Thời Bi Tráng

- tiểu thuyết -

Nguyễn Văn Thịnh

 

CHƯƠNG HAI

Vũng Tàu là một mũi đất nhô ra biển như một bán đảo, cách Sài Gòn hơn 100 kilômet về hướng đông. Địa thế ấy thật tốt để dân đi biển neo đậu tàu thuyền, đúng như người bản địa đặt cho cái tên tự nhiên và dân dã. Thế kỷ XVI, các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đầu tiên tới đây, nghĩ là mũi đất họ mới tìm ra và ghi vào bản đồ hàng hải cái tên Cap Saint Jacques. Khởi thủy nơi đây không có bóng người, chỉ là đồi núi hoang vu, những bãi sình lầy và rừng cây rậm rạp đầy dã thú. Chúa Nguyễn Ánh một thời bôn tẩu biết nơi này. Khi dựng được cơ đồ, vua Gia Long cho ba tàu lớn từ kinh đô Phú Xuân đổ những người tù khổ sai lên đây phát vãng.

Đến thế kỷ XIX, tàu chiến Pháp thường ra vào, gọi là Au cap, người Việt biến âm là Ô Cấp. Quân viễn chinh Pháp biến vũng này thành quân cảng lớn phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương suốt gần hai thế kỷ. Cùng với cảnh trí tuyệt vời của trời-mây-non-nước, đó cũng là nơi nghỉ ngơi giải trí kỳ thú và dần dà thành chốn đô hội tứ phương. Lúc hừng đông, từ Bãi Sau thấy mặt trời dần nhô lên rạng rỡ… Và lúc hoàng hôn, từ Bãi Trước nhìn theo mặt trời dần khuất cho tới lúc chỉ còn là ánh vàng lung linh huyền ảo lẫn trong sắc nước mây trời. Vũng Tàu đã là một thành phố du lịch tiếng tăm với những thắng cảnh nên thơ như ngọn hải đăng trên núi Nghinh phong bao quanh ba mặt là các bãi tắm Vọng nguyệt, Lãng du, Tầm dương, Phù vân, Hàng bàng, Bãi dâu, Bãi dứa… lô xô sóng nước trong xanh và những dải cát vàng êm ả mịn màng.

Tuy nhiên vào mùa hè năm 1955, nơi đây là một thành phố hỗn tạp, nhốn nháo, đầy rẫy tai ương với những tâm trạng tiềm ẩn đầy hiểm họa không sao lường nổi. Sau hơn một năm đồn trú ở miền Nam, dưới sức ép của người Mỹ, đám lính lê dương Pháp thảm bại tụ về đây để cuốn gói xuống tàu về nước, bỏ lại hàng trăm ngàn cô hồn đồng đội bơ vơ nơi viễn xứ! Cùng lúc với hàng vạn người đủ hạng từ miền Bắc kéo nhau lũ lượt di tản sau cuộc chiến tranh kéo dài hận thù tàn khốc phân ly, từ những chiếc tàu há mồm như những con quái vật khổng lồ hàng ngày nhả ra từng đoàn từng đám những người lếch thếch lôi thôi, lạc loài ngơ ngác bơ vơ nơi xứ lạ quê người.

Trong cái nắng chang chang buổi đầu chiều, trận mưa đầu mùa bất chợt ập xuống ào ạt xối xả. Đám mưa dày hạt nặng giăng giăng mù mịt không biết đâu là biển là bờ. Từng đám đông người thất lạc nháo nhào chạy đi chạy lại hối hả tìm nhau. Những động thái biết là họ đang dài cổ gọi nhau nhưng những âm thanh ấy vừa bị gió thổi đi và mưa dìm xuống. Cơn mưa chợt tạnh cũng bất ngờ như khi nó tới, dứt khoát không dai dẳng dầm dề. Bàu trời tươi sáng lên ngay và nắng lại chói chang rọi xuống. Đấy là sự lạ đầu tiên của mảnh đất phương Nam này mà những con người bỏ xứ kia được biết. Trong áo quần ướt lướt thướt, họ ngỡ ngàng nhếch nhác dìu dắt nhau tới những điểm tập trung. Đức Mẹ trong ảnh cúi xuống như đón nhận an ủi bầy con lạc lõng qui tụ về đây. Trên cây thánh giá, Chúa Kitô đau đớn dưới những mũi đinh nhỏ máu mãn nguyện nhìn bầy chiên tội nghiệp. Những bàn tay giơ lên làm dấu lạy cầu ba ngôi ban cho sự bằng an dưới thế. Nhiều người quỳ xuống nguyện cầu :

- Lạy Chúa! Xin cứu con khỏi bước ngặt nghèo. Bên Ngài con trú ẩn. Xin rủ lòng thương xót chúng con – Amen!

- Lạy Chúa! Dạy cho con đường nẻo Người đi. Dẫn chúng con trên đường quang lối phẳng. Cha hết lòng thương xót chúng con, xin nhận lời chúng con cầu nguyện – Amen!

- Lạy Chúa! Nhờ máu Người đổ ra trên cây thánh giá đem lại sự bằng an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời. Chúng con một lòng tin cậy Chúa và xin Người ở lại với chúng con – Amen!

Có người nức nở qùy mãi, phải có người nâng dậy kéo đi.    

Thiếu tá Phát Lộc – con ông Trùm Phát Đạt, có ông Tham Phú đi cùng, đem xe nhà binh xuống đây đón chị Phán Thanh và các cháu. Mới chỉ một năm mà nhìn nhau đều thấy lạ. Không ai lộ ra nét biểu cảm vui buồn như còn dò ý tứ của nhau. Có chăng là thằng Nhân Tín ở tuổi 12, nhảy phắt lên xe ngồi bên tay lái bóp còi inh ỏi. Đồ đạc đơn giản chỉ có hai chiếc va li do cô Nhài xách nhẹ tênh. Xe lăn bánh từ từ qua xóm chợ bên đường. Nhiều người nghênh ngang không chịu tránh ra. Xe càng nổi còi họ càng lỳ ra như không nghe thấy. Những con mắt khinh bỉ của người bản xứ xói vào những người di tản xăm xoi. Có người nhổ nước bọt phì phì. Có người phát ra những lời chửi đổng lỗ mãng sỗ sàng:

- Má nó! Hòa bình rồi mà không chịu ở xứ an phận làm ăn còn chạy theo bám đít thằng thua trận để hốt mấy cục cứt tây à?

 Bà Phán lần đầu tiên trên đời bị người ta nhìn thẳng vào mình mà chửi. Bà cũng không có cớ gì để khinh thị lại người ta. Bao nhiêu người cùng bị nghe chửi như bà mà có ai dám nói lại câu nào đâu. Tâm trạng họ đang hoang mang nghĩ tới một tương lai mù mịt xa vời mà chưa biết những lời chửi ấy có đúng hay không. Nỗi nhớ chồng thương con bỗng trào lên. Bà ôm chặt bé Bích Liên và gục đầu vào đứa con ba tuổi hồn nhiên với mọi sự chung quanh mà ràn rụa nước mắt ra. Bà không biết sự ra đi của mình là đúng hay sai nữa. Nhài ôm lấy bà hỏi bâng quơ:

- Họ bảo mình vào đây sung sướng lắm mà sao lại bị người ta chửi?

Thằng Nhân Tín nhanh nhảu nói:

- Họ chửi mình theo Tây, chị không nghe thấy sao?

Nó quay qua nhìn mẹ phân trần:

- Mình không theo Tây, mình theo Chúa mợ nhỉ!

Không ai giải thích cho nó cả. Nó càng thắc mắc:

- Thế mình có trở về Hà Nội nữa không?

Thay câu trả lời chỉ là những tiếng thở dài.  

Thoát được chỗ đông, xe chạy ào ào. Đôi lúc tới trạm có lính gác, xe chạy chậm lại. Người lính thấy xe ngài sĩ quan, đứng nghiêm chào, không tra xét. Xe lại phóng vọt đi. Thằng Nhân Tín thấy lạ, hỏi:

- Cậu cấp gì mà oai thế?

- Lính là phải chào quan. Bộ đội Bắc Việt có làm như thế không?

- Bộ đội không đeo lon. Chỉ phân biệt ở cái áo thôi. Ai mặc áo bốn túi là cán bộ. Còn lính thường chỉ có hai túi ngực với miếng vải may ốp trên hai vai, mỗi bên có mười tám đường may, họ trêu nhau gọi là ba mươi sáu đường gian khổ!  

- Thế họ có chào nhau không?

- Vào trại thế nào cháu không biết nhưng ra đường không thấy!

- Cộng sản bình đẳng ghê! – Anh tăng tốc vọt xe thật nhanh.

Ông Tham Phú ngồi bên nhắc:

- Xe chạy nhanh quá không?

Thiếu tá Phát Lộc vẫn giữ nguyên tay lái, đăm đăm nhìn phía trước:

- Đám Bình Xuyên mới bị dẹp xong nhưng còn một số chạy vào Rừng Sác duyên hải Nhà Bè. Con lộ 51 này chạy từ Biên Hòa dọc theo sông Lòng Tàu cặp Bà Rịa ra Cáp như là con đường sống của những người đang ở trong rừng. Chiều tối qua đây nguy hiểm lắm!

Thằng bé nghe hóng chuyện, hỏi chen ngang:

- Rừng xanh núi đỏ chứ rừng sácnghĩa là gì hả cậu?

- Rừng núi ở ngoài Bắc với trong Nam khác nhau. Người ta kêu sao mình biết vậy thôi. Đại để đó là một vùng hoang sơ rộng lắm, là cửa thông ra biển gọi là vịnh của các con sông lớn như Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ. Đất xình lầy ngập mặn, sông sâu vàm lớn, kênh rạch chằng chịt chia ra thành vô số cù lao, chỉ có những loài cây đặc chủng như là bần, mắm, đước, đưng, dừa nước… mọc san sát thành rừng ngăn sóng biển. Trên cây nhan nhản đủ các loài chim và có một loại khỉ đuôi dài lạ lắm sống nhờ vào các trái cây hoang. Dưới nước cơ man nào là kỳ đà, trăn, rắn hổ đủ loại to đùng và những bầy cá sấu, không ít con to nặng tới vài ba trăm ký, nuốt gọn cả một người vào bụng. Chỉ có những kẻ xổng tù hay làm loạn chống đối quốc gia mới chạy trốn ra liều ở đó. Quân chính phủ truy lùng về lắc đầu lè lưỡi bảo nhau: Sông sâu, rừng rậm, đất phèn / Rắn bò, sấu lội chen nhau vẫy vùng!

Thằng Nhân Tín co rúm người lại mà vẫn hỏi lung tung như vàm là gì? đất phèn là gì? những trái cây khỉ ăn thì người ăn có được không?... khiến ông cậu có lúc bí không biết giải thích sao cho đứa cháu hiểu ra. Những sự lạ hôm nay là khái niệm đầu đời của nó về vùng đất phương nam xa xôi bí hiểm này.

Dọc đường qua một khu mới định cư của người di tản, ông Tham nói to lên mà không biết muốn nói với ai:

- Đây là tác phẩm của trùm CIA Lansdale! Với màn Chúa bỏ vào Nam đã dễ dàng đưa được hai phần ba số linh mục chăn dắt phân nửa số con chiên miền Bắc bỏ nhà cửa ruộng vườn xứ đạo ra đi theo Chúa! Những khu dân cư tập trungkiểu này trải khắp từ miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông, ven đô xuống đồng bằng Nam Bộ tới tận cùng đất Mũi. Toàn những nơi xung yếu cả!

Thiếu tá Phát Lộc làu bàu:

- Cuộc chạy tỵ nạn cộng sản này chưa biết hồi hậu thế nào?!

Không ngờ người Mỹ có phép thần thông biến hóa như mụ phù thủy của Shakespeare. Ngày 16 tháng 6 năm 1954, Quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại ký sắc lệnh bổ nhiệm bầy tôi cũ Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng trong thế cuộc chẳng còn gì. Ngày 20 tháng 7 ký kết hiệp định Genève, Việt Nam chia làm hai khu vực để hai bên đối lập đóng quân và quản lý, lấy con sông Bến Hải chạy dọc theo vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Dành 300 ngày là hạn cuối cùng để hai bên di chuyển quân và lôi kéo dân chúng đi theo mình. Một cuộc xáo trộn cư dân vội vã lớn chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Người phía Bắc theo Chúa bỏ vào Nam và người phía Nam theo Cụ Hồ ra Bắc. Ngày 13 tháng 5 năm 1955 là hạn chót chấm dứt mọi quan hệ giao thương giữa hai miền ngoài việc trao đổi dân sự qua những tấm bưu thiếp nhỏ công khai bị cả hai bên kiểm duyệt gắt gao soi dò từng ý chữ! Vậy mà ngày 23 tháng 10 năm 1955, dân chúng phía Nam ùn ùn đi bỏ phiếu lựa chọn một trong hai người là cựu Hoàng đế Bảo Đại hay là cựu Thượng thư Ngô Đình Diệm làm nhà lãnh đạo tối cao cho mình?! Khắp nơi, cử tri được nhắc thuộc lòng hai câu thơ lục bát dân gian truyền thống: Phiếu xanh ta bỏ vô bì – Phiếu đỏ Bảo Đại ta thì bỏ đi! Kết quả là bầy tôi thắng quân vương với tỷ lệ áp đảo: 98,2% / 1,1% ! Vậy là từ đây Nguyễn triều thật sự cáo chung không còn dây dưa gì nữa trong lịch sử Việt Nam!

Cùng lúc với sự dẹp tan được những phe đảng và giáo phái chống đối từ vùng rừng núi miền Trung lên Tây Nguyên tới miền Đông và Tây Nam Bộ, kết thúc bằng sự triệt thoái toàn bộ chín mươi ngàn binh lính Pháp còn lại sau gần một trăm năm dày xéo trên mảnh đất Viễn đông này.

Trong số gần triệu người phía Bắc chấp nhận tha hương lưu lạc, có tới ba phần tư dưới áp lực của thần quyền! Nhờ sự chi viện hào phóng của người Mỹ, chỉ sau mấy năm họ đã có một đời sống ổn định. Quốc hội mới ở miền Nam thông qua hiến pháp của một thể chế gọi là Đệ nhất cộng hòa dựng ông Diệm là người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử mang chức danh Tổng Thống kiểu quốc gia đại nghị phương tây.

Chỉ còn lại những người của phong trào kháng chiến chống Pháp trước đây là khó khuất phục thôi. Đành rằng trong đó những người cộng sản là nòng cốt nhưng đa phần kể cả khối quần chúng nhân dân đông đảo vẫn là người ngoài Đảng, thậm chí có chính kiến xã hội khác nhau vì thực chất đây là sự tiếp nối của truyền thống yêu nước chống ngoại xâm được hun đúc hàng ngàn năm trong quá trình dựng nước và giữ nước và được khơi dậy sống động lên trong chín năm kháng chiến trường kỳ gian khổ khởi đầu từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 với ảnh hưởng sâu xa to lớn của Cụ Hồ Chí Minh. Đó là một lực lượng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm có khả năng biến thành ngọn lửa thiêu rụi cơ đồ. Ông Diệm thi hành chính sách cái gậy và củ cà rốt – vừa đấm vừa xoa, phát động chiến dịch tố cộng tràn lan khủng khiếp, tiêu diệt mầm chống đối và triệt để cách ly những người kháng chiến cũ ra khỏi sự ảnh hưởng của họ tới nhân dân. Đồng thời thúc đẩy việc xây dựng thật nhanh những Khu dinh điền trù mật ngõ hầu thay đổi bộ mặt nông thôn.

Đất nước nơi này tan tác điêu linh, nơi kia phồn hoa hấp dẫn!

Ngày 20 tháng 7 năm 1956 Tổng Thống Cộng hòa Việt Nam tuyên bố không có trách nhiệm với chính quyền tiền nhiệm để tiến hành hiệp thương với chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước! Cùng với việc dựa vào Mỹ quốc, gấp rút cải tổ đội quân bảo hoàng ô hợp thành quân lực Việt Nam cộng hòa lãnh sứ mệnh xung kích ở tiền đồn phía đông với ý đồ bình định xong ở miền Nam sẽ lấp sông Bến Hải – Bắc tiến, mở rộng thế giới tự do. Trong khi ở phía Bắc ông Võ Nguyên Giáp cho giải trừ quân bị tám vạn tinh binh về nhà xây dựng kinh tế theo trào lưu chung sống hòa bình!           

Năm sau, trong vai nguyên thủ quốc gia đang nổi lên như một người hùng chống cộng vĩ đại nhất ở Đông Nam Châu Á, ông Ngô Đình Diệm được Tổng Thống Eisenhower cho mượn chiếc máy bay riêng chở đi ra mắt nhiều quốc gia và tới Hoa Kỳ. Tại đây để đáp lại lời khen của nguyên thủ Mỹ quốc: “Ngài là người của những phép lạ trong thế giới tự do!”, ông đã không ngần ngại tuyên bố: “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài tới vĩ tuyến 17!” khiến bao nhiêu đồng bào của ông chưng hửng!

Thành phố Sài Gòn được mệnh danh là Thủ đô của Việt Nam cộng hòa phát triển nhanh chóng, bao gồm cả Sài Gòn–Gia Định với Chợ Lớn–Tân An. Khu ngã ba Ông Tạ–Tân Bình, Xóm Mới–Gò Vấp, Bình An–Cầu chữ Y… được dành cho những người công giáo gốc Bắc di cư, từ là những bãi xình lầy và rừng cao su hoang phế ven đô mau chóng trở nên phố thị sầm uất.

Ông bà Trùm Phát Đạt ở với người con trai. Bà Phán lúc đầu tới ở chung. Sau vì cảnh chị chồng em dâu muôn thuở lại trong cái thế ở nhờ ở đậu mãi tới bao giờ?! Và một điều sâu sa khó nói: Thiếu tá Phát Lộc là một sỹ quan công giáo được tin cậy ở bên An ninh quân đội, rất hăng hái và mẫn cán. Chồng bà dù sao vẫn là người ở phía bên kia đối kháng, làm sao tránh được sự động chạm tới tình cảm của mẹ con bà. Lấy lý do không tiện việc làm ăn buôn bán, bà xin phép cha mẹ cho tìm về ở gần trung tâm thành phố.

Ông Tham vào sớm, mua được ngôi nhà rộng rãi khang trang giữa đường Trần Hưng Đạo. Ông vẫn ở một mình. Như một người anh, ông khuyên bà hãy để tiền dồn vào việc phát triển kinh doanh lúc khởi đầu còn đang mới mẻ và mẹ con đến ở nhà ông. Bác cháu ở với nhau đã quen rồi, vả ông cũng tính sẽ tìm một việc gì làm cho khuây khỏa. Bà dễ thuận lòng vì các con có bác dạy bảo thì cũng đỡ lo.

Bé Thủy Tiên – con bác cả Phát Tài, cùng tuổi với thằng Nhân Tín nhưng nó ra vẻ người lớn sớm hơn. Nó mau chóng thân thiện với chị Nhài vì trong nhà này riêng hai người ấy cùng âm thầm chịu nỗi đơn côi trống vắng giữa chan chứa tình cảm của những người ruột thịt. Một hôm chị Nhài đột nhiên hỏi nó:

- Em là bé Hélène hả?

- Sao chị biết? – Nó ngạc nhiên vì đã lâu rồi cái tên ấy không ai nhắc  nữa, chỉ người thân trong nhà mới biết.

- Anh em là Nghĩa Sỹ?

- Nghĩa Sỹ nào kia? – Hélène càng ngạc nhiên hơn.

- À quên… là Roberg chứ! Có đúng không?

- Sao chị biết? Mà Roberg với Nghĩa Sỹ có quan hệ gì với nhau không?   

Biết mình lỡ lời, Nhài lảng chuyện đi nhưng con bé cảm thấy có sự gì bí ẩn về người anh vắng bóng từ lâu mà mỗi khi nhớ tới lòng nó vẫn nhói lên. Nó cứ bám riết chị Nhài truy ra cho bằng được.

Khi bà Phán chuyển đi, nó cũng xin với ông bà nội và chú Phát Lộc cho theo cô để vừa có bạn học, vừa ở gần trường

Về nơi ở mới, hai chị em càng thân nhau. Tới mức Nhài không thể giữ kín mãi câu chuyện về cái chết của cậu bé Robert – Nghĩa Sỹ như anh Nghĩa đã kể cho cô từ những ngày đầu người Hà Nội chạy tản cư, cô bơ vơ gặp nạn và tình cờ gặp anh. Hai anh em đi tìm cậu mợ. Lâu quá rồi, chắc mợ không quên đâu nhưng chuyện cũng nhạt dần, nhắc tới chỉ gợi lại nỗi đau mà chẳng ích gì. Không ai nghĩ có sự gặp gỡ kỳ lạ thế này. Trong ký ức xa xăm, cái chết quả cảm của cậu bé thiếu niên rất đáng khâm phục ấy với hình ảnh của anh Nghĩa hai lần cứu cô thoát chết vẫn in đậm trong tâm khảm của cô không phai mờ được.

Có những giấc mơ kỳ lạ: Cô gặp anh ngay giữa phố phường Sài Gòn đông đúc. Đúng là anh, bao năm không thay đổi: Dáng người thấp đậm, đôi mắt sáng như cười. Anh hiển hiện trước cô, hiền hậu, nhân ái, thân thiết, yêu thương. Cô bàng hoàng lúng túng chưa biết nói gì mà vẫn say trong giấc mơ kỳ ngộ. Một chiều đông giá, hai con đò chênh vênh qua lại trên sông trôi dạt vào nhau. Vẫn là anh trong bộ đồ Vệ quốc quân đúng như hôm nay đứng đó. Hai tay bị trói giật ra sau mà cô dám nhảy vọt qua và… rơi tòm chìm xuống dòng nước xiết. Cô rùng mình hét lên, ngồi bật dậy, ngơ ngác nhìn đứa bé em đang ngủ ngon chẳng biết gì. Vòng tay ôm ngực, chờ cho con tim hết đập dội lên, cô nằm xuống nghĩ : Sao anh lại ở đây? Về thành mà anh bận đồ như thế thì chết mất thôi?! Cô buột lời thì thầm: Anh ơi! Giá mà… Cô hy vọng và trông đợi một ngày kỳ diệu. Biết đâu? Anh ấy đi Nam không về!   

Cô xin với mợ được tách ra tấm hình anh chụp chung với Chu và hai đứa em lớn để giữ làm kỷ niệm riêng cho mình. Lúc đó anh chừng 15 – 17 tuổi. Tấm ảnh nhắc cô luôn nhớ về một dĩ vãng và nhen lên niềm hy vọng.

Nhài chạnh lòng trước cảnh côi cút của đứa bé mới lớn và cô quý như em ruột, vừa thương nó vừa nhớ về Hà Nội với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, hạnh phúc và đau đớn. Cô kể chuyện về cái chết can trường của người anh đáng thương của nó như anh Nghĩa đã kể với cô từ chục năm về trước.

- Bao lâu nay không ai nói cho em biết sự thật. Em chỉ nghe kể lúc người ta bắn giết nhau hỗn loạn, cậu mợ chết vì tên bay đạn lạc! Còn anh Robert thì bỏ chạy đi đâu mất tích! – Con bé nước mắt ràn rụa, tấm tức oán hận lắm.                 

- Đúng là mọi người trong nhà không ai biết về cái chết của Roberg–Nghĩa Sỹ đâu. Mợ Phán thì không dám nói vì thương các cụ!

- Nhưng sao không ai dám nói thật về cái chết thảm thương của cậu mợ em ngay tại nhà mình?!

Nhìn tấm hình cha mẹ và hai anh em treo trên đầu giường, bây giờ Thủy Tiên mới biết điều bí ẩn về những người thân. Nó rùng mình nghĩ đến cái chết oan ức thê thảm của cha và mẹ. Với cái chết của người anh Nghĩa Sỹ, trong lòng nó đau đớn mà trăn trở lắm. “Xin đừng để lòng con nghiêng về sự dữ. Đừng để con làm điều ác với bọn gian tà”! Nước mắt nó cứ chảy ra mỗi khi nghĩ anh có được lên nước Thiên đàng hầu Chúa hay không? Những đêm thao thức nhớ cha mẹ, thương anh, trời chưa rạng nó bật dậy qùy dưới chân Chúa đọc kinh trợ lực :

- Lạy Chúa hằng giải thoát cho người tù tội, khai sáng cho kẻ mù lòa, nâng dậy ai vấp ngã, yêu chuộng người công chính. Nơi nào có oán ghét hận thù xin Chúa giúp con gây lại tình thương – Amen!

Trước đây trong cảnh côi cút, nó tự an ủi như một sự bất hạnh rủi ro và cầu sự cứu rỗi an bằng nơi Chúa Cứu Thế. Nhưng bây giờ hiểu ra không có sự rủi ro nào cả. Loài ác qủy hiện hình ra đấy! Lời Cha giảng theo kinh: “Chúa hằng ghét bọn điêu ngoa, gớm ghê phường giảo quyệt, kinh tởm lũ ác nhân, diệt trừ kẻ hại người”,  mà sao mọi người không dám nói thật ra? Cả nhà nó sùng kính Chúa đến quên đi kẻ đã giết người ruột thịt? Ngoài đường, bao nhiêu người nheo nhóc từ miệt quê chạy lên tránh nơi bom đạn, nhiều cảnh điêu đứng tang thương lắm. Những việc chú làm có dính đến chuyện này không? Đến lớp học, bọn bạn xầm xì nó là gốc Bắc công giáo di cư nên chỉ thủ thỉ với nhau những chuyện gì giấu nó. Về nhà, xem ý thằng Nhân Tín dửng dưng mà hoan hỉ những chuyện ở đâu. Chúa đã chẳng dạy kẻ nào theo qủy Satăng càng gần điều ác, không thoát khỏi ngày tận thế đó sao?!

Con bé càng ít nói, lúc nào cũng suy tư vừa hỏi vừa đáp cho mình.

Trong nhà này, chỉ còn chị Nhài là người để nó thổ lộ tâm tình.

Nhân Tín lớn lên nhanh lắm. Nó thông minh, tự tin và quyết đoán. Nó ít hỏi ai và khi đưa ra câu hỏi là nó đã có câu trả lời rồi.

- Mợ có là tư sản không? – Nó nhìn mẹ cười tươi lắm.

Bà Phán lúng túng nhìn con dò xét :

- Ở đời mỗi người phải có một nghề để sống. Nó như một sự đẩy đưa duyên nghiệp. Bước vào nghề rồi là phải lăn lóc vun vén nó lên. Đại phú tại thiên–Tiểu phú tại cần. Mợ vẫn thấy mình thua người nhiều lắm !

- Cậu có là cộng sản không?

Bà sợ nhất có ai đặt ra câu hỏi đó. Để không phiền hà rắc rối về sau, cậu Phát Lộc đã hướng dẫn các cháu khai trong lý lịch là cha chết vì trọng bệnh. Tự dưng con bà hỏi chuyện đó làm gì? Bà đắn đo suy nghĩ :

- Mợ không hỏi và cậu cũng không nói ra bao giờ!

- Thế tại sao mợ bỏ đi Nam? Theo Chúa hay theo cái nghiệp?

Đó là điều bà luôn day dứt. Nhiều khi bà tự hỏi mình nhưng không có câu trả lời dứt khoát. Nói theo Chúa là có đúng không? Chỉ có con bỏ Cha chứ đời nào Cha lại bỏ con. Ngay cả một con chiên ghẻ Chúa nhân từ vẫn đưa tay đón nhận! Nhưng tại sao bà nỡ lìa con xa chồng như thế?! Bao nhiêu nước mắt vẫn không ra lời đáp đúng.

- Mợ có lỗi với các con, với cậu! Tưởng chỉ có hai năm thôi.

Không ngờ thằng con lại mừng:

- Thế là may đấy! Cộng sản không để ai yên mà làm giàu đâu.

Bà chột dạ. Ai dạy nó nói ra điều ấy? Bà lo sợ linh cảm một điều gì như là sự xa cách dần ra mối tình cốt nhục. Thằng Nhân Tín càng lớn, càng học cao lên, nó có những suy nghĩ không giống ai trong nhà này. Bà chỉ biết than thở với bác Tham thôi:

- Em sợ là cha con anh em chúng nó ngày càng chia rẽ. Rồi mình thì sao?!

Ông Tham cũng âu lo:

- Chỉ có người dân thật thà nông cạn mơ hồ mới không biết mình là quân cờ trong tay các nhà hoạch định quốc gia. Con sông Bến Hải bắc vài nhịp cầu mấy nỗi nhưng cái hố trong đầu thì ngày một rộng ra!

Bác Tham hỏi thằng Nhân Tín:

- Xong tú tài con định làm gì?

- Con đăng ký sỹ quan Đà Lạt !

- Con định mang áo lính suốt đời?

- Mình không muốn cộng sản cũng bắt mình mang!

- Giữa cộng sản với quốc gia thì cháu chọn ai?

- Theo cộng sản làm sao được! Họ vô thần, vô đạo, không có quốc gia dân tộc, vô sản hóa mọi người thì làm sao sống nổi? Chỉ mấy năm mà ông Ngô Đình Diệm đã làm được chuyện đại sự bài phong–đả thực, gây dựng cơ đồ mới có một miền Nam độc lập. Mợ cháu làm tối tăm mặt mũi vậy mà khỏe ra. Không như hồi ở ngoài ấy suốt ngày ngồi đuổi ruồi mà lúc nào cũng ủ ê. Cứ như vậy mãi chắc mợ không sống nổi!

- Thế có lệ thuộc vào người Mỹ không?              

- Bắc Việt có lệ thuộc vào Trung cộng, Nga xô không? Nước nhỏ không dựa vào nước lớn thì làm sao đứng được? Ta đứng vào thế giới tự do có sướng hơn không?! 

- Cháu có nghĩ tới một nước Việt Nam thống nhất?

- Phải là một quốc gia Việt Nam thống nhất, không cộng sản!

- Và thuần đạo… Kitô?!

- Chúa không dung kẻ vô thần!

- Cháu hiểu gì về cộng sản?

- Chứ sao bác bỏ kháng chiến mà về? Sao mợ cháu bỏ cậu mà đi?

Hai người lớn nhìn nhau. Lần đầu tiên họ tự hỏi việc mình làm là đúng hay sai. Đây có phải là điều nhân–qủa?! Ông Tham nghĩ tới con gái Hương Giang ở ngoài kia chắc nó giận mình! Bà Phán còn khổ tâm hơn. Lòng bà không sẻ làm hai được! Ông Tham chợt nhớ nói ra:

- Gần đây tôi thấy cháu đi nhà thờ vào những ngày chủ nhật!

- Nó xin tiền em làm sợi dây chuyền. Em nghĩ trẻ nó đua nhau!

Các con lúc mới sinh ra, theo lệ đạo, bà đều đưa đến nhà thờ xin với linh mục chịu phép rửa tội để được theo chân Chúa. Không may chúng lớn lên lúc thời thế đổi thay, nhân tình xáo động, ngoài đời lắm cảnh lố lăng, dễ làm đức tin của trẻ thơ lay chuyển. Chỉ bằng lòng sùng tín Chúa, bà cũng khó dạy bảo được con huống chi cha chúng tuy không nói ra nhưng cũng thờ ơ chểnh mảng chăm sự lễ là điều luật nghiêm với một tín đồ. Các con nể sợ mẹ lắm lâu lai mới bước đến nhà thờ hoặc ê a đọc kinh phụng vụ mà trong đầu chúng nghĩ những đâu đâu. Bên ngoại trách, bà đau đầu lắm! Bây giờ trước sự thay đổi của thằng con, không biết là điều lành hay dở? Bà đưa tay làm dấu cầu sự cứu giúp của ba ngôi. 

Ông anh an ủi:

- Nó lớn rồi, có thể tự chọn đức tin. Nhưng không phải là sự toan tính cầu lợi cho mình!

- Em theo Chúa từ trong bụng mẹ. Em nghe Chúa làm lành tránh dữ! 

Bấy lâu nay bà mải mê bận bịu. Việc bán buôn thấy mà ham, cứ như vừa từ con ngòi con lạch thoát ra sông cái. Người mua càng đông. Nguồn hàng càng rộng. Người trường vốn càng dễ làm ăn. Hai mợ cháu tíu tít vào công việc. Ngoài sạp hàng ở chợ mới Sài Gòn, bà chen chân xuống chợ vải đầu mối Soái Kình Lâm nữa. Bà tích cóp xây dựng cơ nghiệp cho con sau này. Bây giờ chợt tỉnh, bà thấy hoang mang. Giàu có mà gia đình xẻ đàn tan nghé thì để làm gì ?!

Trường Trung học tư thục Cổ Loa của ông giáo Kiến khá nổi tiếng vì ông tuyển chọn giáo viên cẩn thận. Ông Tham Phú nhận dạy môn tiếng Pháp vì ngồi không nhìn thế sự mãi cũng buồn. Bây giờ người ta quen gọi thầy giáo Phú. Ông vui vẻ nhận một chức danh mới, mờ đi cái quá khứ đằng đẵng xa xôi chẳng mấy gì vui. Người con trai lớn của ông giáo Kiến theo kháng chiến tới hồi cuối cuộc bỏ về, cùng gia đình vào Nam. Để tránh sự phiền hà với cả hai bên, ông gửi con qua Pháp học. Bây giờ về nước anh là ký giả Tường Minh, làm phóng viên tự do cho hãng truyền thông nước ngoài. Anh cũng có mấy giờ đứng lớp ở trường này.

Ông giáo Kiến than với bạn:

- Bây giờ học sinh bỏ Pháp ngữ chạy theo Anh ngữ nhiều quá. Dồn lại chưa đầy một lớp tiếng Pháp. Tuy nhiên người dạy tiếng Anh mình không thiếu. Tôi nhờ anh dạy giúp tôi môn Sử?

Ông giáo Phú rãy ra ngay:

- Thế ông giáo đang dạy Sử đâu?

Ông giáo Kiến nhìn con.

- Lớp tiếng Pháp cha con cháu có thể gánh được. Còn… – Ký giả Tường Minh lại nhìn cha.

Ông Hiệu trưởng đành nói thật:

- Dạy học là phải trung lập. Chuyện xã hội để cho học sinh tự chọn. Nhưng thằng cha này chống cộng lộ liễu quá. Nó là đảng viên Cần lao quá khích lắm, không lo việc dạy, chỉ lo quảng bá tuyên truyền chủ thuyết nhân vị và vo vê lịch sử theo ý nó. Mình mời nó làm thầy chứ đâu có thuê làm mật thám mà nó chuyên khích bác, dòm dỏ, đánh hơi thôi. Đồng nghiệp thì khó chịu. Học trò rủ nhau cúp cua hoặc chạy qua trường khác!

- Dạy xì xồ ba cái tiếng tây qua ngày. Chứ đa mang vào món này mất nhiều thì giờ, mệt lắm! Anh nhớ rằng tôi cũng bỏ cộng sản mà đi đấy nhé?!

- Làm sao tôi không biết. Tôi cũng như anh mà cũng khác anh. Bao nhiêu người, mỗi người mỗi cảnh không ai giống ai đâu. Nhưng ít ra mình cũng giữ được cái tâm trong sạch!         

- Anh biết không? Bao nhiêu anh trí-phú-địa-hào và sỹ quan quân đội quốc gia ở lại ngoài ấy đều bị đấu tố, cho đi cải tạo hoặc vô hiệu hóa thì những thằng bỏ cuộc khác chi là đảo ngũ thì họ coi có ra gì. Lúc đầu tôi cũng dằn vặt luyến tiếc lắm nhưng bây giờ nghĩ lại là may! – Ông giáo Phú nói may mà nét mặt buồn thiu.

Ông bạn cũng không vui:

- Trước khi rời Hà Nội, ông bạn giáo sư người Pháp của tôi dạy Triết ở trường Albert Sarraut nói trước học trò: Miền Bắc mới là tương lai của Việt Nam! Những người ở lại số đông ủng hộ Cụ Hồ. Ra đi mà tôi day dứt lắm! Đến giờ tôi chưa hiểu các nhà lãnh đạo Bắc Việt định gì? Vừa sửa sai cải cách ruộng đất xong, họ quay ra đánh giới trí thức, mà toàn là những người tăm tiếng nhiệt tâm theo họ từ đầu, rồi triệt hạ luôn những nhà tư sản công kỹ nghệ, thương gia? Thực ra mấy anh nổi cộmbiết thân chuồn trước hết cả rồi!

Ông giáo Phú dè dặt :

- Bên người ta độc quyền thông tin! Nghe phát ngôn chính luận bên nào cũng tuyên truyền cho mình cả. Những tin rò rỉ không tam sao thất bản thì cũng lạc điệu đi. Nói cả giới trí thức thì không hẳn thế vì nhiều người tăm tiếng cũng tỏ ra bất đồng kịch liệt lắm. Có điều họ mạt sát nhau tàn tệ quá đáng không đúng với khẩu khí xưa nay của người trí thức là điều thực hư chưa rõ có sự áp chế hay không? Người bên Paris về kể lại, luật gia Nguyễn Mạnh Tường công khai than phiền hay phê phán mấy chuyện lộn xộn gì đó căng thẳng lắm. Lúy là nhà luật học nổi tiếng, 22 tuổi đã có trong tay hai bằng Tiến sỹ Luật và Văn chương ở Pháp. Về nước không chịu hợp tác với chính quyền thực dân, chỉ dạy học thôi. Vậy mà lúy ủng hộ chính phủ Cụ Hồ ngay từ buổi đầu và theo trọn cuộc kháng chiến. Trong các hội nghị song phương, lý lẽ của lúy làm phái đoàn Pháp cứng họng. Xem đó nhiều người phân vân nghi ngại lắm!

- Thế cái chính thể cộng hòa Việt Nam này có vững không trong khi mấy năm nay anh em ông Diệm đang làm nên chuyện?

- Nhờ dựa vào người Mỹ mới làm nên. Nhưng coi chừng cái mầm tai họa nảy sinh từ đấy!

- Tôi chưa hiểu ý anh?

- Công tâm mà nói, những người kháng chiến trước kia gọi là Việt minh có chính nghĩa và đã làm được chuyện thần kỳ, không thể phủi sạch đi. Vậy mà anh em ông Diệm mở chiến dịchgọi là diệt cộng đại qui mô tàn sát họ và những người liên lụy không thương tiếc làm mất lòng người! Trong khi ở nông thôn trước kia, chính quyền kháng chiến cấp ruộng đất cho nông dân thì bây giờ với chính sách cải cách điền địa chính quyền này bênh vực chủ cũ thu hồi lại ruộng đất từ tay người nông dân bấy lâu nay bỏ công cầy cấy rồi dồn ép họ trong những Khu dinh điền trù mật gây nên sự phẫn uất ngấm ngầm chỉ chờ thời cơ là bùng nổ! Anh em ông Diệm không nhận ra điều ấy, tưởng mình đắc thắng, thâu tóm quyền hành trong tay một gia đình, thao túng mọi hoạt động xã hội, triệt hạ thẳng thừng những người trái với ý mình, thất nhân tâm ghê gớm. Cùng lúc họ âm mưu biến xứ này như một nước Philippine thuần công giáo! Làm nhà lãnh đạo quốc gia mà lộ liễu ra chính sách độc tôn một đạo và ngược đãi những tôn giáo khác sẽ là điều hiểm họa, đặc biệt ở những quốc gia châu Á có truyền thống Phật giáo và Nho giáo hàng ngàn năm. Anh thấy không, ba trăm năm rồi mà Giáo hội công giáo xứ này lúc nào cũng dựa vào người để phô trương thanh thế, làm sao có một chỗ đứng thuyết phục trong lòng dân tộc?! Ông Nhu phù phép  dựng nên một đảng để thực hiện chế độ đảng trị như ở các quốc gia cộng sản mà quên rằng họ sống nhờ vào thế giới tự do nên sẽ bị cô lập! Họ không biết đến điều kiện ra đời của các đảng ở những nước cộng sản như thế nào. Anh có biết đảng Cần lao nhân vị này người thì gọi là Cần lao công giáo người thì gọi là Cần câu địa vị hay không? Gia đình ông Diệm mấy đời theo Chúa Kitô và có chức sắc cao trong hàng giáo phẩm mà không nhớ lời trong kinh thánh: “Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của” hay sao? Trên trường quốc tế dù được nhiều nước ve vãn vì họ cùng trong phe Mỹ cả nhưng điều dại dột ngu xuẩn nhất là đào sâu thêm mối bất hòa với các nước trong xứ Đông Dương thuộc Pháp cũ. Vì bị ai xúi bẩy hay vì tính bảo thủ cố chấp hạ mục vô nhân của đám triều thần mũ cao áo dài xưa thiển cận, đã để lọt mất bao nhiêu cơ hội cho đất nước chủ động hợp tác học hỏi người ta để mở được mắt ra như Minh Trị Thiên Hoàng đã làm cho xứ Phù Tang mau đứng vào hàng những quốc gia tân tiến?!        

Ký giả Tường Minh hồ hởi lắm :

- Cha cháu nhờ bác dạy môn Sử giúp cho là đúng quá. Bác nhìn xa trông rộng và sâu sắc lắm! Trong chương trình giáo dục, môn Sử hệ số thi không cao nhưng nó rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho lớp người mới lớn. Cũng là một bài giảng trong sách giáo khoa nhưng người giảng có tác động khác nhau tới nhận thức xã hội của những bộ óc học sinh còn non nớt và trong trắng. Cháu mong bác nhận lời cho! 

- Các anh cho tôi có thời gian suy nghĩ !

Trong lòng ông giáo Phú trăn trở lắm. Chuyện làm giàu không hợp với tính cách của ông. Ngày trước có vợ ông lo. Bây giờ cơ nghiệp bà để lại cho ông không phải tính đến chuyện lo sống hàng ngày. Các con đều trưởng thành còn có thể giúp được cha. Ông hiểu rộng nghĩ sâu mà cương chính nên sống vào thời thế nào cũng khó. Người ta kính nể ông tuy nhiên không trọng dụng ông. Nhưng ông không cần ai hết để mưu lợi cho mình. Ông sống theo ý ông, vì thế ông có độc lập tuy biết rằng lúc nào cũng thiếu tự do. Nhưng dù sao sống ở bên này ít ra ông cũng còn một ngôi nhà cho riêng mình, một mảnh vườn của mình, một khoảnh trời thuộc về mình và một tư duy riêng biệt mặc sức cho mình trừu tượng và còn có chỗ nói ra dẫu biết rằng không phải ai cũng tán đồng. Song trong tâm khảm, ông vẫn rạo rực với một thuở vàng sao, thoả chí với những tâm hồn khao khát tự do, mênh mang niềm tin yêu kính trọng với Cụ Hồ – nhà ái quốc với những đặc trưng đầy hấp dẫn. Việc bỏ dở chừng cuộc kháng chiến vẫn là điều nhoi nhói trong lòng. Kẻ tiểu nhân–tiểu khí quen đổ lỗi cho người. Tu thân chánh tâm trước rồi mới nghĩ tới chuyện tề gia–trị quốc, ấy mới là chính nhân quân tử. Ông vẫn cảm thấy mình chưa tròn trong cái đạo làm người. Mỗi người đều có một mẹ. Dù mẹ có là kẻ ăn xin vẫn không ai đành đoạn chối từ. Vấn đề là mình có nối nghiệp ăn mày nữa hay không. Mỗi công dân đều có một tổ quốc. Cho dù tổ quốc ấy hay dở thế nào cũng không ai nỡ góp phần làm cho nó tàn tạ điêu linh hơn nữa. Làm gì để giữ được tấm lòng ngay chính? Chẳng đâu xa, ở trong nhà này, nhìn các cháu, ông cũng thấy chúng đang bơ vơ ngơ ngác trước ngã ba đời. Thằng Nhân Tín đang ngả theo một con đường khó mà nói cho nó hiểu ra. Thủy Tiên đang lưỡng lự. Chỉ bé Bích Liên còn vô tư nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ đến lúc nó dò dẫm tìm đường. Nghĩ tới lời yêu cầu của bạn, ông thấy cũng là một việc có ý nghĩa nên làm. Chỉ lợi cho đời thôi. Không nghiêng về ai cả.

Chu tốt nghiệp trường sỹ quan Đà Lạt vừa lúc có Hiệp định Genève. Anh chờ đợi chưa dám quay về miền Bắc. Lúc đang học tú tài trốn lính, anh muốn tìm ra chiến khu với cậu mà không được. Ngày bị bắt đi học sỹ quan, đám học sinh Hà Nội thừa dịp được phép về ăn tết rủ nhau lỳ lại ở nhà và liên hệ với tổ chức học sinh kháng chiến nhưng cũng chỉ nhận được lời khuyên: Trốn được thì tốt, nếu không hãy tạm thời chấp nhận rồi sẽ liên hệ với nhau sau! Lính quân cảnh về từng nhà xúc đám học sinh sỹ quan ương ngạnh tống thẳng lên máy bay đưa vào trường sỹ quan Thủ Đức. Vừa lúc ấy, bác Tham xin cho anh chuyển lên trường sỹ quan Đà Lạt. Bây giờ về Sài Gòn gặp bác Tham, bác khuyên anh nán lại xem cậu mợ có vào không. Khi bà Phán vào cũng là lúc anh được chọn đi học bên Philippine mấy năm và trở về với ba bông mai vàng (Đại úy). Anh tâm sự:

- Họ bảo cháu cải đạo thì sẽ đổi cho thành một bông mai bạc (Thiếu tá). Nhưng cháu nghĩ không thể bỏ cái gốc gác của ông bà tổ tiên chạy theo người khác được, cũng như cậu cháu đấy.

Thằng Nhân Tín xúi khôn ngay :

- Anh dại! Như em đây, có thấy khác gì đâu?

- Bây giờ chưa khác rồi sau sẽ khác. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, mãi rồi quen đi!

Là lớp sỹ quan đầu tiên đào tạo bài bản, anh được đưa về làm sỹ quan Phòng tác chiến Bộ Tổng tham mưu, khỏi phải mang lính đi hành quân dã chiến. Bác Tham là nơi ân tình tin cẩn với gia đình, anh coi bác như người thay mặt cậu anh. Hai bác cháu thường tâm sự.

- Cháu không hiểu gì về cộng sản nhưng nghĩ lại hồi mới lớn cháu thấy vui và đẹp quá. Thế mà cuộc sống lại đưa đẩy cháu sang bên đối địch! Bây giờ nghe người ta nói về cộng sản ở miền Bắc cháu bán tín bán nghi không biết thực hư thế nào?

- Giá mà cuộc kháng chiến không choàng thêm cái áo đỏ vào thì hay biết mấy! Yêu nước là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân bất kể giàu-nghèo-sang-hèn. Sự hy sinh của mỗi người không thể đem ra cân-đong-đo-đếm để so sánh được. Những cái chết oanh liệt đầy nghĩa khí của các vị yêu nước tiền bối như Trương Công Định, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh, Phạm Tất Đắc… kể cả những người giàu nghèo, quyền quý bình dân, vương tôn trí giả và người cộng sản đều đáng được kính trọng, tôn vinh đánh giá công bằng. Đất nước yên bình rồi, chọn thể chế nào sẽ là ý của muôn dân…

Mắt ánh buồn nhìn người đối thoại:

- Mọi sự đã an bài. Biết làm sao được! – Ông quay về hiện tại:… Cháu theo dõi chiến sự thế nào?         

- Lực lượng các giáo phái hết hơi rồi. Bây giờ quân đội chỉ có các cuộc hành quân tảo thanh yểm trợ cho quốc sách bình định nông thôn thôi. Lực lượng kháng chiến lẻ tẻ phân tán lắm. Chỉ còn những vùng căn cứ chiến khu cũ do địa hình hiểm trở có thể còn lại một số đơn vị du kích nhỏ lẻ, quân đội không sao quét sạch được! Có điều là nhiều đứa cả quan lẫn lính đến lũ xã ấp dân vệ hung hăng tàn ác quá, gây thù chuốc oán mang nhiều nợ máu khó mà được thiện cảm với dân lành!

- Tình hình quân đội ra sao?

- Số sỹ quan trẻ hăng lắm, nhất là đám sỹ quan công giáo. Họ không chấp nhận chế độ cộng sản do sự cố chấp bất khoan dung của nền giáo lý La mã có tham vọng trùm lên đời sống không chỉ một quốc gia mà rộng ra toàn thế giới và tin vào sức mạnh quân sự vô địch của nước Mỹ giàu có khủng khiếp không ai làm gì được. Tuy nhiên sự độc tài độc đoán gia đình trị, sự phân biệt đối xử song hành với sự tham nhũng hàng viện trợ tạo nên những bè phái tranh quyền tranh lợi nhưng đều nằm trong tay người Mỹ mà gia đình Tổng thống dù muốn thâu tóm quyền hành cũng không sao điều khiển nổi. Đó là chỗ yếu mà bên đối phương có thể khoét sâu vào nhưng thực tế lực lượng bên ấy bây giờ tan tác mong manh lắm! Cháu phân vân muốn hỏi bác một điều: Đất nước mình liệu có thể chia thành hai quốc gia đối lập nhau không?

Ông Tham chậm rãi:

- Tại hội nghị Genève, ngồi quanh chiếc bàn tròn với năm nước lớn là bốn phần lãnh thổ trên xứ Đông Dương thuộc Pháp cũ: Việt Nam dân chủ cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Campuchia và Lào. Họ là những thực thể bình đẳng với nhau và có trách nhiệm thực thi hiệp định như nhau. Tuy nhiên hiệp định thừa nhận Việt Nam là một lãnh thổ toàn vẹn, sự phân chia hai miền Nam – Bắc chỉ là tạm thời, chờ hai năm sau tiến hành tổng tuyển cử trên cả nước thành một quốc gia thống nhất. Bất kỳ người Việt chân chính nào cũng không thể nghĩ bên đây – bên kia vĩ tuyến 17 là hai quốc gia khác biệt!

Giọng ông trầm xuống:

- Tuy nhiên nếu để tình trạng phân ly kéo dài, lớp trẻ lớn lên lờ mờ về lịch sử cùng với sự tuyên truyền quá khích đào sâu thêm mối bất đồng về chủ nghĩa mà mỗi bên đều có những thế lực đối kháng đỡ đầu thì không biết chừng dân ta còn thống khổ hơn thời Trịnh–Nguyễn mà chưa biết đến bao giờ?!  

- Cái thể chế xã hội và quân lực Việt Nam cộng hòa này có là ngụy tạo hay không?

Ông Tham vừa nói vừa suy nghĩ :    

- Hai bên đối phương chống chọi nhau càng quyết liệt càng tìm mọi cách phủ định nhau. Tuy nhiên về lịch sử thì Cụ Hồ nắm đằng chuôi chân lý! Thế chiến thứ II, nước Pháp mất vào tay quân Quốc Xã, xứ thuộc địa viễn đông này vào tay Nhật Hoàng! Thừa lúc Pháp chạy, Nhật đầu hàng Đồng minh, cả nước nổi dậy cướp chính quyền. Cụ Hồ thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, chấm dứt ách nô lệ ngoại bang gần một trăm năm. Vua Bảo Đại thoái vị với câu nói khí khái mọi người còn nhớ: “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ!”. Chế độ quân chủ bị xóa bỏ và nền cộng hòa dân chủ Việt Nam khai sinh từ đấy! Lần đầu tiên trong lịch sử, hai mươi triệu người Việt Nam được thực hiện quyền công dân: Bỏ phiếu bầu người đại diện cho mình lo việc nước! Chính phủ mới do Quốc hội bàu ra với cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, cụ Nguyễn Hải Thần từng theo cụ Phan Bội Châu từ thời Đông Du còn lại làm Phó Chủ tịch và Hoàng thân Vĩnh Thụy làm Cố vấn tối cao cùng nhiều nhân vật thân hào, thân sỹ tiếng tăm. Người Pháp phản bội những điều hai bên thỏa ước, gây chiến tranh cướp nước ta lần nữa. Chính phủ Cụ Hồ quyết tâm kháng chiến. Cựu hoàng Bảo Đại trở mặt theo Tây. Người Pháp dựa vào đó lập ra cái Quốc gia Việt Nam và dựng phế đế làm Quốc trưởng! Anh là lớp sỹ quan bản xứ đầu tiên do người Pháp đào tạo cho cái quốc gia đầu Ngô mình Sở ấy! Ông Diệm được cái ghế Thủ tướng là do người Mỹ ép người Pháp đang ở thế cùng buộc ông Bảo Đại phải làm như vậy. Mọi chuyện sau đó anh biết rồi. Có lúc nửa tỉnh nửa mê, ông Diệm nói: “Phải giành lại chính nghĩa từ tay cộng sản”! Anh có nghe chứ? Chính nghĩa nằm ngay trong những việc người ta làm và được lịch sử ghi nhận chứ ai đó muốn vơ lấy cho mình hoặc tô vẽ thêm vào hay xóa bỏ nó đi chỉ làm trò cười cho hậu thế!

Ông chỉ vào bông mai trên vai áo viên sỹ quan trẻ:

- Quân đội này do Mỹ dạy, Mỹ nuôi thì cũng chỉ có Mỹ bảo được nó thôi. Đời này ai có tiền người ấy làm ông chủ!  

- Thế bác thấy cộng sản thế nào?

- Cộng sản! Người nói dở, người nói hay? Dù sao thì đôi cánh của nó đã sải tới đây rồi! Một sự thật là trong lịch sử Việt Nam hiện đại họ là người chống ngoại xâm hữu hiệu nhất và thắng lợi của họ thật rõ ràng. Nhưng là gì hãy để chờ xem. Người Việt Nam mình bao đời nay vẫn coi độc lập tự chủ là điều quan trọng nhất. Họ chưa bao giờ được hưởng tự do như người tây phương nên dễ dụ lắm. Trong khi cái chính quyền này chẳng tốt lành gì !

Bạn buôn của mợ Phán người gốc Huế, có cô con gái xinh xẻo dịu hiền, học xong Văn khoa ở nhà phụ mẹ trông hàng. Hai bà thuận chỉ cho con cháu quen nhau rồi hợp duyên hợp số. Đại uý Chu và Yến Vân hợp thành gia thất.

Thủy Tiên và Nhân Tín lớn lên mỗi đứa một suy nghĩ khác. Từ ngày biết căn nguyên cái chết của cha mẹ và anh, đức tin trong Thủy Tiên xao động lắm. Nó cảm thấy ông bà chỉ như cái bóng và những lời bảo ban bấy lâu nghe mơ hồ hư thực, không trúng với sự đời. Cô và chú bận rộn, ít gặp nó và những việc những lời nó nghe biết được không nhằm vào những điều nó đang day dứt. Với bác giáo Phú thì nó sợ nhưng lại tin. Những lời bác nói làm người nghe phải suy nghĩ nhiều. Bác ấy dường như không tin ai và dường như bác nghĩ cũng không ai tin mình, cứ thui thủi cô đơn tội nghiệp. Chỉ có chị Nhài mỗi tối ngủ chung thù thì với nó. Chị son rỗi vậy mà có nhiều điều u ẩn. Tuổi thơ, tuổi trẻ của chị không có gì đáng nhớ ngoài chuyện về người anh Nghĩa Sỹ của nó gắn chặt với một người. Anh ấy cứu chị thoát chết những hai lần. Hỏi có là người yêu không? Chị thở dài lảng đi với lời giải thích lần nào cũng thế: Cái số kiếp chị không được như người! Chị như cam phận, chẳng nghĩ tới tương lai, làm việc không phải cho mình mà cần cù-nhẫn nại-siêng năng-thật thà như một cái máy. Với chị, nó như một đứa em, một người bạn chia sẻ cho nhau những lúc không có việc gì làm.

Nhân Tín gần như ngả theo con đường binh nghiệp với hình ảnh người hùng lung linh những sao với mề đay trong hào quang chiến thắng. Trên bàn học, nó trưng hai tấm hình thật đẹp: một sỹ quan quân phục trắng tinh đứng trên mũi tàu trước biển bao la xanh ngằn ngặt, một sỹ quan với bộ đồ bay như người ngoài hành tinh, ngồi trong buồng lái nhìn lên bầu trời bát ngát cao xanh. 

Hôm nay, chỉ có hai đứa ở nhà, Thủy Tiên hỏi móc thằng Nhân Tín :

- Mày định làm người nhái hay lính nhảy dù?

- Thứ ấy bỏ đi. Tao chọn pilote !

- Mày thích đánh nhau à?

- Con trai thời buổi này không tránh khỏi mang áo lính!

- Mày muốn đọ súng với anh mày?

Nhân Tín lảng chuyện :

- Xếp lại chuyện chính trị đi!

Nó truy lại Thủy Tiên:

- Mày đi chùa à?

- Tao đi với chị Nhài cho biết… Có sao không?

- Mày có lễ không?

- Tao chỉ xem thôi!

- Đi riết thành quen… như tao đấy!

- Tao tưởng mày bỏ Chúa rồi?

- Muốn thành sỹ quan phải là tín hữu trung thành trước đã. Mấy đứa bạn rủ nhau cùng đi. Dàn đồng ca có mấy nhỏ đẹp lắm!

- Vào chùa… mùi khói hương ngây ngất tao thấy mọi điều nửa thực nửa hư !

- Say rồi đấy! Có Chúa là không có Phật, coi chừng mắc tội.

- Tao thấy chỉ người đời mới đối lập đến mức giết hại nhau thôi!

Hai đứa loay hoay chưa biết thanh minh sao cho mình thì bác giáo về. Thủy Tiên chạy tới đỡ cặp cho bác tìm cứu viện :

- Bác ơi! Cháu theo chị Nhài đi chùa là có tội không?

Bác hỏi cặn kẽ đầu đuôi rồi từ tốn giảng:

- Chọn đức tin là quyền của mỗi người. Mỗi tôn giáo có triết lý riêng giải thích về nguồn gốc phát sinh và tồn tại của vũ trụ, sự sống và con người. Nhưng mọi giáo lý đều dạy người ta  sống hòa đồng với tấm lòng nhân ái vị tha, hướng tới mục tiêu Chân–Thiện–Mỹ. Đến với đạo là đến với đức tin chứ không phải đến vì điều lợi. Đạo nào cũng có những điều răn và giới luật rất chặt chẽ. Điều chính yếu nhất là tránh sự dối – Dối người, dối mình và dối cả thần linh nữa! Chỉ cần giữ được điều ấy thôi, mỗi người sẽ tốt biết bao nhiêu, xã hội sẽ đẹp biết bao nhiêu và con người đỡ khổ biết bao nhiêu. Mọi cái xấu, cái ác đều từ sự dối mà ra cả!

- Làm sao biết được thật hay là dối? – Nhân Tín ngơ ngác hỏi.

Ông giáo nhìn hai đứa cháu. Chúng đều ngoan và có học nhưng độ tuổi ấy, phân biệt chân giả không dễ chút nào, ngay cả người lớn nhiều khi vẫn bị lầm. Ông trả lời bị động:

- Cho nên nhìn người, nhìn đời cần phải tỉnh!

- Ngay như người say vẫn cứ nghĩ rằng mình tỉnh đấy thôi?

Nó nói có lý. Ở đời có ai bảo mình dại, mình sai đâu ngay cả khi họ làm những việc điên rồ, độc ác. Kẻ càng say lại càng nghĩ rằng mình tỉnh, càng dễ làm càn. Kẻ nhẫn tâm càng nguy hiểm khi nó có quyền! Kẻ tỉnh giữa đám người say thành ngớ ngẩn, lạc lõng, cô đơn! Một đời ông đã chiêm nghiệm ra rằng: Say thì bị lừa, tỉnh thì bị hại! Ông lúng túng không biết nói sao với những đứa cháu thiếu niên.

Đầu năm học, đứng lớp nào thày giáo Phú cũng khai tâm trò bằng câu chuyện dã sử thâm trầm bi thương:

- Các anh chị khi bước qua cổng vào trường Cổ Loa  này có suy nghĩ gì không?

Cả lớp lắc đầu cười trừ với thầy. Có trò táo bạo trả lời:

- Trường ta là trường tư thục. Vậy khi bước qua cổng trường vào ngồi trong lớp thì chúng con phải nhớ nhiệm vụ đóng học phí đầy đủ, một lần và đúng hạn!

Cả lớp cười ồ lên. Thầy điềm tĩnh ra dấu yên lặng và ôn tồn nói:

- Đấy chỉ là một trong những trách nhiệm của các anh chị thôi. Còn tôi làm nhiệm vụ của người dạy Sử là nhắc nhở học sinh luôn nhớ rằng… Coi như chúng ta bước chân vào thành Cổ Loa – kinh đô nước Âu Lạc của người Việt Thường xưa. Những dấu tích lịch sử trải hàng ngàn năm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, dù có phôi pha nhưng vẫn đủ bằng chứng nhắc về một nàng Mỵ Châu với câu chuyện tình ai oán lâm li như công cuộc dựng và giữ nước từ những ngày đầu tổ tiên ta khởi nghiệp. Chuyện xưa dạy người nay nhớ rằng: giữ nước không thể ỷ vào thành cao, hào sâu, boong ke, công sự, nỏ thần, đại pháo, chiến xa, phi cơ, chiến hạm hoặc là nhan sắc mỹ nhân. Mất nước hoặc do ta không thiết tha với nước? Hoặc do ta cả tin dại dột mắc mưu người? Hoặc do ta ham sướng tham giàu tối mắt vì mối lợi cho riêng mình mà quên đi đại nghiệp quốc gia! Nước với nhà là một. Nước mất thì nhà tan. Chứng tích rành rành xưa và nay thời nào cũng thấy! Nhà nhà yêu nước. Người người yêu nước. Tỉnh táo–Hiến dâng Mưu lược! Đó là những vật liệu dân chúng ta sẵn có từng xây nên thành trì bất khả xâm phạm ở mọi thời đại dù chỉ là một quốc gia nhỏ bé chống lại sự nô dịch của các siêu cường thời đại!

Học sinh giảm hẳn số người cúp cua giờ Sử. Chí ít cũng mở ra cho họ cánh cửa nhìn về quá khứ chỗ sáng chỗ tối rõ ràng. Đồng nghiệp nể trọng ông. Có kẻ tò mò nhưng khi biết về quá khứ của ông đều bỏ qua mọi sự nghi ngờ.

Buổi học với đề tài người anh hùng Nguyễn Huệ–Quang Trung tiến quân thần tốc từ Nam ra Bắc đại phá 20 vạn quân Thanh. Thầy giáo Phú say xưa kể những chiến tích và còn liên hệ rộng ra cũng vào thời điểm lịch sử ấy, trên xứ sở người Gaulois cùng nổi lên nhà quân sự Napoléon Bonaparte tài ba lừng lẫy cả châu Âu kính nể. Tuy nhiên đưa hai thiên tài quân sự vĩ đại Á, Âu ra so sánh là một sự khập khiễng lịch sử vì người kia làm chiến tranh chinh phục và người này làm chiến tranh vệ quốc. Một người bách chiến bách thắng trên rừng dưới biển, bình bắc dẹp nam, chỉ chịu thua ách tai nghiệt của luật tử sinh. Một người nhờ sự rủi may và kết thúc cuộc đời oanh liệt bằng trận đánh vào chỗ không người đành bó tay cam nhận sự bất lực của mình. Bài giảng gây niềm phấn chấn tự hào về cha ông, không chỉ học sinh trong lớp ngây ngất lắng nghe mà nhiều học sinh các lớp khác cũng bu đầy ngoài cửa. Bỗng mặt thầy tái dần và xanh lét cùng lúc thầy ôm bụng gục xuống lăn lộn trên bàn, mồ hôi toát ra ướt đầm. Học trò đổ xô lên vực thầy dậy, người thầy lạnh toát, mạch tay lờ mờ, tiếng thầy rên rỉ đứt hơi:

- Có ai cầm dao đâm vào bụng tôi! – Và thầy ngất lịm đi.

Ông Hiệu trưởng hốt hoảng vội vã lấy xe đưa bạn đi nhà thương cấp cứu. Đám học trò vừa tiếc buổi học dở dang vừa thương thầy, xúm lại từng đám bàn tán và suy luận đủ điều :

- Thầy trúng phong!

- Thầy bị tả!

- Thầy bị thương hàn!

Có đứa nghi ngờ :

- Dao nào trong bụng? Thầy bị “thư” rồi!

Có đứa quả quyết:

- Thầy bị đầu độc!

Đám học trò sửng sốt sợ hãi nhìn nhau rồi tản đi nhanh chóng.

Bà Phán Thanh giao toàn việc bán buôn cho Nhài quán xuyến, nghỉ hàng tháng trời, ở hẳn trong Bệnh viện trông nom ông – vừa là ân nhân vừa như một người anh.

Ông giáo Phú bị lủng bao tử. Các con ông ở bên Pháp điện về gửi gắm tin cậy vào thím Phán và nhờ người quen là bác sỹ giỏi mổ cắt bao tử cho ông.

Ông vốn khoẻ mạnh, thầy thuốc với ông chỉ là bạn chứ chưa từng là nơi gửi gắm mạng mình. Bây giờ qụy xuống ông mới thấy nhiều điều nhỏ nhoi thiết thực rất đáng qúy đáng cần mà trước nay không nghĩ tới. Họ hàng ông ở thành phố này thiếu gì nhưng người gần gũi thân tình bao lâu nay chỉ có người này. Ông chợt nhận ra người đàn bà bao lâu nay sống chung dưới một mái nhà có nhiều nét từa tựa như người vợ qúa cố của ông… Họ chơi với nhau từ bé, gia cảnh gần giống nhau, ảnh hưởng một nền giáo huấn như nhau, thờ chung một Chúa và mỗi bà cùng gặp một ông chồng nửa đạo nửa đời để cùng trong cảnh nửa vui nửa buồn cho trọn đạo thờ Chúa, trọn nghĩa thờ chồng tới mức chẳng còn cảm xúc trước những lời chê-khen của những người thân sơ nữa. Bề ngoài họ có vẻ đài các xa lạ với người mà ở nhà họ là người vợ cả nể chồng tới mức tưởng như là sợ. Ông vẫn nhớ về người vợ khuất bóng lâu rồi nhưng chỉ là những cảm giác mơ hồ thoáng qua thôi. Ông là người duy lý và thực tế, những suy tư thương nhớ vẩn vơ mau chóng lướt qua đi vì sự sinh-tồn-dị-biến là luật trời rồi, chỉ là kẻ trước người sau thôi. Ông trăn trở nhiều với nhân sinh thế sự để nhận cho ra cái tốt-xấu-đúng-sai xem là mình đứng ở chỗ nào với những cung bậc thấp cao của nó. Bây giờ ông mới chợt thấy lòng mình trống vắng và cần tới một sự dịu dàng âu yếm trong đời sống thường ngày như là một sự tiết chế thăng bằng tình cảm. Ông nắm tay bà nói thật tình:                         

- Em giống Đạm Tâm lắm… mà vì sao lâu nay anh không nhận ra ? – Lần đầu tiên ông nói tiếng em với bà bằng một âm điệu khác thường. Lâu nay ông vẫn gọi là thím, đôi khi có thể là em nhưng vẫn chỉ là một ngôi thứ hai như mọi người thôi. 

Cũng là lần đầu ngoài chồng ra, bàn tay bà nằm gọn trong bàn tay một người đàn ông khác. Bà không dám nhìn thẳng vào người đối diện mà lòng xôn xao.

Ở tuổi bà, ngoài chuyện làm ăn tần tảo, việc có con để được lo, có chồng để được chiều đều là hạnh phúc. Lúc này bà mới có thì giờ để nhận ra những mất mát của đời mình. Gái không chồng như nhà không nóc, như thuyền không mui. Nó trống trải tuyềnh toàng vô duyên thế nào! Đành rằng chuyện làm ăn buôn bán bà tự lo toan tần tảo bao lâu nay rồi nhưng có người đàn ông để hỏi han bàn bạc vẫn an tâm vững dạ hơn. Cơ nghiệp bây giờ gấp mấy ngày xưa nhưng bà cứ thấy nó chông chênh như thuyền trên sóng chỉ một bà chèo, nhiều khi chóng mặt mà không dám nương tay. Giá như được thêm tay người chống! Con cái dù ngoan nhưng muốn khôn phải có cha. Chúng càng lớn bà càng cảm thấy sức nặng chúng dựa vào bà mỗi lúc một tăng lên. Liệu bà có chịu nổi mãi không?! Bà nhận ra chính mình cũng cần chỗ dựa và có lúc bất chợt nghĩ tới người đàn ông cùng ở chung một nhà này đã bấy lâu nay. Bà hiểu ông là người khí khái, lượng cả bao dung đủ sức là cây cột vững cho mình nương dựa. Chột dạ nghĩ mình là con của Chúa, bà làm dấu thánh:

- Lậy Chúa, xin dẫn chúng con bước theo đường lối Chúa – Amen!

Từ sau ngày nằm bệnh, dường như trong ý nghĩ của hai người về nhau đã có gì thay đổi. Ông giáo quan tâm tới công việc và những bức xúc của người em gái trong nhà. Bà Phán dành nhiều thì giờ chăm lo cho ông anh những điều thiết thực. Hai người đều cảm thấy cuộc sống đỡ đơn điệu, vui và ấm lòng hơn.

Nhân một buổi họp mặt gia đình chúc mừng bác giáo tai qua nạn khỏi, bà Phán thật thà hỏi mấy người đàn ông:

- Liệu bao giờ hai miền mới nhập chung làm một? 

Mọi người ngạc nhiên tưởng bà chỉ cần biết giá vải, giá vàng chứ hỏi làm chi đến chuyện chính trị xã hội này mờ mịt xa xôi. Ông giáo nhìn hai người nhà binh thăm dò. Đại úy Chu ngao ngán lắc đầu. Thiếu tá Phát Lộc hãnh diện được ưu ái qua lớp huấn luyện ở Trung Tâm Nhân vị Vĩnh Long – giáo phận do Giám mục Ngô Đình Thục cai quản, luôn tự hào vì chưa bao giờ giáo hội Kitô hữu Việt Nam được ơn Chúa ban cho nhiều đặc ân đặc sủng như dưới triều Ngô Tổng Thống hiện nay. Anh nâng cây thánh giá bạch kim đeo trước ngực đặt trên môi hôn và giơ lên thành kính:

- Chúa đã phán rồi: Người ở xa hãy nghe biết việc ta làm. Kẻ ở gần khá nhận rằng sức ta hùng mạnh!

Đặt cây thánh giá về chốn cũ, giọng anh chắc nịch :

- Khi nào dân hai miền thờ chung một Chúa sẽ chung một cờ!

Bà chị mặt ngây ra đờ đẫn, đứng chắp tay trước bàn thờ Chúa, nước mắt tuôn rơi, miệng cầu tha thiết:      

- Lậy Đức Kito Thánh tử, Chúa tể của muôn loài, Cha của chúng con. Máu người đổ trên cây thập giá đem lại bình an cho muôn loài dưới đất, muôn vật trên trời – Amen!  

Ông giáo Phú không quen làm những điều đặt mọi người vào sự đã rồi dù rằng lúc này hai người không lệ thuộc vào ai nữa. Ông hỏi thẳng bà:

- Em chấp nhận được không?

Bà nhìn ông vừa thương vừa sợ :

- Em là người công giáo. Em còn các con và cháu!

Thái độ ông dứt khoát :

- Chuyện đạo em lo. Chuyện đời anh sẽ liệu!

Trước hai cháu trai đã lớn, ông hỏi thẳng :

- Bác với mợ các cháu làm thân, có gì sai không?

Hai anh em ngơ ngác nhìn nhau, nhìn bác chưa hiểu có đúng là chuyện thật? Dù Chu đã là người từng trải nhưng vẫn bị bất ngờ. Nhìn sắc diện và thái độ ấy chắc chắn không phải chuyện đùa. Bác vốn là người sâu sắc và nghiêm chỉnh xưa nay. Khi đã hiểu ra, thằng Nhân Tín tán thành ngay vì từ tấm bé hai bác cháu luôn gần gũi thân thiết với nhau, đến khi lớn lên, tình cảm về cha lâu dần mờ trong xa vắng lẫn với những điều kỳ thị trong khi bác ở bên với kiến thức và tư cách, nó rất kính nể và coi trọng :

- Cháu không phản đối !

Chu nhớ tới cậu mình, anh cảm giác xót xa trong dạ nhưng đã đủ khôn để anh thận trọng:

- Điều đó là tùy ở mợ !

- Cám ơn các cháu ! – Giọng ông xúc động và chân thật.

Bé Bích Liên chưa đầy 10 tuổi còn vô tư lắm. Nó học nội trú ở trường Dòng ít biết chuyện nhà. Riêng Nhài và Thủy Tiên ngấm ngầm không ưa nhưng biết thân phận là người ngoài cuộc nên ngậm tăm. Chỉ hai chị em đêm đêm thủ thỉ:

- Tội nghiệp cậu hiền lành, thật thà, tin người, thương và nể mợ lắm. Chị tin rằng cậu không bao giờ ở với người khác đâu! Người như thế làm sao nỡ bỏ?!                  Vận vào duyên nghiệp của mình, cô vừa buồn vừa tủi. Kẻ bạc tình còn nghĩ tới làm gì. Tưởng như chôn chặt sâu rồi mà sao mỗi lúc động lòng nó vẫn trồi lên? Giá như được trời cho người ấy… Tiềm thức gợi về anh Nghĩa, nước mắt rớm mi, cô càng thương thân lại càng nhớ về một bóng mơ hồ.

Thủy Tiên ít biết về người chú rể nhưng qua chị Nhài, nó có cảm tình và qúy mến một anh bộ đội Cụ Hồ tên là Nghĩa với người chú của anh cũng là chồng của cô nó đây. Nó không biết gì mà bình luận trong khi bác giáo và cô là những người lo nhiều cho nó. Ông bà Trùm năm trước năm sau theo nhau được gọi về hầu Chúa. Nó ít về bên nội vì thím xa lạ khó nói chuyện thế nào và nó mặc cảm với những việc chú làm. Mỗi khi nhìn thấy một tên lính nước ngoài dù là da trắng hay đen, mắt xanh lè hay trắng dã – Mỹ hay Pháp thì cũng vậy thôi, nó quay mặt đi cảm giác như nhìn thấy con qủy dữ!

Từ ngày có đôi, thành ông bà giáo, hai người hợp sức sắp xếp chuyện nhà. Bà giao sạp hàng ở chợ Bến Thành cho hai chị em Thủy Tiên với Nhài: 

- Từ nay cô giao cho hai đứa tự lo lấy. Lời ăn, lỗ chịu, gây vốn phòng thân! Buổi đầu chân lưng, thiếu thốn gì cô giúp.

Bà cố ý tránh dùng ngôi mợ với Nhài. Ông bàn:

- Bích Liên còn nhỏ quá, xa nhà không chịu được. Nhưng Nhân Tín nay mai xong Tú Tài, bác gửi con qua Pháp!

- Để làm gì hả ba… à… bác? – Từ lâu, các con có lúc kêu bác là ba nhưng bà luôn sửa lại vì muốn con bà dù thế nào cũng chỉ có một cha thôi.

Tưởng thằng cháu sẽ mừng nhưng ông giáo càng ngạc nhiên hơn khi nó nói liền một chặp :

- Để trốn lính à? Cảm ơn bác! Đất nước đang binh lửa. Một thằng con trai như vậy thì hèn quá! – Nó bỏ đi luôn.

Ông giáo buồn lắm, tưởng rằng nó sẽ nghe mình. Hay là nó trong bụng không ưng nên phản ứng ?! Tưởng mình vuốt ve lấy lòng nó sao?! Ông không quen làm những việc như thế bao giờ. Việc gì sai đúng phải rõ ràng. Ông không ưa thói đạo đức giả. Mối tình muộn mằn của ông cũng là tự đến. Ông không chủ tâm dàn dựng. Chẳng qua là cảnh đời đưa đẩy tới đây. Nó là duyên trời tự đến với cả hai người. Với các cháu bây giờ không phải là việc giúp được tới đâu hay tới đó nữa, đã là trách nhiệm cụ thể với người kế thất của ông đây. Còn một điều ngấm ngầm sâu xa mà ông không muốn nói ra với bất kỳ ai là ông cố gắng gây dựng các cháu nên người tốt, không đối lập với cha chúng nó đang ở ngoài kia. Đó có phải là tấm tình của ông với một con người đã là rất đặc biệt mà dù sao ông vẫn luôn yêu qúy? Tình cảnh này thật khó gỡ. Ông buồn mà không biết chia sẻ với ai.     

Bà giáo có nỗi niềm riêng. Chuyện nhà cửa con cái bây giờ có chỗ dựa vững chắc rồi. Bà chuyên tâm một mối lo gây dựng cơ đồ. Đến lúc nào sẽ chuyển giao cho chúng nó. Coi như bà làm xong phận mình. Nhưng đó là phận đời. Còn phận đạo lòng bà vẫn u ẩn không yên.

Vào dịp lễ Phục sinh, sửa mình chay và không quên lời răn của Hội thánh: Xưng tội trong năm ít là một lần! Lời bà day dứt cầu xin. Lời Cha thâm trầm sâu lắng trước Chúa in đậm trong tâm thức của bà:

- Lạy đức rất Thánh Đồng Trinh Maria chẳng mắc tội tổ tông truyền, Người là Mẹ Chúa Cứu Thế, là Nữ Vương cả thế gian! Lạy đức Cha, người chăn dắt chúng con! Nữ nhân ẩn danh Đức Mẹ là Maria Lê thị Hợi, là kẻ có tội hơn các kẻ có tội khác, đang quỳ dưới chân Người xin được ẩn náu, xin được chở che và dạy bảo con xưng điều tội lỗi.                         

- Những người đang sống trên thế gian này ít nhiều đều có tội trước Chúa ta Thánh tử – người đã đổ máu vì các con. Người sẽ chở che và tha thứ! 

- Con đã được ban phép hôn phối trước Chúa. Nhưng bao lâu lòng con không yên. Con quỳ dưới chân Người xin được ẩn náu và sự bao dung.

- Bảy phép bí tích mỗi tín hữu được Chúa ban chỉ một lần. Cớ sao lòng con nghiêng ngả?

- Lạy đức Cha chăn dắt chúng con. Con không có điều chi oán hận người ấy. Nhưng giờ đây hai vai con nặng trĩu, không còn sức theo cùng đàn chiên nữa.

- Con chiên ấy lạc bầy đi đâu?

- Lạy đức Cha chăn dắt chúng con. Người ấy ở lại quê nhà và con đi theo chân Chúa. Nghe lời Chúa, làm con chiên lành xa điều cám dỗ. Con đuối sức rồi! Lạy Chúa Kitô lòng lành vô cùng. Xin cho tấm thân bé mọn, tâm hồn yếu đuối của con được nhận tình thương nơi Người.

- Người anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho! Đừng quên ngày ngày đêm đêm sớm khuya cầu nguyện ghi nhớ lời răn: “Trước kính mến một đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy!”. Con sẽ sáng mắt sáng lòng nhận ra bóng đen của quỷ, hào quang nơi cõi thiên đường – Amen!

- Lạy Chúa Cứu Thế. Hạnh phúc cho kẻ lỗi lầm được Người tha thứ khoan dung. Con dâng linh hồn con nơi tay Chúa – Amen!

Ông giáo thấy vợ ít đến nhà thờ mà siêng đọc kinh khuya sớm. Ông dần quen đi và chiều theo nếp sống ấy. Ông nghĩ: Người ngoan đạo nào cũng thế, thường tâm thiện và hành thiện.

 

(trang 97)

 

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_TBTa.php

ngày 24-Dec-2016

_________________

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học