Thông điệp chính trị cuối cùng của Bertrand Russell về Palestine (1970) Bertrand Russell/ Lê Dọn Bàn dịch http://sachhiem.net/SACHNGOAI/snL/LeDonBan/LDB17.php Lời đầu (LDB): Bertrand Russell mất ngày 2 tháng 2 năm 1970, thọ 98 tuổi. Hai ngày trước đó, ông đã soạn một thông điệp gửi tới Hội Nghị Quốc Tế Những Dân Biểu Quốc Hội, sắp họp ở Cairo, đương khi những không kích của Israel đang tiến sâu vào lãnh thổ Egypt. (Chiến tranh Tiêu hao giữa Israel-Egypt, 1967-1970, sau Chiến tranh Sáu ngày,1967). Thông điệp này của Russell đã đọc trong hội nghị, sau khi ông mất một ngày trước đó (ở Wales, U.K). Trong thông điệp chính trị này, ông nhận xét rằng: “Bi kịch của người dân Palestine là đất nước của họ đã bị một thế lực ngoại bang “trao” cho một dân tộc khác để thành lập một nhà nước mới. Kết quả là hàng trăm ngàn người dân vô tội bị biến thành vô gia cư vĩnh viễn. Với mỗi xung đột mới, số lượng của họ lại tăng lên.” Russell nói với nhiệt tình nhân đạo và khách quan chính trị trong sáng của ông. Hơn 50 năm đã trôi qua, thảm kịch bất công gây ra cho những người dân Palestine, như ông mô tả, vẫn tồn tại và ngày càng sâu dày hơn. Giờ đây, con số đau thương những người sống đày ải trên quê hương của chính họ đã tăng lên trăm vạn lần. Thảm họa Nakba, tên gọi thảm họa lịch sử của cướp đất, chết chóc và lưu vong của dân Palestine, từ lâu đã chuyển thành một thảm kịch diệt chủng được chế độ chế độ a-pac-thai Israel tiến hành khốc liệt trong những vùng đất Palestine “tạm” chiếm, như đang diễn ra ở Gaza: Nhà Tù Ngoài Trời hay cũng còn gọi là Trại Cưỡng Bách Tập Trung Lộ Thiên lớn nhất thế giới hiện nay. Thông điệp chính trị cuối cùng của Bertrand Russell về Chiến tranh Palestine-Israel Bertrand Russell T Phát biểu này về Trung Đông đã viết ngày 31 tháng 1 năm 1970 và đã đọc, trong một buổi họp của Hội nghị Quốc tế những dân biểu quốc hội, ở Cairo, Egypt, vào ngày 3 tháng 2, 1970. Giai đoạn mới nhất của chiến tranh không tuyên bố ở Trung Đông dựa trên một tính toán sai lầm sâu xa. Những ném bom vào sâu trong lãnh thổ Egypt sẽ không thuyết phục được những người dân thường đầu hàng, nhưng sẽ củng cố sự quyết tâm kháng cự của họ. Đây là bài học của tất cả những cuộc oanh tạc từ trên không.
Người Việt Nam đã phải chịu đựng nhiều năm ném bom hạng nặng của Mỹ, họ đã đáp trả không bằng đầu hàng nhưng bằng bắn hạ thêm nhiều máy bay địch.[2] Năm 1940, đồng bào U.K. của tôi cũng đã chống lại những trận ném bom của Hitler với sự đoàn kết và quyết tâm chưa từng có. Vì lý do này, những tấn công hiện tại của Israel sẽ thất bại trong mục đích cơ bản của chúng, nhưng đồng thời chúng phải bị lên án mạnh mẽ trên toàn thế giới. Sự phát triển của khủng hoảng ở Trung Đông vừa nguy hiểm vừa đem cho những bài học về quan hệ quốc tế, động lực của quyền lực và chiến thuật vốn những đế quốc dùng trong chiến tranh thực dân xâm lược. Trong hơn 20 năm, Israel đã bành trướng bằng vũ lực chính trị và quân sự. Sau mỗi giai đoạn trong tiến trình bành trướng này, Israel đều đã kêu gọi “lý trí” và đã đề nghị “đàm phán”. Đây là vai trò truyền thống của quyền lực đế quốc, bởi vì nó mong muốn củng cố một cách ít khó khăn nhất những gì nó đã chiếm đoạt được bằng bạo lực. Mỗi chinh phục mới đều trở thành cơ sở mới cho đàm phán được đề nghị từ sức mạnh, bỏ qua sự bất công của xâm lược trước đó. Hành động xâm lược của Israel phải bị lên án, không chỉ vì không quốc gia nào có quyền sáp nhập lãnh thổ nước ngoài, nhưng vì mỗi bành trướng là một thí nghiệm để dò xem thế giới sẽ có thể chịu đựng thêm sự xâm lược đến mức nào. [3] Gần đây, nhà báo I.F. Stone của Washington đã mô tả những người tị nạn quanh Palestine với số lượng hàng trăm nghìn người như “cối đá đạo đức tròng quanh cổ những người Jew trên thế giới”. Nhiều người tị nạn hiện đã bước vào thập kỷ thứ ba của đời sống bấp bênh trong những khu định cư tạm thời. Bi kịch của người dân Palestine là đất nước của họ đã bị một thế lực ngoại bang “trao” cho một dân tộc khác để thành lập một Nhà nước mới. Kết quả là hàng trăm ngàn người dân vô tội bị biến thành vô gia cư vĩnh viễn. Với mỗi xung đột mới, số lượng của họ lại tăng lên. [4] Thế giới sẵn sàng chịu đựng cảnh tượng tàn ác vô độ này bao lâu nữa? Rõ ràng là những người tị nạn có mọi quyền được trở về quê hương nơi họ bị đuổi ra khỏi đó, và việc từ chối quyền này là tâm điểm của xung đột đang tiếp diễn. Không một người dân nào trên thế giới chấp nhận bị trục xuất tập thể khỏi chính đất nước của họ; làm sao một ai có thể yêu cầu người dân Palestine phải chấp nhận một hình phạt vốn không ai khác có thể dung thứ được? Một sự định cư công bằng lâu dài trên quê hương của họ là một thành phần thiết yếu của bất kỳ chương trình định cư thực sự nào ở Trung Đông. Chúng ta thường được khuyên rằng chúng ta phải thông cảm với Israel vì sự đau khổ của người Jew ở Europe, dưới bàn tay của Nazis. Tôi thấy trong ý nêu lên này không có lý do gì để kéo dài bất kỳ sự đau khổ nào. Những gì Israel đang làm ngày nay không thể tha thứ được, và viện dẫn những kinh hoàng trong quá khứ (của họ) để biện minh cho những kinh hoàng (của Palestine) trong hiện tại là đạo đức giả trắng trợn. Israel không chỉ buộc một số lượng lớn. những người tị nạn phải chịu khốn khổ; không chỉ nhiều người Ả Rập dưới đất chiếm đóng bị kết án tù đày dưới sự cai trị của quân đội; nhưng Israel cũng buộc những quốc gia Ả Rập khác, vốn chỉ mới thoát khỏi tình trạng thuộc địa gần đây, phải tiếp tục rơi vào tình trạng bần cùng khi những nhu cầu quân sự chiếm ưu tiên trong sự phát triển quốc gia (của họ). Tất cả những ai muốn chấm dứt sự đổ máu ở Trung Đông phải bảo đảm rằng bất kỳ giải pháp dàn xếp nào cũng không chứa đựng mầm mống của xung đột trong tương lai. Công lý đòi hỏi rằng bước đầu tiên hướng tới một giải pháp phải là một sự rút quân Israel khỏi tất cả những vùng lãnh thổ đã chiếm đóng vào tháng 6 năm 1967. Cần có một chiến dịch thế giới mới, để giúp vào việc mang lại công lý cho dân chúng đang chịu đau khổ đã từ lâu ở Trung Đông. [5] Bertrand Russell Jan, 1970 Lê Dọn Bàn tạm dịch – bản nháp thứ nhất (Nov/2023) http://chuyendaudau.blogspot.com/ http://chuyendaudau.wordpress.com _____________ [1] Dịch từ Message to New York Session of the Russell Tribunal on Palestine - Bertrand Russell Peace Foundation - http://www.russfound.org/... Message.htm. Toàn bài văn ở đây: https://www.connexions.org/CxLibrary/... RussellMidEast.htm
[2] Viết năm 1970, ở đây Russell nói về Chiến dịch Sấm Rền (Operation Rolling Thunder): chiến dịch ném bom của Mỹ xuống miền Bắc VN, kéo dài từ năm 1965 đến năm 1968. Một trong số những phi công Mỹ, sau nổi tiếng, đã bị bắn rơi trong chiến dịch này là John McCain. Cũng nhắc lại, sau đó là những trận ném bom khốc liệt hơn và thường được nhắc nhở nhiều hơn – như Chiến dịch Linebacker (Operation Linebacker, I & II). Linebacker II, nổi tiếng với tên gọi Christmas Bombing (Vụ đánh bom ngày Giáng sinh), diễn ra vào Dec18-29, 1972, đặc biệt nhắm vào Hà Nội và Hải Phòng, bằng những đợt oanh tạc dữ dội từ trên không. Những trận oanh tạc, nhằm đẩy miền Bắc Việt Nam “trở lại thời đồ đá” (bắt đầu mãnh liệt từ 1965) đã là một trong những yếu tố quan trọng, thúc đẩy Bertrand Russell (Anh), và Jean-Paul Sartre (Pháp), cùng với hỗ trợ của những nhà trí thức và hoạt động nhân quyền nổi tiếng khác trên thế giới (như Noam Chomsky (Mỹ).đi đến thành lập Tòa án Tội phạm Chiến tranh Quốc tế, còn gọi là Tòa án Russell (the International War Crimes Tribunal, hay The Russell Tribunal, hay Russell–Sartre Tribunal, hay Stockholm Tribunal). Bắt đầu với phiên tòa đầu tiên ở Stockholm vào năm 1966, Tòa án đã triệu tập ở nhiều thành phố khác nhau trên thế giới, gồm Roskilde (Đan Mạch), Rome và Paris. Trong những phiên tòa này, những nhân chứng, chuyên gia và nạn nhân đã cung cấp lời khai và bằng chứng về tội ác chiến tranh ở Việt Nam, trình bày nhiều tài liệu và tường thuật của những nhan chứng trực tiếp về cuộc chiến đang diễn ra ở Việt Nam. Sau cúng Tòa án Tội phạm Chiến tranh Quốc tế về Chiến tranh Việt Nam kết luận rằng U.S. thực sự đã phạm những tội ác chiến tranh và vi phạm luật pháp quốc tế trong Chiến tranh Việt Nam. [3] Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, diễn ra giữa Israel và những nước láng giềng Egypt, Jordan và Syria, dẫn đến sự “bành trướng bằng vũ lực chính trị và quân sự” của Israel với sự chiếm đóng những vùng lãnh thổ, gồm Bán đảo Sinai và Gaza (từ Egypt). West Bank và Đông Jerusalem (từ Jordan), cũng như Cao nguyên Golan (từ Syria).
[4] Cuộc khủng hoảng người tị nạn Palestine nổi lên sau cuộc Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948, được người Palestine gọi là Nakba (tiếng Ả Rập: النكبة, > Nakbah : “thảm họa”), còn gọi là Thảm họa của dân Palestine, là sự cưỡng bức di cư và cướp đất người Palestine của chính quyền Israel, qua đó hủy hoại xã hội, văn hóa, bản sắc, quyền chính trị và khát vọng dân tộc của họ) khiến hàng trăm nghìn người Palestine phải chịu thảm họa mất làng mất đất. Ước tính về số người tị nạn Palestine theo tài liệu dược nhìn nhận rộng rãi cho thấy hàng trăm nghìn người đã buộc phải rời bỏ vườn ruộng nhà cửa trong và sau xung đột năm 1948. Nhiều người bỏ chạy hoặc bị trục xuất khỏi những vùng lãnh thổ đã thành Nhà nước Israel mới, với hy vọng quay trở lại sau khi xung đột được giải quyết. Một số người Palestine phải di tản trong nước,như West Bank và Gaza, trong khi những người khác lánh nạn ở những nước láng giềng, như Jordan, Lebanon và Syria.. Ngoài ra, những người tị nạn đã thành lập những cộng đồng ở Egypt và những quốc gia khác,trên thế giới, tạo thành một cộng đồng Palestine hải ngoại rộng khắp, sau biến cố 1948. Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hiệp quốc dành cho Người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) cung cấp hỗ trợ cho khoảng 5,7 triệu người tị nạn Palestine ở Palestine, Jordan, Lebanon và Syria, cũng như hàng triệu người khác ở hải ngoại. Con số này gồm những người tị nạn ban đầu từ năm 1948 và những con cháu của họ. Những người tị nạn Palestine và quyền hồi hương của họ vẫn là một vấn đề trung tâm và tranh luận trong xung đột Israel-Palestine. A. Xung đột Palestine-Israel có thể được nhìn/hiểu qua năm mô hình. 1. Mô hình thứ nhất: một xung đột đặc biệt duy nhất: biện luận rằng xung đột này tự nó là sui Generis (độc nhất), không thể so sánh với bất kỳ xung đột nào khác. Coi xung đột bắt nguồn từ sự lập quốc Israel của phong trào Phục quốc Do Thái (Zionism), đi ngược lại với những nguyện vọng của người Palestine bản địa. Mô hình này nảy sinh những thách thức trong việc loại trừ bối cảnh và những chi tiết của khoa học lịch sử so sánh. 2. Mô hình thứ hai: Xung đột tôn giáo: Đây là Quan điểm phổ thông sai lầm cho rằng xung đột chủ yếu là tôn giáo. Tôn giáo đóng vai trò biểu tượng trong những tranh chấp về những nhà thờ trong vùng thánh địa Jeruzalem, nhưng không phải là cốt lõi của xung đột. 3. Mô hình thứ ba: một xung đột giữa những quốc gia: Nhìn như xung đột giữa quốc gia Israel với những quốc gia Ả Rập và (đặc biệt) Iran. Mô hình này đã giảm thiểu sự quan trọng của xung đột cốt lõi giữa những người Jew-Ziônnít and và những người Ả Rập-Palestine 4. Mô hình thứ tư: Một xung đột sắc tộc hoặc dân tộc: Nêu bật cuộc đấu tranh giữa dân tộc Israel và dân dân tộc Palestine vì cùng một vùng đất (Palestine vs the Land of Israel, or the Holy Land). Những vấn đề cốt lõi gồm những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, Jerusalem, những khu định cư và quyền của những người tị nạn Palestine 5. Mô hình thứ năm: Một xung đột giữa người định cư và thuộc địa: Tập trung vào những người định cư Jews đến từ châu Âu nhằm thay thế người dân bản địa Palestine qua vũ lực, và những biện pháp pháp lý thống trị. Mô hình này giải thích được nguồn gốc của những xung đột trong việc dành chiếm đất và tản cư/định cư tị nạn. Mô hình thuộc địa-định cư (Mô hình 5) mang tính bao quát hơn từ nội dung lịch sử rộng lớn hơn của nó. Nó đem cho một sự hiểu biết sâu xa hơn, bằng xem xét: a. Nguồn gốc của những người định cư Jews, chủ yếu đến từ châu Âu vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Cho thấy làn sóng người định cư châu Âu đến Palestine không chỉ nhằm mục đích cai trị nhưng còn thay thế người dân bản địa, ngấm ngầm thực hiện thanh lọc sắc tộc (Ethnic cleansing) b. Vai trò quan trọng của chủ nghĩa đế quốc Anh trong việc hỗ trợ thu tóm đất đai, định hình chính trị kinh tế và những chiến tranh đi đến trục xuất người Palestine (sau đó là ủng hộ kinh tế của Germany từ mặc cảm tội lỗi ‘diệt chủng’ của Nazis ở nước này, và sự ủng hộ tuyệt đối về chính trị quân sự kinh tế của Mỹ với Israel, từ ý định thực dân – dùng Israel như một ‘tiền đồn’ kiềm chế những quốc gia Ả Rập, duy trì đặc quyền kinh tế lâu dài trong khai thác dầu khí ở Trung Đông. c. Nỗ lực liên tục trong việc xua dân cướp đất và thiết lập những nông trường kibbutz ban đầu đến những vùng đất chiếm đóng, và những khu định cư đô thị, bao quanh những vùng cư dân Palestine, thu hẹp địa bàn sinh sống của người Palestine. Tất cả cho thấy sự tàn khốc này đã gây những intifada bạo động trong xung đột này Mô hình này có nhiều tương đồng, khi so sánh chế độ phân biệt chủng tộc apartheid Israel hiện nay với chế độ phân biệt chủng tộc apartheid ở Nam Phi trước đây (Trong thời kỳ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, Israel là nước ủng hộ mạnh mẽ và đáng chú ý nhất cho Nam Phi, mở rộng hỗ trợ quân sự, kinh tế và ngoại giao mạnh mẽ cho chính phủ Nam Phi. Gồm bán vũ khí và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Chủ yếu là tình báo quân sự, chiến lược quốc phòng và vũ khí quân sự nhằm kiểm soát và ngăn chặn phản kháng của dân chúng bản địa.). So sánh như trên cho thấy những đặc điểm lịch sử chung của chủ nghĩa thực dân-định cư và những xung đột đang diễn ra do những nguồn gốc này. Cả hai khu vực Palestine và South Africa đều diễn ra quá trình cưỡng bách di cư/ định cư của những người châu Âu, dẫn đến sự mất quyền sở hữu đất đai của dân bản địa. Tuy nhiên, điều kiện cụ thể và động lực của chúng khác nhau. Ở Nam Phi, chế độ phân biệt chủng tộc apartheid đã thể chế hóa sự phân biệt chủng tộc được trong một thời gian cho đến khi chế độ này xụp đổ (1994). Trong khi xung đột giữa Israel/Palestine của chế độ phân biệt chủng tộc apartheid Israel xoay quanh vấn đề lãnh thổ, quyền của người tị nạn và những tranh chấp đất đai cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cả hai trường hợp đều là những thể hiện của những tác động lâu dài của chủ nghĩa thực dân-định cư và những thách thức trong việc giải quyết những xung đột có nguồn gốc sâu xa bắt nguồn từ những nền tảng lịch sử này. B. Xung đột Israel-Palestine đã diễn ra trong nhiều chục năm và tình hình rất phức tạp và nhiều mặt. Bắt đầu với Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948 cho đến những chiến tranh diễn ra ở Gaza gần đây, giữa Israel và Hamas. [Hamas (حماس) = “nhiệt huyết/sôi nổi/nóng bỏng, viết tắt của “Harakat al-Muqawamah al-Islamiyyah” (حركة المقاومة الإسلامية) = Phong trào Kháng chiến Islam, một tổ chức chính trị quân sự của người Palestine thành lập năm 1987 trong, nổi dậy Intifada lần thứ nhất của Palestine chống Israel, ở Gaza]: Chiến tranh Gaza 2008-2009 (27 tháng 12 năm 2008 – 18 tháng 1 năm 2009), Xung đột Gaza năm 2012: 14 tháng 11 năm 2012 – 21 tháng 11 , 2012. Chiến tranh Gaza 2014: Ngày 8 tháng 7 năm 2014 – 26 tháng 8 năm 2014. Xung đột Israel-Hamas (10 tháng 5 năm 2021 – 21 tháng 5 năm 2021. Và cuộc xung đột kịch liệt hiện tại giữa Israel và Hamas, bắt đầu ngày 7 tháng 10 năm 2023, khi những chiến binh Hamas tiến hành một cuộc đột kích thành công chưa từng có, vào Israel. Những chiến tranh liên tục xảy ra ở Palestine, điển hình như trên, đều bắt nguồn từ sự xung đột giữa Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism) và chủ nghĩa dân tộc Ả Rập (Arab nationalism) từ cuối thế kỷ 19, (như những mô hình xung đột nói trên)., Russell, trong thông điệp chính trị này, đã nói rõ, về những gì vẫn còn gọi là Vấn đề Palestine (The question of Palestine chỉ chung những vấn đề chính trị và lãnh thổ phức tạp, tồn tại lâu dài quanh xung đột Israel-Palestine. Nó bao trùm nhiều phương diện khác nhau, gồm sự thiết lập nhà nước Israel, xua dân chiếm đất khiến dân bản địa Palestine – hàng trăm ngàn người dân vô tội bị biến thành vô gia cư vĩnh viễn. Với mỗi xung đột mới, số lượng của họ lại tăng lên”, tình trạng phân cắt của Jerusalem, những biên giới của Israel, cũng như những quyền (hồi cư) và chủ quyền lãnh thổ của dân Palestine. – tất cả đòi hỏi một giải pháp chính trị vĩnh viễn, không phải quân sự với những chiếm đóng ‘tạm thời’ – “muốn chấm dứt sự đổ máu ở Trung Đông phải bảo đảm rằng bất kỳ giải pháp dàn xếp nào cũng không chứa đựng mầm mống của xung đột trong tương lai. Công lý đòi hỏi rằng bước đầu tiên hướng tới một giải pháp phải là một sự rút quân Israel khỏi tất cả những vùng lãnh thổ đã chiếm đóng”. Tất cả thuận hợp với những gì Clausewitz đã từng nói về chiến tranh, – chiến tranh thực sự là một sự tiếp tục của chính trị bằng nhũng biện pháp bạo lực, Chiến tranh là một sức mạnh hủy diệt được thúc đẩy bởi động cơ chính trị và nó cũng thừa nhận sự hiện diện của những hạn chế về đạo đức, cho thấy rằng ngay cả khi theo đuổi các mục tiêu chính trị qua chiến tranh, vẫn có những giới hạn về đạo đức cần phải cân nhắc (“war is seen as the continuation of politics through violent means. According to him, war is not a game but a destructive act of violence, guided by political motives and morality”. Điều kể sau – những hạn chế về đạo đức – hoàn toàn thiếu vắng, đưa đến những thảm khốc hiện đang diễn ra ở Gaza cho những người dân vô tội – vốn một nửa là phụ nữ và trẻ em. Nan nhân của một trả thù kinh hoàng đến từ một một trừng phạt tập thể (collective punishment) tàn ác trên 2 triệu người dân Gaza đang điêu đứng trong Trại Cưỡng Bách Tập Trung Lộ Thiên lớn nhất thế giới hiện nay.
Nguồn https://chuyendaudau.blogspot.com/2023/11/russell-thong-iep-chinh-tri-cuoi-cung.html#more, ngày Tuesday, November 7, 2023
|