|
07 tháng 12, 2009
|
LTS: Nhân có bài viết "Xin giữ cho đạo Phật được trong sáng" của tác giả Nguyễn Trí Cảm vừa đăng hôm 04Dec09, bài viết này được đăng lại từ Thư Viện Hoa Sen để bạn đọc có thêm dữ liệu về giáo lý Làng Mai, không nhất thiết tất cả đều phản ảnh quan điểm về tôn giáo của sachhiem.net.
THƯ VIỆN HOA SEN
trích http://www.thuvienhoasen.org/batnhalangmai-01.htm
HỒ SƠ TU VIỆN BÁT NHÃ LÀNG MAI
NHẬN ĐỊNH VỀ GIÁO LÝ
LÀNG MAI
Trí Thông
CHÚ THÍCH CỦA BBT TVHS:
Bài viết của thầy Trí
Thông đã được phổ biến hạn chế qua một số e-mails từ lâu. Nay do nhân duyên
thích hợp nên ban biên tập TVHS chính thức phổ biến trên mạng. Ban biên tập
sẵn sàng đón nhận các ý kiến phản hồi tích cực từ quý độc gỉa. Xin gửi về
thuvienhoasen@yahoo.com chúng tôi sẽ post ngay dưới bài này.
(01-11-2009) *
*
http://www.thuvienhoasen.org/batnhalangmai-01.htm.
Hiện nay nói đến thầy
Nhất Hạnh, không ai mà không biết đến Thầy. Gần bốn mươi năm hành đạo ở nước
ngoài, thầy Nhất Hạnh đã có những thành công và ảnh hưởng đáng kể về mặt đạo
học cũng như xã hội học.
Thầy Nhất Hạnh vừa là
một vị đạo sư Phật giáo, vừa là một nhà văn, một nhà thơ rất có tiếng tăm.
Thậm chí thầy Nhất Hạnh còn được tôn vinh là một nhà văn hóa lớn của thế
giới hiện đại. Tuy xuất thân là tu sĩ Phật giáo nhưng là mẫu người có tư
tưởng phóng khoáng, thầy Nhất Hạnh không chỉ ảnh hưởng tư tưởng của các
triết gia hiện sinh Thiên Chúa Giáo như Garbriel Marcel, Merleau Ponty và
nhất là Emmanuel Mounier mà còn ảnh hưởng tư tưởng của thiền sư Shunryu
Suzuki thuộc thiền phái Nhật Bản. Cộng thêm một ít giáo lý của Phật giáo
Nguyên Thủy, một ít giáo lý của thiền sư Tăng Hội thuộc tông phái thiền Việt
Nam. Đồng thời để phát triển đạo Phật ở Tây phương, thầy Nhất Hạnh đã sử
dụng những yếu tố văn hóa của họ và dựa vào nhu yếu của cái gọi là “Thực
dụng”, rồi hình thành một hệ tư tưởng “Thiền” của Làng mai là “Hiện pháp lạc
trú”.
Chính vì pha trộn nhiều
tư tưởng, cho nên thoạt đầu giáo lý Làng mai cho ta cảm giác mới lạ, hấp
dẫn. Nhưng càng đi sâu vào chi tiết mới phát hiện, thầy Nhất Hạnh phát triển
đạo Phật theo khuynh hướng “Tâm lý học” hơn là đào sâu giá trị tâm linh của
đạo Phật. Cho nên con đường Thiền của thầy Nhất Hạnh không sâu sắc, sự tu
tập chỉ đạt đến mức “Chánh niệm tỉnh giác” rồi đứng lại đó. Nếu đạo Phật
phát triển theo hướng này thì chắc chắn một điều “Trong tương lai, đạo phật
mất dần giá trị chứng ngộ tâm linh đến tuyệt đối như thời Đức Phật”. Điều
này cho thấy thầy Nhất Hạnh đã phát triển một đạo Phật xa dần cái gốc của
nó.
Không biết có phải vì
tùy thuận theo nhu cầu cuộc sống thực dụng của người Tây phương, tức là làm
việc gì cũng phải có hiệu quả trước mắt thì họ mới tin theo, còn như nói về
cái được nào đó có vẻ mơ hồ xa xôi, hoặc thuộc về một thế giới mà họ chưa
thấy chưa biết, khoa học chưa chứng minh nên họ không tin. Cho nên thầy Nhất
Hạnh đã xây dựng một hệ thống giáo lý đạo Phật không căn bản, đó là:
1/ Không xiển
dương giáo lý Nhân Quả Nghiệp Báo, trong khi chính nhờ Nhân Quả này mà đạo
Phật thật sự đem đến cho con người đạo đức và sự tiến bộ.
Theo như năm phép thực
tập “Chánh niệm” mà thầy Nhất Hạnh cho đó là con đường thoát duy nhất, có
thể cung cấp những giáo lý; những phép thực tập có khả năng giúp cho mọi
giới nhất là giới trẻ, giới trí thức tháo gỡ những khó khăn nội tâm; chuyển
hóa được những phiền giận lo âu; những nghi kỵ, tuyệt vọng; tái lập lại được
truyền thông với người thân và đóng góp được một cách tích cực vào việc xây
dựng một nền đạo đức dân tộc có khả năng chuyển hóa những tiêu cực hiện có
như nạn tham nhũng, nạn mại dâm, nạn ma túy, nạn đổ vỡ gia đình…mà thầy lại
không thiết lập những điều đó trên nền tảng của Nhân quả thì giống như xây
nhà không đặt mống. Bởi vì có tin Nhân quả, con người mới yêu quý đạo đức và
đi tìm đạo đức, nhẫn chịu được nghịch cảnh một cách bình an và còn phấn đấu
làm tất cả những việc lành, không mê tín, không làm các điều ác. Ai cũng
thấy “Luật pháp” không thể kiềm giữ được thú tính trong mỗi con người mà chỉ
có Nhân quả trong mỗi con người mới giúp họ sống đúng và tự giác mà thôi.
Cho nên, nếu không có
một luận thuyết về Luật Nhân Quả mà lại kêu gọi mọi người phải sống đạo đức
thì cái đạo đức đó không có nền tảng. Do Không có một một giáo lý chuẩn nên
người ta không thiết tha trong cái việc xây dựng đạo đức cho cuộc sống. Bởi
vì đạo đức cuộc sống, nó đòi hỏi người ta phải thay đổi nội tâm mình để sống
cho tốt.
Hiện nay, tuy khoa học
chưa chứng minh được đường đi của Nhân quả nhưng đó là điều có thật. Nó là
một nguyên lý tự nhiên rất công bằng và khách quan của vũ trụ mà Đức Phật là
Người khám phá, có cái nhìn xuyên suốt, thấy rất rõ.
Khi Đức Phật nói về Nhân
quả là do Ngài đã chứng kiến rõ ràng trong thiền định. Tức là khi Ngài đắc
đạo, Ngài nhập định trong thiền định liền thấy được vô lượng kiếp của mọi
người và thấy rõ ràng mọi chuyện đã diễn ra theo Nhân quả. Với người gieo
nhân như thế…sẽ có kết quả như thế! Nghĩa là nó luôn có một sự bù đắp rất
công bằng trong vũ trụ này.
Cho nên, quan điểm Nhân
Quả Nghiệp Báo luôn là yếu tố chủ đạo xuyên suốt, nhất quán trong hệ thống
giáo lý của đạo Phật. Còn những vị Đạo sư đời nay, nếu bỏ qua, không dạy cho
tín đồ tin hiểu vững vàng về Nhân Quả Nghiệp Báo thì chắc chắn mọi người sẽ
hiểu sai đạo Phật, sẽ dễ rơi vào mê tín và sẽ không ứng dụng được đạo lý cho
cuộc sống cũng như định hướng cho sự tu hành giải thoát của họ được tốt đẹp
hơn.
2/ Không tin các
cõi Trời, không đề cập đến ba cõi sáu đường.
Hòa Thượng cho rằng:
“Niết bàn, Thiên đường, sự sống bên kia cái chết” chỉ là sáng tạo phẩm của
một nhận thức chủ quan, là những giả thiết siêu hình không thể kiểm soát.
“Những từ Niết bàn, Hư
vô, Tịch diệt, Bản ngã, Luân hồi…không có nghĩa nhất định. Có bao nhiêu định
nghĩa về Niết bàn rồi. Và những cố gắng ấy là để làm nên một việc mà chính
Đức Phật Thích Ca đã không làm nổi.
Hỏi Niết bàn là gì? Ngài
đã từ chối không trả lời”.
Đúng là cái bệnh tâm lý
ngã mạn của người đời sau, luôn cho rằng mình nói đúng hơn ngay cả với Đức
Phật. Với trí tuệ của một Đức Phật thì không điều gì trong vũ trụ này mà
Ngài không lý giải được hết. Những lời dạy của Ngài luôn có giá trị vượt cả
không gian và thời gian. Có điều do hành nghiệp căn cơ của chúng sinh quá
thấp nên không thể hiểu nổi về cái thấy biết của một tâm chứng đến tuyệt đối
mà ngôn ngữ không diễn tả được. Chỉ có người nào chứng rồi mới biết cho nên
Đức Phật không nói là vậy.
Có câu chuyện về “Con
Rùa Và Con Cá”, chuyện kể rằng:
Con Rùa có thể sống dưới
nước và lên bờ cũng được, trong khi con Cá do nghiệp của nó chỉ sống dưới
nước mà không lên bờ được. Cho nên khi nghe con Rùa nó kể chuyện trên bờ cho
con cá nghe thì con Cá không thể nào tin, bởi vì nó không chứng kiến nên
không tin. Nhưng thật ra có chuyện ở trên bờ chứ không phải không có.
Cũng vậy, ở đây chúng ta
không chứng kiến được cõi Trời nhưng không phải là không có. Hồi Đức Phật
còn tại thế, Ngài đã nói trong các kinh rằng “Có Tam Thiên Đại Thiên Thế
Giới”, tức là có hằng hà sa số thế giới. Tuy nhiên vào thời đó, chưa ai tin
hết vì người ta chỉ thấy phạm vi thế giới của mình thôi. Đến khi khoa học
phát triển, họ đã tìm ra được các hành tinh khác. Mỗi vì sao là một thế
giới. Rồi lên được cung trăng họ cũng phát hiện đó là một thế giới, nhưng
các nhà khoa học nói đó là một trái đất chết không có người sống. Thật ra ở
đó cũng có những sanh linh sống. Sở dĩ họ không thấy được vì cách nhau bởi
biệt nghiệp.
Tương tự, Đức Phật có
nói đến Lục đạo luân hồi tức là sáu con đường mà chúng sinh chết đi rồi sống
lại và nó luân hồi qua lại mãi “Ta thấy tất cả chúng sinh luân hồi trong lục
đạo, xây vần trong sáu đường này. Cũng như một người đứng trên lầu cao nhìn
xuống dưới ngã tư đường, thấy người nào đi đường nào…đường nào”.
Tùy theo nghiệp lực đã
gây tạo mà sau khi chết có người sinh về cõi Trời hay cõi người. Có người
rơi vào ngạ quỷ, địa ngục hay súc sanh. Nói sáu đường mà sự thật ta chỉ thấy
có hai đường là người và súc sanh. Bốn đường còn lại là Trời, Atula, Ngạ
quỷ, Địa ngục thì không thấy. Ta không thấy do không chứng kiến được chứ
không phải là không có, tại vì cái biệt nghiệp của mọi loài mọi chỗ mà sống
thì cái nhìn nó khác nhau. Ví dụ cõi Trời sống không bằng hình tướng mà bằng
tư tưởng. Cái tư tưởng đi qua đi lại không có hình tướng thì làm sao ta thấy
được.
Chính vì không tin có
thế giới siêu hình nên thầy Nhất Hạnh chủ trương “Tôi không có ước ao cái
cõi Niết bàn, Tịnh độ hay Thiên đường, tại vì Niết bàn là ở đây; Tịnh độ là
ở đây; Thiên đường là ở đây”.
“Trong tâm mình nhẹ
nhàng, thảnh thơi và hạnh phúc thì ba nẻo đường đen tối là Địa ngục, Ngạ
quỷ, Súc sanh không thể xuất hiện. Những nẻo đường đen tối đó có thể phát
hiện trong ta bất cứ lúc nào trong ngày nếu ta đánh mất niệm, định và tuệ”.
Vì vậy không cần phải đi về tương lai mới có hạnh phúc, hay không cần phải
chết mới đi vào Tịnh độ.
Bởi vậy nhiều người nhận
định, có lẽ thầy Nhất Hạnh do bị ảnh hưởng của nền văn hóa Tây phương và
kiến thức tâm lý học của mình nên có lối giảng rất thực dụng. Thầy là một vị
tu sĩ Phật giáo có sứ mệnh hoằng truyền chánh pháp của Đức Thế Tôn lại không
tin Niết Bàn tuyệt đối của Phật. Cho nên đã chủ trương đi tìm sự thảnh thơi
an nhàn trong hiện tại. Điều này làm cho Đạo Phật bị biến dạng, thật đau
lòng!!!
Đối với những vấn đề mà
khoa học chưa chứng minh được như:
- Giáo lý Nhân quả
nghiệp báo, tình trạng tái sinh luân hồi mãi hay sự an lạc trong thiền định,
các cõi Trời, cõi Địa ngục, Ngạ quỷ làm người trí thức hay nghi ngờ. Nhưng
chúng ta là người đệ tử Phật phải có niềm tin và đức tin quả quyết về một sự
thật là “Ngoài thế giới vật lý này còn tồn tại thế giới của siêu nhiên, có
sự hiện hữu của chúng sinh trong đó”. Hơn nữa đó là những giáo lý quan trọng
được Phật thân chứng và thấy rõ, có thế chúng ta mới tu được.
Sự thật, địa ngục không
phải là sản phẩm tưởng tượng của tâm để muốn có là có, muốn không là không,
mà địa ngục là khách quan ngoài ý muốn của tâm. Tuy địa ngục thuộc về thế
giới tâm linh, thế giới siêu hình nhưng lại có thật. Khi một người làm ác,
họ không muốn vào địa ngục nhưng cứ bị một sức hút vô hình đẩy vào. Vì có
địa ngục nên con người rất sợ tội lỗi và sống một đời hiền lương đạo đức.
3/ Việc dùng tâm
lý để giải quyết đau khổ chỉ là tạm bợ,
phải có yếu tố công đức
mới là tận gốc.
Thầy Nhất Hạnh dạy rằng:
“Mỗi khi có nổi buồn, cơn giận hay niềm tuyệt vọng, ta dùng phương pháp trị
liệu là ôm ấp những cảm xúc đó một cách ưu ái và hết lòng thì năng lượng ưu
ái đó sẽ làm cho cơn giận hay nổi buồn dịu lại”. Cách thực tập là hãy chấm
dứt hết mọi ưu tư, chỉ bám sát vào hơi thở ra hơi thở vào.
Chúng ta thấy với cách
thức đó, nếu có tìm được sự an lạc thì cũng chỉ là một chút yên ắng tạm thời
thôi. Nếu không có phước, những cái bung xung tâm lý vẫn tiếp tục trổi dậy.
Rồi ta lại tiếp tục đè nén và cứ thế thì tâm càng mệt mỏi. Lúc này tâm không
còn yên nữa mà trở nên rất vọng động.
Muốn trị tận gốc ta phải
biết nguyên nhân của đau khổ là do đâu ?
- Có thể do thiếu đạo
đức, do không có lý tưởng giải thoát, do nghiệp quá khứ.
Thường thiếu đạo đức là
do nhân vị kỷ nên cái quả là đau khổ. Ngược lại với cái nhân vị tha thì cái
quả là an vui, đó là sự hổ tương trên nhân quả. Vì vậy để giải quyết cái khổ
một cách rốt ráo, chúng ta nên theo lời Phật dạy là hướng về mục tiêu vô ngã
sẽ tránh được lỗi lầm hơn. Ngay cả khi đạt được cái tâm thanh tịnh sáng suốt
vẫn phải tự nhắc mình bản ngã chưa hết, lỗi lầm chưa sạch để đừng chủ quan
tự mãn.
Mặt khác phải làm nhiều
việc phước song song với việc tu tập thiền định. Chính việc làm lợi ích cho
mọi người sẽ có cái phước tác động trở lại làm tâm được yên một cách tự
nhiên chứ không phải do tu tập. Đó là vì phước và nhân quả luôn đi đôi, phối
hợp nhịp nhàng với nhau không sơ hở. Cho nên muốn đi tìm sự định tâm mà
phước ít quá sẽ không nhiếp tâm được. Đừng tưởng chỉ thực hành phương pháp
nhiếp tâm là nhiếp được. Bên ngoài thấy cũng ngồi yên đó nhưng bên trong
vọng tưởng vây kín. Cho nên sự tu hành của mỗi người chỉ tự mình biết. Quan
trọng là phải thành thật với chính mình thì công phu tu hành mới tiến.
Một vài điều kiện quan
trọng để hóa giải đau khổ là phải tinh tấn lễ Phật, tinh tấn tu tập thiền
định để nhiếp tâm cho được. Bởi vì khi tâm ta thanh tịnh thì những mục tiêu
thế gian không lừa gạt được mình. Ta vẫn sống giữa cuộc đời đầy bất trắc
nhưng không đau khổ. Trong đời sống ta thấy được lỗi lầm của mình trong từng
điểm nhỏ. Ngoài ra còn thương yêu giúp đỡ người khác được. Chính cái tâm vị
tha làm mình quên đi thực tại rằng mình đang có đau khổ, vì niềm vui có được
trong những việc làm giúp người khác đã phủ kín hết tâm mình. Cho nên vừa tu
tập, vừa làm phước, vừa tu dưỡng đạo đức. Đó là những cái nhân tác thành
công đức để giải quyết tận gốc của đau khổ, chứ không phải đi tìm một nội
tâm an lạc cho chính mình là hết đau khổ. Cái gì đi tìm cho chính mình là
dấu hiệu của cái tâm còn ích kỷ. Mà ích kỷ là nguyên nhân của đau khổ. Vì
vậy chúng ta phải có trí tuệ thoát ra khỏi chính mình để hướng về mục tiêu
vô ngã thì hạnh phúc là chắc thật.
4/ Cách dụng công
thiền quán thường sử dụng tưởng tượng
Làm mệt đầu óc và tăng
thêm ảo tưởng kiêu mạn.
Trong năm bài thực tập
“Chánh niệm” từ thấp đến cao, ta thấy bài nào trong cách dụng công cũng có
tưởng tượng. Bài tập càng cao thì tưởng tượng càng nhiều. Ví dụ bài tập thứ
tư:
1. Thở vào, tôi biết tôi
thở vào
Thở ra, tôi biết tôi thở ra
2.Thở vào, tôi thấy tôi
là bông hoa
Thở ra, tôi cảm thấy tươi mát
…………………………………
5. Thở vào, tôi trở nên
không gian mênh mông
Thở ra, tôi cảm thấy tự do thênh thang
Hoặc bài thứ năm:
1. Thở vào, tôi thấy tôi
là em bé năm tuổi
Thở ra, tôi cười với em bé năm tuổi là tôi
………………………………………………..
6. Thở vào, tôi thấy em
bé năm tuổi là mẹ tôi rất mong manh, rất dễ bị thương tích.
Thở ra, tôi cười với em bé là mẹ tôi với nụ cười hiểu biết và xót
thương.
Qua những câu quán tưởng
như thế, ta thấy phương pháp thực tập nó không đúng thật như bài kinh “Tứ
Niệm Xư” Phật đã dạy. Mà nó vừa lai lai một chút ở bài kinh này, vừa lai lai
ở khía cạnh tâm lý, tức là thiết lập lại truyền thông giữa bản thân và cha
mẹ.
Đức Phật dạy: “Hơi thở
vô dài, tôi biết hơi thở vô dài
Hơi thở vô ngắn, tôi biết hơi thở vô ngắn”.
Tức là hơi thở như thế
nào, ta biết như thế đó. Không có tưởng tượng nó như thế này, như thế kia
khi thở vào hay thở ra. Cái việc tưởng tượng cho tâm mình phủ trùm “Tôi cảm
thấy tôi trở nên không gian mênh mông”. Chính cái tâm tưởng tượng đó là một
loại tâm loạn, làm mệt trí não.
Ở đây chúng ta không đi
tìm cái phủ trùm đó vì nó là một sự tưởng tượng và sự tăng trưởng của bản
ngã.
Tu thiền là đi tìm cái
không thời gian, không có đối tượng phải suy nghĩ. Từng phút thấy cái hiện
tại nó tan vỡ, không có. Đó là lúc tâm ta thanh tịnh không còn thời gian
nữa. Còn việc tâm nó phủ trùm, đó là điều tự nhiên nó phải như vậy, không
tưởng tượng. Nếu khởi động cái tâm để tưởng tượng thì ngay lúc đó là sai
lầm. Chúng ta tu như thế lâu ngày sẽ tẩu hỏa.
Yếu chỉ của Làng mai
trong việc thực tập thiền chánh niệm là nhiếp tâm vào hơi thở, mĩm cười làm
cho thân tâm an lạc, vững chải thảnh thơi. Và ngay đó cho rằng mình đã về đã
tới, không còn mục đích nào tiến tới nữa.
“Thiền” lúc đầu là vô
niệm. Sau sẽ đi dần đến vô ngã. Đó là mục tiêu cuối.
Đừng tưởng tâm được
thanh tịnh, thấy mình thảnh thơi vững chải, có trí tuệ rồi cho rằng trạng
thái đó là viên mãn nên ca ngợi đề cao, cho rằng “Chỉ có pháp môn thực tập
của tông phái mình là có khả năng giúp hành giả nhiếp được tâm”. Nghĩ như
thế thì mặt dù tâm đang thanh tịnh đó nhưng vẫn đang tự cao. Một khi có tự
cao, rồi cộng thêm tưởng tượng thì coi chừng nếu không có phước sâu dầy
trong quá khứ, người đó sẽ trở nên điên loạn.
Cho nên tâm tự hào là
một trở ngại rất nguy hiểm đối với người tu. Ví dụ hôm nay ta ngồi thiền
được an lạc, thảnh thơi, vững chải. Nhưng nếu ta khởi tâm nghĩ “À! Mình hay
thật, mình tu có tiến bộ” thì qua ngày hôm sau trạng thái yên ắng sẽ không
còn nữa. Đó là do cái tâm tự hào nó phá tan hết công đức, làm lui sụt lại
công phu tu hành của mình.
Tóm lại, lối tu thiền
của Làng mai không đủ sức có được chánh niệm tỉnh giác mà chỉ là tâm tư duy
thôi.
5/ Trong giáo lý
Làng Mai, chữ “Thiền” bị lạm dụng.
Lạm dụng đến nổi bất kỳ
sự vật, sự việc nào, chỉ cần gán thêm phía sau chữ “Thiền” một từ nào đó là
ta có ngay một cái tên gọi rất kêu. Ví dụ: Hòa thượng bình thường cũng gọi
là Thiền sư. Lễ lạy gọi là Thiền lạy. Nằm gọi là Thiền buông thư. Đi gọi là
Thiền đi. Ngồi gọi là Thiền ngồi. Ngoài ra còn có Thiền thở, Thiền làm việc,
Thiền sỏi, Thiền trà, v.v…Toàn là những danh từ hơi lạ so với tự điển Phật
học.
6/ Đánh giá Đức
Phật như một triết gia dễ thương, chứ không có gì cao siêu.
Trong quyển Thiết Lập
Tịnh Độ, trang 59 của Thầy Nhất Hạnh. Có đoạn viết:
“…Tuy Bụt Thích Ca không
nói rõ nhưng chúng ta biết rõ Bụt A Di Đà là một người có khả năng rất lớn
trong việc xây dựng tăng thân. Nếu Bụt A Di Đà không dễ thương thì đâu có ai
muốn đến cõi đó để cộng tác và sống chung với Ngài. Vì Đức A Di Đà dễ thương
quá chừng, cho nên hầu hết tất cả những người dễ thương đều quy tụ về bên
đó”.
Đọc trích đoạn trên, ta
có cảm giác Thầy Nhất Hạnh tán thán công hạnh của Phật A Di Đà, nhưng thông
qua đó là ngầm ca ngợi mình đã có công thiết lập được nhiều Tăng thân trên
khắp thế giới. Đồng thời Làng mai là một cõi Tịnh Độ thiết thực bây giờ và
ở đây. Cho nên phương pháp “Mỗi bước chân đi vào tịnh độ” là quà tặng quý
nhất của Làng mai đối với những ai muốn thực tập. Riêng thầy Nhất Hạnh là
người dễ thương nhất nên Thiền sinh khắp nơi quy tụ về Làng mai, cùng tu tập
để tận hưởng từng bước chân an lạc đang dẫm lên mảnh đất Tịnh độ ở trời
Tây.
Thầy Nhất Hạnh hiểu Đức
Phật chỉ là người tỉnh thức không cao siêu lắm. Điều đó đã hạ thấp giá trị
chứng ngộ của Đức Phật xuống mức ngang bằng một triết gia. Tức là cho rằng
Đức Phật ngồi suy nghĩ dưới cội bồ đề mà chứng đạo. Thấy như vậy tức là thầy
Nhất Hạnh không hiểu ý nghĩa lớn lao của sự “Giác ngộ”.
* Để chứng đạo, một
người đệ tử Phật phải thành tựu khả năng nhập xuất tự tại bốn mức định là từ
Sơ thiền cho đến Tứ thiền”.
Do mục tiêu tu tập của
Làng mai là đứng lại ở chỗ tư duy, cho nên hiểu sai về Đức Phật như thế là
làm cho đạo Phật chóng suy tàn.
Sự thật nhân quả của
việc thành Phật rất phức tạp. Phải có chánh nhân là kiếp nào đó đã từng cung
kính thiết tha một vị Phật. Tôn kính đến mức có thể hy sinh cả mạng sống vì
Phật. Nhờ cái tâm tôn kính như vậy mà chúng sinh đó trở nên khát khao thành
Phật. Rồi trải qua nhiều kiếp tinh cần, chúng sinh đó phải tu tập theo đúng
Bát Chánh Đạo, làm được vô số công đức, thành tựu các mức thiền định phi
thường, diệt trừ hoàn toàn chấp ngã, thoát ra khỏi tâm thức riêng của mình
để trở thành toàn thể vạn hữu. Đó là như thế.
7/ Xem Phật và
Chúa giống nhau.
Thầy Nhất Hạnh chủ
trương chính Sách vượt thoát khỏi khuôn khổ tôn giáo của đạo Phật để có thể
hòa đồng các tôn giáo khác với nhau.
Bởi vậy các thầy và các
sư cô đạo tràng Mai Thôn cũng học Phúc Âm. Đồng thời cũng đã từng đi tham dự
những sinh hoạt tu tập và trao đổi ở các Tu viện Cơ Đốc Giáo tại Pháp, Hoa
Kỳ, Au Châu.
Vào năm 1995, thầy Nhất
Hạnh có viết quyển sách “Living Buddha, Living Christ”. Dịch sang tiếng
Việt có tựa đề là “Bụt trong ta, Chúa trong ta”. Với nội dung có sự so sánh
giữa Bụt và Chúa rất giống nhau. Đó là quan điểm riêng của thầy Nhất Hạnh.
Kỳ thực xét về mọi phương diện Chúa làm sao bằng Phật được. Thầy Nhất Hạnh
nói như thế khiến cho tín đồ Phật giáo mất cảnh giác về âm mưu bành trướng
của kitô. Nghĩa là người Phật tử lập gia đình thoải mái theo Chúa mà bỏ đạo
nhà.
Nói như thế không có
nghĩa là chúng ta tự tôn, kỳ thị, phân biệt mà là một sự bảo vệ đạo Phật.
Ngay cả Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV trong cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng John
Paul II đã từ chối đề nghị một hình thức hỗn hợp hay thống nhất giữa Phật
giáo và Thiên Chúa giáo. Ngài nói rằng:
"Thật khó để có chuyện
hợp nhất giữa Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Nếu bạn muốn có mối quan hệ mật
thiết hơn, thông hiểu nhau hơn, điều đó đang diễn ra trong các tôn giáo." Ông
lưu ý: Với những cá nhân hành đạo, việc có một chân lý, một lý tưởng là rất
quan trọng. Có nhiều chân lý, nhiều lý tưởng là mâu thuẫn nhau.
Ông tiếp: "tôi là Phật
tử, do đó Phật giáo đối với tôi là chân lý duy nhất, tín ngưỡng duy nhất.
Đối với người bạn Hồi giáo thì đạo Hồi là chân lý, là tín ngưỡng duy nhất.
Trong lúc ấy tôi vẫn tôn trọng và ngưỡng mộ những người bạn Thiên Chúa giáo
và Hồi giáo. Và nếu hợp nhất theo nghĩa trộn lẫn vào nhau thì không thể được
và cũng vô ích”. ( Nguồn tin Zenet News Agency )
8/ Thầy Nhất Hạnh
tuyên bố Phật Di Lạc đã Đản Sanh
với hình thức một Tăng
đoàn, một Tăng thân hay một cộng đồng.
Trong một bài giảng với
tựa đề ĐỨC PHẬT CỦA THẾ KỶ XXI, tại chùa Hoằng Pháp. Thầy Nhất Hạnh nói
rằng: “Đức Phật Di Lạc đã đản sanh. Năm nay Ngài được năm hay sáu tuổi. Lần
này Đức Phật được sinh ra không phải là hình thức một cá nhân mà là hình
thức một tập thể, một cộng đồng, một tăng đoàn, một tăng thân”…
Đây là điều kỳ lạ mà hội
chúng mới được nghe. Nhưng khi hiểu rõ đường lối của Làng mai thì thấy ẩn ý
của câu nói đó muốn ám chỉ “Tăng thân” của Làng Mai là
hiện thân của Phật Di Lạc.
Trong những thập niên
qua, thầy Nhất Hạnh dành rất nhiều công phu để xây dựng một tăng đoàn xuất
gia, có khả năng gây được niềm tin cho giới trí thức và người trẻ tuổi. Cho
nên trong mỗi khóa tu thầy Nhất Hạnh tổ chức nơi nào là đều có sự góp mặt
của tăng đoàn. Tăng đoàn này có khả năng giảng dạy, hướng dẫn tu học cho mọi
người. Đây là một đòn tâm lý chứng tỏ cho quần chúng thấy giáo lý làng Mai
có thể đáp ứng được nhu yếu của mọi thành phần trong thời đại mới. Chứ còn
nếu thầy Nhất Hạnh một thân độc mã đi đến các Nước thuyết giảng thì cho dù
thầy có nói cao siêu cách mấy cũng không đủ gây niềm tin tưởng cho tứ chúng
tại các nước ấy.
Tuy nhiên nói như thế là
thầy Nhất Hạnh dám bẻ cong lời Phật và gây nên một tà kiến trong đạo Phật.
9/ Vì không tôn
trọng Phật nên thầy Nhất Hạnh
đã tuyên bố mình đang có
hóa thân giáo hóa khắp thế giới.
“Khi mà tôi nghĩ những
tác phẩm của tôi in ra hằng 40 – 50 thứ tiếng, nó đi khắp thế gian, nó đi
vào các tu viện của người Công giáo, vào trong nhà tù, vào trong những ngõ
ngách…Giúp cho người ta tiếp xúc được với chánh pháp của Đức Thế Tôn. Tôi
thấy rằng tôi là những cuốn sách đó, tôi đang hành đạo ở khắp nơi, tôi có
hóa thân khắp nơi. Còn cái quý vị đang nhìn thấy đây không phải là tôi đâu,
nó chỉ là một mặt nhỏ xíu. Và tôi có những người bạn, có những người đệ tử
tiếp nối tôi trên khắp thế giới, và đó là những hóa thân của tôi, đó là
những sự tiếp nối của tôi. Khi hình hài này tan hoại, quý vị đừng nghĩ tôi
chết, không đâu. Bản chất của tôi cũng giống như bản chất của đám mây, nó là
vô sanh, bất diệt. Mà bản chất của quý vị tương tức cũng vậy là vô sanh là
bất diệt”.
Thường chỉ có những vị
đắc đạo mới tuyên bố có Pháp thân, Báo thân, Hóa thân. Thầy Nhất Hạnh tự cho
mình có hóa thân như thế là chứng tỏ mình bằng Phật. Đành rằng thầy Nhất
Hạnh là một vị Tu sĩ có tài, có lý tưởng, có bản lãnh, có công phát triển
đạo Phật ở Tây phương. Nhưng nếu thầy Nhất Hạnh đừng tự nói những cái hay
của mình, đừng xác quyết mình như Phật thì cái lòng tôn kính của mọi người
đối với thầy Nhất Hạnh thật là vô hạn.
Thiền Sư Zen Zetsu
(Nhật) căn dặn đệ tử: “Đừng nói cho người chung quanh biết về con trước khi
họ tự khám phá ra con”.
Người chân chính không
bao giờ nói ra cái hay của mình, nhưng tự họ trong đời sống có những hành vi
tốt đẹp toát ra. Điều này khiến người khác cảm nhận được và họ tin chắc đây
là một bậc Thánh nhân.
Ở các đạo khác, họ xây
dựng lòng tôn kính đối với giáo chủ rất mạnh. Ví dụ đạo Hồi. Bởi vậy đạo của
họ vững vàng và phát triển mạnh là vậy. Chỉ có đạo Phật rất lạ là có tư
tưởng xem nhẹ lòng tôn kính đối với vị giáo chủ của mình. Cho nên đôi lúc có
những vị Thiền sư chứng ngộ, thích bày tỏ sự cao siêu của mình để cạnh tranh
ngang hàng với Phật.
10/ Truyền đăng
Vào thời Đức Phật, kết
quả tu tập của các vị đệ tử do chính Đức Phật xác nhận là họ đang ở vị trí
nào theo tiêu chuẩn của bốn mức Thiền và bốn Thánh vị. Cho nên việc truyền
tâm ấn có nghĩa là thầy công nhận đệ tử đắc đạo giống mình.
Ngày nay quý thầy, quý
sư cô và cư sĩ Làng Mai, trước khi tấn phong làm giáo thọ cũng được làm lễ
truyền đăng nhưng là một hình thức tâm lý để giữ chân họ chứ không còn giá
trị tâm linh nữa. Và trong khi thọ lãnh đó mỗi vị được tặng bài kệ giống như
một sự công nhận, ví dụ:
TT Thích Phước Tịnh:
Phước duyên lòng đất nở
hoa
Bước trong cõi tịnh, ngồi tòa chân như
Cánh đồng sao mọc vô dư
Đỉnh xuân hằng hữu bây giờ trăng lên.
Chị Châu Hương Sơn:
Vầng trăng trên biển bạc
Đã về ngự Hương Sơn
Sóng không sinh chẳng diệt
Mưa biển lại về nguồn.
11/ Thầy Nhất Hạnh
kêu gọi hòa hợp, bắt tay với tất cả.
Nếu các nước liên hiệp
Châu Au có những yếu tố triết học, thần học và văn hóa chung làm nền tảng
cho sự thực hiện cộng đồng thì các nước Đông Nam Á chúng ta cũng có những
yếu tố như thế để làm mẫu số chung. Đó là đạo Bụt, đạo Khổng, Đạo Lão, tinh
thần Tam Giáo Đồng Nguyên, lý tưởng đại đồng, quan điểm tam tài, ý hướng yêu
chuộng hòa hợp với thiên nhiên và nhất là sự yêu chuộng sự thảnh thơi nhàn
du.
Ai cũng thấy rõ ràng
trong thời đại này, không ai còn có thể bế quan tỏa cảng, không ai còn có
thể đứng một mình như một hải đảo nữa. Ta không thể nào cô lập trong cô lập.
Ta chỉ có thể đứng thế liên lập mà thôi (Tuổi trẻ – Tình yêu – Lý tưởng).
Lời nói như thế là nhen
nhúm kêu gọi đa nguyên đa đảng chứ không phải đạo lý. Bởi vì thầy Nhất Hạnh
cho rằng: “Nhiều ý kiến vẫn hơn một ý niệm độc tôn. Nhiều thành phần chính
kiến tôn giáo, xã hội đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương vẫn hơn một đảng
phái độc quyền, bao cấp quản ly”.
Còn đạo lý là ta thương
yêu mọi người nhưng phải dẫn dắt mọi người về với Phật pháp, không phải tạo
điều kiện cho kẻ xấu phát triển. Người có bản lãnh là không chìu theo cái
sai của thế gian. Đôi lúc phải chấp nhận đụng chạm để thay đổi một quan điểm
sai nhằm đưa đến lợi ích sau này. Có như thế lẽ phải chân lý mới được bày
tỏ.
12/ Thầy Nhất Hạnh
có bổn phận giải thích thật hay
những điều sư cô Chân
Không đề ra có vẻ kỳ lạ.
Ví dụ:
- Sư cô Chân
Không, không cho thầy Nhất Hạnh giữ điện thoại, email, tiền bạc thì thầy
phải nói đó là do “Thầy tự tại không vướng mắc”.
- Sư cô Chân Không,
không cho thầy Nhất Hạnh tiếp khách thì thầy phải nói là “Thầy được sư cô
bảo hộ chu đáo”.
- Sư cô Chân Không hạn
chế tất cả quyền lợi của tăng ni thì thầy Nhất Hạnh giải thích là “Tuy không
có địa chỉ hay điện thoại riêng nhưng quý thầy cô ở làng Mai chấp nhận một
cách hoan hỷ. Tại vì đó không phải là giới hạn tự do mà là một phương pháp
thực tập uy nghi để bảo hộ tự do”.
- Ngoài ra sư cô Chân
Không còn quyết định mọi kế hoạch, nhân sự và kể cả đưa ra giáo lý cho thầy
Nhất Hạnh giảng dạy.
Qua những điều như vậy
cho thấy sư cô Chân Không là người rất nguy hiểm, tuy là người đứng phía sau
nhưng luôn chỉ đạo cho thầy Nhất Hạnh trong mọi vấn đề.
Kết luận:
Nhìn những điểm phân
tích trên, ta thấy:
- Thầy Nhất Hạnh phát triển đạo Phật nhưng bỏ mất cái
gốc.
- Không yêu quý tôn trọng cái gốc từ Đức phật đã dựng lập vì có ý tự cho
mình không thua kém Phật.
- Không tin có Niết bàn tuyệt đối của Phật cũng như không tin có thế giới
siêu hình.
- Có khuynh hướng hòa đồng các tôn giáo là làm loãng đạo lý của Phật trộn
lẫn giữa đúng và sai.
- Thầy Nhất Hạnh đưa “Tâm lý học” Tây phương vào trong cách giảng dạy nên đã
lái đạo Phật sang hướng thực dụng hơn là chứng đạt chiều sâu tâm linh.
- Trong cách dụng công tu “Thiền” hay tưởng tượng.
- Có những ý đồ thầm kín khó hiểu.
- Lệ thuộc quá nhiều vào sư cô Chân Không.
Mong các vị Tăng Ni và
phật tử phải cảnh giác đừng bị những lời hoa mỹ lôi kéo, dẫn dụ đi sai
đường.
Tháng 6/ 2005
Trí Thông
Cần xem “giáo lý làng mai” để đối chiếu.
http://www.thuvienhoasen.org/index-tacgia-nhathanh.htm