Câu chuyện tác giả NGỤC TRUNG NHẬT KÝ

Câu chuyện tác giả

NGỤC TRUNG NHẬT KÝ (tt)

KHẢ MINH

http://sachhiem.net/LICHSU/K/KhaMinh1.php

26-May-2020

 

 (Tiếp theo kỳ trước)

Có lẽ không khó để phản bác các luận điểm của tiến sĩ Lê Hữu Mục.

Về thời gian sáng tác tập thơ:

Đúng là trang bìa ghi hai hàng số 29.8.1932 / 10.9.1933, nhưng ở cuối bài Kết luận (bài số 133 ở trang 53, tức bài cuối cùng của tập thơ), tác giả ghi 29.8.1942 / 10.9.1943 trước chữ “Hoàn” (nghĩa là “hết”). Đây mới là ngày đúng: 29.8.1942 là một ngày sau ngày ông Hồ bị bắt (28.8.1942), còn 10.9.1943 là ngày ông được trả tự do.

Tại sao ngày ghi ở trang bìa lùi lại đúng 10 năm? Có ý kiến cho rằng tác giả muốn qua mắt những người tò mò chăng?

Nhưng điều quan trọng hơn là nội dung nhiều bài thơ cho thấy Ngục trung nhật ký sáng tác trong hai năm 1942–1943. Chẳng hạn:

Bài Song thập nhất (ngày 11 tháng 11) có những câu:

今日 五 洲 同 血 戰,

罪 魁 就 是 惡 NA-ZI。

Kim nhật ngũ châu đồng huyết chiến,
Tội khôi tựu thị ác Na-zi.

(Năm châu nay lại đang tuôn máu
Bọn quỷ Na-zi tội đứng đầu)

中 華 抗 戰 將 六 載

Trung Hoa kháng chiến tương lục tải
(Trung Hoa kháng chiến sáu năm chầy)

抗 日 旌 旗 滿 亞 洲

Kháng Nhật tinh kỳ mãn Á châu
(Kháng Nhật, cờ bay khắp Á Châu)

Na-zi (trong nguyên tác viết bằng chữ quốc ngữ) viết tắt hai từ tiếng Đức National-sozialist (Quốc gia xã hội, thường nói tắt là Quốc xã), tên chính đảng của Adolf Hitler.

Cuộc kháng chiến chống phát–xít Nhật diễn ra khắp châu Á. Ở Trung Hoa, nó bắt đầu từ ngày 7-7-1937 (khi quân Nhật gây hấn ở cầu Lư Câu, Bắc Kinh), tính đến ngày sáng tác bài thơ (11-11-1942) gần 6 năm.

Bài Các báo: hoan nghênh Uy-ki đại hội 各 報歡 迎 威 基 大 會   (Các báo đăng tin hội họp lớn hoan nghênh Willkie) đề cập đến việc phái đoàn Mỹ do Wendell Willkie dẫn đầu đến Trùng Khánh. Nhà nghiên cứu Archimedes L.A. Patti kể: “Hồ Chí Minh làm “khách” của Trương Phát Khuê tại nhà lao Thiên Bảo khi Wendell Willkie đến thăm Trung Hoa tháng 10-1942” (Ho Chi Minh was a “guest” of Chang Fa-kwei at the Tienpao prison when Wendell Willkie visited China in October 1942) (10)

Wendell Willkie được Tưởng Giới Thạch tiếp đón

Đặc biệt, ở cuối cuốn sổ, còn có mục đọc sách “Độc thư lan 讀 書 欄” (từ trang 47 đến trang 52) và mục đọc báo “Khán báo lan 看 報 欄” (từ trang 62 đến trang 71) trong đó tác giả ghi một số sự kiện xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II, như:

Địch vào Việt Nam tháng 9-1940
Ngày 26-7-1941, Nhật đổ bộ lên Sài gòn (11)

Mục đọc sách (Độc thư lan)       Mục đọc báo (Khán báo lan)

Về địa điểm sáng tác tập thơ:

Trong bài Đáo Đệ tứ chiến khu Chính trị bộ, tác giả cho biết:

解 過 廣 西 十 三 縣,

住了 十 八 個 監 房。

Giải quá Quảng Tây thập tam huyện,
Trú liễu thập bát cá giam phòng

(Quảng Tây giải khắp mười ba huyện
Mười tám nhà lao đã ở qua)

Tựa nhiều bài thơ cho thấy ông đã ở trong những nhà lao nằm trên tỉnh Quảng Tây: “Bị bắt giữ ở phố Túc Vinh”, “Vào nhà ngục huyện Tĩnh Tây”, “Mới đến nhà lao Thiên Bảo”, “Đáp xe lửa đi Lai Tân”… và cuối cùng là “Nhà giam của Ban chính trị”. Tuyệt nhiên không có bài thơ nào nói tới nhà tù Victoria ở Hồng Kông. Không biết tiến sĩ Mục có nghĩ “Hồng Kông bên hông Quảng Tây” và “Victoria không xa Túc Vinh” hay không ?

Từ Túc Vinh đến Liễu Châu: “Quảng Tây giải khắp mười ba huyện”

Về một số nhân vật được nhắc đến trong tập thơ

Bên cạnh những người chỉ ghi họ, không biết tên (như tiên sinh họ Quách, trưởng ban họ Mạc, khoa trưởng họ Ngũ, các khoa viên họ Hoàng, họ Trần…) là những người có lý lịch rõ ràng, sống ở Quảng Tây trong những năm 1942-1943.

Chẳng hạn trung tướng Lương Hoa Thịnh. Lúc ông Hồ bị giải tới Ban chính trị Chiến khu IV vào cuối tháng 1 – đầu tháng 2 năm 1943, ông Lương đang làm chủ nhiệm của ban này. Được ông Lương đối xử tốt, ông Hồ có bài thơ Mông ưu đãi:

主 任梁公 懮 待 我,

我 心 感 激 不 塍 言。

Chủ nhiệm Lương công ưu đãi ngã
Ngã tâm cảm khích bất thăng ngôn

(Ông Lương chủ nhiệm đãi ta hậu
Cảm kích lòng ta, nói chẳng nên)

Tháng 5-1943, ông Lương được thăng chức phó tư lệnh Chiến khu IV, ông Hồ có bài thơ Lương Hoa Thịnh tướng quân thăng nhậm phó tư lệnh 梁 華 晟 將 軍 升 任 副 司 令

Thiếu tướng Hầu Chí Minh kế nhiệm, tiếp tục cư xử tốt với ông Hồ, tặng ông một bộ sách, ông có bài thơ Hầu chủ nhiệm ân tặng nhất bộ thư 侯 主 任 恩 贈 一 部 書.

 Ông Hầu là người tới thủ đô Trùng Khánh nhận quyết định trả tự do cho ông Hồ. Trong bài Kết luận (bài cuối cùng của tập thơ), ông Hồ viết:

幸 晤 英 明 侯 主 任,

而 今 又 是 自 由 人。

Hạnh ngộ anh minh Hầu chủ nhiệm,
Nhi kim hựu thị tự do nhân

(Sáng suốt, nhờ ơn Hầu chủ nhiệm
Tự do trở lại với mình rồi)

Người thứ ba là Dương Đào, gắn bó với hành trình Quảng Tây của ông Hồ trong những năm 1942-1943. Lúc đó, anh thanh niên dân tộc Choang này chưa tròn tuổi đôi mươi, tình nguyện làm người dẫn đường ông Hồ nên cũng bị bắt và bị giam với ông. Hay tin anh bị bệnh nặng trong tù, ông Hồ viết bài Dương Đào bệnh trọng:

無 端 平 地 起 波 濤,

送 你 楊 濤 入 坐 牢。

Vô đoan bình địa khởi ba đào,
Tống nhĩ Dương Đào nhập toạ lao

(Sóng dậy đất bằng hỏi cớ sao
Đẩy anh vào ngục, anh Dương Đào)

Ra tù ít lâu, Dương Đào qua đời. Tháng 8-1963, ông Hồ mời Dương Thắng Cường (em của Dương Đào) và sáu người Quảng Tây từng có công giúp đỡ cách mạng Việt Nam sang thăm Hà Nội.

Về tác giả tập thơ:

a) Hán gian

Trong sách Hồ Chí Minh với Trung Quốc xuất bản tại Bắc Kinh năm 1987, Phó giáo sư Hoàng Tranh cho biết: trước khi lên đường sang Trung Quốc tháng 8-1942, ông Hồ cho in danh thiếp bằng chữ Hán để sử dụng trong chuyến đi, ở giữa là “Hồ Chí Minh 胡 志 明”, hai bên là “Việt Nam Hoa Kiều 越 南 華 僑” và “Tân văn ký giả 新 聞 記 者”. Các nhà sử học như William Duiker, Chester Cooper (Mỹ), King C. Chen (Mỹ gốc Hoa), Jean Lacouture (Pháp), Yevgeny Kobelev (Liên Xô)… đều hiểu nội dung của danh thiếp: Hồ Chí Minh, nhà báo người Trung Hoa sống ở Việt Nam (Chinese journalist resident in Vietnam) (12)

Đây không phải là lần đầu tiên ông Hồ đóng vai người Trung Quốc. Chẳng hạn:

Năm 1924, lần đầu tiên đến hoạt động ở Quảng Châu, ông viết: “Trong lúc này, tôi là một người Trung Quốc chứ không phải là một người An Nam, và tên tôi là Lý Thụy chứ không phải là Nguyễn Ái Quốc” (13)

Đầu năm 1939, với bí danh Hồ Quang, ông Hồ làm việc ở Trùng Khánh. Lưu Ngang, cán bộ văn phòng Bát lộ quân, kể: ông Hồ “nói [tiếng Trung] pha giọng Quảng Đông [nên] chúng tôi cứ tưởng [ông] là người Quảng Đông” (14)

Vào “cuối tháng 11-1940… từ Nam Ninh… đi thuyền về Điền Đông”, ông Hồ “đóng vai một tân văn ký giả Trung Quốc” không biết tiếng Việt. Vũ Anh kể: “Bác nói tiếng Pháp, anh [Phạm Văn Đồng] dịch lại… Lúc ngồi thuyền, ai có hỏi gì [bằng tiếng Việt], có người dịch lại, Bác mới trả lời (15)

Tháng 8-1944, William R. Powell, một viên chức của Cơ quan thông tin chiến tranh (Office of War Information) của Mỹ, nói với tổng lãnh sự Mỹ ở Côn Minh (Vân Nam) rằng ông Hồ là “một người Trung Hoa sinh ở Đông Dương” (one Indochina–born Chinese) (16).

Khi bị bắt ở Túc Vinh (8-1942), ông xuất trình danh thiếp nói trên, nên nhà cầm quyền Quảng Tây tình nghi ông là người Trung Hoa làm gián điệp cho phát–xít Nhật và cho Pháp Decoux ở Đông Dương (a Japanese-French spy, như King C. Chen đã viết) (17) nên gọi ông là Hán gian.

Sau đó, Phân hội Việt Nam của Hiệp hội quốc tế chống xâm lược gửi điện và thư cho nhiều quan chức và nhiều hãng tin, nói rõ ông Hồ là người lãnh đạo Phân hội Việt Nam đang trên đường tới Trùng Khánh để hội kiến với Chính phủ Trung Hoa, như chính ông đã viết trong bài Thế lộ nan:

余 原 代 表 越 南 民,

擬 到 中 華 見 要 人。

Dư nguyên đại biểu Việt Nam dân
Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân

(Tôi là đại biểu dân Việt Nam
Định đến Trung Hoa để gặp nhân vật trọng yếu)

Bài Thế lộ nan

b) Lão phu

Ngày trước, khi tuổi thọ bình quân ở châu Á còn thấp, người khoảng 50 tuổi đã được xem là già. Ngày nay, đọc lại tiểu thuyết Tố Tâm, ta không khỏi buồn cười khi thấy nhà văn Hoàng Ngọc Phách viết: “Tôi…thấy một bà cụ ở trên gác xuống, vào trạc 48, 49 tuổi” (18).

Tháng 4-1940, Hoàng Quang Bình gặp ông Hồ (lúc đó 50 tuổi) ở Xì Xuyên (Vân Nam), gọi ông là “ông già Trần” và nhận xét: “Đúng là một ông lão ở thôn quê ta sang” (19). Ba năm sau, 1943, Bành Đức, một nhân viên của Ban chính trị Chiến khu IV, kể: mọi người gọi ông Hồ là “Hồ lão bá 胡 老 伯” (Bác Hồ già) (20).

Về việc ông Hồ tự xưng là “lão phu” trong Ngục trung nhật ký, Phó giáo sư Phan Ngọc, một vị túc nho, giải thích: “Đỗ Phủ chính là vị thầy về thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh. Có khá nhiều cách diễn đạt của ông [Hồ] là bắt nguồn ở Đỗ Phủ (…). Ông Đỗ này luôn luôn tự xưng mình là lão (21) hay lão phu khi chưa phải là già, chẳng hạn:

Quân bất kiến không tường, nhật sắc vãn
Thử lão vô thanh, lệ thùy huyết (thơ làm lúc mới 38 tuổi)
Thiếu Lăng dã lão thôn thanh khốc (lúc 45 tuổi)

Tân thi cú cú hảo / Ưng nhiệm lão phu truyền (lúc 45 tuổi)
Lân ngã lão phu tặng lưỡng hành (lúc 51 tuổi) v.v…

c). Kiến thức Hán văn của ông Hồ:

Cho đến nay, chúng ta chưa có tài liệu để biết chắc ông Hồ bắt đầu viết báo, làm thơ bằng chữ Hán từ khi nào, nhưng có thể khẳng định là không trễ hơn năm 1940.

Theo Hạ Diễn, nguyên tổng biên tập tờ Cứu vong nhật báo 究 亡 日 報 , chỉ trong hơn một tháng dừng chân ở Quế Lâm (từ 15-11 đến 18-12-1940), ông Hồ đã gửi đăng trên báo này 10 bài (22). Một trong những bài báo đó có bài thơ Cứu Trung Quốc thị cứu tự kỷ dài 20 câu.

Ngày 24-6-1942, tức hơn một tháng trước khi lên đường đi Quảng Tây, ông sáng tác bài thơ Thướng sơn:

Lục nguyệt nhị thập tứ
Thướng đáo thử sơn lai.
Cử đầu hồng nhật cận
Đối ngạn nhất chi mai.

Và ngay sau khi ra khỏi nhà giam ở Liễu Châu, khoảng giữa tháng 9-1943, ông viết bài thơ Tân xuất ngục học đăng sơn gửi về cho bạn bè trong nước:

Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân
Giang tâm như kính tịnh vô trần.
Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh
 Dao vọng Nam thiên ức cố nhân.  

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông lại viết một số bài thơ chữ Hán như Nguyên tiêu, Thu dạ, Báo tiệp (1948), Vô đề, Tư chiến sĩ, Đối nguyệt, Đăng sơn (1950) v.v…

Có lẽ ông Mục chưa đọc những bài thơ nói trên nên mới quả quyết rằng “Hồ Chí Minh không đủ kiến thức Hán văn để viết nên một tập thơ như Ngục trung nhật ký”!

Có nhiều người có đủ điều kiện hơn ông Mục để có thể đưa ra một nhận định về “kiến thức Hán văn” của ông Hồ. Họ là những người Trung Hoa khá nổi tiếng, từng có thời gian tiếp xúc gần gũi với ông Hồ. Chúng tôi chọn hai người có những tính chất khác biệt nhau: một văn, một võ, một theo Trung Hoa Quốc dân đảng, một theo Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Người thứ nhất là tướng Trương Phát Khuê (1896-1980), từng làm tư lệnh Chiến khu IV từ 1939 đến 1944. Như chúng ta đã biết, tháng 1-1943, ông Hồ bị giải tới Quế Lâm, bị giam tại nhà tạm giam quân nhân thuộc Chiến khu IV. Được cấp dưới báo cáo, tướng Trương Phát Khuê nhiều lần đến gặp và đàm đạo ông Hồ, đối xử với ông như một người khách. “Khi họ đã quen biết nhau hơn, viên tướng xem “người khách” của ông là một “người rất tốt. Ông này nói năng dịu dàng, vừa nói vừa vuốt ve bộ râu. Ông giữ đầu óc điềm tĩnh và làm việc tích cực”. Trương Phát Khuê cũng lấy làm ấn tượng về vốn học chữ Hán của ông Hồ” (Once they got better acquainted, the general came to consider his “guest” a “very good man. He spoke softly while stroking his beard. He kept a cool head and worked hard”. Zhang Fakui was also impressed by Ho’s Chinese education”) (22a). Gần 20 năm sau, khi viết hồi ký về cuộc kháng chiến chống phát-xít Nhật “K’ang chan hui i lu” trên tuần báo United Review xuất bản ở Hong Kong năm 1962, tướng Trương Phát Khuê vẫn giữ nguyên ấn tượng ban đầu về ông Hồ: đó là một người “đầy nghị lực và làm việc tích cực”, thông hiểu các vấn đề trên thế giới nhiều hơn các thủ lĩnh Việt Nam khác [ám chỉ các thủ lĩnh Việt Quốc, Việt Cách] và biết “các ngôn ngữ Hán, Anh và Pháp” (He viewed Ho as an “energetic and hard-working” man who had a “better knowledge” in world affairs [than other Vietnamese leaders] and who knew “Chinese, English, and French languages”) (22b).  

Người thứ hai là nhà thơ Quách Mạt Nhược (1892-1978), từng làm chủ tịch Hội liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Trung Quốc, viện trưởng Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Sau khi đọc Ngục trung nhật ký, ông nhận xét: “Hầu hết bài nào cũng đều toát ra sức sinh động hình ảnh một nhà cách mạng lão thành, thanh thoát, tài trí, ung dung, giản dị, kiên cường… Thật là “thi như kỳ nhân” (thơ như người vậy)… Có một số bài rất hay; nếu như đặt lẫn vào một tập của các thi nhân Đường – Tống thì cũng khó phân biệt”) (22c).

Chúng tôi trích sau đây một số câu thơ cùng viết về trăng:

Nguyệt chiếu thành đầu, ô bán phi

Sương thê vạn mộc, phong nhập y.

(Trăng chiếu đầu thành, quạ bay thấp thoáng
Sương đẫm lạnh cây cối, gió thổi vào áo) (23).

Song ngoại nguyệt minh lung cổ thụ

Nguyệt di thụ ảnh đáo song tiền.

(Ngoài cửa sổ, trăng sáng lồng cây cổ thụ
Ánh trăng nhích dần bóng cây tới trước cửa sổ) (24).

Canh thâm nguyệt sắc bán nhân gia

Bắc đẩu lan can, Nam đẩu tà

(Đêm khuya, trăng dọi nửa căn nhà
Sao Bắc đẩu ngang hiên, sao Nam đẩu đã xế) (25).

Nguyệt chiếu đình tiêu tăng lãnh khí

Khung song Bắc đẩu dĩ hoành thiên

(Trăng soi khám chuối trước sân càng tăng khí lạnh
Nhòm qua cửa sổ, sao Bắc đẩu đã ngang trời) (26).

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

Nguyệt tòng song khích khán thi gia.

(Người hướng ra trước song, ngắm trăng sáng
Từ ngoài khe cửa, trăng ngắm nhà thơ) (27).

Nguyệt thôi song vấn: Thi thành vị?

Quân vụ nhưng mang, vị tố thi.

(Trăng đẩy cửa sổ, hỏi: Thơ xong chưa?

- Vẫn còn bận việc quân, chưa làm thơ được) (28).

Nếu người đọc không phân biệt được câu nào trong Ngục trung nhật ký, câu nào do ông Hồ sáng tác ở căn cứ kháng chiến và câu nào của các nhà thơ Trung Hoa đời Đường thì chúng ta sẽ chấp nhận ý kiến nói trên của Quách Mạt Nhược (29).

Các nhà nghiên cứu Pháp, Mỹ như Daniel Hémery, Pierre Brochenx, Willam Duiker… từng đọc các tác phẩm bằng tiếng Pháp của ông Hồ thời ở Paris, lại có thêm một cách tiếp cận khác. Họ tìm thấy nét tương đồng trong văn phong của Ngục trung nhật ký với các tác phẩm trước đó của ông, chẳng hạn những bài thơ sáng tác trong tù của ông có “sự hóm hỉnh (sense of humor) và tài châm biếm (gift of irony), đó là những đặc trưng trong các tác phẩm của ông từ thời trai trẻ khi ông còn là một nhà cách mạng ở Paris” (30).

Về lai lịch tập thơ:

Về lai lịch tập thơ, có nhiều sự kiện dường như ông Mục không biết, hay biết mà bỏ qua.

Theo Phó giáo sư Phan Ngọc, sau Cách mạng tháng 8-1945, “trên tờ báo Đồng minh (…) số 43 ra ngày 6-11-1946 [xuất bản ở Hà Nội], một tác giả là T.S (có khả năng là Lê Tùng Sơn, một nhà cách mạng Việt Nam hoạt động lâu năm ở Trung Quốc) đã viết một bài báo ngắn nhau đề Quyển nhật ký thơ của cụ Hồ, giới thiệu vắn tắt về tập Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh mà ông được xem ngay tại Liễu Châu khi mà nhà cách mạng vừa mới ra tù, trong đó lại còn dịch cả bài Khai quyển nữa” (31).

Sau đó, trong tập hồi ký Đầu nguồn, Lê Tùng Sơn nhớ lại lần gặp ông Hồ tháng 8-1943: “Bác mới từ nhà lao ra, hai chân bị xích lâu ngày, không cất bước được. Bác đã áp chặt hai bàn tay vào tường, cứ như thế tập đi từng bước một” (32). Chi tiết này trùng hợp với hai câu thơ trong bài Mông thượng lệnh chuẩn xuất lung hoạt động của Ngục trung nhật ký:

久 閑 兩 腳 軟 如 綿,

今 試 行 行 屢 欲 顛。 

Cửu nhàn lưỡng cước nhuyễn như miên,
Kim thí hành hành lũ dục điên

(Nghỉ lâu, chân tựa bông mềm nhũn
Đi thử hôm nay muốn ngã quay)

Trong Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (xuất bản vào cuối thập niên 1940), người đọc cũng gặp nhiều chi tiết tương đồng với Ngục trung nhật ký. Chẳng hạn:

“Người ta giải cụ Hồ đi… nhưng không cho cụ biết đi đâu” (tr.95)

含 冤 踏 遍 廣 西 地,

不 知 解 到 幾 時 休。

Hàm oan đạp biến Quảng Tây địa,
Bất tri giải đáo kỷ thời hưu(?)
*

(Quảng Tây đi khắp, lòng oan ức
Giải đến bao giờ, giải tới đâu)

-------------

*Tựa bài thơ là dấu chấm hỏi (?)

“Trong khi cụ Hồ la lết tấm thân mệt lử từ nhà giam này tới nhà giam khác, có lẽ những việc lớn đang dồn dập trong nước và trên thế giới… Lòng cụ Hồ rối như tơ vò vì phải ngồi im vô ích” (tr.97)

環 球 戰 火 鑠 蒼 天

壯 士 相 爭 赴 陣 前

獄 裡 閑 人 閑 要 命

Hoàn cầu chiến hỏa thước thương thiên,
Tráng sĩ tương tranh phó trận tiền.
Ngục lý nhàn nhân nhàn chiếu mệnh (Nạp muộn)

(Tướng sĩ đua nhau ra mặt trận
Hoàn cầu lửa bốc rực trời xanh
Trong ngục người nhàn, nhàn quá đỗi)

未 得 躬 親 上 戰 場

Vị đắc cung thân thướng chiến trường (Việt hữu tao động)

(Chưa được xông ra giữa trận tiền)

“Trong tù, người ta gọi rệp là chiến xa, rận là xe tăng và muỗi là tàu bay” (tr.97)

木 虱 縱 橫 如 坦 克,

蚊 虫 聚 散 似 飛 機。

Mộc sắt tung hoành như thản khắc,
Văn trùng tụ tán tự phi cơ (Thu dạ)

(Rệp bò ngang dọc như xe cóc
Muỗi lượn hung hăng tựa máy bay)

“Một hôm, khi ngủ dậy, cụ thấy người nằm bên cạnh dựa vào lưng cụ đã chết cứng” (tr.96) (33).

昨 夜 他 仍 睡 我 側,

今 朝 他 已 九 泉 歸。

Tạc dạ tha nhưng thuỵ ngã trắc,
Kim triêu tha dĩ cửu tuyền quy

 (Nhất cá đổ phạm “ngạch” liễu)

(Đêm qua còn ngủ bên tôi đó
Mà sáng hôm nay đã suối vàng)

Một cuốn sách khác, No Peace for Asia (Không có hòa bình cho châu Á) do nhà xuất bản Macmillan ở New York ấn hành năm 1947, cũng nhắc tới một số chi tiết giống với Ngục trung nhật ký. Tác giả là Harold R. Isaacs từng gặp ông Hồ (lúc đó còn mang tên Nguyễn Ái Quốc) ở Thượng Hải cuối năm 1933, khi người Mỹ này đang làm chủ bút tuần báo tiếng Anh The China Forum.

Bìa sách của Harold R. Isaacs

Tháng 11-1945, khi tới Bắc Bộ Phủ (ở Hà Nội), ông nhận ra ông Hồ ngay: “Người ấy đúng là bạn cố tri của tôi ở Thượng Hải” (He was indeed my Shanghai friend of long ago). Khi hai người kể cho nhau nghe những chuyện xảy ra trong 12 năm xa cách, ông Hồ nhắc lại thời gian bị giam ở Quảng Tây (1942-1943):

“Ở Quế Lâm, răng tôi bắt đầu rụng… Tôi chỉ còn da bọc xương và mình đầy ghẻ lở (It was at Kweilin that my teeth began to fall out…I was skin on bones, and covered with rotten sores)”.

落 了 一 隻 牙 …

黑 瘦 像 餓 鬼,                           。

全 身 是 癩 痧。

Lạc liễu nhất chích nha…
Hắc sấu tượng ngã quỷ,
Toàn thân thị lại sa (Tứ cá nguyệt liễu)

(Răng rụng mất một chiếc…
Gầy đen như quỷ đói,
Ghẻ lở mọc đầy thân)

Khi ông Hồ và Harold R. Isaacs lên ô-tô, hai chiến sĩ đi theo bảo vệ. Cảnh ấy khiến ông Hồ nhớ lại một kỷ niệm trong tù:

“Khi tôi bị giam ở Trung Hoa, tôi được ra ngoài tập thể dục 15 phút buổi sáng và 15 phút buổi chiều. Mỗi khi tôi tập ở ngoài sân thì luôn có hai lính gác cầm súng đứng bên cạnh (When I was in prison in China, I was let out for fifteen minutes in the morning and fifteen minutes in the evening for exercise. And while I took my exercise in the yard, there were always two armed guards standing right over me with their guns)”.

每 日 還 開 兩 次 籠。

Mỗi nhật hoàn khai lưỡng thứ lung (Đồng Chính)
(Ngày lại hai lần mở cửa lao)

門 前 衛 士 執 槍 立 

Môn tiền vệ sĩ chấp thương lập (Thu dạ)
(Trước cửa lính canh bồng súng đứng)

Ông Hồ kể tiếp: “Bây giờ tôi làm chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mỗi khi rời khỏi nơi này, lại có hai cận vệ cầm súng đi theo”. Ông kết luận một cách hóm hỉnh: “Cuộc đời thật buồn cười! (How funny life is!) (34).

Rõ ràng các nhân vật trong Ngục trung nhật ký, trong bài viết của Lê Tùng Sơn, trong Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch No Peace for Asia là cùng một người duy nhất: đó là ông Hồ. Chuyện “ông già Lý là tác giả” chỉ là suy đoán không có căn cứ, không đáng tin.

-- /// --

Có lần TS Lê Hữu Mục khuyên một đồng nghiệp trẻ: “Phải cẩn thận, viết mau viết sai thì chết, không thể sửa được” (35).

Ông khuyên người khác, nhưng lại không thực hiện lời khuyên của mình. Như lời ông kể, được “anh em hải ngoại” đặt hàng viết một cuốn sách nhằm chống lại nghị quyết của UNESCO, ông Mục đã “cố gắng viết, chỉ nội trong một tháng là xong (36).

Vì cuốn sách của ông Mục không nhằm mục đích nghiên cứu văn học mà chỉ để phục vụ một ý đồ chính trị, nên ông Mục phạm phải nhiều sai lầm một cách kỳ lạ.

Ông kết luận Ngục trung nhật ký được sáng tác tại Hồng Kông trong khi những địa danh từ đầu đến cuối tập thơ đều nằm ở Quảng Tây.

Ông kết luận Ngục trung nhật ký được làm trong những năm 1932-1933, nhưng tập thơ đề cập đến nhiều sự kiện và nhân vật của thời Chiến tranh thế giới lần thứ II  trong thập niên sau đó.

Ông quả quyết tác giả của Ngục trung nhật ký là “ông già Lý”, một tướng cướp Tàu mà bản thân ông không hề biết tên tuổi, quê quán, sự nghiệp v.v…

Lúc đầu, ông khẳng định “Hồ Chí Minh không bao giờ đã viết Ngục trung nhật ký ”, nhưng sau đó lại thừa nhận có “sự đóng góp của Hồ Chí Minh” vào tập thơ  này. Tuy lập luận tiền hậu bất nhất, nhưng ý đồ trước sau như một của ông Mục – như chính ông tuyên bố - là muốn chứng minh “Hồ Chí Minh không biết làm thơ, cũng chẳng phải là nhà văn học, văn hóa gì” nhằm chống lại quyết định tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của UNESCO.

Vì cuốn sách Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật ký của ông Mục chứa đựng nhiều lập luận chủ quan, sai lầm một cách lộ liễu nên không thuyết phục được ai. Sau năm 1990, các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn tiếp tục thừa nhận Ngục trung nhật ký do ông Hồ sáng tác trong các nhà giam ở Quảng Tây trong những năm 1942-1943. Chẳng hạn Pierre Brocheux, giáo sư đại học Paris VIII – Denis Diderot, khi viết cuốn Hồ Chí Minh du révolutionnaire à l’icône năm 2003 (được dịch sang tiếng Anh năm 2007 dưới tựa mới Hồ Chí Minh - A Biography), tuy có nhắc tới cuốn Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật ký trong chú thích ở cuối sách, nhưng không ghi tên tác giả Lê Hữu Mục. Brocheux vẫn bỏ qua kết luận của ông Mục, dành nhiều trang để trích dẫn và bình giải chín bài thơ của ông Hồ, nhận xét các bài thơ ấy “đã thu được những khía cạnh khác nhau của cuộc sống trong tù, khi thì khốn khổ và tuyệt vọng, khi khác lại an ủi và lạc quan” (The poems …capture the different aspects of prison life, some miserable and despairing, others consoling and optimistic) (37).

Bìa sách (nguyên tác và bản dịch) của Pierre Brocheux

Người đồng nghiệp trẻ nói trên đã giải thích lời khuyên của ông Mục: “Chúng ta không thể dửng dưng liệng đại đùa vào thị trường sách vở những quyển sách đầy sai lầm do sự tắc trách. Chôn vùi tên tuổi mình là chuyện nhỏ, nhưng đầu độc người khác bằng những kiến thức sai lạc và những lập luận khiên cưỡng là chuyện không thể tha thứ được. Sách vở còn đó, 30, 50 hay cả trăm năm sau” (38).

Trong 30 năm qua, cuốn sách của ông Mục – được in ra giấy, được đăng lên mạng –  đã “đầu độc người khác bằng những kiến thức sai lạc và những lập luận khiên cưỡng” nên chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần phân tích cuốn sách của ông để mọi người – nhất là giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại – thấy những tác hại của nó.

------------------

(10) Archimedes L. A. Patti, Why Vietnam?, Universty of California Press, Berkeley, 1980, tr.51.

(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập III, tr.431, 434.

(12) William Duiker, Ho Chi Minh – A Life, Nxb Hyperion, New York, 2000, tr.263.

Chester Cooper, The Lost Crusade, Nxb Dood, Mead & Company, New York, 1970, tr.23.

King C. Chen, Vietnam and China 1938-1954, Princeton University Press, New Jersey, 1969, tr.55.

Jean Lacouture, Ho Chi Minh, A Political Biography, Nxb Vintage Books, New York, 1968, tr.78.

Yevgeny Kobelev, Ho Chi Minh, Nxb Progress, Moscow, 1989, tr.146.

(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập II, tr.9

(14) Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tập II, tr.70.

(15) Vũ Anh, “Từ Côn Minh về Pắc Bó”, trong Bác Hồ (nhiều tác giả), Nxb Văn học, Hà Nội, 1975, tr.145.

(16) Archimedes L. A Patti, sđd, tr.50

(17) King C. Chen, Sđd, tr.56. Viết Pháp Decoux thân Nhật để phân biệt với Pháp De Gaulle chống Nhật.

(18) Hoàng Ngọc Phách – Đường đời và đường văn, Nxb Văn học, Hà Nội, 1996, tr.191

(19) Hoàng Quang Bình, “Bác Hồ ở Vân Nam”, trong Bác Hồ ở Hoa Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.67

(20) Viện Văn học, Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1993, tr.607.

(21) Viện Văn học, sđd, re.620-621

(22) Bản dịch 10 bài này được công bố trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập III, tr.175-194.

(22a) Pierre Brocheux, Ho Chi Minh – A Biography, Cambridge University Press, New York, 2007, tr. 82.

(22b) King C. Chen, sđd, tr. 66.

(22c) Viện Văn học, sđd, tr.214.

(23) Bài Cầm ca của nhà thơ Trung Hoa đời Đường Lý Kỳ.

(24) Bài Đối nguyệt của Hồ Chí Minh (1950)

(25) Bài Nguyệt dạ của nhà thơ Trung Hoa đời Đường Lưu Phương Bình.

(25) Bài Dạ lãnh của Hồ Chí Minh trong Ngục trung nhật ký

(27) Bài Vọng nguyệt của Hồ Chí Minh trong Ngục trung nhật ký

(28) Bài Báo tiệp của Hồ Chí Minh (1948)

(29) Viện Văn học, sđd, tr.214

(30) William Duiker, sđd, tr.617

(32) Nhiều tác giả, Đầu nguồn, Nxb Văn học, Hà Nội, 1975, tr.417

(33) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975.

(34) Harold R.Isaacs, No Peace for Asia, Nxb Macmillan, New York, 1947, tr.164

(35) , (38) Phố Nhỏ Vietnamese Newspaper phonhonews.com

(36) www.vietnamexodus.info

(37) Pierre Brocheux, sđd, tr.79 .

Khải Minh

Nguồn do tác giả gửi cho SH.

Trang Thời Sự