PHÚT THĂNG HOA

- tiểu thuyết -

Nguyễn Văn Thịnh

CHƯƠNG BA

Nghĩa trở về nhà.                           

Hai chú cháu trở nên thân thiết và cởi mở với nhau nhiều hơn. Ông Phán hiểu cháu mình đang là một người chỉ huy trong tổ chức Việt Minh. Ông mạnh dạn hỏi cháu:    

- Chú nghĩ rằng hàng trăm năm nay ông cha mình đã nhiều lần nổi dậy rồi nhưng kết quả đều thảm hại, như trứng trọi với đá thôi! Nay người Nhật đã đuổi thằng Pháp đi rồi, họ muốn dân da vàng hợp tác với nhau để cùng thịnh vượng nên họ trao lại quyền độc lập cho mình. Vua ta vẫn còn – từ nay chỉ tượng trưng cho truyền thống và ý chí của dân tộc. Nghị viện là cơ quan lập pháp tối cao. Chính phủ là cơ quan hành pháp. Nước ta là nước quân chủ lập hiến theo trào lưu tân tiến văn minh lại phù hợp với tình cảm của người Á Đông mình. Ta khỏi phải tổn hao xương máu mà Việt minh liệu có thành không?

Nghĩa cố nói cho chú hiểu:            

- Xưa nay có kẻ ngoại bang nào thật bụng thương  mình đâu! Lại trong bối cảnh thế giới đang điên đảo này. Năm năm nay chả lẽ ta chưa hiểu thằng Nhật sao? Nó chưa muốn triệt thằng Pháp vì chưa đến lúc. Nó cần một hậu phương yên ổn mà vẫn được việc. Ngay từ năm 1940, để tỏ rõ sức mạnh của mình, Nhật đã cho Pháp một trận phủ đầu đáng nhớ ở Lạng Sơn, bắt hàng ngàn tù binh Pháp từ quân đến tướng. Chính phủ Vichy phải ký Hiệp định Tokyo chấp nhận mở cửa ngõ Đông Dương cho Nhật thông đường đánh ra các nước Đông Nam Á. Lúc ấy Nhật Hoàng đã gởi chiếu phủ dụ hàng binh Pháp đại ý là…

Anh lục lọi trong trí nhớ và nhắc lại giằn giọng giận giữ:

- Trẫm vĩ đại! Trẫm lòng lành! Trẫm giải phóng cho các ngươi. Trẫm trông cậy ở các ngươi sẽ cộng tác với quân đội Thiên hoàng để phòng thủ Đông Dương mà chủ quyền Trẫm công nhận là vẫn thuộc về nước Pháp!

Anh bình giọng lại:                        

- Thằng Pháp tưởng chịu lép sẽ được yên thân chờ cơ hội. Nó để mặc cho dân mình khốn đốn. Nhưng bây giờ thời thế khác rồi. Cái kiềng ba chân của phe trục đã bị gãy mất hai. Chỉ còn một thằng Nhật đơn phương giữa biển lửa ở Á Châu này nên nó phải triệt ngay cái mầm phản phé, nắm trọn Đông Dương, củng cố hậu phương vững chắc hòng co cụm lại chống Đồng minh.

Ông Phán điềm tĩnh lắng nghe cháu ông giảng giải về thế sự. Nghĩa tiếp tục nói cho chú nghe:             

- Đúng là trong cuộc chính biến tháng ba, lính Nhật triệt hạ thẳng tay người da trắng, còn với người da vàng nó có nới tay để tỏ ra thân thiện. Nhưng cái độc lập nó cho mình có thật không? – Anh lục ra tờ báo đã nhàu cũ đưa ra:… Tờ báo này ở Nam kỳ, chú xem đi!      

Ông Phán nhìn ngay ở trang đầu và chăm chú đọc: Ngày 30 tháng ba, tại Long Xuyên – một tỉnh lỵ giàu có giáp biên giới Nam kỳ với Cao Miên, trước hàng trăm công chức Chính quyền tự trị Nam kỳ, ngài Cố vấn tối cao Nhật Minoda – từng theo học trường sỹ quan Saint Cyr nổi tiếng, bằng giọng Pháp thật lưu loát, ngài nói: Có một sự hiểu lầm lớn về nền độc lập ở Đông Dương. Sự độc lập này là hoàn toàn dưới sự kiểm soát quân sự của Nhật (Il-y-a un grand malentendu au sujet de l’indépendance de l’Indochine. Celle-ci tout entière est sous le contrôle militaire du Japon).

Ông Phán ném tờ báo xuống đất:  

- Thì ra bao lâu nay chú ảo tưởng, hết tin ở thằng Pháp lại tin vào thằng Nhật. Chúng nó cùng một giuộc bất nhân!

Ông ngồi đấy, bần thần suy nghĩ: Bác Trịnh nói đúng! Viêt minh nói đúng! Ngay cả thằng cháu mình cũng đã nhận ra như thế. Đó chỉ là thứ độc lập «bánh vẽ» thôi! Đúng như docteur Bửu Quốc đã nói: Với kẻ xâm lược nào thì vua, quan, sỹ, dân đều là nô lệ cả! Mà nô lệ thằng này còn khốn nạn hơn!

Bây giờ ông mới tự cật vấn mình: Tại sao bấy lâu nay mình cố quên đi cái thân phận làm nô lệ? Vì miếng cơm manh áo? Hay là vì cái tiểu khí rởm của mấy anh khóa nho sinh? Hay là vì hèn sinh ra cam phận? Chả lẽ làm nô lệ mãi thành quen sao? Sao thằng cháu nó nhìn ra trước ông? Ai dạy nó? Hay là nó khôn tỉnh hơn mình?

Nghĩa hiểu tâm trạng, an ủi chú:    

- Vì chú là người hiền lành, tốt bụng, cả tin!

Những đức tính ấy đâu phải là xấu. Từ bé đến lớn ông chưa gây gổ tranh giành với ai. Ông thường nhún nhường chịu nhịn, hơn thua làm gì. Ông chưa làm điều xấu hại ai cho dù có ai đó chơi xấu với ông. Ở Sở làm, có viên ký Thản quê ở Thái Bình – tay này tham lam hám tiền – thích xin xỏ và hay ăn cắp vặt, hám chức – thích khoe công để được lòng chủ, thường lân la tới chef kiếm chuyện làm quà, ton hót, khích bác, xiên xỏ người này người nọ trong đó có ông. Chef ấy tin y, hành ông dữ lắm. Ông cũng không cần thanh minh, không cần trả miếng hạng tiểu nhân, tiểu khí mặt choắt như hai ngón tay chéo ấy làm gì. Nhưng rồi cũng chẳng bền lâu, cả thầy và trò đều bị lão Debue đá cho một phát bắn lên mạn ngược nước độc ma thiêng trước sự khinh thị của mọi người! Ông tin người vì ông không nghĩ xấu về người. Mấy câu mở đầu Tam tự kinh thầy ông dậy thủơ vỡ lòng: Nhân chi sơ, tính bản thiện! Trải gần một đời dãi dầu ông mới hiểu ra: con người ta tính bổn thiện chỉ là lúc nhân chi sơ thôi. Chớ khi đã lê la lăn lóc trường đời rồi thì cái tính thiện ấy nó mai một dần đi và cái ác nó đồng thuận theo cấp số nhân với lòng vị kỷ.          

Có người cho là ông nhu nhược! Có người nói ông ba phải! Ông không giận ai. Nhưng ông Tham Phú có lần nghe được tỏ ra khó chịu, đọc to lên mấy câu thơ ngụ ngôn của La Fontaine: Ainsi certaines gens, faisant les empressés / S’introduisent dans les affaires: Ils font partout les necessaires / Et, partout importuns, devrairent être chassés! (Có những thằng bắng nhắng / Việc nào cũng chõ vào /  Tưởng như mình cần lắm / Quấy rầy, phải tống đi!) – rồi đưa ra lời kết: Plus fait douceur que violence! (Ôn hòa vẫn hơn là bạo hung!). Ông mãi ghi tâm tấm lòng tri âm đó.

Bây giờ sự đời ông sáng ra nhiều. Ông cảm nhận ra một mối liên quan mật thiết giữa cá nhân ông với mọi người gần xa, từ thân tộc đến cả những người mà trước kia ông cho là xa lạ. Ông thấm thía cái nghĩa đồng bào. Với những người đang đói lả kia, trước đây ông thương, bây giờ ông xót ! Cháu ông hỏi:      

- Bây giờ chú đã hiểu cho cháu chưa?     

Ông nhìn cháu trìu mến gật đầu rồi chợt nhớ ra điều gì:

- Cháu có gửi gì về cho chú không?                  

- Vâng! Cháu đang suy nghĩ có nên hỏi chú? Khi bị bắt, cháu sợ lỡ việc, đành nghĩ liều gởi về cho chú! May ra…

Ông Phán phân trần cho cháu nghe:                 

- Không biết ai để nó ngoài cửa rồi bỏ đi! Chú sợ bọn khiêu khích bẫy hại mình nên đem giấu ở ngoài kia. Sau đó lu bu vào việc lo cho cháu. Bây giờ chú mới nhớ ra!

Chờ lúc tối trời vắng người qua lại, ông Phán thân chinh đi mang cái bọc ấy về. Nghĩa kiểm tra: May quá! Nó không bị thấm ướt. Anh lấy ra một phần, còn gói lại giấu đi. Anh giắt xe ra nói với chú:

- Cháu đi công việc!                       

Ông Phán lo lắng ngồi chờ cháu, sốt ruột, làm mấy chập thuốc lào.                

Trời tối lâu rồi Nghĩa mới về. Chú cháu lại ngồi thì thầm to nhỏ. Nghĩa ướm thăm dò chú:       

- Hôm ở bên Bắc, chú nói đồng tình với việc cháu làm?

- Bây giờ chú ủng hộ!                    

- Cháu cảm ơn chú!

Nghĩa nhìn chú với đôi mắt đầy cảm động:      

- Nhờ có chú thím cháu mới trưởng thành như ngày nay. Cháu vẫn nghĩ chú như cha thật sự. Có gì sung sướng hơn là cha với con cùng đi một con đường!

- Chú thật không ngờ là chính cháu giúp chú nhìn ra sự thật!                          

Nghĩa đứng dậy, vẻ mặt trang nghiêm:    

- Cháu kết nạp chú vào Việt minh từ giờ phút  này!  

Ông Phán cũng đứng dậy, mắt chớp chớp, nắm tay cháu cảm động lắm…                                                                         

Buổi sáng đi làm, dọc đường ông Phán thấy rải trắng những truyền đơn. Nhiều nhà hé cửa cho trẻ con chạy ra nhặt vội một tờ rồi thụt biến ngay vào nhà. Ông Phán nhìn trước sau thấy vắng bóng người, nhặt vội mấy tờ, liếc nhìn thấy giống như nó đã có ở nhà mình, ông cho vào túí. Ông bình tĩnh đạp xe đi. Mấy tờ này ông nhặt ở ngoài đường, ai cũng biết, ông không nhận từ ai. Cháu ông nó cũng làm việc này? Ông càng thấy cảm phục và thương nó. Nó đã nhận mình vào tổ chức rồi. Bây giờ mình phải làm gì giúp cháu đây?         

Đến Sở, công việc cũng chẳng có gì. Thằng Nhật từ quan đến lính xem chừng mất tinh thần, chẳng lo công việc, chỉ lo chạy ăn thôi. Nó giao mọi việc cho ông Tham Phú quản, như công việc của thằng Debue dạo trước. Chúng nó bảo là trao hết quyền cho người Việt Nam tự quyết. Nhưng đất nước lộn xộn rối như mớ bòng bong thế này, trên không có tướng, dưới không có quân, dân tình nhớn nhác chưa biết thế cuộc thay thầy đổi chủ thế nào thì biết làm gì mà nói rằng tự quyết? Bọn Nhật súng ống, xe pháo trong tay, chúng muốn gì cứ hùng hổ kéo cả bầy tới eo xèo hạch sách, ai dám ra đấy mà cản được?     

Không có việc làm, mấy ông túm tụm từng nhóm kháo nhau đủ chuyện: Chuyện một anh bán hàng gian, trộn cám lẫn với mùn cưa, Nhật nó mua cho ngựa ăn, ngựa quay ra chết. Mấy hôm sau anh kia quen mui lại mang cám tới, nó bắt trói gô lại, mổ bụng con ngựa chết, moi ruột nó ra, nhét anh ta vào rồi khâu lại và đem chôn cả người sống lẫn con vật chết! Chuyện mấy con nhà thổ bỏ Tây theo Nhật cưỡi ngựa phóng tít mù trên đường phố đạp lên cả những người đang đói lả lờ đờ đi dặt dẹo giữa đường. Chuyện thằng Moussolini bị quân Anh, Mỹ bắt rồi lại được lính đặc nhiệmĐức giải thoát khỏi nhà tù ngoài hải đảo, đưa vào đất liền nhưng khi trà trộn vào dân tìm đường trốn chạy lại bị quân du kích Ý nhận diện, bắt và treo ngược lên cây xử bắn! Chuyện cụ Rùa Hồ Gươm nổi lên bên phía bờ tây bơi qua phía bờ đông là điềm ứng vào việc quân Mỹ đã đặt chân lên đảo Okinaoa – coi như đến cửa nhà của nước Nhật rồi! Chuyện các máy bay Thần Phong của Nhật lao thẳng vào ống khói các chiến hạm Anh, Mỹ ở ngoài khơi là cái chết liều thân của kẻ cùng đường…

Nhân lúc anh em mải chuyện, ông Phán đưa ra mấy tờ truyền đơn. Không ai ngạc nhiên gì vì nó đầy ở ngoài đường, mọi người chỉ liếc nhìn thôi, dường như ai cũng biết rồi. Ông Phán thu lại châm lửa đốt. Nhưng đấy lại là một đề tài thiết thực mỗi người một ý bàn tán xôn xao:                  

- Thằng Nhật bây giờ cần gì phải đánh! Nó như con thú thành tinh đã bị thu hồi bảo bối, chỉ còn chờ ngày Đồng minh cũng như Phật Bà Quan âm hạ giới bắt về tống giam vào hang ổ của nó mà thôi!    

Ông Phán cố nói cho anh em hiểu:

- Bản thân thằng Nhật hết tung hoành ngang dọc được rồi nhưng còn lại là những âm mưu lâu dài của nó thông qua đám tay sai. Mà đám này lúc thì Vive le Roi! (Thánh thượng vạn tuế!), lúc thì Vive la ligue! (Mãi mãi Liên minh!). Thử hỏi vào tay bọn ấy thì làm sao nước ta có được một nền độc lập thật sự? dân ta sẽ được tự do?  

Lại có người lý sự:                

- Ấn Độ cũng là một thuộc địa lớn của nước Anh ở Châu Á này. Thế nhưng nhà ái quốc Gandhi nêu chủ thuyết Bất bạo động. Ông từ bỏ mọi quyền quý vinh hoa, ép xác khổ hạnh, đầu trần, chân đất đi khắp nước vận động cho nền độc lập quốc gia mà không phải đổ máu một người, cho nên được người ta tôn Thánh! Ở nước mình, nhìn gương người Nhật thành công trong việc duy tân hưng quốc, cụ Phan Bội Châu đã khởi xướng phong trào Đông Du, kỳ vọng vào người láng giềng đồng chủng đồng văn sẽ giúp mình đuổi giặc tây dương. Nhưng cụ Phan Châu Trinh lại nghĩ: “Bất vọng ngoại. Vọng ngoại giả ngu!Bất bạo động. Bạo động tất tử”! Cụ chủ trương: Hưng dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh rồi sẽ giành được độc lập, vì thế cụ cổ xuý cho thanh niên vượt trùng dương cầu học bởi muốn hưng dân trí thì bất như học. Không gì bằng sự học!              

Ông Phán lúng túng chưa biết nói sao thì ông Tham Phú đứng lên đọc oang oang mấy câu thơ của La Fontaine:          

- La paix est fort bonne de soi / J’en conviens: Mais de quoi sert-elle / Avec des ennemis sans foi! (Hoà bình là tốt rồi. Nhưng ta phải công nhận. Với kẻ thù: không xong!)                  

Lý lẽ ấy giản dị mà đúng quá không ai cãi lại được. Ông nói tiếp luôn : 

- Hậu quả là sự mong mỏi của các cụ đều tan thành mây khói! Bọn chính khách thực dân ở đâu cũng giàu dã tâm, nghèo nghĩa hiệp giống nhau thôi!

Và ông kết luận:                   

- Việt minh làm việc này là hợp thời và hợp lòng người đấy!                           

Không ai bàn cãi nữa. Mọi người tản ra. Ông Tham kéo ông Phán vào phòng, đóng chặt cửa lại, nói ra khúc mắc của ông:

- Moa chỉ ngại họ là cộng sản! Hồi còn học lycée, nghe nói cộng sản nổi loạn ở miền Trung. Tây, ta diệt tuốt! Họ trương khẩu hiệu: Trí-Phú-Địa-Hào: Đào tận gốc, trốc tận rễ! Mấy dòng họ gia thế xứ Nghệ Tĩnh như Hoàng Xuân, Phạm Khắc… chạy ra đây còn xanh mắt mẹ! Toa có biết thời Trịnh-Nguyễn dân Thanh Nghệ làm loạn đất kinh kỳ này không? Đến nay mấy bà già xưa ghét nhau còn rủa: “Cho thằng Thanh Nghệ vào nhà mày” đó thôi. Vào nhà rồi là nó phá tan hoang!    

- Nhưng bao lâu nay có ai bền gan bền chí đánh tây rồi là đánh Nhật như thế không? Rõ ràng là người ta một lòng vì nước! – Ông Phán phân trần.

Ông Tham gay gắt:                        

- Đất nước này thiếu gì người yêu nước! Toa không yêu nước à? Moa không yêu nước à? – Và ông giang tay ra nhịp nhịp kể hàng loạt những tên người kim cổ, rồi ông kết luận:… Sao ta không chọn mặt gửi vàng?

- Những vị ấy đều là những bậc hiền thần trí giả ái quốc cả nhưng vì chưa gặp thời vận nên không thành công, chỉ thành nhân thôi. Danh thơm thật đáng để đời!

- Vậy toa dám chắc lần này họ thành công?     

- Chả lẽ đứng nhìn người ta thành sự rồi mình hùa theo hay sao? Bác thì em không dám bì. Nhưng nói em yêu nước thì tự em thấy ngượng thế nào! Mình đã làm gì được cho nước đâu? – giọng ông Phán buồn buồn.            

Ông Tham nhận xét:                      

- Từ ngày đi xin cho thằng Nghĩa thoát nạn về, moa thấy toa có gì khác đấy! Anh Tuần Phủ, thằng Đội Tôn cũng khác! Hình như họ cùng ngả về phía Việt minh? Hôm qua thằng Nghĩa đến gặp con Hương Giang. Hai đứa thì thào chuyện gì như bán bạc giả. Qua mắt moa sao được! Lúc thằng Nghĩa về, moa cho con Hương Giang một trận nên thân! Gái thì giữ việc trong nhà chứ biết gì mà đa mang vào chuyện quốc sự của đàn ông!

- Thế bác không ưa thằng Nghĩa à? – ông Phán ngạc nhiên                    

Nét mặt ông Tham trùng lại, vẻ trầm ngâm:

- Anh Thương Nhàn với moa là hai thằng tri kỷ, lúc nhỏ học cùng thầy, chung nhau một cái mo độn đít chịu đòn. Lớn lên mỗi đứa một trường. Học trò trường Bưởi với trường Sarraut vốn có mối cừu thù vậy mà lúy với moa vẫn giữ được tình bằng hữu. Khi đi làm thì cùng mê thú vui con hát. Toa không biết chứ lúy cầm nhịp chầu thì tuyệt! Lúy là người bạn chung tình. Mỗi khi nhắc tới lúy, moa vẫn nhớ thương! Thằng Nghĩa có nhiều nét giống cha. Nhưng hình như nó đang đi lạc đường!                 

Trên đường về, ông Phán buồn rười rượi. Ông cảm thấy giữa ông với ông Tham có một khoảng cách rồi. Từ dạo bé, bẵng đi khá lâu, tình cờ hai anh em gặp lại nhau ở một công sở lớn. Về ngạch bậc, phẩm trật thì ông Tham hơn ông nhưng công việc thì cũng rưa rứa cả, dân mũi tẹt da vàng anh nào cũng dưới quyền thằng mắt xanh mũi lõ thôi. Những tình cảm vốn có giữa hai nhà, anh em càng thân kết. Ông Tham xuất thân con quan Bố Chánh và là một điền chủ lớn ở Phủ Vĩnh Tường. Anh em ông đều theo học trường tây. Lẽ ra ông cũng đi tây nhưng vì là con trưởng, ông phải ở nhà nhường các em đi. Ông theo ngành Luật, học giỏi, hoạt bát, bạn bè với tây thuộc địa nhiều nên bị gọi kháy là tây An Nam. Về đây tuy ông không có quyền nhưng ông có uy và có thế. Dân bản xứ thì nể. Dân tây thì kiềng. Ông Phán cũng được nhờ vào cái bóng ấy của ông Tham.

Nhưng bây giờ thời thế đổi thay nhanh quá, bắt mỗi người phải nhìn vào thực cảnh đất nước hằng ngày. Mà «nhìn» rồi nhưng «nhận» lại mỗi người một khác, bỗng mất đi những gì là chân tình cởi mở bấy nay nên trong mối giao lưu có chút gì lấn cấn! Ông Phán vốn là người sống nặng tình. 

Về nhà gặp Nghĩa, ông Phán hỏi ngay:   

- Hôm qua cháu đến nhà bác Tham?

Nghĩa chưa kịp trả lời, ông tiếp luôn:

- Bác Tham phiền lòng!

- Chú thấy ý bác làm sao?

- Bác không thích Việt minh!

- Cháu nhìn ánh mắt bác cháu hiểu. Chắc Hương Giang thế nào cũng bị…            

- Ừ! Bác ấy nghiêm trị lắm!           

Nghĩa tỏ ra bối rối.                        

- Cháu có chuyện gì?                     

Nghĩa loanh quanh suy nghĩ một hồi rồi quyết định hỏi:

- Chú có sẵn lòng giúp cháu việc này không?

- Cháu tin chú, chú rất sẵn sàng.   

Nghĩa vừa nói vừa suy nghĩ như chuyện cực chẳng đã:                                             

- Tối nay cháu có một việc hệ trọng đã quyết định với Hương Giang rồi. Chuyện lỡ xẩy ra như vậy nhưng không thể để hỏng công việc của Đoàn thể được!

Anh ghé sát bên chú nói nhỏ một hồi. Ông Phán đứng lên, quả quyết :            

- Chú làm thay được!                     

Nghĩa nhìn chú vừa thương vừa lo.

Bữa ăn vội vàng. Ông nói rằng đưa cháu đi thăm người trong họ. Cả hai chú cháu lặng lẽ mặc đồ sang trọng như đi chơi chiều thứ bẩy. Bà Phán thắc mắc sinh nghi:                

- Hai chú cháu đi đâu?

Nghĩa không dám nói. Ông Phán không quen nói dối nên lúng túng. Bà Phán nhìn cảnh hai chú cháu loanh quanh như gà mắc tóc đoán ra được chuyện. Bà quyết định:

- Tôi sẽ cùng đi!                             

Ông Phán thất sắc. Nghĩa ngơ ngác nhìn thím. Bà Phán điềm nhiên:                     

- Tôi không làm hỏng việc của chú cháu ông đâu. Đừng nghĩ là tôi ghen đấy. Có tôi mọi việc sẽ dễ dàng hơn!        

Bà Phán chuẩn bị trang sức như đi dự hội. Mọi người mặc đẹp như thế này mà cứ dùng dằng chưa bước chân ra. Bỗng thằng Nhỏ len lén chạy lên thì thào với chủ:

- Cậu ơi! Cái bọc cháu để ở ngoài kia… ai lấy mất rồi!

Ông Phán quát lên:     

- Nó có phải của nhà mình đâu. Còn, mất mặc xác nó! Mấy đứa trông em, trông nhà cẩn thận. Cậu mợ lên bác Tham chơi!                            

Thằng Nhỏ lủi vào nhà sau. Bà Phán hiểu ý giục:      

- Mình đưa hết cho tôi đi!              

Ông Phán đưa mắt nhìn cháu. Nghĩa lúi húi lôi ra một bọc. Bà Phán cầm lấy đi vào buồng. Hai chú cháu nhìn nhau ngẩn ngơ. Lúc sau, bà Phán tươi cười bước ra:

- Đi thôi!                              

Chú cháu đứng bần thần. Bà Phán vòng tay quanh người:

- Tất cả trong người tôi. Đề phòng có khám xét, không ai tra lục người như tôi đâu! Mà lỡ có sao, tôi chịu! Đàn bà dễ chối tội hơn. Chú cháu ông vô can!

Ông Phán nhìn vợ, mắt chớp chớp. Tính ông hay cảm động.

Nghĩa đi xe đạp. Chú thím đi xe kéo. Tất cả đi lên hướng Bờ Hồ, qua khu Sầm Công, tới rạp Quảng Lạc. Trước cửa rạp người ta đông nghẹt. Hôm nay diễn tuồng “Nợ Mê linh” của tác giả Huỳnh Văn Tiểng trong Hội Sinh viên. Tại cửa ra vào, viên Đội xếp dùi cui trong tay, đi đi lại lại ngó nghiêng. Ông bà Phán đúng mẫu một cặp vợ chồng viên chức hạng sang đi giải trí chiều thứ bẩy, đàng hoàng bước vào rạp không ngó nhìn ai.

Nghĩa ngồi hàng đầu bên dẫy phải.

Ông bà Phán ngồi mé ngoài dẫy sau hàng ghế đầu chính giữa.      

Đèn tắt… Vở diễn tới lúc mẹ Thi Sách là Mẫu thị bị bắt làm con tin nhưng vẫn kiên quyết không chịu khuyên con khuất phục cường quyền bán rẻ tổ tiên. Mọi người chăm chú hướng lên sân khấu thì bà Phán đi ra phía nhà toilette. Ông chồng đi theo đứng canh ngoài cửa… Lát sau, bà Phán bước ra. Ông chồng đưa tay đón vợ, tay đỡ cái bọc nhỏ vừa lúc Nghĩa tiến đến kín đáo nhận lại và đi thẳng vào hậu trường.

Vở diễn thật cảm động. Trưng Trắc sau khi nghe tin chồng đã bị Thái thú Tô Định giết hại, đứng trước bàn thờ nghi ngút khói hương phảng phất hồn chồng, hồn nước. Bà vung kiếm lên thề: Một xin rửa hận quốc thù. Hai xin rửa hận nghìn thu cho chàng! Bỗng đèn phụt tắt. Toàn rạp tối đen. Người ta la ó. Có tiếng chửi tục. Và đột nhiên vang lên tiếng thét rất lớn:

 - Đồng bào chú ý!

Cùng lúc đèn bật sáng, mọi người hướng lên sân khấu. Ba thanh niên dáng hùng dũng khí thế: người đứng đầu dáng thư sinh trắng trẻo đẹp trai, hai tay giương rộng ngọn cờ đỏ sao vàng, một người to lớn vạm vỡ tay giơ cao khẩu súng ngắn, tay cầm tập truyền đơn, người đứng giữa dáng cao gầy, da xanh mai mái, đôi mắt to hơi buồn, mặc bộ đồ màu xanh thợ.  Lúc đầu rạp ồn lên: Việt minh! Việt minh! Nhưng khi người đứng giữa cất lời nói lớn:

- Thưa toàn thể đồng bào!

Cả rạp trở lại im phăng phắc, nghe rõ lời kêu gọi thiết tha

- Hơn tám mươi năm qua, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và mấy năm nay dưới gót giầy đinh của phát xít Nhật: Đất nước ta xơ xác tiêu điều! Đồng bào ta đau thương quằn quại! Hàng triệu người đã và đang chết dần mòn trong nhục hình và trong đói khát! Cả dân tộc ta đang đứng trước thảm họa diệt vong! Mặt trận Việt Minh kêu gọi đồng bào không phân biệt già-trẻ-gái-trai, không phân biệt tôn giáo và chính kiến, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt thành thị với nông thôn, từ nhà máy đến ruộng đồng. Hãy xiết chặt tay nhau cùng can đảm nhất tề đứng lên:   

Đánh đuổi phát xít Nhật!              

Giành lại cơm áo và tự do!            

Lật đổ chính quyền phong kiến bù nhìn tay sai đế quốc!

Giành chính quyền về tay nhân dân!       

Hỡi đồng bào:                                

Hãy mau mau tham gia vào các Hội Đoàn cứu quốc!

Ủng hộ Việt minh!                         

Việt Nam độc lập muôn năm!       

Tiếng vỗ tay râm ran trong khi những lá truyền đơn tung ra từ trên sân khấu, từ hai góc rạp liệng bay lả tả… Đồng thời tiếng hát từ trên sân khấu lan ra khắp rạp bài ca hành tiến:

Này thanh niên ơi đứng lên đáp lời sông núi  Đồng lòng cùng đi, đi, đi… sá gì thân sống / Nhìn non sông nát tan thù nung tâm chí cao / Nào anh em Bắc Nam, cùng nhau ta kết đoàn / Liều thân xông pha ta tranh đấu / Cờ nghĩa phấp phới vàng pha máu / Cùng tiến quét hết những loài dã man / Hầu đem quê hương thoát vòng u ám…       

Mọi người trong rạp cùng đứng lên vỗ tay hưởng ứng rầm rầm. Có nhiều người hát theo. Ông Phán cũng say sưa hát thật to quên rằng có vợ đứng bên. Bà Phán giật giật tay chồng muốn kìm ông lại nhưng ông vẫn hướng lên sân khấu lúc này có tới hàng chục người đổ xô lên cùng nhau hoà nhịp càng như thúc giục:

Vung gươm lên ta quyết đi đến cùng / Anh em ơi ta nguyền đem hết lòng / Tiến lên cùng tiến… gió tung nguồn sống / Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng…

Bài hát vừa dứt. Mọi người từ trên sân khấu toả xuống. Người ta ào ào chen nhau ra khỏi rạp. Nhiều người cúi nhặt tờ truyền đơn và thủ vào túi. Bà Phán lục trong cái sắc ra còn sót mấy tờ lấy tung lên. Ông Phán kéo tay vợ đi nhanh lẫn vào đám đông. Ra cửa rạp, người ta kháo nhau công khai. Có người đứng ngay dưới đèn đọc tờ truyền đơn rồi lại tung ra. Không thấy bóng người phú lít nào…    

Ông bà Phán quàng tay nhau đi lững thững xuôi dọc đường Hàng Ngang, Hàng Đào hướng ra Bờ Hồ. Trong lòng ông phơi phới. Ông tự thấy mình đã là một người khác, như con bướm thoát ra khỏi tổ kén bay lên. Bao lâu nay ông có cảm giác bị tù hãm mà không nói ra được. Ông nghĩ rằng bạn bè ông thân sơ nhiều người cũng thế. Ông cảm nhận rằng ông Tham cũng như ông thôi nhưng có thể là cái tổ kén kia nó dầy cứng quá hay sao? Bác ấy cũng giẫy đạp đau đớn đấy. Nhưng… Ông quay qua nhìn vợ. Ông cứ tưởng bà sẽ không hưởng ứng việc ông làm. Ông không ngờ rằng nhờ có bà mới được việc này. Ông run run hỏi vợ:

- Thế mình không sợ à?                           

- Tôi chỉ lo cho mình lỡ làm sao thôi!     

Tay ông áp chặt vòng tay vợ vào mình. Mắt ông chớp chớp. Cổ ông nghèn nghẹn, ông cố nuốt vào.

Giờ này bến xe điện mênh mông lạnh lẽo. Xe đã về ga ngủ hết rồi. Ngày xưa, chỗ này là bãi dừa hoang vu bên những ao ngòi mênh mang thông ra sông Cái. Sau ngày giặc Pháp hạ thành Hà Nội, tên lái buôn Jean Dupuis và viên cố đạo Puginier lấy đó làm chỗ hành hình những người chống Pháp hòng khủng bố tinh thần những người Việt Nam yêu nước. Ông Cử Tạ Văn Đình và ông Thủ khoa Nguyễn Cao bị chém đầu ở đây. Ẩn sau tiếng chuông leng… keng… quen thuộc của những chuyến tàu điện từ sớm đến khuya, người Hà Nội xưa vẫn nghe văng vẳng bên tai tiếng chiêng tùng… bi li… gióng lên thống thiết vang trên hồ Lục Thủy mỗi khi có một cuộc hành hình. Đường phố lơ thơ bóng người. Tiếng rao hàng quà khuya ngái ngủ nằng nặng là là bay sát mặt đường. Ngay dưới ánh đèn, có đôi trai gái đứng đó. Người con trai dáng công tử tần ngần, lúng túng. Người con gái hai tay bưng mặt, đôi vai rung rung. Chắc là một cặp tình nhân có điều gì uẩn khúc. Cũng không thiếu những chàng công tử bột dại khờ mắc lỡm mấy cô đào già tay ấn. Nhưng cũng không ít những cô gái non tơ theo đà văn minh tân tiến bỏ qua những lời giáo huấn gia phong cho con tim tung tăng theo tiếng gọi của ái tình để rồi lãnh hậu họa mà chàng công tử ăn chơi kia đã theo gót họSở kịp vọt lên yên quất ngựa truy phong! Thì cầu Thê Húc ngay kia! Hồ Lục Thủy  này đã có nhiều cô lao xuống xin làm kẻ hầu người hạ cho Cụ Rùa lịch sử. Dầu có chết ở đây vẫn còn mong người nhà nhận được xác mang về chớ không ai dại gì ra mãi cầu Long Biên nước sâu sông rộng cho nó xoáy tít xuống chân cầu giập dầy thân thể… rồi cuốn phăng ra biển, coi như là mất xác!    

Ông bà Phán đi tới gần chợt nhận ra là… Nghĩa! Anh ngượng nghịu chưa biết giải trình ra sao thì người con gái nghe tiếng động lạ, ngẩng đầu lên… Ông Phán giật mình nhận ra… con gái ông Tham  Phú! 

- Cháu chào chú thím ạ! – Hương Giang còn tấm tức.

- Làm gì mà giờ này hai đứa còn ở đây?  – Ông Phán nghiêm nét mặt.            

Nghĩa đành phải nói thật ra:                   

- Lẽ ra công việc mà cháu phải nhờ chú thím hôm nay là của Hương Giang. Nhưng bác Tham tra xét theo dõi quá. Lừa mãi Hương Giang mới trốn được ra đợi cháu ở đây.

Hương Giang tủi thân, khóc thành tiếng. Ông Phán đắn đo rồi nói:                 

- Cháu phải về nhà ngay thôi. Bác Tham nghiêm lắm!

Bà Phán bàn vào:                          

- Bây giờ cả nhà mình đưa cháu về. Chắc bác Tham cũng nể.

Không có cách nào hay hơn. Nhà ông Tham ở phố Hàng Bè cũng gần đây thôi.               

Trên đường về, Nghĩa mừng lắm:  

- Hôm nay thím có công đầu. Hoan hô thím!

- Thím cũng không ngờ cháu thím đẹp trai lại can trường như thế!         

Hương Giang càng ấm ức:              

- Giá như ba me cháu cũng được như chú thím!

Nghĩa hăng hái:                    

- Cháu kết nạp thím vào Việt minh đấy. Bốn người nhà mình lập thành một tổ.               

Bà Phán vẫn nhẹ nhàng:                

- Thím không theo ai cả. Thím chỉ theo chú anh  thôi!

Ông Phán nhận ra rằng ông thật sự là người hạnh phúc…

   Ông bà Tham bối rối khi mấy người bạn bước vào nhà trong khi ông bà đang bồn chồn lo lắng. Ông Tham kịp chuyển làm mặt giận. Ông hầm hầm nét mặt, đùng đùng bước chân không thèm chào hỏi ai. Hai nhà quen nhau quá rồi. Bà Tham chạy tới kéo bà Phán vào nhà trong. Nghĩa rụt rè bước đến trước ông Tham, hai tay xuôi xuống chắp lại, đầu cúi thấp, nói lí nhí:             

- Thưa bác! Cho cháu xin lỗi hai bác!     

Hương Giang sợ run lên đứng nép vào tường. Ông Phán đứng giữa tránh cho hai cha con khỏi nhìn nhau:

- Thưa anh… Cháu nó đến nhà em… và chúng em phải dẫn cháu về trình anh chị!         

- Tôi không có đứa con như thế! – Giọng ông Tham vang ầm lên.

Hương Giang ôm mặt khóc oà lên.

Bà Tham chạy tới ôm con gái, dỗ: 

- Thôi, me xin ba cho con! – và bà nắm tay con dắt vào nhà trong.       

Ông Tham vẫn còn đi lại đùng đùng một lúc rồi bước chân ông dần chậm lại và ông tới bên bàn, ngồi xuống, giơ tay chỉ mời ông Phán ngồi. Nghĩa vẫn đứng ủ rũ như cây mùa thu héo lá. Ông Phán đằng hắng mấy lần thì vợ ông đã kịp đỡ lời cho ông anh hạ hỏa:

- Thôi, em xin bác tha cho các cháu. Nó chỉ lỡ dại một lần!                    

Ông Tham không nghi ngờ gì khi có cả vợ chồng ông Phán. Cơn giận của ông nguôi dần đi. Giọng ông không gay gắt nữa:                                    

- Thằng Nghĩa không phải là đứa lêu lổng. Moa không lo gì về chuyện đạo đức. Nhưng moa không muốn cho con gái dính dấp vào cái chuyện bè đảng nọ kia. Đó là chuyện của đàn ông, con trai!   

Hai bà thấy việc đã dịu đi, đưa Hương Giang ra nhận lỗi. Con gái đứng sau cha tự lúc nào, lên tiếng:

- Xin ba tha lỗi cho con. Nhưng ba nói vậy thì con gái không phải là con một nhà, là dân một nước hay sao?                   

Ông Tham xua tay giảng giải:                 

- Các con ngây thơ lắm. Dính vào chuyện ấy không vui như là đi xem hát đâu! Lỡ bọn police nó đến hỏi thăm thì tan nát một đời hoa thôi con ạ!

Ông ngước nhìn qua Nghĩa, không có gì là giận nữa:

- Chứ không đơn giản như chúng mày, chỉ nghiến răng chịu đòn central là được!                       

Trận lôi đình sấm sét đã qua. Hai bà và cô con gái lảng đi. Còn lại ba người đàn ông. Ông Tham hỏi Nghĩa:

- Cháu là Việt minh! – Tuy là hỏi nhưng bộ dạng ông khẳng định rồi.                       

- Thưa bác… Nếu đúng như vậy thì bác nghĩ sao?     

Ông Tham đứng dậy đi vòng quanh bàn rồi dừng lại trước Nghĩa:                   

- Biết lo đến đại sự quốc gia thật không hổ mặt nam nhi. Nhưng cháu chọn người gửi cả can tràng vào đó đã đúng hay chưa?                  

- Thưa bác! Nước nhà đang lúc suy vi như thế này, có ai ngoài Việt minh ra để ta hợp sức đánh đuổi giặc thù xâm lược, vực dậy quốc dân?     

Ông Tham không nói gì được nữa, thở dài, quay đi…  

Mỹ ném bom nguyên tử xuống đất Nhật rồi! – Ngày 6 tháng 8 ở Hiroshima làm 80 ngàn người chết và ngày 9 tháng 8 ở Nagasaki làm 20 ngàn người chết. Người ta chết thảm thương đủ kiểu. Sẽ còn hàng trăm ngàn người nhiễm chất phóng xạ chết dần chết mòn, đời này và sang cả những đời sau nữa! Phen này người Mỹ biến nước Nhật thành tro bụi! Cùng lúc Nga Xô tuyên chiến với Nhật. Đội quân Quan Đông ở Đông Bắc Trung Hoa và Cao Ly đang bị đánh cho tan tác. Nước Nhật bị bao vây cả bốn bề và đang bị ép giữa những gọng kìm sắt rồi. Bọn quan lính Nhật tiu nghỉu, mấy viên sỹ quan gục đầu trên bàn, nghe tiếng chân người vội ngẩng đầu dậy, mắt đỏ hoe. Có tên lính chúi đầu vào gốc cây khóc hu hu!               

 Đám thân Nhật mất tinh thần, rã đám. Có đứa rục rịch nghe tin Hoa quân nhập Việt đã trở cờ. Tổng hội viên chức do đám Đại Việt thân Nhật làm đầu trò tuy còn có đứa lăng xăng nhưng xem chừng thất thế rõ rồi. Tên Tham Lợi và tên Thông Khoan làm Thư ký và Phó Thư ký Hội Viên chức của Sở tự ý bỏ cuộc. Ông Phán Thanh bảo với ông Tham Phú:

- Em đề cử bác nắm chức Thư ký của Hội Sở mình đấy! Anh em người ta nể trọng bác chứ không như hai thằng kia đâu!

- Hai thằng ấy moa coi như hạng tép riu! Thằng Tham Lợi chỉ xoắn váy vợ thôi chứ nó biết gì! Thằng Thông Khoan thì xôi thịt chỉ xe xua nịnh bợ. Moa chúa ghét cái thói bợ đỡ vô liêm sỷ ấy! 

- Đây là lúc mỗi người phải góp sức vào, bác ạ!

- Có toa hỗ trợ tích cực thì moa yên tâm – Ông dư biết mối quan hệ của ông Phán với Việt minh như thế nào rồi.

Ông Phán Thanh nhận chỉ thị của Việt minh qua Nghĩa và ông đề xuất mọi việc cho ông Tham Phú làm.

Ông Tham Phú người to lớn, giọng mũi ồm ồm như Tây. Là dân học Luật, lập luận vững vàng, nói năng lưu loát văn hoa đặc biệt trích dẫn ngụ ngôn La Fontaine rất tài tình, dí dỏm mà thấm thía, cuốn hút người nghe. Được mọi người suy tôn, ông càng phấn kích. Ông Phán nói với cháu:

- Bác Tham hiểu rộng biết nhiều, tính tình khảng khái và bộc trực nhưng còn tin người Pháp lắm!  

- Bác Trịnh căn dặn là trước mắt ta tập hợp được càng đông càng tốt, hướng mọi người vào công cuộc đuổi Nhật, cứu dân bức thiết lúc này. Mọi chính kiến xếp lại một bên!                  

Sáng ngày 14 tháng 8, ông Tham đến Sở làm sớm hơn mọi người. Ông Phán Thanh đang chờ ông bàn việc gấp…

Nhân danh Thư ký Hội Viên chức Sở, ông Tham triệu tập mọi người họp lại, cho gọi viên quan Chánh Sở Nhật tới. Ông Tham dõng dạc nói:  

- Ngày hôm qua Nhật hoàng đã tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Lực lượng Đồng minh đã chấp thuận. Quân đội Nhật phải hạ vũ khí tại chỗ chờ quân Đồng minh vào giải giáp. Tứ cường Anh-Mỹ-Nga-Hoa sẽ bàn nhau cụ thể. Từ giờ phút này mọi công việc của Sở sẽ do Hội Viên chức tự quản chờ mệnh lệnh của Chính phủ Việt Nam độc lập!      

Viên quan Nhật buồn rầu chấp nhận:     

- Thực ra công việc không có gì và chúng tôi đã để các ngài tự quản từ lâu rồi! Chúng tôi chỉ mong được đóng quân nguyên vị trí chờ lệnh của cấp trên. Trước mắt chúng tôi mong vẫn được cung cấp đầy đủ lương thực và thực phẩm!                 

Ông Tham hơi bí nhưng vẫn tỏ ra cứng cỏi:

- Chuyện ấy đã có trên lo! Trước mắt anh em ta giữ nguyên nhiệm sở làm việc. Không được để thất thoát các tài liệu, văn khố thư tịch và chờ chỉ thị của cấp trên.

Viên sỹ quan Nhật khựng lại hỏi gặng:

- Chúng tôi đổ rồi thì liệu Chính phủ của ông Trần Trọng Kim có còn đứng được không?       

Có nhiều người hét lên:        

- Chúng tôi ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim!

- Chính phủ Trần Trọng Kim là của Nhật! Cây đổ rồi thì tầm gửi bám vào đâu?

Ông Tham lúng túng nhìn ông Phán. Ông Phán Thanh xưa nay được tiếng là người hiền lành ít ai để ý. Bây giờ thấy ông tiến lên đứng bên ông Tham, ai cũng ngạc nhiên. Họ nghĩ chắc hai người ấy thân tình nên ủng hộ nhau. Ông Phán Thanh từ tốn nói:

- Thưa anh em! Người Nhật đã thua rồi! Nước Nhật đã bị Đồng minh chiếm đóng. Quân đội Nhật không có lý do gì ở lại nước ta! Trong khi chờ ngày rút quân về nước, chúng ta tạo điều kiện cho họ yên ổn và yêu cầu họ: Không đi lại lộn xộn làm mất an ninh trật tự của ta! – Không được phá huỷ công sở, kho tàng! – Không được can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam! – Không được giao súng đạn cho tàn quân Pháp còn ẩn náu lăm le trở lại! Chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật nặn ra không còn tư cách đại diện cho ai nữa. Chính quyền phải về tay nhân dân! Chỉ có Mặt trận Việt minh lâu nay đương đầu đấu tranh chống Pháp rồi chống Nhật là xứng đáng đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Anh chị em! Chúng ta ủng hộ Đồng minh! Chúng ta ủng hộ Việt minh! Giành Chính quyền về tay nhân dân! Đả đảo Chính quyền bù nhìn bán nước! Việt Nam độc lập muôn năm! 

Mọi người vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Không ai ngờ ông Phán Thanh lại có thể hướng dẫn người ta hiểu biết thời cuộc một cách rõ ràng và thuyết phục như vậy. Mấy anh em trẻ đã được ông Phán Thanh chuẩn bị trước đứng gom lại cất cao lời hát vang bài ca Diệt phát xít:

Việt Nam bao năm dòng rên xiết lầm than / Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang / Loài phát xít cướp thóc lúa cướp đời sống dân mình / Nào nhà tù, nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình / Đồng bào tuốt gươm vùng lên / Đã đến ngày trả mối thù chung…  

Bài hát tả đúng thực cảnh, đúng tâm trạng khiến mọi người thấy trong lòng xôn xao rạo rực. Họ thẳng người lên, đứng sát vào nhau, ai hát được thì cùng hoà giọng vào hát thật to lên, ai không hát được thì vỗ tay, dậm chân hưởng ứng. Ông Phán Thanh đã nhiều lần nghe người ta hát và lần nào ông cũng hát theo. Bài hát thật xúc động, kéo người nghe đến với đồng bào đang quằn quại đau thương. Lần này thì ông xướng lên cho người ta hát. Ông muốn mọi người cũng một ý như ông:

… Giành lại áo cơm tự do / Dưới bóng cờ đỏ ánh vàng sao / Mau, mau, mau… Vai kề vai /  Không phân già-trẻ-trai hay gái / Vác súng gươm / Ta đi lên /  Ta tiến lên tiêu diệt quân thù

Mọi người cùng dậm chân đồng hành tại chỗ và rất nhiều người theo ông vòng tay lên ngực thiết tha cảm động kêu lên tên Tổ quốc của mình:

Việt Nam Việt Nam Việt Nam / Ôi đất Việt yêu dấu ngàn năm / Việt Nam Việt Nam… muôn năm!

Có người chảy nước mắt, có người rơm rớm, rưng rưng. Ôi! Tên tổ quốc gọi lên lúc này sao nó thiêng liêng thế! Không chỉ là tiếng gọi của những người hôm nay, nó hoà cả tiếng vọng về từ nghìn thu trước.     

Bỗng từ phía sau toà nhà, mấy người vừa chạy vừa hốt hoảng la lên sợ sệt:                       

- Tự sát! Tự sát!  

Mọi người nháo nhác tản ra.          

- Quan lính Nhật rủ nhau cùng tự sát!     

Người ta chạy ra phía sau công sở có rừng cây. Rải rác cả chục xác lính Nhật chết lăn lóc trong nhiều tư thế: Kẻ nằm phủ phục gục đầu trên thảm cỏ! Kẻ nằm nghiêng co quắp! Kẻ nằm ngửa tênh hênh xoải dài chân tay, trên bụng ruột gan phòi ra một đống. Họ đều chết trong tư thế hướng đầu về phía mặt trời mọc như phút cuối cùng được nhìn về quê hương của họ! Trong số đó có cả viên Đại tá Chánh Sở vừa mất chức. Đám lính Nhật trang nghiêm, kính cẩn đến cúi đầu bên những xác chết rồi xúm lại khiêng nhau đi.

Trước đây người ta đã nghe nhiều về phong tục harakiri của người Nhật Bản. Nó thể hiện tinh thần võ sỹ đạo của những samurai khi lòng tự ái bị tổn thương: Mộng bá vương của Mikado (Nhật hoàng) tan vỡ! Cuồng vọng Đại Đông Á Bản bất thành! Thường là họ chết bằng cách tự mổ bụng phơi bầy gan ruột mình ra. Nhưng họ cũng có thể hiến thân bằng nhiều cách khác. Khi một người lính phòng không tự xích chân mình vào đế khẩu cao xạ, có thể được coi là hành động anh hùng quyết tâm chiến đấu khi máy bay từ trên trời bổ xuống hay không? Nữ nhi Nhật Bản cũng không thua kém kẻ mày râu. Cả những quận chúa, tiểu thư cũng có những hành động hiến thân như là huyền thoại. Một cô gái khuê các con quan Tể tuớng tình nguyện hiến tấm mình vàng dấn thân vào nước địch làm gián điệp, lợi dụng tài năng và nhan sắc để luồn sâu vào những cơ sở quan trọng thu thập những tin tình báo tuyệt mật về khoa học và quân sự rồi nuốt những cuốn vi phim kèm theo thuốc độc tự vẫn để thi hài được chở về nước mẹ. Thân phụ cô thân ra phi trường nhận xác con gái yêu và chở thẳng về một nơi bí mật. Chính ông tự rạch bụng con gái mình lấy ra mật liệu rồi mới làm lễ tế con theo nghi thức của người anh hùng hy sinh vì Tổ quốc!

Những tấm gương ái quốc cuồng nhiệt của người Nhật Bản rất nhiều. Người nghe lắc đầu le lưỡi. Lúc này, nhìn tận mắt những thây người chết ngổn ngang, nhiều người tỏ ra vừa khiếp sợ vừa kính nể. Ông Phán điềm đạm nói với anh em:      

- Không nỗi nhục nào lớn bằng nỗi nhục mất nước. Họ thua trận, họ sẽ bị mất nước! Nhưng họ đã xâm chiếm và tàn phá bao nhiêu quốc gia dân tộc khác. Mạnh Tử nói: “Người ta nhân  thì vinh, bất nhân thì nhục!”. Cái chết của họ đã được báo trước rồi!

Chúng là kẻ thù nhưng cũng là đồng loại. Trước cái chết thương tâm hàng loạt dầu là ai cũng không thể cầm lòng thương cảm. Lời nói của ông Phán làm người ta sực tỉnh ra. Có người còn lưu luyến:                   

- Nhưng cũng phải nể phục họ về lòng can đảm!

Ông Phán vẫn nhẹ nhàng:              

- Trong sách Kinh thư cổ nhân đã dậy: “Cảm khái mà tự sát không phải là can đảm”!         

Mọi người quây quanh ông Phán. Họ nhận ra rằng những lời ông nói là chí lý. Họ chăm chú nhìn ông, muốn nghe ông nói nữa. Ông Phán vẫn bình thản, ông coi những người đang đứng đây là bạn bè của ông nhưng còn có với nhau cái nghĩa đồng bào tức là anh em cùng sinh ra từ một bọc! Vậy nên mọi người đều có trách nhiệm chung với giang sơn này. Lời ông nói như từ gan ruột trút ra: 

- Người Việt mình chẳng lẽ không có lòng yêu nước hay sao? Bao nhiêu tấm gương can tràng dũng khí còn ghi trong sử sách. Không xa đâu, thời giặc Pháp mới sang xâm chiếm Nam kỳ, trước sự hèn nhát của triều đình, ở tỉnh Định Tường có ông Trương Định quyết không chịu để cho đất đai của tổ tiên lọt vào tay giặc đã cùng những người nghĩa dũng nổi lên chống lại, biểu lộ lòng phản kháng trên cờ: “Phan, Lâm mãi quốc –  Triều đình khi dân”! Ông được nhiều người hưởng ứng, tôn là Bình Tây Đại nguyên soái. Khi bị kẻ phản bội chỉ điểm vây giáp bốn mặt, biết không thể thoát, ông chỉ mặt kẻ bội nghĩa vong ân mắng nhiếc rồi đưa gươm cứa cổ tuẫn tiết, không chịu để thân sống sa vào tay giặc! Thuộc hạ của ông là Nguyễn Trung Trực tiếp tục sự nghiệp của chủ tướng gây dựng lại cơ đồ, lập nhiều chiến công hiển hách. Ông cùng binh lính đóng giả một đám cưới đi thuyền trên sông cặp sát tàu đồng địch rồi hò nhau nhẩy lên đánh giáp lá cà tiêu diệt toàn bộ số quan lính Pháp rồi nổi lửa thiêu rụi chiếc tàu chiến địch. Tiếc là thế lực của giặc Pháp lúc đó còn mạnh, truy đuổi nghĩa quân. Ông chạy ra đảo Phú Quốc, dựa vào địa hình hiểm trở tổ chức đánh du kích. Giặc vây hãm mãi không phá được ông. Chúng nham hiểm bắt mẹ ông phải kêu gọi con quy hàng nhưng bà một mực không chịu. Chúng lại bắt số đồng bào từng che chở giúp đỡ ông và tuyên bố sẽ giết sạch họ nếu như Nguyễn Trung Trực không chịu ra hàng! Trước thế giặc hung hãn, ông vẫn tin rằng: Chừng nào nước Nam này hết cỏ thì mới hết người chống Tây. Nhưng giờ đây vận nước đang lúc suy vi, không nên để những người lương thiện chết lây vì mình, ông chấp nhận tự trói ra nộp mình với hai điều kiện: Một là quân Phú lang sa phải giữ đúng lời hứa không được triệt hạ nhân dân vùng căn cứ. Hai là không được trả thù hành hạ những người đã theo ông kháng chiến. Mẹ ông nghe tin ấy tức quá hộc máu ra mà chết! Giặc đưa mồi phú quý vinh hoa ra chiêu dụ ông quy phục nhưng ông khảng khái chối từ, sẵn sàng chịu chết. Giặc đưa ông về tại quê hương Rạch Giá hành hình. Trước khí phách lẫm liệt của ông, không đao phủ thủ nào dám đứng ra thi hành án chém. Cuối cùng giặc mua chuộc được một tên Miên lai nghèo khổ nhận chém đầu ông để được thưởng nhiều tiền. Trước khi chết ông đòi được uống nước một trái dừa quê. Viên đao phủ trước khi thi hành lệnh đặt đao một bên, quỳ phục xuống lậy và tâu trình rằng: Con vì nghèo đói quá mới phải làm việc thất đức này! Ông ung dung nhân hậu khuyên y: Mi không có tội. Mấy thằng giặc da trắng mắt xanh kia và lũ triều thần bán nước mới mang trọng tội, rồi sẽ đến lúc chúng phải đền tội ác! Ông còn khôi hài để lên gân cho hắn: Mi phải chém cho ngọt, chỉ một nhát thôi kẻo không ta sẽ về vặn cổ mi đó! Ông ngồi xếp bằng, búi tó củ hành dựng ngược trên đầu lộ ra cái gáy. Khi lưỡi đao băng đầu lìa khỏi cổ, ông đưa tay đỡ lấy đầu mình đặt lại trên cổ rồi mới ngã ra!

Câu chuyện mấy cụ già bạn của cha ông rì rầm kể cho nhau trong những buổi gặp gỡ ấm trà chén nước mà ông nghe lỏm được từ buổi thiếu thời bỗng dưng bật lên từ trong tiềm thức thật đúng lúc này. Chính ông cũng không ngờ câu chuyện ấy lại chuyển hướng khơi dậy lòng yêu nước và truyền thống bất khuất của ông cha khiến mọi người cùng lặng đi. Thấy mọi người xúc động và chăm chú lắng nghe mình, ông Phán cảm động lắm, nhìn anh em nói tiếp : 

- Bao lâu nay họ giày xéo lên đất nước ta, trà đạp lên nhân phẩm của chúng ta, anh em ta đã thấy hết rồi! Há chúng ta đây lại không biết rằng: Liêm sỷ là việc lớn. Tử sinh là việc nhỏ hay sao? Nếu như lúc này ta có phải chết vì tổ quốc Việt Nam thì cái chết của chúng ta không giống như những anh lính Nhật này đâu!      

- C’est un raisonnement juste! (Đó là một lập luận hợp lý!) – Ông Tham bật đứng lên nói lớn, phá tan đi cái không khí trầm lắng xúc cảm vừa rồi.

Mọi ngươi ào ào hưởng ứng. 

Trở về phòng, ông Tham tỏ ra rất khâm phục người đàn em:

- Moa không ngờ toa ăn nói lưu loát và thấu động lòng người như vậy! Toa không hùng biện văn hoa nhưng nói chí tình, chí lý, ai nghe cũng chịu! Mấy thằng Đại Việt tức lắm mà không làm gì được, đành tiu nghỉu như chó cụp đuôi! Từ nay có điều chi toa cứ bảo moa!                                                                          Ông Phán dặn:                                  

- Anh làm Đại diện Hội Viên chức của Sở mình, nhớ đừng để cho bọn Đại Việt lôi kéo anh em!

- Ô! Toa yên chí đi. Tụi nó qua mắt moa làm sao được!                

Ông Phán đứng lên đưa tay ra:                

- Anh em mình đều là hội viên Hội Viên chức cứu quốc trong Mặt trận Việt minh! 

Ông Tham nắm chặt tay người anh em thân mến…

(trang 136)

 

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_PTHb.php

ngày 24-Dec-2016

_________________

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học