PHẬT HỌC VIỆN HẢI ĐỨC NHA TRANG VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG CỦA PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963

PHẬT HỌC VIỆN HẢI ĐỨC NHA TRANG VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG CỦA PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963

GS Lê Cung* & Nguyễn Trung Triều**

http://sachhiem.net/LICHSU/L/LeCung18.php

15-Nov-2021

Ngày 6-5-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Công điện 9195 với nội dung cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Lễ Đại Lễ Phật đản 1963 (2507). Chiều hôm sau, Tăng Ni, Phật tử Huế biểu tình, bao vây Tỉnh toà Thừa Thiên; sáng ngày 8-5-1963, tại Lễ đài chùa Từ Đàm, trước đông đảo Tăng Ni, Phật tử, giới lãnh đạo Phật giáo nêu yêu sách đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo.

 

Phật học viện Hải Đức Nha Trang ra đời năm 1956(1) và hoạt động trong bối cảnh đất nước bị chia cắt; Tăng Ni, Phật tử miền Nam vừa gánh chịu chính sách kỳ thị nặng nề của chính quyền Sài Gòn, nhất là dưới chế độ Ngô Đình Diệm (2); vừa tủi nhục trước tình cảnh đất nước phân ly do sự can thiệp của ngoại bang. Ngay từ tháng 6-1954, khi Ngô Đình Diệm vừa được Mỹ đưa về làm Thủ tướng “Quốc gia Việt Nam”, giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam đã khẳng định: “Dưới chế độ Diệm cuộc sống sẽ trở nên hiểm nghèo hơn so với bất cứ thời gian nào dưới thời Pháp. Chúng ta chắc chấn phải trải qua những tháng ngày khó khăn hơn”(3).  

Vì vậy, việc chế độ Ngô Đình Diệm kết thúc ngày 1-11-1963, nhân dân miền Nam “phấn khởi reo mừng như vừa thoát một tai ách đè nặng trên đời mình” (4)  được xem như là tất yếu. Dĩ nhiên, cuộc vận động của Phật giáo miền Nam năm 1963 là đòn chính trị trực tiếp đẩy chế độ Ngô Đình Diệm đến chỗ sụp đổ. Bài viết này góp phần làm rõ những đóng góp của Phật học viện Hải Đức Nha Trang  đối với cuộc vận động của Phật giáo miền Nam  năm 1963. 

Ngày 6-5-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Công điện 9195 với nội dung cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Lễ Đại Lễ Phật đản 1963 (2507). Chiều hôm sau (7-5-1963), Tăng Ni, Phật tử Huế biểu tình, bao vây Tỉnh toà Thừa Thiên; sáng ngày 8-5-1963, tại Lễ đài chùa Từ Đàm, trước đông đảo Tăng Ni, Phật tử, giới lãnh đạo Phật giáo nêu yêu sách đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo. Đêm 8-5-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm gây ra vụ đàn áp đẫm máu tại Đài Phát thanh Huế làm 8 Phật tử thiệt mạng (5). Ngày 10-5-1963, Phật giáo Huế tổ chức cuộc metting tại chùa Từ Đàm, Huế công bố Bản Tuyên ngôn gồm 5 nguyện vọng (6). Bản Tuyên ngôn được xem là cương lĩnh của cuộc vận động Phật giáo Việt Nam đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo năm 1963.

Những sự kiện trên đây cho thấy cuộc vận động đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo của Phật giáo miền Nam đã thực sự bắt đầu ở Huế; và Phật học viện Hải Đức Nha Trang đã kịp thời hưởng ứng. Ngay khi Công điện 9195 ngày 6-5-1963 của chính quyền Ngô Đình Diệm chuyển đến Văn phòng Tỉnh hội, Thượng toạ Thích Trí Thủ, Giám viện Phật học viện Hải Đức Nha Trang cùng với Đại đức Thích Đức Minh, Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hoà đã gặp ngay Thiếu tá Tỉnh trưởng Khánh Hoà để xác định lập trường “hoặc tổ chức Lễ Phật đản với giáo kỳ, hoặc là không tổ chức gì hết” (7). Trước thái độ cương quyết của giới lãnh đạo Phật giáo Phật học viện Hải Đức Nha Trang và Khánh Hoà, chính quyền địa phương buộc phải đồng ý cho treo giáo kỳ trở lại.

Ngày 14-5-1963, tại chùa Từ Đàm, Tăng Ni, Phật tử tổ chức lễ cầu siêu sơ tuần cho các nạn nhân bị thảm sát tại Đài Phát thanh Huế. Sau lễ cầu siêu, Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, “đã gởi điện tín cho các Hội Phật giáo ở Đà Lạt, Sài Gòn, Chợ Lớn, các tỉnh Trung nguyên và Cao nguyên Trung Phần” chỉ thị cho các hội Phật giáo phải tổ chức lễ thọ tang các Thánh tử đạo: “Nhân danh Hội chủ Phật giáo toàn quốc, tôi chỉ thị cho 6 Tập đoàn Tăng già và Cư sĩ toàn quốc cùng tất cả Gia đình Phật tử và các giới Phật tử khác như anh em quân nhân, vân vân ... hãy nhất tề thọ tâm tang cho các Phật tử đã bỏ mình vì Đạo pháp trong Đại lễ Phật đản vừa qua tại Đài phát thanh Huế” (8).

Tiếp theo, để tỏ rõ quyết tâm tranh đấu cho lý tưởng tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, trong Văn thư gởi Ngô Đình Diệm ngày 24-5-1963, Hoà thượng Thích Tịnh Khiết thông báo: “Để cho những nguyện vọng tối thiểu và hoàn toàn thuộc phạm vi tín ngưỡng được ghi trong bản Tuyên ngôn và Bản Phụ đính của chúng tôi, được thấu hiểu và chấp nhận, tôi thiết nghĩ Phật giáo đồ - mà Tăng sĩ Phật giáo là phần chính - phải có một cách nào hơn những việc đã làm. Dó đó, tôi đã chỉ thị cho các vị lãnh đạo 6 tập đoàn Phật giáo Việt Nam sẽ tuyệt thực 48 giờ đồng hồ có bác sĩ giám hộ kể từ 14 giờ ngày 30-5-1963 (9).    

Chấp hành chỉ thị trên đây của Hoà thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, ngày 28-5-1963, Phật học viện Hải Đức Nha Trang tổ chức lễ cầu siêu tuần thứ ba cho các Thánh tử đạo đã bỏ mình vào tối 8-5-1963 tại Đài Phát thanh Huế. Lễ cầu siêu diễn ra giữa một rừng cờ Phật giáo, với sự tham gia không chỉ học tăng của Phật học viện Hải Đức Nha Trang mà còn thu hút đông đảo tín đồ Phật giáo Khánh Hoà. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã dùng đến thủ đoạn hèn hạ như cúp điện khiến cuộc phát thanh thông bạch và tài liệu của Tổng hội Phật giáo bị trở ngại.

Từ 14 giờ 30 ngày 30-5-1963, chấp hành chỉ thị của Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Lãnh đạo tối cao Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, 19 Tăng Ni, trong đó có một số Học tăng Phật học viện Hải Đức Nha Trang, tuyệt thực 48 tiếng đồng hồ tại 2 địa điểm: Công trường Trịnh Minh Thế (10) và Công trường Cộng hoà (11), để đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thoả mãn 5 nguyện vọng ghi trong Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam ngày 10-5-1963. Ngày 2-6-1963, đã quá hạn 48 tiếng đồng hồ, chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn “án binh bất động”, Tăng Ni vẫn tiếp tục tuyệt thực, khiến 3.000 tín đồ kéo đến 2 địa điểm vừa nói, biểu tình ủng hộ (12).

Ngày 4-6-1963, Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hoà tổ chức lễ cầu siêu tuần thứ tư cho các Thánh tử đạo tại chùa Trung Nghĩa (Trụ sở Khuôn hội Kỳ Viên). Mặc dầu đã được chấp thuận trước, nhưng khi lễ cầu siêu tổ hức, chính quyền Ngô Đình Diệm đã huy động cảnh sát ngăn chặn hết mọi nẻo đường không cho Tăng Ni, Phật tử đến dự lễ. Trước tình thế đó, Học tăng Phật học viện Hải Đức Nha Trang tích cực đấu tranh khiến vòng vây cảnh sát buộc phải nới lỏng, một số Tăng Ni, Phật tử đến gần địa điểm, nhưng vẫn bị chận lại không cho lên chùa, họ phải quỳ dưới cấp chùa ngay giữa đường ngã ba Quốc lộ 1; tiếp theo chính quyền Ngô Đình Diệm cho cúp điện khiến “buổi lễ cử hành trầm lặng, giữa sự đau lòng xót dạ của mọi người” (13).

Tình hình trên đây không chỉ riêng ở Nha Trang mà trên hầu hết các thành phố, thị xã miền Nam, nhất là Huế. Phong trào đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo của Phật giáo miền Nam đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Để giữ vững phong trào, ngày 11-6-1963, Hoà thượng Thích Quảng Đức anh dũng tự thiêu tại ngã tư đường Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu). Cuộc tự thiêu đã gây nên một chấn động mạnh, dư luận trong nước và quốc tế, đặc biệt là Mỹ, lên án gay gắt chính quyền Ngô Đình Diệm. Để tránh một cuộc nổi dậy của Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm phải chịu nhượng bộ bằng việc ký kết với Phật giáo bản Thông Cáo chung vào 1 giờ 30 sáng ngày 16-6-1963, thoả mãn 5 nguyện vọng của Phật giáo. Thực ra đây chỉ là kế hoãn binh. Âm mưu này được tiết lộ trong một bức mật điện mang số 13242/VP/TT ngày 19-6-1963 của Văn phòng Phủ Tổng thống đánh đi cho các Đại biểu Chính phủ các miền, Tư lệnh các vùng, nguyên văn như sau: “Để tạm thời làm dịu tình hình và khí thế đấu tranh quá quyết liệt của bọn Tăng Ni Phật giáo phản động, Tổng thống và ông Cố vấn ra lệnh tạm thời nhún nhường họ. Các nơi hãy theo đúng chủ trương trên và đợi lệnh. Một kế hoạch đối phó thích nghi sẽ gởi đến sau. Ngay từ bây giờ, hãy chuẩn bị dư luận cho giai đoạn tấn công mới, hãy theo dõi, điều tra, thanh trừng những phần tử Phật giáo bất mãn và trình thượng cấp, kể cả sĩ quan và công chức cao cấp” (14).

Trong một cuộc họp của 18 tướng tá vào đầu tháng 7-1963, Ngô Đình Nhu tuyên bố: “Nếu chính phủ này không giải quyết vấn đề Phật giáo, nó sẽ bị lật đổ vì một cuộc đảo chánh quân sự” (15) . Theo Nhu, “bất cứ chính phủ nào thay thế chính phủ này trước hết phải đập tan những người Phật giáo” (16).

Điều này giải thích tại sao sau đó chính quyền Ngô Đình Diệm bằng nhiều thủ đoạn gây ra hàng loạt vụ vi phạm Thông Cáo chung. Riêng ở Nha Trang, chính quyền Ngô Đình Diệm cho tay chân vào chùa Tỉnh hội (chùa Long Sơn) đoạt lấy hình ảnh Hoà thượng Thích Quảng Đức mà Tỉnh hội đang thờ; hoặc cho người đốt xe hơi của ông Trần Quang Ba, Phó Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hoà. Tại Phật học viện Hải Đức Nha Trang, đêm 14-7-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm cho người lạ mặt lẽn vào phòng ngủ hành hung các học tăng (17).

“Chiến tranh một phía” của chính quyền Ngô Đình Diệm không cho phép giới lãnh đạo Phật giáo hòa hoãn được nữa, buộc họ phải phát động trở lại cuộc đấu tranh. Trong Văn thư số 83 ngày 14-7-1963 gởi Ngô Đình Diệm, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định rằng: “Vì sự tồn vong của Phật giáo, tôi kính thưa Tổng thống tường, kể từ hôm nay, với tư cách là lãnh đạo tối cao, tôi thấy có bổn phận chỉ thị cho Tăng Ni và thiện tín phát động một phong trào đòi hỏi sự thực thi bản Thông Cáo chung dưới mọi hình thức bất bạo động và trong sự tôn trọng các điều khoản của bản Thông Cáo chung ấy” (18). Cũng trong ngày hôm đó, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết gởi Thông bạch kêu gọi toàn thể Tăng tín đồ “nhất tề thực hiện phong trào” (19).

Phong trào Phật giáo miền Nam phục hồi trở lại với cường độ cao hơn trước. Tại Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, ngày 8-8-1963, 3 học tăng là Hồ Đắc Chương, Nguyễn Phi Vân và Nguyễn Đạo Uy đã bí mật vào Sài Gòn “để xin tự thiêu đấu tranh cho 5 nguyện vọng của Phật giáo” (20). Trên toàn miền Nam, chỉ nửa đầu tháng 8-1963, đã có đến 4 cuộc tự thiêu phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm không chịu thi hành Thông Cáo chung, trong đó có cuộc tự thiêu của Ni sư Diệu Quang diễn ra ngày 15-8-1963 tại Ninh Hoà cách Nha Trang không xa. Chính quyền Ngô Đình Diệm cướp xác và bút tích của ni sư. Ngày 16 và 17-8-1963, cùng với Tăng Ni, Phật tử Khánh Hoà, Học tăng Phật học viện Hải Đức Nha Trang tham gia biểu tình bất bạo động đòi trả lại xác và bút tích của Ni sư Diệu Quang, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thẳng tay đàn áp làm 26 Tăng Ni bị thương, trong số đó có 8 trầm trọng; 13 thanh niên và học sinh Phật tử bị thương (10 nặng); trên 200 thiện tín, thanh niên và học sinh bị bắt, mà “mà công an đã ngang nhiên tuyên bố là do lệnh Trung ương” (21). Tiếp theo, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành phong toả Phật học viện Hải Đức Nha Trang, chùa Tỉnh hội và Trường Bồ Đề Nha Trang; điện nước bị cắt, mọi tiếp tế lương thực và thuốc men bị ngăn chận. Phản đối hành động dã man này, trong thư văn gởi Ngô Đình Diệm ngày 19-8-1963, Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Lãnh đạo tối cao Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo viết:

“Phật giáo đồ chúng tôi xin ghi thêm một thành quả tốt đẹp của nền Dân chủ Cộng hoà Nhân vị do những lá thăm của 80% dân chúng Phật giáo xây dựng, và xin để quốc dân đồng bào và Thế giới Tự do phán xét” (22)

Không riêng gì ở Nha Trang mà hầu hết các đô thị miền Nam, phong trào Phật giáo lên cao, nhất là tại Huế và Sài Gòn (23). Để cứu nguy cho chế độ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho thực hiện “Kế hoạch nước lũ”

“Cương quyết thanh trừng các phần tử phản bội và quá khích trong giới Tăng Ni, công chức, giáo sư, sinh viên, cũng như trong các đoàn thể nhân dân”  nhằm giải quyết dứt điểm “vụ Phật giáo”. “Thời gian ấn định cho việc thực hiện xong kế hoạch là từ 21-8 đến 30-8-1963” (24)

Đúng như kế hoạch đã vạch ra, đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành “Kế hoạch nước lũ”, cho quân tấn công đồng loạt hầu hết các ngôi chùa được dùng làm cơ sở đấu tranh trên toàn miền Nam, bắt giam hầu hết giới lãnh đạo Phật giáo cùng hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử, giáo sư, sinh viên tích cực tham gia phong trào. Ở Nha Trang, chùa Tỉnh hội và Phật học viện Hải Đức cũng chịu chung số phận. Hầu hết Tăng Ni, Phật tử đều bị bắt, riêng Đại đức Thích Đức Minh, Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo và Đại đức Thích Đổng Minh, Trưởng ban kinh tế tự túc, đồng thời là giáo thọ giảng dạy thường xuyên tại Phật học viện Hải Đức Nha Trang, bị chúng chở đi bằng một xe hơi dấu kín.
Không thể ngồi nhìn:

 “Thảm trạng đau lòng khi pháp nhược,
  Quê hương tan tác lúc ma cường” (25).

Tôn giả Thích Nguyên Hương, vốn là một cựu học tăng của Phật học viện Hải Đức Nha Trang, đã noi gương Hoà thượng Thích Quảng Đức và các Thánh tử đạo, với chí nguyện đem thân làm đuốc soi sáng u minh, tình người thức tỉnh:

Phát nguyện thiêu thân cầu Tam Bảo,
Hộ trì Phật giáo được miên trường”
(26).

Vào lúc 12 giờ 25 phút ngày 5-10-1963, Tôn giả Thích Quảng Hương đã anh dũng tự thiêu tại Công trường Diên Hồng (nay là Công viên Quách Thị Trang) trước chợ Bến Thành (Sài Gòn) (27). Cuộc tự thiêu của Thích Quảng Hương có ý nghĩa hết sức lớn lao:

“Trong điều kiện phong trào gặp nhiều khó khăn (sau ‘Kế hoạch nước lũ’), ngọn lửa Thích Quảng Hương đã chứng tỏ cho dư luận trong nước và ngoài nước biết rằng ‘vụ Phật giáo’ vẫn còn nguyên vẹn và đã tác động đến Liên hiệp quốc trong phiên họp vào ngày 7-10-1963 tại New York khi bàn đến vấn đề Phật giáo Việt Nam” (28).

Chính tại phiên họp này, Liên Hiệp Quốc đã cử một phái đoàn sang miền Nam điều tra “Vụ Phật giáo”. Ngày 24-10-1963, Phái đoàn điều tra Liên hiệp quốc đến Sài Gòn, và khi Phái đoàn đang làm nhiệm vụ, ngày 1-11-1963, cuộc đảo chính do tướng Dương Văn Minh đứng đầu diễn ra, anh em Diệm - Nhu bị giết chết, chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm cáo chung.

Rõ ràng, trong cuộc vận động của Phật giáo miền Nam năm 1963, đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, chư tôn đức và Học tăng Phật học viện Hải Đức Nha Trang đã có những đóng góp xứng đáng. Sự có mặt của Phật học viện Hải Đức là một trong ba yếu tố (29) khiến cuộc động đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo năm 1963 ở Khánh Hoà diễn ra quyết liệt ngay từ đầu. Theo Tuệ Giác: “Tỉnh hội ở gần Phật học viện. Chính việc này đã cung cấp cho nhiều ý kiến hay và nhân lực để thúc đẩy sự tranh đấu” (30).


Di ảnh Đại đức Thích Nguyên Hương

Sự góp sức của Phật học viện Hải Đức Nha Trang góp phần chứng minh một cách sinh động chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một” (31). Đây  là niềm tự hào lớn của Phật học viện Hải Đức Nha Trang, có ý nghĩa quan trọng trong việc động viên học tăng tu học, phụng sự Đạo pháp và dân tộc trong giai đoạn 1964 - 1975.

____________

CHÚ THÍCH

* PGS. TS. Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế.

 ** ThS. NCS. Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế (Chú thích lại).      

1. Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang ra đời năm 1956. Hàng ngũ lãnh đạo Phật Học Viện qui tụ hầu hết những đấng thạch trụ của Phật giáo miền Nam lúc bấy giờ như Hoà thượng Thích Giác Nhiên, Thượng toạ Thích Trí Thủ, Thượng toạ Thích Trí Quang, Thượng toạ Thích Thiện Minh, Thượng toạ Thích Thiện Siêu, Thượng toạ Thích Huyền Quang, Thượng toạ Thích Trí Tịnh, ... Họ đều thuộc lớp người khai sáng phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung, hoặc là thế hệ đầu tiên trưởng thành từ phong trào này.

2. Xem “Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963” (in lần thứ tư), Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2008.

3., 15., 16. Jerrold Schecter, The New Face of Buddha, John Weather Hill, Tokyo, 1967,  tr. 156, 197, 182.

4. Bộ Thông tin - Phòng 2, số 13559/VICT/TM2/TB/K, Bản nhận định tình hình Vùng I Chiến thuật sau ngày Cách mạng 1-11-1963, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: TNTP-4192.

5. Tám Phật tử thiệt mạng gồm Nguyễn Thị Ngọc Lan 12 tuổi, Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa 12 tuổi, Dương Văn Đạt 13 tuổi, Đặng Văn Công 13 tuổi, Nguyễn Thị Phúc 15 tuổi, Lê Thị Kim Anh 17 tuổi, Trần Thị Phước Trị 17 tuổi, Nguyễn Thị Yến 20 tuổi.

6. Năm nguyện vọng là: 1- Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo; 2- Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một quy chế đặc biệt như các Hội Truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong Dụ số 10; 3- Yêu cầu Chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo; 4- Yêu cầu cho Tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo; 5- Yêu cầu Chính phủ phải đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC. 04-HS. 8352.

7., 13., 30.   Tuệ Giác, Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử, Nxb. Hoa Nghiêm, Sài Gòn, 1964, tr. 300, 304, 299.

8. Mật điện của Tỉnh trưởng Thừa Thiên gởi Bộ trưởng Bộ Nội Vụ ngày 14-5-1963, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: Đệ ICH-8529.

9. Thích Hải Ấn và Lê Cung, Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 qua tài liệu cả các cấp Phật giáo, Nxb. Thuận Hoá, Huế 2013, tr. 119.

10. Nay là Công viên Võ Văn Trí.

11. Nay là Công viên 2-4.

12. Bảng kê các hoạt động có tính cách phá rối trật tự trong vụ Phật giáo, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: ĐICH-19.489, tr. 2.

14. Nam Thanh, Cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam. Viện Hóa đạo, Sài Gòn, 1964, tr. 421.

17. Phúc trình về các điểm khiếu nại của Phật giáo Khánh Hoà và Bình Định, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: ĐICH-8521.

18. Văn thư số 83 ngày 14-7-1963 của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam gởi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Tài liệu lưu tại chùa Từ Đàm, Huế.

19. Thông bạch số 84 ngày 16-7-1963 của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam gởi toàn thể Tăng đồ và tín đồ trong nước. Tài liệu lưu tại chùa Từ Đàm - Huế.

20. Bảng kê các hoạt động có tính cách phá rối trật tự trong vụ Phật giáo đã dẫn, tr. 14.

21. Văn thư của Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Lãnh đạo Tối cao Uỷ ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 19-8-1963, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: ĐICH-8521.

23. Xem “Lê Cung, phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963” (in lần thứ tư), Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2008.

24. Kế hoạch thanh toán vụ tranh chấp bạo động của Tổng hội Phật giáo tại Thừa Thiên. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS. 8466.

25, 26. Trích “Lời phát nguyện” của Đại đức Thích Quảng Hương trước lúc tự thiêu, theo “Thích Đức Chơn, Quảng Hương Già Lam”, Kỷ yếu Về Cội, Kỷ niệm 55 ngày thành lập Phật học viện Trung Phần (1957 - 2012), Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2012, tr. 46.

27. Để ghi nhớ công hạnh “Vị Pháp thiêu thân” của Thích Quảng Hương, năm 1964, Hoà thượng Thích Trí Thủ đã đổi tên Giải Hạnh Già Lam thành Quảng Hương Già Lam.

28. Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 (in lần thứ tư), Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2008, tr. 266.

29. Hai yếu tố kia là: 1. Tỉnh hội có 1 Ban Lãnh đạo cương quyết, đã không thối lui trước mọi trở ngại và khó khăn đến đâu; 2. Toàn Phật giáo đồ thấy trước sẽ mất tự do tín ngưỡng nên đã đoàn kết chặt chẽ, góp công vào sự tranh đấu chung; Phật giáo đồ không sợ sệt, chán nãn dù có sự hăm doạ của chính quyền

31. Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 (in lần thứ 4), Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2008, tr. 36.

-------------------------------------------------------------------------

 Cũng trong câu chuyện này, Đại đức có cho biết, một Phật tử hỏi Đại đức: “Tết Mậu Thân trong chùa Ấn Quang, chùa Diệu Đế (Huế) có súng và có Tướng 2 sao của Việt Cộng không?”. Đại đức trả lời: “Có mà không”. Người Phật tử ấy lại yêu cầu Đại đức trả lời dứt khoát, nên Đại đức đã trả lời: “Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ là người đại diện cho 1 khối dân chúng miền Nam mà không dứt khoát huống gì tôi, vì rằng trong chuyến đi tham dự Hội nghị Ba Lê trở về, báo chí có phỏng vấn Phó Tổng thống Kỳ: “Có gặp Đại diện Việt Cộng không?” Phó Tổng thống đã trả lời: “Không, nhưng nếu có, tôi nói không, có được không?”

(Công văn số 001457/TCSQG/S1/D/K ngày 17-1-1969 của Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia gởi Tổng trưởng Nội vụ. Trích yếu: V/v Đại đức Tâm Thanh tổ chức thuyết pháp tại chùa Ấn Quang, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu 4209).

 

Nguồn: tác giả gửi cho trang SH