CÔNG GIÁO HẮC SỬ - IV

[The Dark History of Catholicism]

Trần Chung Ngọc

http://sachhiem.net/TCN/TCNtg/CGHS/NCGHS21.php

đăng ngày 10 tháng 6, 2007

Các bài trong tập này:  1  2  3  4  5  6  7  8

 

PHẦN II :

 NÚI TỘI ÁC THỨ HAI CỦA CÔNG GIÁO:NHỮNG CUỘC
THẬP ÁC CHINH MANG TÊN “THÁNH CHIẾN”

 

Theo đúng những lời dạy trong Kinh Thánh, Cuốn Từ Điển Bách Khoa của Công Giáo (The Catholic Encyclopedia) định nghĩa các cuộc Thập Ác Chinh là những cuộc chiến tranh để theo đuổi một lời nguyện, và nhắm vào những kẻ không tin, nghĩa là, những người Hồi Giáo, người ngoại giáo, dị giáo, và những kẻ bị tuyệt thông (lạc đạo hay rối đạo) [Crusades: wars undertaken in pursuance of a vow, and directed against infidels, i.e. against Mohammedans, pagans, heretics, or those under the ban of excommunication.]

Thật vậy, tất cả nguồn gốc và những sắc thái của những cuộc Thập Ác Chinh (Crusades) mà người Công giáo gọi là “thánh chiến” (Holy wars) do Công giáo phát động, kéo dài nhiều thế kỷ, máu đổ thành sông, xương chất thành núi, với hàng triệu sinh mạng già trẻ lớn bé vô tội, có thể thấy rõ qua vài câu trích dẫn sau đây từ cuốn “Thánh Kinh” của Ki Tô Giáo:

PHẢI TUYỆT ĐỐI TUÂN HÀNH CÁC ĐIỀU RĂN, LUẬT LỆ CỦA THƯỢNG ĐẾ... KHI ĐỨC CHÚA TRỜI DẪN CÁC NGƯƠI VÀO VÙNG ĐẤT MÀ CÁC NGƯƠI SẼ CHIẾM HỮU..CÁC NGƯƠI PHẢI TẬN DIỆT HỌ, KHÔNG ĐƯỢC LẬP GIAO ƯỚC, KHÔNG ĐƯỢC THƯƠNG XÓT... KHÔNG ĐƯỢC GẢ CON GÁI MÌNH CHO CON TRAI HỌ, HOẶC CƯỚI CON GÁI HỌ CHO CON TRAI MÌNH VÌ HỌ SẼ DỤ CON CÁI CÁC NGƯƠI THỜ CÚNG CÁC THẦN CỦA HỌ MÀ BỎ CHÚA HẰNG HỮU.. CÁC NGƯƠI PHẢI ĐỐI XỬ VỚI HỌ NHƯ SAU: PHẢI PHÁ HỦY NHỮNG BÀN THỜ CỦA HỌ, PHẢI ĐẬP PHÁ NHỮNG CỘT TRỤ THIÊNG LIÊNG CỦA HỌ, ĐẬP NÁT NHỮNG HÌNH TƯỢNG BẰNG GỖ, ĐỐT SẠCH CÁC TƯỢNG CHẠM CỦA HỌ..

THƯỢNG ĐẾ (PHỤC TRUYỀN 6:17; 7:1-5)

LÚC KÉO QUÂN ĐẾN TẤN CÔNG MỘT THÀNH NÀO, NẾU THIÊN CHÚA CHO CÁC NGƯƠI HẠ ĐƯỢC THÀNH ĐÓ, PHẢI GIẾT HẾT ĐÀN ÔNG TRONG THÀNH, NHƯNG BẮT GIỮ ĐÀN BÀ, TRẺ CON, SÚC VẬT, VÀ CHIẾM GIỮ CÁC CHIẾN LỢI PHẨM...BÊN TRONG LÃNH THỔ CHÚA BAN CHO, PHẢI DIỆT HẾT MỌI SINH VẬT. PHẢI TẬN DIỆT DÂN HÊ-TÍT, A-MO, CA-NA-AN, PHÊ-RẾT, HÊ-VÍT VÀ GIÊ-BU NHƯ CHÚA ĐÃ TRUYỀN DẠY. NHƯ VẬY HỌ KHÔNG CÒN SỐNG ĐỂ DỤ DỖ ĐỒNG BÀO HỌ LÀM TỘI ÁC, THỜ CÚNG THẦN CỦA HỌ MÀ MANG TỘI VỚI CHÚA.

THƯỢNG ĐẾ (PHỤC TRUYỀN 20: 12-18)

HÃY MANG NHỮNG KẺ THÙ CỦA TA RA ĐÂY, NHỮNG NGƯỜI KHÔNG MUỐN TA NGỰ TRỊ HỌ, VÀ GIẾT CHÚNG NGAY TRƯỚC MẶT TA.

GIÊ-SU (LƯU–CA: 19:27)

ĐỪNG TƯỞNG RẰNG TA XUỐNG TRẦN ĐỂ MANG LẠI HÒA BÌNH TRÊN TRÁI ĐẤT. TA KHÔNG XUỐNG ĐÂY ĐỂ MANG LẠI HÒA BÌNH MÀ LÀ GƯƠM GIÁO. VÌ TA XUỐNG ĐÂY ĐỂ LÀM CHO CON CHỐNG LẠI CHA, CON GÁI CHỐNG LẠI MẸ, CON DÂU CHỐNG LẠI MẸ CHỒNG, VÀ KẺ THÙ CỦA CON NGƯỜI Ở NGAY TRONG NHÀ HẮN.

GIÊ-SU (MÃ-THI-Ơ: 10: 34-36)

Những câu trích dẫn ở trên, và nhiều câu khác cũng như nhiều chuyện trong Thánh Kinh, đã là căn bản, không những chỉ cho sách lược truyền đạo của Công giáo, điển hình là ở Việt Nam, cho những cuộc Thập Ác Chinh, mà còn cho cả 7 núi tội ác của giáo hội Công giáo mà giáo hoàng John Paul II cùng một số phụ tá cao cấp trong tòa Thánh, trong đó có Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, về sau được phong Hồng Y, đã công khai xưng thú với nhân loại ngày 12 tháng 3, 2000 tại thánh đường Phê-rô.

Học giả Công giáo Joseph L. Daleiden đã tóm tắt lịch sử truyền bá đạo Công giáo qua nhận định như sau trong cuốn The Final Superstition:

"Nói tóm lại, những bằng chứng tràn ngập cho thấy sự truyền bá Ki Tô Giáo trong thế giới xưa và nay phần lớn dựa vào sự cưỡng bách, bạo hành và đàn áp. Xuyên suốt lịch sử, từ những cuộc diệt trừ những người dị giáo (hay lạc đạo) ngay từ thuở ban đầu của Giáo hội, cho tới những cuộc Thập Ác Chinh, những tòa án đạo xử dị giáo, sự trấn áp những nền văn hóa khác trên khắp thế giới, Ki Tô Giáo [Công giáo] đã chứng tỏ những tiêu chuẩn có tính cách hủy diệt và chống loài người của tôn giáo này."  1

Riêng về những cuộc Thập Ác Chinh, trước hết tưởng chúng ta cũng nên biết vài nhận định tổng quát về những cuộc chiến tranh tôn giáo (religious wars) đã được giáo hội khoác cho nhãn hiệu “thánh chiến” (holy wars). 

Trong cuốn Những Sự Khủng Khiếp Mang Nhãn Hiệu Thánh: Một Lịch Sử Minh Họa Về Sự Chém Giết Và Điên Rồ Tôn Giáo (Holy Horrors: An Illustrated History Of Religious Murder And Madness), tác giả James A. Haught, Chủ Biên tờ Charleston Gazette, đã viết như sau, trang 14, 19:

“Khi tôn giáo (Công giáo) nắm toàn quyền ở Âu Châu, nó đã tạo nên một thiên sử thi tắm máu của những cuộc Thập Ác Chinh, những phòng tra tấn của Tòa Án Đạo xử dị giáo, tận diệt hàng loạt những người “lạc đạo” hay “dị giáo”, hàng trăm cuộc tàn sát người Do Thái, và 300 năm thiêu sống phù thủy.

“Thời Đại Của Đức Tin” là một thời đại chém giết mang nhãn hiệu thánh.  Khi tôn giáo (Công Giáo) dần dần không còn kiểm soát được đời sống hàng ngày của người dân nữa, quan niệm về nhân quyền và tự do cá nhân đã mọc rễ.

...Trong thực tế, những cuộc Thập Ác Chinh là một cơn ác mộng thật ghê tởm với những cuộc tàn sát, hiếp dâm, cướp bóc, hỗn loạn – trộn lẫn với niềm tin vào ảo thuật.” 2

Trong cuốn Các Cuộc Thập Ác Chinh (The Crusades), sử gia Henry Treece viết trong phần mở đầu:

"Nhưng khi chúng ta đọc nhiều hơn về các cuộc Thập Ác Chinh thì cái hình ảnh (mà Giáo hội Công giáo đưa ra và ngày nay các tác giả Công giáo Việt Nam nhắc lại như những con vẹt) trở thành nhơ nhuốc; sự nghiên cứu (về các cuộc Thập Ác Chinh) khó mà có thể đưa ra sự thực mà chúng ta đã từng hi vọng. Chúng ta thấy các cuộc Thập Ác Chinh và các Thập ác quân khác với những điều chúng ta thường tưởng tượng (theo như lời Giáo hội tuyên truyền), và rút cuộc chúng ta phải đồng ý với đoạn tổng kết của bậc thầy chúng ta, Ngài Steven Runcinan , trong cuốn Vương Quốc Nghĩa Trang: "Đức Tin không có trí tuệ thì thật là nguy hiểm.. Trong tương quan ảnh hưởng và hòa đồng giữa Đông và Tây liên tục và lâu dài, từ đó nền văn minh của chúng ta đã phát triển, những cuộc Thập Ác Chinh là một thời kỳ bi thảm và hủy diệt.. Đã có quá nhiều sự dũng cảm nhưng lại quá ít vinh dự, đã có quá nhiều lòng sùng tín nhưng lại quá ít hiểu biết. Những lý tưởng cao đẹp đã bị nhơ bẩn bởi sự độc ác và tham lam, hành động táo bạo và sự chịu đựng bắt nguồn từ lòng tin mù quáng và hẹp hòi tự cho mình là đúng; và chính cuộc Thập Ác Chinh cũng không gì khác hơn là một hành động kéo dài của sự bất khoan nhượng nhân danh Chúa”  3

Và trong cuốn Những Vị Thần Cuối Cùng Của Huyền Thoại: Gia-Vê và Giê-su (Mythology’s Last Gods: Yahweh and Jesus) Tiến sĩ William Harwood đã viết, trang 156:

“Triết lý của Phục Truyền Luật Lệ Ký, giết những người tin vào các huyền thoại khác trừ huyền thoại của chính mình để bảo vệ các tín đồ trước những đạo khác là một hành động của Thiên Chúa và đáng tán thưởng, trong thời đại Trung Cổ đã được thực thi theo một kết luận hợp lý bởi những tín đồ Ki Tô (Công Giáo), những người trong vài thế kỷ, đã thẳng tay tàn sát từ 30 đến 50 triệu kẻ thù của Thiên Chúa trong những biến cố như Thập Ác Chinh, tòa án đạo xử dị giáo, cuộc chiến 30 năm, và những trường hợp tàn bạo khác.”  4

Vậy, rõ ràng là những tội ác của Công giáo La Mã bắt nguồn từ Thánh Kinh. Nhưng những luật lệ độc ác của Chúa Cha (Thần Gia-vê) cũng như Chúa Con (Giê-su) trong Thánh Kinh không không đủ, vì giáo dân chẳng có mấy người đọc thánh kinh, nhất là tuyệt đại đa số giáo dân trong thời Trung Cổ thuộc loại ngu dốt, vô học, mà còn phải cộng thêm với chính sách nhồi sọ mê hoặc của giáo hội về chủ trương độc thần, về những huyền thoại như tội tổ tông, vai trò cứu thế của Giê-su, giáo hoàng là đại diện của Chúa trên trần, huyền thoại về miền đất Thánh v..v.. đưa đến sự cuồng tín, tin nhảm tin nhí của đám tín đồ thấp kém, Công Giáo mới có thể phát động được những cuộc Thập Ác Chinh trong thời Trung Cổ, cũng như phạm những núi tội ác khác trong suốt dòng lịch sử gần 2000 năm. Chứng minh?

Trước hết, tại sao các Thập Ác quân (crusaders) lại bỏ nhà bỏ cửa, bỏ vợ con, bỏ ruộng đất, vườn tược để đi thiêu thân trong các cuộc thánh chiến, đối diện với những cuộc hành trình gian khổ, bệnh tật, đói khát v..v..? Chúng ta có thể đọc vài giải thích sau đây.

Trong cuốn Sử Lược (The Outline of History, Vol. 2, Garden City Books, New York, 1956), sử gia H. G. Wells viết như sau, trang 540:

“Trong thời đại ngu si đã có một sự sẵn sàng kỳ lạ tin rằng giới linh mục Công Giáo là thông thái và thánh thiện. Tương đối giới linh mục khá hơn và khôn ngoan hơn trong thời đó [đối với quần chúng, nhưng ngày nay thì khác, giới linh mục là giới kém hiểu biết nhất trong những giới trí thức].

Khởi đầu của các cuộc Thập Ác Chinh cho ta hình ảnh của toàn thể Âu Châu bị bão hòa bởi một Ki Tô Giáo [ý nói tập thể giáo dân Công giáo] ngây thơ, sẵn sàng tin cậy và đơn giản tuân theo sự chỉ đạo của giáo hoàng.”  5

Trong cuốn Năm Thế Kỷ Của Các Cuộc Thánh Chiến: Những Cuộc Thập Ác Chinh (Five Centuries of Holy Wars: The Crusades, Malcolm Billings, Sterling Publishing Co., Inc., New York, 1996), Jonathan Riley-Smith viết trong Lời Mở Đầu, trang 12:

“Tại sao họ (thập ác quân) ra đi? Họ sống trong một xã hội rất khác với xã hội của chúng ta. Đó là một xã hội của những tín đồ mà đức tin của họ đã được củng cố bởi một quan điểm về thiên nhiên và vũ trụ mà ngày nay chúng ta biết là sai nhưng ít nhất cũng phù hợp với kinh nghiệm của họ.

Những hành động độc ác tồi tệ của họ – sự bạo hành những người Do Thái không tự vệ trong cuộc “tàn sát tập thể đầu tiên”  [Trong cuộc Thập Ác Chinh đầu tiên (1096-1099), như chúng ta sẽ thấy, sự tàn sát tập thể những cộng đồng Do Thái trên đường tiến quân của những đoàn Thập Ác quân Công Giáo, ngày nay được coi như là “the First Holocaust”. TCN] – đã phạm bởi những người mà đầu óc của họ đã bị điều kiện hóa bởi ý niệm trả thù. Họ được giáo hội (Công Giáo) dạy là chiến đấu chống những người không tin đạo là biểu thị lòng yêu Thiên Chúa một cách quá sai lầm đến độ cuộc Thập Ác Chinh đối với họ là một hành động trả thù chống những người mà họ lên án là làm “ô danh Chúa Ki Tô”.  6

Trong cuốn Sự Mê Tín Cuối Cùng: Một Phê Bình Đánh Giá Di Sản Do Thái – Ki Tô (The Final Superstition: A Critical Evaluation of the Judeo-Christian Legacy, Prometheus Books, New York, 1994), Joseph L. Daleiden, một học giả Công Giáo, viết, trang 54:

“Cuộc Thập Ác Chinh thứ nhất được phát động bởi Giáo hoàng Urban II. Ông ta quạt những ngọn lửa thù hận chính đáng [vào đám tín đồ] bằng cách ban phép toàn xá – hoàn toàn tha thứ mọi hình phạt của Chúa vì những tội trong quá khứ – cho bất cứ người nào đi giết người cho danh dự và vinh quang lớn hơn của Thiên chúa. Nói cách khác, nếu Thập Ác quân bị giết, anh ta được bảo đảm là sẽ lên thiên đường ngay lập tức.”  7

Và sử gia Will Durant cũng viết trong bộ sử đồ sộ Câu Chuyện Về Nền Văn Minh (The Story of Civilization, quyển IV) về Thời Đại Của Đức Tin (The Age of Faith), trang 588, về những thành phần tham gia cuộc thánh chiến:

“Một “ơn toàn xá” xóa bỏ mọi hình phạt vì tội lỗi đã được ban cho những Thập Ác quân chết trận. Các nông nô được phép rời bỏ ruộng đất mà họ bắt buộc phải lao động trong đó; các công dân được miễn thuế; những kẻ nợ nần được hoãn trả tiền lời; các tù nhân được phóng thích, và các tử tội được đổi thành khổ sai ở Palestine, do quyền lực của giáo hoàng đã được suy diễn một cách trắng trợn. Nhiều ngàn kẻ du thử du thực tham gia cuộc trường chinh thiêng liêng.”  8

Sống trong thời đại mê tín, hấp dẫn bởi những hứa hẹn hoang đường, không đủ đầu óc để biết đâu là sự thật, những đạo binh Thập Ác, như chúng ta đã biết, không phải là những giáo dân đi “hành hương thánh địa” (sic), hoặc là những “giáo dân Âu Châu sốt sắng, đạo đức sau những năm tháng thấm nhuần tin mừng” (sic) như vài tác giả Công giáo Việt Nam đã viết láo [xin đọc bài của Ngô triệu Lịch], mà hầu hết là những đoàn quân ô hợp gồm những nông dân ngây thơ cuồng tín, những nông nô (serfs) được giải phóng để đi giết người cho Chúa, cùng với những kẻ thành tích bất hảo như các tội phạm (criminals), ăn trộm ăn cắp (thieves), du thử du thực ăn bám xã hội (vagrants) v..v... Vì vậy các đạo binh Thập Ác mới phạm phải những tội ác vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người. Lẽ dĩ nhiên, những đạo binh thập ác này bao giờ cũng có những cấp chỉ huy là Giám mục (bishops), Linh mục (priests), Hiệp Sĩ thời đại (knights), và những nhà quý phái (noble men), hầu hết không có kinh nghiệm quân sự.

Thật vậy, chúng ta hãy đọc vài đoạn tóm tắt các cuộc Thập Ác Chinh trong cuốn Những Sự Khủng Khiếp Mang Nhãn Hiệu Thánh: Một Lịch Sử Minh Họa Về Sự Chém Giết Và Điên Rồ Tôn Giáo (Holy Horrors: An Illustrated History of Religious Murder and Madness của James A. Haught), trang 19-27:

Giáo Hoàng Urban II phát động cuộc Thập Ác Chinh thứ nhất vào năm 1096 để cướp lại Thánh Địa từ những kẻ không tin đạo (Hồi giáo). “Thiên Chúa muốn thế” (Deus Vult = God will it) là tiếng kêu gọi để tập hợp đoàn Thập Ác quân (crusaders) [Chúng ta thấy sự bịp bợm trắng trợn của Giáo hoàng Urban II đối với đám tín đồ ngu dốt. Theo Công giáo, một trong những thuộc tính của Thiên Chúa là không ai có thể hiểu được (uncomprehensible) nhưng những tham vọng thế tục của giới giáo sĩ Công Giáo, từ Giáo hoàng trở xuống cho đến các linh mục, luôn luôn được diễn giải đó là “Ý Chúa” và các tín đồ ngu dốt cứ nhắm mắt mà tin và phạm đủ mọi tội ác. Người Công Giáo gọi crusaders là những “thánh giá binh” vì họ được dạy rằng, cái giá hình chữ thập mà người La Mã dùng để đóng đinh những tội phạm như ăn trộm, ăn cướp v..v..., một hình phạt thuộc loại man rợ nhất của người La Mã cổ xưa, đã trở thành cái “thánh giá” vì Giê-su của họ bị đóng đinh trên đó (cùng lúc với 2 tên ăn trộm). Charlie Nguyễn, một người Công giáo tỉnh ngộ đã phê bình: Nếu Giê-su bị treo cổ thì cái thòng lọng treo cổ Giê-su sẽ trở thành cái “thánh thòng lọng”. Qua những hành động của các “thánh giá binh” trong các cuộc Thập Ác Chinh mà chúng ta đọc sau đây, danh từ chính xác phải là “Thập Ác quân”. TCN]. Khắp Âu Châu, những đám người cuồng tín lúc nhúc trong những đoàn quân hỗn tạp ô hợp dẫn đầu bởi các linh mục có uy tín lôi cuốn quần chúng.  Nhiều chục ngàn người theo một linh mục dơ dáy, Peter the Hermit, người đã trưng ra một lá thư mà ông ta nói là Thiên Chúa đã viết cho ông ta và được Giê-su trao tận tay cho ông ta [Thiên Chúa là một sản phẩm tưởng tượng của con người, còn Jesus thì đã chết từ ngàn năm trước, thế mà sự bịp bợm của Peter the Hermit vẫn có người tin và đi theo ông ta để giết người] chứng nhận vai trò lãnh đạo của ông ta. Nhiều ngàn người khác theo linh mục Walter the Penniless.

Trong thung lũng sông Rhine ở Đức, một cánh Thập Ác quân đi theo một con ngỗng mà họ tin rằng chính là hiện thân của Thánh Linh để hướng dẫn họ. Cánh quân này hợp với cánh quân của Emich ở Leisingen, một lãnh tụ tuyên bố rằng một dấu Thập Ác đã hiện ra trên ngực ông ta như là một thánh dấu (holy sign) của một phép lạ. Emich quyết định là, trước khi đi trên 3200 cây số để giết những kẻ thù của Thiên Chúa ở vùng đất thánh, bổn phận tôn giáo của Thập Ác quân là phải giết “những kẻ không tin đạo trong giữa chúng ta”: những người Do Thái ở Mainz, Worms, và ở các thị trấn Đức khác. Đoàn Thập Ác quân tràn qua những cộng đồng Do Thái, chém giết và thiêu sống nhiều ngàn đàn ông, đàn bà, trẻ con không thể tự vệ. Nhiều người Do Thái, trong những khu đã dựng lên chướng ngại vật để ngăn chận đoàn Thập Ác quân, đã phải nuốt nước mắt giết con cái của mình rồi tự tử trước khi đoàn Thập Ác quân ô hợp tràn vào.

Những đoàn quân khác dẫn đầu bởi các linh mục Volkmar và Gottschalk cũng tàn sát tương tự những người Do Thái ở Prague và Regensburg ở Bavaria. Thỉnh thoảng, trong giờ phút cuối cùng, dưới ngọn gươm, các nạn nhân được cho một cơ hội sống sót bằng cách cải đạo vào Ki Tô Giáo.

Nhiều đoàn Thập Ác quân khác đi qua những xứ Ki Tô như Hung Gia Lợi (Hungary), Nam Tư (Yugoslavia) và Bulgaria.  Họ cướp bóc lương thực trong các vùng quê, gây nên những cuộc đánh nhau với dân và quân lính địa phương. Trong một cuộc đụng chạm, đoàn quân của Peter the Hermit đã giết 4000 dân Ki Tô ở Zemun, Yugoslavia, và thiêu rụi Belgrade gần đó. Nhiều ngàn Thập Ác quân đã chết trong những trận đánh hỗn loạn ở Bulgaria. Sau cùng, chỉ còn có một phần của những đoàn quân ô hợp là tới được đất Thổ (Turkey) của Hồi giáo, ở đó sau bị những đoàn quân Hồi giáo tàn sát gần hết.

Sau đó, những đoàn hiệp sĩ Ki Tô chuyên nghiệp đã được tổ chức để tham gia cuộc Thập Ác Chinh.  Các giám mục đi theo đoàn hiệp sĩ để ban phúc lành cho những hành động ác ôn của họ.  Những đoàn quân chuyên nghiệp này chặt đầu người Hồi giáo và đeo những đầu lâu như là chiến lợi phẩm. Sau một trận thắng ờ bờ bể Syria gần Antioch, Thập Ác quân mang về trại 500 đầu lâu. 300 đầu lâu được bêu trên các cọc để khủng bố tinh thần quân Hồi đang giữ thành Antioch. Những linh mục ghi sử ghi rằng một “Thập Ác quân giám mục” gọi những đầu lâu khủng khiếp đó là một cảnh ngoạn mục hoan hỉ cho dân Chúa. Trong thành Antioch, quân Hồi, để trả đũa, cũng chặt đầu các tín đồ Ki Tô rồi bêu hướng ra ngoài thành. Sau cùng Thập Ác quân đã tiến vào Antioch ngày 3 tháng 6, 1098, và giết mọi dân chúng trong đó.

Rồi một đoàn quân Hồi giáo tiến đến vây lại thành Antioch. Thập Ác quân trong thành thiếu lương thực, gần chết đói, và linh mục Peter Bartholomew tuyên bố rằng một thánh đã hiện ra trước ông ta trong một viễn tượng và tiết lộ cho ông ta biết là cây giáo đâm lên cạnh sườn Giê-su khi Giê-su bị đóng đinh được chôn ở dưới một nhà thờ trong Antioch. Cây Thánh Giáo (Holy Lance) được đào lên và là một thánh tích khích động sự cuồng nhiệt của Thập Ác quân. Họ xông ra ngoài thành trong một cuộc chém giết cuồng tín khiến cho quân Hồi phải bỏ trại mà chạy, để lại vợ đàng sau. Nhà ghi sử Fulcher ở Chartres hãnh diện ghi rằng: “Khi thấy những người đàn bà ở trong trại Hồi, Thập Ác quân Pháp không làm điều gì ác ngoài việc dùng giáo mác đâm xuyên vào bụng họ”.

Tiến vào Jerusalem, Thập Ác quân thanh tẩy cái thành thánh này bằng cách giết hầu như mọi người dân trong đó. Người Do Thái trốn trong giáo đường bị thiêu sống cùng với giáo đường. Thây người chất thành đống ngoài đường phố. Nhà ghi sử Raymond ở Aguilers ghi rằng: 

“Thật là những cảnh kỳ diệu. Rất nhiều người Hồi bị chặt đầu... Nhiều người khác bị dùng làm bia bắn tên hay bị ép phải nhảy từ những chòi cao xuống; nhiều người khác bị tra tấn trong nhiều ngày, rồi thiêu sống. Ngoài đường phố có hàng đống những đầu lâu, tay và chân.  Trong đền Solomon (đền thờ Thiên Chúa do Solomon dựng lên) ngựa lội trong máu ngập đến khuỷu chân, không phải, đến giây buộc yên ngựa. Thật đúng là một sự phán xét công bằng và tuyệt vời của Thiên Chúa, rằng chỗ này phải ngập đầy máu của những kẻ không tin Thiên Chúa. Trong hai thế kỷ sau đó, Hồi giáo chiếm lại nhiều phần trong Thánh Địa, đưa đến 7 cuộc Thập Ác Chinh khác của Ca Tô Giáo. Hầu hết những cuộc chinh chiến của Ca Tô Giáo này bắt đầu bằng sự tàn sát những người Do Thái ở Âu Châu.

Trong cuộc Thập Ác Chinh thứ ba, sau khi Richard the Lion-Hearted chiếm thành Acre (ở phía Tây Bắc Jerusalem. TCN) năm 1191, ông ta ra lệnh mang 3000 người dân trong thành, trong đó có nhiều đàn bà và trẻ em, ra giết ở ngoài thành. Các thây người được mổ banh bụng để tìm kiếm những châu báu có thể đã được nuốt đi. Các giám mục ngâm nga các bài kinh cầu nguyện tạ ơn Chúa. Nhà ghi sử Ambroise viết: “Mọi người đều bị giết. Vì đây là ân huệ của đấng sáng tạo”. Thánh Bernard ở Clairvaux đã chẳng nói khi phát động cuộc Thập Ác Chinh thứ hai: “Người Ki Tô thích thú trong cái chết của người ngoại đạo, vì như vậy Chúa Ki Tô đã được vinh danh”.

Trong cuộc Thập Ác Chinh thứ tư, các đoàn Thập Ác quân đã cướp sạch các thị trấn Ki Tô Constantinople và Zara. Cuộc Thập Ác Chinh của trẻ con năm 1212 là một thảm cảnh căn cứ trên niềm tin là Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh cho những đứa trẻ ngây thơ để chiến thắng quân Hồi. Hầu hết bọn trẻ bỏ mình mà không tới được Thánh Địa.

Sau cùng, mọi sự chấm dứt năm 1291 khi Hồi giáo chiếm lại những căn cứ cuối cùng của Ki Tô Giáo, Acre, và giết sạch những người Ki Tô trong đó để trả thù vụ Richard tàn sát người Hồi trước đó một thế kỷ. Thánh Địa lại nằm trong tay của Hồi Giáo. Hai thế kỷ giết chóc và tàn phá vô ích, chẳng được cái gì. 9

Về những thánh tích (holy relics) trong Công Giáo, như cây giáo đâm vào cạnh sườn Giê-su, tác giả James A. Haught có bình luận như sau, trang 24-25, chứng tỏ Công Giáo là tôn giáo mê tín bậc nhất trong thiên hạ, và các vị lãnh đạo Công giáo đã khai thác sự mê tín của đám tín đồ tới mức nào. Xin nhắc là, đi kiếm “thánh tích” ở vùng Thánh Địa là một động cơ khích động tín đồ tham gia vào các sự chém giết trong các cuộc Thập Ác Chinh:

Cái cây Thánh Giáo (Holy Lance) có đúng là thật hay không hay chỉ là ngụy tạo không được các linh mục ghi sử quan tâm. Giáo hội Ki Tô bị ám ảnh bởi việc kiếm ra và thờ phụng các “thánh tích”. Những mảnh của cây thập giá mà Giê-su bị đóng đinh trên đó, những mảnh thân thể các thánh (pieces of saints’ bodies), những giọt nước mắt còn ướt của Giê-su (still-wet tears shed by Jesus), những mảnh từ cái mũ gai Giê-su đội, những quần áo lót của Mary (Mary’s undergarments) – đó là những vật được gìn giữ trong các hộp châu báu trong mọi nhà thờ lớn. Một ông vua Saxony hãnh diện có được 17000 thánh tích, kể cả một cành trong bụi cây cháy của Moses và một cái lông cánh của thiên thần Gabriel. Nhà thờ Canterbury trưng bày một miếng đất sét còn lại sau khi Thiên Chúa dùng nó để nặn ra Adam (Canterbury Cathedral displayed part of the clay left over after God fashioned Adam.) Sử gia Charles Mackay nói rằng các nhà thờ Tây Ban Nha có 6 hay 7 cái xương đùi của Mary đồng trinh (six or seven thighbones of the Virgin Mary), và các nhà thờ khác có những móng chân của thánh Peter có thể chứa đầy một cái bị. Voltaire ghi rằng có 6 miếng da qui đầu cắt ra khi Giê-su làm lễ cắt bì; về sau các nhà nghiên cứu đếm được 15 (Voltaire noted that 6 sacred foreskins were snipped from Jesus at his circumcision; later researchers counted fifteen) 10

 

Trên đây chỉ là sự mô tả sơ lược những cuộc Thập Ác Chinh của Công giáo La Mã. Qua sự mô tả này, chúng ta hẳn đã thấy tất cả những sự tàn bạo và những điều cực kỳ mê tín trong tôn giáo đó. Vậy mà các tác giả Công giáo Việt Nam đã mô tả những cuộc Thập Ác Chinh như là những cuộc “hành hương thánh địa” (sic) của những “giáo dân Âu Châu sốt sắng, đạo đức sau những năm tháng thấm nhuần tin mừng” (sic). Hiển nhiên là đầu óc của họ thuộc loại hết thuốc chữa. Vấn đề là, trong thời buổi này, tại sao họ vẫn còn hi vọng lừa dối độc giả bằng những luận điệu bẻ cong sự thật. Có lẽ mục đích của họ không phải để cho đại chúng đọc mà chỉ để giữ tín đồ trong vòng ngu dốt, mê tín và cuồng tín. Đây chính là sách sách lược của giáo hội Công giáo toàn cầu từ xưa tới nay.

Thật vậy, chúng ta hãy đọc một đoạn trong bài NGƯỜI CÔNG GIÁO ĐÃ NÓI GÌ VỀ NHỮNG CUỘC THÁNH CHIẾN của tác giả Ngô Triệu Lịch, nói về những luận điệu bẻ queo sự thật của Giáo hội Công giáo dạy đám tín đồ ngu dốt mà một số con vẹt trí thức Công Giáo Việt Nam nhắc lại về các cuộc gọi là “Thánh chiến”:

  Bài viết này không phải là một “khảo cứu lịch sử” về các cuộc thánh chiến, do Giáo hội Rôma phát động. Nhưng thông qua “lịch sử thánh chiến”, người viết muốn đưa ra những nhận định của mình, về quan điểm của một số tác giả Công giáo người Việt, khi họ đề cập đến “thánh chiến” mà người viết  đã có dịp đọc qua trên các sách, báo, tạp chí, hoặc các website Công giáo…

Đại để, các tác giả Công giáo khi đề cập đến “thánh chiến”, họ đều có chung những nhận định mang tính hộ giáo, dù họ thừa nhận có những sai lầm nhất định trong các đợt phát động thánh chiến của giáo hội, nhưng tất cả đều vận dụng những quan điểm thần học cũ kỹ, lạc hậu, như: “ý chúa”, “sự quan phòng”, “chúa thánh thần dẫn dắt”… để biện minh cho những sai lầm ấy. Tâm lý tự ti, mặc cảm, là điều dễ thấy trong các lập luận. Ngụy biện, gượng ép, đổ lỗi cho hoàn cảnh lịch sử, cho sự hiếu chiến của Hồi giáo, cho những tham vọng chính trị của vua chúa các nước châu Âu, ngụy biện những cuộc thánh chiến do “mẹ giáo hội” phát động chỉ là sự tự vệ… Từ đó, hướng độc giả vào một cái nhìn “cảm thông”, vẽ ra chân dung của một Urban II “thánh thiện, dũng cảm và khôn ngoan”, một đoàn người hành hương “sốt sắng, đạo đức, thấm nhuần Tin Mừng”… Tội ác tày trời của đế quốc Vatican dưới ngòi bút của họ biến thành con số không…Và đặc biệt, họ say sưa ca ngợi “chúa quan phòng”, bắt “chúa” của họ phải “quan phòng” đến cả những tội ác mà giáo hội Công giáo La Mã đã gây ra cho nhân loại…

Để biện hộ cho sự hiếu chiến của “mẹ giáo hội” của họ, các tác giả Công giáo người Việt đã lập luận bát nháo, bất chấp sự tròng tréo, mâu thuẫn trong cùng một sự kiện. Ví dụ: Linh mục Phạm Đức Trị viết : “Có thể nói Ðức Urban II chỉ có ý mời gọi những binh lính đã từng cầm võ khí, và đã có kinh nghiệm gia nhập Ðạo Binh Thánh giá mà thôi, vì ngài có ý thiết lập một đội binh tinh nhuệ cho một cuộc thánh chiến. Nhưng không ngờ tiếng nói của ngài đã làm ảnh hưởng tới một Âu châu sốt sắng, đạo đức sau những tháng năm được thấm nhuần Tin Mừng.” (Lm. F.X. Phạm Ðức Trị, OMI. Giáo Hội Thời Ðạo Binh Thánh Giá, CD-rom vietcatholic 2001). Trong khi đó, lập luận của tác giả Đình Vượng hoàn toàn ngược lại: “Lời kêu gọi của Giáo hoàng Urbani II không nhằm vào các vua chúa phương tây, mà nhằm vào lòng quảng đại của người tín hữu. Sau lời kêu gọi của Giáo hoàng, tu sĩ Pierre L’Ermite và hiệp sĩ Adémar de Monteil chẳng biết gì về quân sự lại đứng ra tập hợp quần chúng thành những đoàn quân, kéo về Constantinople. Người Bazance hốt hoảng và Giáo hoàng Urbain đã không trù liệu một đoàn thập tự chinh ô hợp đã bị người Hồi tàn sát gấn hết ở Tiểu Á ” (Đình Vượng, Quan hệ Vatican và Giáo hội Công giáo, tr 269).

So sách hai trích dẫn của hai tác giả nêu trên, ta thấy, theo Lm Phạm Đức Trị, Giáo hoàng Urban II chỉ triệu tập những binh lính tinh nhuệ gia nhập đạo binh thánh giá, chứ không hề kêu gọi quần chúng tham gia. Những ông già, bà cả, trẻ con, tự nguyện tham gia thánh chiến, chẳng qua vì họ quá “sốt sắng, đạo đức sau những tháng năm được thấm nhuần Tin Mừng…”, chứ Giáo hoàng không hề kêu gọi họ. Ngược lại, tác giả Đình Vượng khẳng định: “Lời kêu gọi của Giáo hoàng Urbani II không nhằm vào các vua chúa phương tây, mà nhằm vào lòng quảng đại của người tín hữu”. Vì thế, Pierre L’Ermite và Adémar de Monteil là những người vốn mù tịt về quân sự, được giao trọng trách mang đoàn quân thập tự ô hợp đến Tiểu Á để cho quân Hồi giáo “nướng” sạch!... Cùng một sự kiện lịch sử, nhưng cả hai tác giả Công giáo này có hai lập luận mâu thuẫn, đối nghịch nhau. Tuy vậy, cả hai đều gặp nhau ở cùng một điểm: chạy tội cho “mẹ giáo hội” vốn đang rất sốt ruột vì quân Hồi chiếm giữ đất thánh Jêrusalem! Và cũng vì tín đồ rất “đạo đức, sốt sắng, thấm nhuần Tin Mừng !?” đang khao khát hành hương đất thánh… 

Sự kiện Giáo hoàng Urban II triệu tập công đồng Clermont kêu gọi "tái chiếm Jêrusalem, cứu đất thánh” là một vết nhơ khó tẩy của đế quốc Vatican. Dù muốn biện hộ thế nào thì cuộc chiến do Urban II phát động vẫn là một tội ác. Urban II đã lợi dụng lòng tin mù quáng của đám tín đồ cuồng tín, hứa "ban ơn toàn xá" để bảo đảm “phần rỗi linh hồn” cho họ, đẩy họ vào cuộc chiến không cân sức với đội quân tinh nhuệ Hồi giáo. Ðiều trớ trêu là những người tham gia thánh chiến vì ham mê "ơn toàn xá" của Giáo hoàng mà gia nhập chứ họ chưa hề qua một lớp huấn luyện quân sự nào. Kết quả là nhiều người trong đoàn quân ô hợp, vô kỷ luật và cuồng tín "lên thiên đàng thẳng cẳng" nhờ ơn toàn xá của Giáo hoàng!.. Phịa chuyện “tìm thấy chiếc mác đồng đâm cạnh sườn Chúa Giêsu dưới bàn thờ đền thánh Phêrô” để kích động sự cuồng tín của tín đồ, đẩy họ vào chỗ chết, dẫu có biện hộ thế nào, vẫn cứ là một tội ác.

Chúng ta thấy, trong 2000 năm nay, Giáo hội Công Giáo đã áp dụng triệt để chủ thuyết hắc ám, nghĩa là chủ truơng làm cho tín đồ trở thành ngu muội, tối tăm, với tâm cảnh nô lệ, hoàn toàn tuân phục giáo hội và bắt buộc phải tin rồi lập lại bất cứ luận điệu nào của giáo hội giải thích về bất cứ một vấn đề nào đó, bất kể là luận điệu đó hoàn toàn sai với sự thực.

Những cuộc Thập Ác Chinh của Công giáo kéo dài trong bao nhiêu năm? Tất cả các học giả đều đồng ý là cuộc Thập Ác Chinh đầu tiên khởi sự năm 1096. Nhưng những cuộc Thập Ác Chinh chấm dứt năm nào thì có nhiều công cuộc nghiên cứu đưa ra những năm khác nhau. Trước đây người ta thường cho rằng các cuộc Thập Ác Chinh chấm dứt vào năm 1396 hoặc chậm nhất là năm 1444. Các đây 50 năm, sử gia Steven Runciman viết Thập Ác Chinh chấm dứt năm 1464. Và rồi có những cuộc nghiên cứu khác đưa ra những niên kỷ như 1560 và 1571. Cuối cùng là năm 1798. Sinh viên ngày nay phải đối diện với 700 năm Thập Ác Chinh song song với lịch sử của toàn thể Âu Châu, từ Greenland đến Hi Lạp, từ Tây Ban Nha đến Nga, cùng với Tây Á, Bắc Phi và Châu Mỹ La Tinh, tùy theo các học giả định nghĩa Thập Ác Chinh như thế nào. 

Tuy nhiên, thường thì trong lịch sử Công giáo, người ta chỉ kể có 8 (hoặc 9, tùy theo quan niệm) cuộc Thập Ác Chinh chính (nhà trí thức Công giáo Võ Đức Hạnh đã gọi cuộc xâm lược Việt Nam của các giáo sĩ thừa sai Công giáo, sát cánh với thực dân Pháp, là "cuộc Thập Ác Chinh thứ 9"). Có học giả còn cho rằng Công giáo vẫn tiếp tục tung ra những cuộc Thập Ác Chinh, và một vài luận điệu thần học của nhóm Ki Tô hiếu chiến trong thế kỷ 20 đã dập theo khuôn của giáo hoàng Urban II và thánh Bernard (Much of the world of the crusaders is still in evidence. Some of the theology of the 20th century “militant” Christianity, now prevalent in Africa, Asia and South America, might well have come from the lips of Pope Urban II or St. Bernard of Clairvaux), dưới một hình thức khác với các cuộc Thập Ác Chinh trong thời Trung Cổ. 

Gần đây, có nhiều dư luận cho rằng cuộc xâm chiếm Iraq của Mỹ có hình thức một cuộc Thập Ác Chinh của Ki Tô Giáo chống Hồi giáo. Tổng thống Bush đã dùng danh từ “Thập Ác Chinh ” (crusade) sau vụ 11 tháng 9, 2000. Và tổng thống Bush cũng quyết định gạt Âu Châu ra ngoài, chỉ trao khế ước xây dựng lại Iraq cho những tổ chức Mỹ, coi đó như là phần thưởng cho những người ủng hộ chiến tranh (Chicago Tribune, Dec.12, 2003: President Bush says war’s backers should be rewarded).

Đại cương thì các cuộc Thập Ác Chinh trong thời Trung Cổ là do các giáo hoàng phát động hoặc cổ võ, khuyến khích và chấp thuận, và kết quả là những cuộc tàn sát tập thể người Do Thái, Hồi Giáo, và cả những người Ki Tô Giáo không cùng đức tin với Công Giáo, không đồng thuận và không chấp nhận quyền lực của giáo hoàng, vừa để tiêu diệt những người khác đạo, vừa để giành lại vùng Thánh Địa Jerusalem mà người Công giáo tin là thuộc về họ theo lời hứa của Chúa, và nhất là để cướp bóc vơ vét của cải thế gian.

Trong bài này, hiển nhiên tôi không thể viết đầy đủ về các cuộc Thập Ác Chinh của Công giáo, mà chỉ có thể đưa ra những nét chính của vài cuộc thánh chiến quan trọng nhất. Có ba cuộc Thập Ác Chinh phản ánh trung thực nhất sự tàn bạo của Công giáo La Mã và ảnh hưởng mê hoặc của Công giáo lên đầu óc con người, từ già tới trẻ: đó là cuộc Thập Ác Chinh đầu tiên (The First Crusade) với chủ đích chính là giành lại thánh địa Jerusalem và ngôi mộ Giê-su; cuộc Thập Ác Chinh Albigense (The Albigensian Crusade) để tận diệt những người Ki Tô không có cùng niềm tin với người công giáo; và cuộc Thập Ác Chinh của những đứa trẻ (The children’s Crusade) mà nguyên nhân là sự ngu dốt và cả tin của những đầu óc ngây thơ vào những điều hoang đường trong thánh kinh mà chúng được nghe giảng dạy.. Chúng ta đã biết sơ lược về cuộc Thập Ác Chinh thứ nhất và vài cuộc Thập Ác Chinh sau đó qua sự mô tả ở trên của James A. Haught. Sau đây tôi sẽ trình bày sơ lược về cuộc Thập Ác Chinh Albigense và cuộc Thập Ác Chinh của những đứa trẻ để chúng ta thấy rõ sự tàn bạo và mê tín của Công Giáo lên đến mức nào. Những phần viết sau đây được lấy từ những nguồn tài liệu khác nhau.

(Xem tiếp phần II.2)