Đảo Nam Yết

Hoàng Kiền

http://sachhiem.net/LICHSU/H/HoangKien01.php

10-Aug-2022

Xem đôi dòng về tác giả (SH)

... Sau vụ việc tầu đối phương uy hiếp đảo Nam Yết, cán bộ quân báo của Vùng 4 đã ra nằm tại đảo theo dõi tình hình và báo cáo về chỉ huy vùng là Trung đoàn 83 đưa dân ra đảo xây dựng..

Sáng 8/8/2022 về quê gặp lại "Chiến sĩ Trường Sa" Nguyễn Văn Túc, một trong 7 người trong đội thợ xây đầu tiên của Làng Bỉnh Di do ông Lê Văn Biền làm đội trưởng ra xây dựng Trường Sa. Anh em, Thầy trò cùng ngồi ôn lại một thời với Trường Sa, đặc biệt là Đảo Nam Yết.

Xem lại bộ ảnh lưu kỷ niệm về Trường về Đảo Nam Yết thật bồi hồi xúc động. Nhìn những hình ảnh hòn đảo hôm nay bao đổi thay mà bồi hồi khơi dậy những kỷ niệm một thời gắn bó. Rất nhiều việc trong 8 năm trực tiếp chỉ huy Trung đoàn Công binh 83 xây dựng nơi đây, nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất là xây dựng Nhà Hai Tầng Nam Yết.

Nam Yết là một đảo san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đảo này nằm cách đảo Ba Bình (Đài Loan đang chiếm đóng) khoảng 11,9 hải lý (22 km) về phía nam và cách đảo Sinh Tồn 18 hải lý (33,3 km) về phía bắc.

Hiện nay đảo Nam Yết thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa (xã Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa được thành lập năm 2007 trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo, đá, bãi phụ cận).

Đảo có dạng hình bầu dục hơi hẹp bề ngang, nằm theo trục đông-tây với chiều dài khoảng 700 m, chiều rộng khoảng 150 m. Theo như hình ảnh vệ tinh LandsatLook, diện tích đất nổi của đảo là 8,29 ha.

Đảo cao 2-3,5 m. Đảo Nam Yết là một phần của một rạn san hô vòng lớn nên mặt ngoài (phía nam) rất dốc và sâu trong khi mặt trong (phía bắc, hướng vào vùng biển) thì thoải đều và nông.

Đất trên đảo này chủ yếu là sạn, sỏi và cát thô từ đá mẹ là san hô, vỏ sò ốc và chỉ mới hình thành khoảng nửa sau Holocen.

Khí hậu đảo Nam Yết mang đặc trưng của khí hậu nam Biển Đông, nhiệt độ trong năm cao và biến thiên theo mùa không lớn, trung bình từ 26,5 °C đến 27 °C. Ba tháng cuối năm là thời gian mưa nhiều nhất. Trung bình mỗi năm có 13 cơn bão và áp thấp đi qua đảo này.

Quanh đảo có bờ kè bằng bê tông được xây dựng.

Trên đảo có một số công trình như trung tâm văn hóa, tượng đài Trần Hưng Đạo, chùa Nam Huyên. Phía tây của đảo có nghĩa trang liệt sĩ và một sân đỗ trực thăng.

Hải đăng Nam Yết nằm về phía đông của đảo được xây dựng năm 2013, có thân màu trắng - đỏ - trắng, chiều cao tháp đèn là 24,9 m, chu kỳ chớp là 15/giây.

Bờ biển đảo Nam Yết gồm các bãi cát vụn san hô nhẹ và xốp, không ổn định, thường thay đổi theo mùa gió tác động. Đảo được bao bọc bởi một thềm san hô ngập nước lan rộng từ 300 đến 1.000 m so với bờ đảo và thậm chí thềm này mở rộng đến 2.000 m ở phía tây.

Đảo này trước đây không có nước ngọt, từ khi xây dựng tường kè chống sói lở, giữ được nước mưa nên đã từng bước ngọt hoá đảo. Thảm thực vật trên đảo nghèo nàn nhưng hệ cây thân gỗ trên đảo phát triển khá tốt nhờ đất cát có trộn lẫn phân chim giúp rễ cây có điều kiện phát triển. Các loại cây nước lợ như bàng vuông, bão táp, phong ba, keo, mù u, dừa và các loại cỏ dại, dây leo có thể mọc được.

NHÀ HAI TẦNG NAM YẾT

Vào cuối năm 1991 tình cờ tôi gặp anh Huân cán bộ của Cục doanh trại Tổng cục Hậu cần, nguyên giảng viên của Học viện kỹ thuật quân sự thời tôi là học viên. Tôi hỏi Thầy vào triển khai nhiệm vụ gì vậy. Anh thông báo là Bộ cho làm thí điểm xây dựng nhà hai tầng đầu tiên trên đảo Nam Yết, do Cục Xây dựng và quản lý nhà đất thiết kế, Anh Hà cục phó chỉ đạo, Tiến sỹ Trương Minh Bình Làm chủ nhiệm đồ án, Kiến trúc sư Nguyễn Công Huân đảm nhiệm thiết kế. Công ty 394 thuộc Binh đoàn 11 được chọn thi công, đã ký hợp đồng kinh tế với Ban quản lý xây dựng công trình Trường Sa do Phó đô đốc Phạm Minh - PTL Hải quân kiêm Trưởng ban. Tôi nói với anh Huân sao không giao cho chúng tôi làm? Anh nói vì đây là công trình thí điểm nên Tổng cục Hậu cần và Bộ tư lệnh Hải quân thống nhất chọn một đơn vị có uy tín của Binh đoàn 11 trực thuộc TCHC thi công để rút kinh nghiệm. Tôi đề nghị cứ giao cho Trung đoàn 83 thi công chúng tôi đảm nhiệm được. Anh Huân hơi băn khoăn nhưng cũng ủng hộ từ tình cảm giảng viên, học viên của Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Tôi ra Hải Phòng gặp Phó đô đốc Hoàng Hữu Thái - Tư lệnh Hải quân báo cáo và đề nghị giao cho chúng tôi thi công xây dựng nhà 2 tầng ở đảo Nam Yết. Tư lệnh rất tin tôi và Trung đoàn nhưng cũng phân vân về trình độ tay nghề của cán bộ chiến sỹ. Tôi hứa quyết tâm và có biện pháp đưa dân làng ra làm nòng cốt thợ xây dựng. Tư lệnh đồng ý và nói sang báo cáo Phó tư lệnh Phạm Minh. Tôi đến gặp trình bày, Chuẩn đô đốc Phạm Minh nói: Các cậu làm sao mà làm được nhà hai tầng. Tôi đã thống nhất với Tổng cục Hậu cần và đã ký hợp đồng với Công ty 394 rồi.

Tôi báo cáo chúng tôi làm được, tôi xin chịu trách nhiệm trước thủ trưởng và BTL Hải Quân, Tư lệnh Hoàng Hữu Thái cũng đã đồng ý. PTL Phạm Minh nói Cậu làm khó cho tớ quá, thôi về chuẩn bị thi công, làm thí điểm cho thật tốt nhé, uy tín của Quân chủng Hải Quân và còn hướng đầu tư tiếp theo nữa đấy, làm hỏng là cậu chết với Tôi. Tôi xin hứa và chào ra về lòng tràn đầy niềm tin và quyết tâm thực hiện. Nhiệm vụ xây dựng nhà 2 tầng đảo Nam Yết được triển khai ngay, tôi về quê đưa 7 người dân có tay nghề thợ xây cao ra làm nòng cốt về kỹ thuật.

Nhà 2 tầng trên đảo Nam Yết giao cho Tiểu đoàn 887 thi công, đồng chí Bùi Quang Lộc - Tiểu đoàn trưởng làm khung trưởng, đồng chí Hoàng Bá Định - Đại đội phó Đại đội 8 làm khung phó quân sự, Kỹ sư Nghiêm Hồng Giang làm khung phó kỹ thuật, Kỹ sư Phạm Cao Sơn - Trợ lý Phòng Xây dựng và Quản lý nhà đất của Cục Hậu cần Hải quân ra chỉ đạo, giám sát. Sau 3 tháng thi công, nhà 2 tầng đã được hoàn thành đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, được hội đồng nghiệm thu của Bộ đánh giá cao. Đợt nghiệm thu có đại biểu của Cục xây dựng và quản lý nhà đất - Tổng cục Hậu cần, Phòng Xây dựng và quản lý nhà đất - Cục Hậu cần Hải quân, Trung đoàn 83 do đồng chí Nguyễn Văn Thống - Trung đoàn phó phụ trách, đồng chí Bùi Quang Hải trợ lý tham mưu mang bia đá gắn vào công trình cùng đi. Đi trên tàu HQ613 ra thu quân, gặp cơn bão khi cập đảo vô cùng khó khăn nguy hiểm, đồng chí Hải được Trung đoàn trưởng giao trực tiếp mang bia đá ra gắn biển công trình, vào đến bờ đảo sóng đánh lật chìm xuồng, Quang Hải đã bảo vệ an toàn bia đá, hoàn thành nhiệm vụ. Nhà 2 tầng đảo Nam Yết được Hội đồng nghiện thu đánh giá cao. Từ đây mở ra giai đoạn mới cho Trung đoàn thi công các công trình nhà ở cho bộ đội và các công trình có yêu cầu kỹ thật, kiến trúc cao ở Trường Sa. Từ năm 1993, hàng loạt công trình nhà ở cao tầng, một tầng lâu bền trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa được triển khai do Trung đoàn công binh 83 và Trung đoàn Công binh 131 thi công.

LÀNG XÂY ĐẢO

Vào tháng 5 năm 1992 đối phương đưa tầu chiến đến có ý đồ đóng chiếm "đảo chìm" Én Đất, gần Nam Yết khoảng hơn chục ki lô mét. Toàn đảo Nam Yết báo động chiến đấu, bộ đội triển khai ra chiến hào, quân cơ động rầm rập, xe tăng nổ máy chạy ầm ầm trong màn đêm, bốn bề sóng vỗ, các loại pháo mặt đất, pháo phòng không chiếm lĩnh trận địa sẵn sàng chiến đấu. Một tổ bảy người dân làng tôi đang cùng đội xây dựng của Trung đoàn 83 thi công nhà 2 tầng ở đây cũng lo lắng trước tình hình chiến sự sắp xẩy ra. Trong số đó có anh em rất lo lắng muốn về đất liền. Tôi đang dự hội nghị của quân chủng ở Hải Phòng nhận được điện báo ra cũng lo. Họp xong tôi vào thẳng Nha Trang làm việc với Sở chỉ huy vận tải, đề nghị bố trí một chuyến tầu chở vật liệu ra Nam Yết tôi kết hợp đi ra kiểm tra việc xây dựng công trình.

Những năm này tình hình khu vực Trường Sa cũng còn khá căng thẳng do sự uy hiếp của tầu chiến của họ rất ngông ngược. Ra đến đảo tình hình đã lắng dịu, tầu đối phương đã rút đi, đơn vị đảo đã hạ cấp sẵn sàng chiến đấu nên cũng đỡ căng thẳng. Tôi thăm công trình, thăm cán bộ chiến sỹ và công nhân đang thi công. Buổi tối tôi gặp tổ thợ xây dân làng để nghe ý kiến. Anh em lúc đầu cũng có lo lắng nhưng nay đã trấn tĩnh lại, tôi phân tích tình hình và khảng định là họ không thể vô cơ đánh chiếm đảo của ta. Anh em hỏi nếu chúng tôi chết có được công nhận liệt sỹ không, ông Biến hỏi bố tôi là liệt sỹ nếu tôi chết có được công nhận liệt sỹ nữa không. Tôi đã giải thích là khi có chiến sự thì tất cả mọi người trên đảo phải tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, ai đã qua bộ đội thì cầm súng chiến đấu, còn lại làm nhiệm vụ tải đạn, nếu hy sinh đều là liệt sỹ kể cả ông Biến.

Sau khi nghe quán triệt 6 người xác định tiếp tục ở lại, riêng ông Biến lưỡng lự, tôi nói thôi để ông vào trong bờ lao động. Nhà hai tầng Đảo Nam Yết được hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng tốt, đẹp, được hội đồng nghiệm thu có Cục doanh trại của Tổng cục Hậu cần đánh giá cao. Dân làng Bỉnh Di đã góp phần làm nên công trình nhà ở hai tầng thí điểm đầu tiên trên quần đảo Trường Sa, và kèm cặp đào tạo nghề bằng cách cầm tay chỉ việc cho các chiến sỹ của trung đoàn tham gia xây dựng công trình. Từ đây mở ra một giai đoạn mới đưa dân ra xây dựng Trường Sa. cũng là bước khởi đầu cho ý tưởng dân sự hoá Trường Sa.

Sau vụ việc tầu đối phương uy hiếp đảo Nam Yết, cán bộ quân báo của Vùng 4 đã ra nằm tại đảo theo dõi tình hình và báo cáo về chỉ huy vùng là Trung đoàn 83 đưa dân ra đảo xây dựng. Tại hội nghị quân chính cuối năm 1992 có ý kiến phát biểu về việc Trung đoàn 83 đưa dân ra xây dựng ở Trường Sa vi phạm quy định của Quân chủng. Tôi đã lên trình bày giải thích về yêu cầu thợ có tay nghề để tham gia xây dựng và bồi dưỡng cho chiến sỹ của Trung đoàn, những người ra đảo đều được lựa chọn kỹ về lý lịch. Tôi trực tiếp báo cáo với chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã về nhiệm vụ xây dựng công trình phòng thủ bảo vệ Trường Sa trước âm mưu thôn tính Trường Sa của đối phương, yêu cầu thợ có tay nghề cao ra tham gia xây dựng. Tôi đã trao đổi với từng người về tình hình khó khăn nguy hiểm, nhưng yên tâm vì tôi trực tiếp đi cùng bộ đội ra Trường Sa, cứ yên tâm ra tham gia xây dựng, các chế độ được bảo đảm đầy đủ. Tôi đề nghị UNND xã xác nhận vào danh sách trích ngang của những người ra xây đảo. Đây là những người có lý lịch tốt, có tay nghề cao, có tinh thần dũng cảm, có trách nhiệm tham gia xây dựng bảo vệ Trường Sa. Trong kết luận Phó đô đốc Hoàng Hữu Thái không ý kiến gì, thế là tôi yên tâm để tiếp tục triển khai cho những năm tiếp theo với số người tăng thêm. Từ tháng 6 năm 1994 khi có Công ty Xây lắp Hải công công ty đứng ra ký hợp đồng lao động cho hợp pháp. Từ năm 1992 đến nay đã có hơn 300 người dân làng Bỉnh Di ban đầu rồi mở rộng ra xã Giao Thịnh và huyện Giao Thuỷ, đến nay hàng nghìn lượt người ra tham gia xây dựng Trường Sa.

Có năm tới 80 người ăn tết ngoài đảo. Một số gia đình đã có hai thế hệ tham gia xây dựng Trường Sa. Liên tục gần ba mươi năm không lúc nào quê tôi không có người trên những công trình xây dựng ở Trường Sa. Đài truyền hình VOV đã xây dựng bộ phim làng xây đảo, đài truyền hình VTV1 cũng đã xây dựng bộ phim Bỉnh Di làng xây đảo để dự thi phim truyền hình toàn quốc, những người dân làng Bỉnh Di xây đảo nói riêng và làng tôi nói chung rất tự hào đã được lên truyền hình và đã có đóng góp công sức của mình trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời qua trình tham gia xây dựng công trình cũng tạo ra nguồn thu nhập cao hơn so với lao động trong bờ góp phần cải thiện cuộc sống cho các gia đình vùng nông thôn còn nghèo. Qua lao động nhiều người đã trở thành công nhân hợp đồng dài hạn, làm đội trưởng đội xây dựng của Công ty xây lắp Hải công trước đây và công ty xây dựng công trình Tân cảng ngày nay. Có một số đồng chí cán bộ cấp cao của Quân chủng Hải quân và Binh chủng Công binh hỏi tôi là: sao anh liều thế, đưa dân ra đảo lỡ xảy ra chiến sự thì sao , xảy ra mất an toàn lao động thì sao. Tôi nói là cũng đã phổ biến cho những người tham gia ra đảo về tình hình Trường Sa, xác định ra đảo là khó khăn gian khổ nguy hiểm nhưng tôi đi được thì dân đi được. Tôi khẳng định là Trung Quốc không có cớ gì đánh chiếm các đảo của ta đang đóng giữ, nên mọi người cứ yên tâm. Thực tế ba mươi năm qua với hơn 300 người với hàng nghìn lượt người đã tham gia xây dựng Trường Sa nhưng chưa xảy ra một trường hợp nào bị tai nạn cả, thật là mừng cho những người dân quê hương và cũng là niềm vui, vinh dự tự hào của cá nhân tôi. Trong các buổi gặp mặt kỷ niệm ngày truyền thống của đơn vị và các sự kiện lớn, ban liên lạc Trung đoàn ( nay là Lữ đoàn ) Công binh 83 đều mời đại biểu của những người dân tham gia xây dựng Trường Sa tham dự, BLL đã làm công văn đề nghị lên BTL Hải quân tặng huy hiệu chiến sỹ Trường Sa, 14 người tiêu biểu có đóng góp trong việc xây dựng và bảo vệ Trường Sa đã nhận huy hiệu đợt 1 năm 2017.

Sóng xô phai bạc mái đầu
Lòng dân với đảo áo nâu sáng ngời
Bỉnh Di làng nhỏ đẹp tươi
Đảo xa in dấu chân người nông dân.

VỚI ĐẢO

Suốt 8 năm gắn bó xây dựng đảo, hàng năm khi hoàn thành công trình, vật liệu tiết kiệm còn lại tôi bàn với đồng chí Trịnh Hồng Khanh - Đảo trưởng làm thêm các công trình cho đảo.

Kỹ sư Nghiêm Hồng Giang thiết kế bia chủ quyền kết hợp 2 bảng tin và sân chào cờ, đường nội bộ đảo, đổ bê tông.

Kỹ sư Bùi Quang Hải thiết kế bến cập xuồng, cùng một số hạng mục công trình khác.

Trung đoàn 83 tổ chức xây dựng tặng cán bộ chiến sĩ Đảo Nam Yết, ngoài nhiệm vụ được giao.

Mong có ngày trở lại thăm Trường Sa, thăm Đảo Nam Yết, một đảo rất đẹp của ta trên Biển Đông.

Hơn ba thập kỷ đã qua
Hôm nay Nam Yết hiện ra, bồi hồi
Bao nhiêu kỷ niệm một thời
Bừng lên cuồn cuộn đất trời đảo xa
Nhớ về đồng đội Tám Ba
Nhớ bao chiến sĩ cùng ra nơi này
Dân làng chung sức chung tay
Xây dựng - Bảo vệ đêm ngày không ngơi
Đảo xanh nằm giữa biển khơi
Lá cờ Tổ quốc sáng ngời trong tim
Lòng người sừng sững niềm tin
Kết nên từ những Bốn nghìn năm qua.

Sáng 8 tháng 8 năm 2022.

Hoàng Kiền

__________ Nhận xét của bạn đọc ___________

Nguyễn Khánh
Cách đảo Sơn Ca 7 Hải ly, cách bãi én đất khoảng 12 Hải lý. Bãi én đất to lắm bác ạ
Nguyen Trong Vi
Chiến sĩ Trường Sa thăm Lính đảo Trường Sa.
Ha Tranvinh
Các đảo trên quần đảo TS đã được mở rộng lớn hơn, cơ sở vật chất đầy đủ hơn trước rất nhiều, anh HK.
Hoang Kien->Ha Tranvinh: Cám ơn Anh nhiều

Luong Trong Giang
Thủ trưởng nhớ các dữ liệu dày đặc và đến từng chi tiết. Bái phục !
Quangg Lê
Các cụ ngày xưa có câu "Tướng tài...Quân tinh nhuệ "...Chúng em làm hầm Bê tông cốt thép trên biên giới những năm 1979 thế kỷ trước rất vất vả nhưng không lùi bước...
Hoang Kien->Quangg Lê: Bộ đội Cụ Hồ mà

Anh Phung
Em chúc các bác luôn mạnh khỏe
Quang Hải
Khi vào đến thềm san hô xuồng xoay ngang, sóng đánh gần lật úp. Em vẫn ôm chặt tấm đá Biển tên công trình anh ạ😊
Hoang Kien->Quang Hải: Mình biết mà, hoan nghênh Quang Hải nhé
Quang Hải->Hoang Kien: dạ anh
Trần Phú Hưng ->Quang Hải
Hoan hô đại tá Hải, nếu không ôm Đảo Nam Yết vào lòng thì nhẹ như chú gió thổi bay mất rồi. Khi đó sẽ có thông báo một 4/ hoặc 1// K14 bay đâu mất rồi chưa tìm thấy.

Phạm Thị Minh Nguyệt
Anh nhớ giỏi quá, không chi tiết nào bị lãng quên. Đọc bài anh viết như sống tại đảo vậy, cám ơn anh nhiều
Hoang Kien-> Phạm Thị Minh Nguyệt Cám ơn TS Phạm Thị Minh Nguyệt, thương nhớ Thiếu tướng Nguyễn Công Huân.
Phạm Thị Minh Nguyệt->Hoang Kien vâng anh, anh Huân em hẹn cho em ra Trường Sa mà chưa được đi anh ạ
Hoang Kien-> Phạm Thị Minh Nguyệt Thật là tiếc

Phạm Xuân Thanh
Những đóng góp của người dân Thành Nam cho Đảo không hề nhỏ anh ạ
Cong Hoan Nguyen
Chúc mừng Tướng quân và các Chiến sĩ Trường Sa làng Bỉnh Di tiên phong trong xây dựng, bảo vệ và dân sự hóa các đảo ở Trường Sa!
Hong Son Lai
Năm 1990 em ở Trường Sa, anh có thông tin của Huỳnh, công binh xd Trường Sa 1990 không?
Huỳnh Văn Thi
ThậtTuyệt Vời chức vui vẻ Hạnh phúc'
Nhân Phạm Văn
Chào a Kiền .Năm 1977 C5D2 E83 Chúng tôi ở Đảo này có rất nhiều cây dừa đã lâu năm.Bây giờ đảo còn trồng được dừa không anh,
Độc Hành Phụng
Em ở nam yết 1984 đảo hai đầu lô cốt chưa được 600 md
Thanh Hường Lê
Ái Thơ
Anh Kiền vẫn khoẻ và phong độ lắm ạ,bài anh viết rất hay;chúc anh luôn luôn mạnh khoẻ👌💪💪💪
Đồ Gia Dụng Anam
Ngày trước muốn giữ nước phải đồng lòng, ý chí, đoàn kết
Đồ Gia Dụng Anam
Ngày nay: muốn giữ nước phải tìm mọi cách để xây dựng kinh tế sao cho giàu mạnh kết nối đa phương, tạo thành thế trận các liên minh hùng mạnh
Đồ Gia Dụng Anam
Vẫn phải tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị cốt lõi con người VIỆT + kinh tế + liên minh đa phương diện tạo thành 1vị thế mà đến bất cứ 1ai đó cũng phải NỂ PHỤC chứ đừng nói đến Ý ĐỒ, GIÃ TÂM gì hết ạ
Đồ Gia Dụng Anam
Các bác Ôn lại 1 thời kỳ KIÊN CƯỜNG, OANH LIỆT giữ đất nước như hàng ngàn năm vẫn thiêng liêng, toàn vẹn chủ quyền TỔ QUỐC và MỤC TIÊU HIỆN TẠI BÂY GIỜ HƯỚNG TỚI phải là tạo lập VỊ THẾ HÙNG CUỜNG CỦA TƯƠNG LAI ĐẤT NƯỚC
Đồ Gia Dụng Anam
Cháu rất vui, luôn tự hào thấy các bác, các lớp tiền nhân đã đóng góp bao công sức trên trận tuyến của 1thời kỳ hào hùng giữ và xây dựng đất nước Giờ đây chúng cháu rất mong mỏi các bác lại cố gắng thêm một lần nữa tạo nền móng, hỗ trợ để thế hệ kế cậ… See more
Dương Hồng Điểm
Trí nhớ của lão tướng thật tuyệt vời em chúc anh luôn khoẻ mạnh với trí nhớ và cây bút trường tồn theo thời gian anh nhé
Pham Ngoc Son
Nhà Đại đoàn kết trên đảo Đá Tây A là do tốp thợ 54 người của anh Cần làng Bỉnh Di xây đây ạ! Em là người chuyên chở VL ra nên đc nhảy múa tùm lum...kkk
Phạm Hoài Nam
Tuyệt vời quá ạ
Ba Gần
Thật tuyệt vời quá anh ơi
Hiến Quang Đinh
Hồi ký và những câu thơ của thủ trưởng thật bình dị và sâu sắc
Xin cảm ơn thủ trưởng
Ngô Quang Xuyên
hay quá ông ạ, tuyệt vời làng đảo Bình Di- cái này lẽ ra phải ghi công bà con ông ạ
Hoang Kien->Ngô Quang Xuyên Cám ơn Anh nhé
Bùi Hồng
Bài viết này có nhắc tới bạn mình thiếu tướng Nguyễn công Huân dù bạn đã đi xa nhưng mình tự hào về những đóng góp của bạn cho đất nước này
Xuan Nguyen
Trong hồi ký, chỉ thấy Thủ trưởng nhắc nhiều đến e83. Ít thấy nhắc đến e131, khi đó Thủ trường Khoa vào làm phó TMT vùng 4 và các anh Huân, a Từ cùng anh em cán bộ chiến sỹ d881 vào Cam Ranh từ 1989 rồi.

Hoang Kien->Xuan Nguyen bài này viết về nhà 2 tầng đảo Nam Yết dân làng ra đảo thôi
Còn sách 300 trang có hết
Xuan Nguyen->Hoang Kien: cảm ơn Thủ trưởng. Xây dựng Trường Sa cũng là niềm tự hào truyền thống của Công binh Hải quân.

Bon Hoang:
Xứng danh con cháu BÁC Hồ
Gian nan vất vả có ngày phong lưu
Trịnh Văn Lân:
Chúc mừng hai Anh

Hoàng Kiền

Nguồn FB Hoang Kien, tác giả đồng ý cho đăng trên trang nhà SH ngày 10 tháng 8, 2022

Trang Thời Sự