PHÚT THĂNG HOA

- tiểu thuyết -

Nguyễn Văn Thịnh

 

 

 

Bảo quốc túy

Tuyết quốc sỉ

 

(LƯƠNG VĂN CAN)

 

 

Bày tỏ lòng ngưỡng mộ những lớp người tự nguyện dấn thân với tấm lòng yêu nước tinh khôi.

Tưởng nhớ ông bà nhân hậu, cha hiền từ và những người thân mến thương của tuổi thơ tôi.

Tác Giả

 

 

LỜI TỰA

Nhà văn Nguyễn Văn Thịnh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trải qua tuổi ấu thơ và thời học sinh ở đó. Ông tốt nghiệp Bác sỹ tại trường Đại học Y Khoa Hà Nội năm 1965. Nghe “Tiền tuyến gọi”, ông theo đoàn quân vượt Trường Sơn vào miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ, phục vụ tại chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long suốt 10 năm. Sau đó tiếp tục phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương phía Bắc và phía Tây-nam. Năm 1988 ông xuất ngũ chuyển về phục vụ trong ngành dân y ở thành phố Hồ Chí Minh.      

Xuất hiện trên văn đàn từ mấy năm cuối thế kỷ XX song tiềm lực sáng tác của nhà văn đã hình thành và tích lũy trước đó trong ký ức từ cuộc kháng chiến chống Pháp và trong thực tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như trong những năm hậu chiến. Từ các thiên truyện ngắn, truyện vừa, truyện ký, tiểu thuyết, kịch nói đã được xuất bản và công diễn, nổi trội hơn cả là hai cuốn tiểu thuyết PHÚT THĂNG HOA (NXB Thanh niên – 2005) và THỜI BI TRÁNG (Chung khảo cuộc thi tiểu thuyết 2006-2010 HNVVN – NXB Hội Nhà văn 2011). Đó là bộ đôi tác phẩm đậm chất  sử thi về cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trường kỳ cam go của dân tộc, thể hiện trải nghiệm, tư tưởng và tài năng của nhà văn hình thành trong suốt cuộc đời mình.    

PHÚT THĂNG HOA của lòng yêu nước là sự đổi đời của dân tộc ta – từ kẻ vong quốc nô thành chủ nhân thật sự của tổ quốc mình, làm thức tỉnh và khơi dậy tinh thần dân tộc ở mọi người Việt Nam từ giới thượng lưu tới lớp bình dân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và tiếp theo là cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm với chiến thắng lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu - Nước Việt Nam từ máu lửa rũ bùn đứng dậy sáng lòa!

Đó là kết quả tất yếu của ý chí quật cường dựng nước và giữ nước hun đúc hàng ngàn năm, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết thành chân lý: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống qúy báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước!

Thông qua các nhân vật của mình, chủ yếu thuộc tầng lớp trung lưu trí thức ở cố đô Thăng Long mà tác giả xuất thân và thông thuộc, mến yêu. Trên bối cảnh lịch sử nước ta nửa sau thế kỷ XX, tác giả đã thể hiện một bức tranh khá hoành tráng qua các giai đoạn của cuộc kháng chiến thần kỳ cứu nước của dân tộc và những năm đầu hậu chiến trên cả hai phương diện bitráng. Với bút pháp chân phương mà chân thực, mạnh mẽ và hấp dẫn, không tránh né các vấn đề gay cấn, phức tạp song trước sau vẫn bộc lộ một cách nhìn trung thực, dứt khoát về phía chính nghĩa, thấm đượm tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước của một nhà văn chiến sỹ, với tư thế như tác giả bộc lộ của người trong cuộc. Nhà văn chia sẻ, sống chết cùng với nhân vật của mình qua mọi cảnh huống của chiến tranh và cuộc sống.

Dù không có ý định thể hiện hay thể nghiệm một quan niệm mới mẻ nào đó về nghệ thuật tiểu thuyết, song cả hai tác phẩm đều bộc lộ tình cảm và trách nhiệm của một ngòi bút cố gắng trung thành với chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt có đổi mới về cuộc chiến tranh giữ nước của chúng ta cùng với việc chọn lọc các tư liệu lịch sử rất công phu.

Tôi đánh giá cao cố gắng và thành tựu của nhà văn và tin tưởng rằng những người ngoài cuộc cùng các thế hệ mai sau có thể tìm thấy trong tác phẩm của Nguyễn Văn Thịnh những hình bóng chân thực, đau thương cũng như hoành tráng suốt 30 năm qua hai cuộc kháng chiến liên tiếp của chúng ta được thể hiện bằng cả tâm huyết của một người lính cầm bút.

 

TP. Hồ Chí Minh – Mùa xuân 2012

 Giáo sư TRẦN THANH ĐẠM

Nhà văn – Nhà giáo Nhân dân

Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSPTPHCM

 

CHƯƠNG MỘT

Hà Nội, những ngày đầu năm Ất-Dậu 1945.

Dường như mùa xuân không đến. Những nụ đào chớm nở mà tưởng như đã tái nhạt đi! Những chiếc lá bàng non mới nhú mà tưởng như đã héo hon đi! Những luồng gió lạnh buốt giá và ảm đạm khác thường của mùa đông Giáp Thân năm trước chưa chịu tan đi lại ùn ùn dồn sang mùa xuân năm nay tạo nên bầu không khí u ám thảm thiết. Nạn đói đã hiện nguyên hình thành đám mây đen chết chóc thê lương phủ xuống khắp chốn đồng quê cho đến thị thành. Những người dù có cuộc sống gọi là ổn định nhưng lòng vẫn nặng trĩu âu lo phấp phỏng. Những tiếng bom ùng oàng rung trời chuyển đất từ các phi đội máy bay của phe Đồng minh Anh-Mỹ dội xuống từ ngoài biển khơi vào trong đất liền càng làm cho đám giặc lùn Phù tang thêm hung hãn. Bầu không khí càng căng thẳng và ngột ngạt…

Hệt như điềm báo một cơn giông lớn, một trận cuồng phong. Ai cũng nghĩ một điều gì sẽ tới: một sự thay đổi lớn lao nhưng không biết sẽ là may hay rủi.

Chiều nay – Chủ nhật ngày 11 tháng 3, hai ngày sau cuộc Nhật đảo chính Pháp, mưa phùn lất phất suốt ngày làm cho đường phố nhớp nháp. Phố Lò Đúc (Route Hartmann Rousseau) vắng tanh. Trong mưa bụi, lúc lúc một chiếc xe tải nhà binh phóng ào ào ra phía ngoại ô Đống Mác. Trên xe phủ tạm bợ tấm bạt nhớp nhúa, có lúc bị cơn gió mạnh thổi tốc lên, người ta nhận ra những xác người. Đó là những quan lính Pháp bị giết trong mấy ngày qua ở khu Đồn Thủy nay được thu gom lại đưa xuống vùi đống ở Nghĩa trang Hợp Thiện. Trên con đường đất lép nhép từ phía Nhà thờ tây đen (Ấn Độ) – gần bên một trại bò, thông với bãi cỏ hoang rộng tới bờ sông Cái, bóng một người cao lêu đêu, khoác tấm pardessue sẫm màu, tay che ô, bước đi dài vội vã mà vẫn ngó trước nhìn sau. Gần ra tới đường lớn, người lạ lánh vào sau gốc cây đa nhà bò. Vừa lúc một chiếc xe tải lao vòn vọt tới làm nước trên đường bắn lên tung tóe, ép chiếc xe kéo đi ngược chiều phải nép sát vào gốc cây đa. Chung quanh vắng vẻ, người lạ bước nhanh ra, hạ thấp ô xuống, lặng lẽ nắm tay người phu kéo quay ngược xe lại, leo lên ngồi và ra hiệu cho đi vội vã. Dường như người phu xe đã nhìn rõ ông khách lạ nhưng vẫn ngơ ngác ngó nghiêng, gò lưng sải bước cho xe chạy sát lề đường. Trên xe đã phủ mui nhưng người ngồi còn giương ô che ý chừng không muốn ai nhìn thấy. Đường phố vắng tanh, lâu lâu có bóng người tất tả đi như chạy, không để ý chung quanh làm gì. Vừa qua khỏi cửa ô, khách đập tay ra hiệu rồi nhẩy xuống khi xe chưa dừng hẳn, tay dúi vội trả tiền và bước nhanh đi. Người phu xe nhìn theo khách hướng về phía nhà chứa Hồng Nga ở đầu ô rồi anh xoay trở đầu xe hướng vào thành phố. Khách lạ ngoái về phía sau coi chừng rồi bước sang bên kia đường, thụt xuống dốc đê, đi tới trước mấy ngôi nhà cổ khuất dưới dãy bàng um tùm. Trời vừa xẩm tối nhưng đèn đường chưa sáng. Khách dừng trước một ngôi nhà, định bước lên thềm bỗng sững lại vẻ bối rối: Trên thềm nằm lăn lóc mấy thân người như đống xương khô gác chụm vào nhau. May là đống xương ấy ngọ nguậy nên nhận ra là người sống. Khách lưỡng lự một chút rồi bước lên, với tay giật dây chuông. Ông ghé tai sát cửa, nghe rõ tiếng chuông leng keng mà ông kéo mấy lần mới có tiếng guốc trong nhà ngập ngừng, rụt rè bước ra. Cánh cửa vừa hé, người khách sỗ sàng đẩy mạnh cho nó mở rộng ra. Chỉ nghe một tiếng a!… thảng thốt, khách đã lọt vào trong và cánh cửa đóng sầm ngay lại…       

- Ông Phán! – Khách liền kêu lên sẽ sẽ để chủ nhà kịp trấn tĩnh lại.       

Ông Phán Thanh trố mắt, mặt biến sắc, giọng run run:

- Bonsoir, mon chef! (chào thủ trưởng!).

- Pardon moi! (Tha lỗi cho tôi!) – Giọng khách nhỏ hơn.

Bà Phán từ trong nhà bước ra, hoảng sợ. Ông Phán quay qua vợ:

- Ông chủ sự mình ơi!                                             

Dường như hiểu được sự lúng túng khó xử của chủ nhà, ông khách tây bước tới trước bà chủ, cúi đầu thật thấp, nói tiếng Việt rất sõi:

- Kính chào bà Phán! Xin ông bà tha lỗi vì sự đường đột vô lễ của tôi! Xin ông bà hiểu cho tình cảnh của tôi lúc này!   

Chủ nhà đành lòng tiếp ông khách không mời mà đến này. Bà Phán đỡ cái ô mà khách chưa biết để đâu. Ông Phán giúp cởi ra cái áo choàng nặng vì ẩm nước. Khách vẻ mặt đau đớn và cử động khó khăn. Ông chủ tỏ vẻ ái ngại, lễ phép, lịch sự mời khách ngồi. Ông Tây ngồi xuống ghế, tay ôm vai, ngả người về phía trước, mặt nhăn nhó:

- Tôi bị thương… ở đây!

- Mợ nó ơi! – Ông Phán quýnh lên, kêu.

Bà Phán chạy lại. Hai ông bà bối rối gọi Nhỏ và Nhài lên phụ. Ông tây bị một vết thương xẻ bên vai. Trong khi mọi người băng rửa vết thương thì ông tây mặt xanh ngắt, người run lên, cố cắn răng lại mà vẫn phát ra những tiếng rên ô… ồ… Khi làm xong, ông tây gần như ngất xỉu. Bà Phán líu ríu xoa dầu cho ông. Ông dần tỉnh lại, thấy trong người nhẹ hơn. Ông nhìn mọi người, mọi vật thật rõ ràng. Mặt ông hồi sắc lại và bây giờ ông đã hoàn hồn, tin là mình còn sống.

Hai người đàn ông ngồi bên bàn, mỗi người theo đuổi ý nghĩ của mình.

Ngày 03 tháng 9 năm 1939, khi người Anh và Pháp quyết định tuyên chiến với nước Đức Quốc xã, người ta tin rằng lần thứ hai vòng nguyệt quế quang vinh lại choàng lên cổ chú gà trống Gaulois kiêu hãnh như năm 1918 người Đức chịu ngậm đắng nuốt cay trao trả xứ Alsace và Lorraine cùng với việc giao nộp Hoàng Đế Guillaume II tưởng xóa đi nỗi nhục năm 1870 Bismarck đã bắt hàng trăm ngàn tù binh Pháp trong đó có cả Hoàng Đế Napoléon III – dòng dõi của một nhà cầm quân lẫy lừng thế giới!

Nhưng trớ trêu thay, chưa đầy một năm sau, chiến lũy Maginot – lá bùa hộ mệnh của nước Pháp đã thành vô dụng trước sự khôn ngoan quỷ quyệt của lũ phát xít mới, thành Paris đành bỏ ngỏ để quan lính của Hitler ngạo mạn tiến vào như trong một cuộc duyệt binh! Và người hùng Verdun, niềm tự hào của quân đội Pháp – viên Thống chế già nua kiêu hãnh Pétain, run rẩy cầm bút ký Hiệp định đầu hàng không điều kiện, kéo theo sự sụp đổ của nền Đệ tam cộng hoà! Hình ảnh một nước Pháp hào hoa rực rỡ với Thế kỷ ánh sáng toả khắp thế gian đã trở nên mù mờ u tối trước lớp người tân học từng thán phục và ngưỡng mộ nền văn minh Đại Pháp.

Cuộc chính biến ngày Thứ sáu vừa qua, chỉ một buổi chiều, không ai nghĩ nước Pháp vĩ đại thua nhanh như thế và một đội quân với những chiến tích lẫy lừng dưới thời Napoléon Bonapartlại hèn đến thế! Người Hà Nội tận mắt chứng kiến cảnh quân Nhật rượt đuổi chém giết bắt bớ người Pháp và đẩy họ vào nhà tù với mọi nhục hình, những phụ nữ da trắng bị lính Nhật đánh đập hãm hiếp công khai man rợ, không khác gì hình ảnh người Pháp đối xử với người Việt Nam bao lâu nay. Nhiều người trong lòng hả hê nhưng bề ngoài vẫn nơm nớp lo sợ vì lính Nhật đã từng đối xử với người Việt Nam như thế.

Người ta nghi hoặc hoang mang.

Nhật lật đổ Pháp ở Đông Dương và người Pháp bỏ chạy. Quân Nhật ở đây thắng thế nhưng nước Nhật cùng với phe Trục đang trong thế cờ tàn. Người Pháp ở đây thua nhưng ở bên kia Đại Tây Dương nước Pháp đã được giải phóng đang gượng dậy đã đứng về phe Đồng minh đang thắng thế. Mặc dù nước Pháp không còn được coi như cường quốc nữa và vị thế của họ không còn được bình đẳng trong khối Đồng minh nhưng điều gì sẽ xảy ra ở Đông Dương?

Những người Việt làm việc cho sở Mật thám Pháp trình diện quân đội Nhật

Những người Việt làm việc cho sở Mật thám Pháp trình diện quân đội Nhật trước khi được dùng để phục vụ cho Kempeitai. Biển chữ Hán : Đông Kinh châu lược trinh cục / Cục tình báo Bắc Kì (ảnh Thư viện Quốc gia Pháp)

Viên chủ sự của Phủ Toàn quyền Pháp hồi nhớ lại sự việc đã qua như trong cơn ác mộng, nét mặt chưa hết kinh hoàng: - Tôi thật không ngờ bọn Nhật lại tàn ác đến thế! Chúng tôi đã nhún nhường, nhân nhượng rất nhiều. Thế mà chúng bỗng nhiên ập tới, bắn giết loạn xạ! Tất cả người Pháp chúng tôi ở khu bờ sông bị dọn sạch chỉ trong một đêm. May lắm thoát được vài người. Tôi nhảy qua cửa sổ, bị nó vung kiếm chém theo. Tôi nghe tiếng súng nổ trong buồng, tiếng vợ tôi thét váng lên. Tôi chui được vào giữa bụi tre gai um tùm sau vườn. Vợ tôi bị nó lôi ra trước sân, áo quần tơi tả… Không thấy con tôi đâu!

Mấy thằng Nhật xông tới. Vợ tôi giẫy giụa, chống cự. Trời ơi!... Vợ tôi đâu? Con tôi đâu? Chúng hằn thù người da trắng!

Và  không kiềm chế được, y đập bàn thét lên:  

- Barbares sont les jaunes! (Bọn da vàng man rợ!)

Y giật mình sững sờ nhìn ông Phán, cam nhận một phản ứng khôn lường từ người thuộc cấp.     Ông Phán đứng bật dậy, quay qua chiếc bàn kê sát tường, thấy bức tượng Pétaine, tay ông huơ lên, tóm đầu nó đập thẳng xuống nền nhà, lời ông phát ra giữa kẽ răng:

- C’est le blanc! (Này thằng da trắng!)

Chân đạp lạo xạo trên những mảnh thạch cao, ông nhìn y khinh bỉ:      

- Những điều ấy các ông đã dành cho bọn Annamite chúng tôi từ lâu rồi chứ!

Ông tây run rẩy đứng lên, cúi đầu như đầy tớ nhận tội trước chủ:

- Xin ông tha lỗi cho tôi! Tôi không chịu đựng nổi và không biết mình đã nói gì! Tôi bây giờ thất thế cùng đường, chỉ còn biết dựa vào lòng nhân ái của ông bà. Những gì không phải xin ông bà rộng lòng bỏ qua cho!      

Ông Phán chưa hết giận: 

- Đêm nổ ra đảo chính, mấy sỹ quan của các ông còn xuống cái maison public (nhà thổ) Hồng Nga ở đây. Sáng ra hết đường về, trốn chui ở đó.

Bọn Nhật đi lùng bắt gặp, vừa ghét vừa ghen, chúng nó lôi lên giữa đường, bắt quỳ xuống, chém xả đôi người!

Ông chủ lỡ thời rùng mình run lên cầm cập.

Ông bà Phán thật nan giải. Viên chủ sự này là bạn một ông cố đạo tây. Ông cố đạo tây lại là đồng tu, đồng sự với Đức cha chánh xứ sở tại của giáo xứ ông Trùm. Mà ông Trùm là nhạc phụ của ông. Cha ông với ông Trùm tuy khác quê nhưng vốn là bạn đồng môn, cùng một thời tay xách nghiên mực tàu, tay ôm ống quyển theo học một thầy nho.  Nhưng cả hai ông đều dở dang sự học, rồi lại gặp nhau trên cố kinh dựng nghiệp. Cha ông – cụ Hai Mùi, học nghề bắt mạch tay, bốc thuốc và dậy học nên học trò gọi là thầy Đồ, người bệnh gọi là thầy Lang. Ông Trùm nối nghiệp gia đình buôn bán mở cửa hiệu Phát-Đạt, còn gọi là ông Trùm Phát-Đạt. Ông Thanh vừa học hết Thành chung thì gặp lúc gia cảnh khó khăn, ông phải bỏ học và thất nghiệp. Bởi tình bạn cố tri, ông Trùm thưa với Đức cha chánh xứ nói hộ với ông cố đạo tây, tới tai ông chủ Sự Jean Debue này và được nhận vào làm chân lục sự dưới quyền ông ta. Vậy Debue cũng là ân nhân của ông. Thật tình mà nói, trong mấy năm làm thuộc cấp, ông ta đối xử với ông cũng không có điều gì tồi tệ quá mặc dù giữa hai người cũng như giữa hai dân tộc

không thể nói tới sự bình đẳng là điều đương nhiên. Một bên là ông chủ da trắng người Âu cai trị và một bên là dân nô lệ da vàng châu Á! Một bên là dân tộc văn minh trí tuệ đến khai sáng cho dân bản xứ mọi rợ tối tăm!

Nhưng tình thế nay khác rồi. Làm ơn rồi mang họa mà quay đi thì bất nhẫn! Trước tiên là phải giữ kín chuyện này. Các con ông còn nhỏ, không lo. Ông gọi thằng Nhỏ, con Nhài lên dặn:

- Ông tây này là người tốt với nhà mình. Nay ông gặp nạn, phải cứu giúp người ta. Chớ để hở chuyện này ra là chết cả nhà!

Ông dự tính lỡ bị dò la, xục xạo thì bảo ông ta chui lên trần nhà, bò ra máng nước. Ông cẩn thận bảo thằng Nhỏ trèo lên trước kiểm tra. Còn vết thương trên người ông ta mới là chuyện khó. Cứ liều lĩnh giữ người bệnh ở đây, lỡ mệnh hệ nào, vỡ lở ra là chết. Mà đưa vào nhà thương khác nào đẩy ông ta vào đất tử. Gan ruột ông bà nóng như lửa đốt. Debue cũng đoán ra tâm trạng ấy, đứng ngồi không yên. Để Debue yên lòng, ông Phán nói:

- Tôi không bao giờ giao ông cho người Nhật đâu. Tôi cũng không đẩy ông ra đường bơ vơ nguy hiểm trong lúc này. Tôi lo làm sao chữa lành vết thương cho ông!  

Debue cảm ơn rối rít.  

Ông Phán dắt xe nói là lên Sở. Debue lo lắng, rụt rè rồi cũng nói thật ra:    

- Có ai hỏi, xin đừng nói tôi đang ở đây!

- Để ông ở đây thì nguy hiểm cho nhà tôi lắm. Nhưng tôi không thể nào làm những việc thất đức đâu! – Ông Phán cũng nói thật lòng.

- Xin lỗi! Xin lỗi! – Debue ngượng ngập.

Nhài, Nhỏ chạy xuống bếp bụm miệng cười:

- Cứ suốt ngày cảm ơn, xin lỗi như phường tuồng!

Trên đường từ sở làm về, ông Phán đi vòng qua Toà Đốc lý. Gần tới vườn hoa, ông thấy người ta xúm đông xúm đỏ hò reo la ó ầm ĩ… Thì ra họ đang hạ bệ tượng lão tây thuộc địa Paul Bert. Bây giờ là lúc người ta được nói thoả lòng mình:

- Hỡi anh em! Không thể để cho cái biểu tượng này của thằng Pháp ở đây. Nó là nỗi nhục quốc sỉ!       

- Bao lâu nay nó đứng lù lù ban ơn bố thí cho mình! Uất lắm mà không làm gì được. Bây giờ lôi cổ nó xuống đi!    

Chẳng là khi bình định xong mảnh đất nằm lọt giữa Ấn Độ (India) và Trung Hoa (Chine), từ năm 1889, người Pháp xoá bỏ các quốc danh, sáp nhập thành một khu vực biển Đông thuộc địa – Đông Dương (Indochine), gồm năm vùng lãnh thổ: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cao Miên và Lào, lấy Hà Nội làm thủ phủ của cả xứ thuộc địa này. Nam kỳ đã thành thuộc địa nhưng Trung kỳ và Bắc kỳ là đất bảo hộ vẫn  phải cắt ba đô thị lớn: Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội giao cho Pháp gọi là nhượng địa! Mỗi thành phố do viên Đốc lý người tây cai quản! Ở Hà thành, người Pháp phá đi ngôi chùa cổ bên hông Nhà Bưu Điện và toà Đốc lý để làm vườn hoa và đặt tên dựng tượng ghi nhớ lão tây già mặc dù lão mới qua xứ này chưa đầy năm đã lăn quay ra chết vì phong thổ ở đây tai nghiệt quá! Người ta kháo nhau rằng thằng Phú-lang-sa chơi xỏ lá mình: lão tây xâm lược đứng khinh khỉnh nhìn ra hồ Gươm linh khí núi sông, một tay giơ lên lá cờ đại Pháp, một tay xoè ra xoa đầu tên nô lệ An Nam ngồi cúi đầu thảm hại dưới chân! Người Hà Nội căm lắm, chưa có dịp phăng nó đi thôi.

Người ta dồn đến chân tượng đông qúa. Ai cũng muốn thể hiện nỗi phẫn uất của mình. Thân tượng lăn kềnh xuống đất! Người ta xông đến đập túi bụi vào cái thây thằng tây thuộc địa nằm lăn lóc đó. Có những tiếng la hét khoái trá

- Đập cho vỡ mặt nó ra!

Có ai phao lên rằng ở vườn hoa Cửa Nam, tượng “mụ đầm xoè” cũng chung số phận! Đó là phiên bản tượng nữ thần Tự do – là niềm tự hào của nền nghệ thuật điêu khắc Pháp được đặt ở hải cảng New York Hoa Kỳ. Nhưng sang đến Việt Nam thì ngọn lửa tự do trên tay thần đã tắt ngủm tự bao giờ thành vô tích sự! Lúc đầu cho mụ đứng chon von trên đỉnh Tháp rùa nhưng sau xem chừng để ông tây đêm ngày dòm ngó bà đầm tung váy lòe xòe chướng quá nên dời cho đến đứng ở đây. Người Hà Nội coi vị nữ thần không khác gì mấy con mụ “đầm xoè” vẫn hàng ngày phất phơ trên hè phố! Cả tượng thằng “tây buôn” (Jean Dupuis = Đồ Phổ Nghĩa) mặt trơ trán bóng bên bờ đê sông Hồng cũng bị dân chúng kéo dầm đầu xuống vì cái tội mượn danh đi buôn để mở đường cho lính Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ!

Quá trưa ông Phán trở về với tâm trạng mừng lo lẫn lộn.

Bà Phán đợi chờ. Debue hồi hộp. Ông Phán nói to giữa nhà

- Người Nhật bảo trước ai làm việc gì, nay vẫn làm việc đó. Lương họ trả đủ như cũ. Họ còn nói rằng đã trao trả quyền độc lập cho Việt Nam mình!

Và ông thông báo:

- Dân chúng hạ bệ cả lão Paul Bert, mụ Đầm xoè và lão Tây buôn rồi!

Quay qua Debue, ông nói nhỏ hơn:

- Người Nhật cũng bảo ai biết người Pháp nào trốn tránh ở đâu thì phải chỉ ra. Người da trắng là kẻ thù của các dân tộc da vàng. Ai chứa chấp họ không tha cho đâu!

Debue tái mặt, run lập cập. Bà Phán cũng không thở được.

Chỉ còn Debue và vợ, ông Phán nói vừa đủ nghe:      

- Mình giờ như người cưỡi trên lưng cọp rồi!

Ông quay qua vợ:                                                

- Tôi nhờ thầy hỏi Đức cha xem đem gởi ông đây vào Nhà thờ cho qua đoạn này đi rồi sẽ tính sau. Thầy chạy qua Cha, về bảo: Cha nói làm vậy hỏng việc lớn. Bọn Nhật biết được, thừa cơ hội này nó phá tan tành!

Debue nhợt nhạt như người chết đuối. Bà Phán thở dài thườn thượt. Ông Phán nói an ủi cả hai:  

- Tôi cùng thầy đến nhà Docteur Bửu Quốc, nói khó nhờ ông xuống thăm cho người nhà bệnh nặng. Là chỗ thân tình ông không quản ngại gì, hẹn xế chiều sẽ tới. Thầy thuốc hứa hẹn không sai bao giờ!    

Docteur Bửu Quốc từ chiếc xe Citroene bước ra đi thẳng vào nhà. Thấy Debue, ông hơi lúng túng vì bị bất ngờ. Ông Phán sượng sùng đứng ra xin lỗi: 

- Thưa Bác sỹ! Tôi thật có lỗi vì đã không nói trước chuyện này! Nhưng từ lâu tôi biết Bác sỹ là người nhân ái vị tha. Sự việc mới xảy ra Bác sỹ đã biết. Gia đình tôi có thể tạm che giấu ông đây nhưng không thể chữa lành vết thương cho ông được. Tình thế tôi không thể nào làm khác. Mong Bác sỹ lượng thứ cho! 

Bác sĩ lấy lại chủ động, đưa tay về phía Debue nhưng lại hướng về ông Phán :           

- Ông bà còn làm được những việc nhân đạo huống chi tôi!          

Debue mừng ra mặt. Chủ nhà đã chuẩn bị sẵn rồi. Công việc chuyên môn làm ở trong buồng. Nếu động, cho ông tây leo lên trần, bà Phán thay làm người bệnh.

Bác sĩ thăm bệnh rồi nói:     

- Vết thương lớn nhưng không phạm nơi hiểm. Vì để quá trễ nên không thể khâu liền ngay. Nếu được chăm sóc và thuốc thang tốt, bệnh sẽ lành tuy có hơi lâu.

Ông mách bảo tỷ mỷ từng việc cho bà Phán.

Mọi người ra nhà ngoài. Debue tươi hơn:

- Tôi có vài lần được hân hạnh gặp Ngài!

Bác sỹ hất đầu lên:               

- Oh… Oui!... Nhưng lúc đó ông là đại diện của nước mẹ Đại Pháp!

Và quay sang mọi người, giọng ông nhỏ hơn nhưng chua chát:   

- Còn chúng tôi: vua, quan, sĩ, dân đều là nô lệ. Có khác chăng chỉ là kẻ đói người no!

- Thưa… Tôi không nghĩ thế! Qúy phu nhân ngài bác sĩ cũng là con nhà dòng dõi trâm anh của dân tộc chúng tôi!

- Je suis marié pour l’amour et non pour autre but! (Tôi lấy vợ vì tình yêu chứ không có mục đích nào khác!)

Nhìn bà chủ, Bác sỹ nhớ ra, dùng tiếng Việt:

- Tôi biết từ trong ruột sự ưu ái của nhà nước Bảo hộ là thế nào rồi!

Bác sỹ ngước nhìn lên hồi tưởng:

- Tôi đã sống ở Pháp gần bằng thời gian Vương Thuý Kiều lưu lạc. Tôi có nhiều bạn bè Pháp học thức. Tôi nhận ra rằng người Pháp ở chính quốc không giống người Pháp ở bên đây! Tôi yêu nước Pháp cũng như tôi yêu tổ quốc của tôi. Thời trai trẻ, tôi từng nghĩ rằng có bằng cấp cao do người Pháp cấp cho, tôi sẽ được đối xử bình đẳng ở bất cứ đâu… Nhưng thực ra không phải thế!

- Tôi tin rồi sẽ khác, ở tương lai! – Debue dịu giọng.

Bác sĩ tưởng ông quan tây đã tỉnh, dốc lòng ra:

- Từ khi quân Pháp gây hấn xâm lược Việt Nam, vua quan triều đình Huế nhu nhược liên tiếp ký các hiệp ước đầu hàng: Hoà ước năm 1862 chịu mất ba tỉnh miền Đông, rồi mất luôn ba tỉnh miền Tây. Hòa ước Giáp Tuất (1874) cắt đứt Nam Kỳ cho Pháp! Hoà ước Giáp Thân (1884) công nhận sự bảo hộ của người Pháp ở cả hai xứ Bắc kỳ và Trung kỳ! Coi như người Việt Nam từ đây hoàn toàn mất nước! Dân chúng tôi mang nỗi nhục quốc sỷ chưa biết bao giờ gột sạch! Ngày 22 tháng 6 năm 1940, Thống chế Henri Philippe Pétaine ký Hiệp ước đầu hàng Đức Quốc xã. Quá nửa lãnh thổ nước Pháp nằm dưới gót giày của quân xâm lược! Hẳn người Pháp đồng cảm với chúng tôi nỗi nhục vong quốc ấy. Bây giờ người Pháp đã không đủ sức bảo vệ Đông Dương, để cho nó lọt vào tay Nhật. Người Nhật tuyên bố trao trả lại quyền độc lập cho Việt Nam. Ngày 13 tháng 3, Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố huỷ bỏ mọi Hiệp ước mà triều đình đã ký kết từ trước đến nay với người Pháp. Nay mai Đồng minh thắng, Nhật phải cuốn xéo về nước. Đất nước chúng tôi hoàn toàn độc lập. Hai nước Việt–Pháp thân thiện và hoàn toàn bình đẳng. Tôi tin là những người Pháp dân chủ sẽ ủng hộ một nước Việt Nam mới độc lập, tự do!

- Tôi rất cảm ơn Ngài! – Debue trả lời không trúng mạch.

Bác sĩ bị hẫng, lạnh nhạt đứng dậy định bước ra. Bà Phán nâng chiếc khay có để mấy tờ giấy bạc Đông Dương: 

- Kính xin Bác sỹ nhận ở chúng tôi tấm lòng thành!

Bác sĩ xua tay:

- Để cứu người này, tôi chỉ làm một việc nhỏ, so sao được với nghĩa cử của ông bà!

Debue nói vào:

- Ngài Bác sĩ thật xứng danh môn đệ của Hypocrate!

Bác sĩ nhìn y:        

- Tôi từng được nước Pháp đào tạo thành người thầy thuốc giỏi. Việc làm của tôi như một sự tri ân!

Ông bước đi mấy bước bỗng dừng chân, quay lại nói giọng đầy xúc động:

- Con gà trống Gaulois là biểu tượng của nước Pháp! Nó cất cao tiếng gáy: Liberté–Égalité–Fraternité! (Tự do–Bình đẳng–Bác ái!) Đó là lời báo hiệu buổi bình minh của nhân loại!

Rồi ông quay gót đi nhanh.

Con người này thật đặc biệt. Dáng người ông tầm thước, thanh tú, trán cao, đôi mắt lúc nào cũng lim dim như cười nhưng lại rất mơ màng tư lự, nói chuyện dí dỏm sâu sắc và nói tiếng Pháp tuyệt vời. Ông vừa là hoàng thân vừa là quốc thích. Ông thuộc dòng đế hệ thứ tư khởi từ vua Miên Tông Thiệu Trị (Miên–Hồng–Ưng–Bửu–Vĩnh). Thân phụ ông là một trong tứ trụ triều đình. Anh em ông thuộc lớp người trẻ Việt Nam sớm theo tân học và tây du thành tài, hấp thụ trực tiếp nền văn minh và văn hoá Pháp. Ông giỏi chuyên môn và am tường văn học, triết học và nghệ thuật phương Tây. Ông khâm phục cách mạng Pháp 1789 với bản Tuyên ngôn nhân quyền nổi tiếng. Ông mơ ước được đem tài trí của mình ra cứu nhân độ thế, giúp đồng bào ông đang thống khổ và cùng mọi người hưởng những quyền tự do thiêng liêng bất khả xâm phạm kể cả quyền được chống áp bức bất công.

Sau hơn mười năm cần cù học tập, từng là nội trú các các bệnh viện lớn ở Paris (intern des hopitaux de Paris) trước khi đạt được tấm bằng Tiến sỹ Y khoa danh giá và nếm đủ hương vị vui vẻ ngọt ngào ở kinh thành Paris tráng lệ, ông theo lệnh của phụ thân trở về nước vì các vị không muốn con trai mình nhập quốc tịch tây, lấy vợ đầm.

Oái oăm thay, mối tình của đôi trai gái trẻ đã xóa nhòa đi cái ranh giới chủng tộc Á-Âu. Cô gái dòng dõi quí tộc De Lucina vượt qua nửa vòng trái đất từ Đại tây dương sang Thái bình dương theo tiếng gọi của tình yêu. Anh thanh niên quí tộc phương Đông Bửu Quốc trọng chữ hiếu nhưng cũng giữ trọn chữ tình. Sức hút nào mà một cô dâu da trắng tóc vàng biết cùng bà mẹ chồng bé nhỏ da vàng tóc bạc đi chùa lễ Phật và tối tối lại cùng ngồi bên bà nghe ê a lời kinh kệ với tay nhịp đều gõ mõ điểm chuông? Họ thành đôi uyên ương mà trai gái đất thần kinh tôn vinh như một biểu tượng của tình yêu không biên giới.

Năm 1922, khi còn là sinh viên, ông biết rõ chuyện vua Khải Định chật vật lắm mới xin được các quan thuộc địa duyệt kinh phí cho du quan qua Pháp dự Hội chợ đấu xảo ở Marseille, tiện thể mang theo Thái tử Vĩnh Thụy mới 10 tuổi sang ký thác cho nước mẹ dậy dỗ. Cũng vào thời gian đó, ở Paris, các đại cường quốc nhóm họp Hội nghị các nước có chủ quyền ở hải ngoại, mở rộng cho cả các tiểu quốc bị trị cũng được đến ngồi nghe. Khải Định hí hửng xa giá lên Paris, bị những người đồng hương xa xứ tẩy chay quyết liệt. Nhà vua bị ám sát hụt! Nhà yêu nước Phan Chu Trinh viết «Thư thất điều» vạch tội vua bán nước! Ông Nguyễn Ái Quốc viết kịch «Con rồng tre» chế diễu vua bù nhìn! Nhục nhã nhất là nước An Nam không có tên trong danh sách được mời! Trong khi đó Cao Ly là nước bị Nhật Hoàng đô hộ lại có ghế ngồi trong Hội nghị! Các quan thuộc địa Pháp lo lót xin xỏ mãi mới kiếm được mấy cái ghế cho đám con hoang Nam triều ngồi nghe hóng ở bên ngoài phòng họp! Khải Định uất đến thổ huyết ra!

Tuy nhiên anh sinh viên trẻ thông minh xuất sắc của hoàng triều An Nam lúc đó còn mơ tưởng rằng người ta khinh bỉ một tên vua bù nhìn ngu ngốc và hủ lậu nhưng với lớp trí thức trẻ học rộng tài cao lại do chính quốc dậy dỗ như các anh thì khác.

Nhưng khi trở về tổ quốc thì bao nhiêu hoài bão của ông bị thực tế phũ phàng vùi dập! Dù gia thế của ông như vậy và dù ông có đủ bằng cấp quí giá chứng thực tài năng do chính những người thầy Pháp danh thơm nức tiếng xác nhận nhưng ở xứ thuộc địa này người ta không thừa nhận! Người ta chỉ coi ông như một bác sỹ tập sự làm phụ tá cho những bác sỹ người tây da trắng tầm thường, vô lương tâm và ngạo mạn! Đơn giản chỉ vì ông là dân nô lệ! Giỏi giang gì thì cũng chỉ là một tên tây lai bản xứ! Nhờ uy tín của cha, ông được mang danh là Bác sỹ đặc trách sức khoẻ của Hoàng triều nhưng mỗi sự khác thường nơi ngọc thể của đấng quân vương nhất nhất ông phải trình lại với những thầy thuốc người tây mà trình độ học vấn và chuyên môn đều thua kém ông! Ông cảm thấy uất ức và tủi nhục trong lúc các thầy và bạn ở bên Pháp gọi sang làm việc tại những bệnh viện danh tiếng nhưng song thân không muốn xa con nên ông không đành lòng dứt áo ra đi. Có lúc không kiềm chế được, ông vác ghế định phang tên đồng nghiệp cấp trên dốt nát và hống hách. Ông bị coi như người hay gây rắc rối, bị thuyên chuyển đó đây rồi trôi ra Hà Nội. Các đồng nghiệp bản xứ không ai tin rằng sẽ có ngày ông được cầm con dao mổ vì lúc đó ở cả Đông Dương chỉ có hai bác sỹ người Pháp độc quyền làm việc đó. Với ông, được trở thành một phẫu thuật viên là lẽ sống và niềm tự hào. Bởi tài năng và quyết tâm của ông và cũng có phần do thời cuộc đang lúc ngả nghiêng rối rắm mà người Pháp buộc phải để cho ông làm phẫu thuật trước sự ngạc nhiên của bao nhiêu đồng nghiệp. Cái cảm giác chua xót trong cas mổ đầu tiên ông đứng chân người mổ chính mà người y tá trợ thủ tỏ ra lúng túng, nghi ngờ, sợ sệt… ông mãi không quên.            

Bề ngoài xem ông bình thản vậy mà bên trong u ẩn nhiều tâm trạng cho nên khi gặp dịp là bộc phát ra…

Sức khoẻ Debue dần bình phục. Nhưng gia đình chủ rất đau đầu. Tính sao bây giờ? Cái kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra! Đó đây thằng Nhật lùng bắt được mấy người trốn tránh, nó xử thẳng tay trước chỗ đông người, cả kẻ trốn chạy lẫn người che giấu! Gan ruột bời bời, ông bà bế tắc.

Một hôm từ chợ về, bà kéo ông lại thì thầm:

- Mình ơi! Hay là thử hỏi anh Nghĩa xem sao?

Nghĩa là cháu ruột con người anh thứ hai của ông. Ông anh thành đạt, làm chức Thương tá nhưng chẳng may mệnh yểu, nghe đâu bị lao lực vì học quá. Bà vợ còn trẻ, gửi con lại bên nội về nhà mẹ đẻ rồi tái giá. Từ tấm bé, Nghĩa ở với ông bà và chú, hiện đang học Tú tài Trường Bảo Hộ. Hàng ngày Nghĩa ở trên chợ Chùa Vua trông cửa hàng vải phụ thím, cả tháng mới về nhà một lần. Ông Phán lưỡng lự, nghĩ cháu trẻ người non dạ lỡ miệng bép xép, bạn bè học trò như cái loa khó mà giấu được.

Nhưng rồi ông cũng phải nhắn gọi cháu về.

Chàng thư sinh trắng trẻo, đậm đà, tầm thước bước vào nhà. Anh cúi đầu chào chú và quay qua khách. Nhưng khi nhận ra đó là một ông tây, anh lùi lại, giương đôi mắt to sáng như muốn hỏi. Chú vẫy anh đến ngồi ghế bên, từ tốn giới thiệu:

- Đây là ông Debue, chef của chú. Nói thế chắc cháu đã hiểu ra. Chú chưa biết tính sao. Cháu có giúp gì được cho chú?

Debue đứng dậy, giơ tay ra nhưng Nghĩa xoay người lại, ngả lưng, mắt hướng lên trần, hai tay vịn trên thành ghế. Debue sượng sùng, hạ tay và ngồi xuống. Chú tỏ ý không hài lòng, nhắc khéo anh:

- Ông cũng là ân nhân của nhà này!

Nghĩa dựng người lên, nhìn thẳng vào Debue, giọng mỉa mai:

- Kể ra thì người Pháp là ân nhân cho cả mấy mươi triệu dân An Nam khốn khổ này mới đúng. Họ sang đây khai sáng cho chúng ta mà!

Rồi không kìm được, anh bật dậy, chỉ thẳng vào Debue và uất ức nói như vạch tội:

- Các ông vẫn nói rằng phải đến đây để lãnhsứ mệnh cao cả là bảo hộ chúng tôi mà từ khi thằng Nhật mới qua, các ông đã hèn nhát dâng toàn xứ Đông Dương cho nó! Dân chúng tôi cùng cực vì một cổ hai tròng. Ở chính quốc các ông mất nước vào tay quân phát xít nhưng ở đây các ông lại tiếp tay cho quân phát xít xâm lược bức hại chúng tôi để được nhởn nhơ phè phỡn chờ thời. Bây giờ thì nạn đói đang hoành hành! Đã bao nhiêu người chết đói! Ngay cửa nhà này, mấy người nằm đó liệu còn sống được bao lâu? Nhưng rồi thằng Nhật nó cũng không tha các ông! Các ông chết là đáng đời lắm! Dân chúng tôi nguyền rủa các ông!

Debue xanh mặt.

Ông Phán hốt hoảng nhìn cháu, cố trấn tĩnh xem sao có sự lạ thế này. Cháu ông xưa nay vốn điềm đạm, lễ phép mà sao tự nhiên nó nộ khí xung thiên trước mặt hàng cha chú? Bà Phán run lẩy bẩy, kéo tay Nghĩa ngồi xuống, ghé tai cháu thì thào:     

- Ngày nào thím cũng mang cơm canh cho họ! 

Nghĩa vẫn chưa nguôi cơn giận:

- Của bố thí ấy chỉ để cho họ kéo dài cuộc sống lay lắt thêm vài ngày nữa thôi. Rồi họ sẽ chết! Rồi còn nhiều người chết!

Anh đứng dậy đi loanh quanh trong phòng. Mọi người im lặng chờ anh hạ cơn nộ khí. Bước chân anh đi chậm lại. Anh đến đứng bên thành ghế chú, đưa tay về phía Debue chế nhạo:

- Ôi! Chàng hiệp sỹ gà trống đã vứt bỏ cả ngựa cùng với yên cương, gươm giáo chui lủi thế này thì còn hy vọng gì được nữa?!

Debue cúi gầm mặt xuống. Giọng Nghĩa trở nên quả quyết:

- Muốn cứu mình, dân tộc này chỉ còn cách đánh đuổi giặc Nhật mà thôi!

Anh vịn tay trên thành ghế, giọng dịu xuống:

- Dù sao các ông đã là kẻ bại trận, chúng tôi không nối giáo cho giặc giết hại các ông đâu!

Debue ngước lên, đôi mắt sáng ra. Nét mặt mọi người bớt căng, cùng nhìn anh chờ đợi. Anh ghé nói riêng với chú:

- Cháu phải đi tìm hỏi bác giáo Huy!

- Bác giáo hiện ở đâu? Sao cháu biết? – Ông Phán lộ vẻ ngạc nhiên.

- Bác ấy giờ là một yếu nhân của Mặt trận Việt minh!

Debue nẩy người lên như bị điện giật:

- Năm ngoái trên đường xuống chợ Mơ có một ngài bị bắt ở khu Nhà Tám Mái?

- Đúng! Ông Hoàng Văn Thụ!

Nghĩa nhìn Debue bằng đôi mắt nẩy lửa:

- Và đã bị hành hình ở trường bắn Bạch Mai! Các ông đã giết biết bao nhiêu người yêu nước chúng tôi. Nhưng các ông không nhấn chìm được ý chí giành độc lập của chúng tôi đâu! Các ông chỉ chuốc lấy lòng căm thù và khinh bỉ. Rồi các ông phải trả giá!

Anh hầm hầm bỏ đi.

Ông Phán nhìn theo cháu vừa lo lắng vừa khâm phục. Debue nói nhỏ:

- Lớp trẻ bây giờ khác với các ông nhiều quá!

Ông Phán nhìn Debue tự hỏi: Hắn nói vậy là có ý khen hay chê mình? Tự dưng trong lòng ông nẩy ra lời trách cứ vu vơ: Ma quỉ nào dắt rủ hắn tới nhà mình? Nếu không có chuyện này thì làm sao cháu ông phải lặn lội đi làm một việc phiêu lưu như thế!

Ông Trịnh Huy là con bạn dì với ông và cũng là hậu duệ của một dòng chúa Trịnh. Dù là lứa trên anh Cả, anh Hai ông nhưng mấy người ấy thân nhau lắm. Ông Trịnh tinh thông chữ Hán, ngấp nghé đăng khoa nhưng lỡ thời vận, gặp lúc người ta vơ đũa cả nắm coi như một lũ hủ nho, ông xoay qua tây học. Ông không theo học chính thức một trường tân học nào mà cũng giỏi tới mức viết sách, viết báo bằng chữ tây, chữ Quốc ngữ nổi danh khắp ba Kỳ. Nghe nói ông có tham gia hội kín hội hở gì đó, bị lưu đày hết rừng xanh núi đỏ ma thiêng nước độc lại ra mãi hải đảo quỉ khóc thần sầu. Vào tù ra khám như bắt cóc bỏ đĩa. Những lúc bị cầm chân tại gia, ông dạy học. Văn chương, Địa lý, Lịch sử tây tàu cổ kim, chữ Pháp, chữ Hán, chữ Nôm, Quốc ngữ ông làu thông văn tự. Nhưng không trường nào dám giữ ông lâu vì luôn bị chính quyền hạch sách. Dạy học ở nhà hoặc tư gia, học trò dần cũng dãn thày ra vì sợ bị liên lụy nghi can. Vợ ông ở nhà một nách nuôi lũ con nhỏ lại một tay phụng dưỡng cha mẹ chồng già, bảo tồn gia phong dòng tộc mà còn bị nay hạch hỏi, mai tra xét. Gian lao cơ cực vậy mà bà cứ cặm cụi, tần tảo, không kêu than, oán trách, qụy lụy một ai. Lâu lâu trắc trở trên hành lộ ông mới dừng chân ở nhà, bà vẫn ân cần chăm sóc chồng. Rồi ông lại như cánh chim bằng bay tít mù khơi. Bà lại vò võ quán xuyến mọi việc cửa nhà cho chồng nhẹ gánh. Cả hai bên nội ngoại đều quý trọng ông, mến nể bà. Có ai giúp đỡ chỉ âm thầm dấm dúi chớ không dám ra mặt sợ bị liên can. Vậy mà thằng cháu ông lại như người gần gũi với bác Trịnh là nghĩa làm sao? Ông mơ hồ nghi hoặc. Ông vừa lo cho cháu lại vừa thán phục…

Mấy hôm sau, lúc trời nhá nhem tối, chiếc xe kéo dừng lại trước nhà ông Phán. Một người đàn ông thấp nhỏ, trang phục sang trọng từ trên xe bước xuống đi thẳng vào nhà. Theo sau có ba người mặc đồng phục short trắng kiểu học sinh thong dong đi xe đạp. Nghĩa lao xe xuống dốc vào nhà. Hai người còn lại vòng vèo quanh đầu ô. Mấy ả Hồng-Nga thi nhau nheo nhéo gọi:

- Các anh ơi! Vào đây… tí… nào!

Cùng với những tiếng cười khanh khách.

Khách bỏ mũ ra, ông Phán đứng bật dậy chạy tới ôm chầm lấy, vồn vã:

- Bác Giáo! Bác có khoẻ không? – Ông lùi lại ngắm nghía ông anh lâu ngày mới gặp

Bà Phán tới bên ông anh chồng xuýt xoa:

- Ôi bác! Bao lâu nay chúng em vẫn nhớ! Ô! Ông anh cũng có gầy sút nhiều đi đấy  nhưng chúng em vẫn nhận ra. Bác cứ ở đây, em tẩm bổ cho ít ngày, về nhà là bà chị em không nhận ra được đâu!

Ông anh cười khà khà:

- Dù sao cũng không đến nỗi phải chết đói như những người ở ngoài kia!

Tay ông chỉ ra phía cửa. Quay qua thấy ông tây, ông Trịnh nhìn các em:

- Chú thím lo cho tôi, liệu ông khách quý này có vừa lòng không?

Debue đứng dậy, chắp hai tay cúi đầu cung kính:

- Dạ… Tôi đến đây chỉ xin được nhận sự ban ơn. Thưa… Chính ngài mới xứng đáng được nhận sự kính trọng của mọi người ở đây.

Ông Trịnh nhìn khắp nhà… Ngoài kia Nghĩa đã bắc ghế ngồi chắn ngay trước cửa rồi. Ông chủ động nói luôn:

- Xin lỗi! Tôi ở đây lâu e không tiện. Có việc gì cần ta bàn tính ngay đi!

Ai nấy yên lặng, hồi hộp. Ông Phán lên tiếng trước:

- Thưa bác… Ông đây nguyên là chef của em. Sự thể chắc bác đã biết. Bây giờ vết thương trên người ông sắp lành rồi, ở lại đây lâu e nguy hiểm. Chúng em đành bó tay… Nhờ bác chỉ cho ông lối thoát!

- Tôi thành thật trông cậy ở ngài! – Debue đưa hai tay ra trước

Ông Trịnh nghiêm giọng:

- Ngày 9 tháng 3 vừa rồi, phát xít Nhật đã lật đổ các ông! Ngay hôm sau, Đại sứ Nhật thay mặt Thiên Hoàng gặp vua Bảo Đại tuyên bố trao trả cho Việt Nam quyền độc lập mà họ vừa giành được từ trong tay Pháp! Người Nhật làm Cố vấn tối cao! Như vậy là người Pháp không còn gì ở Việt Nam nữa. Nhưng thực ra nền độc lập đó chỉ là giả hiệu ! Cố vấn Nhật với Toàn quyền Pháp cũng vậy thôi. Đông Dương từ nay không còn là thuộc địa của Pháp nhưng đã là thuộc địa của Nhật và các dân tộc ở đây đang lâm vào hoàn cảnh vô cùng bi thảm! Khẩu hiệu của chúng tôi lúc này là: Ủng hộ Đồng minh! Đánh đuổi phát xít Nhật giành độc lập cho Tổ quốc! Các ông có ủng hộ chúng tôi không?

Debue bị dồn ngay vào thế kẹt, y thở dài ngao ngán, lặng thinh. Ông Trịnh cười mai mỉa:

- Trong cuộc chính biến vừa rồi, trên toàn cõi Đông Dương, ngoài bốn vạn Pháp kiều và hàng vạn binh lính Âu-Phi nhà nghề và tuy trang bị quân Pháp có thua kém quân Nhật nhưng cũng có đủ cả máy bay, tàu chiến, xe tăng, thiết giáp, đại bác, liên thanh, súng ngắn, súng dài… Vậy mà chỉ trong 24 tiếng đồng hồ, toàn bộ quân Pháp đã bỏ chạy hoặc đầu hàng! Hàng trăm sỹ quan từ uý đến tá, tướng bị hành hình chém giết như thời trung cổ! Hàng ngàn binh lính Pháp bỏ mạng khắp nơi! Hàng vạn lính tráng, sỹ quan, công chức và kiều dân Pháp bị đẩy vào các nhà tù, trại giam và bị đầy đọa cho chết dần mòn! Ở bên kia Đại tây dương, một nước Pháp hùng cường vĩ đại với các đồng minh lớn mạnh là vậy mà mới chỉ vài tháng đã chịu thua, chịu ký Hiệp ước đầu hàng không điều kiên, chịu để cho Hitler chiếm đóng trên quá nửa lãnh thổ quốc gia! Chính phủ Vichy nhận hợp tác với Đức quốc xã có nghĩa là đã phản bội Đồng minh! So với nước Việt Nam nhỏ bé nghèo nàn chúng tôi bị đại cường quốc Pháp xâm lược mà gần một trăm năm nay dám cả gan không ngừng chống lại, kể ra cũng không phải là hèn!

Ông Trịnh đứng lên, mọi người quây lại quanh ông từ lúc nào, cả mấy thanh niên học sinh áo trắng cũng đứng ở đây. Debue đứng dậy theo nhưng cúi đầu xuống, đôi khi ngước mắt lên lấm lét nhìn mọi người. Ông Trịnh hăng hái nói liền một hơi:

- Thực tế là người Pháp đã bỏ chạy để Đông Dương lọt vào tay Nhật! Vậy mà ngày 24 tháng 3 mới đây, tại Brazaville, Chính phủ lâm thời kháng chiến Pháp ra tuyên bố với thế giới rằng: Liên bang Đông Dương là một bộ phận trong Liên hiệp Pháp mà quyền lợi bên ngoài do Pháp đại diện! Năm nước (!) thành viên trong Liên bang Đông Dương được có một Chính phủ Liên bang do viên Toàn Quyền Pháp đứng đầu!

Ông nhìn Debue cười mỉa:    

- Bây giờ ông Toàn quyền Decoux với cả bầy tướng lĩnh và nhân viên Chính quyền thuộc địa đang nằm trong các «nhà đá» của phát xít Nhật ở Sài Gòn, Hà Nội, Hoà Bình, Lao Bảo…! Bây giờ các đám tàn quân Pháp đang tháo chạy trong các nẻo rừng già biên giới hướng qua Trung Hoa, Thái Lan, Miến Điện! Chẳng những họ không hợp tác với quân du kích Việt Nam kháng Nhật mà họ còn phá huỷ hết những vũ khí và trang bị không mang theo được! Thậm chí họ còn tàn ác thảm sát đồng bào chúng tôi ở những nơi mà họ chạy qua! Trong khi tướng Charle De Gaulle kêu gọi những người Pháp yêu nước hợp tác chiến đấu giải phóng quê hương và được dân chúng ngưỡng vọng như vị anh hùng cứu tinh của dân tộc Pháp thì với Đông Dương ông ta tuyên bố thẳng thừng rằng Pháp sẽ chiếm lại sau khi nước Nhật bại trận!

Ông Trịnh đập hai tay xuống, giọng đầy phẫn uất :

- Ai sẽ đánh bại quân Nhật? Đó là Hồng quân Xô viết! Đó là quân Đồng minh Anh, Mỹ! Đó là lực lượng kháng chiến Trung Hoa và ở đây, Mặt trận Việt minh đang cầm súng chiến đấu, sẵn sàng ủng hộ và hợp tác với những ai đánh Nhật. Chúng tôi không mơ tưởng hão huyền vào ai. Người Pháp tự do đàn áp những người Việt Nam yêu nước và lúc nguy khốn họ cũng tự do vứt bỏ súng gươm trốn chạy, đầu hàng, chờ khi quân Nhật thua rồi, họ quay trở lại tự do đè đầu cưỡi cổ chúng tôi! Phải chăng đó là những việc làm bác ái và bình đẳng?! Than ôi, cái biểu ngữ phù du âý chỉ lừa mị được những người nhẹ dạ cả tin thôi. Chúng tôi cũng không tin vào người Nhật! Nền độc lập mà người Nhật ban cho, chủ nghĩa Đại Đông Á mà người Nhật trưng ra, chúng tôi không bị mắc lừa đâu! Người Trung Hoa, người Cao Ly cũng là giống da vàng mà họ tàn sát như thế nào, mọi người đều biết! Thế giới dân chủ đang liên kết lại! Các dân tộc bị áp bức đang vùng dậy! Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, chúng tôi phải tự giải phóng cho mình. Thời cơ giành độc lập của chúng tôi đúng vào giờ phút này đây! Dân tộc chúng tôi cần những người dẫn dắt kiên cường, tỉnh táo. Nước Pháp đã được giải phóng và đã đứng về phía Đồng minh chống phát xít. Chúng tôi bênh vực những người Pháp đang bị thất trận ở đây. Chúng tôi mở rộng vòng tay đón họ hợp tác với chúng tôi đánh Nhật. Bằng không, chúng tôi sẵn sàng giúp họ vượt qua biên giới tìm cách liên hệ với Đồng minh để trở về tổ quốc. Sự nghiệp của chúng tôi nhất định thành công!

Có ai đó vỗ tay nhẩy lên reo nhưng kịp kìm lại được. Debue mắt long lanh đầy xúc động bước tới nắm hai vai ông Trịnh:  

- Xin cảm ơn ngài lãnh tụ Việt minh! Các ngài bác ái, cao thượng quá! Chúc các ngài chiến thắng! 

Ông Trịnh chưa hết phấn kích, giơ hai tay lên trời như diễn giả nói trước đám đông:

- Anh chị em! Đồng bào bị đọa đày đau khổ đang kêu gọi chúng ta! Mọi người hãy vứt bỏ đi những ham muốn riêng tư, một lòng đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì tương lai hạnh phúc của con cháu chúng ta! Hãy đứng lên cứu nước cứu nhà!

Mọi người đầm đìa nước mắt quây lại ôm chầm lấy ông. Ông Trịnh chủ động bắt tay Debue. Debue hai tay nắm chặt bàn tay người lãnh đạo một tổ chức mà trước đây không lâu y đã ra sức truy lùng và quyết thẳng tay trừng trị. Ông bà Phán tay trong tay người anh kính mến tiễn ông ra cửa mà như níu ông anh ở lại. Ông Phán chân thành:

- Có việc gì anh cứ bảo  em! 

- Bác cần giúp đỡ gì, em sẽ hết lòng! – Bà Phán cũng thật thà.

Ông Trịnh suy nghĩ, lưỡng lự một chút, đặt tay lên vai người em dâu, giọng nhỏ đi:         

- Những người cách mạng chẳng cần gì cho riêng mình. Ngay cả mạng sống cũng nhẹ như lông hồng thôi! Nhưng riêng anh chỉ có một điều…

Ông nghẹn lời một lúc rồi trấn tĩnh lại:

- Chỉ mấy tháng nay song thân tôi đã qua đời! Vừa đây tôi mới được tin đứa nhỏ nhà tôi… đã mất!

Ông ngậm ngùi:

-  Chắc là chết đói quá!

Ông hít  vào một hơi dài lấy sức :

- Anh biết lòng chú thím!

Ông nhìn người em dâu với đôi mắt buồn và tin cậy.

- Chuyện đó nhà em biết thì đã muộn rồi! Bà chị em giữ kẽ kín đáo quá! Em xin hứa với bác là chỉ khi nào các con nhà em đói thì các cháu nhà bác mới đói thôi! Bác cứ yên tâm lo việc nước! – Bà Phán mếu máo…

Ông giáo bước nhanh qua cánh cửa mở hờ. Ngoài trời mưa giăng giăng trong ánh đèn mờ nhấp nhóa. Nghĩa và hai thanh niên dắt xe đi theo ông.

Ông Phán và Debue ngồi trước bàn. Cả hai đều tư lự. Debue lên tiếng trước:

- Ông có biết Việt minh là gì không?

- Tôi có nghe nhưng tôi không tin người Việt Nam chúng tôi có thể chống lại được các ông. Bao nhiêu lâu nay ai chẳng biết! Huống chi bây giờ lại thêm Nhật nữa!         

- Trước đây tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng ngày nay thời cuộc khác rồi! Việt minh mạnh lắm! Ngay trong nhà ông cũng có Việt minh. Và tôi tin rằng trái tim ông cũng hướng về họ!        

- Nhưng còn những bè đảng khác: Đại Việt, Việt Quốc và cả Cộng sản nữa?!

- Bây giờ tôi càng tin là ông Phán hiền lành thật thà quá!

Debue bật cười:

- Chúng tôi chưa bao giờ nghi ngờ lòng vô tư ấy của ông!

Ông Phán hơi đỏ mặt. Debue giảng giải cho ông:       

- Đúng! Bây giờ ở cả ba Kỳ này nhiều phe phái lắm. Việt Nam quốc dân đảng của ông Nguyễn Thái Học tuy ý chí không còn được như trước nữa nhưng họ còn nhiều cơ sở nằm chờ thời, đặc biệt ở vùng trung du Bắc bộ. Một số được thằng Nhật đỡ đầu nhẩy ra thành lập Đảng Đại Việt quốc dân đầu trò là Trương Tử Anh, hắn chính là tên sinh viên Y khoa Nguyễn Văn Khán, mồm mép bẻo lẻo nói chuyện lôi cuốn lắm. Bọn này đang được nước lộng hành. Ông Cường Để tuy đã yên bề gia thất ở Nhật Bản rồi nhưng cái đuôi của Hội Việt Nam Quang Phục vẫn chưa đứt hẳn, đám tòng đảng cũ mơ dựa vào uy tín hoàng thân của ông ta, lập ra Đảng Việt Nam phục quốc. Mới đây lại có Đảng Dân chủ của những người giàu và số sinh viên trí thức… Nhưng điều chúng tôi quan ngại nhất là Đảng Cộng sản. Hơn chục năm nay đã mấy lần họ tan rồi lại hợp. Tổ chức của họ chặt chẽ, lại có ảnh hưởng sâu rộng ở nông thôn và đa phần thợ thuyền và dân nghèo thành thị. Họ có hậu thuẫn của Cộng sản quốc tế và đặc biệt có ông Nguyễn Ái Quốc là một cán bộ cộng sản lão luyện, hoạt động ở vùng Đông Nam Á châu này. Ông ta có ảnh hưởng rất lớn cả ở quốc tế và trong nước!

Ông Phán nghe chăm chú như bây giờ mới vỡ lẽ ra:

- Tôi có nghe tên ông Nguyễn từ lâu rồi. Hình như ông đã đến Hòa hội Versailles năm 1919 đưa yêu sách đòi cho Việt Nam độc lập? Và nghe như ông cũng là nhân vật đặc biệt trong nhóm  Ngũ Long nổi tiếng của người Việt Nam ở Pháp?!

Debue chộp lấy:         

- Đúng! Nguy hiểm là ở đấy. Ở Pháp ông ta kết thân với nhiều nhân vật nổi tiếng, có uy tín cả trong giới trí thức và giới bình dân. Ông ta viết báo vạch tội nhà nước bảo hộ chúng tôi, kích động dân chúng nổi dậy. Tòa Đại hình Nam triều đã kết án tử hình vắng mặt ông ta. Bị săn lùng, ông trốn qua Nga. Ông lấy đó làm nơi huấn luyện cho lớp trẻ Việt Nam rồi đưa họ về nước tuyên truyền, tổ chức. Ông đi khắp năm châu để vận động cho nền độc lập của Việt Nam. Là con một chức sắc có bằng cấp của Nam triều thất sủng, ông càng thu hút, lôi cuốn người Việt Nam là vì thế. Nói Nguyễn Ái Quốc cộng sản người ta hồ nghi. Nhưng nói Nguyễn Ái Quốc yêu nước không ai nghi ngờ gì hết. Cái tên Nguyễn Ái Quốc có ma lực thần kỳ là vậy đó! Mà ông có biết Nguyễn Ái Quốc bây giờ làm gì và ở đâu không ?       

Ông Phán buồn rầu, tiếc rẻ:

- Dường như ông Nguyễn đã bị người Anh bắt ở tô giới Hồng Kông rồi từ đó bặt tin luôn!

Debue cười:          

- Ông dễ thương thật!           

Ông Phán tái mặt biết lời khen đó nếu không có ý đểu thì cũng chẳng hay ho gì. Y hỏi vặn:

- Ông có nghe ai nói tới Hồ Chí Minh không?  

- Bây giờ tôi mới nghe ông nói tới! 

Ông Phán thật thà lắc đầu.   

Debue lại nói thao thao:

- Một thời gian khá dài, chúng tôi mất tung tích của Nguyễn Ái Quốc. Đến trước thế chiến, chúng tôi phát hiện dấu vết của ông ta ở Mã Lai, Thái Lan và vùng biên giới Việt Hoa. Nhưng vì mấy năm nay quan hệ với Trung Hoa dân quốc bị gián đoạn nên chúng tôi đành chịu vậy. Nghe tin ông ta bị Quốc dân đảng Trung Hoa bắt bỏ tù nhưng do vận động khôn khéo thế nào lại được thả ra. Ông ta giao thiệp giỏi, có nhiều mối quan hệ thâm tình với người Tàu. Gần đây, một nhân vật mới xuất hiện có tên là Hồ Chí Minh, chính là linh hồn của Việt minh. Xem ra Nguyễn Ái Quốc với Hồ Chí Minh chỉ là một người thôi! Ông ta sẽ là đối thủ nguy hiểm nhất của nước Pháp một khi cuộc thế chiến này kết thúc!    Ông Phán nhìn Debue không chớp. Chính câu chuyện như huyền thoại ấy đã cuốn hút ông. Debue vẫn mải mê:       

- Việt minh nói họ là một Mặt trận bao gồm nhiều đoàn thể cứu quốc nhưng thực ra cốt lõi của nó là Đảng Cộng sản có tổ chức chặt chẽ ở khắp ba kỳ mà ở Bắc kỳ này là mạnh nhất. Những nhân vật chính yếu của Việt minh đều là lãnh tụ của Đảng như Đặng Xuân Khu, Hoàng Văn Thụ, Hạ Bá Cang, Sao Đỏ, Văn Tiến Dũng, Trần Đăng Ninh… Bấy lâu nay chúng tôi ra sức truy diệt mà thực sự…

Y nhún vai, dang tay ra, thở dài bất lực:

- Họ như… cỏ dại! Không làm gì được!

Ông Phán lặng lẽ suy tư. Debue ngồi ngay ngắn lại:   

- Họ đã có những khu căn cứ rộng lớn ở vùng rừng núi và có cả những đội du kích võ trang đi khuấy rối chúng tôi! Họ thật đáng gờm!

Giọng y ảo não cầu may:     

- Dù sao thì… lúc này chỉ có họ giải thoát được cho tôi!

Nghĩa trở về. Anh nói với chú nhưng cố ý để Debue cùng nghe:

 - Tối nay cháu sẽ đưa ông này đi theo đường Quỳnh, qua Thanh Trì, Yên Sở, vượt sông Hồng sang Hưng Yên…

Ông Phán ngắt lời:

- Đi thế xa và cực! Sao cháu không ra Phúc tân, Phúc xá kiếm đò qua sông, lên Gia Lâm rồi ngược hướng Lào Kai, Yên Bái?!

Nghĩa lắc đầu:

- Đây qua Bãi, lính Nhật đầy đường, bọn gác trên cầu cũng dễ nhìn thấy. Dù có sang được Gia Lâm, lên đến Phúc Yên, Vĩnh Yên… Dọc theo quốc lộ lính nó hành quân tra xét liên hồi, mà trên đó cơ sở của Việt Quốc còn nhiều, mình không tin được! Qua Hưng Yên, cơ sở ta vững vàng, từ đó sang Hải Dương, Hồng Quảng, đến Đông Triều là Khu căn cứ rồi. Tới Mống Cái coi như xong!

Debue tươi nét mặt:

- Đúng rồi! Đám Việt Quốc lá mặt lá trái không tin được. Đi theo các ông đây tuy có cực nhưng an toàn!

Ông Phán nhìn cháu vừa cảm phục mà vẫn hồ nghi. Debue nói các ông đây ý chỉ người của bác Giáo, trong đó có cả cháu ông! Cháu ông là Việt minh? Tự dưng ông có cảm giác vừa mừng, vừa sợ. Ông từ tốn hỏi:     

- Cháu đi bao giờ về? Còn chuyện học hành của cháu?

Nghĩa nhìn chú vừa kính trọng vừa thiết tha:

- Chú ạ, cháu xin lỗi chú. Cháu bỏ học mấy tháng nay rồi! Chú có thấy nhân dân mình thống khổ, Tổ quốc lầm than? Còn lòng dạ nào học được! 

Ông Phán thở dài:         

- Nhưng lỡ cháu… làm sao thì chú có tội với ông bà, với bác Hai, bác Cả! Bây giờ chú biết nói thế nào với bà nội đây?! Cháu là cháu trai lớn nhất và gần gũi với bà bao lâu nay. Cả nhà tin tưởng và trông chờ ở cháu!        

Nghĩa nhìn Debue, giọng đầy phẫn uất:

- Chả lẽ mọi người trông chờ tin tưởng vào một thằng con trai vô hồn vô cảm? Chú hỏi ông này, năm ngoái các ông đem bắn ông Hoàng Văn Thụ vì ông ấy yêu nước, không chịu khuất phục các ông! Các ông săn đuổi, nhiều lần bỏ tù bác Trịnh Huy, bác ấy cũng là trưởng tộc, là người học thức có tài! Bao nhiêu năm nay giặc Pháp, giặc Nhật khi xả súng bắn bừa vào dân ta chúng có phân biệt bất kỳ ai đâu! Mình có trách nhiệm với ông bà tổ tiên sao không nghĩ tới nòi giống?!

Anh giận sôi lên, đứng dậy chỉ mặt Debue nói to hơn:

- Trong khi các ông đem nước chúng tôi bán cho người thì các ông lại bầy trò “Vui vẻ trẻ trung”, làm cho thanh niên chúng tôi rối tung lên trong cái mớ hỗn độn Cần lao – Gia đình – Tổ quốc! Những người đang chết đói kia có cần lao không? Các ông nên nhớ rằng: Chúng tôi là người Việt Nam chứ không phải là người Đông Pháp! Tổ tiên chúng tôi là người Giao chỉ chứ không phải là người Gaulois! Tổ quốc chúng tôi là Việt Nam chứ không phải là nước Pháp!

Quay qua chú, có thím đã đứng đó tự lúc nào, anh nói như lời tuyên bố:

- Đã đến lúc không thể chịu được nữa rồi! Họ xâm lược! Họ đàn áp! Họ bóc lột! Họ nô dịch! Và bây giờ họ đẩy chúng ta xuống vực! Một là sống. Hai là chết…  Chúng ta phải đứng lên thôi!

Thím kéo anh ngồi xuống:   

- Thôi, mọi người biết hết cả rồi! Bây giờ cháu bảo thím cần chuẩn bị những gì cho chuyến đi của cháu với ông đây?

Nghĩa đi vào nhà sau cùng với thím.

Nỗi lòng ông Phán thật khó tả. Dân mình coi người Pháp là giặc Tây – chẳng khác gì giặc bên Ngô thuở trước sang đây. Bằng những chính sách tàn bạo, chúng ra sức vơ vét của cải, đàn áp nhẫn tâm, đẩy dân mình tới bờ thảm họa. Nhưng trớ trêu thay, cũng nhờ có họ mà dân trí mình được mở mang ra. Viên chủ sự này là một thằng tây thực dân thật sự. Nó chết một lần cũng là chưa đủ. Nhưng dù sao hắn cũng chưa làm điều gì oán hận với bản thân ông. Cưu mang một người trong lúc khốn cùng là việc phúc đức ở đời. Thánh nhân đã dậy: Cứu được một người phúc đẳng hà sa, huống chi người ấy đã từng ơn nghĩa với mình.

Trời tối lâu rồi. Bà Phán chuẩn bị cho mỗi người một tay nải nhỏ: áo quần, cơm nắm, lương khô, lạc vừng rang, ruốc thịt, sữa, đường, thuốc hút… đủ cả. Bà Phán đưa cho Debue túi đồ lỉnh kỉnh mà vẫn cứ xuýt xoa:  

- Ông đến đúng lúc trong nhà ngoài phố rối như canh hẹ nên chúng tôi tiếp đãi thiếu chu toàn. Mỗi sáng để ông phải dùng điểm tâm mấy món sơ sài thật tình trong lòng chúng tôi áy náy thế nào!

Debue xua tay nói rất chân thành:

- Bây giờ tôi mới thấy ông Trạng Quỳnh thâm thuý quá. Ông để cho Nhà vua thật đói mới cho ăn mụn măng tre luộc chấm muối lại nói đó là mầm đá mà Vua vẫn khen ngon. Vậy là tôi được đối xử hơn Vua đấy! Trong lúc này mà được bà cho ăn xôi và cháo đậu xanh, đậu đen với trứng vịt muối, bánh cuốn Thanh Trì thì có khác gì như được ăn cao lương mỹ vị đâu! 

Ông ngập ngừng một chút rồi nói nhỏ hơn:

- Tôi muốn xin bà… một… con… cà cuống!

Cả nhà bật cười. Bà Phán bảo Nhài xuống bếp bưng lên liễn muối. Bà dùng đũa khơi lên mấy con cà cuống ướp, gói cẩn thận trong bao giấy bóng kèm theo ít bột tiêu và dặn dò tỷ mỷ:

- Để ngoài không được lâu đâu, nó hôi đấy! Khi dùng ông rửa sạch, hấp trên nồi cơm rồi mang nó ra dầm vào nước chấm, rắc bột tiêu lên!     

Ông Phán phải diễn tả động từ hấp cho Debue hiểu. Debue lộ vẻ buồn và cảm động:

- Không đâu! Tôi chỉ dùng nó khi được gặp lại người thân để nhớ tới ơn cứu mạng của ông bà!

Debue cao lêu đêu cúi đầu thật thấp trước bà Phán bé nhỏ:

- Thưa bà, tôi xin ghi nhớ ơn này mãi mãi!

Bà Phán dịu hiền:  

- Tôi không dám!  

Y nắm tay ông Phán lắc lắc:

- Hẹn ngày tái ngộ!              

Ông Phán nhìn y thăm dò. Tình thế này thì tái ngộ ở đâu? Ông cười khôi hài:

- Chắc không phải là ở trên kia! – Tay ông chỉ lên trời :

- Tôi chúc ông thượng lộ bình an!

Quay qua Nghĩa, ông kéo cháu vào lòng, bùi ngùi:    

- Cháu… cẩn trọng! Nhớ tin sớm về cho chú thím và các em!

Mắt ông rơm rớm. Nghĩa nói nhỏ:

- Phải can đảm lên!

Anh quay ra cửa, móc từ trong bụng ra khẩu súng ngắn, lên đạn kiểm tra. Debue rụng rời tay chân, để rơi cái túi. Nghĩa hiểu tâm trạng của thằng thực dân này, tay vỗ vào cây súng:

- Vật này để hộ thân!

Rồi nhìn y nhắc nhở :

- Ông phải chuẩn bị đôi chân thật tốt!

Ông Phán thêm vào cho y hết sợ :

- Ông yên tâm đi! Chúng tôi không làm điều gì ám muội bất nhân đâu!

Debue cố trấn tĩnh lại, nhặt cái túi lên, tay làm dấu thánh, chân bước theo người dẫn đường, phó mặc thân mình cho Chúa.

Bà Phán đã cho Nhỏ đi trước dò đường. Bây giờ bà đứng ngoài thềm, bảo Nhài dẫn hai người đi…  

Lúc lâu sau, Nhỏ và Nhài trở về. Bà Phán đang đứng đọc kinh chúc phúc trước bàn thờ Chúa. Ông Phán hai tay chắp lại, đứng trước bàn thờ gia tiên nghi ngút khói hương lầm rầm cầu khấn…

(trang 51, đón đọc Chương 2 trong nay mai)

 

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_PTH.php

ngày 24-Dec-2016

_________________

• Các bài của Nguyễn Văn Thịnh: link http://sachhiem.net/VANHOC/N/ListNVTh.inc.php

Trang Văn Học