Về Hai Bản Tuyên Ngôn Độc Lập

Về Hai Bản Tuyên Ngôn Độc Lập

Nguyễn Xuân Ba

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenXuanBa_01.php

21-Jan-2018

... Ông (Phạm Cao Dương) không đứng trên quan điểm khách quan, khoa học để luận về một sự kiện lịch sử, đã chú tâm đánh tráo khái niệm, lừa gạt người đọc, vì vậy cần phải phê phán, chỉ trích để mọi người nhận rõ, không mắc mưu, hiểu sai vấn đề. Tôi nghĩ với tư tưởng đó, ông Dương sẽ còn lợi dụng học hàm học vị của mình viết những bài xuyên tạc khác nữa.... (NXB)

Tác giả: Ông Phạm Cao Dương, GS.TS Lịch sử, hiện đang định cư ở Mỹ, có bài “Từ Bảo Đại đến Hồ Chí Minh: HAI BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP”. Nhận thấy cần có tiếng nói, tôi viết bài này.

Ông Dương viết:

Bản Tuyên ngôn này (Chú thích: Bản Tuyên ngôn Độc lập) đã được Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ở Hà Nội vào buổi chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, ngót năm tháng sau bản Tuyên ngôn của Bảo Đại, hơn hai tuần lễ sau khi Nhật Bản đầu hàng, mười ba ngày sau khi Việt Minh cướp được chính quyền ở Hà Nội và hai ngày sau khi Bảo Đại chính thức thoái vị. Vì được công bố sau bản Tuyên ngôn của Bảo Đại, sau khi người Nhật đã đầu hàng cũng như chế độ bảo hộ của người Pháp đã bị người Nhật lật đổ trước đó, bản Tuyên ngôn này đã bị nhiều người cho là thừa, không cần thiết.

Ông Dương: Bản Tuyên ngôn này đã bị nhiều người cho là thừa, không cần thiết, tán tụng bản Tuyên ngôn của Bảo Đại. Chúng ta thử xem Bảo Đại nói gì?

Nội dung bản Tuyên ngôn của Bảo Đại:

Cứ tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, Chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.

Nước Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung.

Vậy Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích trên”.

Bản Tuyên bố được đề ngày 11 tháng 3 năm 1945 tức ngày 27 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 20 được Bảo Đại ký tên với sáu thượng thư phó thự.

Về Tuyên ngôn của Bảo Đại, tôi nêu vài ý sau:

Trước tiên phải xem Việt Nam có độc lập dưới thời Chính phủ Trần Trọng Kim làm Thủ tướng do Bảo Đại và Nhật Bản dựng nên không?

1. Một nước độc lập phải có một Chính phủ được toàn dân tín nhiệm, Chính phủ đó phải có bộ máy Nội Các đầy đủ, hoàn toàn độc lập. Chính phủ Trần Trọng Kim không được toàn dân ủng hộ là quá rõ. Chính phủ này không có Bộ Quốc phòng, không có quân đội, không có Bộ Công an, việc giữ an ninh quốc gia, tuyên truyền do Nhật nắm giữ. Vậy theo ông Phạm Cao Dương Việt Nam độc lập dưới triều Bảo Đại, từ làm tay sai cho Pháp sang Nhật là kiểu độc lập gì? Đây rõ ràng là độc lập trá hình, Bảo Đại tiếp tục ôm chân đế quốc Nhật, hết lệ thuộc Pháp sang lệ thuộc Nhật!

2. Dù cố ngụy biện, nhưng ông Dương không thể che đậy Chính phủ Trần Trọng Kim làm Thủ tướng, Bảo Đại dựng nên là Chính phủ bù nhìn, bị lệ thuộc vào Nhật Bản. Đó là:

- “Được trao trả độc lập trong một hoàn cảnh không nhận không được, vô cùng tế nhị và phức tạp…” (*). Hoàn cảnh không nhận không được là gì? Có phải người Nhật đế quốc thời đó “thương” Việt Nam nên “cho” độc lập? Thật ấu trĩ về chính trị mới không nhìn ra cái bánh vẽ của đế quốc Nhật Bản.

- Có phải vì hoàn toàn lệ thuộc “quyết chí hợp tác với nước Nhật đem hết tài sản trong nước để đạt được mục đích như trên…" Mục đích này bao gồm hai phần là tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và giúp cho cuộc thịnh vượng chung như một phần tử Đại Đông Á (*) Chính phủ Trần Trọng Kim đã để cho Nhật vơ vét lương thực (hoặc không dám ngăn cản) của người dân, gây ra nạn đói kinh hoàng làm chết hơn 2 triệu người ở nhiều tỉnh miền Bắc? Ông GS Dương, “ca ngợi” Chính phủ Bảo Đại, ông là người mất hết lương tâm trước chết chóc tang thương của người dân Việt Nam. Vậy “độc lập” do Bảo Đại tạo ra, là kiểu độc lập gì?

- Phải nói Tuyên ngôn của Bảo Đại thể hiện rõ Chính phủ của ông “cam kết” làm nô lệ cho đế quốc Nhật Bản thì đúng hơn. Cụm từ: “Vậy Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên”, đã nói lên điều đó.

Cần nhắc lại câu chuyện thoái vị của Vua Bảo Đại: Ngày 25/8/1945, Bảo Đại đã đọc Tuyên ngôn Thoái vị trước hàng ngàn người tại Ngọ Môn, sau đó trao ấn tín cho đại diện Việt Minh là ông Trần Huy Liệu. Ông trở thành “công dân Vĩnh Thụy”. Trong bản Tuyên ngôn Thoái vị, Bảo Đại nói: “Trẫm muốn làm dân một nước độc lập, hơn làm Vua một nước bị trị”. Câu nói trên chứng tỏ Bảo Đại thừa nhận trước đó nước Việt Nam chưa có độc lập, chưa được tự do. Câu nói này cho mọi người thấy chính Bảo Đại đã “khai tử” bản Tuyên ngôn Độc lập giả hiệu, ông phải đọc từ sức ép của đế quốc Nhật.

Tôi hoan nghênh ý kiến của bạn Trần Khách Quan, hỏi GS. Phạm:

- Tuyên ngôn ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Đình là Tuyên ngôn Độc Lập đầu tiên do chính quyền người Việt làm chủ, sau hàng trăm năm bị đô nô thuộc ngoại bang hết Pháp đến Nhật, tại sao lại là thừa và không cần thiết khi so với bản Tuyên ngôn do ngoại bang Nhật sai bảo ông vua bù nhìn tay sai Bảo Đại làm ra?

Phải chăng, theo ông GS. Phạm, Độc lập của dân Việt không có giá trị bằng nô thuộc vào ngoại bang Nhật?

Hơn nữa, bản Tuyên ngôn của Bảo Đại lại chứa đựng những lời lẽ thần phục hết mình đế quốc Nhật!

Vậy Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên.

(Trích, Từ Bảo Đại đến Hồ Chí Minh: HAI BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP, GS. PHẠM CAO DƯƠNG, Monday, September 13, 2010).

Vậy, xin hỏi ông GS. Phạm:

- Trong khi ông cố gắng đề cao vấn đề giá trị pháp lý Bản Tuyên ngôn Độc lập của Bảo Đại, ông có nghĩ rằng pháp lý ấy có giá trị gì không đối với thế giới khi nó tỏ ra hết mình thần phục đế quốc Nhật, được bảo trợ bởi chính đế quốc Nhật, và đặc biệt đế quốc Nhật đã bị bại trận và phải chịu tội với thế giới về những tội ác chiến tranh trong thế chiến thứ II?

- Đối với vấn đề pháp lý, chắc chắn là Bản Tuyên ngôn của Bảo Đại không có tí giá trị gì và phải loại bỏ? Nhưng một nghi vấn khó hiểu đặt ra: Tại sao chính quyền Bảo Đại và Trần Trọng Kim lúc ấy lại không bị ra tòa vì tội đồng lõa với Nhật? Phải chăng, vì quân cờ Bảo Đại đã được dự trù trước là sẽ cần thiết cho kế hoạch của Mỹ, sau thế chiến II, nhằm tước đoạt chủ quyền miền Nam Việt Nam, để từ đó cái thế chủ động gây ra những cuộc chiến ủy nhiệm cho dân Pháp và dân Việt từ năm 1945 đến 1975?

Xin hỏi tiếp GS. Phạm:

Tại sao, theo ông GS, một bản văn Tuyên ngôn Độc lập nhưng với lời lẽ thần phục ngoại bang ấy lại có giá trị không thể thay thế? Phải chăng, vì một thói đời yêu/ghét vu vơ mà ông GS đành quên đi tinh thần khoa học và tinh thần dân tộc để phải cố ngụy biện chiều theo thành kiến và rồi phải chịu bế tắc với mâu thuẫn tự tại?

Xin ông GS. Phạm hãy nhớ rằng:

Chính quyền Ngô Đình Diệm là một chính quyền được coi là “hợp pháp do dân bầu ra trong một cuộc bầu cử dân chủ”, vậy mà vào năm 1963, người ta còn hô hào làm “cách mạng” để xóa bỏ chính quyền ấy và giết đi Tổng thống của họ, chỉ vì một khuyết điểm trị an đối với vấn đề Phật giáo! Huống gì: Bảo Đại đã rõ ràng là một tay sai chuyên nghiệp của các đế quốc ngoại bang từ Pháp đến Nhật, một tội phạm quốc gia, thì cái gọi là Tuyên ngôn Độc lập của Bảo Đại, thực chất là do ngoại bang Nhật sai bảo, nhất thiết phải xóa bỏ, cớ sao ông GS lại cố gắng ngụy biện như là một giá trị thiêng liêng không thể thay thế?!

Than ôi! Một tinh thần nô lệ. Một sự ngây thơ tin tưởng vào pháp lý của những đế quốc trong một thế giới đầy rẫy luật rừng và lừa đảo dưới những chiêu bài hoa mỹ của độc lập, tự do, dân chủ và nhân quyền giả tạo!

Cũng xin ông GS. Phạm nhớ cho rằng:

Dù cho ông có ngụy biện và viện dẫn trời trăng mây nước gì đi nữa thì những lý lẽ ấy cũng không thể nào che lấp được đạo lý căn bản làm người yêu nước rằng: Tuyên ngôn giả độc lập của tay sai và ngoại bang chế tác phải bị xóa bỏ và phải bị thay thế bằng một Tuyên ngôn Độc lập thật của chính quyền dân Việt.

Sẽ không khó khăn gì để phủ bác những lập luận bênh/chê khác được gọi là “sự thật” của ông GS. Phạm; bởi vì những lập luận đó mang nặng một thành kiến yêu/ghét vu vơ, chúng không dựa vào tinh thần khoa học và tinh thần dân tộc, cho nên chúng phải vấp phải sai phạm vô lý. Nhưng thiết nghĩ, chỉ cần nêu ra vài điều sai phạm chính yếu trên đây thôi thì cũng đã đủ để phủ bác những lý lẽ mang nặng thành kiến và tinh thần nô lệ ngoại bang của ông GS.TS Phạm Cao Dương”.

(Trích bài: Đọc GS.TS Lịch sử Phạm Cao Dương)

Ý kiến của tôi về lập luận của ông Dương đối với Bản Tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Ông Dương viết: “Hồ Chí Minh đã nhân danh Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới. Mới là vì đến ngày đó chính phủ này mới chính thức được ra mắt trước quốc dân”(*). Một TS.GS Lịch sử như ông Dương mà không nhận ra khái niệm “mới” ở đây như vậy sao? Theo tôi hiểu, mới của Cụ Hồ là chế độ mới Dân chủ Nhân dân, trước đó chưa hề có trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nội dung mới này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ngay sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, vận động toàn dân Việt thực hiện Đời sống mới dưới chế độ mới.

- Ông Dương cố sức tô son trét phấn cho Bảo Đại: “Một người là hoàng đế kế thừa chính thống của một triều đại đã trị vì một quốc gia từ hơn một trăm năm trước dù cho là chỉ còn hư vị” (*). Ông Dương bảo vệ một hoàng đế chuyên làm tay sai cho giặc hết Pháp rồi cúi đầu theo Nhật để cho chúng dày xéo đất nước, người Việt được “độc lập” với cái chết hai triệu dân lành! Thế mà ông “vinh danh” chính phủ, Tuyên ngôn Độc lập của Bảo Đại thì người đọc hiểu ông là ai. Ông còn khen/chê văn phong của hai bản Tuyên ngôn này nữa, cho rằng “văn phong của Bảo Đại là văn phong bình thường của người cầm quyền”, “còn văn phong của Hồ Chí Minh… kể lể dài dòng và nhất là xách động” (*).

Rõ ràng ông Dương là một người bảo hoàng. Ai đồng tình với GS. Dương? Những kẻ chống cộng, chống phá chế độ mới, muốn hạ uy tín Hồ Chí Minh, “vỗ tay” để ông có chỗ níu giữ, viết tiếp những bài kiểu thế này. Còn người chân chính, khách quan, không bị chi phối bởi một thế lực nào, họ sẽ coi khinh một TS.GS Lịch sử mà nhìn lịch sử “méo mó” như ông Dương.

- Ông Dương lại viết: “Tuyên ngôn của Hồ Chí Minh nhằm vào toàn thể người Việt Nam qua lời mở đầu “Hỡi đồng bào cả nước” nhưng ở những đoạn cuối lại nhắm vào các nước Đồng Minh. Điều này phải tinh ý người ta mới nhận ra được” (*). Đọc bản Tuyên ngôn của Hồ Chí Minh mọi người dễ nhận ra Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố với thế giới: “Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp” (**) là có chủ đích, thể hiện tư thế một nước độc lập, có chủ quyền, lời lẽ rõ ràng, ai cũng hiểu đâu cần phải tinh ý mới nhận ra. Ông Dương viết như vậy tự cho mình giỏi, chỉ có tinh ý như ông mới phát hiện được! Thật không thể hiểu nổi một “trí thức lớn” – TS.GS như ông Dương!

- Ông Dương chỉ trích Hồ Chí Minh: “Không những thế, thay vì coi những quyền này là do Tạo Hóa ban cho, ông lại lý luận là vì dân tộc Việt Nam là một dân tộc gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc ấy phải được độc lập! Lý luận như vậy người ta phải hiểu, theo Hồ Chí Minh, rằng những dân tộc không gan góc chống lại những thế lực đè nén, áp bức mình và không gan góc đứng về phe Đồng Minh, chống phát xít là không đáng được tự do, độc lập” (*). Ông Dương là người “giỏi” diễn giải, xuyên tạc lời văn người khác, muốn dẫn người đọc nhận thức theo ý ông sao? Khó đấy. Sẽ không ít người nhận ra “ngụy biện” của một GS.TS Lịch sử – như ông Dương mà “không hiểu” truyền thống dân tộc Việt Nam chống Pháp, chống Nhật, việc làm đó đáng ca ngợi, tự hào như Hồ Chí Minh viết trong bản Tuyên ngôn, là vì sao? Ông Dương tự coi mình là ai? Phải chăng ông là người Pháp hay người Nhật Bản đế quốc – hoặc tay sai của họ – nên mới chống lại câu nói trên của Hồ Chí Minh?

- Ông Dương xuyên tạc đánh tráo nhận thức để lừa gạt người đọc về quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc trong Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh. Người dân Việt Nam hiểu rõ bao nhiêu năm bị thực dân đế quốc cai trị, họ không có một chút nào về quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc. Biết bao sĩ phu yêu nước nối tiếp nhau dẫn dắt dân tộc đấu tranh chống lại ách đô hộ ấy đều thất bại. Biết bao anh hùng dân tộc bị giết chết nơi pháp trường, trong lao tù, giặc ngoại xâm chưa có một chút nương tay đối với đại đa số người Việt. Làm gì có ba cái quyền ấy là do Tạo Hóa ban cho dân Việt – như ông Dương nghĩ – nếu không nhờ có cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Một GS.TS Lịch sử sao ông Dương không nhận ra điều này?

Cần phải nói thêm: Bản Tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện không chỉ có giá trị về mặt chính trị đối với dân tộc Việt Nam mà còn với thế giới năm châu. Nó còn có giá trị về lịch sử, văn học, mang đậm tính quần chúng, nhân dân sâu sắc. Tôi đồng tình với nhiều người đã xếp bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh ngang hàng – theo lời văn thì Tuyên ngôn Hồ Chí Minh nổi bật hơn – với bài thơ thần: Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt. Điều này hoàn toàn không mang tính chủ quan mà xuất phát từ rất nhiều công trình nghiên cứu của những học giả uyên bác trong nước và thế giới.

Quan điểm con người luôn thể hiện lập trường của họ đang đứng. Trình độ học vấn là công cụ, chịu sự điều khiển, phục vụ mục đích chính trị của họ. Ở đây, với ông Dương, chúng ta thấy rất rõ điều này. Ông không đứng trên quan điểm khách quan, khoa học để luận về một sự kiện lịch sử, đã chú tâm đánh tráo khái niệm, lừa gạt người đọc, vì vậy cần phải phê phán, chỉ trích để mọi người nhận rõ, không mắc mưu, hiểu sai vấn đề. Tôi nghĩ với tư tưởng đó, ông Dương sẽ còn lợi dụng học hàm học vị của mình viết những bài xuyên tạc khác nữa. Mọi người nên tỉnh táo, cảnh giác khi đọc bài của GS.TS Lịch sử Phạm Cao Dương, khi tìm hiểu lịch sử dân tộc, và cả những vấn đề khác..

Nguyễn Xuân Ba

Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 392

________

(*) Những đoạn chữ nghiêng: trích bài viết của GS.TS Phạm Cao Dương.

(**) Trích Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.

__________________

Bài cùng đề tài:

- Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam (Wiki)

- Tuyên Ngôn Độc Lập Còn Là Tuyên Ngôn Nhân Quyền Của Nhà Nước Việt Nam - Amari-TX

- Ai là Cha Già Dân Tộc? Học Lại Bài Tuyên Ngôn Độc Lập Việt Nam - Trần Ánh Sáng

- Đọc GS TS Lịch Sử Phạm Cao Dương "Từ Bảo Đại đến Hồ Chí Minh: HAI BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP"- Trần Khách Quan

- Việt Nam Có Độc Lập Tự Do Từ Chính Quyền Trần Trọng Kim Hay Không? - Nguyễn Mạnh Quang

- Chân Dung "Người Việt Quốc Gia" Và Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ - Nguyễn Mạnh Quang

- Vài Điểm Sai Lầm Trong Bài Viết: “CSVN Có Phải Là Một Chinh Quyền Chính Thức, Có Chính Danh Hay Không?” của LS Lưu Nguyễn Đạt - Nguyễn Mạnh Quang

- Việt Nam Có Độc Lập Tự Do Từ Chính Quyền Trần Trọng Kim Hay Không? - Stainley Karnow ghi lại rất rõ - Duyên Sinh

- CHÍNH DANH! NÓI VỚI TS LƯU NGUYỄN ĐẠT - CSVN: Có Chính Danh, Chính Nghĩa ...Hay Không? - Trần Khách Quan

Nguồn: http://tuanbaovannghetphcm.vn/ve-hai-ban-tuyen-ngon-doc-lap/ ngày 19 tháng 3, 2016

Trang Thời Sự