 |
29 tháng 1, 2010 |
LNĐ- Nhân
ngày Giỗ lần thứ 100 của Phó bảng Lê Trinh, một nhân vật lịch sử của Quảng
Trị, ngày 12/9/2009 tại TP Đông Hà (Quảng Trị) Hội Di sản Văn hóa tỉnh Quảng Trị
phối hợp cùng gia tộc cụ Lê Trinh đã tổ chức cuộc Hội thảo về”Thân thế và sự
ngiệp Phó bảng Thượng Thư Lê Trinh”. Tham luận của nhiều nhà nghiên cứu sử học có
tên tuổi ở Quảng Trị, Thừa thiên-Huế, Hà-Nội tại Hội thảo đã làm sáng rỏ thêm về
tài năng, đức độ cùng những đóng góp của Phụ chính đại thần Lê Trinh cho
quê, hương, dân tộc, đất nước…

Lê Trinh sinh năm
1850 thuộc tộc họ “Lê Cảnh” (1) ở Bích La Đông (nay thuộc xã Triệu Đông huyện
Triệu Phong, Quảng Trị) xuất thân từ một gia đình đại quan, thông minh, học giỏi từ
nhỏ. Năm 20 tuổi thi Hương đổ Giải Nguyên, năm 25 tuổi thi Hội đổ Phó bảng và ra
làm quan từ năm 1975 dưới triều Tự Đức, qua đời năm 1909 dưới triều vua Duy
Tân. Từ ngày ông qua đời cho đến cuối thế kỷ XX, trải qua hơn 90 năm không mấy ai
biết về thân thế, sự nghiệp của phó bảng Lê Trinh kể cả người thân trong
dòng họ. Cho đến những năm đầu thế kỷ XXI nhờ sự nổ lực tìm kiếm của một số cháu
nội của ông, đã phát hiện một số tư liệu lịch sử quan trọng giúp hé lộ thân
thế, sự nghiệp của ông từng bị lớp bụi thời gian che phủ! Số tư liệu lịch sủ mới
đựợc tìm thấy có:
- 4 bản chép văn bản
của triều đình gồm: 1 bài “Chế”của nhà vua chuẩn thăng thực thụ Vinh Lộc Đại
phu, Hiệp biện Đại Học sĩ cho Phụ chính đại thần Thượng thư Lê Trinh , một
bài “Dụ”, một bài “Chế” của nhà vua đánh giá công lao của cố Thượng thư Lê
Trinh và truy phong cho ông tước “Vệ Nghĩa Tử” cùng một bài “Tế” của nhà
vua trong lễ tang của vị đại thần quá cố. Tất cả các văn bản trên đều chép bằng
chữ Hán, có niên đại Duy Tân 3 (1909).
-một tập di cảo
thơ, câu đối chữ Hán của Phó bảng Lê Trinh sáng tác và tự ghi chép với
bút hiệu Bích Phong.
-một bản trích yếu
lý lịch có ghi thời gian và các chức vụ Phó bảng Lê Trinh đã đảm nhận
qua các triều vua từ Tự Đức đến Duy Tân do Nam triều làm sau ngày
ông qua đời (12/9/1909).
Kể từ ngày Phó bảng
Lê Trinh qua đời (1909) đến cuối thế kỷ XX, các tài liệu trên vẫn nằm im trong
đống hồ sơ tài liệu lưu trữ của dòng họ chưa một lần khai thác. Đầu thế kỷ XXI
các tài liệu quý hiếm đó mới được tìm thấy. Qua biên dịch và khai thác các tài
liệu trên đã có cơ sở khách quan khoa học phục dựng thân thế và sự nghiệp người
đã quá cố từ đầu thế kỷ trước.
Phó bảng Lê Trinh làm quan trong một giai
đoạn lịch sử đất nước, triều đình có nhiều biến động phức tạp. Ông đã phục vụ qua
5 triều vua với tinh thần mẫn cán, gương mẩu, liêm khiết, đã trải qua công tác ở
hầu hết khắp các Bộ: biện lí bộ Hộ, bộ Lại, tham tri bộ Hình, bộ Binh, tham biện Viện Cơ
mật, Chưởng ấn Viện Đô Sát, năm 1982 sung phái đoàn đi sứ nhà Thanh. Qua thử tài sứ
thần nước Việt, vua Thanh rất khâm phục ban cho ông mũ áo tiến sĩ. Trong lĩnh vực
giáo dục ông từng được cử làm chánh, phó chủ khảo một số trường thi ở các
tỉnh, làm giáo đạo các ông hoàng (trong số các ông hoàng thụ giáo có hoàng tử Bửu
Lân con vua Dục Đức sau này là vua Thành Thái). Năm Thành Thái 10 (1898) đang lúc
làm tổng đốc An-Hà (Nghệ An-Hà Tĩnh) được tin mẹ ốm nặng, ông xin từ quan về quê
phụng dưỡng mẹ già. Sau ngày mẹ qua đời vừa mãn cư tang, năm Thành Thái
15 (1903) ông được triệu về Kinh nhận chức Phụ chính đại thần, Lễ bộ Thượng thư
Sung Cơ Mật Viện đại thần. Trên cương vị đại thần trụ cột của triều đình, ông
đã có những đóng góp có ý nghĩa lịch sử cho quê hưong đất nước.
1-Người có ý kiến
quyết định để chọn Duy Tân lên ngôi kế vị vua Thành Thái.
Năm 1907 người Pháp
viện cớ vua Thành Thái bị “điên” đã phế truất ngôi vua và giam lỏng nhà
vua. Một Hội đồng Phụ chính được thành lập để tạm điều hành công việc thay
vua. Hội đồng do đại thần Trương Như Cương đứng đầu, Phụ chính đại thần
Lê Trinh là một trong số thành viên.
Việc chọn người kế vị Thành Thái
rất căng thẳng vì giữa Tòa Khâm sứ Pháp và Hội đồng phụ chính Nam triều không
thống nhất ý kiến: phía Pháp chọn người thì Nam triều bác, người Nam triều chọn
thì phía Pháp bác. Cuối cùng Phụ chính đại thần Lê Trinh đề xuất ý
kiến: ”chọn một người con còn nhỏ của vua Thành Thái (không quá 10 tuổi và
không dưới năm tuổi) để kế vị và duy trì một Phủ Phụ chính để giúp ấu vương cai
trị đất nước”. Ý kiến trên đã đảm bảo truyền thống “cha truyền con nối” nên đã
được Nam triều nhất trí và Pháp cũng không phản đối vì cho rằng”một đứa bé làm
vua cũng chẳng có gì đáng lo ngại”! Từ đó Hoàng Tử Vĩnh San con trai thứ 5
của Thành Thái được chọn kế vị ngôi vua. Lễ đăng quang cử hành ngày 5-9-1907, niên
hiệu Duy Tân. Phủ Phụ chính được thàmh lập để giúp ấu vưong nhiếp chính
gồm có: Thượng thư (TT) Cao xuân Xuân Dục (Bộ Học), TT Lê Trinh (Bộ
Lễ), TT Tôn Thất Hân (Bộ Hình), TT Nguyễn Hửu Bài (Bộ Lại), TT Huỳnh
Côn (Bộ Hộ) và Hoàng thân Miên Lịch (Phụ chính Thân thần) Ngay những năm
đầu lên ngôi, vua Duy Tân đã tỏ ra rất yêu mến, tin cậy đại thần Lê
Trinh.
Trong bài “Chế” thăng hàm cho Lê Trinh năm Duy Tân 3 (1909) có
đoạn: ”Yêu mến nghỉ đến ông họ Lê chức Phụ chính đại thần Lễ bộ thượng
thư: xuất thân khoa bảng, rường cột nước nhà…thanh liêm ngay thẳng, nhân tài xưa
sánh Di Quỳ;cần mẫn rõ ràng, tướng nghiệp như Bính Ngụy. Vua cha gặp lúc nhọc
nhằn, bèn trao tông miếu;con nhỏ đang khi thơ ấu, phải nhận ngôi trời. Cậy một lời
mà định kế, hợp hai nước mà suy tôn…Trẩm lúc tuổi thơ, kính đương ngôi báu. Tháo gở
khó khăn, đã có công lao phò tá;ân cần dạy dỗ, lại còn giúp đỡ học hành. Đã mến yêu
nhiều, nên ban hàm lớn. Nay chuẩn thăng cho ông được thực thụ Vinh Lộc đại
phu, Hiệp biện đại học sĩ, lãnh chức như cũ…” (2) Khi được tin Lê Trinh đột ngột
qua đời ngày 12/9/1909, nhà vua rất thương tiếc đã ban bài “Dụ”, bài “Chế” về việc
truy phong cho Lê Trinh tước “Vệ Nghĩa Tử”. Nhà vua còn sai làm bài
“Tế”đọc trong lễ tang có đoạn:
“Khanh sinh ở thế, tài
giỏi tót vời
Năm triều để
tiếng, khuôn mẩu cho đời…
…Trẩm là con nhỏ, hiểu
biết nông khơi.
Nhờ Khanh chỉ bảo dạy
đạo làm người… (3)
2-Hai Phụ chính
đại thần đầu triều: Lê Trinh và Cao Xuân Dục ra bản án cứu Phan Chu Trinh thoát
tội chết.
Cũng đầu thế kỷ XXI, bà
Lê Thị Kinh (Phan Thị Minh (cháu ngoại của cụ Phan Chu Trinh) đã công
bố một tư liệu lịch sử do bà mới phát hiện có liên quan đến Phó bảng Lê Trinh
gây chấn động dư luận. Đó là biên bản ghi lại cuộc họp của Khâm sứ Pháp và Phủ
Phụ chính triều Duy Tân về việc buộc tội và xử án cụ Phan Chu Trinh. Ngày
31-03-1908 nhà yêu nước Phan Chu Trinh bị bắt ở Hà Nội, ngay sau đó, ngày
1-04 Pháp đưa ông về Huế giao cho Nam triều xử án “trảm quyết” (chém ngay) về tội
“sách động dân chúng chống lại Chính phủ Bảo hộ” (phong trào chống sưu, thuế ở
Quảng Nam).
Hai Phụ chính đại thần Cao Xuân Dục (TT Bộ Học) và Lê Trinh (TT
BộLễ) vốn không lạ gì cụ Phan, một nhà khoa bảng có tài nhưng cũng có chí hướng
khác thường. Năm 1901, sau khi thi đổ Phó bảng, Phan Chu Trinh từng nhận một
chức quan ở bộ Học dưới quyền TT Cao Xuân Dục sau được đề bạt làm Thừa
biện bộ Lễ dưới quyền TT Lê Trinh (1903), sau đó Phan tiên sinh từ quan đi
hoạt động cách mạng. Sau khi tiếp nhận người tù đặc biệt, ngày 10-04-1908, Hội
đồng viện Cơ mật xử cụ Phan mức án “trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá
bất nguyên” (giam rồi chém sau, lưu đày 3 ngàn dặm, gặp kỳ ân xá cũng không
dược giảm án). Ngày 11-04. Tòa Khâm sứ Pháp bác, bắt phải làm lại với mức ám”trảm
quyết”.

Ngay ngày hôm sau 12-04 hai Thượng thư đứng đầu Phủ Phụ chính là Cao
Xuân Dục và Lê Trinh đã xử dụng quyền nhiếp chính thay vua ra quyết
định “bảo lưu án trảm giam hậu”. Hai cụ Cao, Lê còn ra lệnh thi hành án
ngay để Pháp không kịp trở tay can thiệp. Cụ Phan đã được đưa ra an trí ở Côn
Đảo. Bản án đã cứu cụ Phan thoát tội chết, tạo cơ hội để dư luận tiến bộ trong
nước và cả ở chính quốc (Pháp) lên tiếng phản đối việc bắt giữ cụ Phan.
Tháng
6/1910 thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho cụ Phan. Tháng 04/1911, cụ Phan đã
sang Pháp để tiếp tục hoạt động cứu nước, cứu dân. Đây cũng chính là thời kỳ hình
thành mối quan hệ giữa cụ Phan với số người Việt nam yêu nước hoạt động ở Pháp
trong đó có luật sư Phan Văn Trường và anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc (sau
này là chủ tịch Hồ Chí Minh). Tháng 6/1925 cụ Phan về nước để tiếp tục sứ
mệnh cứu nước, chưa kịp làm gì thì lâm bệnh và qua đời ngày 14-03-1926.
Sự kiện
trên cho thấy: ”Thượng thư Lê Trinh dẫu làm quan trong thế kẹt, vận nước nghìn
cân treo sợi tóc, không ít vị quan chỉ là bù nhìn hoặc cam tâm làm tay sai cho
thực dân Pháp, ông vẫn tìm cách lo nước, thương đời theo cách riêng của
mình, trường hợp đó đã chứng tỏ phẩm chất, tiết tháo nhà Nho đáng quý, đáng trân
trọng của ông. ” (4)
3-Hai cụ Thượng
Lê Trinh và Cao Xuân Dục đã cưu mang Phó bảng Nguyễn Sinh Huy cùng 2 con lúc khó
khăn, ngặt nghèo.
Sau khi thi đổ Phó
bảng (1901) trong hoàn cảnh vợ (bà Hoàng Thị Loan) mất, con mới sinh (Nguyễn
Sinh Xin) cũng chết, ông Nguyễn Sinh Huy (tức Nguyễn Sinh Sắc) đã
mang 2 con là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (Côn) về lại quê
nhà (Nghệ An). Năm 1905, ba cha con ông Huy lại trở lại Huế để cho các con theo Tây
học trong hoàn cảnh không nơi nương tựa, giữa đô thành “gạo châu củi quế”, đầy rẫy
tay sai mật thám dò la người nghi vấn nhất là với số nhà Nho đổ đại khoa mà
không chịu ra là quan!
Biết được hoàn cảnh khó khăn của ông Phó bảng Nguyễn
Sinh Huy, hai cụ Thượng Cao Xuân Dục và Lê Trinh , đã ra tay cứu
giúp tạo điều kiện cho ông Huy có chốn dung thân và 2 con nhỏ có điều kiện học
hành. Phó bảng Nguyễn Sinh Huy vốn không có chí làm quan nhưng trước lời
khuyên thấu tình đạt lý của cụ Thượng Cao Xuân Dục, ông Huy nhận làm một
chức quan nhỏ ở bộ Học dưới quyền Thượng thư Cao Xuân Dục. Tiếp đến ông
được chuyễn sang làm Thừa biện bộ Lễ thay chỗ Phó bảng Phan Chu Trinh để
trống, trở thành thuộc viên của Thượng thư Lê Trinh (1903). Hai cụ Thượng
Cao, Lê còn bố trí cho ông Huy và 2 con ở một căn nhà ở dãy trại Đông
Ba. Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung được đổi tên Nguyễn
Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành theo học trường Pháp-Việt Đông Ba sau vào
học trường Quốc học.
Việc hai cụ Thượng Cao, Lê giúp đỡ gia đình Phó
bảng Nguyễn Sinh Huy lúc bấy giờ chỉ là việc làm tình nghĩa theo đạo lý
nhà Nho không sách sử nào ghi chép và cũng sẽ bị quên lãng với thời gian nếu nó
không được khơi dậy trong quá trình nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đi tìm
dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế. Trong những năm đầu sau ngày Huế
được giải phóng (1975), Đắc Xuân đã tìm gặp cụ Lê Du, con trai và
ông Lê Xuyến, cháu đích tôn của cụ Thượng Lê Trinh là số người hiếm
hoi còn sống từng chứng kiến gia đình cụ phó bảng Nguyễn Sinh Huy trong
hai lần sống ở Huế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nhất là những năm ông Huy nhận
công tác ở bộ Lễ.
Từ những thông tin do 2 nhân chứng này cung cấp, Đắc Xuân
đã tìm được vị trí chính xác ngôi nhà vợ chồng ông Cử Sắc (Nguyễn Sinh
Huy) ở trọ lần đầu ở Huế, (1895-1901) hiện nay là nhà số 112 Mai Thúc Loan, một
di tích lịch sử của TP Huế được công nhận là di sản quốc gia (5). Từ một việc làm
đơn thuần về về đạo lý, hai Cụ Thượng Cao, Lê không hề biết rằng hai
cụ đã tạo điều kiện về vật chất, tinh thần cho một mầm non sau này trở thành một
vĩ nhân của dân tộc VN và của cả nhân loại: chủ tịch Hồ Chí Minh.
4 - Nhà thơ
Bích Phong:
Những lúc nhàn rỗi
việc quan, để trải lòng, chia vui với bạn bè, người thân, hoặc đột xuất có thi hứng
trước cảnh đẹp thiên nhiên …Thượng thư Lê Trinh thường làm thơ hoặc câu
đối phần lớn bằng chữ Hán với bút hiệu Bích Phong và tự tay ông ghi chép
vào một tập bản thảo. Tác giả không đặt tên cho tập thơ của mình là “Bích
Phong thi tập”, không đưa in như các nhà thơ nổi tiếng đương thời ông có thơ
thù ứng: Hồng Đài Nguyễn Phúc Hồng Vịnh với “Đào trang thi tập”, Bùi
Ân Niên với “Tốn Am thi tập”, Nguyễn Thuật với “Hà Đình văn
sao”…Tập di cảo thơ và câu đối chữ Hán của Bích Phong ( Lê Trinh )
sau gần một thế kỷ được lưu giữ, đầu những năm 2000 đã được biên dịch và xuất bản
dưới nhan đề “Bích Phong di thảo” (Lê Ngân biên soạn-Lê Nguyễn
Lưu biên dịch-NXB Thuận Hóa 2006) đã góp phần làm sáng tỏ thêm về tài
năng, nhân cách Phó bảng Thượng thư Lê Trinh .
Qua tác phẩm cho thấy Bích
Phong không chỉ có tâm hồn thi nhân mà còn là nhà trí thức uyên bác, thông
thạo cổ kim, hiểu biết sâu về nhiều lĩnh vực tự nhiên, xã hội (có cả về Phật
giáo). Thơ của ông phần lớn thuộc loại thù ứng, nhưng không phải lối thù ứng nghi
thức hời hợt, mà chan chứa một tình cảm bạn bè chân thật. Qua thơ của Bích Phong
người đọc sẽ bắt gặp nhiều nhân vật nổi tiếng đương thời như: TT Cao Xuân
Dục,, phụ đạo Bùi Ân Niên, TT Đào Tấn, Tế tửu Khiếu Năng Tĩnh, Hà
Đình Nguyễn Thuật, Đặng Thụy…nhiều nhà khoa bảng các tỉnh miền
Trung, một số học giả Trung quốc ông kết bạn khi đi sứ nhà Thanh.. Điều đáng quý
là tác giả tự nêu rõ chính kiến của mình là thiên về“lễ trị”để cải tạo xã hội
không đồng tình với các phương pháp bạo lực song Lê Trinh vẫn giành tình
cảm ái mộ nhiều nhà khoa bảng đồng triều dũng cảm chống Pháp như: Hồ Sĩ Tạo, Hồ
Bá Ôn, Bùi Ân Niên, Nguyễn Thuật, Hoàng Hửu Xứng (nội tổ nhà văn
Hoàng Phủ Ngọc Tường) …Qua thơ còn cho thấy tác giả là nguời yêu thiên
nhiên, thích thú ẩn dật thanh nhàn, cũng là người sống khiêm tốn giản dị như trong
bài thơ “Tự đề chân dung” (tác giả chép trên bức ảnh chụp năm 1906) :
(Trích) Phiên
âm: .. ”Bất tài phùng thịnh thế, bị vị đáo xuân quan.
Cổ mạo hình lai dị, đan tâm chiếu xuất nan”…
Dịch
thơ;…”Không tài đời thịnh trị, vị hão chức cao dày.
Dáng cổ càng lộ diện, lòng
son khó tỏ bày”… (6)
Một số nhà nghiên cứu
đọc “Bích Phong di thảo”đã nhận định tập thơ có giá trị về văn học, về lịch sử, về
nhân văn. Nhà nghiên cứu Lương An từng xếp Bích Phong trong số “thi
nhân của thế kỷ XIX” (Tuyển tập Lương An-NXB Thuận Hóa-2005).
Trong bài “Kết luận
Hội thảo về thân thế sự nghiệp Phó bảng, Thượng thư Lê Trinh” tổ chức ngày
12-9-2009 tại Đông Hà-Quảng Trị (nhân ngày Giỗ lần thứ 100 của Cụ Lê Trinh), tiến
sĩ Nguyễn Bình, phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Quảng Trị đã
đúc kết: ”Với những phẩm chât trong sáng và cao đẹp, cùng những cống hiến, đóng
góp cho quê hương, dân tộc và lịch sử, có thể nói rằng cụ Phó bảng Lê Trinh là một
nhân vât lịch sử đáng quý trong và cần được tôn vinh của quê hương, đất nước”. (7)
Hà Nội Đông Kỷ
Sửu (01/2010)
Trúc Diệp Thanh
Chú thích:
(1) “Lê
Cảnh” là một trong 4 chi họ Lê ở Bích La (Lê Mậu, Lê Văn, Lê Bá, Lê Cảnh) đều cùng
gốc Thủy tổ là ông Chánh chưởng Trung tể triều Lê Chiêu Tông (1522) Lê Mậu Tài
quê làng Mỹ Đức, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cùng tùy tùng và lưu dân từ Bắc vào Quảng Trị
lập làng Bích La, dưới triều Nguyễn ông được phong tước Doãn Lộc hầu.
(2, 3, 6) trích“Bích Phong Di thảo” (Lê Ngân biên soạn-Lê Nguyễn Lưu biên dịch-NXB
Thuận Hóa-2006).
(4) Tham luận của
Nguyễn Hoàn tại Hội thảo về Phó bảng Lê Trinh (12/9/2009)
(5) Sách: “Đi tìm
dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế” (Nguyễn Đắc Xuân-NXB Văn học 2003).
(7) TS. Nguyễn
Bình phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Quảng Trị vừa
Được bầu làm Chủ tịch Hội Di
sản Văn hóa Quang Trị tai Đại hội cuối năm 2009 của Hội.