Nhớ về Nhất Linh - Xung Quanh Cái Chết - Ai điếu Nhất Linh

Nguyễn Hữu Phiếm - Khúc Hà Linh - Vũ Hoàng Chương

tạp chí Triết học đăng trên www.chungta.com

http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenHuuPhiem.php

07 tháng 7, 2010

LTS (GDOL) Cách đây đúng 47 năm, ngày 7 tháng 7 năm 1963, nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã uống độc dược quyên sinh tại Sài Gòn để phản đối chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm đàn áp đối lập chính trị và bức hại Phật giáo Việt Nam. Ông chọn ngày 7 tháng 7 vì 24 tiếng đồng hồ sau đó, ông không chấp nhận bị mang ra tòa án (8-7-1963) để xử tội chống đối Ngô triều (Nhà Ngô có bốn gian hùng; Diệm ngu, Nhu ác, Cẩn khùng, Thục điên – Thi ca Trào phúng miền Trung), và cũng là ngày “Song Thất” mà chính quyền kỷ niệm ngày ông Diệm sau “bao nhiêu năm từng lê gót nơi quê người”, bắt đầu về Việt Nam làm Thủ tướng cho vua Bảo Đại.

Trong chúc thư để lại cho gia đình và bạn bè chiến hữu, ông viết:

Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử cả. Sự việc đem các đảng phái quốc gia đối lập ra xét xử là một trọng tội đối với quốc gia, chỉ đưa đất nước rơi vào tay Cộng Sản. Vì thế tôi tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu là để cảnh cáo những ai chà đạp mọi thứ tự do.

Ký tên:

Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, ngày 7 tháng 7 năm 1963.”

 Hiện nay, tại hải ngoại, những “sử gia” hoài Ngô dư đảng cần lao loại Tú Gàn Nguyễn Cần, cựu bộ trưởng Nội vụ Lâm Lễ Trinh, Nguyễn Văn Lục (em Nguyễn Văn Trung), Nguễn Hữu Duệ… đang cố tình đánh bóng lại sự nghiệp của ông Ngô Đình Diệm, cậu ruột của Hồng y Nguyễn Văn Thuận, để làm biểu tượng chính trị hầu tập trung lực lượng Công giáo chống Cọng, và để chuẩn bị cho Vatican phong thánh trong tương lai. Trong quá trình “đánh bóng” đó, những ai đã từng chống lại Ngô Đình Diệm và chế độ của ông ta đều bị lên “giàn hỏa lịch sử” để thiêu đốt hết. Phật giáo là một trường hợp. Nhất Linh là một trường hợp khác, mà điển hình là bài viết của Nguyễn Văn Lục bôi bác Nhất Linh bị bệnh tâm thần nhằm ngụy biện rằng đầu óc Nhất Linh vốn bất thường từ lâu, có ý định tự tử từ 10 năm trước chứ chẳng phải vào năm 1963 để lên án chế độ Ngô Đình Diệm gì cả.

Nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày mất của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, chúng tôi xin đăng lại bài viết của bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, người quen biết với ông đã lâu và cũng là bác sĩ gia đình trước và trong năm 1963 đó tại Sài Gòn, để tưởng nhớ đến một ngôi sao sáng của văn học Việt Nam, một người dân xã thân vì dân tộc, và để xem bùn dơ của các “sử gia” Công giáo hoài Ngô có vấy bẩn được hoa sen Nhất Linh hay không. Ngoài ra, chúng tôi cũng thêm một bài viết của ông Khúc Hà Linh đăng trên nhật báo Tiền Phong (trong nước) để biết người trong nước, vào thời điểm 2008, nghĩ gì về Nhất Linh, và các câu đối của cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương ai điếu người bạn hiền  – nh/gdol

nguồn http://giaodiemonline.com/2010/07/nhatlinh.htm

 

* * *

Nhớ về Nhất Linh

Nguyễn Hữu Phiếm

 

Người ta đã viết và nói nhiều về Nhất Linh trong khi anh còn sinh thời cũng như sau khi anh mất.

Viết hoặc tổ chức những buổi nói chuyện để đề cao một chiến sĩ cách mạng quốc gia đã noi gương Thượng toạ Thích Quảng Đức, tự huỷ mình để chống lại một chế độ bạo tàn, để “cảnh tình những con người ác, làm đèn soi sáng nẻo vô minh”, hoặc để đề cao một văn hào lỗi lạc, “một ngôi sao Bắc đẩu trong nền văn hoá Việt Nam”, suốt đời chỉ biết phụng sự văn hoá, vì theo Nhất Linh, chỉ có văn mới làm cho đời người đẹp hơn và đáng sống mà thôi.

Cũng có khi viết hay nói về Nhất Linh cốt để tự đề cao mình lên, và theo tôi, cái đó cũng không lấy gì làm lạ, vì như văn hào Duhamel đã viết: “Khi một người có danh tiếng nằm xuống thì có biết bao nhiêu người tự nhận là bạn thân của người đó xuất hiện”.

Nói cho đúng ra, Nhất Linh có rất nhiều bạn – ngoài một số đông độc giả mến tài anh qua những tác phẩm của anh – vì ai đã gặp anh không thể không quý anh được. Nhưng trong mấy năm gần đây, nhất là từ sau ngày đảo chính hụt 1-11-1960, anh bị chính quyền Ngô Đình Diệm lùng bắt, nhiều người xa lánh anh, cũng như anh, không muốn cho ai vì mình mà phải liên luỵ, cũng chỉ lui tới nhà một thiểu số bạn, rất thân của anh, trong đó có kẻ viết bài này.

Có người cho rằng, dù cho có giao du với Nhất Linh thì đã sao, nhất là trong trường hợp tôi, vốn quen biết anh từ lâu, lại là thầy thuốc của gia đình anh nữa; nhưng theo tôi, phải sống dưới chế độ độc tài, như chế độ họ Ngô, mới thấy rằng người dân không có quyền gì hết đã đành, lại không có cả cái quyền chơi với bạn nữa, nhất là khi người bạn đó lại đứng về phe đối lập như Nhất Linh. Nếu không tất sẽ bị khủng bố, và nếu là một công chức, sẽ bị sa thải, “nồi cơm sẽ bị bể” như ta nói. Điều bi đát này, chính tôi đã được tai nghe một cựu công chức cao cấp của Ngô triều thuật lại.

Ở đây, tôi chỉ ghi những gì tôi biết về Nhất Linh trong những giờ phút cuối cùng của anh. Trước hết, tôi dám quả quyết là Nhất Linh đã sắp đặt, ít nhất là một tuần lễ trước, cái chết của mình. Bằng cớ là ngày 30-6-1963, anh tới dự buổi họp của Trung tâm Văn Bút mà trước đó anh là chủ tịch, không phải vì văn hoá, mà chỉ cốt để gặp mặt một lần chót các văn hữu của anh trước khi bước sang bên kia thế giới.

Riêng một cử chỉ, “mối tình chân thành” đó cũng đủ cho chúng ta quý mến Nhất Linh rồi.

Ở Trung tâm Văn bút ra, Nhất Linh có ghé lại thăm tôi, nhưng tiếc rằng hôm ấy tôi đi vắng.

Chủ nhật sau, nhằm ngày 7-7-1963, Nhất Linh lại tới vào buổi sáng hồi 10 giờ. Tôi đang ngồi trong phòng ăn bỗng anh lặng lẽ đi vào. Vẫn con người dong dỏng cao ấy, vẫn vầng trán rộng và thông minh ấy, với đôi mắt tuy tinh anh, sáng quắc nhưng đượm một vẻ buồn khó tả. Phải chăng, tôi nghĩ bụng, anh buồn vì ngày mai anh sẽ phải ra toà để toà xử về vụ đảo chính ngày 11-11-1960?

Anh mặc rất đơn giản, không khác gì mọi bận anh lại thăm tôi: sơ-mi trắng dài tay, hở cổ, quần tây màu xanh thẳm, và chân đi giày – vẫn đôi giày duy nhất ấy – cũ kỹ đến nỗi không nhận được ra màu gì nữa. Nhất Linh lười mặc lẫn lười ăn, lười uống… thuốc; trái lại, anh rất chăm làm việc, nhất là chăm đọc, chăm viết. Chả thế mà chỉ trong có ba tháng trời, trong khi anh lẩn trốn, mà anh còn viết, viết một mạch xong ba cuốn Dòng sông Thanh Thuỷ, rồi lại vẽ, lại sửa bản thảo trước khi đưa in…

Cho hay, khi đời sống nội tâm của con người ta dồi dào, phong phú thì tất cả những gì thuộc về ngoại vật, đều không đáng kể. Đó là trường hợp của Nhất Linh.

Như trên vừa nói, Nhất Linh lại thăm tôi vào buổi sáng hôm 7-7-1963. Anh giơ tay bắt tôi. Chúng tôi im lặng nhìn nhau. Tôi đợi anh ngồi xuống ghế mới cất tiếng hỏi thăm về sức khoẻ của anh. Anh khẽ gật đầu, và hai mắt chớp chớp như mọi bận.

Tôi ngập ngừng đề cập tới việc hôm sau anh ra toà thì anh lạnh lùng nói:

"Ông Diệm đã bảo xếp việc này đi rồi không hiểu tại sao lại còn moi ra."

Tôi nói để cho anh yên lòng:

"Chắc chỉ để khủng bố tinh thần các anh mà thôi."

Rồi tôi nói một câu tiếng Pháp: “Leurs jours sont comptés” (Ngày tàn của chúng cũng đến nơi rồi).

Vợ tôi đứng gần đấy hỏi anh:

"Mai ra toà anh sẽ khai ra sao?"

"Chị cứ yên trí, anh đáp, tôi sẽ không nói gì hết, y như ông giáo sư ở trong phim Jugement à Nuremberg khi ra toà ấy.”

"Không sao đâu, chiều mai chúng tôi sẽ xuống thăm anh.”

“Anh chị lại không gặp tôi đâu.”

Thú thật, khi nghe Nhất Linh nói câu đó, với một giọng bình thản vô cùng, tôi chỉ có thể đoán được rằng, có lẽ hơn ai hết, anh biết rõ tội trạng (!) của anh, yên trí sau phiên toà anh sẽ bị kết án, chứ tôi không ngờ rằng anh nói với ẩn ý là anh sẽ quyên sinh, không chịu để cho toà xử.

Đang lúc tôi còn phân vân không biết nói gì với anh thì vợ tôi nói:

Dẫu có thế nào thì chúng tôi vẫn luôn nhớ tới anh, vẫn coi anh như người anh cả.”

Câu chuyện giữa anh và vợ chồng tôi, đáng lẽ còn kéo dài, nhưng thấy tôi có khách, anh vội đứng lên và nói rất nhỏ nhẻ:

Tôi đến để từ biệt anh chị.

Khi ấy vào khoảng 11 giờ. Chúng tôi tiễn anh ra cửa, và hai chúng tôi còn đứng trên vỉa hè để đợi tắc-xi trên 10 phút, lặng lẽ cầm tay nhau, không ai nói với ai một câu, mỗi người có một ý nghĩ riêng, mỗi người có một mối buồn cành cánh bên lòng. Nhưng thú thật là khi ấy, tuyệt nhiên trên nét mặt của Nhất Linh, tôi không hề nhận thấy một dấu hiệu nhỏ nào cho biết chỉ trong vài tiếng đồng hồ nữa, anh sẽ xa lánh cõi trần, xa tất cả mọi người thân yêu của anh để đi vào lịch sử.

Tôi có thể nói tôi là người bạn cuối cùng mà anh đã hạ cố lại thăm trước khi mất.

Ngay buổi chiều hôm ấy – vào khoảng 5 giờ – chúng tôi, có lẽ do linh tính thì phải, dang bàn nhau xuống An Đông thăm anh, bỗng có anh bạn của Nhất Linh và của tôi, anh K. xồng xộc chạy vào, với nét mặt hớt hải. Tôi đoán là có việc chẳng lành đã xảy ra cho anh Tam. Quả nhiên, anh bạn đó tới để báo tin anh Nhất Linh đã quyên sinh và hiện đang mê man, anh yêu cầu tôi xuống gấp.

Mười phút sau thì chúng tôi tới An Đông. Gặp chị Nhất Linh ở dưới nhà, tôi không kịp chào hỏi, cứ cắm đầu chạy thẳng lên thang.

Thoáng nhìn nét mặt và nghe hơi thở của anh, rồi bắt mạch, tôi biết ngay là anh đã quyên sinh với thuốc ngủ, mặc dầu lục lọi chung quanh chỗ anh nằm không tìm thấy một viên hay một ống thuốc nào. Khi người ta đã cố tình tự vẫn thì không khi nào để lại một vết tích gì và không chết bằng cách này thì cũng chết bằng cách khác, đó là cảm nghĩ của tôi khi đứng trước Nhất Linh.

Tuy nhiên tôi vẫn phải làm phận sự của người thầy thuốc, vẫn phải chích cho anh một mũi thuốc hồi sinh, rồi cấp giấy giới thiệu với Bệnh viện Grall để anh được vào nằm điều trị.

15 phút sau tôi cũng tới bệnh viện, vừa lúc bác sĩ thường trực đến. Chúng tôi thảo luận với nhau một hồi về bệnh tình, có vẻ trầm trọng của bạn tôi.

Đồng nghiệp của tôi lắc đầu thất vọng, và nói: “C’est foutu!”.

Ông ta toan cho đưa anh xuống “Nhà xác”, nhưng thấy tôi khẩn khoản quá ông đành ưng thuận cho lên nằm trên phòng bệnh để “còn nước còn tát”.

Mặc dầu có bao sự tận tâm săn sóc, Nhất Linh cũng trút hơi thở cuối cùng trong đêm hôm đó. Anh đã được toại nguyện, đã được chết ngày 7-7-1963 là ngày “song thất” của kẻ đã phản dân hại nước.

Trong suốt thời gian nằm trong bệnh viện, anh vẫn mê man không lúc nào tỉnh cả.

Tâm trạng của tôi, vừa là bạn, vừa là thầy thuốc của anh, tối hôm đó, thật rối bời bời, và vô cùng phức tạp. Một mặt, tôi cầu chúc cho anh được tai qua nạn khỏi, mặt khác, lại lo ngại, lo ngại lỡ ra anh sống, biết đâu mình chả đắc tội với anh vì đã làm trái với chí nguyện của anh chỉ mong được chết để chống lại những kẻ “chà đạp lên mọi thứ tự do”.

Nào chỉ có những ý nghĩ vẩn vơ ấy mà thôi! Trong khi anh mê man, nằm thoi thóp trên giường bệnh, chúng tôi – mấy con anh Nhất Linh và một anh bạn – bàn tính với nhau để giấu tờ di chúc chính trị do chính tay Nhất Linh viết làm hai bản, rồi trao cho phóng viên của hai tờ tuần báo TimeNewsweek, theo lời trối trăng của anh.

Tôi còn nhớ mãi cuộc thảo luận tối hôm đó ở ngoài hành lang bệnh viện, đối diện với gian buồng bệnh của anh, chung quanh bản di chúc quan trọng đó. Chúng tôi nhất định không để lọt mảnh giấy học trò kia vào tay nhà chức trách. Tôi căn dặn mọi người là nếu họ có hỏi tra thì chỉ đưa ra hai tờ di chúc: một gửi cho bạn bè thân thuộc, và một gửi cho chị Nhất Linh.

Trong tờ di chúc thứ nhất vẻn vẹn có mỗi một dòng:

Vĩnh biệt tất cả mọi người thân yêu.

Tờ di chúc thứ hai, gửi cho chị Nhất Linh, cũng chỉ vắn tắt hai dòng:

Mình,

Mối tình của đôi ta đẹp đẽ lắm rồi. Mình không còn mong muốn gì hơn nữa.

Ở đây tôi thấy cần ghi là chính bà Nhất Linh cũng không rõ nội dung của tờ di chúc chồng gửi cho mình, vì sau khi được tin Nhất Linh từ trần, nhà chức trách đã tịch thâu hết các giấy tờ – trừ bản di chúc chính trị nói trên – và không chịu trả cho thân nhân anh. Cho đến mãi hai tháng sau ngày đảo chính 1-11-1963 mới đòi lại được.

Cũng trong cái đêm lịch sử ấy, chúng tôi bàn nhau để loan tin Nhất Linh tự vẫn cho các bạn đồng chí của anh, hôm sau phải ra toà, ngõ hầu gây một xúc động lớn tại toà án.

Quả nhiên sáng hôm sau 8-7-1963, tin Nhất Linh tự huỷ mình để chống lại chính quyền lan đi rất mau khác nào một vệt thuốc súng, khiến cho dư luận các giới, nhất là giới trí thức, sinh viên, xôn xao, bàn tán, và ngay cả chính quyền cũng phải sửng sốt hoang mang.

Bản án của Nhất Linh đương nhiên bị huỷ bỏ, còn đối với các chính trị phạm sắp bị xử, toà có một thái độ bất ngờ. Đáng khen, theo lời tường thuật của một ông bạn tôi cũng bị đưa ra xử hôm đó, là cử chỉ can đảm của ông Phan Khắc Sửu, đã đứng ra xin toà cho một phút để mặc niệm Nhất Linh. Dĩ nhiên là toà không cho phép, nhưng không vì thế mà không có phút mặc niệm kia.

Chả bù cho thái độ trái ngược hẳn của một chính khách, thường được nhiều người coi như một nhà cách mạng, khi nghe thấy một số đông phạm nhân đề nghị đeo băng đen để tang Nhất Linh, bèn từ chối đây đẩy và thốt lên câu nói bất hữu này:

Thôi mà, bày vẽ để tang làm gì họ lại phết thêm cho vài năm tù nữa chả bõ.”

Nghĩ mà buồn và thương hại thay cho những hạng người thường vỗ ngực là đồng chí của Nhất Linh.

Cái chết của Nhất Linh đã gây nhiều bối rối cho chính quyền Ngô Đình Diệm, nhất là cho vợ chồng Ngô Đình Nhu, lồng lộn lên như con thú dữ. Chúng sợ người sống đã đành, chúng sợ và thù ghét cả người chết nữa, những người chết cồng kềnh (les morts encombrants) như chúng tôi nói.

Trước kia chúng sợ cái chết của Thượng toạ Thích Quảng Đức, ngày nay chúng sợ cái chết của Nhất Linh, không những vì Nhất Linh là một chiến sĩ cách mạng quốc gia có rất nhiều uy tín ở trong nước cũng như ở ngoại quốc, mà lại còn là một văn hào có tên tuổi, được giới thanh niên, trí thức mến chuộng.

Tôi dám nói, không sợ nói ngoa, là từ lúc Nhất Linh nằm xuống cho tới khi đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng ở Nghĩa trang Gò Vấp, chính quyền Ngô Đình Diệm đã mất ăn mất ngủ, và tìm mọi cách để phá.

Bằng cớ là ngay sau khi anh mất, họ ra lệnh làm một cuộc phẫu nghiệm tử thi (autopsie), mặc dầu không có sự ưng thuận của gia đình.

Tất cả là 12 người có mặt trong buổi phẫu nghiệm ngay hôm 9-7-1963, tại nhà xác của Bệnh viện Grall: 7 bác sĩ, trong đó có một bác sĩ giải phẫu ngoại kiều của Grall, hai nhân viên Sở Giảo nghiệm, một viên phó cảnh sát, hai biện lý và phó biện lý của Toà án Sài Gòn.

Dưới đây là kết luận của bản phúc trình pháp y về cuộc phẫu nghiệm đó:

“Với những phương pháp khám nghiệm thông thường tại chỗ, không thấy thi hài có triệu chứng nào có thể giải thích cái chết mau chóng của Nguyễn Tường Tam, cần chờ xem kết quả việc tìm kiếm do các phòng và viện giảo nghiệm”.

Nào chỉ có phẫu nghiệm tử thi mà thôi! Theo lời của một người trong gia đình anh, có lần chúng toan cướp cả xác của anh, định đem ra khỏi Grall, nhưng ban giám đốc bệnh viện không chịu.

Riêng về phần tôi, cũng vào buổi sáng hôm thứ ba 9-7-1963, chính quyền cử một nhân viên công lực tới nhà để hỏi tôi những chi tiết về cái chết của Nguyễn Tường Tam, trong trường hợp nào tôi quen anh v.v…

Sau đó ít lâu, lại một nhân viên khác của Sở Giảo nghiệm tới tìm tôi ở Viện Pasteur để hỏi xem có biết ông Nguyễn Tường Tam đã dùng thuốc gì để quyên sinh không.

Tôi không trả lời thẳng câu hỏi của người ấy mà chỉ cho biết là ông Tam, hồi trẻ, đậu cử nhân khoa học, và như vậy, ông thông thạo hơn ai hết về các chất hoá học. Huống hồ, ông lại còn là một nhà văn, và từng đọc rất nhiều truyện trinh thám (mỗi lần Nhất Linh đi qua đại lộ Lê Lợi là anh khuân hàng chục cuốn sách trinh thám, và anh đọc ngấu nghiến trong một đêm là hết), nhất là đã từng viết trong tác phẩm cuối cùng là Dòng sông Thanh Thuỷ, cả một chương về một vụ đầu độc. Như thế thì tôi, mặc dù là thầy thuốc, làm sao mà biết được ông đã dùng thuốc gì để quyên sinh?

Sự thật là như thế!

Sau này, theo bản phúc trình của một phòng thí nghiệm công gửi cho Toà án Sài Gòn, tôi mới rõ là người ta đã tìm thấy ở trong máu, trong bao tử, và trong nước tiểu rất nhiều chất thuốc ngủ, loại véronal.

Nhất Linh đã mua và tích trữ thuốc này từ bao giờ, ngay đến những người thân thích của anh cũng không hay biết.

Nhưng gay go nhất là việc định ngày để cất đám Nhất Linh.

Gia đình anh xin phép đưa vào buổi sáng chủ nhật, nhưng chính quyền một mực từ chối, cái đó dễ hiểu, vì họ sợ đưa đám ngày nghỉ, thiên hạ sẽ đi dự rất đông.

Xin phép đưa chiều thứ bảy, họ cũng từ chối nốt, vì chiều thứ bảy, cũng là ngày nghỉ của các công sở. Họ chỉ ưng thuận, hoặc sáng thứ bảy, đúng 8 giờ rưỡi, hoặc sáng thứ hai. Đành phải bằng lòng sáng thứ bảy vậy.

Lại còn một điều này nữa khiến cho chị Nhất Linh băn khoăn rất nhiều là việc làm lễ cầu siêu cho anh ở chùa Xá Lợi.

Kẻ bàn ra người tán vào, phần đông không muốn làm lễ ở Xá Lợi, vì dạo ấy như mọi người đều rõ, chùa Xá Lợi dưới con mắt của chính quyền Ngô Đình Diệm, khác nào một cái gai trước mắt họ, là nơi công khai chống lại họ thì làm lễ tại đó, tức là khiêu khích họ.

Tôi còn nhớ mãi nét mặt rầu rầu của chị Nhất Linh buổi trưa hôm thứ tư 10-7-1963 đó, và vì thấy chị buồn thảm quá nên tôi đã không ngần ngại đứng về phe chị để yêu cầu cho bằng được nhà chức trách cho phép làm lễ cầu siêu ở chùa Xá Lợi. Tôi bảo với chị:

"Nếu họ từ chối thì chị cứ viện lý do tôn giáo ra họ phải chịu. Quả nhiên Bộ Nội vụ và Toà Đô sảnh Sài Gòn – sau khi xin chỉ thị của phủ Tổng thống – bằng lòng cho làm lễ cầu siêu tại chùa Xá Lợi."

Nhưng chúng ta còn lạ gì chính quyền Ngô Đình Diệm, luôn luôn có thái độ ngoan cố, tuy rằng cho phép đấy nhưng cho phép miễn cưỡng, cho phép để che mắt thế gian, để tỏ ra mình dân chủ, tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng kỳ thực vẫn tìm đủ mọi cách để ngăn cản.

Tôi tuy là người ngoại cuộc, nhưng trong việc này tôi đã có đủ bằng chứng về những cuộc vận động hoặc áp lực của chính quyền để cho buổi lễ cầu siêu kia không thể thực hiện theo yêu mến của gia đình Nhất Linh được.

Tôi còn nhớ buổi chiều hôm thứ sáu 12-7-1963, hai vợ chồng tôi sắp sửa vào Grall để dự lễ khâm liệm cho anh bỗng có ba nhân viên công lực quận Ba, nhân danh ông Đô trưởng và ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ đến tìm tôi để yêu cầu tôi can thiệp với bà Nhất Linh đừng làm lễ cầu siêu ở chùa Xá Lợi.

Tôi trả lời họ rằng tôi không có tư cách gì cả để can thiệp, vì đối với gia đình ông Nhất Linh, tôi chỉ là bạn mà thôi. Nhưng mấy người đó cho biết là bà Nhất Linh “chỉ nghe lời bác sĩ, và bác sĩ chỉ nói cho một tiếng là được”.

Tôi đánh trống lảng và lại còn nửa đùa nửa thật bảo họ:

"Thì các ông cứ việc ra lệnh cấm cho rồi hà tất phải cho phép."

"Chính phủ đâu có cấm tự do tín ngưỡng."

Những điều dự đoán của tôi thật quả không sai.

"Tôi không hiểu tại sao các ông lại không muốn cho tang quyến làm lễ cầu siêu ở chùa Xá Lợi? Gia đình ông Tam, theo chỗ tôi biết, vốn theo đạo Phật từ lâu, bà cụ thân sinh ông ta, xưa kia vẫn là một vị tu hành, và sau khi mất đi vẫn để thờ tại đấy thì nay đến lượt ông Tam, làm lễ cầu siêu ở Xá Lợi tôi nghĩ đó là một việc rất thường vậy."

"Chúng tôi được tin mật cho biết Việt cộng định khủng bố, nên có bổn phận phải giữ gìn an ninh trật tự."

Họ đã viện ra lý do đó thì còn biết nói năng gì nữa? Để chấm dứt tôi hứa sẽ can thiệp với bà Nhất Linh, nhưng được hay không, tôi không dám chắc.

Khi vợ chồng tôi tới Grall thì lễ nhập quan đã cử hành xong rồi, chúng tôi rất tiếc và ân hận vô cùng.

Tại Grall, tôi lại được chứng kiến một vụ can thiệp nữa không ngoài mục đích trên.

Trong hai vị sứ giả của Bộ Nội vụ và Toà Đô sảnh Sài Gòn cử đi để điều đình, có một bạn đồng nghiệp của tôi. Có lẽ vì là chỗ bạn đồng nghiệp mà mặc dầu chưa được quen biết nên tôi mới hỏi ông ta bằng một câu tiếng Pháp:

"Pourquoi vous faites ce métier?" (Tại sao ông đi làm cái nghề này?)

Bạn đồng nghiệp của tôi hơi bẽn lẽn đáp:

"Thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, biết sao?"

Nghĩ tới những con người trí thức mà phải vì cơm áo sống dưới chế độ của nhà Ngô cũng thương hại thật.

Tôi cho ông ta hay chị Nhất Linh bởi quá thương chồng, nên đã mấy phen ngất xỉu, và nếu ông cứ trở lại vấn đề đó nữa, bà ta có mệnh hệ nào thì ông sẽ phải chịu trách nhiệm.

Chị Nhất Linh nghe nói thế càng được thể khóc to hơn, và ông bác sĩ nọ – nói cho đúng ra cũng là người biết điều, và nhất là có nhiều cảm tình đối với Nhất Linh – đành phải rút lui, sau khi đã ngỏ lời xin lỗi tang quyến.

Ở Grall về – vào khoảng 10 giờ khuya – tôi đã thấy 2 nhân viên khác của Toà Đô sảnh và quận Nhất, trong đó có một bạn đồng nghiệp (lại một bạn đồng nghiệp), đang đợi tôi ở trước cửa nhà. Họ tìm tôi cũng không ngoài mục đích nhờ tôi can thiệp bà Nhất Linh về buổi lễ cầu siêu, “muốn làm ở đâu cũng được, miễn đừng làm ở chùa Xá Lợi”, nghe vẫn với một luận điệu như trên tôi trả lời tôi không có thẩm quyền để định đoạt. Cùng lắm là tôi sẽ yêu cầu với tang gia rút ngắn thời gian hành lễ ở chùa Xá Lợi mà thôi.

Hồi 11 giờ đêm tôi trở lại Grall thì gặp một tốp khác. Và lần này thì họ doạ nạt chứ không van lơn nữa.

"Chúng tôi vừa được tin Việt cộng sẽ khủng bố đám tang Nhất Linh, vậy tốt hơn hết là thay đổi lộ trình."

Rồi như để phân trần với mọi người, họ nói:

"Chúng tôi xin nói là Việt cộng định khủng bố chứ không phải là chính quyền đâu."

Có người trong tang quyến cất tiếng hỏi:

"Nếu là Việt cộng thì ở đâu mà chúng không khủng bố được, hà tất cứ phải ở chùa Xá Lợi?"

Cuộc vận động của mấy tai sai Nhu – Diệm, mặc dầu kéo dài gần tới ba giờ sáng, đã hoàn toàn thất bại.

Ở đây tôi cũng cần nói là trong suốt thời gian linh cữu của anh Nhất Linh quàn tại nhà xác, có ít ra hàng chục công an, mật vụ ngày đêm túc trực để theo dõi từng người tới viếng. Có khi họ còn hỏi thẻ kiểm tra, tra khảo lý lịch, đe doạ dẫn vào bót nữa, nhất là đối với các thanh niên, học sinh, sinh viên. Giới này được chính quyền để ý nhiều hơn hết hôm thứ bảy 13-7-1963, ngày đưa đám Nhất Linh.

Trên các ngả đường đưa tới bệnh viện Grall đều có rất nhiều cảnh binh, công an canh gác, chặn đường không cho vào bệnh viện, hoặc xua đuổi những ai lảng vảng gần đây.

Đã đến lúc chính quyền Ngô Đình Diệm bỏ rơi mặt nạ! Nhưng mặc dầu có rất nhiều công an, mật vụ ở chung quanh đám táng, chúng cũng không cấm nổi tang quyến treo ngay trên tường của căn nhà xác, và sau này đặt trên nóc xe tang, bức trướng thật to, viết chữ trắng trên nền đen, do các đồng chí của Nhất Linh kính điếu.

Ảnh tư liệu của gia đình cụ Nguyễn Tường Thiết

Ảnh tư liệu của gia đình cụ Nguyễn Tường Thiết

Ảnh tư liệu của gia đình cụ Nguyễn Tường Thiết

Nguyên văn bức trướng đó như sau:

Kính điếu lãnh tụ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam

Thương thay đối lập quốc gia

Mất cả tự do trong mấy lúc

Đối với thiêu thân Quảng Đức

Noi gương cảnh cáo giữa nghìn thu.

Các anh em đồng chí

7-7-1963

Thật chẳng khác nào một roi vụt vào mặt chính quyền vậy.

Công an và mật vụ của Nhu – Diệm nhiều thật đấy, nhưng chúng đâu có ngăn nổi các anh em sinh viên khiêng linh cữu Nhất Linh, từ nhà xác ra tận xe tang. Mấy bạn đó vừa khiêng vừa sụt sùi khóc, khiến mọi người đứng gần đấy cũng mủi lòng rơi lệ theo. Có người khóc Nhất Linh để thương tiếc một chiến sĩ quốc gia chống cộng, suốt đời tranh đấu cho tự do, dân chủ thế mà lại bị những kẻ đội lốt quốc gia bức tử. Hoặc khóc một văn hào đã có công lớn trong nền văn học nước nhà mà đến khi nằm xuống không được chính quyền ngỏ một lời phân ưu. Hoặc khóc một con người tài hoa, mặc dầu sống trong thử thách mà vẫn giữ một tâm hồn nghệ sĩ, và còn giữ cho đến khi nhắm mắt.

Thật thế! Không có một tâm hồn nghệ sĩ như Nhất Linh mà trước khi từ giã cõi đời, đôi mắt mỗi lúc một mờ dần, còn nói được một câu: “Bầu trời hôm nay đẹp quá nhỉ!” thì thiết tưởng, trong thiên hạ ít có người nghệ sĩ như anh.

. . . .

Đoàn xe tang đi qua các đường Mạc Đĩnh Chi, Phan Đình Phùng, Bà Huyện Thanh Quan, để rồi ghé lại chùa Xá Lợi vào hồi 10 giờ 45.

Đám tang thật là đơn giản, nhưng vô cùng ảm đạm, trang nghiêm. Khi khởi hành từ bệnh viện Grall, số người tham dự còn thưa thớt, nhưng dần dần mỗi lúc một đông. Phần nhiều là thanh niên, học sinh, sinh viên, giới trí thức. Có rất đông phóng viên, ký giả ngoại quốc, nam có, nữ có, có mặt trong đám táng để chụp ảnh hoặc để quay phim. Họ chịu khó biên chép tất cả những câu viết trên các đối trướng rồi nhờ người dịch sang tiếng Anh. Họ lại còn ghi âm tất cả những lời khóc than kể lể của chị Nhất Linh.

Như vậy đủ rõ cái chết của văn hào Nhất Linh đã gây một tiếng vang lớn, không riêng gì ở Việt Nam mà ở cả trên thế giới nữa.

Tại chùa Xá Lợi, ngoài một số đông đồng bào đã túc trực từ sáng sớm – trong đó dĩ nhiên có cả công an, mật vụ của Nhu – Diệm – còn có khoảng 200 tăng ni có mặt để cầu siêu cho Nhất Linh.

Giữa cảnh khói hương nghi ngút, chùa Xá Lợi cất lên ba hồi chuông trống, rồi thì những tiếng tụng niệm vang lên. Trong khi ấy, ở trước cửa chùa có nhiều thanh niên, sinh viên phát băng tang cho mọi người, kể cả người của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Lễ cầu siêu cử hành không đầy 15 phút như đã ấn định từ trước, rồi đoàn xe tang từ từ chuyển bánh, theo sau có 3 chiếc xe đò lớn chở những người đi tiễn đưa.

Ảnh tư liệu của gia đình cụ Nguyễn Tường Thiết

Đoàn xe tiến về đường Phan Thanh Giản, rẽ sang đường Hai Bà Trưng rồi chạy về Gò Vấp. Có hàng trăm chiếc xe, xe đạp lẫn xe gắn máy, trên mỗi xe có hai người, phần đông là thanh niên, học sinh, sinh viên, có cả ký giả ngoại quốc nữa, băng băng đi theo sau, hoặc đi trước, hoặc ở hai bên xe tang. Ngay cả trên nóc xe hơi cũng có người nữa. Hàng phố, từ đường Hai Bà Trưng trở đi, đổ xô ra xem. Một điều đáng ghi nhận là từ chùa Xá Lợi trở đi, không có một ngã tư nào là không có nhân viên công lực đứng, không phải để giữ an ninh trật tự, mà trái lại, để cố tình cắt quãng đoàn xe tang, làm sao cho số người tham dự đừng đông đảo.

Và khi tới nghĩa trang Gò Vấp, liếc nhìn chung quanh, ai nấy đều có một cảm giác nặng nề, ghê rợn, dường như bao phủ bởi một bầu sát khí đằng đằng: chỗ này một tốp người vận quân phục, chỗ kia một tốp, với súng trường, súng lục, tiểu liên, lựu đạn… Tôi tự hỏi, chẳng hay họ chuẩn bị như vậy để bảo vệ ai, hoặc để giết ai ở một nơi hoang vu, tĩnh mịch và tôn nghiêm này?

Họ đề phòng Việt cộng khủng bố chắc? Phải ngây thơ lắm mới tin được, mặc dầu trong khi hạ huyệt người ta đã phao tin bắt được quả tang một gã – phu xe xích lô – trong người dắt một trái lựu đạn.

Còn một điểm này nữa thiết tưởng cũng cần ghi lại, là trên con đường về, trời nắng chang chang và xa tắp có một số người đi đưa đám – trong đó có kẻ viết bài này và một ông bạn già, ký giả Nguyễn Đắc Lộc – được một phen cuốc bộ, vì gặp chiếc xe nào, tắc-xi hay xe gắn máy, tài xế cũng lắc đầu lia lịa, rôi mắt trước mắt sau, như muốn bảo cho mọi người hiểu: đã có lệnh trên, cấm chở những ai đi dự đám táng của Nguyễn Tường Tam.

Người ta bảo Nhất Linh đã chết. Riêng tôi, đứng trước cái chết cao cả của anh, chết để cảnh cáo những người “chà đạp lên mọi thứ tự do”, chết để chống lại bạo quyền, chết với niềm hy vọng sự hy sinh của mình sẽ đem lại tự do cho người khác, như vậy là anh đã biết chết, đã chết thật đúng lúc, mặc dầu anh không biết sống, nghĩa là theo tôi, sống như thiên hạ, một cách tầm thường, hoặc sống cũng như chết, rồi khi đứng trước cái chết thì sợ sệt, hoặc chết nhưng chết một cách nhục nhã thảm thương.

Ở trên tôi vừa nói đời sống nội tâm, đời sống tinh thần của Nhất Linh rất phong phú.

Nhất Linh thường tâm sự với tôi: Ở đời anh ghét nhất là sự giả dối, lừa lọc, xảo trá và phản bội. Và suốt đời anh không có một chiếc xe hơi.

Nhất Linh trong sạch. Điều đó ai cũng trông thấy rõ. Ở thời buổi này, muốn xét người nào trong sạch, yêu nước thương nòi hoặc quốc gia hay không, phải chờ cho người ấy vào trong chính quyền đã, rồi nhìn nếp sống của họ sau khi rũ áo ra về. Hoặc chờ cho người đó nằm xuống, hình hài thể xác trở về nơi cát bụi hãy hay.

Nhất Linh đã tham chính và Nhất Linh nay đã ra người thiên cổ. Bởi vậy tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng anh là một người thiết tha yêu nước, đang đứng ngang hàng với những anh hùng dân tộc của chúng ta, như Trần Bình Trọng, Hoàng Diệu, Nguyễn Thái Học v.v…. Anh cũng là một người trong sạch hiếm có. Anh không có xe hơi, nhà lầu, nhưng nói cho đúng ra, anh có một căn nhà gỗ thô sơ – có lẽ bây giờ đã hoang phế – do chính tay anh cất lấy, ở bên bờ suối Đa-mê, cách Đà Lạt 30 cây số, trong một khu rừng hẻo lánh, có nhiều cây cỏ, nhất là nhiều lan để anh ngắm và tìm cảm hứng để viết văn. Phí tổn để xây cất căn nhà đó cả thảy là 20 đồng bạc, tiền mua danh.

Tôi vừa nói ở trên là Nhất Linh sống rất giản dị, từ cái ăn đến cái mặc. Tôi còn nhớ trong những năm 60-61, sau ngày đảo chính hụt và oanh tạc Dinh Độc Lập, tôi lại thăm anh vào bữa ăn, tôi thấy anh chỉ ăn có lưng chén cơm với hai miếng đậu kho, có lần một đĩa nouille, anh và trong ba phút là xong, rồi anh lên giường ngủ.

Trái lại, mỗi khi được tin có một biến chuyển nào đó, có thể làm thay đổi cục diện, chấm dứt chế độ bạo tàn thì đôi mắt anh sáng quắc lên, bao nhiêu bệnh não của anh – mà chúng tôi thường bảo là bệnh giá-cách – đều tiêu tan hết, và khi ấy anh cười nói rất vui, ăn uống ngon lành lắm.

Nhất Linh không những là một chiến sĩ quốc gia, anh còn là một văn hào lỗi lạc nữa. Về điểm này, các văn hữu của anh có nhiều thẩm quyền hơn tôi đã phán xét. Riêng về phần tôi ở đây chỉ muốn ôn lại một vài kỷ niệm nhỏ giữa Nhất Linh và tôi trên lĩnh vực văn hoá.

Trước hết tôi cần nói là không có một lĩnh vực nào mà anh không thành công, và thành công rực rỡ nếu như anh muốn, dù là làm chính trị, hay viết văn, hay vẽ, hay chơi âm nhạc, hay chơi lan, hay làm báo… Anh chuyên về thứ nào thì anh say mê thứ đó, đến quên ăn quên ngủ.

Không những chỉ say mê mà thôi, anh dốc hết cả tâm trí vào việc anh làm, và anh làm rất chu đáo. Khi anh viết được một trang nào hay, hoặc tìm ra được một chữ nào, và chỉ có chữ ấy là đúng thôi, anh thích thú vô cùng, anh sung sướng hơn bắt được một báu vật. Có lần anh bảo tôi: “Khi tôi dịch cuốn Les Hauts de Hurle Vent, tôi tìm mãi mấy ngày mấy đêm mới ra câu: Đỉnh gió hú”.

Tôi còn nhớ bận tôi dịch một truyện trinh thám của Conan Doyle, nhan đề: La bande mouchetée (tức con rắn), tôi tìm mãi không biết dịch là gì. Anh nghĩ một lúc rồi bảo: Chiếc giải đốm hoa. Tôi cho câu dịch đó thật tài tình.

Khi anh viết cuốn Dòng sông Thanh Thuỷ (hồi đó anh lẩn trốn ở đường Trần Hưng Đạo) anh biên giấy nhờ một anh bạn của chúng tôi chuyển lại cho tôi để hỏi có mỗi một câu về một danh từ y học, đủ rõ anh thận trọng như thế nào trước khi hạ bút.

Đáng phục nhất là trong suốt thời gian anh bị chính quyền Ngô Đình Diệm lùng bắt, anh phải lẩn trốn hết nơi này đến nơi khác, lấy ngày làm đêm, đêm làm ngày mà anh vẫn còn có can đảm để viết văn, để phác hoạ ra cả một chương trình: xuất bản sách để các bạn trẻ đọc, để giáo dục quần chúng, để phổ biến tất cả những gì cao đẹp của loài người, của vũ trụ. Bởi theo anh, “đã đến lúc loài người phải giở sổ soát lại vốn tư tưởng quá khứ để định hướng đi tương lai, tìm chân lý là kim chỉ nam cho người đời giữa biển sóng gió”.

Hiện giờ, khi viết mấy dòng này, trước mặt tôi còn có một xấp thư – những mảnh giấy học trò – của Nhất Linh gởi cho tôi hồi anh đang bị chính quyền lùng bắt, chữ viết nhỏ li ti, yêu cầu tôi cho anh những tài liệu cần thiết về: danh nhân thế giới, tình sử đông tây, kỳ quan vũ trụ, giáo dục phổ thông, chính trị, khoa học v.v…

Những loại sách bỏ túi – 27 loại cả thảy – đó, anh định bán với một giá rất rẻ, và in đẹp, nhằm mục đích nâng cao đời sống tinh thần của mọi tầng lớp người trong xã hội, vì anh cho rằng “văn làm cho đời người đẹp hơn và đáng sống”.

Thật là cả một chương trình vĩ đại, đáng khen mặc dầu chưa thực hiện được, chứng tỏ sự nhiệt tâm của Nhất Linh trước tiền đồ của dân tộc, trước trạng huống phức tạp và đảo lộn của xã hội ngày nay.

* * *

Trên đây là một vài nét về nếp sống cùng những hoạt động của Nhất Linh trên địa hạt chính trị xã hội văn hoá, đủ khiến cho ai nấy phải ngậm ngùi trước sự hy sinh cao cả của anh.

Nhưng điều khiến cho một số bạn thân của Nhất Linh tiếc thương anh hơn cả là tính tình hồn hậu và thuỷ chung của anh đối với bạn, nhất là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.

Tôi còn nhớ Tết năm Tân Sửu, vào sáng hôm mồng hai, và trong khi anh lẩn trốn, xa gia đình thân yêu, mà anh còn ngồi vẽ một bức tranh – bó hoa oeillet – để tặng tôi, với hai câu thơ, câu đầu là:

“Tặng ai mười đoá hoa xuân”

khiến tôi cảm động vô cùng.

Tôi dám chắc, đối với một số đông bạn thân của anh, anh cũng có những cử chỉ tế nhị và đẹp như thế.

Lại còn một điểm nữa khiến cho tôi quý Nhất Linh, là cách cư xử của anh đối với mẹ già và gia đình nhỏ của anh.

Tôi còn nhớ hồi sinh thời của bà cụ thân sinh ra anh, thường gọi là “Cụ Cẩm Giàng”, mỗi lần tôi lại thăm bệnh cho cụ, cụ móc túi ra cho tôi xem một mẩu giấy nhỏ – nhỏ vừa bằng lòng bàn tay – trên có ghi mấy dòng chữ Nhất Linh gửi cho mẹ, báo tin cho cụ biết cuốn tiểu thuyết này hay tiểu thuyết nọ đã xuất bản rồi, để cho cụ mừng.

Cảm động nhất là hôm cụ đưa cho tôi xem cuốn Dòng sông Thanh Thuỷ khi vừa mới in xong anh gửi tặng cụ, cụ mệt không đọc được, nhưng lúc nào cụ cũng khư khư ôm trong lòng, không muốn rời ra.

Nhất Linh thường nói với tôi:

Gia đình tôi đông anh em, nhưng mẹ tôi chỉ thương và nể có tôi thôi. Tôi bảo gì mẹ tôi cũng nghe, nhưng… trăm tội ở đâu cũng đều đổ cả lên đầu tôi, chỉ có tôi là bị rầy la nhiều nhất.”

Hôm cụ mất anh bị mệt và… cũng đang bị chính quyền để ý nên không đưa cụ tới nơi an nghỉ cuối cùng được, anh rất đỗi khổ tâm.

Nhất Linh có một đời sống đẹp như vậy, thế mà sau khi anh mất đi có kẻ dám công khai bôi nhọ anh, nào bảo anh “hút thuốc phiện, nghiện rượu, không có chút công lao gì đối với nền văn học Việt Nam”, nào “phản đảng, phản dân tộc, phản cả gia đình nữa”… [1] thì đủ rõ giữa Nhất Linh và đối lập đương nắm chính quyền của anh, ai là quân tử, ai là tiểu nhân?

Thật thế! Nhất Linh, ngay cả đối với kẻ thù, lúc nào cũng đàng hoàng, quân tử. Mỗi khi nói tới Hồ Chí Minh hay Ngô Đình Diệm, hay vợ chồng Ngô Đình Nhu, tôi chưa từng nghe thấy anh có một lời nói nặng, một câu nào bất lịch sự cả.

Cái chết của Nhất Linh không những là một thiệt thòi rất lớn cho quốc gia, nhất là trong giai đoạn này, đã mất một chiến sĩ vừa có tài lại có đức, vừa là một cái tang chung cho nền văn học nước nhà, lại còn gieo vào trong lòng của các bạn hữu cũng như gia đình đầm ấm của anh, biết bao niềm thương xót khôn nguôi với thời gian được.

Riêng về phần tôi, mỗi bận nhớ tới anh rồi nhìn chung quanh mình chỉ thấy toàn những kẻ tranh giành nhau trên con đường danh lợi, những kẻ lừa thầy phản bạn, tôi cảm thấy có một khoảng trống mông mênh, kinh khủng. Và tôi chợt nhớ câu thơ bất hủ của thi hào Lamartine, tôi xin mượn câu thơ đó để nói lên nỗi lòng của tôi đối với Nhất Linh:

Thiếu mỗi một người và tất cả đều là hoang vắng”.

(Un seul être vous manque et tout est dépeuplé).

Nguyễn Hữu Phiếm

 


[1]Lời tuyên bố của Ngô Đình Nhu trong buổi họp Tổng đoàn Thanh niên Cộng hoà ngày 18-7-1963

Nguồn: Chân dung Nhất Linh. Tập hồi ký của Bùi Khánh Đản, Nguyễn Hữu Phiếm, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Tường Thiết, Thế Uyên, Tường Hùng và Tuyết Hương. Mẫu bìa của Văn Thanh. Do tập san Văn xuất bản lần thứ nhất. In xong tại nhà in riêng của nhà xuất bản ngày 25-6-1966. Bản điện tử do talawas thực hiện.

 

[Source: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13311&rb=08]

 

Tạp chí Văn

Hoài niệm Nhất Linh

 

Nhớ khi ném bút, quên tin tưởng

Lửa đốt rừng hoang, tôi với anh.

(Bùi Khánh Đản, “Khóc bạn”)

 

 

Xung quanh cái chết của nhà văn Nhất Linh, 45 năm trước

Khúc Hà Linh

 

Đám tang Nhất Linh Sài Gòn, 13-7-1963

 

Nhà văn Nhất Linh, tên thật là Nguyễn Tường Tam, cử nhân khoa học Pháp, chủ súy nhóm văn chương Tự lực Văn đoàn những năm ba mươi, bốn mươi thế kỷ trước.

Nhất Linh còn là đại biểu Quốc hội khóa I, là Bộ trưởng ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến,... thế nhưng ông từ chức và lưu vong.

Nhắc tới Nhất Linh, nhà thơ Tú Mỡ nói rằng đó là người vừa đáng yêu vừa đáng tiếc. Ông viết “Điều đáng tiếc là sau kháng chiến, anh đã theo bè lũ Ngô Đình Diệm vào Nam để rồi bị bè lũ ấy chèn ép, cắt mất nguồn sống đến nỗi uất ức phải tự tử”.

Vậy vì sao mà Nhất Linh tự quyên sinh?

Với tấm thẻ căn cước số F 13108 do Phủ thủ hiến Bắc Việt cấp ngày 19/2/1951 tại Hà Nội, ghi rõ: “Nguyễn Tường Tam, nghề nghiệp văn sĩ, nơi sinh tổng Ngọc Trục, Cẩm Giàng, Hải Dương, con ông Nguyễn Tường Nhu và bà Lê Thị Sâm...”, khoảng mùa xuân năm 1951, nhà văn Nhất Linh từ Hà Nội vào Sài Gòn cư trú.

Ở đây ông cho in lại các tác phẩm cũ và viết tác phẩm mới. Thời gian này vợ con ông cũng đã di cư vào Nam. Bà Nhất Linh (tức Phạm Thị Nguyên) mua một căn gác trong chung cư số 39 đường chợ An Đông, Chợ Lớn để lấy chỗ ở và buôn bán.

Sang năm 1955, ông lên Đà Lạt, lấy thú vui là chơi hoa phong lan. Năm 1958 Nhất Linh về ở luôn Sài Gòn hoạt động văn hóa. Ông là vị Chủ tịch đầu tiên của Văn Bút Việt Nam (về sau là cố vấn).

Bấy giờ chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức tìm diệt người kháng chiến cũ. Luật 10/59 ra đời đã giết hại bao nhiêu thường dân vô tội, với phương châm là thà giết nhầm còn hơn bỏ sót. Nhất Linh cùng các nhà hoạt động khác thành lập mặt trận Quốc dân đoàn kết, ủng hộ cuộc đảo chính của đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông.

Cuộc đảo chính tháng 11 năm 1960 thất bại, hầu hết những người liên can bị bắt. Chính quyền Diệm nhân cơ hội này cho bắt giam các nhân sĩ, lãnh tụ đảng phái, giáo phái khác... chỉ mình Nhất Linh được quản thúc tại gia hơn hai năm rưỡi. Ngày 5 tháng 7 – 1963 Tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn có trát đòi ông có mặt lúc 7giờ30 ngày 8/7/1963, tại Tòa thượng thẩm, số nhà 131 đường Công Lý Sài Gòn, và để nghe xét xử tội “xâm phạm an ninh Quốc gia”. Ngày 6/7/1963, người chiến binh Nguyễn Văn Nam đã tống đạt lệnh này tới tận tay ông.

Trong hồi ký “Nhất Linh – cha tôi” của Nguyễn Tường Thiết phát hành tại Sài Gòn năm 1964, những ngày cuối cùng của Nhất Linh được kể lại như sau:

“… Buổi sáng ngày 7/7/1963, Nhất Linh đi thật sớm. Ông mở ngăn kéo, lấy mấy tập sách, tập bản thảo những tác phẩm cuối cùng, gói vào một tờ nhật báo. Các con đoán có lẽ ông đi họp ở đâu vì cũng đúng vào Chủ nhật tuần trước, tức 30/6 ông đã tới dự phiên họp đặc biệt của nhóm Bút Việt.

Khoảng gần 10 giờ Nhất Linh về. Ông không thay quần áo ngay như mọi lần, cứ để nguyên quần áo tây ngồi xuống ghế xích đu, bên cạnh người con trai. Điếu thuốc lá rung rung ở trên đầu hai ngón tay, ông mở bia, rót vào cốc nhỏ ra dáng suy nghĩ. Một sấp ronéo để trước mặt ông.

Đó là bản cáo trạng khá dày, trong đó có những lời kết tội như “phản quốc”, “xâm phạm an ninh quốc gia”. Trong suốt hơn một giờ, Nhất Linh vẫn giữ im lặng, suy nghĩ. Khoảng 11 giờ, với vẻ thảnh thơi, ông thay quần áo ngủ,  rồi dặn người con trai Nguyễn Tường Thiết: “Chiều nay con lại luật sư Chính lấy hết các giấy bác sĩ về. Biết địa chỉ không?”.

Con trai nói: “Con đoán họ chẳng làm gì cậu đâu, nếu họ muốn bỏ tù thì họ đã bắt từ lâu rồi. Việc này họ đem ra xử cho có lẽ, rồi kết mình vô tội để hạ nhục chơi. Vả lại nếu có ra Côn Đảo thì cũng chả sao, chỉ làm giàu thêm cuộc đời tranh đấu của cậu. Cứ  coi như là một dịp đi nghỉ mát”.

Nhất Linh đáp lại: “Cậu chẳng sợ kết quả ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù thì cũng mất tự do như nhau. Có điều bực nhất là họ lấy tư cách gì mà lại đem xét xử những người quốc gia đối lập rồi gán cho họ tội phản quốc”.

Nhất Linh đã chủ ý cho độc dược vào rượu uống. Khi gia đình phát hiện ra thì đã muộn: Cuối phòng, vẫn trên cái ghế xích đu, ông gục đầu hơi ngoẹo về phía vai phải, một cánh tay buông lỏng thả xuống sàn nhà. Dáng điệu ấy thoạt trông thì khổ sở nhưng nhìn lên gương mặt thì tuyệt nhiên không một nét đau đớn. Ông như người ngủ gục.

Gương mặt êm ả, bình thản. Để ý lắm mới thấy một ít nước bọt rỉ ra ở khóe mép… Thân thể ông mềm, trong túi có một tờ giấy, đó là Di ngôn. Ông đã viết hai bản di chúc, một để trong túi áo ngực, một tờ dặn đưa cho bác sĩ Đặng Văn Sung, nhờ ông ấy chuyển ra ngoại quốc.

Nhất Linh đã ra đi ở tuổi 58 để lại di chúc: “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng… Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do. 7/7/1963 Nhất Linh Nguyễn Tường Tam”.

Theo Thế Uyên trong bài “Người bác” (TLVĐ trong tiến trình văn học dân tộc – NXB VHTT, năm 2000), đám tang ông có nhiều cảnh sát chiến đấu và mật vụ đi lẫn trong những người đưa đám. Đoàn đưa tang đầu tiên là một vòng hoa lớn, sau là một người mang ảnh Nguyễn Thái Học, tiếp theo là tấm ảnh chụp lại hình Nhất Linh do Nguyễn Gia Trí vẽ.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương viếng Nhất Linh đôi câu đối:

Người quay tơ, đôi bạn, tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt

Đời mưa gió, lạnh lùng, bướm trắng, buổi chiều vàng đâu chỉ nắng thu.

Trừ bốn chữ “chứ sao, đâu chỉ” ra, còn là tên tác phẩm của ông.

Ngày 8/7/1963 phiên tòa bắt đầu xét xử. Trong số những can phạm, có người nào đó đã xé một chiếc áo đen làm thành từng mảnh chia cho mọi người, đeo cánh tay trái làm băng tang Nhất Linh, khiến cho chủ tọa phiên tòa ngỡ ngàng.

“Ủy viên chính phủ”, trung tá Lê Nguyên Phu tòa án quân sự đặc biệt (người ký trát đòi Nhất Linh ra tòa) nói: “Bọn Quốc dân đảng để tang Nguyễn Tường Tam”. Thực ra theo Trương Bảo Sơn, hôm đó gần ba chục chính trị phạm có mặt tại phiên tòa đều đeo băng tang, chỉ trừ Phan Quang Đán. Kết thúc phiên tòa, mỗi bị cáo bị kết án 5 năm tù đày ra Côn Đảo.

Thi hài Nhất Linh được an táng tại nghĩa trang Giác Minh, sau được hỏa thiêu di cốt, gửi bình tro tại chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu, quận 3, Sài Gòn.

Trước khi mất khoảng mấy giờ đồng hồ, Nhất Linh còn trò chuyện với con trai, khi người con gợi ý cha viết hồi ký, Nhất Linh đã bộc lộ: “Cậu cũng có ý định viết ba quyển. Cuộc đời làm báo của Nhất Linh, cuộc đời làm cách mạng của Nguyễn Tường Tam và quyển thứ ba cậu viết về hoa  phong lan”.

Ngoài di chúc gồm 71 từ nói rằng cuộc đời ông để lịch sử xử, ông còn dành cho người vợ một lời tuyệt mệnh, với 20 từ rất cô đọng:

Mình, Mối tình của đôi ta hàng bao năm đẹp đẽ lắm rồi, không… mong ước gì hơn nữa. Anh, Nhất Linh 7/7/1963”.

Ấy vậy mà đã 45 năm.

 [Source: http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=124894&ChannelID=13 ]

 

 

 

Ai điếu Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam

Vũ Hoàng Chương

 

  • Câu đối thứ nhất

Sổ thập niên bút mặc thành danh, nhất khả đoạn nhị khả tuyệt, nhi tam bất hủ.

Song thất dạ vân tiêu lạc phượng, tiền phong hoá hậu văn hoá, ư trung lập ngôn.

      Tạm dịch lấy ý :

Từ năm ba mươi ba (1933) bút mực đã thành danh, tuy bút có thể đoạn mực có thể tuyệt, mà vẫn danh kia bất hủ.

Giữa ngày tháng bảy (7-7-1963) trời mây vừa rớt phượng, nhưng trước có phong hoá sau có văn hoá, đủ rồi phượng ấy lập ngôn.

 

  • Câu đối thứ hai

Người quay tơ đôi bạn tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt?

Đời mưa gió lạnh lùng bướm trắng, buổi chiều vàng đâu nhỉ nắng thu?

Ghi chú: Trừ bốn chữ in đứng, tất cả những chữ khác đều ứng vào nhan đề tác phẩm của Nhất Linh.

 

  • Câu đối thứ ba

Đời nay mấy mặt tiên tri, thế đó: nửa thương nửa giận!

Văn bút hai ta cố vấn, giờ đây: một mất một còn!

      (Sài Đô, 11-7-1963)

* * *

Bài văn truy điệu

Vũ Hoàng Chương

Than ôi! Đời chính trị lông hồng gieo núi Thái, ngẩng đầu lên sấm sét vẫn chưa nguôi; việc văn chương một tấc để ngàn thu, ngoảnh mặt lại đá vàng sao khỏi thẹn.

Muốn gào to hồn phách anh linh; để vọng khắp giang sơn tam biến.

Nhớ xưa tiên sinh: Chào đời khi gió nổi Đông du; mài thép dưới trăng mờ Thế chiến.

Nghiệp truyền gia giáo, thuở nhập môn từng đất Bắc vui quê; vai nặng quốc thù, bước du học lại trời Tây vượt biển.

Rèn chí đấu tranh; đua tài hùng biện.

Chí khí ngày kia một kiên cường; tài năng ấy càng thêm phát triển.

Bao năm xuất ngoại, đã lưu tâm tại chỗ, từng mưu lừa chước dối thực dân; một sớm hồi hương, lại ngứa mắt trông ra, cả tấn kịch trò hề phong kiến.

Thi văn đoàn Tự lực thế tất phải xung phong; mà tuần báo Ngày nay phải kịp thời xuất hiện.

Vì dân vì nước đẩy mạnh phong trào; có chí có gan thiếu gì phương tiện.

Nào hia với hốt, phá cho tan trò hoạn lộ thanh vân; nay cấp mai bằng, cười đến tỉnh lũ thư sinh bạch diện.

Từ đó tiên sinh: Lấy văn đàn làm nơi bái tướng, cờ phất dọc ngang; giữa chính trường cao giọng lập ngôn, bút mài sắc bén.

Làm sống lại tinh thần Yên Bái, nửa bước không lùi; cuốn ào lên tâm huyết Quốc dân, một dòng thẳng tiến.

Bôn ba nơi hải ngoại, Hàng Châu, Quỳ Châu, Liễu Châu; đối lập mọi cường quyền, chống Pháp, chống Cộng, chống Diệm.

Ai hay: Gió gọi chưa lên; giờ nghe đã điểm.

Giữa cao trào Phật giáo, để hoằng dương chính pháp, lửa từ bi vừa thượng toạ thiêu thân; nêu đại nghĩa Nho gia, nhằm cảnh cáo độc tài, chén tân khổ cũng tiên sinh tuyên chiến.

Sét ngang tai, bạo lực thấy ghê hồn: Trời cúi mặt, không gian chờ nảy điện.

Lửa-Cách-Mạng dâng về thư tuyệt mạng, thôi rồi tay lãnh tụ! Khắp các giới: thức giả, bình dân, sinh viên, đồng chí, cùng dạt dào tim vỡ máu sôi; Người-Quay-Tơ đành bỏ trống guồng tơ, đâu nữa mặt kinh luân? Cả bốn phương: Cà Mau, Thuận Hoá, Bến Hải, Nam Quan, nghe giục giã sông dời núi chuyển.

Nhưng đau đớn thay: Phút hạ huyệt súng gươm vây kín, muôn dòng châu đứt nối chưa tròn; buổi cầu siêu hương khói âm thầm, bao tiếng khóc dở dang còn nghẹn.

Cho nên hôm nay: Mừng quốc gia vừa khắc bạo trừ hung; đẹp hy vọng sẽ hà thanh hải yến.

Dân chúng thủ đô hướng về tiên sinh: Lễ Truy điệu mở đầu năm dương lịch, chạnh tưởng cồn dâu bãi bể, đốt hương lòng toả khắp mười phương; vườn Tao Đàn rung hết đợt âm giai, trông ra ngọn cỏ lá cây, hoà nước mắt vẩy quanh một chén.

Mong cảm tới tiên sinh: Dám nề chi u hiển.

Hỡi ơi: Tố Đoạn-tuyệt thành hồ đoạn tịch, mộng dẫu chơi vơi nửa cuộc, sử còn thơm danh liệt sĩ Tường Tam; Phượng Nhất Linh hề thiên nhất phương, lầu tuy ngơ ngác bên sông, gió vẫn nổi tiếng văn hào họ Nguyễn.

(Sài Đô, 5-1-1964)

 

Nguồn: Văn. Tập san Văn chương – Tư tưởng – Nghệ thuật. Năm thứ Bảy, số 156, ra ngày 15 tháng 6 năm 1970. Toà soạn và trị sự: 38, Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. ĐT: 23.595. Tập san xuất bản do nghị định số 64/BTT/NĐ, ngày 4-12-1963. Bìa 1 số này: Chân dung Nhất Linh, vẽ bởi Nguyễn Gia Trí. Chi phiếu đề tên ông Nguyễn Đình Vượng (chủ nhiệm kiêm chủ bút). Thư từ, bản thảo đề tên ông Trần Phong Giao (thư ký toà soạn). Giao thiệp trực tiếp ông Gia Tuấn (phụ tá thư ký toà soạn). In tại nhà in riêng của báo Văn. Quản lý: cô Nguyễn Thị Tuấn. Giá 280đ. [Chúng tôi nhập liệu nguyên văn từ trang 1 đến trang 78, tập san này dày 125 trang, có bỏ một vài bản tin rao vặt, quảng cáo sách]. Bản điện tử do talawas thực hiện.

 

Trang Văn Học