Để Tuổi Trẻ Việt Nam Đến Với Phật Giáo Trong Thời Hội Nhập

Để Tuổi Trẻ Việt Nam Đến Với Phật Giáo Trong Thời Hội Nhập

GS Lê Cung*

http://sachhiem.net/LICHSU/L/LeCung21.php

03-Jan-2022

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng tuy hai mà một

Trước hết, cần phải thấy rằng trước đây, nhất là từ khi phát khởi phong trào chấn hưng Phật giáo vào những năm 30 và 40 của thế kỷ trước và cho đến năm 1975 (ở miền Nam), tuổi trẻ Việt Nam đã đến với Phật giáo cả về lượng lẫn về chất đến độ phải kinh ngạc

1. Dẫn đề. Một thực tế khó phủ nhận được là tuổi trẻ Việt Nam ngày nay gần như hờ hững với đời sống tôn giáo, nhất là trong sinh viên, học sinh. Ngay Huế được xem là “thủ đô” của Phật giáo Việt Nam, cũng không tránh khỏi tình trạng này. Vấn đề đặt ra là liệu Phật giáo có còn hấp dẫn đối với tuổi trẻ nữa không? Chúng ta không bi quan để trả lời câu hỏi đặt ra dưới dạng phủ định. Tuy nhiên, việc tìm ra một giải pháp thích ứng để đẩy lùi tình trạng trên đây thật không dễ dàng. Với ý tưởng góp phần vào sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp, tham luận này xin nêu một số suy nghĩ, nhưng cũng chỉ xem như là ý kiến tham khảo cho việc đề ra những giải pháp nhằm đạt được mục tiêu “để tuổi trẻ Việt Nam đến với Phật giáo trong thời hội nhập”.

Khoa tu mùa hè - Chùa Hoằng Pháp Hóc Môn (2010). Ảnh ĐPNN

Trước hết, cần phải thấy rằng trước đây, nhất là từ khi phát khởi phong trào chấn hưng Phật giáo vào những năm 30 và 40 của thế kỷ trước và cho đến năm 1975 (ở miền Nam), tuổi trẻ Việt Nam đã đến với Phật giáo cả về lượng lẫn về chất đến độ phải kinh ngạc. Chỉ nhìn vào tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam với sự phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, hoặc giới hạn hơn về số lượng là Đoàn Sinh viên Phật tử, Đoàn Học sinh Phật tử, Hướng đạo Phật tử,... trong những năm 60 và nửa đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, đủ để chúng ta khẳng định điều đó.

Có nhiều cách giải thích cho sự hưng khởi Phật giáo trong tuổi trẻ vào thời kỳ trước 1975. Ở tầm vĩ mô là đất nước chìm đắm trong vòng nô lệ, công cuộc “khai hóa” mang tính chất ngu dân của thực dân Pháp; chính sách bạo trị của chính quyền Ngô Đình Diệm cũng như những chính quyền sau cuộc đảo chính (1-11-1963), nhất là chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đối với Phật giáo; nỗi đau chia cắt đất nước 1954-1975, ... Ở tầm vi mô, những đoàn thể Phật giáo, nhất là Gia đình Phật tử Việt Nam, đã xây dựng được một hệ thống tổ chức, một chương trình sinh hoạt phù hợp với điều kiện xã hội, với mặt bằng kiến thức của tuổi trẻ lúc ấy, nhất là tuổi trẻ nông thôn. Báo cáo tại kỳ họp bạn toàn quốc của Gia đình Phật tử Việt Nam năm 1956 đã nhìn đúng vấn đề này: “Trong thực tế, nông thôn Việt Nam có nhiều nét đặc thù. Trên lý thuyết, khó mà thấu hiểu được. Trình độ học thức non kém gợi ý cho chúng ta lề lối truyền đạt giản dị hơn. Đời sống vất vả, bận rộn theo từng thời vụ, lưu ý cho ban huynh trưởng thiết lập một thời khắc biểu sao cho thích ứng. Tuy thế, các thiếu nhi nông thôn thường nổi bật đức tính: cần cù, thích đoàn thể, tương trợ lẫn nhau, thích lễ lượt”(1) . Tất cả đã hợp thành nguồn lực, thôi thúc tuổi trẻ Việt Nam đến với Phật giáo một cách nhiệt thành, nhằm lấy sinh lực từ nhà chùa, góp phần triệt tiêu những đối lực ngăn cản công cuộc phục hưng dân tộc, thống nhất đất nước và sự trường tồn của Đạo pháp. Điều này cũng dễ hiểu bởi “hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam là hai ngàn năm Phật giáo nhập thân với dân tộc”(2) , như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng tuy hai mà một”(3) .

Nhưng để tuổi trẻ Việt Nam đến với Phật giáo cả về lượng lẫn về chất đến độ phải kinh ngạc như đã đề cập, lịch sử đã đặt lên vai những bậc cư sĩ với tâm Bồ Đề như Lê Đình Thám(4) , Võ Đình Cường, Lê Cao Phan,... dưới sự dìu dắt, tạo thế của những bậc cao tăng thạc đức như Giác Tiên, Tịnh Khiết, Giác Nhiên, Tố Liên, Mật Thể, Trí Độ, Đôn Hậu, Thiện Hoa, Trí Thủ, Thiện Minh, Trí Quang, Thiện Siêu, Minh Châu, ... 

Đó là nói về quá khứ. Vậy ngày nay để tuổi trẻ đến với Phật giáo, vấn đề đặt ra là gì? Một trong những vấn đề then chốt là phải nắm bắt được đặc trưng của thời đại. Đặc trưng của thời đại ngày nay là hội nhập, toàn cầu hóa. Sự phát triển của khoa học - công nghệ đã cung cấp hàng ngày cho con người lượng kiến thức gia tăng “cấp số nhân”, đã làm thay đổi mau chóng các quan hệ và ý thức trong mọi địa hạt sinh hoạt. Những phương tiện của đời sống hiện đại như điện thoại, internet, truyền hình, máy bay,...  đã phát triển đến mức độ mà mọi biến chuyển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội dù xẩy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới, xa cách đến đâu đi nữa cũng vẫn có thể ảnh hưởng tức khắc đến đời sống xã hội của người dân Việt Nam, trước hết là tuổi trẻ.

Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng dòng thác khoa học - công nghệ không đẩy lùi được những thảm họa do chính con người gây ra, trái lại ngày càng gia tăng vì “khoa học đã có lúc không tuân thủ đời sống đạo đức”. Từ giảng đường đại học, cách đây hơn bốn thập kỷ (1971-2014), khi còn là sinh viên, chúng tôi đã nghe giảng về 4 thảm họa đang đe dọa sự sống của loài người: Vũ khí hạt nhân, bùng nổ dân số, ô nhiểm môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Hơn bốn thập kỷ trôi qua, 4 thảm họa này vẫn không được đẩy lùi trái lại càng gia tăng và phát sinh thêm những thảm họa khác nữa như bệnh thời đại HIV - SIDA, khủng bố, xung đột sắc tộc, ...

Nhìn trên phạm vi quốc gia, điều dễ nhận thấy là nạn ngoại tộc thống trị bị loại bỏ, đất nước hòa bình, đang từng bước phát triển nhưng khách quan mà nói cũng không tránh khỏi những vấp váp, có vấn đề rơi vào tình trạng kéo dài chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả, niềm tin của tuổi trẻ bị giảm sút. Song với tuổi trẻ Việt Nam ngày nay, điểm nổi bật nhất là so với trước đây, là tỉ lệ người được học tập ngày càng nhiều, không chỉ ở bậc phổ thông mà kể cả cao đẳng, đại học và sau đại học, trong đó, tuổi trẻ nông thôn chiếm một tỉ lệ lớn hơn nhiều so với trước 1975. Chẳng hạn, trước đây, ở miền Nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào), mỗi huyện nhiều lắm chỉ có một trường phổ thông cơ sở (Trung học Đệ nhất cấp), còn trường trung học phổ thông (Trung học Đệ nhị cấp), nhiều lắm chỉ đến lớp Đệ nhị(5) , có huyện không có. Ngày nay không có xã nào không có trường phổ thông cơ sở, còn trường trung học phổ thông có huyện có tới hai, ba trường. Số người vào đại học và cao đẳng ngày càng tăng, nhờ mạng lưới các trường đại học và cao đẳng, kể cả công lập và tư thục, được mở rộng và đời sống kinh tế được nâng cao; thời gian dành cho học tập (kể cả việc học thêm đối với học sinh trước lúc vào đại học), nghiên cứu, sinh hoạt học đường, rồi thi cử chiếm khá lớn, có lúc trở thành sức ép. Đó là chưa kể đến các loại phim ảnh, bóng đá, những trò chơi games,... Xã hội có lúc than phiền về sự xuống cấp của các loại văn bằng, nhưng điều phải thừa nhận là ở những mức độ khác nhau, mặt bằng kiến thức của tuổi trẻ Việt Nam đã được nâng lên nhiều so với trước.

Trong bối cảnh thế giới và trong nước như đã đề cập, để thu hút tuổi trẻ Việt Nam đến với nhà chùa, việc đổi mới tu học, đổi mới tổ chức và sinh hoạt là hết sức cần thiết, thậm chí là bức bách. Chúng tôi nghĩ rằng hội thảo khoa học này chắc chắn sẽ có góp một phần quan trọng cho giải pháp: “Để tuổi trẻ Việt Nam đến với Phật giáo trong thời hội nhập”.

2. Một số giải pháp để tuổi trẻ Việt Nam đến với Phật giáo

2.1. Phải làm cho tuổi trẻ nắm bắt tinh thần khoa học trong tư tưởng, giáo lý Phật giáo. Đến chùa, người Phật tử tất phải tụng kinh, niệm Phật, phải nắm được một số nội dung chủ yếu tư tưởng, giáo lý cả về thế giới quan và nhân sinh quan của Phật giáo. Đa số Phật tử đều nắm bắt được nội dung lý thuyết Tứ Diệu đế, Bát Chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, Tam quy, Ngũ giới,... Việc luận giải và phân tích để Phật tử, nhất là thanh niên, sinh viên và học sinh nắm bắt được tinh thần khoa học hàm chứa trong những lý thuyết đó là hết sức cần thiết, song chúng ta còn làm rất ít, nếu có thực hiện chăng thì chưa đầy tính thuyết phục. Chúng tôi rằng cho đây là một trong những pháp có tầm quan trọng đặc biệt để tuổi trẻ Việt Nam tìm đến và gắn bó với Phật giáo.

Một dẫn dụ như trong các buổi giảng Pháp, khi đề cập đến tinh thần bình đẳng trong Phật giáo, dĩ nhiên chúng ta phải trích dẫn lời dạy của Đức Thế Tôn: “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ; không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn”. Không dừng lại ở đây. Vấn đề đặt ra là tại sao Phật giáo lại đề cập đến vấn đề này. Câu trả lời là do xuất phát từ một xã hộị Ấn Độ cổ đại bị chi phối hết sức nghiệt ngã của chế độ độ đẳng cấp, khiến bất bình đẳng xã hội lên đến cực điểm,... Vậy để triệt tiêu bất bình đẳng, con đường mà Phật giáo dẫn dắt là gì? Chắc hẳn là lý thuyết Tứ Diệu Đế, Bát Chánh đạo, Tam học, v.v... (điều bắt buộc là phải trình bày các lý thuyết trên cơ sở khoa học), rồi tiếp tục đặt ra và giải thích. Cần phải thấy thêm rằng với tuổi trẻ sở thích của họ là cái mới, ham hiểu biết về khoa học, hứng khởi về tinh thần, một chút thực dụng, ... Vì vậy, cần có sự kích thích tuổi trẻ tìm hiểu, ở đây có thể có cả hình thức thảo luận.

Và điều quan trọng hơn nữa là người đạo sư không quên liên hệ, gợi mở để tuổi trẻ thấy được sự vượt trội của Phật giáo trên lãnh vực công bằng xã hội so với nhiều trào lưu tư tưởng khác trong lịch sử. Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (4-7-1776) và Bản Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của nước Pháp (26-8-1789), về sau được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại trong Bản Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945) mà cốt lõi là sự bình đẳng giữa các dân tộc, giữa con người với con người. Đến đây, người nghe Pháp sẽ không bị áp đặt mà thấy tính đi trước thời đại của tư tưởng Phật giáo về vấn đề công bằng xã hội với cứ liệu khoa học cụ thể.

Mặt thế giới quan trong hệ thống tư tưởng Phật giáo càng trở nên sinh động và hấp dẫn. Phật giáo khẳng định tính phi Thượng đế về sự  hình thành vạn vật trọng vũ trụ, về sự hằng hà sa số thế giới trong “tam thiên thế giới”, về qui luật vô thường của vạn pháp, về sự liên hệ biện chứng trong sự hình thành các sự vật và hiện tượng (luật nhân duyên), ... Nếu như Kinh Hoa Nghiêm khẳng định trong vũ trụ có vô số những thế giới có hình dạng khác nhau với vô số chúng sinh khác nhau thì phải đến cuối thế kỷ XVI, Giordano Bruno – Người bị Tòa án Giáo hội La Mã đưa lên giàn hỏa, đã đưa ra quan niệm về một vũ trụ bao la vô cùng tận; trong đó, ngoài thế giới chúng ta, còn có vô số các thế giới khác nhau với vô số hình dạng khác nhau. Rõ ràng là Phật giáo đã đi trước khoa học. Điều này khiến chúng ta không ngạc nhiên khi Edwin Arnod, tác giả thi tập: “The Light of Asia” (Ánh sáng châu Á), viết: “Tôi thường nói, và tôi sẽ nói mãi, là giữa Phật giáo và khoa học tân tiến có một mối liên hệ trí thức mật thiết”(6) .

Dĩ nhiên trong kinh điển Phật giáo, chúng ta có rất nhiều dẫn dụ để chứng minh rằng lý thuyết, tư tưởng của Phật giáo là khoa học. Vấn đề đặt ra là làm sao trong các buổi giảng Pháp, bậc đạo sư phải truyền đạt cho được, đây là điều khó nhưng không phải không làm được nếu chúng ta thấy cần thiết và nỗ lực. Bởi tuổi trẻ Việt Nam ngày nay nhất thiết đến với Phật giáo phải bằng niềm tin dựa trên một cơ sở khoa học.

2.2. Phải làm cho tuổi trẻ nắm bắt được sự phát triển của Phật giáo ở hải ngoại. Sự phát triển của Phật giáo trong thời đại ngày nay mang tính toàn cầu. Hầu hết các châu lục đều nảy sinh hiện tượng Phật giáo phát triển. Tuy vậy, hải ngoại mà chúng tôi đề cập ở đây giới hạn ở các quốc gia phương Tây (châu Âu, châu Mỹ và châu Úc). Châu Âu, châu Mỹ và châu Úc là các lục địa có đời sống vật chất cao, khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc và là các lục địa vốn có truyền thống lâu đời của Ki-tô giáo, nhưng từ hơn một thế kỷ nay, các lục địa này đã chuyển mình về đời sống tôn giáo, trong những thập kỷ trở lại đây đà phát triển của Phật giáo lại tăng tốc. Bằng những tư liệu cụ thể, bậc đạo sư phải đem đến cho tuổi trẻ những hiểu biết sinh động về vấn đề này, như giới thiệu về hệ thống chùa chiền, tự viện, thiền thất, tượng tháp được xây dựng; hoặc những khóa tu ngắn ngày, dài ngày được tổ chức ở khắp các quốc gia thuộc các châu lục này. Về mặt này chúng ta có nhiều tư liệu để làm rõ(7) . Điều cần cho tuổi trẻ biết là Italia là cái nôi của Ki-tô giáo, nhưng ở đây, ngày 19-1-2000 chính phủ Italia đã chấp nhận bản thỏa hiệp giữa Liên hội Phật giáo Ý và chính phủ mà nội dung chủ yếu là Phật giáo được chấp nhận như tôn giáo của quốc gia của Italia.

Mặt khác, đây là mặt chủ yếu, phải cho tuổi trẻ nắm bắt được về những suy nghĩ của tuổi trẻ phương Tây tìm đến với đạo Phật, chẳng hạn như Bill, là nghiên cứu sinh ngành Clinical Psychology (Tâm lý lâm sàng) tại viện Wright, Berkeley, (Califonia), thổ lộ:“Cuộc tìm kiếm về tâm linh của tôi đã khiến tôi đi đến kết luận là thiền định và tư tưởng Phật giáo là một phương cách khiến ta cảm nhận được sự gần gũi, thực tiễn và thiết yếu. Việc thực hành về tâm linh của tôi hiện nay chủ yếu mang tính cách Phật giáo ”(8) ; Laura, sinh ở Berkeley, California hiện làm việc trong ngành địa ốc thì cho rằng: “Tôi đã học được rất nhiều từ đạo Phật và rất hạnh phúc được làm một Phật tử. Tôi đã trải qua nhiều chuyện đau buồn, và thật may nắm thay, tôi thấy mình trưởng thành khi học được những điều Phật dạy. Rõ ràng là Phật giáo đã giúp đỡ cho tôi rất nhiều. Bây giờ tôi thấy mình bình an(9) ; cô Jean Ennis là y tá ngành thú y sau một thời gian tu học tại tu viện Zen Mountain Monnastery, ngày 14-5-2006, cô phát nguyện chính thức xuất gia. Jean Ennis cho biết: “Sau nhiều năm nghiên cứu và tu học Phật pháp, cô thấy Phật pháp là con đường duy nhất giúp cô thăng tiến cuộc đời(10) .

Không chỉ người dân bình thường mà nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu danh tiếng đã tìm đến với Phật giáo và đã tỏ rõ sự ngưỡng mộ đối với giáo lý Phật đà. Tiến sĩ Graham Howe, một bác sĩ nổi tiếng người Anh, chuyên trị liệu các bệnh tâm thần, đã có nhận định: “Đọc một chút về Phật giáo ta cũng có thể nhận thức được rằng từ 2.500 năm trước, Phật giáo đã biết những vấn đề hiện đại về tâm lý nhiều hơn chúng ta thường biết tới. Phật giáo nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và cũng đã tìm ra phương thức giải quyết chúng. Ngày nay chúng ta chỉ khám phá lại trí tuệ thông thái cổ xưa của phương Đông”(11) ; P. Nietzch, một triết gia Đức thì khẳng định rằng: “Phật giáo trăm lần thực tế hơn Thiên Chúa giáo. Phật giáo đã nhận lãnh trách nhiệm đặt các vấn đề một cách khách quan và bình tỉnh... Phật giáo không kích thích người ta làm chiến tranh chống các tôn giáo khác. Điều cảm động nhất, chính là chỗ giáo lý nhà Phật chống lại tư tưởng phục thù, hằn học, oán ghét (12) ; còn Albert Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối, một khoa học gia nổi tiếng nhất của thế kỷ XX thì khẳng định rằng: Nếu có một tôn giáo nào thích nghi với những nhu cầu của khoa học hiện đại, đó chính là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ những quan điểm của mình để chấp nhận khoa học, bởi vì Phật giáo bao gồm khoa học, đồng thời vượt qua khoa học. Phật giáo là một chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Chiếc cầu Phật giáo đã kích thích con người khám phá ra những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính con người và trong môi trường sống chung quanh. Phật giáo siêu việt với thời gian và mãi mãi có giá trị”(13) , ...

Làm rõ sự phát triển Phật giáo ở các lục địa Âu - Mỹ - Úc trên nhiều lãnh vực chắc chắn sẽ đem đến tình huống có vấn đề đối với tuổi trẻ Việt Nam. Đó là tại sao ngày nay Phật giáo lại phát triển ở các lục địa mà khoa học, kỹ thuật phát triển mạnh, nơi truyền thống Ki-tô giáo vốn có lâu đời? Vấn đề mà chính tuổi trẻ đặt ra, rồi tự giải đáp song cần thiết phải có sự trợ lực của vị đạo sư về nhiều mặt, trong đó nhất thiết không loại trừ mặt tài liệu dẫn chứng cụ thể. Và khi đã được như thế, điều tất yếu họ sẽ nắm bắt được tính hơn hẳn của Phật giáo so với các tôn giáo khác trong một thế giới hội nhập, để từ đó họ khẳng định cho mình một hướng đi tinh thần phù hợp với trào lưu đương đại.

2.3. Phải đem đến cho tuổi trẻ một niềm tự hào lớn về hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam. Sức sống của một dân tộc chủ yếu là sức sống từ tuổi trẻ, sức sống tuổi trẻ chủ yếu phải được nuôi dưỡng bằng sức mạnh truyền thống. Sức sống của Phật giáo Việt Nam cũng không đi ra ngoài quĩ đạo đó. Suốt chiều dài hai ngàn năm kể từ khi truyền vào Việt Nam, trên cả hai bình diện: Đạo và Đời, Phật giáo Việt Nam đã để lại những truyền thống khó có thể sử dụng một ngôn từ nào để lột tả hết. Nhà chùa tùy điều kiện, cần trao đầy đủ cho tuổi trẻ niềm tự hào về hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam. Việc tổ chức thực hiện đi kèm hoặc song song với các buổi giảng Pháp. Có rất nhiều nội dung về chủ đề này, xin nêu nêu một số “chấm phátiêu biểu:

- Vai trò Phật giáo Việt Nam trong việc xây dựng ý thức dân tộc và văn hóa dân tộc trong phong trào giải phóng dân tộc thời Bắc thuộc, tiêu biểu là Lý Bí. Năm 544, sau khi đánh thắng quân xâm lược nhà Lương, Lý Bí lên hoàng đế là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, dựng chùa Khai Quốc. “Đây là một sự khẳng định minh bạch, một sự dứt khoát, một sự tuyên dương công trạng rõ ràng: Phật giáo đã có công lớn trong việc khai sinh ra một nước độc lập (Khai Quốc), Phật giáo là chủ đạo văn hóa – chính trị của chính quyền mới, Phật giáo là quốc giáo của triều đại. Không những thế đây còn là một bản tuyên ngôn độc lập hùng hồn, độc lập chính trị cũng như độc lập văn hóa, đối với đế quốc phương Bắc(14) .

- Vai trò Phật giáo Việt Nam thời kỳ tự chủ, từ Ngô - Đinh - Tiến Lê đến Lý - Trần. Thời kỳ này có biết bao tấm gương nổi bật mà cuộc đời của họ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với sự nghiệp dựng nước, giữ nước và mở mước của dân tộc. Đại sư Ngô Chân Lưu chỉ với danh hiệu Khuông Việt mà vua Đinh ban cho đủ thấy công án của Ngô Chân Lưu đối với đất nước. Thiền sư Đỗ Pháp Thuận với tư cách là một người lái đò nhưng đã làm cho sứ thần phương Bắc là Lý Giác kinh ngạc, để rồi phải thừa nhận: “Thiên ngoại hữu thiên ưng viên chiếu. Thiền sư Vạn Hạnh dựng nghiệp họ Lý thông qua một cuộc cách mạng lam”, mở ra một kỷ nguyên cường thịnh cho đất nước Đại Việt kéo dài 4 thế kỷ. Quốc sư Viên Chứng với lời khuyên Trần Thái Tông:“Phàm làm đấng nhân quân phải lấy tâm thiên hạ làm tâm mình để rồi nhà vua trở lại ngôi báu, xây dựng Đại Việt thành một quốc gia hùng mạnh với những võ công, văn trị hiển hách. Phật hoàng Trần Nhân Tông, khi làm vua thì giữ vững sơn hà xã tắc trước cường địch Mông - Nguyên; khi xuất gia thì hai nhiệm vụ Đạo và Đời không tách rời, dẫn đến Đại Việt có thêm “hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặmvà một Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đặc sắc, rất đổi tự hào của người Việt Nam(15) , ...

- Thời cận và hiện đại với những cuộc nổi dậy vì sự nghiệp giải phóng dân tộc do của các nhà sư Vương Quốc Chính, Võ Trứ và Phật tử Nguyễn Hữu Trí lãnh đạo vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Công cuộc hoằng dương Chánh pháp thời chấn hưng Phật giáo ở khắp cả ba miền với nhà sư và Phật tử tên tuổi như Khánh Hòa, Phước Huệ, Giác Tiên, Trí Độ, Lê Đình Thám,... đã sản sinh ra những tăng ni sẵn sàng dấn thấn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. 9 năm chống Pháp, nhà chùa trở thành nơi hiệu triệu toàn dân tham gia kháng chiến. Đêm 19-12-1946, tại chùa Trầm (Hà Nội), Lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang đi khắp cả nước; rồi phong trào “cởi áo cà sa, mặc chiến bàocủa tăng ni khắp ba miền Bắc - Trung - Nam với một ý chí là từ bi, cứu khổ:

Hỡi Tăng già nung sôi bầu nhiệt huyết,

Lòng lợi tha đâu tiếc chí hy sinh.

Phải xả thân vì công lý hòa bình,

Chơn hạnh nguyện là từ bi cứu khổ.

....

Kìa thực dân tham tàn đầy độc ác,

Quyết đọa đày nô lệ giống nòi ta.

Gắng lên đi hỡi quý vị Tăng già,

Chơn hạnh nguyện là từ bi cứu khổ(16) .

Thời kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Phật giáo Việt Nam đã có sự đột phá diệu kỳ, cùng toàn dân quật đổ bao chính quyền, từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu, góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiêu biểu là cuộc quật khởi năm 1963, mà ngọn lửa Bồ tát Thích Quảng Đức thắp lên giữa đường phố Sài Gòn (11-6-1963) được xem là niềm tự hào lớn lao đối với tăng ni, Phật tử Việt Nam ngày nay và mãi mãi về sau.

Tất nhiên, trên đây chỉ là những nội dung tiêu biểu nhưng cũng chỉ là gợi ý. Chúng ta còn có biết bao nhiêu sự kiện, nhân vật cần phải được trao truyền cho tuổi trẻ. Vấn đề đặt ra là ở khả năng phát hiện của diễn giả, khả năng chuyển tải nội dung để tuổi trẻ nắm bắt được một cách sinh động và hứng thú về sự gắn bó của Phật giáo Việt Nam với dân tộc. Cái chung nhất cho việc chuyển tải truyền thống Phật giáo Việt Nam đến với tuổi trẻ là làm sao để họ thấy được sự gắn bó máu thịt giữa Phật giáo và dân tộc xuyên suốt hai ngàn năm lịch sử dân tộc. Điều mà như Nhà thơ Trụ Vũ đã viết trong bài thơ “Tình Sông Nghĩa Biển”:

“Việt Nam và Phật giáo,

 Phật giáo và Việt Nam.

Ngàn năm xương thịt kết liền,

Tình sông nghĩa biển, mối duyên mặn nồng

...

Trang sử Việt Nam yêu dấu,

Thơm ướp hương trầm.

Nghe trong tim Lý, Lê, Trần,

Có năm cánh đạo nở bừng nguy nga ...”.

Lời cuối. Tất nhiên, ba giải pháp trên đây cũng chỉ là sự gợi ý, chắc chắn sẽ có nhiều giải pháp khác nữa để tuổi trẻ Việt Nam đến với Phật giáo. Điều này đúng với tinh thần “khế lý khế cơ”, “tùy thời tùy quốc độ” của Phật giáo. Dẫu vậy, để tuổi trẻ Việt Nam đến với Phật giáo đòi hỏi phải có sự cộng sinh của nhiều yếu tố, như về hình thức và phương pháp tổ chức, về thời gian cho phép, về sự ứng xử linh hoạt, khúc chiết ngôn từ trong diễn giải, ... và hơn hết là sự uyên thâm Phật pháp và đạo hạnh của bậc đạo sư. Cũng phải nói thêm rằng, thực tế, trong phạm vi ngoài nhà chùa, với ba giải pháp trên đây, tuổi trẻ tuy chưa nhiều, nhưng thực sự họ đã tìm đến với Phật giáo, xem Phật giáo như là một điểm tựa tinh thần với ý nghĩa dẫn đường và động viên họ trong lao động, học tập và nghiên cứu để trở thành người hữu dụng của xã hội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

_____________

CHÚ THÍCH

* PGS. TS. Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế.

(1) Kiêm Đạt. Lịch sử Gia đình Phật tử Việt Nam. Phật học viện Quốc tế xuất bản, USA, California, 1981, tr. 23-24.

(2) Hà Văn Tấn. Phật giáo với cách mạng. Nghiên cứu Phật học, số I. Phân viện Nghiên cứu Phật học, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 23.

(3) Thích Đức Nghiệp. Hồ Chí Minh một biểu trưng nhân bản Việt Nam. Nghiên cứu Phật học, số I. Phân viện Nghiên cứu Phật học, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 29.

(4) Theo chúng tôi, công án của Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, cần phải có một công trình chuyên khảo đặc biệt mới hy vọng làm rõ được toàn bộ sự nghiệp của ông đối với Phật giáo. 

(5) Ngày nay gọi là lớp 11.

(6) . Science and Buddhism (Khoa học và Phật giáo). Giao Điểm, Số 38, P.O. BOX, USA, 2000, tr. 67.

(7) Xin dẫn ra đây một số tư liệu: Học viện Phật giáo Dorje Chang ở Úc thành lập từ năm 1975, khu đất rộng 3 mẫu ở vùng ngoại ô Auckland. Chùa tháp, thiền đường, thư viện, vườn thiền được kiến tạo trên khu đất này. Theo vị trụ trì, kiêm giáo thọ của học viện, Thượng tọa, Tiến sĩ Geshe Wangehen, số người quy y tu học gia tăng mau chóng, vào thập niên 1980 có 7.000 người, thập niên 1990 là  10.000 người, sang thập niên đầu thế kỷ XXI, chỉ tính riêng năm 2006, là 25.000 người; hoặc Tu viện Phật giáo Zen Mountain Monnastery, bang New York, vốn là một Đại Chủng viện Thiên Chúa giáo, được Thượng tọa Johu Daio Loori Roshi mua lại để biến thành tu viện Phật giáo. Khi mới thành lập, số người đến tu chỉ khoảng 2.500 người một năm. Những năm sau đó, số người tin Phật gia tăng ngoài sức tưởng tượng là 22 ngàn người mỗi năm, nghĩa là gia tăng 8 hay 10 lần so với con số đầu tiên; hoặc tại Tùng lâm Phật giáo Scotland Forest, pho tượng Phật Thích Ca cao 6m  chưa kể bệ sen. Lễ an vị vào ngày 26-10-2006. Pho tượng do nghệ sĩ điêu khắc Senehedheera và các nghệ sĩ khác ở nước Anh thực hiện.  Khóa tu học Phật thất dành cho 23 người Pháp được tổ chức vào ngày cuối tuần thứ bảy và chủ nhật 18-19/12/2006 tại chùa Dejamloing ở vùng Cevennes Mountains thuộc miền Nam nước Pháp; khóa Phật pháp  căn bản tổ chức tại St. Petersburg từ ngày 13 đến ngày 22-12-2006; Khóa tu 5 ngày, từ 26 đến 30-10-2006 tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha cho 750 thính chúng, giới tử,...  

(8) Nguyễn Xuân. Trao đổi với một vài người bạn Mỹ: Phật giáo đã đến với họ như thế nào, Tạp chí Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Ấn phẩm Đông Xuân 2014, tr. 93.

(9) Nguyễn Xuân, Bài báo đã dẫn, tr. 93.

(10) Minh Ngọc, Về hoạt động Phật sự trên thế giới, Giao Điểm, số 62, 2007, tr. 43.

(11) Science and Buddhism (Khoa học và Phật giáo). Giao Điểm, Số 38, P.O. BOX, USA, 2000, tr. 67.

(12) Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến trước Cách mạng tháng Tám, Tập I. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974, tr. 475.

(13) Trang nhà “Đạo Phật ngày nay”, Phỏng vấn GS. Trần Chung Ngọc. Giao Điểm, Số 38, P.O. BOX, USA, 2000, tr. 10-11.

(14) Lý Khôi Việt.  Phật giáo và quốc đạo Việt Nam. Viện tư tưởng Việt Phật xuất bản, (Không ghi năm xuất bản), USA, tr. 18-19. 

(15) Cuối năm 2008, xe đưa chúng tôi từ Hà Nội lên Uông Bí (Quảng Ninh) để dự Hội thảo khoa học và Lễ tưởng niệm nhân 750 năm ngày đản sinh và 700 năm ngày viên tịch của Phật hoàng Trần Nhân Tông, dọc đường có nhiều biểu ngữ với nội dung ca ngợi sự nghiệp của Trần Nhân Tông, trong đó biểu ngữ mang dòng chữ “Thiền phái Trúc Lâm niềm tự  hào lớn của dân tộc Việt Nam”. 

(16) . Thích Huệ Thông. Phật giáo Tiền Giang, Lược sử và những ngôi chùa. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2002, tr. 82.

 

Nguồn: tác giả gửi cho trang SH