Cuộc chiến vì tự do nghệ thuật

với dân chủ và tôn giáo

nguồn talawas blog

Lê Diễn Đức

12 tháng 6, 2009

Không biết do chủ ý hay trùng lặp ngẫu nhiên, đúng 12 giờ ngày 4 tháng 6/2009, khi cả nước Ba Lan đang từng bừng kỷ niệm 20 năm ngày chế độ cộng sản sụp đổ, tòa án phúc thẩm thành phố Gdansk tuyên án nữ nghệ sĩ Dorota Nieznalska vô tội.

Nghệ sĩ Dorota Nieznalska sinh năm 1973, tốt nghiệp Viện Mỹ Thuật (ASP) Gdansk năm 1999. Cô cũng đã được nhận học bổng tu nghiệp tại Hull, Anh quốc (1999) và làm việc cho Ostdeutsche Galerie, Regensburg, Đức (2005/2006). Năm 2000 cô đã giành “Giải thưởng Các nhà Khoa học và Sáng tạo Nghệ thuật Trẻ” của Thị trưởng thành phố Gdasnk. Năm 2005 cô đoạt giải 3 trong cuộc thi của Liên đoàn Vì Quyền lợi Phụ nữ và Kế hoạch Gia đình.

 

 

 

Tranh áp-phích đoạt giải 3:

"Cuộc sống của tôi, quyết định của tôi" - Ảnh: D. Nieznalska

 

Tác phẩm của cô thuộc trường phái nghệ thuật phê phán, gồm các thể loại điêu khắc, video, ghép ảnh và ảnh chụp. Drota tập trung đề tài vào môi trường sống, chức năng ứng phó của con người và thể xác của nó trong hiện thực, phá vỡ vai trò cố hữu của phụ nữ và đàn ông trong xã hội công giáo Ba Lan.

Bản án của toà sơ thẩm án đưa ra vào tháng 7/2002 với tội danh xúc phạm đức tin tôn giáo, phạt Dorota Nieznalska sáu tháng tù treo, 20 giờ lao động công ích mỗi tháng và chi trả toàn bộ án phí.

Nguyên do của tội danh là, vào thời gian từ 14/12/2001 đến 20/01/2002, Dorota Nieznalska đã trưng bày trước công chúng tấm hình có tên “Passion” (tiếng Ba Lan: “Pasja“).

Nhà phê bình nghệ thuật Aneta Szylak mô tả bức tranh như sau: “Một cây Thánh giá có kích thước cân đối (kiểu Hy Lạp) mà đối tượng trên một mặt là một phần cơ thể đàn ông - bụng, đùi, hông và bộ phận sinh dục - và màn ảnh với mặt của người đàn ông đang tập thể lực, làm nền cho cây Thánh giá treo phía trên

Tấm hình "Passion" - Ảnh: D. Nieznalska

Vào ngày đóng cửa cuộc triển lãm, những người ủng hộ đảng LPR (Liên minh Gia đình Ba Lan), một đảng nhỏ cánh hữu, dân tộc cực đoan - đã xông vào phòng và có thái độ ngổ ngáo với Dorota Nieznalska, đòi cô trao lại bức tranh đã được đóng gói. Tất nhiên Dorota Nieznalska từ chối. Sau dó, hai dân biểu của LPR đệ đơn lên toà kiện Dorota phỉ báng tôn giáo, một tội danh được ghi trong Bộ luật hình sự của Ba Lan.

Dorota Nieznalska đã kháng án lên toà phúc thẩm.

Bản án không tiền lệ của toà sơ thẩm đã làm nổi dậy những đợt sóng tranh luận, bút chiến trong giới trí thức Ba Lan về đề tài tự do sáng tạo của nghệ sĩ trong quan hệ với nhà nước - xã hội.

Rất nhiều nhân vật hoạt động nổi tiếng trong lĩnh vực văn hoá lên tiếng bênh vực nghệ sĩ Dorota Nieznalska, trong đó phải kể đến giáo sư G. Klanman, thầy dạy cô và giáo sư tiến sĩ Khoa Luật pháp và Hành chính của đại học tổng hợp Gdansk, W. Cieslak, người đứng ra với tư cách luật sư bào chữa cho Dorota tại toà phúc thẩm.

Cuộc chiến vì tự do nghệ thuật

Tự do ngôn luận và và tư tưởng nằm trong các nguyên tắc cơ bản của thể chế dân chủ, đa nguyên. Thế nhưng, giữa khái niệm và sự thực hiện vẫn còn khoảng cách mà con người tìm cách rút ngắn dần. 20 năm là thời gian quá ít ỏi đối với nền dân chủ non trẻ của Ba Lan.

Ngay trong xã hội dân chủ được thử thách và trưởng thành như Hoa Kỳ không phải không gặp những trường hợp quyết liệt. Năm 1988, vụ kiện làm rung động toàn nước Mỹ của Larry Flynt, chủ nhân tạp chí khiêu dâm dành cho đàn ông Husler, đã kéo dài trên nhiều nấc thang pháp lý và chung cuộc tại Toà án Tối cao Liên Bang. Trong tiến trình vụ án, Larry Flynt đã bị ám sát hụt, liệt hai chân (đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm), nhưng ông đã giành được thắng lợi, phá bỏ giới hạn cấm kỵ của xã hội bảo thủ Hoa Kỳ, khẳng định tuyệt đối quyền tự do ngôn luận của công dân được bảo vệ bằng Tu Chính án số I của Hiến pháp.

Vào năm 2005, trong khuôn khổ Hội chợ Nghệ thuật, nghệ sĩ Pawel Leszkowicz đã tổ chức cuộc triển lãm mang tên “Tình yêu và Dân chủ” tại thành phố Poznan, Ba Lan.

Trong cuộc triển lãm này có tranh của Dorota Nieznalska, tranh, video, ảnh ghép của nhiều nghệ sĩ trẻ khác, cổ vũ và ủng hộ giới đồng tính luyến ái. Tác phẩm mang tính đàn ông-đàn bà, đàn ông-đàn ông, đàn bà-đàn bà gây chú ý của Anna Nawrot là hai ma-nơ-kanh đứng đối diện nhau trong bộ đầm kiểu haute couture được làm bằng cà-vạt của đàn ông; hay tác phẩm “Barbie Bar” của Katarzyna Gorna ghi lại cảnh khiêu vũ của các ngôi sao trẻ trong một câu lạc bộ của người đồng tính…. Cũng có tác phẩm gây phản cảm cho người xem, ví dụ, người đàn bà có thai cầm dao đâm vào bụng mình…

Tình yêu và Dân chủ” của Leszkowicz đã đánh thẳng vào điểm nhạy cảm nhất của xã hội Ba Lan. Một bên là chính quyền, bấy giờ của thủ tướng Jaroslaw Kaczynski (thuộc đảng PiS), mà ủng hộ viên là những người bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Một bên khác là tập quán truyền thống của xã hội thuần chủng với hơn 90 phần trăm dân số theo đạo công giáo.

Thể chế đa đảng với quốc hội dân cử không phải là đối tượng thử nghiệm của Leszkowicz. Mức độ của tình yêu và dân chủ, theo ông, là tính sẵn sàng của xã hội về sự chấp nhận và hội nhập của những cá thể khác.

Các nghệ sĩ Ba Lan gọi sự đối đầu này là cuộc chiến Anno Domini 2005, cuộc chiến vì code thẩm mỹ.

Cùng với Leszkowicz và một số nghệ sĩ khác, nổ những phát súng đầu tiên vào pháo đài tư tưởng của xã hội công giáo Ba Lan, Dorota Nieznalska đã đụng phải bức tường sắt tabu, mà suốt bảy năm qua, dưới bóng đen của nó cô đã mất đi rất nhiều cơ hội sáng tạo. Các phòng triễn lãm công, thậm chí cả tư, từ chối trưng bày các tác phẩm của cô. Cuộc tẩy chay này cũng giống như thị trưởng Vác-sa-va Lech Kaczynski (hiện là Tổng thống Ba Lan) đã không cấp giấy phép cho “Cuộc diễu hành bình quyền” của giới đồng tính, gây nên phản ứng dữ dội của các tổ chức bảo vệ nhân quyền Ba Lan và quốc tế.

Jacques Lacan trong lý thuyết của mình cho rằng “sự đáp ứng” và “quyền được...” tự nó phủ nhận tính tự nhiên của sự đòi hỏi. Những nghệ sĩ Ba Lan dũng cảm và có cá tính tìm cách hợp thức hóa “quyền được…” qua nghệ thuật.

Tình yêu và Dân chủ” của Leszkowicz cho thấy rằng, cấm đoán không ngăn cản được khát vọng, không dập tắt được nó và “quyền được” biểu hiện tư tưởng sẽ bật lên và nảy nở trong những bối cảnh khác, dạng thức khác. Tuy nhiên, đối đầu với đức tin và tập quán tín ngưỡng rất nguy hiểm.

Khi phân tích một tác phẩm nghệ thuật, người ta đánh giá trước hết giá trị nghệ thuật hay sứ mệnh mà nó gửi gắm? Có lẽ câu trả lời phụ thuộc vào nhãn quan được đặt dưới lăng kính nào, chính trị, phi chính trị, thuần thẩm mỹ hay siêu thực, v.v…

Nghệ thuật là nghệ thuật, nhưng nghệ thuật luôn phải xoay xở trong các khuôn khổ giáo điều và bị điều khiển từ những bàn tay thế lực phía trên. Vì vậy, trong cuộc tranh luận này, một số người Ba Lan cho rằng, nên tách tôn giáo ra khỏi chính quyền, bởi vì ở Ba Lan tiếng nói của Nhà Thờ có quá nhiều ảnh hưởng đến công việc quản trị nhà nước, còn tập quán tín ngưỡng của Ba Lan thì nặng nề như thời Trung Cổ.

Tôi có đức tin, nhưng tôi không áp đặt cho người khác. Tôi không có đức tin, nhưng tôi sẽ không khinh bỉ đức tin của người khác. Cách hành xử này, theo tôi, dung hoà sự xác nhận quyền tự do tư tưởng trong ý nghĩa của lòng bao dung và chấp nhận sự tồn tại của những đơn vị khác trong cộng đồng xã hội.

Cán cân công lý

Trong cấu trúc một nhà nước dân chủ có nhiều định chế kiểm soát lẫn nhau với mục đích ngăn chặn những quyết định sai lầm, tránh sự khuynh loát của người đứng đầu nhà nước, chính phủ hay của đảng cầm quyền. Vai trò của các tổ chức phi chính phủ, xã hội có tiếng nói quan trọng trong việc lành mạnh hoá xã hội. Bên cạnh đó, ngành tư pháp độc lập là cán cân công lý, giải quyết tranh chấp xã hội trên khung luật cao nhất là hiến pháp.

Liên hiệp châu Âu (EU), còn có một định chế “răn đe” mà các quốc gia khác không có, đó là Toà án Nhân quyền, có trụ sở ở Strasbourg. Mọi công dân EU đều có quyền thưa kiện khi toà án nước mình xử không thoả đáng. Trong thời gian qua, nhiều công dân Ba Lan đã thắng nhà nước Ba Lan và được nhận tiền bồi thường thiệt hại rất cao.

Trở lại vụ án bức tranh “Passion” của nghệ sĩ Dorota Nieznalska.

Tôi không nhìn thấy sự phức tạp của vụ án “Passion“, nhưng nó kéo dài 7 năm trời, chắc chắn ngành tư pháp của Ba Lan đã thận trọng chờ và nghe ngóng dư luận.

Trước toà, Dorota Nieznalska diễn giải rằng, cô không có ngụ ý mạ lỵ tôn giáo. Cô muốn nói về văn hoá sùng bái hình thể thời nay của con người. Những người đàn ông tập luyện như một cực hình - passion - làm cô cảm hứng liên tưởng tới khổ hình của Chúa (The passion of the Christ).

Giáo sư W. Cislak, luật sư bào chữa cho Dorota Nieznalska, phân tích cách vận dụng “chết người” về tội danh mạ lỵ tôn giáo trong Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, thắng lợi cuối cùng của Dorota Nieznalska dựa trên điều 73, hiến pháp Ba Lan, là “bảo đảm cho mọi người quyền tự do sáng tạo nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và công bố các kết quả, quyền tự do phổ biến, tức là được tự do sử dụng các kết quả đó“.

Nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza (GW) ngày 5/06/2009 viết: “Vụ án này xác định thiểu số cá thể được quyền biểu thị tư tưởng khác với đa số còn lại. Là một công dân, một con người, một nghệ sĩ, họ được hiến pháp bảo vệ“.

Thế nhưng, cuộc chiến Anno Domini vì code thẩm mỹ xem chừng còn tiếp diễn.

Trên potal www.salon24.pl, ngay lập tức có bài viết tấn công lại nhật báo GW và cho rằng, cần phải xem lại quyền tự do khiêu khích của nghệ thuật.

Bài viết có đoạn:

“.. Nhân danh ai ngụy nghệ sĩ kia lại có thể tạo ra những phương tiện biểu hiện sự mạ lỵ một bộ phận đông đảo người khác như thế. Tại sao các tác phẩm ngụy nghệ thuật của cô ta chỉ xoay quanh cách sắp đặt các bộ phận sinh dục bên cạnh các biểu tượng tôn giáo. Toà đồng ý với quyền tự do này, nhưng không hiểu được hậu quả về phán quyết của mình“.

Một yếu tố khác được Linh mục K. Niedaltowski, người chăm sóc tinh thần cho giới sáng tạo nghệ thuật, lưu ý, đó là chính trị. “Dorota Nieznalska trở thành nạn nhân của những mánh khoé thiếu hẳn yếu tố cần thiết của những người thưa kiện. Họ muốn qua vụ tranh cãi này kiếm chút vốn chính trị. Rất nhiều thành viên của LPR không nhìn thấy bức tranh, số còn lại không xem đó là nghệ thuật. Đây là thứ áp-phe tuyên truyền, nhân danh Nhà Thờ để bảo vệ công giáo và theo tôi, họ hành động không đúng cách và sai lầm” - Linh mục nói. ■

Warsaw 7-8/05/2009

Phụ lục (bằng hình ảnh):

Vài ví dụ về ảnh nghệ thuật  ở Ba Lan gây tranh cãi:

 

 

Giáo Hoàng John Paul II, tranh của nghệ sĩ Ý Murizio Catelan triển lãm tại Ba Lan - Nguồn: Interia.pl

Tranh ghép của nghệ sĩ Ba Lan Libera từ tấm ảnh của Nick Ut, trong đó có Kim Phúc chạy bom napal, Việt Nam 1972 - Nguồn: Interia.pl

 

 

 

Áp phích quảng cáo của nữ nghệ sĩ Ba Lan Alina Zemojzin treo tại thành phố Gdansk - Ảnh: A. Zemojzin

© http://ledienduc.wordpress.com

© Talawas Blog

 

Trang Tôn Giáo