PHÚT THĂNG HOA

- tiểu thuyết -

Nguyễn Văn Thịnh

CHƯƠNG TÁM

Còn lại ba người đàn ông cùng chờ đón Xuân Mậu Tý…

Ngày giáp năm, một công đôi việc, ba anh em chú cháu du xuân ra làng Phượng Dực. Ông Thanh nói nơi đó mới chính là đất tổ. Cụ tổ bốn đời ở đây, cho một cậu con trai về ở rể nhà họ Lưu quê mẹ mong giữ tình thân hữu lâu dài hai họ. Thuở nhỏ, mỗi lần về thăm quê, cha ông đều dẫn về đây viếng mộ tổ và nhà thờ họ. Ở đấy còn nhiều bà con anh em dây mơ rễ má họ hàng. Chẳng mấy khi có thì giờ nhàn rỗi, ông kể chuyện làng như chuyện cổ tích ngày xưa cha kể cho ông:

- Cả vùng này là nơi làng quê đất cổ lâu đời lắm. Từ xưa Xuân La, Phượng Dực, Động Tiến, Đồng Quan nổi danh đến tận kinh kỳ. Còn nhiều tích lưu truyền từ thời dựng nước như ông Nguyễn Bậc danh thần bậc nhất nhà Đinh. Các bậc danh tướng giúp vua Lê Đại Hành phá quân nhà Tống, đánh giặc Chiêm Thành. Đình làng thờ ông Thành hoàng là một vị tướng lập công to giúp vua Trần đánh giặc Nguyên Mông… Đất được thế “long vờn hổ bọc”. Mặt trước là đồng, mặt sau là một nhánh Nhuệ giang. Giữa đồng chiêm trũng mênh mông, cả một bầy trăm con chim phượng khổng lồ mỏi cánh bay mới tìm được gò lớn này rủ nhau đậu xuống nên mới gọi là Phượng Dực, nghĩa là cánh con chim Phượng. Đến đời vua Tự Đức tức là Dực Tông, phải kỵ húy nên gọi trại đi là Phượng Vũ nhưng trong lòng người dân quê mình vẫn không quên cái tên Phượng Dực. Đất lành chim đậu, người từ bốn phương tám hướng hội tụ về đây tới hàng chục dòng họ. Xưa nay nổi tiếng là làng văn hiến. Văn quan võ tướng bảng vàng bia đá thời nào cũng có. Không ít sỹ tử đỗ đạt thành danh từ lúc tuổi còn niên thiếu. Nhiều tộc họ cho con cháu lên thành phố học hành, ăn nên làm gia không ít người dựng nên cơ nghiệp. Tây học thời nay nổi danh tứ kiệt “Quỳnh-Vĩnh-Tố-Tốn” (Phạm Quỳnh–Nguyễn Văn Vĩnh–Nguyễn Văn Tố–Phạm Duy Tốn) là những danh nhân văn hóa Bắc kỳ thì Phượng Dực chiếm hai là ông Vĩnh và ông Tốn, trong đó chi tộc Nguyễn nhà mình có ông Vĩnh đấy. Tuy nhiên cái nghiệp văn chương chữ nghĩa danh càng lớn thì họa càng to. Nay đúng mai sai. Hay dở chả biết đâu mà lường. Nhưng có một thần đồng nhà nghèo tự học tự cường tung hoành ngang dọc, kinh bang tế thế được như ông thế gian dễ có mấy người?

Nhìn cảnh quan cũng rõ đây là một làng trù phú và văn vật, nằm kề theo tỉnh lộ 73. Con đường cái dài chạy dọc suốt làng. Ngôi đình rộng lớn nhìn ra ao trước mênh mông. Nghĩa dẫn hai ông tới thăm gia đình một đồng đội đã hy sinh. Anh lúng túng không biết đi vào câu chuyện thế nào nhưng rồi cũng đành phải nói thật ra. Tiếng khóc như ri. Người ta đổ xô tới chật từ trong nhà ra đến ngoài sân. Cả ba người loay hoay không biết xoay trở làm sao nữa. Chuyện mau lan ra đầu làng cuối xóm và một nhóm nam nữ dân quân tới dẫn ba người lên gặp Ủy ban.

Cả ba người xuất trình giấy tờ hợp lệ. Nghĩa thanh minh:

- Đồng chí ấy là chiến sỹ thân cận với tôi. Tiện đường công tác, tôi ghé vào thăm hỏi và chia buồn với gia đình.

Sau khi thăm dò, biết đều là kẻ làng người nước, ông Chủ tịch xã giảng giải thân tình:

- Các anh làm việc không thuộc chức trách của mình! Ủy ban chưa nhận được thông báo từ văn thư huyện. Anh là cán bộ tuyên truyền – nhìn ông Thanh, mà không biết rằng làm như vậy là phản tác dụng hay sao? Hy sinh vì Tổ quốc, có đau thương nhưng rất tự hào. Phải biến nó thành hành động căm thù. Muốn đánh thắng giặc bao giờ ta cũng phải chủ động, ngay cả lúc đau thương, bi quan nhất!

Trên đường về, ba người tiu nghỉu. Ông Tham cười khục khục:

- Mình học luật cổ kim đủ cả nhưng chỉ là luật thời bình. Không ai dậy luật thời chiến cả nên không tranh cãi được!

- Chú cháu mình thành ra nhanh nhảu đoảng!

Ông Thanh lắc đầu.

Sau ngày cùng đơn vị rút khỏi Thủ đô, Nghĩa được triệu tập đi học trườngVõ bị sĩ quan Trần Quốc Tuấn vừa khai mạc ở Tuyên Quang. Đang học, trường lại dời vào Liên Khu IV. Cuôí khoá, anh em hành quân ngược ra Việt Bắc, kịp phân tán về các đơn vị tham gia Chiến dịch Thu-Đông.      

Kết thúc năm 1947, Hồ Chủ Tịch tổng kết:

Thấm thoắt toàn quốc kháng chiến đã chẵn một năm và kháng chiến ở miền Nam đã 27 tháng.                   

Từ ngày đầu, bọn thực dân quân phiệt khoe mồm rằng chóng thì dăm tuần, chậm thì ba tháng chúng sẽ chinh phục ta. Nhưng nay đã trải qua mấy lần dăm tuần, mấy lần ba tháng chúng đã được kết quả gì?

Ngoài mấy thành thị hoang tàn thì thôn quê khắp cả nước đều ở trong tay ta!”

Đã không thể giải quyết gọn vấn đề Việt Nam trong khi Khối Liên hiệp Pháp rùng rùng chuyển động với những dấu hiệu bất an, người Pháp thấy rõ việc phải đánh kéo dài và họ muốn chuyển dần gánh nặng chiến tranh lên vai người Việt. Đó là chiến lược “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Người Việt đánh nhau bao lâu cũng được, thắng thì lợi cho Đại Pháp, thua thì chỉ có máu người Việt đổ ra trên đất nước Việt Nam bị tàn phá!

Quân đội Pháp quay về mở rộng càn quét, bình định và củng cố vùng chiếm đóng ở đồng bằng, làm cơ sở chiến lược của cuộc chiến tranh.

Ở Nam bộ, Kế hoạch De Latour xây dựng hệ thống đồn bót tháp canh dọc các trục giao thông và mở “chiến dịch Véga” đánh vào các khu căn cứ miền Đông, Đồng Tháp Mười và Rừng U Minh.

Ở Trung bộ, chủ yếu quân Pháp tăng cường củng cố vùng hành lang chiến lược Bình-Trị-Thiên và Tây Nguyên, mái nhà của Đông Dương. Thanh-Nghệ-Tĩnh là một vùng rộng lớn liền kề, quân Pháp không đặt chân tới được, chỉ có thể khống chế bằng phi pháo. Chính quyền kháng chiến quản lý mọi mặt đời sống xã hội ở đây.

Chiến trường Bắc bộ vẫn là trọng điểm. Mất Bắc bộ là mất cả Đông Dương và ảnh hưởng tới cả vùng Đông Nam Á. Cũng ở đây, lực lượng chủ lực của cuộc kháng chiến phát triển nhanh chóng đồng thời tiếp tục tăng viện cho các chiến trường toàn quốc nhất là lực lượng cán bộ quân sự và xây dựng.

Trong bối cảnh ấy, Nghĩa được điều vào chiến trường phía Nam.

Anh dấu không muốn cho Hương-Giang biết nhưng cô đã linh cảm một sự chia xa. Anh giữ kỹ chiếc phong bì thư trên túi ngực, trong đó một ít tiền Hương Giang dành dụm và bài “Đợi anh về” do Tố Hữu dịch thơ Simonov:

Đợi anh, anh lại về

        Trông chết cười ngạo nghễ

        Ai ngày xưa rơi lệ

        Hẳn cho sự tình cờ

 Nào có biết bao giờ

       Bởi vì em ước vọng

       Bởi vì em trông ngóng

       Tan giặc bước đường quê

       Anh của em lại về…                         

- Cháu không cho Hương Giang biết chuyện này vì cháu không muốn Hương Giang phải ràng buộc bởi một lời hứa hẹn nào mặc dù trong cháu chưa in bóng hình người phụ nữ nào ngoài Hương Giang ra!              

- Chuyện tình yêu là tùy thuộc các cháu nhưng nếu hai cháu giữ được tinh thần ấy là điều bác rất vui lòng.

Hai bác cháu cảm động nắm chặt tay nhau.                                            

Buổi lửa trại tất niên trên bãi cỏ bờ sông thị trấn Đồng Quan, người ta đông lắm, người thị thành ngồi lẫn với người dân quê, các anh Vệ quốc quân ngồi theo đội hình nghiêm chỉnh.

Những chàng trai cô gái văn nghệ trẻ đẹp, không tô điểm phấn son, trong bộ trang phục Vệ Quốc Quân thật giản dị nhưng rất gần gũi với mọi người…

Và kìa, những người thành phố nhốn nháo xôn xao: đứa con phóng đãng, chàng nghệ sỹ lãng tử của Hà thành – 14 tuổi đã từ bỏ mái nhà êm ấm chạy theo một gánh xiếc rong lang bạt khắp chợ cùng quê và những mối tình phiêu lãng rồi trở thành như người thân quen của giới trẻ đất cố đô với những bài ca mượt mà đầy chất dân ca như  lời ru của mẹ, như hương lúa ngày mùa, nghe xạc xào tiếng lá vàng rơi, nghe hun hút trong lòng ngọn gió đông run rẩy.

- Phạm Duy! Phạm Duy đấy!

Ngọn lửa hồng bập bùng soi bóng người nghệ sỹ quen thuộc ấy, vẫn dáng dong dỏng, manh áo trấn thủ che cơn gió bấc, chiếc mũ ca lô vẫn lộ chùm tóc quăn đen trên vầng trán rộng và đôi kính trắng. Tay nâng nhẹ chiếc guitar buông lỏng, anh lững thững đi vòng quanh đống lửa, hướng về những người quen, lạ và anh cất lời tâm sự kể về một bà mẹ du kích đất Gio Linh:… Mẹ già cuốc đất trồng khoai / Nuôi con đánh giặc đêm ngày… Cho dù áo rách sờn vai / Cơm ăn bát vơi bát đầy… Nhưng rồi một ngày mẹ nhận được tin: Quân thù đã bắt được con… Mang ra giữa chợ… bêu đầu... Mẹ nén chặt nỗi đau trong lòng, nghiến răng cắp nón ra đi: Mẹ già không nói một câu / Mang khăn gói đi lấy đầu… Những người ngồi đây không ai cầm được nước mắt khi bà mẹ nâng chiếc đầu con bọc lại: Tay nâng nâng lên… Rưng rức nước mắt đầy / Mẹ nhìn đầu con… Tóc trắng phất phơ bay… Tiếng hò… ơi… hò… rung cùng tiếng đàn như gió trời, như sóng nước mang đi xa cho vợi bớt nỗi đau của mẹ. Mọi người cảm như nỗi đau ấy nhói lên trong lòng mình khi mẹ trở về với gói đầu con trên tay: Đường về thôn xóm buồn teo… Xa xa tiếng chuông chùa reo… Và bây giờ tất cả những chiến sỹ Vệ quốc quân ngồi đây đều là con của mẹ. Một ngày nào các con sẽ về với mẹ. Như gặp lại chính đứa con của mình: Mẹ mừng đi nấu nồi khoai… Bưng lên khói hương… mờ bay… Các con ăn đỡ đói lòng rồi lên đường đánh giặc, hẹn một ngày mẹ lại gặp con: Con con con ơi… Uống hết bát nước này / Rồi ngày nào qua… con nhớ ghé chơi đây…

Cả người hát và người nghe đứng lặng, ngồi lặng rồi chợt tỉnh ra. Họ nhìn nhau lòng đầy xúc động. Những người đàn ông cứng cỏi xóa nhanh đi dấu nước mắt của mình. Có nhiều người vẫn tuôn dòng lệ chảy. Đó là chuyện thật đang xẩy ra trên khắp đất nước này!

Mấy chàng Vệ quốc Hà thành đưa tay lên miệng huýt gió và gọi to lên:

- Phạm Duy! Phạm Duy Cẩn!                 

Mấy anh không kìm được chạy tới nắm tay nghệ sỹ, vui mừng gặp nhau trong cùng sắc phục chiến binh Vệ quốc .

Ba anh em bác cháu lặng lẽ đi chậm lẫn trong dòng người và cùng được nghe một bà kể câu chuyện thật giống như vậy ở vùng này:        

- Ối giời ơi! Cái thằng tây lùn người đảo Coóc ở đồn Phủ Thông nó tàn ác lắm. Bao nhiêu cán bộ hậu địch ra vào thành bị nó theo dõi, phục kích bắn chết rồi chặt đầu cắm trên cọc trước đồn cả tuần. Nhiều lần ta bố trí tiêu diệt nó mà không được. Nó tinh ma lắm, nói tiếng Việt như ranh. Có một chị du kích xung phong tình nguyện làm vợ để tìm dịp trừ khử nó. Nhưng ngủ với vợ nó cũng đề phòng và bắt quả tang chị ấy định ám sát. Nó lôi ra trước cổng đồn tự tay bắn chết rồi cho lính gọi người nhà lên nhận xác!

Mấy ngày Tết qua đi mà người thấy lâng lâng. Không ra vui, cũng không hẳn buồn. Ông Thanh có tin gọi lên Vĩnh Phúc vì cơ quan đã dời về đó, đang cần. Cơ quan ông Tham nhắn về ai muốn lên Viêt Bắc hay vào miền Trung cũng được. Nghĩa bàn với bác:

- Cháu thấy bác vào Khu Bốn là hợp đấy. Nhiều vị trí thức và giới văn nghệ sỹ khắp nước đang ở đó. Đặc biệt có tướng Nguyễn Sơn làm Khu trưởng. Ông cũng là Hiệu trưởng Trường Sỹ quan lục quân cháu từng theo học. Tính cách ông rất đặc biệt: có học, từng trải Nam chinh Bắc chiến, hiểu rộng biết nhiều, văn võ toàn tài, ngang tàng, phóng khoáng, không đố kỵ, trọng trí thức, đến như Nguyễn Tiến Lãng mà ông còn cho ra tù và sử dụng. Bác sẽ gặp nhiều người quen ở đó.

- Tôi cũng muốn thế, ở đấy liên hệ với Huế hoặc Hà Nội đều tiện cả. Nhưng bây giờ tôi lên Thái Nguyên, nhân thể tìm thăm Hương Giang rồi hỏi xem ý các anh ấy quyết thế nào.

Và dặn ông Thanh:

- Qua đó buổi đầu bỡ ngỡ, chú tìm nhà giáo sư Vũ Văn Chương. Là nghị sỹ Quốc dân đảng đấy nhưng anh ta không phải là tay chủ chiến. “Sừ” cũng là người tốt bụng không tiểu nhân đâu.

- Em nghĩ mấy ông ấy khôn hồn thì “tẩu vi thượng sách”, chớ ở lại chắc là không yên đâu!

Trước lúc chia tay, ông Thanh đưa cho cháu chiếc xuyến vàng:

- Thím để lại cho chú một đôi. Chú cháu chia nhau để phòng thân!                 

Ông buồn buồn nhớ lại lúc bà giao cho, ông mới ngã người ra:

- Tôi tưởng là mình đã… cúng hết từ ngày đó rồi!

- Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng… khi đói ông ạ! Phận đàn bà chúng tôi thiết thực như vậy đấy.

Ông không chịu nhận nhưng bà cứ ấn vào tay ông:

- Vợ chồng còn ở bên nhau thì tôi không lo. Nhưng chỉ mình ông thôi, nhỡ thế nào đâu phải cứ “ới” lên một tiếng là có ngay đâu. Ông cầm lấy cho tôi yên lòng.

Ông đành lòng mà nhận nó từ tay vợ.

Bây giờ ông càng thấy nhớ và thương vợ bao nhiêu.

Nghĩa gói cẩn thận chiếc áo trấn thủ và chiếc chăn len đưa chú:   

- Chú giúp cháu gửi tới bà mẹ anh bạn cháu đã hy sinh nói là di vật của con bà. Thật ra anh chỉ để lại chiếc áo trấn thủ thôi. Nhưng trời lạnh thế này chắc bà rét lắm.

- Chú sẽ nhờ ông Chủ tịch xã.

Ông Tham bật cười:

- Vậy là đã khôn ra!                      

Một ngày đầu xuân ba anh em bác cháu chia tay mỗi người một ngả. Ông Thanh nắm chặt tay những người thân cuối cùng giọng bùi ngùi:

- Không biết bao giờ ta lại gặp nhau?

Ông Tham cười vang và nói thật to:

- Tous les chemins mènent au Hà Nội! (Mọi ngả đường đều hướng về Hà Nội)

Hai người cùng nhìn ông nhưng không cười lên được.

Đây là lần đầu tiên họ cảm thấy cô đơn thật sự.

Mẹ con bà Phán dắt díu nhau trở về Thành.     

Nhà cửa hoang tàn, cơ đồ tan nát, gia đình tứ tán!     

Ông Trùm già xọm hẳn đi, như người lẩn thẩn. Bà nhìn bé Thủy Tiên (là con Hélène ngày trước) mà ưá nước mắt ra nhưng không dám lộ chuyện thằng Robert như Nghĩa kể với bà.

Gia đình bên chồng cũng tan nát hoang tàn như thế.

Mộ cụ bà tạm táng ở đầu ô nhờ cụ Lý làm nhân chứng chỉ cho, Gái và Chu về trước đã nhận mộ rồi.                                                             Xóm làng còn thưa vắng lắm, lưa thưa vài mái nhà tranh dựng lại. Để tránh những cuộc vây ráp lùng xục vùng ngoại thành, con gái, con trai mới xế chiều đã lên phố ở nhờ, sáng trắng trời mới họp thành từng toán rủ nhau về trông nom vườn ruộng, thu gom mớ rau mớ quả sống chờ thời.

May mà có sự nhìn xa quảng đại của ông Tham, mẹ con bà sớm có chỗ tá túc khỏi phải dựa vào bên ngoại cho hợp ý của chồng bà.         

Cuộc họp mặt gia đình buồn vui lẫn lộn. Người ngồi đây mặt nhìn mặt nhau lại nhớ nhung xót thương người xa vắng. Chuyện trong nhà mà người nào cũng nói thì thào và mắt rụt rè nhìn ra cửa. Gái hỏi thím:

- Thằng Chu nó cứ đòi đi theo cậu và anh Nghĩa?

- Bây giờ thì không biết chú và em chị ở đâu mà tìm. Chị bảo nó rằng ý cậu là muốn nó chịu khó học hành. Tôi mới về còn chân lưng, xem việc làm ăn ra sao, tôi sẽ đỡ đần cho. Còn việc của bà, chị xem lúc nào được ngày được tháng thì ta chuyển cốt bà theo như ý chú chị dặn với tôi. Chị hỏi han bà con lo việc nghi lễ theo đúng phép làng lệ nước và phong tục ông bà. Các chuyện khác tôi lo.

- Còn mộ cô Hồng cũng nằm ngay đấy?

- Bây giờ là mồ vô chủ khác gì Đạm Tiên! Nhưng cô ấy cũng có tình nghĩa với nhà mình, tiện thể ta chuyển về mời cô ấy nằm ở vườn nhà, chị xem có được không?        

Hai thím cháu đang nói chuyện thì cô Út Hoa bước vào. Gái đứng phắt dậy bỏ vào nhà trong không quên tay bấm ngầm thím, ý nhắc phải dè chừng. Cử chỉ ấy không qua mắt cô Hoa. Cô giận lắm.

Chị dâu em chồng vốn dĩ đã không mặn mà lại gặp chuyện rắc rối trong nhà càng thêm khó nói. Người nọ giữ ý dò xét người kia. Cô em thở dài than vãn:

- Mẹ chết thảm như thế phải bó chiếu chôn đầu bờ góc bụi như kẻ tứ cố vô thân! Nhà chỉ còn một ông anh như cây cột cái mà giờ cũng lại tha phương. Cha xa con. Anh xa em. Biết bao giờ mới gặp?      

- Không ai muốn thế làm gì. Thời tao loạn, biết bao nhiêu cảnh sẩy đàn tan nghé…

Bà chột dạ nhận ra chót lỡ lời vội nói lảng đi:

- Bây giờ ông ấy một đường, tôi và các con ông ấy một đường.                       

Cô Út hiểu ý, buồn rầu than thở:   

- Chị có biết tôi đau khổ biết là bao nhiêu không? Con thì đẻ một nách như bầy gà. Chồng thì chẳng được như chồng người ta. Tôi xoay sở quần quật vẫn như gió vào nhà trống. Đã thế ra đường phải chịu những điều ong tiếng ve, về nhà chị em con cháu còn xúc xiểm…

Gái né trong nhà nhưng vẫn lắng nghe, cô chạy bổ ra:                                             

- Ai xúc xiểm cô? Hỏi rằng ai giết người không gươm không giáo để tai tiếng cho họ nhà này?            

- Tao hỏi mày chớ trong hoàn cảnh ấy thì mày làm sao? Nếu không làm theo ý nó thì cũng tan xương nát thịt rồi. Có vào lửa mới biết tuổi vàng, chớ có nói hay con ạ!

- Sống mà để cho thiên hạ chê cười thà chết quách đi còn hơn!

Cô Hoa nhẩy đổng lên:

- Mày nguyền rủa nhà tao? Thân con gái già đanh rồi mà cứ thì thà thì thụt nơi nhà hoang xóm vắng thì có ngày bôi gio trát trấu vào mặt cả nhà cả họ. Tao báo cho mà biết!

Gái cũng nổi điên lên:                    

- Xấu nào bằng cái đồ phản phúc làm tan cửa nát nhà, điêu đứng người ta?

Cô Hoa te tái bỏ về nhà. Nhà thơ đang lúi húi với xấp giấy trên bàn. Máu uất trào lên, cô xông tới xé toang xấp giấy, tóm cổ áo anh chồng, tru tréo lên:

- Trời đất ơi! Hùm chết để da, người ta chết để tiếng, tôi phụng dưỡng anh hơn cả cha mẹ ông bà nhà tôi mà anh nỡ lòng nào để cho trong họ ngoài làng người ta kiềng cái mặt tôi ra? Tưởng là anh văn hay chữ tốt thơ thẩn cái gì chớ anh theo đuôi chúng nó làm con chó đánh hơi rồi sủa nhắng lên thì đẹp đẽ nỗi gì? Trước là dơ dáng dạng hình, sau là đổ họa lên đầu các con tôi!

Nhà thơ bị vợ xúc phạm tại nhà, anh ta dồn sức lực lên đôi tay và đôi chân để tỏ ra cái khí thế của mình. Cô Hoa quyết liệt:

- Anh đi đâu thì đi, chớ vác mặt về nhà này nữa. Hãy xóa ngay tên tôi đi, từ nay tôi không thèm dây với cái tên dơ dáy ấy!

Nhà thơ hầm hầm bước ra khỏi nhà sau khi thỏa chân đá tung hê mọi thứ trước bầy con lít nhít đứa thì run lẩy bẩy, đứa thì khóc thút tha thút thít.

Ông Thanh lên Vĩnh Phúc và liên lạc được với bác Trịnh Huy. Ông giáo gầy và sạm đi:

- Thắng lợi vừa qua mới chỉ là bước đầu. Cuộc chiến đấu ngày càng quyết liệt. Thằng giặc tuy tiềm lực của nó có hạn nhưng không có nghĩa là đã hết. Nó còn khả năng tăng cường gây sức ép. Ta thì vẫn chiến đấu đơn phương trong khi phải phát triển và xây dựng lực lượng mạnh hơn gấp nhiều lần. Đó là mâu thuẫn mà ta phải giải quyết cho bằng được thì mới mong chiến thắng. Mỗi người phải cố gắng rất nhiều, vừa công tác, vừa chăm lo tự túc cho mình và cho cả đơn vị. Cơ quan bố trí phân tán theo chiều dọc liên hoàn giữa hậu cứ với tiền phương, vừa dễ tiến vừa có chỗ lùi. Phải bám chặt vào nhân dân và cơ sở để tuyên truyền sâu rộng chủ trương kháng chiến của ta, phá tan mọi âm mưu của địch…         

Ông Thanh được giao trách nhiệm xây dựng cơ sở từ vùng trung du  Phú Thọ – Vĩnh Phúc xuống đồng bằng và liên hệ với các cơ quan nội thành Hà Nội. Một hôm tình cờ anh cán bộ địa phương kể với ông:            

- Cái trang ấp kia là của một tên trùm Việt Nam quốc dân đảng đấy! Trước đây to lắm nhưng ta “tiêu thổ kháng chiến” hết rồi.

- Thế chủ nhân của nó đâu?

- Tên chồng thì ta bắt đem đi rồi. Nghe nói là giáo sư văn chương đấy! Lý sự ghê lắm, cà cuống chết đến đít vẫn còn cay!

Ông Thanh chợt nhớ tới lời dặn của ông Tham. Ông tò mò:

- Đất này là tổ Việt Nam quốc dân Đảng mà các ông trùm phần lớn là thầy giáo!

- Tên này là thầy giáo lớn ở trên thành phố đấy, đâu như tên là… Vũ… Văn… Chương… ấy. Nghe cái tên cũng đã thấy là tay văn chương ăn nói thế nào rồi!

- Anh có biết ông ấy không? Thế bây giờ còn ai ở đấy?

- Tôi mới lớn lên, chỉ nghe người ta nói thế. Bây giờ còn hai mụ đàn bà: cô em gái già và cô vợ trẻ ở trong cái nhà bếp còn lại ta chưa phá. Mấy lần họ đã trốn đi chắc là định dinh tê vào thành thôi nhưng dân quân du kích quản thúc chặt lắm.

Có chút hiếu kỳ, ông gợi ý:

- Lúc nào ta vào đấy thử xem họ có phản ứng gì không.

- Cũng được thôi. Với dân ở đây thì xưa nay họ vẫn là xa cách mà xem ra họ vẫn có ý coi thường mình tuy rằng bề ngoài thì tỏ ra sợ hãi.

Tuy gọi là nhà bếp nhưng so với nhà của dân ở chung quanh đây thì còn rộng rãi và khang trang chán. Hai người đàn bà chênh nhau chừng dăm ba tuổi. Người trẻ xấp xỉ tuổi ba mươi nhưng còn mang nhiều nét đẹp của con nhà giàu đài các. Người lớn tuổi hơn nhưng lại là em chồng, dáng điềm đạm khô gầy vẻ trầm buồn của người con gái lỡ thì quá lứa. Họ tiếp xúc với những người khách lạ vẻ tự tin nhưng dè dặt và kín đáo:

- Chúng tôi chỉ mong được biết anh tôi bị bắt về tội gì? Bị xử hình phạt gì? Và đang ở đâu, xin các ông cho phép chúng tôi được đi thăm nom vì chúng tôi biết rằng trong lúc loạn ly thế này Chính phủ phải lo bao nhiêu công việc lớn lao, người tù không thể dám đòi hỏi gì hơn…

Ông Thanh không biết giải thích thế nào nhưng anh cán bộ địa phương đối đáp rất gọn gàng:

- Dứt khoát là có tội thì Cách mạng mới bắt. Tội gì thì Cách mạng sẽ xử theo tội ấy. Còn ở đâu thì các chị cũng biết đang là thời chiến, các cơ quan đơn vị thường xuyên di chuyển nay đây mai đó. Ngay như chúng tôi đây, chiều nay trở về có khi đơn vị đã chuyển đi chỗ khác rồi, lại phải lặn lội đi tìm. Các chị cứ tin rằng Cách mạng là nhân đạo, giải phóng cho cả thế giới, cả quốc gia dân tộc huống chi là một cá nhân!

Ông Thanh dù thấy là không ổn nhưng phải nhận rằng cách lý giải đơn giản ấy cũng được việc lúc này. Ông ái ngại hỏi hai người:

- Bây giờ thì các chị làm gì sống? Và lâu dài sẽ tính sao?

Người lớn tuổi thở dài mệt mỏi:

- Chúng tôi phó mặc hết cho… Trời! Trời bắt chết chúng tôi phải chịu!

- Các chị còn mê tín dị đoan thì làm sao mà tiến bộ. Phải tin tưởng vào Cách mạng và Hồ Chủ tịch! – Anh cán bộ trẻ chỉnh lại ngay.         

Người ít tuổi nhận ra người đang hỏi chuyện có điều thông cảm. Cô bắt chuyện tự nhiên hơn:  

- Lúc tình hình Hà Nội rối ren, chồng tôi bỏ về đây nghĩ rằng mọi chuyện rồi sẽ qua đi. Tôi gửi lại đứa con trai ở thành phố và đi theo chồng. Bây giờ tôi cũng không biết chồng tôi ở đâu mà theo đến và muốn quay về với con cũng không được nữa! Chúng tôi quen sống ở thành phố nên thật tình  chưa biết tính làm sao đây.

Anh cán bộ địa phương tỏ ý bực mình:

- Xã hội thay đổi rồi, cũng phải biết thay đổi theo với người ta đi!

Người trẻ tuổi vẫn mềm mỏng nói với ông Thanh:   

- Thưa ông, tôi có vài lần đến cơ quan Thông tin tuyên truyền của Chính phủ ở Hà Nội, hình như tôi có dịp hân hạnh được gặp ông?

Ông Thanh giật mình, muốn lảng chuyện nhưng ngưòi đàn bà ấy vẫn chủ động:

- Thưa ông, tôi không dám làm phiền gì ông cả. Tôi chỉ mong được ông giúp một việc nhỏ này thôi…

- Cô cứ cho biết là việc gì nếu tôi có thể.

Người đàn bà ấy chạy vội tới cái tủ nhỏ, lục ra một tờ giấy, xếp vào chiếc phong bì không dán kín và hai tay run run đưa cho ông:

- Thưa ông! Tôi muốn nhờ ông chuyển cái này tới ông Trịnh Huy. Thư ngỏ, các ông có thể kiểm duyệt. Bây giờ tôi chỉ có một sự cứu cánh duy nhất ở lá thư này.

Ông Thanh không thể từ chối được trước cảnh ngộ của hai người đàn bà đáng thương này và tình cảm của ông với ông anh. Nhưng ông cũng phải đưa đẩy:

- Thật tình là tôi không biết ông Trịnh Huy đang ở đâu nhưng tôi có thể gửi theo đường dây liên lạc may ra thì…

- Xin đa tạ tấm lòng ưu ái của ông!

Ông Thanh bước ra mà thấy hai má mình tê tê như có kiến bò. Anh cán bộ cơ sở càu nhàu:

- Toàn nói cái giọng kiểu cách khách khí của bọn nhà giàu, ngang như cua!

Sau khi bàn xong công việc, ông Thanh kéo ông giáo đi tản bộ. Ông đưa cho ông anh phong thư:

- Thư ngỏ nhưng em không xem. Ngoài phong bì cũng không ghi tên người gửi và người nhận nhưng đích thân họ đưa tận tay em…

Ông giáo xem xong thư đứng lại tần ngần lâu lắm và ông đưa cho em:

- Thiên địa phong trần… Hồng nhan đa truân! Chú cứ đọc đi!

Đấy chỉ là một bài thơ ngắn, nét chữ là của bác giáo nhưng lại ký tên Chinh Nhân. Bài thơ lục bát bốn câu phảng phất cảm xúc thơ Đường có tiêu đề:

Tặng cố nhân:

Ngước lên thấy một vầng trăng

Chợt quay lại một vầng trăng bên mình!

Khen thay con tạo đa tình

Ngục tù mà vẫn có mình bên ta!    

Như người lữ khách bất chợt dừng chân, ông Giáo trầm ngâm nhớ lại một ký ức tưởng đã chìm sâu trong dĩ vãng:     

- Ngày tôi đi dạy học ở các trường tư thục, người ta biết tiếng tôi. Về tài năng tôi không dám nói nhưng về những việc làm công khai chống lại cường quyền thì nhiều anh em trong giáo giới và cả những học sinh lớn tuổi cũng tỏ ra nể phục. Cô Bảo Ngọc là một học sinh lớn tuổi nhưng luôn ngồi ở hàng đầu. Thật tình mình cũng không để ý nhiều tới vẻ đẹp của cô ấy nhưng mình luôn bị thôi miên bởi đôi mắt ấy. Một anh giáo nghèo phong sương đã có vợ con, đi dậy học tạm bợ qua ngày chờ thời thì đâu dám mơ tới một người đẹp con nhà trâm anh. Anh Vũ Văn Chương là một thầy giáo điển trai và tài hoa đang đeo đuổi người đẹp. Nhà cô ấy ở phố Hàng Gai, có cửa hàng bán sách. Mình thường tới đó chỉ mong có cái ân huệ là được mượn sách đọc thôi. Anh Vũ Văn Chương cũng hay đến đó và khuân về nhiều sách lắm. Mình bổ sung được nhiều kiến thức cũng một phần vào thời gian đó. Mỗi lần mình tới hiệu sách đều được cô ấy ân cần tiếp đón và khi bước ra, nhìn lại còn thấy đuôi con mắt! Thành thử nhiều lần đi đâu đó tự nhiên cứ thuận chân hướng tới bước vào nhà sách. Lúc ấy mới chợt nhớ ra là sách mượn về chưa đọc hết và vẫn để ở nhà!

Bẵng đi một thời gian khá lâu mình lao vào tranh đấu, nghe nói anh Vũ Văn Chương đã chinh phục được trái tim người đẹp. Chuyện đó là tất nhiên thôi nhưng dù sao trong lòng mình cũng thoáng một nỗi buồn, cảm thấy như vĩnh viễn mất đi một kỷ niệm xưa quí lắm!

Dạo mình bị bắt giam trong nhà tù Hỏa Lò, một hôm có đoàn phụ nữ từ thiện vào thăm và uý lạo tù nhân. Toàn là những mệnh phụ phu nhân quí phái lắm, họ coi như một việc đi làm phước và cũng là để thỏa tính tò mò. Mình nhận ra cô ấy và cố ý tránh đi nhưng cô ấy lại nhận ra mình:

- Dạ thưa… có phải là… thầy giáo Trịnh Huy?

Chắc là cô ấy vô tình không biết đấy thôi vì lúc ấy mình khai danh tính và nghề nghiệp khác nên chối phắt đi ngay:

- Có lẽ quí bà lầm với ai rồi! Tôi chỉ là một anh phu ít học và bị người ta nghi ngờ bắt oan đó thôi!

Chắc cô ấy kịp hiểu ra sự lỡ lầm tai hại ấy nên cũng vội vàng cải chính:

- Vâng… tôi lầm thật! Tôi xin lỗi

Rồi cô ấy chạy biến đi và hình như là cô ấy khóc.     

Nhưng sau đó mình hay nhận được những món quà không biết ai gửi tới và có mấy lần cô ấy còn đi theo những đoàn với nhiều danh nghĩa khác vào thăm trại mình. Hai người chỉ nhìn nhau thôi, không chào hỏi gì cả. Có điều đôi mắt ấy nhìn mình vẫn như xưa, mà nó còn đằm thắm trìu mến hơn nữa kia. Đó cũng là niềm an ủi lớn cho mình trong những năm tháng bị tù đầy. Đó là lòng dân, là tình dân, là sự đồng cảm ủng hộ của dân, là niềm tin và hy vọng của dân với những người yêu nước. Chứ mình đâu có dám nghĩ xa hơn.

Rồi một hôm cô ấy khéo léo kín đáo dúi cho mình một tờ giấy nhỏ. Mình xem vài lần, nhớ, rồi phải cho nó vào bụng ngay lỡ khỏi liên lụy đến người ta. Mình còn nhớ như in trong đầu, nét chữ thật đẹp, phóng khoáng, một khổ thơ lục bát chỉ có sáu câu thôi tựa đề:

Gửi người trong mộng

Xót thay con tạo vô tình

Chim bằng gẫy cánh, chúa rừng sa chân!

Một cơn bão táp xoay vần

Đại bàng chắp cánh, hùm thiêng về ngàn.

Tiếc mình phận gái mỏng manh

Gởi người trong mộng tấm lòng nhớ mong!

Một lúc thi hứng trong tù, bâng khuâng nhớ tới người đẹp, mình bật ra khổ thơ ấy, chép lại, bí mật nhờ người chuyển về hiệu sách phố Hàng Gai để đáp lại tấm lòng quan hoài của mỹ nhân. Không hiểu thơ có đến được với người và người xem thơ có nhớ tới người trong mộng hay không? Hoặc là lẫn lộn với bao nhiêu người cùng trong mộng? Hay chỉ là sự thi ca xướng họa cho vui thôi để những kẻ si tình mắc bẫy cứ vấn vương hoài người đẹp mà quên bổn phận mình đi?

Sau ngày Cách mạng thành công, không hiểu làm sao cô ấy dò được ra mình và mấy lần cô ấy đến công sở gặp mình, uý lạo giúp đỡ nhiều thứ lúc đó chúng ta đang thiếu nhưng trong biên nhận cô ấy đề nghị giấu tên. Chú có nhớ không, mấy tờ biên nhận tôi giao cho chú có ghi: Nhận của bà B.N. là cô ấy đó.

Ông Thanh gật đầu vẻ đã nhớ ra rồi và dồn hỏi ông anh:

- Vậy bây giờ ta có thể giúp cô ấy tìm ông Vũ Văn Chương?

Ông Trịnh buồn rầu lắc đầu:

- Hình như là cô ấy sống với chồng không hạnh phúc. Những lần gặp anh Vũ Văn Chương trong các cuộc họp, lúc ấy hai đứa đã thành đối lập, trong bụng không tin nhau nhưng bề ngoài vẫn có thể cười bắt tay nói chuyện được với nhau. Anh ấy cũng là người có lòng với nước đấy nhưng bị lôi kéo. Làm chính trị mà không có chính kiến vững vàng và nhất là một sự dấn thân thì chỉ nửa vời thôi, có khi chuốc họa vào mình. Tôi tin là anh ấy đã dừng lại ở một chỗ nào, không đi tới đâu và cũng không bao giờ trở về.

Ông Thanh nhìn ông anh vẻ thăm dò. Ông Trịnh vẫn giọng trầm buồn:

- Khi người ta tháo đập, dòng thác lũ trào ra có thể cứu cho cánh đồng khô hạn hoặc là đang úng ngập. Nhưng chính dòng thác ấy cũng có thể cuốn phăng đi tất cả: rác rưởi, phù sa, nhà cửa, đền đài và cả những sinh linh! Người xưa ví dân như nước. Không gì sạch như nước và cũng không gì tạp như nước. Không gì mềm yếu như nước nhưng cũng không gì uy vũ bằng nước. Chúng ta đang giữa dòng thác lũ ấy.

- Thế chúng ta phải trả lời họ làm sao?

- Sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa. Những việc chúng ta làm phải chính đại quang minh. Cả vú lấp miệng em chỉ làm cho người ta thêm nghi ngại càng xa lánh mình thôi. Sẽ đến lúc chúng ta phải trả lời nghiêm túc. Trong chừng mực nào đó lịch sử có thể thông cảm cho chúng ta nhưng lịch sử sẽ không tha thứ nếu chúng ta nghĩ rằng lẽ phải tuyệt đối luôn thuộc về mình.

- Liệu rằng có muộn quá không?

- Không ai có thể trả lời câu hỏi đó lúc này. Trước hết tuỳ theo tình thế. Sau đó là nó tuỳ thuộc vào ta có tỉnh táo nhận ra và cả chúng ta còn giữ mãi được tấm lòng nhất quán?

- Ai sẽ thanh minh cho những sinh mạng tế thần?

- Lịch sử sẽ thanh minh cho họ!

Ông Thanh quay về thực tế:

- Bây giờ theo bác ta phải làm gì giúp họ?

- Nếu ở vùng rốn lũ thì chú phải làm gì?

Ông Thanh gật đầu hiểu ý ông anh.        

Khi chia tay, ông giáo cũng đưa ông em một bì thư ngỏ:

- Cứ xem đi để biết mà thanh minh cho tớ khi cần.

Một tờ giấy ông anh chép lại bài thơ Gửi người trong mộng và lời ghi thêm: “Xin được chia sẻ với cố nhân mọi nỗi ưu tư, âu lo, trắc trở như người đã từng chắp cánh cho tôi”!

Ông Thanh nghĩ thầm trong bụng: Ông anh trông vậy mà đa tình ra phết!

Song song với những hành động quân sự, người Pháp ráo riết tiến hành những hoạt động chính trị để thực hiện âm mưu Việt Nam hóa cuộc chiến tranh của họ.                                   

Cái Chính phủ bù nhìn Nam kỳ tự trị sau khi thủ tướng Nguyễn Văn Thinh chết treo vì lý do gì không ai cần biết. Ông đồng nghiệp Lê Văn Hoạch được kéo từ Cần Thơ lên nhưng người cả nước không ai thèm để ý.  

Trong số con bài có trong tay, người Pháp tính Bảo Đại vẫn là hơn. Biết người Pháp đang trong thế bí ở Đông Dương: vừa mắc kẹt trên chiến trường vừa nôn nóng ổn định tình hình chính trị, cựu hoàng Bảo Đại mè nheo sách nhiễu.

Ngày 5 tháng 8 năm 1948, Bollaert vội vã ký cái gọi là Hiệp định Hạ Long với người đại diện của Bảo Đại: Nước Pháp thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, để quyền thống nhất lãnh thổ cho người Việt Nam tự quyết và nước Việt Nam nằm trong Liên hiệp Pháp – Đây là những đòi hỏi của Chính phủ Việt Nam kháng chiến trong những cuộc đấu tranh trước đó. Mưu toan gạt Chính phủ Hồ Chí Minh ra, người Pháp muốn tìm đại diện cho nhân dân Việt Nam theo ý của họ! Và cái gọi là Liên hiệp Pháp lúc này theo nhận xét của sử gia Trần Trọng Kim “chỉ là một thứ cũi chó mạ vàng”!

Cái chính phủ Việt Nam thống nhất lâm thời ấy thật nhố nhăng: Nguyễn Văn Xuân vào làng tây, lấy vợ đầm, không biết nói tiếng Việt, đang là Trung tá quân đội Pháp được phong vọt lên Thiếu tướng để kịp dựng lên làm Thủ tướng! Ông Thủ tướng tây mũi tẹt da vàng này chọn ngay một ông tây mắt xanh mũi lõ làm Đổng lý văn phòng! Trong việc chọn biểu tượng quốc gia, đám quân sư bí kế xúi ông Thủ tướng mất gốc thay lá cờ “Quẻ Ly” của Nam triều (nền vàng có ba sọc đỏ mà sọc giữa đứt thành hai khúc, người Huế biếm ngôn là vương rút ruột ý nói vương triều chẳng còn giá trị gì) bằng lá cờ “Quẻ Kiền” (nền vàng ba sọc đỏ) của tổ chức “Thanh niên tiền tuyến Huế” do các ông Phan Anh, Tạ Quang Bửu và Phan Tử Lăng sáng lập ra. Họ tán dóc vào: Màu vàng gợi nhớ thuở hoàng triều, “Quẻ Kiền” tượng trưng người quân tử trọng điều nghĩa hiệp, ba sọc đỏ là ba dòng máu Bắc-Trung-Nam hợp lại, người theo Chúa thì nghĩ tới ba ngôi trong kinh Thánh! Họ còn xúi ông Thủ tướng thay bản quốc thiều “Đăng đàn cung” với bài “Long Vân ca” của hoàng triều trước đó bằng bài hát “Thanh niên hành khúc” của Lưu Hữu Phước nghe hào hùng khí thế làm quốc ca mới. Mỉa mai thay lá cờ và bài ca ấy xuất hiện trong cao trào yêu nước chống thực dân từ hồi tiền khởi nghĩa và những người khai sinh ra nó hiện đang hăng hái tham gia kháng chiến!

Ngay lập tức Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên bố cảnh cáo rằng:

“Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ theo pháp luật nước nhà trừng trị bọn phản quốc ấy. Đối với các nước trên thế giới, tôi thay mặt Chính phủ và nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trịnh trọng tuyên bố không bao giờ thừa nhận những giấy tờ gì do bọn bù nhìn ấy ký kết với bất cứ nước nào”.                        

Bản thân hiệp định Hạ Long còn nhiều điều không ổn về pháp lý. Năm 1862, Phan Thanh Giản dâng ba tỉnh miền Đông, 5 năm sau dâng nốt ba tỉnh miền Tây cho giặc. Tuy nhiên tới năm 1874, Nam triều mới chính thức ký “Hoà ước Giáp Tuất” nhượng đứt lục tỉnh Nam kỳ! Từ đó xứ này được coi như một tỉnh của nước Pháp ở Viễn đông, gọi là Cochinchin Francaise, có nghị viện riêng gồm cả người Pháp lẫn người Việt, chịu sự điều hành trực tiếp của Tổng Thống Pháp. Vì thế nội bộ cả người Pháp và đám Việt gian nẩy sinh nhiều gay cấn.

Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng Thống Pháp Vincent Auriol bày trò ký Hiệp định Élysée với cựu hoàng Bảo Đại, tái xác nhận lập trường của Pháp tại Hiệp định Hạ Long. Sau đó, “Nghị viện Nam kỳ thuộc địa” nhóm họp, bỏ phiếu tán thành việc sáp nhập Nam kỳ vào nước Việt Nam. Với kịch bản ấy coi như nước Pháp đã hoàn thành thủ tục về pháp lý để có được một nước Việt Nam thống nhất giao cho Bảo Đại làm Quốc trưởng và thành lập nội các cũng do cựu hoàng làm Thủ tướng với đầy đủ các Bộ và ba viên Thủ hiến Bắc, Trung, Nam.

Sự thật lịch sử là trong năm 1945, đất Nam kỳ đã ba lần đổi chủ: Đầu tháng 3, Nhật đảo chính Pháp, lấy gọn Việt Nam trong đó có cả Nam kỳ, giao cho Nam triều. Ông vua An Nam mơ được tháo cũi sổ lồng dù biết nền độc lập ấy chỉ là giả hiệu! Hai tháng sau Nhật thua trận, quân Đồng minh ở phía Nam là Anh, ở phía Bắc là Tàu, vào giải giáp đám hàng binh Nhật đưa về cố quốc! Nhân dân Việt Nam ủng hộ và hợp tác với Đồng minh, gặp vận hội kết đoàn vùng lên tự giải phóng mình. Ngày 31/8, Tại Huế, trước thần dân trăm họ, vị hoàng đế giãi tỏ nỗi lòng: “Sau hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập”. Ngày 2/9, giữa thủ đô Hà Nội, trước hàng chục vạn công chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam phát lời Tuyên ngôn độc lập: “Sự thật là nhân dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp… Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập.”. Nhân dân cả nước và thế giới đều nghe. Nước Việt Nam thật sự đã là của người Việt Nam. Người Pháp không còn cơ sở pháp lý nào dính dấp đến xứ sở xa xôi này nữa. Tổng thống Pháp trao cho Quốc trưởng bù nhìn của ăn cướp mà họ không giữ được! Phế đế đa tình ôm vào lòng cái bóng mỹ nhân!

Dựng lại cái thây ma chính trị ấy với chiêu bài độc lập giả hiệu, người Pháp mưu toan thay đổi tính chất của cuộc chiến tranh: từ cuộc viễn chinh tái xâm lược Việt Nam biến thành cuộc nội chiến giữa người Việt Nam với nhau, với các “nước” Nùng, Thái, Mường và các sắc tộc ở Tây Nguyên gom lại trong cái gọi là Hoàng triều cương thổ. Thực chất đó là cuộc chiến tranh bẩn thỉu của Pháp ở Việt Nam!

Họ đẩy mạnh việc xây dựng một đội quân tay sai người Việt, giao cho nó sứ mạng chiếm đóng và bình định để cho quân đội viễn chinh Pháp rảnh tay tập trung xây dựng lực lượng cơ động, mở những cuộc hành quân lớn tấn công tiêu diệt Việt minh, bảo vệ cái quốc gia Việt Nam do họ nặn ra, biến hành vi của kẻ cướp nước thành hành động của trang hiệp sỹ!                       

Nhưng chính quyền ngụy tạo ấy có tồn tại được không? Đội quân tay sai ấy có làm như ý muốn của người Pháp được không lại tùy thuộc vào uy tín, sự lớn mạnh của quân kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Hồ Chí Minh.                     

Chiến tranh du kích phát triển mạnh trên cả nước vừa đánh vào âm mưu xây dựng lực lượng tại chỗ vừa kéo căng quân đội viễn chinh ra trong khi ở Bắc bộ, lực lượng bộ đội chủ lực phát triển nhanh chóng, liên tiếp mở các chiến dịch đánh vào các vùng trọng yếu ở Tây bắc, Đông bắc, Việt bắc và vùng Trung du làm tan rã nhiều đơn vị ngụy quân mới được thành lập và tiêu hao sinh lực đối phương, mở rộng vùng giải phóng khiến người Pháp bị động phải điều quân từ chiến trường Nam bộ ra tiếp cứu.

Bên kia biên giới phía bắc, quân Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch bỏ chạy ra hải đảo Đài Loan. “Hồng quân công nông” do Mao Trạch Đông lãnh đạo giải phóng hoàn toàn lục địa và ngày 01 tháng 10 năm 1949 nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời là chỗ dựa vững chắc cho lực lượng kháng chiến Việt Nam khiến người Pháp càng lúng túng trong âm mưu phong tỏa biên giới Việt-Trung.

Ngay sau đó Cụ Hồ đã bí mật sang thăm Trung quốc, Liên xô và nhận được sự hậu thuẫn cụ thể cả về tinh thần và vật chất. Tiếp theo là hàng loạt các nước trong khối “Dân chủ nhân dân” chính thức công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và đặt quan hệ ngoại giao. Tiếng nói của một nước Việt Nam kháng chiến đã vang lên tại Thủ đô nhiều nước từ Á sang Âu.       

Tháng 9 năm 1950, Ban lãnh đạo kháng chiến quyết định mở chiến dịch Biên giới. Chỉ sau một tháng, quân giải phóngtiêu diệt hàng chục ngàn quân địch, trong đó đánh tan hai binh đoàn cơ động lính Âu-Phi, bắt sống toàn bộ Ban tham mưu của chúng. Chiến lợi phẩm thu được đủ trang bị cho cả một sư đoàn và đặc biệt đã đánh thông hàng trăm kilômét đường biên giới Việt-Trung, phá vỡ thế bị bao vây, mở rộng và củng cố khu căn cứ Việt Bắc, tạo chỗ dựa vững chắc cho cuộc kháng chiến trên cả nước.

Từ đây cuộc chiến tranh càng tô đậm thêm màu sắc ý thức hệ. Đối với người Pháp, từ cuộc chiến tranh tái xâm lược Đông Dương nhằm khôi phục chủ quyền của họ nay chuyển thành một bộ phận của cuộc “chiến tranh lạnh” toàn cầu theo học thuyết Domino của Mỹ. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam không còn là cuộc đấu tranh giành độc lập chủ quyền đơn thuần nữa, nó trở thành một bộ phận trong cuộc đấu tranh của thế giới dân chủ mới. Với người Việt Nam yêu nước chỉ có một sự lựa chọn là chiến thắng. Tấm lòng không chia sẻ làm hai được!

Chính giới Pháp chia rẽ nghiêm trọng về diễn biến khác thường của cuộc chiến tranh. Họ chỉ còn cách chọn một trong hai giải pháp: Hoặc là quyết tâm giành thắng lợi quân sự bằng cách khẩn trương tăng cường quân số, phương tiện và ngân sách chiến tranh chưa biết sẽ là bao nhiêu lần? Và phản ứng của phe dân chủ sẽ ra sao? Liệu sự cố gắng tận cùng ấy có đem lại thắng lợi mong muốn? Hoặc là nhanh chóng chấm dứt chiến tranh bằng một sự thỏa hiệp chính trị với Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh?

Mấy năm nay ông Thanh xuôi ngược khắp nơi từ thượng du, trung du cho đến đồng bằng với đôi chânvạn dậm. Có lúc ngày đi đêm nghỉ, có lúc ngày nghỉ đêm đi. Ông đã quen với cuộc đời di trú. Phải đừng chân lâu ở một nơi ông lại thấy bâng khuâng nhớ một chốn nào. Nỗi thương nhớ vợ con và một cảnh gia đình đoàn tụ ấm êm lúc đầu còn cồn cào thôi thúc nhưng dần dà nó chìm lắng lại chỉ còn như những kỷ niệm hằn sâu trong ký ức lâu lâu mới dội lên. Có lúc ông tự ngẫm mình đã là người khác lạ! Không, ơng vẫn là ông. Có điều con người ông dường như đa cảm và cứng cỏi hơn. Cha mẹ cho ông có đến ba quê, mỗi quê một cảnh một tình. Bây giờ đất nước trong ông như rộng lớn hơn và quê hương ông hòa trong đó! Những con người dù quen dù lạ đều như có sự ràng buộc vừa cụ thể vừa mơ hồ, cùng đau xót giận hờn, cùng hân hoan vui sướng. Ở đâu cũng thân thiết gắn bó lo toan như quê hương ông vậy. Những buồn vui chia sẻ không chỉ gói gọn trong một gia đình, trong một số người thân tộc, bạn bè, trong một thành phố, làng quê. Tất cả những gì trên nẻo đường kháng chiến: những con người ngày ngày cùng ông bữa đói bữa no không nề hà công việc dễ-khó-hiểm nguy, những người chỉ thoáng gặp một lần, những cuộc họp thâu đêm với trăm thứ chuyện, những cánh rừng chiều, những con suối dòng sông và nơi cuối nguồn kia một mảng sáng vàng vàng nhạt nhạt của ánh đèn thành phố hắt lên trời, những trận mưa nguồn suối lũ, những cánh đồng hoang khô cháy, những túp nhà lụp xụp ven đường, những phố phường đổ nát, những cuộc chạy càn, những ngày đi theo dân công hỏa tuyến, những trận sốt rét rừng, những nỗi đau mất mát, những niềm vui chiến thắng… vẫn đậm nét trong ký ức của ông cùng với bao điều trăn trở.

Từ Tuyên Quang đi về Phú Thọ theo Quốc lộ số Hai, cái cầu bắc qua dòng sông Chảy đã bị đánh sập từ trận càn Việt Bắc dạo thu-đông năm 1947 bây giờ đầy rêu mốc. Qua bờ bên kia là đất Đoan Hùng. Dòng sông Lô xanh soi bóng những cánh rừng êm ả hiền từ, một chiếc tầu chiến chết chìm còn nhô lên một đống sắt lù lù, dọc bờ những cánh lau sậy ngả nghiêng theo gió. Ông Thanh tìm thăm ông Tuần Phan Lê Tuấn.                          

Một mái nhà tranh ở lưng chừng đồi.

Ông già râu tóc bạc nhiều nhìn khách chăm chăm. Ông Thanh ngỡ ngàng nhận ra người bạn vong niên:

- Thưa bác, em là Thanh, Phán Thanh, cùng với anh Tham Phú đây mà!

Ông già đánh rơi chiếc cuốc, tiến đến nắm tay, nhìn sát mặt khách để nhận cho ra. Con mắt ông lờ đờ, không còn long lanh tinh sáng nữa. Bà Tuần từ trong nhà chạy ra, nhận được khách thì chạy tới ôm chầm lấy và khóc oà lên:

- Chú Phán ơi! Đau đớn lắm! Anh Phan Lê Tôn nhà tôi…

Bà không nói được nữa và khóc lớn hơn.

Ông Tuần trấn tĩnh run run giọng già mời khách:

- Bà ơi! Chú ấy tới chơi với mình là quí hoá lắm rồi… 

Và ông kéo khách vào nhà…                  

- Ở đây người ta gọi tôi là ông già Mặt trận chứ không mấy người biết quá khứ của  mình đâu. Cũng chẳng hay ho gì với cái danh ông Tuần, ông Phủ nữa! Anh Cả nhà tôi mới hy sinh hồi trong năm. Đau thì đau nhưng biết làm sao được. Cổ kim đông tây, thằng giặc nào cũng mặt người mà lòng lang dạ sói! Xem như cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố lừng danh thiên hạ mà nó cũng chẳng tha! Đọc lời ai điếu của Hồ Chủ tịch: “Nhớ cụ xưa: Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu. Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết. Mở mang văn hóa cụ dốc một lòng. Phú quý công danh cụ nào có thiết” mà thấy lòng mình được an ủi phần nào. Dù sao thì “Cổ lai chinh chiến nhân / Tính mệnh khinh như thảo”! Tôi đành phải cho chị Cả mang hai đứa con trở về thành cho các cháu được học hành và cũng muốn tránh xa nơi bom đạn. Còn mình thì trụ ở đây phong thổ khoáng đãng, non xanh nước biếc, sức tàn lực kiệt, đóng góp cho kháng chiến được tới đâu hay tới đó.

Ông Thanh thắp nén nhang kính cẩn trước vong hồn liệt sỹ. Ông nhớ tới cháu ông và bao người trai chí khí gặp lúc nước non binh lửa. Ông thấy lòng nao nao…

Gặp chỗ thân tình, bà Tuần tâm sự: 

- Kỳ lạ lắm chú ạ! Trước đó, tôi nằm mơ thấy thằng cả nó về, trên đầu cuốn băng trắng toát. Nó không nói gì cả, chỉ nhìn tôi chằm chằm và lấy hai tay vỗ vỗ vào đầu. Tôi sợ quá choàng tỉnh dậy. Tôi kể lại cho ông ấy nghe thì ông ấy bảo tin gì vào mộng mị.

- Thế bà bảo tôi phải nói thế nào lúc đó dù rằng trong lòng tôi cũng có hồ nghi?

- Chú biết làm sao không? Anh Chính trị viên về đây kể lại rằng đơn vị bị vây bốn bề, chống cự suốt ngày thì hết đạn, anh em chết và bị thương nhiều. Thằng Cả nó mới bảo để nó và mấy người ở lại đánh lạc hướng, còn anh em rút hết đi. Mấy người ở lại chết hết, anh Cả nhà tôi bị thương nhưng khi bọn lính xông tới thì nó còn bắn lại cho đến viên đạn cuối cùng thì rồi nó tự bắn vào đầu, không chịu đầu hàng cũng không để cho giặc bắt!

Bà lại ôm mặt ra đứng gục bên bàn thờ khóc con.

Cả hai người đàn ông cũng không nén được lòng nữa.

Hai anh em được một đêm tâm sự:

- Chú đi nhiều, thấy binh tình ra sao?

- Thắng lợi thì lớn đấy nhưng diễn biến càng phức tạp. Bây giờ không còn là cuộc chiến tay đôi giữa hai địch thủ nữa mà nó biến thành cuộc tranh chấp quốc tế giữa hai phe đối kháng nên càng quyết liệt và sẽ lâu dài.        

- Tôi không lo chủ nghĩa cộng sản. Ngay cả những ước mơ tôn giáo đều là những tín điều lành nhưng có lúc nó thành tai họa là tự nơi con người mưu bá đồ vương thôi. Tôi lo nhất là người Tàu?

Và ông bộc bạch: 

- Cái hồi thằng Tưởng nó qua tôi lo lắm. Thằng mắt xanh mũi lõ nó thống trị, mình chỉ mất độc lập tự chủ thôi chứ mấy nghìn năm Bắc thuộc mình biết quá đi rồi. Cái nòi giống Giao chỉ này đã tưởng là tuyệt diệt nhưng cái biên cương đã bị nó gậm nhấm mất nhiều. Người Tàu luôn là tiểu nhân trong mục đích nhưng lại tỏ ra cái vẻ đại nhân trong ứng xử. Khi Cụ Hồ tống khứ được nó đi rồi tôi thấy người nhẹ hẫng. Thằng Phú lang sa cách ta hàng vạn dặm không đánh lâu dài được đâu và nó cũng không đồng hóa được mình.

- Nhưng Tàu Tưởng và Tàu Mao khác nhau nhiều anh ạ.

- Lưu Bang, Hạng Võ tranh hùng là vì quyền bính nhưng khi sơn hà xã tắc trong tay, lên ngôi Thiên tử rồi thì anh nào cũng là Đại Hán cả thôi! Đến như  nhà Nguyên, nhà Thanh từ kẻ xâm lược chiến thắng cũng dần dần bị Hán hoá đó thôi. Người Tàu thâm hiểm độc ác lắm! Chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy là bài học cho muôn đời sau. Họ kết thông gia không phải để hiếu hòa, mà chỉ là dịp để họ đi vào ruột mình rồi từ trong phá ra, từ ngoài đánh vào thôn tính mình thôi! Chú có nhớ hồi giặc Minh qua đây không? Cánh đàn ông mình nó không thèm giết đâu mà chỉ bị nó thiến như thiến gà, thiến trâu! Thế là bao nhiêu đàn bà con gái ta toàn đẻ ra một cái giống Tàu! Nhưng những anh đinh điền Giao chỉ nhà mình phải oằn lưng è cổ làm nuôi đám con hoang đó. Rồi lớn lên thì con nó theo cha! May nhờ hồng phúc tổ tiên mới có Đức Lê Thái Tổ cứu khốn phò nguy nòi giống. Cụ Ứng Hòe còn là nhà sử học uyên bác lắm. Giá như còn thì giờ để cụ viết xong cuốn sách “Sử ta so với sử Tàu” sẽ giúp cho hậu thế vỡ ra được nhiều điều từ đám con Trời ấy!

- Nhưng thế cuộc bây giờ mình không đơn độc được!

- Tôi may ra sống được vài năm, chú thì cũng được mươi lăm năm nữa nhưng ngắn ngủi lắm, như gió thoảng mây bay. Chỉ lo cho con cháu đời sau thôi!

- Em nghĩ là các nhà lãnh đạo mình biết nhìn xa thấy rộng.                   

- Tôi vẫn nghĩ Cụ Hồ là bậc túc nho cao kiến mà kiên cường chí khí lắm. Mọi mục tiêu, việc làm của Cụ đều nhất quán tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Cái bất biến đây là nền độc lập, tự chủ, toàn vẹn của nước nhà. Sau ngày có cái Hiệp định sơ bộ, ai cũng hoang mang về việc ta bỗng dưng mở đường cho thằng Pháp quay đầu trở lại. Nhưng khi được Cụ giảng giải cho: “Các vị quên lịch sử đất nước ta rồi sao? Nếu quân Tưởng ở lại thì chúng sẽ ở lại hàng ngàn năm!”, làm mọi người sáng mắt ra, càng cảm phục đức độ và tài năng của Cụ. Tôi còn nhớ những lời vị Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam Huỳnh Thúc Kháng viết gửi quốc dân: “Hồ Chí Minh tiên sinh là bậc yêu nước đại chí sỹ, là nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia, chân đi khắp năm châu, mắt trông xa vạn dặm. Nói về bằng cấp thì ông Hồ không là Tiến sỹ, Phó Bảng gì cả. Nhưng nói về tri thức và sự nghiệp cách mạng thì chắc chắn lớp chúng ta cũng như lớp trước chúng ta không ai bì kịp. Tôi đã vào loại sáng nhưng cụ Hồ lại sáng hơn tôi nhiều. Cụ Hồ rất vì đại nghĩa, là một tay cao cờ, dưới lại có đội ngũ những người giúp việc tài năng, thông minh lắm, giỏi giang lắm, tin tưởng lắm, nhất định sẽ đưa dân tộc ta đến toàn thắng”. Nhưng cái ô dù to cũng không che nổi trận mưa giông chú ạ!

Trong lòng ông vẫn trăn trở, dấm dứt điều gì mà ông ngập ngừng nói ra chưa hết lẽ:

- Tôi thấy thế sự bây giờ khác thường làm sao. Các anh ấy giao cho tôi làm “Mặt trận” tức là làm cái việc hòa giải hòa hợp mọi người gác chuyện riêng tư hợp đoàn hợp sức với nhau, cùng lo đánh đuổi giặc ngoại xâm để con cháu thoát cái nhục nô lệ truyền kiếp. Ở đời lúc nào chẳng có người gan kẻ hèn, người rộng lòng kẻ hẹp bụng. Thằng nhát lúc nguy nan dễ thành phản tặc, thằng tham thấy của dễ tối mắt không từ điều ác nhưng mình lấy cái chính khí giang san, cái đại nghĩa quốc gia dân tộc cảm hóa người ta. Cụ Hồ dạy “thêm bạn bớt thù” là chí lý lắm nhưng sao người ta lại khuấy động lên những oán cừu?! Ngày xưa trong “Cáo Bình Ngô”, danh thần Nguyễn Trãi phân biệt rạch ròi bọn gian tà bán nước cầu vinh. Kẻ gian tà thì ở tầng lớp ngạch bậc nào cũng có chứ nó không dồn cục vào một cái giọ giai cấp như bây giờ. Coi chừng nỉ ngộ đều dính chùm vào đó! Ai sống khác mình, nghĩ khác mình, nói khác mình đều là có mầm thù nghịch! Đảng Việt Nam quốc dânkhởi thủy cũng là tập hợp những người nhiệt tâm với nước, họ đã có những hành động anh hùng khí phách đáng lưu danh thiên cổ chứ không thể gộp chung với cái đám lâu la thổ phỉ sau này! Nhiều người tâm huyết cũng noi gương ấy mà mạnh dạn dấn thân. Đến như hai nhà chí sỹ nổi danh là cụ Giải nguyên đầu xứ Nghệ và cụ Phó bảng Quảng Nam, được dân chúng cả nước kính trọng mà cũng mỗi người chủ trương một sách. Cụ Sào Nam thì khăng khăng phải đuổi giặc ngoại xâm trước đã để giành quyền độc lập về cho nước mình, cho nên Hội Việt Nam Quang Phục là nơi tụ nghĩa bách tính muôn dân vẫn suy tôn ông Hoàng thân Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm minh chủ! Cụ Tây Hồ thì không thể chấp nhận bọn “độc phu dân tặc” bán nước hại dân, đòi phải đánh đổ ngay nền quân chủ mục ruỗng lỗi thời để làm cơ sở xây dựng nền dân chủ nhân quyền, nên trước mắt chỉ cần một sự cải lương của nhà nước bảo hộ mà thôi. Tuy là chính kiến của các Cụ về sự cấp bách phải cứu nguy nòi giống có khác nhau nhưng không ai muốn triệt hạ ai, họ vẫn tôn trọng và kỳ vọng ở nhau, cùng ủng hộ nhau trong những việc làm cứu dân cứu nước. Đã gọi là bình đẳng cùng ngồi chung chiếu thì phải biết lắng nghe nhau xem điều hơn lẽ thiệt, ngó trước nhìn sau, cùng nhân nhượng nhún nhường để mọi người thoả ý đồng tình, chứ đâu có thể khiên cưỡng muôn người một ý! Mình đứng giữa nhiều khi mắc kẹt, nói cho bên này thì bên kia bảo không được việc, nói theo bên kia thì bên này nghĩ là mình xu thời nịnh thế. Sự nghiệp mình chưa thành đã ưa khoe vũ dũng cường quyền tôi e rằng sái lòng người! Kỵ nhau gì bằng lửa với nước vậy mà biết dùng lửa nấu nước cho sôi ích lợi gì bằng; bằng như lấy nước mà giội vào lửa thì tất cả chẳng còn gì trong khi mình đang thu phục nhân tâm! Nhiều khi thấy mệt mỏi lắm nhưng cứ nhớ đến lời dậy khai tâm của thầy Bảo quốc túy – Tuyết quốc sỉ, lấy đại nghiệp quốc gia làm trọng mà mình phải ráng lên thôi.

- Thế là anh đã tự làm công tác tư tưởng cho mình rồi đấy!

- Chú đúng là anh cán bộ tuyên truyền!

- Em daginan! Tuyên truyền, tuyên huấn, dân vận, địch vận, tư pháp, thuế vụ, sản xuất tăng gia. Giao việc gì em cũng nhận, lúc đầu có lúng túng nhưng dò dẫm rồi cũng quen dần. Em cũng nghĩ giống như anh đấy!

Hai anh em vui cười rúc rích.       

- Năm trước chú Tham Phú trên đường đi vào miền Trung có ghé thăm tôi. Con người bộc trực sôi nổi ấy không hiểu có trụ được không?

- Anh ấy thông minh, hiểu rộng, tháo vát, cá tính mạnh mẽ lắm.

Ông Thanh bịn rịn chia tay ông bà Tuần, hứa hẹn gặp nhau:

- Chú đi về đâu?

- Em về xuôi. Trên đường em còn ghé thăm vài nơi quen nữa.

Ông Tuần nắm tay người bạn vong niên cười buồn ứng mấy câu thơ cổ:

- Cổ lai chinh chiến trường / Vạn lý vô nhân ốc!(Những người chinh chiến bấy lâu / Bước chân vạn dặm lấy đâu làm nhà).

Chị em cô Bảo Ngọc và Thảo Tâm đang ở gần đồn điền Phú Hộ.

Nghe theo gợi ý của bác giáo, ông Thanh đã giúp chị em cô di chuyển nơi cư trú để tránh cho họ cái không khí mặc cảm nặng nề. Họ đã chuyển chỗ mấy lần rồi. Ông Thanh giới thiệu cho cô Thảo Tâm dậy học trẻ con – là nghề cũ của cô và cô cũng thấy khuây khoả trong niềm vui với đám trẻ vô tư. Cô Bảo Ngọc mở cửa hiệu bán thuốc tây và những đồ lặt vặt…

Trên đường công tác, hai anh em ông thường ghé qua thăm hỏi.

Họ đã thành chỗ thân tình.

(trang 404)

 

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_PTHg.php

ngày 24-Dec-2016

_________________

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học