Stephen Hawking Tin Hay Không Tin Có Chúa?

Nhà vật lý học nầy đã nói gì về sự sáng lập của vũ trụ?

Sofia Lotto Persio, Newsweek/ Chí Đỗ dịch Việt

http://sachhiem.net/KHOAHOC/ChiDo.php

26-Mar-2018

"Tôi là một người vô thần. Tôn giáo tin vào phép lạ, nhưng phép lạ thì không tương hợp với khoa học" ... Hawking cho biết trong cuộc hội thảo năm 2006, Giáo hoàng John Paul II đã khuyên răn các khoa học gia không nên nghiên cứu về sự sáng lập vũ trụ vì đó là việc của Chúa

Giáo sư Stephen Hawking tự giao cho sứ mạng của đời ông là giải thích sự huyền bí vĩ đại của vũ trụ - và hình như không có sự huyền bí nào vĩ đại hơn là sự sáng lập của vũ trụ.

Hawking qua đời ngày 14 tháng 3 năm 2018, hưởng thọ 76 tuổi của gần suốt một cuộc đời bị bệnh xơ cứng teo cơ ALS (Amyotrophic Lateral Sclerosis) mà bác sĩ đã chẩn đoán năm ông 21 tuổi. Khi đó, các bác sĩ cũng dự đoán là ông chỉ sống thêm được vài năm, vậy mà ông đã sống thêm hơn nửa thế kỷ thì phải coi như một phép lạ - nếu không là một phép lạ của y khoa hiện đại như lời tuyên bố năm 2015 với báo The Telegraph, của Jane Hawking, bà vợ đầu của ông, một người theo đạo Chúa.

“Khi tôi nghĩ đến 52 năm mà Stephen vẫn sống sau khi bị bệnh thì tôi phải cho đó là một phép lạ. Vâng, có thể đó là một phép lạ của y khoa hiện đại cộng với lòng can đảm và kiên trì của Stephen nhưng dù sao thì cũng có thể nói đơn giản rằng đó là một phép lạ.”

Dù vậy, chính ông Hawking thì hoàn toàn không tin đó là một phép lạ và xác nhận trong một bài phỏng vấn quan trọng với nhật báo Tây Ban Nha El Mundo năm 2014 rằng ông là một người vô thần.

Trước đó thì quan điểm của ông về sự hiện hữu của Chúa được coi như hơi mơ hồ giữa hai chủ thuyết bất khả tri và vô thần. Trong tác phẩm “Một Lược Sử về Thời Gian” (“A Brief History of Time”), ông Hawking đã viết rằng khi “nguyên lý về vạn vật” được hoàn tất thì có thể coi như tư duy loài người đã đạt được thành quả tối hậu vì khi đó con người hiểu biết được trí óc của Chúa.” Điều này mâu thuẫn với cuốn “Đại Thiết Kế” (“The Grand Design”) xuất bản năm 2010, trong đó Hawking viết khái niệm về Chúa là “không cần thiết” để giải thích nguồn gốc của vũ trụ vì luật của vật lý học đã giải thích đầy đủ. Câu nầy được coi như một thay đổi so với quan điểm trước đây của ông về Chúa và vũ trụ trong một cuộc phỏng vấn với Reuters năm 2007. Trong đó ông nói: “Tôi tin rằng vũ trụ vận hành theo những định luật của khoa học”, nhưng ông thừa nhận thêm rằng “có thể Chúa ban ra những định luật nầy, nhưng Chúa không can dự vào để vi phạm những luật đó.”

Sau đó, Hawking chấp nhận có thể coi Chúa như luật của thiên nhiên. Nhưng ông không chấp nhận Chúa như một thực thể “giống như con người” mà ta có thể có một mối liên hệ cá nhân. Ông nói với phóng viên Diane Sawyer trong phần tin tức của đài ABC năm 2010, vài tháng trước khi cuốn “Đại Thiết Kế” được xuất bản: “Khi bạn nhìn vào kích thước mênh mông của vũ trụ và sự tầm thường của một mạng người tình cờ nằm trong đó thì bạn sẽ thấy mối liên hệ cá nhân đó gần như không thể xảy ra.

Cũng trong dịp đó, ông biện giải sự ưu việt của khoa học so với tôn giáo : “Có một khác biệt căn bản giữa tôn giáo, dựa trên uy quyền, và khoa học, dựa trên quan sát và lý trí. Khoa học sẽ thắng vì khoa học làm có kết quả.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Guardian năm 2011, Hawking cũng trình bày ý kiến của ông về đời sống, cái chết và sau cái chết. “Tôi không sợ chết, nhưng tôi cũng không vội vã gì để chết. Có quá nhiều chuyện tôi muốn làm trước khi chết. Tôi coi bộ óc như một máy vi tính. Máy nầy sẽ ngưng chạy khi các cơ phận của nó hỏng. Với một máy vi tính đã hỏng thì không có thiên đường mà cũng không có cõi vĩnh hằng. Đó là những chuyện hoang tưởng cho những người sợ bóng tối.

Cuối cùng thì câu trả lời của Hawking với báo El Mundo đã đánh tan những thắc mắc về niềm tin của ông. “Trong thời xa xưa, trước khi chúng ta có hiểu biết về khoa học, tin vào chuyện Chúa sáng lập vũ trụ có vẻ hợp lý. Nhưng bây giờ thì khoa học đã cho ta một giải thích đầy tính thuyết phục. Khi tôi nói ta biết được trí óc của Chúa là tôi muốn nói ta biết được tất cả những gì Chúa có thể hiểu biết nếu Chúa hiện hữu. Nhưng Chúa không hiện hữu.”

Hawking nói: “Tôi là một người vô thần. Tôn giáo tin vào phép lạ, nhưng phép lạ thì không tương hợp với khoa học”.

Với tư cách là một hội viên của Viện Hàn Lâm Khoa Học của Giáo Hoàng, Hawking đã trình bày những ý kiến của ông về nguồn gốc của vũ trụ tại các cuộc hội thảo khoa học được tổ chức từ nhiều năm qua tại Vatican và ông đã có cơ hội gặp các Giáo hoàng John Paul II, Benedict XVI, và đương kim Giáo hoàng Francis.

Hawking cho biết trong cuộc hội thảo năm 2006, Giáo hoàng John Paul II đã khuyên răn các khoa học gia không nên nghiên cứu về sự sáng lập vũ trụ vì đó là việc của Chúa. Hawking cũng nói đùa thêm là Giáo hoàng đã quên là ông vừa trình bày lý thuyết của ông trên chính đề tài này tại cuộc hội thảo: “Tôi đã không tưởng tượng là sẽ bị đưa ra Toà án Dị giáo giống như ông Galileo”.

Mười năm sau tại Vatican, Hawking vẫn tiếp tục nói về đề thuyết (vũ trụ) không-biên cương để giải thích sự sáng lập của vũ trụ. “Đặt câu hỏi cái gì đến trước Big Bang (Vụ Nổ Lớn) là vô nghĩa vì trước Big Bang thì không có khái niệm về thời gian.” Ông nói như vậy tại Viện Hàn Lâm Khoa Học của Giáo hoàng năm 2016.

Nguồn: Did Stephen Hawking Believe in God? What Physicist Said About the Creation of the Universe

________________

Người dịch xin thêm hai điều đặc biệt về nhà vật lý học lừng danh một cách đặc biệt nầy:

- Ngày ông sinh (8 tháng 1) là ngày chết của Galileo Galilei và ngày ông chết (14 tháng 3) là ngày sinh của Albert Einstein

- Năm 1989, ông đã nhận nuôi một em bé Việt Nam - tên Nguyễn Thị Thu Nhàn - ở làng S.O.S. và ông đã âm thầm về Việt Nam năm 1997 để đích thân gặp mặt cô con nuôi nầy như bản tin sau đây:

Bật mí về cô con gái nuôi người Việt của thiên tài vật lý Stephen Hawking

QN | 14/03/2018 23:09

Ít ai biết trí tuệ kiệt xuất của nhân loại có một cô con gái nuôi người Việt Nam và ông cũng từng sang Việt Nam để được tận tay ôm cô con gái bé bỏng vào lòng.

Hôm nay, ngày 14/3, nhà vật lý thiên tài, một bộ óc vĩ đại của nhân loại, Stephen Hawking, qua đời ở tuổi 76. Cuộc đời ông có thể được coi là một cuốn tiểu thuyết hoành tráng, về nghị lực sống, về niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

Ông Stephen Hawking qua đời sau nhiều năm sống chung  với các biến chứng của bệnh xơ cứng teo cơ (ALS).

Hôm nay, mọi người sẽ bàn tán nhiều về ông như một nhà khoa học vũ trụ thiên tài, nhưng ít ai biết, ông cũng là cha của một cô gái người Việt. Cô gái đó tên là Nguyễn Thị Thu Nhàn.

Năm 1989, Thu Nhàn được đưa vào làng trẻ S.O.S sau khi cha mẹ cô qua đời trong một vụ lật thuyền. Cô còn có một người anh, người này được đưa vào làng trẻ Birla ngay gần đó.

Theo quy định của tổ chức S.O.S quốc tế, mọi hồ sơ của những trẻ em được nhận vào làng sẽ phải gửi đến trụ sở chính ở thủ đô Vienna, nước Áo. Sau đó, hồ sơ của trẻ sẽ được gửi ngẫu nhiên đến các gia đình có mong muốn nhận con nuôi ở khắp nơi trên thế giới.

Nếu được nhận nuôi, các em sẽ được gia đình nuôi hỗ trợ tài chính cho đến khi các em đủ 18 tuổi.

Bằng một sự tình cờ, tập hồ sơ của Thu Nhàn được gửi đến gia đình của Stephen Hawking và Elaine Mason. Thu Nhàn trở thành con nuôi của nhà Vật lý thiên tài theo cách ngẫu nhiên như vậy đấy.

Thu Nhàn và cha nuôi Stephen Hawking, khi ông đến thăm làng trẻ S.O.S  (Thu Nhàn là người mặc áo trắng đứng bên trái).

Kể từ khi có gia đình nuôi, Thu Nhàn thường xuyên trao đổi thư từ với bố mẹ. Nội dung đôi khi chỉ đơn giản là kể lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày, hoặc những hình ảnh đời thường của cô tại làng trẻ.

Ở nước Anh xa xôi, Hawking và Mason cũng thường xuyên trả lời thư của con gái. Cứ thư qua thư lại như vậy, bố mẹ và con gái dù chưa từng gặp nhau bỗng trở nên thân thiết tự bao giờ.

Vào một ngày đông năm 1997, hai vợ chồng Stephen Hawking bí mật đến Việt Nam để gặp mặt cô con gái.

Ngay khi vừa gặp mặt, bố mẹ và con gái vui mừng khôn xiết, dù chưa từng gặp mặt nhưng tất cả đều có cảm giác gần gũi, thân thuộc.

Ông Hawking lúc này đã không điều khiển cơ thể và phải sống dựa vào xe lăn vì căn bệnh bại liệt quái ác, nhưng ông vẫn có gắng nắm tay cô con gái yêu, để cho cô biết rằng ông yêu cô nhiều lắm.

Trong thời gian vỏn vẹn 3 ngày ở làng S.O.S, Thu Nhàn đã được sống trong tình cảm gia đình ấm áp. Cả gia đình 3 người đã cùng nhau đi dạo trên những con đường Hà Nội, Thu Nhàn và mẹ nuôi thường xuyên nấu những món ăn ngon cho bố nuôi.

Dù không thể cử động và không thể nói chuyện bình thường, đồng thời vẫn phải chịu nhiều đau đớn vì bệnh tật, Hawking vẫn luôn cố gắng nở nụ cười trên môi.

Không chỉ là một ngươi cha tốt, nhà vật lý Hawking còn là một người vô cùng hài hước. Bọn trẻ khi được gặp nhà khoa học lỗi lạc đều rất thích thú. Bản thân ông cũng không hề ngại ngần mà biểu diễn điều khiển xe lăn chỉ bằng một nút bấm khiến lũ trẻ cứ ồ lên thích thú.

Stephen Hawking biểu diễn điều khiển xe lăn chỉ bằng một nút bấm  cho trẻ em ở làng S.O.S xem.

Nói về kỷ niệm này, đã có lần Thu Nhàn trả lời với phóng viên: “Mọi người nói, tôi thật may mắn khi một nhà bác học nổi tiếng như vậy nhận làm con nuôi, nhưng ban đầu tôi cũng thấy bình thường thôi. Vì các bạn trong làng ai cũng có bố mẹ đỡ đầu.

Tuy nhiên, khi được gặp bố, thấy bố phải ngồi trên xe lăn, mọi hoạt động của bố rất khó khăn, nhưng bố vẫn luôn tỏ ra vui vẻ, lạc quan khiến tôi thấy thương bố lắm.

Ông bị bệnh tật cướp đi sức sống cơ thể nhưng bù lại ông đầy nghị lực và giàu tình cảm. Tôi rất yêu và quý trọng bố.

Hôm bố đến làng chơi, ấn tượng đầu tiên của tôi là hình ảnh bố biểu diễn đi xe lăn cho lũ trẻ trong làng xem. Chiếc xe lăn được ông điều khiển tiến, lùi, quay, lắc chỉ bằng thao tác ấn nút. Tụi trẻ con chúng tôi đứng xung quanh vừa ngạc nhiên, vừa thích thú, hò reo. Rất là vui!”

Trước khi quay trở về Anh, Thu Nhàn còn được bố nuối tặng cho một bộ áo dài của nhà may Ngân Anh. Chiếc áo dài giờ đây trở thành một kỷ vật vô giá, gợi nhắc cô về quãng thời gian quý báu khi được sống trong vòng tay gia đình.

Thu Nhàn trong chiếc áo dài của tiệm may Ngân Anh, một món quà của Stephen Hawking.

Vào tháng 7/2000, Thu Nhàn được qua Anh thăm bố trong 1 tháng. Sau khi được mẹ Elaine ra đón và đưa về nhà, Thu Nhàn đã nhìn thấy cha nuôi đang chờ sẵn trước cửa, đôi mắt ánh lên niềm vui.

Hóa ra ông đã xin nghỉ làm một ngày để đón con gái. Nhớ về hành động đó, Nhàn vẫn còn cảm động đến bây giờ.

Những ngày tháng ở Anh là những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt trong tâm trí Thu Nhàn.

Biết con gái ở nơi xứ lạ có thể cảm thấy cô đơn, ông luôn gần gũi, quan tâm cô con gái, cố gắng giúp cô cảm nhận được không khí gia đình thực sự. Ông biết Thu Nhàn thích ăn kẹo, nên hàng ngày sau khi đi làm về, ông đều mua một gói kẹo cho con con gái.

Thu Nhàn từng tâm sự: “Khi được cùng sống trong gia đình của ông, tôi không bao giờ thấy ở ông một nhà khoa học nổi tiếng mà xa lạ. Bố khiến tôi cảm thấy ông giống như một người bố bình thường như bao người bố khác.

Mỗi sáng thức dậy, tôi gặp bố trong phòng bếp, hôn lên má ông chào buổi sáng, và cả nhà ngồi ăn với nhau. Mẹ Elaine thường là người chuẩn bị đồ ăn sáng cho mọi người. Bố trò chuyện với tôi và không quên dặn mẹ đưa tôi đi chơi, rồi ông đi làm.”

Thu Nhàn khi ở bên Anh cùng với Stephen Hawking, bà Elaine Mason vợ của ông và người mẹ của nhà vật lý học.

Không chỉ là một người bố tâm lý, ông còn rất nghiêm khắc và quan tâm đến chuyện học hành của con gái. Ông bắt Thu Nhàn theo học một khóa tiếng Anh ở trường Đại học Oxford, thường xuyên nhắc cô học bài và kiểm tra bài của con.

Nhưng ông vẫn không quên khuyên con ngủ sớm từ lúc 9 giờ, vì theo ông phải ngủ sớm mới đảm bảo được sức khỏe.

Nhưng Hawking thường đi làm về muộn. Có những hôm bố về nhà, Thu Nhà đã ngủ say từ lúc nào. Vì vậy, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông nhất quyết đợi đến khi con ngủ dậy để con nhìn thấy mình rồi mới ra khỏi nhà.

Trong mắt con gái nuôi có một điều đặc biệt nữa về người cha. Đó là mỗi khi mẹ Elaine mua quần áo cho cô, cô đều mặc thử cho bố xem. Nếu ông thích, ông sẽ cười. Nếu không thích, ông sẽ lắc đầu. Trước khi Thu Nhàn về Việt Nam, đích thân Hawking đi mua quần áo cho con, tất cả váy áo ông chọn đều màu xanh.

Stephen Hawking thích chọn váy áo màu xanh cho con.

Giờ đây, Thu Nhàn cũng đã có gia đình riêng với chồng và hai người con, một trai một gái. Kể từ khi có gia đình, liên lạc giữa cô và bố nuôi bị gián đoạn vì việc liên lạc bắt buộc phải thông qua làng SOS và nhà bác học đã ly dị người vợ thứ hai của mình, Elaine Mason.

Trước đó, Nhàn thường hay liên lạc với bà Elaine để biết về tình hình bố nuôi. Khi biết tin ông không khỏe, cô rất lo lắng. Cô cho biết, có lần bố từng nói:

“Lần sang Việt Nam, bố nói đây là lần đầu tiên, nhưng cũng có lẽ là lần cuối cùng bố sang được đây thăm con vì sức khỏe của bố giờ đã yếu lắm rồi!”.

Thu Nhàn cùng gia đình nhỏ của mình trong buổi tham dự lễ ra mắt bộ phim về cha nuôi của cô, “The Theory of Everything”.

Vì điều kiện gia đình không cho phép, sau lần đi Anh năm 2000 Thu Nhàn không thể sang thăm bố thêm lần nào nữa.

Hôm nay, nhà vật lý thiên tài Hawking đã đi xa. Thế giới mất đi một trí tuệ kiệt xuất, còn đối với Thu Nhàn, cô mất đi một người bố tuyệt vời.

Hawking từng nói với cô con gái bé bỏng của mình rằng, Thu Nhàn trở thành con nuôi của bố là một sự ngẫu nhiên, nhưng cô là một sự ngẫu nhiên tuyệt vời. Và đối với Thu Nhàn, việc được có ông làm bố nuôi cũng là một sự ngẫu nhiên ngọt ngào và quý giá nhất.

Nguồn http://www.diendantheky.net/2018/03/sofia-lotto-persio-newsweeknguoi-dich.html Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2018

Trang Thời Sự