Kỷ Niệm 77 Năm Ngày Thành Lập Q. Đ. N. D.- Cảm Nghĩ Về Anh Bộ Đội Cụ Hồ

Kỷ Niệm 77 Năm Ngày Thành Lập Q. Đ. N. D

Cảm Nghĩ Về Anh Bộ Đội Cụ Hồ

Nguyễn Hải Phú

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenHaiPhu.php

22-Dec-2021

Sau ngày thành lập một thời gian ngắn Trung đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với mưu trí của mình đã đánh thắng lấy hai đồn Nà Ngần và Khai Khắc để xây dựng truyền thống “đánh là thắng” mà Bác Hồ đã căn dặn.

Từ đó về sau Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tạo ra những móc lịch sử đánh thắng quân thù làm nức lòng nhân dân cả nước.

Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 là dấu móc khẳng định sự trưởng thành của đạo quân “từ nhân dân mà ra” khi quân đội ta đủ sức làm đại bại cuộc hành quân của 12.000 quân viễn chinh thiện chiến của thực dân do tướng Salan, người đã từng chỉ huy Đơn vị thuộc địa số 9 trong chiến dịch giải phóng nước Pháp cuối Đại chiến thế giới thứ 2, người đã có kinh nghiệm ở chiến trường Việt Nam. Chiến thắng ấy đã tạo cảm hứng để nhạc sĩ Văn Cao cho ra đời bài hát “Trường ca Sông Lô” bất hủ. Sau thắng lợi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho người chỉ huy Quân đội: đồng chí Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng cho một số vị khác.

Chiến dịch Biên giới đến chiến dịch Hòa Bình thể hiện rõ sự lớn mạnh thêm của Quân đội ta. Sau chiến dịch Biên giới, việc đi lại thông thương giữa Việt Nam với Trung Quốc được dễ dàng. Bộ đội Việt Nam có điều kiện sang nước bạn để học, luyện tập, nhận vũ khí viện trợ từ các nước XHCN, nhất là Liên Xô, Trung Quốc. Ngoài việc nâng cao chiến kỹ thuật cho bộ binh, lực lượng pháo binh, phòng không đã được ra đời để hỗ trợ cho bộ binh đắc lực khi chiến đấu.

Sự lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam được chứng minh ở cuộc quyết chiến, quyết thắng “vang dội năm châu, chấn động địa cầu” mang tên Điện Biên Phủ, tiêu diệt 16.000 quân viễn chinh tinh nhuệ của Pháp có sự hỗ trợ vũ khí hiện đại và không quân của đế quốc Mỹ. Hiệp định Genève được ký kết, Pháp phải thừa nhận nền độc lập, chủ quyền của Việt Nam và chịu rút quân về nước.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một móc son chói lọi, là tiếng kèn hiệu triệu các dân tộc còn bị áp bức đứng lên đấu tranh giành chính quyền, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ…(đưa quân viễn chinh trực tiếp xâm lược nước khác).

Sau năm 1954, ở miền Nam đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và các chính quyền nối tiếp theo kiểu “thực dân mới”, làm cuộc chiến tranh đặc biệt dùng quân đội ngụy chống lại quân đội cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà công khai là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, quân dân miền Nam đã giành nhiều thắng lợi to lớn. Vang dội nhất là chiến thắng Ấp Bắc. Một chứng minh khả năng đánh thắng quân ngụy có cố vấn Mỹ với chiến thuật trực thăng vận, chiến xa M.113 của đội quân du kích. Tiếp theo các chiến thắng Bình Gĩa, Ba Gia, Đồng Xoài, tiêu diệt từng tiểu đoàn đến chiến đoàn quân ngụy đánh dấu sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.

Mỹ buộc phải chuyển sang chiến tranh cục bộ đưa quân vào trực tiếp đánh với ta ở miền Nam, dùng không quân đánh phá miền Bắc, hậu phương lớn của cách mạng miền Nam. Trong khói lửa của “chiến tranh phá hoại”, quân đội ta càng lớn mạnh, bộ đội tên lửa, phòng không không quân, hải quân ngày thêm trưởng thành, bắn tan hàng ngàn máy bay hiện đại của không lực Hoa Kỳ.

Qua hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, với những cuộc hành quân lớn như Át-ten-bô-rô, Gian-sơn - city, quân Mỹ thực hiện cái gọi là “tìm diệt” nhưng không diệt được quân Giải phóng, không bắt được cơ quan đầu não kháng chiến, ngược lại phải bị tổn thất nặng nề. Với khẩu hiệu “Bám thắt lưng Mỹ mà đánh”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, ta đã đánh thắng nhiều trận có ý nghĩa quan trọng như Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Bàu Bàng chứng minh Mỹ có điểm yếu - Quyết tâm đánh Mỹ là sẽ thắng Mỹ.

Đến mùa khô thứ ba, khi quân Mỹ chưa kịp ra tay và đang tập trung chú ý vào căn cứ Khe Sanh đang bị vây hãm thì cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 nổ ra đồng loạt vào tất cả các đô thị miền Nam. Đây là đòn bất ngờ với nước Mỹ, làm rung chuyển tòa Bạch Ốc, tướng Wesmorelen bị cách chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mác Namara từ chức, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải tuyên bố đơn phương ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri.

Chiến tranh cục bộ của Mỹ phá sản. Chính quyền Mỹ phải “phi Mỹ hóa” – “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Mỹ rút quân nhỏ giọt để hà hơi, dùng quân ngụy đánh sang Campuchia, mở rộng cuộc chiến ra toàn cõi Đông Dương. Quân ngụy cố tăng cường “bình định” miền Nam.

Thực hiện lời hịch của Bác Hồ Xuân 1969 “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Người để lại Di chúc lịch sử khẳng định: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù còn trải qua nhiều gian khổ hy sinh, nhưng nhất định thắng lợi. Đó là điều chắc chắn”…Thực hiện lời Bác, quân dân ta cùng quân dân nước bạn Lào đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở đường 9 Nam Lào năm 1971. Đầu năm 1972, chúng ta mở cuộc Tổng tấn công chiến lược toàn miền Nam.

Tháng 12 năm 1972, quân dân miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích ồ ạt bằng không quân chiến lược B.52 của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng.

Chính quyền Nixơn buộc phải ký kết Hiệp định Pa-ri 1973, rút hết quân Mỹ và chư hầu về nước.

Từ đây thế và lực tại miền Nam giữa ta và địch đã thay đổi có lợi cho cách mạng. Nhưng với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, Nguyễn Văn Thiệu không thi hành Hiệp định, xua quân lấn đất giành dân vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Pa-ri.

Sau trận thăm dò giải phóng tỉnh Phước Long, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên ngày 10-3-1975. Phát huy thắng lợi, chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, các tỉnh duyên hải miền Trung đẩy quân ngụy tan rã nhanh chóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ hoàn toàn giải phóng  ngày 30-4-1975. Đây là chiến dịch mang tính lịch sử của Quân đội ta dùng bộ đội đặc công chiếm giữ các cầu quan trọng để đại quân hành tiến thuận lợi. Các quân binh chủng hợp thành, Hải, Lục, Không quân, tên lửa phòng không, xe tăng thiết giáp tiến quân lối chiến tranh hiện đại kiểu quy ước.

Sau 30 năm chiến đấu trưởng thành, đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã làm tròn sứ mạng giải phóng dân tộc một cách vô cùng vẻ vang.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói từ năm 1964 rằng: “Chúng tôi quên đi rằng chỉ có 34 người với súng thô sơ, mà thấy đây là một đội quân gang thép, không một sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật ngã kẻ thù. Tin tưởng, náo nức, cảm động”. (Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra. NXB QĐND).

Nhớ lại năm 1948, khi phong hàm cho các tướng lĩnh xong, trả lời một số nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rất gọn, thể hiện tính độc đáo của Việt Nam: “Đánh thắng đại tá, phong đại tá…Đánh thắng Đại tướng, phong đại tướng”.

Hơn thế. Rốt cuộc Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh bại 11 đại tướng của quân đội Pháp và Mỹ. (1)

Thực dân Pháp, đế quốc Mỹ không hiểu lịch sử Việt Nam, không hiểu biết về con người Việt Nam - đặc biệt ở thời đại Hồ Chí Minh. Họ càng không hiểu, không đánh giá đúng Quân đội Nhân dân Việt Nam và người chỉ huy Đội quân này. Người Mỹ xây dựng lực lượng quân đội Sài Gòn và cả họ đánh với Cộng sản như họ đánh ở Triều Tiên. Họ bất ngờ, Kissinger nhà mưu lược hàng đầu của Mỹ đã chua xót than rằng: “Mỉa mai thay, chúng ta chuẩn bị Nam Việt Nam loại chiến tranh quy ước sau 1954 (vì dự đoán sẽ có một cuộc tấn công kiểu Triều Tiên) thì họ phải đương đầu với một cuộc chiến tranh chính trị; họ đã chuẩn bị cho loại chiến tranh chính trị sau năm 1973 để rồi phải đương đầu với cuộc chiến tranh của chủ lực quân 20 năm sau khi loại chiến tranh đó được dự đoán”. (2)

Trong buổi lễ phong hàm Đại tướng ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ vừa xúc động vừa trịnh trọng nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng quốc dân giao phó…”.

Quân đội Nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm tròn sứ mạng nhân dân giao phó, đúng với sự tin tưởng, giáo dục của Bác Hồ - Đội quân đó mãi mãi vinh dự mang cái tên thân thương: “Bộ đội Cụ Hồ”!

   Nguyễn Hải Phú

Chú thích:

(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh thắng:

Bảy Đại tướng của Pháp:

1. Tướng 4 sao: Philippe Leclerc, nhậm chức 8-1945 đến 6-1946, bị triệu hồi vì thất bại trong chiến lược đánh nhanh thắng nhanh.

2. Tướng 4 sao: Etienne Valluy thay Philippe nhưng chỉ đến tháng 5-1948, thì bị triệu hồi, vì thất bại trong chiến dịch Thu Đông năm 1947.

3. Tướng 4 sao: C. Blaijat, nhưng đến 9-1949 (một năm sau), bị triệu hồi vì không thực hiện được chiến lược “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, lấy người Việt trị người Việt”.

4. Tướng 4 sao: M. Corgente sang thay, bị đòn đau trong chiến dịch Biên giới, bị thay vào tháng 12- 1950.

5. Tướng 5 sao: Delattre De Tassigny. Không thực hiện được mục tiêu chính phủ Pháp đề ra nên bị thay thế bởi tướng 4 sao: Salan.

6. Tướng Salan: quân Pháp bị thất bại trong chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc Thượng Lào năm 1953. Bị triệu hồi 5-1953.

7. Tướng 4 sao: Nava. Bị thua ở Điện Biên Phủ, bị triệu hồi tháng 6-1954.

Tướng 5 sao Ely được cử sang thay Nava, nhưng 1 tháng sau, Hiệp định Genève được ký kết nên tướng Ery chỉ làm nhiệm vụ “thu quân về nước”.

Bốn Đại tướng của Mỹ:

  1. Paul D. Harkin, Đại tướng, từ 2-1962 đến 6-1964.
  2. William Westmoreland, Đại tướng. Từ 6-1964 đến 7-1968.
  3. William Abram Jr, Đại tướng. Từ 7-1968 đến 6-1972.
  4. Frederick C. Weyand. Đại tướng. Từ 6-1972 đến 3-1973.

(2). Bài “Bài học Việt Nam” của Kissinger.         

Nguyễn Hải Phú

Nguồn : tác giả gửi cho SH

 

_____________

Bài đọc thêm:

- Những bại tướng Pháp - Mỹ nói gì về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Xem hình ảnh và video Điện Biên Phủ trên không:

- "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”- bản anh hùng ca vang mãi

- Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không- Đỉnh cao chiến thắng trong lịch sử Việt Nam

Trang Thời Sự