Một vài ý tưởng nhân đọc “Vũ trụ vô biên” (Trần Tiên Long)

Một vài ý tưởng nhân đọc “Vũ trụ vô biên”

Trần Tiên Long

20 tháng 12, 2010

 

 

Ngân hà chỉ là một trong biết bao thiên hà trong vũ trụ

 

Vũ trụ đúng thật là vô biên. Con người sánh với vũ trụ chỉ là những ký sinh trùng li ti. Kiến thức của con người về vũ trụ chỉ là một con số không to tướng. Đó là điều tôi đã biết và càng xác tín hơn sau khi xem bài Trái đất của chúng ta bé nhỏ như thế nào trong vũ trụ [1] mà bà Ts. Bs. Nguyễn Thị Thanh giới thiệu trên các diễn đàn với lời chú giải "Vũ Trụ Vô Biên chỉ là một mầu nhiệm hữu hình của Thiên Chúa toàn năng”. Lời chú giải này cũng là chủ đề của điện thư Ts. Bs. NTT đưa vào diễn đàn. Làm sao mà loài ký sinh trùng hữu hạn như chúng ta có thể hiểu thấu được vũ trụ vô biên? Con người sánh với vũ trụ thì quá nhỏ bé, nhưng nếu sánh với Thượng đế thì lại còn càng bé nhỏ hơn nữa, bởi vì Thượng đế được tin là đấng sáng tạo vũ trụ và muôn loài từ hư không. Điều khôi hài và cũng lý thú là người ta không thể tin con người có thể hiểu biết vũ trụ; nhưng lại dễ dàng tin như đinh đóng cột rằng con người có thể hiểu biết Thượng đế.

Nếu tôi tuyên bố rằng tôi có thể hiểu biết vũ trụ thì lời tuyên bố đó rõ ràng quá ngạo mạn, không thể nào chấp nhận được. Nhưng liệu chúng ta có cùng một nhận định như vậy không khi mà Thiên Chúa giáo đã và đang rao giảng về Thượng đế? Họ bảo họ đại diện Thượng đế ở trần gian này để dạy cho chúng ta biết về Thượng đế, và họ tự cho cái quyền những gì họ “cầm buộc ở dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc”. Họ còn giảng dạy cho chúng ta một cách tường tận về ý muốn của Thượng đế để bắt chúng ta phải suy nghĩ và hành động theo ý muốn của họ. Tại sao chúng ta nghi ngờ khả năng của những nhà khoa học hiểu biết về vũ trụ nhưng lại không bao giờ thắc mắc khả năng của các nhà thần học hiểu biết về Thượng đế, một sinh vật không thể thấy, không thể rờ được, vô cùng phức tạp hơn vũ trụ? Họ bảo họ có linh ứng hay thần khải, biết được những điều do Chúa Thánh Thần soi sáng. Vậy thì tôi cũng có thể nói được rằng, tôi đang có linh ứng của Chúa Thánh Thần để viết những dòng chữ này gửi đến quí đọc giả. Có lý do gì thuyết phục hơn để quí vị tin họ hơn tin tôi?

Trong kinh Lạy Cha của Thiên Chúa giáo, nếu chúng ta vất bỏ câu “nguyện vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời” thì chúng ta sẽ nhận thấy ngay rằng, những gì họ đang dạy chúng ta thì chẳng cần phải vâng phục như vâng phục một Thượng đế toàn năng. Bằng trí tuệ và trái tim của một con người, và gạt bỏ bên ngoài mọi thành kiến đức tin tôn giáo, chúng ta thử đọc lại toàn bộ hai cuốn Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, những cuốn kinh mà người tín hữu Thiên Chúa giáo hằng ngày xưng tụng là “lời của Chúa”, chúng ta sẽ tìm ra dễ dàng bên cạnh những điều có thể chấp nhận thì lại được san kẻ những điều ghê tởm, vô luân, và phi lý. Nếu Kinh Thánh là “lời của Chúa” do thần khải, sản phẩm của Thượng đế toàn năng, toàn trí, thì tại sao nó lại chứa đựng quá nhiều điều bất toàn? Hơn nữa, vấn đề linh ứng hay thần khải là vấn đề cá nhân. Nó chỉ có giá trị đối với người trong cuộc. Còn chúng ta, những người bàng quang ngoài cuộc, nó không thể có một giá trị áp đặt nào. Như vậy thì còn lý do gì để người ta bắt buộc phải “nguyện vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời”?

Và mỗi khi chúng ta có những thắc mắc mà họ bí, không thể trả lời được, thì họ lại trưng ra lập luận rằng, Thượng đế bất khả tư nghì, nghĩa là không thể nghĩ bàn bằng ngôn ngữ của loài người. Con người hữu hạn mà dám thắc mắc về Thượng đế vô hạn thì quá ngạo mạn. Trong giáo lý Thiên Chúa giáo, tội kiêu ngạo xúc phạm đến Chúa Thánh Thần là một trọng tội không thể được tha thứ, cho dù đã có xưng thú tội ở tòa giải tội. Đó là lối răn đe và là lập luận độc quyền, tùy tiện của Thiên Chúa giáo. Nó cũng giống như lập luận “thiên cơ bất khả lậu” của mấy ông bà thày bói. Vậy chẳng lẽ các ông bà thày bói hay thần học gia Thiên Chúa giáo không phải là những con người trần tục có giới hạn như chúng ta sao? Tất cả mọi người khi còn sống đều là những con người xác phàm, không phải là những ông bà thánh. Tại sao chúng ta không thể công bằng đối thoại với nhau bằng ngôn ngữ và văn tự của loài người?

Nếu chúng ta chấp nhận quan điểm Thượng đế chỉ là một ý niệm tưởng tượng, sản phẩm của con người, thì chúng ta sẽ dễ dàng trả lời mọi câu hỏi và thắc mắc về Thượng đế. Do đó, tôi có thể bảo đảm với quí vị rằng, nếu quí vị lập tượng tôn thờ bất kỳ một giống gì, chẳng hạn như con kỳ lân màu tím vô hình, hay một ông kẹ nào đó, và cầu nguyện bằng một đức tin không thể lay chuyển như quí vị đang làm đối với Thiên Chúa của Thiên Chúa giáo, thì kết quả lời cầu nguyện của quí vị sẽ không có gì khác. Lập luận bảo rằng "vũ trụ vô biên chỉ là một mầu nhiệm hữu hình của Thiên Chúa toàn năng” thì cũng chẳng có gì thuyết phục hơn lập luận bảo rằng "vũ trụ vô biên chỉ là một mầu nhiệm hữu hình của con kỳ lân hay ông kẹ toàn năng”. Bởi vì Thiên Chúa, con kỳ lân màu tím vô hình, hay ông kẹ, tất cả đều là những sản phẩm tưởng tượng của con người.

Thiên Chúa giáo là tôn giáo duy thần, có những tín điều phản khoa học, nhưng lại hay bàn về khoa học, có mục đích dèm pha để làm giảm uy tín và giá trị của khoa học. Bản chất của khoa học là thay đổi để thích ứng với những khám phá mới của con người; trong khi các tín điều lại được tin là những chân lý tuyệt đối, vĩnh hằng, không thể sai lầm. Ích lợi của khoa học thì hiển nhiên, không thể phủ bác; còn ích lợi của các tín điều thì khó được biện minh bên cạnh những hệ quả vô cùng thảm khốc trong suốt dòng lịch sử.

Một thực thể đơn giản hơn như vũ trụ cụ thể trước mắt mà chúng ta còn chưa biết thì lấy gì để bảo đảm rằng, chúng ta, những sinh vật li ti như những con ký sinh trùng lúc nhúc ở một hành tinh vô nghĩa, có thể biết và còn hiểu cả ý muốn của Thượng đế, một đấng thiêng liêng vô cùng phức tạp được tin là đã tạo dựng vũ trụ và muôn loài từ hư không?

Và hơn nữa, nếu chúng ta đã chấp nhận vũ trụ vô biên, nghĩa là không có biên giới, và như vậy, dĩ nhiên, cũng không có điểm khởi đầu, thì Thượng đế hay Thiên Chúa của Thiên Chúa giáo đã trở thành thừa thãi cho công việc tạo dựng.

 


SH chú thích:

- Mời xem "Vũ Trụ Mà Chúng Ta Biết Được" (Lý Thái Xuân)

http://www.sachhiem.net/KHOAHOC/L/LyThai6.php

có video clip cho thấy tất cả nhũng gì khoa học ngày nay có thể nhìn thấy ở ngoài xa.

 

[1] Trái đất của chúng ta bé nhỏ như thế nào trong vũ trụ

http://blog.aohaiday.com/2009/12/trai-dat-cua-chung-ta-be-nho-nhu-the-nao-trong -vu-tru/