icon
< http://sachhiem.net/printemail.php?id=2002 >

Ứng Xử Thời Cuộc Của Trương Vĩnh Ký Có Hoàn Toàn Đúng Đắn Không

Facebook Giang Đoàn Lê (https://www.facebook.com/photo.php?fbid=396624907346753&set=a.150409148634998.1073741828.100009977416332&type=3&theater)

Giang Đoàn Lê với Tien Dang và 4 người khác.
Hôm qua lúc 6:48 •

ỨNG XỬ THỜI CUỘC CỦA TRƯƠNG VĨNH KÝ CÓ HOÀN TOÀN ĐÚNG ĐẮN KHÔNG?

TS. Vũ Ngự Chiêu, một học giả ở hải ngoại nổi lên gần đây như một nhà nghiên cứu lịch sử nghiêm cẩn vì tính công phu, xác thực về tư liệu của ông. Một hai chục năm trước ông đã cất công tìm tư liệu về Trương Vĩnh Ký ở các kho lưu trữ ở hải ngoại và trong nước và đã công bố nhiều tư liệu rất quý về Trương Vĩnh Ký. Trong các tài liệu đó, có bức thư "Petrus Key viết thư ra mắt Đại Nguyên Soái (Grand Chef) Pháp, van nài hạm đội Pháp hãy tấn công ngay các thành trì miền Nam để giải phóng giáo dân Ki-tô và dân tộc Việt dưới ách cai trị chuyên chế, bạc đãi giáo dân của nhà Nguyễn" (VNC). Tôi cứ thắc mắc: một người trí thức VN yêu nước có được phép làm việc ấy không, và cách ứng xử trước thời cuộc như thế của họ Trương có phải là cách thức hoàn toàn đúng không? Nói vậy tôi lại nhớ đến người trí thức mù cùng xứ với ông - Nguyễn Đình Chiểu, khi ông viết: "Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; Hơn còn phải chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ" (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Cách ứng xử nào tốt hơn? Điều này cần phải suy nghĩ chứ không nên nói ngay: cách của họ Trương là duy nhất đúng! TS. Vũ Ngự Chiêu có những kết luận khá nặng nề về Trương Vĩnh Ký, coi ông là tay sai cho thực dân (Xem ở dưới). Tôi thì tôi không nói vậy, tôi chỉ nói: "Trương Vĩnh Ký là một người đáng quý, một học giả đáng tự hào về học vấn của nước ta, nhất là trong buổi đầu tiếp xúc với phương Tây" (FB), vì nghĩ đến con người và đóng góp văn hóa của ông. Trương Vĩnh Ký từng băn khoăn về công và tội của mình: "Cuốn sổ bình sanh công với tội/ Tìm nơi thẩm phán để thừa khai", chứ đâu có nhẹ nhàng nhận vinh quang mà người Pháp hay người Việt trao.

TS. Vũ Ngự Chiêu khảo cứu công phu từng chi tiết một trước khi đưa ra kết luận, chứ không chỉ nghe nói rồi tuyên bố bốc đồng. Tôi lấy làm lạ, tại sao những tư liệu này lại không được đưa vào công trình "Petrus Ký - nỗi oan thế kỷ" của GS Nguyễn Đình Đầu để mọi người cùng suy nghĩ (dù những bài này được in ấn trên nhiều báo chí và nhiều trang mạng, chỉ cần gõ Google là có)?
Xin chép một vài nghiên cứu của TS Vũ Ngự Chiêu đăng trên Hợp Lưu để rộng đường dư luận.

Vài Tài Liệu Mới Về Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) (1837-1898)
17 Tháng Hai 2011 12:00 SA

Vũ Ngự Chiêu

Lời dẫn: Petrus Key (sau này sửa thành Trương Vĩnh Ký) thường được ca ngợi là một học giả lớn miền Nam. Ông cũng có công quảng bá loại tiếng Việt mới, tức quốc ngữ hiện nay mà các giáo sĩ Portugal và Espania đã sáng chế vào thế kỷ XVII.

Tuy nhiên, Petrus Key cũng đóng một vai trò đáng kể trong cuộc xâm lăng Việt Nam của Pháp. Ông là một trong những thông ngôn người Việt đầu tiên đã hợp tác với Pháp, bên cạnh những giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại đã tiềm phục trong vương quốc Đại Nam từ nhiều thế kỷ). Cấp chỉ huy Pháp đầu tiên mà Petrus Key phục vụ là Hải quân Trung tá Jean Bernard Jauréguiberry, Chỉ huy trưởng Sài Gòn từ tháng 3/1859 tới tháng 4/1860, người sau này thăng tiến tới chức Bộ trưởng Hải quân & Thuộc địa. Sau đó, Petrus Key làm việc liên tục cho Soái phủ Sài Gòn và rồi chính phủ Bảo hộ Pháp tới trước ngày nhắm mắt.

Hầu hết tư liệu Pháp đều công nhận Petrus Key là một "khai quốc công thần" của nền Bảo hộ Pháp, không những tại Nam Kỳ, mà còn trong toàn cõi Đông Dương. Năm 1876, chẳng hạn, Petrus Key làm một chuyến viễn du Bắc Kỳ, cung cấp tài liệu tại chỗ cho Thống đốc Duperré mưu chiếm miền Bắc, nhưng kế hoạch này không được Paris chấp thuận. Năm 1886, "ẩn sĩ" Petrus Key ra Huế, làm trong Cơ Mật Viện để huấn luyện vua Đồng Khánh (1885-1889) biết đồng hóa quyền lợi bản thân với quyền lợi Đại Pháp–tức tách biệt Bắc Kỳ ra khỏi ảnh hưởng Huế, đổi lại, được phần nào tự trị trong các tỉnh còn lại của Trung Kỳ, từ Thanh-hóa vào Bình-thuận; và chiêu mộ các lãnh tụ Cần vương về hàng dưới chiêu bài "an phủ." Nhờ vậy, được Tổng Trú sứ Paul Bert ân thưởng Đệ ngũ đẳng Bảo quốc Huân chương, một loại huân chương cao quí mà bao công dân Pháp thèm muốn. Năm 1888, Petrus Key cũng được sử dụng vào kế hoạch điều đình với Xiêm La để sát nhập vương quốc Lào vào lãnh thổ Liên bang Đông Dương thuộc Pháp.

Dưới thời Pháp thuộc, Petrus Key còn được coi như "nhà văn hóa lớn" của nền quốc ngữ mới qua một số tác phẩm "đồ sộ" của ông. Thực ra, toàn bộ công trình văn hóa của Petrus Key chẳng có gì khác hơn những bài giảng dạy tại trường Thông ngôn Pháp ở Sài Gòn, kể cả vài cuốn tự điển loại bỏ túi và hai cuốn "cổ tích" bằng Pháp ngữ mang tựa Cours d’ờhistoire annamite [Bài giảng sử An Nam] dành cho các trường ở Nam Kỳ (1875-1877). Ngoài ra, Petrus Key còn có thời gian phụ trách tờ Gia Định Báo của Soái phủ Sài Gòn, và tự chủ trương tờ Thống Loại Khóa Trình, một thứ học báo dùng làm sách giáo khoa cho các học sinh tiểu học Nam kỳ.

Dưới thời Pháp thuộc, tên Petrus [Trương Vĩnh] Ký được dùng đặt cho tên một trường Bảo hộ Pháp lớn nhất miền Nam ngay tại Sài Gòn. Sau ngày Pháp tái chiếm miền Nam, và cho tới năm 1975, trường Petrus Ký vẫn là một trường trung học công lập danh tiếng miền Nam. Để biện minh cho việc lấy tên Petrus Ký đặt tên cho ngôi trường từng đào tạo hàng chục ngàn nhân tài này, người ta vời vẽ ra hàng trăm giai thoại về sự tài giỏi, thiên tài về ngôn ngữ, v.. v... của Petrus Key, khiến khó biết chi tiết nào thực, chi tiết nào giả.
Trong dịp nghiên cứu tại Paris từ năm 1996 tới 2000, chúng tôi tìm được một số tư liệu có thể giúp đóng góp về việc tìm hiểu và tái dựng lại cuộc đời và sự nghiệp Trương Vĩnh Ký.

1. Thứ nhất, người mà chúng ta biết như Petrus Ký hay Trương Vĩnh Ký, Pétrus Trương Vĩnh Ký, hay Pierre J.B. Trương Vĩnh Ký hiện nay thoạt tiên chỉ xuất hiện với cái tên ngắn ngủi "Petrus Key," hoặc "chú Ký."

a. Có ba tài liệu giúp khẳng định Petrus Key là Trương Vĩnh Ký sau này.

(1) Tài liệu thứ nhất là thư Petrus Key gửi cho Hải Quân Trung tá Jean Bernard Jauréguiberry vào tháng 3/1859.
Đây là lá thư ra mắt của Petrus Key với Jauréguiberry và quan tướng Pháp, ca ngợi công ơn binh đội Pháp như những thiên thần được Thượng đế gửi xuống cứu giúp giáo dân Ki-tô Việt Nam. (Đã công bố trên nguyệt san Quốc Dân năm 1996, và bị trộm cắp trích đăng đó đây)

(2) Tài liệu thứ hai là danh sách phái đoàn thông ngôn của Soái phủ Pháp, dưới quyền Trung tá Henri Rieunier, được cử tháp tùng sứ đoàn Phan Thanh Giản qua Pháp và rồi Espania vào tháng 7 năm 1863.
Danh sách này xếp chữ typo, với phụ chú chữ Hán ở phía tay trái, và có chữ ký chứng thực của Rieunier. Phần sắp chữ typo, chỉ đề tên "Petrus Key, Giáo sư trường Thông ngôn." Phần chữ Hán, có thêm chi tiết: nhất đẳng thông ngôn Trương Vĩnh Ký. (Đã trích đăng trong Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con người & Huyền thoại, tập I (1997); & Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, tập I (1999))

(3) Tài liệu thứ ba là bản dịch thư sứ đoàn Việt gửi "Phó vương" Alexandrie, cảm tạ sự tiếp đón nồng nhiệt sứ đoàn.
Dưới bản dịch Pháp ngữ này có chữ ký Petrus Trương Vĩnh Key; và lời thị thực của Trung tá Rieunier.

(4) Mới đây, trong dịp làm việc tại Kho Lưu Trữ Quốc Gia 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi được tham khảo thêm một số tài liệu về việc mua bán sách của Petrus Key trước và sau ngày ông từ trần...

Xem: http://hopluu.net/a183/vai-tai-lieu-moi-ve-petrus-key-truong-vinh-ky-1837-1898#cmm_item_197676
...