Người Giao Liên Dũng Cảm Của Điệp Viên Hoàn Hảo

Người Giao Liên Dũng Cảm Của Điệp Viên Hoàn Hảo

Nguyễn Quang Chánh

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenQuangChanh01.php

12-Jan-2023

LTS: Để bảo vệ cho một nhà tình báo, bao nhiêu người khác phải hy sinh, không chỉ cá nhân mà còn cả gia đình thân thuộc nữa. Sự hy sinh lớn lao và cay đắng nhất là sự hy sinh đó phải được che giấu. Cũng vì sự oái oăm đó, họ là những anh hùng trong bóng tối, thầm lặng, những thiên thần không tên tuổi, không ai biết, không ai nhớ! (SH)

 

Kể về những người đồng đội dũng cảm của mình trong Cụm tình báo chiến lược H.63 anh hùng, chú Tư Cang nói: những hy sinh thầm lặng ít ai biết của giao liên nội đô để chuyển giao tài liệu an toàn giữa sở chỉ huy với Phạm Xuân Ẩn là rất to lớn. Câu chuyện về bà Nguyễn Thị Ba giao liên cho ông Ẩn thật hay. Nếu nhà nước có thêm huân chương cho người vợ anh hùng, người mẹ dũng cảm thì bà Ba xứng đáng được trao tặng thêm những thứ đó ngoài danh hiệu AHLLVTND mà Nhà nước đã trao.

Ông Ẩn có tài giỏi bao nhiêu nhưng không có bà Ba là người giao liên duy nhất tuyệt vời được giao dịch trực tiếp với ông ấy để nhận và chuyển tài liệu đi trong đường dây của Cụm H-63 thì những tin tức thu thập được của điệp viên cũng không có ý nghĩa gì.

Gần 15 năm làm giao liên cho ông Phạm Xuân Ẩn giữa đô thành Sài gòn, bà Ba chưa một lần phạm sai lầm để tài liệu của ông Ẩn lọt vào tay kẻ thù, gần 500 tài liệu có giá trị khác nhau được Phạm Xuân Ẩn cung cấp cho tổng hành dinh thông qua bà Ba, có những thông tin cực kỳ quý giá làm xoay chuyển bước ngoặt của cuộc chiến cho thấy đóng góp quan trọng của Cụm H-63 như thế nào vào chiến công của ngành tình báo. Năm 1971, Cụm tình báo H-63 là đơn vị tình báo duy nhất được tuyên dương AHLLVTND ngay trong những năm tháng chiến tranh ác liệt và tháng 1/1976, ông Ẩn và bà Ba được Nhà nước tuyên dương AHLLVTND trong đợt đầu tiên sau khi kết thúc chiến tranh. Thật vô cùng vinh dự, chú Tư khẳng định !

Người ta nhắc tới ông Ẩn, viết sách về ổng, còn bà Ba chỉ là một giao liên thì nhiều người không biết, chưa ai viết sách kể về cuộc đời phong phú của bả và gia đình này có nhiều đóng góp cho cách mạng.

Hôm nay, tôi kể cho các bạn về bà Ba anh hùng, về những hy sinh thầm lặng của bà khi tôi có dịp gặp người con trai Trần Chiến Thắng của người anh hùng ở quê nhà Long an.

1- Người Đàn Bà 23 Năm Đợi Chồng.

Ngày 16/8/2016, bà Nguyễn Thị Ba qua đời tại quê nhà Long an, thọ 100 tuổi sau khi được Đảng trao tặng huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, khép lại cuộc đời oanh liệt của một cán bộ lão thành cách mạng. Anh Trần Chiến Thắng - con trai bà Ba nói với tôi trong niềm xúc động bên mộ của mẹ mình tại nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Long an:

Không phải ai cũng có được vinh dự như má tui đã sống qua một cuộc đời nhiều dấu ấn như vậy đâu. Đó là cuộc đời 3 trong 1 ! Này nhé, bà là lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa (tức là tham gia cách mạng trước năm 1945), là người được nhận huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, là AHLLVTND được tuyên dương đợt đầu tiên tháng 1/1976 ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa kết thúc.

Vâng, bà Nguyễn Thị Ba cho đến lúc này là con người duy nhất ở dải đất hình chữ S có 3 trong 1 như thế !

Hôm nay, tôi đã nhìn thấy phần mộ của bà ấy thật khiêm nhường, cũng giống như bao ngôi mộ khác bé nhỏ đang nằm trong nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh Long an này.

Chú Tư Cang, Cụm trưởng H-63 có kể: Những ngày đầu khi từ Mỹ trở về, sau khi xác định mọi thứ an toàn, ông Phạm Xuân Ẩn đã chủ động móc nối với tổ chức thông qua bà Tám Thảo (Nguyễn thị Mỹ Nhung) và bà ấy trở thành người giao liên đưa tin tức cho ông Ẩn trong những ngày đầu những năm 1960. Cấp trên đã tích cực tìm kiếm một người giao liên giỏi cho ông Ẩn để phù hợp với vỏ bọc của ông ấy. Ông Ẩn là người rất khó tính, đã có mấy người được cử vào thành cho ổng nhưng toàn bị ông ấy chê? Phải tới bà Ba mới lọt được mắt xanh của ông ấy. Xét ra, ông Ẩn có con mắt nhìn người và phân tích rất tinh tường. Nhiều lúc cũng nói vui, nếu bà Ba mà vẫn bị ông Ẩn chê thì trong căn cứ cũng khó có thể tìm ra người nào làm giao liên cho ông Ẩn. Bà Ba là một người có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác giao liên bí mật. Bà Ba sinh năm 1917, chưa tới 18 tuổi, bà đã tham gia cách mạng và được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông dương năm 19 tuổi, năm 1936. Bà làm giao liên cho xứ ủy Nam Kỳ trong thời gian tiền khởi nghĩa. Bà lấy ông Ba Phước (Trần Văn Phước) cùng quê, lớn hơn bà 1 tuổi và cũng là cán bộ tiền khởi nghĩa như bà.

Năm 1948, bà Ba hạ sinh được đứa con gái và đặt tên là Trần thị Hồng Liên (trước đó, bà Ba có sinh 1 lần, nhưng đứa nhỏ yếu quá và chết). Năm 1952, bà Ba sinh được đứa con trai, đặt tên là Trần Chiến Thắng. Khi bà Ba sinh cậu con trai được mấy tháng thì ông Ba Phước là một trong những cán bộ chủ chốt của tỉnh Long an được cử đi công tác khu 6 và ông bà không được gặp mặt nhau kể từ ngày đó. Năm 1953, phần ông Ba Phước cũng hay ốm đau do di chứng của những trận đòn thù tra tấn nơi Côn Đảo khi ông bị bắt và đày ra đó 6 năm, ông Ba Phước được tổ chức bố trí cho ra ngoài miền Bắc chữa bệnh và học tập, bồi dưỡng để làm cán bộ lãnh đạo nguồn cho cách mạng miền Nam.

Bà Ba vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, làm giao liên cho xứ uỷ, bà đang là giao liên cho đồng chí Sáu Dân (Võ Văn Kiệt). Để hoạt động cách mạng, bà Ba phải gửi 2 đứa con của mình cho bà con nuôi giúp. Chồng thì ra miền Bắc, không biết khi nào mới có thể gặp được, còn 2 con nhỏ thì nhờ bà con nuôi giúp để mình đi hoạt động cách mạng. Năm 1954, bà có thể được phép đi tập kết ra miền Bắc để được gặp chồng nhưng công việc lại rất cần bà phải ở lại, thành thử gia đình bà không có dịp cùng nhau, mỗi người ở một nơi.

Anh Trần Chiến Thắng nhớ lại: hồi đó tôi 8-9 tuổi gì đó, có dạo khi má nhớ tôi quá, má đón tôi vào Sài gòn ở cùng. Má tôi đã là giao liên cho ông Ẩn, thuê nhà ở trong xóm lao động nghèo. Má cũng phải tạo vỏ bọc cho mình là có chồng đi lính cho Pháp với cấp bậc thượng sỹ, bị chết trận. Giờ là gái goá chồng nuôi con, trong nhà có để ảnh của ba để hương khói qua mắt mọi người xung quanh. Những dịp Tết về, hai mẹ con buồn lắm, chỉ biết nằm ôm nhau mà nước mắt lưng tròng để nghe hàng xóm họ xum vầy gia đình đón Tết, đốt pháo.

Mấy lần má tôi đi gặp ông Ẩn để giao và nhận tài liệu, tôi cũng kêu ông Ẩn là chú Hai, ông Ẩn hay mua đồ chơi cho tôi. Có lần, hai mẹ con chờ ông Ẩn ở địa điểm liên lạc, chờ lâu quá, mãi ông Ẩn mới xuất hiện. Tôi liền reo lên rất to: má ơi, má ơi ! Chú Hai tới rồi kia, mau ra gặp đi ! Ông Ẩn sợ quá, sau lần ấy, ông Ẩn đã nói với má tôi đại ý: kiểu này không được rồi, chị Ba ơi, nguy hiểm lắm ! Chị Ba phải gởi thằng nhỏ ở nơi khác đi. Chứ tiếp diễn như thế này là tôi với chị bể hết. Một khi ông Ẩn đã có ý kiến như thế, không thể không gửi con đi. Nhưng giờ gửi đi đâu?

Là người mẹ, đứa con là niềm an ủi với bà mỗi ngày để bà hoạt động. Nhưng giờ vì nhiệm vụ thì buộc phải xa nó, biết làm thế nào? Như có lửa đốt trong lòng bà Ba, chồng một nơi, bà một nơi, hai đứa con cũng mỗi đứa một nơi khiến nước mắt bà đã rơi từng đêm ướt hết chiếc gối của bà vì nhớ chồng, nhớ con. Cuộc chiến này thật tàn nhẫn, không biết khi nào mới kết thúc, nó đã chia ly chính gia đình nhỏ bé của bà mỗi người một nơi giống như bao gia đình khác và bà đang cùng đồng đội của mình trong trận chiến thầm lặng. Còn với ông Ẩn, ông quá hiểu bà Ba đã phải khó xử như thế nào khi phải xa con, nhưng vì sự an toàn cho lưới tình báo mà ông phải đề nghị bà Ba gửi con đi.

Thế đấy, bà Ba đã một mình giữa cái thành phố Sài gòn náo nhiệt âm thầm trong vỏ bọc của mình gần 15 năm trời để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà không hề nhận được một tin tức gì về chồng và 2 đứa con cho tới sau ngày 30/4/1975 mới hay biết chồng và các con vẫn còn sống.

Nước mắt của bà lại tuôn rơi cho ngày đoàn tụ khi vào tháng 7/1975, ông Ba Phước đã từ Hà nội vào Sài gòn để gặp bà sau đúng 23 năm vợ chồng xa cách không một lá thư. Không có cái khăn nào có thể thấm được hết nước mắt của ông bà trong ngày gặp lại, nước mắt của hạnh phúc, nước mắt nhớ thương dồn nén 23 năm xa nhau và nước mắt của ngày đất nước đã chấm dứt chiến tranh.

2- Bí Ẩn Người Đàn Ông Bên Linh Cữu Bác Hồ.

Ông Ba Phước (Trần Văn Phước) chồng bà Ba sinh năm 1916, quê quán ở xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long an. Ông cũng là cán bộ lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa. Năm 1939, ông bị giặc Pháp bắt. Chúng tra tấn ông rất dã man, nhưng chàng thanh niên 23 tuổi ấy đã tỏ rõ khí phách của người đảng viên cộng sản, thà chết nhưng không đầu hàng giặc và khai báo. Không moi được tin tức gì, chúng đã đày ông ra nhà tù Côn Đảo. Ở nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, ông vẫn tiếp tục bị tụi nó tra tấn và hành hạ dã man về thể xác. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông và các cựu tù được giải phóng và đưa về đất liền, chấm dứt 6 năm khổ sai ngoài Côn Đảo. Ông tiếp tục hoạt động và tham gia chống Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta ngay tại quê nhà. Khi này, ông là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhà Long an. Năm 1953, tổ chức đã quyết định đưa ông ra miền Bắc để có điều kiện điều trị, chăm sóc sức khoẻ cho ông khi nhiều vết thương đã tái phát vì di chứng của các đòn tra tấn dã man trong tù. Ông là cán bộ lãnh đạo cần được bồi dưỡng, học tập để làm cán bộ nguồn cho lãnh đạo miền nam sau này. Vì thế khi ra Bắc, ngoài việc chữa trị các thương tích, phục hồi sức khỏe, ông còn được cử tham gia các khoá đào tạo, được gửi cả sang Trung Quốc theo học các chương trình huấn luyện cán bộ. Mục đích cuối cùng là để cho ông được trở về miền Nam cùng đồng bào đánh Mỹ. Nhưng sức khoẻ của ông không đảm bảo để ông có thể đi bộ cùng đoàn quân vượt Trường sơn trở lại với chiến trường miền nam.

Nhìn những đoàn quân chi viện cho miền Nam rầm rập lên đường trong những năm 60 của thế kỷ trước, nước mắt ông đã tuôn rơi vì mình không thể đi được, nhớ thương vợ con trong ấy mỗi ngày, không biết giờ này sống chết ra sao? Ông chỉ được thông báo là vợ ông đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong thành Sài gòn. Ngầm, ông cũng đoán được đó là nhiệm vụ giao liên mật cho quân báo và tình báo, bởi vợ ông không thể gửi thư cho ông. Về phần mình, ông cũng không biết phải gửi thư vào Nam cho vợ như thế nào vì không có địa chỉ? Ngày Bắc, đêm Nam, ông nhìn thấy vợ con qua từng giấc ngủ sau cơn mơ để khi giật mình tỉnh dậy thì nước mắt lưng tròng. Cảm giác ấy đến với ông thường xuyên trong sự cô đơn trên đất Bắc. Vậy là, ông tự động ngồi vào bàn, lấy giấy ra viết thư cho vợ để được trút bầu tâm sự. Ông viết thư cho vợ như thể mình đang được nói chuyện với vợ con để vơi đi nỗi buồn. Ông chăm viết thư lắm, cứ thấy buồn là ông lại ngồi vào bàn để viết những bức thư không được gửi đi, có những bức thư ông viết dài tới cả chục trang giấy pơ-luya (một loại giấy mỏng thường dùng để viết thư thời đó ở miền Bắc thời chiến tranh). Ông tâm niệm, ngày kết thúc chiến tranh, sẽ mang tất cả những bức thư này về cho vợ đọc để hiểu rõ tình cảm đong đầy của ông đã dành cho vợ con như thế nào trong những ngày sống trên đất Bắc. Song trong ông luôn thường trực nỗi lo, không biết vợ mình có còn sống nổi sau chiến tranh hay không để đọc thư , bởi công việc của bà là rất nguy hiểm.

Thời đó, ông là cán bộ trung cao cấp của Bộ lương thực với chức vụ là Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ. Vì ông sống độc thân, ông được Nhà nước phân cho căn phòng nhỏ trong khu nhà tập thể. Ông còn là chủ tịch hội đồng hương Long an tại miền Bắc, những ai đã từng sống ở Hà nội có gốc Long an thời gian đó thì sẽ nhớ chú Ba Phước - chủ tịch hội đồng hương hiền lành dễ mến.

Chú Tư Cang có kể với tôi, ngày chú ra Hà nội cuối năm 1973 để học ở trường cao cấp chính trị quân đội, chú có ghé thăm ông Ba Phước. Khi ấy, ông Ba Phước ở trong một căn phòng nhỏ của khu tập thể. Ông Ba Phước không hề có tin tức gì về vợ cả. Ngồi nghe chú Tư kể chuyện về bà Ba, ông Ba Phước khóc ròng vì nhớ thương vợ và thương vợ đang phải thực hiện nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, có thể bị địch bắt và hy sinh bất cứ lúc nào.

Chú Tư có nói với ông Ba Phước, Cụm tình báo H-63 năm 1971 được tuyên dương AHLLVTND, trong đó bà Ba vợ ông có vai trò đóng rất quan trọng là người giao liên cho ông Ẩn, từ đó tài liệu của ông Ẩn được an toàn tối đa. Khi nghe chú Tư Cang trách: anh thật tệ, ngần ấy năm mà không có được một lá thư nào gửi cho vợ là sao? Ở trỏng bả mong tin của anh lắm. Ông Ba Phước đứng dậy đi về phía tủ quần áo, ông lôi ra một hộp to chứa một đống thư và nói: anh coi, cả trăm lá thư đây tôi đã viết cho bả mà nào có gửi được đâu?

Hôm nay ghé nhà bà Ba, tôi cũng muốn hỏi anh Thắng con trai bà những kỷ niệm về ba mẹ. Anh Thắng nói: Hồi đó, sau khi tôi không được ở Sài gòn với má, các cô chú gửi tôi vào trong chiến khu. Chị gái tôi cũng được gửi vào trong đó. Hai chị em tôi cũng ở 2 nơi khác nhau. Một thời gian, tôi cũng gia nhập bộ đội giải phóng. Năm 1972, khi ấy tôi tròn 20 tuổi, các chú đề nghị gửi tôi ra miền Bắc để học tập. Thế là, tôi theo đường dây đi bộ mấy tháng ra tới Hà nội. Vì tôi đã là bộ đội nên không được gửi lên học ở trường học sinh miền Nam. Tôi phải học bổ túc theo hệ quân sự, tôi nhớ ở khu vực Chèm thì phải.

Tôi hỏi anh Thắng, anh kể cho em nghe về cuộc gặp mặt lần đầu tiên giữa anh và ba như thế nào? Nở nụ cười, anh ấy bảo: Tôi nhớ là hôm đó sau khi tôi ra được 1 tuần rồi. Cũng đang tính thu xếp đi tìm ba thì thấy có chiếc xe ô tô Comancar chạy tới. Mọi người nói tôi lên có người gặp. Tôi cũng đoán ra là ba tới tìm tôi. Nhưng khổ nỗi, tôi có biết mặt ba đâu? Một người đàn ông trên 50 tuổi, tóc đã điểm sương tiến đến và nói:

- Bác là ba của cháu đây, Trần Chiến Thắng phải không?

- Dạ, nhưng cháu không biết bác là ai?

Người đàn ông móc trong túi ra tấm ảnh có 3 người, chỉ vào đó rồi nói:

- Đây là ảnh mẹ, chị ba Liên và cháu. Con đã nhận ra chưa.?

Nói xong, ông ôm chặt lấy tôi, còn tôi thì vẫn đứng như trời trồng? Lúc thì ông gọi tôi là con, lúc là cháu, không biết đằng nào mà lần? Kể cũng đúng thôi, cũng 20 năm rồi ông xa chúng tôi, giờ mới được kêu tiếng "con" mà sao nó sượng sượng thế nào đó? Về phần tôi, tôi chưa bao giờ từng được gọi tiếng "ba" trong đời. Hôm nay, tôi cũng không biết gọi tiếng "ba", tôi chỉ quen gọi chú, gọi bác thôi. Thế đấy, cha con tôi gặp nhau mà không mừng mừng tủi tủi được như bao gia đình khác, dẫu trong mỗi người vẫn chực chờ những giọt nước mắt hạnh phúc sẽ được trào ra? Tôi cũng làm cho ông thất vọng rất lớn khi ông hỏi chuyện gia đình. Ông hỏi thăm má, thăm chị ba Liên. Tôi nói: cháu có được gặp má đâu mà kể, hơn chục năm nay rồi không thấy mặt nhau? À, cả chị ba Liên nữa, mấy năm nay cũng không được gặp, biết gì mà kể bây giờ? Tôi đã cảm nhận được nỗi thất vọng ê chề nơi ông khi không được nghe chính con trai của mình từ chiến trường mới trở ra kể chuyện gia đình. Cuộc sống nghiệt ngã quá, ông xa tôi khi tôi mới mấy tháng tuổi, má vẫn đang bồng trên tay. Nay tôi đã ở tuổi 20, tôi không cảm nhận được tình cha con, tôi lớn lên như cây tre, cây trúc mọc bờ mọc bụi, không có hơi ấm của cha mẹ.

Quả thật, tôi nghe anh Thắng kể mà nước mắt mình cũng trực trào ra vì xót xa. Anh Thắng nhìn tôi hồi lâu rồi nói:

Tôi nhớ sau đó tôi có xin phép đơn vị để về Hà nội chơi với ba và ngủ lại với ba một đêm. Hai cha con nằm bên nhau, ba hỏi tôi có nhớ gì về ông nội không? Ngày ông nội mất, con có về chịu tang thay cha hay không? Tôi thưa với ba, ba ơi trước khi nội mất chừng 3-4 tháng vào năm 1963 thì con có về thăm nội. Nội đang bệnh rồi, yếu lắm. Con có hỏi, bây giờ nội cần gì? Ngước nhìn con, nội chỉ nói một câu: ước gì nội được nhìn thấy mặt cha con.? Khi tôi vừa dứt lời thì ba ôm chặt lấy tôi rồi kêu lên: trời ơi là trời ! Ba phạm tội bất hiếu với nội rồi con ơi ! Nước mắt ông đã làm ướt hết lưng áo của tôi...

Tôi thấy trên tường trong căn nhà của bà Ba treo một bức ảnh rất lạ giữa một rừng bằng khen của cả ông và bà. Đó là bức ảnh chụp linh cữu của Bác Hồ trong những ngày tang lễ tháng 9/1969 tại Hà nội, ở đó có một người đàn ông mặc đồ trắng, tay đeo tang đen đang đứng nghiêm.

Anh Thắng nói cho tôi, đó là ba tôi đó ! Trời ơi, ông Ba Phước được thay mặt biết bao người con miền nam đang ngày đêm đánh Mỹ đứng túc trực bên linh cữu của Bác Hồ trong những ngày quốc tang. Còn vinh dự nào trong đời hơn thế không, thưa các bạn?

3- Xứng Danh Người Cộng Sản.

Ngày 30/4/1975 giải phóng Sài gòn, trong rợp trời hoa và cờ của ngày chiến thắng, bà Ba thu mình trong căn nhà nhỏ, nước mắt cứ hai hàng rơi như chưa từng rơi. Không biết có phải là giấc mơ hay không, nhưng chắc chắn gia đình bà sẽ được sum họp sau 23 năm rồi, kể từ ngày ông Ba Phước xa bà đằng đẵng năm 1952 khi đứa con trai trên tay mới mấy tháng tuổi.

Anh Thắng kể với tôi: nghe tin Sài gòn giải phóng 30/4/1975, mừng quá. Mình sẽ được cùng với ba trở về Sài gòn ngay để gặp má và chị ba Liên.

- Nhưng... ngập ngừng đôi chút, chẳng phải như thế?

Nghĩ rằng gia đình anh sẽ được đoàn tụ ngay, tôi hỏi anh: Sao lại nhưng?

- Thì mãi tới giữa năm 1977 thì gia đình anh mới đoàn tụ đông đủ mọi người, em à, mặc dù chỉ có 4 người. Ba anh đã theo chuyến bay quân sự vào Sài gòn tháng 7/1975 và gặp má, chị ba Liên. Anh khi đó đang vào học đại học thông tin của quân đội, không thể về cùng ba được. Biết bao nước mắt của má ngày gặp mặt ba, ba đã kể lại cho anh. Ba kể, khi gặp má, má biểu: ngần đấy năm, ông hổng nhớ, hổng thương tui hay sao mà không một lá thư?

Ba anh soạn ra một đống thư rồi nói: ở đó mà không nhớ, nè, bà đọc hết đi coi tui có nhớ, có thương bà hông? Sau đó ba anh trở ra Hà nội, ba làm thủ tục để chuyển về Sài gòn công tác, còn mình anh bơ vơ trên đất Bắc, buồn thúi ruột luôn.

Khoảng tháng 9/1975 thì ba chuyển hẳn về Sài gòn công tác. Ba là cán bộ cao cấp rồi, được phân nhà lớn lắm ở đường Nguyễn Công Trứ, Q.1 nhưng ba không nhận với lý do: nhà có bao nhiêu người đâu mà nhận chi cái nhà to như thế, lãng phí? Má thì được tổ chức phân cho cái nhà phố ở chung với 1-2 gia đình cũng bên tình báo. Ba má và chị ba Liên về ở đó. Tháng 1/1976 má được tuyên dương danh hiệu AHLLVTND cùng với chú Phạm Xuân Ẩn. Vinh dự lắm, nghe tin mà anh khóc ròng vì không được gặp má để chúc mừng.

Khoảng giữa năm 1976 thì má được Tổng cục tình báo thu xếp cho một chuyến thăm quan Hà nội với tư cách là người vừa được tuyên dương anh hùng. Khi đó, anh mới được gặp má ở Hà nội. Vậy là, mười mấy năm rồi, hai má con nay mới gặp nhau. Ôi má tôi, người anh hùng, tôi cứ ngỡ như đang đi trong mơ, chiến tranh kết thúc rồi, má tham gia đánh Pháp đuổi Mỹ từ tuổi 17 và nay ở tuổi 60, bà đã được tuyên dương AHLLVTND. Mái đầu má tóc sợi trắng đã bắt đầu nhiều hơn sợi đen.

Cuối năm 1977, anh tốt nghiệp đại học thông tin quân đội và chuyển về quân đoàn 4 ở tp.Hồ Chí Minh. Gia đình anh khi đó mới chính thức sum họp đầy đủ sau khi chiến tranh kết thúc. Anh tham gia vào chiến tranh biên giới tây nam chống Polpot, ở Cămpuchia nhiều năm và năm 1982 thì xin ra quân để về quê nhà Long an với ba má khi ấy ông bà đã nghỉ hưu và ba sức khỏe rất kém do bị tra tấn trong những năm tháng ở tù Côn Đảo. Ngày ba về nghỉ hưu, sức khoẻ rất kém, thời gian nằm trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà với gia đình và ông ra đi năm 1991 ở tuổi 75.

Nói về ông bà Ba, ông Ba Phước do sức khỏe rất yếu, năm 1980 ông được giải quyết nghỉ hưu. Nhà cửa, xe cộ theo tiêu chuẩn của ông do nhà nước chu cấp thì ông cũng không nhận, liêm khiết lắm. Ông vẫn thường bảo, hơn một chục m2 căn hộ tập thể ở Hà nội vẫn đủ cho ông sinh hoạt, cuộc sống đâu cần những thứ cao sang ấy, vả lại tình hình đất nước mấy năm đó hết sức khó khăn, mình không nên đòi hỏi bất kỳ điều gì.

Cũng năm 1980, bà Ba cũng về nghỉ hưu với cấp bậc thiếu tá. Hai ông bà về Long an quê nhà sinh sống những ngày tháng tuổi già. Căn nhà của bà Ba ở thành phố thì được nhà nước cho hoá giá, để lại cho người con gái ba Liên.

Tỉnh Long an cấp cho ông bà miếng đất và giúp họ làm căn nhà nhỏ cấp 4. Hai ông bà sống khiêm nhường ở ngôi nhà đó trong lòng thương yêu và kính trọng của người dân cho đến lúc họ qua đời.

Tôi muốn được xin anh Thắng cho copy toàn bộ chỗ thư mà ba anh đã viết cho bà Ba mà không gửi được để dự tính viết một cuốn sách nhỏ về ông bà thông qua những bức thư thời chiến của ông. Nhưng thật đáng tiếc, tôi không thể thực hiện được điều đó. Anh Thắng nói với tôi: chỗ thư ấy giờ không còn. Căn nhà nhỏ cấp 4 của ông bà bị một cơn mưa lốc, mọi thứ bị mưa nước nhấn chìm. Những lá thư đó trên giấy mềm, lại trên nửa thế kỷ rồi, thành thử nó bị hư hết, không giữ lại được lá thư nào. Tôi muốn rơi nước mắt khi nhận được tin này, bởi trong lòng tôi vẫn luôn muốn viết thêm một cái gì đó về bà Ba anh hùng của Cụm tình báo H-63 anh hùng, nơi đó có điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn mà tôi rất yêu mến.

Thấy tôi loay hoay tìm chụp ảnh trên chỗ bằng khen của ông bà Ba treo trên tường, anh Thắng hỏi tôi tìm giấy khen gì? Tôi trả lời, em muốn được chụp tấm ảnh bằng anh hùng của má anh, sao em tìm mãi không thấy? Ngập ngừng thật lâu, anh Thắng mới nói: bằng anh hùng ấy cũng bị nước mưa dạo đó làm hỏng mất rồi. Thôi, giờ không biết phải làm sao? Thì mọi người vẫn cứ giữ trong lòng mình hình ảnh anh hùng của má anh bên cạnh ba người anh hùng nữa của Cụm H-63 là chú Ẩn, chú Tư Cang và cô Tám Thảo.

Chia tay anh Thắng, thầm mong các cơ quan có trách nhiệm xem xét và cấp lại bằng anh hùng cho bà Ba để con cháu mãi mãi được chiêm ngưỡng tấm bằng anh hùng ấy của bà bên cạnh tấm ảnh ông Ba Phước đứng bên linh cữu của Bác Hồ thay mặt cho đồng bào miền Nam tiễn đưa Bác trong những ngày quốc tang tháng 9/1969 tại Hà nội !

Trong tiết trời nóng gắt của phương Nam hôm nay, tôi cũng thầm mong giờ ở bên kia suối vàng, hàng đêm ông Ba Phước lại giở từng lá thư của mình ra đọc cho bà Ba nghe và tự hào với con cháu hôm nay khi biết chúng không phai nhạt lý tưởng cộng sản mà ông bà đã dành cả cuộc đời của mình hiến dâng. Đó là lý tưởng khát khao cho "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ văn minh và công bằng".

Tôi đã luôn tự hào về các cô, các chú, những người đã hiến dâng máu xương của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và khi trở về đời thường, họ sống nghèo, không có của cải vật chất gì nhưng lại được sống giữa tình yêu thương và kính trọng của người dân, mọi người luôn nhớ tới họ, họ là những người anh hùng sống mãi trong lòng dân !

 

Nguồn FB Nguyễn Quang Chánh ngày 12 tháng 1, 2023

Trang Thời Sự