CÔNG GIÁO CHÍNH SỬ

Trần Chung Ngọc

http://sachhiem.net//TCN/TCNtg/CGchinhsu/CGCS2.php

đăng ngày 21 tháng 10, 2007

Các bài trong tập này: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 

CHƯƠNG II

LỊCH SỬ THÀNH LẬP CA TÔ GIÁO RÔ MA:

TỪ HUYỀN THOẠI ĐẾN THỰC CHẤT

2.1. Đại Cương về Ca Tô Giáo Rô Ma (Công giáo).

...TRONG THỜI HIỆN ĐẠI, TÔN GIÁO CỦA NHIỀU NGƯỜI RẤT CÓ THỂ ĐƯỢC XẾP VÀO LOẠI "ĐẠO GiÊ-SU"

(GIÁM MỤC JAMES A. PIKE: IN MODERN TIMES THE RELIGION OF MANY COULD WELL BE CATEGORIZED AS "JESUSISM")

 

Đạo Giê-su là đạo của những người tin theo những lời tự nhận như sau của Giê-su: là "Con Thiên Chúa", là "Đấng Cứu Thế", là "Đấng Cứu Rỗi Linh Hồn những ai tin Giê-su", là "Đấng sẽ đày đọa xuống hỏa ngục vĩnh viễn những người nào không tin Giê-su", và tin rằng "đến ngày tận thế, Giê-su sẽ làm cho xác chết của tất cả mọi người từ trước tới nay sống lại, tập họp họ lại để cho Cha của ông phán xét, người nào tin Giê-su thì sẽ có được cuộc sống đời đời bên Giê-su, người nào không tin thì sẽ bị đày xuống hỏa ngục, bị ngọn lửa vĩnh hằng thiêu đốt". Đạo Giê-su nguyên thủy có tên là đạo Kitô (Christianity), có nguồn gốc xuất sinh từ đạo Do Thái. Giê-su là một người Do Thái. Vì không ai biết cha thực của Giê-su là ai, trừ bà mẹ là Mary, nhưng bà lại không nói ra, nên những người tin theo những lời tự nhận của Giê-su, sau khi ông ta bị đóng đinh trên thập giá cùng một lượt với 2 tên ăn trộm, và chết đã được vài chục năm, đã thần thánh hóa Giê-su trong cái gọi là Tân Ước và cho rằng ông ta là con của Thánh Ma (Holy Ghost), một thực thể phi vật chất. Về sau, Giáo hội Ca-tô dạy rằng, Giê-su thuộc dòng dõi vua David của Do Thái khi xưa, bố là Joseph, mẹ là Mary, nhưng Joseph lại không phải là cha của Giê-su, mà cha của Giê-su lại là Thánh Ma. Các tín đồ Ca-tô Việt Nam, từ trên xuống dưới, đều tin những lời "giáo hội dạy rằng" như trên đều đúng cả (Xin đọc trong cuốn Chứng Nhân Hi Vọng của Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, hoặc trong bài của Đức Ông Trần Văn Khả trong cuốn Trần Lục).

Trong mấy thế kỷ đầu, đạo Ki-tô gồm nhiều nhóm nhỏ và có nhiều niềm tin khác nhau. Một vài nhóm tin rằng nhóm mình thực sự là "tông truyền" từ Chúa Ki-tô. Cho tới thế kỷ 4, giáo hội Rô-ma cũng chỉ là một trong những nhóm nhỏ như trên, và chỉ trở thành một hệ phái Ki Tô lớn sau khi Vua Constantine tôn đạo này làm quốc giáo và dùng tiền của mua chuộc và cưỡng bách mọi người phải theo cái đạo của nhà vua này. Sử sách viết rằng, dưới thời Constantine, người nào theo đạo thì được thưởng vàng bạc, nô lệ theo đạo thì được thả tự do. Không lạ gì, đạo này càng ngày càng có thêm nhiều tín đồ. Sau này, ở Việt Nam, từ thế kỷ 17 cho tới ngày nay, hiện tượng "theo đạo có gạo mà ăn" cũng rất thịnh hành. Vì Constantine là một Vua La-Mã (Rô-ma) nên sau đó đạo Ki-tô thống nhất dưới tên Đạo Ca-Tô Rô-ma (Roman Catholicism), với một chủ chăn là một giáo hoàng lo việc chăn dắt đàn cừu (chiên) non ở dưới.

Năm 1054, một sự phân hóa đầu tiên đã xảy ra trong giáo hội Ca-tô Rô-ma. Một phần trong giáo hội này bất đồng ý kiến với chế độ giáo hoàng miền Tây (Western papacy) và tách riêng ra thành "giáo hội miền Đông" (Eastern Church), còn được biết dưới danh từ "giáo hội chính thống" (Orthodox Church). Giáo hội chính thống miền Đông này gồm các giáo hội ở Albania, Bulgaria, Georgia, Greece, Romania, Russia, Serbia, và Sinai. Ngày nay, giáo hội miền Đông là tôn giáo chính ở Nga, Đông Âu, Tây Á, và Bắc Phi, với tổng số tín đồ trên 200 triệu. Phần còn lại vẫn mang tên Giáo hội Ca-Tô Rô-ma.

Năm 1517, một sự phân hóa khác đã xảy ra trong giáo hội Ca-tô Rô-ma. Một linh mục người Đức, Martin Luther, bất mãn trước chế độ giáo hoàng toàn trị và sự đồi bại của giáo hội Ca-tô Rô-ma trong việc lợi dụng sự mê tín của đám tín đồ thấp kém, bán phép giải tội để làm giàu, nên đã tạo lên một phong trào chống đối được gọi là phong trào Cải Cách Chống Đối (Protestant Reformation), không công nhận quyền lực của giáo hoàng cũng như không chấp nhận phải trung thành với giáo hoàng, phản đối việc bán phép giải tội, phản đối việc giáo hội Ca-Tô Rô-ma cấm tín đồ đọc Thánh Kinh, và đi tiên phong trong việc dịch Thánh Kinh ra tiếng địa phương. Protestants có nghĩa là "những người phản đối" (those who protest) nhưng Ca-Tô Rô-ma giáo đã mạ lỵ đạo của những người phản đối (Protestantism) là "Phản thệ giáo". Dân Việt Nam ta dịch Protestantism là đạo Tin Lành tuy rằng bản chất của Protestantism cũng chẳng khác gì Catholicism, và những thứ mà họ rao truyền chẳng có gì có thể gọi là "tin lành" cả.

Tuy nhiên, Martin Luther cũng có công lớn đối với nhân loại. Ông là người đầu tiên dịch Thánh Kinh sang tiếng Đức, và từ đó Thánh Kinh được dịch ra các tiếng địa phương. Và cũng từ đó những điều sai trái trong Thánh Kinh bị phơi bầy, đại chúng biết đến những chuyện hoang đường và phi lý trí, phản khoa học trong Thánh Kinh, và những luận điệu thần học ngụy tạo, lừa dối của các giáo hội Ki-Tô. Đạo Giê-su bắt đầu suy thoái, mất đi mọi quyền lực thần thánh cũng như thế tục. Và ngày nay, những người tin Thánh Kinh là những người chỉ nghe nói đến vài điều vụn vặt trong Thánh Kinh chứ thực sự chính mình chưa bao giờ đọc Thánh Kinh.

Ca Tô Giáo Rô Ma đặt nền tảng trên một số huyền thoại trong Thánh Kinh gồm có Cựu Ước và Tân Ước. Tuy Tân Ước không thể tách rời khỏi Cựu Ước, vì nếu tách rời thì vai trò cứu rỗi của Chúa Giê Su trở thành vô nghĩa, nhưng vì trong Cựu Ước có nhiều điều vô lý, mâu thuẫn, tàn bạo, phản khoa học v...v.. nên gần đây giáo hội Ca Tô đặt nhẹ vai trò của Cựu Ước và dạy các tín đồ Ca Tô rằng: Cựu Ước là lịch sử của dân Do Thái, Tân Ước mới chính là nền tảng giáo lý của Ca Tô Giáo RôMa. Dạy sao thì tín đồ nghe vậy, tín đồ chỉ cần sự hứa hẹn của giáo hội là được Chúa Giê Su cứu rỗi nếu tuyệt đối tuân phục giáo hội và tin theo những tín lý mà giáo hội đặt ra chứ đâu có cần để ý đến sự mâu thuẫn trong điều giảng dạy này. Tuy đặt nhẹ vai trò của Cựu Ước, cho đó là lịch sử của dân Do Thái, giáo hội Ca Tô vẫn dùng những huyền thoại trong lịch sử Do Thái, cho đó là những chân lý mà tín đồ bắt buộc phải tin, không tin thì không được lên Thiên đường. Những huyền thoạitrong Cựu Ước như Thượng đế sáng tạo ra vũ trụ và mọi sự vật trong đó cách đây khoảng 6 - 7000 năm; Thượng đế lấy đất sét tạo ra Adam, lấy xương sườn của Adam tạo ra Eve, do đó Adam và Eve trở thành tổ tiên của dân Do Thái và của cả loài người luôn; Adam cưỡng lời Thượng đế ăn quả trên "trái cây hiểu biết," do đó tạo thành tội tổ tông, và kết quả là mọi người trên thế gian đều mắc tội, chịu lời nguyền rủa của Thượng đế và phải gánh chịu tất cả những khổ đau ở trên đời, nguyên nhân chỉ vì Adam ăn một trái táo v...v... đã trở thành những tín lý mà các tín đồ Ca Tô phải tin, nếu muốn được lên Thiên đường cùng Chúa, lẽ dĩ nhiên phải qua ngả Vatican, vì Vatican giữ trong tay cái chìa khóa mở cửa Thiên đường. Tuy rằng ngày nay tuyệt đại đa số những học giả và chuyên gia khảo cứu Thánh Kinh cùng các khoa học gia, trước những khám phá mới nhất về lịch sử nhân loại và khoa học, đều đồng ý rằng Thánh Kinh không phải là những lời mặc khải của Thượng đế vì trong đó có quá nhiều sai lầm, vẫn còn nhiều triệu người trên thế giới tin vào những huyền thoại trong Thánh kinh và cho đó là những chân lý không thể sai lầm. Đây là quyền tự do tín ngưỡng của mọi người, cũng như chúng ta có quyền tin vào một Thần cây đa hay tin rằng có chú Cuội ngồi trên cung Hằng. Vì Thượng đế, hay thần cây đa, hay chú Cuội chỉ có trong niềm tin của những người tin và không ai có thể chứng minh được sự hiện hữu của Thượng đế v...v..., nên căn bản thì những đối tượng của các niềm tin đều giống nhau.

Ngoài những tín lý bắt nguồn từ những huyền thoại trong Cựu Ước như trên, các tín đồ Ca Tô còn phải tin vào một số tín lý khác mà giáo hội dạy rằng bắt nguồn từ Tân Ước nhưng thực ra thì những tín lý này thường không có trong Thánh kinh, hoặc trái ngược với Thánh kinh, hoặc được thêm thắt vào sau, nếu xét theo bối cảnh lịch sử mà Thánh kinh được viết ra. Về những tín lý này chúng ta có thể kể:

1. Chúa Giê-su là con của Thánh Linh (Holy spirit).

2. Chúa Giê-su là hiện thân của Thượng đế (Incarnation)

3. Thuyết Chúa ba ngôi (Thượng đế, Giê-su, Thánh linh chỉ là một)

4. Đức mẹ vô nhiễm.

5. Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại.

6. Chúa Giê-su sống lại vào ngày thứ ba sau khi bị đóng đinh.

7. Chúa bay lên trời 40 ngày sau khi sống lại.

8. Tin ở Chúa Giê-su thì sẽ được Chúa cứu rỗi, sau khi chết sẽ được lên Thiên đường ở cùng Chúa.

9. Trong ngày phán xét cuối cùng (tận thê) Chúa sẽ trở lại trần thế, làm cho kẻ chết sống lại, rồi mang

tất cả, nghĩa là không biết bao nhiêu tỷ người đã chết được cứu sống lại, xếp hàng một trước

mặt Chúa Cha để cho Chúa Cha phán xét, người nào tin Chúa thì được lên Thiên đường, người

nào không tin thì bị luận phạt và vĩnh viễn bị đày hỏa ngục.

Giáo Hoàng là "đại diện của Chúa" trên trần, nắm trong tay những chìa khóa mở cửa Thiên

đường.

Các tín đồ Ca Tô giáo bắt buộc phải tin những tín lý như trên, không tin thì không phải là tín đồ Ca Tô, và lẽ dĩ nhiên không được Chúa cứu rỗi, cho lên Thiên đường ở cùng Chúa. Và Thánh Kinh được coi như là chứa những chân lý mặc khải, không thể sai lầm. Những tín lý như trên và chân lý Thánh Kinh là những điều thế giới Ki Tô tin và tuyệt đối chấp nhận, không bàn cãi...cho đến thế kỷ 17. Rồi những đầu óc khai phóng của Voltaire, Diderot, Thomas Paine, Baron d'Holbach, Johann Salamo Semler, Samuel Reiramus, J. G. Eichhorn, G.L. Bauer v...v... bắt đầu đặt nghi vấn về tính chất xác thực lịch sử của Thánh Kinh. Sự phê phán Thánh Kinh tiếp tục trong thế kỷ 18 và kéo dài cho tới ngày nay. Ba tác phẩm cận đại được thế giới biết đến nhiều nhất là: Thời Đại Lý Trí (The Age of Reason) của Thomas Paine, Tại Sao Tôi Không Phải Là Một Tín Đồ Ki Tô (Why I Am Not A Christian) của Bertrand Russell, và cuốn Người Chống Chúa Ki-Tô (The Anti-Christ) của Frederik Nietzche. Hiện nay, càng ngày càng có nhiều công cuộc nghiên cứu, phân tích và phê bình Thánh Kinh.

Đặc biệt là cuốn Cuốn Thánh Kinh Mang Tới Tin Xấu: Cuốn Tân Ước (The Bad News Bible: The New Testament (1995)) của David Voas trong đó tác giả phân tích từng câu trong Tân Ước, và cuốn Năm Phúc Âm: Giê-su Đã Nói Những Gì? (The Five Gospels: What Did Jesus Say? (1996)) của Hội Nghiên Cứu Thánh Kinh (The Jesus Seminar) gồm khoảng 200 học giả, chuyên gia thuộc mọi hệ phái Ki Tô , trong đó các tác giả đồng ý là hơn 80% những điều viết trong Tân Ước không phải là Giê-su nói và Giê-su không hề làm bất cứ một phép lạ nào như Tân Ước đã mô tả.

Kết quả những cuộc nghiên cứu về Thánh Kinh xuyên suốt qua nhiều thế kỷ đã được tóm tắt như sau bởi Linh mục Ernie Bringas (Ibid., trg. 91):

"Với sự tái khám phá phương pháp khoa học trong thế kỷ 16 ở Âu Châu và sự tiến triển tiếp theo của thời đại Khai sáng trong thế kỷ 18, một sự phân tích Thánh Kinh một cách thuần lý hơn là điều không thể tránh được. Trong một thế giới đang trở thành hướng theo tinh thần khoa học, những mô tả về Chúa đi trên sóng, về ma quỷ, thiên thần, những câu chuyện về sự sống lại của Chúa, và nhiều hiện tượng khác, càng ngày càng khó có thể chấp nhận như là những sự thực lịch sử.

Trong những năm 1835-1836, cuốn Khảo Sát Cặn Kẽ Về Đời Sống của Giê-su (The Life of Jesus Critically Examined) của D. F. Strauss đã quy một số chuyện trong Tân Ước là "huyền thoại" và định nghĩa những câu chuyện phi lịch sử như trên là sự biểu thị của một chuỗi những ý tưởng tôn giáo. Ngày nay, kết quả những cuộc nghiên cứu phân tích tiếp tục hỗ trợ và xác nhận sự khẳng định này. Đa số các học giả coi những chuyện trong Tân Ước và bảy giáo điều giáo hội đưa ra sau đây đều là huyền thoại:

1. Đức Mẹ đồng trinh

2. Hiện thân của Chúa (Thượng đế hiện thân thành người, nghĩa là, Thượng đế là Giê-su.)

3. Nhiệm vụ cứu rỗi của Chúa

4. Sự sống lại của Chúa.

5. Sự thăng thiên của Chúa (Thân xác Chúa bay lên trời 40 ngày sau khi sống lại)

6. Chúa trở lại trần (để làm sống lại những người chết cho ngày phán xét cuối cùng)

Ngày phán xét cuối cùng (Chúa Cha phán xét luận tội mọi người trong ngày Giê su trở lại trần

thế

(With the rediscovery of the scientific method in 16th-century Europe and the subsequent evolvement of the Enlightenment during the 18th-century, it was inevitable that a more rational analysis of Scripture would occur. In a world becoming scientifically oriented, descriptions of walking on water, of demons, angels, resurrection stories, and other phenomena grew increasingly unacceptable as historical realities.

In 1835-1836, The Life of Jesus Critically Examined, by D. F. Strauss, referred to some NT narratives as "myth" and defined those unhistorical elements as expressing a series of religious ideas. Today, analytical studies continue to support and confirm this assertion. The majority of scholars regard the following NT accounts and Church-developed doctrines as myth:

1. The virgin birth

2. The Incarnation (God in human form; that is, God as Jesus)

3. The work of Atonement (plan for salvation)

4. The resurrection

5. The ascension (Jesus' bodily ascent into heaven 40 days after the resurrection)

6. The Second Coming (the return of Jesus to raise the dead and to summon all to the Last Judgment)

7. The Last Judgment (the judgment of all by God at Christ's Second Coming)

Trên đây là những tín điều tạo thành nền tảng tín ngưỡng của Ca Tô Giáo Rô Ma. Bản chất tín ngưỡng này có thể vô hại vì tùy theo căn trí mỗi người, mỗi căn trí thích hợp với một loại tín ngưỡng, ai muốn tin gì thì tin. Nhưng bất hạnh thay, như Tiến Sĩ Madalyn O'Hair đã nhận định ở trên:

"Tín đồ Ki Tô không thể chỉ theo tín ngưỡng của mình và để cho mọi người khác theo tín ngưỡng của họ. Giê Su Ki Tô đòi hỏi rằng các tín đồ Ki Tô phải đi cải đạo người khác (nghĩa là ép buộc mọi người đều phải tin vào Giê-su) và điều này đã gây nên nhiều sự đau khổ cho nhân loại hơn bất cứ tôn giáo nào khác."

Do đó, với tâm cảnh cuồng tín, mà theo định nghĩa của giáo sư sử học Nguyễn Mạnh Quang trong cuốn Việt Nam Đệ Nhất Cộng Hòa Toàn Thư, 1954-1963, thì cuồng tín là sự tổng hợp của Ngu đần, Dốt, và Hợm Hĩnh (Huênh hoang, khoác lác), Giáo hội Ca Tô Rô Ma, với những phương pháp "cải đạo" đẫm máu nhất trong lịch sử thế giới, đã mang đến cho nhân loại những thảm họa vô tiền khoáng hậu với kết quả là hàng triệu sinh linh bị đàn áp, tra tấn, treo cổ, cắt cổ, thiêu sống v..v.. như sẽ được chứng minh trong những phần sau đây. Trong cuốn Tôn Giáo và Dân Tộc,trg. 74-75, ông Lý Chánh Trung, một nhà trí thức Gia Tô cũng công nhận giáo hội có những hành động bạo tàn để mở mang nước Chúa, nhưng ông khéo léo biện hộ cho những hành động đó bằng câu:

" Những hành động nói trên không phải bắt nguồn từ một khuynh hướng đế quốc mà từ cái ý thức rất chân thành và nghiêm chỉnh của giáo hội về sứ mạng cao cả của mình: mang sự thật đến cho nhân loại."

Chỉ có điều, ông Lý Chánh Trung không cho độc giả biết cái sự thật ông viết ở trên là sự thật nào, như thế nào? Sự thật theo quan niệm của riêng Ca Tô Giáo dựa vào những huyền thoại trong Thánh Kinh như Linh mục Bringas đã viết ở trên, hay là một sự thật phổ quát như một thuyết lý khoa học có thể áp dụng ở mọi nơi, mọi thời điểm trên địa cầu. Nếu ông muốn nói sự thật trên là sự thật trong Phúc Âm thì ông giải thích làm sao những sai lầm và mâu thuẫn nằm trong Phúc Âm. Vả chăng, trong Phúc Âm làm gì có sự thật. Thật vậy, Regina Schwartz, giáo sư dạy Thánh Kinh trong 20 năm qua tại hai đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ là đại học Northwestern, Illinois, và đại học Duke, North Carolina, sau nhiều năm suy tư và nghiên cứu, đã xuất bản cuốn Lời Nguyền của Cain: Di sản bạo tàn của Tôn Giáo Độc Thần (The Curse of Cain: The Violent Legacy of Monotheism), và dạy sinh viên bài học: "không làm gì có chân lý Phúc Âm" (Northwestern University professor's lesson: There are no Gospel truths). Cuốn sách này đang được đề nghị trao giải thưởng Pulitzer về loại tác phẩm nghiên cứu. Giáo sư Schwartz cũng nhận ra rằng sinh viên ngày nay tin rằng Thượng Đế là do con người tạo ra theo hình ảnh con người thay vì ngược lại, với những thuộc tính của con người như tham lam, hẹp hòi, ghen tuông, và sợ hãi được gán cho Thượng Đế. (...students come to believe that God is more often created in the image of man than the other way around. That is, mankind's greed, pettiness, jealousies and fears are often projected onto God).

Ngoài ra, chưa kể đến chuyện, gần 2000 năm nay, con đường thi hành "sứ mạng cao cả" của giáo hội là một con đường chồng chất xương máu của hằng triệu người vô tội trong đó có cả những ông già, bà cả, phụ nữ và con nít, với mục đích ép buộc con người tin vào "sự thật" của Ca Tô Giáo. Dù vậy mà ngày nay, hơn 80% dân chúng trên thế giới, nghĩa là vào khoảng trên 4 tỷ người, vẫn từ chối sự thật của Ca Tô Giáo hoặc càng ngày càng có nhiều người từ bỏ sự thật này khi biết hồn xác mình đã bị nhốt trong những sự huyền hoặc. Mặt khác, bản chất đế quốc của Ca Tô Giáo Rô Ma là một sự kiện không ai có thể phủ nhận, kể cả Giáo hoàng và tòa Thánh Vatican. Cũng chẳng nên trách ông Lý Chánh Trung vì ông chỉ nhắc lại những điều "giáo hội dạy rằng" mà không tìm hiểu về bản chất của giáo hội. Vả chăng, vào thời điểm ông viết cuốn Tôn Giáo và Dân Tộc, chưa có vụ Giáo hoàng thú nhận trước thế giới bản chất đế quốc của giáo hội và ra lệnh cho tín đồ Gia Tô phải ăn năn thống hối trước thiên niên kỷ mới.

Qua những sự kiện lịch sử trên, khảo sát về lịch sử CaTô Giáo Rô Ma, đa số học giả đã đồng ý ở một điểm: đó là một lịch sử đẫm máu của gần 2000 năm đầy tội ác, phi luân lý, phi đạo đức; một lịch sử đã mang quá nhiều bất hạnh to lớn tới nhân loại so với những việc từ thiện bác ái , thường là thực hiện với chủ đích dùng bả vật chất để thu nhặt tín đồ, mà Giáo hội CaTô thường vẫn thổi phồng để cho thế giới quên đi, không nghĩ đến cái lịch sử đen tối của Giáo hội. Tôi sẽ trở lại thực chất của những hoạt động từ thiện của Ca Tô giáo trong một đoạn sau. Ở đây, tôi chỉ xin trích dẫn một nhận định tổng quát của B. S. Rajneesh trong cuốn Linh Mục và Chính Trị Gia: Những Mafia của Linh Hồn (Priests & Politicians: The Mafia of the Soul), trg. 25):

"Nếu con người nghèo đói, họ có thể dễ bị dụ vào KiTô giáo, đặc biệt là Ca Tô giáo. Những trường học, nhà thương, và viện mồ côi của họ chẳng qua chỉ là những xưởng để dụ người ta trở thành tín đồ Gia Tô."

(If people are poor and hungry, they can be easily converted to Christianity, particularly into the Catholic Church. Their schools, their hospitals, their orphanages are nothing but factories for converting people into Catholics.)

Hiện nay số tài liệu khảo cứu về CaTô Giáo Rô Ma rất phong phú. Đã có những công cuộc nghiên cứu và viết thành sách với đầy đủ tài liệu xác tín về mọi khía cạnh của tôn giáo này. Hiển nhiên là trong phạm vi cuốn sách nhỏ này tôi không thể đi vào chi tiết của tất cả những đề mục đã được khảo cứu về Ca Tô Giáo Rô Ma, mà chỉ có thể khảo xát một số chủ đề chính liên hệ tới lịch sử bành trướng của đạo Ca Tô trên thế giới và những hành động của tôn giáo này đối với nhân loại.

Còn những chủ đề phụ, phần lớn thuộc nội bộ giáo hội Ca Tô Rô Ma, thí dụ như: Linh Mục bỏ đạo, Linh Mục cưỡng hiếp các “sơ”, cưỡng bách tình dục các em trợ tế và nữ tín đồ, Linh mục đồng giới tình dục, Linh mục nghiện rượu, những triều đại dâm loạn của một số giáo hoàng v...v..., nếu cần, tôi chỉ duyệt phớt qua chứ không đi vào chi tiết của những chủ đề này.

2.2. Lịch Sử Thành Lập Ca Tô Giáo Rô Ma.

Ai là người sáng lập ra Ki Tô Giáo? Các tín đồ Ca Tô đều tin, theo lời "giáo hội dạy rằng", Chúa Giê-su chính là giáo chủ, ủy quyền cho Thánh Phê-Rô (Peter) thành lập giáo hội, dựa trên vài câu trong Thánh Kinh, diễn giải ngoài toàn bộ vấn đề (out of context). Theo Mã-Thi-Ơ (Matthew) 16: 18-19 (chương 16, đoạn 18-19) thì Giê-su nói với Phêrô như sau: "Ta cho ngươi biết, ngươi là Phêrô, và trên phiến đá này ta sẽ xây dựng giáo hội của ta...và ta sẽ cho ngươi những chìa khóa của thiên đường” (And I also say to you that you are Peter, and on this rock I will build my church...and I will give you the keys of the kingdom of heaven). Do đó, theo sự diễn giảng của Giáo hội, Phêrô là vị giáo hoàng đầu tiên của giáo hội do Chúa thành lập, và chế độ giáo hoàng được thành lập với giáo điều: các giáo hoàng đều được coi là kế vị Phêrô, đại diện của Chúa (Vicars of Christ) trên cõi trần, và nắm trong tay những chìa khóa mở cửa thiên đường. Đó là lý do tại sao các tín đồ Ca-Tô không thể hiệp thông thẳng với Chúa mà phải qua ngả giáo hoàng hay ngả Vatican, và giáo hoàng có quyền tuyệt thông tín đồ, nghĩa là không cho tín đồ hiệp thông với Chúa, và không mở cửa thiên đường cho tín đồ nào không trăm phần trăm tuân phục giáo hoàng. Giáo hội biết rõ tâm lý của những tín đồ kém hiểu biết và do đó khai thác triệt để lòng mê tín của đám tín đồ này.

Nghiên cứu Thánh kinh, các học giả đã tìm ra nhiều điều kỳ thú trong giáo điều như trên của giáo hội Ca Tô mà mục đích chỉ là để tự tạo quyền lực thế tục, ngụy trang dưới lốt thần thánh, nắm giữ đầu óc mê mẩn của các tín đồ.

Thứ nhất, Giê-su không bao giờ có ý định thành lập một giáo hội vì một lẽ rất đơn giản: vào thời của Giê-su danh từ giáo hội (church) chưa hề có và không ai biết ý nghĩa của giáo hội ra sao. Khi đó, danh từ thông dụng trong các hoạt động tôn giáo trong xã hội là "synagogue" nghĩa là giáo đường, một nơi tập họp để giảng đạo. Danh từ nguyên thủy Hi Lạp là ecclesie, có nghĩa là một cuộc hội họp - không có giáo hoàng, linh mục, hệ thống giáo quyền (Jesus was not speaking of that institution we call the Church, Catholic or otherwise, in fact, there was no such word or institution in his time. The original was the Greek ecclesie, and it meant only a gathering, an assembly - no pope, no priest, no hierarchie: Graham, Ibid., p. 441).

Thứ nhì, sau khi trao chìa khóa thiên đường cho Phêrô (Matthew 16: 19), chỉ bốn câu sau, Matthew 16: 23, Giê-su gọi Phêrô là Satan: "Chúa quay lại và nói với Phê rô: "Hãy ra đằng sau ta, Satan, ngươi là một sự xúc phạm đối với ta"(But He turned and said to Peter, "Get behind Me, Satan! You are an offence to Me.."). Nếu chúng ta có thể tin được những điều các tín đồ CaTô tin thì Chúa Giêsu được coi là toàn trí, nghĩa là biết hết quá khứ vị lai, vậy khi Chúa gọi Phêrô là quỉ Satan tất phải có lý do. Lý do đó là Chúa đã biết trước là Phêrô sẽ phản bội Chúa, ba lần chối là biết Chúa khi Chúa bị bắt mang đi đóng đinh trên thập giá. Hơn nữa, Phê-rô là một người đánh cá, trí tuệ kém cỏi, theo Chúa chỉ vì Chúa trổ tài đánh cá cho Phê rô coi. Thế mà Chúa lại trao chìa khóa thiên đường cho Phêrô và ủy thác cho Phêrô thành lập giáo hội Ca Tô Rô Ma. Hay là Chúa đã biết trước là sau này, sự truyền đạo của Giáo hội Ca Tô chỉ thành công trong những làng đánh cá hoặc những nơi mà dân chúng có mức trí tuệ như Phê rô, như lịch sử phát triển của Ca Tô Giáo Rô Ma đã chứng minh. Về sự mâu thuẫn và phi lý trong câu chuyện trên, Lloyd Graham bình luận như sau:

"Như vậy là Giáo hội CaTô được thành lập bởi Phêrô, người mà, chỉ bốn câu sau trong Thánh Kinh, Chúa gọi là Satan. Vậy, nếu Giáo hội CaTô được thành lập bởi Phêrô thì giáo hội đó đã được thành lập bởi Satan - một sự kiện mà chúng ta đã nghi ngờ từ lâu (Xét đến lịch sử đầy tội ác của Giáo hội CaTô Rô Mã thì nhận xét trên của Graham không phải là vô lý. TCN).

Câu chuyện về Phêrô thậm vô nghĩa - một người chết như mọi người mà lại có quyền lực trên khắp nhân loại trong muôn đời muôn kiếp. Trong những vấn đề tôn giáo, những tín đồ CaTô thật là nhẹ dạ, cả tin, nhưng họ có thể nhẹ dạ đến mức tin rằng, trước khi có Ki Tô giáo, những bậc thông thái như Pythagoras, Plato, Socrates... cần đến cái tên đánh cá Do Thái ngu đần này (Phêrô) để đầy đọa hay cứu vớt linh hồn họ hay không? Nhất định là không, và chúng ta cũng vậy."

(Thus the Catholic Church is founded on Peter whom, four verses later, Jesus openly calls Satan. Thus if the Catholic Church is founded on Peter, it is founded on Satan - a fact we have long suspected.

Peter's story is the veriest nonsense - one mortal man endowed with the power over all humanity for all eternity. In things religious, Catholics are indeed credulous but can they be so credulous as to believe that pre-Christian sages like Pythagoras, Plato, Socrates..require this ignorant Jewish fisherman to bind and loose their souls? No, and neither are we.)

Thứ ba, theo Thánh Kinh thì Giê-su tin rằng chính mình là đấng cứu thế của dân Do Thái, ngày tận thế sắp tới (Matthew 10:23, 16:28, 24:34; Mark 9:1, 13:30; Luke 21:30; Rom 13:11)và Giê-su sẽ trở lại thế gian (second coming) với khí thế: "Tóc trắng như lông chiên, như tuyết, mắt sáng như ngọn lửa, chân như đồng sáng loáng trong lò, tiếng nói vang ầm như thác đổ. Tay phải Ngài cầm bảy ngôi sao, miệng cắn thanh gươm hai lưỡi sắc bén" (Thánh Kinh: Cựu Ước và Tân Ước, Nguồn Sống, 1994: Cuốn Khải Huyền, Chương 1, đoạn 14-16 (Rev.: 1: 14-16).

Cứ tưởng tượng ra hình ảnh rùng rợn của một hung thần như trên là đêm ngủ đã không tránh khỏi ác mộng rồi, huống hồ sống vĩnh viễn bên cạnh Chúa trên thiên đường thì cái nghiệp của những người được Chúa cứu rỗi chắc phải là nặng lắm. Nhưng có điều an ủi là, ngày nay, qua các công cuộc nghiên cứu Thánh kinh, đa số học giả đã cho rằng nhiều chuyện trong Thánh Kinh là những chuyện hoang đường, và đối với một số học giả thì những điều Chúa Giê-su tự nhận như: con duy nhất của Thượng đế, có khả năng rửa sạch tội lỗi của nhân loại, là đấng cứu thế, trở lại trần để cứu tất cả những người chết sống lại v...v... đều là những ảo tưởng của một người bị bệnh tâm thần, mắc bệnh-chứng hoang tưởng (paranoia). Bệnh chứng này bắt nguồn từ một tâm cảnh cuồng tín tôn giáo của Giê-su khi ông đọc và tuyệt đối tin những điều trong Cựu Ước, sinh ra nhiều ảo giác và tự cho mình những quyền năng thần thánh, vai trò cứu thế, rửa sạch tội lỗi của nhân loại v...v...Đó là kết luận của những nhà phân tâm học, điển hình là Bác sĩ George de Loosten, Bác sĩ William Hirsch, Bác sĩ Binet-Sanglé, sau khi nghiên cứu từng lời, từng hành động của Giê-su trong Thánh Kinh. Tôi xin miễn đi vào chi tiết của những công cuộc khảo cứu phân tâm học này vì nó dài và phải viện dẫn nhiều trong Thánh Kinh.

Trở lại vấn đề Chúa Giê-su tin rằng ngày tận thế sắp tới ngay trong thế hệ của người, chúng ta có thể trích dẫn 2 đoạn trong Thánh Kinh:

Matthew 16:17-18: "Ta sẽ trở lại với các thiên sứ trong vinh quang của cha ta để thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm. Ta bảo đảm với các người, vài người đang đứng đây sẽ vẫn còn sống cho đến khi thấy ta đi vào trong vương quốc của ta." (For the Son of Man will come in the glory of his Father with his angels, and then he will reward each according to his work. Assuredly, I say to you, there are some standing here who shall not taste death till they see the Son of Man coming in his kingdom)

Mark 9:1: Và Chúa nói với các môn đệ: "Ta bảo đảm với các người là vài người đang đứng nơi đây sẽ vẫn còn sống cho tới khi thấy vương quốc của Thượng đế đầy uy quyền" (And He said to them, "Assuredly, I say to you that there are some standing here will not taste death till they see the kingdom of God present with power)

Hai đoạn trên trong Thánh Kinh cho chúng ta thấy rõ hai điều:

Thứ nhất, Chúa đã thất hứa vì sau khi bảo đảm với các môn đệ như trên, Chúa đã biến đi đâu mất, cho tới ngày nay vẫn chưa trở lại. Vậy, trong gần 2000 năm nay, Chúa ở đâu? Có người phân tích Thánh Kinh cho rằng Chúa đang ở dưới địa ngục (Matthew 5:22 & Matthew 23: 17,19), nhiều người thì lại tin rằng Chúa đang ở trên Thiên đường. Nhưng dù ở đâu thì suốt 2000 năm nay cũng không ai thấy bóng dáng Chúa đâu, để cho các tín đồ dài cổ ra ngóng đợi ngày Chúa trở lại trong "vinh quang của Cha ta" và lập nên "vương quốc Thiên đường". Chúng ta cũng nên biết rằng, đã nhiều lần, một số chức sắc trong Ki Tô Giáo đã tiên đoán ngày Chúa trở lại và dạy con chiên dọn mình đón Chúa, nhưng tất cả đều là những lời lừa bịp, có nơi vị "lãnh đạo" tôn giáo này phải trốn chạy trước sự phẫn nộ vì bị lừa của đám tín đồ. Tuy vậy mà cũng còn có nhiều người tin Chúa sẽ trở lại năm 2000, theo lời "tiên đoán" của một số nhà truyền giáo. Và họ đã thất vọng vì chuyện này không hề xảy ra.

Thứ nhì, Chúa đã đoan quyết rằng ngày tận thế đã gần kề như đã viết trong Thánh Kinh, vậy Chúa còn bảo phiến đá Phê rô xây dựng giáo hội để làm gì? Ngày phán xét đã sắp tới, nhân loại thiểu số lên Thiên đường, còn tuyệt đại đa số thì xuống địa ngục (theo niềm tin Ca Tô), vì khi đó chỉ có một số ít người tin theo Giê su, còn cả nửa thế giới mà Giê su không biết tới, thí dụ như Tân Thế Giới (Mỹ châu) và phần lớn Á Đông (Cựu ước cho rằng trái đất phẳng, không biết đến cả sự kiện là trái đất có hình cầu), chưa kể là trước khi có đạo Giê su, hằng hà sa số con người đã sinh ra và chết đi mà không hề biết tới Chúa, trong đó có cả tổ tiên Giê su, tất cả đều phải xuống địa ngục, vậy Thánh Phê rô xây dựng giáo hội theo như lời "Giáo hội dạy rằng" để làm gì? Phải chăng để cho các Giáo hoàng có chỗ để tự nhận là kế thừa Phê rô, nắm trong tay những chìa khóa của Thiên đường, cái vũ khí đe dọa giáo dân đừng có hòng lên Thiên đường nếu không tuyệt đối tuân phục Giáo hoàng?

Từ ba điểm phân tích ở trên, chúng ta khó có thể chấp nhận thuyết Phê-rô được Chúa ủy thác cho việc xây dựng giáo hội Ca Tô và các Giáo hoàng là những đại diện của Chúa, kế thừa Phê rô, như Giáo hội đã dạy các tín đồ. Joseph L. Daleiden, một học giả Ca Tô, cho rằng "câu chuyện ủy quyền cho Phê rô xây dựng giáo hội là một chuyện tiếu lâm" (On the face of it, I would take it as a joke.. Ibid., trg. 83) và Albert Camus cho rằng "Giê-su đã riễu cái tên nghèo khổ, hèn nhát Phê rô khi bảo Phê rô là vững như phiến đá" (Camus pointed out, Jesus must have been making fun of poor, cowardly Peter by referring to him as a rock of steadfastness.). Daleiden kết luận (Ibid. trg.83):

"Do đó, chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi biết rằng nhiều học giả chuyên về Thánh Kinh tin rằng câu chuyện về Phê rô, giống như nhiều chuyện khác trong Tân Ước, đã được người ta thêm thắt vào về sau."

(It is not surprising, therefore, to learn that many biblical scholars believe the evidence indicates that this reference to Peter, like many other New Testament passages, was inserted at a later date.)

Ai thêm thắt những chuyện thậm kỳ vô nghĩa như trên vào Thánh Kinh về sau, và với mục đích gì? Chẳng cần phải là người thông minh cho lắm cũng thấy rằng đó là thủ đoạn của giới giáo sĩ lập ra hệ thống quyền lực Ca Tô, và mục đích không ngoài sự tự ban cho mình những quyền lực thần thánh trước đám tín đồ kém hiểu biết.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên để ý rằng, hội nghiên cứu Thánh Kinh (The Jesus Seminar) gồm nhiều học giả thuộc mọi hệ phái Ki Tô, sau nhiều năm nghiên cứu Thánh Kinh, cũng đưa ra cùng một kết luận như trên, nghĩa là, Giê-su không hề ủy quyền cho Phê Rô thành lập Giáo hội.

Vậy, nếu không phải là Thánh Phê rô xây dựng giáo hội, mà Chúa Giê-su thì chắc chắn không nghĩ đến việc xây dựng giáo hội vì đã khẳng định là mình sẽ trở lại trần thế trong một tương lai rất gần, ai là người xây dựng giáo hội Ki Tô? Ngày nay, các học giả đều đồng ý rằng, Thánh Phao Lồ (Paul) mới chính là người đã sáng chế ra Ki Tô Giáo. Chính Phao-Lồ đã lấy những giáo điều trong Do Thái Giáo, trong phái Tự Ngộ, và những huyền thoại thờ cúng trong dân gian, xào xáo lại với nhau để tạo thành một huyền thoại xoay quanh chuyện Giê-su bị đóng đinh trên thập giá. (Christianity was the invention of St. Paul, who used elements of Judaism, Gnosticism, and pagan mystery cults as his materials, fusing them around the story of Jesus' crucifixion. (The Mythmaker: Paul and the Invention of Christianity, front cover)). Chính Phao Lồ đã sáng chế ra những tín lý Ca Tô như: tư cách thần thánh của Giê-su, sự sống lại và thăng thiên của Giê-su, đức tin (mù quáng) sẽ đưa đến sự cứu rỗi (salvation by (blind) faith) v...v... Điểm đặc biệt là, chính Phao-lồ chưa bao giờ gặp Chúa mà chỉ nghe đồn về Chúa (hearsay), và chỉ nghe thấy tiếng Chúa trong một ảo tưởng trên đường đi tới Damascus, cho nên tất cả những điều viết về Chúa chỉ là những điều tưởng tượng, thường là hoang tưởng, của Phao Lồ, nhưng lại thích hợp với đầu óc và hi vọng của những người ở miền Trung Đông trong thời Paul rao giảng, vào khoảng 40 năm sau khi Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, chết, và táng xác. Nhưng qua thời gian, với sự tiến bộ trí thức của nhân loại, với sự hiểu biết của con người ngày nay về khoa học, những điều Phao Lồ rao giảng làm căn bản tín ngưỡng của Ca Tô Giáo như “Giê-su chịu hi sinh bị đóng đinh trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại”, “Giê-su đã sống lại”, “vai trò cứu rỗi và luận phạt của Giê-su” v..v.. đều đã trở thành hoang đường, không còn có thể chấp nhận, ít ra là đối với giới trí thức ở trong cũng như ở ngoài các giáo hội Ki Tô Giáo. Điều này thể hiện rõ trong chính những lời công nhận thuyết Tiến Hóa của Giáo hoàng John Paul II cùng những lời thú nhận của Ngài về sự kiện không làm gì có thiên đường hay địa ngục như giáo hội vẫn từng rao giảng để khuyến dụ cũng như đe dọa đám tín đồ đầu óc thấp kém.

Thực ra, tôi, cũng như đa số độc giả, không mấy quan tâm đến chuyện ai là người sáng lập ra Ki Tô Giáo. Điều mà chúng ta quan tâm là Ki Tô Giáo đã phát triển ra sao và đã mang lại những gì cho nhân loại. Nhưng, điều quan trọng mà chúng ta có thể rút tỉa từ sự phân tích tài liệu ở trên là: luận cứ của Giáo hội Ca Tô về Thánh Phê Rô là người được Chúa Giê-su ủy thác xây dựng Giáo hội, và Giáo Hoàng là người kế thừa Phê Rô, giữ trong tay những chìa khóa mở cửa thiên đường v..v.., rõ ràng là những thủ đoạn không chính đáng, ngụy tạo văn kiện, thêm thắt vào Thánh Kinh v...v.., để tạo cho Giáo hoàng và Giáo hội những quyền lực thần thánh để dễ ngự trị trên đầu óc của đám tín đồ nhẹ dạ, cả tin.

Sau đây chúng ta sẽ đi vào lịch sử phát triển của Ca Tô Giáo Rô Ma.


Các bài tôn giáo cùng tác giả

Trang Trần Chung Ngọc