Câu chuyện tác giả NGỤC TRUNG NHẬT KÝ

Câu chuyện tác giả

NGỤC TRUNG NHẬT KÝ

KHẢ MINH

http://sachhiem.net/LICHSU/K/KhaMinh.php

19-May-2020

 

Á Đông, nhiều nhà hoạt động chính trị từng sáng tác thơ văn trong thời gian bị giam cầm. Chỉ kể trong thế kỷ XX, ở Trung Hoa có Liêu Trọng Khải, Cù Thu Bạch.., ở Việt Nam có Phan Bội Châu (Ngục trung thư), Phan Châu Trinh (Xăng-tê thi tập), Huỳnh Thúc Kháng và các bạn tù ở Côn Đảo (Thi tù tùng thoại)… Do đó, chuyện Hồ Chí Minh sáng tác Ngục trung nhật ký trong lúc bị giam ở Quảng Tây (1942 – 1943) cũng nằm trong “truyền thống” đó.

老 夫 原 不 愛 吟 詩,

因 為 囚 中 無 所 為。

聊 借 吟 詩 消 永 日,

且 吟 且 待 自 由 時。

Lão phu nguyên bất ái ngâm thi,
Nhân vị tù trung vô sở vi.
Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật,
Thả ngâm thả đãi tự do thì.

(Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm, vừa đợi đến ngày tự do) (1)

Mấy chục năm sau, ông giữ nguyên ý ấy khi nói với các nhà thơ Pavel Antokolsky (người Nga) và René de Petro (người Haiti): “Tôi viết những bài thơ ấy để làm gì? Chỉ vì lý do ở trong tù, tôi không thể làm gì khác. Họ tước đoạt của tôi tất cả… và buồn”, “Khi ở tù tại miền nam của Trung Quốc, [tôi] đã làm những bài thơ ấy cho qua ngày giờ, chứ thật ra [tôi] không phải là một nhà thơ (2).

Tiến sĩ người Mỹ gốc Trung Hoa King C. Chen đồng ý với ông Hồ khi viết: “Mặc dầu ông Hồ không tự xem mình như một nhà thơ, nhưng ông đã viết hơn một trăm bài thơ bằng chữ Hán để cho qua thời gian” (Although Ho did not consider himself  a poet, he wrote more than a hundred Chinese poems to occupy himself) (3).

Suy nghĩ như vậy nên ông Hồ làm thơ chỉ để cho chính mình, không phải viết ra cho người khác đọc, càng không nghĩ đến chuyện ấn hành, xuất bản. Vì thế, sau khi hoàn tất, tập thơ hầu như bị chính tác giả của nó lãng quên trong suốt 15 năm (1943 – 1958) giữa những bộn bề của lịch sử.

Thế nhưng, từ khi xuất hiện trên thi đàn (1960), tập thơ đã thu hút sự chú ý không chỉ nhân dân trong nước mà cả bạn đọc nước ngoài. Chẳng hạn, nhà thơ Trung Quốc Quách Mạt Nhược đã nhận xét: “Một trăm bài thơ hầu hết bài nào cũng đều toát ra hết sức sinh động hình ảnh một nhà cách mạng lão thành, thanh thoát, tài trí, ung dung, giản dị, kiên cường (…). Thật là “thi như kỳ nhân” (thơ như người vậy)… Có một số bài rất hay, nếu như đặt lẫn vào một tập của các thi nhân Đường, Tống thì cũng khó phân biệt” (4). Ngay cả Tiến sĩ Lê Hữu Mục – một Việt kiều ở Canada mà chúng tôi sẽ đề cập đến ở phần sau – cũng phải thừa nhận: “Phong cách khái quát của thơ Đường sử dụng một hệ từ vựng kín, nghĩa là chỉ dùng một số chữ rất hạn chế có nghĩa khái quát, chỉ nắm lấy những cái có tính chất chung cho một loạt sự vật, một loạt hiện tượng, tức là không chú trọng đến cái cá biệt, không chú trọng đến việc tô đậm màu sắc, và cuối cùng, chủ trương tính triết học, coi trọng hoạt động của tư duy hơn của tri giác cảm quan. Tác giả Ngục trung nhật ký đã thành công trong loại phong cách này”. Sau khi dẫn ra hơn 10 bài thơ mà ông thích, ông Mục kết luận: “Bài Tảo giải có lẽ là bài thơ hay nhất trong Ngục trung nhật ký”.

Cho đến nay, Ngục trung nhật ký đã được dịch ra hơn 25 thứ tiếng, Á có, Âu có, có nhiều thứ tiếng được dịch đi dịch lại, riêng tiếng Anh thì có nhiều bản dịch khác nhau của Aileen Palmer, Đặng Thế Bính, Kenesth Rexroth, Steve Bradbury, Ian McLanchlan… Trong cuốn Những suy nghĩ từ cảnh giam cầm (Reflections from Captivity) do David Marr chủ biên, các tác giả đặt Ngục trung nhật ký bên cạnh Ngục trung thư (5).

 

Ngục trung nhật ký được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài

Các nhà nghiên cứu khi viết tiểu sử ông Hồ đều không quên nhắc tới Ngục trung nhật ký; có nhiều tác giả dành vài ba trang để giới thiệu một số bài thơ của ông vì – như tiến sĩ Bernard B. Fall viết – “những bài thơ ấy cho chúng ta thấy một khía cạnh khác của con người và một bước đi khác trong sự phát triển lịch sử của ông” (these poems…show us another aspect of the man and another step in his historical development) (6). Đặc biệt, Charles Fenn, một sĩ quan tình báo OSS của Mỹ từng gặp ông Hồ trước Cách mạng tháng Tám, không  chỉ  trích  dẫn vào  phần phụ luc cuốn Hồ Chí Minh – Giới thiệu tiểu sử (Ho Chi Minh - A Biographical Introduction) 9 bài thơ của Ngục trung nhật ký, mà còn đặt ở đầu mỗi chương (trong tổng số 12 chương) một bài hay một đoạn của tập thơ này.

Bìa sách Reflections from Captivity:  Bìa sách Ho Chi Minh – A Biographical Introduction

Trong bài viết này, chúng tôi không có ý định bàn đến giá trị văn chương và tư tưởng của Ngục trung nhật ký mà chỉ đề cập đến vấn đề tác giả của tập thơ. Câu chuyện bắt đầu từ một quyết định của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO.

Trong phiên họp thứ 24 từ 20/10 đến 20/11/1987 tại Paris, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua nhiều quyết định, trong đó có quyết định về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1990:

“Đại hội đồng (...)

Ghi nhận rằng năm 1990 sẽ đánh dấu kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa lớn của Việt Nam,

Xét rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng nổi bật của quyết tâm dân tộc, cống hiến trọn đời cho công cuộc giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội,

Xét rằng sự đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật kết tinh truyền thống văn hóa của nhân dân Việt Nam trải dài trong nhiều nghìn năm và rằng những lý tưởng của Người là sự biểu hiện cho nguyện vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc văn hóa của mình và cho sự đẩy mạnh hiểu biết lẫn nhau,

1/ Khuyến nghị các Quốc gia thành viên tham gia kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách tổ chức các sự kiện khác nhau tỏ lòng kính trọng tưởng nhớ Người, nhằm truyền bá sự hiểu biết về tính chất vĩ đại của các lý tưởng và việc làm của Người trong công cuộc giải phóng dân tộc;

2/ Đề nghị ông Tổng giám đốc UNESCO tiến hành những bước thích hợp để tổ chức kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ủng hộ các hoạt động tưởng niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt những hoạt động diễn ra ở Việt Nam”.

Nguồn: ulis2.unesco.org/images/0007/000769/076995E0.pdf

VÌ SAO TS LÊ HỮU MỤC ĐẶT LẠI VẤN ĐỀ TÁC GIẢ NGỤC TRUNG NHẬT KÝ ?

Quyết định của UNESCO là một tin vui cho nhân dân Việt Nam và cho các dân tộc bạn bè trên thế giới, song đó lại là tin... buồn cho những người chống đối Việt Nam ở hải ngoại.

Phát biểu ngày 8/6/2003 tại San Jose, bang California, Mỹ, ông Lê Hữu Mục* cho biết: khi hay tin quyết định nói trên của UNESCO, “anh em hải ngoại bảo nhau phải tìm cách để xóa bỏ cái huyền thoại Hồ Chí Minh, chuyện Hồ Chí Minh sẽ được tôn vinh là nhà văn hóa lớn quốc tế do UNESCO (7). Ông Mục là tiến sĩ văn học, từng giảng dạy tại một số trường đại học ở miền nam Việt Nam trước 1975, nên được phân công viết về đề tài “Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật ký”.

Ông Mục kể tiếp: “Hồ Chí Minh không biết làm thơ, cũng chẳng phải là nhà văn học, văn hóa gì... Tôi cố gắng viết, chỉ nội trong một tháng là xong. Tôi gửi loạt bài này đăng trên tạp chí Làng văn... Các bài viết của tôi đã đăng từng kỳ trên tạp chí Làng văn từ năm 1989 đến năm 1990 mới in thành sách” (8)

----------------

*Tiến sĩ Phê-rô Lê Hữu Mục sinh ngày 24/11/1925 tại Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình.

Vào Nam, ông giảng dạy tại một số trường trung học và đại học ở Huế, ở Sài Gòn…, có lúc làm giám đốc Nha Sư phạm (Bộ Giáo dục VNCH).

Sau ngày đất nước thống nhất, ông qua sống ở Canada. Cũng tại đây, ông viết cuốn Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật ký (xuất bản năm 1990), Hồ Chí Minh không phải là nhà văn (chưa xuất bản).

Đã qua đời ngày 8/11/2017 tại Montréal, Canada

 

TS Lê Hữu Mục và bìa sách của ông

---------------------

CÁC LẬP LUẬN CỦA ÔNG MỤC

Ông Mục nhấn mạnh ý:  Ngục trung nhật ký có “lai lịch bất minh”, vì theo ông, tập thơ không mang tên tác giả là Hồ Chí Minh và bị lãng quên trong hơn chục năm. Trong cuốn Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên “cho biết ở trong tù, Hồ có làm thơ, nhưng Trần Dân Tiên không nói đến tập thơ”. Trong một thời gian dài, những người làm việc gần gũi với ông Hồ cũng không ai biết ông có tập thơ. Mãi đến năm 1958, theo lời ông Mục, họ “mới nhận thấy nhu cầu cấp bách là phải tăng cường tập trung quyền lãnh đạo văn nghệ vào tay lãnh đạo” bằng cách “khẳng định và đề cao thi tài của lãnh tụ” nên mới công bố ông Hồ là tác giả của Nhật trung nhật ký !

Để đi tới kết luận “Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật ký”, ông Mục đặt lại vấn đề thời gian và địa điểm sáng tác Ngục trung nhật ký, đưa ra nhiều lập luận để phủ nhận ông Hồ, đồng thời tuyên bố tướng cướp Già Lý mới là tác giả Ngục trung nhật ký !

1. Về thời gian và địa điểm sáng tác

Trong thời gian hoạt động ở Trung Hoa, ông Hồ hai lần bị bắt giam.

Lần đầu trong những năm 1931–1932 tại nhà tù Victoria của Anh ở Hồng Kông.

Lần sau, tại nhiều nhà giam trong tỉnh Quảng Tây, trong những năm 1942– 1943.

Ông Mục viết: “Trang đầu cuốn sổ ghi bốn chữ Hán Ngục trung nhật ký, dưới bốn chữ này là hai hàng số 29.8.1932 / 10.9.1933 không biết là tác giả hay ai ghi, ở dưới hai hàng số là một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt vần trắc, kèm theo một hình vẽ hai nắm tay bị xích đang giơ lên cao” (xem hình).    Mặc dù chưa từng thấy tập thơ gốc bao giờ, nhưng ông Mục vẫn viết: “Ta thử nhìn cuốn sổ tay gần hơn, tờ bìa màu xanh đã bạc màu, vào năm 1945 mà nó đã bạc màu thì cuốn sổ này, nếu là của Hồ Chí Minh, thì nó phải ở trong tay ông đã lâu, ít nhất là phải mười, mười lăm năm về trước”.

 Bìa NGỤC TRUNG NHẬT KÝ

Ông Mục kết luận: Ngục trung nhật ký được viết trong những năm 1932–1933 tại nhà tù Hồng Kông. Ông nhấn mạnh: “Đối với nhà văn bản học, biết soạn niên tác phẩm là điều quan trọng, nhiều khi chỉ bằng vào soạn niên của một tác phẩm mà nhà văn bản học có khả năng xác lập phụ quyền và cân nhắc giá trị của tác phẩm ấy”.

2. Về tác giả

Đây là mục tiêu chính mà cuốn sách của ông Mục nhắm tới. Có mấy lý do để ông Mục phủ nhận việc ông Hồ là tác giả của Ngục trung nhật ký:

a) Kiến thức Hán văn:

Sau khi phân tích một số bài thơ chữ Hán trong Ngục trung nhật ký, ông Mục nhận xét: “Những bài này được viết bằng những nét phác họa với những từ ngữ giản đơn, màu sắc gần như không có, thế mà người đọc có cảm tưởng như mình đang ở không gian này bước vào một không gian khác, đang ở thời gian này bước vào thời gian kia, và cho bài thơ là hay”.

Ông Mục khen Ngục trung nhật ký để dẫn tới kết luận: “Hồ Chí Minh không đủ kiến thức Hán văn để viết nên một tập thơ như Ngục trung nhật ký” vì “cho đến năm 1958, Hồ Chí Minh chỉ mới viết được khoảng trên dưới 30 bài văn vần [người trích xin nhấn mạnh: văn vần, chứ không phải thơ], phần nhiều là những bài vè kháng chiến mà giá trị thi ca khó được những nhà thơ nhà văn (...) chấp nhận”

b) Hán gian

Trong Ngục trung nhật ký, tác giả cho biết mình bị bắt vì bị tình nghi là Hán gian:

卻 被 嫌 疑 做 漢 奸

Khước bị hiềm nghi tố Hán gian (Thế lộ nan)

(Lại bị tình nghi là Hán gian)

漢 奸 與 我 本 無 干

Hán gian dữ ngã bản vô can (Nhai thượng)

(Hán gian, ta vốn thực vô can)

Ông Mục lập luận: “Muốn làm Hán gian thì đầu tiên phải là người Hán đã chứ, làm sao một người Việt Nam có thể làm Hán gian dù anh hoạt động trong nước Trung Hoa?” để kết luận: “Tác giả [Ngục trung nhật ký] nhất định phải là một người Trung Quốc, chứ không phải là người Việt Nam”, “chứ không phải Hồ Chí Minh”.

c) Lão phu

Trong Ngục trung nhật ký, tác giả mấy lần tự xưng là “lão phu”:

老 夫 原 不 愛 吟 詩

Lão phu nguyên bất ái ngâm thi (Khai quyển)

(Già này vốn không thích ngâm thơ)

老 夫 和 淚 寫 囚 詩

Lão phu hòa lệ tả tù thi (Thu dạ)

(Già này hòa nước mắt viết thơ tù)

Ông Mục lập luận: “Con người tự xưng là lão phu ấy không thể là Hồ Chí Minh, vì tính đến năm 1932–1933, Hồ mới khoảng ngoài 40; nếu có tính đến 1942–1943 chăng nữa, Hồ cũng mới chỉ ngoài 50, chưa có quyền xưng với người khác là lão phu, xưng như thế sẽ tỏ ra hỗn xược, hoàn toàn không biết gì về những phong tục cổ truyền của Á Đông, nhất là về xưng hô”.

3. “Ông già Lý mới là tác giả Ngục trung nhật ký” !

Sau khi bác bỏ ông Hồ, ông Mục ráng đi tìm tác giả Ngục trung nhật ký. Đọc cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, ông Mục tình cờ vớ được ông già Lý, người Trung Quốc, ở tù chung với ông Hồ trong nhà lao Victoria tại Hồng Kông. Đó là “một tướng cướp già, bị bắt vì bị bạn tố giác. Người này độ sáu mươi tuổi, hòa nhã, mưu trí và gan góc, giỏi chữ Trung Quốc, làm được thơ” (9).

Mặc dù hoàn toàn không biết ông già Lý là ai, tên gì, quê quán ở đâu… chỉ cần vin vào mấy chi tiết “người Trung Quốc, già, làm được thơ”, ông Mục đã vội vàng khẳng định: “Ông già Lý là tác giả Ngục trung nhật ký”.

Ông giải thích các bài thơ trong Ngục trung nhật ký theo chiều hướng minh họa cho khẳng định đó. Chẳng hạn, ông Mục cho bài Tảo giải:

一 次 雞 啼 夜 未 闌,

群 星 擁 月 上 秋 山。

征 人 已 在 征 途 上,

迎 面 秋 風 陣 陣 寒。

Nhất thứ kê đề dạ vị lan,
Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san.
Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng,
Nghênh diện thu phong trận trận hàn

(Gà gáy một lần, đêm chửa tan
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn
Người đi cất bước trên đường thẳm
Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn)

không phải là lời người tù bị giải đi sớm, mà là lời của một tướng cướp Tàu: “Già Lý còn say sưa kể lại những lần ông đi trong bóng đêm để chặn khách qua đường bắt nộp tiền mãi lộ [sic], nhưng thực ra ông chặn khách thì ít, mà hưởng được những cảm giác mạnh thì nhiều. Thích cuộc đời hào hùng, ghét những cảnh tầm thường giả dối của xã hội, biết bao lần già Lý ra đi từ lúc nửa đêm để hưởng cái thú gió lùa vào mặt”.

Khi đọc tới câu:

此 間 土 地 廣 而 貧

Thử gian thổ địa quảng nhi bần

(Vùng đây tuy rộng, đất khô cằn)

trong bài Long An – Đồng Chính, ông Mục liền bình giải: “Già Lý có nhiều kỷ niệm với vùng đất khô cằn này…Vùng này là vùng núi, địa bàn hoạt động của già Lý”.

Còn bài Tẩu lộ:

走 路 才 知 走 路 難,

重 山 之 外 又 重 山。

重 山 登 到 高 峰 後,

萬 里 與 圖 顧 盼 間。

Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lý dư đồ cố miện gian.

(Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non)

được ông Mục cho là già Lý sáng tác nhờ ông “vẫn sống ở những vùng núi cao, trèo lên tới đỉnh để thu cảnh đẹp vào tầm mắt”.

Chắc ông Mục phải giật mình khi thấy trong hai bài thơ Song thập nhất Tân Dương ngục trung hài có mấy chữ quốc ngữ:

罪 魁 就 是 惡 NA-ZI  

Tội khôi tựu thị ác Na-zi

(Tội phạm đầu sỏ chính là bọn Na-zi hung ác)

Oa...! Oa...! Oaa...!

家 怕 當 兵 救 國 家

Oa…! Oa…! Oaa…!

Gia phạ đương binh cứu quốc gia (Oa…! Oa…! Oaa…!

Cha sợ sung quân cứu nước nhà)

cũng như khi nhận ra hai câu đầu của bài Bệnh trọng dựa trên thơ của Hoàng Phan Thái:

外 感 華 天 新 冷 熱,

內 傷 越 地 舊 山 河。

Ngoại cảm Hoa thiên tân lãnh nhiệt

Nội thương Việt địa cựu sơn hà

(“Ngoại cảm” trời Hoa cơn nóng lạnh

“Nội thương” đất Việt cảnh lầm than)  

Ông già Lý biết chữ quốc ngữ và thuộc thơ của Việt Nam ư ?

Thực ra, còn bài Tích quang âm có câu cuối dựa trên thơ của Phan Châu Trinh nhưng không rõ vì lý do gì ông Mục không nhắc đến:

不 知 何 日 出 牢 籠

Bất tri hà nhật xuất lao lung

(Bao giờ thoát khỏi chốn lao lung)

Ông Mục cũng bỏ qua bài Thế lộ nan trong đó có câu:

余 原 代 表 越 南 民,

擬 到 中 華 見 要 人。

Dư nguyên đại biểu Việt Nam dân

Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân.

(Ta là đại biểu dân Việt Nam,

Tìm đến Trung Hoa để hội đàm)

Chả nhẽ ông Mục để một tướng cướp Tàu làm đại biểu cho dân Việt Nam ?

Tuy không dựa trên một cơ sở cụ thể nào, ông Mục vẫn “chữa cháy” bằng cách giải thích: mấy bài thơ nói trên là “của một người Việt Nam, cũng có thể là của Hồ Chí Minh tuy không có bằng cứ chắc chắn”.

Theo ông Mục, những bài hay, có “phong cách khái quát của thơ Đường” trong Ngục trung nhật ký là do tướng cướp Tàu sáng tác, còn ông Hồ chỉ làm những bài nôm na, đới tục như “bài Hạn chế nói về việc đau bụng mà không được đi cầu, bài Bảo Hương cẩu nhục nói về việc ăn thịt chó ở Bảo Hương,…bài đáo Thiên Bảo ngục còn nói đến cả việc ngồi trên hố xí nữa”. “Đây có thể kể như là sự đóng góp của Hồ Chí Minh”, ông Mục nhận xét. Do đó, ông Mục thấy trong tập thơ “có hai nhân cách, hai con người đối chọi nhau thật sự” !

Nhưng tại sao nhật ký mà lại do hai người cùng viết ? Ngồi tận bên Canada, ông Mục tưởng tượng ra cảnh hai tác giả hợp tác với nhau: “Vào thời gian gặp già Lý, Hồ chưa nói được tiếng Quan [thoại], nhưng ông biết chữ Hán, có thể bút đàm được với già Lý, nhờ đó mà hai người có nhiều dịp chuyện vãn với nhau, làm thơ chung với nhau… Cuốn sổ tay màu xanh bạc màu là cuốn sổ tay của hai người dùng chung” để chép các bài thơ trong Ngục trung nhật ký.

(Còn tiếp kỳ sau)

____________________________

(1) Các bản dịch của các tác giả thuộc Viện Văn học Việt Nam.

(2) Đào Phan, Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1991, tr.100, 95.

(3) King C. Chen, Vietnam and China 1938 – 1954, Princeton University Press, New Jersey, 1969, tr.58.

(4) Trích dẫn bởi Viện Văn học, Suy nghĩ về Nhật ký trong tù, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1993, tr.214.

(5) David Marr (chủ biên), Reflections from Captivity: Phan Boi Chau’s Prison Notes and Ho Chi Minh’s Prison Diary, Ohio University Press, Athens, 1978.

(6) Bernard B. Fall, “Ho Chi Minh, a Profile” trong Ho Chi Minh on Revolution, Nxb The New American Library, New York, 1968, tr. XII.

(7) & (8)    www.vietnamexodus.info. Các bài viết của ông Mục đăng trên tạp chí Làng văn xuất bản ở Canada từ số 67 (tháng 3/1989) đến số 70 (tháng 6/1990), tới tháng 11/1990 được Trung tâm Văn bút Hải ngoại in thành sách dày 155 trang. Bản mà chúng tôi dùng đăng dưới dạng pdf taị trang web http://giaocam.saigonline.com, không đánh số trang.

(9) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.87.

Khải Minh

Nguồn do tác giả gửi cho SH.

Trang Thời Sự