LINH MỤC ĐẮC LỘ BIỆN CHÍNH VỚI ÔNG NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU nguồn http://giaodiemonline.com/2009/02/bienchinh.htm Bùi Kha
Sau khi bài Alexandre de Rhodes – công và tội (http://sachhiem.net/BUIKHA/BuiKha5.php) của tôi xuất hiện trên Tạp chí Hồn Việt số 17 (Tháng 11/2008) , ông Nguyễn Đình Đầu viết bài phản biện đăng trên tuần san Công giáo và Dân tộc với tựa đề Lại một bài báo vu khống cha Đắc Lộ (http://sachhiem.net/BUIKHA/BuiKha3.php). Tôi rất thích những ý kiến phản biện để làm sáng rõ vấn đề nhưng bài viết phải nghiêm túc và có chứng liệu, không nên chụp mũ và nhất là phải khách quan vô tư không bị chi phối bởi tình cảm, nhất là tình cảm tôn giáo. Trước hết, xin cảm ơn ông Nguyễn Đình Đầu đã sửa cho một lỗi chính tả là vua Louis thứ 14 thay vì thứ 4. Điểm kế tiếp rất đáng được trân trọng là ông Nguyễn Đình Đầu, một trong những người bênh vực Lm Đắc Lộ hết mực, cũng phải công khai thừa nhận “không một ai (dĩ nhiên là bao gồm ông Nguyễn Đình Đầu, BK) trong hội thảo cho rằng Đắc Lộ “là người sáng nghĩ ra chữ Quốc ngữ”, mà chỉ là người học nói tiếng ta từ chính người Việt...”. Và nếu xác nhận như thế thì không có lý do gì để vinh danh ông linh mục này, và ông Nguyễn Đình Đầu cũng không cần phải nhọc công phản biện bài viết nghiêm túc của tôi về một vấn đề lịch sử bị hiểu nhầm qua nhiều thế hệ. Ngoài hai điểm vừa kể, bài viết của ông có nhiều điều bất cập, thiếu chứng liệu và chụp mũ. Dưới đây là một số chứng cớ: 1. XUYÊN TẠC TƯ LIỆU: Đoạn mở đầu, ông Nguyễn Đình Đầu cáo buộc tôi “đây là một bài báo xuyên tạc tư liệu lịch sử với ác ý vu khống kết tội cá nhân De Rhodes”. Kế tiếp, ông liệt kê một số tác giả mà ông cho là họ ca tụng Lm Đắc Lộ, nhưng không cho thấy tôi (Bùi Kha) đã xuyên tạc lịch sử như thế nào! Chẳng lẽ, ông muốn nói, có nhiều người nhất là nhiều linh mục và nhiều tờ báo đăng bài “ca tụng” Đắc Lộ tất nhiên phải là ĐÚNG hay sao, còn những ai, trong đó có Bùi Kha, viết theo đúng sử liệu thì tất nhiên phải là “xuyên tạc tư liệu lịch sử”? Chúng ta nghiên cứu lịch sử là cần dựa vào những sử liệu giá trị và những bài nghiên cứu nghiêm túc để kiểm chứng, đối chiếu phân tích nhằm đưa đến một kết luận khả dĩ chứ đâu phải dựa vào số đông để đánh giá một nhân vật hoặc một sự kiện lịch sử. 2. KIẾM ĐỒNG MINH VÀ CẮT XÉN CÂU VĂN CỦA NGƯỜI KHÁC: Và để kiếm thêm đồng minh, ông Nguyễn Đình Đầu viết: “Cho nên, chúng tôi rất ngạc nhiên thấy tác giả Bùi Kha viết: “Vinh danh linh mục Đắc Lộ từ sự nhầm lẫn trong dịch thuật”. Ông lên giọng đánh giá giới khoa học bằng nhận định: Hầu hết các nhà nghiên cứu chưa đọc hết các tác phẩm của Đắc Lộ, đặc biệt là cuốn Hành trình và truyền giáo. Lời nói đầu cuốn Từ điển Việt Bồ La và cuốn Phép giảng tám ngày” [chữ đậm là của BK muốn nhấn mạnh]. Tôi viết “Chúng ta có cảm tưởng là hầu hết các nhà nghiên cứu…”. Ông Nguyễn Đình Đầu cắt xén dòng chữ “Chúng ta có cảm tưởng là” nên câu văn của tôi đổi nghĩa từ giả thiết đến khẳng định. Sở dĩ, tôi nghĩ như trên vì hai lý do: Một, Hội thảo lần thứ nhất là vào tháng 12/1992 và lần hai là tháng 3/1993 mà cuốn Phép giảng tám ngày mới in xong vào tháng 5/1993 còn cuốn Hành trình và truyền giáo chỉ mới được xuất bản năm 1994. Cuốn Phép Giảng Tám Ngày của Lm Đắc Lộ không đáng để phê bình vì đó là tác phẩm “không đúng đắn”, không phải của một thừa sai trí thức. Còn cuốn Hành Trình và Truyền Giáo viết sai và xuyên tạc nhiều vấn đề. Xin đọc bài phê bình khá chi tiết của GS Trần Chung Ngọc đăng trên: http://www.sachhiem.net/TCNtg/TCN50.php Hai, tôi nghĩ, những ai có đọc ba cuốn sách nói trên và nghiêm túc thì không thể chấp nhận: lối dịch thuật tùy tiện và đánh giá Lm Đắc Lộ theo kiểu của ông Nguyễn Đình Đầu như tôi đã trình bày khá rõ trong bài viết trước. Thiết tưởng tôi có lý do để nhận định như thế. Nhận định này có thể có chủ quan nhưng không phải “lên giọng” hạ thấp ai như ông Nguyễn Đình Đầu gán ép có hậu ý. Theo tôi, ông Nguyễn Đình Đầu dịch “plusieurs soldats” là “lính thừa sai”, đó là ngụy nghĩa, và dịch “La conquête de tout l’Orient” là “nước cha trị đến” là dịch tùy tiện vì không hiểu thế nào là “nước cha trị đến”. Còn Bùi Kha dịch “plusieurs soldats” là “lính chiến có súng để đánh giặc”, và “la conquête de tout l’Orient” là “chinh phục toàn cõi Phương đông” là dịch theo ý và sát nghĩa của tác giả Đắc Lộ. Tôi đã đưa ra 5 luận điểm, mà đúng ra là có nhiều hơn, để giải thích tại sao tôi dịch như thế. Còn ông Nguyễn Đình Đầu dịch nhưng ông đã không thể đưa ra một lý do nào. Do đó, tôi cho là một lối dịch đầy cảm tính để vinh danh sai lầm một người có nhiều oan trái với lịch sử nước ta. Nhân đây, tôi trích thêm một đoạn trong cuốn Hành trình và truyền giáo để xem Lm Đắc Lộ có muốn xin lính chiến (plusieurs soldats) hay không: “Tôi chưa công bố thánh chiến chống mọi địch thù của đức tin ở Nhật, ở Trung Quốc, ở Ðàng Trong, ở Ðàng Ngoài và ở Ba Tư thì lập tức đã có một số đông con cái thánh Inhaxu, đầy tinh thần đã đưa thánh Phanchicô Xavie tới ba trăm quốc gia, các ngài đã bừng bừng ao ước vác thánh giá Thầy và đem đi cắm những nơi cùng kiệt cõi đất.” (Sách Hành trình và truyền giáo, giữa tr. 264>). Để có thêm tư liệu so sánh xem Bùi Kha có vu khống cha Đắc Lộ hay không, mời ông Nguyễn Đình Đầu và độc giả tìm hiểu thêm Lm Đắc lộ, các vấn đề chính trị và tôn giáo trong thế kỷ XVII: a. Cao Huy Thuần trong Christianisme et Colonialisme au Vietnam 1857-1914 (Ðạo Công giáo và Chủ nghĩa Thực dân Pháp tại Việt Nam 1857-1914). Đây là một luận án tiến sĩ quốc gia (docteur d’état) bảo vệ tại Pháp và đã được ban giám khảo đánh giá rất cao. ... Ðến Bắc Kỳ năm 1627, Linh mục de Rhodes nhận được ân huệ của Chúa Trịnh Tráng ngoài Bắc, .... Linh mục đã viết trong các báo cáo gởi về cấp trên như sau: “Vua xứ Bắc cho chúng tôi xây cất nhà cửa và nhà thờ gần hoàng cung. Tại đó, chúng tôi đã được giúp đỡ rất nhiều trong khi thi hành phận sự.”... Nhưng ở đây, cũng đã xảy ra những phản ứng như ở Trung Quốc và Nhật Bản. Chính phủ lo lắng khi thấy đạo mới tấn công thẳng vào các nguyên lý đạo đức và chính trị Nho giáo vốn là nền tảng của xã hội cổ truyền Việt Nam. Thật vậy, toàn thể cơ cấu chính trị và xã hội của nước Việt Nam xây dựng trên quan niệm đạo đức của Nho giáo: lòng hiếu thảo, sự thờ cúng ông bà, lòng trung với vua. Nhưng đạo mới từ Tây Phương đến lại muốn phế truất các quy luật tín ngưỡng cũ. Không những việc thờ cúng ông bà bị kết án quyết liệt mà lòng sùng đạo của con chiên phải đứng trên lòng hiếu thảo và lòng trung với vua.... “Về Paris, Alexandre de Rhodes gặp một nhóm linh mục trẻ đang có quyết tâm biến việc đào tạo các linh mục này thành một công việc của Pháp. Ðó là thời kỳ chính trị Pháp bắt đầu chịu ảnh hưởng sự thu hút của biển cả. Ðược Hoàng hậu Pháp và một vài nhân vật cao cấp ủng hộ, nhưng kế hoạch này bị Bồ Ðào Nha công kích mạnh mẽ, họ viện dẫn sự bảo trợ hoàn toàn mà Giáo hoàng Alexandre VI cho họ từ năm 1493. Alexandre de Rhodes chết năm 1660, khi chưa thấy được kế hoạch của mình thực hiện. Nhưng các cố gắng của ông đã thành tựu”. b. Stanley Karnow trong Việt Nam, A History. The First Complete Account of Việt Nam at War, (Việt Nam, Lịch sử. Mô tả đầu tiên đầy đủ về cuộc chiến Việt Nam) viết như sau: “Chẳng bao lâu Linh mục Alexandre de Rhodes nhận thấy rằng uy tín ngày càng phai nhạt nên Bồ Ðào Nha không còn ích lợi cho Gia Tô giáo ở Á Châu. Ông cũng toan tính rằng có thể chinh phục được “con tim và khối óc” con người một cách có hiệu quả bằng các giáo sĩ người Việt Nam hơn là người Âu Châu. Ông đến La Mã vận động xin hủy bỏ sắc lệnh của Giáo hoàng có từ thế kỷ 15 cho phép Bồ Ðào Nha độc quyền tại Á Châu. Nhưng ông gặp phải sự chống đối quyết liệt của người Bồ và khó lòng chinh phục được các giới chức ở La Mã, thế rồi ông trở về Pháp, quê hương ông, để xin giúp đỡ. Ðể thành công được chương trình dự định, ông thuyết phục các lãnh tụ tôn giáo và thương gia Pháp bằng một hình ảnh là nước Việt Nam đã đến giai đoạn chín muồi để dân chúng theo Công giáo, và là một quốc gia thần tiên với tài nguyên vô tận, ngay cả người đánh cá cũng dùng lưới làm bằng tơ lụa”. Ông NĐĐ có biết tại sao Giáo sĩ phải nói dối như thế? c. Avro Manhattan, trong Vietnam: Why Did We Go? The Shocking Story of the Catholic “Church’s” Role in Starting the Vietnam War (Việt Nam: Tại sao chúng ta đến đó. Chuyện chấn động về vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc gây ra cuộc chiến tranh Việt Nam) viết như sau: “Giáo sĩ Dòng Tên Alexandre de Rhodes đến Ðông Dương năm 1610. Một thập niên sau, ông gửi về cho Vatican và Pháp một bản phúc trình mô tả rất chính xác về tiềm năng thương mại, chính trị và chiến lược. Nhiều giáo sĩ Dòng Tên Pháp được tuyển mộ ngay và gửi sang giúp ông ta thực hiện hai công tác: đổi đạo theo Công giáo và bành trướng thương mại. La Mã và Ba Lê xem những hoạt động này như những bước khởi đầu không thể tách rời khỏi sự dẫn đến việc chiếm đóng về chính trị và quân sự trên các quốc gia này.” Đọc ba tài liệu trên trong vô số tài liệu của các sử gia nước ngoài, ông Nguyễn Đình Đầu nghĩ thế nào? 3. HÀI TỘI GIÁO HOÀNG ? : Ông Nguyễn Đình Đầu viết: “Tác giả Bùi Kha tìm hết cách chứng minh Đắc Lộ luôn luôn vận động có nhiều lính chiến để chinh phục toàn cõi Đông Phương, kể cả những cách ngụy tạo hay xuyên tạc tài liệu lịch sử. Như khi ông khẳng định Giáo hoàng đã giao quyền “sinh sát”… thì một là ông nghĩ quá xa hai là ông có ác ý hài tội cho Giáo hoàng…”. Ðể tránh tình trạng có thể bị hiểu lầm hay “nhạy cảm” về tôn giáo, thay vì trích sắc lệnh của Giáo hoàng ở một sách khác, tôi trích từ sách Thập giá và lưỡi gươm của linh mục Trần Tam Tỉnh. Nguyên văn: “..., quyền lợi của Bồ Ðào Nha đã được phân định rõ ràng trong sắc chỉ “Romanus Pontifex” do (Giáo hoàng) Nicholas V (1447-1455) ra ngày 8 tháng Giêng năm 1454. Theo quyền lực Chúa ban và quyền lực của Tòa thánh, Ðức Giáo hoàng ban cho triều đình Lisbon (Bồ Ðào Nha) “toàn quyền tự do xâm lăng, chinh phục, chiến đấu, đánh giặc và khuất phục tất cả các quân Sarrasins (tức người Ả Rập), các dân ngoại đạo và các kẻ thù khác của Giáo hội, gặp bất cứ nơi nào: được toàn quyền chiếm cứ tất cả các vương quốc, lãnh địa, vương hầu, đất, đô hộ và cướp tài sản của chúng; toàn quyền chiếm đoạt tất cả của nổi và của chìm của chúng và bắt tất cả chúng nó làm nô lệ vĩnh viễn.” (Trần Tam Tỉnh, Thập giá và lưỡi gươm, Paris: Sudestasie, 1978, tr. 14-15). “Năm 1492, Christopher Columbus khám phá ra những vùng đất mới mà ông nghĩ là Ấn Ðộ. Một nửa thế kỷ trước đó, thương thuyền Bồ Ðào Nha cũng đã chạy dọc theo bờ biển phía Tây Châu Phi. Ít năm sau, năm 1497, Vasco de Gama, người Bồ Ðào Nha, đã phát hiện đúng con đường sang Ấn Ðộ. “Ngày 4 tháng 5 năm 1493, qua sắc chỉ “Inter caetera” (“giữa những điều khác”), Giáo hoàng Alexander VI giao quyền chinh phục các vùng đất kể trên mà các dân Phương Tây chưa từng biết, cho các triều đình nước Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha. Tây Ban Nha có quyền đi chiếm tất cả các đất đai gặp được ở một trăm dặm kể từ quần đảo Azores, còn Bồ Ðào Nha, tất cả các nước nằm ở mạn Ðông đường ranh đó (quần đảo Azores ở mạn giữa cắt đôi Ðại Tây Dương.” (Trần Tam Tỉnh, Sđd., tr. 14). Các Giáo hội Công giáo ở các quốc gia, dĩ nhiên, không ai dám phản đối các sắc lệnh của Giáo hoàng. Nhưng chính quyền các nước Âu châu ngay từ lúc có giáo lệnh của các Giáo hoàng, cho đến mãi về sau, đã không thừa nhận các giáo lệnh đó. Ngay cả nữ hoàng Elizabeth I (1533-1603) cũng phản đối. Năm 1540, vua Francis I của Pháp công khai chống đối ra mặt bằng câu mỉa mai: “Ai có thể chỉ cho ta thấy di chúc của ông tổ Adam giao tất cả thế giới cho Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha?” (“Who can show me the will of father Adam leaving all the world to Spain and Portugal?” trong This is America’s Story, của Howard B. Wider, Robert P. Ludlum & Harriett McCune Brown, do Houghton Mifflin Company, Atlanta, xuất bản năm 1975. trang 63). Tôi đã để hai chữ “sinh sát” vào ngoặc kép nhưng ông Nguyễn Đình Đầu hầu như muốn xách động và hướng vấn đề đến mục tiêu khác. Tuy nhiên, đọc đoạn trích dẫn trên chúng ta đã thấy Giáo hoàng không trao quyền sinh sát mà chỉ cho cướp của (chưa giết người) … và bắt làm nô lệ vĩnh viễn; về sau nạn nhân chết sống thế nào thì chưa ai biết được! Chẳng có ai “hài tội” Giáo hoàng vì lịch sử các Giáo hoàng nay đã không còn xa lạ đối với giới trí thức. Muốn biết các giáo hoàng ra sao, tôi khuyên ông Nguyễn Đình Đầu nên đọc một chút về lịch sử của một số giáo hoàng viết bởi Giáo sĩ Peter de Rosa trong cuốn “Vicars of Christ” hay của học giả Mỹ Lloyd M. Graham trong cuốn Deceptions & Myths of the Bible. Có bản tiếng Việt trên: www.sachhiem.net/TCNtg/TCN20.php 4. LỜI THỀ CỦA DÒNG TÊN : Ông Nguyễn Đình Đầu viết: “Không biết ông Bùi Kha đào đâu ra cái gọi là Lời thề Dòng Tên trên đây? Kẻ viết bài này thực tình run tay, hoa mắt khi phải nhắc lại đoạn văn vô nhân tính kinh tởm quá sức như vậy. Bất cứ cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng nào từ xưa đến nay hay ở nơi đâu đi nữa trên địa cầu lại có Lời thề dã man tương tự. Ông Bùi Kha trưng dẫn tư liệu (?). Ai cũng thấy Lời thề của ông Bùi Kha là không có thực”. Ông lại viết sai nữa. Lời Thề Dòng Tên là một văn kiện có thực. Tôi hoàn toàn thông cảm và chia sẻ tâm tình ông Nguyễn Đình Đầu, không tin được một văn kiện của Hội Thánh lại dã man như thế. Nhưng tài liệu về “Lời Thề Dòng Tên” đã được phổ biến rộng rãi trên Internet. Ông chỉ cần vào Internet, đánh ba chữ: “The Jesuit Oath” là ông có thể biết tất cả về Lời Thề Dòng Tên (hoặc theo mạng luới này: http://www.ianpaisley.org/article.asp?ArtKey=jesuit). 5. LÊN GIỌNG PHÊ PHÁN… : Ông Nguyễn Đình Đầu lại muốn kiếm thêm đồng minh rồi phịa ra điều mà tôi không hề viết: “Ông Bùi Kha lên giọng phê phán các thế hệ nghiên cứu học thuật, cả Viện sử học lẫn Hội sử học…”. Thực tế, tôi đã viết trong bài: “Là một người nghiên cứu sử, tôi xin mạn phép đề nghị với quý vị giáo sư sử học, nên có một dự án nghiên cứu đặc biệt về Lm Đắc Lộ để giá trị của ông được đánh giá đúng đắn…”. Mong ông NĐĐ nên thành thật; đừng thêm thắt và vu khống. Tôi nhận định vài người trong đó có ông Nguyễn Đình Đầu:“dịch thuật tùy tiện theo cảm tính… về hai cụm từ plusieurs soldats và La conquête de tout l’Orient”. Có thể đó là nhận định chủ quan, nhưng nên cho tôi có cái quyền nói lên điều đó. Ông Nguyễn Đình Đầu đã không đủ lý lẽ để phản biện, nên dùng phương pháp chụp mũ để áp đảo. 6. BÀI BÁO GÂY BẠO LOẠN… : Ông Nguyễn Đình Đầu cứ tiếp tục vu khống: “Tôi hết sức ngạc nhiên thấy một bài báo gây bạo loạn, chia rẽ dân tộc…”. Tôi chỉ viết bài biện chính cách dịch thuật nói trên chứ “chưa tuyên bố Thánh chiến”…, chưa đòi “chém Ông Thích Ca” như Lm Đắc Lộ thì bài báo của tôi gây bạo loạn chỗ nào? Và chia rẽ dân tộc chỗ nào? Nhận định về Giáo sĩ Đắc Lộ là chia rẽ dân tộc? Ông Nguyễn Đình Đầu hiểu nghĩa chữ dân tộc như thế nào? Một cá nhân, một giáo sĩ là dân tộc ư? Qua những công cuộc nghiên cứu, thì Giáo sĩ Đắc Lộ là một người có tội với dân tộc ta. Vậy phê bình để đồng bào ta biết rõ về ông làm sao có thể là gây bạo loạn hay chia rẽ dân tộc? Tóm lại, Chữ Quốc ngữ do hai giáo sĩ người Bồ là ông Amaral và Barbosa (chứ không phải do Lm Đắc Lộ như có một số người gán ép sai lầm hoặc có hậu ý). Chúng ta cũng biết rõ các giáo sĩ Bồ Đào Nha sáng tạo chữ Quốc ngữ từ mẫu tự La-tinh với mục đích duy nhất là để truyền đạo cho người Việt Nam; chứ không hề có hảo ý giúp người Việt dễ học và dễ đọc tiếng của nước họ bằng mẫu tự La-tinh. Về sau, thứ chữ này được sử dụng theo hai chiều hướng và hai mục đích khác nhau. Chiều THUẬN: Qua các thông tin văn hoá, nhất là Nam phong tạp chí và Đông Dương tạp chí, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Hồ Biểu Chánh, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Thạch Lam, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… cũng góp phần sáng tạo và đại biểu xứng đáng trong quá trình hoàn chỉnh chữ viết tiếng Việt trong từng giai đoạn biến thiên của ngôn ngữ nước ta. Thời Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng loại chữ viết này để mở mang dân trí, xóa nạn mù chữ. Hướng NGHỊCH gồm có: - Linh Mục Đắc Lộ: Cuốn Phép giảng tám ngày viết bằng tiếng Việt và tiếng Pháp với mục đích để truyền đạo và bên cạnh đó ông đã sử dụng để công kích về Khổng, Lão và Phật giáo. Thật vậy, Khổng Tử được hầu hết người Trung Quốc xưng tụng là Vạn thế sư biểu, và nhiều học lý của Nho giáo vẫn còn giá trị đến ngày nay. Còn ông Phật Thích Ca được Liên hiệp quốc đánh giá là một vĩ nhân văn hóa của nhân loại. Thế nhưng, Lm Đắc Lộ đã sử dụng chữ Quốc ngữ để có những nhận định sai lạc: Ông phê bình Khổng Tử: “Chẳng phải hiền chẳng phải thánh mà độc dữ…” (Phép giảng tám ngày, trang 113). Và phê bình Nho, Lão, Phật:“Bởi Tam giáo này, như bởi nguồn độc, nhiều sự dối khác. Song le bắt mỗi sự dối ấy chẳng có làm chi, vì chưng biết là bởi đâu mà ra, cho hay tỏ tường là dối thì vừa. Như thế có chém cây nào độc cho ngã, các ngành cây ấy tự nhiên cũng ngã với. Vậy thì ta làm cho Thích Ca là thằng hay dối người ta, ngã xuống, ...” (Aleaxandre de Rhodes, Phép giảng tám ngày, trang 115 & 116, Tủ sách Ðại Kết, TP. HCM, 1993). Ông Nguyễn Đình Đầu trong phần cuối của bài phản biện đã bênh vực cho Lm Đắc Lộ như sau: “Ngày nay, chúng ta thấy Đắc Lộ phê phán Thích ca thực là điều đáng trách. Nhưng trên 350 năm trước đây, khi viết Phép giảng tám ngày, Đắc Lộ đã lựa chọn thái độ trọng Nho giáo (chữ đậm là của BK muốn nhấn mạnh) và chê Phật giáo…”. Ông Nguyễn Đình Đầu cứ viết mà không cần biết đúng hay sai! Đắc Lộ trọng Nho giáo chỗ nào qua đoạn văn vừa dẫn? - Giám mục Puginier: “…tôi xem việc tiêu diệt chữ Nho và thay thế dần dần ban đầu bằng tiếng An Nam (chữ Quốc ngữ, BK), rồi bằng tiếng Pháp như là phương tiện rất chính trị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập nên tại Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ ở Viễn Ðông”. - Trương Vĩnh Ký: Thư đề ngày 12/01/1882, từ Chợ Quán “Kính gởi các vị trong Hội Đồng Thuộc Địa”, Bao-ti-xi-ta Trương Vĩnh Ký viết rõ hơn về mục đích các tác phẩm của ông: “Thưa quí vị, Tôi hân hạnh gởi đến quí vị một bản trình bày từng tác phẩm xuất bản mà tôi đã biên soạn. Làm như vậy, ý định của tôi là để chứng tỏ với quý vị rằng trong 13 cuốn sách tôi đã xuất bản cho đến nay do tiền tôi bỏ ra, tôi chưa bao giờ đi lệch mục tiêu chính và trực tiếp mà tôi đã trình bày trước đây trong các thư tôi viết vừa cho nhà cầm quyền, vừa cho Ủy ban Phụ trách Cứu xét những tác phẩm của tôi. Mục tiêu đó là sự biến đổi và đồng hóa dân tộc An Nam" (Nguyễn Sinh Duy, “Cuốn sổ bình sinh của Trương Vĩnh Ký”, NXB Nam Sơn, Sài gòn, tháng 3,1975). Do đó, một lần nữa, chúng ta nên nghiên cứu thêm để tránh việc vinh danh những kẻ nên lên án và lên án những người cần vinh danh. California, 8/12/2008
Lời thề của Dòng Tên The following is the text of the Jesuit Extreme Oath of Induction as recorded in the Journals of the 62nd Congress, 3rd Session, of the United States Congressional Record (House Calendar No. 397, Report No. 1523, 15 February, 1913, pp. 3215-3216), from which it was subsequently torn out. The Oath is also quoted by Charles Didier in his book Subterranean Rome (New York, 1843), translated from the French original. Dr. Alberto Rivera, who escaped from the Jesuit Order in 1967, confirms that the induction ceremony and the text of the Jesuit Oath which he took were identical to what we have cited below.
Chúng tôi xin trích đăng bản Tuyên thệ cực đoan của Dòng Tên, nằm trong Biên bản chính thức của phiên thứ ba, Kỳ họp Quốc hội Liên Bang Hoa Kỳ lần thứ 62 (Dự luật được Nghị viện thông qua số 397, Bút lục số 1523, đề ngày 15 tháng 2 năm 1913, các trang 3215 đến trang 3216) (ngay sau đó đã bị loại ra). Bản tuyên thệ này cũng đã được Charles Didier trích dẫn trong cuốn “Subterranean Rome” (New York, 1843), dịch từ nguyên bản Pháp ngữ của Tiến sĩ Alberto Rivera, người đã xuất tu khỏi Dòng Tên vào năm 1967, khẳng định rằng nghi thức mở đầu và nội dung Bản tuyên thệ của Dòng Tên mà chúng tôi viện dẫn dưới đây chính là những gì ông đã từng trải nghiệm. … I furthermore promise and declare that I will, when opportunity present, make and wage relentless war, secretly or openly, against all heretics, Protestants and Liberals, as I am directed to do, to extirpate and exterminate them from the face of the whole earth; and that I will spare neither age, sex or condition; and that I will hang, waste, boil, flay, strangle and bury alive these infamous heretics, rip up the stomachs and wombs of their women and crush their infants' heads against the walls, in order to annihilate forever their execrable race…
Tạm dịch: … Con xin tuyên hứa thêm rằng con sẽ, nếu có cơ hội, con sẽ gây ra và tham gia chiến tranh tàn nhẫn, bí mật hoặc công khai, chống mọi kẻ dị giáo, Tin Lành và Tự Do, như con được lệnh thi hành, tận diệt chúng khỏi mặt địa cầu; và con sẽ không chừa một ai, bất kể tuổi tác, nam hay nữ hay tình trạng xã hội; và con sẽ treo cổ, thiêu sống, luộc sống, mổ bụng, siết cổ và chôn sống những kẻ dị giáo ô nhục đó, phanh bụng moi bào thai của vợ chúng, và quật đầu con sơ sinh của chúng vào tường để tận diệt vĩnh viễn cái giống dân đáng ghét của chúng… Bùi Kha
Và những bài đọc thêm: - "Soldats: Chữ Nghĩa, Nước Mắt, Nước Đái và Nụ Cười" (Nguyễn văn Hóa). - Chương 13 "Đạo Lý Được Thể Hiện Trong Văn Phẩm Qua Ngôn Từ và Văn Phong", quyển Hai "Thực Chất Của Giáo Hội La Mã" của Nguyễn Mạnh Quang xuất bản năm 1999.
|