được xếp vào thứ công gì ?

Lê Văn Duyệt chỉ là kẻ giữ trật tự trị an ở Nam bộ, lập ra vài nhóm từ thiện và có công trong kênh Vĩnh Tế chứ không hề có công mở mang bờ cõi. Vậy kẻ nào đã đánh cắp công lao của Nguyễn Hữu Cảnh và Chúa Nguyễn để gán cho Duyệt ?

Bịa công cho Lê Văn Duyệt trắng trợn như thế thì lũ "Sử Da" còn đáng tin cậy nữa không ? Có đáng truy tố chúng vì tội xuyên tạc lịch sử không ?

Một công sao gánh được vạn tội của Duyệt được ?

Kẻ nào đã đề nghị hất cẳng vua Đinh để đưa Duyệt vào thế chỗ ?

Công bán nước của Duyệt có lớn tới mức phải làm giỗ linh đình hơn cả giỗ Vua Hùng ?

Duyệt theo Ánh rước ngoại bang vào xâm lược. Duyệt tàn sát đồng bào, giết hại cả trẻ em 4 tuổi để thị uy. Vậy đó là thứ văn hóa gì ? Tại sao lại mả của Duyệt là di tích văn hóa ?

Cơ quan chức năng nên xem xét thu hồi ngay bằng công nhận "di tích văn hóa" nơi mả chôn xác Duyệt.

Vì không thể có thứ văn hóa nào gắn liền với sự man rợ đàn áp dân lành. Không có thứ văn hóa nào lại có thể đi cùng với những kẻ rước ngoại bang vào giày xéo quê hương.

Nói thêm về vấn đề đặt tên đường cho Lê Văn Duyệt.

Điều 17, Nghị định 91/2005 quy định về việc đặt tên và đổi tên đường phố như sau : đối với đô thị loại đặc biệt thì phải trình nội dung với Bộ Văn hóa Thông tin và phải công khai lấy ý kiến nhân dân về lý do đổi tên, dự kiến đặt tên đường trước khi thực hiện.

Vậy tội của Duyệt lớn như vậy, cấp nào cho phép hắn được đặt tên đường? Hay là dựa vào các cuộc ngụy hội thảo ?

Được biết, Duyệt đã được chế độ thực dân và bù nhìn đặt tên ở Sài gòn.

Dân tộc ta đã mất muôn ngàn máu xương để dẹp đi tàn tích của thời nô lệ. Vậy mà hậu nhân lại trả ơn đồng bào bằng cách dựng lại tàn tích của quân xâm lược, hất cẳng một vị vua lập nước, để thay vào đó bằng tên của hung thần bán nước cầu vinh ?

Tử tế chưa ?

Thời đại của chúng ta quả thật có lắm thứ lạ kỳ.

Càng chỉ đạo bảo vệ nền tảng văn hóa thì văn hóa càng suy đồi. Đánh căp công lao của chúa Nguyễn và lạm dụng cúng bái dị đoan tên Duyệt là một ví dụ.

Càng hô hào "khoa học lịch sử" thì lịch sử càng bị đánh tráo bởi thủ đoạn đốn mạt giấu nhẹm ngụy quân ngụy quyền ???

Và rồi các phỗng thì vẫn ra rả dạy đời bằng "đạo đức Cách mạng" ? Giống bản sao "cải tổ" Liên Xô của Yakovlev lắm ???

Đáng lo ngại lắm thay.

Lão Chăn Bò

 

Nguồn Thông tin chống phản động ngày 25 tháng 2, 2023

___________

Tham khảo:

- Lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa, 09 Tháng Tám, 2015

- Đề xuất Quảng Ngãi đặt tên đường Lê Văn Duyệt, 21/02/2023

- Từ việc Từ việc trả lại tên đường Lê Văn Duyệt – nhắc về chuyện người mở cửa Nam Bộ, 18/01/2021

- “Loạn Đá Vách” (Đại Việt Sử Quán, 17 Sep 2019)

- Tả Quân Lê Văn Duyệt, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, 08/09/2020

 

_____________

PHỤ ĐÍNH

Tả Quân Lê Văn Duyệt,

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, 08/09/2020

09:01 PM 08/09/2020

Trên Tuần báo Đông Dương, số 95, ngày 25/6/1942, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I có bài viết “Le Maréchal de Gauche Le Van Duyet” (Tả quân Lê Văn Duyệt) của tác giả Huynh Van Chinh với nhiều thông tin thú vị, có giá trị tham khảo. Chúng tôi xin lược dịch và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhân dịp "Thanh minh” vào ngày 05 tháng 4 năm 1942, tại ngôi đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, ở Gia Định, đã diễn ra một nghi lễ long trọng với sự tham gia của nhiều quan chức người Pháp và người An Nam.

Trên đường Tour de l'Inspection (con đường dọc kênh Tàu Hủ, Sài Gòn - ND), một thời là địa điểm ưa thích của những người dạo chơi buổi tối của Sài Gòn cũ, từ cây cầu thứ hai trên rạch Thị Nghè nhìn sang phải là ngôi đền và lăng mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt, công thần bậc nhất của vua Gia Long.

Lê Văn Duyệt, nhà yêu nước lỗi lạc, vị tướng quả cảm, trên hết là một người bạn trung thành của người Pháp, dân tộc mà ông đã quý mến ngay từ khi mới chỉ có một nhóm nhỏ người Pháp, theo lời kêu gọi của Mgr Pigneau de Béhaine, giám mục hiệu tòa Adran, đã giúp vua Gia Long giành lại ngôi Vương trước quân Tây Sơn và lập nên vương triều Nguyễn ngày nay.

Lê Văn Duyệt sinh năm 1763 tại làng Nhị Bình (thuộc tỉnh Định Tường). Ông là con trai cả trong một gia đình nông dân gồm 4 người con. Tuy nhiên, tạo hóa lại không dành ưu ái cho ông. Ông không chỉ có thân hình nhỏ bé mà khi sinh ra còn bị khuyết bộ phận sinh dục, khiến người đời không xác định được giới tính thật của ông nên gọi ông là Đại thái giám (Grand Eunuque).

Tuy là người thấp bé, nhưng Lê Văn Duyệt lại có sức mạnh hơn người và có tài thao lược.

Năm 1780, Gia Long lúc đó là vương Nguyễn Ánh trong khi chạy trốn khỏi phiến quân Tây Sơn và mắc kẹt tại Ba Giồng, đã gặp Lê Văn Duyệt. Nhận thấy ông là người tài giỏi, thông minh và có tinh thần yêu nước nồng nàn, Nguyễn Ánh đã cho ông gia nhập đoàn tùy tùng.

Vì biết Lê Văn Duyệt là người ái nam ái nữ bẩm sinh nên chúa Nguyễn đã tuyển ông làm thái giám, lãnh nhiệm vụ bảo vệ cung quyến. Lê Văn Duyệt buộc phải bằng lòng với vị trí khá mơ hồ này, đó là tháp tùng hoàng tộc mọi lúc, mọi nơi, trước khi bộc lộ rõ tài binh nghiệp của mình trong các trận chiến chống quân Tây Sơn.

Sau này, ông cầm quân thắng nhiều trận lớn, nghiệp binh nhanh chóng thăng tiến cho tới chức chỉ huy Tả quân. Năm 1812, Lê Văn Duyệt được cử làm Tổng trấn thành Gia Định với nhiệm vụ giải quyết xung đột giữa Xiêm và Cao Miên, cả hai quốc gia này đều muốn vua Gia Long giữ vai trò làm trọng tài.

Năm 1819, ông được phái đi Kinh lược ở Bắc thành để dập tắt cuộc nổi dậy diễn ra tại Thanh Hóa và Nghệ An. Nhiệm vụ hoàn thành, Lê Văn Duyệt trở lại triều đình Huế và ở cạnh Gia Long cho đến khi nhà vua băng hà vào năm 1820.

Sau khi kế vị vua cha, Minh Mạng cử Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn thành Gia Định lần thứ hai để trấn áp cuộc nổi dậy của người Cao Miên tại Trà Vinh. Trên thực tế, đây là cơ hội để vị vua này loại trừ khỏi triều đình vị tướng già trung thực và cương nghị - người không ủng hộ việc vua Minh Mạng phản đối người Pháp và cộng đồng công giáo sống trên lãnh thổ An Nam.

Trở lại với vị trí từng đảm nhiệm trước đây, Lê Văn Duyệt không còn đủ lực để bảo vệ những người bạn của ông ngày trước thoát khỏi sự truy hại của vua Minh Mạng.

Một ngày trong lúc tham dự một trận đá gà - thú vui yêu thích của Lê Văn Duyệt, ông nhận được bản chỉ dụ đầu tiên chống lại các tín đồ công giáo và người Pháp:

Ông kêu lên: "Sao lại như vậy! "Chúng ta sẽ truy hại các giáo hữu của giám mục Adran và cả những người Pháp mà nhờ họ, chúng ta mới có gạo để ăn. Không! Chừng nào hạ thần còn sống, hạ thần sẽ không làm như vậy. Hãy để đức Vua làm những gì mà Ngài muốn sau khi thần chết".

Đối với một người am hiểu đạo lý truyền thống của người An Nam, đó là đặt việc phục tùng và kính cẩn chúa thượng lên hàng đầu, hẳn là Lê Văn Duyệt phải có lý do đặc biệt nào đó nên ông mới phản ứng như vậy. Thật vậy, Lê Văn Duyệt còn nhớ như in thời khắc lịch sử mà ông đã cùng những người bạn Pháp và giám mục Adran sát cánh bên nhau để đưa Gia Long trở lại ngôi vương.

Lương tâm của một nhà binh và của một con người trung thực, khẳng khái không cho phép ông làm ngơ trước những bất công khiến những người từng góp nhiều công sức vào việc khôi phục vương quốc An Nam có thể sẽ trở thành nạn nhân.

Bị mắt kẹt giữa một bên là mệnh lệnh của vua và một bên là lòng trung nghĩa đối với những người bạn của vua Gia Long, cuối cùng ông đã làm theo sự mách bảo của trái tim.

Hành vi chống đối mang tính lịch sử của ông đã gây trở ngại lớn cho những dự định của vua Minh Mạng trong suốt nhiều năm.

Tuy nhiên, Minh Mạng cũng không muốn trừng phạt Lê Văn Duyệt bởi đức vua hiểu rất rõ về vị lão tướng lừng danh này. Ông không chỉ là người được vua cha Gia Long ủy quyền mà còn là người đỡ đầuvà là người dạy dỗ mình.

Năm 1832, sau khi Lê Văn Duyệt từ trần, Minh Mạng đã cho xiềng xích mộ phần của ông và phạt 100 trượng. Tuy nhiên, hình phạt này không làm ảnh hưởng tới tiếng tăm của vị công thần này - người cùng Nguyễn Văn Thành, Võ Tánh, các sĩ quan Pháp và rất nhiều người bạn chiến đấu dũng cảm khác đã sát cánh cùng vua Gia Long để tiêu diệt quân Tây Sơn và lập ra vương triều Nguyễn.

Sau khi lên ngôi vào năm 1841, vua Thiệu Trị cho sửa sang, xây đắp mộ phần của Lê Văn Duyệt. Hiện nay (năm 1942), ngôi mộ đã được chính quyền Pháp và một ủy ban tôn giáo tu bổ, cải tạo kiên cố.

Lăng mộ Tả quân Lê Văn Duyệt, nguồn: sưu tầm

Hàng năm, vào dịp Thanh Minh - ngày lễ chung của những người đã khuất, một nghi lễ long trọng được tổ chức để tưởng nhớ Tả quân Lê Văn Duyệt, nhân tài kiệt xuất dưới triều Nguyễn.

Mặc dù không được học nhiều và không có bằng cấp như những người An Nam tài giỏi khác được trọng dụng phục vụ đất nước và đức vua song người dân Gia Định luôn kính trọng nhân cách, tài năng, đức độ của vị Tổng trấn đầu tiên này và xem ông như một vị thần.

Nguồn:

TC 826 - Tạp chí Đông Dương số 95, ngày 25/6/1942, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Minh Phúc - Hoàng Hằng (dịch)

Trang Thời Sự