Thời Bi Tráng

- tiểu thuyết -

Nguyễn Văn Thịnh

 

CHƯƠNG SÁU

Năm 1965…

Nhân Tín về nước đúng dịp quân đội Mỹ ùn ùn đổ vào miền Nam. Hai bông mai bạc của một binh chủng quý phái trên vai áo làm nét mặt chàng trai trẻ lúc nào cũng rạng rỡ tự hào.

Sau khi đơn vị tiền trạm của lữ đoàn Dù đổ xuống sân bay Biên Hòa, tháng Ba, lữ đoàn Thủy quân lục chiến từ căn cứ ở Okinawa ào lên hải cảng Đà Nẵng trong tiếng trống rong cờ mở, mau chóng triển khai chiếm lĩnh những địa bàn chiến lược từ bờ biển tới giáp biên giới Việt–Lào ở eo giữa miền Trung. Đội quân này là niềm tự hào của nước Mỹ, luôn là mũi tiên phong chưa từng nếm mùi thất bại khi nó xuất chinh đánh chiếm các xứ sở hải ngoại xa xôi. Cùng lúc, tại Baltimore, Tổng Thống Jonshon đọc diễn văn tự nhận: “Tôi như con chó đi tìm kiếm hòa bình!”.

Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng 1965. Ảnh của authentichistory.com

Cuối năm, số lính Mỹ tham chiến tăng đột biến tới hai trăm ngàn quân so với hai sáu ngàn quân của năm trước đó. Viên tướng Đại sứ Maxwell Taylor không đồng tình với việc đổ quân vội vã ào ào như thế liền bị triệu về nước với sự tái nhiệm của viên Đại sứ phù thủy Cabot Lodge. Ngày 18 tháng 6, thành phố Sài Gòn rung chuyển bởi những loạt bom từ ba mươi chiếc B52 xuất phát ở đảo Guam, lần đầu tiên dội xuống vùng căn cứ Bến Cát–Bình Duơng, chỉ cách chừng 40 kilômét đường chim bay về hướng bắc. Đến lúc đó, nước Mỹ tự hào có ba loại vũ khí chiến lược mang được bom và đầu đạn hạt nhân, có khả năng đè bẹp đối phương ngay từ những phút đầu khởi chiến là: Tên lửa tầm xa, Tàu ngầm mang tên lửa tầm trung và Chiến lược cơ B52 là loại máy bay khổng lồ hiện đại nhất, có khả năng bay xa xuyên lục địa và bay cao ngoài tầm kiểm soát của các loại tên lửa đất đối không, chở được ba mươi tấn bom, có sức tàn phá tương đương với ba, bốn chục chiến đấu cơ tập trung cùng đánh phá một mục tiêu. Mọi sinh vật trong phạm vi ấy không tồn tại được.  

Người Sài Gòn mang nhiều tâm trạng. Kẻ lộ rõ điều mừng, người dấu kín nỗi lo ngay cả trong mỗi gia đình. Trung uý phi công Nhân Tín nhận việc tại Phòng phối hợp hành quân – Bộ tham mưu liên quân Việt-Mỹ bởi sự giỏi giang, tính nhanh nhẹn và phóng khoáng, có mối quan hệ thân tình với nhiều sĩ quan người Mỹ. Anh thường cùng với sỹ quan chỉ huy quân đội Đồng minh ngồi trên phi cơ đi trinh sát trận địa trước và sau mỗi trận đánh.

Nhân Tín đưa ra một trong số hàng triệu những tờ rơi tung ra trắng đất, chụp cảnh hoang tàn đến khủng khiếp sau một trận B52 oanh kích, với lời ghi răn đe đậm nét: Đừng nên để cảnh này xảy ra lần nữa !

Bà giáo mặt tái mét, run cầm cập nói không thành tiếng:

- Amen! Lạy Chúa tôi! Thế này thì chết hết!

Nhài nhắm mắt lại, hai tay chắp trước ngực :

- Mô Phật! –  Cô bỏ quay về phòng.

Thủy Tiên bật lên lời phản ứng:

- A men! Nó là qủy Sa tăng! – Đôi môi cô mím lại.

Trung tá Phát Lộc phân bua :

- Nếu còn ông cụ thì không đến nỗi này!

Trung tá Chu nhìn bác giáo giải trình:

- Kế hoạch Staley–Taylor với quốc sách ấp chiến lược đã tan như bọt sà phòng! Quân lực Việt Nam cộng hòa trong cảnh tan rã hết phương cứu nổi. Người Mỹ chỉ còn cách hoặc là để xứ này lọt vào tay cộng sản như ở bán đảo Triều Tiên, như ở Cu Ba ngay bên nách họ; hoặc là ào ạt đổ quân vào đánh cường tập để vãn hồi tình thế mới có thể mau rút chân ra.

Trung uý Nhân Tín phấn kích lắm:

- Nhiều ý kiến thúc giục Tổng Thống Johnson gia tăng hơn nữa sức ép quân sự với phía bên kia. Có ý kiến trình lên Quốc Hội Mỹ xin tăng viện tới sáu, bảy trăm ngàn quân. Ông Nixon ra tranh cử Tổng Thống nhiệm kỳ tới thuộc cánh Diều hâu tuyên bố xanh rờn chính sách với Việt Nam là: Phải dùng sức mạnh quân sự tối đa để kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt!

Mắt anh ta sáng ra nhìn mọi người, tay giơ tờ rơi lên:

- Mà sức mạnh quân sự Mỹ không chỉ giới hạn ở mức này thôi đâu!

Ông giáo Phú quay qua cậu em vợ hỏi:

- Hồng Y tổng giám mục Spelman từng nhân danh giáo hội Hoa Kỳ khen quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam như những vệ binh bảo vệ vương miện Chúa, trong khi Giáo Hoàng Paul VI chủ trương kiến tạo hòa bình giữa hai thực thể hiện hữu đang tranh chấp nhau là chính phủViệt Nam cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam?!

Trung tá Phước Lộc ngồi lên ngay ngắn, tay làm dấu thánh, nói ra trong tiếng thở dài:

- A men! Lạy Chúa tôi! Dù sao Đức Thánh Cha cũng chưa thấu hết lòng các con chiên lạc ở xứ sở xa xôi này… cũng như giáo hội Việt Nam ta!

 Anh lại làm dấu thánh.    

Ông giáo trầm ngâm, không nói gì thêm nữa.

Chỉ còn lại ông giáo Phú và Trung tá Chu. Hai người có sự đồng cảm từ lâu, đến lúc này không thể giấu nhau được nữa:

- Cháu nghe nói bác nhận hợp tác với…

Chu nhìn bác giáo.

- Anh nghĩ thế nào?

Ông giáo nhìn thẳng vào Chu với vẻ tự tin: Dù anh nghĩ sao tôi vẫn làm như vậy!

- Cháu tin bác làm việc gì cũng đắn đo chín chắn.

Ông giáo thở phào tươi lên vì có người hiểu việc mình làm. Ông nói liền một mạch như trút ra nỗi lòng u ẩn bấy lâu:

- Đã từ lâu moa muốn quên đi mọi sự đời. Moa nhận nghề dạy học là tìm mối quan hệ với những đối tác vô tư lương thiện để lòng thanh thản. Moa chợt nhận ra người biết tự trọng chí ít cũng phải có trách nhiệm lương tâm với lớp con cháu của mình. Khi nhận được lòng yêu mến kính trọng của những đứa trẻ, moa lại thấy càng phải làm sao cho xứng đáng… Con cá sống vì nước. Mỗi chúng ta cũng như con cá sống trong ao hồ. Muốn sống tốt phải có nguồn nước sạch. Con người hơn con cá ở chỗ biết làm gì cho nguồn nước sạch. Moa từ chối cái ghế người ta muốn giao và chỉ nhận làm một cộng sự viên thôi để không ai có thể ràng buộc trách nhiệm vào mình.

- Cháu xin lỗi, Bác có làm theo sự gợi ý của ai không?

- Đúng! Ký giả Tường Minh.

- Cháu chưa hiểu mấy về con người này?

Ông giáo suy tư một lúc rồi dè dặt nói :

- Anh ta là con ông bạn Hiệu trưởng. Chúng tôi biết nhau từ thời còn trẻ. Anh ta là con cả, có đi tham gia kháng chiến nhưng tới gần mãn cuộc bỏ về na ná như cảnh ngộ của moa. Gia đình cho lánh qua Pháp là để tránh phiền hà với cả hai bên. Anh ta học nghề báo, lấy vợ kiều bào ta, có hai quốc tịch.

- Hiện anh ta là ký giả tự do?

- Anh ta cộng tác với nhiều hãng thông tấn và báo chí nước ngoài. Những tin tức của anh ta được đánh giá là thật và vô tư, có uy tín trong giới đồng nghiệp và có mối quan hệ khá thân thiết với nhiều chính khách quốc nội và quốc ngoại nên moa có hỏi ý kiến cha con anh ta.

- Họ đồng tình hay phản đối?

- Ông bố rãy nảy ra không muốn cho moa bỏ dạy ở trường nhưng chính anh ta khuyên moa chỉ nên hợp tác giới hạn thôi, cũng là dịp tích luỹ thêm sự hiểu biết cả hai chiều, cần thiết cho người dạy sử. Moa đã như người ở ẩn nhưng vẫn nợ cái tình đời, vẫn muốn biết thế cuộc làm sao. Một lúc cùng làm hai việc vẫn được.

Chu chưa thoả mãn với lời phân giải:

- Bác có dễ tin vào một người còn nặng nợ gia đình với phía bên kia ?

Ông giáo hiểu ra điểm khúc mắc của người cháu có mối thân tình từ lâu:                     

- Cháu muốn nói tới Vũ Văn Khoa? Lúy là con một người bạn cố hữu của moa. Tuy số phận không xuôi xả nhưng lúy không là người cố chấp. Lúy tây học chính danh nhưng còn giữ nhiều nếp văn hóa Á đông. Nghĩa là vẫn hướng về gốc rễ. Lúy còn nhiều điều muốn biết nhưng không dễ hiểu ngay nên từ chối lời mời tham chính của “les amis de son père” (mấy ông bạn của cha anh ta). Lúy tiến cử moa vì biết moa từng cộng tác với phía bên kia từ ngày khai quốc nên hiểu họ hơn. Moa nghĩ  lúy thành tâm và muốn có người tin cẩn đi trước dò đường. Lúy trẻ nhưng không háo thắng, chân thực và có óc vừa thực tế vừa phóng khoáng của người tây phương.       Mấy ngài chức sắc của Bộ thông tin chiêu hồi trước sự xuất thế của một bậc đàn anh kỳ cựu không mang điều tiếng xấu thì mừng húm vì lâu nay họ tưởng ông đã thoát tục rồi, nên cũng quên đi. Công việc của ông là tiếp xúc với các cán binh trung cao cấp của phía bên kia chiêu hồi về với chính nghĩa quốc gia để biết chính kiến của họ về chiến cuộc.

Đến lúc ông giáo dò lại người đang bộc trực với mình:

- Tại sao anh biết để hỏi moa những điều như thế?

- Mấy em buồn và than với cháu!

- Trong đó không có thằng Nhân Tín!

Chu buồn rầu lắc đầu:

- Nó còn vỗ tay reo: Mấy ai hiểu cộng sản từ trong ruột bằng bác giáo!

Bác giáo thở dài:

- Cuộc chiến này chưa dứt đã nảy mầm một cuộc chiến khác mà hậu hồi chưa biết thế nào!

Chu hỏi thẳng :

- Theo ý bác, diễn biến sẽ ra sao?

Ông giáo không kìm lòng được nữa: 

- Giờ thì nó trơ trẽn lộ nguyên hình là một cuộc xâm lăng áp chế, không phải để cứu vớt một guồng máy cai trị thối tha mà để cứu vãn thể diện một đại cường quốc muốn làm bá chủ toàn cầu, ẩn danh bảo vệ nền tự do nhân loại! Hai thập kỷ, vừa hết một vòng quay. Nhưng sức nặng của bánh xe lịch sử lần này nhân lên gấp nhiều lần.

Nét mặt ông đăm chiêu. Chu xịu mặt xuống:

- Trước mắt, bác cháu mình đang nối giáo cho ai?!

Hai người nhìn nhau chia sẻ nỗi bất lực của mình.

Ký giả Tường Minh từng nói với bạn của cha mình:     

- Bác có tầm nhìn thế sự sâu xa lắm. Ngay khi lật đổ chính quyền gia đình trị, đám ngựa non chẳng làm nên tích sự gì, nhiều người hướng về tướng De Gaulle tưởng như ông này ve vãn được xứ thuộc địa xưa đã mất với cái mồi trung lập nhưng bác đã nhất định rằng người Mỹ không dễ chịu thua. Và họ đã nhảy vào! Tình thế chiến cuộc xoay chuyển rồi. Bây giờ người Mỹ sẽ làm  gì ?

- Anh cho tôi có thời gian suy nghĩ !

Điều ông suy nghĩ  không chỉ nhằm trả lời câu hỏi đó. Ông cần suy nghĩ về chính người đưa ra câu hỏi. Động cơ của những người bỏ cuộc quay về đa dạng lắm. Ai cũng có sĩ diện cả nên không thiếu gì cách bày ra đủ thứ sự tình để minh chứng ta vẫn xứng là kẻ sỹ cho dù mình dối chính mình. Mấy năm nay tiếp xúc, biết anh ta là người đứng đắn, mặc dầu làm nghề ký giả nhiều khi phải sống tạp lắm. Anh ta thích khai thác người đối tác với mình nhưng không ai khai thác anh được một điều gì ngoài những điều mọi người đều biết về anh. Cha anh là bạn của ông. Ngày xưa ông ta là một trí thức chùm chăn điển hình ở đất Hà thành. Nhưng từ ngày di cư vào đây, xem ra ngôi trường tư thục ông đứng danh Hiệu trưởng luôn khôn khéo giữ được sự thăng bằng trước những áp lực nhiều khi thô bạo của nhà cầm quyền. Học sinh của trường tham gia khá đông trong các hoạt động cứu trợ từ thiện cũng như trong các cuộc đấu tranh bảo vệ mỹ tục thuần phong và công bằng xã hội… Chỉ đơn thuần là tấm lòng liêm chính của đạo làm thầy hay liệu có sự tác động nào khác không? Anh luôn tỏ ra kín đáo tránh can dự vào nhưng trong công việc, cha con cùng một ý. Với ông, ngoài tình cảm thân tình cố cựu, gần đây anh ta tỏ ra chú ý tới ông nhiều hơn. Những điều anh ta nêu ra có vẻ thăm dò và như có ẩn ý gì. Người vô tình coi là tính đặc trưng nghề nghiệp. Nhưng ông không phải là kẻ ngây ngô và để ai đó dễ lợi dụng mình. Anh ta đã khuyên ông nhận thêm một chức danh vô thưởng vô phạt ở Bộ thông tin–chiêu hồi và ông như một cái mỏ thông tin đa chiều. Nhưng những thông tin ấy có chỉ đơn thuần lợi cho nghề nghiệp? Tuy nghi vấn nhưng bằng cảm giác trực quan, ông tin anh ta không là người xấu. Ít ra anh ta cũng không làm hại ông.

Ông quyết định nói ra những thông tin mà ông biết được:

- Người Mỹ đã chuyển cuộc chiến tranh đặc biệt thành chiến tranh cục bộ. Đó là thế cùng vì họ không muốn để dây dưa. Họ sẽ đổ quân vào ào ạt, có khả năng tới hơn nửa triệu quân, tăng cường sức ép quân sự và dự tính sẽ hoàn thành trong 25 đến 30 tháng, nghĩa là tới cuối năm 1967 thì xong. Kế hoạch tiến hành theo ba bước: – Bước một: Đổ quân nhanh và triển khai trên những địa bàn chiến lược – Bước hai: Tổ chức các cuộc hành quân tìm và diệt quân chủ lực giải phóng – Bước ba: Quét dọn và bình định, làm sạch địa bàn và giao cho quân lực Việt Nam cộng hòa giữ đất an dân. Nói là quân đội đồng minh nhưng quân Mỹ là chính thôi. Mấy quốc gia Australia, New Zealand, Philippine, Thái Lan do bị sức ép trong khối liên minh quân sự không thể từ chối được, mỗi nước chỉ có thể gửi sang đơn vị tiểu đoàn, riêng Đại Hàn có nhiều hơn với mục đích được nhận nhiều viện trợ của Hoa kỳ nhưng không thấm vào đâu so với yêu cầu.

Ký giả Tường Minh nghe chăm chú như muốn nhập tâm. Anh ngồi trầm ngâm lâu lắm, còn muốn nói ra điều gì xong cứ ngập ngừng. Ông giáo Phú đứng dậy vỗ vai anh nói câu an ủi mơ hồ:

- Đấy là ý người. Còn ý của Trời nữa!

Ký giả đứng dậy, tay nắm chặt tay, nhìn thẳng vào người đối diện, mạnh dạn nói ra ý muốn của mình:

- Cháu tin lời bác nói là đúng. Nhưng trong công việc, cháu cần có bản sao chính thức.

Hai người nhìn nhau. Qua ánh mắt họ thấy tin nhau.

Hôm nay, trao cho ký giả Tường Minh bản sao Kế hoạch tuyệt mật ba bước của cuộc chiến tranh cục bộ, ông giáo Phú nói giọng buồn buồn nước đôi:

- Hai năm nữa, quân viễn chinh Mỹ sẽ hoàn thành sứ mạng thập tự chinh về nước, để lại ở phương đông này một xứ sở giàu có, an bình và tự do thay cho một vùng đất nghèo nàn, đầy khói lửa chiến chinh, luôn bất an bởi sự đe dọa bị áp đặt tư tưởng vô thần cộng sản!

Tường Minh biết người bạn của cha mình lòng đầy uẩn khúc, anh đưa mắt nhìn khắp nhà vắng vẻ, ngồi xích lại gần ông, nói nhỏ và nhanh nhưng rõ từng tiếng một:

- Cháu thay mặt… Cách mạng… ghi nhận sự đóng góp to lớn này của bác!

Ông giáo Phú bị bất ngờ. Điều đó ngoài sức tưởng tượng của ông. Ông làm một việc táo bạo nhưng anh ta cả gan hơn để lộ ra chính mình. Ông ngồi ngây ra, nước mắt rơm rớm, vừa kinh ngạc vừa cảm động:

- Anh không sợ nguy hiểm cho mình?

- Việc bác làm còn khó khăn nguy hiểm hơn nhiều!

- Tôi muốn làm một việc gì để sửa sai quá khứ. Nhưng mong rằng việc tôi làm không để liên lụy cho ai!

Ông nghĩ tới Chu, người đã tin tưởng trao cho ông bản sao tuyệt mật đó. Ông tin rằng Chu cũng một lòng như ông mặc dù ông nói tránh đi rằng cần nó để thẩm tra dò xét quan điểm của đám chiêu hồi từng có một thời làm cán bộ đương đầu với bao nhiêu bùa phép của đối phương. Chu không ngây thơ dễ tin như thế. Anh lặng lẽ trao nó cho ông mà không hỏi điều chi.

Ký giả Tường Minh động viên ông:

- Bác dạy sử hẳn nhớ lời Đức Thánh Trần xưa: “Khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm như gió như lửa, thế ấy lại dễ chống”! Chúng nó tuy mạnh nhưng không có được lòng dân. Cháu nhớ một câu ngạn ngữ phương tây: Chỗ yếu của kẻ mạnh là ỷ vào sức mạnh của mình! Tình hình sẽ gay go quyết liệt nhưng cuối cùng nhân dân ta sẽ thắng.

Ông giáo đặt cả hai tay lên vai anh ký giả lay lay. Lâu lắm rồi ông mới gặp một người đồng tâm, đồng ý, đồng tình với mình như thế.

Muốn thắng lợi ngoài tiền tuyến, phải ổn định hậu phương. Sau mấy năm thăm dò chọn gương mặt mới đã tạo nên một chính trường hỗn loạn và nguy hiểm. Chính giới Mỹ đành tạm để yên cái định chế quân sự gọi là Ủy ban lãnh đạo quốc gia với mối liên kết lỏng lẻo của các viên tướng luôn hục hặc với nhau về quyền bính nhưng đều rất cần sự có mặt càng nhanh, càng nhiều càng tốt của quân Mỹ để họ đạt mục tiêu danh-lợi. Đồng thời gây sức ép bàu Quốc hội lập hiến để hợp pháp hóa việc can thiệp ngày càng sâu vào nội tình Việt Nam. Thật ra, đa phần ghế nghị viên đã được mua qua những đồng dollar viện trợ. Tuy nhiên để che dấu bộ mặt dân chủ giả hiệu, người Mỹ cũng dành ra một số ghế tối thiểu để các phe phái được mặc sức tranh giành đấu đá nhau như ở chính trường các nước phương tây. Do sự gợi ý của ký giả Tường Minh và được giới giáo chức ủng hộ, nhà giáo Phan An Phú đắc cử chức nghị viên dân biểu. Ký giả Tường Minh bàn với ông :

- Bác không nên đứng vào phe đối lập sẽ dễ bị lộ ra, hỏng việc. Bác cũng không nên đứng về phe thân chính vì sẽ bị lợi dụng để người ta xa lánh. Chỗ đứng hợp với bác nhất là trung lập. Phe nào cũng muốn lôi kéo mình. Mình hiểu được ruột gan của họ. Tùy theo tình thế phát triển, lá phiếu của mình ngả theo phe nào, phe ấy thắng. Mình dễ trụ lâu dài.

Bám vào mấy trăm ngàn lính viễn chinh đến từ tân thế giới giàu có, các dịch vụ ăn theo đua nhau mọc lên: cao ốc, khách sạn, nhà hàng, sở Mỹ, các affair đa dạng lớn nhỏ, các cuộc tình thực dụng. Dù sao cũng là sự đột biến trong đời sống nhiều giới, nhiều người trong đội quân thất nghiệp đông đảo đang héo hon trong cảnh thiếu thốn bần cùng cũng được tươi lên, đặc biệt là ở các đô thị có căn cứ của quân ngoại chủng. Trung tâm thành phố Sài Gòn ngày đêm nhan nhản quan lính viễn chinh. Từ các Snach Bar vang lên tiếng nhạc xập xình và những tiếng cười khoái lạc quăng ra vỉa hè trong ánh điện đủ màu nhấp nháy làm lóa mắt, nhức tai người qua đường. Các cô gái Việt nhỏ xíu õng ẹo ôm eo, áp đầu dưới nách tên lính Mỹ trắng, Mỹ đen cao lênh khênh và to như con bò mộng.

Ông giáo Phú từ trụ sở Hạ nghị viện ra bước xuống bậc thềm. Một người dáng sang trọng trong bộ đồ lớn, kính trắng gọng vàng, tay xách chiếc samsonite đen bóng bước tới vồn vã nắm tay:

- Anh Tham… anh Giáo… à anh Nghị chứ!

Ông giáo sững lại một lúc mới nhận ra người quen cũ :

- Ôi trời! Nhà thơ… nhà báo! Mà sao trông lạ thế này?

Nhà thơ Kim Qúy kéo người đàn anh sang tiệm café Givral kế đó. Ông giáo ngắm người xưa lắc đầu không hiểu nổi:

- Không còn nghĩ được ông là ký giả nữa đâu. Cứ ngỡ là ông VIP nào… Chí ít thì cũng phải là ông chủ hoặc thuơng nhân lớn chứ!

- Ối dào, cái nghề ấy bèo bọt lắm! Lâu lâu rặn đỏ mặt mới được một bài, rồi phải cầu cạnh lạy lục mãi nó mới lên báo cho. Mấy đồng nhuận bút không đủ cho con vợ mua son phấn!

Ông giáo ghé sát tai nhà thơ nói nhỏ:

- Lâu không gặp, tôi cứ nghĩ biết đâu ông đã ra mật khu rồi!

Nhà thơ trầm ngâm :

- Được như vậy thì đã phúc. Mấy ổng liệt mình vào loại Việt gian tay sai đại phản động rồi! Suy cho cùng cũng vì bát cơm manh áo thôi…

Ông ta bỗng tươi lên:

- Bây giờ em dùng cái nghề bạc bẽo ấy chỉ để làm những cú affaire đủ loại: chính trị, kinh tế, tình tang đực cái… nghĩa là có nhu cầu gì là em chạy cò. Chỉ tốn nước bọt  thôi mà kiếm chác được lắm. Em có nhà, có xe đàng hoàng. Vẫn nhớ ông anh nhưng lâu em không đến vì ngại bà chị. Bả không thích em! Anh còn nhớ con vợ ngày em đưa đến chúc tết không?

Giọng ông ta trùng hẳn xuống:

- Nó theo một thằng Mỹ biến rồi! Em kiếm việc cho nó làm ở PSM (Power Super Market = Siêu thị quân đội Mỹ), nhận thầu giặt quần áo Mỹ. Toàn những việc hái ra tiền cả. Thế mà nó rửng mỡ đem đứa con đi theo một thằng đại úy đen DEROS (tiếng lóng của binh lính Mỹ ý chỉ ngày hồi hương) sang miền đất hứa! Chưa biết sẽ là đứa nào sướng khổ?!

Anh ta lúc buồn lúc vui chẳng hiểu thế nào. Ông giáo lái qua chuyện khác:

- Anh em tín nhiệm giới thiệu moa ra làm dân biểu. Nhưng ở vị thế này dù không muốn cũng thành nghị gật vì moa chả hiểu phía bên kia thế nào và thực tế lính Mỹ đánh đấm ra sao?

Khơi trúng mạch, nhà thơ-ký giả được dịp tuôn ra :

- Nhiều lúc em cũng phải lặn lội theo tụi nó ra chiến trận. Trên thế gian này từ cổ chí kim, chưa có đội quân nào mạnh hơn quân lực Mỹ. Hành quân ra trận có trực thăng chở đến tận nơi. Quan lính nằm vắt dái chờ máy bay ném bom, pháo đại đủ loại từ 105-155ly, có cả dàn nhạc Tân Tây Lan 24 khẩu “đề” cùng một lúc, nã liên hồi cho tới khi trận địa nát nhừ rồi xe tăng dưới đất, trực thăng chiến đấu trên trời quét dọn sạch những gì còn sót lại. Số đạn một lính Mỹ sài ở đây gấp tám lần hồi chiến tranh liên Triều và gấp hai mươi lần hồi Thế chiến thứ hai. Họ sẵn sàng chi 27 ngàn viên đạn để hạ gục một Việt cộng. Khi bộ binh tiến vào đến cục đất cũng không nguyên vẹn nữa thì hòng tìm đâu ra dấu vết địch quân để mà biết đã diệt được bao nhiêu và phá hủy những gì?!

Nhìn người nghe chăm chú với vẻ mặt âu lo qúa, ký giả dí dủm kể chuyện vui chiến trường:

- Và trên thế gian này cũng không có lính nào chơi sang hơn, quậy hơn lính Mỹ. Chiếm lĩnh xong trận địa, đến giờ nghỉ ngơi, có ngay một chiếc trực thăng bay tới đậu trên trời làm mưa phun nước xuống. Lại một chiếc khác bay tới phun nước sà phòng. Cả đại đội hàng trăm thằng tắm mưa nhân tạo thơm tho thoả thích. Rồi lại có trực thăng thả xuống cả bầy ngựa cái nhảy lồng lên hí hét tưng bừng… Người ngựa, ngựa người tha hồ quần thảo, đú đởn làm đủ trò hoang dã giữa trời giữa đất… Khẩu phần ăn toàn đồ hộp nhưng vẫn đầy đủ như lúc đóng quân trong doanh trại: ngoài bánh mì, thịt, cá còn có cả trái cây, cà phê, thuốc lá Salem, tăm, khăn… thừa thãi. Khi rút đi, của dư Việt cộng hôi về còn nuôi nhau được. Dù đóng quân ở tiền đồn xa xôi hẻo lánh vẫn mang theo đầu bếp tạp dề, mũ trắng chế biến đủ các món ăn thay đổi cho đỡ ngán. Vật tư khí tài sài sang tới mức công tử Bạc Liêu còn gom về sài lại!

- Liệu phía bên kia có chịu nổi không?               

- Ai cũng khoe mình thắng. Như trận đụng độ Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Bàu Bàng, đám ký giả săn tin chụp ảnh đám Thủy quân lục chiến Mỹ chết và bị thương làm xôn xao dư luận…

Ký giả ví von:

- Cuộc chiến giống như võ đài quyền Anh ngộ nghĩnh: một võ sỹ siêu hạng đeo đai vô địch nhà nghề đấu với một võ sỹ tí hon quê mùa chân đất vô danh tính. Một anh liên tiếp tung ra những đòn khủng khiếp nhưng chỉ là đấm gió. Một anh cứ chạy xà quần lén nắm thắt lưng địch mà đánh, tuy không là đòn chí mạng nock out nhưng như bầy muỗi quần sư tử, làm khó chịu mãi chúa sơn lâm cũng sinh nản chí! Sỹ quan Mỹ bảo nhau đừng dại đánh tay đôi, giáp chiến với Việt cộng. Hãy lùi xa ra mà dội bom pháo đổ lửa lên đầu chúng rồi chỉ việc vào đếm xác thôi. Nhưng họ đánh du kích, lẩn như trạch, sống chết nhiều ít ai biết được?!

Ông giáo ngắt mạch:

- Quân số Mỹ gia tăng chóng mặt, tới gần bốn trăm nghìn, áp đảo. Đã hơn cả số quân Mỹ tham chiến ở Triều Tiên dạo trước. Khác chi lấy thịt đè người mãi sao chịu nổi?!

Ký giả cười nhăn mũi:

- Tính đầu quân thì đông thật nhưng một đội quân kềnh càng rình rang lãng tử tay chơi như thế thì một thằng cầm súng phải có mười thằng phục vụ. Trong khi chính họ nói ra cần mười tay súng Mỹ mới diệt được một Việt cộng. Nhưng Việt cộng là quân số ma! Như ở thành phố này, Việt cộng đâu chỉ là mấy anh lính đặc công hay cán bộ nằm vùng. Giả như em là Việt cộng thật thì ông anh cũng không biết được!

Ông giáo cười khà:

- Nhưng nếu moa là Việt cộng chắc chắn không qua mắt được toa đâu!

Ký giả gật gù:

- Làm phép tính nhẩm cũng thấy: cứ một trăm lính bên này mới chơi lại một du kích bên kia. Dù có được nửa triệu quân Mỹ đã nhằm nhò gì so với số quân của họ ước tới ba, bốn chục ngàn người! Mình không mong bên ấy thua, cũng không mong Mỹ thắng. Cứ để chiến sự cù nhầy cù cưa dài dài mãi, người Mỹ không sao rút chân ra được. Vậy mà dễ sống!

   ô

Nhân Tín đập đập nắm tay trên mặt bàn, lắc đầu không hiểu nổi việc gì đã xảy ra:

- Quân lực Mỹ đổ vào đây toàn những đơn vị thiện chiến lẫy lừng tên tuổi với bao nhiêu chiến tích trên các chiến trường quốc tế: Sư đoàn Một–Anh cả đỏ, Sư đoàn 25–Tia chớp nhiệt đới, Sư đoàn 101–Kỵ binh bay… để thực hiện hai cuộc hành quân liên tiếp Cédar Fall và Attelboro ở khu Trảng Bàng, Củ Chi, Đức Huệ gọi là Tam giác sắt và khu vực tây bắc Sài gòn. Điều kỳ lạ là không lùng ra chủ lực Việt cộng để mà diệt. Họ tránh né như biết trước từng đường đi nước bước của mình. Quân lực Mỹ bị thương vong những chuyện không đâu: sập hầm chông, đạp trái nổ, bị bắn tỉa, chọi lựu đạn bằng tay, bằng cả nạng dàn thun kỳ quái chỉ ở đất nước này mới có… làm cho binh lính ngán ngẩm chán chường. Khi gom quân chuẩn bị rút đi lại bị pháo kích hoặc tập kích bất ngờ, thương vong nhiều càng làm cho binh lính mất tinh thần mà ngay cả hàng ngũ sỹ quan chỉ huy cũng lúng túng tưởng như Việt cộng có con mắt thần, càng không biết xoay sở làm sao. Trong khi đó ở ngay giữa đô thành Sài Gòn, lính quốc gia, lính liên quân như mắc cửi mà Việt cộng vẫn tung hoành ngang dọc: Pháo kích vào cuộc tổng diễu binh nhân ngày Quốc khánh của nền Đệ nhị cộng hòa, làm các nhà đầu lĩnh quốc gia và đồng minh bẽ mặt, tấn công sân bay Tân Sơn Nhất, cho nổ hàng trăm tấn bom, phá huỷ hàng chục máy bay các loại…

Ông giáo dịu dàng nhìn cháu, lắc đầu:                

- Bất cứ một đội quân viễn chinh nào đi xâm chiếm nước người đều không nhận được sự hợp tác thật lòng của người bản xứ!

- Có quốc gia nào chơi lại người Mỹ được không?

- Lịch sử nước mình đã nhiều lần tưởng như châu chấu đá voi. Nó lạ lùng lắm, không giống bất kỳ ai. Vũ dũng binh đao không thắng được mưu sâu chí bền.

- Người Mỹ còn nhiều mưu mô lắm !

Với bác giáo Phú, anh ta kính nể về sự hiểu biết, qúy trọng về tư cách, yêu mến về tính cách. Anh biết bác không thích người Pháp trước kia, càng không thích người Mỹ ngày nay nhưng cũng không ưa cộng sản. Bác là người có tâm có tình nhưng không mặn mòi với đám người lúc nào có thời cơ là trưng ra cái bảng hiệu ái quốc, hưng phục quốc gia bằng cách vỗ ngực xưng danh, tranh nhau đấu khẩu đua tài nhưng khi có biến thì mặt xanh lè lẩn nhanh như thỏ. Họ kêu gào chống ngoại bang nhưng lại phải dựa vào ngoại bang mới tồn tại được. Với anh, bác là một trí nhân thức thời đứng ngoài thế cuộc. Anh tin bác, thường hỏi ý bác về diễn biến thời cuộc và bộc bạch ra cả những công việc của mình. Là sỹ quan trẻ có năng lực, được người Mỹ tuyển chọn đào tạo và tin tưởng, được làm việc ở cơ quan đầu não chỉ huy, những điều anh nói ra, dù chỉ là phác họa sơ bộ một ý đồ tác chiến cũng vô cùng quan trọng.

Ký giả Tường Minh thông báo về những tin tức do ông cung cấp là đặc biệt có giá trị, góp phần không nhỏ vào những thắng lợi vừa qua. Thành tích ấy được trung tâm ghi nhận và đặc thưởng huân chương. Ông giáo Phú không vì thế mà vui:   

- Làm được việc gì dù nhỏ mà hữu ích cho đất nước là tôi thoả lòng. Tôi tin ta còn có nhiều nguồn thông tin qúy giá vì những người lương thiện và tâm huyết luôn biết mình phải làm gì lúc nước non nguy biến. Phần thưởng này thuộc về người khác trong đó có người ngầm hiểu công việc tôi làm mà vẫn âm thầm tiếp sức nhưng cũng có người vô tình vì rất tin tôi. Dù sao tôi vẫn nghĩ công lao ấy thật sự là của họ và trong bất cứ hoàn cảnh nào tôi cũng có trách nhiệm giữ gìn cho họ bởi họ đều là người tốt cho dù cách nhìn xã hội của họ khác ta.

Ký giả Tường Minh nhắc ông:

- Tướng Oét (Wetmoreland) tự nhận hết thua nhưng chưa thắng, hiện đang có âm mưu mới táo bạo và nguy hiểm hơn!

Ông giáo biết việc cần làm.

Vừa bước vào nhà, Chu khoác vai Nhân Tín reo lên:   

- Lâu lắm anh em tình cờ gặp nhau. Chú em giờ làm sỹ quan liên lạc cho tướng cố vấn của Bộ Tổng tham mưu, còn quan trọng hơn anh chú đấy!

Mọi người líu ríu chuyện trò. Chu tỏ ra phấn kích hăng hái lắm:

- Bác cháu mình ra nhà hàng nổi Mỹ Cảnh vui chút đi!

- Hai anh em lâu mới gặp cứ tự nhiên thoải mái! – Ông giáo tế nhị.

Trung tá Chu ôm hai chiếc cặp chạy lên gác. Lát sau quay xuống cẩn thận giao chìa khóa cho ông giáo:

- Cháu khóa cửa phòng rồi!

Hai anh em vui vẻ ra xe phóng ào đi.

Ông giáo hiểu là có sự bất thường. Chu đã như người tự nguyện báo cho ông những tin cần thiết. Thậm chí giao cả bản sao in dấu tối mật nữa. Có lần ông lưỡng lự:

- Cháu không sợ có điều gì rắc rối hay sao?

- Cháu giúp bác làm được việc và hoàn toàn tin ở bác!

Chả là ông từng phàn nàn với con cháu anh em trong nhà:

- Ở Việt Nam này cái chức nghị sĩ là hữu danh vô thực. Mọi chuyện đều quyết định ở chiến trường. Làm dân biểu mà mù tịt về chiến sự thì vô duyên lắm.                     

Bây giờ Chu thận trọng đem cả hai chiếc cặp lên để ở phòng ông là có ý gì đây?

Ông vào phòng, khóa trái cửa lại. Sự lạ chắc là ở trong cặp cậu sỹ quan trẻ tuổi trên đà thăng tiến này. Ông lòng vòng suy nghĩ mãi. Chẳng lẽ mình làm sự bất chính với một đứa cháu hết lòng kính trọng và tin ông còn hơn tin cả cha nó hay sao? Ông là ai? Ông không là gì cả. Ông chỉ là người dân bình thường nói ra những điều mình nắm được cho những người yêu nước biết mà tránh đi thôi. Nhưng giúp cho một bên đối địch có nghĩa là đã đứng về một phía rồi. Trong lúc tình hình quyết liệt sống chết thế này mà cứ lưỡng lự mãi là hỏng việc. Ông quyết định mở cặp của Chu trước. Chỉ có xấp tài liệu với cuốn sổ ghi lằng nhằng. Ông mở sang cặp của Nhân Tín và nhận ra ngay bản báo cáo tiếng Anh nội dung phiên họp giữa viên tướng Cố vấn Mỹ với tướng Tổng Tham mưu trưởng quân lực Việt Nam cộng hòa để trình lên Tổng Thống. Lướt qua, bản báo cáo chừng hai mươi trang, ông biết đây là tài liệu ngoài kia đang cần. Gạt ngay đi những suy nghĩ vẩn vơ, ông đọc ngấu nghiến. Càng đọc càng thấy rõ mối nguy hiểm khi kế hoạch được triển khai thực hiện. Ông cố gắng ghi trong bộ nhớ để có thể tóm lược chính xác khi truyền đạt lại. Ông biết người ta có thể chụp vi phim nhưng ông chưa từng làm việc ấy. Ông cẩn thận bổ xung bằng những ký tự riêng. Lần đầu tiên ông có cảm nghĩ mình giống như một điệp viên. Tay ông run run và mặt ông nóng đỏ dần lên. Đó là kế hoạch của một cuộc tấn công tổng lực, đánh thẳng vào căn cứ R ở phía bắc Tây Ninh vẫn được coi như thánh địa của kháng chiến miền Nam. Với mục tiêu đánh gãy xương sống là chủ lực Quân giải phóng, đập tan cơ quan đầu não kháng chiến và bịt miệng Đài phát thanh giải phóng, liên quân Mỹ–Sài Gòn huy động tới 45 ngàn quân, chủ yếu là những đơn vị tinh nhuệ Mỹ, với những phương tiện chiến tranh mạnh nhất: hàng ngàn xe tăng, thiết giáp, hàng trăm pháo lớn các loại, có sự yểm trợ không hạn chế của không quân kể cả B52 rải thảm bom tọa độ, quét sạch hậu cứ của Việt cộng, hất toàn bộ số còn lại sang Cambodge ở bên kia biên giới! Quân lực Mỹ hy vọng đây là quyết chiến điểm cuối cùng sẽ hoàn tất nhiệm vụ và mau chóng thực hiện kế hoạch rút quân về nước.

Cuộc hành binh Junction City kéo dài gần hai tháng đầu năm 1967 và kết thúc dở chừng không như người Mỹ mong đợi.

Đại úy Nhân Tín than với bác :

- Kỳ lạ quá! Việt cộng như ma. Mình như đánh vào chỗ không người rồi chính mình lại bị đánh bất ngờ, trở tay không kịp như ở Đồng Pan, Đồng Rùm, Bàu Cỏ… Hàng ngàn binh sỹ bỏ mạng, hàng trăm xe, pháo, máy bay bỏ xác giữa rừng. Mình từ thế chủ động tấn công thành ra bị động rút lui. Đài Giải phóng càng to mồm rêu rao mục tiêu lùng và diệt của quân đội Đồng minh phá sản! Ông tướng Mỹ ba sao, tổng chỉ huy chiến dịch nhận xét là: Kẻ địch biết tất cả mọi điều cần biết về chúng ta. Họ biết khi nào chúng ta sẽ đánh, đánh ở đâu, chiến thuật đánh như thế nào… nên chỉ cần một lực lượng nhỏ họ cũng có thể đối phó hữu hiệu với lực lượng của chúng ta hơn họ rất nhiều lần!

Ông giáo nghĩ: Việc mình làm có phương hại gì tới cháu không?

Viên đại úy cúi đầu lộ vẻ buồn rầu.

Ông bác thở dài nhìn cháu.

Ký giả Tường Minh vui vẻ báo tin:

- Trung tâm gởi lời khen đặc biệt và thưởng Huân chương cao hơn lần trước!

Ông giáo không vui:

- Anh trình lại với cấp trên hãy ghi nhận công này thuộc về một người khác mà bây giờ tôi chưa thể nói ra!

Ký giả gật đầu, chưa hiểu hết sự tình:

- Nhân dân ta sẵn có lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm. Tuy nhiên mỗi người một hoàn cảnh nhưng hễ gặp dịp là sẽ thể hiện ra. Có ai ngờ bác cháu mình lại là đồng chí của nhau đâu!

Ông giáo nghĩ đây là sự gợi ý dắt ông đi xa hơn nữa. Ông nói thật lòng:

- Thực ra nền tảng xã hội Việt Nam ta chưa có sự chuẩn bị để người dân được tự do lựa chọn một hình thái xã hội này nọ cho mình. Nhưng trong quá trình đấu tranh giành độc lập và thống nhất tổ quốc, người cộng sản đã tạo được một niềm tin và hy vọng với nhân dân cả nước. Dù trong xã hội có những tình cảm trái chiều nhau thậm chí là cực đoan nhưng người Việt mình có truyền thống lúc quốc gia nguy biến là biết gác lại mọi chuyện riêng tư, thậm chí cả hận thù để chung lo giữ nước. Thế mới có thể tồn tại qua mấy nghìn năm lịch sử thăng trầm. May ra tôi sống được đến ngày non sông thống nhất, đất nước yên bình là mãn nguyện rồi. Con cháu Lạc Hồng bỏ đi những điều hiềm khích, ngồi lại với nhau bàn chuyện xây dựng nước non Đại Việt thì ai ai cũng đều mong muốn. Nhưng chờ đến ngày trong xã hội chỉ còn một giai cấp thôi thì đến lúc này tôi vẫn chưa tìm được sự tương đồng. Chẳng lẽ nhân dân không đủ sáng suốt chọn người thay mặt mình lo việc nước? Như Cụ Hồ là do nhân dân chọn hay do Đảng Cộng sản chọn ra? Những thủ lãnh kiệt xuất đều xuất hiện từ những biến cố lớn lao của lịch sử và đương nhiên được cả cộng đồng công nhận. Tôi chỉ mong được là người bạn đường trung thành cho dù lộ trình ấy rất dài và lắm chông gai.

Anh Tường Minh lái qua chuyện khác:

- Công việc của cháu ngày một nhiều, lại hay phải đi xa. Yêu cầu thông tin cần nhanh chóng kịp thời…

Và anh bàn cụ thể…

Một ngày rằm, ông giáo rủ vợ cùng đi chùa Ngọc Phương dưới Gò Vấp. Bà chiều lòng chồng cũng như ông vẫn chiều bà cùng đi nhà thờ vào những ngày lễ trọng. Người đi lễ chùa đông chen sát vào nhau. Bà cầm thẻ hương bọc trong tờ nhật báo. Ông tay cầm chiếc mũ hợp màu với bộ đồ lớn, tay dắt bà dạo quanh lư hương trước nhà đại lễ nghi ngút khói. Một ni cô cầm nén nhang bước tới. Ông giáo nghiêng mình lịch thiệp:

- Xin lỗi! Tôi đi lễ chùa và mong được bái kiến ni trưởng Huỳnh Liên.

- Thưa… Tôi là đệ tử Diệu Hương theo hầu ni trưởng!

- Phải ni cô dưới chùa Từ Quang lên?                                      Ni cô chắp hai tay trước ngực :                  

- Mô Phật! Kính mời chư vị Phật tử vào nhà lễ dâng hương Phật tổ! – Và quay đi dảo bước .

Nhận đúng ám hiệu, ông giáo giao lại chiếc mũ, dặn vợ đứng chờ, mang theo mấy thẻ nhang bọc trong tờ báo sải bước theo sau. Ông trao cho ni cô bó nhang của mình và nhận lại mấy nén nhang. Ông bước ra trước Phật đài, nén nhang rung rung giữa hai bàn tay dâng cao, cúi đầu làm lễ giữa tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng người lầm rầm xuýt xoa cầu khấn… trong khi ni cô cầm thẻ nhang đi vào nhà hậu.           

Bản báo cáo viết bằng mực hóa học ngay trang trong tờ báo về một cán bộ cấp tỉnh bị mua chuộc đang làm nội gián mà ông mới khai thác được từ đám chiêu hồi.

Người đàn ông qúa tuổi trung niên, nước da sạm, gầy gò nhỏ bé nhưng rắn chắc và nhanh nhẹn, nói giọng Nam đến ở nhà ông giáo.

Căn cứ cử hai người vào để cùng ông làm một số việc quan trọng. Ông phân vân vì ngay với người trong nhà cũng chưa biết giải thích mối quan hệ ấy là sao. Nhưng anh Tường Minh nói thẳng: 

- Đây là những cán bộ tầm cỡ được cử vào điều nghiên những mục tiêu chủ chốt để chuẩn bị cho kế hoạch đặc biệt sắp tới đây. Nhà bác bên ngoài nhìn tưởng như phức tạp nhưng nội tình lại dễ, có thể là tấm bình phong an toàn cho cán bộ ta hoạt động…

Anh còn động viên :

- Ta nói trường kỳ kháng chiến nhưng cuộc chiến tranh nào cũng phải kết thúc. Và hồi kết ấy đang đến rất gần.

Ông giáo cảm nhận một điều gì hệ trọng lắm và trong lòng cũng thấy xôn xao. Đã đến lúc không thể giấu được vợ nữa rồi. Ông nói thật với bà:

- Lâu nay mình có hiểu ngoài nghề gõ đầu trẻ ra tôi còn làm những việc gì khác nữa không?

Điều bà nói làm ông giật mình :

- Đàn ông người nào cũng coi thường vợ, nhất là vợ càng hết lòng với mình! Các ông không biết rằng người đàn bà ngoại tình còn dấu được chồng nhưng người đàn ông ngoại tình không giấu nổi vợ đâu. Có điều người ta làm ngơ đi. Chứ một hơi thở của chồng khác thường người vợ nào không biết. Chẳng qua thấy chồng làm việc nhân việc nghĩa thì mình phải có bổn phận che chắn cho thôi.

Lòng cảm phục khiến ông nói thật hết ra. Bà bảo:

- Một người thì dễ. Miễn là có giấy tờ tùy thân đầy đủ, tôi sẽ nhận là bạn hàng dưới lục tỉnh lên tìm mối. Còn người kia trẻ, đang trong tuổi quân dịch, khó lòng dấu ai ngay cả với con cháu trong nhà.

Bế tắc, ông quyết định nói thẳng ra với Chu vì ông nghĩ anh ta thừa biết việc ông làm và lúc nào cũng sẵn sàng ủng hộ.

- Anh Chu! Có bao giờ anh đặt câu hỏi về những yêu cầu của tôi với anh không?

- Cháu rất kính trọng bác cả về kiến thức và nhân cách và cháu luôn nghĩ bác như cha chú cháu.

- Tôi cũng tin như thế và luôn tránh những việc làm nguy hiểm cho anh. Nhưng đến lúc này tôi bí qúa.

- Được làm việc gì giúp bác mà có lợi cho đại sự thì cháu sẽ cố gắng hết sức mình.

Ông nêu ra yêu cầu nhờ anh bảo lãnh một người đặc biệt. Chu suy nghĩ rồi hỏi:

- Cháu có thể giải quyết được. Nhưng có điều ngại qúa.

Ông giáo nhìn cháu thăm dò. Chu dè dặt:

- Cháu sẽ mang anh ta về nhà, coi như mượn một anh lính giúp việc vặt ít hôm. Nếu anh ta biết lái xe thì tốt qúa… Nhưng cháu thấy hơi khó xử.

Ông giáo hỏi ý ông Năm Tấn. Ông cười khà khà:          - Đã hiến thân cho đại nghiệp còn câu nệ chi việc lớn nhỏ. Chúng tôi làm nghề gì cũng được. Đừng coi Việt cộng quen ở rừng, không biết lái xe đâu ha!

Anh Ba Phát ở lứa tuổi “băm”, nhanh nhẹn, tháo vát, dáng người hợp với lái xe. Anh Chu nói với vợ vì có nhiều công việc phải đi đó đi đây, mượn tạm một anh lính lái xe về nhà ít ngày. Anh nói riêng vơi anh Ba Phát:

- Mong anh thông cảm. Chúng tôi quen sống quan ra quan, lính ra lính.

Anh Ba Phát cười hiền :

- Tôi đã từng trong vai thằng nhỏ ngon lành lắm!

Anh Tiểu đoàn trưởng trinh sát Quân giải phóng nhập vai rất đạt, thường lái xe chở ngài Trung tá đi bất cứ nơi nào anh ta muốn, đặc biệt ra vào khu vực Bộ Tổng Tham mưu nhiều lần. Khi rảnh rỗi, anh xăng xái mọi việc trong nhà ngoài sân cần mẫn lắm. Đến ngày chia tay, hai người đã như bạn của nhau mà bà vợ Yến Vân người Huế của ngài Trung tá bận buôn bán cũng không hay biết gì.

Ông Năm Tấn như người bạn hàng được vợ ông giáo mời lưu lại ở nhà. Chủ, khách tâm đầu ý hợp lắm, thường rủ rỉ với nhau. Mỗi ngày ông lại lấy xe đưa bạn đi rong chơi phố phường, quan hệ đó đây và vào những nhà hàng sang trọng. Chu và Nhân Tín về nhà, ông khách giao tiếp lịch thiệp đàng hoàng. Ông nhờ bà chủ thửa cho những bông mai vàng, bạc thiệt tặng các cậu sỹ quan đeo trong những ngày lễ hội cho sang. Ông nói:

- Thương nhân chúng tôi quan tâm tới thế cuộc cũng là để nghe ngóng cơ hội làm ăn thôi. Quân đội đồng minh càng đổ người vào nhiều thì của cải cũng theo họ vào nhiều. Mấy nhà công kỹ nghệ gia ngán ngẩm nhưng giới thương gia chúng tôi càng dễ làm ăn. Vốn ít lời nhiều!

Nhân Tín trừng mắt lên:

- Thế ông có buôn bán các thứ hàng viện trợ quân sự không?

Ông khách cười khà:

- Nếu làm được thì tôi bỏ luôn nghề này. Ngay ở Mỹ quốc, những nhà đại tư bản đều nắm nền công nghiệp quốc phòng. Làm lái súng mới giàu lên kếch sù chớ làm như tụi tui so với họ chỉ như thằng lái trâu thôi.

Ông rót ly rượu giơ cao lên:

- Thật qúy hóa và hân hạnh cho tôi nếu qua Đại úy mà được các tướng tá cao cấp quân đội Đồng minh ở đây đỡ đầu… Tui sẽ không bao giờ quên ơn!

Ông đặt ly xuống giọng nhỏ đi:

- Ta nói chuyện trong nhà thân tình chơi chớ ai dám giật miếng ăn trên tay của mấy ông tướng chóp bu quân lực Việt Nam Cộng hòa? Chỉ có thằng cùi mới không sợ lở thôi!

Chàng đại úy xịu mặt xuống liền.

Yêu cầu của ông Năm Tấn muốn biết về sân bay Tân Sơn Nhất. Bằng nhiều nguồn, ông giáo thu thập cũng nhanh.

Sân bay là căn cứ không quân chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á, nằm giữa hai quận Tân Bình–Gò Vấp, rộng tới 1290 hecta, có thể chứa 400–500 máy bay chiến đấu và vận tải các loại cùng một lúc. Trong phạm vi sân bay có nhiều kho chứa bom đạn, xăng dầu. Khu phía nam là trụ sở bộ máy tối cao điều hành cuộc chiến của quân lực Mỹ và Việt Nam cộng hòa. Bao quanh sân bay có 22 lớp hàng rào kẽm gai đủ loại có treo các lon bơ báo động. Giữa các hàng rào là lớp cỏ gai rậm rạp được cài dày đặc các loại mìn nổ và mìn chiếu sáng. Từ ngoại vi vào có bốn tuyến chiến hào sâu hai mét, rộng ba mét với hệ thống chằng chịt những bót gác, lô cốt, công sự dã chiến, đèn pha. Trong cùng là hệ thống đường nhựa thường xuyên có xe cơ giới đi lại tuần phòng và đảm bảo sự ứng cứu kịp thời khi có biến. Ba đường băng cho máy bay lên xuống, cách 25mét lại có một đèn pha cực mạnh thường xuyên chiếu sáng. Lực lượng bảo vệ gồm một tiểu đoàn quân cảnh Mỹ được tăng cường một bầy cảnh khuyển berger, một tiểu đoàn an ninh phi trường và một tiểu đoàn vệ binh bảo đảm sự an toàn cho Bộ chỉ huy liên quân Mỹ–Sài Gòn. Gần đó là nơi đồn trú của các đơn vị cơ giới, bộ binh sẵn sàng tăng cường khi cần thiết. Chung quanh sân bay còn có mạng lưới thám báo, gián điệp và tổ chức Phòng vệ dân sự lẫn trong khối giáo dân di cư tin cẩn dễ phát hiện mọi động tĩnh bất thường.

Tuy nhiên ông Năm Tấn vẫn chưa thỏa mãn và yêu cầu được trực tiếp vào trong sân bay quan sát. Ông giáo đau đầu. Nhân có đoàn nghị sỹ quốc hội một nước đồng minh qua thăm thú xã giao, bà giáo mách nước:

- Thế nào mấy ông nghị đi chơi chẳng tiện thể không dẫn vợ lớn thì cũng dẫn vợ bé đi khoe thiên hạ. Tôi cũng chưa đến nỗi xấu xí qúa để cùng đi với ông vào chào đón người ta. Tiện thể mình dẫn luôn ông bạn vào đón người quen cùng đi một chuyến bay.

Ông giáo tròn mắt nhìn vợ:

- Tôi thật sự nể phục bà! Người ta nói Đàn ông nông nổi giếng thơi / Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu, lẽ ra phải đổi ngược lại mới đúng.

Hai ông bàn bổ xung: Chuyến máy bay tới lúc 15 giờ nhưng mình nghe lộn 12 giờ nên tới sớm, đành nán lại tà tà trong sân bay để có nhiều thì giờ quan sát.

11 giờ, họ đã có mặt trong ga bay. Họ cứ loanh quanh luẩn quẩn về cũng dở, ở cũng phiền. Bà giáo nhớ ra cậu em bên An ninh quân đội có bạn đang làm ở đây. Vị sỹ quan bạn cậu em vồn vã:

- Kính chào bà chị, ông anh! Đứng làm chi đây cho mệt?

Trung tá mời các anh chị lên phòng khách trên lầu. Ông Năm Tấn gợi ý:

- Đợi chờ là một sự hành xác tự nguyện!

Ông chỉ tay ra phía căng tin:                     

- Có chỗ giúp ta giải thoát đây sao lại bỏ qua ?                    Những ly rượu tây mau làm mấy ông hưng phấn. Ông Năm Tấn vui vẻ, hài hước, đón đưa kiểu thương nhân lịch lãm. Ông giáo bổ sung bằng những chuyện lịch sử, địa lý khiến vị sỹ quan nghe không biết chán cùng thêm vào những câu pha trò thú vị kiểu nhà binh. Bà chị giữ ý lảng đi để mấy ông chuyện trò thoải mái. Ông Năm ngồi mãi chồn chân không chịu được chốc chốc đứng lên đi lại loanh quanh luẩn quẩn. Trung tá sáng ý mời bà chị ngồi chờ và đưa hai ông anh lên xe đi rảo một vòng sân bay xả bớt hơi men.

Cuộc điều nghiên cả tháng trời trong nội đô của vị sư trưởng một sư đoàn Quân giải phóng lừng danh coi như đã hoàn thành. Trước ngày ông Năm về cứ, ông giáo phân vân nói ra ý mình:

- Như anh thấy, nó có mạnh không?

Ông Năm suy nghĩ hồi lâu rồi mới nói:

- Tôi không dám đánh trống qua cửa nhà sấm vì anh là người dạy Sử. Tôi được biết, thời quân Pháp mới qua đây, vua quan nhà Nguyễn đều sợ run lên trước những súng hỏa mai, giáo mác chọi với tàu đồng, đại bác mà nghĩ rằng không ai có thể chống lại quân Phú lang sa. Như Phan Thanh Giản được giao trọng trách giữ gìn bờ cõi biên cương đã hèn nhát kêu gọi các quan và tướng sỹ dưới quyền hãy bẻ hết giáo gươm, giao thành trì cho giặc để được sống yên, đã ôm vào nỗi quốc nhục không bao giờ gột sạch. Cùng lúc đó có những sỹ phu ngay trên mảnh đất phương Nam này đã khảng khái gởi thư cho viên tư lệnh quân chiếm đóng: “Chúng tôi biết các ông mạnh, nhưng chúng tôi sợ mệnh Trời hơn sức mạnh của các ông. Trong mỗi trận chiến hai bên đều có người bị chết, bị thương. Chúng tôi thề sẽ chiến đấu mãi mãi và không ngơi nghỉ”. Chiến đấu để bảo vệ quê hương đất nước của mình với ý chí Không có gì quý hơn độc lập tự do, chúng ta mạnh dần lên!

- Mà chúng ta vẫn phải chịu hàng trăm năm mất nước?

- Nhưng nhân dân ta không ngừng chiến đấu. Và bây giờ là lúc vận nước đã đến rồi!         

Ông nắm chặt tay người bạn mới, chân tình:

- Sức mạnh của một đội quân không đơn thuần chỉ dựa vào vũ khí. Sức mạnh chính là tinh thần của người lính tin vào sự nghiệp chính nghĩa của mình và luôn được tiếp sức bởi nguồn lực vô tận là sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Bất cứ đội quân viễn chinh nào cũng không có được điều đó. Quân Mỹ tuy có vũ khí tối tân hiện đại nhưng ở nước họ nhân dân đang nổi giận phản đối chiến tranh, đòi gọi con em về và ở đây họ luôn trơ trọi bơ vơ giữa biển người lạ lẫm!

Ông nhìn bà chủ:

- Trong khi ta có những người mẹ, người vợ, người chị bình dị, hiền hậu mà gan góc và mưu mẹo. Chúng ta được chở che, đùm bọc bằng những tấm lòng cao cả của số đông thầm lặng nhưng một lúc nào sẽ nổi lên thành bão tố. Số phận của những đội quân xâm lược từng đặt chân lên đất nước này sẽ là số phận của quân Mỹ nay mai. Chúng ta nhất định thắng!

Cô con gái lớn tuổi, trang sức sang trọng đánh chiếc Peugeot tới đón. Cô chào gia đình và kín đáo nép sau cha, lễ phép cúi đầu chắp hai tay trước ngực. Ông bà giáo nhìn cô gái nhớ như đã gặp ở đâu. Thủy Tiên hết nhìn cô gái lại nhìn bác giáo. Hai người đàn ông một to lớn như hộ pháp, một gầy gò nhỏ bé rắn chắc ôm choàng lấy nhau chẳng muốn rời. Hai cha con khách tươi cười bước ra. Chiếc xe rồ máy lao đi đến lúc khuất rồi mà ông bà giáo vẫn đứng nhìn theo.

Những tháng cuối năm 1967, tiếng súng bỗng rộ lên ở mặt trận tây nam gần vĩ tuyến 17 – giới tuyến hai miền.         Khe Sanh án ngữ khu vực ngã ba đường Chín với con đường chi viện huyết mạch Trường sơn nổi danh với tên gọi “đường mòn Hồ Chí Minh”. Đó là một thung lũng mỗi bề chừng 10kilômét, nằm trên cao nguyên phía tây Quảng Trị, cách khu phi quân sự 25kilômét về phía nam, cách biên giới Lào 10kilômét về phía đông, có thể lấy đó làm bàn đạp cho các cuộc hành quân qua Lào và là vị trí thuận lợi để ngăn chặn việc chuyển quân, tiếp tế từ Bắc vào Nam. Quanh đó là các căn cứ tiền tiêu như Làng Vây - Hướng Hóa - Tân Sở - Tà Cơn

Con đường quốc lộ Đông Dương số Chín từ Đông sang Tây xuyên ngang hai nước Việt-Lào có gần 100kilômet nằm trong địa phận tỉnh Quảng Trị. Trên đường từ cảng Cửa Việt qua Đông Hà lên cửa khẩu Lao Bảo giờ đây rầm rập những xe Mỹ chuyển quân. Hơn 20kilômet theo dải rừng già trở ra phía Bắc đến con sông Bến Hải khởi nguồn ở dãy Trường sơn chảy ra biển Đông song song với con đường này là “hàng rào điện tử Mac Namara” nổi tiếng với những máy móc tối tân gọi là “máy thông minh” phát hiện kim khí, tiếng động, hơi người… rải đầy trên cây, dưới đất theo dõi sát mọi cuộc chuyển quân và những bãi rộng rải đặc bom mìn đủ loại có khả năng gây sát thương đối phương rất lớn. Các nguồn tin tình báo cho biết lực lượng đối phương ở khu phi quân sự tăng lên đột biến: Có hai sư đoàn thiện chiến quân Bắc Việt đang ở quanh đây cùng với tần xuất xe vận tải phát hiện được trên đường Trường Sơn tăng gấp mấy lần.   

Tướng Oét xây dựng Khe Sanh làm một cứ điểm lý tưởng như cái rọ thu hút quân chủ lực Bắc Việt để nghiền nát bằng hỏa lực. Trấn giữ thường xuyên ở đây có sáu ngàn lính Thủy quân lục chiến do một viên tướng chỉ huy và hai mươi ngàn quân rải dọc tuyến đường Chín sẵn sàng đón lõng. Để đề phòng sự cố một Điện Biên Phủ tái diễn, ngoài hàng rào điện tử Mc Namara vô cùng hiện đại, nó còn được bảo vệ bằng một hệ thống máy móc tối tân thăm dò địa chấn phát hiện kịp thời đối phương đào hầm lấn tới.

Những ngày cuối năm cũng là khởi đầu một mùa khô, có dấu hiệu báo trước một trận đánh lớn diễn ra ở điểm nút này. Ai cũng nghĩ Việt cộng giỏi tác chiến ở trên rừng chứ vùng đồng bằng và nhất là thành phố thì còn lâu họ mới có chỗ đứng chân.

Một năm mới với bao chờ mong, hy vọng đang nhích đến gần. Ai cũng muốn tạm quên đi cảnh chiến chinh tàn phá với bao nỗi lo toan chật vật kiếm ăn thường nhật để được mấy ngày thảnh thơi đoàn tụ gia đình. Dù không cùng đạo giáo và lòng tín ngưỡng nhưng người Việt nào cũng đều cảm thấy thiêng liêng rất trân trọng mấy ngày đầu năm mới.

Người ta bàn tán lệnh hưu chiến năm nay bất cập. Tướng Thiệu ăn mừng vừa đắc cử Tổng Thống Việt Nam cộng hòa ra lệnh ngừng bắn 48 giờ kể từ đêm 30 Tết và gây ấn tượng bằng việc hủy bỏ lệnh cấm đốt pháo trong những ngày tết đã thành thông lệ từ mấy năm nay, trong khi Bộ chỉ huy liên quân ra lệnh cấm trại toàn bộ binh lính đồng minh. Người ta hỉ hả vì  trong lòng người Việt, pháo như thứ quốc hồn. Cả một đời người từ tuổi ấu thơ tới lúc mãn đời, tiếng pháo làm rộn rã niềm vui hạnh phúc, làm tiêu tan cả nỗi buồn chết chóc. Người phương tây đón năm mới vào thời điểm khác người phương đông nên họ cấm trại trong những ngày này giống như lệnh báo động cảnh giác tăng cường cho 50% số quân người bản xứ được xuất trại sẽ ham vui quá trớn – Coi như không có điều gì hệ trọng.

Bởi diễn biến bất thường, hai bên bàn lại, vào giờ chót, Tổng Thống rút lệnh, chỉ còn ngừng bắn 36 giờ. Riêng các đơn vị thuộc quân lực Việt Nam cộng hòa đóng quân ở Vùng Một chiến thuật chỉ được hưu chiến tại chỗ trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Trung tá Phát Lộc đi công cán Trung phần mới về. Anh tỏ vẻ lạc quan. Những người ở Sài Gòn kể cả sỹ quan nếu không có phận sự cũng ít ai để ý tới vùng rừng núi biên cương xa xôi hẻo lánh có thể bỏ quên đi ấy. Trung tá cười tươi như hoa:

- Chỉ chậm vài ngày là tôi bị cái lệnh ấy trói chặt ở miền thùy dương gió cát! Việt cộng nổ súng đúng vào dịp ông Táo lên chầu Trời. Lần đầu tiên xe tăng T54 của Nga xô xuất hiện ở các cứ điểm tiền tiêu Hương Hóa, Làng Vây, Tà Cơn chỉ cách Khe sanh vài kilômét. Bộ tư lệnh quân Đồng minh hy vọng được ăn mừng sẽ đánh dập đầu quân chủ lực Bắc Việt ở đây. Quân Mỹ dồn lên miền tây Quảng Trị tính ra tới gần hai trăm ngàn, nghĩa là non nửa số quân chiến đấu hiện diện ở miền Nam. Lầu Năm Góc rất mong có những trận đánh lớn để họ phát huy tối đa sức mạnh hỏa lực không sức người nào chịu nổi. Tòa Bạch Ốc reo vui: Việt cộng đã bị đánh qụy! Chiến thắng đang ở trong tầm tay! Tuy nhiên Tổng Thống Mỹ vẫn bị ám ảnh bởi cú Dienbienphuer là nỗi đau nhớ đời của người Pháp nên ông bắt dựng mô hình trận địa Khe Sanh–Đường Chín ngay dưới hầm toà Bạch Ốc để trực tiếp theo dõi diễn biến chiến sự từng ngày. Ông còn bắt các nhà chỉ huy quân sự của Lầu Năm góc ký bản cam kếtkhông để xảy ra thảm họa như Điện Biên Phủ ở Khe Sanh. Giả định tình hình cực xấu thì Khe Sanh cũng không thể thành Điện Biên Phủ – Một thung lũng nằm lọt thỏm giữa vùng rừng núi mênh mông xa cách hậu cứ tới nửa ngàn kilômét được, chỉ trông chờ vào sự tiếp viện nghèo nàn của mấy chục chiếc máy bay cổ lỗ thả dù hú họa. Khác hẳn một thung lũng tuy cũng nằm giữa rừng già trùng điệp nhưng chỉ cách bờ biển chừng 50Kilômét, có hậu cứ Hải-Lục-Không quân hùng mạnh, có đường bộ láng nhựa thênh thang được bảo vệ thông thương, có lực lượng trực thăng vận hùng hậu cơ động rất nhanh lại được sự yểm trợ không hạn chế của hoả lực phi-pháo thì chắc chắn sẽ không thể tái diễn một Điện Biên Phủ ở đây. Để coi Việt cộng no đòn!

Người ta quay qua bàn chuyện ngày Tết: Năm nay Hà Nội tuyên bố lịch Tàu chênh với lịch Việt ta một ngày. Nghĩa là mùa xuân đến Bắc Kinh hôm trước, hôm sau mới qua Hà Nội. Trong này mình vẫn theo lịch Tàu nghĩa là mùa xuân sẽ đi ngược từ Nam ra Bắc.  Sài Gòn đón giao thừa cùng với Bắc Kinh và trước Hà Nội một ngày.

Xuân đến, xuân đi là chuyện muôn đời của Trời Đất. Ngày xuân sớm muộn 24 tiếng đồng hồ cũng chẳng là gì so với thời gian vô hạn vô biên. Hơn nhau một tuổi, một giáp cũng chẳng là gì huống chi hơn nhau chỉ có một ngày. Người Việt vốn dễ dãi xuề xòa bỏ qua chuyện nhỏ. Miễn là trong khói bom lửa đạn mà mỗi người thân được ở bên nhau một phút yên bình, một ngày yên ổn, một tháng an toàn, một năm không hoạn nạn đã là qúy hóa qúa rồi.

Những ngày tận cùng của tháng cuối năm trôi đi trong sự hối hả đợi chờ. Phố phường càng đông đúc, náo nhiệt người ta đi sắm Tết. Nghèo giàu ai cũng phải có một ngày đầu năm sang hơn đã thành nếp sống quen rồi. Những ngày Tết thanh bình ấm đậm tình thân tộc xóm giềng ở miền quê yên ả đâu đó vẫn là nỗi hoài niệm khát khao trong lòng những người con tha hương lưu lạc giữa chốn phồn hoa đô hội nhốn nháo này. 

Trong khi ngoài Bắc đang là ngày tất niên năm cũ Đinh Mùi thì trong Nam đã bước vào ngày đầu năm mới Mậu Thân. Nghe pháo nổ rộn ràng thấy vui tai và lòng hớn hở chứ không sợ hãi lo âu như nghe tiếng đạn rít trên đầu. Đầy đường xác pháo hồng tươi gợi nhớ cảnh thanh bình thuở trước.

Tuy nhiên tình hình ở miền Trung chộn rộn không yên. Giữa ngày đầu năm, Tổng Thống tuyên bố bãi bỏ lệnh ngừng bắn trên khắp lãnh thổ Việt Nam cộng hòa đề phòng đối phương lợi dụng thời cơ tiến đánh bất ngờ.

Thời điểm dứt ngày 30 chuyển qua ngày 31 tháng 01 năm 1968, ngoài Bắc đón giao thừa. Không ít người Sài Gòn lén mở đài Hà Nội nghe Cụ Hồ đọc thơ chúc Tết. Giọng Cụ không sang sảng như mọi năm nhưng lời thơ thôi thúc, giục dã phơi phới như thắng lợi đang đến gần :

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng lợi tin vui khắp nước nhà

          Nam – Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

          Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!

Suốt ngày đầu năm mới, ông giáo không bước chân ra khỏi nhà, bồn chồn nghe mọi động tĩnh từ phố phường dội vào. Chiều nay ký giả Tường Minh mật báo cho ông sẵn sàng tư thế khi các đơn vị đặc công đánh các yếu khu, quân ta ào ạt theo các ngả tấn công vào, Đài phát thanh bị đánh chiếm và kêu gọi toàn dân nổi dậy, cùng lúc binh lính làm binh biến, nhân dân đồng khởi hưởng ứng, ngụy quyền hoang mang tan rã, binh lính ngoại bang bị động bó tay, ông phải kịp thời có mặt tại công sở để phối hợp với anh em ta trấn an mọi người, tiếp thu và điều hành công việc.

Gần hai đêm không ngủ mà ông giáo quên mệt trong khi mọi người trong nhà tản đi nghỉ. Đây đó rẹt lên tràng pháo tép xen vào mấy tiếng pháo đùng. Ông giáo vẫn quần áo chỉnh tề ngồi trên đi văng lim dim mơ màng trước chiếc TiVi. Những hình ảnh lướt qua loang loáng, tai nghe câu được câu chăng…

Bỗng dội lên những tiếng nổ lớn làm ông giáo giật mình bật dậy, cửa nhà còn rung rinh trong những tiếng nổ ầm ì, những ánh sáng loé lên như chớp. Tiếng súng lớn nhỏ dội lên khắp bốn phía không còn định hướng được ở đâu. Vợ ông và ba đứa con cháu chạy xuống dồn tới quanh ông ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì. Bé Bích Liên rối rít:

- Lại đảo chính hà ?

Thủy Tiên reo lên:

- Không phải đâu. Đằng mình đánh vô rồi !

Bà giáo nhìn ông thăm dò:

- Ba nó nghe tiếng súng biết của đằng nào không?

Vừa lúc ngoài đường nghe tiếng người la, tiếng súng nổ rẹt rẹt, tiếng xe máy, xe ô tô rú lên rồi biến đi ngay. Bà giáo líu ríu kéo con cháu chạy vào núp dưới chân cầu thang. Nhài bồn chồn:

- Mô Phật! Liệu có ai làm sao không?

Ông giáo nhìn lên đồng hồ lẩm bẩm:

- Hai giờ mười phút ngày mồng hai Tết… Đúng vào giờ Sửu của năm con Khỉ!

Ông đi đi lại lại quẩn quanh vẻ sốt ruột lắm mà không biết làm gì. Ông bước tới cửa định hé nhìn ra bà liền chạy xô tới kéo ông vào:

- Lúc tên bay đạn lạc thế này không làm gì được đâu!            

Ông ngồi phịch xuống ghế. Chợt nhìn lên TiVi tối đen. Ông chạy tới bật radio lên rà đi rà lại chỉ nghe tiếng rè rè như mất sóng. Ông hét to lên:

- Đài phát thanh câm họng rồi !                                     Tiếng súng vẫn rộ lên cả ba bề bốn bên. Nghe rền vang rát nhất ở phía tây-bắc thành phố, đúng là phía sân bay. Ông quay máy điện thoại gọi Chu. Giọng anh bình tĩnh lắm:

- Bên giải phóng đánh vào khắp thành phố. Chưa hiểu tình hình cụ thể ra sao. Phía Bộ tư lệnh Hải quân ngoài bến Bạch Đằng nghe súng nổ dữ dội. Bộ Tổng Tham mưu đang bị tấn công không liên lạc được !

Ông gọi tới cậu em vợ. Trung tá Phát Lộc hổn hển nói như quát lên trong máy :      

- Súng nổ khắp nơi. Chiến sự ác liệt lắm. Đặc công Việt cộng đã lọt vào Tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Một toán xông vào Phủ Tổng Thống nhưng bị chặn lại hiện đang cố thủ chung quanh… Nhiều thành phố cũng đang bị tấn công! Từ chiều qua Tổng Thống về Mỹ Tho ăn Tết bên nhà vợ! Tổng Tham mưu trưởng ăn Tết trên Đà Lạt! Phó Tổng râu kẽm đang mắc kẹt trong sân bay. Quá nửa quân số chiến đấu về nhà ăn Tết… Số còn lại như rắn không đầu! Chưa thấy quân lực Mỹ động tĩnh gì!

Đại úy Nhân Tín điện về:

- Mọi người cẩn trọng. Việt cộng tràn ngập khắp nơi. Kho xăng đạn ở Long Bình nổ và bốc cháy. Bộ chỉ huy liên quân bất bình với phía Việt Nam từ chóp bu tới lính chủ quan lơ là nên giờ bị động. Lúc này chạy đi đâu cũng không yên ổn. Tốt nhất mọi người cứ ở trong nhà, khóa chặt và chèn cửa lại, nhất quyết không cho ai lọt vào.

Ông giáo ngồi xuống đứng lên chờ đợi một sự cố gì còn lớn lao hơn. Ngoài đường lâu lâu mới nghe tràng súng AK nổ ròn tan, tiếng người chạy và tiếng la ơi ới vội chìm ngay xuống, tiếng xe phóng lướt qua.

Trời sáng dần. Ở phía trung tâm thành phố còn nghe tiếng súng nhỏ. Đó đây chốc chốc rộ lên tiếng lựu đạn hoặc một tràng liên thanh. Ở phía sân bay nghe chừng quyết liệt, súng lớn nhỏ nổ liên hồi lẫn trong ầm ầm của tiếng trực thăng.

Khi trời sáng rõ. Ông điện hỏi Nhân Tín. Nghe giọng nó như đã trấn tĩnh lại rồi:

- Hàng trăm điểm từ miền Trung vào tới miền Nam bị đồng loạt tấn công. Việt cộng đã vào thành phố Huế và đang giao tranh dữ dội. Tuy nhiên những trọng điểm ở Sài Gòn đang được giải tỏa. Quân dù Mỹ từ trực thăng đổ xuống nóc Tòa Đại sứ phối hợp với quân cảnh bắn đạn lửa, đạn cay xông vào cổng chính. Trực thăng chiến đấu đã làm chủ sân bay. Sức chống trả của cộng quân yếu dần… Trước mắt quân lực Mỹ quyết chiếm lại Tòa Đại sứ và tập trung bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất và khu liên hợp quân sự Long Bình–Biên Hòa. Quân Đồng minh đang lấy lại thế chủ động. Cả nhà có thể yên tâm !

Ông giáo thở dài, gieo mình trên ghế.

Thủy Tiên định lao đi. Bà giáo nhất quyết kéo lại:

- Súng còn nổ! Hơn nữa cháu là con gái ra phố lúc này nhiều sự bất an.

Ông giáo nói:

- Để bác đi sẽ biết được nhiều điều.

Bà giáo khóa trái cửa lại mang chìa khóa giấu đi:

- Tôi không cho ai ra khỏi nhà lúc này!

Buổi trưa, Đài Hà Nội reo lên: CờMặt trận dân tộc giải phóng miền Namtung bay trên kỳ đài trong thành nội Huế như ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Trong lòng ông giáo nôn nao vừa phân vân vừa hy vọng.

Sang ngày mồng ba Tết.                                       Đài Hà Nội suốt ngày nói đi nói lại nhiều lần về cuộc Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa diễn ra đồng loạt ở khắp các thành phố, đô thị và nông thôn miền Nam làm cho quân địch bất ngờ, hoang mang, bị động. Thắng lợi cực kỳ to lớn và cuộc tiến công còn đang tiếp diễn. Đài Sài Gòn phát sóng trở lại với lời hô hào của Tổng Thống Việt Nam cộng hòa kêu gọi quân đội và lực lượng cảnh sát phối hợp với quân Đồng minh nhanh chóng đẩy Việt cộng ra ngoài thành phố và dọn sạch nội đô. Giới truyền thông Mỹ nhận định: Chưa bao giờ rõ như lúc này về chuyện địch có thể tấn công bất cứ đâu, đánh bất cứ lúc nào họ muốn. Và kết luận: Cuộc chiến tranh không thể thắng của Mỹ nay đã bị xem là cuộc chiến tranh có thể thua! Nhà Trắng hoang mang. Dư luận Mỹ sôi lên về những báo cáo giả dối của Lầu Năm Góc trước đây và đòi nhà cầm quyền phải tìm cách rút nhanh ra khỏi cuộc chiến hao người tốn của này.

Ông giáo đi về phía trung tâm thành phố. Từng đám người già, đàn bà, con nít từ các phía ven đô lếch thếch lôi thôi dắt nhau di tản ngơ ngác chưa biết tìm đâu ra chỗ trú, ngoài ra không thấy bóng dáng viên cảnh sát hoặc người lính nào. Tuy nhiên chiến sự tại các nơi trọng điểm đang lắng xuống. Chỉ còn tiếng súng đơn lẻ ở những khu bãi lầy hoang trống thông với kênh rạch ruộng đồng, những góc phố nhỏ và các hẻm sâu. Ở các phố Tàu Chợ Lớn lác đác có nhà hàng, cửa hiệu vẫn mở cửa. Nhà nào cũng treo cờ Tàu Tưởng Thống chế Quốc dân Đảng. Phía ven đô còn dội lên tiếng bom, pháo và những tiếng súng qua lại của cả hai bên. Quân đội Mỹ với xe tăng, thiết giáp đã bít tất cả các ngả đường có thể tiến vào hoặc rút ra ngoài thành phố. Một vài chiếc xe tải nhà binh đi gom xác người chết rải khắp đó đây và phóng đi tìm một khoảng đất trống vắng đào huyệt chôn chung.

Ở sở làm, thấp thoáng bóng người, gặp nhau chỉ kín đáo giơ tay hoặc gật đầu chào, không ai dám có một lời bình luận. Ông giáo đi dạo quanh thăm dò rồi mau chóng trở về nhà trong tâm trạng bâng khuâng hụt hẫng buồn thương vô hạn. Ông thoáng thấy chiếc xe quen thuộc của ký giả Tường Minh chạy phăng phăng giữa đường phố bộn bề nhốn nháo.

Ra rằm tháng giêng, trong nội đô mọi sinh hoạt đã được vãn hồi. Nhưng các cuộc tảo thanh rầm rộ của quân đội và cảnh sát lùng sục tới các kiệt cùng ngõ hẻm tìm bắt hàng ngàn các chiến binh giải phóng bị thất lạc hoặc bị giữ chân không thể rút ra đang ẩn náu trong thành phố. Đa phần họ chiến đấu quyết liệt tới viên đạn cuối cùng rồi tự sát hoặc lấy mạng đổi mạng chứ không chịu đầu hàng. Trong số đó có không ít phụ nữ. Họ cũng chống cự tới cùng. Khi bị bắt vẫn không ngớt lời vạch tội quân Mỹ cướp nước và lũ tay sai bán nước. Nhiều người bị hành hạ, bắn giết rất tàn nhẫn ngay tại chỗ trước đám đông người, tuy khủng khiếp nhưng để lại sự tiếc thương và cảm phục trong lòng đồng bào. Nhiều người được bà con che dấu, nuôi dưỡng rồi tìm cách liên hệ chỉ dẫn đường đi nước bước trở ra căn cứ.

Thủy Tiên dù trong lòng đã chắc tin rồi nhưng vẫn phân vân. Cô ướm hỏi bác giáo:

- Bác ơi! Giả dụ gặp một đối phương bị thương thì bác xử trí thế nào?

- Công ước Genève qui định đối xử với thương binh, tù binh trong chiến tranh phải theo tinh thần nhân đạo. Cộng đồng quốc tế đều thoả thuận.

- Giả dụ như cháu là người của phía bên kia bị thương thì bác có giao cho chính quyền không?

Ông giáo nhéo tai cháu :

- Nếu đúng là cháu thì bác sẽ giao cho cô cháu xử!

- Nếu là một người bạn cháu, bác có chứa không?

Ông nhìn cháu thăm dò. Lâu nay ông biết nó giấu cả nhà làm việc gì đó. Ông đoán được nhưng cũng không tò mò. Tuy nhiên ông vẫn phải giữ kín việc mình làm. Nhưng tại sao nó không thể đoán ra việc làm của ông cũng như ông từng nghĩ bà không thể biết ông làm những việc gì. Dù sao vẫn cần thận trọng:

- Cháu có ý định gì sao không nói thẳng ra?

Thủy Tiên ngả vào vai bác như dựa vào người cha. Cô nói thật:

- Bác ơi! Có một chị Biệt động bị thương đang nằm bệnh viện. Bọn mật thám dường như đánh hơi được đang tìm cách bắt. Bây giờ bác có thể cứu người ta không?

Đây là việc cần làm nhưng ông phải biết giữ mình:

- Cháu nói cụ thể ra để bác xem sao đã?

- Cơ sở bệnh viện có thể tìm cách cho chị ấy trốn ra. Nhưng trước mắt chưa biết đưa chị ấy về đâu?

- Cháu định đem về nhà mình?

- Cháu đang bí nên mới nói ra với bác!               

- Cháu làm thế nào cho khỏi bị lộ kẻo người mình muốn cứu cũng không thoát được mà rồi sẽ liên quan tới cả nhà!

- Miễn bác gật đầu là được rồi. Mọi việc cháu lo?

- Thế cháu đưa người ta đến đây bằng cách nào?

- Chị ấy đi lẫn vào những nhân viên trong giờ tan tầm. Cháu mượn xe của bác đưa chị ấy về đây.

Ông giáo suy nghĩ một chút rồi lắc đầu :

- Nhỡ nó theo dõi sát sẽ phát hiện ra số xe của mình là mọi sự hỏng hết.

Cháu ngồi thừ lắc đầu bế tắc. Bác tìm cách gỡ ra:

- Thế này… Cháu từ một chỗ đông nào đó thuê taxi tới bệnh viện đón người nhà. Xe quay về chỗ cũ. Cháu giả vờ đưa cô ta vào một cửa hàng cửa hiệu quanh đó, quan sát xem có ai theo dõi mình không. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, hai người chia ra đi hai ngả, tới một điểm ở đâu đó chờ nhau. Rồi tùy cơ ứng biến. Nếu xuôi sẻ, hai người kêu xe tới ngã tư… (bác nói nhỏ) chờ. Bác từ sở làm về ghé đón.

Thủy Tiên ôm chầm lấy bác :

- Bác tài quá! Cứ như thám tử .

- Ngày xưa bác mê ông Phạm Cao Củng lắm!

Người chiến sỹ Biệt động âý chính là ni cô Diệu Hương. Cô là giao liên cho cơ sở nội đô, cũng là đầu mối liên hệ của tổ chức Học sinh – Sinh viên kháng chiến. Cô đã đóng vai con gái đến đón cha là nhà buôn Năm Tấn hôm nào. Cô gái không giấu nổi  xúc động, gục vào vai ông khóc nấc lên :

- Chú Năm đã… hy sinh trong trận đánh sân bay!

Ông giáo chết lặng đứng như trời trồng. Cô gái dụi vào vai ông thổn thức:

- Anh Ba Phát đánh vô Bộ Tổng Tham mưu… bị thương… rồi bị bắt !

Ông chợt nhớ tới chiếc xe của ký giả Tường Minh giữa đường phố đầy những sắc lính và cảnh sát nổi chìm hùng hổ săm soi. Ông vội gạt phắt đi những ý nghĩ luẩn quẩn vẩn vơ ám ảnh.

Cô gái được giấu trong buồng Nhài và hai người chóng thân nhau. Người con gái Bến Tre trước cơn vong biến của quê hương, sớm dấn thân vào vòng nguy hiểm. Cô xuất thế không vì muốn lánh sự đời mà vì sự đời lắm cảnh trái ngang phải làm việc lớn hơn sức của một người con gái. Diệu Hương nhiều lần ngắm mãi tấm hình người con trai chừng 15–17 tuổi phóng to đặt ở đầu giường. Đôi mắt ấy, nụ cười hiền với cái cằm nhọn có duyên kia quen qúa. Cô tò mò hỏi, Nhài trả lời là người anh đã bỏ nhà đi mất tích từ lâu. Cả hai đều không thể ngờ rằng anh Nghĩa và Hà Giang tưởng là của riêng mỗi người mà thực ra chỉ là một người con trai đang hiển hiện đây. Tuổi xuân của đời con gái trôi qua nhanh chóng và bóng chiều đang ngả dài trên sóng tóc dáng đi nhưng hình ảnh người con trai đó vẫn tươi trẻ mãi và niềm hy vọng không hình dung nổi dù ngày càng mong manh vẫn nhen nhóm trong lòng họ, đôi khi lại trào lên trong những giấc mơ.

Diệu Hương đã đem lại niềm vui và tiếp sức cho mấy chị em gái trong nhà kể cả bé Bích Liên mới lớn. Mỗi người đều nghĩ mình có thể làm được những việc gì đó thiết thực hữu ích cho đời. Tình cảm giữa họ càng thân thiết.

Thành phố biến động đầy bất ổn. Những sự bất ngờ xảy ra mọi lúc mọi nơi. Ngày Diệu Hương chia tay về căn cứ mọi người bịn rịn mà lòng đầy lo lắng. Cô dặn lại ông giáo:         

- Bác nhắn anh Chu nghe ngóng xem có dấu hiệu bất thường thì phải rút ngay ra căn cứ. Chị Nhài sẽ báo để cháu đón ra.

Thủy Tiên đưa Diệu Hương đi mấy ngày không thấy trở về.

Cả nhà lo cuống cuồng. Ông giáo phân vân chưa biết xử trí làm sao thì vào một buổi chiều, chiếc xe bít bùng xịch đỗ trước cửa, mấy viên cảnh sát lôi xềnh xệch Thủy Tiên vào nhà, ấn ngồi xuống ghế. Quần áo tả tơi, mặt mũi xưng vù, tóc tai bê bết nhưng Thủy Tiên khinh khỉnh chẳng thèm nhìn ai. Bà giáo cuống quýt làm dấu thánh, miệng run lập cập không nói nên lời. Ông giáo đứng chắn trước mặt mấy viên cảnh sát dõng dạc:

- Nó là cháu tôi!

Bỗng Thủy Tiên nhảy dựng lên, nhổ toẹt trước mặt bãi nước bọt lờ lờ máu đỏ, tay chỉ thẳng vào mặt ông bác thét lên:

- Tôi không bác cháu gì với hạng người này!

Ông giáo choáng váng trong khi bà ngất xỉu đi.

Lập tức viên cảnh sát trưởng tức khí thay cho khổ chủ tóm tóc cô gái kéo lê ra hè ném thẳng lên xe, thét lên:

- Loại nhãi ranh cứng cổ đua đòi này, gia đình không trị được thì chúng tôi sẽ trị, xem gan nó lớn cỡ nào?

Xe phóng vù đi trong tiếng khóc thét của Nhài và bé Bích Liên.

Ông giáo chồm tới gọi điện thoại báo tin cho Trung tá Phát Lộc, Trung tá Chu và Đại úy Nhân Tín tìm cách gỡ.

Bà giáo đuối sức không ngồi dậy được. Ông giáo loanh quanh trên đôi chân đất. Hai chị em mỗi người một góc sụt sùi…           

                   Tiếng thắng xe rít lên cùng lúc cánh cửa bị xô bật tung ra. Ba vị sỹ quan đùng đùng bước vào nét mặt hầm hầm. Ông chú Phát Lộc không kìm được cơn giận dữ đập bàn thét lên:

- Theo cộng sản là đứa nào cũng mất dạy, phản cha, phản chú, phản cả Đức Chúa Lời!

Chu ngồi khoanh tay, cúi đầu buồn bã.

Nhân Tín đi đi lại lại cười mỉa mai:

- Cái ngữ con gái quen ăn trắng mặc trơn ấy cộng sản nào ưa  mà cũng học đòi gan lỳ kiên cường ra phết. Nó nhổ phì phì và chỉ tay vào mặt chúng tôi mà chửi:… Tôi không có họ hàng chú-cháu-anh-em gì với những hạng người này! Chỉ có Chúa bỏ tôi chứ tôi không bao giờ phản Chúa!

Trung tá Phát Lộc chưa nguôi giận:

- Tôi định giáng cho nó một cái tát bật hết răng ra. Nhưng nhìn nó tàn tạ thiểu não quá mà kìm lại được.

Dường như nói ra hả bớt cơn giận, ông ngồi xuống, cúi đầu, tóc rối rũ rượi.

Nhân Tín nhăn mũi bảo:

- Đã thế cứ để xem cộng sản có vào cứu nó được không?!

Bà giáo khóc hu hu:

- Thế này thì con bé chết mất!

Ba người sỹ quan ra về. Ông dìu bà lên gác. Bà rũ người ra than thở:

- Ông bà cha mẹ anh chị Cả ơi! Bây giờ không hiểu con cháu ra làm sao nữa? Ai dạy chúng nó thế này?!

Tay bà lảy bảy làm dấu thánh. Ông giáo ghé sát tai vợ nói nhỏ:

- Em bình tĩnh lại đi. Nó cứu mình, cứu mọi người ở nhà này. Sẽ không có ai bị nghi can liên lụy vì nó cả. Người ta dạy nó khôn ngoan cứng cỏi lên như thế đấy! Liệu mình có được bằng con cháu hay không?

Tại cơ quan An ninh quân đội Mỹ (DIA) ở Sài Gòn, trong một căn phòng kín đáo, viên Thiếu tá Mỹ và Đại úy Nhân Tín ngồi sau hai cái bàn. Đối diện là người tù binh Quân giải phóng ngồi trên cái ghế xoay giữa phòng, mặt mày hốc hác bầm tím, một chân đăng bột duỗi ra thẳng đuỗn, một tay dựa trên chiếc tó. Tuy nhiên anh ta ráng ngồi thẳng người lên, nét mặt lạnh lùng, bình tĩnh, dù giọng nói lẫn trong hơi thở nhưng vẫn cố nói cho to lên để những người kia nghe rõ. Viên sỹ quan Mỹ nói tiếng Việt khá sõi và hai người thay nhau tìm hiểu đối phương :

- Anh tên là gì ?

- Nguyễn Việt Nam ?

- Anh có vợ rồi ?

Gật đầu.

- Có con chưa?

Gật đầu.

- Trai hay gái?

- Chưa biết !

- Vậy là cha chưa biết tên con?

- Trai gái gì cũng đặt tên là Thống Nhất !

Hai viên sỹ quan Việt, Mỹ nhìn nhau. Người tù binh tỏ vẻ không quan tâm gì tới họ. Viên sỹ quan Mỹ chỉ vào cái chân đau của anh :

- Anh bị thương trong khi chiến đấu ?

Người tù binh ngẩng đầu kiêu hãnh:

- Vì thế tôi mới bị bắt. 

Và anh chỉ tay lên mặt và vòng quanh khắp người:

- Còn những chỗ này thì bị đánh !

Hai viên sỹ quan lờ đi, hỏi qua chuyện khác :

- Anh cấp hàm gì ?

- Chiến sỹ !

- Thuộc đơn vị nào ?

- Quân giải phóng !

- Anh chỉ huy ở cấp nào ?

- Cấp trên giao cho việc gì thì làm việc ấy.

- Cụ thể khi đánh vào thành phố ?

- Tôi chỉ huy một cánh.

- Một cánh có bao nhiêu quân số ?

- Gọi là một cánh nhưng nhiều đơn vị phối hợp cùng đánh.

- Cánh quân đánh vào sân bay và Bộ Tổng Tham mưu có bao nhiêu đơn vị?

- Tôi chỉ biết phần việc của mình .

- Nghĩa là chỉ huy đánh vào Bộ Tổng Tham mưu?

- Không phải chỉ một mình tôi.

- Nhiệm vụ của anh có hoàn thành không?

- Có chớ.

- Cụ thể mục tiêu chiến đấu của anh có bị tiêu diệt không?

- Sao không ?

Người tù binh ngẩng cao đầu lên.

Nhân Tín nhếch mép trong khi viên sỹ quan Mỹ cười hô hố vỗ tay lên bàn:

- Anh có mắc chứng hoang tưởng hay không? Trong khi đồng đội của anh phơi xác ngổn ngang trong thành phố, ngoài ven đô hoặc nằm đầy trong các trại giam trong đất liền, ngoài hải đảo, bản thân anh thì què quặt ngồi tù và mục tiêu của các anh vẫn còn nguyên đó… Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn do chúng tôi kiểm soát và hoạt động suốt ngày đêm, các công sở vẫn làm việc bình thường… Chỉ có các doanh trại là vắng bóng người vì binh lính của chúng tôi đang hành binh truy quét… Các anh bị đánh bật ra xa các đô thị… Thành phố Sài Gòn này xe chạy đầy đường, trai gái vẫn vui chơi tưng bừng thỏa thích, các chợ lớn nhỏ vẫn đầy hàng hóa và người mua sắm nhộn nhịp…

Y nhìn anh châm biếm:

- Trên đầu anh tôi không thấy có vết thương nào?!

- Mục tiêu của chúng tôi là làm cho lũ giặc xâm lược tỉnh ngộ ra rằng chúng không thể ở yên trên đất nước này !

Viên sỹ quan Mỹ cụt hứng há hốc cái miệng ra và Nhân Tín tái mặt đi.

- Anh tập kết ra Bắc?

- Đúng!... Khi tôi tập kết ra Bắc thì anh này – tay chỉ vào Nhân Tín:… chắc là tập kết ngược chiều với tôi?

- Rồi anh theo quân đội Bắc Việt xâm nhập lãnh thổ Việt Nam cộng hòa ?

- Chính ông Ngô Đình Diệm đã nghe theo người Mỹ, nhân danh chính quyền miền Nam này xé toạc cái Hiệp ước đó đi rồi! Ai cấm được tôi trở về chiến đấu trên quê hương của mình trong khi hàng vạn quân lính ngoại bang giày xéo lên đồng ruộng xóm làng, giết hại đồng bào của tôi? Ngày trước, để chống lại âm mưu chia cắt lãnh thổ liên bang, ai cấm được người Mỹ từ phía Bắc xuống phía Nam chiến đấu cho sự toàn vẹn và thống nhất của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ?      

- Trước khi mở cuộc tấn công, các anh có tính đến tương quan lực lượng hai bên và khả năng phản ứng của đối phương không ?

- Theo binh pháp, muốn đánh địch là phải biết ta, biết địch, phải tính đến việc tiến lui, thắng thủ… Nhưng ở cấp của tôi là thực hiện ý đồ chiến dịch nên chỉ biết thực thi nhiệm vụ.

- Các anh nhận định cuộc Tổng tiến công vừa rồi là thắng hay thua ?

- Trong chiến đấu có trận thắng lớn, thắng nhỏ, thậm chí thất bại là chuyện thường tình… Nhưng nhìn tổng thể thì cuộc chiến tranh giải phóng của chúng tôi ngày càng phát triển, càng đánh lớn và thắng lớn…

- Có thật thế không ?

- Không thắng thì tại sao nước Mỹ cứ lún sâu mãi ở đây? Tới nay cả nửa triệu quân Mỹ giơ lưng ra để bị đánh mà vẫn cứ loay hoay chưa tìm ra chiến thắng hoặc một lối thoát nào?

- Liệu các anh còn sức chống nổi quân đội Đồng minh nữa hay không?

- Chúng tôi có chỗ dựa là cả một dân tộc quyết tâm chiến đấu đòi độc lập tự do. Người sau tiếp người trước, nhất định lũ xâm lược sẽ bị tống cổ khỏi Việt Nam và số phận đám người đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc cũng sẽ bị dìm sâu xuống bùn đen lịch sử.

- Là người chỉ huy, anh phải là đảng viên cộng sản?

- Tôi tự hào về điều ấy!

- Anh hy vọng sẽ áp đặt chủ thuyết cộng sản tại quốc gia Việt Nam cộng hòanày và trên toàn thế giới?!

- Chỉ có một nước Việt Nam tạm chia làm hai miền! Nguyện vọng tha thiết của người cộng sản Việt Nam là thống nhất non sông và độc lập dân tộc. Không ai có thể cưỡng bức một dân tộc, một quốc gia theo chủ thuyết nào. Đó là ý nguyện của nhân dân mỗi nước.

- Anh có muốn nhìn mặt con không ? – Viên sỹ quan Mỹ cười khẩy.

- Chiến tranh làm cho nhân dân cả nước tôi ly tán đau thương. Chỉ khi nào không còn bóng quân xâm lược thì mọi người mới có hòa bình hạnh phúc.

Viên sỹ quan Mỹ thấy rằng không thể khai thác điều gì ở người tù binh này nữa, y hất đầu với người cộng sự và đứng dậy :

- Trả người này về bên Đại tá Phát Lộc rồi sẽ bể chuyện ra!

Y giơ cao tay lên búng ngón ý cho chấm dứt.

Trong khi viên hạ sỹ dẫn người tù ra xe, viên Thiếu tá nói với viên Đại úy :

- Chúng ta gặp một đối thủ rất đặc biệt, không dễ thắng đâu! Quân đội Mỹ có khả năng sẽ rút khỏi đây… Nhưng liệu quân lực Việt Nam cộng hòa có chọi được với họ không?

Y trao cho Nhân Tín tấm card riêng :

- Đây là địa chỉ của gia đình tôi ở Mỹ, sẽ có lúc bạn cần đến nó và tôi sẵn sàng làm tất cả vì tình bạn. Ta bye nhau được rồi!

- OK ! – Nhân Tín vui vẻ cho tấm cardvào túi.

Viên sỹ quan Mỹ xải đi những bước dài. Nhân Tín quay vào đứng giữa phòng, gõ nhẹ tay lên trán… rồi anh nhấc điện thoại lên gọi đi đâu nói điều gì đấy…

Anh bước ra, làm hiệu cho viên hạ sỹ giải tù ở lại và anh lên xe, rồ máy… Chiếc xe jeep vọt đi. Người tù ngồi khuất ở mui sau.

Dường như cả hai người đều nhận ra nhau nhưng cố giấu kín trong lòng.

- Anh có sợ bị thủ tiêu không? – Cứ nhìn ra phía trước, Nhân Tín hỏi vọng ra sau.

- Tôi không có thì giờ nghĩ tới cái chết vì với người lính chiến chúng tôi sống mới là sự lạ. Hôm nay thoát chết, ngày mai cái chết vẫn không chừa mình ra.

- Triền miên vậy mà các anh chịu được ?!

- Chúng tôi chấp nhận vì cái chết ấy không phải là vô nghĩa bởi mục tiêu độc lập thống nhất Tổ quốc nhất định thành công.

- Anh sẽ tận mắt nhìn thấy hậu hồi… – Nhân Tín nói vu vơ.

Xe chạy băng băng mà người này như nghe được tiếng đập của trái tim người kia… Xe xịch đỗ trước cửa một ngôi nhà người tù đã nhận ngay ra nó… Cánh cổng vừa mở ra, xe chạy thẳng vào sân. Nhân Tín đi nhanh vào nhà, mọi người đang chờ, anh ra hiệu cho người ra đón…

Bà giáo, Nhài và Bích Liên chạy ra xe, cập rập đỡ người mặc chiếc áo tù chống tó đi những bước nặng nề. Khi người tù vừa bước qua cửa, cả nhà đều sững sờ, hoảng hốt vì nhận ra chính là anh Ba Phát – người lái xe của Trung tá Chu một dạo... Nhưng tại sao lại có chuyện Nhân Tín đưa anh về đây? Anh Chu ngồi lặng nhìn chăm chăm xuống bàn. Bác giáo không giữ được bình tĩnh nữa, hết nhìn người tù lại nhìn đứa cháu dù tính nó ngang bướng mà ông vẫn yêu thương. Trước những cặp mắt nhìn mình dò hỏi, nghi ngờ, Nhân Tín vẫn đứng trơ trọi giữa nhà, anh nói để mọi người đủ nghe:

- Tôi muốn đem người này đi thủ tiêu mà chưa biết cách làm sao?

Bà giáo và Nhài cuống lên líu ríu. Anh Chu nhìn em trân trân. Ông giáo nhạy cảm mau trấn tĩnh lại, hiểu ra ý cháu, giọng run run cảm động :

- Việc ấy bác giúp được! Mấy đứa chiêu hồi đang muốn lập công.

  Trước vẻ ngơ ngác của cả nhà, Nhân Tín không chào ai cả, đi vội ra xe. Mọi người dồn nhìn vào ông giáo không hiểu nổi.

Anh Chu nhìn anh Ba Phát lại nhìn bác giáo :

- Cháu chưa hiểu Nhân Tín thế nào? Vậy là nó đã ngả lòng? Hay là nó muốn cảnh cáo hoặc gài bẫy mình đây?

- Tôi nghĩ nó không dễ ngả lòng đâu. Nhưng nên mừng vì nó vẫn là người tốt, có thiện tâm và nghĩa hiệp. Nó sẽ không làm điều gì hại tới ai trong gia đình đâu.

Ông nhìn anh Ba Phát :

- Trước mắt là phải lo ngay chuyện này, kẻo lỡ có điều không hay cho nó.

Mấy tháng nay nhà ông giáo mới có cuộc gặp mặt anh em đông đủ. Cậu cháu Phát Lộc và Nhân Tín mỗi người thêm một bông mai. Dù trong nhà có chuyện khuấy lên nỗi buồn nhưng suy cho cùng ai có phận nấy, dù có thương nhau, lo cho nhau nhưng gặp đứa ương ngạnh ngay con mình rứt ruột đẻ ra cũng đành bó tay thôi. Nhất là con cháu không còn ở lứa tuổi ngây thơ khờ dại nữa, có học hành đến nơi đến chốn, gây dựng lo toan như thế là qúa tròn nghĩa vụ của bậc chú bác rồi. Mỗi người nhìn đời mỗi khác. Mỗi người một con đường tiến thân. Khôn nhờ dại chịu chớ biết làm sao. Mấy người đàn ông thăm hỏi vài câu khi chợt nhớ đến Thủy Tiên. Chỉ có mấy người đàn bà, con gái đi thăm nuôi đứa cháu, người chị, người em côi cút.

Thiếu tá Nhân Tín vừa đi công cán từ miền Trung về:

- Thành phố Huế bây giờ như hoang địa sau gần một tháng xảy ra chiến sự. Cầu Tràng Tiền và cầu Bạch Hổ bị cộng quân đánh sập tạm đi bằng cầu phao và công binh Mỹ đang gấp rút phục hồi. Phần lớn thành nội và nhà cửa bên bờ nam sông Hương bị tàn phá do bom B52 và pháo lớn, kể cả pháo vua chiến trường 175ly từ các chiến hạm ngoài khơi bắn vào hủy diệt. Nhiều đền đài miếu mạo bỗng chốc biến thành phế tích. Người Huế di tản đang lục tục trở về mếu máo nhìn những nền nhà đổ nát tan hoang giữa cảnh khăn tang trắng phố phường đau đớn. Mấy tháng rồi mà vẫn nghe rền rĩ những tiếng khóc đi tìm thân nhân mất tích. Nhiều huyệt chôn chung vội vã lẫn lộn cả thường dân, Việt cộng, lính Cộng hòa và lính Đồng minh. Tướng chỉ huy Quân đoàn Một nổi lên như một anh hùng không chịu để mất căn cứ đóng quân ở đồn Mang Cá trong khi tất cả các căn cứ quân dân sự đều bị Cộng quân đánh bật đi. Bên nào cũng khoe tiêu diệt được nhiều sinh lực địch nhưng con số chính xác chỉ có Đức Chúa Trời mới biết. Hơn nửa triệu dân di tản dồn vào các thị xã, thành phố từ miền Trung cho đến Sài Gòn, trước hết làm rối loạn dân sinh, sau là mối nguy tiềm ẩn cho việc trị an. Dù sao đây cũng là thảm họa với cả hai bên.

Đại tá Phước Lộc thì phấn khởi :

- Trong rủi lại nảy ra sự may. Việt cộng bộc lộ hết lực lượng của họ và gần như đã trắng tay! Lúc đầu Quốc gia và Đồng minh bị bất ngờ nên lúng túng chớ thật ra với lực lượng như vậy thì họ liều lĩnh thật, chứ ăn nhằm gì? Trong gần chục mục tiêu trọng điểm thì ba mục tiêu Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát và Trại giam Chí Hòa bị trục trặc hợp đồng tác chiến, không xáp vô được. Chỉ có năm mục tiêu giữa lòng thành phố như Phủ Tổng Thống, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Đài phát thanh, Bộ tư lệnh Hải quân là bị tấn công. Tuy nhiên mỗi nơi chừng trên dưới hai chục tay súng đặc công đột kích, chỉ có thể gây nên những thiệt hại lúc đầu do ta sơ hở chớ làm sao chịu nổi sự bố phòng tầng lớp liên hoàn vững chắc của những đơn vị tinh nhuệ và tin cẩn. Tính ra trong tổng số chưa đầy trăm phiến quân thì đa phần bị chết tại trận và một số bị tóm gọn thẩy vào nhà lao. Riêng khu vực sân bay, bên bộ phận khai thác báo qua có ba tiểu đoàn phối hợp nhưng thực ra chỉ có vài trăm tay súng. Mãi lâu sau giờ khai hỏa mới có chừng chục trái cối 82 ly và bộc phá mở đường, bộ binh phải vượt qua bãi đất trống mênh mông đầy chướng ngại với mấy khẩu B40–41, thủ pháo và súng AK. Thâm nhập chưa tới đường băng, giao chiến một hồi thì hết đạn. Vừa lúc trời hừng sáng, trực thăng và xe tăng Đồng minh xuất trận. Trên mặt bằng trống trải, rockette, pháo, đại liên 12ly8 nã như bắn tập trên bia! Muốn đánh chiếm được sân bay phải có hàng sư đoàn quân phối hợp xe pháo đủ cỡ chưa chắc ăn huống chi chỉ có bấy nhiêu thôi! Với tham vọng đánh chiếm Sài Gòn thì ba sư đoàn chủ lực của họ liệu có chọi nổi lực lượng tương đương chín sư đoàn quân Quốc gia và Đồng minh không? Nếu so sánh tổng thể binh lực gồm cả các loại vũ khí và các phương tiện chiến tranh thì thật là một trời một vực!

Trung tá Chu giải trình: 

- Người ta đánh có sự tổ chức hợp đồng chỉ huy chu đáo đấy. Họ chia đặc khu Sài Gòn–Chợ Lớn–Gia Định ra thành sáu phân khu: Phân khu nội đô và năm Phân khu cánh, dùng chiến thuật gọi là nở hoa trong lòng địch trong đánh ra, ngoài đánh vào từ các hướng Bắc, Nam, Đông bắc, Tây bắc, Tây Nam… Chỉ có điều hợp đồng không khớp, trung tâm nổ súng rồi mà quân các cánh còn mắc kẹt ở vòng ngoài. Nhìn tổng thể họ nghi binh giỏi. Dù tướng Oét có đề phòng thận trọng rút một số đơn vị đang hành quân ở biên giới Campuchia về đóng quanh Sài Gòn nhưng vẫn đặt trọng tâm vào hướng Khe Sanh và bờ Nam vĩ tuyến 17. Khi họ nổ súng vào đêm trước ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thì lại càng tin vào phán đoán của mình. Suy cho cùng dù là thánh tướng cũng không thể ngờ rằng với một đối phương như vậy lại có thể đồng loạt đánh thẳng vào hơn bốn chục thành phố, đô thị lớn, nhỏ trên một chiến tuyến dài 800kilômét. Lịch sử quân sự thế giới chưa từng có tiền lệ nào như vậy.

Đại tá chưa chịu:

- Mỗi cánh chừng dăm tiểu đoàn! Dù có tới sư đoàn lọt được vào nội đô cũng sẽ bị thành phố này nuốt chửng. Điều khó hiểu là khi ta lấy lại thế chủ động rồi mà họ vẫn như thiêu thân lao vào đèn? Hình như chủ lực Việt cộng chưa chuẩn bị tốt để vào cuộc? Quân chủ lực của tướng Giáp phải tập trung đánh vây hãm Khe Sanh vốn là sở trường của họ. Mãi tới đợt hai tức là hơn hai tháng sau, trong khi sư 5, sư 7 mắc kẹt ở Trảng Bàng, Lái Thiêu, Long Thành thì một bộ phận của sư 9 mới tiếp cận được tới vùng ven thành phố nhưng lại phải phân tán ra tăng cường cho các đơn vị địa phương nên mất sức cường tập. Quân tiếp vụ của họ không đáp ứng nổi nhu cầu cho trận đánh lớn dài ngày nên sớm hụt hơi. Thử hỏi tải đạn bằng sức người từ căn cứ R xuống đồng bằng, ven đô, giấu trong những bụi cây lúp xúp bên bờ kinh rạch hoặc mấy căn hầm bí mật cỏn con trong lòng thành phố, liệu sẽ sài được mấy hồi cho một trận chiến tổng lực giữa đô thành? Tóm lại, quân chính quy Việt cộng chưa đủ sức đương đầu chính diện với quân đội Đồng minh ở đồng bằng và thành phố. Ngay như ở Huế địa hình có phần thuận lợi vì giáp với Tây nguyên mà họ cũng không đủ sức đánh dài hơi. Thiếu tá Nhân Tín lắc đầu tỏ ra không hiểu nổi:

- Tôi nghĩ chẳng lẽ những nhà chỉ huy du kích hàng đầu thế giới lại chơi dốc túi vào một trận ăn thua đủ hay sao? Tình báo của họ giỏi lắm mà không biết những lá chắn và tuyến vành đai phòng thủ Sài Gòn này mạnh tới mức độ nào sao? Ngoài ra quanh đây chỉ vài chục kilômét còn có các căn cứ quân sự lớn ở Biên Hòa, Long Bình, Dĩ An, Bến Cát, Lái Thiêu, Lai Khê, Đồng Dù, Bình Đức… thường trực hàng trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn với khả năng cơ động cao bằng trực thăng, xe cơ giới thì dù chiếm được một hai quận giữa đô thành này liệu sẽ giữ được bao lâu? Họ kêu gào Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa là tất thảy dân miền Nam này sẵn sàng vỗ tay theo họ hết hay sao? Chẳng lẽ với chưa đầy 300 ngàn quân chủ lực và địa phương cùng việc trang bị, vận chuyển của họ đều thua kém mà hơn 700 ngàn quân sỹ Cộng hòa chúng ta đều giương mắt vứt súng đầu hàng? Cũng như Hạm đội Bảy Mỹ ở ngoài khơi chỉ có nhiệm vụ duy nhất là đứng đợi 600 ngàn quân sỹ và tướng lĩnh Đồng minh trên khắp miền Nam này kéo nhau tháo chạy xuống tàu hay sao? Dù là người thông minh tài giỏi mà đầu óc hoang tưởng cũng hành động như một người điên, không khác gì tự sát !

Đại tá Phát Lộc lý giải:

- Họ quá ỷ vào sức mạnh tinh thần của cán binh cộng sản. Là người lính, tôi ngả mũ kính phục họ chiến đấu tới viên đạn cuối cùng rồi tháo tung súng ném đi, còn một trái lựu đạn chia đôi khi đối phương xông tới. Tại sân bay, có người lính chết rồi vẫn đứng dựa vào tường, tay không rời cây súng như đang đứng bắn. Là sỹ quan chỉ huy, tôi ao ước binh lính dưới quyền chỉ cần có được một phần tinh thần của họ, tôi sẽ chẳng ngại gì. Đức cha Hoàng Quỳnh dưới giáo xứ Bình An là người suốt đời quyết liệt chống Việt Minh, Cộng sản, ví mỗi chiến binh của họ là một con sư tử. Đúng như thế, khi xông lên, đàn ông con trai như hùm thiêng bị chọc giận, đàn bà con gái như hổ cái mất con. Khi bị bắt thà chết chứ nhất định không khai nửa lời.

Trung tá Chu giận dữ cắt ngang:

- Cảnh tướng Loan gí súng vào mang tai bắn chết một tù binh bị trói thúc ké ngay giữa đường phố Sài Gòn, bị ghi hình, quay phim tung ra khắp thế giới làm nhơ nhuốc hình ảnh quân lực Việt Nam cộng hòa vốn đã chẳng đẹp đẽ gì!

Viên Đại tá vẫn chưa dứt mạch:

- Nhưng dù là mãnh hổ nan địch quần hồ, huống chi trên thế giới này đã có ai chịu nổi trước súng đạn Mỹ đâu. Mấy tháng nay số cán binh ra hồi chánh càng nhiều. Đặc biệt không ít người từng đeo đuổi từ thời chống Pháp. Sĩ quan từ cấp Đại đội, Tiểu đoàn, thậm chí cả cấp Trung đoàn, Sư đoàn. Dân sự từ cấp Xã, Huyện đến cấp Tỉnh, cấp Khu… là điều xưa nay chưa từng có. Họ nản chí ngã lòng rõ lắm.

Cậu em nhìn ông anh rể như để xác minh

- Điều này chắc anh Tham biết hơn chúng em nhiều! Người Mỹ không tiếc của, tập trung giúp ta thực hiện Kế hoạch bình định cấp tốc. Quân lực Hoa Kỳ cũng đã bỏ lại căn cứ Khe sanh, tất nhiên lực lượng phòng thủ các thành phố đang được tăng cường. Quân lực Đồng minh đang hành quân chà xát, xóa sạch những căn cứ lõm, xôi đậu, đánh trốc cán binh cộng sản ra khỏi những nơi ẩn náu, đẩy chúng về với núi rừng hoang vu đói rét. Trong khi ta phục hồi nhanh các ấp chiến lược với đội quân áo đen Bình định nông thôn vừa cô lập số nội gián nằm vùng, vừa quản chặt dân để có nguồn bổ xung quân số. Kết hợp với những đội Phụng hoàng, luồn sâu vào các khu căn cứ của Việt cộng, dùng mỹ nhân, tiền bạc, tỷ tê lôi kéo, làm họ rã tinh thần. Liệu Việt cộng sẽ chịu được bao lâu nữa?

Ông giáo ngồi lặng thinh lắng nghe. Ông nhớ tới ông Năm Tấn. Là người chỉ huy tầm cỡ và từng trải, hẳn ông tự liệu sức mình khi dẫn quân đánh vào cái sân bay mênh mông mà ông đã trực tiếp điều nghiên trinh sát tất hiểu được sức đề kháng của nó thế nào. Tại sao ông vẫn xông lên? Niềm tin không thể dựa vào điều may rủi! Con người kín đáo cẩn trọng như ký giả Tường Minh sao dễ xuất đầu lộ diện giữa hai làn đạn? Người như ni cô Diệu Hương có dễ nản chí ngã lòng không? Như con bé Thủy Tiên, có ai ngờ bỗng chốc nó thành người khác thế? Ngay cả con Nhài, tưởng nó an phận quá thì lỡ lứa, tu tại gia, chẳng biết làm gì khác ngoài việc trông cái sạp hàng và gửi hồn vào tiếng mõ câu kinh mà cũng sẵn sàng vào cuộc. Ý chí con người khi đã nhận ra điều thiện, sẽ vượt qua mọi ý nghĩ thông thường. Ông đứng lên, hai tay đưa ra như lúc giảng bài:

- Một thực tế là những bộ óc lớn của nước Mỹ như Mc Namara, Cabot Lodge, Wetsmoreland đã bị người ta biến thành bã đậu và mở mắt cho người Mỹ thấy đang bị giới cầm quyền lừa dối!

Tổng kết cuối năm 1967, Lầu Năm góc rất lạc quan nhận định rằng: Theo đúng kế sách của chính quyền thì cuộc chiến tranh có thể thắng lợi, làm vui lòng Tổng Thống Johnson. Nhưng những gì diễn ra trong Tết Mậu Thân đã làm cho ông ta từ ngạc nhiên đến choáng váng rồi tức điên lên! Trong tâm trạng đầy lo lắng, Bộ trưởng quốc phòng mới lên Clark Clifford nói: “Tôi không biết bao giờ cuộc chiến tranh này kết thúc, không biết nó kết thúc bằng cách nào, không biết liệu đến bao giờ quân đội Nam Việt Nam có thể thay thế được quân Mỹ”!

Nhận thức của Nhà Trắng về cuộc chiến ở Việt Nam thay đổi từ đây!

 

(trang 318)

 

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_TBTe.php

ngày 24-Dec-2016

_________________

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học