Lê Văn Tám Có Thật, Không Phải Truyền Thuyết - 2

Lê Văn Tám Có Thật, Không Phải Truyền Thuyết - 2

Cao Đức Trường/ TBVN_TPHCM

http://sachhiem.net/LICHSU/T/TuanBaoVanNghe01.php

ngày 14-Dec-2020

Tên Tám là tên có thật, còn Lê Văn Tám, nếu đó là một phần của người đội trưởng Lê Văn Châu thì cũng là một việc gắn kết hợp lý, khi nói tới Lê Văn Tám ta lại nhớ tới Lê Văn Châu, chỉ vậy thôi, có lẽ cũng làm ấm lòng người đã hy sinh và người còn được hưởng hòa bình, độc lập hôm nay.

(Tiếp theo số báo 477) Phần II:

Trước khi viết tiếp bài về Lê Văn Tám, tôi xin bày tỏ sự xúc động và lòng ngưỡng mộ đối với tấm lòng của các ông: Trước hết là ông Trần Trọng Tân, người đã mở đường cho cuộc tranh luận, trao đổi nầy. Ông Trần Hữu Phước đã ngoài 80 tuổi vẫn tiếp tục sưu tầm tài liệu, sách vở có liên quan đến nhân vật anh hùng Lê Văn Tám và cũng đã có bài viết Lê Văn Tám – Ngọn đuốc sống bất diệt đăng trên báo Cà Mau ngày 21/10/2015. BS. Nguyễn Văn Thịnh đã gần 80 tuổi, ngoài tài liệu đã có, ông đã trực tiếp gặp các nhân chứng biết về Lê Văn Tám như: Đại tá Võ Thành Khiết sinh năm 1929, người biết khá rõ về kho xăng và trận đốt kho xăng ngày 17/10/1945. Đặc biệt là trực tiếp nghe một số tình tiết rất quan trọng có liên quan đến Lê Văn Tám từ ông Hồ Thanh Điền, nguyên Bí thư Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai. Và ông Lý Châu Hoàn, nguyên Bí thư Đảng ủy khối cơ sở Bộ VH-TT và DL tại TP. Hồ Chí Minh, đã ngoài 80 tuổi nhưng cũng cố gắng nhiều lần đến Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh để lục tìm báo cũ và nhiều lần gặp Đại tá Võ Thành Khiết, đặc biệt là tìm gặp được 2 nhân chứng là tài xế lái xe bồn chở xăng cho kho Simon Piétri là ông Mai Bá Hui ở Nhà Bè và ông Nguyễn Văn Lượng cũng ở Nhà Bè. Ông Dương Tái Phục (soạn giả – Yên Trang) đã ngoài 80 tuổi, tai và mắt rất kém nhưng một ngày gọi điện thoại đến tôi hai lần để động viên và lục tìm tài liệu giúp tôi viết bài. Các ông là nguồn động viên rất lớn cho tôi cùng với những tài liệu vô cùng quí hiếm về một sự kiện xảy ra cách đây đã 72 năm.

Trở lại với bài “Lê Văn Tám không phải truyền thuyết”, ở cuối bài trước, tôi có ghi là sẽ viết tiếp với hai đề mục: “Tính khoa học” và “Về tên của Lê Văn Tám”.

II.A: Về tính khoa học

Trước hết, nói về bài viết của ông Phan Huy Lê trong số tháng 9 và tháng 10/2009 trên Xưa & Nay. Ông Phan Huy Lê thuật lại “lời dặn” của GS. Trần Huy Liệu, tôi thấy chuyện nầy không có gì là khoa học cả. Vì đã có người nói việc nầy do ông Phan Huy Lê bịa ra thì ông Phan Huy Lê sẽ giải đáp ra sao? Chuyện “dặn dò” nầy chỉ có ông Trần Huy Liệu và ông Phan Huy Lê biết, nay ông Trần Huy Liệu đã mất rồi, ai là người làm chứng cho ông Phan Huy Lê về “món nợ” nầy?! (Thực tế, trong 10 năm qua cũng chưa thấy ông Phan Huy Lê nói gì về vấn đề ông có bịa hay không bịa). Còn câu ông viết: “Tôi kể lại câu chuyện này một cách trung thực với tất cả trách nhiệm và danh dự của một công dân, một nhà sử học”. Ông luôn rêu rao về tính khoa học trong sử học nhưng hơn ai hết, ông phải biết “trách nhiệm”, “trung thực” và “danh dự” đâu phải khoa học!

Nếu phải ra tòa với câu nói nầy thì tòa đâu có căn cứ vào thứ “trách nhiệm”, “trung thực”, “danh dự” mơ hồ đó mà tòa chỉ sẽ căn cứ vào giấy trắng mực đen, vào những lời khai của nhân chứng để mà xét xử, nghĩa là phải có nhân chứng, vật chứng. Cho nên, tôi thấy từ “khoa học” là từ luôn ở cửa miệng của ông nhưng khi áp dụng vào thực tế thì không khoa học chút nào. Từ đó có nhiều người nghi ngờ tính xác thực của vấn đề Lê Văn Tám – mà ông đã tung ra – trong đó có tôi.

Đạo diễn Thanh Hạp trong vai Tám – năm 1955 – Ảnh của tác giả

II.B: Về Tên Lê Văn Tám

Một vấn đề nữa như ông viết: “GS giải thích là thời Nam bộ kháng chiến, có bao nhiêu tấm gương hy sinh vì Tổ quốc, nhưng “dựng” lên chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến chuyện cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt tên Lê Văn Tám là vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám là nghĩ đến Cách mạng tháng Tám”. Cần nói ngay rằng tên Tám là do nghĩ đến Cách mạng tháng Tám là một câu bịa hoàn toàn vì thực tế không phải vậy. Tên Tám đã có ngay sau khi sự kiện đốt kho xảy ra chứ không phải đợi đến hơn 15 năm sau (như ông Phan Huy Lê viết “đầu những năm 60 của thế kỷ trước”). Lúc đó tên Tám đã quá phổ biến rồi (việc nầy tôi sẽ nói rõ ở phần sau).

Còn về “họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta” cũng là sự ngộ nhận thiếu căn cứ khoa học. Theo các tài liệu mà tôi hiện có, tôi xin lược kê như sau:

- Trong quyển “Les paysans du Tonkinois” của học giả Pierre Gourou, người Pháp, đã viết: “Ở Việt Nam có 6 họ phổ biến nhất là Nguyễn, Trần, Lê, Vũ, Phạm và Ngô. Ba họ Nguyễn, Trần, Lê chiếm tỷ lệ dân số cao nhất. Trong cả nước, họ Nguyễn chiếm 33% và ở Bắc bộ, họ Nguyễn chiếm 37%.

- Tại TP. Sài Gòn – Gia Định (trước giải phóng), theo số liệu điều tra thí điểm ở một quận là Tân Bình năm 1972 thì họ Nguyễn chiếm 32%, họ Trần chiếm 11% và họ Lê chiếm 9,5%.

- Trong quyển “Họ và tên người Việt Nam” của TS. Lê Trung Hoa (NXB Khoa học xã hội xuất bản năm 2005) cũng có số liệu tương tự: họ Nguyễn có 38,4%, họ Trần có 11% và họ Lê có 9,5%.

- Mới nhứt là quyển “Phương pháp dựng bộ gia phả” của Hội Khoa học lịch sử TP. Hồ Chí Minh, NXB VH-TT – 2015, do Võ Ngọc An, Lê Bá Quang, Trương Đình Bạch Hồng thực hiện. Trang 339 thì trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, họ Nguyễn có 31,509%, họ Trần có 10,915% và họ Lê có 8,668%.

- Trong danh sách 256 liệt sĩ quân cảm tử của tiểu đoàn Quyết tử 950 Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định do đồng chí Vũ Hải Sơn, nguyên Tham mưu trưởng của tiểu đoàn nầy cung cấp thì số người thuộc họ Nguyễn chiếm 35%, họ Trần 11% và họ Lê 10%.

- Tôi cũng tính thử trong số 19 đồng chí trong Đội 5 của Biệt động Sài Gòn đánh Dinh Độc Lập vào Tết Mậu Thân (1968), trừ 4 đồng chí có tên nhưng không có họ, còn lại 15 đồng chí có đủ họ tên thì có đến 8 đồng chí họ Nguyễn, chiếm hơn 53% trong tổng số 15 đồng chí. Chỉ có 1 đồng chí họ Lê.

Như vậy, họ Lê Văn đâu phải “phổ biến” như ông Phan Huy Lê nói. So với tổng thể, họ Lê chiếm chưa tới 10% còn kém xa so với họ Nguyễn và họ Trần. Đây là cách nói có tính “phóng ứng” thôi chứ đâu có căn cứ khoa học.

- Ông Phan Huy Lê cho rằng GS. Trần Huy Liệu “dựng” lên chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến chuyện cậu bé anh hùng làng Gióng” thì càng khập khiễng nữa vì Lê Văn Tám là người thật việc thật còn “cậu bé anh hùng làng Gióng” là truyền thuyết có màu sắc thần thoại thì làm sao GS. Trần Huy Liệu lại “nghĩ” như vậy được vì so sánh như vậy đâu có khoa học.

Trong mục “Nhân chứng lịch sử”, ông Phan Huy Lê đưa ra 2 nhân chứng là bậc lão thành cách mạng, đó là GS. Trần Văn Giàu và ông Dương Quang Đông.

- Về GS. Trần Văn Giàu, ông viết: “Tôi có dịp hỏi GS. Trần Văn Giàu – lúc đó giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ…”. Việc ông cho rằng vào lúc đó, tức là vào thời điểm kho xăng bị đốt cháy GS. Trần Văn Giàu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ là không đúng. Kho xăng bị đốt vào đêm 16 rạng 17/10/1945 thì khi đó GS. Trần Văn Giàu đang trên đường ra Bắc. Cụ thể là ngày 14/10/1945, GS. Trần Văn Giàu đang đứng ở cầu Biên Hòa nhìn về hướng Sài Gòn và than một câu đứt ruột: “Nam bộ sắp bị tiến công, sẽ gặp khó khăn nhiều, mà mình thì lại phải rời chiến trường. Buồn thay!” (Trần Văn Giàu toàn tập, tập III, tr.1462). Ông Phan Huy Lê viết câu nầy theo trí nhớ có vẻ lờ mờ thì khoa học sao được!

- Việc ông Phan Huy Lê đưa ra ý kiến của nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông cho rằng “người đốt kho đạn Thị Nghè ngày 1/1/1946 không phải là Lê Văn Tám”. Việc làm nầy của ông Phan Huy Lê cũng không khoa học nữa, vì ngày 1/1/1946 không có ai đốt kho xăng, kho đạn nào cả (Vì đốt kho xăng ngày 17/10/1945 và đánh kho đạn Pyrotechnique ngày 8/4/1946). Phải chăng vì cố chứng minh không có nhân vật lịch sử Lê Văn Tám nên bất cứ chi tiết nào có lợi cho lập luận của mình ông Phan Huy Lê đều tận dụng, bất chấp việc ấy có đúng sự thật hay không. Việc lấy ý kiến sai sự thật do trí nhớ đã hạn chế của nhà cách mạng lão thành đã 100 tuổi làm cứ liệu phục vụ lập luận sai trái của mình là một việc làm có ý lợi dụng, thiếu đạo lý, thiếu tấm lòng trong sáng của một người làm khoa học và có tác dụng gây nhiễu loạn trong nhận thức của quần chúng về lịch sử. Người làm khoa học chân chính bao giờ cũng cân nhắc, chọn lọc kỹ càng trước khi công bố với công chúng mới có thể gọi là người “có trách nhiệm” mà trước hết là “trách nhiệm” với chính bản thân mình.

Việc đưa ra 2 nhân chứng là những người có tên tuổi lớn, có uy tín lớn với mục đích “hù dọa” thiên hạ nhưng thiếu chính xác như tôi đã phân tích như trên rõ ràng là phản tác dụng và cũng không khoa học.

Ông Phan Huy Lê muốn chứng minh những yếu tố còn chưa rõ trong việc đốt kho xăng để cho rằng “nhân vật lịch sử Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật” khi ông dẫn lời bình luận của đài BBC: “Một cậu bé tẩm xăng vào người rồi tự đốt cháy thì sẽ gục ngay tại chỗ, hay nhiều lắm là chỉ lảo đảo mấy bước, không thể chạy được mấy chục mét đến kho xăng. GS tự trách là thiếu cân nhắc về khoa học nên có chỗ chưa hợp lý. Đây là ý kiến của GS. Trần Huy Liệu mà sau nầy tôi có trao đổi với vài bác sĩ để xác nhận thêm”. Đây cũng là một cách để bác bỏ nhân vật lịch sử Lê Văn Tám của ông Phan Huy Lê. Như ở phần trước tôi có nói, mình đốt kho xăng của địch thì địch có nói gì cũng vô ích vì thực tế kho xăng đã bị đốt và đã bị cháy sạch rồi, trừ trường hợp như ông Phan Huy Lê muốn dùng lời bình đó để bác bỏ Lê Văn Tám. GS. Trần Văn Giàu đã viết: “hộp diêm và chai xăng đốt kho”. Hộp diêm thì rõ rồi, vì cần có lửa, còn chai xăng dùng để tưới vào khu vực kho hay tự tẩm vào mình để làm mồi lửa thì chưa rõ. Ông Phan Huy Lê muốn rõ điều nầy thì chỉ có cách gặp trực tiếp Lê Văn Tám mà hỏi, vì Lê Văn Tám hành động một mình, còn ông Lê Văn Châu, người phụ trách trực tiếp của Lê Văn Tám thì đã hy sinh ở ngã ba Cây Thị năm 1946 rồi thì còn ai biết rõ Lê Văn Tám đốt kho ra sao để có nhân chứng giúp ông Phan Huy Lê “có cơ sở khoa học khách quan, chân thực”. Đài BBC cũng chỉ nói lại, cũng bình luận theo tin của đài Sài Gòn hoặc các báo của ta thì tại sao ông Phan Huy Lê không dựa vào tin của ta để phân tích mà lại dựa vào đài địch, lại còn cố công gặp vài bác sĩ “để xác nhận thêm”. Xác nhận cái gì? Rõ ràng ông cần lời xác nhận sự vô lý trong hành động của Lê Văn Tám, để bác bỏ Lê Văn Tám. Tôi thấy ông Phan Huy Lê làm điều nầy cũng vô ích (trừ trường hợp với dụng ý nhằm loại trừ Lê Văn Tám) vì ai cũng biết, dù tưới xăng hay tẩm xăng thì Lê Văn Tám cũng đã cháy như “cây đuốc sống” và biểu tượng ấy đã trở thành bất tử. Từ đó, tôi thấy nhãn quan khoa học của ông Phan Huy Lê lại không khoa học và nhãn quan ấy bị lệch lạc do tâm thế của ông cũng bị lệch lạc khi cố tình dùng thứ khoa học thiếu cái “nền đạo lý” như ông Trần Bạch Đằng đã viết.

Vấn đề “khoa học” tôi tạm kết thúc ở đây. Trong bài viết của ông Phan Huy Lê có nêu 3 việc còn tồn nghi: “Kho xăng hay kho đạn, thời điểm, người đốt”.

Kho xăng hay kho đạn?

Đáng lý sau khi có các bài báo của BS. Nguyễn Văn Thịnh và của ông Lý Châu Hoàn, ông Phan Huy Lê cần rời 4 cái chân ghế để tìm hiểu thêm cho rõ như lời ông nói: “Xác minh rõ sự kiện kho xăng địch bị đốt cháy trong tháng 10/1945”, thì đâu đến nỗi ông phải đặt nghi vấn “kho xăng hay kho đạn” vì trong thời điểm đó các nhân chứng mà tôi kể sau đây đều còn sống.

- Nhân chứng thứ nhứt là ông Võ Thành Khiết. Trước khi ta giành được chánh quyền ở Sài Gòn, ông là học sinh trường Pétrus Ký, sau đó ông làm liên lạc cho tờ “Kèn gọi lính”, ông biết rõ kho xăng Simon Piétri và kho Simon Piétri là kho xăng. Ông còn thấy rõ trong kho chứa đầy những phuy xăng loại 200 lít và ông còn ngửi được mùi xăng nồng nặc nữa.

- Nhân chứng thứ hai là ông Hồ Thanh Điền. Ông thuật lại lời kể của một chiến sĩ cùng tiểu đội với ông tên Nguyễn Thanh Hùng, nhà ở Da Kao báo tin: “Thằng Tám trong xóm nhà tui là người đốt kho xăng hồi hôm đó” (cần chú ý Da Kao và khu vực Thị Nghè chỉ trong khoảng cách 1km).

- Nhân chứng thứ ba là ông Mai Bá Hui, tài xế lái xe bồn chở xăng cho kho Thị Nghè. Ông còn biết rõ tên người chủ kho xăng là thầy Ba Có. Trong lời kể của ông, ông còn nhắc lại: “Hơi lửa nóng quá…”, vì lúc đó ông đang ở tại chỗ.

- Nhân chứng thứ tư là ông Nguyễn Văn Lượng, bạn với ông Mai Bá Hui, là thuyền viên chở dầu cho hãng shell ở Nhà Bè nhưng có người anh rể là kỹ sư sửa chữa xe bồn của kho Thị Nghè nên ông thường lui tới kho nầy và có biết kho dầu nầy.

- Đặc biệt là báo “Cứu Quốc” ngày 19/10/1945 đưa tin: “Một chiến sĩ Việt Nam đã tẩm dầu vào mình, tự làm mồi lửa hy sinh thân mình, chạy vào kho dầu Simon Piétri của địch”.

- Báo La Répulique ngày 21/10/1945 viết: “Một người lính Việt Nam đã tẩm dầu vào thân mình và đã thành công trong việc đốt cháy kho Simon Piétri. Và trong số báo ngày 4/11/1945, báo tiếp tục đưa tin: “Ngày 16/10, một người lính đã biến thân mình thành đuốc sống bằng cách thiêu thân mình sau khi tẩm xăng để đốt cháy kho Simon Piétri ở Sài Gòn”.

Chừng đó thôi cũng đã đủ để khẳng định Lê Văn Tám đốt kho xăng như lời Hồ Chủ tịch đã nói trong báo “Cứu Quốc” ngày 23/10/1945. Và có lẽ ông Phan Huy Lê nên tìm cách xóa đi câu hỏi nầy để không làm rối nhận thức trong công chúng.

Về thời điểm

Theo tôi, có hai nhân chứng nói về thời điểm đốt kho xăng có tính thuyết phục hơn hết, đó là lời kể của ông Mai Bá Hui và ông Hồ Thanh Điền. Tôi xin ghi lại đầy đủ như sau:

Ông Mai Bá Hui nói: “Kho xăng bị đốt cháy vào khoảng 10 giờ đêm (NV nhấn mạnh) còn ngày tháng không nhớ. Lúc đó tôi và các bạn làm chung đi chơi ở sở thú vừa về. Hơi lửa nóng quá, bọn tôi vội vã ôm đồ (để ở phòng trọ) rồi bỏ chạy ra xa…”.

Ông Hồ Thanh Điền nói: “Tôi không phải là nhân chứng trực tiếp nhưng là người biết rất sớm việc nầy. Lúc đó đơn vị tôi đóng quân ở Trung Chánh (thuộc quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định, nay thuộc TP. Hồ Chí Minh – NV). Ngay sớm hôm sau khi cháy kho xăng Thị Nghè, Nguyễn Thanh Hùng là chiến sĩ của tiểu đội tôi, nhà ở DaKao, chạy về báo tin: Thằng Tám trong xóm nhà tui là người đốt kho xăng hồi hôm đó” (NV nhấn mạnh. Trong việc ghi lại ý kiến của ông Hồ Thanh Điền cần chú ý còn một nhân chứng là ông Phạm Văn Đông cũng là đồng đội của ông Điền đang ở số nhà 22/3 Hồ Văn Đại, KP.3, TP. Biên Hòa).

Như vậy, việc Lê Văn Tám đốt kho xăng là ban đêm chứ không phải ban ngày. Vậy đêm 16 hay đêm 17/10/1945? Tôi nghiêng về đêm 16/10/1945. Vì theo báo Cứu Quốc viết theo “tin điện từ Mỹ Tho đánh ra ngày 17/10”. Nếu đêm 17/10 thì không thể có tin điện ngày 17 được. Báo Độc Lập ngày 20/10/1945 cũng đưa tin: “Ngày 16, quân ta đốt cháy 2 kho hàng của Pháp thiệt hại tới mấy triệu đồng”. Báo La République ngày 4/11/1945, với đầu đề “Đuốc sống”, có nội dung như sau: “Ngày 16/10, một người lính đã biến thân mình thành đuốc sống, bằng cách thiêu thân mình sau khi tẩm xăng để đốt cháy kho dầu Simon Piétri ở Sài Gòn…”. Như vậy, với những chứng cứ nêu trên, chúng ta có thể thống nhứt được kho xăng Thị Nghè bị đốt vào đêm 16 rạng ngày 17/10/1945. Việc giải thích kho xăng hay kho đạn và thời điểm đốt kho đáng lý ra là việc làm của ông Phan Huy Lê và ông Dương Trung Quốc nhưng các ông chỉ biết tung ra các tồn nghi rồi để đó, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Các ông không làm gì cả (trừ việc muốn xóa biểu tượng anh hùng Lê Văn Tám). BS. Nguyễn Văn Thịnh, ông Lý Châu Hoàn và cả tôi nữa đều là “tay ngang”, nhưng vì thấy việc bất bình nên phải xông vào. Các ông cần biết, BS. Thịnh là người miền Bắc nhưng là một bác sĩ ở miền Nam thời chống Mỹ, ông từng chiến đấu giữa cái sống và cái chết của đồng đội mình nên ông có thái độ phẫn nộ với những ai xúc phạm tới những giá trị tinh thần của những người đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc. Tôi có lời xin lỗi trước với ông Lý Châu Hoàn khi viết những dòng sau đây: tôi được biết qua lời kể của nhiều người về ông Lý Châu Hoàn. Trước khi tập kết ra Bắc ông không biết chữ, vậy mà khi ra Bắc ông đã cố gắng học tập như một nhiệm vụ để phục vụ đất nước và ông đã trở thành một điêu khắc gia. Ông đã xông vào trận địa, xác minh (viết lách vốn không phải là sở trường của ông) nhằm ngăn chặn những ý đồ xuyên tạc, thậm chí bịa đặt nhằm bôi xóa đi một biểu tượng anh hùng mà nhân dân đã tôn thờ hơn 70 năm qua. Việc làm của hai ông Nguyễn Văn Thịnh và Lý Châu Hoàn cũng không kém ý nghĩa đáng tự hào và đáng được biết ơn như những người đã và đang đi tìm hài cốt của đồng đội, họ đã nâng niu từng mẩu xương, từng nhúm đất nơi đồng đội mình nằm xuống. Vậy mà ông Dương Trung Quốc đã nói với đài Châu Á tự do: “… nhưng có những người cảm thấy khó tin. Nhưng lúc đó nó phản ảnh một nhu cầu là chống giặc ngoại xâm”. Câu nói nầy đã chạm vào tận cùng nỗi đau của tất cả những ai đang hết lòng hết sức để làm dịu bớt đi – dù biết rằng – những đau thương mất mát trong hai cuộc kháng chiến vừa qua là không có gì có thể bù đắp được. Câu nói nầy của ông Dương Trung Quốc về nội dung cũng giống với câu của ông Phan Huy Lê là “… muốn tạo dựng nên một biểu tượng anh hùng để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân ta”. Trong vấn đề nầy, tôi thấy các ông đã sai lầm từ nhận thức và phương pháp khoa học vì lúc đó đâu có thiếu gương hy sinh, chiến đấu oanh liệt ở Nam bộ. Như sách “Đứng lên đáp lời sông núi”, trang 35, 36 và 37 có ghi: “Trong “màn đầu cuộc kháng chiến” ở Nam bộ đã xuất hiện khắp nơi nhiều tấm gương kiên cường dũng cảm của tuổi trẻ, những tấm gương đó được lan truyền rất nhanh và có sức động viên cổ vũ thanh niên hăng hái tham gia kháng chiến. Tôi lược ghi những điển hình như:

Ở Sài Gòn có gương Lê Văn Tám tự tẩm dầu, đốt kho xăng địch. (Thật ra với khẩu súng “bắn ghen” của một nữ sinh 17 tuổi giết chết tên Hiền Sĩ, chủ báo phản động và lưỡi dao cạo râu cắt cổ tên đại tá Pháp cũng là điển hình, có tiếng vang sâu, rộng – NV), một tổ du kích ném lựu đạn diệt 10 lính Pháp.

Ở Cần Thơ có gương của Lê Bình, chỉ huy 5 thanh niên cảm tử, ngày 12/11/1945 đột kích đồn Cái Răng diệt gọn bọn địch trong đồn, một đại úy Pháp bị thương. Lê Bình hy sinh, đội du kích lấy tên anh đặt cho đơn vị và đã trả thù cho Lê Bình khi phục kích ở ngã tư Cái Sơn, đánh hỏng một tàu, diệt 2 lính Pháp, 1 Việt gian.

Ở Gò Công có gương anh Võ Văn Thơm chỉ huy đội cảm tử, khi giặc tràn vào áp đảo, anh leo lên nóc nhà quăng thủ pháo cứu nguy đồng đội, anh hy sinh tên anh được đặt cho ấp chợ Tân Hòa thành ấp Hòa Thơm.

Ở Châu Đốc có gương 40 TN Cứu Quốc đã dũng cảm bảo vệ đồng bào tản cư, bị giặc bao vây giết hết.

Ở Bến Tre có gương sáng tạo những mang ên (như một cây cung – NV) khổng lồ để bắn tên bằng cây sao to, dài, đầu được chuốt nhọn, bố trí ở vàm sông để bắn tàu giặc. Thả thủy lôi giả lẫn lộn với thật lừa địch và đã hạ được một số tàu.

Ở Mỹ Tho có sáng kiến phá giao thông bằng bè chất đầy bổi khô đốt cháy thả trôi sông, tới trụ cầu bè vướng lại, ván trên cầu được tưới xăng sẵn bắt cháy.

Trong chiến tranh thời kháng Pháp, ở Nam bộ có những tướng tài mà trong nhân dân đã tôn vinh như những vị tướng anh hùng như: Dương Văn Dương, Huỳnh Phan Hộ, Nguyễn Hữu Xuyến, Đồng Văn Cống, Nguyễn Hùng Phước, Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Tấn Chùa… Đến mức người dân không cần nhớ phiên hiệu đơn vị mà chỉ cần gọi Bộ đội ông Xuyến, Bộ đội ông Cống, Bộ đội ông Nghệ… Đó cũng là một hình thức tôn vinh tài năng, thông minh và đặc biệt là tinh thần dũng cảm, xả thân vì dân của họ.

Kết thúc mục nầy, sách ghi: “Trong cuộc kháng chiến anh dũng, kiên cường buổi đầu ở Nam bộ còn có biết bao gương oanh liệt của tuổi trẻ, đa số là thanh niên yêu nước, một số là đoàn viên TNCQ mà lịch sử không thể nào ghi hết được”.

Như vậy, đâu cần có bàn tay của ai đó “dàn dựng” mới trở thành anh hùng và phải “dàn dựng” mới có biểu tượng để tuyên truyền. Tự thân những sự kiện của buổi đầu sau ngày 23/9/1945 đã lược ghi trên đây đủ nói lên sự đa dạng, mãnh liệt của nhân dân trong chiến đấu. Ông Phan Huy Lê và ông Dương Trung Quốc do không hiểu đặc điểm chiến tranh ở Nam bộ, không hiểu nổi tinh thần quật cường, tự nguyện và đạo lý – đặc biệt là đạo lý của người dân Nam bộ – trong cảnh bị kẻ thù xâm lược giày xéo đất nước mình nên hai ông đã xúc phạm nặng nề đối với một thiếu niên anh hùng như Lê Văn Tám và xúc phạm đến lòng ngưỡng mộ của nhân dân trước một biểu tượng mà họ đã tôn thờ.

Tồn nghi cuối cùng của ông Phan Huy Lê nêu lên là “người đốt”. Đó cũng là đề mục mà tôi sẽ viết, đó là tên của nhân vật lịch sử Lê Văn Tám.

Về tên của Lê Văn Tám

Trước hết, chúng ta điểm lại một số chứng cứ có tên Tám.

Tất cả các báo mà chúng ta tìm được chỉ đưa tin: quân ta (báo Độc lập, ngày 20/10/1945), một chiến sĩ của ta (báo Quyết chiến, ngày 19/10/1945), anh dân quân (báo Thời mới, ngày 26/10/1945), một thiếu sinh 16 tuổi (báo Cờ giải phóng, ngày 5/11/1945) và (báo Kèn gọi lính, ngày 18/10/1945) một người lính Việt Nam (báo La République, ngày 21/10/1945).

Vì sao tất cả các báo đều không có thông tin nào có tên Tám? Vì làm sao các báo có thể biết được người đốt kho xăng là ai. Về phía địch thì mù tịt là phải rồi, ngay cả thời đánh Mỹ, nếu có trận đánh nào của lực lượng Biệt động của ta tại Sài Gòn thì chúng chỉ đưa tin là “Việt Cộng” tấn công thôi chứ làm sao chúng biết được đó là Ba Đen, Bảy Bê, Ba Phong, Bảy Lốp hay Tư Tăng… Về phía ta thì cũng không đưa tin rõ được, nhứt là tên người vì bí mật. Về mặt nầy, ông Phan Huy Lê viết: “Ngay lúc đó, trên báo chí đã xuất hiện những thông tin khác nhau về người đốt và cách đốt kho xăng, tuy nhiên có điểm chung là gắn với hình ảnh một chiến sĩ tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch và không có tên Lê Văn Tám hay tính danh của người chiến sĩ đã hy sinh” (NV nhấn mạnh). Ông Phan Huy Lê đòi hỏi phải có đủ tính danh của người đốt kho xăng trên báo chí để ông “vượt qua rào cản” rồi cung cấp cho địch bắt bỏ tù hoặc xử bắn như Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Đang hoặc Bảy Lốp bị Nguyễn Ngọc Loan bắn giữa Sài Gòn sau khi bị bắt hay sao? (Ông Phan Huy Lê đã từng tuyên bố “… vượt qua được mọi rào cản về ý thức hệ để có cái nhìn chân thực, chính xác, khách quan về lịch sử” vào tối ngày 22/10/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội – Báo Tuổi Trẻ đưa tin ngày 23/10/2011). Ông Phan Huy Lê đòi hỏi báo chí phải thông tin họ tên của người đốt kho xăng trong trường hợp nầy chứng tỏ ông không hiểu gì về chiến tranh, đặc biệt là với những nguyên tắc hoạt động trong lòng địch cả.

Về mặt báo chí thì như vậy nhưng trong nội bộ của ta thì có đấy, chúng ta có thể xem lại một số dẫn chứng sau đây:

- Đại tá Võ Thành Khiết: “tin tức nội bộ nói là do một thiếu niên tên Tám xung phong đánh. Em Tám chứ không nêu đủ họ danh Lê Văn Tám như sau nầy đâu!”.

- Ông Hồ Thanh Điền qua báo cáo của một chiến sĩ trong tiểu đội của ông tên Nguyễn Thanh Hùng: “Thằng Tám trong xóm nhà tui là người đốt kho xăng hồi hôm đó”.

- Đạo diễn Thanh Hạp, người diễn vai Tám (xem hình, khi tập kết ra Bắc anh Hạp mới 12 tuổi nên rất thích hợp với vai Tám, lúc diễn xuất đầu tiên ngày 20/7/1954 anh đã hơn 13 tuổi) trong vở “Lửa cháy lên rồi” của tác giả Phan Vũ, đạo diễn Nguyễn Ngọc Bạch – Phan Vũ cùng các diễn viên của Đoàn Văn công nhân dân Nam bộ như: Ngọc Hùng, Can Trường, Văn Chiêu, Thanh Hương, Tú Lệ… Vở được công diễn lần đầu tiên ngày 20/7/1955 tại Hải Phòng. Theo đạo diễn Thanh Hạp: “Lúc bấy giờ, khi cả đoàn dựng và diễn vở nầy, mọi người ai cũng chỉ biết người đốt kho xăng Thị Nghè là em Tám chứ chưa biết tên đầy đủ là Lê Văn Tám”.

- Theo tài liệu của Ban Tuyên huấn quận Bình Thạnh: “Tám là đội viên đội cảm tử do Lê Văn Châu tổ chức. Tám còn được những người dân sống gần kho dầu chứng kiến truyền nhau rằng “Có một em bé từng bán đậu phộng rang, thuốc lá, diêm quẹt tên Tám, không rõ có ai là họ hàng không. Em thường la cà ra vào giao dịch để bán hàng… và mua cả xăng dầu của người coi kho bán lén để bán ra ngoài. Bữa đó, nhiều người thấy trong kho đột ngột có ngọn lửa phừng lên, rồi thấy bóng một em bé người như một ngọn đuốc chạy hướng vào kho rất giống em Tám. Lập tức có những tiếng nổ rồi lửa khói bốc ngút trời. Dân gần đó phải bỏ nhà cửa chạy tránh xa”.

Mọi chuyện xung quanh tên Lê Văn Tám tôi cũng chỉ biết có vậy thôi. Nhưng qua nhiều người có quá trình kháng chiến cùng thời với Đại tá Võ Thành Khiết, nghĩa là cũng cùng thời với Lê Văn Tám cũng chỉ biết em Tám, thằng Tám chứ không ai biết chắc là có tên Lê Văn Tám. Trường hợp thông tin duy nhứt có tên đầy đủ Lê Văn Tám là bài viết có tính chất như một hồi ký của ông Trần Khắc Minh (nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản, Phó Ban Thiếu nhi Trung ương) có đoạn: “Đội thiếu nhi ở khu phố chúng tôi cũng tứ tán khắp nơi, đứa thì về quê, đứa thì theo cha mẹ tản cư, đứa thì theo bộ đội. Lớp đội viên thiếu nhi Sài Gòn chúng tôi lúc đó cũng bước theo cha anh đáp lại tiếng gọi của non sông: “Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” như một bài hát thời đó. Đầu năm 1946 tôi nghe tin Lê Văn Tám tẩm dầu đốt kho xăng giặc. Có ngờ đâu người bạn cùng lứa tuổi thiếu nhi của mùa thu năm 1945 lại là người đội viên ở Da Kao đã ở lại trong lòng địch làm rạng danh thiếu nhi Việt Nam anh hùng…”. Sách “Đứng lên đáp lời sông núi” mới xuất bản năm 1995 thì tên Lê Văn Tám mà ông Trần Khắc Minh nhắc tới người bạn của mình trong đội thiếu nhi Sài Gòn là tên có từ trước – nghĩa là ông Trần Khắc Minh đã biết tên Lê Văn Tám khi còn cùng đơn vị với nhau hay là ông viết theo tên mà mọi người đã và đang biết, Lê Văn Tám có đủ họ tên.

Nhưng theo tôi, chừng đó – có được cái tên – cũng đã là may mắn lắm rồi. Đã là đơn vị cảm tử thì hy sinh khó tránh khỏi, hơn nữa, người đội trưởng là Lê Văn Châu cũng đã hy sinh ngay sau đó không lâu tại ngã ba Cây Thị năm 1946. Trong chiến tranh, nhiều trường hợp cả đơn vị ra đi không một người trở lại. Tôi xin trích sau đây một đoạn trong quyển “Biệt động Sài Gòn” của Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), NXB Trẻ – 2015.

“… Tôi nhớ ngay hôm sau đêm nổ súng đợt tấn công năm 1968, anh Nguyễn Đức Hùng đến Sở chỉ huy tiền phương đặt ở Bến Đá (quận 8) báo cáo với anh Võ Văn Kiệt và tôi. Tôi hỏi anh tình hình anh chị em các đội đánh vào các cứ điểm chiến lược, anh Nguyễn Đức Hùng nói trong nước mắt: “Tôi có cảm giác họ đã hy sinh tất cả!”. Lòng chúng tôi quặn thắt và tất nhiên, nỗi đau của anh Hùng còn nặng hơn chúng tôi bởi anh trực tiếp chỉ huy họ…” (Trần Bạch Đằng – Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Tiền phương Nam trong Mậu Thân 1968).

Biệt động Sài Gòn có nhiều đội nhưng tôi chọn ngẫu nhiên 3 đội để thấy tình trạng tên tuổi của chiến sĩ mình, mới từ thời chống Mỹ đây thôi cũng có nhiều điều đến nay ta vẫn còn ray rứt, nhói đau mỗi khi nhắc đến họ. Tôi lược ghi 3 đội trong đợt tấn công Mậu Thân (1968) như sau:

- Đội 3 – Mục tiêu Bộ TL Hải quân: Tổng số cán bộ và chiến đấu viên có 20 đồng chí, trong đó có 4 đồng chí có tên thật, 1 đồng chí tên giả và còn 15 đồng chí có tên nhưng không biết họ.

- Đội 6 – Mục tiêu Bộ Tổng Tham mưu ngụy: Tổng số cán bộ và chiến đấu viên có 30 đồng chí, trong đó có 12 đồng chí có tên thật, 2 đồng chí tên giả và còn 16 đồng chí có tên nhưng không biết họ.

- Đội 11 – Mục tiêu tòa Đại sứ Mỹ: Tổng số cán bộ và chiến đấu viên có 21 đồng chí, trong đó có 7 đồng chí có tên thật và còn 14 đồng chí có tên nhưng không biết họ.

Ngay cả trong nội bộ của ta cũng chỉ biết có vậy thôi và trong thực tế cũng còn rất nhiều đồng chí đã hy sinh nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa biết gia đình của họ ở đâu để làm thủ tục công nhận Liệt sĩ. Đây là nỗi đau khôn nguôi của những đồng chí, đồng đội của họ còn đang sống.

Tên Tám là tên có thật, còn Lê Văn Tám, nếu đó là một phần của người đội trưởng Lê Văn Châu thì cũng là một việc gắn kết hợp lý, khi nói tới Lê Văn Tám ta lại nhớ tới Lê Văn Châu, chỉ vậy thôi, có lẽ cũng làm ấm lòng người đã hy sinh và người còn được hưởng hòa bình, độc lập hôm nay. (vì theo tìm hiểu sơ bộ của tôi thì cũng chưa tìm được gia đình của Liệt sĩ Lê Văn Châu và ngay sau giải phóng miền Nam, ông Phạm Văn Công (Chín Trí), GĐ Bảo tàng Cách mạng, kết hợp với quận Bình Thạnh đã hết sức cố gắng truy tìm gia đình của Lê Văn Tám nhưng không thành công).

Tới đây, tôi xin tạm dừng bài viết của mình nhưng với hình ảnh “em bé tẩm dầu”, “đuốc sống Lê Văn Tám”, tôi tin rằng sẽ còn sáng mãi trong tâm tưởng của chúng ta.

21/11/2017

 

Cao Đức Trường

Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 478

Nguồn: http://tuanbaovannghetphcm.vn/le-van-tam-khong-phai-truyen-thuyet-so-478/

Trang Thời Sự