LINH VẬT RỒNG TRONG Ý THỨC HỆ TIN LÀNH

Phê bình truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên”

Nhân đọc điện thư “thách đấu” của Tiến sĩ Lê Anh Huy

Hoàng Vũ

http://sachhiem.net/DOITHOAI/HoangVu1.php

07 tháng 9, 2009

LTS: Một trong những bài viết gây hứng cảm cho bài viết "Góp ý với Gs Trần Chung Ngọc, ông Hoàng Vũ" của tác giả Bùi Thúc Định là bài "Linh Vật Rồng Trong Ý Thức Hệ Tin Lành" của tác giả Hoàng Vũ. Bài này được đăng trong web giaodiem.com trong năm 2005 nhưng đã bị thất lạc. Tác giả Hoàng Vũ vừa mới gửi lại cho sachhiem.net. Tòa soạn xin được phép đăng lên để chia xẻ với bạn đọc một bài viết rất giá trị. Trong thời gian qua kể từ khi đọc bài viết này, không biết cái "mặt phẳng tâm linh" của TS Lê Anh Huy có con đường nào để trở về với dân tộc chưa, hay vẫn mãi là mặt phẳng song song với một đường thẳng, và chỉ có thể gặp nhau ở vô cực ? (SH)


 

Cuối tháng 12/2004, Giáo sư Trần Chung Ngọc cho công bố điện thư trao đổi giữa ông và Tiến sĩ Lê Anh Huy trên mạng lưới Giao Điểm. Được biết Ts Lê Anh Huy thách thức tranh luận với Gs Trần Chung Ngọc về “Thuyết Tiến Hóa”, nhưng Gs Trần Chung Ngọc đã không chấp nhận tranh luận, vì ông cho rằng việc đó phí thì giờ, vô ích. Trong các điện thư của Lê Anh Huy, tôi chú ý một đoạn nguyên văn như sau:

“Thuyết Tiến Hóa là một atheist (spiritual) belief. Nó cũng như thuyết Con Rồng Cháu Tiên vậy. Người có học cũng như người bình dân, ai cũng có thể tin vào thuyết này. Trong bài “con rồng cháu tiên” tôi có viết vấn đề spiritual belief nó nằm trong mặt phẳng tâm linh, sâu hơn, bao trùm hơn, mặt phẳng tâm trí. Mặt phẳng tâm linh không che mặt phẳng tâm trí…”

Tôi tò mò muốn bíêt Lê Anh Huy viết gì về “Con Rồng Cháu Tiên”, về cái “mặt phẳng tâm linh” mà Lê Anh Huy vừa quảng cáo. Tôi đã tìm được bài “Truyền Thuyết Con Rồng Cháu Tiên” đăng ngày 23/12/2004 trên hoptinhhoply.org (http://hoptinhhoply.org/read.asp?Article_ID=231). Đọc xong, tôi mới thấy Gs Trần Chung Ngọc hoàn toàn có lý khi từ chối tranh luận với Ts Lê Anh Huy.

Riêng về phần tôi, nếu tôi tuyên bố: con ruồi bay qua, tôi có thể biết được là đực hay cái! Tôi chấp nhận để người ta mắng tôi là “đồ ba xạo”. Nhưng nếu tôi nói: Lê Anh Huy vừa mở miệng ra là tôi biết ông ta sắp nói gì! Nói như thế là có cơ sở và hoàn toàn nghiêm túc. Bởi vì sau khi đọc bài “Truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên”, biết được “mặt phẳng tâm linh” của ông ta là như thế nào. Cho dù ông ta có đề nghị tranh luận với bất kỳ ai, về bất cứ đề tài nào, thuyết Tiến Hóa hay thuyết gì gì đi nữa. Ông ta có vận dụng kíến thức khoa học và “đề nghị công thức tranh luận như: Giới hạn trong thuyết tiến hóa. Tranh luận trong lịch sự, chuyên nghiệp và trí thức. Dùng các bộ môn như toán, vật lý, hóa học, sinh vật, tin học, v.v. để hổ trợ cho luận cứ của mình”…Cuối cùng, chính ông ta sẽ phá vỡ các giới hạn để dẫn vào sự cuồng tưởng mà Lê Anh Huy gọi là “mặt phẳng tâm linh”. Tôi không suy diễn điều này, mà chính Lê Anh Huy đã viết như thế trong điện thư gởi Gs Trần Chung Ngọc: “Mặt phẳng tâm linh sâu hơn, bao trùm hơn mặt phẳng tâm trí”…

Qúy độc giả muốn biết “mặt phẳng tâm linh” của Lê Anh Huy ra sao, xin mời đọc phần “Phân tích truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên trên bình diện tâm linh” như sau:

“Trên mặt phẳng tâm linh có một câu hỏi cơ bản vẫn chưa được trả lời: Từ đâu sinh ra hình ảnh của một con vật kinh sợ, gớm ghiếc đó? Có nhiều người cho rằng đó là do sự tưởng tượng của nghệ thuật gia. Nhưng chúng ta lại hỏi tiếp tại sao một hình ảnh "tưởng tượng" đó lại có thể chiếm ngự sự yêu mến, kính sợ, tôn thờ của nhiều người? Một sản phẩm của trí tưởng tượng lại đáng để cho nhiều người sùy sụp cúi lạy? Có sợi dây liên hệ nào giữa sản phẩm của "trí tưởng tượng" (là con rồng) và sự thờ lạy, là một hành động cụ thể của hoạt động tâm linh? Để giải quyết vấn đề tâm linh như vấn đề con rồng, chúng tôi trở lại Thánh Kinh là lời của Đức Chúa Trời. Ngài đã mặc khải rằng con rồng là hình ảnh của quỉ Satan…”

Độc giả thấy rất rõ, để giải quyết mọi vấn đề thuộc “mặt phẳng tâm linh” Lê Anh Huy chẳng còn cách nào hay ho hơn là “trở lại Thánh Kinh là lời của Đức Chúa Trời” (?). Cho nên Gs Trần Chung Ngọc từ chối tranh luận với Lê Anh Huy là hoàn toàn đúng đắn. Và nếu như Lê Anh Huy muốn tranh luận với tôi, thì như tôi đã nói, Lê Anh Huy vừa mới mở miệng ra là tôi đã biết ông ta sắp nói gì rồi… Điều này càng được khẳng định tuyệt đối đúng khi trên trang nhà mucsu.net, Mục sư Nguyễn Thanh Vũ ra thông báo: “Mucsu.net đã thiết lập diễn đàn dành cho cuộc đối thoại”. Trong thông báo này có đoạn:

“Mucsu.net và những tác giả nơi đây chỉ chú trọng đến khai triển lẽ đạo chứ không khai thác cá nhân, vì thế cho nên chúng tôi không đăng tải những tác phẩm nào hạ bệ nhân cách cá nhân. Cho nên cuộc đối thoại giữa Tiến sĩ Lê Anh Huy và Tiến sĩ Trần Chung Ngọc là một vấn đề giữa đôi bên và ban điều hành MUCSU.NET không tham dự vào nội dung đối thoại”.

Cho dù ban điều hành mucsu.net không tham dự đối thoại, không khai thác, hạ bệ nhân cách cá nhân, nhưng mục đích của cuộc đối thoại, dù bất kỳ đề tài nào, đối thoại với ai, thì: “Mucsu.net và những tác giả nơi đây chỉ chú trọng đến khai triển lẽ đạo…”. Hay nói cách khác, lợi dụng đối thoại để giảng đạo. Ts Lê Anh Huy cũng không dấu diếm điều này khi viết “Hy vọng anh quay trở lại với Chúa” trong một điện thư gởi Gs Trần Chung Ngọc. Đối thoại với Lê Anh Huy và những người trong mucsu.net chẳng khác nào “đối thoại với đầu gối”. Chỉ tiếc cho cái diễn đàn của Mục sư Nguyễn Thanh Vũ: “Diễn đàn dành riêng cho cuộc đối thoại nầy đã mở thì sẽ không đóng”. Không đóng dù nó có vắng như chùa bà đanh, vì chẳng có ma nào thèm đến để nghe đám “tôi tớ chúa” nói tào lao… Mở mà không đóng dù không có người vào, kể cũng phí!

Trở lại với bài “Truyền Thuyết Con Rồng Cháu Tiên”. Mở đầu bài viết, Tiến sĩ Lê Anh Huy đã viết lếu láo:

“Thánh Kinh dạy rằng Đức Chúa Trời đã bày tỏ hết mọi chuyện có thể biết được về Ngài cho nhân loại, trong đó có dân tộc Việt Nam (Rô-ma 1:19).”

Ts Lê Anh Huy đã đánh giá quá thấp, cố tình xem thường độc giả, nên đã viết những dòng lếu láo nêu trên. Đừng nói chỉ mỗi “Thư Rô-ma”, mà cả toàn bộ quyển Thánh Kinh, từ Cựu Ước đến Tân Ước, Tôi đố Lê Anh Huy tìm ra được cụm từ “trong đó có dân tộc Việt Nam”. Do đó, những cố gắng quy kết vụng về “Ông Trời” của người Việt, cũng chính là “Đức Chúa Trời” của Ki-tô giáo, chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ… Đó là chưa nói đến trình độ “Thiên Chúa hóa ông Trời” của Tiến sĩ Thệ Phản giáo Lê Anh Huy còn rất non nớt, không có cửa để so sánh với “trình độ” của các “đàn anh” Công giáo như: Cao Phương Kỷ, Trần Văn Đoàn, Phan Đình Cho, Trần Cao Tường, Thiện Cẩm, Vũ Đình Trác v.v…

Đối với những người này, họ biết rất rõ không thể đánh đổ văn hóa dân tộc, nên tìm cách hòa hoãn, hội nhập, trong cái gọi là “hội nhập văn hóa”. Với ý đồ từng bước “hòa để hóa” theo đúng sách lược của Vatican, họ đã thiết lập cả những chuyên ngành đề nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Gần đây, chúng ta thường nghe nói đến “Việt Triết”, “Việt Nho” v.v… Năm 1998, một số các học giả Công giáo đã thành lập Viện Triết Đạo tại Washington để phổ biến trào lưu Triết-Việt, Thần-Việt, không ngoài mục đích kế thừa sự nghiệp của bậc thầy Lương Kim Định, dọn đường cho một nền thần học Việt Nam lấy văn hóa truyền thống làm chủ đạo … Lê Anh Huy cũng muốn học đòi “Thiên Chúa hóa ông Trời”, nhưng không chịu học tập ở các đàn anh Công giáo, cố chấp, thiển cận, vừa mê tín lại vừa cuồng tín, đạp đổ tất cả những gì thuộc về di sản văn hóa dân tộc, mạ lị tổ tiên, viết ra những điều tưởng chừng không một người Việt nào dám viết như: “Điều đáng buồn là mặc dù biết mình có gốc gác từ Ông Trời, nhiều người Việt Nam chối bỏ nguồn gốc từ Ông Trời của mình mà hãnh diện nhận mình là "con rồng cháu tiên.”

Gs Trần Chung Ngọc trong bài “Hòa Bình Giữa Các Tôn Giáo” đã nhận định chính xác như sau:

“-Riêng đối với người Công Giáo Việt Nam, vì được đào tạo theo sách lược đào tạo của Ca-tô Giáo Rô Ma, cộng với lịch sử phụ thuộc ngoại bang, nhất là trong thời thực dân Pháp v..v.. cho nên khó mà có thể thoát ra sự lệ thuộc hoàn toàn vào Vatican, vào các “bề trên”, và nền thần học Ki-tô Giáo. Đối thoại đối với họ là tuyệt đối theo đúng sách lược “đối thoại” của Vatican. Sách lược đối thoại của Vatican không ngoài mục đích truyền đạo và xâm lăng tôn giáo và văn hóa, đưa tất cả vào Công Giáo và văn hóa Ki-tô…”

“-Đối với người Tin Lành thì đối thoại còn khó hơn, vì bản chất của Tin Lành là u mê cuồng tín, tin tất cả vào Kinh Thánh, cho đó là những lời mạc khải của Thiên Chúa nên không thể sai lầm. Phần lớn tín đồ Tin Lành thiếu trình độ tôn giáo, đúng như nhận định của Robert G. Ingersoll: quần chúng [Tin Lành] thì mê tín và các mục sư thì đần độn (stupid)…”.

Bản chất u mê cuồng tín của Tin Lành được Tiến sĩ Lê Anh Huy cụ thể hóa qua việc “phân tích truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên”. Trước khi tiến hành “phân tích” Lê Anh Huy đã ranh mãnh lôi cả học giả Trần Trọng Kim vào làm người cùng hội cùng thuyền để “không mang tiếng là báng bổ tổ tiên của mình”. Lê Anh Huy viết:

Mặc dù một số người Việt Nam hãnh diện với gốc tích “con rồng cháu tiên,” nhưng nhiều người Việt không tin vào truyền thuyết này, trong đó có sử gia Trần Trọng Kim. Ông viết rằng: “Nhưng ta phải hiểu rằng nước nào cũng vậy, lúc ban đầu mờ mịt, ai cũng muốn tìm cái gốc tích mình ở chỗ thần tiên để cho vẻ vang cái chủng loại của mình. Chắc cũng bởi lẽ ấy mà sử ta chép rằng họ Hồng Bàng là con tiên, cháu rồng…” Cũng như sử gia Trần Trọng Kim, chúng tôi không tin truyền thuyết “con rồng cháu tiên” (con rồng, cháu tiên, 100 cái trứng nở ra 100 con) là nguồn gốc của dân tộc Việt.”

Chỉ có Lê Anh Huy đặt vấn đề “tin” hoặc “không tin”, chứ Trần Trọng Kim có nói gì đến việc “tin” hay “không tin” đâu? Trần Trọng Kim chỉ nói: “…nước nào cũng vậy, lúc ban đầu mờ mịt, ai cũng muốn tìm cái gốc tích mình ở chỗ thần tiên để cho vẻ vang cái chủng loại của mình…” Điều này đặc biệt đúng, không chỉ đối với dân tộc Việt Nam, mà còn đúng với cả dân tộc Do Thái. “Lúc ban đầu mờ mịt” ấy, người Do Thái “cũng muốn tìm cái gốc tích mình ở chỗ thần tiên”, nên đã tưởng tượng ra một vị thần gọi là “Da-vê”, và tự hào nghĩ rằng: “dân Do Thái là dân được thần Da-vê chọn”. Lê Anh Huy muốn nhận vơ thần Da-vê của người Do Thái làm gốc gác của mình thì cũng chẳng ai cấm cản gì, vì đó là quyền tự do của mỗi người, hà cớ gì Lê Anh Huy lại đi mạ lỵ tổ tiên dân tộc Việt Nam?

Ngày nay, với kiến thức của một học sinh trung học, các em đã biết bất kỳ dân tộc nào, khi bắt đầu bước vào lịch sử, đằng sau lưng họ là một khoảng thời gian mênh mông khuyết sử. Các dân tộc với các nền văn hóa khác nhau, đã lắp đầy khoảng không mênh mông khuyết sử ấy bằng chất liệu văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, đó chính là huyền sử. Vì chưa có chữ viết, nên huyền sử chỉ được bảo lưu dưới dạng hội hè, đình đám, đồng dao, truyện tích v.v… Tất cả đều là truyền khẩu đời này qua đời khác, do đó không tránh được sự gia giảm, cùng một sự kiện, nhưng ở mỗi địa phương lại có một lối kể khác nhau, điều đó làm cho văn hóa càng trở nên phong phú…

Đặc biệt, dù chưa có văn tự, người xưa cũng đã để lại những kiến trúc, điêu khắc, hay các tranh vẽ như trên mặt trống đồng, hoặc trên vách đá trong các hang động, đã giúp ích rất nhiều cho con người của thời đại chúng ta ngày nay từng bước khám phá tàng tích văn hóa phong phú của cha ông ta ngày trước… Và điều may mắn đã đến, dù muộn, việc sáng tạo ra văn tự đã giúp con người vượt qua được cái ngưỡng huyền sử, để bước vào lịch sử. Tuy nhiên, những gì thuộc về huyền sử của một dân tộc đều đáng trân quý, bảo lưu cẩn trọng …

Đối với Lê Anh Huy, nhận thức về lịch sử và văn hóa dân tộc bị khống chế bởi ý thức hệ Tin Lành, nên đã méo mó, lệch lạc, thiển cận cả về tầm nhìn lẫn cách nhìn. Ngày nay, không một người Việt Nam nào lại không biết gốc gác “Con Rồng Cháu Tiên” của mình là huyền thoại, thuộc về huyền sử nằm trong giai đoạn khuyết sử. Nhưng người Việt vẫn trân qúy, tự hào, hoài niệm về một quá khứ xa xăm trong huyền sử như một kỷ niệm đẹp về tổ tiên của mình. Trịnh Công Sơn trong bài “Ngụ Ngôn Mùa Đông”, đã mô tả sự hoài niệm đó bằng một câu hát đi vào lòng người: “Nhớ về cội nguồn, nòi giống của tiên…”

Như vậy, truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” của dân tộc Việt thuộc về phạm trù Văn Hóa, là Minh Triết, không phải là Tôn Giáo như Lê Anh Huy đã ngộ nhận. Vì không phân biệt được đâu là văn hóa, minh triết, đâu là tôn giáo, nên Lê Anh Huy đã tự hỏi:

“Nhưng chúng ta lại hỏi tiếp tại sao một hình ảnh "tưởng tượng" đó lại có thể chiếm ngự sự yêu mến, kính sợ, tôn thờ của nhiều người? Một sản phẩm của trí tưởng tượng lại đáng để cho nhiều người sùy sụp cúi lạy?”

Đối với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, yêu mến hình tuợng con rồng thì có, vì nó vừa là vật tổ, vừa là linh vật, nhưng “kính sợ, tôn thờ, sùy sụp cúi lạy” chỉ có trong sự tưởng tượng của một đầu óc bệnh hoạn, tự nguyện làm tôi mọi cho thần Da-vê của người Do Thái. Chính Lê Anh Huy và những đồng đạo của ông mới “kính sợ, tôn thờ, sùy sụp cúi lạy” Đức Chúa Trời, mà theo Charlie Nguyễn là một biến thái từ Thần Bò, cũng chỉ là một linh vật được nhân cách hóa. Hoặc theo Ngô Triệu Lịch, “Thánh Linh” còn mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng Tô-tem, bái vật qua hình ảnh con chim Bồ Câu. Nghĩa là cũng không thể hơn được linh vật Rồng của dân tộc Việt.

Nếu vì yêu qúy linh vật của dân tôc, mà một số người Việt tôn kính (chứ không phải tôn thờ, sùy sụp cúi lạy) cũng là điều bình thường, vì trong quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, thường phát sinh những biến thái mang tính tín ngưỡng, nhưng chỉ là tín ngưỡng dân gian tự phát ở một bộ phận dân cư trong cộng đồng dân tộc, không thể nhầm lẫn với tôn giáo, vì nó không có hệ thống giáo lý, tín điều, và cũng chẳng có tổ chức giáo hội nào cả . Do đó, đối với người Việt yêu qúy linh vật Rồng của mình, cũng cứ gọi là CON Rồng, chứ họ không hề gọi là NGÀI Rồng, hoặc ĐỨC Rồng. Đây là một điểm son trong văn hóa Việt mà văn hóa Ki-tô giáo không thể có. Bằng chứng là linh vật Thần Bò, chim Bồ Câu trong văn hóa Do Thái bị Ki-tô giáo nhân cách hóa thành Đức Chúa Cha, Đức Chúa Thánh Thần (theo cách gọi của người Công giáo). Tôi đố tín đồ Công giáo và Tin Lành dám thay từ “Đức” bằng từ “Con” để gọi “Chúa’ của họ, như người Việt thường gọi vật tổ thiêng liêng của mình là “Con Rồng”…

Cũng như dân tộc Việt Nam, Người Trung Hoa cũng rất yêu qúy Rồng, nhưng Rồng đối với họ chỉ là linh vật chứ không phải vật tổ. Lê Anh Huy đã ngộ nhận cho rằng: “người Trung Hoa cũng xem mình có gốc gác từ con rồng…” Việc tự nhận mình là “con cháu Rồng” của người Trung Hoa là do ảnh hưởng văn hóa Bách Việt. Một điều gần như quy luật, khi một dân tộc muốn đồng hóa một dân tộc khác bằng vũ lực, thì dân tộc đó bị dân tộc bị trị đồng hóa ngược lại bằng văn hóa. Lịch sử đã chứng minh điều đó khi Hán tộc muốn thôn tính Bách Việt bằng vũ lực, thì những yếu tố văn hóa Việt tộc lại ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống tinh thần của Hán tộc.

Theo huyền sử thì người Trung Hoa bắt đầu từ ông Bàn Cổ. Không biết hình thù ông Bàn Cổ ra sao, nhưng theo Will Durant trong “Lịch Sử Văn Minh Trung Quốc” (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê) thì:

“Bàn Cổ thở thành gió mây, nói thì thành sấm, mạch máu của ông là sông, thịt của ông là đất, tóc là cỏ và cây, xương là kim loại, mồ hôi đổ ra thành mưa, sau cùng những con sâu bọ bám vào người ông thành loài người”.

Tất nhiên “loài người” ở đây chỉ có thể hiểu là người Trung Hoa cổ đại, cũng như “loài người” trong Cựu Ước chỉ là người Do Thái Cổ đại, không thể lấy khái niệm “loài người” của ngày nay đánh đồng với “loài người” trong huyền sử để hiểu là toàn thể nhân loại sống trên hành tinh này. Chuyện ông Bàn Cổ cũng là một thứ “Sáng Thế Ký” của người Trung Quốc, Lê Anh Huy không hiểu điều này nên đã viết theo lòng tin mù quáng của một tín đồ Tin Lành: “Đấng Tạo Hóa là Đấng sáng tạo nên vũ trụ này và muôn loài, trong đó có loài người…” Từ ông Bàn Cổ đến những triều đại tiếp theo cũng không thấy có chuyện nhận Rồng làm vật tổ, đến như Thần Nông là vị vua của huyền sử Trung Hoa cũng chỉ là một con quái vật đầu trâu mình người, chứ không liên quan gì đến Rồng. Như thế đủ rõ Lê Anh Huy không biết gì về huyền sử Trung Hoa, nhưng lại thích viết càn: “Người Trung Hoa cũng xem mình có gốc gác từ con rồng” (?).

Như đã nói trên, Rồng không phải là vật tổ, mà chỉ là linh vật được người Trung Hoa yêu mến vì nó là biểu tượng của sự hưng thịnh, trường tồn. Vì thế những điều vặt vãnh mà Lê Anh Huy trưng dẫn như : “Áo vua mặc gọi là long bào, giường vua nằm gọi là long sàn, thân thể của vua gọi là long thể, diện mạo vua gọi là long nhan” v.v… chẳng những không nói lên được điều gì, mà còn tự phơi bày sự cuồng tín của một tín đồ Tin Lành, đem những hiểu biết về lịch sử và văn hóa rất hời hợt của mình để mạ lỵ Phật giáo: “Con rồng trong Phật giáo là linh vật hộ pháp, tức bảo vệ cho giáo lý Phật giáo…”, “Lời dạy của Thánh Kinh chứng nghiệm thực tế của văn hoá Á Đông khi con rồng có cặp mắt của ác quỉ lại là con vật "hiền," biết "ban phước cho người làm lành," và chính nó cũng là "Hộ Pháp" cho một tôn giáo lớn.”

Rồng đối với người Trung Quốc tuy chỉ là linh vật chứ không phải là vật tổ như đối với dân tộc Việt Nam. Nhưng nguời Trung Hoa ngày nay “yêu rồng” đến mức cuồng tín, chỉ vì rồng là biểu tượng của sự thịnh vượng. Danh xưng “Rồng Châu Á” để ám chỉ những quốc gia có nền kinh tế phát triển như Đại Hàn, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, là một danh xưng mà nhiều quốc gia Châu Á thèm muốn, trong đó có Trung Quốc. Có lẽ vì thế mà hãng trang phục thể thao Nike khi thực hiện một chương trình quảng cáo sản phẩm, đã ký một hợp đồng hàng triệu Mỹ kim với siêu sao bóng rổ Mỹ LeBron James, làm một đoạn phim video quảng cáo với thời lượng chỉ có 90 giây, nội dung mô tả LeBron James đánh nhau với một cặp rồng. Và thế là ngày 3/12/04. Ủy ban phát thanh, điện ảnh và truyền hình Trung Quốc ra thông cáo, công ty trang phục thể thao Nike đã vi phạm những quy định về quảng cáo ở Trung Quốc, vì tất cả những quảng cáo ở đây phải bảo vệ phẩm giá dân tộc và kính trọng văn hóa bản xứ. Họ cho rằng công ty Nike đã xúc phạm đến thể diện quốc gia, và cấm phát sóng đoạn phim quảng cáo của Nike trên phạm vi toàn quốc… Ts Lê Anh Huy có còn cho rằng, người Cộng Sản Trung Quốc vốn tôn thờ chủ nghĩa duy vật, “cũng xem mình có gốc gác từ rồng” cũng “kính sợ, tôn thờ, suỳ sụp cúi lạy” con rồng nữa hay không? Hay chỉ vì nó là biểu tuợng của sự thịnh vượng, là đích ngắm của các quốc gia kinh tế muốn vươn lên thành rồng…

Trở lại với vật tổ Rồng của dân tộc Việt. Tiền nhân ta khi viết sử đã phân định rõ ràng ranh giới giữa ngoại kỷ và bản kỷ, huyền sử thuộc phần ngoại kỷ, lịch sử thuộc phần bản kỷ. Các sử gia khi viết sử cũng chọn lựa phương thức “dĩ nghi khuyết yên” hoặc “dĩ nghi truyền nghi”. Đối với sử gia, những gì còn nghi ngờ, chưa rõ ràng thì chưa vội viết, đó là “dĩ nghi khuyết yên”. Nhưng nếu chọn phương thức “dĩ nghi truyền nghi” thì những gì còn mịt mờ như trong huyền sử, nếu đã sưu tập được, dù còn nghi ngờ cũng cứ viết ra để nguời đời sau có cơ hội suy nghiệm, đánh giá lại. Lê Anh Huy không biết được điều này nên đã chọn Trần Trọng Kim để tham khao về huyền thoại “Con Rồng Cháu Tiên”, đã hí hửng nhận bừa học giả họ Trần có cùng quan điểm với mình là “không tin truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên”. Thật ra Trần Trọng Kim là học giả thời nay, do ảnh hưởng khoa học nên đòi hỏi những sự kiện khi viết phải chính xác, ông đã chọn lối “dĩ nghi khuyết yên” để viết sử. Bằng chứng là trong “Việt Nam Sử Lược”, thời đại Hồng Bàng ông chỉ sơ thuật vỏn vẹn khoảng vài trang sách. Lê Anh Huy căn cứ vào đó để mạ lị tổ tiên: “Tổ tiên thật chúng ta là loài bò sát!”, “ dân tộc mình là đồ súc sinh!”. Lại còn lớn tiếng huênh hoang: “Do đó chúng tôi có tự do để nhìn vào vấn đề một cách khách quan mà không mang tiếng là báng bổ tổ tiên của mình.”

Kinh Cựu Ước của Ki-tô giáo thực tế cũng chỉ là một cuốn sử của dân tộc Do Thái, trong cuốn sử này, chúng ta thấy cũng đầy dẫy những yếu tố huyền thoại, hư thực không phân biệt, những yếu tố kỳ bí đều được giải thích là “mạc khải” của một vị thần mà dân tộc này nhận là “Thiên Chúa”… Nếu so sánh với sử của dân tộc Việt, chúng ta có quyền tự hào các phương pháp sử học mà cha ông ta đã sử dụng, khoa học hơn “sử Cựu Ước” rất nhiều. Nếu Cựu Uớc gom tất cả huyền thoại và lịch sử vào thành một mớ hổ lốn, rồi gán cho sự “mạc khải”, thì ngược lại, nhờ sắp xếp sử liệu hoặc vào bản kỷ, hoặc vào ngoại kỷ, để hậu thế có thể phân biệt được đâu là lịch sử, đâu là huyền thoại. Các sử gia còn theo các khuynh hướng khác nhau như “dĩ nghi truyền nghi” hoặc “dĩ nghi khuyết yên” để viết sử. Nhờ thế nguời học sử đời sau biết được huyền thoại “Con Rồng Cháu Tiên” là một giải pháp tốt để kéo người Việt cổ trở về với giới hạn của mình trước những thắc mắc siêu hình về nguồn gốc giống nòi … Ngày nay, người Việt trân quý, tự hào về nguồn gốc “Tiên Rồng” của mình, hoàn toàn không có yếu tố thần bí, mê tín nào như Lê Anh Huy và các đồng đạo Tin Lành của ông nhầm tưởng, mà chỉ là sự hoài niệm về một quá khứ xa xăm trong huyền sử như một kỷ niệm đẹp về tổ tiên của mình…

Chính nhờ biết trân trọng di sản văn hóa của tiền nhân để lại, hào khí Tiên Rồng đã đồng hành cùng với dân tộc trong suốt bốn ngàn năm dựng nước và mở nước, dân tộc Việt Nam mới tránh được nạn diệt chủng bởi móng vuốt ngoại xâm. Lê Anh Huy và các đồng đạo Thệ Phản giáo của ông, còn được tồn tại đến ngày hôm nay, cũng là nhờ các thế hệ người Việt nối tiếp nhau, gìn giữ và bảo vệ hào khí Tiên Rồng, lý nào họ lại cam tâm ăn cháo đá bát !…

Nói về việc phân tích truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên”, do bị chiếc vòng Kim Cô ý thức hệ Tin Lành chụp vào đầu, nên Lê Anh Huy càng phân tích càng bậy. Lê Anh Huy viết:

“Để sáng tỏ vấn đề, chúng ta có thể nhìn vào truyền thuyết này qua khía cạnh sinh vật học (vật thể) và xã hội tâm lý học (tâm trí) rồi từ đó rút ra kết luận cho mình”

Đã nói “Con Rồng” chỉ là huyền thoại, truyền thuyết, tức không có thật. Lê Anh Huy lại muốn mang sinh vật học ra để khảo nghiệm cái không có thật đó. Đúng là chuyện ruồi bu! Khi mang sinh vật học ra phân tích cái không phải là “sinh vật”, Lê Anh Huy đã “rút ra kết luận cho mình” như thế nào? Sao ông không mang sinh vật học ra phân tích “Thánh Linh” cho độc giả thấy “Thánh Linh” của ông “qua khía cạnh sinh vật học” ra sao? Qua “phân tích”, Lê Anh Huy rút ra được kết luận là những lời phỉ báng dân tộc như: “chúng ta là con cháu của loài bò sát”, “dân tộc mình là đồ súc sinh”.

Về khía cạnh tâm lý xã hội, chúng ta hãy nghe Lê Anh Huy phân tích tiếp:

“Theo khía cạnh xã hội tâm lý học, câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ là một câu chuyện buồn. Đó là câu chuyện của một gia đình đổ vở vì không thể giải quyết những xung đột bên trong. Gia đình đổ vở ly tán, xã hội không đứng vững… Ấy thế mà chúng ta lại tin vào một truyền thuyết buồn và xấu cho cả một dân tộc, khi mà “tổ phụ” bỏ “tổ mẫu” và các con cái mình không ai chăm sóc để vui chơi một mình. Đã không có trách nhiệm làm chồng, làm cha, “tổ phụ” chúng ta lại không có ý chí để giải quyết chuyện lục đục gia đình mà chọn một phương cách thật dễ dàng: bỏ cuộc!…”

Tôi tự hỏi Lê Anh Huy “phân tích” lếu láo như thế có đáng cho chúng ta phải mất thời giờ phê bình hay không? Lê Anh Huy đã dám mạ lỵ tổ tiên là “loài bò sát, đồ súc sinh” thì cái gì mà ông ta chẳng dám nói! Tuy nhiên khi quy kết bậy bạ chuyện Âu Cơ, Lạc Long Quân chia tay, kẻ lên rừng, người xuống biển, là “điềm xui” cho nên mới có nạn 12 sứ quân, Trịnh Nguyễn phân tranh, Quốc Cộng phân tranh… Nghĩa là, theo ý Lê Anh Huy, “điềm xui” chiến tranh ly tán suốt chiều dài lịch sử dân tộc, chỉ vì người Việt dám nhận Lạc Long Quân, Âu Cơ làm tổ? Thử hỏi Lê Anh Huy, ông có thể chỉ ra trên thế giới này, có nước nào không chiến tranh ngay từ thời kỳ lập quốc? Hãy nhìn vào cái nước Do Thái của “chúa Giê-su” xem, cho đến bây giờ vẫn đánh nhau ì xèo với người Palestine để dành đất. Theo lô-gíc của Lê Anh Huy, “điềm xui” của dân Do Thái chính là đã nhận thần Gia-vê làm “chúa” của họ!…

Sau khi phân tích truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên ở khía cạnh sinh vật và tâm lý, Lê Anh Huy tiến hành phân tích “trên bình diện tâm linh”, Lê Anh Huy viết:

“Niềm tin vào con rồng không phụ thuộc vào trình độ học vấn. Như vậy học vấn không khống chế được niềm tin này. Như vậy, phải có một "mặt phẳng" cao hơn, sâu hơn, cơ bản hơn "mặt phẳng" vật thể và tâm trí, mà trên đó, vấn đề "con rồng" hiện hữu gay gắt để chúng ta giải quyết. "Mặt phẳng" này ảnh hưởng, điều động, khống chế lên hai "mặt phẳng" kia. Chúng tôi gọi nó là "mặt phẳng tâm linh."”

Cái gọi là “mặt phẳng tâm linh” chính là cái Lê Anh Huy đã mang ra khoe với Gs Trần Chung Ngọc trong điện thư “thách đấu” của Lê Anh Huy. Tôi không thể nào hiểu nỗi một người có học vị Tiến sĩ như Lê Anh Huy, chỉ vì vớ phải cái bã Tin Lành mà u mê đến thế. Ông viết :

“Niềm tin vào con rồng không phụ thuộc vào trình độ học vấn. Như vậy học vấn không khống chế được niềm tin này.”

Rõ ràng ở Lê Anh Huy có sự nhầm lẫn giữa tôn giáo và văn hóa. Như tôi đã trình bày ở phần trên, truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” của dân tộc Việt thuộc về phạm trù Văn Hóa, là Minh Triết, không phải là Tôn Giáo như Lê Anh Huy đã ngộ nhận. Vì không phân biệt được đâu là văn hóa, minh triết, đâu là tôn giáo, nên Lê Anh Huy phủ nhận vai trò học vấn trong việc nhận thức “Vật tổ Rồng” thuộc văn hóa Việt tộc. Chỉ có niềm tin tôn giáo mới không phụ thuộc vào trình độ học vấn. Ví dụ: Nếu tôi theo Tin Lành, tôi chỉ cần tin vào “Đức Chúa Trời” là đủ, còn nếu tôi có học vị Tiến sĩ như Lê Anh Huy cũng tốt, không có cũng không sao, miễn là tôi biết chữ đủ để đọc Thánh Kinh, thế là qúa đủ để được “cứu rỗi”… Hoàn toàn ngược lại, truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” đòi hỏi phải có cái nhìn Minh Triết” có thể không cần phải có học vị cao, nhưng phải có trình độ văn hóa vừa đủ để nhận thức. “Niềm tin” ở đây không phải là niền tin tôn giáo như Lê Anh Huy lầm tưởng, mà là sự Suy Nghiệm Minh Triết. Vì thế, chuyện “kính sợ, tôn thờ, sùy sụp cúi lạy” con rồng chỉ là sự bịa đặt của Lê Anh Huy. Và “sự thờ lạy, là một hành động cụ thể của hoạt động tâm linh” chỉ có nơi tôn giáo hữu thần như Tin Lành, Công giáo chứ không hề có trong Minh Triết Rồng của văn hóa Việt tộc.

Ý đồ của Lê Anh Huy là nâng “niềm tin con rồng” lên một “mặt phẳng” mà ông ta cho rằng “cao hơn, sâu hơn, cơ bản hơn”. Lê Anh Huy gọi đó là “mặt phẳng tâm linh”. Và cũng từ đây, với tâm lý cố chấp, hẹp hòi, ích kỷ, cuồng tín, Lê Anh Huy đã lôi “thánh kinh” ra để hành hạ, tra tấn và thủ tiêu “con rồng”, cuối cùng đạp nó xuống tận địa ngục!

Thật tình tôi quá chán ngán không muốn phê bình tiếp, nên đành dừng lại ở đây. Để kết thúc bài này xin muợn hai câu của Gs Trần Chung Ngọc, trong điện thư trả lời cho Lê Anh Huy:

“-Anh điên rồi!”

“-Hãy tỉnh lại đi, ông Tiến sĩ ơi !"

 

Hoàng Vũ

 

Mời đọc

Thư đọc giả: Kinh Tởm Thay! Lời Kẻ Cuồng Tín (Trần Hạ Long)

____________________

Những bài cùng tác giả

Linh Vật Rồng Trong Ý Thức Hệ Tin Lành (Hoàng Vũ)
Đôi Điều Về Chiêc “Máy Lọc Tình Yêu” (Hoàng Vũ)
Đọc Và Nhận Định Toàn Văn Phát Biểu Của TGM Ngô Quang Kiệt (Hoàng Vũ)

 

Trang Đối Thoại