Phật Giáo Với Sự Nghiệp Của Các Chúa Nguyễn Ở Đàng Trong

Phật Giáo Với Sự Nghiệp Của Các Chúa Nguyễn Ở Đàng Trong (1558 - 1777)

Lê Cung

http://sachhiem.net/LICHSU/L/LeCung09.php

02-Mar-2021

Từ khi Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến khi chúa Nguyễn Phúc Thuần mất ngôi (1777), kết thúc sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, có tất cả 9 đời chúa với 219 năm trị vì. Nhìn một cách tổng thể, trong suốt hơn hai thế kỷ đó, các chúa Nguyễn đã hướng đến Phật giáo nhằm xây dựng một đất nước cường thịnh, một xã hội an bình. Lập luận này có thể giải thích bằng những việc làm tiêu biểu sau đây của các chúa Nguyễn đối với Phật giáo.

Trước hết, việc trùng tu và xây dựng chùa chiền.

Các chúa Nguyễn mà khởi đầu là chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho sửa sang, xây dựng hàng loạt chùa chiền. Sau lần ra Bắc (1593) rồi trở lại Nam năm 1600, với Nguyễn Hoàng, ý đồ xây dựng cơ nghiệp nhằm đối đầu với họ Trịnh ở Đàng Ngoài xuất hiện rõ nét. Nhân chuyến “Chúa dạo xem hình thế núi sông”, các ngôi chùa lần lượt được xây dựng, trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn. Năm 1601, Chúa cho xây dựng chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế) gắn liền với huyền thoại một “Bà Trời” tiên tri về sự xuất hiện một vị chân chúa. Năm “Tân Sửu (1601), bắt đầu dựng chùa Thiên Mụ. Bấy giờ chúa dạo xem hình thế núi sông, thấy trên cánh đồng bằng ở xã Hà Khê (thuộc Hương Trà) nổi lên một gò cao, như hình đầu rồng quay lại, phía trước thì nhìn ra sông lớn, phía sau thì có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp. Nhân thể hỏi chuyện người địa phương, họ đều nói rằng gò này rất thiêng. Tục truyền rằng: Xưa có người, đêm thấy một bà già áo đỏ quần xanh ngồi trên đỉnh gò mà nói rằng: 'Sẽ có vị chân chúa đến xây chùa   ở đây, để tụ khí thiêng, cho bền long mạch'. Nói xong bà già ấy biến mất. Chúa cho là núi ấy có linh khí, mới dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ”1.

Chùa Thiên Mụ

Năm Nhâm Dần (1602) mùa thu, tháng 7, sửa chùa Sùng Hóa (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) và chùa Long Hưng (Quảng Nam), “Chúa nhân Tết Trung thu đến chơi chùa Thiên Mụ, lập đàn chay làm lễ bố thí. Khi thuyền qua sông xã Triêm Ân (huyện Phú Vang) nhìn bờ sông phía đông bắc, cây cối um tùm, chim chóc tấp nập, xem rất thích, Chúa cho dừng thuyền ngắm xem. Nhân thấy chỗ ấy có nền chùa cũ, liền sai sửa lại, gọi là chùa Sùng Hóa,... Đến chân núi Hải Vân, thấy một giải núi cao dăng dài mất trăm dặm nằm ngang đến bờ biển, Chúa khen rằng: ‘Chỗ này là đất hiểm yếu của miền Thuận Quảng’ liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (Duy Xuyên) xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu (Phúc Nguyên) trấn giữ. Lại dựng chùa Long Hưng ở phía đông trấn”2. Tiếp theo, các năm Đinh Mùi (1607) và năm Kỷ Dậu (1609), Chúa còn cho dựng chùa Bửu Chân (Quảng Nam) và chùa Kính Thiên (Quảng Bình).

Như vậy, trong vòng chưa đầy một thập kỷ, liên tiếp Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng và trùng tu 4 ngôi chùa lớn. Điều này cho thấy ý tưởng dựa vào Phật giáo để xây dựng cơ nghiệp Đàng Trong của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng được khẳng định. Đặc biệt, với chùa Thiên Mụ, sứ mệnh của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã được minh định qua “một Bà Trời”.

Tiếp tục sự nghiệp của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, các đời chúa tiếp theo, chùa chiền tiếp tục được trùng tu và xây dựng. Năm 1665 và 1667, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa Thiên Mụ và Chùa Vĩnh Hòa (cả hai đều ở Thừa Thiên Huế). Năm 1688, chúa Nguyễn Phúc Trăn trùng tu chùa Thuận An (Thừa Thiên Huế). Năm 1692 và 1711, Nguyễn Phúc Chu xây dựng chùa Vạn An ở núi Mỹ An (Thừa Thiên Huế); năm 1714 và 1716, Chúa cho trùng tu chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế) và chùa Kính Thiên (Quảng Bình), năm 1721, Chúa xây dựng chùa Giác Hoàng (Thừa Thiên Huế). Năm 1734 và 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho trùng tu chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế). Đó là chưa kể hệ thống chùa chiền do các vị thiền sư lập, như nhà sư Nguyên Thiều dựng chùa Hà Trung (Thừa Thiên Huế) và chùa Thập Tháp - Di Đà (Bình Định); nhà sư Hưng Liên lập chùa Tam Thai (Đà Nẵng), nhà sư Pháp Bảo lập chùa Chúc Thánh (Quảng Nam), nhà sư Tử Dung lập chùa Ấn Tôn (nay là chùa Từ Đàm, Thừa Thiên Huế), nhà sư Pháp Hóa lập chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi), nhà sư Liễu Quán lập chùa Thiền Tông (Thừa Thiên Huế), nhà sư Viên Quảng lập chùa Giác Lâm (Gia Định), nhà sư Đạo Trung lập chùa Linh Sơn (Tây Ninh),...

Trong những chùa do các chúa Nguyễn trùng tu và xây dựng, có một số chùa được đầu tư với quy mô lớn, diễn ra dưới nhiều đời chúa. Nổi bật nhất là chùa Thiên Mụ (Huế) được trùng tu dưới các đời chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu và Nguyễn Phúc Khoát. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ; đồng thời Chúa làm một bài minh khắc vào chuông để nói lên tâm nguyện của mình.

Tiếp đến năm 1714, Chúa lại cho đại trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền,… Trong bài Minh ký ghi việc tu tạo chùa Thiên Mụ, năm Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), chúa Nguyễn Phúc Chu viết: “Nương theo chỗ cũ của chùa Thiên Mụ, muốn dựng một nước Phật mới ở trời Nam. Bèn quyên góp ngọc ngà, chẳng tiếc tiền bạc. Mỗi khi lệnh nước truyền ra thì vật hạng, nhân công chẳng hề sợ hao tốn khó nhọc. Chẳng kể sức dân, chẳng lo ngày tháng. Công trình lớn ấy có sức của các quan cần chánh, chưởng cơ, đại chưởng cơ, giám viên, phó giám,… cứ lấy trong quân từ nhiều chọn lấy ít, lại chọn lấy người tài, sử dụng theo sức mà thưởng xứng theo công, cốt lấy lòng thành mà ban ơn úy lạo. Điều thợ thi công chừng một năm, cũng nhờ ơn Sơn môn mà điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, điện Đại Hùng, nhà thuyết pháp, lầu kinh, lầu chuông trống hai bên, điện Thập Vương, nhà nghỉ, nhà ăn, nhà thiền, điện Đại Bi, điện Dược Sư, nhà tăng, thiền xá kể hàng chục nhà. Sau vườn Tỳ Gia là phương trượng cũng trên chục nhà. Tất cả đều sáng loáng rực rỡ, khiến người xem phải kinh hãi, giật mình, thật là một kim sắc giới, một quang minh tạng vậy”3.

Với tâm Bồ Đề của các chúa Nguyễn, chùa chiền ở Đàng Trong nguy nga, tráng lệ khiến du khách trong và ngoài nước thán phục: “Xứ Đàng Trong có rất nhiều chùa đẹp với tháp cao và lầu chuông. Mỗi địa điểm dù nhỏ đến đâu cũng có đền chùa thờ cúng Phật”4.

Hai là, trọng dụng các bậc tăng tài.

Đối với những vị cao tăng tài cao, đức trọng, các chúa Nguyễn mời vào triều để tham vấn việc chính sự. Chúa Nguyễn Phúc Khoát nhiều lần thỉnh mời thiền sư Liễu Quán vào triều vì kính trọng tài đức của thiền sư, song thiền sư từ chối. Chúa đã thân hành đến chùa Viên Thông ở chân núi Ngự Bình để tham vấn đạo thiền. Hoặc như thiền sư Thạch Liêm (Thích Đại Sán), thường được chúa Nguyễn Phúc Chu mời vào cung đàm đạo. Thiền sư khuyên Chúa: “Việc trai giới chẳng phải chỉ  giữ cho sạch miệng sạch mình, tư tưởng trong sạch mà thôi. Việc trai giới của nhà vua, cần phải đem việc quốc gia trên dưới thanh lý chỉnh tề, không được một người nào chưa được yên sở, không một việc nào chưa được thoả đáng, như thế mới gọi là viên mãn. Nay trước hết, nên thanh lý oan ngục, tha tù bị giam cầm, chẩn cấp kẻ nghèo thiếu, khởi dụng kẻ yêm trệ, bãi bỏ cấm điều nghiêm khắc, thương xót kẻ buôn bán, thi ân cho thợ thầy. Nói tóm lại, nên đem tất cả các việc giúp người lợi vật, châm chước cử hành …”5. Ngoài ra, theo lời khuyên của Thạch Liêm, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho bãi bỏ hình phạt tượng hình, nâng đỡ cao tăng ở các tỉnh, ban biển ngạch sắc tứ cùng câu đối cho rất nhiều chùa, … Và để tỏ lòng ghi nhớ công ơn của hòa thượng Thạch Liêm, trong Bài tựa sách “Hải ngoại ký sự”, Chúa Nguyễn Phúc Chu viết: “… Từ mùa xuân năm Ất Hợi, Hòa thượng qua đến nơi, lưu lại đến mùa hạ năm Bính Tý, được gần gũi hôm sớm, cung dưỡng chuyện trò; sau những lúc giảng luận thiển kinh, còn chỉ vẽ luân thường cương kỷ từ việc lớn đến việc nhỏ, rạch đường chỉ nẻo, lời lẽ rõ ràng; khác nào dắc người từ trong chỗ tối tăm, đem ra nơi thanh thiên bạch nhật; giúp ích cho Quả nhơn trong việc chính trị nhiều biết chừng nào”6.

Ba là, thỉnh mời các cao tăng, pháp khí từ Trung Hoa nhằm góp phần hoằng dương Chánh pháp; đồng thời xiển dương văn hóa dân tộc.

Trong quan niệm lấy Phật giáo làm nơi nương tựa tinh thần cho sự nghiệp hưng quốc, bền vững dòng họ, cùng với việc sửa chữa, xây dựng chùa tháp, tạc tượng, đúc chuông, các chúa Nguyễn đã cho thỉnh mời các cao tăng Trung Hoa đến Đàng Trong, trong đó phải kể đến Hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán), một người được ca ngợi là “tuổi trẻ xuất gia, học hết ngũ minh chư luận, thông hiểu lý số âm dương, châu du thiên hạ, tiếng tăm đầy dẫy khắp trong ngoài; đến lúc cỡi gió vượt sóng đáp ứng lời mời của Đại Việt Quốc vương”7.

Trước và sau Hòa thượng Thạch Liêm, nhiều thiền sư Trung Hoa đã đến Đàng Trong truyền đạo, như Viên Cảnh, Minh Hoằng, Giác Phong, Từ Lâm, Pháp Bảo, Hưng Liên, Pháp Hóa, Tế Viên, Nguyên Thiều,… Hầu hết các vị thiền sư này đều có đạo hạnh và kiến văn quảng bác, đã có công khai sơn nhiều ngôi chùa, truyền bá rộng rãi Phật pháp ở Đàng Trong; tạo điều kiện cho sự du nhập một số tông phái Phật giáo mới như Lâm Tế, Tào Động. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, nhiều pháp tượng, pháp khí, kinh Phật được thỉnh từ Trung Hoa, góp phần hết sức quan trọng cho việc hoằng hóa Phật pháp ở Đàng Trong.

Đặc biệt, dưới thời các chúa Nguyễn, một môn phái Phật giáo mang đậm dấu ấn văn hóa Việt hình thành - thiền phái Liễu Quán, mà người sáng lập là thiền sư Liễu Quán. Thiền sư quê làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Sư vốn họ Lê, pháp danh Thiệt Diệu, hiệu Liễu Quán, tu học từ ấu thời, trí tuệ thông minh, khí tiết hơn các bạn đồng học. Mất mẹ năm lên sáu, thân phụ đã gởi Ngài đến chùa Hội Tôn thụ giáo với Hòa thượng Tế Viên. Bảy năm sau, Hòa thượng Tế Viên viên tịch, Ngài ra Huế vào chùa Hàm Long (chùa Báo Quốc hiện nay) thụ học với Đại lão Giác Phong.

Thiền sư Liễu Quán Ảnh daophatngaynay.com

Thiền sư Liễu Quán có công rất lớn trong việc phát triển Phật giáo Đàng Trong, như xây dựng lễ nhạc mang màu sắc dân tộc, lập ra các đạo tràng để hành đạo, hàng chục tổ đình được dựng bởi các đệ tử của ông,… Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang đánh giá cao công án của Liễu Quán: “Thiền sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một thiền phái linh động, có gốc rễ ở Đàng Trong. Trước ông, Phật giáo ở Đàng Trong mang nặng màu sắc Quảng Đông. Ông đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế và làm cho thiền phái này trở thành thiền phái của đa số Phật tử Đàng Trong”8.

Vấn đề đặt ra là tại sao các chúa Nguyễn lại chọn Phật giáo là điểm tựa tinh thần cho sự bền vững của dân tộc và dòng họ. Nhờ sự cố vấn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng đã tìm đến với vùng đất Thuận - Quảng, nơi được mệnh danh “Ô châu ác địa”. Chỉ một thời gian ngắn, với những chính sách đối nội và đối ngoại khôn khéo, Nguyễn Hoàng từng bước biến hai xứ Thuận - Quảng thành một vùng đất trù phú. Lãnh thổ Đàng Trong tiếp tục mở rộng về phía Nam bởi những người kế tục sự nghiệp Nguyễn Hoàng. Song song với việc xây dựng bộ máy chính quyền, quân đội, pháp luật, phát triển kinh tế, ... Nguyễn Hoàng phải gẫm suy về một hệ tư tưởng chỉ đạo cho sự nghiệp của mình và dòng họ. Và Phật giáo đã được Nguyễn Hoàng chọn lấy qua những việc làm tiêu biểu đã được trình bày ở trên. Sự lựa chọn đó xuất phát từ các cơ sở sau:

Thứ nhất, về mặt chính trị - xã hội, các chúa Nguyễn tìm đến với Phật giáo thay vì Nho giáo, bởi Nho giáo đề cao quan niệm “trung thần bất sự nhị quân”, một quan niệm rất không phù hợp với “tình thế ly khai” của các chúa Nguyễn trong việc xây dựng một vương triều mới đối lập với chính quyền Đàng Ngoài. Việc Nguyễn Hoàng giương cao khẩu hiệu “phù Lê diệt Trịnh”, thực ra là nhằm tạo tính chính nghĩa cho hành động ly khai, xây dựng “một nước riêng” của mình. Và cho đến năm 1744, khi Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, công khai lập một nước riêng, vẫn coi mình là thần dân nước Việt, vẫn sử dụng niên hiệu của vua Lê trong tất cả các văn bản, giấy tờ. Li Tana đã có nhận xét rất xác đáng về vấn đề này: “Không thể sử dụng Khổng giáo vì những khẳng định cơ bản của Khổng giáo trực tiếp mâu thuẫn với vị trí của họ Nguyễn bị coi là một chế độ ly khai và nổi loạn đối với triều đình. Tuy nhiên, họ Nguyễn lại không dám đi quá xa và không dám tìm ra một giải pháp hoàn toàn khác biệt với truyền thống của người Việt ở phía Bắc. Trong những hoàn cảnh đó, Phật giáo Đại Thừa đã cung cấp một giải pháp đáp ứng nhu cầu của họ Nguyễn. Phật giáo, một mặt đẩy mạnh bản sắc dân tộc của người Việt và mặt khác làm lắng động các mối lo âu của người di dân mà không đặt lại vấn đề về tính hợp pháp của những người cai trị”9.

Mặt khác, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, cư dân ở đây gồm hai lớp người, đó là lớp cư dân đã từng sinh sống ở đây từ thời Trần, Hồ và Lê và lớp cư dân theo Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp. Họ hầu hết là cư dân Thanh Nghệ; một số người Chăm đã Việt hóa. Cư dân Thuận Hóa lúc đó về cơ bản vẫn giữ phong tục, tập quán của người Việt từ miền Bắc vào. Về mặt tư tưởng, cư dân Thuận Hóa sống với triết lý Tam giáo: Thích - Khổng - Lão cùng với những tín ngưỡng dân gian vốn có. Tuy nhiên, trong cư dân, đa số vẫn ngưỡng mộ Phật giáo. Nắm bắt tình hình thực tế này, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng thấy cần phải đi với lòng dân, có nghĩa là ngưỡng mộ Phật giáo. Việc Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho trùng tu và xây dựng các chùa Thiên Mụ, Sùng Hóa, Bửu Chân, Kính Thiên là bằng chứng xác thực về việc Chúa đi tìm hỗ trợ của Phật giáo để đạt được mục tiêu dựng nghiệp của mình. Theo Nguyễn Khoa Chiêm, lòng dân Thuận Hóa đều hướng về Nguyễn Hoàng:  “ ... bề tôi thán phục vui lòng, các nước láng giềng đều đến viếng thăm, thiên hạ xưng tụng cho là bậc vua sáng ở đời thái bình”10.

Thứ hai, Phật giáo có khả năng cố kết dân cư Việt - Chăm. Khi trấn thủ đất Thuận Hóa và dần dần chiếm lĩnh cả Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã phải đương đầu với một bối cảnh xã hội hoàn toàn mới. Trong giai đoạn đầu của cuộc Nam tiến, những người Việt di cư sống lẫn lộn với người Chăm. Lúc ấy, văn hóa của người Chăm vẫn còn nhiều, ít nhiều ảnh hưởng đến người Việt; trong lúc đó Nho giáo hoàn toàn xa lạ với văn hóa người Chăm. Chỉ Phật giáo mới có những sự tương đồng trong việc thờ tự của người Chăm khiến họ không cảm thấy bỡ ngỡ khi tiếp cận. Do vậy, việc tìm đến Phật giáo như là chỗ dựa tinh thần để cố kết lòng dân Việt - Chăm được xem là tất yếu trong chính sách Nam tiến của các các chúa Nguyễn. Phật giáo được các chúa Nguyễn sử dụng như là phương tiện để dung nạp các hệ tư tưởng và văn hóa mới, trong đó việc kế thừa có chọn lọc các yếu tố văn hóa bản địa. Văn hóa bản địa vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc nền văn minh Ấn Độ của người Chăm, người Khmer và các dân tộc thiểu số có nhiều điểm khác xa với văn hóa Việt, vốn mang nặng ảnh hưởng của nền văn hóa Nho giáo. Chỉ có Phật giáo với tư tưởng phóng khoáng, không gò bó, không đòi hỏi rập khuôn, máy móc mới có khả năng thâu nhận, dung hòa các luồng tư tưởng khác nhau, lại có ít nhiều điểm tương đồng, gần gũi với văn hóa của cư dân bản địa. Phải chăng “quá trình tạo lập xứ Đàng Trong cũng là quá trình liên tục tổ chức khẩn hoang. Lực lượng khẩn hoang đông đảo nhất chính là những người nông dân nghèo khổ. Họ không có điều kiện để cho con em tới trường, và với số ít ỏi có điều kiện thì đạo thánh hiền mà Nho gia rất mực tôn kính, trong họ cũng đã dần dần bớt thiêng. Họ tìm đến những gì phù hợp hơn, thiết thực vỗ về và an ủi họ khi đối mặt với vùng đất mới bao la và dữ dội. Họ cần trước hết là những bài học về đức làm người, cụ thể, giản dị và sinh động chứ không phải là (bởi vì cũng khó có thể là) sự nghiền ngẫm thiên kinh vạn quyển với vô số triết lý cao siêu. Và Phật giáo với đội ngũ các nhà tu hành giàu nhiệt huyết nhập thế một cách tích cực đã mau chóng đáp ứng được điều này. Ở đâu có đất mới được mở ra là ở đó có chùa mới dựng. Tiếng chuông chùa và tiếng tụng kinh chẳng khác gì lời ru êm ái đối với một xã hội lầm lũi”11.

Thứ ba, việc các chúa Nguyễn chọn Phật giáo làm chỗ dựa tinh thần cho chế độ còn bắt nguồn từ truyền thống gắn bó của Phật giáo với dân tộc kể từ khi du nhập. Lý Nam Đế với chùa Khai Quốc; tiếp theo Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận đã dốc hết sức mình phục vụ đất nước ở buổi đầu dành được quyền tự chủ. Thiền sư Vạn Hạnh, Phật tử Lý Công Uẩn, Viên Thông, Viên Chiếu, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông,... đã kiến tạo đất nước đất nước Đại Việt với những võ công, văn trị hiển hách. Hơn ai hết, các chúa Nguyễn nắm bắt một cách sâu sắc về sự đóng góp của Phật giáo trong việc đối trị với sự thống trị của Trung Hoa để đưa đất nước đến độc lập tự chủ; rằng sự hưng thịnh của đất nước dưới hai triều đại Lý - Trần chính nhờ vào trí tuệ và công sức của Phật giáo. Đây là bài học lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với các chúa Nguyễn trong việc tạo dựng sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Tượng Thiền sư Vạn Hạnh Ảnh phatgiao.org.vn

Tóm lại, một khi không thể giương cao ngọn cờ Nho giáo để tránh bị xem là phản nghịch theo quan điểm trung quân truyền thống của Nho giáo, các chúa Nguyễn đã tìm đến với Phật giáo để thu phục nhân tâm, bình ổn xã hội. Và nhờ sự đúng đắn trong cách chọn lựa hệ tư tưởng chỉ đạo cho hành động, nên dù lắm gian nan và nguy hiểm, song cương vực Đàng Trong liên tục được mở rộng; hơn thế nữa, Đàng Trong trở thành một quốc gia hùng mạnh, giải thích cho “điều đáng kinh ngạc là họ Nguyễn đã thành công trong việc kiến thiết một quốc gia thống nhất,... tại một lãnh thổ ít kết cấu chặt chẽ nhất thế giới”12.

_____________

CHÚ THÍCH

* PGS. TS., Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.

1 Đại Nam thực lục tiền biên, tập I (bản dịch), Viện Sử học, Hà Nội, 1962, tr. 42.

2 Đại Nam thực lục tiền biên, tập I (bản dịch), Sđd., tr. 42.

3 Phan Hứa Thụy, Chùa Thiên Mụ qua một số bài văn bia (Tài liệu Internet), 2010.

4 Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621 (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, chú thích), Nxb. TP Hồ Chí Minh, 1998, tr. 118.

5 Thích Đại Sán, Hải ngoại ký sự, Uỷ ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, 1963, tr. 97.

6 Thích Đại Sán, Hải ngoại ký sự, Uỷ ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, 1963, tr. 10.

7 Thích Đại Sán, Hải ngoại ký sự, Uỷ ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, 1963, tr. 13.

8 Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập II,  Nxb. Văn học, Hà Nội, 1994, tr. 604.

9, Li Tana, Xứ Đàng Trong (Nguyễn Nghị dịch), Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 194.

10 Li Tana, Xứ Đàng Trong (Nguyễn Nghị dịch), Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 1.

11 Nguyễn Khoa Chiêm, Nam triều công nghiệp diễn chí (Ngô Đức Thọ dịch và chú thích dưới nhan đề Trịnh - Nguyễn diễn chí), Tập I, Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế, 1986, tr. 118.

12 Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương lịch sử Văn hóa Việt Nam, Tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 156.

___________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621 (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, chú thích), Nxb. TP Hồ Chí Minh, 1998.

3. Nguyễn Khoa Chiêm, Nam triều công nghiệp diễn chí (Ngô Đức Thọ dịch và chú thích dưới nhan đề Trịnh - Nguyễn diễn chí), Tập I, Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế, 1986.

4. Đại Nam thực lục tiền biên, tập I (bản dịch), Viện Sử học, Hà Nội, 1962.

5. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập II,  Nxb. Văn học, Hà Nội, 1994.

6. Thích Đại Sán, Hải ngoại ký sự, Uỷ ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, 1963.

7. Li Tana, Xứ Đàng Trong (Nguyễn Nghị dịch), Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1999.

8. Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương lịch sử Văn hóa Việt Nam, Tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2001.

Lê Cung

Nguồn: tác giả gửi cho trang SH

 

Trang Thời Sự