Phía Bên Kia Ánh Trăng Nhân Văn Của Ki-tô Giáo

Phía Bên Kia Ánh Trăng Nhân Văn Của Ki-tô Giáo

Trần Trọng Sỹ

http://sachhiem.net/TTS/TG/TranTrongSy10a.php

25-Aug-2020

... Đối với sự hung hăng của Kitô giáo muốn chiếm trọn trái đất, dù phải giết hết toàn bộ nhân loại, như Thiên Chúa từng làm qua trận lụt lớn trong truyền thuyết mà họ rất hãnh diện, thì sự hung hăng của TQ ngoài biển Đông chỉ là thằng trộm vặt so với cả đảng cướp, nhỏ lớn tuy có khác, nhưng gian manh và thâm độc không khác....

(tiếp theo Phần I)

N hân tiện tôi đưa ra cái nhìn ngắn gọn về hai nền triết lý giữa Kytô và Phật giáo, một bên đại diện cho thiên bản, và một bên cho nhân bản :

Với những triết lý cốt lõi của Kytô giáo, chỉ người được chăn dắt mới bị thuyết phục và tín thác vào Giêsu.

Người không chấp nhận bị chăn dắt, không thể tin vào Giêsu, thậm chí, có người còn vì đạo đức xã hội mà kịch liệt không ngừng lên án Kitô giáo, như Voltaire, Diderot, Feuerbach, Nietzche, Bertrand Russell...

Khi tôi nói cốt lõi, nghĩa là phần tinh túy nhất, không bị sửa đổi, thêu dệt, thêm thắt, hay sao chép để thích nghi với thời đại, với hoàn cảnh. Sau đây là những điểm cốt lõi được chiết xuất ra từ hai bộ thánh kinh :

Trong số này:

IV- Văn Hóa Thiên Bản Vị

- Thiên bản vị đặt căn bản trên Đức Tin của quần chúng

- Nhân bản vị đặt căn bản trên đạo đức cá nhân

- Thiên bản vị chủ cai trị.

- Nhân bản vị chủ giáo dục.

V - Ngụy Tín Rằng Thiên Chúa Giáo Thay Chúa Làm Chủ Trái Đất

- Đế Quốc Đông Tây gặp nhau.

- Trái đất là của Thiên Chúa, ngài ban nó cho nhân loại.

- Với điều kiện nhân loại phải tin theo Chúa, và chỉ duy nhất có Chúa mà thôi.

 

- Thiên bản vị đặt căn bản trên Đức Tin của quần chúng:

=> Vũ trụ vạn vật do một đấng thần linh chủ tể, vì yêu thương, nên Ngài sinh ra nhân loại. Ngài có toàn quyền quyết định trên số phận của vũ trụ. Khi loài người làm phật ý ngài, ngài đã tạo ra cơn Đại Hồng Thủy tiêu diệt toàn bộ các sinh vật trên mặt đất trừ những ai được leo lên con thuyền của Noé. Ý niệm tự do được thêm vào sau này, do các triết gia thần học, không có ý niệm tự do trong hai bộ thánh kinh, mà chỉ có sự bất tuântrừng phạt. Trái cấm không biểu trưng cho tự do, nó đại diện cho cạm bẩy, lừa gạt. Tự do, người ta không thể đưa sách cho một kẻ mù rồi ban cho nó quyền tự do đọc sách, tự do phải được hiểu là tự do phán đoán, phải được hiểu là tự do suy tư và hội đủ điểu kiện để suy tư. Một đứa trẻ té qua cửa sổ chết nát thây không có nghĩa là nó có tự do chọn cái chết, mà vì cha mẹ nó thiếu trách nhiệm và không đủ khả năng tiên liệu được sư an toàn cũng như không đủ khả năng nuôi dạy và đem hạnh phúc đến cho con cái. Có nhiều lỗ hổng như vậy, vì đây là triết lý nhất nguyên luận hay duy thần luận, có mặt trong hầu hết các chuyện cổ tích trẻ thơ của bất kì nền văn minh bán khai nào. Cái phản xạ đơn giản nhất để nói về nguồn gốc nhân loại là phải có một ai đó siêu hơn loài người mới có thể tạo ra loài người, cũng tựa như thấy nước từ trời rơi xuống, thì phản xạ tự nhiên là cho rằng trên cao toàn là nước, được Thiên Chúa ngăn lại nhờ cái vòm bằng đồng thau, nước chảy xuống nhân gian từ những chiếc lỗ nhỏ. Chúa tạo ra nước, nhưng lại dốt không biết H²O là gì thì thử hỏi những gì được kinh thánh đưa ra trong Kinh Cựu Ước có chỗ nào đáng tin ?

  Hình dưới là thế giới do Chúa Trời Do Thái tạo ra, trên và dưới mặt đất đều là nước

Ảnh trong bài "Flat Earth - Ancient Hebrew Conception of The Universe."

=> Sự dữ, sinh, già, bệnh, chết, là do Thiên Chúa vỗ ngực ban cho trần thế sau khi hai người đầu tiên bất tuân thánh dụ. Đây là kết quả của của cái mà sau này các tay thần học kinh viện đều thi nhau ca tụng là tự do. Trước khi ăn trái cấm, con người nguyên thủy không thể biết cái giá phải trả cho tự do là gì, y như đứa trẻ vừa biết đi chập chững lòn qua lan can tầng 20 và rơi tự do xuống chiều cao 50m, nó hoàn toàn vô tri về hậu quả nếu lọt qua khỏi hàng rào lan can. Hàng xóm bu quanh cái xác của đứa trẻ và trầm trồ: thật tội nghiệp cho con, nhưng đây là tự do tuyệt đối mà cha mẹ con đã ban cho con ngay từ trứng nước, con nên cám ơn lòng yêu thương vĩ đại của cha mẹ ! Hơn nữa, ý nghĩa sâu xa nhất của tự do, chính là tự do suy tư, không có tự do suy tư, tự do tư tưởng, thì chỉ còn có tự do nô lệ. Khi Adam được Chúa tạo ra, Adam không được quyền suy tư, chỉ được quyền vâng lời. Ngay cả thái độ ăn trái cấm, chẳng do Adam quyết định, mà do con rắn bảo với Eva, rồi Eva truyền lại cho Adam. Cả hai người vì không được sinh ra có suy tư, chỉ có bản năng vâng lời, nên khi con rắn dụ dỗ, bản năng vâng lời đã khiến cặp đôi này tuân theo. Điều này cho thấy, Adam và Eva được sinh ra như một loài thú kém thua cả loài bò sát. Chúa Trời sinh ra họ với thân xác súc sinh, nhưng phán đoán và tư duy của nhân loại chính là đã nhờ con rắn chỉ cho họ trái cây lý trí mà họ đã ăn và thành người.

=> Vì thương yêu nhân loại, Thiên Chúa sai Giêsu, con một của ngài xuống thế làm ngôi hai, chịu chết trên thập giá để cứu chuộc tội bất tuân của con người nguyên thủy. Adam được Thiên Chúa trực tiếp làm ra, không được gọi là con. Giêsu, được con người truyền giống từ Adam đẻ ra, nhưng Giêsu là con một, còn tất cả con người được sinh sản từ Adam là ai ? Nhà chúa trả lời rất gọn: chỉ có Giêsu là con Thiên Chúa, còn tất cả chỉ là vật thụ tạo.

=> Ngôi Hai tự nguyện chết để cứu chuộc vật thụ tạo. Đọc kinh thánh thấy rõ Giêsu tự nguyện bằng cách bò lết khóc ra máu và luôn miệng xin Ngôi Một xuống cứu. Ngôi Một chả thấy đâu, nên  Ngôi Hai bị nọc lên thập giá đóng đinh và chịu chết. Theo tôi thì ông chỉ rơi vào tình trạng chết lâm sàn sau đó được cứu sống dậy và trốn biệt...lên trời. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây cần nói, đó là sau khi Giêsu chết để chuộc tội của tổ tông loài người, thì sự dữ lại còn bùng phát hơn.

Lịch sử cho thấy từ khi loài người tôn thờ Giêsu, chiến tranh và chết chóc còn gia tăng gấp bội. Nơi nào có bóng dáng cây thập ác, nơi đó có lừa đảo, chia rẽ, cướp bóc, chiến tranh, cuớp nước, bắt nô lệ, diệt chủng , diệt văn hóa. Vậy ý nghĩa của sự cứu chuộc nằm ở đâu? Xin thưa, ở cái bánh vẽ, tức là sự dữ chả biến mất, nó sẽ chỉ biến mất ở Thiên Đàng, khi nào Giêsu tái lâm vào ngày phán xét và rước 144,000 người Do Thái trong danh sách 12 chi tộc được ghi trong Khải Huyền – kinh thánh hoàn toàn không có một chữ dành cho Kitô giáo. Giờ phán xét ấy theo Tân Ước sẽ không xa, nó sẽ xảy ra một ngày khi những tông đồ còn sống. Nhưng nay đã 2000 năm trôi qua, vẫn chẳng thấy bóng Giêsu ở đâu cả, những tông đồ đã biến thành đất cát không biết có ráp lại được không, để thầy trò hồn xác cùng nhau tay trong tay bay về Thiên Đàng. Khổ nỗi vào thế kỷ 21, Giáo hoàng Gioan Phaolồ 2 cùng giáo hoàng Phanxicô, chịu nhiều ảnh hưởng của duy tâm luận, phủ nhận Thiên Đường vật lý, cho rằng đó chỉ là một trạng thái của tâm, vậy Giêsu và Maria cùng với thân xác của họ hiện đang ở đâu ?

=> Sau khi chết, ngôi hai đã phục sinh, và bay về trời, như là một lời hứa hẹn chấm dứt mọi sự dữ, mở ra cuộc sống vĩnh hằng. Đối với Thiên Chúa Giáo thì Thiên Đàng là cõi sống đời đời, cưu mang cả sự sống vật lý lẫn siêu hình, hồn xác không còn rời xa nhau, không còn sự dữ, nhưng không biết có trở lại tình trạnh ở truồng như Adam và Eva khi vừa được Chúa nặn ra, và các bà mẹ có biến thành đồng trinh hết như Mẹ Mân Côi không ?

=> Phúc cho ai nhận được tin mừng từ Giêsu. Và nên nhớ rằng, từ Adam trở xuống tới Giêsu chẳng ai có Đức Tin vào Giêsu cả, tất cả đều là tín đồ Do Thái giáo. Đạo Do Thái tuy có máu mủ ruột thịt với đạo Kitô, nhưng hai bên như kẻ thù không đội trời chung, vào thời Trung Cổ cho đến thời Phục Hưng, người Do Thái bị ruồng giết tại Âu châu một cách tệ hại. Mấy bộ xương tàn của Adam, Eva, Noé, Abraham, Lot, Moïse, David,... sẽ đi về đâu vào ngày Giêsu tái lâm ? Giữa người Do Thái và người Kitô giáo, Giêsu sẽ cứu ai ? Nếu Giêsu cứu cả hai thì Peter giữ chìa khóa và thành lập Giáo Hội có ý nghĩa và lợi ích gì ? Chà ! Coi bộ rắc rối đây, mấy ông này dân Do Thái Judaism chứ chẳng phải Kitô Christianism, ngồi chung chiếu e là có màn đấu súng nữa chứ chẳng chơi. Đó là chưa kể nếu các đồ đệ Thánh Allah cũng tự xưng là hậu duệ của Abraham mà họ gọi là Ibrahim cũng đòi sống dậy về thiên đàng thì Giêsu tính sao ? Tin này thật là đáng mừng.

=> Nếu được hỏi tại sao Thiên Chúa yêu thương mọi người một cách bình đẳng, mà trẻ con có đứa sinh ra trong nhà nghèo, lại đui què câm điếc, có đứa sinh ra làm hoàng tử công chúa, lại còn được khỏe mạnh thông minh xinh đẹp? Thì linh mục Nguyễn Khắc Hy sẽ trả lời: Chúa yêu thương rất bình đẳng tất cả mọi người, nhưng cách thái và sự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người không giống nhau, chỉ riêng ngài tự biết, không ai có thể hiểu được Thiên Chúa ! Theo tín lý Kitô, dù Chúa làm gì, nghĩ gì, đều ngoài dự liệu của con người. Điều quan trọng là chúng ta, loài người, phải luôn hướng về Chúa, yêu thương ngài, và phụng sự ngài một cách vô điều kiện. Ngài bảo chết thì phải chết và phải cám ơn, bảo đi ăn mày thì đi ăn mày và phải cám ơn, bảo làm nô lệ thì làm nô lệ và phải cám ơn, tuyệt đối không được hỏi vì sao.

Từ những cốt lõi ấy rút ra, Kitô giáo, hay các tôn giáo độc thần, đều xây dựng tôn chỉ và triết học của mình trên thiên bản vị – christocentric, chỉ nhằm phục vụ thần linh. Con người do thần linh sinh ra, chỉ là vật thụ tạo, là tôi tớ nô lệ của thần, cần cầu xin được trở về với thần. Thế gian chỉ là quán trọ, tạm bợ, là nơi thử thách, là lò tôi luyện, với mục tiêu cầu được ân sủng, để có thể trở về quỳ phục dưới chân bệ của tượng thần sau khi chết.

Con người, theo thiên bản vị, chỉ là đền thờ thánh.

Ai cho rằng tôi tóm lược cốt lõi đạo Chúa còn thiếu sót, xin nhuận chính cho.

Bây giờ cũng xin đưa ra vài nét cốt lõi của đạo Phật.

Nhân bản vị đặt căn bản trên đạo đức cá nhân:

Người đầu tiên đưa con người làm trung tâm điểm của mọi học thuyết Tây phương là Aristote, ông lại vì vậy cũng đưa ra học thuyết sai lầm về thuyết địa tâm (géocentrisme). Tuy thuyết địa tâm sai về vậy lý học, nhưng đứng trên lăng kính nhân lý học, nó vẫn không sai. Con người và trái đất, vẫn là trung tâm của vũ trụ. Vũ trụ nằm ngoài nhận thức của con người sẽ hoàn toàn vô nghĩa. Nhận thức định đoạt tất cả, tựa như mặt trăng vẫn có Hằng Nga ngự trị, nhưng nàng đã chết từ khi Amstrong đạt chân lên mặt trăng.

Phật giáo là nền tảng của triết học nhân bản luận. Có thể nói môn học nghiên cứu nhân tâm, ngày nay gọi là tâm ý học, được Phật giáo phát triển đầu tiên từ hơn 2 thiên niên kỷ. Nhưng môn Psychology phải đợi đến thế kỷ thứ 16 mới có người nói đến (Marko Marulic). Văn bản phân tâm học trứ danh của đạo Phật là Vi Diệu Pháp (theo cách gọi của Nam truyền), hay Duy Thức Học (theo cách gọi của Bắc truyền).

Đạo Phật cốt ở tam pháp ấn: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã.

Mặc dù nói 3, nhưng tựu chung chỉ có một : vô ngã.

Tam pháp ấn của đạo Phật cũng có thể tóm lại trong một chữ duy nhất : thực tại.

Thực là chân thực. Tại là tại đây, ngay phút này. Tại nối kết khôngthời gian vào làm một. Nắm bắt chân thực tại đây và ngay lúc này. Đó là tất cả yếu nghĩa của đạo Phật.

Thực tại có mặt trong sự sống, tham dự vào biện chứng lịch sử của chính nó. Con người có mặt giữa thiên nhiên và vũ trụ, nó đến từ đâu ? Ai tạo ra nó ? Sau khi chết sẽ về đâu ? không nằm trong trung tâm điểm của nhân sinh quan Phật Giáo. Con người đang hiện diện, đối mặt với thiên nhiên. Thiên nhiên vừa nuôi dưỡng vừa tiêu diệt con người. Tìm ra cách khiến con người sống hài hòa với thiên nhiên và với chính mình, đem lại hạnh phúc và an lạc ngay trên hai chân đứng của mình trong quá trình sống giữa thiên nhiên, đó là vai trò chính của đạo Phật.

Nếu con người nguyên thủy có ngay bản năng cầu khẩn van xin thần linh, thì nó đã bị tiêu diệt từ lâu bởi muôn thú chỉ có bản năng sinh tồn. Từ đó ta biết rằng, con người đầu tiên là một con thú, và bản năng nguyên thủy là sinh tồn giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Không có con thú nào biết sợ ma quỷ thần thánh cả, chúng chỉ biết sợ chết và sợ đói, và đây là ưu điểm của loài thú khi loài người chưa xuất hiện. Nhưng ta thấy hai nhân vật Cain và Abel đã tìm cách làm vừa lòng thần linh để sinh tồn trong Sáng Thế Ký, là một câu chuyện hoàn toàn tiểu thuyết trái với khoa học. Văn hóa Abraham đánh dấu sự ghanh ghét tị hiềm gây ra chiến tranh đổ máu đầu tiên giữa loài người là do phụng thờ Thiên Chúa. Hai anh em Cain và Abel này chỉ vì muốn làm vừa lòng Thiên Chúa mà đã trở mặt tàn sát nhau, và người sống còn, chính là kẻ được lòng Chúa, nhưng mâu thuẫn làm sao, ngày nay, khi dịch Corona bao phủ toàn trái đất, loài người bên các quốc gia Kitô giáo cầu xin Chúa ban phép lành, chính quyền thỉnh tượng bà Maria bay lên trời để làm phép, các linh mục cầm thánh giá Saint Sacrement ra đường vẫy nước thánh, không những tín đồ chết như rạ, mà ngay cả chủ chăn làm phép cũng chết hàng loạt, tổng số chết còn gấp vạn lần con số của các quốc gia phi Kitô. Quan sát các quốc gia theo văn minh Kitô trên thế giới, ta thấy ngay những kẻ đầu tiên hô hào đức tin mạnh mẽ nhất, cuối cùng vì bản năng sinh tồn, đã từ bỏ niềm tin vào sự cầu nguyện, dõng dạc kêu gọi đeo khẩu trang và cách ly cùng với việc sử dụng nước rửa tay khử trùng, tức là con người nhờ bản năng sinh tồn ẩn núp né tránh mà thoát khỏi bệnh dịch chứ không hề dựa vào văn hóa thờ vái thần linh mà tồn tại. Thống Đốc thành phố New York từng tuyên bố Thượng Đế chẳng ích lợi gì trong việc chống lại dịch Covid, chỉ có khẩu trang, cách ly, khử trùng, mới giúp con người có được sự an toàn qua mùa dịch. Andrew Cuomo là người đạo dòng Công giáo Rôma, do những thái độ từ bỏ các tín lý của ông như cho phép hôn nhân đồng tính, cho phép phá thai, mà có nhiều sự vận động Giáo Hội xử ông vạ tuyệt thông. Giáo hội không dám làm, hay chưa kịp làm, thì họ đã chế nhạo rằng giáo hội là con hổ giấy. (https://www.thecatholicthing.org/2019/01/28/should-governor-andrew-cuomo-be-excommunicated/ )

Tồn tại với thiên nhiên, không có nghĩa là chống lại những khắc nghiệt do thiên nhiên đưa đến, như chống lại những sự dữ, tìm kiếm con đường ngược chiều với sự dữ, cầu sống đời đời, cầu phép lạ, cầu một nơi không có khổ đau chết chóc. Đạo Phật từ chối mọi phép lạ, vì không gì có thể vượt khỏi luật vô thường, nên con đường của đạo Phật là hãy sống hạnh phúc với cái đang là, không chống lại thiên nhiên, mà sống với thiên nhiên.

=>  vô thường: Nói cách khác là tướng sinh diệt của vô ngã. Dựa trên sự thực khách quan của vũ trụ, vạn pháp vốn không có tự tánh, đạo Phật quán vào lý này mà lập tôn, không cho cái là gì thường hằng, bất biến ; ngược lại, tất cả đều vô thường, biến chuyển, thay đổi, linh động. Không có bất kỳ thứ gì, từ các pháp thuộc về tâm, đến các pháp thuộc về sắc, mà có trạng thái tĩnh lặng vĩnh hằng. Vô thường là nguồn cội của lý duyên khởi trong đạo Phật đặt trên căn bản 12 nhân duyên từ vô minh, hành, thức, danh sắc...đến lão tử. Tôi không đi sâu vào 12 nhân duyên ở đây, ai muốn tìm hiểu chỉ cần tìm trên mạng sẽ có hằng trăm bài giải thích.

Nếu phân tích kỹ lý duyên sinh, ta thấy Thượng Đế trong Sáng Thế Ký hoàn toàn không lọt ra khỏi dù chỉ 1 ly nhỏ của vòng xích lưu chuyển trong 12 nhân duyên này. Do vô minh, nên ngài chấp vào ngã ái của mình đó là cái hành đầu tiên từ một niệm sinh khởi, muốn có cái gì đó là hình ảnh của tự ngã, thế là ngài tạo ra có-không, sáng-tối, đất-nước... Từ ngã ái, ngài tạo ra thế giới hỗn mang cát bụi đầy ganh tị chém giết, vốn là phản chiếu tâm sinh diệt hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc của chính ngài...mà ta đọc được trong thánh kinh, từ chuyện Chúa giận giết toàn bộ sinh linh trên thế gian bằng trận lụt hoang đường, đến chuyện dâm đãng và hèn hạ của các vị thánh Do Thái như Abraham, David..rồi chuyện tự Chúa ra tay ném lửa xuống thành Sodom tiêu diệt toàn thành chỉ trừ Lot và hai cô gái, khiến cho hai cô phải ngủ cùng cha già để có con cháu nối dõi dòng tộc...

Hai câu kệ đầu của bài kinh Niết Bàn sau đây cho thấy Thượng Đế nằm gọn trong cái nhìn thanh thản đầy minh triết của đạo Phật :

Chư hành vô thường  諸 行 無 常  Các hành đều vô thường,
Thị sinh diệt pháp  是 生 滅 法   vì chúng đều là pháp sinh diệt.

Thiên Chúa hiện ra, bay là đà trên mặt nước, tạo thiên lập địa xong, bèn biến mất. Nên Thiên Chúa và tất cả những gì thuộc về ngài đều là các hành, các pháp vô thường sinh diệt, biến hiện chập chờn, vô thực. Hai câu đầu của bài kệ là yếu môn của Thiên Chủ Giáo, lưỡng nguyên, sáng tối, chánh tà tương tranh. Hai câu sau đây của bài kệ là yếu môn của Phật giáo, vượt lên trên sinh diệt, an lạc trong sự dừng nghỉ của biến dịch.

Sinh diệt diệt dĩ 生 滅 滅 已   các pháp sinh diệt mất đi
Thị sinh diệt pháp  寂 滅 為 樂   là niềm an lạc của tịch diệt

=> Khổ: Là mặt tác dụng của vô thường, hay nói đúng hơn, không có vô thường, không có khổ. Khổ của đạo Phật còn bao sâu hơn sự dữ trong ý nghĩa triết lý của văn hóa Do Thái-Kitô Giáo (Judéo Chrétien), vì sự dữ chỉ đề cập đến những gì con người không ưa thích, như đói, rét, bệnh tật, thiên tai, thất bại, mất mát, chết chóc...trong khi đó, Phật giáo quán niệm vào bản thể luận của sự khổ, và thấy rằng, chỉ một niệm khởi của tâm, khổ đã xuất hiện. Chính trong hoan lạc đã chứa đầy khổ đau, không một ái dục nào không tiểm ẩn đau khổ trong nó. Không khởi đầu nào không chấm dứt. Phật giáo phân làm tam khổbát khổ, ai muốn biết rõ xin tìm hiểu trên wikipedia. Ngay cái dục vọng ao ước được về thiên đàng đeo bám suốt cuộc đời người theo Thiên Chúa giáo đã là một khổ đau tiềm ẩn thường trực mà người vô thần không bị vướng phải, đó chính là cầu bất đắc khổ. Suốt đời người Kitô ước ao một cõi thiên đàng bên cạnh Chúa, một thứ ảo giác của người chết khát đi trong sa mạc mơ thấy ốc đảo. Phật giáo tiên liệu cho dù nếu có ngày Thiên đàng này xuất hiện (sic), thì với bản chất tham ái được nuôi dưỡng trong suốt cuộc đời hành đạo, khổ hoại (trong tam khổ) sẽ xuất hiện biến thiên đàng thành nơi nhàm chán. Đã vậy, Thiên Chúa giáo còn muốn đem theo 5 uẩn về thiên đàng, làm sao tránh khỏi muôn ngàn khổ đau khi con người bị lệ thuộc vào 5 uẩn ? Có 5 uẩn tức có điều kiện để 5 uẩn tồn tại và nhu cầu hưởng thụ ngũ dục sẽ phát sinh, không thể chỉ nói bừa rằng với quyền năng của Thiên Chúa thì 5 uẩn không cần điều kiện gì cả. Lên thiên đàng để có ăn sung,  mặc sướng, hưởng thụ ái tình mãi mãi thanh xuân, giàu sang không cần lao động, như trước khi Adam ăn trái cấm.Vậy câu hỏi cần được đặt ra là : tại sao Thiên Chúa giáo cần có 5 uẩn để hưởng thụ ? Đó chẳng phải là điều kiện đầu tiên trong cốt lõi triết lý hồn xác luôn phải gắn bó hay sao ? Nếu không có tham ái, thì con rắn làm sao có thể dụ dỗ Eva ăn trái cấm ? Nếu không có tham ái, thì sinh ta để làm gì ? Nếu không có tham ái, Thiên đàng có còn cần thiết hay không ? Nhưng không thể đòi hỏi sự cấu kết của 5 uẩn mà không có tham ái và vô minh, tựa như không thể đòi hỏi ao tù nước đọng không sinh ra vi khuẩn. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại sẽ hiện ra và nói rằng, không sao, với quyền năng vô biên của ta, nước ao tù sẽ không phát sinh vi khuẩn.

=> vô ngã, tánh của vô thường. Vì bản chất của tất cả các pháp đều không có tự tánh, nghĩa là, không có gì không do nhân duyên cấu thành, ngay một nguyên tử, một phân tử, khái niệm về hư vô, vẫn cần có thời gian và không gian để hiện hữu. Nếu có một chiếc máy đo vận tốc di chuyển của các tế bào trong cơ thể, tốc độ di chuyển và thay đổi của chúng không thua tốc độ một phi thuyền phóng lên không gian, và tôi dám cam đoan, đầu óc cùng cảm quan của bạn không có lấy một sát na tĩnh lặng. Vậy thì tôi là ai ? Tôi là tập hợp của hằng tỉ tế bào, hằng tỉ cảm giác liên tục thay đổi và lưu chuyển như một giòng sông chảy đến vô định. Triết gia Hy Lạp Heraclitus từng xem con người và giòng sông tuôn chảy như nhau :

Không ai có thể bước qua hai lần trên cùng một giòng sông, vì nó không còn là giòng sống ấy, và con người cũng đã không còn là con người ấy. No man ever steps in the same river twice, for it's not the same river and he's not the same man.

Một triết gia Hy Lạp khác cũng đồng thời với Heraclitus là Anaxagore cũng quan sát sự hình thành của vũ trụ như sau: Không có gì sinh ra hay diệt đi, nhưng sự vật đã có kết hợp và tan rã. Rien ne naît ni ne périt, mais des choses déjà existantes se combinent, puis se séparent de nouveau.

Vậy con người và giòng sông không bao giờ thực sự tồn tại, cái tồn tại là những khái niệm được giả lập. Ai từng đọc lịch sử của tổ sư Huệ Năng chắc biết bốn câu kệ chứng đắc của ngài, câu thứ ba là bồn lai vô nhất vật 本來無一物, từ xưa đến nay chưa từng có một vật. Vậy thì cái thấy của Huệ Năng cùng cái thấy của Heraclitus hay Anaxagore không khác. Đìều này chứng tỏ Phật giáo không hề sở hữu chân lý, mà chân lý ấy là vũ trụ vạn pháp, không thuộc về ai, Phật giáo hay các triết gia đắc đạo như Heraclitus chỉ nắm bắt thực tại của vũ trụ.

Vài dòng nói thêm về Anaxagore, ông từ bỏ của cải nhà cửa hoang phế và trở thành nhà hiền triết, ông cho rằng hạnh phúc không đến từ của cải hay quyền lực, mà là biết sống hài hòa và tham dự với vũ trụ thiên nhiên. Ông cho rằng cái vô cùng vô tận đầu tiên là một cái trống không. Cet infini illimité primitif est le vide. Trong sự hình thành ấy, cái phi hữu, vô ngã (non-être) và hữu, ngã (être) không chống đối hay mâu thuẫn nhau, mà hình thành một cái trống không tròn đầy. Le non-être d'Anaxagore n’est pas nié, il ne s’oppose pas à l’être. Il se confond avec la plénitude de l’être dans leπάντα ὁμοῦ (wikipedia). Anaxagore bị kết án tử hình vào cuối đời tại Athens với tội danh đã xem tinh tú trên trời không phải là những thiên thể linh thiêng mà chỉ đơn thuần là những cục đá treo lơ lửng giữa không gian !

Như vậy, vô ngã không phải là một định đề riêng của đạo Phật, mà từng là mục tiêu nghiên cứu của triết học Hy Lạp.

Từ 3 cốt lõi trên, mặc dù không có gì thực sự hiện hữu, tất cả chỉ là giả hợp, là những khái niệm hoàn toàn điều kiện và quy ước, nhưng sự khổ hay sự dữ thì không thể chỉ nói rằng nó không thực, nó liền biến mất, mà phải có phương pháp diệt khổ. Sự khổ ở đó, oằn oại rên xiết, chúng ta chở nó đến bệnh viện, chẳng ai hỏi sự khổ vì sao nó bệnh, ai đã gây cho ra sự khổ của nó ? Sự khổ ấy da trắng hay da đen ? Sự khổ ấy có linh hồn hay không ? Và vì tất cả giáo lý cũng như triết học của đạo Phật đều chỉ nhằm giải thoát khỏi sự khổ, bất chấp nó da đen hay da trắng, ở vùng nhiệt đới hay ôn đới, nó là khổ Mỹ hay khổ Phi. Có những khổ đau có thể chữa dứt hẵn, có những khổ đau chỉ có thể làm cho giảm bớt cường độ, có những khổ đau bắt buộc phải đối mặt, mỗi một khổ đau được phân loại và có thuốc. Trên kia tôi đã nhắc đến 3 khổ và tám khổ. Tất cả khổ đau trong hai phạm trù khổ được phân loại trên đều có thể chữa trị.

Giáo lý Tứ Đế của đạo Phật được xem như một bệnh viện lớn chuyên trị vạn loại khổ đau.

Nhưng trước khi trị liệu, những khổ đau phải ý thức rằng hầu hết mọi hiện hữu của chúng đều do tham dục, bất tri, vô minh mà phát sinh; mà điều vô minh nhất là tự chế ra chiếc thòng lọng và đút đầu vào đó. Nhất thần luận chính là chiếc dây thắt cổ ấy. Chúng ta tự chế ra thần linh, rồi phùng mang trợn mắt giao phó hết cuộc đời và sinh mệnh của mình vào thấn linh, vào cuốn tiểu thuyết mình miệt mài viết ra. Thay vì sống cuộc đời đáng sống này, chúng ta trốn vào cuốn tiểu thuyết của mình. Vị thần nào cũng được cấu tạo bằng những hình ảnh quyền uy nhất, phép lạ nhất, siêu nhiên nhất, vì ông ta chính là ước vọng được giấu kín nhất từ hết cả tham dục đen tối mà ta không dám minh nhiên tiết lộ. Khi ta biết được những chất độc của chính ta từ bao thiên niên kỷ được chất chứa trong vị thần linh, thì ta đã giảm thiểu được hơn phân nửa những khổ đau có mặt, tựa như một người bệnh béo phì với một cơ thể khó di chuyển, do trọng lượng quá tải, vệ sinh cơ thể khó được áp dụng nên người béo phì thường rất hôi hám, người béo phì dễ bị tiểu đường, suy tim mạch, gan nhiễm độc, đầu óc nặng nề, nhưng bảo người bệnh béo phì đừng ăn uống theo sở thích, theo sự đòi hỏi của cơ thể, thì người ấy không làm được. Chỉ cần người ấy hạ quyết tâm cắt sự khoái khẩu thì mọi khổ đau lập tức dừng lại. Tương tự như người béo phì, chúng ta cũng nuôi dưỡng một Đấng Thiên Chúa mập mỡ trong ta, rồi ngụy tín rằng Ngài đã sinh ra ta. Kỳ thực chúng ta tạo dựng ra Ngài rồi thờ phụng Ngài trong ngôi đền thiên niên kỷ văn hóa, lâu dần chúng ta quên rằng Ngài là hình ảnh của cái tôi rất nhỏ bé, Ngài là tích tụ của những gì của nhân loại muốn làm mà không làm được hoặc bị luân lí cấm đoán, Ngài là hiện thân của hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, thù hận, chiến tranh, ganh tị, âm mưu, ưa thích phép lạ, muốn hiếp dâm các quy luật vật lý. Cho nên trước khi muốn trút bỏ mọi khổ đau, thì việc đầu tiên là hãy can đảm đừng đội lên đầu ngôi đền thiên niên nặng trĩu ấy. Bỏ ngôi đền ấy xuống đất, ta sẽ như con chim với đôi cánh lướt gió, tung bay giữa bầu trời bình minh trong lành mà vũ trụ ban tặng.

Quán vô thường khiến tham sân giảm bớt.

Quán vô ngã tạo ra bình đẳng vạn vật.

Quán khổ khiến phát sinh từ bi, chừng mực ái dục.

Từ những nhận định trên, ta thấy các tôn giáo Đông Á như Khổng giáo và Phật giáo hướng tâm điểm đến con người (anthropocentric), nhằm phục vụ con người, vì con người mà xuất hiện ; trong khi đó, Thiên Chúa giáo hướng tâm điểm đến Chúa, vì Chúa mà con người xuất hiện, để yêu Chúa, phục vụ Chúa, và trở về với Chúa - Chúa được viết hoa không phải là một khái niệm triết học tôn quý, mà là một thần linh đầy hỉ, nộ, ái, ố tên là Giêhôva. Phải viết hoa, vì những giá trị nghịch nhân bản.

Cho nên tôi rất thưởng thức lời ngay nói thẳng của linh mục Nguyễn Bá Thông khi ông sang sảng dạy một đám tín hữu ngu ngơ ngú ngớ rằng, đạo Công Giáo không dạy sống tốt như những tôn giáo khác, vì mục đích đạo Công giáo là để trở về với Chúa. Ông hãnh diện to tiếng rằng ai nói tôi tuổi con chó thì mặc họ, người Công Giáo thì phải nói rằng tôi tuổi con Chúa (đồng nghĩa với con chiên) một cách rất tự hào. Nhưng người Á Đông chưa ai thực sự làm chó làm chuột, hay làm rắn làm rồng theo 12 địa chi, cũng như người Âu Mỹ không ai tin rằng mình là song ngư, sư tử, dương cưu hay hổ cáp theo 12 cung hoàng đạo cả, còn người Kitô Giáo thì hết lòng quỳ lạy mà tự nhận mình là chiên, là vật thụ tạo, là nô lệ. (https://www.youtube.com/watch?v=CPAowrYyM-Y).

Trong dịp này Nguyễn Bá Thông cũng hô to khẩu hiệu : Đạo Chúa là đạo yêu thương !

Cái kiểu rao hàng của Kitô giáo cũng không khác các ông Ba Tàu hát xiệc Sơn Đông đi bán thuốc cao đơn hoàn tán ngày xưa khi tôi còn bé, bảo đảm thuốc vào thì bệnh lui. Nhưng kinh qua lịch sử Kitô giáo chất đầy chiến tranh, nô lệ, tàn sát, cướp bóc, phá nát gia đình. Ai không được Chúa yêu thương thật sự là một diễm phúc. Tôi may mắn là người biết nói không với tình yêu của Thiên Chúa.

Sau khi Trung Quốc trở thành cường quốc hạng hai chỉ sau Hoa Kỳ, nước này cũng sử dụng chiến thuật vừa ăn cướp vừa la làng không kém Công giáo Rôma. Ông chủ chăn vừa ấu dâm xong vẫn trâng tráo cầm thập giá ra rửa tội và ban phước. TQ luôn mồm rêu rao nhân quyền, nhân ái, hòa bình, ổn định...nhưng tàu chiến được hung hăng tung ra khắp biển Đông để ăn hiếp các nước nhỏ bé.

Triết lý cốt lõi của Phật Giáo, cũng như triết lý của Héraclite, Parménide, Anaxagore, Socrate, Platon, dù có ai đó không bị thuyết phục, cũng chẳng ai cảm thấy mình bị xúc phạm.

Triết lý Phật giáo, vì nhằm phục vụ nhân sinh, nhân bản vị, không cấm đoán hay bắt buộc bất kỳ điều gì trái với lẽ thường, khiến gia đình bị tổn thương, môi sinh bị xúc phạm. Phật giáo không nêu cao thương yêu, vì đó cũng chính là cội nguồn của thù hận. Yêu thương và hận thù là cặp đôi của cảm giác luôn có mặt cùng khắp. Con người có thể bắt đầu bằng yêu thương, nhưng kết thúc bằng thù hận đổ máu. Phật giáo không dạy yêu kẻ thù, mà dạy không thù hận. Phật giáo không chen vào tình yêu thiên nhiên giữa cha mẹ con cái hay ngược lại. Triết lý ở đây đặt con người làm trung tâm của cuộc sống với mục đích giải thoát hay làm giảm bớt khổ đau. Phương pháp của đạo Phật nhằm vào cố gắng của tự thân với những đức hạnh cần nhiều nỗ lực bao gồm Giới, Định và Tuệ theo con đường của Bát Thánh Đạo.

Ngay từ thánh bên Phật giáo cũng khác với từ thánh bên thần giáo.

Thánh đơn giản chỉ là làm chủ được những cảm xúc, làm chủ lấy mình. Thánh nhân hay chân nhân thực ra không gì khác nhau trong ý nghĩa tự chủ. Một bực thánh hoàn toàn bất động trước các tham dục thế trần, do 5 giác quan đòi hỏi, tạo thành ngũ dục. Bực thánh dửng dưng trước giàu nghèo sang hèn, không chê giàu như kiểu kẻ giàu vào nước thiên đàng còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Cũng không mua chuộc kẻ nghèo như kiểu Phúc cho các con đang nghèo khổ, vì Nước Trời thuộc về các con" (Blessed are you poor, For yours is the kingdom of God). Niết Bàn không phải nơi Phật tạo ra rồi ban cho ai yêu thương và cầu khẩn ngài, mà đó chính là thành quả của tự thân tu tập, bất kể giai cấp, chủng tộc và tôn giáo. Điều này có nghĩa là, một người Kitô giáo vẫn có thể chứng quả thánh nếu tu theo Bát Thánh Đạo. Vì đạo không lựa ai cả, nó là tâm, ai làm chủ được tâm thì được đạo. Thánh không cần phép lạ, không cần để xá lợi lại cho đời, không cần ai phong, cũng chẳng ai có thể phong, nhưng khi giờ phút tới, có thể an nhiên thu bé lại làm mưa tan giữa trời. (Trịnh Công Sơn chỉ ao ước được làm mưa, chứ không an nhiên làm mưa, ông là một nghệ sĩ với tràn trề những cảm xúc rất người, chứ không phải thánh).

Người Kitô da vàng ra mặt đố kỵ đạo Phật ngay từ khi Alexandre de Rhodes sang truyền giáo, hạ nhục Khổng Tử, sỉ vả Thích Ca, và xem tục thờ cúng ông bà là tà vạy ma quỷ, nhưng họ hoàn toàn không biết rằng, Phật giáo không chỉ ảnh hưởng đến Kitô giáo nguyên thủy, còn từng là nền tảng cho văn hóa Hy Lạp Cổ Đại, đồng thời có một đóng góp lớn cho sự hình thành triết học Kitô giáo.

Sử gia Will Durant từng nhận định trong cuốn The story of Civilization: Our Oriental Heritage (Lịch sử Văn Minh: Di Sản Đông Phương của chúng ta) rằng Hoàng đế Ashoka đã gửi các nhà truyền giáo, không chỉ đến những nơi khác ở Ấn Độ và Sri Lanka, mà còn tới Syria, Ai Cập và Hy Lạp. Các sư sãi này có thể đã giúp đỡ nhiều vào việc chuẩn bị nền tảng cho việc giảng dạy Kitô giáo. Phật giáo đã nổi bật ở vùng phía đông Hy Lạp và trở thành tôn giáo chính thức của các vương quốc Hy Lạp Đông Phương, kế tục cho đế chế của Alexander Đại đế, như vương quốc Greco-Bactrian (Việt Nam gọi là Đại Hạ - 250 trước Công nguyên) và vương quốc Ấn-Hy Lạp (180 trước Công nguyên). Một số nhà truyền giáo Phật giáo Hy Lạp nổi tiếng đã được biết đến (Mahadharmaraksita – hay còn gọi là Milinda, và Dharmaraksita – tức Na Tiên tì kheo) và vua Ấn-Hy Lạp Menander I chuyển đổi sang Phật giáo, và được coi là một trong những người bảo trợ vĩ đại của Phật giáo. Một số nhà sử học hiện đại cho rằng trật tự tu viện tiền Kitô giáo ở Ai Cập của Therapeutae có thể là một biến dạng của từ Pāli Theravāda,  một hình thức của Phật giáo, và phong trào có thể "gần như" hoàn toàn được cảm hứng từ việc giảng dạy và thực hành khổ hạnh của Phật giáo. Họ thậm chí có thể là hậu duệ của các sứ giả của Asoka ở phương Tây. Trường phái Kitô nguyên thủy này đã bị biến mất trong cuộc Đại Nổi Loạn Do Thái chống lại Roma năm 115-117.

Thiên bản vị chủ cai trị:

Mặc dù dựa vào thần linh, trên thực tế thiên bản vị chỉ sử dụng thần linh như là một công cụ, một  chiêu bài lừa gạt, nhằm mục đích tập kết quần chúng quy về một nhân vật hay một tổ chức chính trị nhằm trục lợi.

Nữ giáo sư tối danh dự (professor emerita) Shadia B. Drury của Đại Học Regina, Canada, trong cuốn The Blight of Monotheism (Sự tàn lụi của Chủ Thuyết Độc Thần) đã đưa ra một nhận định tôi có thể dựa vào để nói lên ý nghĩ của mình mà không sợ mình cô độc:

Thuyết độc thần làm suy yếu tính hợp lý của con người bằng cách đưa đạo đức xuống cấp thành vương quốc của uy quyền thiêng liêng, chứ không dựa vào lý trí hay bằng sự thuyết phục. Vì Thiên Chúa là người câm, nên những tên lừa đảo tự bổ nhiệm đã biết lợi dụng tình hình và tuyên bố mình là sứ giả đạo đức của thượng đế. Socrates là một trong những người đầu tiên trong số những kẻ lừa đảo này. Chủ nghĩa độc đoán dị hợm đi đôi với tính cách phi nhân của họ không chỉ là một cuộc tấn công vào tự do và sự hợp lý của con người mà là một tội ác chống lại thế giới duy nhất mà chúng ta biết. Khi mà thái độ vô cảm của họ đối với thế giới được kết hợp với vũ khí gây chết người trong thời đại hạt nhân, thì cuộc tàn sát không thể tưởng tượng được cho đến nay là không thể tránh được. Nói tóm lại, sự hồi sinh của các tôn giáo độc thần trong thế kỷ hai mươi mốt là một thảm họa đối với nhân loại.

Sự thật, thời kỳ hoàng kim của văn minh phương Tây đã qua từ lâu, cùng với Homer và các nhà thơ sầu bi (Đại thi hào Hy Lạp thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên, được cho là tác giả của hai thiên anh hùng ca trứ danh IliadeOdyssée). Nếu phương Tây có bất kỳ một giá trị nào đáng để bảo vệ, thì đó là các giá trị tự do thế tục của Thời Đại Khai Sáng. Thời đại này đã thành công, chí ít là trong tạm thời, đã kềm chế được sự thái quá của Kitô giáo. Nhưng bất hạnh thay, tuyên ngôn của phong trào Khai Sáng đối với chủ nghĩa thực dân đã khơi dậy cho Hồi giáo tái phạm vào sự tàn bạo của thời trung cổ.

(Monotheism undermines human rationality by relegating morality to the realm of divine authority, not reason or persuasion. Since God is mute, self-appointed frauds take advantage of the situation and declare themselves the moral messengers of the deity. Socrates was one of the earliest of these swindlers. Their grotesque authoritarianism coupled with their otherworldliness is not only an assault on human freedom and rationality but a crime against the only world we know. When their dismissive attitude to the world is coupled with the lethal weapons of a nuclear age, then hitherto unimaginable carnage is inescapable. In short, the resurgence of monotheistic religions in the twenty-first century is a catastrophe for humanity.

In truth, the golden age of Western civilization has long passed, along with Homer and the tragic poets. If the West has any values worth defending, it is the secular liberal values of the Enlightenment. The latter succeeded, at least temporarily, in restraining the excesses of Christianity. Unfortunately, the Enlightenment proclivity toward colonialism has inspired in Islam a relapse into medieval brutality.)

Từ rất lâu, tôi không ngừng đưa ra nhận định rằng, nhờ Kỷ Nguyên Khai Sáng (hay Giác Ngộ) đã rửa tội và cải đạo cho Kitô giáo sau Cách Mạng Pháp 1789 mà Giáo Hội dần biết kiêng kỵ trước cặp mắt nhìn của nhân loại trên các ứng xử mục vụ, nhờ đó nó biết suy nghĩ 7 lần trước khi hành động, uốn lưỡi 7 lần trước khi nói điều gì. Tội ác của Giáo Hội La Mã đã giảm đi rất nhiều so với thời trước Cách Mạng Pháp. Các triết gia của thế kỷ Ánh Sáng đã không ngừng lên lớp cho liên minh chủ chăn và quý tộc Âu châu, khiến cho lưỡi gươmthập giá giảm bớt độ sắc bén hung tàn  độc đoán của một thời mà người dân Âu châu phải chịu hai tròng hai ách bóc lột luôn liên minh vắt kiệt họ để trục lợi. Ngày nay, nơi luôn tuôn ra một đống những mỹ từ tuyệt vời nhất của nhân loại chính là Kitô giáo: Ánh Sáng, Thương Yêu, Thương Yêu Kẻ Thù, Hy Vọng, Hòa Bình, Liên Tôn, Anh Em, Chia Sẻ.

Ngôn ngữ của Công Giáo thường được phát như một cái loa, rất giống nhau, tín đồ chỉ cần vâng lời và học như máy (nói như két có người sẽ bắt lỗi) nên rất ít có tính độc lập :

Mùa Vọng được biểu tượng hóa bằng 4 ngọn nến: Ánh sáng của HY VỌNG, ánh sáng của HÒA BÌNH, ánh sáng của TÌNH YÊU và ánh sáng của NIỀM VUI. Ánh sáng soi đường chúng ta bước qua những ngày u tối. Cả 4 loại ánh sáng đó luôn cần được chiếu soi suốt cuộc đời chúng ta.

Giáo sư René Girard của Đại Học Standford đưa ra một suy luận rất chính xác rằng, rất nhiều người Kitô giáo ưa chuộng bạo động khi trở thành quốc giáo của Đế Chế La Mã, họ không ngần ngại đối xử với bất kỳ ai khác niềm tin với họ theo đúng cung cách mà xưa kia họ từng bị ngược đãi và truy sát.

Bạo động vì vậy là phương tiện nhanh nhất và hữu hiệu nhất để Kitô giáo thực hiện những ước muốn. Và cách hay nhất để tránh bạo động mà vẫn thực hiện được ước muốn của mình, là nắm giữ thế quyền, hoặc phải có ảnh hưởng lên thế quyền. Nên Kitô giáo luôn chen chân vào chính trị, luôn muốn tấn phong hay áp đặt các vị vua. Constantin là ông vua đầu tiên đạp lên xác quân thánh chiến Kitô giáo mà có chiến thắng, từ đó, đế chế La Mã Tây Phương dần dần rơi vào tay của bọn chủ chăn Kitô giáo Rôma. Bọn này còn dám ngụy tạo chiếu thư nhượng đất cho Giáo Hội thì có việc gì họ không dám làm. Cũng vì vậy, giáo dục của Kitô giáo được áp đặt dưới hình thức cai trị, không có giáo dục thuần chất giáo dục. Cứ xem cách ăn nói của các “cha” với đàn chiên trong clip video của LM Nguyễn Bá Thông thì ai cũng thấy ngay sự hách dịch như thế nào.

Việc đầu tiên người Công giáo được dạy là Đức Vâng Lời. Xin trích một đoạn giáo dục của website Conggiao.info :

Chúng ta đã “quen” với tinh thần tích cực của đời sống Kitô hữu “Vâng lời trọng hơn của lễ”. Đức vâng lời cần thiết cho mọi người, đặc biệt là những người sống đời tu trì, vì đức vâng lời là một trong ba lời khấn chính – gọi cho “văn hoa” hơn thì là thanh tuân hoặc tuân phục.
Chính Đức Maria trở nên người diễm phúc vì đã mau mắn thực hiện đức vâng lời khi được truyền tin: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”.

Kitô giáo biến tín đồ họ thành bầy cừu, bầy tôi tớ, chỉ biết tuân phục.

Cừu thì cần gì giáo dục ? Chỉ cần thổi còi và dùng gậy.

Trên một tạp chí Pháp ngữ khá đứng đắn, bàn về đức tin của người Kitô giáo, họ cũng viết như sau:

Vâng lời là trung tâm điểm của Kitô giáo. Nếu đức hạnh này thấm đẫm trong cuộc đời của Đức Kitô và mẹ của ngài, thì nó cũng thưòng trực được giới thiệu trong kinh Cựu Ước. Kinh này kể ra câu chuyện bất tuân phục của loài người đối với Thiên Chúa, kết quả là, ý muốn của Thiên Chúa là tìm thấy lại sự nối kết của ngài với vật thụ tạo của mình. Đức Vâng Lời như vậy được xem như là niềm tin mà chúng ta đặt vào Thiên Chúa: Ai vâng lời là kẻ biết đặt niềm tin, và chấp nhận mình phụ thuộc vào Thiên Chúa. https://philitt.fr/2020/02/13/lobeissance-fondement-de-lordre-social-chretien/

L’obéissance est au cœur du christianisme. Si cette vertu imprègne toute la vie du Christ et de sa mère, elle est déjà éminemment présente dans l’Ancien Testament. Ce dernier raconte l’histoire de la désobéissance de l’homme à Dieu et, en conséquence, la volonté de Dieu de retrouver une alliance avec sa créature. L’obéissance est ainsi entendue comme la confiance que l’on place en Dieu : celui qui obéit est celui qui place sa confiance, et accepte de se subordonner à Dieu.

Sau đó họ hoa ngôn mỵ ngữ truyền đạo bằng cách trách tội cha mẹ của chúng ta đã bất tuân lời Chúa, giữa cái tốt lành và cái xấu xa, tổ tiên ta đã chìu theo ý muốn tự do của mình mà đứng về phía của cái xấu. Nghe triết gia Edith Stein, học trò của triết gia Husserl, người bỏ đạo Do Thái cải sang làm nữ tu Kitô Giáo, tán tụng Đức Vâng Lời hay ho như thế nào, đúng là ngòi bút văn nô, nhưng nếu tôi là dân kém trình độ cũng dễ dàng say đắm với văn chương khó cưỡng lại của bà ấy như sau:

Nhờ có tự do, con cái của Thiên Chúa nghe được tiếng nói của ngài […] không ngừng đi theo Ánh Sáng của Thiên Chúa, bà viết trong Hôn Lễ của Con Chiên. Bà thêm rằng lý trí và ý chí (tự do) đã đẩy con người đến tự chủ, dục vọng thiên nhiên đã lạm dụng và sai khiến con người. Cho nên, không có con đường nào hoàn mỹ hơn để thoát sự kiếp nô lệ này và mở ra con đường hướng đến Đấng Thánh Linh bằng con đường của sự vâng phục thánh […] Trong sự vâng phục  tôi cảm nhận được hồn tôi tràn đầy tự do. điều quan trọng, chính là từ chối ý chí của riêng mình.

(...par la liberté, les enfants de Dieu entendent […] suivre sans entrave l’Esprit de Dieu », écrit-elle dans Les Noces de l’agneau. Elle ajoute que « la raison et la volonté poussent l’homme à être son propre maître », abusant et asservissant l’homme par ses désirs naturels. Ainsi, « il n’y a pas de meilleur chemin, pour se libérer de cet esclavage et s’ouvrir à la direction de l’Esprit-Saint, que la voie de la sainte obéissance ». « C’est obéissante que j’ai senti mon âme la plus libre »  « Dans la véritable obéissance […] ce qui importe, c’est de renoncer à sa volonté propre »)

Với một văn phong triết gia, với lời lẽ đậm chất giáo dục, nhưng bên trong lời văn ấy vẫn chỉ là tủ kính trang trí đầy hoa và món hàng vâng phục. Mà vâng phục, tự bản chất, không phải là kết quả của một nền giáo dục chân chính. Nền giáo dục chân chính cần có sự vượt qua thầy mình, vượt qua chính mình, vượt qua mọi thành kiến hay khuôn phép xã hội. Kitô giáo luôn bắt vâng phục, nhưng Chúa không biết nói và cũng chưa bao giờ xuất hiện như nữ giáo sư Shadia B. Drury đã lưu ý. Vậy thì tất cả văn chương và thi ca dạy con người vâng phục Thiên Chúa sẽ được ai đón nhận dưới trần thế ?

Edith Stein bị Đức Quốc Xã giết chết, không phải vì bà là tu sĩ Kitô giáo, mà vì bà mang dòng máu Do Thái, đang bị Hitler ruồng bố để trả thù tội giết Chúa. Bà được phong thánh năm 1998.

Edith Stein viết rất nhiều tác phẩm có sức thu hút cho Công Giáo Rôma nhờ văn tài, và sự thực tâm tu hành của mình. Theo tôi bà đáng được trân quý.

Nếu người Kitô giáo ai ai cũng hiền lành chung sống hòa bình với xã hội như nữ triết gia Edith Stein, tôi nghĩ thánh chiến Kytô giáo đã không thể xảy ra, cho dù chủ chăn có gào thét kêu gọi.

Nhưng thực tế chung quanh tôi cho thấy sự trái ngược.

Bạo lực ẩn núp dưới nhiều hình thức khác nhau, luôn rình rập các tín hữu Kitô, họ phải sống trong lớp hàng rào kẽm gai luôn có hằng nghìn cặp mắt của đồng đạo theo dõi. Một nhạc sĩ người Bắc di cư khá lớn tuổi gốc Công giáo cho tôi một tin tức thế này, nếu bạn là người Công Giáo, bạn bỏ đạo, cả dòng họ bạn sẽ tẩy chay, trù rủa bạn, và sẵn sàng gây gổ hành hung bạn. Ngoài ra, tất cả bạn bè Công Giáo, hoặc các đối tác làm ăn Công Giáo sẽ đồng loạt  xem bạn như kẻ thù, nếu bạn không chịu xưng tội và sám hối trước một linh mục. Anh nhạc sĩ này bỏ đạo đã mấy mươi năm, một thân một mình ở lại VN, còn tất cả gia đình đều di cư ra nước ngoài, chưa hề giúp anh một xu nhỏ dù họ biết anh sinh nhai không dễ, và dù đã bao lâu, mỗi lần có dịp liên lạc bằng điện thoại, họ đều nhắc anh phải trở lại đạo, và khi nghe anh trả lời không, họ lập tức trở mặt lạnh lùng. Anh cho tôi biết lúc mới đầu anh rất khó sống với gia đình, họ gây ra chiến tranh lạnh với anh trong nhiều năm, nhưng dần dần họ cũng xa lánh để anh yên.

Tôi có hợp đồng với một ca sĩ đạo Công Giáo để hát những nhạc phẩm do tôi sáng tác. Cô này cũng do anh bạn trên giới thiệu. Đã có lần cô nợ tôi một giao kèo, cô cắt liên lạc Facebook, không bắt điện thoại, nhắn tin cô không trả lời. Tôi phải nhờ anh nhạc sĩ đi tìm vì tôi không ở VN. Anh ấy tìm cô nói gì đó, cô lại liên lạc với tôi và tiếp tục hợp tác. Chúng tôi cũng rất vui vẻ trao đổi tin nhắn qua Viber hoặc qua Facebook. Có lần cô nói với tôi rằng cô không muốn hợp tác với tôi, vì cô đọc trên FB của tôi nhiều status chống phá Kitô giáo. Tôi nói với cô ấy, nếu em tìm thấy những gì tôi viết mà không đúng với sự thật, em cứ phản biện, hoặc tìm một linh mục, hoặc một trí thức CG phản biện một cách nghiêm chỉnh trong tương kính, nếu truy ra tôi nói láo, nói bịa điều gì, tôi sẽ xóa bài và xin lỗi. Đồng thời tôi cũng ngay thẳng nói với cô ấy rằng, nếu chỉ vì khác biệt và xung khắc tôn giáo mà cô không hợp tác nữa cũng không sao, cô có tự do của cô, tôi có tự do của tôi, tôi sẽ tìm người khác để trình bày các nhạc phẩm do tôi viết. Cô ấy hỏi tôi một câu: sao anh ghét Kitô giáo thế mà lại hợp tác với em ? Tôi trả lời rằng, tôi ghét bệnh ung thư, nhưng lại rất thương ai mắc phải bệnh ung thư. Tôi còn nói thêm, không tìm cách chống lại bệnh ung thư là bất trí bất nhân, còn yêu thương người mắc bệnh, đối xử bình đẳng không phân biệt với họ là hợp nhân hợp nghĩa. Cô ấy im ru và cuối cùng lại đồng ý hát cho tôi. Giọng hát của cô ấy khá hợp với nhạc của tôi, nên tôi cũng rất mến cô. Cho đến cuối năm 2019, vì một lí do nào đó cô phải chuyển nhà, cô thiếu tiền, không ai giúp đỡ, cô đề nghị tôi ký trước 5 hợp đồng, để cô có đôi chút ngân khoản lo liệu. Lúc đầu tôi suy nghĩ, nếu ký hết ngân khoản một lần cho cô, rồi cô lại bỏ tôi, cắt đứt mọi liên lạc thì tôi thành ra kẻ dại khờ bị gạt quá dễ dàng. Tôi hỏi cô cái gì có thể bảo đảm cô không tái phạm chuyện cắt đứt giao kèo ? Cô dõng dạc nói với tôi rằng cô đâu thể vì một số tiền nhỏ ấy mà bán đứng danh dự, hơn nữa cô là người có đạo, người Công Giáo không làm những chuyện trái với lời Chúa. Tôi nghe lời nói ấy, với sự suy toán rằng, cho dù có mất đi số ngân khoản ấy, tôi cũng chẳng tổn thất là bao. Thôi cứ coi như mình giúp người trong cơn khó khăn. Nghĩ thế tôi đã chuyển khoản cho cô. Sự hợp tác kéo dài đến khoản tháng 2 năm 2020, VN phát động chống dịch Covid 19 sớm hơn các nước Âu Mỹ, cô ấy lại than với tôi rằng sự cách ly và nỗi sợ khiến cô không làm ăn gì được, cô lại muốn tôi ứng trước nữa. Lần này tôi không cho phép mình quá dễ dãi, tôi đề nghị chỉ biếu cô thêm 1 hợp đồng dù cô còn nợ tôi 4 hợp đồng. Cô ấy nhận số tiền và nói rằng cô sẽ hát cho tôi đúng 5 bài. Cuối tháng Hai tôi gửi cho cô 1 nhạc phẩm, mãi đến nay đã sang tháng 8 mà cô vẫn chưa giao. Tôi không thúc hối ca sĩ bao giờ, vì hát nhạc, không giống với nấu ăn hay quét nhà, tôi thường nói với các ca sĩ cộng tác rằng hãy hát khi thấy lòng mình hòa vào từng lời từng nốt. Cuối cùng, tôi lại phải nhờ anh nhạc sĩ liên hệ với cô, cho đến nay cũng chưa tìm ra cô. Nhưng theo tôi đoán, có lẽ cô ấy không xấu, chỉ là chịu sức ép của ban nhạc Công Giáo mà cô quản lý với số người rất sùng đạo luôn ca tụng Chúa đứng ở sân sau. Cô đành chấp nhận vì Chúa mà tạo cho mình hình ảnh kẻ quịt nợ.

Đưa câu chuyện này ra, không nhằm mục đích bêu xấu cô ca sĩ từng hợp tác và làm tôi rung động qua những nhạc phẩm do chính mình viết. Số tiền ấy không đủ để đền bù từng ấy cảm xúc vô giá mà tôi rất trân trọng. Tôi không quan tâm đến số tiền, nó đến tay cô ca sĩ cần thiết và có lợi hơn nó nằm trên tay tôi, chí ít nó giúp nuôi nấng những đứa con của cô ta trong một thời gian khốn khó.  Câu chuyện tôi viết ra, là để chứng minh tôi tự thân trải nghiệm sự cai trị khắc nghiệt đôi khi rất tàn bạo của Công Giáo đối với con chiên, dù sự trải nghiệm của tôi chỉ mang tính gián tiếp. Có thể nói họ như bầy gia súc tự nguyện, được nuôi trong một vựa chăn nuôi khổng lồ có điều kiện, để họ không được phát triển tự do như họ muốn, đúng với lời ca ngợi đời tự do nô lệ của nữ triết gia Edith Stein C’est obéissante que j’ai senti mon âme la plus libre...Dans la véritable obéissance... ce qui importe, c’est de renoncer à sa volonté propre.

Nhân bản vị chủ giáo dục:

Tôi thích nhất câu nói của Khổng Tử: Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi, khả vị tri hỉ (務民之義,敬鬼神而遠之,可謂知矣).

Câu này nói lên toàn bộ tính nhân văn của văn hóa Á Đông.

Mục đích của khoa học nhân văn là tạo ra ổn định và duy trì trật tự xã hội, khiến cho con người chung sống trong hòa bình, hòa hợp, chấp nhận những dị biệt về văn hóa, chủng tộc, nghề nghiệp và giai cấp. Dĩ nhiên khoa nhân văn còn bao quát hơn thế nữa, nhưng tôi chỉ muốn hạn định đề tài trong phạm vi giáo dục.

Vụ dân chi nghĩa. Dân ở đây phải hiểu là nhân loại, là xã hội chứ không phải dân của một đất nước có tên riêng, hay một tổ chức có biên cương, như dân Do Thái hay Giáo Hội được viết hoa. Nên nhớ, Khổng Tử sống trong thời Chiến Quốc, dân nước này sang định cư ở nước kia, quan nước Sở sang làm quan nước Ngụy là chuyện rất thường. Bản thân Khổng Phu Tử cũng đi hết nước này đến nước khác, có khi bị đói meo giữa rừng. Điều này chứng tỏ quan niệm về quốc gia chưa hình thành mạnh, các chư hầu chỉ là những ông chủ của một vùng đất rộng lớn, ai cai trị hiền lành làm cho no cơm ấm áo thì người dân tụ lại ở đó đông hơn. Tư tưởng trung quân ái quốc chưa được cổ súy như thời Hán.

Vì nghĩa lớn của muôn dân, kính trọng quỷ thần nhưng không cầu khẩn mê tín thờ lạy, đó chính là thái độ của người tri thức.

Quỷ thần là ai ?

Là tất cả những gì được truyền khẩu, được đồn thổi một cách vô căn cứ bao gồm ma, quỷ, thần rắn, thần sông, thần núi, thần sấm, thần mưa, hay thần của chư thần, vua trời, vua đất, đều là hoang đường. Khi bệnh, nếu thuốc thang chữa trị không khỏi thì chịu chết, đó là luật tự nhiên, hoàn toàn không thần thánh nào cứu được. Khi nghèo khó, phải lê lết tìm kế sinh nhai, không thể ngồi yên mà cầu vái thần linh, sẽ không bao giờ có ăn, lại làm giàu cho bọn thuật sĩ tuyên truyền mê tín, tạo ra một tầng lớp lừa đảo làm nhiễu loạn xã hội. Điều quan trọng của xã hội là khả vị tri hỉ, tức là xem trọng tri thức, hiểu biết chân chánh.

Chỉ trong một câu ta thấy có 3 điều căn bản:

Vì dân, cho ta thấy bản chất nhân văn của Nho Giáo xem con người là trung tâm của vũ trụ.

Quỷ thần kính nhi viễn chi, cho thấy sự nhất quyết tự cầu nơi bản thân, không đứng núi nhân gian nhìn sang núi thần linh, sống trên mặt đất mà mơ mộng gíó mây. Câu này được nhiều câu khác bổ nghĩa, như quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân.(君子求諸己小人求諸人). Người quân tử tự cầu nơi mình, kẻ tiểu nhân luôn cầu khẩn bên ngoài. Hoặc Chánh kỷ nhi bất cầu chư nhân (正己而不求諸人), người có tâm chân chánh không cầu nơi kẻ khác. Đối với Nho giáo, cầu nơi người, tuy bị xem là tiểu nhân, nhưng cầu khẩn giữa người và người, vẫn có thể được trợ giúp, so với suốt đời làm tượng đá Giêsu ngước nhìn lên trời với đôi mắt khổ đau tha thiết van xin, thì cuộc đời còn gì ý nghĩa ? Cho nên đạo trời (thiên đạo) của văn hóa Đông Á, khác với đạo Chúa (cũng là đạo trời) của văn hóa Kitô. Cùng là thiên đạo, nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác. Các học giả nghiêm túc người Pháp, khi dịch từ ngữ thiên lý sang tiếng Pháp, họ tránh dùng chữ dieu, god, mà họ hay thường dịch  chữ thiên 天 là céleste, vì họ biết chữ thiên không phải là Thiên Chúa, nên họ dịch thiên lý thành nguyên tắc của Trời Cao - Principe Céleste (天理).

Tri thức, cho thấy Nho giáo xem trọng sự hiểu biết chân chánh của cách vật, trí tri, chánh tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chánh tâm thì không cần sợ hãi thần linh, thành ý là tự cầu nơi mình, vì mình là sinh vật linh thiêng nhất của đất trời, không cầu nơi mình thì làm sao còn gọi là thành ý? Cách vật là quán sát sự vật một cách khách quan, sử dụng tư duy logic; trí tri, là sở học nhờ suy luận, nhờ tri thức của bản thân rút tỉa được từ kinh nghiệm sống chứ không phải đồ nhai lại của kẻ khác, ai nhét vào đầu cái gì, thì nhả ra cái ấy. Có những căn bản vừa nêu thì mới có đường lối để sửa mình tu thân, gánh vác trọng trách gia đình (tề gia), giúp nước (trị quốc), và làm cho xã hội ổn định (bình thiên hạ).

Khổng Tử còn nói ngài không thuyết giảng về những chuyện thuộc 4 phạm trù: Quái, Lực, Loạn, Thần. 子 不 語 ,, ,

Chuyện quái dị như đi trên nước, biến nước thành rượu, bay lên trời...là những chuyện của phường mãi võ sơn đông để mê hoặc, lừa gạt, không thể được người quân tử nhắc đến hay thuyết giảng mà tôi sẽ chứng minh bằng cái nhìn của nữ học giả Selina O'Grady Hoa Kỳ.

Chuyện bạo lực cũng là chuyện mà các nhà hiền triết không nói ra, vì sẽ tạo cho xã hội quen với bạo lực, xã hội sẽ vì thói quen ấy mà loạn.

Chuyện loạn tâm trí là kết hợp của dâm ô, loạn luân, trộm cắp, phản phúc, lừa gạt sẽ khiến nhân tâm rối loạn, được viết dày đặc trong Thánh kinh Cựu Ước.

Chuyện quỷ thần sẽ khiến con người mê muội tin vào một quyền năng không có ở thế gian đánh mất tự chủ của ý chí.

Lời giới thiệu cho cuốn sách Và loài người đã tạo ra Thượng Đế: Chuyện của thế giới vào thời Chúa Giêsu (And Man Created God: A History of the World at the Time of Jesus) của nữ học giả Selina O'Grady - sinh ra từ một người cha Công giáo, mẹ Do Thái Giáo cải theo đạo cha, rất có thiện cảm với Kitô giáo - được viết như sau :

Vào thời đại khi Giêsu được sinh ra, thế giới có đầy dẫy thượng đế. Hằng nghìn thượng đế xô đẩy tranh giành nhau để chiếm được vị trí ưu việt. Tại Syria, những kẻ cuồng đạo tự thiến mình ngay trên phố để trở thành tu sĩ Atargatis (thần sinh sản và hộ trì cho đời sống ). Ở Galilée, các đạo gia biến dầu thành rượu, chữa lành bệnh, trục quỷ trừ ma và tự nhận là Đấng Cứu Thế. Hằng ngày, hằng nghìn người đổ xô đến những khu phố tân lập với nhiều sắc dân dị biệt. Thế giới xưa cũ đã bị lên men khi phải trải qua thời kỳ đầu tiên của sự toàn cầu hóa, và trong sự lên men này, người cai trị và kẻ bị trị đều hướng về tín ngưỡng như là nguồn cho trật tự và ổn định.

(At the time of Jesus' birth, the world was full of gods. Thousands of them jostled, competed, and merged with one another. In Syria, ecstatic devotees castrated themselves in the streets to become priests of Atargatis. In Galilee, holy men turned oil into wine, healed the sick, drove out devils, and claimed to be the Messiah. Every day thousands of people were flocking into brand-new multiethnic cities. The ancient world was in ferment as it underwent the first phase of globalization, and in this ferment, rulers and ruled turned to religion as a source of order and stability.)

Thuật sĩ có rất nhiều vào mọi thời đại và ở khắp mọi nơi, theo như nhận xét của nữ học giả Selina O'Grady. Nếu Kitô giáo không nhờ có sự ủng hộ của đế quốc lớn nhất đương thời ở Âu châu và vùng Cận Đông làm hậu thuẩn và ra sức nhồi nhét vào đầu óc người dân, thì tôi không thể tin rằng loài người có thể tôn thờ những chuyện rẻ bèo đặc sệt mùi mê tín như thế. Nhưng Selina O'Grady đã nhấn mạnh rằng, đó là nhu cầu ổn định xã hội cho kẻ bị trị cũng như người cai trị, và định mệnh đã chọn Kitô giáo làm trung thần của Constatin. Ngày nay VN đã không còn ca tụng ông Staline, chứ nếu ông Staline được ca tụng theo kiểu Tố Hữu tại Việt Nam trong vòng vài trăm năm, thì ông Staline cũng có thể đi trên nước, phục sinh, và thăng thiên như Giêsu. Tóm lại tôn giáo, chỉ là công cụ của nhà cầm quyền để có thể ổn định xã hội theo xu hướng mà quân vương vẽ ra. Tuy nhiên Constantin không thể ngờ được vị trung thần mà ông đưa về làm tể tướng của đế quốc Rôma, sau này lại giả mạo chiếu thư lấy mất của ông toàn bộ đất đai của Đế Quốc Rôma ở phía Tây. (xem Xét Lại vụ đánh cuộc của Pascal).

Tóm lại, con người theo nhân bản vị, chính là thánh, chứ không nên làm đền thờ thánh.

V - NGỤY TÍN RẰNG THIÊN CHÚA GIÁO THAY CHÚA LÀM CHỦ TRÁI ĐẤT

Đế Quốc Đông Tây gặp nhau:

Sự phủ nhận Đường Lưỡi Bò 9 Đoạn của Trung Quốc do bộ ngọai giao Hoa Kỳ đưa ra, được đích thân ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố trong tháng 7 năm 2020, cho thấy rằng bất cứ mọi tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền đơn phương nào trên mặt đất đều bất hợp pháp.

Vào ngày 4 tháng Năm năm 1493, giáo hoàng Alexandre VI ra sắc chỉ Inter caetera để chia hai thế giới, một phần cho Bồ Đào Nha, và phần kia cho tây Ban Nha, bất chấp thế giới còn lại.

Như vậy trên thế gian, chỉ có đại diện của Thiên Tử và đại diện của Thiên Chủ mới có chuyện tuyên bố chủ quyền một cách ngang ngược theo luật rừng.

Người Trung Hoa tự tin mình là nước nằm giữa trái đất, trung quốc 中國, cũng ở chính giữa sắc đẹp

中華, cũng có nghĩa là cái đẹp vô cùng Hoa Hạ 華夏. Còn tự hào là thần châu 神州  đất thiêng. Wikipedia Trung Quốc 维 基百科 (Duy Cơ Bách Khoa, phát âm theo Pinyin thì rất giống Wiki) nói về ý nghĩa Hoa Hạ như sau:

春秋左傳正義: Xuân thu tả truyện chánh nghĩa:
“中國有禮儀之大, “Trung Quôc hữu lễ nghi chi đại,
故稱夏;有服章之美,謂之華。” cố xưng Hạ, hữu phục chương chi mỹ, vị chi Hoa”.
意即因中國是禮儀之邦,故稱“夏”, Ý tức nhân Trung Quốc thị lễ nghi chi bang , cố xưng “Hạ”,
“夏”有高雅的意思; “Hạ” hữu cao nhã đích ý tưởng;
中國人的服飾很美,故作“華” Trung Quốc nhân đích phục sức hẩn mỹ, cố tác “Hoa”.

Sách Xuân Thu Tả Truyện viết: Trung Quốc có rất nhiều lễ nghi, nên gọi là Hạ, có cách ăn mặc đẹp, nên gọi là “Hoa”. Điều này có nghĩa Trung Quốc là một nước lễ nghi, nên gọi là “Hạ”. “Hạ” có ý tưởng cao nhã, ngưới Trung Quốc rất thích ăn mặc đẹp, nên gọi là “Hoa”.

Việt Nam trải qua nghìn năm Bắc thuộc và liên tục có những cuộc chiến giành độc lập với người anh em láng giềng luôn tự cho mình là Thiên tử con trời này.

Một trùng phức rất ngẫu nhiên, đó là văn hóa con trời tự cho mình là lễ nghi chi bang thì văn hóa con chúa cũng tự cho mình là dòng giống vượt trội (supremacy), nên hai khối văn hóa này luôn tìm cách bành trướng đế quốc của mình.

Người Trung Hoa gọi những nước chung quanh là Nam Man, Bắc Địch, Tây Nhung, Đông Di, nói chung là mọi rợ thấp hèn; người Kitô da trắng cho rằng dân da màu không có linh hồn, đồng hạng với cầm thú.

Người Trung Hoa muốn khai hóa bốn phương, người Kitô muốn cắm Thánh giá khắp chốn.

Ngày nay, hai khối văn hóa này đang trực diện đối đầu bằng kinh tế, và có thể sẽ có một cuộc chạm trán quân sự tại Biển Đông.

Tuy nhiên, cái nham hiểm của khối văn hóa Kitô hơn hẳn sự nham hiểm của Trung Quốc. TQ chỉ hiện hình như một dân tộc, một quốc gia, một quyền lực chính trị, trong khi đó Kitô giáo ngoài tất cả những gì TQ có, nó còn có thêm bộ mặt tôn giáo. Và tôn giáo là cái có thể nối kết vô biên giới, liên chủng tộc, không phân biệt ngôn ngữ và màu da. Người ta dám gây chiến với một quốc gia, nhưng không ai dám gây chiến với một tôn giáo sau khi đã trải nghiệm thánh chiến qua lịch sử

Trung Hoa có con dân đi lang thang khắp thế giới, luôn hướng về tổ quốc và rất giàu có. Cộng đồng Hoa kiều ở các quốc gia giàu mạnh Âu Mỹ từng là những cổ đông lớn nhất cho Hoa Lục trong thời kỳ chủ nghĩa WTO vừa được thành lập và phát triển mạnh.

Vatican có con dân khắp thế giới, sự giàu mạnh của Vatican vốn đã tích lũy từ 2000 năm, lại càng phát triển rực rỡ hơn sau khi chinh phục toàn bộ Mỹ châu và các nước nhược tiểu như Philippines, Việt Nam. Biên giới của Vatican tuy rất bé, nhưng đủ sức bao quát khắp hoàn vũ, nơi nào có hình thánh giá với Chúa Giêsu đau đớn chịu đóng đinh thì nơi ấy có bất động sản và giáo dân của Vatican. Mỗi giáo dân Vatican cũng được xem như một đơn vị động sản, vì Vatican tính số đầu người mà gây sức ép với các quốc gia thế tục. Vatican có thể hưởng lợi ngay cả trên các nấm mồ có hình thánh giá, đó là bằng chứng lịch sử cho thấy Kitô giáo hiện hữu trong thời gian và không gian của quá khứ, hiện tại, và tương lai. Một nắm mồ với cây thánh giá cũng có thể tạo ra tiền bạc nhờ tuyên truyền và buôn bán mục vụ, nó lại là nơi cắm dùi lấn đất giành dân giữ cho biên cương bền vững chờ ngày phán xét.

Không những kinh thánh tuyên bố sở hữu chủ toàn bộ trái đất và những gì có trên đó, nó còn tuyên bố chủ quyền trên các thiên hà xa xôi, nếu có một Kha Luân Bố không gian lái phi thuyền đi thám hiểm Galaxie Andromède và chiếm đóng một vài nơi rồi cắm thánh giá và gặp đâu cũng bắt làm nô lệ, hãm hiếp rồi tàn sát, thì người dân ở Andromède sẽ tưởng rằng nhân loại Milky way chỉ toàn là quân khủng bố.

Trái đất là của Thiên Chúa, ngài ban nó cho nhân loại:

Kinh thánh giành hết vũ trụ vào tay Vatican hoặc những ai cầm gươm nhân danh Thiên Chúa:

Deuteronomy 10:14 Cả thế giới cùng mọi vật trong đó, luôn cả các từng trời cao vút đều thuộc về Chúa.(Behold, to the Lord your God belong heaven and the highest heavens, the earth and all that is in it.)

Psalm 24:1 Đất và muôn vật trên đất đều thuộc về Chúa. Thế gian và mọi dân trên hoàn cầu cũng thuộc về Ngài. The earth is the Lord’s, and all it contains, the world, and those who dwell in it.

Khái niệm về mặt đất của Thiên Chúa rất đơn giản, nó như cái mâm lớn bằng đất có 4 chân (pillars), bên trên được úp bằng cái lồng bàn có lỗ nhỏ để nước chảy xuống thành mưa (theo lệnh của các thiên thần). Trên vòm thì Thiên Chúa đính những viên sáng làm sao.

Bên dưới là minh hoạ cái mâm trái đất theo Thánh Kinh:

Ảnh trong bài "What is the Firmanent? Definition and Meaning in the Bible"

1 Samuel 2:8 Chúa nhấc kẻ nghèo dậy khỏi bụi đất, và nâng người khốn cùng lên từ đống tro. Ngài để kẻ nghèo ngồi chung với quan trưởng và nhận ngôi vinh dự. Trụ móng của trái đất thuộc về Chúa, Ngài đặt thế giới trên nền đó.

(He raises the poor from the dust, He lifts the needy from the ash heap to make them sit with nobles, and inherit a seat of honor; for the pillars of the earth are the Lord’s, and He set the world on them.)

Ta thấy ngay nghịch lý của câu kinh : Chúa đỡ kẻ nghèo khỏi bụi đất, và nâng kẻ khốn cùng từ đống tro. Cho thấy sự gian manh giả dối của kẻ làm bánh, đã tạo ra bánh hư thối, lại tìm cách cứu chữa phần hư thối bằng cách cho nó ngồi ngang hàng với phần thơm ngon. Chi mà mệt vậy ? Chế ra tất cả bánh đều thơm ngon thì đâu cần mất công ra sức chống đỡ để rồi kể lể công lao ?

Kitô giáo truyền bá rộng rãi kinh Sáng Thế, cho rằng Thiên Chúa ban cho loài người hạnh phúc ở vườn Địa Đàng và con người phải có bổn phận với đất đai mà Chúa đã ban tặng. Và sau khi giết chết toàn bộ sự sống trên mặt đất bằng trận Đại Hồng Thủy, Chúa Trời đã nói với Noé như sau:

Mọi loài vật sống động trên đất sẽ dùng làm thực phẩm cho các ngươi. Cũng như cây xanh mà Ta đã ban cho các ngươi, nay Ta ban cho các ngươi tất cả (St 9:3)  (Everything that lives and moves about will be food for you. Just as I gave you the green plants, I now give you everything.)

Câu kinh này làm tôi nhớ đên linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tường, ông đã lấy một câu kinh khác trong Sáng Thế mà cho rằng Chúa chỉ cho phép ăn cây cỏ mang hạt giống, để khuyến khích con chiên ăn chay. Chứng tỏ rằng kinh thánh viết tùy theo nhu cầu phát sinh, ở đây là +A thi chỉ cần vài bước sau sẽ trở thành -A.

Tới đây, ta tạm cho rằng Trái đất là của tất cả mọi người, nhưng...

Với điều kiện nhân loại phải tin theo Chúa, và chỉ duy nhất có Chúa mà thôi:

Theo ý nghĩa nguyên thủy, đất của Thiên Chúa, vào lúc bấy giờ, chỉ là vùng Trung Đông. Thời ấy cái nhìn của thiên chúa chỉ thông thái cỡ chừng ấy, ngài tạo ra vùng đất không lớn ở gọi là Địa Đàng (Eden) để Adam và Eva cùng muôn thú sinh sống trước khi ăn trái cấm, dân số ít quá nên ngài đâu có tính trước phải chế ra trái đất có 4 biển 5 châu. Sau khi Adam bị đuổi ra khỏi Địa Đàng, ngài đã ban cả vùng Cận Đông cho con dân Do Thái, như wikipedia ghi nhận:

Theo Sách Sáng thế, vùng đất này lần đầu tiên được Thiên Chúa hứa ban cho con cháu của Abram; văn bản rõ ràng rằng đây là một giao ước giữa Thiên Chúa và Abram cho con cháu của mình. Tên của Abram sau đó được đổi thành Áp-ra-ham, với lời hứa được tinh chỉnh để truyền qua con trai của ông là Isaac và cho dân Y-sơ-ra-ên, con cháu của Gia-cốp, cháu nội của Áp-ra-ham. Niềm tin này không được chia sẻ bởi hầu hết những tín đồ của thần học thay thế (supersessionism), trường phái giữ quan điểm rằng các lời tiên tri trong Cựu Ước đã được thay thế bởi sự xuất hiện của Chúa Giêsu, một quan điểm thường bị cho là sai lầm bởi Kitô giáo Zion (Zion bao gồm đa số các trường phái Tin Lành, tin vào Giêsu, nhưng vẫn vững tin vào Cựu Ước, không chấp nhận bất kỳ thay đổi nào – TTS chú thích).

(According to the Book of Genesis, the land was first promised by God to Abram's descendants; the text is explicit that this is a covenant between God and Abram for his descendants. Abram's name was later changed to Abraham, with the promise refined to pass through his son Isaac and to the Israelites, descendants of Jacob , Abraham's grandson. This belief is not shared by most adherents of replacement theology (or supersessionism), who hold the view that the Old Testament prophecies were superseded by the coming of Jesus, a view often repudiated by Christian Zionists as a theological error) - https://en.wikipedia.org/wiki/Land_of_Israel

Chúa ban mặt đất cho nhân loại, nhưng chỉ chấp nhận con cháu của Abraham được quyền cai quản. Chúa cho phép người Do Thái tàn sát tiêu diệt bất kỳ dân tộc hay văn hóa khác. Dưới đây là đoạn trích kêu gọi tiêu diệt ngoại đạo từ Thánh Kinh Phục Truyền Luật lệ (13: 13-18):

Có thể ai đó nói rằng những người độc ác đã từ ngươi đi ra. Họ có thể dụ dỗ dân trong thành từ bỏ Chúa, nói rằng, “Hãy đi và thờ lạy các thần khác” (là những thần các ngươi chưa từng biết). 14 Khi nghe như thế các ngươi phải hỏi cho kỹ, xem xét sự việc rồi kiểm tra cẩn thận xem tin đồn đó đúng hay sai. Nếu thật quả có chuyện ghê tởm giữa các ngươi, 15 thì các ngươi phải lấy gươm giết tất cả mọi người trong thành đó. Phải hủy diệt thành hoàn toàn và dùng gươm giết sạch người cùng súc vật. 16 Gom mọi tài sản của những kẻ đó đặt ở giữa công viên thành phố, rồi thiêu hết những tài sản của họ làm của lễ thiêu dâng lên cho Chúa là Thượng Đế các ngươi. Những thành đó không bao giờ được xây lại, hãy để nó bị điêu tàn đời đời. 17 Đừng giữ cho mình bất cứ vật gì trong thành, để Chúa nguôi giận. Ngài sẽ tỏ lòng từ bi đối với ngươi và khiến cho dân tộc ngươi tăng trưởng như lời Ngài đã hứa cùng tổ tiên các ngươi. 18 Phải vâng lời Chúa là Thượng Đế bằng cách vâng giữ mọi mệnh lệnh của Ngài mà ta truyền cho các ngươi hôm nay, như thế các ngươi sẽ làm điều công chính trước mặt Ngài.

(If you hear it said about one of the towns the Lord your God is giving you to live in 13 that troublemakers have arisen among you and have led the people of their town astray, saying, “Let us go and worship other gods” (gods you have not known), 14 then you must inquire, probe and investigate it thoroughly. And if it is true and it has been proved that this detestable thing has been done among you, 15 you must certainly put to the sword all who live in that town. You must destroy it completely,[b] both its people and its livestock. 16 You are to gather all the plunder of the town into the middle of the public square and completely burn the town and all its plunder as a whole burnt offering to the Lord your God. That town is to remain a ruin forever, never to be rebuilt, 17 and none of the condemned things[c] are to be found in your hands. Then the Lord will turn from his fierce anger, will show you mercy, and will have compassion on you. He will increase your numbers, as he promised on oath to your ancestors— 18 because you obey the Lord your God by keeping all his commands that I am giving you today and doing what is right in his eyes.)

Trước khi Giêsu ra đời, người Do Thái rất kỳ thị, đánh nhau và chém giết người ngoại quốc, đặc biệt là người Gentiles, nhưng khi Giêsu xuất hiện, ông sửa đổi cái nhìn đối với các dân tộc khác, cho phép họ cải đạo quy phục ông. Ta thấy câu chuyện Giêsu chấp nhận cứu đứa con người đàn bà dân Canaan là điển hình dù trước khi cứu ông mạt sát bà ta cùng các dân tộc khác là chó. Cái tâm ý nhân đạo của Giêsu rất giống với chủ trương nhân đạo của Bartolomé de Las Casas đối với thổ dân Mỹ, mục đích nhân đạo ở đây là để tạo ra lớp người quy thuận làm hạt mầm cho công cuộc bành trướng. Sự cho phép thờ cúng tổ tiên của Công Đồng Vatican II cũng nằm trong âm mưu này, là cách làm cho luật Giáo Hội nhẹ đi, hòng dễ dàng cải đạo người Á châu, sau khi cải đạo xong, giáo dân cũng sẽ mê tín theo Chúa mà tự đập bỏ bàn thờ gia tiên mà không cần đến luật cấm của giáo hoàng Clément XI nữa.

Tóm lại, Thánh Kinh là ngòi nổ chiến tranh, nó dạy cho người Kitô niềm ngụy tín rằng mặt đất này do Thiên Chúa thiết lập, và như vậy đất là món quà đến từ Hồng Ân của Thiên Chúa. Loài người cần phải biến mặt đất thành đền thờ Chúa để thâm tạ thâm ân của Ngài. Ai mà không cùng suy nghĩ với người Kitô giáo thì họ sẽ thực hiện chiến tranh thực dân bằng quân sự, còn nếu nhắm không thể nuốt trững bằng gươm đao thì họ ẩn nhẫn sử dụng cách cài đặt những con ngựa thành Troy vào nội bộ đối thủ và tổ chức chiến tranh văn hóa tuyên truyền. Chiến tranh và chết chóc, đối với Kitô giáo qua lời dạy vàng ngọc của thánh Bernard, là để phục vụ cho Thiên Chúa Tối Cao, nó chỉ có công, không hề có tội:

"Những lính chiến Ki Tô "phải tiến hành cuộc chiến tranh của Chúa Ki Tô mà không sợ phạm tội giết kẻ thù hay sợ bị kẻ thù giết, vì khi họ giết hay bị giết, họ không phạm tội ác nào, vì tất cả là để cho sự vinh quang của họ. Nếu họ giết, đó là cho sự lợi lộc của Chúa; nếu họ chết, đó là cho sự lợi lộc của chính họ."

(Christian soldiers "are to wage the war of Christ their master without fearing that they sin in killing their enemies or of being lost if they are themselves killed, since when they give or receive the death blow, they are guilty of no crime, but all is to their glory. If they kill, it is to the profit of Christ, if they die, it is to their own.")

Đối với sự hung hăng của Kitô giáo muốn chiếm trọn trái đất, dù phải giết hết toàn bộ nhân loại, như Thiên Chúa từng làm qua trận lụt lớn trong truyền thuyết mà họ rất hãnh diện, thì sự hung hăng của TQ ngoài biển Đông chỉ là thằng trộm vặt so với cả đảng cướp, nhỏ lớn tuy có khác, nhưng gian manh và thâm độc không khác. Điều khác nếu có, là giáo dân VN rất hùng hổ chửi rủa TQ, làm sao cho ống kính lịch sử quay về sân khấu TQ, để đừng ai quan tâm đến việc giáo dân CG vừa hô to yêu nước vừa chào quốc kỳ Vatican tại VN.

 

(...xin xem phần III)

 

Trang Văn Học