Nguyên Nhân Cuộc Chiến Việt Nam 1955-1975

Nguyên Nhân Cuộc Chiến Việt Nam 1955-1975

Trần Văn Xẻn

http://sachhiem.net/LICHSU/TR/TranVanXen.php

27-Apr-2018

Khi Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ (1954) thì lẽ ra Pháp phải nhường quyền lãnh đạo cả nước cho Việt Minh, chứ không chỉ nhường một nửa đất nước với lời hứa (cuội) sẽ có một cuộc tổng tuyển cử thống nhất 2 năm sau đó.

Tuy cuộc chiến kết thúc từ năm 1975 nhưng có nhiều người vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây ra cuộc chiến. Những người này không chịu tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến mà chỉ tin vào những gì mình đã tin, dù niềm tin đó có thể đến từ một quá trình thu nhận thông tin sai lệch từ sách báo, từ những tuyên truyền sai sự thật. Chính vì thu nhận những thông tin sai lệch nên dẫn đến cái nhìn phiến diện, chủ quan và kết quả là họ đã hiểu sai, thù hận sai mà không biết rằng tất cả đều là nạn nhân của những người đích thực gây ra cuộc chiến.

Thật vậy, để có cái nhìn thấu đáo và đúng đắn nhất về các sự kiện lịch sử chúng ta phải tìm hiểu trên mọi phương diện. Phải can đảm đối diện với sự thật, dù sự thật đó trái với những điều mà chúng ta tin tưởng. Phải thật sáng suốt và khách quan để nhận chân sự thật. Có vậy, mới thắng được cái “vô minh” và tiến tới ánh sáng của chân lý.   

Trong quá trình tìm hiểu lịch sử đất nước, người viết đã cố gắng nghiên cứu tìm ra nguyên nhân cuộc chiến trên danh nghĩa một người Việt Nam độc lập: không bị ảnh hưởng của bất cứ một ý thức hệ, chế độ, lãnh tụ hay đảng phái chính trị nào.

Bài viết được đúc kết từ nhiều nguồn tư liệu khả tín của các sử gia kỳ cựu nước ngoài để bảo đảm tính trung thực cho sự kiện lịch sử gây nhiều tranh cãi này. Bài viết không dựa vào bất cứ sách giáo khoa lịch sử nào để giữ vững tính khách quan của nó.

Khi nói về cuộc chiến, chúng ta thường thấy hai quan điểm:

► Quan điểm thứ nhất:

Nếu đất nước đã chia đôi thì miền nào ấy sống, tại sao người miền Bắc lại vượt Trường Sơn xâm chiếm miền Nam? Họ còn thành lập một trái độn là Mặt trận Giải phóng miền Nam (MTGPMN) để dễ bề tiến hành chiến tranh xâm lược và bành trướng chủ nghĩa cộng sản. Sự hiện diện của người Mỹ và một số nước khác là để giúp Việt Nam Cộng hòa (VNCH) chống lại sự xâm lược này. Do đó, tuy chiến tranh đã kết thúc nhưng những người có quan điểm này vẫn còn căm thù kẻ chiến thắng.

► Quan điểm thứ hai:

Mỹ đang xâm phạm miền Nam. Người Mỹ dựng lên những chính phủ VNCH bù nhìn để dễ thực hiện ý đồ xâm lược, khiến dân chúng hết sức lầm than và cơ cực. Những người bất phục và bất đồng chính kiến với chính phủ Việt Nam Cộng hòa đứng lên thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam để dành lại độc lập, tự do. Miền Bắc, vì tình cốt nhục, phải chi viện và giúp miền Nam đánh đuổi đế quốc Mỹ và lật đổ các chính phủ bù nhìn để giải phóng miền Nam và đồng thời thống nhất đất nước.

Vì sự khác biệt về quan điểm này mà hai bên vẫn chưa thỏa hiệp được với nhau. Mục đích của bài viết này là phân tích rõ sự thật, trên cơ sở tập họp những tư liệu lịch sử, và san bằng sự khác biệt để giúp người Việt hiểu đúng mà chấm dứt hận thù, cùng nhau xây dựng đất nước.

Ngược dòng lịch sử, trước hiệp định Geneve 1954, Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Pháp lập ra nhiều chính phủ bù nhìn cho cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng và tên nước là Quốc gia Việt Nam (sau đổi thành Việt Nam Cộng hòa dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1954). Để duy trì chế độ thuộc địa, Pháp giữ quyền kiểm soát tài chính, thương mại, chính sách đối ngoại và quân sự của Quốc gia Việt Nam (QGVN). [1] Chính phủ Quốc gia Việt Nam chẳng có một chút quyền hành thực sự nào. Nói cách khác, Quốc gia Việt Nam thực chất chỉ là sự ngụy trang cho nền cai trị của Pháp. [2]

Với tinh thần yêu nước, nhiều phong trào kháng chiến chống Pháp bùng phát như phong trào Cần Vương (1885-1896), khởi nghĩa Ba Đình của Phạm Bành và Đinh Công Tráng (1881-1887), Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật (1883-1892), Hương Khê của Phan Đình Phùng (1885-1895), Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, phong trào cách mạng Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học (1927-1930), phong trào Duy Tân và Đông Du của Phan Bội Châu (1904-1908), cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, lực lượng vũ trang Cao Đài của Phạm Công Tắc, Hòa Hảo của Huỳnh Phú Sổ, mặt trận Việt Minh của Hồ Chí Minh.

Image result for hình ảnh hoàng hoa thám  Description: Đội trưởng Nghĩa quân và những người lính luyện tập bắn súng. 

Hoàng Hoa Thám, "Hùm thiêng Yên Thế".
Đội trưởng nghĩa quân và những người lính luyện tập bắn súng.

Trong khi hầu hết các phong trào kháng chiến lần lượt bị dẹp tan thì mặt trận Việt Minh vẫn tồn tại và phát triển vì nhận được sự ủng hộ sâu rộng của quần chúng. Tướng Georges Revers, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp, được phái sang Việt Nam để nghiên cứu tình hình (tháng 5, 6 năm 1949) và sau đó đã viết: "Hồ Chí Minh đã có khả năng chống cự lại với sự can thiệp của Pháp lâu đến như thế, chính là vì nhà lãnh đạo Việt Minh đã biết tập hợp chung quanh mình một nhóm những người thực sự có năng lực… Ngược lại, Bảo Đại đã có một chính phủ gồm độ 20 đại biểu của toàn các đảng phái ma, trong số đó đảng mạnh nhất cũng khó mà đếm được 25 đảng viên".[3]

 

Tạ Quang Bửu, phía đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và tướng Pháp Henri Delteil, Quyền Tổng Tư lệnh Lực lượng Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương, Phái đoàn Pháp đang ký Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam

(Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Hiệp_định_Genève,_1954)

Tháng 5 năm 1954, Việt Minh đã đánh bại Pháp ở trận Điện Biên Phủ. Pháp đầu hàng và hội nghị Geneve được ký kết để Pháp rút đi trong danh dự.

Description: http://l.f31.img.vnecdn.net/2014/07/18/DSC-8398-1405641838_680x0.jpg

  Từ tháng 5/1954, quân viễn chinh Pháp cũng rút khỏi miền Bắc Việt Nam.

Hội nghị có 9 phái đoàn tham dự. Ngoài hai phái đoàn lâm chiến là Việt Minh và Pháp giữ vai trò quyết định, còn lại 7 phái đoàn khác giữ vai trò nhân chứng là Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Lào, Kampuchia, Quốc Gia Việt Nam (QGVN). QGVN tham dự như một truyền thừa của Pháp để sau này khi Pháp rút đi, QGVN sẽ được bàn giao chính quyền trong khuôn khổ hiệp định Geneve. Vì chỉ là bù nhìn nên QGVN, vốn không có thực lực trên phương diện chính trị và quân sự, không có quyền đưa ra ý kiến. “Hội viên chính thức của Hội nghị là 2 đoàn Pháp và Quân đội Nhân dân Việt Nam (đại diện cho bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Đại diện của Quân đội Quốc gia Việt Nam chỉ là bộ phận thứ yếu bên cạnh phái đoàn Pháp và theo giao kết thì chỉ có các trưởng phái đoàn Pháp và Quân đội Nhân dân Việt Nam phát biểu ý kiến. Mọi vấn đề đem ra thảo luận để quyết định với Việt Minh hoàn toàn do Pháp đưa ra, phái đoàn Quốc gia Việt Nam chỉ được thông báo sau đó. Trong các buổi họp thu hẹp, chỉ có các trưởng phái đoàn Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự, đại biểu của Quốc gia Việt Nam không được mời dù với tính cách quan sát viên. Tại hội nghị chỉ treo 2 lá cờ Pháp và cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.[4]  Theo nguyên tắc, ngoài hai nước đang lâm chiến, tất cả các quốc gia còn lại không có thẩm quyền trên sự hình thành hiệp định. Do đó không có quyền tẩy chay hiệp định, trong đó có Hoa Kỳ và QGVN.

Description: http://l.f31.img.vnecdn.net/2014/07/18/3-1405641056_680x0.jpg

Hội nghị Genève khai mạc ngày 26/4/1954.

Công bình mà nói, trong chiến tranh, kẻ bại trận phải nhường quyền lãnh đạo cho bên thắng trận. Cuộc chiến Việt Nam cũng vậy, khi Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ thì lẽ ra Pháp phải nhường quyền lãnh đạo cả nước cho Việt Minh, chứ không chỉ nhường một nửa đất nước với lời hứa sẽ có một cuộc tổng tuyển cử thống nhất 2 năm sau đó - cuộc tổng tuyển cử không bao giờ được thực hiện làm cho người Việt phải đánh đổi mấy triệu nhân mạng để thống nhất đất nước sau này. Đây là một việc làm tắc trách của các cường quốc vì đã gây ra một thảm họa quá nghiệt ngã cho dân tộc Việt Nam!          

Kết quả của hội nghị là Việt Nam tạm thời bị chia đôi ở vĩ tuyến 17: miền Bắc dành cho các lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam (Việt Minh), miền Nam dành cho tất cả các lực lượng thuộc Liên hiệp Pháp (QGVN).[5]  Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị ghi rõ: tình trạng chia cắt này chỉ là tạm thời cho đến khi cuộc tổng tuyển cử tự do thống nhất Việt Nam sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956, dưới sự kiểm soát của Ban Giám sát và kiểm soát Quốc tế đã nói trong Hiệp định đình chỉ chiến sự.[5] Kết thúc hội nghị, trưởng phái đoàn chính phủ Mỹ tuyên bố ghi nhận và cam kết tôn trọng quyết định của 9 nước thành viên hội nghị. Năm 1956, trước hạn bầu cử, Allen Dulles, giám đốc CIA thời đó, đệ trình lên tổng thống Hoa Kỳ là Eisenhower một báo cáo nếu để bầu cử diễn ra thì chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ thắng với 80% phiếu bầu[6] vì ông đang là một George Washington của Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ, dẫn đến việc Pháp trả lại độc lập cho Việt Nam.[7] Hoa Kỳ sợ rằng, nếu miền Bắc thắng cử thì chẳng những cả nước Việt Nam bị cộng sản hóa mà còn kéo theo các nước lân cận như Ai Lao, Cambodia, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Indonesia, Ấn Độ…theo như thuyết Domino của tòa Bạch ốc.[8] Nếu sự việc xảy ra như vậy thì quyền lực tư bản của Hoa Kỳ trên thị trường Đông Nam Á có thể bị đánh mất vì đây là một trong những khu vực giàu có nhất thế giới, đã mở ra cho kẻ nào thắng trận ở Đông Dương.[9] Hoa Kỳ, quốc gia hùng mạnh đang tìm cách bành trướng thế lực, đương nhiên không muốn đánh mất thị trường béo bở này.                                                                

Hoa kỳ vì không muốn mất thị trường Đông Nam Á, đã không cho Việt Nam thống nhất qua việc cổ súy Tổng thống (TT)  Ngô Đình Diệm bác bỏ tổng tuyển cử với chiêu bài “Ngăn chặn sự bành trướng của Chủ nghĩa cộng sản để bảo vệ tự do dân chủ cho miền Nam”. Thật ra, Hoa Kỳ không coi trọng nhân quyền hay nền dân chủ của các nước khác bằng quyền lợi của mình. Năm 1956, Allen Dulles đệ trình lên Tổng thống Mỹ Eisenhower báo cáo tiên đoán nếu bầu cử diễn ra thì "thắng lợi của Hồ Chí Minh sẽ như nước triều dâng không thể cản nổi". Ngô Đình Diệm chỉ có một lối thoát là tuyên bố không thi hành Hiệp định Genève. Được Mỹ khuyến khích, Ngô Đình Diệm kiên quyết từ chối tuyển cử. Mỹ muốn có một chính phủ chống Cộng tồn tại ở miền Nam Việt Nam, bất kể chính phủ đó có tôn trọng nền dân chủ hay không.[10] Điển hình là qua các triều đại chính phủ VNCH, dân chủ và nhân quyền luôn bị vi phạm mà chính phủ Mỹ vẫn làm ngơ. Qua bài học Việt Nam, chúng ta không nên quá tin vào chiêu bài “Tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền” của người Mỹ hay bất cứ nước nào trên thế giới. Nước mình, mình lo, đừng tin, đừng dựa vào bất cứ quốc gia nào khác. Tại sao người Việt không tìm cách ngồi lại với nhau để cùng lo việc nước, mà luôn dựa vào người Mỹ dù đã biết người Mỹ không thực lòng quan tâm đến tự do dân chủ của Việt nam? Người Mỹ đã vì quyền lợi của mình mà gây ra cuộc chiến Việt Nam, rồi cũng vì quyền lợi của mình mà bỏ rơi miền Nam trong cuộc chiến đó.

Như vậy, Cuộc tổng tuyển cử tự do cho việc thống nhất Việt Nam đã không được tổ chức.

Phần TT Ngô Đình Diệm, khi không muốn thi hành tổng tuyển cử, đã viện 2 lý do:

1). Quốc gia Việt Nam không có ký tên trong hiệp định

2). E ngại cuộc bầu cử không được trong sạch ở miền Bắc.

Lý do thứ nhất: “QGVN vì không có ký tên trong hiệp định nên không phải tuân hành quyết định của hội nghị” là một lý do không chính đáng, vì chính phủ QGVN chỉ là một chính phủ bù nhìn nên không đủ tư cách để phát biểu ý kiến hay ký kết trong hội nghị.[4] Khi QGVN nhận lại quyền cai trị miền nam từ tay người Pháp thì QGVN phải tôn trọng những gì Pháp đã ký kết. Đây có thể ví như việc một người mượn một số tiền của bạn để mở một cơ sở kinh doanh với lời hứa sẽ hoàn trả sau hai năm. Trước thời hạn hoàn trả, người mượn tiền bị bệnh qua đời sau khi chuyển nhượng cơ sở kinh doanh lại cho con. Khi thời hạn 2 năm đã đến, trên nguyên tắc, người con vẫn phải hoàn trả số tiền cho người đã cho mượn, chứ không thể lấy lý do vì không có ký tên mượn mà không hoàn trả số tiền. QGVN cũng vậy, khi được chuyển nhượng miền nam từ tay người Pháp thì QGVN có bổn phận phải thi hành điều khoản tổng tuyển cử mà Pháp đã ký hai năm trước đó, chứ không thể nói một cách vô trách nhiệm vì không có ký tên nên không thi hành hiệp định. Đây là hành động sai trái của TT Ngô Đình Diệm mà đa số người miền Nam không kịp nhận ra hay không dám nhận ra. Lúc đó, với hệ thống tuyên truyền đầy ác ý (tất nhiên sai sự thật), chính phủ Ngô Đình Diệm đã gieo vào đầu người miền Nam những hình ảnh xấu xa, tàn ác khi nói đến người cộng sản. Việc này làm một số người hiểu lầm, hoảng sợ và thù hận người cộng sản cho đến ngày hôm nay. Họ đâu biết rằng họ đã nghĩ sai về người cộng sản, những người đã đem xương máu đánh đuổi thực dân Pháp dành lại độc lập cho Việt Nam. Không như phần đông người Việt lúc đó chỉ an phận thủ thường, thậm chí có kẻ còn làm việc, làm tay sai cho Pháp để được hưởng nhiều bổng lộc. Nếu Việt Minh không thắng Pháp ở Điện Biên Phủ thì không biết đến bao giờ Việt Nam mới dành được độc lập? Nếu Việt Minh không thắng Pháp ở Điện Biên Phủ thì Pháp có trả lại miền Nam cho người miền Nam để Ngô Đình Diệm được làm Tổng thống hay không? Chắc chắn là không, Pháp sẽ không trả một tất đất nào cho Việt Nam cả. Vậy mà Ngô Đình Diệm, chẳng những không biết ơn người anh em bên kia chiến tuyến, mà còn muốn đất nước mãi chia đôi để làm vua một cõi. Nói về chủ nghĩa cộng sản, chúng ta nên biết chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa có mục đích giúp đỡ người nghèo và bảo vệ công nhân, nông dân thoát khỏi sự bóc lột của giới chủ nhân, địa chủ,[11] chứ không phải là một chủ nghĩa phi nhân (vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo) như một số người lầm tưởng. Dù mức độ khả thi của chủ nghĩa Cộng sản ra sao đi nữa, chúng ta cũng không thể phủ nhận tính chất rất nhân bản của chủ nghĩa vô cùng lý tưởng này.[11]

Description: http://l.f29.img.vnecdn.net/2014/07/18/DSC-8411-1405642181_680x0.jpg

 Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh chung với đại biểu quân sự  Ba Lan trong Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm sát đình chiến ở Việt Nam, 1954.

Lý do thứ hai: “Nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc”[12] lại là một cái cớ vô lý khác để không thi hành tổng tuyển cử vì cuộc bầu cử chưa được tiến hành thì làm sao biết trong sạch hay không? Theo hiệp định đình chỉ chiến sự, cuộc bầu cử sẽ được tiến hành dưới sự kiểm soát của ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế (Ấn Độ, Ba Lan và Canada).[5] Trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Hãng thông tin Mỹ U.P vào ngày 13/07/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là lời vu khống (những bình phẩm cho rằng: Trong trường hợp tổng tuyển cử toàn quốc, thì sẽ không có tuyển cử tự do ở miền Bắc) của những người không muốn thống nhất Việt Nam bằng tổng tuyển cử tự do. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bảo đảm tổng tuyển cử sẽ được hoàn toàn tự do ở miền Bắc Việt Nam...Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chủ trương tổ chức tổng tuyển cử tự do theo đúng ý nguyện của toàn dân Việt Nam".[13] Quốc tế đã không làm tròn trách nhiệm của mình khi không thúc đẩy miền Nam tham gia tổng tuyển cử mà chỉ thụ động đứng nhìn Tổng thống Eisenhower và TT Ngô Đình Diệm ngang nhiên bội ước và đưa dân tộc Việt Nam vào một cuộc chiến nồi da xáo thịt trong suốt 20 năm.

Hụt hẫng trước sự bội ước của miền nam, chính phủ miền bắc vẫn chờ đợi một cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước một cách hòa bình. Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Regards vào ngày 18/11/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chúng tôi thi hành triệt để các điều khoản đình chiến. Chúng tôi tiếc rằng các lực lượng Pháp (QGVN) không thi hành được như thế, mà còn làm trái nhiều là khác...Chúng tôi hết sức làm việc để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước Việt Nam...Chúng tôi phải ra sức xây dựng lại nền kinh tế của nước chúng tôi bị chiến tranh tàn phá và nâng cao đời sống của đồng bào chúng tôi, trước hết là của nhân dân lao động thành thị và thôn quê...[14] Trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Anh Rốt Xenxpô, báo Tin nhanh hàng ngày vào ngày 26/04/1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Hoà bình ở Việt Nam đang bị đe doạ vì Hiệp định Giơnevơ đang bị chính quyền miền Nam vi phạm nghiêm trọng...Chúng tôi sẽ dùng mọi biện pháp đấu tranh bằng đường lối hoà bình để Hiệp định Giơnevơ được thực hiện triệt để".[13]

Description: http://l.f32.img.vnecdn.net/2014/07/18/10-1405642327_680x0.jpg

Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam làm việc với Đoàn đại biểu quân sự Pháp trong Ban liên hợp chiến trường Liên khu V tại đèo Cù Mông, tỉnh Phú Yên về thi hành Hiệp định Genève, ngày 14/5/1955.

Trong khi tiến trình yêu cầu và từ chối đàm phán vẫn tiếp diễn, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) còn cố tái lập quan hệ thương mại giữa 2 miền để giúp "nhân dân hai vùng trao đổi kinh tế, văn hóa và xã hội, nhằm tạo thuận lợi cho việc khôi phục cuộc sống bình thường của người dân." Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (khoá II) dự kiến: "Muốn thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình, cần phải tiến hành thống nhất từng bước; từ chỗ tạm thời chia làm hai miền tiến đến chỗ thống nhất chưa hoàn toàn, từ chỗ thống nhất chưa hoàn toàn sẽ tiến đến chỗ thống nhất hoàn toàn." [15] Nhưng cũng như vấn đề bầu cử, chính quyền VNCH thậm chí còn từ chối cả việc thảo luận.

Trong khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa từ chối hiệp thương tổng tuyển cử tự do, đồng thời ra sức củng cố quyền lực, đàn áp khốc liệt những người kháng chiến cũ, cùng những Đảng viên Đảng Lao động trung thành còn lại ở miền Nam bằng những chiến dịch "tố cộng"-"diệt cộng", thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn chuẩn bị cho tổng tuyển cử và cố gắng theo đuổi các giải pháp hòa bình.[16]

Lo ngại trước việc những người kháng chiến cũ của chính quyền VNDCCH hoạt động bí mật tại miền Nam tiến hành hoạt động tuyên truyền và tổ chức quần chúng đấu tranh chính trị, chính phủ VNCH mở Chiến dịch "tố cộng, diệt cộng" từ mùa hè năm 1955. Chiến dịch này đã dẫn đến hàng nghìn người kháng chiến cũ bị bắt, bị giết, số còn lại phải chạy về các vùng chiến khu chống Pháp cũ để sống sót. Những người kháng chiến cũ đáp trả bằng cách ám sát các viên chức Việt Nam Cộng hòa qua các chiến dịch "diệt ác ôn" và tập hợp lại thành các đơn vị vũ trang quy mô trung đội, đại đội hoặc tiểu đoàn tấn công vào quân đội Việt Nam Cộng hoà. [17] Đến cuối năm 1959, Những người kháng chiến cũ ở miền Nam đã thay đổi từ phương thức đấu tranh chính trị với sự hỗ trợ của đấu tranh vũ trang sang đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị. Trong giai đoạn này, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được hình thành. Cũng trong năm 1959, đoàn cán bộ đầu tiên của VNDCCH dưới tên gọi Đoàn 559 bí mật vượt Trường Sơn vào chi viện cho miền Nam. Đặc biệt, luật 10-59 của TT Ngô Đình Diệm đã buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có những hỗ trợ cho những người Cộng sản ở miền nam Việt Nam”. [5] Từ đấy, chiến cuộc leo thang. Miền Nam đã gia tăng quân số lên đến 600.000, Mỹ và đồng minh 600.000 (tổng cộng 1.200.000); miền Bắc và MTGPMN tổng cộng 520.000 trong cả nước.[18]

Nói tóm lại, cuộc chiến khởi sự từ sự bội ước của TT Eisenhower và TT Ngô Đình Diệm khi không thi hành hiệp định Geneve tổ chức tổng tuyển cử . TT Eisenhower bội ước vì quyền lợi của nước Mỹ và tư bản Mỹ. TT Ngô Đình Diệm bội ước vì không thích chủ nghĩa Cộng sản và vì “khao khát quyền lực chuyên chế” theo nhận định của Tây phương.[5] Dù vì bất cứ lý do gì, bội ước vẫn là bội ước, và bội ước luôn dẫn đến thất bại vì đã đánh mất lòng tin nơi người khác. Vì sự bội ước này mà chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ VNCH đã chiến đấu trong vô vọng vì không thu phục được nhân tâm của người Việt lẫn người Mỹ.

Image result for hinh anh bieu tinh phan doi chien tranh Vietnam

Người biểu tình phản đối chiến tranh tập hợp bên bờ hồ Phản Chiếu tại Washington DC ngày 21/10/1967. (Ảnh: AP).

Trong khi hàng triệu người Mỹ xuống đường biểu tình chống chiến tranh thì 7 triệu tấn bom[19] và 75 triệu lít chất độc da cam[20] đã đổ xuống Việt Nam với kết quả trên 2 triệu người Việt Nam và 58.000 quân nhân Mỹ đã hy sinh, chưa kể 2 triệu người đã trở thành nạn nhân của chất độc da cam. [21] Nhưng rốt cuộc vũ khí tối tân nhất thế giới của người Mỹ đã không thể giúp họ thắng được cuộc chiến, vì theo các sử gia, đây là cuộc chiến mang tính dân tộc: sự độc lập và thống nhất của đất nước, sự ủng hộ của đa số nhân dân đã trở thành yếu tố quyết định giúp những người Cộng sản thắng lợi chứ không phải nhờ vào hệ tư tưởng hay ưu thế quân sự.[22] [23] [24] [25]  

Robert S. McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, một trong những người góp phần hoạch định chính sách Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam đã thừa nhận rằng: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi đã mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy”.[26]  

Khi chiến tranh đã được khởi động thì người ta khó mà dừng lại, một phần vì ảnh hưởng của sự tuyên truyền. Sự tuyên truyền đã làm lu mờ lý trí, làm người ta tưởng mình có chính nghĩa rồi hăng say chiến đấu. Thật ra, cả người lính Việt Nam Cộng hòa lẫn người bộ đội giải phóng quân đều là nạn nhân của những người gây ra cuộc chiến.

Bây giờ, chiến tranh đã chấm dứt, những người gây ra cuộc chiến cũng đã qua đời, tội tình gì chúng ta cứ mãi thù hằn nhau mà không lo xây dựng đất nước? Dẹp bỏ hiềm khích chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp trong tương lai chẳng phải tốt đẹp hơn sao?

Trần Văn Xẻn

__________

Bài viết trên này đã được đọc ở đây:

__________

Chú Thích:

1. The Vietnam War, Seeds of Conflict, 1945 - 1960, Accessed ngày 25 tháng 8 năm 2007

2. Why Viet Nam?: Prelude to America's Albatross, Archimedes L.A Patti, University of California Press, 1982, trang 398

3. Why Viet Nam?: Prelude to America's Albatross, Archimedes L.A Patti, University of    California Press, 1982, trang 399

4. Wikipedia, Hiệp định Geneve, 1954, section 6: Các hoạt động có liên quan.

5. Wikipedia, Vietnam War.

6. Dwight D. Eisenhower, Mandate for Change, 1953-56 (Garden City, NY: Doubleday &     Compnay, Inc., 1963), p. 372

7. Prologue To Epilogue In Vietnam, Mortimer T. Cohen, 1979, p.227 and 251. 

8. United States History, The Domino Theory

9. Félix Green, The Enemy: What Every American Should Know About Imperialism. Vintage Books, New York, 1971.

10. Cecil B. Currey. Chiến thắng bằng mọi giá. Nhà xuất bản Thế giới, trang 333

11. Wikipedia, Chủ nghĩa cộng sản.

12. The Reunification of Vietnam, President Ngo Dinh Diem’s broadcast declaration on the Geneva agreements and free elections (ngày 16 tháng 7 năm 1955), page 24, Vietnam bulletin

13. “Những cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của Bác Hồ (Phần 8)”. Truy cập 29 tháng 10 năm 2015.

14.  “Những cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của Bác Hồ (Phần 7)”. Truy cập 29 tháng 10 năm 2015.

15. Vietnam News Agency, 7 tháng 2 năm 1955

16. Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 31 tháng 12 năm 1959 kéo dài nhiệm kỳ của các đại biểu miền Nam trong quốc hội, website Bộ Tư pháp, truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2007

17. Lê Mậu Hãn (chủ biên), Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư..., Đại cương Lịch sử Việt Nam - Tập 3. Nhà xuất bản Giáo dục. Hà Nội. 2007. Trang 163-164.

18. Wikipedia, Chiến tranh Việt Nam.        

19. Libcom.org, 1957-1975: The Vietnam War

20. Wikipedia, Agent Orange

21. Wikipedia, Tổn thất nhân mạng Chiến tranh Việt Nam.

22. Mitchell K.Hall, The Vietnam War, Pearson Education, 2007, p. 3.

23. Michael Bibby, The Vietnam War and Postmodernity, Univ of Massachusetts Press, 2000, p. 202.

24. James Stuart Olson, Historical Dictionary of the 1970s, Published 1999, Greenwood Press, p. 350

25. Frances FitzGerald, Fire in the Lake - The Vietnamese and the Americans in Vietnam, Vintage Books, 1972, p.549.

26. Robert S. Mc Namara, The Tragedy and Lessons of Vietnam, Paperback – March 19, 1996

Trần Văn Xẻn

Nguồn: tác giả gửi cho tòa soạn sachhiem.net

Trang Thời Sự