Chân Lý “Lao động, tình thương và lẽ phải” của Lê Duẩn (Nguyễn Hoàn)

Tổng Bí Thư Lê Duẩn Với Chân Lý

“Lao động, tình thương và lẽ phải”

Nguyễn Hoàn

http://sachhiem.net/NGHOAN/NgHoanLS2.php

06 tháng 6, 2009

 

Đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí trong Trung ương Cục miền Nam tại chiến khuTân Biên (Tây Ninh) thời kỳ kháng chiếnchống Pháp. Từ trái sang: Lê Duẩn, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Kỉnh, Hà Huy Giáp - Ảnh tư liệu (ĐDTB)

Con người là nguồn lực lớn nhất, là động lực bao trùm trong hệ thống động lực của một đất nước. Nói đến con người là nói đến việc xây dựng và hoàn thiện các giá trị Chân-Thiện-Mỹ. Hoài bão lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc sinh thời là xây dựng hệ giá trị Chân-Thiện-Mỹ mới của con người mới, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Hệ giá trị Chân-Thiện-Mỹ mới được Tổng Bí thư Lê Duẩn khái quát như sau:

“Yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải, đó là những phẩm chất cơ bản cần được bồi dưỡng và hoàn thiện để cho con người có thể từng bước làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, tiếp cận và chiếm lĩnh được cái đúng, cái tốt và cái đẹp của cuộc sống. Làm chủ tập thể chính là cái đúng, cái tốt và cái đẹp cao nhất mà con người đang vươn tới trong thời đại mới” (1). Chân lý mà Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu lên ở đây, cô đúc lại là “Lao động, tình thương và lẽ phải”.

*“Lao động, tình thương và lẽ phải” trong mối liên hệ với các chỉ số AQ, EQ, IQ

Để đánh giá về trí thông minh, nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự thành đạt trong cuộc sống của mỗi con người, người ta thường dùng một chỉ số đã quen thuộc là IQ (Intelligence Quotient), tức là chỉ số thông minh, gọi một cách đầy đủ và chính xác hơn là chỉ số trí tuệ duy lý. Dần dà, người ta phát hiện ra rằng, có những người học rất giỏi, có chỉ số thông minh IQ cao nhưng vẫn không phát huy được tiềm năng của mình để đạt đến thành công trong công tác và lập nghiệp.

Hơn mười năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã đi tìm nguyên nhân sự thành đạt của mỗi người có liên quan đến một chỉ số khác, đó là EQ (Emotion Quotient), tức là chỉ số trí tuệ cảm xúc. Daniel Goleman, người đại diện cho một trường phái tâm lý học mới của Hoa Kỳ đã gọi “trí tuệ của trí tuệ” là trí tuệ duy lý và “trí tuệ của trái tim” là trí tuệ cảm xúc. Người có EQ cao là người có nhiều năng lực làm chủ cảm xúc (điều tiết và khống chế cảm xúc, điều khiển các cảm xúc phục vụ cho mục đích, chí hướng, hoài bão...) và năng lực thông cảm với người khác (đọc được tâm lý người khác, giải quyết những xung đột một cách tối ưu, hợp tác và tổ chức sự hợp tác trên cơ sở điều khiển và điều hoà những tình cảm của mọi người...), những năng lực này giúp họ đạt được thành công hơn những người khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng, EQ đóng vai trò chủ đạo trong sự thành công của đời người, vì vậy “phương trình thành công” phải được viết là: 20% IQ + 80% EQ, điều này quả đã có sự trùng hợp tuyệt diệu với chân lý “Truyện Kiều”: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Nhưng chưa hết, EQ không phải là “chỉ số tuyệt đích cuối cùng”. Gần đây, các nhà nghiên cứu lại phát hiện ra một chỉ số mới là AQ (Adversity Quotient), tức là chỉ số nghịch cảnh. AQ nói lên năng lực phát huy trí tuệ của con người trong nghịch cảnh, năng lực tìm ra lối thoát trong nghịch cảnh, trong những tình huống khó khăn, bế tắc, năng lực vượt qua những chướng ngại trên đường đời. Nói cách khác, AQ chứng tỏ rằng “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, IQ và EQ là những nhân tố cơ bản để dẫn tới sự thành công của mỗi người, nhưng AQ mới là nhân tố có tính quyết định, mới là tiêu chuẩn xác đáng để đánh giá về sự thành công của con người trong cuộc đời. Người có AQ cao sống có định hướng, mục tiêu rõ ràng, sống lạc quan và tự tin vào năng lực của mình, không buông xuôi theo kiểu “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên” mà nêu cao ý chí “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.

Nhiều chân lý, tín điều xưa nay được đúc kết trong các câu danh ngôn, châm ngôn nổi tiếng đều nói đến những phương châm sống, những giá trị “khuôn vàng thước ngọc” trong cuộc sống được đo bằng từng chỉ số IQ, EQ, AQ hoặc đo bằng tổng hoà của ba chỉ số đó (dĩ nhiên, nhiều chân lý, tín điều ra đời rất lâu trước khi khoa học phát hiện ra IQ, EQ và AQ, nhưng IQ, EQ, AQ chẳng qua là các khái niệm định danh “muộn màng” những điều đã có sẵn trong thực tiễn).

Phật giáo nói đến ba chữ “bi, trí, dũng”, trong ba chữ này, chữ “bi” đứng đầu, điều này nói lên tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc, đo bằng EQ. Chữ “trí” của Phật giáo là sự hợp thành của trí tuệ duy lý và trí tuệ trực cảm phương Đông, nên vừa đo bằng IQ, vừa đo bằng EQ, khác với chữ “trí” của văn minh phương Tây chỉ đo bằng IQ. Chữ “trí” của văn minh phương Tây là chữ “trí” của trí tuệ duy lý, của văn minh kỹ trị (độc tôn vai trò của kỹ thuật). Nếu trí tuệ duy lý mà không song hành với trí tuệ cảm xúc, sự phá vỡ hạt nhân nguyên tử chỉ đưa đến bom nguyên tử và chiến tranh hạt nhân chứ không mang lại năng lượng điện nguyên tử để phụng sự hoà bình, no ấm.

Chữ “trí” duy lý của phương Tây cần đi kèm với chữ “bi”, tức là “tình thương” theo cách nói của đồng chí Lê Duẩn, tức là trí tuệ cảm xúc theo cách gọi của nhà tâm lý học Daniel Goleman. Chữ “dũng” của Phật giáo trước hết không gì khác hơn đó là thước đo năng lực vượt lên nghịch cảnh (AQ), mặt khác, để đạt được “dũng”, cần có sự thông minh (IQ) và bầu nhiệt huyết (EQ).

Từ những phân tích có tính chất “bắc cầu” như trên, trở lại với mấy chữ cô đúc “Lao động, tình thương và lẽ phải” của đồng chí Lê Duẩn, dễ thấy rằng những chữ này là kết tinh cao, là sự tổng hoà biện chứng của các thước đo IQ, EQ và AQ nhằm xây dựng nên các tố chất đặc biệt và toàn diện của con người mới. “Lao động” là sự huy động cao độ trí thông minh (IQ), lòng nhiệt tình hăng say (EQ) và ý chí vượt qua khó khăn, trở ngại (AQ) để chế ngự, cải tạo, khai thác thiên nhiên, phát triển kinh tế xã hội. “Tình thương” (EQ) gắn kết mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, trong kinh tế, đó là việc đưa người lao động từ vị trí làm thuê trong xã hội cũ trở thành người làm chủ trong xã hội mới, trong đời sống xã hội, người với người là bạn. “Lẽ phải” là sự kết hợp hài hoà, đúng đắn giữa lý (IQ) và tình (EQ), mặt khác, để đạt đến lẽ phải có khi phải vượt qua trở lực và phải dũng cảm bảo vệ lẽ phải (AQ). Thực hiện “Lao động, tình thương và lẽ phải”, đòi hỏi con người phải có nhiều IQ, EQ và AQ, đặc biệt như trên đã phân tích, phải có nhiều EQ và AQ, những chỉ số quan trọng mà khoa học mới phát hiện sau này.

*Cái vốn quý nhất là lao động. Đổi mới kinh tế để giải phóng sức lao động

Phân tích về nguồn gốc xã hội của ý thức, triết học Mác-Lênin khẳng định và đánh giá cao vai trò của lao động. Lao động làm chuyển biến vượn thành người, đưa con người đứng vững trên đôi chân của mình. Lao động giúp con người cải tạo thế giới và hoàn thiện chính mình. Lao động còn là cơ sở hình thành, phát triển của ngôn ngữ. Vì vậy, Ph.Ăngghen đã nêu: “Sau lao động và đồng thời với lao động là ngôn ngữ; đó là hai sức kích thích chủ yếu đã ảnh hưởng đến bộ óc của con vượn, làm cho bộ óc đó dần dần biến chuyển thành bộ óc của con người”.

Kế thừa quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng chí Lê Duẩn khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của lao động trong việc tạo ra con người và văn hoá: “Có lao động mới có con người, và có con người là có văn hoá” (2). Trong xây dựng chế độ mới, đồng chí nhấn mạnh vai trò tích luỹ của lao động để đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn. Chúng ta biết rằng giai cấp tư sản tích luỹ để công nghiệp hoá bằng cách bóc lột nhân dân trong nước, nhân dân các thuộc địa và các nước khác...

Chúng ta không đi theo con đường đầy “máu và bùn” đó của chủ nghĩa tư bản mà phải áp dụng những phương pháp tích luỹ xã hội chủ nghĩa. Theo phân tích của đồng chí Lê Duẩn, lao động chính là nguồn lực quý báu của tích luỹ xã hội chủ nghĩa: “Chúng ta phải thấy rằng tích luỹ trong nước là chủ yếu. Nguồn gốc của tích luỹ bên trong là lao động của nhân dân ta” (3), “Chủ nghĩa tư bản bắt đầu công nghiệp hoá bằng cách tích tụ và tập trung tiền thành tư bản, làm cho tư bản-tiền trở thành phương tiện sản xuất. Đối với chúng ta, cái vốn (tư bản) quý nhất của chúng ta là lao động. Năng lực tiềm tàng lớn có thể phát huy ngay, đối tượng lao động có khả năng thu hút lực lượng lao động đông đảo nhất, đó là đất đai (kể cả rừng và biển). Một năng lực to lớn nữa của chúng ta là ngành, nghề, bao gồm nghề phụ ở nông thôn, thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp và các cơ sở hiện có về công nghiệp hàng tiêu dùng, cũng có khả năng sử dụng nhiều lao động” (4).

Để có tích luỹ, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ, một mặt, chúng ta phải ra sức tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, mặt khác, để gia tăng tích luỹ, chúng ta phải không ngừng nâng cao năng suất lao động. Biện pháp cơ bản để tăng năng suất lao động trong các cơ sở sản xuất là phải ra sức cải tiến kỹ thuật và tăng năng suất lao động trong toàn xã hội là phải sử dụng hợp lý sức lao động xã hội và của cải hiện có, khai thác tốt tài nguyên đất nước.

Nói đến lao động là nói đến lực lượng sản xuất, nói đến việc tạo cơ chế cho sự “bung ra”, sự phát triển của lực lượng sản xuất. Về hướng phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn nêu rõ: “Lực lượng sản xuất của nước ta vừa phải phát triển tuần tự theo quy luật chuyển biến từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, vừa có thể và cần phải phát triển nhảy vọt lên cơ giới hoá và tự động hoá, trước hết là cơ giới hoá” (5). Phát triển tuần tự là để phù hợp với lý luận của C.Mác về “sự phát triển của những hình thái kinh tế-xã hội là một quá trình lịch sử-tự nhiên”.

Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nhưng phải làm sao cho sự bỏ qua này không hề vi phạm tiến trình lịch sử-tự nhiên của sự phát triển, có nghĩa là Việt Nam phải kinh qua thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường. Phát triển nhảy vọt tức là “đi tắt, đón đầu” theo cách nói hiện nay. Hướng phát triển vừa tuần tự, vừa nhảy vọt này của lực lượng sản xuất mà đồng chí Lê Duẩn nêu đã được Đại hội IX và Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt. Phát huy những lợi thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu mới về khoa học và công nghệ, từng bước phát triển kinh tế tri thức” (6), “Phát triển khoa học và công nghệ phù hợp xu thế phát triển nhảy vọt của cách mạng khoa học và công nghệ. Lựa chọn và đi ngay vào công nghệ hiện đại ở một số lĩnh vực then chốt. Chú trọng phát triển công nghệ cao để tạo đột phá và công nghệ sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm” (7).

Nói đến lao động, nói đến lực lượng sản xuất là phải nói đến vai trò và sức mạnh của khoa học kỹ thuật. Trong ba cuộc cách mạng được tiến hành đồng thời: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học-kỹ thuật và cách mạng tư tưởng và văn hoá, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh vị trí, vai trò cách mạng khoa học-kỹ thuật là then chốt. Điều nhấn mạnh này hoàn toàn đúng với dự báo của C.Mác: trong tương lai, khoa học sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và đó là quy luật tất yếu của sự phát triển xã hội. Điều nhấn mạnh này càng đúng với giờ đây, khi khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, đến mức đã tạo ra kinh tế tri thức. Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam “coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phát triển mạnh các ngành và sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức” (8).

Sức lao động chỉ được giải phóng, lực lượng sản xuất chỉ phát triển khi quan hệ sản xuất, khi cơ chế quản lý được điều chỉnh, đổi mới cho phù hợp. Thực tế cho thấy, không chỉ khi quan hệ sản xuất lạc hậu, lỗi thời mà cả khi quan hệ sản xuất vượt trước quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất cũng đều kìm hãm, cản trở lực lượng sản xuất phát triển. Chúng ta đã có lúc duy ý chí, đẩy quan hệ sản xuất đi quá xa so với lực lượng sản xuất, nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, muốn xây dựng ngay chỉ có hai thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể, xoá bỏ các thành phần kinh tế khác. Điều này hoàn toàn không đúng với chủ trương phát triển cơ cấu kinh tế nhiều thành phần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu từ những năm 50 của thế kỷ XX và Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nêu rất lâu từ trước năm 1986, năm được tính là mốc đầu tiên của công cuộc đổi mới đất nước.

Đồng chí Lê Duẩn đã nói đến chủ trương duy trì năm thành phần kinh tế ở miền Nam là nhằm phát triển sức sản xuất: “Đối với công nghiệp tư bản tư doanh, phải có chính sách và tổ chức tốt, vừa sử dụng vừa cải tạo dưới hình thức công tư hợp doanh hoặc các hình thức khác...Trong một thời gian nhất định, ở miền Nam còn năm thành phần kinh tế (quốc doanh, tập thể, công tư hợp doanh, cá thể và tư bản tư nhân)” (9), “Chúng ta chủ trương còn để năm thành phần kinh tế trong một số ngành, nghề sản xuất và trong một số năm của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ ở miền Nam là nhằm khai thác mọi tiềm năng sản xuất, tạo thêm của cải cho xã hội” (10). Cùng với việc điều chỉnh, đảm bảo sự phù hợp của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất, để mở mang sản xuất, Đảng đã đặt ra vấn đề đổi mới quản lý kinh tế từ năm 1979, nghĩa là chỉ sau 4 năm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, với Nghị quyết Trung ương 6 được xem là “đã đánh dấu bước đột phá đầu tiên về đổi mới tư duy kinh tế của Đảng ta” (11).

Thể hiện tư tưởng đổi mới đó, trong bài “Mấy vấn đề về kinh tế địa phương” viết nhân dịp Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IV, tháng 8-1979, đồng chí Lê Duẩn đã nói đến việc chống cơ chế tập trung quan liêu, sử dụng sự tự điều chỉnh thông qua hoạt động của thị trường để giải phóng sức lao động: “Ôm đồm, tập trung quan liêu, biến công tác kế hoạch và quản lý kinh tế thành những công việc hành chính đơn thuần, muốn kế hoạch hoá tất cả mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh trong xã hội, không mạnh dạn sử dụng, trong một mức độ nhất định, sự tự điều chỉnh của xã hội thông qua hoạt động của thị trường, là xa rời thực tế của nước ta hiện nay, gò bó khả năng sản xuất, kìm hãm tài năng sáng tạo của đông đảo quần chúng, làm khó khăn thêm việc thoả mãn những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của nhân dân” (12).

Cũng ở thời điểm năm 1979, khi nền kinh tế nước ta còn nặng về cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, đồng chí Lê Duẩn đã nói đến và thừa nhận sự tồn tại của thị trường ngoài kế hoạch: “Trong một thời gian khá dài, bên cạnh thị trường có tổ chức, có kế hoạch, còn tồn tại một cách khách quan thị trường ngoài kế hoạch. Về sản xuất, đã có sản phẩm phụ do xí nghiệp quốc doanh chủ động làm thêm sau khi hoàn thành kế hoạch Nhà nước, có kinh tế phụ gia đình của nông dân xã viên trên đất 5% và các nghề phụ trong nông thôn, có sản xuất của thủ công nghiệp cá thể ở thành phố, v.v...thì tất nhiên, về lưu thông cần có thị trường ngoài kế hoạch. Thị trường đó bổ sung cho thị trường có kế hoạch và do thị trường có kế hoạch chi phối về tính chất và quy mô phát triển” (13).

Trong các lĩnh vực kinh tế đã bắt đầu có sự áp dụng cơ chế mới nhằm kích thích lao động sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm. Đối với nông nghiệp, dưới thời Tổng Bí thư Lê Duẩn, năm 1981, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 100 về việc mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong HTX nông nghiệp. Theo Chỉ thị này, cơ chế hoạt động của HTX nông nghiệp được đổi mới hẳn: HTX chuyển từ lao động tập thể, sử dụng chung đất đai sang giao ruộng đất về cho từng hộ xã viên canh tác theo kế hoạch của HTX, nếu xã viên đạt sản lượng cao hơn mức khoán thì được hưởng phần lớn hoặc toàn bộ sản phẩm vượt khoán. Chỉ thị 100 đã “dọn đường” cho khoán 10 sau này.

Đối với doanh nghiệp Nhà nước, năm 1981, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 25/CP về quyền tự chủ của các xí nghiệp quốc doanh trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cuộc “tấn công” vào cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang cơ chế mới đã được Hội nghị Trung ương 8 khoá V, tháng 6-1985 hạ quyết tâm, với khâu đột phá là xoá bỏ quan liêu, bao cấp trong giá, lương, tiền, dù việc thực hiện chưa thành công nhưng đã đúc rút bài học quý báu cho việc tiếp tục xây dựng chiến lược đổi mới kinh tế. Đại hội V năm 1982 quyết định “đổi mới chế độ quản lý và kế hoạch hoá hiện hành, xoá bỏ cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp”, “coi trọng quy luật giá trị”. Như vậy, tư duy đổi mới kinh tế, đổi mới đất nước của đồng chí Lê Duẩn và của Đảng đã xuất hiện từ trước và trong Đại hội V nhằm mở hướng cho lao động phát triển, cho sản xuất “bung ra”.

Để tạo ra lực lượng sản xuất mới về chất, để chuyển lao động thủ công thành lao động sử dụng máy móc, chúng ta phải thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế quốc dân. Đồng chí Lê Duẩn khẳng định công nghiệp hoá là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tạo ra một cơ cấu kinh tế công-nông nghiệp hiện đại, con đường cơ bản để tạo ra cơ cấu ấy là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, chúng ta đã có lúc quá thiên về xây dựng công nghiệp nặng, chưa coi trọng đúng mức sản xuất hàng tiêu dùng, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hoá tiêu dùng trong nhân dân. Nhưng có một thực tế hết sức sống động là dưới thời Tổng Bí thư Lê Duẩn, chúng ta đã xây dựng được nhiều công trình công nghiệp lớn tạo nền tảng cơ sở vật chất-kỹ thuật và nền tảng tích luỹ cho đất nước, tạo tiền đề hết sức quan trọng cho công nghiệp hoá-hiện đại hoá trong chặng đường mới như: thuỷ điện Hoà Bình, dầu khí Vũng Tàu...Mặt khác cần thấy rằng, trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn đã thấm nhuần và kế thừa sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là về bước đi và xác định cơ cấu kinh tế.

Về bước đi trong phát triển công nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ta cho nông nghiệp là quan trọng và ưu tiên, rồi đến tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhẹ, sau mới đến công nghiệp nặng” (14) Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định mạnh mẽ cách làm riêng của Việt Nam: “Làm trái với Liên Xô cũng là mác xít” (15). Về bước đi của công nghiệp hoá ở nước ta, ngay từ năm 1962 và sau đó là năm 1970, trong tác phẩm “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì CNXH, tiến lên giành những thắng lợi mới”, đồng chí Lê Duẩn đã dùng khái niệm “bước đi ban đầu” và sau này, trong Đại hội V của Đảng năm 1982 là khái niệm “chặng đường đầu tiên”.

Về vai trò của nông nghiệp và công nghiệp nhẹ trong “chặng đường đầu tiên”, đồng chí Lê Duẩn nêu: “Trong chặng đường đầu tiên hiện nay, nông nghiệp và công nghiệp nhẹ có khả năng lớn nhất về thu hút để tận dụng lao động xã hội và sử dụng đất đai cùng nhiều tài nguyên của đất nước, làm ra những sản phẩm trực tiếp tiếp thoả mãn nhu cầu đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân” (16). Ngay từ tháng 6-1962, trong bài nói tại Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng, khoá III, đồng chí Lê Duẩn khẳng định nông nghiệp là cơ sở của cả công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng: “Chúng ta xuất phát từ một nền kinh tế nông nghiệp để phát triển công nghiệp. Nói nông nghiệp là cơ sở để phát triển công nghiệp có nghĩa là trước hết nông nghiệp phải bảo đảm lương thực để phát triển công nghiệp...Nói nông nghiệp là cơ sở còn có nghĩa là nông nghiệp phải là thị trường tiêu thụ sản phẩm của công nghiệp...Nông nghiệp có phát triển, năng suất lao động trong nông nghiệp có tăng và do đó khả năng tự tích luỹ của nông nghiệp có tăng thì nông nghiệp mới tiêu thụ được sản phẩm của công nghiệp: phân bón, thuốc trừ sâu, công cụ cơ khí và nửa cơ khí, v.v...Nông dân có dồi dào tiền thì mới tiêu thụ nhiều hàng hoá của công nghiệp nhẹ, mà công nghiệp nhẹ phát triển thì mới tạo ra thị trường cho công nghiệp nặng. Mặt khác, muốn đẩy mạnh phát triển công nghiệp nhẹ thì cũng phải đẩy mạnh nông nghiệp, vì 80% nguyên liệu của công nghiệp nhẹ là do nông nghiệp cung cấp. Vì vậy, công nghiệp chỉ có thể phát triển mạnh bằng cách làm cho nông nghiệp phồn vinh” (17).

Như vậy, con đường công nghiệp hoá ở Việt Nam đã được đồng chí Lê Duẩn xác định bước đi ban đầu và cơ cấu kinh tế phù hợp với đặc thù một nước nông nghiệp lạc hậu, lực lượng lao động còn nhỏ bé là: xuất phát từ nông nghiệp, tập trung sức đẩy mạnh nông nghiệp, tích cực phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng, lấy nông nghiệp và công nghiệp nhẹ làm cơ sở để phát triển công nghiệp nặng. Riêng đối với nông nghiệp, đồng chí yêu cầu “phải vươn lên làm tốt ba nhiệm vụ: bảo đảm lương thực cho toàn xã hội, cung ứng nguyên liệu nông sản cho công nghiệp hàng tiêu dùng, tạo ra nguồn hàng xuất khẩu quan trọng” (18).

Điều đáng lưu ý là yêu cầu này của đồng chí Lê Duẩn đã tiến rất gần với chủ trương phát triển ba chương trình kinh tế lớn: lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu của Đại hội VI của Đảng năm 1986. Tại Đại hội V của Đảng năm 1982, đồng chí Lê Duẩn đã xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu: “Trong 5 năm 1981-1985 và những năm 80, cần tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng” (19). Bước đi công nghiệp hoá sát sườn với thực tiễn Việt Nam như vậy là “quy luật tiến lên của nền kinh tế” có xuất phát điểm từ một nền nông nghiệp lạc hậu, cũng là quy luật tiến lên của lao động nước ta.

*Tình thương và con đường biện chứng từ lý trí đến tình cảm, biến lý luận thành sức mạnh vật chất

Sau khi nói đến lao động, đồng chí Lê Duẩn nói đến tình thương. Đồng chí phân tích sâu sắc cội nguồn lưu giữ và trao truyền tình thương, đặc biệt là lưu giữ và trao truyền văn hoá chính là người mẹ: “Ngoài nghĩa cả đối với Tổ quốc, đối với cách mạng, có tình cảm nào thiêng liêng hơn tình mẹ con. Có sự hy sinh tận tuỵ nào bằng sự hy sinh tận tuỵ của người mẹ đối với con? “Dạy con từ thuở còn thơ”, đứa trẻ tiếp thu văn hoá loài người, đầu tiên chính là qua người mẹ. Từng giây, từng phút, người mẹ truyền cho con những tình cảm, những ý nghĩ của mình, những điều mình từng trải trong cuộc sống. Mỗi lời nói, mỗi nụ cười, mỗi nét mặt buồn hay vui của người mẹ đều in sâu vào tâm hồn đứa trẻ những ấn tượng mà đứa trẻ giữ mãi trong suốt cuộc đời. Dạy con biết nói, biết cười, ru con bằng những điệu hát đầy ý nghĩa, khuyên bảo con những lẽ phải điều hay v.v..., chính bằng cách đó, người mẹ đã góp phần gìn giữ và lưu truyền văn hoá dân tộc từ đời này sang đời khác” (20).

Văn hoá nuôi dưỡng tình thương và chính tình thương là cội nguồn làm nên sức mạnh. Tình thương lớn lao nhất là lòng yêu nước, cội nguồn làm nên sức mạnh cứu nước như đồng chí Lê Duẩn đã nêu: “Người Việt Nam vốn có lòng yêu nước thiết tha, có tinh thần dân chủ, bình đẳng trong quan hệ giữa người với người. “Thương nước-thương nhà, thương người-thương mình” là truyền thống đậm đà của nhân dân ta. Nhờ có tinh thần yêu nước và dân chủ ấy mà trong suốt quá trình lịch sử bốn nghìn năm, dân tộc ta đã làm nên những chiến công oanh liệt” (21). Tình thương nước, thương dân của người Việt nghìn đời chung đúc được nâng lên thành tình cảm cách mạng trong thời đại mới. Tình cảm cao đẹp đó theo đồng chí Lê Duẩn phải được biểu hiện bằng hành động cụ thể, trực quan, chứ không thể là lời nói suông, chung chung: “Người cán bộ nhìn một em bé ăn mặc rách rưới mà không thấy động lòng thì tình cảm cách mạng của người ấy đã cạn đi rồi đấy” (22).

Các nhà hiền triết, nhà cách mạng, nhà lý luận khi bàn về tình cảm, lẽ dĩ nhiên không thể không bàn đến lý trí, không thể không gắn tình cảm với lý trí. Bởi lẽ đời vốn dễ hiểu, tình mà không có lý là tình mù quáng, lý không có tình là lý cứng nhắc. Nhưng trí tuệ duy lý (IQ) phải được tưới tắm, được thấm đẫm bởi trí tuệ cảm xúc (EQ) thì mới phát huy tốt hiệu năng của nó. Khi cắt nghĩa một cách giản dị về chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến chữ tình: “Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin” (23).

Học theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn đã nói đến “con đường biện chứng” đi từ lý trí đến tình cảm, tức là đi từ “lý thuyết màu xám” đến “cây đời mãi mãi xanh tươi” (Gớt), nói theo tâm lý học là đi từ trí tuệ duy lý (IQ) đến trí tuệ cảm xúc (EQ): “Lập trường giai cấp công nhân không chỉ là vấn đề thuộc về lý trí, mà còn là vấn đề tình cảm nữa” (24), “Cho nên phải qua một quá trình rèn luyện lâu dài để nâng cao ý thức giai cấp công nhân từ lý trí đến tình cảm. Có như thế mới có nhiệt tình cách mạng hăng say và thái độ cách mạng kiên định” (25). Lý luận là kim chỉ nam, là ngọn đèn pha chiếu rọi, nhưng lý luận muốn đi vào thực tiễn, muốn thống nhất với thực tiễn phải thông qua hành động cụ thể của con người. Mà người ta muốn hành động phải có “bầu máu nóng”, nghĩa là phải có tình cảm thôi thúc. Con đường biện chứng từ lý trí đến tình cảm mà đồng chí Lê Duẩn nêu đã được kiểm nghiệm, được chứng minh mạnh mẽ và sống động qua thực tiễn cách mạng Việt Nam: Lý luận thâm nhập sâu sắc vào quần chúng đã biến thành sức mạnh vật chất vĩ đại.

Tình cảm có vai trò to lớn như vậy cho nên phải được rèn luyện thường xuyên (để thấy “động lòng” khi nhìn em bé rách rưới) và phải được nuôi dưỡng. Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh đến những cái nôi nuôi dưỡng tình cảm, đó là văn hoá và nghệ thuật: “Văn hoá là biểu hiện sự gắn bó giữa người và người, làm cho con người hiểu kỹ con người, làm nảy nở những tình cảm tốt đẹp của con người trong lao động cải tạo thiên nhiên, cải tạo xã hội” (26).

Nói đến sức mạnh lay động tình cảm và thúc giục hành động của con người do nghệ thuật mang lại, đồng chí Lê Duẩn thường nhắc đến kỷ niệm khi đọc thơ Phan Bội Châu: “Lúc còn thanh niên, mỗi lần đọc thơ Phan Bội Châu, tôi thấy trong lòng có cái gì náo nức, như thúc giục mình vùng dậy, thúc giục mình phải làm ngay một điều gì cho Tổ quốc. Đó thật sự là những bài thơ tác giả viết ra từ bầu nhiệt huyết, bằng tất cả khối óc, con tim” (27). Đồng chí đã đưa ra một định nghĩa về nghệ thuật phải nói là làm nức lòng không chỉ cho riêng giới văn nghệ sĩ: “Nói nghệ thuật tức là nói quy luật riêng của tình cảm. Nghệ thuật vận dụng quy luật riêng của tình cảm” (28).

Từ định nghĩa về nghệ thuật của đồng chí Lê Duẩn, chúng ta thấu tỏ hơn về quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ và về phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với lĩnh vực đặc thù này của đời sống tinh thần, tình cảm của con người. Nói sáng tạo theo “quy luật riêng của tình cảm”, tức là đánh giá cao vai trò chủ thể sáng tạo, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ sáng tạo ngoài sự can dự của ý thức ra còn phải kể đến vai trò của trực giác, của những ám ảnh nghệ thuật, của cảm hứng xuất thần...Vì vậy, như Lênin chỉ rõ: “Trong lĩnh vực này lại càng không thể nói tới chủ nghĩa công thức” (29), “Không thể chối cãi được rằng trong sự nghiệp đó tuyệt đối phải đảm bảo một phạm vi rộng lớn hơn cho sáng kiến cá nhân, cho những khuynh hướng cá nhân, đảm bảo một phạm vi hết sức rộng lớn hơn cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung” (30).

*Lẽ phải lớn lao: Phát huy sức mạnh tổng hợp và tinh thần làm chủ

Là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn đã phát hiện, bảo vệ và chiến đấu cho những lẽ phải-chân lý lớn lao của dân tộc. Hồi còn ở miền Nam, ngay từ năm 1956, giữa lòng địch ở Sài Gòn, trí tuệ phát sáng của “Ngọn đèn 200 nến” Lê Duẩn đã sớm khởi thảo và hoàn chỉnh “Đề cương cách mạng Việt Nam”, nêu bật đường hướng đánh Mỹ, cứu nước. “Đề cương cách mạng miền Nam” là cơ sở để Trung ương ra Nghị quyết 15 năm 1959 và sau đó được bổ sung, nâng cao trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960. Từ 1956 được khởi thảo trong “trứng nước” đến 1959 được thông qua rồi 1960 được nâng cao, “lẽ phải” cũng cần có thời gian để được khẳng định.

Cũng hồi còn ở miền Nam, một nét phát sáng đặc biệt nữa của “Ngọn đèn 200 nến” thể hiện trong giải quyết vấn đề ruộng đất. Đồng chí Lê Duẩn cùng với Xứ uỷ Nam Bộ chủ trương chỉ tịch thu ruộng đất của thực dân, địa chủ làm tay sai cho Pháp, còn với địa chủ có tinh thần yêu nước thì động viên hiến ruộng cho người cày thiếu ruộng hoặc không có ruộng. Thực chất đó là cuộc cải cách ruộng đất ở Nam Bộ mà không cần thông qua “đấu tố”. “Lẽ phải” đã đi kèm với “tình thương” vậy.

Bây giờ, chúng ta hãy tập trung nói về lẽ phải lớn lao nhất của đất nước, của dân tộc Việt Nam dưới thời Tổng Bí thư Lê Duẩn và mãi mãi về sau. Trong lịch sử đấu tranh cứu nước kiên cường, bất khuất của dân tộc, chưa bao giờ Việt Nam đứng trước một nghịch cảnh mà số đo AQ đạt đến chỉ số tột cùng maximum: Một nước nhỏ phải đương đầu với một đế quốc to xâm lược mạnh gấp hàng nghìn lần về kinh tế và vũ khí. Vậy mà Việt Nam đã vượt qua nghịch cảnh éo le ghê gớm ấy và đã chiến thắng vang dội. Sức mạnh to lớn đưa đến chiến thắng lẫy lừng ấy được đồng chí Lê Duẩn cắt nghĩa là sức mạnh tổng hợp. Trong khi Việt Nam đang đánh Mỹ, đây đó kể cả trong phe xã hội chủ nghĩa đã từng xuất hiện những quan niệm chiến tranh theo kiểu vũ khí luận (so sánh vũ khí ta, địch ai nhiều hơn, tối tân hơn), theo kiểu so sánh quân sự đơn thuần (quân đội bên nào nhiều hơn, mạnh hơn).

Theo đồng chí Lê Duẩn, so sánh mạnh, yếu giữa ta và địch là phải so sánh lực lượng một cách tổng hợp, chứ không chỉ so sánh thuần về quân sự hoặc kinh tế. Đồng chí chỉ rõ nguyên nhân chúng ta đánh thắng đối phương do chúng ta đã tạo được sức mạnh tổng hợp lớn hơn lực lượng của đối phương: “Đó là sức mạnh tổng hợp về quân sự, chính trị, xã hội, văn hoá, sức mạnh của cả nước và của toàn dân đánh giặc, cả ở tiền tuyến và hậu phương, phát huy cao độ các yếu tố tư tưởng, ý chí và vật chất, kỹ thuật, kết hợp tài năng tổ chức của bộ máy lãnh đạo, chỉ huy với sức chiến đấu và tính năng động của nhân dân và các lực lượng vũ trang. Đó là sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam được tích luỹ qua gần nửa thế kỷ đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, kết tinh cả truyền thống chiến đấu và tài thao lược của tổ tiên ta” (31).

Với sức mạnh tổng hợp đó, sức mạnh kết tinh từ lẽ phải Việt Nam, chân lý Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Mỹ yếu hơn ta một cách tuyệt đối về chính trị, về văn hoá, đồng thời cũng thua kém ta về khoa học và nghệ thuật quân sự” (32). Hai mươi năm sau, khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, chính Mc Namara, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải thừa nhận trong cuốn sách “Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam” của mình rằng, phía Mỹ đã sai lầm vì thiếu hiểu biết cơ bản về văn hoá và chính trị của nhân dân và lãnh đạo Việt Nam và rút lấy bài học: “Sức mạnh sâu thẳm nhất của một dân tộc không nằm ở mũi nhọn quân sự mà ở sự đoàn kết của dân tộc” (33).

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Tập đoàn Sản xuất số 5, tỉnh Cửu Long (tháng 1.1981) - Ảnh tư liệu (ĐDTB)

Phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong dựng nước và giữ nước, ngoài việc vận dụng những luận điểm của các nhà kinh điển, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí Lê Duẩn đã phát triển một số luận điểm riêng, xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam. Luận điểm về tạo ra lực lượng tổng hợp là một luận điểm riêng, đặc thù của Việt Nam.

Đúc kết rằng cơ sở của sức mạnh tổng hợp tồn tại khách quan trong bản thân sự vật, đồng chí Lê Duẩn khẳng định trong xây dựng đất nước: “Bài học về phát huy lực lượng tổng hợp vẫn giữ nguyên giá trị” (34), “Chúng ta chỉ có thể hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ lịch sử hết sức khó khăn đưa đất nước ta từ sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bằng cách tạo ra cho được một lực lượng tổng hợp của cách mạng xã hội chủ nghĩa” (35).

Lực lượng tổng hợp trong cách mạng xã hội chủ nghĩa là: nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học-kỹ thuật là then chốt, xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Trong lực lượng tổng hợp đó, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: Làm chủ tập thể là yếu tố quan trọng nhất, là động lực lớn nhất, mạnh nhất. Nội dung của làm chủ tập thể bao gồm nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hoá, xã hội, từ làm chủ xã hội đến làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, làm chủ trong phạm vi cả nước, trong mỗi địa phương, mỗi cơ sở. Đáng chú ý, quyền làm chủ tập thể với quyền tự do chân chính của từng cá nhân không những không mâu thuẫn mà còn có sự kết hợp hữu cơ với nhau.

Trong kinh tế, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ làm chủ tập thể vừa là quan hệ sản xuất mới, vừa là một lực lượng sản xuất mạnh, “bởi vì làm chủ tập thể về kinh tế chính là làm chủ và sử dụng tốt lao động, đất đai và các tư liệu sản xuất khác, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao” (36). Như vậy, theo lẽ thông thường, quan hệ sản xuất phải phù hợp với lực lượng sản xuất nhưng đặc biệt ở đây, quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất đã hợp nhất với nhau trong nội hàm “làm chủ” để tạo ra sức mạnh tổng hợp của lao động. Tư tưởng làm chủ tập thể của đồng chí Lê Duẩn là sự vận dụng và phát triển lý luận mác xít vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, là đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận của Đảng.

Đó là tư tưởng nhân văn, là lẽ phải lớn lao nâng vị trí người lao động làm thuê và bị tha hoá trong chế độ cũ trở thành người làm chủ trong chế độ mới. Đó là tư tưởng khẳng định mạnh mẽ mối gắn bó của người lao động với tư liệu sản xuất và vốn liếng, xoá hẳn tình trạng “vô chủ”, “cha chung không ai khóc”, “lắm sãi không ai đóng cửa chùa” trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng này vẫn đúng khi Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội X của Đảng đã đề cập việc “khuyến khích tư nhân mua cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước, tham gia đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh quan trọng của nền kinh tế. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân lớn bán cổ phần cho người lao động” (37), đó chẳng phải là khuyến khích nhà đầu tư và người lao động phát huy năng lực làm chủ tập thể, cụ thể là quản lý tốt hơn nguồn vốn Nhà nước đầu tư và “xã hội hoá” các nguồn đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay sao?

*Thay lời kết: Mối quan hệ biện chứng giữa “lao động”, “tình thương” và “lẽ phải”

Trên đây, chúng ta đã thực hiện phép trừu xuất trong tư duy từng khái niệm “lao động”, “tình thương”“lẽ phải” để nắm bắt chứ thực ra, ba khái niệm này gắn bó hữu cơ, biện chứng, không thể tách rời được trong tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn. Theo đồng chí, chỉ có thông qua lao động mới xây dựng được tình thương cao đẹp, rộng lớn của con người:

“Chỉ bằng lao động và thông qua lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội mới từng bước xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, làm nảy nở tình thương rộng lớn, một phẩm chất cao đẹp vốn có của con người Việt Nam. Thương nước-thương nhà, thương người-thương mình là tình cảm lớn làm nên vẻ đẹp của con người, lối sống và nền văn hoá Việt Nam. Tình thương lớn ấy cần phải được bồi dưỡng và nâng lên trong các mối quan hệ của chế độ làm chủ tập thể” (38).

Lao động tạo ra con người và tình thương, con người tạo ra văn hoá, văn hoá lại làm nảy nở tình thương, lô gíc đó cho thấy lao động đã nhân tình thương lên bội lần: “Văn hoá là biểu hiện sự gắn bó giữa người và người, làm cho con người hiểu kỹ con người, làm nảy nở những tình cảm tốt đẹp của con người trong lao động cải tạo thiên nhiên, cải tạo xã hội” (39). Có lao động, có tình thương, ắt có lẽ phải: “Con người mới yêu lao động, giàu tình thương là con người biết trọng lẽ phải, nhận thức được chân lý. Để làm chủ tiến trình xây dựng xã hội mới, người lao động không những phải thiết tha gắn bó với sự nghiệp đó, mà còn phải hiểu biết quy luật phát triển của nó. Chỉ bằng nhiệt tình, không thể đưa nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” (40).

Tình cảm phải được lẽ phải, được chân lý dẫn dắt. Lòng nhiệt tình phải cộng với sự hiểu biết mới đưa lại hiệu quả cao trong hoạt động cách mạng, trong lao động sáng tạo. Nhưng chính “tình thương” tạo tiền đề để nắm bắt “lẽ phải”, và “lẽ phải” làm tăng lên sức mạnh của “tình thương”. Mối quan hệ tác động gắn kết đó giữa “tình thương” và “lẽ phải” được đồng chí Lê Duẩn nêu rõ: “Tình cảm giai cấp giúp chúng ta nắm lấy tri thức cách mạng, ngược lại tri thức cách mạng giúp chúng ta củng cố thêm tình cảm giai cấp” (41).

Một xã hội phát triển cả ba mặt “lao động” (tức là sức mạnh kinh tế), “tình thương” (tức là sức mạnh văn hoá) và “lẽ phải” (tức là sức mạnh con người) là một xã hội phát triển hài hoà, cân đối, toàn diện và bền vững, tạo nên sức mạnh tổng hợp như đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Sức mạnh kinh tế không thể tách rời sức mạnh văn hoá, sức mạnh con người, và sức mạnh của văn hoá, của con người phải được hiện thực hoá trong sức mạnh kinh tế” (42). Sau nhiều năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu về đổi mới và phát triển kinh tế, nhưng như Hội nghị lần thứ mười Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX (năm 2004) đã đánh giá, việc xây dựng và phát triển văn hoá chưa theo kịp nhịp độ phát triển kinh tế, có một số mặt sa sút, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và nếp sống.

Do đó, Hội nghị lần này đã kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có nêu giải pháp tạo sức mạnh tổng hợp để phát triển văn hoá. Đại hội X của Đảng chỉ rõ phải thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Đó là những bước tiến mới trong tư tưởng phát triển toàn diện và bền vững đất nước, tạo ra sức mạnh tổng hợp kinh tế-văn hoá-con người, sức mạnh của chân lý “Lao động, tình thương và lẽ phải” mà Tổng Bí thư Lê Duẩn hằng nêu. Chân lý đó bắt rễ rất sâu từ trong mạch nguồn truyền thống và văn hoá của dân tộc, là chân lý độc lập, tự chủ và sáng tạo, chân lý đó chính là minh triết Lê Duẩn, minh triết Việt Nam.

 

Nguyễn Hoàn 2007

...............................................................

(1) Lê Duẩn, Nội dung cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, NXB Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 564.

(2) Lê Duẩn, Sđd, tr. 561.

(3) Lê Duẩn, Sđd, tr. 142.

(4) Lê Duẩn, Sđd, tr. 435.

(5) Lê Duẩn, Sđd, tr. 73.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 91.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 93.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr. 87, 88.

(9) Lê Duẩn, Sđd, tr. 460.

(10) Lê Duẩn, Sđd, tr. 549.

(11) Phan Diễn, Đồng chí Trường Chinh với công cuộc đổi mới đất nước, Tạp chí Cộng sản số 123, năm 2007.

(12) Lê Duẩn, Sđd, tr. 192.

(13) Lê Duẩn, Sđd, tr. 193, 194.

(14), (15) Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 121.

(16) Lê Duẩn, Sđd, tr. 523.

(17) Lê Duẩn, Sđd, tr. 153, 154.

(18) Lê Duẩn, Sđd, tr. 450.

(19) Lê Duẩn, Sđd, tr. 456.

(20) Lê Duẩn, Sđd, tr. 331.

(21) Lê Duẩn, Sđd, tr. 233.

(22) Lê Duẩn-Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 572.

(23) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 554.

(24), (25) Lê Duẩn, Nội dung cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Sđd, tr. 51.

(26) Lê Duẩn, Sđd, tr. 561.

(27) Lê Duẩn-Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, Sđd, tr. 853.

(28) Lê Duẩn-Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, Sđd, tr. 886.

(29) Lê nin, Tổ chức Đảng và sách báo Đảng, NXB Sự thật, Hà Nội, 1978, tr. 15.

(30) Lê nin, Sđd, tr. 14.

(31) Lê Duẩn, Nội dung cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Sđd, tr. 585.

(32) Lê Duẩn, Sđd, tr. 415.

(33) Robert S.Mc Namara, Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 317.

(34), (35) Lê Duẩn, Sđd, tr. 429.

(36) Lê Duẩn, Sđd, tr. 432.

(37) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr. 237.

(38) Lê Duẩn, Sđd, tr. 562, 563.

(39) Lê Duẩn, Sđd, tr. 561.

(40) Lê Duẩn, Sđd, tr. 563.

(41) Lê Duẩn, Sđd, tr. 52.

(42) Lê Duẩn, Sđd, tr. 561.