Trao Đổi với anh Hồng Quang – chủ tịch Tổ chức Từ thiện Giao Điểm

Trao Đổi với anh Hồng Quang – chủ tịch Tổ chức Từ thiện Giao Điểm

Nguyễn Văn Hóa thực hiện

http://sachhiem.net/BUIKHA/BuiKha34.php

04-Mar-2021

LTS: Chúng tôi bất chợt tìm thấy bài này đính kèm trong một lá thư cũ (ngày 12 tháng 7, 2006) cũng là thời điểm người thực hiện bài này không còn quản thủ báo điện tử giaodiem.com. Bài phỏng vấn được viết 20 năm trước, khoảng cuối tháng 12, năm 2001 (như có ghi ở dưới bài.) Chúng tôi cho đăng lại để ghi nhớ một giai đoạn đáng nhớ của các anh chị trong nhóm Giao Điểm, mà cánh cửa giao tiếp là anh Hồng Quang, người được phỏng vấn trong bài.

đại diện GĐ bắt tay với TT Ford năm 1993

Khoảng đầu tháng Tư năm 2000, anh em Giao Điểm tổ chức một buổi họp mặt ở Nam Cali, phó thác cho chúng tôi trách nhiệm thành lập một mạng lưới điện tử. Thế rồi cho đến một năm sau, ngày 23.4.2001, trang nhà điện tử GĐ mới thực sự có mặt.

Trên phương diện từ thiện, GĐ là một tổ chức ra đời từ hơn mười năm trước, một tổ chức tiền phong không riêng ở bang California mà trên toàn nước Mỹ, đứng ra cứu trợ cho dân chúng ở trong nước đang gặp phải những khó khăn về đời sống. Song song với công tác từ thiện xã hội, GĐ còn ra một tạp chí một năm bốn số (số mới nhất là 43), và xuất bản sách (tổng cộng 17 cuốn).

Do các hoạt động cứu trợ xã hội, GĐ được một số lớn đồng bào trong nước biết đến. Tuy vậy, từ lúc GĐ xuất hiện trên mạng lưới toàn cầu, mặc dù được số lớn độc giả khắp nơi ca ngợi, nhưng vẫn có một số Phật tử và độc giả chưa biết đến GĐ là ai! Để làm sáng tỏ dư luận, chúng tôi thực hiện một buổi gặp gỡ với anh Hồng Quang, người đang là chủ tịch Tổ chức Từ thiện GĐ (GĐ Humanitarian Inc., a non-profit philantropic organization) để trao đổi một số vấn đề.

Từng quen biết và làm việc chung với nhau gần 20 năm trước trong phong trào Chấn Hưng Phật giáo ở hải ngoại, nên ngoài phương diện làm việc, chúng tôi còn là tình bạn.

Anh Hồng Quang xuất thân là một tu sĩ Phật giáo, đi du học Hoa Kỳ từ năm 1974. Do biến cố 1975, nghĩ là mình không còn cơ hội trở về quê hương để phục vụ cho Đạo, anh quyết định hoàn tục và tiếp tục học lấy văn bằng tiến sĩ về Triết học Chính trị (Political Philosophy).

Với hai bàn tay trắng, trong tận lực của cuộc sống, anh đã gây dựng được một số cơ ngơi, dù khiêm tốn, song đối với người Việt tha hương, đó là một sự thành công. Nhưng điều đáng nói hơn, từ lúc thành lập Tổ chức Từ thiện GĐ, trong vai trò chủ tịch (Chairman of the Board), anh đã đóng góp hết sức mình cho Phật giáo, nhất là những người nghèo khó, tật nguyền, nạn nhân chiến tranh ở quê nhà.

Chúng tôi ngồi với nhau trong một căn phòng cũ kỷ, lót kiếng chung quanh nhìn xuống một ngọn đồi. Kế bên cánh cửa ra vào, có những tiếng gà con, tiếng chim bồ câu gọi nhau kêu chim chíp, và câu chuyện của chúng tôi bắt đầu.

  • Nếu có thể, cho độc giả biết một vài nét về cuộc đời anh.

Tôi con nhà nghèo, cha mẹ mất sớm. Thuở nhỏ, phải đi bán báo để sống và có tiền ăn học. Được đi du học là nhờ quý Thầy giúp đỡ một phần, nhưng qua đây thì phải xoay sở, tự túc lấy để tiếp tục việc học.

  • Xin anh cho biết những động cơ nào thúc đẩy anh thành lập tổ chức Từ thiện GĐ.

Trước hết, nói đến cái tâm, nó như một phóng ảnh của cuộc đời mình. Hồi nhỏ tôi nghèo khổ ra sao, bây giờ tôi nhận ra những em nhỏ nghèo khổ vì hoàn cảnh gia đình, vì hậu quả của chiến tranh cũng như vậy. Biết bao nhiêu em ở trên đất nuớc đang cần sự giúp đỡ.

Thứ hai về thời điểm, trong khoảng thời gian 1989, 90, những năm ấy trong nước đang gặp hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, một nguy cơ cho các em nhỏ thiếu ăn thiếu mặc, gia đình không có khả năng lo cho các em theo đuổi việc học. Vì thế, đầu năm 1990, chúng tôi thành lập nhóm Từ thiện GĐ. Phải nói GĐ là một nhóm thì đúng hơn là tổ chức, công khai đầu tiên làm công tác từ thiện giúp đỡ cho Việt Nam. Lúc ấy, chính phủ Mỹ đang có chính sách phong tỏa kinh tế VN (Embargo), ai mà giúp đỡ, gởi tiền về VN có thể là một vi phạm. Tuy vậy, GĐ đã vận động để Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ "hợp pháp hóa" cho phép gởi tiền về VN.

Mục đích chính của GĐ là vừa làm, vừa cổ động, thúc đẩy những tổ chức, cá nhân khác can đảm đứng lên làm công việc từ thiện cho đất nước.

Hồng Quang (thứ 2 bên phải) và phái đoàn CAHAC tại Nhà Bè 1994

  • Chắc là mình có nhắm đến đối tượng, thành phần xã hội được cứu trợ ?

GĐ làm việc bằng tinh thần của Phật giáo, nên giúp đỡ cho mọi chúng sinh, không biệt ai. Trong điều kiện cho phép, mình giúp đỡ tất cả mọi người, không kể tôn giáo, thành phần xã hội, địa phương ... Dù mình không đủ phương tiện để giúp được nhiều, nhưng ở ba miền Bắc Trung Nam, các tỉnh, quận , làng xã ... GĐ đều có đến giúp đỡ. Tôi xin được lập lại, GĐ là một tổ chức tiền phong (Pioneer).

  • Anh đơn cử cho vài công tác cụ thể đã làm được.

Kể từ khi thành lập, GĐ đã bắt tay làm việc cứu trợ dài dài cho đất nước, được chừng nào tốt chừng đó. Cho đến tháng Tư năm 1994, mình bắt đầu kết hợp với phái đoàn từ thiện Mỹ AHAC (American Helping Asian Children). Thật ra thì AHAC đến mời mình hợp tác. Họ tổ chức từ hai năm trước, sau họ nghe tiếng GĐ, họ tìm đến và xin cùng hợp tác cứu trợ. Người đứng đầu tổ chức AHAC là bác sĩ Johnson, đã cùng với GĐ và một số bác sĩ Việt, đi về các vùng Mỹ Tho, Bà Rịa, Vũng Tàu, Sài Gòn... trong vòng hai năm đã cung cấp 500 máy trợ thính cho các em bị điếc (một máy trị giá 400 đôla Mỹ). Trong các chuyến công tác này, tôi đều có tham dự. Theo tôi, cần phải nhắc tới lòng tốt của các người Mỹ này, nhiều khi làm tôi phải nghĩ họ thương người Việt mình còn hơn cả người Việt đối xử với nhau.

Rồi về sau, có tổ chức Americare, họ cũng phụ sức cho GĐ, cung cấp cho mình 6 tấn sữa, thuốc men cứu trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung trong năm 1994.

Chừng 5, 6 tháng sau, qua họ, mình giúp cho Hà Nội 8 tấn thuốc và dụng cụ bệnh viện.

Và mình cũng đã gởi về nước 26 tấn sữa Hoà Lan, cứu trợ cho đồng bào bị bão lụt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong nước, việc giấy tờ có chậm chạp một chút, nhưng đồng bào đã được lãnh trọn vẹn, không bị mất mát gì cả.

cùng với các em cô nhi ở Huế 1994

  • Nhận thấy, ngoài công tác cứu trợ đồng bào, GĐ còn lo giúp đỡ cho các "lớp học tình thương", cấp học bổng cho học sinh nghèo, lập Chẩn Y viện miễn phí, cúng dường cho các chùa chiền, Niệm Phật đường... Anh nghĩ, chừng đó mục tiêu có vượt quá sức mình không ?

Phải nói trong các lãnh vực nào, dân mình cũng cần phải được giúp cả. Càng nhiều càng tốt, càng mở rộng địa bàn càng hay. Nhưng GĐ bị giới hạn vì vấn đề nhân sự, mình không có đủ người để làm việc, dù cho có nhiều cơ sở, tổ chức khác tình nguyện giúp đỡ, mình không có đủ sức để gánh vác hết những sự trợ giúp này.

Mặt khác, như tôi đã nói, mình là nhóm tiền phong, đi trước, mở đường, vận động tinh thần cho cộng đồng người Việt, các cá nhân từ tâm thấy việc phải mà làm theo. Làm sao một mình GĐ có thể gánh vác hết cho một đất nước gần 80 triệu dân. Muốn đóng góp cho đầy đủ, mình phải có một ngân sách thật lớn.

  • GĐ đã giúp đỡ cho các gia đình, cơ sở các tôn giáo khác, cũng như mình đã nhận được sự đóng góp của họ từ nước ngoài không ?

GĐ đã từng giúp cho các Trại Khuyết tật, người già (họ không thuộc Phật giáo). Thí dụ như mình đã giúp cho Cô Nhi viện của soeur Huỳnh thị Hải, là cơ sở của Thiên Chúa giáo. Về đóng góp ở ngoài, đa số là của Phật giáo, riêng về Tin Lành có mục sư Nguyễn quang Minh có đóng góp một vài học bổng cho các trẻ em nghèo, ngoài ra có một tín đồ Công giáo đóng góp, nhưng về linh mục thì không có ai.

đại diện GĐ phát quà tại quận Tánh Linh, Bình Tuy 1993

  • Trong mấy năm đầu công tác, một vài phần tử quá khích trong cộng đồng ở Nam Cali đã từng chụp mũ tổ chức Từ thiện GĐ là "thân Cộng". Xin anh cho biết thêm những khó khăn trong giai đọan này.

Trong thời gian này, vấn đề liên hệ với VN là chuyện phức tạp. Có người không dám giúp đỡ người bên nhà vì sợ bị chụp mũ là Cộng sản, sợ bị nguy hiểm tánh mạng. Nhưng GĐ thấy nhận định của họ về vấn đề đất nước là không đúng. Sau chiến tranh, miền Bắc là nạn nhân ý thức hệ Mác Lê. Ở miền Nam là nạn nhân của Tư bản. Đối tượng hai ý thức hệ đó tạo ra sự đối đầu cho cả hai phía Bắc và Nam. Trong khi từ thiện là giúp đỡ nạn nhân của chiến tranh, nạn nhân của ý thức hệ, không riêng một ai để sống còn.

Nhưng sau khi GĐ đã đi bước đầu trong việc từ thiện, ở đây người ta đã đi theo để giúp đỡ cho thân nhân, bà con trong nước. Gặp gỡ một số người, tôi có hỏi thẳng họ có giúp đỡ cho thân nhân bên VN không, đa số trả lời "có". Tôi liền đáp lời, vậy thì việc từ thiện của chúng tôi, giúp đỡ những người không có thân nhân, bà con ở nước ngoài thì bị coi là Cộng sản, còn những ai giúp đỡ cho thân nhân thì có bị gọi là Cộng sản không ? Dần dà, người ta thấy lập luận của mình là hợp tình hợp lý quá sức, nên không còn bị chống đối nữa.

cùng với một thương binh bên hè phố

  • Ngoài công việc từ thiện, GĐ còn chủ trương một tạp chí, và xuất bản sách. Những tác phẩm đã xuất bản của GĐ đã đóng góp rất nhiều cho cho vấn đề văn hóa và lịch sử, như đa số đã nhận xét; trong khi phía Thiên Chúa giáo lại chụp mũ GĐ là "thiên Cộng". Theo anh, tại sao có hai quan điểm trái ngược này ?

Việc làm của GĐ có hai mục đích chính:

-Từ thiện, để giúp đỡ cho dân chúng, đồng thời cổ võ cho kẻ khác làm theo, giúp từ Bắc cho đến Nam VN.

-Về văn hóa, cho đến nay đã xuất bản được 17 cuốn sách, nhắm tới việc "chấn chỉnh" một số vấn đề lịch sử đã bị "tạo dựng", do tính địa phương, tôn giáo, do thiếu sử liệu đã bị bóp méo, xuyên tạc làm cho sai lạc sự thật. Thí dụ như ông Alexandre de Rhodes không phải là người sáng chế chữ Quốc ngữ! Chính ông Rhodes đã tự thuật rằng, ông đã vận động triều đình Napoléon 14 đánh chiếm VN. Ông là kẻ có tội, không thể là kẻ có công. Thế mà qua nhiều thập niên họ đã đặt đường tên ông, còn vài nhân vật khác nữa như Nguyễn trường Tộ làm hại cho Tổ quốc VN, làm lợi cho Vatican; Trương vĩnh Ký cũng đắc tội với đất nước. Họ từng lạy lục Pháp, cộng tác với triều đình Pháp, thế mà người ta đã lộng giả thành chân, đặt tên đường, cơ sở, tên trường cho ông ta. GĐ phải chấn chỉnh những sai lầm đó. Khi nói về họ, mình đã vạch rõ, có đủ tài liệu trong và ngoài nước (Việt ngữ cũng như ngoại ngữ), có ghi chú trình bày sự kiện (Facts), không ai cãi chối được. Họ phải trả lại sự thật cho lịch sử. Vấn đề đó rất ích lợi cho đất nước, cho sử học, cho các nhà văn hóa về sau. Có thể nào người ta đã đặt những nhân vật này ngang hàng với anh hùng dân tộc được sao? Vậy mà có bài báo viết về linh mục Trần Lục đã ca tụng "Trần Lục là bậc vĩ nhân của lịch sử cận đại". Vậy là coi ông ta còn cao hơn cả Trần Hưng Đạo sao? Trần Hưng Đạo đại thắng quân Nguyên, giữ yên bờ cõi, trong lúc Trần Lục theo Pháp, đem 5000 giáo dân phụ Pháp, đánh chiếm luỹ Ba Đình của Đinh Công Tráng mà tôn sùng là "vĩ nhân lịch sử", thì những nhà ái quốc của đất nước đều thua Trần Lục cả?

Các nhà làm văn hóa, viết lịch sử, nhà cầm quyền nên xét lại vấn đề. Đó là những kẻ có tội với đất nước, không phải tội nhỏ mà tội quá lớn.

Những nhân vật được vinh danh sai lầm như thế, GĐ đặt vấn đề. Về vấn đề tôn giáo (như Công giáo và Tin Lành), có nhiều người nghĩ rằng đạo nào cũng dạy con người ăn hiền ở lành, thực sự điều này chưa đúng hẳn. Tôi có đọc một số Thánh kinh, trong cuốn Dân số ký (Numberi) chương 31, đức Chúa Trời xúi dục ông  Môsê giết người, cướp của, đem súc vật, của cải... , đem 32 ngàn cô gái còn trinh làm quà cho giáo sĩ, binh lính, còn lại chia cho Chúa Trời 32 cô! [ * ] Chúa Trời là người được giáo dân tôn thờ, các linh mục cầu nguyện. Trong khi giáo dân được kêu gọi tôn thờ, thì đức Chúa Trời xúi kẻ khác đi cướp của, giết người, đem gái còn trinh chia cho đức Chúa Trời. –Thành ra, nên xét lại, gọi là tôn giáo mà thực sự có phải là tôn giáo không hay là đội lốt tôn giáo?

Tôi không nên nói nhiều, để dành cho các người viết sử, những tác giả, những sách GĐ đã đưa ra chứng cớ, sử liệu không ai bác bỏ nỗi, mà những tác phẩm nghiên cứu của GĐ lấy từ Thánh kinh, từ lời Chúa nói, thành khó lòng mà bắt bẻ được.

HQ và một nạn nhân chiến cuộc 1993

  • Trong thời gian hoạt động từ thiện trong nước, anh em GĐ đã gặp những trở ngại nào từ phía chính quyền?

Mấy năm đầu GĐ gặp trở ngại lớn. Tâm lý con người thường nghĩ rằng mình cần gì thì đi nhờ người khác giúp đỡ. Đây người khác lại gõ cửa để giúp mình, thì mình e ngại là có hậu ý gì trong sự giúp đỡ này không!

Về phía dân chúng, khi GĐ quyết định cung cấp tiền học phí cho một em nào thì họ phải điền đơn, qua đó mà cứu xét để nếu được giúp, mỗi em có thể lãnh từ 70, 80 đôla. Vậy mà có nhiều người lo ngại, không dám làm. Về sau, họ thấy được tấm lòng vô vị lợi của mình, nên người ta không còn ngại ngùng nữa.

Về phía chính quyền, họ thấy rõ công tác từ thiện của GĐ là hoàn toàn vì lý do nhân đạo, tình thương, nên dần dần họ đã để cho GĐ được dễ dàng nhiều hơn.

HQ và nhà thơ Bùi Giáng năm 1991

  • Anh có những dự án gì mới cho những năm sắp tới ?

Tinh thần "tiền phong" của GĐ đã được đáp ứng từ phía quần chúng. Trong tương lai chúng ta ao ước những công tác từ thiện sẽ thực hiện theo từng nhóm. Làng làm theo làng, tỉnh làm theo tỉnh. Cứ thế mà mở rộng ra khắp nước.

Về xuất bản, GĐ sẽ hiệu đính lại một số sách đã xuất bản các năm trước đây cho hoàn chỉnh và đầy đủ hơn, và tiếp tục xuất bản một số sách mới của các học giả, nhà nghiên cứu. Chúng ta mong ước trong tương lai, ở trong nước, nếu có môn học về Tôn giáo, thì các tác phẩm của GĐ sẽ trở thành những sách giáo khoa, sách gối đầu giường cho các sinh viên. Riêng tạp chí tam cá nguyệt và mạng lưới điện tử GĐ sẽ là đóng góp quan trọng cho nhu cầu giáo dục và thông tin cho độc giả khắp nơi trên thế giới.

Câu chuyện của chúng tôi đến đây cũng tạm đầy đủ. Có tiếng chuông điện thoại reo vang. Lại một cuộc gặp gỡ khác để bàn về công tác cứu trợ cho mùa bão lụt đang đến trên đất nước. Hai chúng tôi thu vén vài đồ đạc lỉnh kỉnh rồi lên đường. Ngoài trời đang trở lạnh.

Những ngày cuối năm 2001

[ * ] Vài ghi chú của người phỏng vấn :

Để tránh sự ngộ nhận của một số độc giả, chúng tôi xin được nói thêm đôi dòng về Kinh thánh. Các nhà nghiên cứu, tác giả của GĐ đã từng viết khá nhiều về đề tài Kinh thánh như Trần Chung Ngọc, Charlie Nguyễn, Giới Tử, Nguyễn Mạnh Quang, Bùi Kha, Trần Văn Kha v.v... Trong số độc giả có người vẫn thắc mắc tại sao Kinh thánh chứa đựng những nội dung có tính cách vô luân, tàn bạo như vậy mà Giáo hội Công giáo không tìm cách huỷ bỏ nó đi theo thời gian, để tránh tình trạng "phản tuyên truyền" ? Câu hỏi tại sao này sẽ được chúng tôi đề cập lại và đào sâu hơn trong tương lai.

Ở đây người được phỏng vấn (anh HQ) chỉ đề cập đến một dữ kiện nhỏ thôi. Như chúng ta biết Kinh thánh có hai phần: Cựu ước và Tân ước. Trong Cựu ước có hai loại “quy điển”: Hipri và Hy lạp. Trong Cựu ước tiếng Hipri và Hy lạp có Ngũ kinh (lề luật), gồm : Kinh Khởi nguyên (Genesis), Kinh Xuất hành (Exodus), Kinh Lê-vi (Leviticus), Kinh Dân số (Numeri), Kinh Thứ luật (Deuteronomium). Phần anh HQ đề cập nằm trong Kinh Dân số. Tuy nhiên chúng ta đừng ngạc nhiên nếu những dữ kiện này đã không được nêu ra trong các sách Kinh được dịch ra tiếng Việt của Công giáo Việt Nam.

Nguyễn Văn Hóa

thực hiện

Nguồn: từ một lá thư của thân hữu gửi cho người quản thủ trang mạng giaodiem.com ngày 27 tháng 6 năm 2006

Trang Đối Thoại