Nhân Cái Chết Của Ông John McCain

Nhân Cái Chết Của Ông John McCain

Nguyễn Văn Thịnh

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_24.php

21-Sep-2018

Càng thấy lời dạy của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo sâu xa mà thiết thực: “Khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm như gió như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà như tầm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị”. Việc trị nước lúc này rất khó. Khó cả trong lẫn ngoài. (NVT)

Thượng nghị sĩ John McCain

Thượng nghị sĩ bang Arizona của Hoa Kỳ John Sidney McCain III vừa qua đời ngày 25 tháng 8 năm 2018, ở tuổi 82. Là một chức sắc có tầm ảnh hưởng quốc gia lớn, huống chi ông lại là một trong số ít chính giới đương quyền tích cực thúc đẩy quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt-Mỹ theo chiều hướng hợp tác ngày một tốt hơn.

Dư luận Mỹ có hai chiều: hoặc tôn ông đáng bậc anh hùng, hoặc coi ông như kẻ tội đồ. Tuy nhiên lưỡng viện và chính phủ cử hành tang lễ ông rất trọng thể, theo nghi thức với một công dân nổi tiếng quốc gia.

lễ tưởng niệm McCain trong tòa nhà quốc hội

Tang lễ cố Thương nghị sĩ John McCain ở Tòa nhà Quốc Hội. Ảnh CNBC

Thi hài cố thượng nghị sĩ John McCain được nằm trong mái vòm của tòa nhà Quốc Hội ở Washington D.C (hai ngày trước khi được yên nghỉ tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ - SH). Trong lịch sử nước Mỹ, đến nay mới chỉ có 30 nhân vật đặc biệt (trong đó 11/39 vị Tổng Thống đã qua đời), được vinh dự này.

Chỉ người Mỹ mới đủ tư cách và có quyền đánh giá về ông. Nhưng về phương diện nhà nước ta cũng như có những công dân Việt Nam dành cho ông tình cảm mến mộ tiếc thương cũng là điều hẳn nhiên. Tuy nhiên một số phương tiện truyền thông và nhiều trang mạng có sự ca ngợi quá lời hoặc nhân đấy xen vào ý đồ kích động.

Cần tìm hiểu sâu về con người này để biết rõ về ông:

John McCain sinh năm 1936, là người Mỹ gốc Ireland và Scotland. Ông nội và cha đều là Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ. McCain tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 1958, nhận hàm thiếu úy. Năm 1960 học trường lái máy bay và trở thành phi công hải quân lái máy bay cường kích. Năm 1967 tham gia chiến dịch Sấm Rền (Rolling Thunder) kéo dài từ tháng 3-1965 cho tới tháng 11-1968, dội bom chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một khúc phim tài liệu về giai đoan Mỹ ném bom Bắc Việt

Ngày 26 tháng 10 năm 1967, Thiếu tá McCain lái chiếc phi cơ A-4E Skyhawk thực hiện phi vụ ném bom thứ 23, đã bị một tên lửa SAMII bắn trúng trên bầu trời Hà Nội. McCain bấm dù phóng ra khỏi phi cơ, rơi xuống Hồ Trúc Bạch, bị gãy cả hai tay và một chân, hẳn sẽ chết đuối nếu không được một số người Việt vớt kéo lên bờ. Một người dúi mũi khẩu súng trường vào vai phải của ông nhưng không nổ súng, một người khác lục tìm thấy dao găm dọc theo hai bên đùi ông. Sau đó, McCain được đưa đến một bệnh viện chữa trị trong 6 tuần rồi đưa về trại giam Hỏa Lò, mà những tù binh phi công Mỹ đặt cho cái biệt danh là "Hanoi Hilton". Vào dịp lễ Giáng sinh năm đó, nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho một số phóng viên Anh, Pháp, Mỹ tiếp xúc với tù binh, John McCain trả lời phỏng vấn: "Tôi được đối xử tử tế, chữa lành các vết thương và phục hồi sức khỏe tốt".

John McCain năm 1965

Ông McCain, dưới cùng bên phải, vào năm 1965 với phi đội Hải quân Hoa Kỳ. Ảnh NY Times

Theo thỏa ước của hiệp định Paris 1973 về Việt Nam, ngày 14 tháng 3 năm 1973, sau 5 năm rưỡi trong thân phận tù binh, McCain cùng hơn 600 giặc lái Hoa Kỳ được rời Hà Nội về cố quốc.

Chỉ hơn tháng sau khi về Mỹ, ông ta đã nhiều lần cáo buộc chính sách đối với tù binh Mỹ của chính quyền Hà nội rất là tồi tệ: “Cộng sản Bắc Việt từ chối chữa trị các vết thương của tôi. Thậm chí, họ còn đánh vào những nơi bị gãy xương để buộc tôi cung khai. Bị giam chung một phòng với hai người Mỹ khác và hai người này không nghĩ rằng ông có thể sống sót trong vòng một tuần lễ. Dưới sức ép của thế giới văn minh, cộng sản Bắc Việt buộc phải đưa tôi vào bệnh viện nhưng không hề chữa trị, không cung cấp thuốc men. Các vết thương của tôi đều tự lành! Do báo chí tiết lộ thân phận của tôi là con của Đô đốc Hải quân Mỹ, để gây áp lực với bố tôi, cộng sản Bắc Việt trói ngược 2 tay tôi về phía sau rồi treo lên bằng dây thừng. Mỗi lần treo 120 phút, 6 lần mỗi ngày suốt 6 tháng. Tôi vẫn kiên cường, không phản bội nước Mỹ. Vậy là họ biệt giam tôi vào ngục tối cùng với rắn rết trong 2 năm. Một chương trình tra tấn khắc nghiệt được thực hiện lên người tôi trong lúc tôi đang bị bệnh kiết lỵ”. Bị nhiều vết thương hơn đã khiến cho ông bắt đầu tìm cách tự vận nhưng được những người canh giữ ngăn chặn, buộc McCain phải ký vào "giấy tự thú" tuyên truyền chống Mỹ. Ông luôn cảm nhận rằng lời thú tội đó không có giá trị, nhưng sau này ông viết ra: “Tôi đã học được những gì mà tất cả chúng tôi đã học được tại đó: mọi người đều có một thời điểm nào đó phải buông xuôi. Tôi đã tới thời điểm buông xuôi của tôi”. McCain nói những tù binh Mỹ khác cũng bị tra tấn và đối xử tệ để lấy "lời thú nhận tội" và những lời tuyên bố mang tính tuyên truyền. Gần như tất cả tù binh cuối cùng cũng phải khuất phục một phần nào đó trước những người bắt họ. Vì tiếp tục từ chối ký thêm các bản tự thú khác, McCain còn bị đánh mỗi tuần ba lần. Giữa năm 1968, cha ông, Đô đốc John S. McCain, Jr. được bổ nhiệm làm tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại chiến trường Việt Nam, thì Bắc Việt đề nghị thả McCain sớm vì muốn thực hiện mục đích tuyên truyền chứng tỏ sự khoan hồng với những người có vị thế như McCain được đối xử một cách ưu tiên. McCain từ chối đề nghị này; ông chỉ chấp nhận lời đề nghị nếu như tất cả các tù binh bị bắt trước ông cũng đều được thả. Theo luật về tù binh, việc thả tù sớm như thế bị cấm vì để tránh bị kẻ thù sử dụng tù binh cho mục đích tuyên truyền, các sĩ quan phải đồng ý được trả tự do theo thứ tự ngày bị bắt. McCain từ chối gặp vô số các nhóm phản chiến mưu tìm hòa bình tại Hà Nội vì không muốn cho họ và những người Việt Nam một chiến thắng về mặt tuyên truyền. Từ cuối năm 1969 trở đi, việc đối xử với tù binh khác có phần dễ chịu hơn, trong khi đó McCain tiếp tục chống đối nhà chức trách trại giam.

McCain và các tù binh khác reo hò cổ vũ cho chiến dịch dội bom của Hoa Kỳ trong dịp lễ giáng sinh năm 1972 vì xem đó như một hành động mạnh tay bắt đối phương phải tuân theo điều kiện của Hoa Kỳ. Thậm chí McCain đặt điều trắng trợn: "Chính mắt tôi nhìn thấy các tù binh sỹ quan Mỹ bị giam giữ trong hệ thống đường hầm dưới lăng mộ của Hồ Chí Minh". POW-MIA là sản phẩm của ông ta.

Nhiều bạn tù lên tiếng phản đối vì sự tiền hậu bất nhất của ông. Tất nhiên là McCain không chịu đối mặt với họ. Thiếu tá Hải quân David Wheat là bạn tù với McCain tại nhà giam Hỏa Lò, trả lời BBC tiếng Việt như sau: Vào tháng 10 năm 1965, tôi lái phi cơ làm nhiệm vụ ném bom một cây cầu ở Thái Nguyên để chặn đường tiếp tế từ Trung Quốc sang. Khi phi cơ của chúng tôi bị trúng đạn thì tôi thấy là cần phải bấm nút để bật thoát ra ngoài. Và khi xuống đất rồi thì tôi tháo dây dù ra và bò ngược lên đồi, trốn trong bụi cây. Lúc đó tôi bị thương ở đầu gối, không đi được. Tôi nhìn thấy đồng đội của tôi  là Trung tá phi công trưởng Roderick Mayer bị thương rất nặng và vẫn còn dù gắn vào người anh ta. Khi dân quân phát hiện ra tôi thì họ lục soát xem trong người có gì hay không và dẫn đi. Có người nhổ nước bọt vào tôi. Có hai dân quân đỡ tôi để đi lên đồi và sau đó họ kiếm được một cái cáng và đưa tôi đi. Rồi từ làng này qua làng khác và rốt cuộc là dùng xe quân sự chở tôi về Hỏa Lò hay còn gọi là ''khách sạn Hilton'' vào một buổi sớm. Tôi được đưa vào một phòng giam khoảng 12 foot vuông (khoảng 3.5 mét vuông), trong phòng không có gì cả. Chỉ là nền gạch đỏ và tôi nằm xuống ngủ vì tôi mệt quá. Chẳng bao lâu sau thì họ hỏi cung tôi. Vào thời điểm đó là giai đoạn kể như đầu tiên của tù binh chiến tranh nên những gì tôi khai họ cũng không biết thực hư thế nào. Một ngày hỏi cung hai lần, một lần vào khoảng 10 giờ sáng và một lần vào khoảng 5 giờ chiều. Những ngày dài sau đó tôi nghĩ nhiều nhất là ngày tự do. Cả ngày chẳng có việc gì làm nên cũng chỉ nghĩ ngợi là khi ra tù thì mình sẽ đi đâu, làm gì. Vì tôi độc thân khi đó nên tôi nghĩ về căn nhà mình xây sau này cho mình sẽ thế nào. Rèm cửa kiểu cách ra sao. Chủ đề này có thể giúp tôi nghĩ ngợi khoảng một tháng. Rồi cũng rất chán và không thể ép mình nghĩ mãi về một chủ đề. Đôi khi nằm mơ ra cái gì đó khác như xe hơi chẳng hạn thì lại nghĩ về đi du lịch. Cứ như thế và rồi khi chán thì lại quay lại nghĩ về chủ đề cũ là xây nhà mà mình đã nghĩ vài tuần trước. Đôi khi ngồi quan sát xem con nhện nó bắt ruồi thế nào. Và chán quá nữa thì ngồi giết một vài con kiến để rồi gây náo loạn cho cả đàn kiến đang di chuyển phải đổi hướng đi. Hoặc xem kiến mang thức ăn về tổ thế nào. Trong suốt thời gian ở tù thì tôi không có vấn đề gì về thần kinh. Về thể lực cũng không bị ảnh hưởng đáng kể gì. Nhưng tôi bị áp xe răng vào năm cuối ở tù nên một bên mặt tôi bị sưng vù rồi sau đó đỡ hơn. Khi hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973 thì một trong các điều khoản là phải thông báo cho tù binh chiến tranh là họ sẽ được thả. Và chúng tôi được thông báo là họ sẽ sớm thả chúng tôi nhưng không biết sớm là thế nào. Sau đó khoảng hai tuần thì chúng tôi được thả (tất nhiên là Wheat được ra tù trước McCain một tháng). Và đêm trước hôm thả chúng tôi thì họ tập trung tất cả vào một khu và phân phát quần áo dân sự, tất, giày... Rồi sáng hôm đó họ đưa chúng tôi ra sân bay bằng xe buýt. Lúc đó chúng tôi cũng chưa vui vì vẫn còn nằm trong sự kiểm soát của họ. Sau đó khi ra sân bay rồi thì chúng tôi được trao cho quân nhân Mỹ để lên phi cơ. Chỉ khi máy bay ra đường băng và bắt đầu cất cánh thì tôi mới thấy thở phào là sau 7 năm rưỡi thì cuối cùng cảm thấy giây phút đang trở về quê hương mình. Cuộc chiến Việt Nam có thể xem là có dài ngày đối với tù binh chiến tranh so với các cuộc chiến khác như Triều Tiên. Năm 2013, tôi và vợ tôi trở lại Việt Nam. Khi máy bay hạ cánh ở sân bay Nội Bài thì tôi có cảm giác khó tả vì chẳng biết điều gì sẽ xảy ra ở một nước Cộng sản cả. Chúng tôi đi taxi khá dễ chịu về khách sạn ở Hà Nội và chúng tôi nghỉ tại một khách sạn rất đẹp. Sau đó thì chúng tôi bàn tới chuyện là phải quay lại “khách sạn Hilton” và tôi đi qua cổng chính nhà tù, cái cổng mà tôi đã ra rồi lại vào ít nhất là bốn lần. Tôi rẽ phải và đi vào chính nơi tôi từng bị giam. Tất nhiên là phòng giam có thay đổi so với trước đây bởi người ta mở rộng ra thành phòng lớn hơn (sau hiệp định Paris 1973) nhưng tôi vẫn nhớ như in chỗ mà tôi hay đứng, hay ngồi. Rồi chúng tôi đi sang khu trưng bày hiện vật và một phòng giam mà người ta tái hiện lại. Trong đó có một cái giường đơn cho một người nằm. Nhưng thời gian chúng tôi bị giam ở đó thì không có giường, tức là tôi ngủ trên nền bê tông. Rồi có một cậu hướng dẫn cho du khách tham quan kể về những gì đã xảy ra ở đây. Tôi bảo cậu ấy rằng “Này cậu, tôi đã từng ở đây và tôi biết cái gì là sự thật, cái gì không". Đó là lần ghé thăm thú vị và tôi vui là vợ tôi biết được nơi tôi từng bị giam tại đây. Tôi muốn nói tiếp rằng chuyến thăm của chúng tôi tới nhiều nơi ở Việt Nam, từ Hà Nội tới Huế, Đà Nẵng, rồi một số nơi ở miền Nam, và Sài Gòn thì mọi thứ thật tuyệt. Mọi người đều chăm chỉ làm việc và bận rộn kiếm sống. Có những tour du lịch cho người ít tiền và người giàu có hơn. Đối với chúng tôi đó là chuyến đi thật tuyệt vời.

Trung tá phi công hải quân Walter Eugene Wilber lái chiến đấu cơ F- 4J Phantom II, bị bắn rơi ngày 16/6/1968, người bạn đồng hành Bernard Francis Rupinsk chết, còn Walter Eugene Wilber kịp nhảy dù xuống cánh đồng miền Trung và bị bắt. Sau khi được chữa trị vết thương, hồi phục sức khỏe và  đưa về trại giam Hỏa Lò. Gần 5 năm sống trong các trại giam tù binh phi công Mỹ ở Hà Nội. Trở về Mỹ, những lá thư gửi cho vợ con và bạn bè thời gian ông ở tù được gia đình lưu giữ, ông gửi sang Việt Nam nhằm cải chính những lời nói sai sự thật: “Tôi không bị tra tấn, mặc dù được đối xử không thân thiện lắm. Tôi không hề bị đánh đập hay bị đối xử tàn nhẫn như những gì chúng tôi tưởng tượng trước đó”.

Nhiều giặc lái pháo đài bay B52 bị bắt tỏ ra vô cùng hối hận. Trung tá William W. Conlee, sỹ quan điện tử trên pháo đài bay, thừa nhận:

“Chúng tôi được đến tận nơi xem một dãy phố dài, một bệnh viện lớn. Chúng tôi rất ngạc nhiên và rất hổ thẹn. Chúng tôi bị cấp trên lừa. Tôi cứ nhớ mãi quang cảnh những hố bom giữa Hà Nội. Cái bảng lớn đề những dòng chữ màu đỏ và đen: “Đời đời ghi xương khắc cốt tội ác của giặc Mỹ” cứ ám ảnh tôi. Tôi biết rằng người Việt Nam lúc bắt tôi dù có đánh và xé xác tôi ra, chúng tôi cũng phải chịu. Thế nhưng các ông không đối xử như thế. Vào đến đây, mọi suy nghĩ của chúng tôi bị đảo lộn. Đảo ngược hẳn. Cứ muốn giữ những hiểu biết và quan niệm cũ, nhưng thực tế lại khác. Đất nước chúng tôi trải qua một thời kỳ xấu, rất xấu”.

Tất nhiên là những hồ sơ tù binh phi công Mỹ vẫn còn nguyên trong kho lưu trữ của Việt Nam.        

Năm 1982 John McCain được bầu vào Hạ viện Hoa Kỳ. Sau khi phục vụ hai nhiệm kỳ tại đó, ông được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ đại diện cho bang Arizona vào năm 1986 và tái đắc cử Thượng nghị sĩ 6 khóa liền tới khi qua đời. Năm 2000, trong số những người Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống, McCain tuyên bố: "Tôi căm ghét bọn gook (Gook là từ miệt thị, phân biệt chủng tộc dành cho người da vàng Đông Á), tôi căm ghét chúng đến chừng nào tôi còn sống. Tôi nói đến những quản giáo ở nhà tù của tôi, và tôi sẽ tiếp tục gọi chúng bằng ngôn ngữ có thể sẽ xúc phạm một số người vì đã đánh đập và tra tấn bạn bè tôi. Gook là tên gọi tử tế nhất tôi có thể dành cho chúng". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng chấn chỉnh ngay: “Thực tế ông John McCain đã sử dụng những từ ngữ như vậy và đưa ra những tuyên bố không thiện chí đã làm tổn thương người Việt Nam và người châu Á. Tuyên bố này không xứng đáng với một Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, đặc biệt là một Thượng nghị sĩ đang tranh cử Tổng thống. Điều này rõ ràng là không mang lại sự tín nhiệm cho bản thân ông ta và cũng không có lợi cho chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Trong quan hệ với các quốc gia từng thù hận với Việt Nam, chính sách của chúng tôi là tạm thời gạt bỏ quá khứ, hướng về tương lai và hợp tác phát triển hỗ tương. Chúng tôi nghĩ phía Hoa Kỳ biết rõ điều này. Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ đã đem đến nhiều tội ác và đau khổ lên nhân dân Việt Nam. Chính nhân dân Việt Nam có quyền nói về những điều này. Đó là chương buồn trong lịch sử quan hệ giữa hai nước”.

McCain còn bị dư luận thế giới chỉ trích vì ủng hộ chính sách diều hâu hiếu chiến của chính phủ Mỹ như ủng hộ các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ, từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên từ những năm 1990 cho đến những cuộc xâm lược Iraq, Libya và Afghanistan, những cuộc chiến đã giết hại gần một triệu người. Ông cũng trong số người ủng hộ Israel mở các chiến dịch quân sự chống lại người Palestine, giết chết hàng nghìn người.

Dù sao thì Thượng nghị sỹ John McCain đã cùng Thượng nghị sỹ John Kerry có nhiều đóng góp ngay từ đầu vào việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. McCain trở lại Việt Nam nhiều lần, có lần cùng con trai đến thăm Bảo tàng Nhà tù Hỏa Lò, nhìn tận mắt bộ quần áo phi công chiến đấu lúc ông bị bắt còn trưng bày ở đó. Ông chia sẻ: “Tôi rất cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đối xử tốt với tôi, một người đã từng tham chiến ở Việt Nam”. Vị Đại tá trưởng trại giam Hỏa Lò năm xưa nhớ lại: “Thời gian đó ông John McCain thường dạy tiếng Anh cho tôi vào thứ bảy, chủ nhật. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi hay ngồi tán gẫu với nhau như hai người đàn ông ngoài đời, thậm chí hỏi cả chuyện tán gái”. Không ai nhắc lại những chuyện buồn đã qua. McCain nói đây là một đất nước xinh đẹp, và cảm thấy vui mừng vì Mỹ và Việt Nam có nhiều nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp từ đống đổ nát của cuộc chiến tranh gây đau thương cho cả hai phía. Theo ông, dù còn bất đồng trên một số quan điểm nhưng mối quan hệ đối đầu cũ giữa hai bên nay được thay thế bằng những niềm hy vọng mới về hợp tác kinh tế, thương mại và cả quốc phòng, an ninh vào thời điểm 40 năm sau ngày các lính Mỹ rời khỏi Việt Nam. Ông hối thúc hai bên khởi động các vấn đề nhân đạo như rà phá vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, hỗ trợ những người bị khuyết tật do hậu quả chiến tranh, tẩy độc tại các khu vực bị nhiễm dioxin và thực thi pháp luật, cả chuyện rắc rối về nhập khẩu cá da trơn... Phía Việt Nam ghi nhận thiện chí của ông.

Song song với việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, John McCain trong cương vị Thượng nghị sĩ cũng có nhiều hoạt động cho cộng đồng người Việt tại Mỹ và luôn gặp gỡ, kích động bọn chống đối nhà nước ở Việt Nam, gây bạo lọan và lật đổ. Từ 2002 đến 2017, McCain tiếp đón, chiêu đãi hơn 40 đoàn dân chủ cuội Việt qua Mỹ tập huấn về kỹ năng tranh đấu dưới các vỏ bọc nhà báo, luật sư, du học tự túc… Mỗi lần qua Việt Nam ông đều tiếp xúc và làm chỗ dựa cho các phần tử phản động, chống đối nhà nước Việt Nam dưới  nhiều vỏ bọc. Phía Việt Nam đều biết và hiểu được những việc ông làm.

Trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, người Việt Nam đã trải nhiều thử thách để nhìn ra cốt lõi văn hóa Mỹ với nền tảng chính trị và luật pháp rất phức tạp, mà John McCain là sản phẩm hiện thân. Ông tự nói về mình: “Tôi phục vụ đất nước của mình và không phải lúc nào cũng đúng. Tôi đã mắc rất nhiều sai lầm, làm nhiều điều dại dột nhưng chỉ với mong muốn phục vụ đất nước. Và tôi hy vọng có thể thêm vào đó cụm từ “bằng tất cả danh dự”. Đúng là như thế. Tất cả những việc ông làm đều vì nước Mỹ vĩ đại của ông và cho cá nhân ông.

Những người Việt Nam lương thiện cũng chỉ mong muốn phục vụ đất nước của mình bằng những việc làm thiết thực để giữ gìn hòa bình, độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển đất nước, hội nhập bình đẳng với thế giới tiến bộ, văn minh. Đó là thước đo để dánh giá tư cách một công dân Việt Nam chân chính lúc này.  

Tên cơ hội Osin Huy Đức viết láo thế này: "Nhờ những nhân cách như John McCain mà Hà Nội đã dần hoà giải được với Washington. Trong khi, người Việt vẫn chưa có những nhân cách đủ lớn để giúp hai phía Việt Nam hoà giải". Ngày 30/4/1975, thằng San mới 13 tuổi. “Toa” (Toi – người viết không muốn dùng thực ngữ Việt ở đây, để bạn đọc tự phát ngôn theo ý của mình), hãy về xứ Nghệ Tĩnh, tìm hỏi sự thật qua các bậc cha chú, anh chị từng không chỉ một lần đi lùng sục bắt “giặc lái Mỹ” ngày nào: Trước bao nhiêu mất mát đau thương mà tại sao những tên “tội phạm chiến tranh” (criminal of war) vẫn được bảo toàn mạng sống? Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn ngặt nghèo thời chiến mà lo chuyện ăn cho đám “voi tù” ấy được sống, được vui lên chờ ngày hồi hương là cả một quá trình kiên trì kìm nén không kém gian nan đối với những người là nạn nhân của chúng!

Người viết sưu tra giúp bạn đọc nhớ lại chuyện “cổ tích” chưa xa:

Chế độ ăn với sĩ quan cấp thượng tá, đại tá của ta khi đó chỉ có 1,2 đồng/ngày, nhưng tù binh phi công Mỹ được hưởng suất ăn 1,6 đồng/ngày. Tên nào gầy yếu, ốm đau sẽ được Ban chỉ huy trại quyết định cho ăn chế độ bồi dưỡng đặc biệt 3,2 đồng/ngày, sau lên tới 7 đồng/ngày (những năm 1970 đồng tiền ở miền Bắc rất có giá trị: một bát phở ngon giá 3 hào, một que kem ở Bờ Hồ giá 5 xu…). Một nữ tiếp phẩm chuyên trách lo cho đám tù binh phi công Mỹ kể rằng: “Mua thức ăn cho bộ đội ta, chỉ cần chất lượng điểm 5-6 là được rồi, nhưng mua cho phi công Mỹ, chất lượng phải đạt chuẩn 10. Thời đó, tôi đội mưa bom bão đạn đi tận từng làng để đặt mua đồ ăn ngon lo cho họ. Thức ăn thường là gà tây, thịt bò, chuối tiêu...”. Cán bộ chiến sĩ của trại được xác định rõ: Đảm bảo tốt sức khỏe cho đám tù binh này là một nhiệm vụ đặc biệt!

Chỉ kẻ vong nô mới không nhận ra đâu chính đâu tà, nhắm mắt nói càn về nhân dân mình, tổ quốc của mình. Nếu mục tiêu chiến đấu không vì đại nghĩa quốc gia dân tộc thì không thể có sự biết người biết mình để nhẫn nhịn chịu kham khổ hy sinh như thế.

Từ năm 1964 đến 1973, hàng bao nhiêu ngàn lượt máy bay Mỹ từ bốn phương tám hướng xúm lại, dội hàng triệu tấn bom, phá nát đường sá, cầu cảng, bến bãi, làng quê, phố phường, nhà thương, trường học trên một thẻo đất hẹp miền Bắc Việt Nam, giết hại hằng hà người vô tội, bất kể già, trẻ, gái, trai, gây bao đau thương tang tóc.

Chiến Dịch Sấm RềnB-52

Mấy ngàn chiếc máy bay bị bắn hạ, rơi giữa phố phường, làng quê, đồng ruộng, biển rừng. Cả ngàn tên giặc lái chết tươi hoặc bị bắt sống. Tại điểm máy bay rơi bên bờ hồ Trúc Bạch là đắc địa nhất để người Hà Nội dựng một bức phù điêu bắt giặc lái Mỹ như một chứng tích lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc thời nay.

Bia tưởng niệm B-52 bên hồ Trúc Bạch

Bia tưởng niệm B-52 bên hồ Trúc Bạch. Ảnh wikiwand.com

Đó là biểu tượng của những chiến công mà cũng là bia căm thù nhắc nhở muôn đời sau ghi nhớ. Nếu như có liên quan tới một cá nhân thì đó là sự ngẫu nhiên trùng hợp. Chỉ lũ vong bản mới đòi phá bỏ di tích ấy đi!

Sống hiếu hòa – đấy là truyền thống quý báu của dân ta. Trong cách đối nhân sử thế ông bà ta thường dạy: “Lấy ân trả oán, oán ấy tiêu vong. Lấy oán trả oán, oán ấy trùng trùng”. Nhờ thế mà bao lần vượt được lên mọi sóng gió can qua, nước lại được hòa, dân lại được yên. Tuy nhiên muốn có sự yên hòa bền vững để nước non hưng thịnh phải dày công gây xây và giáo huấn. Phải trái phân minh mới có nghĩa tình đầy đủ. Chân thành và thiện chí mới hòa giải hòa hợp được. Điều này ông John McCain cho một tấm gương. Bằng thiện chí chân thành, từ kẻ thù ông đã thành người bạn tốt có những đóng góp thiết thực cho Việt Nam. Cuộc đời thăng trầm của ông suy cho cùng cũng chỉ là nạn nhân của những cái đầu Mỹ hiếu chiến, mà cuối cùng đã cay đắng nhận ra. McNamara viết: “Cách nhìn nhận của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự dốt nát sâu sắc của chúng ta về lịch sử, văn hoá và chính trị của nhân dân Việt Nam, cũng như về nhân cách và tập quán của các nhà lãnh đạo của họ”. (Nhìn lại quá khứ: Bi kịch và những bài học từ Việt Nam – In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam) và Kissinger viết tương tự: “Phần lớn thất bại ở Việt Nam do chúng ta (người Mỹ) gây ra cho chính mình. Miền Bắc đã có mục tiêu rõ ràng: thống nhất đất nước và niềm tin tuyệt đối vào chủ trương ấy” (Vietnam failures our own fault: Thất bại ở Việt Nam và sai lầm của chúng ta).

Thế nhưng tên San hô và một phường “mạt cưa mướp đắng” học được ở người những gì mà tìm mọi cơ hội kích động cho cái âm mưu ngu xuẩn: “Thoát Trung, phò Mỹ, bỏ cờ đỏ, dựng cờ vàng”? Lá cờ ở đâu thoạt đầu cũng chỉ là mảnh vải. Vần đề là nó xuất hiện trong hoàn cảnh nào và những người đồng hành dưới cờ đã làm gì để phả được hồn thiêng vào nó.

Người lãnh đạo quốc gia hẳn nhiên phải biết những ai muốn làm bá chủ hoàn cầu. Đó là chuyện của người ta. Nhưng có làm được hay không và làm được tới đâu lại là chuyện khác. Người Việt Nam đã từng trải trong mối quan hệ với không chỉ một nước từng là nỗi kinh hoàng khiếp phục với nhiều dân tộc. Hạt giống Tự do – Bình đẳng – Bác ái được dòng dõi nhà Grandée reo rắc mấy thế kỷ nay, đã làm cho các dân tộc ở Đông Dương khốn khổ thế nào và bước sang thế kỷ XXI rồi mà 14 nước châu Phi vẫn chưa ngóc đầu lên được bởi cái gông nợ nần truyền kiếp! Tư tưởng bành trướng đã thành “gien” di truyền của ông bạn láng giềng vĩ đại gây nhiều ân oán nhưng cũng có mối quan hệ văn hóa sâu đậm và từng một thời chia sẻ gánh nặng cùng ta. Ông bạn ở bên kia Đại Tây Dương chưa lấy được gì của Việt Nam nhưng để lại những di họa chiến tranh khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử loài người và chủ nghĩa thực dụng của họ cũng gây bao điều ai oán cho nhiều dân tộc, không loại trừ với cả những người bản xứ bán mình cho họ! Ông bạn một thời “làm rung chuyển nước Mỹ” để lại trong lòng nhân dân Việt Nam nhiều ấn tượng tốt đẹp tuy nhiên vẫn có những điểm mờ mà người làm chính trị chuyên nghiệp không thể không thấy được.

Hợp tác bình đẳng với tất cả nhưng không để bị lợi dụng, không dùng lãnh thổ của mình để chống lại nước thứ ba – Đấy là cách để tồn tại trong thế giới đảo điên này. Làm điều chính nghĩa và lấy dân làm gốc để xây dựng một nước Việt Nam Hòa bình – Thống nhất – Độc lập – Tự do – Tự chủ – Tự cường – Đoàn kết – Hữu nghị – Bình đẳng – Nhân ái – Phát triển – Văn minh, là cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo tinh thần ấy, đã có được một nước Việt Nam hôm nay. Tất nhiên nhiệm vụ lịch sử lúc này đặt ra nặng nề hơn nhiều. Thế giới càng hội nhập các quốc gia càng giàng buộc lẫn nhau. Giữ được tính độc lập dù chỉ là tương đối trong mối quan hệ ấy đòi hỏi bản lĩnh của nhà lãnh đạo và tinh thần trách nhiệm công dân của mỗi cộng đồng.

Di chúc Bác Hồ như đã thuộc lòng. Lời dặn thiết thực nhất “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và cần thiết” liên quan mật thiết tới sự tồn vong của quốc gia dân tộc, không ai quên nhưng làm chiếu lệ!

Càng thấy lời dạy của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo sâu xa mà thiết thực: “Khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm như gió như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà như tầm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị”. Việc trị nước lúc này rất khó. Khó cả trong lẫn ngoài. Cái TÀI không thể thiếu nhưng không khó tìm và nó rất vô cùng. Cái ĐỨC càng khó vì nó tuy cụ thể nhưng lại rất mơ hồ và luôn biến động. Việc đào tạo một đội ngũ lãnh đạo có tâm có tầm, đang là cấp thiết với sự thận trọng qua thử thách và thường xuyên phải được kiểm tra, đồng thời phải biết nhìn xa. “Hồng và Chuyên” nói quá nhiều mà không thấm, vì sao? Với người trị quốc, tiền nhân ta đã chỉ ra những điều thiết thực: Cần – Kiệm – Liêm – Chính – Chí công – Vô tư – Nên cẩn thận như nơi củi lửa – Nên giữ gìn như kẻ húp canh – Không nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước – Khoan thư sức dân là kế sâu rễ bền gốc.

Đó là trọng trách của những người quản lý quốc gia.

Thành phố Hồ Chí Minh

ngày 10 tháng 9 năm 2018

Nguyễn Văn Thịnh