NHÀ SƯ “THỊ KÍNH”

http://phatgiaodaichung.com/Bai2009/003nhasuthikinh.htm 

VŨ THANH BÌNH - QUỐC VIỆT

29 tháng 11, 2009

Nhà sư trẻ nựng nịu hôn lên má “con” trước bao cặp mắt gièm pha. Có người xỉ vả “sư hổ mang” tằng tịu trai gái mà còn trơ mặt đem con về chùa. Nhiều người đã muốn đuổi sư ra khỏi chùa. Nhưng sư vẫn lặng lẽ chịu khổ nhục cưu mang “con”... Đó là một câu chuyện có thật chứ không phải sự tích “Quan Âm Thị Kính”.

Thầy Thích Chiếu Pháp với bé Tiến.

Câu chuyện của họ đích thực là “chuyện cổ tích” ở thế kỷ 21 - Ảnh: Thuận Thắng

Một đêm tháng 1-2008. Trời se sắt lạnh. Chùa Thanh Tâm (xã Tân Tiến, Đồng Phú, Bình Phước) đang trầm mặc lời kinh tụng thì bất ngờ bị ngắt ngang bởi tiếng khóc oe oe của trẻ thơ. Sư thầy Phạm Minh Tâm (pháp danh Thích Chiếu Pháp) cùng mấy chú tiểu vội vã chạy ra và bất ngờ nhìn thấy một bé trai sơ sinh nằm trên cái nia bên hiên nhà thuốc nam của chùa. Vừa được thầy Tâm bế vào lòng, bé liền ngừng khóc. Lúc đó hơn 21g, trời tối đen như mực. Không ai hay biết chuyện xảy ra trước cổng chùa.

Tiếng khóc trước cổng chùa

Bế bé vào phòng mình, thầy lặng nghĩ không biết mình và bé có nhân quả, duyên nợ gì từ kiếp trước. Càng nghĩ thầy càng thương và nhủ lòng sẽ cưu mang bé với hy vọng ngày nào đó cha mẹ quay lại tìm con. Suốt cả đêm thầy không ngủ được. Thầy sợ bé lạnh, bé đói vì thiếu hơi ấm và sữa mẹ nên chốc chốc lại đun nước pha sữa cho bé bú...

Sáng hôm sau thầy Tâm mời các cán bộ xã Tân Tiến đến báo cáo sự việc. Rồi thầy cho người đi mua tã lót, sữa, phấn... cho bé, đồng thời gửi ngay tin lên báo đài Bình Phước xem có ai nhận con không. Nhìn rốn bé, cán bộ y tế xã cho biết bé mới 3-4 ngày tuổi. Sau một tháng không tin tức gì, thầy Tâm làm khai sinh cho bé là Phạm Minh Tiến.

“Sư thầy thương yêu bé như con, chăm lo từng li từng tí” - cô Ngân, một phật tử ở huyện Phước Long, cho biết. Mỗi đêm thầy thức đến 4-5 lần cho bé uống sữa, quấn tã... Và bé Tiến dần lớn lên khỏe mạnh, kháu khỉnh. Ở chùa nhưng bé không ăn chay. Thầy Tâm nhờ người mua thịt cá về làm thêm thức ăn cho bé, vì sợ bé suy dinh dưỡng trong giai đoạn đang lớn nhanh.

Nhưng lúc này lời gièm pha cũng rộ lên. “Tại sao trong chùa lại có đứa bé được thầy Tâm nựng nịu suốt ngày? Chùa mà lại mua thịt cá? Chắc nhà sư mới 37 tuổi này đi hoang ở đâu rồi bày chuyện để nuôi con?...”. Ngôi chùa cô tịch, nằm sâu hút trong vườn điều giờ không còn yên tĩnh với những đồn đại đáng sợ. Họ nói xấu thầy ngoài đường, ngoài chợ, thậm chí cả ở một số chùa khác. Nhiều tín đồ thường xuyên cúng Phật ở chùa Thanh Tâm đã quay lưng với chùa.

Trong lúc đó có một cô gái xinh đẹp từ Phước Long cứ đi lại chùa để được gần gũi bé. Thế là những nghi ngờ “sư hổ mang” càng nặng nề hơn. Nó lan ra các huyện ở Bình Phước, thậm chí đến tận các địa phương xa xôi. Bao tâm nguyện, nỗ lực xây dựng chùa của thầy Tâm bỗng chốc như khói hương. Nhưng thầy vẫn lặng lẽ không giải thích, không kêu oan và ngày càng yêu thương bé Tiến hơn!

Nụ cười hạnh phúc của thầy Thích Chiếu Pháp với cậu bé Tiến

hôm bé theo cha mẹ về thăm chùa - Ảnh: Thuận Thắng

Vượt qua oan khổ

Chuyện bùng nổ vào giữa năm 2009. Bà Ngô Tuyết Sương, cán bộ xã Tân Tiến, kể: “Lúc này đơn thưa đã lên các cơ quan chức năng của huyện, các ban ngành cấp tỉnh. Họ làm rùm beng đến mức phải lập đoàn công tác xác minh”. Cả công an cũng về chùa làm việc. “Tôi nghĩ mình không làm gì sai nên lòng vẫn thanh thản - thầy Tâm nói - Nhưng đến mức này chuyện quá căng thẳng có thể ảnh hưởng đến uy tín chung của giới tu hành. Tôi phải cam kết nếu đi thử DNA mà phát hiện điều gì thì tôi mất hết danh dự, không còn xứng đáng là nhà tu nữa”.

Đoàn cán bộ công tác họp dân để làm sáng tỏ và có văn bản trả lời người đi thưa rằng họ không có căn cứ. Nhưng chuyện vẫn chưa yên. Có lần trước mặt một nhà sư trên tỉnh về họp dân, vài người vẫn chỉ vào thầy Tâm mà nguyền rủa, phỉ nhổ. Thậm chí ngay trong chùa, ba đồng môn cũng đã bỏ ra đi vì nghi ngờ...

Bất chấp nỗi oan khổ, thầy Tâm vẫn hết lòng nuôi nấng bé Tiến.

 

Nước mắt hối lỗi

Cha mẹ bé Tiến quen nhau từ lúc còn là học sinh và hiện là sinh viên năm 3. Lúc sinh bé vào năm thứ nhất đại học, họ âm thầm bán điện thoại di động để trả viện phí. Người mẹ bị băng huyết phải cấp cứu nhưng vẫn không dám báo gia đình. Người cha đi xe máy chở bé từ Sài Gòn về Bình Phước đặt trước cổng chùa, rồi núp nhìn cho đến lúc thấy thầy bế bé vào. Khi nhận lại con, cả hai đã bật khóc hối lỗi trước con và thầy Tâm.

 

Nụ cười hạnh phúc của thầy Thích Chiếu Pháp với cậu bé Tiến

hôm bé theo cha mẹ về thăm chùa - Ảnh: Thuận Thắng

Nước mắt nhà sư

Đến tháng 9-2009, một người biết chuyện cha mẹ bé Tiến vì hoàn cảnh mà gửi con mình lên chùa nên đã báo ông bà nội bé. Ông bà đến chùa ngay và sững sờ: “Lúc đó tôi bị sốc - bà nội bé cho biết - vì mới nhìn thấy lưng bé tôi biết ngay là cháu mình. Nó giống con trai tôi như đúc”. Gia đình hồi hộp, cảm động. Còn thầy Tâm cũng rất xúc động khi trả bé: “Chỉ nhìn cách họ âu yếm bé, tôi linh cảm cháu đã tìm được đúng cha mẹ, ông bà!”. Đến giờ thầy Tâm vẫn rơm rớm nước mắt kể rằng thầy vừa vui vừa buồn lúc trả bé. Thầy vui khi bé đã được người ruột thịt yêu thương. Nhưng thầy cũng buồn vì thầy và bé đã quấn quýt bên nhau như cha con gần hai năm.

Ngày bé Tiến về gia đình được tổ chức đúng vào lễ Vu Lan Báo Hiếu năm nay. Bà Lan, người dân ở xã, cho biết: “Trời Phật ơi, đời tôi chưa bao giờ được chứng kiến lễ Vu Lan cảm động như thế!”. Hơn 1.000 người tới ngôi chùa nhỏ chứng kiến. Ông nội bé Tiến nói lời biết ơn chân thành với nhà sư Minh Tâm, nhất là nỗi oan thầy phải gánh. Chỉ thế thôi mà gây xúc động bao người. Lễ Vu Lan cũng là lễ giải oan cho Thầy. Nhiều người ngày trước nói xấu thầy giờ đã bật khóc!

Rồi cũng chính thầy hết lòng giúp làm đám cưới cho cha mẹ bé. Đó là điều kiện thầy buộc họ phải thực hiện khi nhận con. Thầy lo về sau họ không ở với nhau thì bé sẽ khổ.

Giờ đây căn phòng đơn sơ ở chùa chỉ còn lại mấy chiếc gối nhỏ và những vỏ hộp sữa nuôi trẻ xếp bên tường. Nhà sư trẻ bùi ngùi: “Nhớ những đêm trong phòng chỉ có thầy trò với nhau, bé cứ bò qua lại trên người tôi nói bi bô. Khi bé biết đi, thấy tôi đi đâu về cũng chạy ra ôm và kêu to sư phụ, sư phụ”. Giờ đây căn phòng chỉ còn lại mình thầy.

Tâm sự đời mình thầy Tâm rất kiệm lời. Thầy chỉ kể quê nghèo của mình ở Vĩnh Long và từng là sinh viên Đại Học Ngân Hàng, nhưng đến năm tư thì thôi học để xuất gia. Thầy trụ trì chùa Thanh Tâm được mười năm...

...và nỗi nhớ của Thầy Chiếu Pháp khi còn đó những chiếc gối,

những vỏ hộp sữa ngày nào của bé Tiến - Ảnh: Thuận Thắng

 

Buổi chiều, nắng vàng hoang hoải sân chùa. Thầy xin đón bé Tiến từ nhà ông bà nội về chơi cho đỡ nhớ. Thầy nựng nịu, cõng bé chạy loanh quanh dưới hàng tượng Phật. Bé bi bô, nghịch ngợm đầu thầy. Tiếng cười hồn nhiên vang vọng sân chùa. Nhìn hai chiếc bóng quấn quýt bên nhau mà càng hiểu lòng thầy: “Mỗi người chúng ta đều có thể mang nhân quả, liên kết với nhau từ bao kiếp trước. Hãy lấy tình yêu thương mà bước qua sự khổ đau, oán hận...”.

Cha mẹ bé Tiến chụp hình lưu niệm với thầy Thích Chiếu Pháp
trong ngày vui nhận con

   Cảm tưởng của độc giả tính đến ngày 29 Nov 2009

 

Khi Yêu Thương Không Còn Khoảng Cách

Linh Thuần

 

Việc một nhà Sư nuôi trẻ mồ côi thiết tưởng là chuyện thường vì đó là sứ mạng độ sinh cao cả theo tinh thần lợi tha của nhà Phật, thế nhưng điều mà người viết muốn nói đến ở đây là thái độ, văn hóa hành xử thắm đượm tình người của ĐĐ. Thích Chiếu Pháp. Kể từ khi “nhặt” được cháu bé trước cửa chùa cho đến lúc “giải” được nỗi oan là cả một hành trình đầy nghiệt ngã, thử thách mà không phải bất cứ ai cũng đủ tâm thế, bản lĩnh và thái độ ứng xử văn hóa như Thầy. Biết bao lời ong, tiếng ve, sự phản đối từ phía Phật tử, tín đồ, áp lực từ phía chính quyền, công an... Vậy mà Thầy không hề có thái độ hằn thù, trả đũa hay có bất kỳ phản ứng tiêu cực nào. Với tinh thần kham nhẫn “thiện giả bất biện, biện giả bất thiện” - mình làm điều tốt, điều quý thì không cần phải giải thích biện bạch, còn đã phải cần đến biện bạch, giải thích thì điều đó tất không phải điều tốt, điều quý. Thầy chỉ một mực chịu đựng búa, rìu dư luận, chăm sóc cho bé Tiến bằng tất cả tấm lòng của một người cha, một người đệ tử Phật chân chính vì hạnh nguyện độ sinh.

Một người phụ nữ nuôi con đơn thân đã là một điều khó khăn, khổ sở vô cùng đằng này Thầy lại là một người không có thiên chức làm mẹ, một ông Thầy ở chùa, ấy vậy mà Thầy vẫn vượt lên, buông bỏ mọi tưởng niệm điên đảo, cách nhìn nhận, cách suy nghĩ, quan niệm hẹp hòi, thiển cận của trí óc phàm trần để che chở bao bọc cho bé Tiến có giấy khai sinh, có được những nhóm quyền cơ bản nhất của trẻ em: Quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, được phát triển ...

Giờ đây bé Tiến đã về lại mái ấm gia đình, nơi có hai đấng sinh thành là cha và mẹ, ông, bà, nội, ngoại và những người thân yêu của bé, mai này lớn lên bé sẽ được thực hiện nốt quyền còn lại là quyền được tham gia hòa nhập cùng xã hội.  

Người viết tự đặt giả định nếu như cha của bé Tiến không để bé ở trước cổng chùa mà đành đoạn để bé trong những thùng rác vệ sinh công cộng – cách thường làm của những anh chàng, cô nàng sau khi đã trót vụng dại lỡ lầm, thì liệu bé Tiến ngày hôm nay đâu còn có cơ hội để thực hiện đủ đầy các quyền cơ bản nhất của trẻ em, của một con người?

Tôi hoàn toàn thông cảm cho hoàn cảnh của cha, mẹ bé Tiến vì tôi biết cả hai chưa có đủ kiến thức, kỹ năng để yêu và hiểu thế nào là một tình yêu theo đúng nghĩa đích thực cũng như trách nhiệm của mình trước tình yêu đó. Tôi cũng biết cả hai chưa hề phác thảo kế hoạch, dự định gì cho tương lai khi xuất hiện một sinh thể mới, và tôi cũng biết khi để bé Tiến trước cổng chùa hẳn cha bé Tiến cũng hy vọng và gửi gắm cơ hội tốt đẹp cho bé Tiến sau này. Phải chăng đoán định được những ý nghĩ sâu thẳm ấy mà thầy Chiếu Pháp đã toàn tâm, toàn ý chăm sóc, bảo vệ bé Tiến bằng tất cả cái tâm của một người đệ tử Phật bởi Thầy đã thấu đạt hai chữ “nhân duyên”? Thầy có quyền trao gửi bé Tiến cho các trung tâm nuôi trẻ mồ côi. Thầy cũng có thể nhờ người thân của mình chăm sóc, hoặc cho bé Tiến làm con nuôi những cặp vợ chồng hiếm muộn, v.v. Không thiếu gì cách để Thầy trút được “món nợ” tai bay vạ gởi kia một cách đầy thiện chí. Thế nhưng, Thầy vẫn gánh lấy “trách nhiệm”, chăm sóc, bảo vệ bé Tiến - một trách nhiệm nặng nề không thuộc phần Thầy. Nói đến hai chữ trách nhiệm mà Thầy tự nguyện gánh lấy những con chữ trên bàn phím của người viết dường như bất lực. Khi con người ta đang say sưa lặn ngụp trong sự thành đạt, danh thơm, tiếng tốt, hai chữ trách nhiệm thiết nghĩ ai cũng... thuộc lòng. Nhưng khi bất như ý, nghịch cảnh trêu ngươi, đụng chạm đến quyền lợi thì biết bao người đun đẩy thoái thác trách nhiệm. Chính vì vậy mà khi thuyết giảng giáo lý cho hàng đồ chúng Đức Phật đã mặc nhiên xác định trách nhiệm cá nhân cho mỗi con người thông qua giới bất vọng ngữ - không nói dối; nghĩa là chúng ta nói như thế nào chúng ta phải chịu trách nhiệm bởi chính lời nói mà chúng ta đã phát ngôn. Còn nếu chúng ta nói, chúng ta làm  mà chúng ta không dám nhận thì đó là vọng ngữ, là không chân thật. Lại nói về Thầy Chiếu Pháp, sở dĩ Thầy vững tâm nhận lấy trách nhiệm chăm sóc bé Tiến dù gặp phải biết bao nghịch cảnh, chướng duyên, dù danh dự, uy tín của Thầy có lúc tưởng như sắp tiêu điều vì Thầy đã mặc nhiên xác định trách nhiệm của người đệ tử Phật chân chính là phải cứu người:

Dù xây chín bực phù đồ

Không bằng cứu độ được cho một người

Và hôm nay, nói theo tư tưởng kinh Pháp Hoa thì cái nhân, cái duyên nó như vậy thì cái quả nó tất phải như vậy, trải qua bao thị phi sai lệch, bao não phiền chìm nổi của cõi người ta “tác giả” là cha, mẹ bé Tiến cũng đã thừa can đảm để nhận lấy phần trách nhiệm rằng “sản phẩm” bé Tiến do chính họ đã tạo tác, mọi nỗi oan trái của Thầy đã được rửa sạch trước bàn dân thiên hạ bằng một lễ hội Vu Lan ý nghĩa và một đám cưới đong đầy hạnh phúc mà Thầy làm chủ hôn cho cha, mẹ bé Tiến.

Ngay trong ngày lễ ấy những người ngày trước hô hào đòi tẩy chay Thầy bao nhiêu thì giờ đây đã bật khóc và cảm phục, ngưỡng mộ đức hạnh của Thầy bấy nhiêu. Thế mới biết, xã hội chỉ tôn trọng những phẩm chất nào được chứng minh bằng việc làm, ai không thể chứng minh điều đó thì không thể được biết đến và tôn trọng.

Thầy Chiếu Pháp đã chứng minh được phẩm chất cao đẹp, lý tưởng trong sáng  của người đệ tử Phật trước thử thách nghiệt ngã của nghịch cảnh, chướng duyên được toàn thể Phật tử, tín đồ biết đến và tôn trọng đã đành mà nó còn giúp cho chúng ta suy nghĩ về hai chữ trách nhiệm đối với chính bản thân mình khi mình đã làm, đã nói. 

Linh Thuần (theo Giác Ngộ Online)

 


Nhân đọc bài viết: Nhà Sư “Thị Kính”

MẶC GIANG

Chúng tôi xin cảm ơn Thầy Thích Chiếu Pháp, tuổi chưa tới 40, đi tu chừng 10 năm, nhưng đã thực hiện được một việc phi thường, chưa chắc mấy ai đã làm được. Ngày xưa, Kỉnh Tâm là con gái nên nuôi & chìu chuộng trẻ thơ dễ dàng hơn, ngược lại, Thầy mà làm được, quả thật đáng khâm phục.

Chỉ có tình thương mới vượt qua tất cả!

Chỉ có hỷ xả mới buông bỏ được tất cả!

Chỉ có nhẫn nhục mới tiêu trừ được tất cả!

Tôi tạm viết vài lời, và kính chuyển câu chuyện đi một số diễn đàn, các trang mạng, các cơ quan truyền thông khắp nơi nữa.

Cũng đã chuyển đi cho một số Giáo sư, Giáo viên đại và trung học mà họ xem tôi như Thầy, tôi gợi ý rằng, chuyện này nên kể cho sinh viên, học sinh nghe ngoài chương trình, để được lưu truyền rộng rãi trong học đường, và từ các em, đi vào gia đình, đi vào nhân gian.

Cũng đã chuyển cho một số vị Giáo thọ quen biết, khuyến khích các vị ấy nên kể cho Tăng Ni sinh nghe, để học, để biết cách hành xử và phụng sự.

Cũng đã gợi ý với vài Nhạc sĩ Tân & Cổ nhạc, từ câu chuyện này, hãy sáng tác ít ra được một vài nhạc phẩm hay, nhằm cống hiến cho Đạo, cho đời. Đã nhận được sự trả lời của họ, là họ sẽ làm trong nay mai, nhưng yêu cầu tôi viết một hai bài cho họ để họ tuỳ nghi nếu thích hợp. Kiểu này… lại khổ thân cho tôi nữa rồi!

Và sau khi làm xong một ít công việc trên, liền cảm tác ngay 2 bài:

“Quán Âm Thị Kính” Việt Nam 1 và “Quán Âm Thị Kính” Việt Nam 2:

 


Quán Âm Thị Kính Việt Nam 1

 

Đêm khuya lạnh giữa núi rừng Bình Phước

Tiếng con ai sao khóc trước cổng chùa

Già Lam nghèo xuyên vách lá đong đưa

Tiếng trẻ khóc từng hồi khua thét gió

Thầy Chiếu Pháp cầm đèn dầu nho nhỏ

Cùng vài Chú Điệu, cất bước ra soi

Không bóng dáng ai, sao lạ hỡ trời

Chỉ thấy em bé, trùm khăn khóc ré

Hình như mới sinh, em còn nhỏ quá

Hai mắt nhắm nghiền, da thịt đỏ au

Sao lạ thế nầy, cha mẹ em đâu

Không lẽ ở dưới đất chui lên, hay trên trời rớt xuống

Rừng núi hoang vu, chùa quê thanh vắng

Nợ phong trần sao lại nặng duyên vương

Em bé ơi, ôi giấc mộng nghê thường

Thầy đành phải cưu mang ru giấc điệp

Đêm đầu tiên Thầy không sao ngủ được

Tiếng trẻ thơ khát sữa khóc oa oa

Đun nước sôi, pha sữa hộp, chứ biết sao bây giờ

Bàn tay Thầy sần sùi không đủ ấm

Ru bé ngủ, cất tiếng à ơ vịt rống

Nghe sao mà trầm bỗng giống tiếng tụng kinh

Em bé nghe, hình như không phải tiếng của mẹ, giật mình

Thầy chẳng biết bế bồng ra sao, nhìn em mà ứa nước mắt

Bản thân Thầy mở ra một khúc ngoặc

Khúc ngoặc hai năm, trải qua biết mấy khúc ngoèo

Ngoèo như núi rừng, hoang vắng cheo leo

Ngoặt như đồi dốc, Thầy âm thầm gánh chịu

Rừng khuya hỡi, có nghe không tiếng núi

Trăng sao ơi, le lói chi khung trời

Lòng dạ Thầy heo hút đỉnh chơi vơi

Là đàn ông, mà phải thành Thị Kính

Nhân gian có câu:

Người tính không bằng trời tính

Thị Kính xưa có pháp danh Kỉnh Tâm

Tên của Thầy lại là tên Minh Tâm

Hiệu của Thầy lại còn mang Chiếu Pháp

Quê ở Vĩnh Long, tìm lên Bình Phước

Xây dựng chùa, đặt danh hiệu Thanh Tâm

Núi rừng khuya, vằng vặc ánh trăng rằm

Sáng và tròn đầy hơn trăng mười sáu

Nhớ chuyện xưa, có Quán Âm Thị Kính

Thì chuyện nay, cũng có Thị Kính Quán Âm

Không phải chuyện của người, mà là chuyện của Việt Nam

Ta ca hát đi khắp cùng nhân thế…

 

Viết ngay, khi đã gởi Câu chuyện này đi cùng khắp,

và không đầy một tiếng đồng hồ sau, đã có bài này.

7 giờ tối Thứ Hai ngày 23-11-2009

TNT Mặc Giang

 


Quán Âm Thị Kính Việt Nam 2

 

Thầy Chiếu Pháp sớm hồi đầu, quy y cửa Phật

Mộng thư sinh, xin trả lại sân trường

Ba năm đại học, bụi phấn không vương

Khoác áo nâu sồng, tương chao dưa muối

Tỉnh Vĩnh Long của miền Nam bạt ngàn ruộng lúa

Sợ chim ngàn lỡ gãy cánh sa chân

Nên Thầy tìm lên tận gió núi mưa rừng

Đèo heo hút giữa hoang vu Bình Phưóc

Trên dưới mười năm, bần hàn đạm bạc

Kiến tạo ngôi chùa, tên tự Thanh Tâm

Thầy trò trong lành, như tiếng chuông ngân

Nhưng bỗng một hôm, đất bằng dậy sóng

Vào giữa đêm khuya, núi rừng hoang vắng

Có tiếng khóc gào, như tiếng bé thơ

Tiếng khóc ngoài cổng, theo gió bay vô

Xuyên kẽ lá vách chùa che sao nổi

Thầy Trò thắp đèn, lần mò ra cổng

Tiếng khóc trẻ thơ càng rõ ràng hơn

Con của nhà ai, khóc giữa đêm hôm

Cha mẹ em đâu, mà em nằm ngo ngoe đỏ hỏn

Thầy Trò cùng kêu, mà chẳng nghe ai lên tiếng

Duyên nghiệp thế này, biết đành đoạn sao cam

Thầy không nói không rằng, đưa hai tay bồng em lên

Đem vào phòng, châm thêm dầu, thức trắng

Cứ một hai tiếng, em cục cựa, khóc rống

Thầy lại đun nước sôi, pha thêm sữa cho em

Em oe oe, rồi nhắm mắt ngủ yên

Thầy ngồi đó, tâm can như lửa cháy

Ngày lại ngày qua, cha mẹ em đâu không có thấy

Tháng lần năm lựa, bão bùng sóng gió thị phi

Nghiệp cảnh nghiệp duyên, tột đỉnh tư nghì

Ập phủ lên Thầy, như Núi Bà Đen, cuối Trường Sơn hùng vĩ

Rồi Tỉnh, rồi Huyện, mọi Ban Ngành, đem ra cân ký

Rồi dân, rồi quân, ai cũng mổ xẻ tường tận li ti

Ngậm miệng cũng mắc quai, đừng nói há miệng, biết nói năng gì

Thầy cam phận, cam lòng, mang thân Thị Kính

Thị Kính xưa, vẫn diễm phúc hơn Thầy, nhờ giới tính

Còn Thầy thì, mang cái kiếp đàn ông

Khổ gì hơn, bằng cảnh gà trống nuôi con

Hai vai rộng, nhiều khi thua đôi cánh nhỏ

Chỉ bú, mớm, dỗ dành, hát ru, thay tã

Mà khó lòng hơn vượt núi băng đèo

Năm ba tháng đầu, ghềnh đá đẳng đeo

Đành chấp nhận như ba hồi kinh dị

Ngày tháng dần qua, em dần hơi lớn

Khi em biết đi, Thầy sung sướng quá đi thôi

Khi em biết nói những tiếng bập bẹ đầu đời

Thầy diễm phúc như đường tu chứng ngộ

Bởi thuyền khổ ải đã vượt qua biển khổ

Bởi bây giờ, em cười, em khóc, còn biết tại sao

Chứ trước đây, dù Thầy biết Bắc Đẩu, Nam Tào

Nhưng em bé khóc cười, Thầy không sao hiểu nổi

Gần hai năm sau, cha mẹ của em, lương tâm mòn mỏi

Không có nỗi đau nào, bằng nỗi đau cắn rứt lương tâm

Nên cha mẹ của em, chân thành sám hối ăn năn

Xin nhận lại đứa con thơ, khúc ruột núm nhau, ôi là da là thịt

Thầy từ mẫn nhưng nghe lòng xa xót

Công sinh công dưỡng cũng lắm tơ vương

Nhưng Thầy chỉ mang tạm một đoạn trường

Cuộc đày ải trả cho người nhân thế

Câu chuyện thời xưa, có Quán Âm Thị Kính

Câu chuyện thời nay, có Thị Kính Quán Âm

Trời xanh xanh, mà cây lá cũng xanh xanh

Trăng sáng tỏ trăng rằm, trăng thanh trăng mười sáu

Tôi xin hát bản trường ca hợp tấu

Chuyện Quán Âm Thị Kính của Việt Nam

Truyền cho nhau và đi khắp nhân gian

Việt Nam ta, cũng có những con người siêu xuất.

 

11 giờ đêm Thứ Hai, ngày 23-11-2009

Dành thêm một tiếng hồ và có thêm một bài nữa.

TNT Mặc Giang

 


Chia sẻ của bạn đọc:

 

* Thầy Pháp Chiếu kính mến, gần 10 năm rồi con chưa gặp lại Thầy vì con vẫn còn đi học rất xa. Con rất cảm động khi đọc được câu chuyện viết về Thầy trên báo Tuổi Trẻ Online, thật chẳng khác gì giai thoại thiền "Thế à?" của Ngài Bạch Ẩn (*) cách đây 300 năm, có điều chuyện của Thầy gần gũi hơn, thật hơn, cảm động hơn.

Con rất thấu hiểu và kính ngưỡng những cảm xúc vui buồn rất thật, thấm đượm tình người của Thầy, nhưng trong thâm tâm con vẫn mong muốn Thầy phải vượt lên trên những cảm xúc thường tình đó để xứng đáng là vị Thầy xuất thế tục gia của tất cả trời và người.

Em bé đến rồi đi, thị phi khen chê cũng đến rồi đi, những hộp sữa, cái gối, và sự nhớ nhung về em bé còn lại Thầy cũng hãy để chúng đến rồi đi như chính con người mình và vạn vật trong thế giới này. Mong rằng cái "không đến không đi" mà khi xưa Thầy có tâm sự với con là đã tự mình nhận ra từ thuở nào vẫn mãi chiếu sáng như tên thật và pháp danh của Thầy. (triminhvn@...)

 

(*) Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin Ekaku, 1686-1769), nổi tiếng với công án "Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?", là một thiền sư ngộ đạo có công chấn hưng dòng thiền Lâm Tế Nhật Bản. Ông được mọi người tán tụng là một bậc tài đức vẹn toàn. Cạnh thiền thất của Sư có một cô gái xinh đẹp mà bố mẹ là chủ một cửa hàng thực phẩm.

Bỗng dưng một hôm bố mẹ cô khám phá ra rằng cô đang mang bầu. Cô không chịu khai ai là tác giả của cái bào thai, nhưng sau bao lần cật vấn cô bảo là cha đứa bé chính là Bạch Ẩn. Cha mẹ cô điên tiết lên đến đối chất với Bạch Ẩn. Ngài chỉ nói: "Thế à?". Ngay khi đứa bé vừa chào đời, nó được giao cho Bạch Ẩn, lúc bấy giờ danh dự của ngài đã bị tổn thương nghiêm trọng, nhưng ngài vẫn thản nhiên.

Ngài tận tình chăm sóc đứa bé và thường đi sang hàng xóm để xin sữa và các thức cần thiết khác để nuôi trẻ sơ sinh. Một năm sau, cô gái xinh đẹp kia không chịu đựng được lương tâm cắn rứt, bèn thú nhận với bố mẹ rằng người cha thật sự của đứa bé là anh hàng cá trẻ tuổi. Bố mẹ cô gái vội vã đến tạ lỗi với thiền sư, mong ngài thứ tội và xin nhận lại đứa bé. Bạch Ẩn trao đứa bé lại và nói: "Thế à?"

 

* Nỗi oan của nhà sư may mắn được giải tỏa sớm. Từ chuyện Quan âm Thị Kính đến chuyện nhà sư Phạm Minh Tâm, xuất phát nỗi oan cũng từ dư luận, từ những người không biết rõ sự thật chỉ đoán mò và truyền miệng, đồn thổi để nỗi oan của người khác ngày càng khó gỡ. Cầu mong sao ai ai cũng nên nghiệm lấy mình, đừng vô tình gây nên nỗi oan khiên cho bất kỳ ai. Đừng bao giờ hùa theo lời đồn đại nếu bản thân mình không biết rõ, không có bằng chứng cụ thể. (Minh Xuân)

* Mấy đời oan trái mới hay tấm lòng! Thật là một câu chuyện cảm động, tôi đã khóc, khóc vì thương, khóc vì kính phục. Phải chăng xã hội cần phải có những tấm lòng như vậy. Cám ơn Tuổi Trẻ đã cho tôi đọc một bài viết hay như vậy! (amy…)

* Thật là một câu chuyện cảm động, giống như chuyện cổ tích của thế kỉ 21. Tôi thật khâm phục tấm lòng yêu thương con người của Thầy Phạm Minh Tâm. Thầy đã vượt qua bao thị phi của người đời và chịu đựng bao oan ức để nuôi dưỡng em Tiến lớn khôn. Tôi thực sự thấm thía một câu nói đại ý rằng "tình yêu mạnh hơn cái chết" và như một nhà thơ Việt Nam từng viết: "Còn gì đẹp trên đời hơn thế - Người với người sống để yêu nhau". Bởi lẽ, vượt lên trên tất cả, tình yêu thương con người vẫn là chuẩn mực vĩnh hằng của cái đẹp, của đạo đức và phẩm chất con người. (lemanhtung@...)

* Tôi mong rằng trên thế gian này có nhiều nhà tu hành như sư thầy Thích Chiếu Pháp để mang đến cho nhân loại niềm yêu thương đầy tính nhân văn ấy. Đây quả là một bài học về lòng vị tha của nhà Phật để ngẫm nghĩ và sám hối. Trong những lúc khó khăn nhất mới biết được đâu là vàng và đâu chỉ là đá. Tôi xin kính chúc sư thầy Thích Chiếu Pháp nhiều sức khỏe để phục vụ cho chúng sinh và mang tình yêu thương của nhà Phật đến với tất cả mọi người. (khanhtuyet@...)

* Bài viết về thầy Thích Chiếu Pháp của báo, tôi đã đọc đi, đọc lại nhiều lần. Xin bày tỏ lòng kính phục đối với Thầy. Thầy đã thể hiện lòng bác ái, từ bi của người tu hành một cách hết sức minh chứng và thuyết phục. Đây chính là bài học cho sự bao dung đậm tình người. Một lần nữa xin bày tỏ kính phục thầy Thích Chiếu Pháp. (thanhvinhvanthanh@...)

* Câu chuyện về thầy Chiếu Pháp rất cảm động. Đọc xong câu chuyện lòng tôi cảm thấy nghẹn ngào xúc động. Tôi cảm phục Thầy biết nhường nào. Hy vọng khi lớn lên bé Tiến sẽ được hạnh phúc trọn vẹn. Tôi rất cám ơn Báo đã đăng câu chuyện này. (huynhtam22@...)

* Những tưởng những chuyện như thế chỉ có trong truyện cổ tích. Cám ơn thầy Thích Chiếu Pháp với những vui buồn mà thầy trải qua đến ngày được rửa oan. Đó sẽ là tấm gương sáng về sự nhẫn nại, yêu thương. Câu chuyện của thầy sẽ mãi là câu chuyện cổ tích sống thời hiện đại. (ngoc_tram637@...)

* Khi đọc bài này tôi đã rơi nước mắt. Câu chuyện đầy tính nhân văn và cảm động quá. Cầu chúc cho thầy Tâm luôn mạnh khỏe, và ba mẹ cháu Tiến sẽ chăm lo cho bé thật tốt để không phụ lòng thầy Tâm. (Nguyễn Đức Cường)

* Em đọc bài và cảm thấy rất xúc động. Chịu nỗi oan vậy quả là không dễ dàng gì. Thầy Tâm quả là người tốt bụng và có sức chịu đựng vĩ đại. Em mong trên đời này còn nhiều nhiều tấm lòng như thầy nữa. Chúc thầy sức khỏe. (vucse2009@...)

* Đọc bài viết tôi rất cảm động, và đã khóc. Trên đời này vẫn còn rất nhiều người tốt như Thầy Thích Pháp Chiếu. Cám ơn Thầy đã cho tôi tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Xin chúc Thầy có nhiều sức khoẻ để làm được nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống này. (THANH HOA)

* Tôi đã đọc bài này mấy lần mà vẫn thấy xúc động. Sự từ bi, hy sinh, bao dung của thầy đã làm bao nhiêu người xúc động. Nhìn lại chúng ta thấy rằng thật nhiều lúc chúng ta đối xử với người khác còn hồ đồ và nhận xét (nói đúng hơn là phán xét) theo cảm tính, không rõ căn cứ. 

Thầy đã chấp nhận oan sai, khinh miệt hơn 2 năm và thiệt hại nhiều thứ. Thế nhưng có gieo nhân lành ắt gặt quả lành, hôm nay mọi việc đã sáng tỏ, nỗi xúc động, hân hoan khi đọc bài viết này xong. Tôi gọi Thầy là vị "Bồ Tát sống" vì không còn biết dùng từ gì hơn để gọi thầy cho đúng. (vutrungdo@...)

* Tận sâu trong thâm tâm tôi một lòng kính phục! Một nhân tài dám từ bỏ công danh theo đuổi chuyện tu hành, một chính nhân quân tử không màng sự gièm pha! Tạ ơn Trời Phật soi sáng chân lý! Chân thành cảm ơn Báo đã chứng minh rõ thêm rằng "cuộc sống luôn có chân lý của cái phải". (nuinguon31@...)

 


CẢM TÁC

Trầm Vân

 

Hỡi ơi miệng tiếng thế gian

Sao mà gieo ác võ vàng cho nhau

Đâu như ác độc Thị Màu

Nhà sư chân chính cũng đau xót lòng

Nuôi con hoang chẳng kể công

Kẻ chê người chửi sư không ra gì

Đồn đêm trắng sư tò ti

Với người yêu đã hẹn thề kiếp sau

Thiện tâm sư giữ thật sâu

Câu “Nam Mô…” vượt qua cầu trần gian

Kệ ai chửi sư hổ mang 

Bé ngoan sư vẫn đàng hòang dưỡng nuôi

Khi ai đó nhận con rồi

Mới hay sư ngậm một thời nỗi oan

Bao lời xin lỗi muộn màng

Nhưng còn khẩu nghiệp phải quàng gánh thôi

Những lời gieo ác cho người

Như roi quật lại vào đời mình đau…

 

Trầm Vân (vantram2@...)

 

 

Trang Tôn Giáo