Tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

Quốc An

nguồn http://www.qdnd.vn/


23 tháng 9, 2008

LTS: Sự kiện ở Tòa Khâm sứ và gíáo xứ Thái Hà đổ ra tràn khắp các đường xá cầu nguyện, bày ảnh tượng, làm lễ, rước kiệu, loa phóng thanh,... từ cuối năm 2007 đến nay, làm cho người ta thăc mắc về kỷ luật ở Việt Nam. Những việc trái phép như thế đã xảy ra rất nhiều ngày trước khi có sự can thiệp của chính quyền. Ở xứ Mỹ từ 30 năm qua, người ta không có một đoàn thể nào có thể ngang nhiên làm như thế. Nhưng có phải tất cả người công giáo ở Việt Nam đều "tệ" như thế hay không? Xin mời đọc giả nghe qua bài viết sau đây từ trang nhà Quân Đội Nhân Dân để còn một chút hy vọng nơi Ca tô giáo.


 

Thực tế lịch sử đã chứng minh những đóng góp tích cực của đồng bào các tôn giáo vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Để tiếp tục phát huy vai trò của đồng bào tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Với hơn 20 triệu tín đồ theo các tôn giáo khác nhau, Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Từ bao đời nay, các tín ngưỡng, tôn giáo trong đó có đồng bào theo đạo Thiên chúa ở Việt Nam luôn chung sống hòa hợp, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Tín ngưỡng truyền thống của nhân dân Việt Nam là thờ cúng tổ tiên, thờ những vị có công lao đóng góp xây dựng quê hương, đất nước... Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ nhân dân còn là tín đồ của các tôn giáo. Nhu cầu tâm linh ấy của nhân dân luôn luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng, coi đó là chủ trương, chính sách nhất quán trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta chấp nhận cả những tôn giáo, những tín đồ không vì lợi ích quốc gia, dân tộc, đi ngược lại truyền thống Việt Nam.

Công dân vùng đồng bào công giáo huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định nô nức lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đợt 2 năm 2008. (Ảnh: Anh Thu)
Cơ sở, căn cứ để xây dựng hệ thống chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc điểm tôn giáo và tình hình thực tiễn của cách mạng. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, đó là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Ngay từ khi mới ra đời, trong chỉ thị của Thường vụ Trung ương về vấn đề thành lập Hội Phản đế Đồng minh (tháng 11-1930) Đảng ta đã có tuyên bố về việc tôn trọng tự do tín ngưỡng của quần chúng. Chỉ thị nêu rõ: "... phải lãnh đạo từng tập thể sinh hoạt hay tập đoàn của nhân dân gia nhập một tổ chức cách mạng, để dần dần cách mạng hóa quần chúng và lại đảm bảo tự do tính tín ngưỡng của quần chúng...". Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn có quan điểm rõ ràng về tín ngưỡng, tôn giáo theo lịch sử phát triển của dân tộc thể hiện ở nhiều nghị quyết, chỉ thị... Báo cáo chính trị tại Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã khẳng định: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập dân tộc và đoàn kết dân tộc, chống phá CNXH, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân". Trong nghị quyết hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Đảng ta cũng chỉ rõ: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta". Đặc biệt ngày 18-6-2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Sự ra đời của Pháp lệnh thêm một minh chứng khẳng định, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nguyên tắc nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Như vậy, có thể thấy về vấn đề tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta thể hiện rõ quan điểm, đó là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và đây là vấn đề còn tồn tại lâu dài trong quá trình phát triển, đi lên của đất nước. Đảng, Nhà nước ta cũng chỉ rõ, cần phải tôn trọng nhu cầu tinh thần, đồng thời tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân. Cách mạng XHCN là sự nghiệp vĩ đại nhằm giải phóng quần chúng nhân dân thoát khỏi mọi áp bức, nô dịch cả về vật chất và tinh thần. Bởi vậy Đảng, Nhà nước ta xác định, trên cơ sở chính sách chung phải thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất của đồng bào các tôn giáo. Sự quan tâm ấy phải được thể hiện cả ở phần đời và phần đạo. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng bào tôn giáo đã có những đóng góp tích cực. Hầu hết các tổ chức tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo đúng hiến pháp và pháp luật. Các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, đồng bào theo tôn giáo ở Việt Nam rất giàu lòng yêu nước thương nòi; đồng bào tôn giáo luôn gắn bó, đoàn kết với đồng bào không tôn giáo phấn đấu vì lợi ích chung của dân tộc, của cách mạng. Đại bộ phận các tín đồ tôn giáo là nông dân, nhân dân lao động. Mong muốn của đồng bào là xóa bỏ áp bức, bất công xây dựng một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Điều mong muốn của đồng bào có đạo cũng là mục tiêu lý tưởng của sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Bởi vậy, trong suốt quá trình lịch sử của đất nước, đồng bào tôn giáo đã có những đóng góp xứng đáng cả về sức người, sức của. Nhiều tín đồ, chức sắc tôn giáo đã hy sinh anh dũng, đổ mồ hôi, xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lui đói nghèo, lạc hậu và bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của Tổ quốc.

Đồng bào tôn giáo là một bộ phận trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân. Với phương châm "tốt đời, đẹp đạo" những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng các tôn giáo đã luôn cố kết với dân tộc tạo nên sức mạnh tổng hợp để đẩy lùi giặc ngoại xâm, chiến thắng giặc đói nghèo, lạc hậu. Những năm gần đây, do ngày càng nhận thức sâu sắc về lợi ích của quốc gia dân tộc, của công cuộc đổi mới nên trách nhiệm của đồng bào có đạo ngày càng được nâng cao, đồng thời ý thức và tình cảm tôn giáo trong số đông đồng bào ngày càng phát triển. Có thể nói đồng bào theo các tôn giáo khác nhau và đồng bào không theo tôn giáo luôn đồng lòng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào các tôn giáo đã và đang nỗ lực cùng với nhân dân cả nước ra sức xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu - nước mạnh - xã hội công bằng - dân chủ -văn minh. Song song với tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng tỏ rõ quan điểm, thái độ đối với những suy nghĩ và hành động không đúng về tôn giáo. Nhà nước ta nghiêm cấm việc kỳ thị hoặc xúc phạm người có tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời cũng nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đến trật tự công cộng, ảnh hưởng đến sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, xâm hại tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của công dân hoặc trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo không chỉ được khẳng định ở luật pháp hay các chỉ thị, nghị quyết mà còn được thể hiện sinh động trong cuộc sống. Hàng chục tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân. Cả nước có hàng chục nghìn chức sắc, nhà tu hành và hàng vạn người hoạt động bán chuyên nghiệp của các tổ chức tôn giáo. Việc đào tạo các chức sắc của các tôn giáo tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Đặc biệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện có ba Học viện Phật giáo với hơn 1.000 tăng ni sinh, 30 trường trung cấp Phật học và 4 trường cao đẳng Phật học với hơn 4.000 tăng ni sinh theo học. Giáo hội công giáo có 6 Đại chủng viện với hơn 1.000 chủng sinh và gần 2.000 chủng sinh dự bị. Các tôn giáo ở Việt Nam hiện có hàng trăm người đang theo học thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước trên thế giới. Cả nước hiện có hơn 22.000 cơ sở thờ tự, trong đó có nhiều cơ sở đã được xây dựng mới, xây dựng lại khang trang, đẹp đẽ và được pháp luật bảo hộ... Đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm giải quyết các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của các giáo phận. Điển hình phải kể tới là việc chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã cấp mới cho Tòa Giám mục Đà Lạt 13.000m2 đất; chính quyền tỉnh Quảng Trị cấp cho Tòa Giám mục Huế hơn 20 héc-ta đất để xây dựng Trung tâm Thánh mẫu La Vang; Chính quyền tỉnh Thái Bình cấp 2.100m2 đất cho Tòa Giám mục Thái Bình xây dựng Chủng viện... Trái với những gì mà các thế lực thù địch đã bóp méo, xuyên tạc, thực tiễn đã chứng minh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang diễn ra bình thường ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Thực tế đó càng minh chứng hùng hồn, bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nguyên tắc nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

 

QUỐC AN

 


Các bài cùng đề tài

 

 

Trang Xã Hội