Có Người Thiếu Uý Giao Liên Tình Báo Thầm Lặng Như Thế

Có Người Thiếu Uý Giao Liên Tình Báo Thầm Lặng Như Thế

Nguyễn Quang Chánh

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenQuangChanh03.php

12-Jan-2023

Chú Tư Cang nói, tất cả những người giao liên tình báo của Cụm H.63 đều xứng đáng là những người anh hùng bởi họ là thành viên của một tập thể ANH HÙNG

 

Cụm tình báo chiến lược H.63 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cụm tình báo lập được thành tích đặc biệt xuất sắc với điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn. Đây là cụm tình báo duy nhất được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND khi cuộc chiến đấu còn đang hết sức ác liệt vào năm 1971. Không có Cụm tình báo nào được tuyên dương anh hùng lại có tới 4 thành viên cũng được tuyên dương anh hùng như Cụm H.63.

Mấy năm gần đây, một số tài liệu tình báo của chúng ta cũng được giải mật nên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội mới có dịp tiết lộ cho công chúng những chiến công tình báo đặc biệt xuất sắc của các điệp viên trong cuộc đọ sức cam go với địch. Chú Tư Cang, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo H.63 kể với tôi, tình báo của chúng ta là tình báo của nhân dân, dựa vào dân để tồn tại và hoạt động. Đằng sau những điệp viên của chúng ta được cài cắm sâu trong lòng địch là cả một đường dây giao liên tình báo được tổ chức chặt chẽ, bám vào trong dân hoạt động để chuyển giao các thông tin tình báo tối mật từ các điệp viên và các chỉ thị từ sở chỉ huy.

Chiến công của tình báo là chiến công chung của tập thể, nếu thiếu vắng những người giao liên tình báo dũng cảm thì những thông tin thu thập được của các điệp viên cũng trở nên vô ích. Với Cụm H.63, có 45 thành viên thì hy sinh mất 27 đồng chí, 12 người bị thương với thương tích đầy mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao, nhận tài liệu tình báo cho điệp viên Phạm Xuân Ẩn đã nói lên tính khốc liệt của cuộc chiến.

Tôi đã có những ghi chép tương đối đầy đủ để gửi đến bạn đọc về 4 nhân vật của Cụm H.63 được tuyên dương anh hùng, nhưng còn thiếu những bài viết về những người giao liên thầm lặng đem theo bên mình những tài liệu tình báo tối mật để qua mắt kẻ địch. Chú Tư Cang nói, tất cả những người giao liên tình báo của Cụm H.63 đều xứng đáng là những người anh hùng bởi họ là thành viên của một tập thể ANH HÙNG !

Mới hôm rồi, tôi ghé lại thăm chú Tư Cang. Ngồi ở gian bếp trong ngôi nhà đơn sơ của ông, hai chú cháu chúng tôi nói đủ các chuyện vui buồn của chiến tranh, nhân tình thế thái, tình người giữa cuộc sống bộn bề hôm nay, rồi chú nói:

Hôm trước Tết, tao và cô Tám Kiên có ghé thăm cô Hai Ánh (Nguyễn Thị Ánh, giao liên tình báo nội thành của H.63). Cô ấy đang điều trị bệnh ung thư gần cả năm nay rồi. Người ốm nhách, tóc rụng hết trơn vì phải truyền thuốc và xạ trị, thương lắm, nhìn đồng đội phải chống chọi với bệnh tật muốn rớt nước mắt. Vẫn còn đó nụ cười tươi của bả, của người con gái Củ Chi xinh đẹp hồi nào xã Phú Hoà Đông. Tụi tao là những đồng đội gắn bó với nhau hơn sáu chục năm rồi, sống chết có nhau từ ngày tao trở vô trong này nhận nhiệm vụ làm cụm trưởng Cụm tình báo A.18 (sau này đổi tên thành H.63) đầu năm 1962.

Ảnh chụp cô Hai Ánh trước khi bị bệnh ung thư

Hồi nào, nói cho ngay, cô Hai Ánh là cô gái Củ Chi gan dạ, cô ấy được ông Mười Nho tuyển lựa làm giao liên tình báo từ đâu những năm 1960-1961 khi ấy Cụm tình báo duy nhất có tên B110, đóng chân trên địa bàn Bời Lời (thuộc Tây Ninh, tiếp giáp với Củ Chi, là cụm tình báo đặc tình của khu ủy Sài Gòn-Gia định).

Khoảng đâu tháng 4/1962, tao nhận nhiệm vụ nắm Cụm B110 thay cho ông Mười Nho ra miền Bắc trị bệnh. Cụm B110 được tách làm đôi thành A.18 và A.20. Tao nắm A.18 làm cụm trưởng, dời về Củ Chi nơi Bến Đình, Phú Hoà Đông và bám địa đạo Củ Chi để phục vụ cho điệp viên Phạm Xuân Ẩn; cụm A.20 vẫn bám trụ ở Bời Lời do anh Bảy Vĩnh làm cụm phó.

Đầu năm 1963, tao là người đã kết nạp cô Hai Ánh vào Đảng, khi ấy, người con gái này còn chưa đủ hai mươi tuổi . Hôm kết nạp Đảng cho cô ấy, có tao và anh Năm Hải. Người con gái ấy đã đi theo Đảng bằng cả cuộc đời của mình đến ngày hôm nay vừa tròn 60 năm rồi đó.

Hôm kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng 3/2/2023 vừa rồi, chú Tư nói, cô Hai Ánh đã được trao huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Kể chuyện về những người đồng đội của mình, chú Tư tâm sự:

Họ là những con người dũng cảm tuyệt vời, mưu trí và khôn khéo. Cô Hai Ánh lấy chồng năm 1964, chồng là du kích xã Phú Hoà Đông, sau thoát ly kháng chiến ở trong vùng. Xã Phú Hoà Đông là ấp chiến lược của tụi nó, cô Hai Ánh với mẹ của mình sống hợp pháp tại đó, hai mẹ con làm nghề đổ bánh tráng để kiếm sống, qua mắt bọn địch. Vợ chồng cô vẫn thỉnh thoảng được gặp nhau trong rừng, nơi cô Hai Ánh trao, nhận tài liệu tình báo của Cụm H.63.

Cô Hai Ánh có 4 người con. Năm 1965, cô Hai Ánh sanh đứa con gái đầu lòng đặt tên Kim Tuyền, năm 1966 sanh đứa con gái thứ 2 đặt tên Mỹ Tiên, năm 1968 sanh người con trai thứ 3 trong năm Mậu thân rực lửa đặt tên Tấn Công và sanh đứa con trai út vào năm 1970, đặt tên là Tấn Thông.

Bốn người con của cô Hai Ánh sau 30/4/1975

Ngày cô Hai Ánh sanh Tấn Thông, con chưa được một tháng tuổi thì nghe tin chồng hy sinh. Không thể tả nổi nỗi đau tột cùng này của cô Hai Ánh. Ôm mấy đứa con vào lòng, cô Hai Ánh đã khóc hết nước mắt vì nhận tin chồng hy sinh mất xác trước ánh mắt thơ ngây của đứa con lớn còn chưa đủ 5 tuổi, nó đã không đủ lớn để hiểu sao má hôm nay lại khóc nhiều như vậy và vĩnh viễn từ nay trở đi 4 chị em sẽ không bao giờ được gặp cha, thương cho thằng út còn đang đỏ hỏn.

Vậy là, người mẹ trẻ đã goá chồng ở tuổi 27 với 4 đứa con thơ, đứa lớn nhất chưa đầy 5 tuổi, thằng con út còn chưa đầy tháng. Chiến tranh khốc liệt quá với bao mất mát hy sinh cho mỗi gia đình người Việt Nam, không chỉ có gia đình cô Hai Ánh. Phải là người trong cuộc mới thấm được nỗi đau này của cô Hai Ánh để rồi cô đã đứng dậy thật mạnh mẽ để tiếp tục thực hiện những chuyến đi giao và nhận tài liệu của đường dây giao liên H.63, góp phần giữ vững thông tin thông suốt cho Cụm H.63 trong những ngày khó khăn nhất của cuộc chiến.

Trầm ngâm hồi lâu, chú Tư nói trong xúc động: Anh hùng, dũng cảm là ở đó. Cô Hai Ánh đã để thằng con còn đỏ hỏn khát sữa nằm đó cho bà ngoại trông, nối tiếp các chuyến đi giao liên định kỳ hoặc đột xuất có khi tới 3-4 lần/tháng đầy hiểm nguy có thể bị bắt và hy sinh bất cứ lúc nào. Những hy sinh thầm lặng lắm, làm sao mọi người có thể hiểu nổi.

Có lần, cô Hai Ánh đã kể về chuyến đi đưa tài liệu của sở chỉ huy vào trong thành cho ông Tư Cang suýt chút nữa bị bắt. Hôm ấy, từ Phú Hoà Đông, cô Hai Ánh phải chuyển vào trong thành cho ông Tư Cang một tài liệu của Phòng tình báo Miền được thu nhỏ và bọc trong bao nylon nhỏ xíu chỉ lớn hơn đầu ngón tay cái.

Tới Hóc môn, tụi địch đã dừng tất cả mọi người qua lại và kiểm soát đột xuất rất gắt gao. Lục tung tất cả những gì có trong người. Chúng bắt mọi người phải xếp hàng và lục soát kỹ không từ chỗ nào. Trước tình hình này, tài liệu mang theo sẽ bị lộ. Làm thế nào bây giờ? Phải phi tang ngay, không để tài liệu lọt vào tay địch. Cô Hai Ánh đã ném tài liệu xuống đất và lấy chân đè lên với ý định day cho nó vụn ra và ấn xuống đất. Khi sắp tới lượt bị xét, tự nhiên trong đầu cô Hai Ánh hiện lên câu nói của người trao tài liệu: em cố gắng giao an toàn tài liệu này cho anh Tư, thấy nói vô cùng quan trọng. Vậy giờ ta phi tang mất thì làm sao? Nhanh như chớp, cô Hai Ánh cúi xuống lượm tài liệu, vờ gãi chân rồi cho tài liệu vào trong miệng nuốt luôn. Thằng lính đứng xét nhìn thấy, vội la to :

- Bà kia, bà làm cái gì đó?

- Dạ, hổng có chuyện gì, kiến cắn tui đau quá?

Khi lên trở lại xe ô tô để đi, cô Hai Ánh đã thật sự toát mồ hôi. Vậy bằng cách nào để mình móc được tài liệu ra bây giờ? Khi xe tới một quầy bán nước uống ven đường, cô Hai Ánh đã xuống và mua trái dừa tươi tính uống vào rồi sẽ móc cho ói ra. Nhưng uống hết cả trái dừa bự thế, vẫn không móc ói ra được? Mua trái dừa thứ 2, uống hết cho căng bụng và bắt đầu tiếp tục móc cho ói ra. Mấy người đi đường nhìn thấy tưởng bà này bị say xe ô tô. Với bao nỗ lực, cuối cùng cô Hai Ánh cũng ói được ra tài liệu trong vũng nước dừa tươi. Không có niềm vui nào vui hơn, vậy là tài liệu đã an toàn, cô Hai Ánh đã trao được cho ông Tư Cang.

Chú Tư Cang và cô Tám Kiên ghé thăm cô Hai Ánh (ngồi giữa)

Sau ngày giải phóng, cô Hai Ánh công tác tại trại tập trung học tập cải tạo cho những người của chế độ cũ (học viên nữ) mấy năm rồi năm 1978 ra quân với cấp bậc thiếu uý. Sau cô về công tác ở Sở lao động và thương binh xã hội thành phố, phòng tổ chức cán bộ. Cần mẫn, cô Hai Ánh đã làm việc cống hiến và về nghỉ hưu ở tuổi 55.

Tôi có may mắn được gặp cậu con trai tên Tấn Công của cô Hai Ánh nhiều lần ở nhà chú Tư Cang và trong những dịp giỗ má chú Tư Cang vào cuối năm. Được nghe kể câu chuyện ông Phạm Xuân Ẩn mua sữa cho cô Hai Ánh nuôi con thông qua bà Ba giao liên rất cảm động, thấm đẫm tình yêu thương đồng đội và rất nhân văn của người tình báo hoàn hảo này. Tấn Công tâm sự với tôi:

Sau ngày giải phóng, má em cực lắm. Ba thì hy sinh, một bầy 4 đứa con còn nhỏ xíu, chị Hai cũng mới 10 tuổi, em út Tấn Thông vừa tròn 5 tuổi đè nặng lên vai má. Tụi em là những đứa con mồ côi cha, trong nước mắt hạnh phúc của mọi người mừng ngày chiến thắng thì má em đã rơi những giọt nước mắt mặn chát tiếc thương ba và các đồng đội của mình đã hy sinh, họ không được nhìn thấy ngày hoà bình. Một tay má lo cho 4 người con với đồng lương ít ỏi của một thiếu uý thì thiếu trước hụt sau. Má làm ở đâu thì đưa thằng út theo, ở tập thể với má. Hai người chị, má gửi vào trường thiếu sinh quân ở Vũng tàu để đi học. Còn em má gửi đi học ở Quang trung (bên Bộ tham mưu Miền).

Cuối năm 1976, má gửi em và chị Hai vào học ở trường con liệt sỹ Lý Tử Trọng đến năm 1986, chị Ba thì má gửi về ở với bà ngoại ở Phú Hoà Đông, chỉ có thằng út thì ở với má. Tụi em đã lớn lên mà thiếu hơi ấm của cha, sống đạm bạc với cơm rau của nhà nghèo. Ngày hoà bình là sum họp, nhưng với gia đình em, mỗi người mỗi nơi, tủi thân lắm. Biết làm thế nào được, những ai đi qua chiến tranh thì mới thấu hiểu được những mất mát đau thương, đã có hơn một triệu liệt sỹ đã ngã xuống trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng có hàng trăm ngàn gia đình liệt sỹ như gia đình em, phải chấp nhận, anh ạ. Rồi cũng phải bương chải để sống.

Tụi em cũng sống khiêm nhường của người làm công chức ăn lương của nhà nước. Giờ má về ở với cậu em út, bà cũng mãn nguyện khi đã có 4 cháu nội, 3 cháu ngoại và 3 cháu cố. Giờ trưởng thành có gia đình rồi, em soi lại cuộc đời của má, thấy thương má quá. Vợ chồng ở với nhau có 4 mặt con, nhưng không biết có bao nhiêu ngày họ được ở bên nhau để yêu thương và dành cho nhau sự chăm sóc? Một người vợ trẻ goá chồng ở tuổi 27 và lặng lẽ một mình đi tiếp với muôn trùng khó khăn hơn 53 năm cho tới tận hôm, đó là một sự hy sinh thầm lặng như công việc tình báo của má năm xưa cùng với chú Tư Cang và đồng đội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cô Hai Ánh đón nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng

Cô Hai Ánh về nghỉ hưu với lương hưu của thiếu uý, tổng thu nhập hàng tháng chưa tới 6 tr đồng. Tấn Công nói, số tiền ấy không đủ hàng tháng mua thêm thuốc trị bệnh cho má. Nhưng em không bao giờ thấy má than vãn bất cứ một điều gì, thường trực nơi má là nụ cười rất hiền và sự chịu đựng kiên cường của người con gái Củ Chi đất thép .

Hôm rồi tôi ghé thăm cô Hai Ánh, thấy cô đang nằm trên võng mà tôi rớt nước mắt. Mấy năm trước, kỳ nào họp mặt CCB tình báo, cô còn rất khoẻ và đi họp thường xuyên. Tôi hay nói chuyện với cô và chụp được những tấm ảnh rất đẹp. Khi tôi đang viết những dòng chữ này để kể cho các bạn về cô thì Tấn Công báo, tụi em lại đưa má vô bệnh viện Thống nhất để dưỡng bệnh rồi. Thương mến cô vô cùng, cô đang phải chống chọi với bệnh tật quái ác, chúng con cầu chúc cô cố gắng vượt qua.

Tác giả bài viết và cô Hai Ánh

Hãy đừng lãng quên những người chiến sỹ giao liên tình báo thầm lặng, tất cả họ đều xứng đáng là anh hùng với những đóng góp máu xương thầm lặng của họ ./

Nguồn FB Nguyễn Quang Chánh ngày 07 tháng 2, 2023

Trang Thời Sự