Nhóm người gửi Bản Kiến Nghị không đặt tên đường hai giáo sĩ: “Chúng tôi bị khủng bố”

Nhật Linh / Tuổi Trẻ

http://sachhiem.net/DOITHOAI/Rhodes2.php

30-Dec-2019

TTO - "Từ ngày báo chí, dư luận công bố bản kiến nghị tạm dừng đặt tên đường hai vị giáo sĩ do chúng tôi đứng tên gửi TP Đà Nẵng, tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại lạ gọi đến chửi bới, dọa dẫm, thậm chí là khủng bố".

TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - giảng viên khoa lý luận chính trị Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế, một trong nhóm 11 người gửi đơn đề nghị TP Đà Nẵng hoãn việc đặt tên đường với hai giáo sĩFrancisco De Pina và Alexandre De Rhodes - chia sẻ với Tuổi Trẻ Onlinenhư vậy.

Cô Huyền nói "Chưa bao giờ thấy việc nghiên cứu khoa học lại mệt mỏi và nguy hiểm đến thế".

Cô Huyền cho biết đã là nghiên cứu khoa học bản thân sẵn sàng lắng nghe, phản biện, nếu các nhà khoa học khác có dẫn chứng xác đáng về vấn đề này thì cô sẵn sàng thay đổi quan điểm.

Chỉ đơn giản là khoa học

Cô kể khi nhận được lời đề nghị tham gia việc gửi kiến nghị từ PGS.TS Lê Cung, cô đã bảo với thầy nếu bản kiến nghị đó với nội dung phản ánh đúng lịch sử, khách quan, có dẫn chứng đúng đắn, khoa học và không vì mục đích tôn giáo hay chính trị, trên tinh thần xây dựng thì cô đồng ý tham gia.

Bản thân cô cũng thấy TP Đà Nẵng đang trưng cầu ý dân. Vì vậy, với tư cách là một nhà khoa học, cô Huyền đồng ý tham gia bởi cô thấy việc đặt tên đặt tên đường hai vị giáo sĩ còn nhiều việc phải làm rõ.

"Đã là nghiên cứu khoa học thì có đúng có sai, có quan điểm này đối lập với quan điểm kia. Phải có sự đối lập, tranh luận mới có sự phát triển. Tôi xin nhấn mạnh việc này với chúng tôi là nghiên cứu khoa học và không có mưu đồ chính trị, văn hóa hay gì khác ngoài khoa học" - cô Huyền nói.

Bị chửi bới, khủng bố

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, cô Huyền nói rất buồn và cảm thấy bị áp lực sau khi báo chí, mạng xã hội công bố bản kiến nghị kèm danh sách nhóm của cô gửi TP Đà Nẵng.

Ngay sau đó, số điện thoại cá nhân của cô bị "khủng bố" bởi nhiều cuộc gọi lạ. "Đa phần những cuộc gọi này gọi đến tôi để chửi bới với những lời lẽ tục tĩu nhiều hơn là để hỏi về vấn đề đặt tên đường. Không chỉ tôi mà các thành viên trong nhóm ai cũng bị vậy" - cô Huyền nói.

"Khi TP Đà Nẵng có ý muốn đặt tên đường, với tư cách là một người dân chứ chưa nói đến nhà nghiên cứu khoa học, tôi nghĩ việc có ý kiến về vấn đề này là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, dư luận chỉ vì việc này mà chửi bới chúng tôi dữ dội như vậy, thử hỏi sau này ai dám có ý kiến về những vấn đề xã hội như thế nữa" - cô Huyền tâm tư.

Cũng liên quan đến việc này, Tuổi Trẻ Online đã tìm đến nhà riêng của PGS.TS Lê Cung - người đứng thứ nhất trong danh sách kiến nghị TP Đà Nẵng tạm dừng đặt tên đường hai vị giáo sĩ. Tại đây, ông Cung chỉ nói rằng tất cả mọi tâm huyết, ý kiến của mình đã nêu rõ trong bản kiến nghị và xin không thông tin gì thêm nữa.

Tuổi Trẻ Online cũng đã liên lạc với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về việc này. Ông Xuân cũng nói rằng mục đích của việc gửi bản kiến nghị lên TP Đà Nẵng là tạm dừng việc đặt tên đường để tiếp tục nghiên cứu thêm. Trước mắt mục đích này đã thành công, TP Đà Nẵng cũng đã lắng nghe các nhà nghiên cứu nên ông Xuân nói rằng cũng không thông tin gì thêm.

Nhật Linh / Tuổi Trẻ

Nguồn https://tuoitre.vn/nhom...

__________________

Xem toàn văn Bản Kiến Nghị

http://sachhiem.net/DOITHOAI/Rhodes.php

_________________

Bài đọc thêm:

- Nhìn lại 100 năm chữ Quốc ngữ qua những khảo cứu quý giá. Nguyễn Thuận 22-12-2019

- Cần tôn vinh người Việt góp công hình thành chữ quốc ngữ. - Nguyễn Đông, Chủ nhật, 29/12/2019

- Đà Nẵng sẽ đặt tên đường "ông tổ" chữ Quốc ngữ khi điều kiện chín muồi. Hoàng Văn Minh 29/12/2019

- 100 năm tri ân, tôn vinh chữ Quốc ngữ! PHAN THỦY 1/1/2020

- Nhóm người gửi kiến nghị không đặt tên đường hai giáo sĩ: "Chúng tôi bị khủng bố"

- Những bài viết liên quan đến "Chữ Quốc Ngữ"

 

Trang Thời Sự