NHẬT KÝ ĐỖ THỌ

http://sachhiem.net/LICHSU/D/DoThoNhatky04.php.php

25-Dec-2021

4- DINH GIA LONG THU THẬP TIN ĐẢO CHÁNH

Sau biến cố ném bom đinh Độc Lập ngày 27-2- 1962 làm cho bà Ngô Đình Nhu bị thương nhẹ, chính tay Bộ trưởng Y tế Trần Đình Đệ săn sóc vết thương ở trán cho bà ta. Ngoài ra làm thiệt mạng bà vú người Tàu giúp việc cho gia đình ông Ngô Đình Nhu. Cánh tả của dinh Độc Lập sập đổ.

Trái bom của phi công Phạm Phú Quốc rớt đúng vào phòng ngủ của sĩ quan tùy viên. Tôi thoát nạn vì bất chợt sáng ấy tôi dậy sớm chuẩn bị đi bay. Lúc bấy giờ tôi đang ở phòng rửa mặt.

Trái bom thiêu rụi những đồ dùng của sĩ quan tùy viên.Và chính Tổng thống Diệm đã ra lệnh cho tôi được phép cắt những bộ đồ mới.

Khi hai chiếc phi cơ Skyraider thả bom quần trên dinh Độc Lập, Tổng thống Diệm và ông Nhu bình tĩnh vô cùng. Hai người gặp nhau ở hành lang nhìn những tạc đạn phòng không từ Lữ đoàn Liên binh thành Cộng Hòa và Hải quân bắn lên nổ vang dậy bên cạnh hai chiếc Skyraider.

Tổng thống Diệm lộ hẳn sự tức giận cực độ. Và tôi thấy cử chỉ của Tổng thống lúng túng dáng đi đứng và nói lên giọng hằn học lí nhí trong mồm không nghe rõ.

Mỗi lần Tổng thống giận, những người chung quanh đều lảng tránh. Tôi để ý sự tức giận của Tổng thống trông buồn cười vô cùng. Tổng thống cứ đi lui đi tới thoăn thoắt, miệng muốn nói nhưng không thành lời. Và có lẽ sự tức giận không được phát ra thành lời nói nên ông càng hậm hực.

Riêng ông Nhu thì bộ mặt cằn cỗi, suy nghĩ luôn luôn bao trùm màn bí mật. Cho nên khó ước đoán ông Ngô Đình Nhu đang quyết định làm một công việc gì sắp đến.

Tổng thống Diệm hỏi ông Nhu :

– Chú nghĩ nó rứa đó ?

Câu hỏi của Tổng thống Diệm không có nghĩa gì cả. Song tôi nghĩ rằng ông đang hướng về vị Tư lệnh Không quân Huỳnh Hữu Hiền (Xử lý thường vụ)

Ông Nhu trả lời giọng rề rề :

– Đang liên lạc và Huỳnh Hữu Hiền cũng không biết gì!

Ông Nhu dừng chốc lát nói thêm:

– Hai chiếc máy bay láu cá! Bọn chúng hành quân Cà Mau mà không đi, lại trở về đây làm rứa.

Ông Nhu bỏ câu chuyện lỡ dỡ quay lưng đi về phòng. Tổng thống Diệm không buồn nhìn theo, trong lòng ông vẫn còn hậm hực.

Và càng hậm hực, mặt Tổng thống đỏ gay như quả gấc chín.

Đến phút chót Hải quân bắn rớt phi cơ của Phạm Phú Quốc. Tổng thống Diệm không lấy làm thoả mãn vì ông đang đứng trước muôn ngàn gạch vụn của dinh Độc Lập.

Từ đó Tổng thống Diệm không đặt nặng tin tưởng vào Không quân nữa. Dù rằng đại tá Hùynh Hữu Hiền – Tư lệnh Không quân do Tổng thống vừa bổ nhiệm từ mấy tháng trước.

Vụ oanh tạc dinh Độc Lập, và vụ đảo chánh hụt 11-11-1960, Tổng thống Diệm đã thấy mất hẳn hai đơn vị Dù và Không quân. Tuy thế ông nắm được các Bộ binh tư lệnh Vùng, Sư đoàn. Và cuối cùng là Hải quân mà bấy lâu nay ông quan niệm năng lực yếu kém không khuất phục được, nếu biến cố quân sự xẩy ra.

Cũng từ vụ oanh tạc dinh Độc Lập, Tư lệnh Hải quân Đại tá Hồ Tấn Quyền là người xứng đáng để Tổng thống Diệm tin tưởng vô biên.

Vì thế một cuộc thuyên chuyển xẩy ra cho các Tư lệnh Vùng đề phòng ngừa hiểm họa. Thiếu tướng Tôn Thất Đính từ Tư lệnh Vùng II về Vùng III, Tướng Trần Văn Đôn về phủ làm cố vấn, Tướng Huỳnh Văn Cao giữ Vùng IV, Tướng Nguyễn Khánh giữ Vùng II, Tướng Đỗ Cao Trí án ngữ Vùng I.

Những tướng lãnh nghi ngờ về Sàigòn giữ chức vụ không có quân như Trần Văn Đôn, Dương Văn Minh đồng thời một số cấp tá được ông Ngô Đình Nhu đào tạo, tin tưởng đang sửa soạn giữ các nha sở quan trọng, thay thế những người liệt vào hạng đáng ngại, phản bội gia đình Ngô Đình Diệm.

Như Trung tá Nguyễn Hùng phụ tá Giám đốc An ninh Quân đội đợi ngày thay thế Đại tá Đỗ Mậu. Trung tá Kỳ Quang Liêm thay thế Đại tá Đinh Sơn Thung – Giám đốc Nha Nhân viên Bộ Quốc phòng.

Riêng Trung tá Nguyễn Hùng vì một chuyện tham những ở Chợ Lớn đến tai Tổng thống Diệm. Nên dù ông Ngô Đình Nhu quyết định đề Trung tá Nguyễn Hùng giữ chức giám đốc An ninh Quân đội đã bị Tổng thống Diệm từ chối. Vì Tổng thống Diệm đủ bằng chứng và ông Nhu yếu lý. Nhưng trong thâm tâm ông Nhu vẫn tìm dịp đưa Trung tá Nguyễn Hùng giữ chức vụ nói trên.

Trung tá Lê Quang Tung – Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt được thăng chức Đại tá. Lực lượng nầy tối tân hóa toàn diện và được tin tưởng nhất.

Tuy thế manh nha đảo chánh vẫn vọng vào dinh Gia Long, Tổng thống Diệm, ông Ngô Đình Nhu bình chân như vại và cho đó là một sự bắn tin đe dọa của CIA. Mỗi lần nghe phong phanh đảo chánh Tổng thống Diệm lại vời ông Đại sứ Nolting vào hỏi. Vi đại sứ Hoa Kỳ nhoẻn miệng cười và nói nhiều điều cho Tổng thống Diệm tin tưởng ở ông và Hoa Kỳ. Có thể nói rằng gia đình Tổng thống Diệm đã mua đứt từ cảm tình cho đến thế lực với đại sứ Hoa Kỳ Nolting. Và ngược lại ông Nolting rất cởi mở, thật lòng với Tổng thống, cho nên khi ông Nolting mất chức và ông Henry Cabot Lodge thay thế là một lỗ hổng to lớn cho chính sách và cuộc đời chính trị của Tổng thống Diệm.

Danh sách các tướng lãnh mà Tổng thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu nghi ngờ đảo chánh là các Tướng Trần Văn Đôn, Dương Văn Minh, Mai Hữu Xuân... Tuy nhiên ông Nhu cười gằn và thổ lộ "không đáng lo bọn không có quân". Dù rằng Tướng Xuân đang giữ chức Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Nơi mà chỉ tập trung thành phần tân binh quân dịch, không tinh nhuệ quân sự. Một điểm đáng nói là Tổng thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu quá tin tưởng một cách mãnh liệt về sự trung thành các tướng lãnh Tư lệnh mà Tổng thống Diệm tự coi là con cái trong nhà.

Ông Ngô Đình Nhu đã đặt mũi dùi nghi ngờ Tướng Trần Văn Đôn nhưng Tổng thống Diệm không tin điều đó. Vì thế nhiều bận Tổng thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu cãi lẩy lẫn nhau. Và bao lần như thế, ông Nhu tỏ vẻ lỳ lợm, bất chấp Tổng thống Diệm. Ông Diệm rất cần ông Nhu bên cạnh, cho nên Tổng thống Diệm ôn hòa, xuống nước trước ông Nhu. Biết được yếu điểm của anh mình nên ông Nhu lắm lúc làm già với Tổng thống Diệm.

Nỗi khổ của một tùy viên như tôi là Tổng thống ra lệnh mời "chú Nhu" qua Tổng thống bảo. Đi mời "chú Nhu", "chú Nhu" không thèm qua. Tổng thống giận tiết đổ lên đầu tùy viên.

Đó là những lúc thấy đau đớn và phiền trách thầm Tổng thống "tức cá chém thớt"

Một buổi sáng vào khoảng 10 giờ (không nhớ ngày) sau nhiều ngày oanh tạc dinh Độc Lập, Tổng thống Diệm ra lệnh :

– Về ở dinh Gia Long hè!

Như đã nói trên, Tổng thống hay nói cụt, thế là dinh Độc Lập nhộn nhịp "thiên đô". Tổng thống qua dinh Gia Long ngay lúc đó. Và ở đây là nơi hứng đạn đảo chính ngày 1-11-1963.

Đó là một thế yếu nhất mà ông Diệm đã dùng đến và đưa quân đội lên lãnh vực quyền uy. Và ta thử ước đoán rằng Tổng thống Diệm không trao quyền hành cho quân đội thì nhóm đảo chánh khó bề lợi dụng "nước đục thả câu" để điều hành quân lực vào thủ đô.

Có một điều đáng suy gẫm là Sở Nghiên cứu Chính trị của ông Ngô Đình Nhu không tìm được một đường dây then chốt cuộc đảo chánh. Cứ nghe tiếng đồn đãi và nghi ngờ mỗi ngày một thêm ra mà thôi.

Chứng tỏ rằng Sở Nghiên cứu Chính trị dưới quyền điều khiển của bác sĩ Trần Kim Tuyến ngày xưa đã thành con số không thật lớn. Vì chủ nhân của nó đã từ giã đi Ai Cập rồi.

Thật ra bác sĩ Trần Kim Tuyến không đến Ai Cập, ông ta nằm ở Hồng Kông đợi ngày và nối đường dây tổ chức.

Về sau, khi đảo chánh thành công Bác sĩ Trần Kim Tuyến từ Hồng Kông trở về và được các Tướng chỉ huy đảo chánh ôm lấy mừng rỡ ở phi trường. Mừng rỡ thắng lợi. Vì "những tư tưởng cao" đã gặp nhau tại một điểm: Đảo chánh.

....[Đọc hết bản chụp ở issuu.com]

 

Đỗ Thọ

 

Trang Thời Sự