Thống Chế Galliéni Và Trí Thức Công Giáo Việt Nam

Thống Chế Galliéni Và Trí Thức Công Giáo Việt Nam

Nguyễn Kha

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenKha_05.php

22-Nov-2018

Bí quyết của một chính sách bình định thuộc địa của Thống Chế Galliéni: "Hãy dùng những lời khuyên xảo trá và những lời nói bịp bợm để đập vào đám cầm đầu và trấn an đám dân lạc lối bằng những lời khuyên nhủ hào nhoáng và bằng những lời khẳng định bịa đặt, tất cả bí quyết của một chính sách bình định đều nằm trong hai thuật ngữ đó"

Trước Thống Chế Galliéni, Giám Mục Puginier ở Việt Nam (1866, 1868 - 1892) cũng đã nhất định theo con đường: Xâm lược, đô hộ, đồng hóa, để bảo đảm cho nước Pháp và đạo Thiên Chúa một tương lai tươi sáng, (III - Kế Hoạch Của Giám Mục Puginier). Mục đích của chính sách xâm lược và sức mạnh để cho, sau rốt, tín đồ Thiên Chúa Giáo sẽ giữ một vai trò trọng yếu trong đời sống chính trị, hành chánh và quân sự ở Bắc Kỳ. Các sách báo, văn thư, tin tức, điều trần của ông giám mục nầy đều nhằm mục đích nhất định: Chứng minh cho giới chức Pháp thấy rằng, ngoài tín đồ thiên Chúa giáo ra, tất cả đều là kẻ thù.

Đầu mùa Thu một năm … nọ, tôi được công ty gửi qua thành phố Toulouse ở miền Nam nước Pháp để gặp nhóm đối tác kỷ thuật của tập đoàn EADS/Airbus về một vấn đề thiết kế trong hệ thống thủy lực 5000psi trên dòng máy bay thân rộng Airbus A380. Xong chuyện, tôi lấy xe lửa về Paris ở chơi hai ngày cuối tuần với vợ chồng người bạn trước khi bay về lại Mỹ.

Nhân dịp nầy, người bạn giới thiệu một “kỳ quan” của Paris mà ít người Việt biết đến, kể cả dân Việt Parisien chính hiệu cũng mù tịt: Đó là tượng đài của Thống chế Joseph Simon Galliéni ở quảng trường Vauban nằm tại trung tâm Quận 7. Tượng do điêu khắc gia Jean Boucher chế tác năm 1926.

Ông Thống chế nầy là ai mà bạn tôi lại ân cần giới thiệu vậy?

Thống chế Galliéni (1849-1916) là một vị anh hùng của nước Pháp trong Đệ Nhất Thế Chiến. Ông đã bảo vệ Paris chống lại quân xâm lược Phổ-Đức, và nổi tiếng với lời hiệu triệu quân dân thủ đô Paris vào ngày 3-9-1914: “Tôi đã được ủy nhiệm sứ mạng bảo vệ Paris chống lại quân xâm lược. Tôi sẽ làm tròn sứ mạng đó cho đến cùng” (J’ai reҫu le mandat de défendre Paris contre l’envahisseur. Ce mandat je le remplira jusqu’au bout). Cho nên người dân Pháp ngưỡng mộ, ghi ơn và tạc tượng ông là đúng.

Tượng Thống chế Galliéni tại Quảng trường Vauban (Paris 7), oai vệ đứng trên một bệ vuông kết hoa, do bốn người dân công kênh đội trên đầu.

Thế nhưng ông cũng là một tay Thực dân xâm lược sừng sỏ và thâm hiểm mà một số dân tộc ở hai châu Á và Phi có thể tha thứ nhưng không thể quên được (forgiven but not forgotten). Và đó là lý do tại sao bạn tôi cứ nhất định muốn tôi, khi ghé đến Paris, thì phải đi thăm bức tượng của ông, ngoài những tháp Eiffel, bảo tàng Louvre, đại học Sorbonne, công trường Tertre, trung tâm mua sắm Lafayette … mà du khách, nhất là người Việt ta, đều đã thăm đến mòn gót giày rồi! 

Thật vậy, tại Phi châu, ông đã “đóng góp tích cực vào việc mở mang và củng cố Đế quốc (Pháp), đặc biệt ở châu Phi, bằng những phương pháp mà mức độ tàn bạo lên đến đỉnh cao với cuộc thảm sát phong trào Menalamba tại Madagascar” (Il prit une part active à l'expansion et à la consolidation de l'Empire, notamment en Afrique, au prix de méthodes dont la brutalité culmine avec le massacre des Menalamba à Madagascar - Wikipedia). Ngoài đảo quốc Madagascar, với tư cách của một sĩ quan chỉ huy kiêm nhà cai trị cao cấp, ông còn tấn chiếm và thiết lập nền đô hộ ở các nước Phi châu như Sénégal, Soudan, … để mở mang cương vực nước Pháp và nước Chúa.

http://dormirajamais.org/madagascar3/

Công việc của Pháp ở Madagascar; chinh phục - tổ chức - Thống chế Gallieni, Paris, Challamel, 1903

Còn tại Việt Nam, từ năm 1892 đến 1896, lúc bấy giờ với quân hàm Đại Tá, ông Galliéni có nhiệm vụ tiểu trừ các lực lượng “phiến loạn” (của nghĩa quân Việt Nam) và “củng cố sự hiện diện của nước Pháp bằng cách tổ chức bộ máy hành chánh cho nước (VN) nầy” (consolide la présence française en organisant l’administration du pays). Đặc biệt, “đây là giai đoạn ông xây dựng những tiền đề được gọi là học thuyết thuộc địa của ông, như “vết dầu loang” và “chính sách phân biệt các sắc tộc”, vốn được xem như phần tinh lọc của chính sách chia để trị” (C’est à cette époque qu’il élabore les prémices de ce qui est convenu d’appeler sa doctrine coloniale, tels que la “tache d’huile”, et la “politique des races”, raffinement de la politique du diviser pour régner).

“Ngoài ra, ông cũng đã từng tuyên bố thẳng thừng một cách tàn bạo về phương pháp phải áp dụng để khẳng định công cuộc chinh phục thuộc địa: “Hãy dùng những lời khuyên xảo trá và những lời nói bịp bợm để đập vào đám cầm đầu và trấn an đám dân lạc lối bằng những lời khuyên nhủ hào nhoáng và bằng những lời xác nhận (do ta) bịa đặt ra, tất cả bí quyết của một chính sách bình định đều nằm trong hai thuật ngữ đó. Nói tóm lại, mọi hoạt động chính trị trong xứ thuộc địa phải gồm việc phân biệt được ai là thành phần bản xứ dùng được để lợi dụng họ, và ai là thành phần bản xứ không dùng được thì phải loại trừ và tiêu diệt”  (Il s’exprime en outre avec une brutale franchise sur la méthode à suivre pour affermir les conquêtes coloniales : «Frapper à la tête et rassurer la masse égarée par des conseils perfides et des affirmations calomnieuses, tout le secret d’une pacification est dans ces deux termes. En somme, toute action politique dans la colonie doit consister à discerner et mettre à profit les éléments locaux utilisables, à neutraliser et détruire les éléments locaux non utilisables — Joseph Gallieni, cité dans Alain Ruscio, “Le crédo de l’homme blanc”, Éditions Complexe, Bruxelles, 2002, p. 250-2510).

Chia để trị trên cơ sở “dùng được” thì bị “lợi dụng”, hay “không dùng được” thì bị “tiêu diệt”. Hiệu quả và thâm hiểm thật! Hiệu quả và thâm hiểm đến độ trước họa xâm lăng và nền đô hộ tàn bạo của Thực dân Pháp, thay vì đoàn kết thì dân ta bị xẻ làm đôi: Thành phần “không dùng được” thì, từ nhiều tổ chức khác nhau, hàng hàng lớp lớp một lòng chống xâm lăng, còn thành phần “dùng được” thì một lòng cam tâm làm tay sai cho giặc để được “lợi dụng”. Mâu thuẫn giữa hai thành phần dân tộc đó, dù đã gần hai thế kỷ và sau bao nhiêu biến cố lịch sử, tưởng đã biến mất, thế mà đến nay (2018) vẫn còn âm ỉ trong tư duy và hành xử của một số người Việt! 

Thật vậy, mấy năm gần đây, trên các diễn đàn điện tử, xuất hiện một ông “cha tu xuất” với nickname là Vũ Linh Châu. Có lẽ mang mặc cảm tội lỗi vì Giáo hội Công giáo của mình đã từng là “đạo quân thứ Năm” làm tay sai “dùng được” cho quân xâm lăng Pháp để hưởng đặc quyền đặc lợi, nên ông đã tung lên các mạng xã hội một số bài biện minh cho cuộc xâm lăng và nền đô hộ của đế quốc Pháp. Thậm chí ông “cha tu xuất” nầy còn đề nghị là dân ta nên trân trọng ghi ơn đoàn quân viễn chinh và các giáo sĩ gián điệp “tử đạo” của Hội Thừa Sai Paris (MEP)  đã từng đến thực hiện “nhiệm vụ khai hóa” (Mission civilisatrice) trên đất nước ta. Một ông “Tiến sĩ Hồng Lĩnh” ở Thụy Sĩ, trong quá trình “giải oan” cho người đồng đạo Ngô Đình Diệm, cũng triển khai các luận điểm tương tự để bênh vực chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền “gia đình trị, công giáo trị” Đệ Nhất Cộng Hòa (Nam Việt Nam).

Cùng một lúc, để binh vực cho người Pháp và cuộc xâm lăng / đô hộ Việt Nam trong những thế kỷ trước, hai ông trí thức Công giáo nầy còn muốn đánh giá lại lịch sử Việt Nam thời cân đại, xem các phong trào yêu nước như Văn Thân và Cần Vương là “phiến loạn”, vất vào thùng rác lịch sử sự nghiệp của những anh hùng chống Pháp “không dùng được”, để chỉ còn giữ lại những thành phần “dùng được”  như Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài, Tổng đốc (Đỗ Hữu) Phương, Nguyễn Trường Tộ, Jean-Baptiste Petrus Trương Vĩnh Ký, Phêrô Trần Lục, Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, …

Trong lúc đó thì ở trong nước, một số ít trí thức kiểu “sĩ phu Bắc hà” bị nhiễm độc Vatican, vì bất mãn với chính sách nhà nước, hay thất vọng với nhân sự của bộ máy cầm quyền, và buồn lòng vì xã hội ngỗn ngang, cũng lây nhiểm cách suy nghĩ nầy, cho rằng cuộc tổng phản công vĩ đại và lâu dài của toàn thể dân tộc kể từ ngày chiến hạm Pháp nổ súng vào Đà Nẵng năm 1858 đến nay là một sai lầm nghiêm trọng, cho nên thà trở lại thời Pháp thuộc “cơm thừa canh cặn” còn khá hơn tình trạng ngày nay:   

Ôi thằng Tây mà khi xưa người dân tốn bao xương máu đánh đuổi.

Nay người dân xao xuyến luyến tiếc vô cùng .   

(Nguyễn Chí Thiện, Hoa Địa Ngục)

Một chế độ thuộc địa đày đọa dân ta với cấp lãnh đạo gian hiểm như “thằng Tây” Galliéni mà lại là khuôn mẫu ước mơ, lại là mục tiêu “đấu tranh” của những trí thức Việt Nam thì thật là ngao ngán cho khả năng nhận thức của số trí thức đó!!! Những vị nầy, có dịp đến Paris, thì nên đến chắp tay nghiêng mình ttrước pho tượng của … Ngài Thống Chế!

Đội tượng Thống chế Galliéni trên đầu là tượng của bốn người dân thuộc địa, trong đó nổi bật là tượng của một thiếu nữ Madagascar hở ngực (hình phải), đầu quấn khăn. Và tượng một ông Annamít mắt ti hí, mủi tẹt và mang khăn đóng áo dài.

Vì vậy mà vào một buổi chiều đầu Thu năm … nọ tại Paris, khi nhìn tượng của Thống chế Galliéni, tên thực dân sửng sỏ và nham hiểm, “đè đầu cưỡi cổ” dân tộc ta giữa kinh đô ánh sáng như thế nầy, tôi tự hỏi không biết hai thành phần trí thức trong và ngoài nước kể trên có thấy hổ thẹn không? Và có thấy nhục nhã cho tình trạng suy thoái tri thức thê thảm của mình không?

Nguyễn Kha

11/2018  

(Photos: Gerdon59tripadvisor.com)

 

Trang Lịch Sử