GIÁO DỤC KITÔ GIÁO, CÓ HAY KHÔNG CHỮ “TÂM LINH”

Nguyễn Minh Vương

nguồn: http://giaodiemonline.com/2008/09/tamlinh.htm

07 tháng 9, 2008

LTS: Đa số người bình thường không mấy thích thú khi bàn đến triết học. Có người còn quan niệm "mấy ông nói triết lý thường gàn gàn, chẳng thực tế chút nào". Nhưng cái nguy hiểm ở thái độ này sẽ trở thành điều đáng nói nếu họ thả lỏng niềm tin vào những tôn giáo phi lý nhất, và yên chí bằng lòng "không tìm hiểu" tất cả những định nghĩa, các khái niệm không những "gàn gàn", mà còn mông lung, nếu không muốn nói là gạt gẫm, và nhiều khi đầy ích kỷ như "thiên chúa", "thiên đàng", "tội", "thánh", "đạo đức", những quan niệm đã đem lại chiến tranh cho địa cầu thay vì "bình yên dưới thế" như "quảng cáo". Trang Sachhiem.net mời quí đọc giả chịu khó đọc một công trình biên khảo, ít nhiều thắp một ngọn nến cho ấm thêm gương mặt lý trí của mình. Bài viết hiếm hoi sau đây cô đọng nhất vào câu kết của tác giả: "Độc lập, tự do, giải thoát khỏi Thượng Đế mới chính là con đường giáo dục tâm linh đúng nghĩa. Không lập cước trên cuộc lữ miên trường này, hành giả chẳng thể nào điều phục được cái Tâm viên Ý mã chuyên chấp trước, phân biệt mà thôi." Xin cúi đầu cảm phục.


 

Nội dung :

I. Khái niệm

1. Ý nghĩa nguyên thủy

2. Ý nghĩa hiện đại

3. Ý nghĩa của Đông phương

4. Ý nghĩa trong Kitô giáo

II. Sơ lược hệ thống giáo dục tâm linh trong dòng tu

1. Sản phẩm của hệ thống giáo dục Tây phương

2. Sắc lệnh giáo dục Kitô giáo

III. Quá trình đào tạo tu sĩ

1. Giai đoạn sơ khởi

2. Giai đọan nhà tập

3. Giai đoạn học viện

a. Trí thức

b. Tâm linh

IV. Kết luận

Thủ Đức, ngày 3/8/2008


 

 

Biết ít nhưng vui nhiều

Đó là tặng vật

Cho cõi phù du…

Lời thơ trích trong quyển Lời cố quận của Martin Heidegger giảng về thơ Hoelderlin do Bùi Giáng dịch khiến cho người viết bao phen giật mình. Bởi biết bao phen lận đận chìm nổi hắt hiu trong dòng đời, mình cứ tưởng có cái này thì sẽ vui, có cái kia sẽ được hạnh phúc. Có ngờ đâu, cái vui nhất, cái hạnh phúc nhất trong cõi phù du chính là qui hồi cố quận nguyên thôn, một cô phong đảnh một hồn tịch liêu.

 

I. Khái niệm

1. Ý nghĩa nguyên thủy

Chữ “tâm” có rất nhiều nghĩa, người ta có thể hiểu chữ “tâm linh” tùy theo môi trường văn hóa, tôn giáo của họ. Tuy nhiên, trong cái xã hội mà thông tin tràn ngập như vũ bão này, những ngôn từ như hai chữ “tâm linh” thường xuyên bị bóp méo, xuyên tạc, lợi dụng nhằm đem lại lợi ích cho tổ chức này, tôn giáo kia. Chính vì thế, người viết cố hết sức truy nguyên lại nguồn gốc của nó để phần nào có thể hoàn nguyên ý nghĩa mà con người cơ khí ngày nay đã vô tình bỏ quên.

Khởi đầu văn minh Hy Lạp, có một từ mang ý nghĩa tâm linh, đó là từ hiérophanie nghĩa là hiển linh, sự xuất hiện của linh thể. Từ này được ghép bởi hiéros : linh thiêng và phainein : hiển bày. Thêm vào đó, ông Phạm Công Thiện cho rằng Héraclite, người đầu tiên và cũng là người cuối cùng khám phá ra thể tính bí mật của “Psyché” trong suốt dòng lịch sử tư tưởng triết học Tây Phương, đã viết : “Cái tâm (Psyché) có cái Thông lý tính (Lógos) tự huân trưởng lên.”[1] Tuy nhiên, khởi từ Socrate, Tây phương đã giải huyền, chối bỏ cái linh thể, cái tâm ấy và thay vào đó bằng những giá trị thế tục do suy đoán của lý trí. Cụ thể là Platon và Aristote, họ đã hiểu sai ý nghĩa chữ “psyché” và đã hạn chế nó thành những ý niệm như “linh hồn, tâm thần, tâm linh, tâm thức, tiềm thức…” Dần dần, Tây Phương đã biến cái tâm huyền linh đó thành những đối tượng khả hữu để phân chia, mổ xẻ, thí nghiệm, khảo sát bằng một guồng máy ý niệm triết học vào khoa học hoành tráng, cao xa và lộng lẫy. Từ cái gốc là “psyche”, người ta chế biến thành những môn học như Psychologie, Psycho-analyse, Psycho-pathologie. Những môn này chẳng những không vén mở cái linh thể ẩn tàng mà còn xuyên tạc, bóp méo cái ý nghĩa nguyên thủy của “psyché”. Dưới đây, xin đưa ra một vài định nghĩa của các từ điển.

2. Ý nghĩa hiện đại

Theo The American Heritage® Dictionary thì “tâm” nghĩa là psyche, có gốc từ tiếng Hy Lạp là psūkhē nghĩa là hơi thở, nguyên lý của sự sống. Nó được chuyển thành tiếng Latin là psyche. Giải nghĩa từ psyche, từ điển này đưa ra hai nghĩa như sau : “1. The spirit or soul. 2. Psychiatry The mind functioning as the center of thought, emotion, and behavior and consciously or unconsciously adjusting or mediating the body's responses to the social and physical environment.

Theo Việt Pháp từ điển của Đào Đăng Vỹ thì “Tâm” là coeur, sentiment, Âme, esprit, conscience, sacré.

Trong tiếng Anh, người ta dịch chữ “Tâm” là heart, mind, awareness, thought, conception, spirit, soul, emotion, mood, sensation, idea, mentation, intellection, intelligence, thinking, cognition…

Trên đây là một số cách định nghĩa chữ “tâm” của Tây Phương hiện đại. Tất cả những ý nghĩa trên đều không mang hết ý nghĩa của chữ psyché hiérophanie. Thậm chí những chữ đó đã bị phân hóa thành vật chất và tinh thần, chứ không mang mật nghĩa ẩn áo của cái tòan thể trinh nguyên sơ nguồn bình minh ban sơ Hy Lạp nữa. Thật vậy, ngay từ thời Platon và Aristote, tất cả những ý nghĩa thâm sâu ẩn mật của hai chữ trên đã bị óc luận lý của hai ông ly hôn, ruồng bỏ. Cái ý thức huyền linh đó đã bị triết học hiện đại thủ tiêu hoàn toàn không còn một tấc đất để cư lưu khi Descartes đưa ra định đề “cogito ego sum.” (I think therefore I am) (tôi suy tư vậy tôi hiện hữu). Với định đề này, Descartes khẳng định rằng con người chỉ tồn tại thật sự qua linh hồn biết suy tư. Từ đó ông suy ra một nền triết học rạch ròi, mạch lạc khi tách biệt thần học với khoa học, khách quan với chủ quan, linh hồn với thể xác và lý tính với trực giác. Cũng từ đây con người trở thành chủ thể nhận thức và thế giới trở thành đối tượng để thẩm tra, minh xét.

3. Ý nghĩa của Đông phương.

Đối với Đông phương, ta sẽ thấy người ta không dùng ý niệm tâm trí hay khối óc để giải nghĩa chữ “tâm” mà dùng ngay cái tâm để suy tưởng, phán đoán và chọn lựa.

Theo từ điển Hán Việt của cư sĩ Thiều Chửu thì chữ "tâm" (心) có nghĩa là tim, người đời xưa cho tim là vật để nghĩ ngợi, cho nên cái gì thuộc về tư tưởng đều gọi là tâm, ví dụ "tâm cảnh" (心 境), "tâm địa" (心 地) v.v. Ngành khoa học nghiên cứu về các hiện tượng của ý thức con người được gọi là tâm lý học.

Theo từ điển Phật học của Đoàn Trung Còn thì chữ “tâm” có hai nghĩa vật chất và tinh thần. Về vật chất, tâm là trái tim ở chính giữa thân thể. Về tinh thần thì thường được dịch nôm là lòng, nỗi niềm, nội, lòng cương quyết, trí, cái linh giác chung của vạn vật hay tâm linh, thần hồn, căn bổn, trụ cốt, chỗ bí mật…

Về phần chữ Linh 靈, theo Đào Duy Anh thì nó có nghĩa là thiêng liêng, thần, hồn người chết. Hơn nữa nó còn được ghép với rất nhiều các chữ khác, cụ thể với chữ Đài 臺 thành ra chữ Linh Đài mang nghĩa là Tâm linh của con người. Còn theo Cao Đài từ điển thì nó mang nghĩa là Nơi thiêng liêng huyền diệu. Trang Tử cũng có viết: "Bất khả nội ư linh đài” nghĩa là không biết được lòng dạ con người. Lão giáo cũng cho rằng Linh đài chính là cái Tâm. Như thế, hai chữ Tâm linh (心靈)) là Cái trí tuệ có trong lòng người. Có thể nói theo nghĩa đen rằng lòng người cũng chính là bụng người, chỗ quan trọng nhất trên cái bụng chính là huyệt đan điền, mà theo Yoga hay Khí công thì muốn khỏe mạnh thì phải tập trung khí ở huyệt đan điền và phải luyện tập cách điều phục hơi thở. Do vậy, tâm linh là cái tinh ròng vi tế, nhưng nó lại ngụ ở trong lòng qua hơi thở.

Vậy, toàn bộ truyền thống tâm linh của Đông phương là hồi quang phản tỉnh, quy căn viết tĩnh, hồi đầu thị ngạn, chính là học cách làm chủ được hơi thở của mình. Cụ thể là tất cả nghệ thuật ảnh tượng của Đông phương đều trình bầy trong tư thế kiết già, nhìn xuống, hay nhắm mắt nhìn vào trong, với tư thế này, con người sống hòan hảo nhất và mãnh liệt nhất.

Hơn nữa, ông Phạm Công Thiện, trong tác phẩm Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Sự Im Lặng, đã viết : “Chữ “Tâm” là một chữ bao trùm mọi ý nghĩa và mọi phản nghĩa. Muốn nói về chữ tâm cho đầy đủ thì không khác gì phải đọc lại tất cả Kinh và Luận của tất cả tông phái Phật giáo.”[2] Tuy nhiên, toàn thể thế giới ngày nay đều đã bị đầu độc bởi văn minh cơ khí vật chất, nên cái “Tâm” của Đông phương cũng đã bị bật gốc và thay vào đó bằng công trình ý niệm khoa học đồ sộ của Tây phương.

4. Ý nghĩa trong Kitô giáo

Trong tác phẩm Đời Sống Tâm Linh Tập III của Phan Tấn Thành, ông cho rằng “tâm linh” được dịch ra từ chữ Pháp Spirituel, Spirituelle và có chức năng như một tính từ bổ nghĩa cho từ vie tạo thành đời sống tâm linh (Vie Spirituelle) hay (Spiritual Life) trong tiếng Anh. Tính từ này được tạo thành bởi từ gốc là esprit, tức là từ Spiritus, Spirituel trong tiếng Latinh.

Với từ này, tác giả Đời Sống Tâm Linh đưa ra ba ý nghĩa như sau :

- Esprit nghĩa là tinh thần đối với vật chất, vô hình đối với hữu hình. Như vậy Spirituelle bao gồm tất cả ý nghĩa sinh họat tinh thần.

- Ở cấp cao hơn thì Esprit mang nghĩa một lý tưởng cao thượng, hay một sự cố gắng để đạt đựơc ước mơ nào đó cao siêu hơn đời sống tầm thường.

- Riêng trong thần học Kitô giáo thì Esprit còn được hiểu theo nghĩa đặc biệt là Thánh linh (Thần khí, Thánh thần), một trong Tam Vị Nhất Thể của Kitô giáo. Suy ra Vie Spirituelle là sống theo thần khí.[3]

Chẳng hiểu tại sao một giáo sư đại học Angelicum ở Roma như ông Phan Tấn Thành lại không truy nguyên ý nghĩa gốc của từ Spiritus. Theo Encyclopedia thì spiritus có nghĩa là hơi thở (breath). Trong ngôn ngữ Tiền Ấn Âu (Proto-Indo-European) có từ gốc speis nghĩa là thổi (to blow). Còn trong bản dịch Vulgate thì chữ Spiritus được dịch từ chữ Hy lạp là pneuma (πνευμα) (hơi thở), đối lại với chữ Anima (soul, mind) được dịch từ chữ Psykhe. Như vậy, về thuật ngữ thì chính Do thái – Kitô giáo đã tách biệt giữa hơi thở và tâm linh thành hai đối tượng riêng biệt, cho nên trong tiếng Hy lạp Psykhe (linh hồn) đối với Pneuma (hơi thở); còn tiếng Hebrew thì có ruach (hơi thở) đối lại với neshama (soul), khi chuyển sang tiếng Latinh thì anima (hồn) đối lại với spiritus (tâm linh)[4]. Và cho đến ngày nay thì trong Kitô giáo, chữ Spiritus không còn mang nghĩa hơi thở nữa. Đó là lý do tại sao trong suốt 6 tập đời sống tâm linh của Phan Tấn Thành, ta không thấy ông đề cập đến hơi thở trong đời sống tâm linh. Ý nghĩa thứ ba mà ông Thành đưa ra cho thấy, tâm linh của Kitô giáo là hướng ra ngoài, hướng lên cao. Điều đó không có gì xa lạ vì nghệ thuật ảnh tượng của họ toàn là ngước mắt nhìn lên bầu trời cao xa thì mang ý nghĩa thánh thiện sống động. Còn nhìn xuống như tượng chịu nạn của Chúa Giêsu là lúc Người tắt thở.

Nói đến thế giới ngày nay là nói đến Tây Phương, bởi văn minh cơ khí đã làm ô nhiễm tận suối nguồn sông nước ban sơ. Cho nên bất cứ ai có chút tấm lòng quy hồi cố quận đều ngậm ngùi xót xa. Mãnh lực nào đã xô đẩy cả Đông lẫn Tây đi vào huyệt mộ hoang liêu lạnh vắng như vậy? Chúng ta có thể đổ lỗi cho người này, chế độ kia, tổ chức này, tôn giáo nọ được không? Một điều chua chát đó chính là con người ngày nay không hề ý thức được mối đe dọa đó mà lại cứ cắm đầu tàn phá khiến cho sa mạc hoang liêu ngày càng bành trướng, hố thẳm mịt mù ngày càng đào sâu. Phải chăng nguyên nhân chính của nó nằm trong sự tách biệt giữa hơi thở và linh hồn, giữa tinh thần hướng lên cao và hạ xuống thấp…?

Trước thảm cảnh đen tối đó, người viết mong mỏi được đưa ra ánh sáng hệ thống giáo dục của một dòng tu đang rất phát triển ở Việt Nam mà đã có thời, người viết là một đứa con trong hệ thống giáo dục đó. Với tấm lòng rất chân thành của một người con hoang đàng, nếu người viết đôi khi có gay gắt lên án, phá hủy hoặc so sánh cái hay cái dở với những truyền thống tâm linh khác thì đều nhằm mục đích dựng xây, tái thiết tòa nhà giáo dục đó mà thôi. Ngòai mục đích đó ra, người viết hoàn toàn không có chủ tâm gây chia rẽ, bè phái. Bởi có cuộc dựng xây nào mà không bắt đầu bằng phá đổ, đào hầm, đập đất đâu???

 

II. Sơ lược hệ thống giáo dục tâm linh trong dòng tu

 

Muốn trở thành một tu sĩ linh mục hay linh mục trong Kitô giáo La Mã, bất cứ ai cũng phải theo một trình tự sau đây.

Trước hết, đối tượng tham gia phải là con chiên ngoan đạo, có lý lịch tốt lành, gia đình nội ngọai, cha mẹ tương đối đạo đức không có ai li dị bỏ đạo, có giấy chứng nhận rửa tội, rước lễ, thêm sức… và có độ tuổi từ 18 đến 28 tuổi. Trình độ học vấn tùy theo hoàn cảnh xã hội, nhưng tối thiểu phải tốt nghiệp hết lớp 12. Ngòai ra, đối tượng còn phải tham gia các lớp ơn gọi ở các giáo xứ do các linh mục trông coi giáo xứ đó phụ trách.

Kế đến, đối tượng phải tham dự một kỳ thi hoặc được nhận thẳng vào Thỉnh viện (còn gọi là Đệ tử viện). Ở đây họ được một linh mục gọi là Cha giám đốc và một cha hoặc thầy dạy dỗ coi sóc với thời gian ở đây nhiều nhất là 3 năm, có lúc 2 hay 1 năm tùy theo hoàn cảnh của dòng và được gọi là Đệ tử hay Thỉnh sinh. Trong thời gian này, ngoài bằng cử nhân do các trường đại học xã hội cung cấp, họ còn phải học các môn học căn bản như sinh ngữ (tiếng Anh, Pháp, Latinh), Việt văn, Nhân bản, Nhạc, Ơn gọi… Về đời sống thì các thỉnh sinh phải giữ thời khóa biểu tương đối nghiêm ngặt gần giống như các tu sĩ đã khấn.

Kết thúc khoảng thời gian này, các thỉnh sinh phải qua một đợt bỏ phiếu của ban giám đốc và một kỳ sát hạch do ba linh mục phụ trách phỏng vấn. Nếu thỉnh sinh vượt qua được hai vòng này, họ sẽ được mặc áo dòng và gia nhập tập viện, tức là nơi chuyên biệt để tập làm tu sĩ và được gọi là Tập sinh. Ở đây, họ hoàn toàn tập trung vào việc thực tập đời sống cộng đoàn qua việc cầu nguyện, tham dự thánh lễ chung với toàn thể tu viện cốt làm sao để cho tâm trí thấm nhuần tinh thần của dòng. Ngòai ra họ còn phải học các môn như Truyền thống, Hiến pháp, Lịch sử, Tâm linh của dòng mà họ theo. Thời gian ở giai đoạn này được tuân thủ một cách nghiêm ngặt và chính xác là 365 ngày. Trong vòng 365 ngày đó, nếu có chuyện gì làm ngăn trở tập sinh không thể tiếp tục trong vòng 2 tuần, thì người đó phải tập lại thêm 6 tháng.

Sau khóa tập, họ phải vượt qua một vòng sát hạch do ba linh mục phụ trách và hai vòng bỏ phiếu do tu viện hội (toàn thể những thành viên chính thức trong tu viện) và ban cố tu viện (một số ưu tuyển được bầu bởi tu viện hội). Nếu tập sinh vượt qua được vòng sát hạch (khảo khấn) và có số phiếu quá bán trong hai cuộc bỏ phiếu trên, họ sẽ được khấn lần đầu và được thuyên chuyển về một cơ sở khác để tham gia tiến trình đào tạo tiên khởi. Cơ sở này được gọi là Học viện. Ở đây, họ chính thức trở thành tu sĩ (các thầy) và phải tuân giữ ba lời khấn Khiết tịnh, Khó nghèo và Tuân phục mà họ đã tuyên thệ trước cộng đoàn trong một thánh lễ hoành tráng. Trong thời gian này, họ được đào tạo rất bài bản ít nhất là 6 năm bao gồm 2 năm triết học và 4 năm thần học (có những dòng đào tạo đến 7,8 năm). Đây là giai đoạn chủ yếu và quan trọng nhất trong toàn bộ tiến trình huấn luyện linh mục tu sĩ. Chính vì tầm quan trọng của nó mà hầu hết chất xám của dòng đều được đổ về đây. Và để việc đào tạo có chất lượng, dòng phải cắt cử hai ban, một ban phụ trách về mảng trí thức, còn một ban phụ trách về mảng tâm linh. Mỗi ban do một linh mục có uy tín, có học vị tiến sĩ, có đời sống tu trì thánh thiện đứng đầu. Linh mục phụ trách về tâm linh gọi là cha giáo, còn vị kia gọi là cha Giám đốc học viện. Cho nên, ngoài việc cố gắng hoàn tất bài vở, các sinh viên còn phải lo giữ kỷ luật tu trì như : tham dự các giờ kinh nguyện và thánh lễ chung, tuân giữ các kỷ luật tu trì… Sau 4 năm, họ phải làm đơn xin khấn vĩnh viễn để trở thành thành viên chính thức của dòng. Xen vào đó, các sinh viên còn phải đi thực tập giảng thuyết, mục vụ tại các giáo xứ nhằm học hỏi để sau khi tốt nghiệp, họ không bỡ ngỡ lạ lẫm với công việc. Sau cùng khi hoàn tất thời gian quy định cùng tất cả các đòi hỏi của trung tâm huấn luyện, họ được chính thức thụ phong linh mục và được cắt cử công việc tùy theo khả năng được thẩm định trong suốt quá trình học hỏi trên.

Cuối cùng, họ còn phải tham gia những lớp gọi là Thường huấn mỗi năm một lần do dòng tổ chức. Dịp này cũng còn được gọi là tĩnh tâm hàng năm diễn ra một tuần để tất cả những tu sĩ linh mục đang công tác ở khắp nơi có dịp ôn cố tri tân và cũng là để lấy lại tinh thần cho một năm phụng vụ mới.

1. Sản phẩm của hệ thống giáo dục Tây phương

Văn minh Tây phương hiện đại là kết quả của sự kết hợp giữa văn minh Hy Lạp và La Mã. Vì thế, hệ thống giáo dục của Phương tây cũng là sản phẩm của hai nền văn minh trên. Nhìn lại lịch sử, sự hình thành và phát triển của hai nền văn minh đó đều dựa vào những đô thị, thành bang có tính cách cục bộ, hạn hẹp trong bốn bức tường thành bảo đảm, kiên cố. Nhờ tính cách kiên cố, an tòan đó, văn minh Hy Lạp và La Mã đã phát triển cho đến ngày nay. Tuy nhiên, con người là một sinh vật có tính xã hội, nên trong hòan cảnh và môi trường đó, dù thành bang, đô thị có rộng lớn đến đâu cũng không thể nào mở rộng linh thể của con người, trái lại nó còn thu hẹp, nếu không muốn nói là bóp chết cái linh thể, cái tâm linh ẩn mật u huyền thậm thâm vi diệu hằng tồn nơi cõi lòng con người. Ở môi trường đó, con người bị lôi cuốn vào ảo tưởng về sự tồn tại riêng lẻ, chắc chắn của sự vật. Họ quy chụp tất cả những gì không thuộc quyền kiểm soát của họ đều là kẻ thù cần phải tiêu diệt và chinh phục ngay tức khắc. Ý tưởng đó dần ăn sâu vào căn tính đã giúp họ sản sinh ra những vị hoàng đế lẫy lừng với những chiến công hiển hách trong những cuộc chinh phạt các miền đất lạ xa xăm. Chiếm được chỗ nào, họ lại tiếp tục xây thành đắp lũy để duy trì và củng cố quyền lực ở đấy.

Chính vì sự ngăn cách biệt lập giữa các thành bang, các đô thị trong bốn bức tường, trí óc con người cũng phát sinh những nghi hoặc úy kỵ với những cái bên ngoài rào chắn được xây dựng lên để bảo vệ cho những gì mình chiếm được. Hình mẫu người anh hùng của họ không phải là kẻ vô vi như Lão Đam, không phải là người quân tử như Đức Khổng, và cũng không phải là người trầm tư mặc tưởng như Thích Ca Mâu Ni. Trái lại, hình mẫu đó phải là người bách chiến bách thắng, thấy cảnh thây chất đầy đồng máu chảy thành sông mà vẫn xua quân tiến tới không một chút động lòng xót thương. Để đạt được lý tưởng đó, dĩ nhiên trong lối giáo dục, họ cũng phải tìm mọi cách để cảnh báo những mối đe dọa đến từ người khác hoặc từ thiên nhiên cho con em của họ. Họ chia chẻ kiến thức thành từng môn từng phần và sắp xếp vào những ngăn riêng biệt kín mít. Hậu quả của hệ thống giáo dục đó tạo ra con người luôn tìm cách vơ vét, bành trướng lãnh thổ, thế lực, tiền tài và địa vị về cho mình.

Thi hào Tagore cũng cho ta thấy sự sụp đổ của giáo dục Tây phương khi hệ thống đó lập cước trên cái nhìn thù địch với những gì xa lạ. Ông viết như sau : “Tây phương hình như tự phụ cho rằng mình đã chế ngự được thiên nhiên, làm như thể chúng ta sống trong một thế giới thù nghịch, trong đó ta phải giành giật tất cả những gì ta cần đến từ một trật tự kỳ dị và ương ngạnh. Cảm thức này là kết quả của các thói quen và nền giáo dục được hấp thụ trong phạm vi thành thị.[5] Chính bởi lối giáo dục đó mà mỗi một bước tới là một bước chinh phục tất cả những gì có vẻ xa lạ trong thiên nhiên bằng lý luận rất hợp lý là để bảo tồn cái có vẻ nhân tính bên trong ghetto của họ. Hơn nữa, họ còn trở thành một kẻ có óc hướng ngoại, chuyên môn tò mò, tọc mạch và chia chẻ bất cứ điều gì mà họ chinh phục được từ thiên nhiên. Cụ thể là ở Mésopotamie đã đóan xét tính cách con người dựa vào 12 cung của Hoàng đạo. Còn ở Summer, lần đầu tiên người ta chia năm thành tháng, chia ngày thành giờ. Hệ quả là trong hội họa Kitô giáo, người ta thấy một vị thần bịt mắt cầm chiếc cân để cân linh hồn để lượng định việc tốt việc xấu.

Tuy nhiên, ở tận suối nguồn Hy Lạp cổ xưa, các nhà hiền triết không bao giờ giáo dục theo lối chinh phục sự vật, trái lại họ quan niệm giáo dục theo nghĩa của từ Hy Lạp là Paideia (παιδεία), từ này có gốc là pais, paidos nghĩa là sự giáo dục trẻ em và tương đương với humanitas (nhân loại) trong ngôn ngữ Latin. Như vậy nghĩa của nó là một tiến trình giáo dục con người thành mô thức chân thực của chính họ, tức làm sao để hiển lộ chân tính của con người hay một con người toàn diện.[6] Ở trên cổng của đền thờ thần Apollo trong thành Delphi, người ta khắc một dòng chữ “γνῶθι σεαυτόν (gnothi seauton) nghĩa là “Hãy tự biết mình” (Know yourself). Đến thời Platon, trong tác phẩm République ông cho rằng giáo dục (Paideia) là tiến trình đưa con người ra khỏi bóng tối của hang sâu để chiêm ngắm ánh sáng huy hoàng trên thế giới ý niệm.[7] Tiếp nối sự nghiệp của ông, Aristotle tiếp tục tiến trình đào tạo đó bằng cách phối hợp giáo dục với từ Ethos (ἔθος) nghĩa là thói quen để đào tạo con người trở nên công dân hoặc một ông vua tốt lành. Từ Ethos (ἔθος) này lấy gốc của từ ethikos (ἠθικός), nghĩa là đạo đức. Sau đó từ này được dịch sang tiếng Latin thành ethicus, chính là gốc của từ ethics trong tiếng Anh hiện đại.[8]

Sở dĩ người viết phải dài dòng như vậy là để chứng minh rằng, càng văn minh hiện đại theo nội dung hiện nay, con người càng mất gốc. Chúng ta thấy ở tận suối nguồn, Tây với Đông đâu có khác gì nhau. Ý nghĩa nguyên thủy của Paideia trong văn minh Hy Lạp đâu có khác gì ý nghĩa của từ Aletheia trong Phật giáo. Nhưng dấu hiệu suy tàn nhen nhúm từ Platon khi ông phân biệt ra hai thế giới, một bên là thế giới lý tưởng bất biến và tràn đầy ánh sáng, một bên là thế giới hiện tượng biến dịch và tối tăm. Và sự phá sản bộc lộ rõ ràng khi Aristotle giáo dục theo tiêu chuẩn thói quen đạo đức để cung ứng cho xã hội những công dân tốt và một đấng minh quân. Giống như một vật rơi tự do, ý nghĩa uyên nguyên của chữ paideia đã bị phá hủy hoàn toàn khi con người được giáo dục theo khuynh hướng nhị phân, tức biến tồn lưu thành một đối tượng mà con người có thể mổ xẻ, cắt khúc, cân đo, đong đếm. Đến thời hiện đại, Tây phương cũng đã ý thức được sự bế tắc, sự nguy hiểm của khuynh hướng luận lý học nhị trị (two valued logic) dựa trên những quy luật luận lý của Aristotle như định luật đồng nhất (law of identity), nguyên lý triệt tam (law of the excluded middle), định luật bất mâu thuẫn (law of non-contradiction) và tìm cách để vượt thoát bằng luận lý vô hạn trị (infinite valued logic) hay khuynh hướng vô hạn giá trị (the multi-valued orientation). Tuy nhiên, tất cả những thay đổi đó không những không cứu thoát được nền tư tưởng Tây phương mà còn khơi thêm hố thẳm, mở rộng sa mạc cho nhân loại tiến về hư vô.

Thảm cảnh đó đã được Heidegger đặt nghi vấn trong những dòng đầu tiên của tác phẩm Hữu Thể Và Thời Gian : “Câu hỏi về Hữu thể ngày nay đã rơi vào trong quên lãng, mặc dù thời đại chúng ta được xem là tiến bộ trong việc chấp nhận siêu hình học.”[9] Ở một tác phẩm khác, ông viết như sau : “Trên trái đất đang xảy ra một tình trạng đen tối của thế giới. Những biến cố chính yếu của tình trạng đen tối ấy là sự trốn thoát của các thần, sự hủy diệt của trái đất, sự đoàn ngũ hóa loài người, sư ưu đãi những gì tầm thường.”[10] Với sự khẳng định của một tư tưởng gia vĩ đại, ta không thể bác bỏ được thực trạng của Tây Phương hiện đại. Tất cả những nền tảng nguyên sơ tinh ròng ẩn áo thâm sâu không còn được người ta truy cầu, tham vấn. Thay vào đó là một đoàn lũ người chen lấn cố tìm cho mình một chỗ đứng trong bộ máy kềnh càng của kinh tế, xã hội, triết học được đặt trên tiêu chuẩn của trương độ và số đông. Văn hào Henry Miller cũng đã ngửi thấy mùi tử thi bốc lên ngay ở Nữu Ước, một thiên đường của thời văn minh hiện đại này. Trong tác phẩm Cơn Ác Mộng Được Điều Hòa Không Khí (The Air-Conditioned Nightmare), ông nói : “Đối với New York, tôi cảm thấy, cũng như tôi vẫn từng cảm thấy rằng đó là nơi chốn hãi hùng nhất trên trái đất này. Dù đã bao nhiêu lần tôi trốn bỏ New York, nhưng rồi tôi vẫn bị mang về đó lại như một tên nô lệ đào tẩu bị bắt lại, mỗi lần bị đem về, tôi lại càng thù ghét New York, kinh tởm nó nhiều, nhiều hơn nữa.”[11] Cũng thế, Nietzsche đã đã đập vào “bộ óc” duy lý của Tây phương bằng một chiếc búa tạ khi ông viết trong quyển Ý Chí Và Quyền Lực (Der Wille zur Macht) : “Hoặc là chúng ta phá hủy sự sùng bái của chúng ta hoặc chúng ta phá hủy chính chúng ta.” (chương III). Còn trong tác phẩm Hòang Hôn Của Những Thần Tượng (Götzen-Dämmerung, oder), Nietzche phê bình như sau : “Tư tưởng khinh miệt về sự suy tàn của các nhà đại hiền triết xảy ra rõ rệt đối với tôi trong hoàn cảnh mà ở đó, tư tưởng mâu thuẫn, đối chọi kinh khủng giữa hai thành kiến uyên thâm và mông muội : Tôi đã nhận ra rằng Socrates và Platon chỉ là những triệu chứng của sự suy đồi, những công cụ của sự thối nát, những kẻ Hy Lạp giả dối, những kẻ chống Hy Lạp.”[12]

Tư tưởng là nền tảng của văn hóa, nhưng tư tưởng cần phải được lập cước trên siêu hình học. Có điều, ba khái niệm đó đã bị lên án gắt gao. Với Heidegger, Siêu hình học Tây phương bị mất gốc. Với Nietzsche, tư tưởng trong suốt hai mươi lăm thế kỷ Tây phương bị đảo hoán. Và với Henry Miller, nền văn hóa hiện đại cũng không còn đất sống. Như thế toàn thể đời sống Phương tây đã bị chính những đứa con ưu tú của mình lên án, bác bỏ, phỉ nhổ vào tận gốc rễ ăn sâu vào tận đáy sâu tiềm thức của con người hiện đại. Không chỉ riêng những nhà tư tưởng được trích dẫn trên thấy được sự phá sản của tư tưởng mà còn rất nhiều người khác trong các lãnh vực khác đã phơi bày một một ổ kiến vô trật tự và mâu thuẫn tột cùng trong lòng xã hội Tây phương. Nổi bật hơn hết chính là Herbert Marcuse khi ông viết trong tác phẩm One Dimensional Man, ông đã đưa ra câu hỏi như sau : “Có phải sự đe dọa của thảm họa nguyên tử mà có thể quét sạch loài người lại chính là phương tiện dùng để bảo vệ những thế lực duy trì những hiểm họa này? Những nỗ lực để ngăn chặn những hiểm họa như thế đã khiến cho việc tìm kiếm những nguyên nhân cốt lõi trở nên mịt mù hơn bao giờ hết trong xã hội công nghiệp hiện đại. Khi công chúng chưa kịp nhận diện, phơi bày và phản bác những nguyên nhân này thì chúng đã biến mất trước khi những mối đe dọa rõ ràng đến từ bên ngoài, từ Tây sang Đông cũng như từ Đông sang Tây. Công bằng mà nói, những nhu cầu cho con người cần được chuẩn bị, những đòi hỏi cho một đời sống trong tình trạng bất ổn và những nhu cầu cho việc đối diện với những thách đố phải được công khai rõ ràng. Nhưng chúng ta đã biện hộ cho một viễn tượng hòa bình bằng những công cụ hủy diệt, cho một sự toàn thiện bằng sự phá hủy, và cho việc giáo dục quốc phòng bằng cách xuyên tạc, bóp méo ý nghĩa của nguời bảo vệ và những gì mà họ bảo vệ.[13]

Tóm lại, dù các nhà tư tưởng trên đã cố gắng đẩy lùi, diệt trừ những hiểm họa công khai hoặc ẩn tàng xuất phát từ tư tưởng nhị nguyên, nhưng họ không thể triệt tiêu hết bộ rễ ăn sâu ngang dọc bát phương tứ hướng trong lòng nhân lọai. Muốn nhổ hết gốc rễ hiểm họa, họ không thể dùng chính ý niệm thoát thai từ văn minh Tây phương được. Tuy nhiên, tất cả những tác phẩm chống đối trên lại vướng kẹt vào vòng luẩn quẩn của ngôn ngữ ý niệm, nên hầu hết họ đã thất bại. Như vậy hiểm họa vẫn còn ẩn hiện trong thế giới ngày nay, vậy mà vẫn còn nhiều kẻ mù quáng chạy theo y hệt như con thiêu thân đâm đầu vào đống lửa.

2. Sắc lệnh giáo dục Kitô giáo

Trên đây, người viết đã trình bày sự phá sản toàn bộ tư tưởng Tây phương trong tất cả các lãnh vực. Giáo dục theo mô thức Phương tây cũng không thoát ra được vẻ mặt u ám của thời đại. Tuy nhiên từ Sắc lệnh giáo dục Kitô giáo của Công Đồng Vatican II đến thực tế giáo dục trong các Trung tâm Công giáo ở Việt Nam vẫn đi theo lối mòn tự hủy của Phương tây. Để thấy được tính chất giáo điều, cứng nhắc của giáo dục Kitô giáo, trước hết người viết trình bày quan điểm của Sắc lệnh giáo dục Kitô giáo (Declaration On Christian Education) GRAVISSIMUM EDUCATIONIS, sau đó sẽ trình bày cụ thể hệ thống giáo dục Kitô giáo ở Việt nam.

Ngay phần giới thiệu, người đọc phải đối diện với những cách hành văn sáo ngữ đã xuất hiện nhan nhản trên báo chí nhằm mục đích đánh bóng những thành quả vượt bậc của thời công nghiệp hiện đại. Đối với những ai chưa được thở bầu không khí tự do thì rất hồ hởi với nền văn minh này. Vì thế họ đều cảm thấy vững tin hơn vào thời đại khi, một lần nữa, được nghe chính những người đại diện đời sống tinh thần khẳng định. Sắc lệnh viết : “Thật vậy, hoàn cảnh của thời đại chúng ta đã tạo điều kiện ngày càng dễ dàng hơn và cấp thiết hơn trong việc giáo dục người trẻ, thậm chí còn tiếp tục huấn luyện người trưởng thành. Một khi con người càng ý thức về phẩm giá và địa vị của mình, họ càng mong muốn tham gia tích cực vào đời sống xã hội, đặc biệt là trong lãnh vực kinh tế và chính trị.[14]

Đến phần nội dung, Sắc lệnh đòi hỏi quyền được thừa hưởng một nền giáo dục xứng hợp, không phân biệt chủng tộc, giai cấp tuổi tác. Giáo hội còn nhấn mạnh đây là quyền “bất khả nhượng” (an inalienable right) cho tất cả mọi người vì phẩm gía của họ. Điều này chứng tỏ, trước Công đồng, Giáo hội đã đối xử bất công với quyền giáo dục của con người. Với chính sách ngu dân nhằm dễ bề cai trị, giáo hội đã tạo ra một thời đại mà hầu hết các sử gia, kể cả các sử gia công giáo phải công nhận là “Thời đại đen tối” (Dark Ages) hay “thời đại của sự man rợ và đen tối trí thức” (the ages of barbarism and intellectual darkness).

Khởi đầu cho chính sách ngu dân đó, Giáo hội đã tìm đủ mọi cách để triệt tiêu lọai trừ hết tất cả sách vở, tài liệu của phái Tự Ngộ (Gnostic), vì phái này chủ trương con người chỉ có thể đạt được cứu cánh tối hậu bằng con đường tự chứng chính mình, chứ không không phải qua trung gian của bất cứ ai, bất cứ định chế nào. Thêm vào đó, nguyên nghĩa của từ “Gnostic” xuất phát từ chữ Gnosis (γνώσις) có nghĩa là tri thức (knowledge). Trong tiếng Anh từ này dịch nghĩa là tri thức thần linh của một vị thánh hay một người giác ngộ. Nó mô tả tri thức kinh nghiệm trực tiếp về siêu nhiên và thần linh. Sau đó, Valentinius dạy rằng Gnosis là tri thức thầm kín của trái tim hoặc là sự thấu thị về bản tính thiêng liêng của vũ trụ, bản tính này mang ơn cứu độ cho những ai tin rằng họ có thể đạt được sự thấu thị này.[15]

Thêm vào đó, M. Graham còn viết trong quyển “Những sự giả dối và huyền thoại của Thánh kinh” (Deceptions and Myths of the Bible, ) như sau : “Sự hủy diệt mọi chứng tích về phái Tự Ngộ (Gnosis) và những nguồn tài liệu đa thần là việc làm đầu tiên của Kitô giáo.” Còn Helen Ellerbe cũng viết trong quyển Mặt tối của Lịch sử Kitô giáo (The Dark Side of Christian history) : “Khi nắm trong tay quyền lực, người Công giáo đã đóng cửa các trung tâm giáo dục và đốt sách vở cũng như toàn thể các thư viện.

Như thế, trong khoảng thời gian hơn 1000 năm, con người phải sống trong bóng tối vô minh do một thế lực vô tiền khoáng hậu áp đặt. Họ đã hủy diệt tất cả những gì gọi là tri thức của nhân loại. Điều ngạc nhiên nhất đó chính là Giáo hội không cho phép người dân đọc Thánh kinh và chỉ duy có Giáo hội, tức là Giám mục, Hồng y và Giáo hoàng mới có quyền giải thích Thánh kinh mà thôi. Cho mãi đến thế kỷ XII-XIII, Giáo hội mới cho phép Linh mục và Tu sĩ dòng thánh Dominique giảng lời Chúa. Sở dĩ các tu sĩ dòng này được giảng lời Chúa là vì họ đã có công rất lớn trong quá trình tiêu diệt hoàn toàn hậu duệ của phái Gnostic là phái Cathares. Phái này dựa vào thuyết Nhị nguyên và thuyết Tự ngộ xuất hiện ở vùng Languedoc của nước Pháp. Thời này, có nhiều trường phái tư tưởng và thực hành khác nhau giữa những người Cathari; một số theo thuyết Nhị nguyên, số khác theo thuyết Tự ngộ, một số khác nữa thì gần gũi với Chính thống hơn, nhưng tất cả đều nhằm thoát khỏi chấp nhận học thuyết Kitô giáo. Tuy nhiên, nổi bật nhất chính là thần học nhị nguyên, nó dựa vào sự mâu thuẫn hoàn toàn giữa tình yêu và quyền lực. Khi vật chất được xem như là biểu lộ quyền lực, nó cũng đối nghịch với tình yêu. Họ không tin vào một Thượng đế bao trùm tất cả, nhưng họ tin vào cả hai, và hai nguyên lý này có địa vị bằng nhau và có thể so sách được. Họ tin rằng thế giới vật chất này là xấu xa tội lỗi và được tạo ra bởi thần ác (Rex Mundi = king of the world), vị này thâu tóm tất cả những gì là vật chất, hỗn mang và đầy quyền uy ; vị thần thứ hai mà họ thờ phượng thì hoàn toàn không có hóa thân, mà là một hữu thể hay là nguyên lý tinh thần thuần túy và hoàn toàn không bị vấy bẩn bởi vết nhơ của vật chất. Ngài là một vị thần của tình yêu, trật tự và hòa bình.[16]

Từ quan niệm đó họ kết luận rằng Jesu không thể nào vừa nhập thể thành xác phàm, vừa là con Thiên Chúa được và phản đối mãnh liệt dấu hiệu của tượng chịu nạn và cây thập giá. Cho nên họ bị Giáo hội coi là lạc giáo nguy hiểm nhất, và để đối diện với sự bành trướng mạnh mẽ của phong trào, Giáo hòang Inocente III tiến hành một cuộc thập tự chinh để tiêu diệt toàn bộ phong trào.

Qua hai chứng cứ trên đây, chúng ta có thể kết luận rằng, Giáo hội tuy tự xưng mình là chân thật, nhưng lại đầy mưu mẹo và dối trá, lúc thì thẳng tay tiêu diệt không còn một chút lương tâm, lúc thì “vì phẩm giá của con người, nên con người có quyền được giáo dục bất khả nhượng…” Triệt tiêu phái Tự ngộ, Giáo hội đã trực tiếp hủy diệt tri thức con người. Nay Giáo hội lại tuyên bố con người có quyền được giáo dục thì còn tri thức gì nữa đâu mà giáo dục. Sách vở thư viện thì đốt sạch, giáo sư thầy dạy thì giết hết, trường học thì phá tan, còn gì nữa đâu mà giáo với dục.

Thiết nghĩ, giáo dục ở đây chẳng còn mang ý nghĩa nguyên thủy nữa, mà đã trở thành một công cụ, một phương thức để lợi dụng, lường gạt với mục đích tuyên truyền, nhồi sọ ý thức hệ cục bộ, chủ nghĩa giáo điều hiếu chiến vào tâm trí những con chiên ngây thơ vô tội mà thôi. Chuyện đó chẳng khác gì ông bố đập cái chén duy nhất trong nhà rồi lại bảo con lấy bát ăn cơm. Lúc đó còn bát đâu mà để ăn cơm nữa. Giáo dục một chiều như vậy chẳng những tốn tiền tốn của tốn công tốn sức mà còn làm thui chột con người, gây hại cho xã hội.

Tiếp đến, Sắc lệnh còn đưa ra nhiệm vụ của người giáo dục và những phương thế giáo dục Kitô giáo, tức là dạy giáo lý nhằm để soi sáng và củng cố đức tin, nuôi dưỡng đời sống Kitô giáo. (Foremost among these is catechetical instruction, which enlightens and strengthens the faith, nourishes life according to the spirit of Christ,…) Ở đây, Sắc lệnh bộc lộ tính mâu thuẫn ngay trong cách hành văn của mình. Nguyên tắc bất di bất dịch đó chính là những nguyên lý của Thiên Nhiên. Mà đã là nguyên lý của Thiên Nhiên thì tự chúng có một năng lực để vận hành, không cần phải củng cố, nuôi dưỡng. Ở đâu có bàn tay con người chạm vào, ở đó có sự bất ổn. Chỉ có những thứ chân lý nửa vời, thiếu máu, thiếu sức sống mới cần củng cố, nuôi dưỡng mà thôi.

Giả như dạy giáo lý nhằm để củng cố đức tin và nuôi dưỡng đời sống Kitô giáo có tính cách hoàn mỹ thì cần gì phải tôn trọng và nâng cao các phương thế khác như các phương tiện truyền thông, các tổ chức có mục đích tập luyện tinh thần thể xác… (the media of communication,(18) various groups for mental and physical development, youth associations, and, in particular, schools) làm gì? Điều này chứng tỏ rằng Sắc lệnh muốn thích ứng giáo dục của Giáo hội với giáo dục của thế tục. Nói cách khác là tìm cách mặc chiếc áo, đi chiếc hài của giáo dục hiện đại cho giáo dục của mình dưới danh nghĩa đổi mới, hội nhập. Chính mong muốn đó biến Giáo hội thành kẻ tự đánh mất mình, tức là Giáo hội đã ly tính, vong tính, vọng ngoại. Nếu hệ thống giáo dục của Giáo hội có khả năng biến đổi cái Linh thể (Psyché) thì cần gì phải hội nhập, đổi mới, vọng tưởng theo thế tục. Trái lại, chính giáo dục thế tục phải đổi mới theo Giáo hội mới là hợp lý, vì Giáo hội vẫn tự hào rằng mình không chỉ giáo dục về kiến thức mà còn giáo dục về tâm linh nữa mà. Do đó, có thể tạm kết luận rằng : bất cứ cái gì cần phải canh tân, thích ứng, đổi mới đều không thuộc về chân lý. Chân lý là cái gì đó bất biến, nên tất cả những cái khác phải thay đổi để thích ứng với Chân lý.

Như thế với chủ trương “Thầy dạy Chân lý”, Giáo hội trở thành một tên hề đúng nghĩa không hơn không kém. Một khi mình là Chân lý, thì mọi cái khác tự nhiên sẽ quy về mình. Trái lại, mình sở hữu chân lý mà lại đi thích ứng, bắt chước người khác thì chân lý ấy là thứ chân lý gì vậy? Là một định chế tôn giáo, Giáo hội không thiếu những kinh nghiệm tâm linh (the religious experience), sao lại phải đi thích ứng, đổi mới, chạy theo những kinh nghiệm thế tục (the profane experience) như vậy? Điều này đủ thấy Giáo hội đã tự mâu thuẫn với chính mình qua sắc lệnh này.

Cho nên khi hòan thành công việc, cảm thấy áy náy, ta thêm chút mắm, chút muối để gọi là trả ơn. Cũng vậy, ở một thời đại mà tự do, dân chủ, nhân quyền được phát minh và phổ biến rộng rãi bởi các nhà khoa học, văn hóa, chính trị, Giáo hội - vì sợ mất phần, mất địa vị thống trị, mất quyền sinh sát, mất hết miếng ăn - đã vội vàng sao chép, copy rồi công bố, diễn thuyết, thuyết phục, đối thoại dựa trên tinh thần phẩm giá, giá trị con người để đòi quyền lợi cho con người. Nhưng tòa án lương tâm không cho phép mình khai thác những gì của người khác mà không hòan trả, nên mới thêm vô bằng cách núp bóng những mỹ từ như “tôn trọng” (esteems), “nâng cao” (ennoble) các phương thế khác thuộc di sản chung của nhân loại (other aids which belong to the general heritage of man). Lý luận như vậy chứng tỏ người viết cũng vẫn còn nô lệ thế tục. Thực tế, con người ngày nay ảo tưởng rằng mình đã giải thiêng tất cả những gì là mê tín dị đoan và đang sống trong một kỷ nguyên tự do nhất trong lịch sử nhân loại thì họ lại vô tình để mình vong tính, nô lệ thảm khốc hơn không chỉ vào máy móc vật chất mà còn vào danh từ, ý niệm như “đổi mới, bác ái, công bình, tâm linh…”

Điều đáng chú ý nhất là ở chỗ Sắc lệnh đòi buộc phải giáo dục “luân lý” (Moral) cho các con em người Kitô giáo trong nhà trường. Thật ra thì toàn thể giáo dục Kitô giáo đều nằm gọn trong hai chữ giáo dục “luân lý”. Tầm nguyên ý nghĩa của từ này, một lần nữa chứng minh rằng Sắc lệnh giáo dục chẳng qua chỉ là một mớ câu chữ vuốt đuôi, xu thời nịnh thế để tìm cách sống còn hay vớt vát được chút nào hay chút đó. Morality có gốc từ tiếng La tinh moralitas nghĩa là cách thức, tính cách, thái độ phù hợp (manner, character, proper behavior). Nói rõ hơn, luân lý nghĩa là một quy luật đạo đức được dùng để căn cứ trong những vấn đề đúng sai, đạo đức xã hội, triết lý, tôn giáo cụ thể hoặc ý thức cá nhân.[17] Theo từ điển Thesaurus, thì moral đồng nghĩa với ethics, nghĩa là một quy luật hay thói quen đạo đức liên quan đến đúng và sai. (A rule or habit of conduct with regard to right and wrong or a body of such rules and habits). Ethics lấy từ chữ Hy lạp là ethos (habits) để kết hợp với Paideia (παιδεία) để rèn luyện một con người theo đúng bản chất của nó.[18] Với thời gian, người ta đã bỏ mất Paideia và chỉ còn lại ethos, nghĩa là morality (luân lý), trong quá trình đào tạo con người. Hay nói cách khác, giáo dục Tây phương giống như một người đi lộn đầu xuống đất, tức chỉ rèn luyện cái đầu, cái ngọn, còn cái gốc thì hủy diệt không chút xót thương. Trong tác phẩm Ý chí và Quyền lực (the will to power), Nietzsche viết như sau : “Tôn giáo bị hủy diệt bởi niềm tin vào luân lý. Thượng Đế luân lý Kitô giáo không còn đứng vững : chính vì vậy chẳng còn lọai thần nào khác ngòai vô thần.” (Religions are destroyed by belief in morality. The Christian moral God is not tenable: hence "atheism"--as if there could be no other kinds of god.)[19] Chỗ khác, ông còn cho thấy sự nguy hiểm của luân lý vì nó tầm thường và tẻ nhạt. Ông viết : “Luân lý bị giản lược hóa như sau : nó dạy rằng ta đã biết đã quen thuộc con người. Ngày nay, chúng ta đã phá hủy luân lý, và lần nữa chúng ta trở nên hoàn toàn u ám với chính chúng ta.” (Morality has been a simplification of this kind: it taught that men were known, familiar.--Now we have destroyed morality--we have again become completely obscure to ourselves!)[20]

Tóm lại, Sắc lệnh giáo dục của Công đồng Vatican II được cho là do “Thánh Thần thổi” thì chẳng có gì mang ý nghĩa của cái Tâm linh, của cái Linh thể, nếu không muốn nói là tự bản chất, Giáo hội chẳng có cái gì là linh thiêng, thâm trầm, ẩn mật cả. Ngược lại, Sắc lệnh còn chạy theo cách giáo dục lỗi thời, phế thải của Tây phương hiện đại đang mưng mủ, thối rữa từ bên trong khi họ phủ định tất cả những điều thiêng liêng trong vũ trụ này. Hệ thống giáo dục đó được Jiddu Krishnamurti đả kích rất mạnh trong quyển Trí Thông Minh Không Tách Khỏi Tình Yêu như sau : “Chúng ta đã tách biệt trí năng ra khỏi cảm giác và trong khi phát triển trí năng, chúng ta đã bóp chết cảm giác. Chúng ta giống như một vật thể ba chân với một chân dài hơn hai chân kia, và chúng ta đã bị mất thăng bằng. Chúng ta được đào tạo để thành người có khả năng lý luận; nền giáo dục của chúng ta huấn luyện trí năng cho sắc bén, tinh xảo, có khả năng tích lũy và chính vì thế nó đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc sống chúng ta.” (We have separated intellect from feeling, and have developed intellect at the expense of feeling. We are like a three-legged object with one leg much longer than the others, and we have no balance. We are trained to be intellectual; our education cultivates the intellect to be sharp, cunning, acquisitive, and so it plays the most important role in our life.)

 

III.Quá trình đào tạo tu sĩ

 

Theo hệ thống giáo dục của Tây phương thì muốn thực hành tốt cần phải có lý thuyết đúng đắn. Thế nhưng, ngay trong phần lý thuyết, Sắc lệnh giáo dục được công bố với 2,290 phiếu thuận, chỉ có 35 phiếu chống đã bị đả phá trên đây thì làm sao trong phần thực hành, các giáo hội địa phương có thể thực hiện đúng được. Đó là chưa kể đến việc phải mất một khỏang thời gian để đưa ra sắc lệnh, một khỏang thời gian để công bố, phiên dịch, giải thích sắc lệnh cho các giáo hội địa phương. Đến khi Sắc lệnh tới tay giáo hội địa phương thì dòng chảy giáo dục thế tục đã lật sang trang mới. Còn các giáo hội địa phương thì phải thực hiện, thi hành những cái lạc hậu, cổ hủ mà cứ tưởng rằng hiện đại, mới mẻ. Đủ thấy giáo hội nô lệ vào danh từ ý niệm đến mức ngay cả Ba Ngôi Thiên Chúa cũng phải ganh tỵ, bởi chúng vâng lời danh từ, chữ nghĩa hơn là vâng lời Chúa.

Về vấn đề này, nhà tư tuởng Ấn độ Kamalasila cho rằng, sự hủy diệt có hai lọai nghĩa, nghĩa thứ nhất là “tính cách nhất thời của một sự thể”, và nghĩa thứ hai là “ly tán”; theo ông chữ “Ksana” là chỉ tính cách một cái gì đó chịu hủy diệt ngay từ vừa lúc được phát sinh ra, bản tính của một sự thể thoáng hiện thoáng mất được gọi là Ksana… cái gì cũng thóang hiện, thoáng mất, tất cả mọi sự đều biến đổi, không có sự thể gì là trường tồn cố định… có chỗ người ta giải thích rằng khi ta búng tay một cái thì có 60 Ksana và mỗi một ý tưởng thoáng qua trong đầu có 90 Ksana, và điều quan trọng là trong mỗi một Ksana thì có 900 người ra đời và chết.[21] Với tư tưởng này thì tất cả những cái gọi là Thượng Đế, Ngã, Thiên đàng, hỏa ngục, hòa bình, chiến tranh… đều không còn đất sống. Nên từ khi Giáo hội họp công đồng cho đến khi mỗi người Kitô hiểu biết để thực hiện thì đã gần nửa thế kỷ trôi qua (1964), nói theo nhà Phật thì vô lượng kiếp đã đi qua rồi. Thực tế là cho đến ngày nay, ngoài một thiểu số tu sĩ linh mục đọc hết Công đồng Vatican II (mới chỉ đọc hết thôi, chưa nói đến khía cạnh thực hành), thì phần còn lại là đa số giáo dân chẳng biết mô tê ất giáp gì hết. Chính vì không trực nhận được sự biến đổi không ngừng của vũ trụ, nên Giáo hội phải chịu hậu quả vô cùng thảm khốc, dù đã dùng trăm phương ngàn kế, vẫn không giải quyết được tệ nạn lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục trên khắp thế giới, cũng như các vấn đề như ngừa thai, phá thai, hôn nhân đồng tính, hiệp nhất tôn giáo nhất thần…

1. Giai đoạn sơ khởi

Trong mục II, người viết đã trình bày sơ lược tiến trình đào tạo tu sĩ linh mục. Ở phần này, người viết muốn so sánh, đối chiếu với nền giáo dục tâm linh của Đông phương.

Trong tác phẩm Tây Tạng Huyền Bí Lạt ma Lâm Bá kể lại cuộc đời của mình phải trải qua một quá trình rèn luyện rất nhiều gian khổ mới được công nhận là một Lạt ma, mặc dù kiếp trước, ông đã tu tập rất nhiều. Ông viết như sau : trước khi ông xuất gia, cha ông nói với ông : “Cha nói thật cho con biết: Nếu con không được thâu nhận vào tu viện thì con đừng trở về nhà. Chừng đó con sẽ bị đối xử như một người xa lạ ở cái nhà này”[22]. Tương tự như vậy, trong tác phẩm Đường Mây Trong Cõi Mộng Đại sư Hám Sơn cũng phải trải qua cách giáo dục rất khó khăn của bà mẹ. Năm lên 7 tuổi, vì sức khỏe yếu đuối, nên cha mẹ ông nuông chiều, do đó ông sinh tật lười biếng, học hành chẳng ra sao. Thấy vậy, bà mẹ quyết định gửi con đi học cách nhà một con sông. Một lần vì nhớ mẹ, ông về thăm và chỉ muốn ở nhà luôn. Không chịu được tình cảm yếu đuối nhu nhược của con trai, bà lấy roi đánh đuổi ra tận bờ sông, nhưng ông cũng không chịu lên thuyền, bà liền xô ông xuống sông rồi bỏ về nhà không thèm quay đầu lại. Bà giải thích với bà ngoại rằng : “Xưa nay, bao nhiêu thiếu nhi hư hỏng cũng chỉ vì sự nhu nhược của người trong gia đình…[23]

Hơn nữa, nằm trong một môi trường địa lý khắc nghiệt, người dân Tây Tạng nếu muốn tồn tại giữa thiên nhiên kinh khủng đó thì họ cần phải sản sinh, huấn luyện những con người can trường, dũng mãnh đủ sức chịu đựng với môi trường thiên nhiên. Cho nên, họ có quan niệm giáo dục rất khác với các dân tộc khác. Chẳng hạn khi đứa bé mới sinh, ông bà liền đem nó ngâm trong nước lạnh cho đến khi nào thấy da nó đỏ au, rồi chuyển sang xanh rờn mới nhấc nó lên. Để giải thích lý do, trong tác phẩm Tây Tạng Huyền Bí, tác giả viết như sau : “Nó sống lại chăng? Đó là các thần linh đã quyết định như thế. Nếu nó chết, thì đó lại càng hay vì nó khỏi phải chịu những sự khổ đau về sau này của cuộc đời trần thế! Người ta không thể làm gì khác hơn dưới một khí hậu gắt gao như ở Tây Tạng. Không nên có những kẻ bịnh hoạn, yếu đuối ở một xứ mà mọi phương tiện cứu trợ y tế đều thiếu thốn: Thà để vài đứa bé sơ sinh chết còn hay hơn[24] Người Việt chúng ta cũng thường khuyên bảo nhau rằng : Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.

Về vấn đề này, đạo sư Osho quan niệm mới mẻ hơn : Ngay từ khi mới sinh ra, người ta phải cắt rốn cho nó. Đó là điều kiện cần thiết, nếu không đứa trẻ sẽ không sống được. Khi cắt cuống rốn, người ta đã cắt đứt nguồn năng lượng sống của nó, đó là lý do tại sao tất cả trẻ em đều phải cất tiếng khóc chào đời. Không khóc, tức là nó không ý thức được nguy hiểm của sự tách biệt với nguồn sống và điều đó đồng nghĩa với sự chết. Kế đến, tự nhiên mách bảo cho nó rằng, năng lượng sống được kết nối qua bầu sữa và nó dùng đôi môi để tìm về núm vú của bà mẹ. Nếu không được bú sữa mẹ hay không được tiếp xúc với trái tim ấm áp của người mẹ, con tim đứa trẻ sẽ không bao giờ được nuôi dưỡng và nhiều khả năng nó sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được sự bình an trong cuộc sống. Ông nói : “Bất cứ đứa trẻ nào bị tách khỏi bầu sữa mẹ càng sớm thì chúng sẽ càng khó khăn trong việc kinh nghiệm sự bình an trong cuộc sống của chính chúng. Sự bất an sâu xa sẽ chiếm ưu thế trong cuộc sống của chúng ngay từ lúc đầu đã không được bú mẹ.[25]

Nhìn vào đời sống thực tế của các trẻ em trong gia đình Kitô giáo, chúng ta sẽ thấy sự ngu xuẩn của cha mẹ chúng và những người dạy dỗ chúng như Giáo lý viên, Masơ và thầy dòng và các Linh mục. Toàn bộ những lời dạy dỗ của họ là một số bài học đạo đức, tinh thần vâng lời, chăm chỉ học hành…, thậm chí có nơi còn đem ma quỷ, hỏa ngục ra hù dọa, cảnh cáo… Ngoài những câu giáo lý trong sách bổn đồng ấu mà các bà sơ và ông cha tìm đủ mọi cách nhồi nhét vào đầu óc bọn trẻ, đôi khi chúng cũng được đi cắm trại, picníc, dã ngọai, thể thao… Nhưng mục đích chính yếu của những họat động này là để tìm cách lôi kéo bọn trẻ đi học giáo lý, tham gia phong trào để thi đua thành tích với các giáo xứ khác. Như vậy, trong suốt quá trình niên thiếu, Giáo hội không hề dạy bảo lũ trẻ chúng tôi biết cách phát triển và bảo vệ trung tâm năng lượng ở rốn. Lý do chính yếu chính là Giáo hội chỉ là con đẻ của Platon, Aristotle, nên họ chỉ tin vào lý trí. Họ đâu có biết rằng, bóng đêm, sông nước, cây cối, núi cao chính là những nơi để trẻ con phát triển trung tâm năng lượng rốn của mình. Trái lại, họ còn cấm đóan bọn trẻ tiếp cận, mặc dù chúng rất thích. Nếu ai vô tình ngăn cản, họ lý sự : Tại tôi thương nó, thì tôi mới cấm, chứ để nó đi chơi như vậy, lỡ bể đầu, gãy tay thì sao???… Bởi họ chưa bao giờ nghe Nietzsche nói rằng : “Nếu muốn phát triển nhân cách của mình, hãy sống một cách nguy hiểm.” Không có gốc rễ làm sao cây đâm chồi nảy nụ, làm sao cây chịu đựng được với phong ba bão tố cuộc đời.

Ngay cả ở nơi trái tim, bọn trẻ chúng tôi cũng chẳng được chỉ dẫn làm thế nào để cho trung tâm năng lượng ở trái tim được nuôi dưỡng. Có thể nói, cha mẹ, họ hàng, giáo xứ chỉ nhân danh tình thương bắt buộc bọn trẻ chúng tôi phải đi thờ đi lễ, học hỏi giáo lý khó hiểu, khô khan, lạnh lùng, nhàm chán. Còn việc ôm ấp, vuốt ve, cho bú cho mớm, họ chỉ làm theo bản năng và theo bổn phận trách nhiệm. Chứ họ hoàn toàn chẳng được các vị “thầy tâm linh” của họ chỉ dạy làm thế nào để phát triển con tim. Có những bà mẹ tới ngày tới tháng là bắt đứa bé phải cai sữa, trong khi theo luật tự nhiên thì mỗi đứa trẻ có nhu cầu khác nhau, nên phải cho chúng bú cho đến khi nào chúng tự động bỏ sữa mẹ mới thôi. Thậm chí có những bà mẹ Công giáo sợ bị xệ vú, không còn bộ ngực đẹp đẽ của thời con gái, nên cấm không cho con bú.

Hệ quả là tất cả mọi thế hệ người Công giáo hoàn toàn mù quáng về tình yêu mặc dù ngày nào họ cũng được “các đấng các bậc” lải nhải về tình yêu, tình thương. Osho nói trong tác phẩm Hành Trình Nội Tại: “Khi trung tâm trái tim kém phát triển, thì sẽ gây ra một điều bất khả : đó là những gì trái tim và rốn chưa hoàn tất, thì trí óc bắt buộc phải thi hành cho xong…[26] Thật vậy, tình yêu không thể đến từ trí óc được. Điều đó cũng giống như là ta không thể giải được cơn khát, nếu chỉ nghĩ về cơn khát. Tình yêu chỉ có thực khi nó đến từ trung tâm quả tim, chứ không thể ngồi đó nghĩ về tình yêu là có thể yêu được. Chẳng có điều nào giả dối cho bằng yêu bằng trí óc. Khi sanh một đứa trẻ ra, bổn phận của họ là kết án chúng có tội tổ tông, sau đó đem đến nhà thờ rửa tội, đến 5, 6 tuổi bắt đi học giáo lý, bắt đi thờ đi lễ là xong nhiệm vụ. Bất cứ ai cũng phải làm như thế, nếu ai làm khác chắc chắn sẽ bị rút phép thông công. Nên chẳng ai có đủ can đảm ngâm đứa bé trong nước lạnh như bà già Tây Tạng, chẳng ai đẩy con mình xuống sông như mẹ Đại sư Hám Sơn, cũng chẳng có ai dám tập cho con mình phát triển trung tâm năng lượng ở rốn và tim.

Như vậy, ngay từ thiếu thời, bọn trẻ chúng tôi chỉ mang tiếng là đạo, chứ chưa bao giờ chúng tôi biết sống đạo. Chính vì những cái bất an, chán nản, buồn phiền - mà chính những người như cha mẹ ông bà, masơ, cha cố đã gây ra - khiến cho bọn trẻ không còn cảm nghiệm được thế nào là bình an trong tâm hồn. Cho nên, khi trưởng thành đa số chúng quay lại trả thù bằng cách bướng bỉnh, quậy phá, chời bời, hút chích… để đòi lại những gì chúng đã bị lấy mất hồi ấu thơ. Thiểu số còn lại cũng có tinh thần hướng thượng, nên mơ ước neo đời mình vào nhà dòng, tu viện, nam thì ít, nhưng nữ thì nhiều. Tuy nhiên, để đạt được an bình trong nội tâm không phải một năm hai năm là được, cần phải tập cả đời, có người phải trải qua cả vô lượng kiếp mới đạt được. Cái tế vi, tức là sự bình an, không thể cân đo đong đếm bằng thời gian hay bằng số lượng. Lấy tiêu chuẩn thời gian để xác định sự bình an nội tâm là một điều ngu xuẩn nhất trong tất cả mọi điều dốt nát. Nếu ngay từ bé, đứa trẻ không quen với bình an nội tâm, thì lớn lên nó phải cần nhiều thật nhiều nỗ lực mới có thể đạt được.

Trên đây là nguyên nhân thứ nhất chứng minh giáo dục Kitô giáo không có hai chữ “tâm linh”. Tiếp đến, cũng trong giai đọan sơ khởi này, chúng ta sẽ thấy giáo dục Kitô giáo hoàn toàn không có tính “tâm linh” trong quá trình thu nhận đệ tử.

Để tham gia một dòng tu, ngoài những điều kiện được giới thiệu sơ lược trên, ứng sinh phải được một người có uy tín như linh mục giới thiệu vào nhà dòng. Sau đó họ phải trải qua một kỳ thi tuyển để trắc nghiệm kiến thức phổ thông. Nếu vượt qua, họ sẽ được nhận vào nơi gọi là thỉnh viện để bắt đầu giai đọan tìm hiểu. Ở giai đọan này họ chỉ đơn giản giữ một số kỉ luật do ban Giám đốc đề ra và học một số môn để tìm hiểu về ơn gọi của một dòng. Ngoài ra, một qui luật bất thành văn mà ai cũng phải giữ đó là đức “khiết tịnh”. Nếu ứng sinh vi phạm mà bị phát giác thì đương nhiên ứng sinh đó bị loại. Tóm lại, chỉ cần một người “bình thường” theo tiêu chuẩn của xã hội cùng thời, họ sẽ được nhận vào dòng tu.

Đối với các tu viện trong phật giáo Tây Tạng, cách thu nhận ứng sinh của họ hoàn toàn khác. Tiêu chuẩn mà họ đặt ra đầu tiên không phải chỉ giới hạn trong những tri thức thường nghiệm. Cái mà họ yêu cầu nơi các ứng sinh chính là tinh thần kiên gan bền bỉ sống chết với con đường mình sắp bước đi. Trong tác phẩm Tây Tạng Huyền Bí, Lạt ma Lâm Bá thuật lại rằng : Khi ông cùng hai thiếu nhi khác đến gõ cửa tu viện Chakpori, tu viện này vừa là một đạo viện vừa là một trường y khoa có tiếng là kỷ luật rất cao, thì một ông tăng tay cầm cây gậy đến quát: “Chúng bay muốn gì lũ tiểu quỷ? Chúng bay tưởng rằng tao không có việc gì làm khác hơn là mở cửa cho lũ tiểu yêu chúng bay sao?” Lâm Bá đáp : “Chúng tôi muốn trở nên tu sĩ.” Ông tăng đáp : “A! Tu sĩ? Tụi bay giống như lũ khỉ thì đúng hơn. Hãy đứng đợi tại đây, vị Chưởng Môn đòan Sơ Cơ sẽ tiếp khi nào người có thời giờ.” Cánh cửa đóng sầm lại khiến chúng tôi súyt té. Một vài canh sau, một ông sư khác đến, ông dọa nạt đuổi thằng con người mục đồng và nhào tới đánh thằng nhóc con ông đồ tể khiến nó bỏ chạy như ma đuổi. Còn lại mình Lâm Bá, ông sư nói : “Còn thằng nhỏ này! Mi là ai? ... A ha! Con một vị hoàng thân quốc thích mà muốn trở thành tu sĩ. Nhưng trước hết mi phải chứng minh giá trị của mi tới đâu, cùng những gì mi có trong bụng. Đây không phải là chỗ của những con nhà quý tộc ươn hèn, nhu nhược. Mi hãy lui lại bốn chục bước và ngồi yên tại chỗ theo tư thế ngồi thiền cho đến khi có lệnh mới. Cấm không được cựa quậy chí đến một sợi lông nheo!” Để được nhận vô tu viện, Lâm Bá đành phải ngồi theo thế kiết già ba ngày (chỉ ban đêm mới được ngủ tại chỗ) và chịu nhiều áp lực của thời tiết khí hậu băng giá khắc nghiệt đến nỗi Lâm Bá chỉ muốn chết đi cho đỡ đau đớn, cô đơn trong đêm tối và cái lạnh cắt da. Ông nói : “Tôi mong sao được chết trong đêm nay, tôi không còn chịu đựng được nữa.”[27]

Lâm Bá chính là hóa thân của một Lạt ma, tức là kiếp trước ông đã tu hành đến bậc thậm thâm, vậy mà kiếp này, ông vẫn phải trải qua những thử thách kinh khủng như vậy. Điều đó cho ta thấy, muốn đạt được cảnh giới Bất nhị, muốn chứng được quả Bồ tát, hành giả đã phải rèn luyện kinh khủng như vậy. Còn nếu muốn cứu độ chúng sinh, hành giả còn phải vượt qua nhiều thử thách nữa, chứ không bao giờ được dừng lại thỏa mãn những cái mình đang có.

Một tấm gương sáng ngời nữa trong việc tầm sư học đạo chính là Milarepa, con người siêu việt. Vốn là một người thông thạo huyền thuật và dù đã trả thù ông chú bà cô ác độc chiếm đọat tài sản của mẹ mình, Milarepa vẫn cảm thấy bất an. Nên khi nghe vị Lạt ma nói về sự vô thường của đời sống và những đau khổ của những sinh linh trên thế gian rồi, Lạt ma trầm tư về cuộc sống của chính mình. Cả đời Lạt ma đã dùng huyền thuật để gây ra sự chết chóc và hủy diệt rồi lại còn dạy huyền thuật đó cho người khác. Vì thế ông ta phải chịu nghiệp báo cho những hành động tội lỗi đã gây ra và khuyên Milarepa đi tìm thầy học đạo để giải thóat chính mình và tương lai có thể thành Lạt ma.

Được lời như mở tấm lòng, Milarepa lập tức lên đường để tìm đến một Lạt ma để học đạo. Nhưng vị này có minh kiến rằng mình không phải là vị thầy thích hợp, nên ông giới thiệu Milarepa đến dịch giả Marpa (Marpa the Translator) để học đạo. Tìm được Marpa, Milarepa đã làm tất cả những gì mà Marpa yêu cầu, nhưng chàng vẫn chưa được sư phụ truyền dạy. Cụ thể là ông bắt Milarepa xây một ngôi nhà đá trên mỏm đá cao với mục đích bắt chàng phá sập nó xuống, rồi lại lấy tất cả những viên đá đó vác trên vai đem trở về chỗ cũ, trong khi đó ông tiếp tục thay đổi kế họach và muốn xây một căn nhà mới ở nơi khác. Công việc nặng nhọc và phi lý này đã được làm đi làm lại trên ba mỏm núi khác nhau và cuối cùng, Milarepa đã xây thành một dãy nhà nhiều tầng. Suốt quá trình thi hành nhiệm vụ, Milarepa không bao giờ nghi ngờ về việc mình sẽ được truyền thụ giáo pháp mà chàng đang khao khát, nên với sức mạnh phi thường chàng đã vác những tảng đá mà bình thường phải ba người đàn ông mới vác được. Chàng đã dùng quá sức đến nỗi thân thể bị suy nhược cho đến khi cái lưng của chàng bị thương rất nặng vì phải mang đá và hồ. Tứ chi cũng bị trầy xước, bầm tím. Nhưng chàng vẫn tiếp tục làm việc và mỗi ngày đều hy vọng rằng chàng sẽ được hưởng ân huệ học giáo pháp. Cảm thông với những vết thương của học trò, Marpa chỉ cho chàng cách đệm tấm lót trên lưng và cho phép nghỉ ngơi để chữa bệnh, nhưng không cho phép Milarepa bỏ việc xây cất mà chàng đã bắt đầu cho đến khi hoàn tất.[28]

Không chỉ dừng lại ở đó, Milarepa còn trải qua rất nhiều sự thử thách không thể diễn tả hết bằng giấy mực của thầy. Và đã có lúc, chàng bỏ sư phụ Marpa để đi tìm thầy khác, nhưng vì nhớ lòng từ mẫu của bà Marpa, nên chàng quay lại cảm ơn. Bà Marpa đã trách chồng quá nghiêm khắc, nhưng ông vẫn “chứng nào tận ấy”. Ông nói : “Này Đại phù thủy, đừng có do dự như vậy. Nếu anh thật quyết tâm đạt cho được giáo lý thì anh phải chuẩn bị hy sinh ngay cả thân mạng của anh nữa đấy. Bây giờ hãy đi đi. Đi xây cho xong ba tầng nhà cuối cùng rồi lòng khao khát vĩ đại của anh sẽ được thỏa mãn. Nhưng nếu anh có tí nghi ngờ nào thì hãy đi nơi khác đi, vì như thế ta chỉ phí mất cơm gạo quí giá cho anh thôi.[29]

Cuối cùng với lòng tin không thối chuyển, Marpa đã truyền giáo pháp cho chàng và từ một lưỡi tầm sét han gỉ, Milarepa trở thành viên ngọc quý sáng ngời khắp cả lục đạo. Ông nói : “Duy trì trạng thái tỉnh thức và vô minh sẽ tan biến. Lưu ngụ trong cô đơn và bạn sẽ tìm thấy bạn hữu. Đến những nơi thấp nhất và bạn sẽ đạt được nơi cao nhất. Hãy vội vàng và bạn sẽ mau tới. Từ bỏ tất cả những mục đích trần gian và bạn sẽ được mục đích tối hậu.”[30]

Ra khỏi truyền thống giáo dục tâm linh Tây Tạng để đi vào truyền thống Ấn Độ, chúng ta sẽ được nghe đến một học giả lừng danh xuất thân từ Đại học Nalanda, ông là một trong những học giả trấn giữ cửa Bắc của Đại học tên là Naropa. Nhưng khi trực kiến thấy một bà già nhăn nheo, xấu xí bảo rằng chẳng có ai hiểu được mật nghĩa của chánh pháp ngọai trừ anh trai bà là Tilopa, tâm trí Naropa dâng lên niềm sùng kính thâm sâu và nước mắt chảy đầm đìa. Lập tức ông hỏi Tilopa ở đâu để tìm đến học đạo. Bà già trả lời : “Đối với Tilopa thì nơi nào cũng là nhà. Ông hiện hữu ở mọi nơi. Nếu tâm trí ngươi tràn đầy niềm sùng kính và lòng tin tưởng, và khao khát kiếm tìm ngài, đó chính là hướng đi để gặp ngài.[31]

Với hai bàn tay trắng và lòng sùng kính thâm sâu, Naropa lên đường tìm Tipola. Ông đã phải đối mặt với tất cả những nghịch cảnh mà không nản lòng như đói khát, thú hoang, rắn độc… Tất cả được sưu tầm thành mười hai kinh nghiệm sợ hãi của Naropa (Twelve Fearful Experiences of Naropa). Cuối cùng, Naropa cũng gặp được Tilopa đang ngồi câu cá. Ông tiến đến phủ phục với tất cả lòng tôn kính và xin được học giáo pháp. Tilopa từ chối vì người thuộc hòang gia làm sao có thể làm môn đệ người câu cá. Có điều, Naropa vẫn cương quyết đuổi theo, nhưng không bao giờ đuổi kịp Tilopa dù ngài đi bộ hay chạy nhanh. Một lần, khi thấy Tilopa ngồi trên tảng đá cao, Naropa tiến lại xin học đạo, Tilopa bảo nếu ngươi nhảy xuống dưới kia mà không chần chừ, ta sẽ dạy. Lập tức Naropa nhảy xuống gãy hết xương. Cuối cùng, sau bao nhiêu đau khổ, Naropa lại đến xin học giáo pháp. Với vẻ mặt vô cùng giận dữ, Tilopa lấy dép đập vào mặt Naropa khiến ông ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, Naropa đạt được tâm thức ngang bằng thầy.

Trở thành bậc chân sư, Naropa lại vô cùng từ ái, nhẹ nhàng, âu yếm với học trò của mình là dịch giả Marpa y như tình mẫu tử của người mẹ với người con.

Trở về với Thiền tông Trung hoa, ta cũng thấy rất nhiều tấm gương tầm sư học đạo. Với Nhị tổ Huệ Khả (Thần Quang), sau khi phải đứng suốt đêm, tuyết ngập đến đầu gối mong ân sư giảng đạo. Bồ Đề Đạt Ma mới hỏi : “Ý ngươi muốn gì?” Thần Quang đáp : “Con mong hòa thượng cứu độ.” Tổ nói : “Đạo vô thượng không thể nghĩ bàn, ngươi đâu có thể đem chút công đức nhỏ mọn mà cầu được.” Nghe vậy, Thần Quang bèn lấy dao bén tự chặt tay trái dâng lên và xin cầu pháp an tâm.[32]

Đến thời Huệ Năng đi cầu pháp, ta cũng sẽ thấy Ngũ Tổ chê bai, khinh khi, nhục mạ mà Huệ Năng vẫn một mực xin theo. Đơn thân khăn gói lên đường tầm sư học đạo, bỏ lại mẹ già hưu quạnh bên hiên, sau 30 ngày ông đến huyện Hòang Mai, vào chùa Đông Thiền bái tổ Hoằng Nhẫn. Tổ hỏi : “Ngươi từ đâu đến?” Huệ Năng thưa : “Từ Lĩnh Nam đến”. “Đến đây muốn cầu việc gì?” Tổ hỏi tiếp. Ông thưa : “Đến đây để cầu làm Phật, ngòai ra không cầu việc gì khác.” Tổ nói : “Người Lĩnh Nam giống mọi rợ, không có Phật tính, làm sao cầu làm Phật được.” Huệ Năng đáp lại : “Người có chia nam bắc, Phật tính nào có chia nam bắc bao giờ.[33]

Nói tóm, toàn bộ truyền thống giáo dục tâm linh của Đông phương là lấy tâm truyền tâm, tức là tùy căn cơ, nghiệp lực của mỗi cá nhân mà ông thầy chỉ dạy, chứ không phải lập ra một hệ thống chặt chẽ được xếp đặt bởi lý trí biện biệt, minh bạch, rõ ràng lệ thuộc vào thời gian và không gian. Tinh thần tầm sư học đạo đó không chỉ giới hạn trong lãnh vực tôn giáo mà lan rộng ra mọi lãnh vực của đời sống như võ thuật, binh pháp, hội họa, văn chương… Hình tượng Tôn Ngộ Không trong tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân cũng lập cước trên tinh thần giáo dục đó. Hầu Vương sau khi lên ngôi ở động Thủy Liêm đã ngộ ra lẽ vô thường của vạn sự, nên quyết tâm lặn lội cô thân vượt ba đào sông núi để tầm sư học đạo. Cái hay của Ngô Thừa Ân ở đây chính là nghệ thuật ẩn dụ vẽ mây nẩy trăng khiến cho cái Tinh anh, cái Huyền ngôn Mật ngữ không bị bóc trần, vạch mặt, chỉ tên, định nghĩa, cắt xén theo điệu nhà trường lý sự so đo.

Trên cuộc hành trình vô định, Mỹ Hầu Vương gặp ai cũng hỏi. Duyên lành đã tới khi người kiếm củi chỉ đường đến núi Linh Đài Phương Thốn, trong động Tà Nguyệt Tam Tinh có một minh sư là Tổ Bồ Đề, chân truyền của Đức Phật. Thực ra, Phương Thốn 方寸 (Heart) chính là tấc lòng. Đối với Lão giáo thì Phương Thốn còn là huyệt đan điền cách rốn ba đốt ngón tay và đây cũng chính là trung tâm năng lượng rốn mà Osho cho rằng nó là chỗ nối kết với linh hồn. Đó cũng chính là lý do tại sao hình tượng ông Địa, Phật Di Lặc lại có cái bụng rất to. Đơn giản là vì chữ “Phúc” (腹), theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, còn có nghĩa là “bụng”, còn “Hạnh” (行) nghĩa là “đức hạnh”, nên “hạnh phúc” có nghĩa là cái bụng chứa đầy nhân đức. Nói khác, người hạnh phúc là người có cái bụng to hay trung tâm rốn phát triển hoàn toàn. Còn Linh Đài (靈臺),theo từ điển Cao Đài có nghĩa là chỗ ngự của linh hồn, hay cái Tâm,[34] theo Lão giáo Linh đài cũng là cái Tâm. Tiếp đến, bốn chữ Tà Nguyệt Tam Tinh (斜月三星) có nghĩa là một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời. Suy ra, hình ảnh trăng khuyết và ba sao chính là ý nghĩa tượng hình hay cách chiết tự của chữ Tâm (心).[35]

Như thế, núi Linh đài Phương thốn và động Tà nguyệt Ta tinh chính là con đường nội quán, con đường trở về cái Anh nhi chi tâm hay Phản bổn hòan nguyên của Lão Tử. Còn Thiền tông cũng chẳng đi ra ngòai con đường Tức tâm tức phật hay Bình thường tâm thị đạo. Do đó, muốn đạt được cái Chân Tâm Phật Tính thì hành giả phải tự mình lên đường tìm kiếm, tự mình trau dồi, học tập với lòng tin sắt đá và tinh thần trơ gan cùng tuế nguyệt để trở về với chính mình. Trên cuộc lữ hành miên trường đó, hành giả phải giữ tâm mình an định, không mong đợi thành quả chứng đắc, không phụ thuộc thời gian không gian, không sợ nghịch cảnh cũng chẳng cầu thuận cảnh, chỉ đơn độc quán chiếu tâm mình trong từ sát na niệm tưởng dấy khởi, và chỉ đơn thuần trực kiến, không đánh giá được mất, hơn thua, xấu tốt. Đến một lúc nào đó giống như trái chín rụng xuống gốc cây, hành giả sẽ trực ngộ cái Tâm thuần khiết, cái Bất Nhị, cái Tinh anh của chính mình.

Qua những dẫn chứng trên, chúng ta có thể tạm kết luận rằng, đối với truyền thống giáo dục tâm linh của Đông phương, nếu muốn làm chủ được cái tâm tế vi, tinh nhuyễn thì trước hết cần phải làm chủ xác thân thô lậu, sù sì này. Do đó, bài học nhập môn mà bất cứ hành giả nào cũng phải trải qua đó là luyện tập hơi thở, trầm tư mặc tưởng, ngồi im bất động. Một khi đã làm chủ được thân xác thô lậu của mình, thì hành giả sẽ dần dần làm chủ được tâm linh, bởi tâm trí và xác thân không phải là hai thực thể riêng rẽ, biệt lập, nhưng là một tổng thể hòa hợp, không thể tách rời. Vượt qua những thử thách ban đầu, có nghĩa là hành giả chỉ còn một “cú hích” nữa để vượt thóat khỏi sinh tử luân hồi, thõng tay giữa chợ mà tâm vẫn sáng sủa minh nhiên. “Cú hích” đó chính là nhiệm vụ của ông thầy. Cho nên, không có chân sư dẫn đường, hành giả không thể chứng ngộ; nhưng không có lòng tin và tinh thần tinh tấn quên mình vì đạo lý, thì thầy cũng đành bất lực. Tilopa đã giải thích nguyên do tại sao ông lại bắt Naropa phải chịu nhiều gian khổ, tủi nhục như sau : “Sự việc mà ta đẩy ngươi vào những hoàn cảnh quá nhiều đau khổ như vậy không phải là ta độc ác. Nhưng vì ác nghiệp của ngươi không thể được tẩy xóa bằng những cố gắng của riêng ngươi. Chỉ khi nào ngươi thực sự trải nghiệm những khó khăn gian khổ, thì khi ấy ngươi mới có thể thanh lọc được ác nghiệp mà bấy lâu nay che phủ không cho ngươi thấy được Chân tâm Phật tính. Qua tất cả những trải nghiệm khó khăn, gian khổ đó, ngươi đã không nảy sinh một niệm hồ nghi, phân vân, hay những quan điểm sai lầm nào, mà còn thi hành triệt để những gì ta mong muốn. Cuối cùng ngươi đã vượt qua những tình cảm mâu thuẫn để chứng nghiệm được giải thóat.[36]

Nhìn lại truyền thống tâm linh của Kitô giáo, ngòai tấm gương từ bỏ vật chất, giàu sang của một gia đình thương gia nhiều tiền lắm bạc và một cuộc tình đầy thi vị với nàng Clara của thánh Phanxico Assidi để đi theo tiếng gọi của Chúa, ta không còn thấy một cuộc từ bỏ nào quyết liệt, mạnh mẽ có thể gây xúc động lòng người. Thậm chí, chỉ cần một sự từ bỏ như thánh Inhaxiô, tổ phụ Dòng Tên, vốn dĩ là một sĩ quan quân đội, cũng được ca tụng và trải thảm. Thánh Biển Đức chỉ vì chán cảnh sống nhàm chán ở thành thị, nên tìm về nơi thanh vắng sống ẩn dật. Còn thánh Augustinô theo đạo vì đọc hạnh thánh Antôn nên bỏ đạo Mani và lập tu luật tên Regula ad servos làm nền tảng cho đời sống cộng đòan cho đến ngày nay. Cũng vậy, thánh Thomas de Aquin cũng được cha mẹ khuyến khích đi tu làm tổ phụ, vừa có quyền thế lại vừa có gia sản kếch sù, nhưng ông không nghe và đi theo dòng hành khất, tức dòng Đaminh.

Nói tóm, đối với Kitô giáo, bước đầu gia nhập đời sống tâm linh là một việc tương đối dễ dãi. Thậm chí, ứng sinh nhiều khi còn được trải thảm, hứa hẹn một cuộc sống không chỉ sung túc đời này mà còn được hưởng Thiên đàng cả đời sau nữa. Nghĩa là chỉ cần có một chút ham muốn, cộng thêm một lý lịch trong sáng và biết cách “vâng phục” là có khả năng gia nhập bất cứ một cộng đòan tu trì nào. Dĩ nhiên, sự khởi đầu đó kéo dài 2, 3 năm, nhưng cường độ để trắc nghiệm một người có khả năng tiến triển trong đời sống tâm linh thì nhẹ nhàng, nếu không muốn nói là hời hợt, qua loa và đại khái. Đó cũng chính là lý do khiến Kitô giáo có số lượng nam nữ tu sĩ đông đến nỗi Chúa Thánh Thần mang tiếng là khôn ngoan, thông hiểu tất cả mọi sự lại không thể biết có bao nhiêu dòng tu. Hơn thế nữa, vấn đề thời gian chiếm một vị trí quan trọng trong tiến trình giáo dục. Bất cứ ai, không phân biệt già trẻ lớn bé, sẽ được xếp thành một lớp đúng vào lúc họ gia nhập. Theo lớp đó, họ phải thi hành đầy đủ bổn phận gần như giống nhau cho đến hết thời gian đào tạo. Bất cứ một cá nhân nào không thi hành bổn phận được bề trên hay Hiến pháp quy định rõ ràng, minh bạch thì bị đào thải, hoặc tự động rút lui.

2. Giai đọan nhà tập

Sở dĩ người viết dài dòng ở giai đọan sơ khởi như vậy là vì theo Đông phương, đầu cũng là cuối và cuối cũng chính là đầu. Nếu trong giai đọan khởi đầu, hành giả không đáp ứng được những thử thách của ông thầy thì coi như họ không có duyên để hòan thiện chính mình trong kiếp này. Với cái nhìn cục bộ, hạn hẹp trong một kiếp sống thì người ta sẽ không đồng ý cách giáo dục quá khắc nghiệt của các vị thầy Đông phương. Nhưng dưới nhãn quan của người thực chứng được vô lượng kiếp thì chẳng có gì phải lo ngại khi kiếp này người đó không có cơ hội thực tập đời sống tâm linh. Ngay chính Đức Phật, Ngài cũng phải trải qua vô lượng kiếp mới đạt được bậc chánh đẳng chánh giác, huống hồ là phàm phu tục tử như chúng ta. Một giai thọai trong Phật giáo kể rằng một ông tăng và một thường dân đến hỏi Phật rằng, chừng nào chúng tôi mới được giác ngộ. Với ông tăng, Phật nói, ông chỉ còn hai ba kiếp nữa. Ông tăng tỏ vẻ thất vọng liền bị đọa vào hàng ngạ quỷ. Với thường dân, Phật trả lời, ai chứ ngươi thì còn phải trải qua vô lượng kiếp mới được giác ngộ. Ông không những không buồn phiền mà trái lại còn vui vẻ nhận lời chờ đến ngày đó. Ngay lập tức ông được tái sinh vào cõi trời Đâu suất. Do đó, nếu quan niệm thời gian là một đường thẳng như các tôn giáo nhất thần sẽ khiến cho con người vội vã, khẩn trương tìm cầu ở những đối tượng bên ngoài. Trái lại, với quan niệm thời gian là một vòng tròn, các tôn giáo Đông phương rất dễ hướng nội, hài lòng với kiếp sống của mình.

Như đã giới thiệu, ở giai đọan này, ứng sinh ít phải lo lắng thu thập kiến thức. Họ chỉ cố gắng làm sao thích ứng với nếp sống của cộng đòan, tức là tập cho quen với thời khóa biểu mà một tu sĩ phải sống suốt đời. Sáng họ thức dậy sớm để nguyện kinh thần vụ và dâng thánh lễ. Sau đó họ cũng phải tập trung để học một số môn bổ túc đời sống chiêm niệm. Trưa họ viếng Thánh thể rồi sau đó là bữa ăn trưa. Nghỉ ngơi xong, họ phải thức dậy đọc kinh mân côi. Chiều tối họ lại nguyện kinh thần vụ và mỗi tuần một lần, họ phải chầu Thánh thể một tiếng đồng hồ. Như thế, ai cũng phải hòan thành những công việc ấy trong một ngày, giả như vắng mặt bất kỳ một buổi nào mà không có lý do, ngay lập tức, họ được “viếng thăm” bởi một ông linh mục gọi là Cha giáo tập. Nếu ốm đau bệnh tật thì không sao, nhưng ngủ quên hoặc lười biếng thì sẽ bị “chú ý”. Thậm chí, nếu mắc bệnh nan y thì kể như người đó bị lọai. Có những nhà dòng còn đưa ra tiêu chuẩn thế tục về lượng để nhận ứng sinh.

Lý do cũng chỉ vì, là con đẻ của hệ tư tưởng Phương tây, nên Kitô giáo cũng phân biệt bệnh tật thể xác tách biệt với bệnh tật tâm hồn. Do đó, những gì là thế tục, là thân xác hèn mọn, họ bỏ qua một bên, không thèm chú ý, họ chỉ lo hướng thượng, chuyên tâm vào những việc gọi là tâm linh và còn tự xưng mình là “bác sĩ tâm linh, kỹ sư tâm hồn”. Đó là cách nói thậm xưng, thực ra họ hòan toàn không biết y học ngày nay đã khẳng định, nguyên nhân của tất cả bệnh tật là do tâm lý quyết định đến 70%, chưa kể hết những bệnh tưởng, bệnh thời đại, bệnh stress… Như thế, chỉ cần tinh thần lành mạnh, tức khắc thân xác sẽ khỏe mạnh theo, cũng vậy, thân xác chỉ cần được tự do, thỏai mái và được thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu, tức khắc tâm linh cũng lành mạnh. Nói khác, không hề có sự tách biệt giữa thể xác và tâm hồn, hai là một, một là hai, chính xác hơn nữa là chẳng có hai thực thể xác và hồn, đó chỉ là hai ý niệm, là ảo ảnh, là mộng huyễn như sương sa, như điện chớp của con người hiện đại. Huệ Năng đã từng nói : “Bản lai vô nhất vật. Hà xứ nhạ trần ai.” Có thể nói, cái thô lậu, cụ thể, nắm bắt được bằng giác quan, thế mà Kitô giáo không biết cách điều phục, làm chủ, thì làm sao họ có thể nhiếp phục cái tâm tế vi, tinh nhuyễn được. “Bác sĩ tâm linh hay kỹ sư linh hồn” chẳng qua chỉ là những mỹ từ được dùng để họ mua chuộc tín đồ không hơn không kém.

Khi còn ở nhà dòng, có một linh mục làm bề trên của một tu viện. Không biết may hay rủi cho ông ta khi tu viện ấy lại “sở hữu” một ông thánh Martin rất hay làm phép lạ, đặc biệt là phép lạ chữa bệnh. Từ ngày thành lập Đền kính thánh Martin cho đến nay, người ta đồn rằng có rất nhiều phép lạ. Cho nên, cứ đến ngày lễ kính ông thánh là dân chúng từ khắp nơi đổ về xin khấn, xin lễ rất đông. Những dịp như vậy, một ngân khỏan rất lớn từ túi khách hành hương được chuyển vào tủ sắt của tu viện. Chuyện ông thánh có làm phép lạ cho các tín hữu, bổn đạo thuần thành đó hay không và phép lạ đó có hiệu quả như thế nào thì chưa thể nghĩ bàn ở đây. Tuy nhiên, ông bề trên đó chẳng may bị bạo bệnh, khiến cho hai con mắt không còn thấy đường. Ông cuống cuồng chạy chữa khắp nơi, hết nhà thương này đến nhà thương kia. Vốn là một tu sĩ linh mục nhiệt tình vơ vét các linh hồn đến nỗi chẳng ăn chẳng ngủ, đến khi một mình đối diện với cơn bệnh, ông sinh ra chán nản thất vọng, rồi than rằng chẳng có anh em nào hỏi han chăm sóc. Thiết nghĩ, đó có thể là một quả báo khi ông, với cương vị là bề trên, đã quyết định cho một người anh em bị suy thận phải hồi tục, dù anh ta vẫn còn khao khát đi tu.

Vấn đề được nêu ra không phải là quả báo, nhưng chính là lý do tại sao ông ta “sở hữu” một chuyên gia làm phép lạ chữa bệnh, lại không “ra lệnh” cho chuyên gia đó chữa bệnh cho mình và cho người anh em mà chạy đi tìm chữa, xin xỏ, nhờ vả người thế tục chữa cho mình, còn người anh em kia thì bị tống cổ về nhà? Phải chăng ông thánh Martin không biết làm phép lạ chữa bệnh cho anh em của mình? Phải chăng tu viện đã lợi dụng thánh thần để lấy tiền của con chiên ngoan đạo, chứ chẳng hề có ông thánh ông thần nào làm phép lạ chữa bệnh hết? Một ông thánh mà người ngòai thì chữa, còn người nhà thì bó tay làm sao có thể gọi là thánh được? Đã là thánh thì không thể phân biệt thân sơ, ta người, trái lại còn phân biệt thì còn là giả danh, là lừa đảo bởi chân lý nửa vời chỉ phá họai, chứ không thể xây dựng được. Nếu thế thì cướp đêm là giặc cướp ngày là “cha” chứ không còn là “quan” nữa.

Một vấn đề nữa cần phải bàn trong giai đọan này chính là tinh thần duy cơ khí của Kitô giáo, chứ không phải là tinh thần tâm linh đúng theo nghĩa nguyên thủy. Tất cả những ai trong giai đoạn này đều phải thi hành những công việc và bổn phận hoàn toàn giống nhau. Khác biệt duy nhất được khuyến khích chính là đọc thêm nhiều kinh, năng viếng nhà nguyện, chia sẻ lời Chúa… Còn tất cả những gì hơi trệch khỏi quỹ đạo được thiết định sẵn đều được chỉnh sửa ngay lập tức. Ngay cả những cái được cho là mang tính tâm linh cũng chỉ là nhãn hiệu mà thôi. Còn thực chất chính là ve vuốt và thỏa mãn cái bản ngã chuyên loay hoay kiếm tìm những lời an ủi rẻ tiền, lời động viên hời hợt, lời tâng bốc nhàm tai của những kẻ vẫn còn mang trong mình bóng tối u minh, lại tự cho mình là uyên bác, thấu suốt cổ kim, sở hữu được chân lý.

Chính vì thế, những công tác được giao cho các tập sinh phụ trách trong thánh lễ hay lĩnh xướng trong kinh nguyện luôn là một gánh nặng. Nếu thánh lễ hay kinh nguyện chuyển tải được ý nghĩa tâm linh hay nói khác là sự thánh thiện, chắc chắn họ sẽ không coi các công việc trong thánh lễ, trong kinh nguyện là một cái gì gò bó, nặng nhọc. Thánh Tôma đã từng nói : “Sự thiện có tính quyến rũ.” Vậy thì, lý luận theo luận lý của Aristotle, bất cứ cái gì không có tính quyến rũ đều là sự ác, thánh lễ kinh nguyện không có tính quyến rũ nên thánh lễ kinh nguyện là sự ác. Đó là lý luận đúng theo kiểu giáo dục của Kitô giáo, bởi nói gì thì nói không có Aristotle làm gì có thánh Tôma để mà hôm nay trước thầy sau tớ lao xao, kẻ tung người hứng đề cao chính mình, trò thì phụ họa linh tinh, thầy thì minh chứng chứng minh lòng vòng… rằng thì là Tôma đã “rửa tội” cho Aristotle, rằng thì là Tôma đã làm một cuộc cách mạng tư tưởng. Có thể nói, lý do của sự tẻ nhạt, nhàm chán trong những việc được gọi là tâm linh vì người ta đã quá đề cao tinh thần máy móc khoa học và đem áp dụng tính minh bạch, chính xác đó vào đời sống tâm linh. Cho nên, mỗi cá nhân trong cộng đòan, dù được gọi là huynh đệ, đồng chí, anh em…, cũng chỉ là một bộ phận trong guồng máy, hay một con cờ trong tòan thể ván cờ. Căn cứ trên phương diện tham gia đầy đủ các giờ thánh lễ, kinh nguyện và nhất là số lượng ứng sinh tham gia các dòng để định lượng đời sống tâm linh của cộng đòan này, dòng tu kia, tôn giáo nọ là một việc làm ấu trĩ. Việc đó chẳng khác nào cái mồ mả đầy thúi tha mà bên ngòai tô vôi trắng sáng.

3. Giai đoạn học viện

a. Trí thức

Giai đọan này có thể nói là giai đọan cốt lõi trong tiến trình đào tạo một “kỹ sư tâm hồn”. Việc thành bại của một cộng đòan đều tùy thuộc vào giai đọan này. Do đó, tất cả các nhà dòng, hay các chủng viện đều dồn hết tâm lực vào giai đọan này để cố làm sao đào tạo những chuyên gia quảng cáo, những bác sĩ tâm linh, những kẻ lưới người, những thợ gặt thành thạo, lành nghề, giỏi biện luận, giảng thuyết hùng hồn, và nếu cần sẵn sàng tử vì đạo. Với tính chất quan trọng như vậy, sinh viên phải tập trung hết sức, vận dụng hết trí nhớ cốt làm sao để ghi tâm khắc cốt những tín lý, luân lý, giáo lý, giáo luật, tông thư, tông huấn, chú giải… làm hành trang rao truyền chân lý.

Như đã giới thiệu, giai đọan này kéo dài từ 6 đến 7 năm trời. Muốn làm linh mục, tức thầy dạy tâm linh, ai cũng phải trải qua một thời gian như thế. Muốn làm bề trên, hay giáo sư học viện hay chủng viện, thì ngòai 6,7 năm đó ra còn phải có bằng cấp tiến sĩ của các đại học Công giáo bên Pháp, Đức, Ý… cấp cho. Ngòai con đường duy nhất ấy ra, không có chuyện khơi khơi, lưng lửng không trường không lớp, chẳng học chẳng hành mà được giảng giải lời Chúa trước cộng đòan tín hữu. Điều đó hoàn toàn trái ngược với cách giáo dục của các thiền sư Nhật Bản. Một đệ tử hỏi về thời gian học bắn cung, sư phụ trả lời : “Không thể đo lường con đường dẫn đến mục đích! Ngày giờ năm tháng mà có ý nghĩa gì.[37] Sống lâu lên lão làng là một kinh nghiệm chẳng hay ho gì.

Chính vì thế, ai cũng phải cố gắng nhồi nhét cho vừa, cho đủ tất cả một đống thượng vàng hạ cám từ Thánh kinh, thần học, triết học cho đến các môn học xã hội như xã hội học, tâm lý học v.v… Ai không có khả năng thu thập thì tìm cách nhờ vả, thậm chí còn dùng phương thế hạ đẳng như quay cóp trong thi cử hầu mong đủ điểm để vượt qua những môn học khô khan và giáo điều. Cứ mỗi lần đến kỳ thi, Trung tâm học vấn phải huy động tòan bộ nhân viên để canh gác, kiểm tra rất chặt chẽ không khác gì những kỳ thi tuyển sinh đại học ở ngòai đời. Có những ông cha làm giám thị còn vào tận trong nhà vệ sinh để theo dõi các “thầy dạy chân lý tương lai” có gian lận trong thi cử hay không. Khi còn là sinh viên trong nhà dòng, người viết đã tận mắt chứng kiến một sinh viên năm cuối, đã được bỏ phiếu làm Phó tế, lại quay bài trong thi cử. Cách giáo dục như thế chỉ tạo ra những bộ máy, chứ không thể tạo ra con người sáng tạo. Thích Minh Châu đã viết như sau : “Con người giáo dục không phải chỉ là một chuyên viên kỹ thuật trong một phạm vi trí thức nhất định mà là kẻ phê phán truyền thống và những giá trị hiện đại.[38] Phê phán sáng tạo mới là thực chất của giáo dục. Còn làm theo, bắt chước, học thuộc lòng đích thị là một nền giáo dục giả dối, vô minh.

Hậu quả là sinh viên đó phải xin lỗi trước cộng đòan; còn một sinh viên nộp đơn khấn trọng cũng bị khước từ vì tội gian lận trong bài thi. Đó mới chỉ là bề nổi của một cơ chế khô cứng và nhàm chán. Điều đáng khen là họ cũng dám công khai việc đó. Nhưng cũng chẳng cải thiện được bao nhiêu, vì hầu hết sinh viên đã có thâm niên trong lãnh vực quay góp, góp nhặt ở trường đời, do đó thua keo này họ bày keo khác khiến cho các lão bề trên, cũng từng góp nhặt của người khác, chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Về phía sinh viên thì cũng có người bất mãn, nhưng đa số âm thầm chịu đựng, nín hơi qua sông, ráng làm sao cho hết năm học là bỏ tất cả vào sọt rác y như một gánh phân hôi thúi cần thải đi sớm chừng nào hay chừng ấy, còn thiểu số thì chống đối trong vâng phục và tìm cách khác để luồn lách. Chính người viết cũng đã làm một việc sao chép nguyên văn bài của người khác làm bài của mình để thử xem có qua mặt được giáo sư hay không. Kết quả là vị giáo sư đó chẳng hề hay biết gì và cho bài viết đó đạt điểm đậu.

Với cái nhìn thế tục, hay nhà Phật gọi là tục nhãn, thì nguyên nhân chính là do các sinh viên không đủ khả năng để tiếp thu, nên mới có tình trạng gian lận trong thi cử. Trái lại, với cái nhìn rộng hơn thì nguyên nhân không chỉ do sinh viên lười học hay không có khả năng, mà còn do tính hấp dẫn, nhất là mức độ gây ngạc nhiên của môn học. Môn học nào càng gây ngạc nhiên, càng thỏa mãn óc tìm tòi học hỏi, môn học đó tức khắc thu hút được sinh viên. Còn môn học nào càng mang tính giáo điều, nhồi sọ càng tạo khỏang cách với sinh viên, nếu không muốn nói là giết hại ngay chính người dạy và học môn đó. Do đó, việc sa thải, cảnh cáo bằng cách bắt sinh viên xin lỗi chỉ giải quyết được một mặt; trong khi mặt kia, tức phương pháp giáo dục nhồi sọ, khô khan, cứng nhắc vẫn hiên ngang tiến bước không hề thối chuyển thì chẳng thể nào giải quyết được vấn đề. Cho dù có thấu suốt kim cổ đông tây bằng cách nhồi sọ, con người xét cho cùng cũng chỉ là trò chơi của Tạo Hóa. Người ta đã nói, càng học càng ngu, đi càng xa, kiến thức mình càng hẹp. Kim Dung đã cho ta thấy bài học đó khi ông để cho Trương Vô Kỵ với Càn Khôn Đại Nã Di và Cửu Dương Thần Công bị thất bại dưới tay Chu Chỉ Nhược, Vương Ngọc Yến thấu suốt tất cả võ học trong thiên hạ, nhưng lại không biết dùng võ công, Tạ Tốn là một Tả sứ trong Minh giáo hiếm có người so bì trên giang hồ lại thua thằng nhãi Trương Thúy Sơn. Một người xứng đáng với ngôi võ lâm minh chủ thì lại chết sớm như Trung thần Vương Trùng Dương[39]. Thế mới hay cái lẽ trời, khôn khoan nhường ấy dại khờ ngay đây.

Một nguyên nhân nữa chính là tinh thần máy móc qua việc thi cử và đánh giá năng lực dựa trên điểm số khiến cho các sinh viên nảy sinh tính so đo, tính tóan, tranh giành. Người được điểm cao thì kiêu căng tự đắc, kẻ được điểm thấp thì mặc cảm tự ti, bới lông, tìm vết những sơ hở của người khác để cho thiên hạ thấy rằng cái điểm cao đó chỉ là nhất thời may mắn thôi, chứ có gì tài giỏi đâu… Thực tế đã có sinh viên làm hết sức mình, thức khuya dậy sớm, sôi kinh nấu sử chỉ để mong được đi du học nước ngòai về làm giáo sư. Còn thầy giảng nào có mộng đi nước ngòai mà cảm thấy khả năng của mình còn yếu thì tìm cách đi cửa sau, tức là nâng bi, bợ đít bề trên, giáo sư, giám đốc để kiếm được chiếc vé du học, rồi về lên lớp, lên thầy với đàn em. Nhất là trong các tiểu luận và luận văn, tòan là sao chép, trích lục, chế biến một cách thô thiển của người khác, thậm chí có sinh viên còn lấy luôn tiểu luận của người khác, đổi tên, đổi số, đổi tựa đề làm tiểu luận của chính mình… Bệnh thành tích là một nguy cơ làm thui chột sức sáng tạo của con người. Một nền giáo dục tâm linh cần phải thấy trước hiểm họa đó và giúp cho sinh viên giải thoát mình khỏi cái tôi phù phiếm. Chính cái tôi đó đã khiến môn sinh bị kẹt vào sự thành công và danh tiếng, hai cái tường sắt thành đồng này là chướng ngại rất lớn cho môn sinh giải thoát chính mình. Albert Einstein đã nói như sau : “Bởi lẽ một cộng đồng với các thành viên bị tiêu chuẩn hóa và thiếu vắng đặc tính và mục đích cá nhân sẽ là một cộng đồng nghèo nàn, không có khả năng phát triển. Trái lại, cứu cánh của giáo dục phải là sự huấn luyện hành động và suy nghĩ độc lập cho cá nhân, người nhận thức rõ ràng vấn đề đời sống quan trọng nhất của anh ta khi phục vụ cộng đồng.”[40]

Tóm lại, vì là sản phẩm của giáo dục Tây phương, nhưng lại không có đủ năng lực để bắt chước, làm theo, cho nên, hết năm này đến năm khác, hết thay đổi này đến thay đổi khác, hết thầy làm trung tâm rồi đến trò làm trung tâm trong việc giáo dục…, cũng chẳng thay đổi được cách dạy và học những tri thức thường nghiệm, chứ chưa nói đến việc giáo dục tâm linh. Có thể nói, cách giáo dục của Trung tâm học vấn này chưa thể sánh với cách giáo dục của Trương Tam Phong dạy cho Trương Vô Kỵ trong tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long Ký của nhà văn Kim Dung. Khi dạy cho Vô Kỵ môn Thái Cực Quyền, theo lẽ bình thường thì ông phải hỏi: “Con đã nhớ hết chưa?” Trái lại, ông hỏi : “Con đã quên được bao nhiêu chiêu thức rồi?” Lần đầu Vô Kỵ trả lời : “Con quên một nửa rồi.” Ông khen tốt, nhưng càng dạy ông càng hỏi đã quên hết chưa và đến khi Vô Kỵ quên hết thì ông gật đầu hoàn tất bài học. Nhớ để quên hay quên để nhớ chính là huyền ngôn mật ngữ của Đông phương. Đó chính là không còn cái “bản ngã” lăng xăng hư ngụy, mà là cảnh giới nhất như giữa con người chủ thể và kỹ thuật chiêu thức khách thể. Cũng vậy trong nghệ thuật bắn cung của các thiền sư Nhật Bản, họ không bao giờ cho đệ tử nghĩ đến việc bắn, họ bắt đệ tử bằng mọi giá phải quên việc bắn đi. Nói khác, quên việc bắn tức là buông xả tự ngã của mình một cách toàn triệt, không dùng trí năng để điều khiển nữa, mà chuyển việc điều khiển đó xuống trung tâm rốn bằng hơi thở nhẹ nhàng. Một sư phụ đưa ra một thí dụ như sau : “Chỉ vì anh không buông xả mình thật sự nên mới cảm thấy thế. Mọi việc rất đơn giản. Nội một chiếc lá tre tầm thường cũng có thể chỉ cho anh biết cần phải làm gì… Nó cứ cong xuống mãi dưới sức nặng của tuyết , rồi thình lình tuyết tuột xuống đất mà chiếc lá không cần lay giũ. Hãy cứ giữ y như lá tre lúc sức căng đã đến mức tối đa cho tới khi cú bắn lìa ra. Thật thế, khi sức căng đã đến mức tối đa thì cú bắn phải lìa, nó phải buông lìa cung thủ như tuyết lìa khỏi lá tre trước khi cung thủ nghĩ đến.”[41] Bắt sinh viên thuộc lòng một chủ thuyết nào đó, ngay cả thuộc lòng Kinh thánh, là một việc làm tàn ác và dã man hơn cầm dao giết người.

b. Tâm linh

Về vấn đề trí thức thường nghiệm, ta vẫn có thể cảm thông cho những thiếu sót, bất cập. Nhưng ngay đến những vấn đề được mệnh danh là giáo dục tâm linh, Kitô giáo cũng tỏ ra rất hời hợt và ấu trĩ. Nói thế chẳng khác nào kết luận, toàn bộ giáo dục của Kitô giáo không có tâm linh. Thật ra họ không những không có mà còn sở hữu cả một thư viện những tác phẩm nghiên cứu về tâm linh. Chỉ cần có lệnh là cả một đòan quân tầng tầng lớp lớp giày đen bóng lóang, chùng thâm tha thướt, cà cuỗng cao cao, áo dòng trắng xóa… tràn ra như nước vỡ bờ, kẻ tung người hứng, trước thầy sau tớ lao xao nhặng xị, nào là phương pháp cầu nguyện này, nào là cách thức thần hiệp kia… bày bán một cách rõ ràng, đẹp mắt khiến thiên hạ phải trầm trồ tấm tắc khen hay. Thường thì cái thùng rỗng lại hay kêu to, cho nên sau những công đồng, công nghị, tông thư, sắc lệnh được thổi phồng, đánh bóng, ca ngợi là nhân bản, bác ái, nguồn sống mới bởi các phương tiện thông tin đại chúng, cuộc sống của các tín hữu vẫn đâu vào đấy, chẳng có gì gọi là thay đổi ngòai bổn phận đi thờ đi lễ, xưng tội.v.v…, nhiều khi còn tạo thêm hiềm thù, chia rẽ ngay trong những người rêu rao cảm thông, bác ái, yêu thương.

Cụ thể là vụ tranh cãi giữa nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dưới sự chỉ đạo của các dòng và Ủy Ban Phụng Tự dưới quyền điều khiển của Giám mục về vấn đề phiên dịch quyển sách lễ Rôma dùng trong phụng vụ thánh lễ. Quyển sách lễ Rôma đã được Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch trước năm 75 và được sử dụng phổ biến trên tòan quốc. Trong khi đó, Ủy Ban Phụng Tự do Giám mục Trần Đình Tứ làm chủ tịch là một phẩm trật nắm quyền điều hành các quy tắc cử hành phụng vụ lại không kiểm sóat được nguồn thu nhập từ việc phát hành quyển sách lễ Rôma. Hơn nữa, Ủy Ban Phụng Tự không có những chuyên gia đủ năng lực để dịch một phiên bản mới từ tiếng Latinh xứng tầm với bản dịch cũ. Lâu ngày chầy tháng, trâu buộc ghét trâu ăn, Ủy Ban Phụng Tự mới dùng hạ sách cả vú lấp miệng em và dùng quyền để thay đổi một vài chỗ trong bản dịch cũ với lý do là dịch không sát nghĩa. Sau đó Ủy Ban Phụng Tự đem xuất bản lại và giữ bản quyền. Thấy miếng ăn bị hớt tay trên, Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ bắt đầu lên tiếng đòi lại công bằng. Hệ quả là một tranh luận gay gắt nổ ra giữa hai bên. Dĩ nhiên phần thắng luôn thuộc về kẻ có quyền, nhưng một số linh mục trong Nhóm Các Giờ Kinh vẫn ngang nhiên dùng bản dịch cũ. Hiệp nhất, yêu thương đâu không thấy, chỉ thấy tòan chia rẽ, thù hằn vì một quyển sách, cái thứ mà nhà Phật không những bị coi là mộng huyễn bào ảnh mà còn cảnh báo đó chính là nguyên nhân ngăn cản không cho hành giả giác ngộ.

Câu truyện đốt sách trong nhà thiền chứng tỏ rằng văn tự chữ nghĩa chỉ là tục đế, chỉ là phương tiện như chiếc bè giúp hành giả qua sông hay ngón tay chỉ trăng, chấp vào chúng chẳng khác gì tà ma ngọai đạo. Thời Tống Huy Tông, thiền sư Viên Ngộ đem một trăm tắc của Tuyết Đậu ra bình chú. Đến thời Tống Cao Tông, đồ đệ của Viên Ngộ là Phổ Chiếu biên chép lại để tên là Bích Nham Lục. Thiền sư Viên Ngộ biện tài siêu xuất, văn chương tuyệt vời nên tên Bích Nham đã làm dư luận chấn động một thời. Song sau khi Thiền sư tịch, đệ tử chỉ nhớ tụng ngôn cú trong sách làm nhu yếu biện luận tri giải, phản lại bản nghĩa “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”. Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo là đệ tử nối pháp Viên Ngộ, thấy tệ ấy buồn than, bèn mang bản gỗ chất trước sân chùa cho một mồi lửa thiêu sạch, dứt lưu truyền ngang đây. Ngót hai trăm năm sau, trong tòng lâm ít ai thấy được quyển sách này.[42] Vì một quyển sách, bên thì không từ thủ đọan nào để hạ bệ đối thủ, anh em, huynh đệ; bên thì đốt sạch sách vở để học trò thóat khỏi vọng tưởng chấp mê.

Một sự kiện nữa cũng chứng minh cách giáo dục độc tôn của Kitô giáo đó chính là tư tưởng bài trừ các tôn giáo khác. Vấn đề này đã được minh chứng rất rõ trong lịch sử tồn tại và phát triển của Kitô giáo. Đó chính là Tám cuộc thánh chiến kéo dài trong 10 thế kỷ, tòa án dị giáo (Inquisitions) và quen thuộc nhất đối với người Việt chính là A. de Rhodes đã đòi chém Thích Ca trong Phép Giảng Tám ngày. Thêm vào đó, Kinh “Nhật Khoá” của Giáo phận Sài gòn, được Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình duyệt y, ngày 19.3.1971, có đoạn cầu ông “thánh” Phan-ci-cô Xa-vi như sau: “Ông Thánh Phan xi cô là môn đệ rất xứng đáng của ông Thánh I-nha-xi-ô (Ignatius)

¨ là quan thầy các nước Đông phương;

¨ là kẻ nghịch đạo dị đoan;

¨ phá tan đạo bụt thần ma quỉ;

¨ là lính rao tiếng Đức Chúa Thánh Thần cho những dân mọi rợ.”

Theo đoạn kinh này thì hơn 90% dân Việt Nam không theo Công giáo đều là những tên mọi rợ, cần phải tiêu diệt tất cả.[43]

Đó chính là chứng cứ lịch sử đã qua, còn hôm nay, chính người viết đã được nghe trong các giờ huấn đức do một vị bề trên vô cùng đạo đức thánh thiện giỏi giang uyên bác phán rằng : dù các bài dạy đạo đức của Khổng Tử có hay đến mấy đi nữa thì cũng chẳng bằng Tin mừng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trước khi vọng ngôn hoa ngữ về ý tưởng này, ngài cho chúng tôi một bài học về đức công bình, một trong những đức công bình là không nói xấu người khác sau lưng, vì như vậy là không cho người ta có cơ hội để biện giải, và đó chính là một thái độ bất công. Chẳng hiểu sao vừa mới hùng hồn lên lớp khai tâm điểm nhãn cho chúng tôi, thì ngay sau đó ngài lại thiếu đức công bình khi hạ bệ đạo đức của Khổng Tử mà không cho Khổng Tử hay con cháu của ông biện giải. Nguyên tắc là không ai có thể cho những gì mà mình không có, ai làm trái với nguyên tắc này đều là kẻ giả hình. Muốn đề cao Tin mừng của Chúa Giêsu thì đâu có gì khó, dù cả thế giới có đề cao Tin mừng mà không thực hành đúng theo những gì Tin mừng dạy thì cũng chỉ là mộng huyễn bào ảnh, như mây trong mộng như đốm giữa trời mà thôi. Việc này càng chứng tỏ rằng, cái tính tâm linh chỉ là mỹ từ để quảng cáo vơ vét tín đồ trong siêu thị tôn giáo mà thôi, còn thực chất của tâm linh là dung nhiếp tất cả những đối cực thành nhất thể hòa hợp viên dung trong cảnh giới vô ngại tự tại thong dong niết bàn thì lại hòan tòan không có chỗ đứng trong nhà dòng Kitô giáo.

Một kỷ luật đáng chú ý nhất chính là mỗi ngày, các tu sĩ phải dành 30 phút để suy niệm chung trong thinh lặng. Hai chữ “suy niệm” có thể được xem là phương thế lý tưởng của đời sống tâm linh. Chính là vì bất cứ tôn giáo nào cũng đề cao hai chữ này. Tuy nhiên, trong 30 phút đó, chẳng có một tu sĩ nào khả dĩ có thể tập trung tâm trí, dù chỉ một phút. Hầu hết họ lợi dụng thời khắc này để tâm trí mình tha hồ vọng tưởng, phiên du khắp hang cùng ngõ hẻm của vũ trụ. Nếu giờ suy niệm được xếp vào buổi sáng thì hầu hết ngồi ngủ gật, có những ông bề trên ngủ gật rớt cả sách, chảy cả nước dãi. Một số khác tỏ ra trí thức hơn lại mang theo sách thiêng liêng vào đọc. Vào kỳ thi, vì bài vở quá nhiều, một số đã mang cả bài học ở lớp vào tụng trong giờ suy niệm, thậm chí có người học luôn ngọai ngữ trong giờ này. Trong số đó có cả ông Cha giáo, người linh hướng hay thầy dìu dắt tâm linh cho các tu sĩ sinh viên. Có thể nói, nếu nhìn bề ngòai, ai cũng phải công nhận vẻ đẹp của chiếc áo dòng khi các thầy tham dự thánh lễ và kinh nguyện. Màu sắc, tiếng đàn, cung giọng, lời kinh, cử chỉ, hương trầm, nhà nguyện đều nhằm mục đích tạo môi trường thuận lợi cho sự hiệp nhất với Chúa và là một cơ hội rất lớn cho con người tu tập. Nhưng sâu bên trong là cả một lò lửa sẵn sàng bốc cháy bất cứ lúc nào. Đúng là áo dòng, nhà nguyện không làm nên thầy tu.

Ngay trong lúc cử hành phụng vụ, giả như có một thầy nào đó xướng đáp không đúng quy định, đọc bài đọc không đúng ngày, không chịu mở miệng đọc kinh… là cả nhà nguyện xì xào, thậm chí ông cha giáo còn quát lên thật to : “Đọc lại!” làm cả nhà nguyện giật mình. Tôi còn nhớ như in trong đầu khi ông cha giáo bảo ông thầy đọc sai và ra lệnh đọc lại thì ông cha giáo mới biết rằng mình bị hố, tức mình bị lầm mà bảo người khác sai. Cả đám thầy chúng tôi đều tủm tỉm cười và tiếp tục giờ nguyện. Chưa hết, khi kết thúc thánh lễ hoặc giờ nguyện, vào nhà cơm, câu chuyện đầu tiên bao giờ cũng là những sai sót trong thánh lễ. Là người chịu trách nhiệm về thánh lễ và kinh nguyện, tôi phải lo lắng tất cả mọi thánh lễ như tập hát, chuẩn bị rượu, nước, khăn, chén, áo lễ, nhà nguyện… tất cả phải sạch sẽ gọn gàng. Nếu có mệnh hệ gì tỷ như kiến chui vào rượu, bánh lễ có nhiều bụi, khăn lau chén và mồm linh mục dơ… là y như rằng bị trên đe dưới búa. Bởi tất cả đều đã được hệ thống hóa thành công thức nhất quán từ trên xuống dưới, nếu không làm đúng theo công thức đó, chắc chắn sẽ bị khiển trách.

Câu chuyện sau đây cho ta thấy giáo dục tâm linh đích thực không bao giờ lệ thuộc vào công thức của kinh điển. Một ông tăng đi ngang qua ngôi làng vào lúc trời vừa tắt nắng. Ông bỗng thấy một vùng hào quang tỏa ra từ một căn nhà nhỏ bé. Thấy lạ, ông bèn vào hỏi thăm. Thì ra, trong nhà có một bà già đang trì tụng câu thần chú. Ông tìm cách dò hỏi thì bà cho biết rằng bà chẳng tu tập theo pháp môn nào hết mà chỉ hết lòng trì tụng câu thần chú do vị du tăng xa lạ dạy cho mà thôi. Khi ông tăng nói bà đọc cho nghe thì ông phát hiện ra rằng câu thần chú bị sai một chữ. Ông sửa lại cho bà và bà đã chấp nhận. Nhưng thời gian sau ông trở lại thì chẳng thấy vùng hào quang tỏa sáng nữa mà thay vào đó là cảnh những ngôi nhà bị thiêu cháy. Hỏi ra mới biết, từ khi ông tăng sửa lại câu thần chú, bà lão bị phân tâm do cứ phải cố đọc cho đúng câu thần chú và không còn tin tưởng tuyệt đối vào việc trì tụng.

Như thế, hệ thống hóa tâm linh thành những công thức mạch lạc, rõ ràng, khúc triết không những giết chết tâm linh mà còn biến con người thành ù lì, ì ạch, khô cứng đến nỗi trở thành tàn bạo, nhẫn tâm mà mình cứ tưởng rằng mình yêu thương tha thứ. Đây là những lời người viết không chỉ nói về cộng đòan mà còn ám chỉ chính bản thân mình nữa. Sau những năm tháng dài sống trong bầu khí đó, nhìn lại bản thân, tôi mới giật mình thấy rằng, càng sống trong môi trường đó, tôi càng lọan tâm và tàn nhẫn hơn, không hề có chút an tâm tĩnh lặng nào dù đã cố hết sức. Vậy đâu là nguyên nhân cho lỗi bất an luôn ám ảnh tâm hồn tôi? Tôi không thể chối bỏ rằng chính bản thân tôi cũng có những sai lầm trong những mối quan hệ tình cảm với nữ giới. Những mối tình thầm kín, vụng trộm ấy đã gây rất nhiều bất an cho tôi. Nhưng khi phát hiện có con chiên bị lạc thương tích đầy mình vì xa đàn lạc lối, đáng ra họ phải cõng về, băng bó, chữa trị như họ đã từng rao giảng hàng ngày trước đám đông, ngược lại họ thường hay lên án và loại trừ những kẻ dưới quyền. Còn những kẻ làm linh mục mà lỡ có con cái đầy đường đầy chợ thì họ ngậm đắng nuốt cay mà tìm cách bao che, dấu diếm. Giả như có chữa trị thì họ chỉ biết dùng hạ sách là dấu nhẹm, không bàn đến vấn đề bằng cách thuyên chuyển đương sự đi những nơi xa hoặc giam lỏng ở khu nội vi nào đó.

Có người anh em hỏi tôi tại sao không tiếp tục tu, tôi nói anh hãy tìm cho tôi một người nào đó thực sự an tâm trong hội dòng này, tôi sẽ ở lại, anh ta bó tay, không thể tìm được. Một linh mục, cử nhân thánh kinh (bằng cấp cao nhất ở Việt Nam), được cho là vô cùng thánh thiện thì lại rất sợ đọc và dịch đọan văn sau đây trong sách Sáng thế : “Ông Nô-ê làm nghề nông, ông là người thứ nhất trồng nho. Ông uống rượu say và nằm trần truồng giữa lều. Ông Kham, cha ông Ca-na-an, thấy chỗ kín (con cu) của cha mình và báo cho hai anh ở ngoài biết. Ông Sêm và ông Gia-phét lấy cái áo choàng, cả hai đặt áo lên vai mình, rồi đi giật lùi mà che chỗ kín của cha. Mặt họ quay về phía sau, nên họ không trông thấy chỗ kín của cha.” (St 9, 20-23). Theo tôi, ai khinh bỉ tính dục, kẻ ấy sẽ trở nên đáng bị nguyền rủa nhất, ai khạc nhổ, trốn tránh nó, kẻ ấy sẽ khạc nhổ vào chính lòng tự trọng của Thượng Đế. Không uống những dòng kinh nguyệt mang những trái trứng hư, tu sĩ linh mục chỉ là những bọn điệu bộ, giả hình. Thái độ trốn tránh đó chẳng khác gì sự đảo lộn dâm tính, tức là thay vì làm tình bằng dương vật và âm đạo, thì họ lại làm tình bằng trí não, óc tưởng tượng và những cơn mơ tính dục thác lọan. Ngọn lửa hừng hực của tính dục lại bùng cháy kinh khủng nhất trong những chỗ đồng trinh và thánh thiện nhất qua những cơn mơ hoang đàng.

Vào tuyệt lộ, tôi tìm cách lý giải tại sao làm Tu sĩ, Linh mục, làm Giám mục, Hồng y, thậm chỉ cả Giáo hòang… đều là những người được học hỏi, được giáo dục trăm phương ngàn kế, ấy thế mà họ vẫn bị sa ngã? Cần hiểu sa ngã không chỉ là vướng vào, vục mặt vào, té nhào vào mà còn có nghĩa là khinh bỉ, xa lánh, chạy trốn những cơn cám dỗ. Thái quá và bất cập đều biến con người trở thành nô lệ cho Satan. Trở về nguồn, ta thấy hai chữ “suy niệm” được dịch từ tiếng Anh là Meditation. Từ này lấy gốc của từ med thuộc ngôn ngữ Ấn-Âu, mang nghĩa là đo lường (to measure). Từ gốc med- người Anh tạo ra từ mete (đo lường), medicine (chữa lành), modes (nhu mì) hay moderate (ôn hòa). Hơn nữa Meditation còn được dịch từ tiếng Latin là meditatio chỉ có nghĩa là trình bày những bài tập về thể xác và trí năng, sau đó suy thêm một nghĩa đặc biệt nữa là contemplation. Contemplation có gốc từ tiếng Latin templum (templum được rút ra từ tiếng Hy lạp temnein : cắt (to cut) hoặc phân chia (to divide).) Nói chung, từ này nghĩa là tách cái gì đó ra khỏi môi trường của nó và đóng khuôn cái đó thành một bộ phận. Từ đó, contemplation mang ý nghĩa cầu nguyện và chiêm niệm trong tôn giáo.[44]

Như thế, ngay trong việc sử dụng từ ngữ để hướng dẫn đời sống tâm linh, Kitô giáo đã đánh mất ý nghĩa chữa lành, nhu mì, ôn hòa của từ meditation mà thay vào đó bằng ý nghĩa phân chia, cắt xén của từ contemplation. Cho nên, phụng vụ của Kitô giáo, cụ thể là của Dòng Đaminh với châm ngôn : “Contemplata aliis Tradere” (chiêm niệm rồi đem trao cho người khác những gì mình chiêm niệm) được phân chia thành thời khắc, bố cục và nội dung hết sức tỉ mỉ, chặt chẽ và hợp lý. Ai cũng phải tuân thủ theo những quy tắc đã được sắp xếp như vậy, nếu không sẽ bị chụp mũ là dối đạo, không tuân phục bề trên và nặng nhất là dứt phép thông công. Hơn nữa, Dòng còn có một châm ngôn khác thường được lặp lại là : “Cum Deo aut de Deo loqui” (Nói với Chúa và nói về Chúa). Với nguyên tắc này, ta có thể thấy sự phân chia rành mạch giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa là một ngôi vị toàn năng toàn hảo thánh thiện đang ngự trị ở một cõi trời xa xăm, còn con người thì cần cố gắng hết sức để trở nên giống như Ngài bằng cách hoạ lại, bắt chước, làm theo. Do đó, tu sĩ linh mục phải trở nên ngày càng giống Chúa qua việc chiêm niệm, rồi chuyển trao những điều đó cho tha nhân. Họ hoàn toàn bỏ quên bản chất tối hậu của con người cũng chính là Tiểu Thượng Đế, Tiểu Thiên Chúa, nói theo Ấn giáo là Tiểu ngã và Đại ngã, và nói theo Phật giáo là Phật chưa thành và Phật đã thành.

Điểm đáng chú ý nhất là Kitô giáo đã phân chia đời sống tâm linh thành nhiều cấp độ hướng dần lên cao. Với trào lưu thần bí phía Đông, cụ thể là ba chặng đường của Giám mục Grêgôriô Nyssa bắt đầu từ sáng đến tối; hai nẻo đường tu đức của Evagriô Ponticô là thực hành (praktikos) và chiêm niệm (theoria); ba cấp bậc thanh luyện, chiếu sáng và kết hợp của Điônysiô Arêôpagita. Còn với trào lưu phía Tây thì có đại diện nổi bật như thánh Aurelius Augustinus cũng đưa ra bốn cấp độ đức ái như khởi đầu (inchoativa), tiến triển (provecta), lớn mạnh (magna), hoàn thiện (perfecta).[45] Những cấp bậc này cũng rất giống với các cảnh giới tu chứng trong truyền thống tâm linh Phương Đông như Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và cuối cùng là Phi tưởng phi phi tưởng xứ của Ấn giáo, hay các cấp độ trong Yoga như : 1. Chế giới : được hiểu là sự tự kiểm soát trong mọi hành động. 2. Nội chế : bao hàm sự thanh tịnh trong ba cửa ải thân, khẩu và ý. 3. Toạ pháp : là phép ngồi vững chắc và dễ chịu (2,46). 4. Điều tức : là sự điều chế hơi thở ra vào, được định nghĩa là sự tách li hơi thở vào và thở ra (2,49). 5. Chế cảm : có nghĩa là rút những giác quan ra khỏi những đối tượng của chúng. 6. Chấp trì : là sự tập trung tâm thức vào một chỗ nhất định, rất cần thiết cho việc điều chế tâm thức, vốn có bản chất tán loạn, hồi hộp không yên. 7. Tĩnh lự : Dòng tâm thức tương tục được gán vào đối tượng một cách tự nhiên, không bị một hoạt động tâm thức nào khác quấy nhiễu. 8. Tam-ma-địa : là đỉnh điểm của quá trình thiền định. Nhờ sự trình hiện chân thật của bản chất đối tượng mà hành giả đang quán chiếu, hành giả siêu việt ngay cả sự nhận thức đối tượng (3,3).[46] Có lẽ cấp độ cảm nghiệm Thiên Chúa trong đêm tối của phong trào thần bí phía Đông rất giống với cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng xứ của Đức Phật khi còn là môn đệ của đạo sư Uddaka Ramaputta, đây là cảnh giới mà trạng thái tâm lý trong đó cả hai niệm về hữu tri và vô tri, có và không, sáng và tối đều được loại trừ. Tuy vậy, đối với Siddhatta thì cảnh giới này cũng chưa giải quyết được vấn đề sinh tử và chỉ là nơi trú ẩn chứ chưa phải chìa khóa để mở cửa thực tại để thể nhập vào Đại ngã, Chân tâm.

Trở lại vấn đề, sau cuộc phân ly giữa hai tòa Rôma và Constantinopolis năm 1054 tạo thành hai khối Công giáo và Chính thống thì các phương pháp thực hành tâm linh của phong trào phía Đông đều bị Công giáo Rôma bỏ quên, hủy diệt và thay vào đó bằng ba cấp độ cầu nguyện như :

1. Cầu nguyện thân thể (các cử chỉ điệu bộ của cơ thể chung với cộng đoàn hoặc cá nhân).

2. Cầu nguyện trí tuệ (dùng lý trí để suy ngẫm Kinh thánh hoặc các tác phẩm tâm linh).

3. Cầu nguyện thần khí (đi từ lý trí đến con tim, cụ thể là từ suy niệm đến việc nắm bắt chân lý và kết hợp với Thiên Chúa)[47].

Đặc biệt là sự phân chia giữa đam mê và nhân đức trong tiến trình đời sống tâm linh. Mỗi một đam mê được chữa trị bởi một nhân đức. Tỷ như mê ăn thì phải dùng thuốc tiết độ, dâm dục phải dùng thuốc khiết tịnh, tham lam được chữa bằng thuốc thanh bần và san sẻ, buồn phiền được chữa bằng thống hối và niềm vui, nóng giận điều trị bằng hiền lành và nhẫn nại, hám danh và tự phụ trị bằng đức khiêm nhường. Có thể nói, chính cách phân chia những đam mê rõ ràng mạch lạc và đưa ra những phương cách chữa trị tương ứng đều là sản phẩm của lý trí nhị nguyên phân biệt. Việc này có nghĩa là ép những tính khí của con người thành từng loại rồi cắt xén, phân tích, thí nghiệm bằng những đối cực của nó. Phương pháp này giống y hệt như các phương pháp trong khoa học và y học. Một điều lạ là trong Kinh thánh thường hay nói về con tim như : con tim chai đá, con tim bằng thịt, con tim hoen ố… nhưng cả một hệ thống thần học lại hiểu rất lơ mơ về con tim. Họ dùng lý trí để chữa trị con tim, chứ không hề dung hòa giữa hai chiều hướng đó. Những bước đi của họ chỉ là những bước nhảy lò cò của lý trí, còn cái chân kia là con tim thì họ vắt lên cổ, thậm chí không biết để ở đâu cho tiện trong cuộc lữ miên trường về với Thượng Đế.

Tâm lý con người vô cùng phức tạp, ngay cả Thượng Đế sáng tạo ra con người (theo Kitô giáo quan niệm) cũng chẳng ngờ rằng con người lại theo lời phỉnh gạt của con rắn để ăn trái cấm. Vậy mà thần học tâm linh lại có thể chia những đức tính thành những phần riêng biệt, mạch lạc cứ y như là xếp từng loại chó, gà, heo, vịt… để riêng ra, rồi mỗi con mỗi thứ thuốc tiêm vào vậy. Không thể có chuyện chỉ đam mê dâm dục mà không tham ăn được. Nói cách khác, trong nóng giận có một chút chán nản, trong chán nản có một chút hám danh, trong hám danh có một chút tự phụ… Theo Lý duyên sinh thì vạn pháp trên thế gian này có được là do trùng trùng duyên khởi tạo nên, không có cái gì tồn tại độc lập một cách tuyệt đối được hết. Tổ Tăng Xán đã khẳng định trong bài Tín Tâm Minh : “Một là tất cả và tất cả là một” (Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất).

Chính nhà toán học người Đức, George Cantor đã chứng minh trong toán học vô số học rằng một phần bằng với toàn thể và toàn thể bằng với một phần. Cụ thể Cantor so sánh như sau :

1 2 3 4 5 6 7 8 9 vân vân

2 4 6 8 10 12 14 16 18 vân vân

2,4,6 đều là số chẵn, nên chỉ là một nửa của toàn bộ số lẻ và chẵn theo suy luận bình thường. Nhưng nếu ta cứ đo theo điệu song chuyển đó thì chẳng có số nào nhiều hơn số nào hết. Vô số của số chẵn cũng bằng vô số của tất cả các số chẵn và lẻ. Nói khác, một phần lớn bằng toàn thể hay toàn thể nhỏ bằng một phần. Như thế, tôi đã dùng chính người Tây phương để phá hủy tư tưởng Tây phương. Phá hủy tư tưởng Tây phương cũng chính là phá hủy hệ thống tâm linh trong hành trình tâm linh của Kitô giáo.

 

IV. Kết luận

 

Swami Vivekananda đã mô tả về đời sống tâm linh như sau : “Tất cả các tôn giáo đều nhấn mạnh tâm linh. Cảnh giới tâm linh cao nhất mà trong đó tâm trí đạt được thuộc về cảnh giới của các hành giả du già. Khi tâm trí nghiên cứu đối tượng bên ngoài, nó đạt được sự đồng nhất với đối tượng đó và đánh mất chính nó. Các triết gia cổ đại Ấn độ đã từng sử dụng lối ví von như sau : linh hồn con người giống như một miếng pha lê, nhưng nó lại lấy màu sắc của bất cứ cái gì gần nó. Bất cứ điều gì mà linh hồn tiếp xúc, nó đã lấy màu sắc của những vật đó. Đó là một điều khó khăn. Đó cũng tạo thành sự nô lệ. Màu sắc quá mạnh, mảnh pha lê quên mất tự tính của mình và đồng hóa chính mình với màu sắc. Giả sử đặt bông hoa màu đỏ gần miếng pha lê, thì mảnh pha lê sẽ nhận màu đỏ, bỏ quên chính mình và cứ tưởng rằng mình là màu đỏ. Cũng vậy, chúng ta đã chấp nhận màu sắc của thân thể và đã quên mất bản chất của chúng ta là gì. Tất cả những trở ngại xảy ra đều xuất phát từ cái thân thể hay chết này. Tất cả những sợ hãi, buồn phiền, lo lắng, lỗi lầm, yếu đuối, tội lỗi đều bắt nguồn từ một sai lầm lớn nhất đó là do chúng ta tưởng mình chỉ là xác thân này. Chỉ những người tầm thường mới lấy màu sắc của những bông hoa gần nó. Nếu chúng ta chỉ là cái thân xác này thì cũng chẳng hơn gì mảnh pha lê lấy màu đỏ của bông hoa. Theo đuổi thực hành thiền định, viên pha lê sẽ biết được nó là gì và sẽ lấy màu sắc của chính nó. Chỉ có thiền định mới đem chúng ta đến gần chân lý hơn bất cứ cái gì khác.[48]

Như thế, toàn bộ giáo dục của Kitô là bắt chước, cho dù có bắt chước Thượng Đế đi chăng nữa thì cũng không thể giải thoát chính mình. Nói cách khác, càng bắt chước Thượng Đế, ta càng làm giống như ma quỷ. Bởi Thượng Đế và Ma quỷ là một, hay nói cách khác không có ma quỷ thì chẳng bao giờ có Thượng Đế. Con đường dẫn tới thiên đàng chắc chắn phải băng qua hỏa ngục. Suối nguồn của ngôn ngữ Tây phương là tiếng Ba tư và tiếng Phạn thì chữ ahura nghĩa là “thần thánh” trong tiếng Ba Tư và cũng có nghĩa là “quỷ” tiếng Phạn. Ngược lại deva là “thần thánh” trong tiếng Phạn lại có nghĩa là “quỷ” trong tiếng Ba Tư. Trong tiếng Anh Holy Ghost “Thánh Thần” thì chữ ghost lại có nghĩa là “ma”. Tách thiên đàng ra hỏa ngục, biện phân nhân đức với đam mê để noi gương bắt chước chỉ là trò tinh nghịch của trẻ con. Eckhart đã nói khi con người còn tiếp nhận thiên ý, còn cố gắng noi gương bắt chước, còn khao khát hướng về Thượng Đế thì vẫn chưa đạt được Chân tâm. Thể hiện cái tinh thần nghèo khó của Tin mừng, Eckhart đã cầu nguyền rằng : “Lạy Chúa, xin cho chúng tôi được giải thoát khỏi chính Ngài.” Chừng nào còn lệ thuộc vào Thượng Đế, lòng từ bi, tinh thần bác ái, chừng đó còn làm nô lệ cho Satan. Hệ thống tâm linh nào khả dĩ không làm cho con người thoát khỏi Thượng Đế hay nói theo ngôn ngữ Thiền là phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ thì hệ thống đó chỉ làm cho sa mạc trong lòng thêm hoang phế điêu linh.

Cho nên, mọi nẻo đường tâm linh cần phải bắt đầu từ hơi thở, theo Osho thì làm sao cho trung tâm lượng ở rốn phát triển, khi đó ta mới có thể thõng tay vào chợ, rong chơi nơi cõi ta bà, du hí mười phương quốc độ mà tâm không vọng động, chẳng lìa nhất niệm, một sát na liền đi vào Niết bàn, gặp Phật nói Phật, gặp Chúa nói Chúa, gặp ma quỷ nói ma quỷ. Ta tự chiếu sáng ta và chiếu sáng thế giới, không vương vấn tìm cầu màu sắc bên ngoài tô điểm cho bản lai diện mục của mình. Cái đó chỉ có thể chiếu diệu khi ta nghèo cho đến tận cùng, nghĩa là nghèo đến nỗi không còn một niệm tưởng nào có thể được đánh giá là xấu hay tốt, được hay mất, khen hay chê, Thượng Đế hay Ma quỷ khuấy động tâm thể mình.

Tóm lại, biết ít nhưng vui nhiều, đó là tặng vật cho cõi phù du… Điều đó cũng chính là lời của Thiền sư Huyền Giác khẳng định trong Chứng Đạo Ca : “Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân. Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân.” Lão Tử cũng chẳng đi ra ngoài con đường đó khi lập ngôn : “Tuyệt học vô ưu. Duy chi dữ a. Tương khứ kỷ hà. Thiện chi dữ ác. Tương khứ nhược hà.” (Dứt học không lo, Dạ với Ơi khác nhau chỗ nào? Lành với dữ khác nhau ở đâu.) (Lão Tử, Đạo Đức Kinh, Chương XX). Ở chương XLVIII, Lão Tử nói tiếp : “Vi học nhật ích. Vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn. Dĩ chí ư vô vi.” (theo học ngày càng thêm. Theo Đạo ngày càng bớt. Bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi.) Cái vô vi đó cũng chính là cái Bất Nhị, cái Không Tính của Long Thọ khi ông nói : “Thực tại là sự im lặng toàn triệt của lý trí.” (the real is the utter silence of Reason).[49]

Có thể nói toàn bộ thần học Kitô là cố làm sao định nghĩa cho được Thượng Đế, nhưng dù có định nghĩa chính xác, rõ ràng khách quan cách mấy đi nữa con người cũng chẳng thể nào sống cái định nghĩa đó được. Chỉ có đời sống cụ thể hằng ngày mới chính là cái mà con người cần phải trực diện. Nói có Thượng Đế hay không có Thượng Đế, nói Ngài thế này hay ngài thế kia không phải là vấn đề quan trọng, nhưng cái hệ trọng nhất, cái yêu sách quyết liệt nhất liên quan đến sinh tử là làm sao khai quang vén mở cái Chân tâm Phật tính của mình, một cách im lặng, rộng lượng và không hy vọng. Nước Trời hay Niết bàn chỉ có ở trong lòng người, chứ không ở bất kỳ chỗ nào khác.

Một nền giáo dục tâm linh tức là một nền giáo dục giúp con người tự tri, chứ không tìm cách nhồi vào sọ con người tấm gương của ông thần này, vị thánh kia, thượng đế nọ. Còn bắt chước, còn mô phỏng, còn lệ thuộc, còn giáo điều là còn vô minh. Còn là thợ gặt, còn là tông đồ của Chúa thì chẳng khác gì quân lính của Satan. Độc lập, tự do, giải thoát khỏi Thượng Đế mới chính là con đường giáo dục tâm linh đúng nghĩa. Không lập cước trên cuộc lữ miên trường này, hành giả chẳng thể nào điều phục được cái Tâm viên Ý mã chuyên chấp trước, phân biệt mà thôi.


[1] Phạm Công Thiện, Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Sự Im Lặng, 1994, tr 55.

[2] Phạm Công Thiện, Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Sự Im Lặng, 1994, tr 53.

[3] Xem thêm Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, tập III, Roma, 2003, tr 13-14

[4] http://en.wikipedia.org/wiki/Spirit

[5] Rabindranath Tagore, Thực Nghiệm Tâm Linh, Bản dịch Như Hạnh, NXB Kinh Thi, 1973, tr 12.

[6] http://en.wikipedia.org/wiki/Paideia

[7] Thích Minh Châu, Trước sự nô lệ của con người, NXB Nha Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, 1970, tr 287

[8] http://en.wikipedia.org/wiki/Ethos

[9] Martin Heidegger, Hữu Thể Và Thời Gian, Dịch giả Trần Công Tiến, NXB Quê Hương, 1973, tr 3

[10] Trích từ Lê Tôn Nghiêm, Heidegger Trước sự Phá Sản Của Tư Tưởng Tây Phương, NXB Lá Bối, 1970, tr 16

[11] Trích từ Phạm Công Thiện, Henry Miller, NXB Phạm Hòang, 1969, tr 35-36

[12] http://www.holtof.com/library/nietzsche/Nietzsche_twilight_of_the_idols /the_twilight_of_the_Idols.htm. Bản dịch tiếng Anh như sau : “This irreverent thought that the great sages are types of decline first occurred to me precisely in a case where it is most strongly opposed by both scholarly and unscholarly prejudice: I recognized Socrates and Plato to be symptoms of degeneration, tools of the Greek dissolution, pseudo-Greek, anti-Greek (Birth of Tragedy, 1872).”

[13] Herbert Marcuse, One Dimensional Man, Publisher Ark Paperbacks, 1964. “Does not the threat of an atomic catastrophe which could wipe out the human race also serve to protect the very forces which perpetuate this danger? The efforts to prevent such a catastrophe overshadow the search for its potential causes in contemporary industrial society. These causes remain unidentified, unexposed, unattacked by the public because they recede before the all too obvious threat from without - to the West from the East, to the East from the West. Equally obvious is the need for being prepared, for living on the blink, for facing the challenge. We submit to the peaceful production of the means of destruction, to the perfection of waste, to being educated for a defense which deforms the defenders and that which they defend.”

[14] http://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_decl_ 19651028_gravissimum-educationis_en.html. Bản dịch tiếng Anh : “Indeed, the circumstances of our time have made it easier and at once more urgent to educate young people and, what is more, to continue the education of adults. Men are more aware of their own dignity and position; more and more they want to take an active part in social and especially in economic and political life”

[15] http://en.wikipedia.org/wiki/Gnosis. Nguyên văn : “Later, Valentinius ( Valentinus), taught that gnosis was the privileged Gnosis kardias "knowledge of the heart" or "insight" about the spiritual nature of the cosmos, that brought about salvation to the pneumatics—people who believed they could achieve this insight.”

[16] http://en.wikipedia.org/wiki/Catharism. Nguyên văn : “There were various schools of thought and practice amongst the Cathari; some were dualistic, others Gnostic, some closer to orthodoxy while abstaining from an acceptance of Catholic doctrines. The dualist theology was the most prominent, however, and was based upon the complete incompatibility of love and power. As matter was seen as a manifestation of power, it was also incompatible with love. They did not believe in one all-encompassing god, but in two, both equal and comparable in status. They held that the physical world was evil and created by Rex Mundi (translated from Latin as "king of the world"), who encompassed all that was corporeal, chaotic and powerful; the second god, the one whom they worshipped, was entirely disincarnate: a being or principle of pure spirit and completely unsullied by the taint of matter. He was the god of love, order and peace.”

[17] http://en.wikipedia.org/wiki/Morality. Nguyên văn : “Morality means a code of conduct held to be authoritative in matters of right and wrong, morals are created by and define society, philosophy, religion, or individual conscience.

[18] http://en.wikipedia.org/wiki/Paideia.

[19] http://www.holtof.com/library/nietzsche/Nietzsche_the_will_to_power/index.htm.

[20] http://www.holtof.com/library/nietzsche/Nietzsche_the_will_to_power/index.htm.

[21] Trích từ Thích Minh Châu, Trước Sự Nô Lệ Của Con Người, nxb Nha Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, 1970, tr. 230

[22] Tây Tạng Huyền Bí, dịch giả Nguyễn Hữu Kiệt, nxb Xuân Thu. Nguồn http://thuvienhoasen.org/taytanghuyenbi-02.htm.

[23] Đại Sư Hám Sơn, Đường Mây Trong Cõi Mộng, phóng tác Thích Hằng Đạt và Nguyên Phong, nxb Văn Nghệ USA, 1998, tr 36.

[24] Sđd.

[25] Osho, The Inner Journey, nguồn : http://www.oshoworld.com/onlinebooks/ BookXMLMain.asp?BookName=trans-lations+from+hindi/the%20inner%20journey.txt. Bản dịch tiếng Anh : “The sooner the children are separated from their mother's milk, the more difficulty they will have in experiencing peace in their own life. A deep restlessness will prevail in their life from the very beginning.”

[26] Sđd : Nguyên văn : “And when the heart center remains undeveloped then an impossible thing starts happening: the work which the heart could not complete, which the navel could not complete, the person tries to complete with his brain.”

[27] Xem thêm Tây Tạng Huyền Bí, Nguồn http://thuvienhoasen.org/taytanghuyenbi-02.htm

[28] Xem thêm http://www.cosmicharmony.com/Av/Milarepa/Milarepa.htm . Nguyên văn : “He had Milarepa build a stone structure on a high rocky ridge only to have him tear it down again, and take all the rocks and boulders back to where they were found, telling him he had changed his plans and now wanted a new structure built in another place. This was repeated on three different ridges until finally he had Milarepa build a grand many storied edifice on yet a forth ridge. Throughout the tasks, Milarepa never lost faith that he would receive the instructions he was looking for and put forth a Herculean effort, moving stones that ordinarily could only be moved by the combined strength of three men. He put forth such strenuous effort that he wore his body out until his back was one great sore from carrying rocks and mortar. His arms and legs were all cracked and bruised. Yet he continued working on, every day hoping at last to be favored with some religious instruction. Out of sympathy with his wounds, Marpa showed him how to pad his back and allowed him to rest while his body healed, but never did he allow Milarepa to avoid any of the building work that he had set out for him to complete.”

[29] Rechung, Milarepa Con Người Siêu Việt, dg Đỗ Đình Đồng, xnb Nguồn Sáng, 1971, tr 55.

[30] Xem thêm http://www.cosmicharmony.com/Av/Milarepa/Milarepa.htm . Nguyên văn : “Maintain the state of undistractedness and distractions will fly off. Dwell alone and you shall find a friend. Take the lowest place and you shall reach the highest. Hasten slowly and you will soon arrive. Renounce all worldly goals and you shall reach the highest goal."

[31]Xem thêm http://www.kagyu.org/kagyulineage/lineage/kag03.php. Nguyên văn : “There is no particular direction for Tilopa or his residence. He could be anywhere. If your mind is filled with devotion and confidence, and you yearn to meet him, this is the right direction.”

[32] Xem thêm Thích Minh Tuệ, Chư Tổ Thiền Ấn Hoa, nxb Kim Cang, 1994, tr 430

[33] Sđd, tr 502

[34] http://caodaism.org/CaoDaiTuDien/l/l3-038.htm#01

[35] Xem thêm Lê Anh Dũng, Giải Mã Truyệt Tây Du, nxb Thanh Niên, 2006, tr 37-38

[36] http://www.kagyu.org/kagyulineage/lineage/kag03.php. Nguyên văn : “The fact that I led you into so many painful circumstances does not mean that I am a cruel person. Your negative karma could not be purified by your own effort alone. Only by your actually experiencing hardship could you purify the negative karma that prevented you from realizing the ultimate nature of buddhahood. Throughout all your experiences of hardship, you did not develop any doubts, hesitation, or wrong views, and you diligently obeyed all commands. In this way you were able finally to overcome the conflicting emotions and experience realization.”

[37] Ngô Ánh Tuyết, Vương Long, Thiền Và Võ Đạo, nxb. Thuận Hóa, 1999, tr 80.

[38] Thích Minh Châu, Trước Sự Nô Lệ Của Con Người, nxb Nha Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, 1970, tr 15

[39] Xem thêm, Đỗ Long Vân, Vô Kỵ Giữa Chúng Ta, Nxb Trình Bầy, 1976

[40] Cao Huỳnh Linh dịch, bản tiếng Việt © 2007 talawas, Nguồn: On Education. Trích từ Out of My Later Years, Albert

Einstein, Philosophical Library Inc., New York, 1950

[41] Sđd, tr 76.

[42] http://www.thuvienhoasen\bichnhamluc-00.htm.

[43] Bùi Kha, A. de Rhodes, trả lời các ông Phạm Quang Tuấn và Phong Uyên, Nguồn http://www.talawas.org

[44] http://en.wikipedia.org/wiki/Contemplation

[45] Xem thêm, Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh Tập II, tr 111-127

[46] Xem thêm : http://vi.wikipedia.org/wiki/Yoga

[47] Sđd, tập V, tr 319-321

[48] http://en.wikisource.org/wiki/The_Complete_Works_of_Swami_Vivekananda/Volume_4/ Lectures_and_Discourses/Meditation

Nguyên văn : “Meditation has been laid stress upon by all religions. The meditative state of mind is declared by the Yogis to be the highest state in which the mind exists. When the mind is studying the external object, it gets identified with it, loses itself. To use the simile of the old Indian philosopher: the soul of man is like a piece of crystal, but it takes the colour of whatever is near it. Whatever the soul touches ... it has to take its colour. That is the difficulty. That constitutes the bondage. The colour is so strong, the crystal forgets itself and identifies itself with the colour. Suppose a red flower is near the crystal and the crystal takes the colour and forgets itself, thinks it is red. We have taken the colour of the body and have forgotten what we are. All the difficulties that follow come from that one dead body. All our fears, all worries, anxieties, troubles, mistakes, weakness, evil, are from that one great blunder — that we are bodies. This is the ordinary person. It is the person taking the colour of the flower near to it. We are no more bodies than the crystal is the red flower. The practice of meditation is pursued. The crystal knows what it is, takes its own colour. It is meditation that brings us nearer to truth than anything else. ...

[49] Trích từ Thích Minh Châu, Trước Sự Nô Lệ Của Con Người, NXB Ban Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, 1970, tr 220

Trang Tôn Giáo