Tìm hiểu lôgíc kinh tế

trong chính sách đối ngoại của Mỹ

Nguyễn Đình Luân


Gửi bài này cho bạn bè 11  tháng 9, 2007

 

Nhìn chung, chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia đều nhằm ba mục tiêu cơ bản là an ninh, phát triển và phát huy ảnh hưởng của quốc gia trên thế giới. Ba mục tiêu này có quan hệ chặt chẽ với nhau và thứ bậc ưu tiên của mỗi mục tiêu trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại quốc gia phụ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể trong từng giai đoạn nhất định. Chẳng hạn trong thời kỳ chiến tranh thì rõ ràng mục tiêu về an ninh quốc gia phải được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên vẫn phải chú trọng đúng mức phát triển và phát huy ảnh hưởng vì tiềm lực kinh tế mạnh là cơ sở xây dựng lực lượng quốc phòng mạnh. Chính sách đối ngoại của Mỹ cũng theo đuổi ba mục tiêu trên và bài nghiên cứu này sẽ cố gắng chỉ ra lôgíc kinh tế đằng sau các hoạt động quốc tế của Mỹ.

Sự hình thành nước Mỹ có liên quan chặt chẽ đến "giấc mộng vàng" của những dòng người nhập cư từ lục địa châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới, và như vậy lợi ích kinh tế và chủ nghĩa thực dụng một cách tự nhiên trở thành những yếu tố quan trọng chi phối tư duy chính trị đối ngoại ở Mỹ qua các thời kỳ lịch sử.
 

1. Mở rộng lãnh thổ bằng ngoại giao điền thổ, thôn tính và làm giàu bằng chiến tranh, buôn bán vũ khí

Đầu thế kỷ XIX, lợi dụng tình thế khó khăn của Pháp, Mỹ đã nhanh chóng mở rộng lãnh thổ bằng "ngoại giao điền thổ". Tháng 5-1803, với 15 triệu USD và với giá 3 xen (1 xen=1/100 USD)/ một mẫu đất, chính quyền của ông Jefferson đã mua toàn bộ vùng Louisiana từ tay Pháp vì lúc đó Napoleon rất cần tiền để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Anh. Cuộc mua bán ngoạn mục này đã làm cho diện tích của Hoa Kỳ tăng lên gấp đôi. Tiếp theo là các vụ mua bán khác, gây chiến tranh, sáp nhập nhằm mở rộng lãnh thổ: mua lại Florida từ Tây-Ban-Nha (1819), sáp nhập Texas (1845).

Năm 1846 Mỹ tuyên bố chiến tranh với Mêxico và sáp nhập bang California và New Mexico vào Mỹ. Năm 1848 sau khi ký hiệp ước hoà bình Mỹ-Mêxico, chấm dứt chiến tranh giữa hai nước, Mêxico buộc phải từ bỏ chủ quyền đối với Texas, California, Arizona, New Mexico, Utah, Nevada (1/2 lãnh thổ Mexico); Mỹ và Anh ký hiệp ước phân định đường biên của Oregon dọc vĩ tuyến 49. Năm 1853 Mỹ và Mêxico ký hiệp định Gadsdeh và Mỹ chiếm thêm 140.000 km2 lãnh thổ của Mêxico. Năm 1867, tranh thủ cơ hội khi Nga đang gặp khó khăn về tài chính, Mỹ cũng đã nhanh chóng mua lại toàn bộ vùng Alaska rộng lớn từ Nga với cái giá rẻ khó tưởng tượng - 7,2 triệu USD. Vùng đất này có vị trí hết sức quan trọng trong việc bố trí chiến lược toàn cầu của Mỹ thời kỳ Chiến tranh lạnh và cả hiện nay.

Như vậy, có thể thấy chỉ trong hơn nửa đầu thế kỷ XIX, bằng "ngoại giao điền thổ" và chiến tranh thôn tính, các chính quyền kế tiếp nhau của Mỹ đã nhanh chóng mở rộng lãnh thổ, tạo cho Mỹ một vị thế địa-chiến lược mới trên bản đồ địa-chính trị quốc tế so với nước Mỹ thuở lập quốc.

Vào đầu thế kỷ XX, Mỹ đã vươn lên vượt xa các nước tư bản khác về sức mạnh kinh tế, dần dần chiếm địa vị bá chủ thế giới. Năm 1900, Mỹ chiếm tới 31% tổng sản lượng thế giới so với con số tương ứng của Anh, Đức, Pháp là: 18%, 16% và 7%. Năm 1913 sản lượng gang và thép của Mỹ vượt Đức 2 lần, vượt Anh 4 lần, than gấp 2 lần Anh và Pháp cộng lại. Trong khoảng từ 1900-1913 số vốn đầu tư vào công nghiệp tăng khoảng 2 lần rưỡi (9 triệu USD-22,8 triệu USD), và giá trị sản phẩm tăng hơn 2 lần (từ 11,4 triệu USD lên 24,2 triệu USD). Tới năm 1914, GDP của Mỹ đạt 37 tỉ USD, trong khi đó con số tương ứng của Đức và Anh là 12 tỉ USD và 11 tỉ USD.

Cùng với quá trình tăng cường sức mạnh kinh tế, Mỹ cũng đẩy nhanh xây dựng lực lượng quốc phòng, có những hạm đội mạnh hơn hải quân Anh và có đủ khả năng tranh giành quyền lực trên các đại dương với các đế quốc châu Âu. Trong cơ cấu của nền kinh tế Mỹ, các tổ hợp công nghiệp quân sự có vai trò quan trọng và đằng sau chúng là những nhóm lợi ích luôn theo đuổi các khuynh hướng khác nhau của chủ nghĩa hiện thực mà thực chất là dùng sức mạnh quân sự để đạt bằng được các lợi ích trong đó có lợi ích kinh tế.

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Mỹ đã vận dụng thuyết "toạ sơn quan hổ đấu", đứng trung lập ngay từ đầu nhưng vẫn hưởng nhiều lợi nhuận từ buôn bán vũ khí. Đến khi kết cục gần ngã ngũ, năm 1917 Mỹ mới tham chiến hùa theo bên thắng để tạo cơ sở dính líu tới châu Âu. Thời kỳ giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới, do bị suy thoái kinh tế như các nước tư bản khác, Mỹ điều chỉnh chiến lược, tạm gác mục tiêu bá quyền thế giới, tập trung sức để khôi phục và phát triển kinh tế trong nước.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai đang được châm ngòi, từ tháng 3 đến tháng 9 năm 1939, Tổng thống Ru-dơ-ven đã hai lần yêu cầu Quốc hội thủ tiêu đạo luật cấm bán vũ khí cho các nước tham chiến nhưng vẫn không được Quốc hội chấp nhận vì buôn bán vũ khí là một nguồn lợi lớn của giới công nghiệp quốc phòng. Lúc đầu Mỹ tuyên bố giữ vai trò "trung lập", nhưng sau sự kiện Trân Châu Cảng (7-12-1941), Quốc hội Mỹ đã chính thức tuyên chiến. Những mục tiêu cuối cùng của Mỹ ở Thái Bình Dương là đánh chiếm đảo Ivôgima (tháng 2-3/1945) và đảo Ôkinaoa (25-3-1945) nằm ở cửa ngõ đi vào Nhật Bản. Điều này phù hợp với mục tiêu chiến lược mở cửa thị trường và khống chế Nhật Bản từ giữa thế kỷ XIX.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nền công nghiệp quân sự của Mỹ phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy để phục vụ cho chiến tranh và chạy đua vũ trang. Có một sự kiện đáng lưu ý là ngày 23-3-1983, Tổng thống Rigân đưa ra kế hoạch "Chiến tranh giữa các vì sao" (SDI) với chi phí 26 tỉ USD trong 5 năm. Kế hoạch này không chỉ nhằm vào mục tiêu quân sự mà còn tạo đà cho phục hưng kinh tế Mỹ sau một giai đoạn suy thoái.

Sau khi bức tường Béclin sụp đổ (1989), Chiến tranh lạnh đi vào hồi kết, vào tháng 1 năm 1991, nhân sự kiện Irắc chiếm đóng Côoét, Mỹ đã tiến hành chinh phạt Irắc lần thứ nhất. Tháng 3/1999, Mỹ tiến hành chiến tranh ở Côxôvô (Nam Tư). Sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ tiến hành liên tiếp hai cuộc chiến ở Ápganixtan (11-2001) và Irắc (3-2003). Ngoài lý do chính trị-an ninh, còn lộ rõ những lợi ích công nghiệp quân sự.

Ở đây cũng có một sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa chiến tranh với tình trạng suy thoái của kinh tế Mỹ vào đầu những năm 90 và khả năng chững lại của kinh tế Mỹ sau một thời kỳ tăng trưởng kéo dài 113 tháng tính tới đầu năm 2000. Chiến tranh đã trở thành liều thuốc kích thích kinh tế Mỹ vì nó tạo ra những đơn đặt hàng mới cho các tổ hợp công nghiệp quân sự và mặt khác, nó còn tạo cơ hội cho giới quân sự Mỹ thử nghiệm các loại vũ khí mới và giới buôn bán vũ khí chào hàng. Tờ "Thời báo Niu Yoóc" ngày 25/9/2003 dẫn Báo cáo của Quốc hội Mỹ cho biết năm 2002, Mỹ vẫn giữ vị trí số một trên thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới, đặc biệt là bán vũ khí cho các quốc gia đang phát triển, với tổng giá trị là 13,3 tỉ USD, chiếm 45% khối lượng hợp đồng bán vũ khí thông thường toàn cầu.
 

2. Thúc đẩy tự do hoá thương mại bằng ngoại giao pháo hạm và thiết lập các thể chế kinh tế, tài chính quốc tế

Cùng với việc mở rộng biên giới lãnh thổ ở các khu vực "cận ngoại biên", vào đầu thế kỷ XIX, Mỹ còn đề xuất Học thuyết Monroe (1823) về "Châu Mỹ của người châu Mỹ" và chủ nghĩa biệt lập. Liệu đây có phải là tinh thần độc lập và tự trị khu vực hay không? Như đã biết, vào thời kỳ này, Mỹ còn yếu hơn rất nhiều cả về thế và lực so với các cường quốc khác ở châu Âu mà đặc biệt là so với Anh và Pháp, vì vậy Mỹ chỉ có thể thực hiện chính sách mở rộng lãnh thổ ở "sân nhà" là chủ yếu, chứ chưa thể bành trướng ảnh hưởng ở châu Âu. Do đó, về thực chất, Học thuyết Monroe không phải là một thứ chủ nghĩa biệt lập thuần tuý mà là luận thuyết phân chia khu vực ảnh hưởng, phân chia thị trường. Trong Thông điệp liên bang năm 1823, Tổng thống Monroe nhấn mạnh: "lục địa châu Mỹ, với điều kiện tự do và độc lập đã giành và giữ được, không thể bị coi là đối tượng của việc thực dân hoá trong tương lai bởi bất kỳ các cường quốc châu Âu nào", và Mỹ " coi bất kỳ cố gắng nào nhằm mở rộng hệ thống của họ tới bất kỳ nơi nào của bán cầu này là nguy hiểm đối với hoà bình và an ninh của Mỹ".

Từ đây có thể thấy là không phải Mỹ muốn biệt lập, không có tham vọng dính líu gì tới bên ngoài mà thực chất Mỹ muốn ngăn cản các cường quốc châu Âu, không cho họ bành trướng ảnh hưởng và buôn bán ở lục địa châu Mỹ vì Mỹ coi đây là "sân sau" tự nhiên, là khu vực ảnh hưởng của riêng Mỹ. Mặt khác, tuy chưa đủ sức tiến vào châu Âu, nhưng sau khi đã xác lập được vị thế khá vững vàng ở lục địa châu Mỹ, Mỹ cũng đã bắt đầu bành trướng sang khu vực Đông Á-Thái Bình Dương theo phương thức "thương mại đi trước, cờ Mỹ đi sau".

Năm 1853 đô đốc Mỹ Perry đã đưa bốn chiến thuyền đến cảng Uraga (trong vịnh Tokyo) yêu cầu Nhật Bản cứu trợ, bảo vệ thuỷ thủ Mỹ, mở cửa thông thương và tiếp than cho tàu Mỹ từ California đến Trung Quốc. Năm 1854 Perry lại đưa bốn chiến thuyền đến và ký hiệp ước Kanagawa buộc Nhật Bản đồng ý mở cửa Shimoda và Hakodate, theo đó Mỹ có quyền lấy than, lương thực, nước cho các chuyến tàu biển qua đó. Năm 1858 Mỹ ký hiệp ước buôn bán bất bình đẳng với Nhật Bản, mở cửa Edo, Nigata, Kobe, Yokohama, Osaka và Nagasaki, giành được quyền tài phán lãnh sự và tối huệ quốc về quan thuế. Như vậy, về phương diện kinh tế-thương mại, sự có mặt của Mỹ ở Nhật Bản đã được hợp thức hoá một bước.

Nếu từ cách tiếp cận địa-chiến lược, thì để thống trị đại lục Âu-Á, trước hết Mỹ cần phải lôi kéo, khống chế "hai tuần dương hạm nổi tự nhiên" là Anh và Nhật Bản. Lúc đó Anh đang còn rất mạnh, còn Nhật Bản thì lại chưa tiến hành công nghiệp hoá, cả thế và lực đều yếu, hơn nữa Nhật Bản vẫn còn là thị trường "vô chủ". Đây là cơ hội lớn cho Mỹ và Mỹ đã thành công. Bằng "ngoại giao pháo hạm", Mỹ đã buộc Nhật Bản phải mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ xác lập thế đứng vững chắc ở khu vực sau này để phát huy ảnh hưởng cả về chính trị-an ninh và giành giật lợi ích kinh tế-thương mại.

Tới cuối thế kỷ XIX, Anh đã suy yếu dần, còn Mỹ ngày càng mạnh thêm với lực lượng hải quân hùng hậu. Nắm được quyền lực biển là tiền đề quan trọng để Mỹ giành giật quyền lực thương mại với các cường quốc khác. Mục tiêu tiếp theo của Mỹ ở Đông Á là Trung Quốc. Sau khi gây chiến tranh với Tây Ban Nha và chiếm Philippin (1898), năm 1899 Mỹ đề ra chính sách "mở cửa" để giành giật thị trường ở Trung Quốc với Anh, Pháp, Nga và Nhật. Nội dung của chính sách "mở cửa" gồm có:

Bất kỳ hàng của nước nào vào Trung Quốc cũng đều chịu chính sách thuế như nhau và do chính phủ Trung Quốc thu thuế.

Không can thiệp vào lợi ích của các nước theo những điều ước đã ký.

Không được thu thuế theo khu vực của từng nước quá cao.

Với chính sách này, Mỹ muốn xác lập vị thế hợp pháp và bình đẳng của mình ở thị trường Trung Quốc so với các cường quốc khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Mỹ tiếp cận và cạnh tranh với các công ty nước ngoài ở thị trường to lớn này.

Như vậy, có thể thấy cho tới cuối thế kỷ XIX, các chính quyền Mỹ kế tiếp nhau đã triển khai được một bước quan trọng trong chiến lược toàn cầu: khẳng định châu Mỹ là khu vực ảnh hưởng riêng, là "chợ sau" của Mỹ mà các cường quốc Âu-Á không có quyền nhòm ngó, đồng thời đã bắt đầu vươn vòi "bạch tuộc" tới Đông Á-Thái Bình Dương, xác lập quyền tự do thương mại ở khu vực quan trọng này.

Với Chính sách kinh tế mới "New Deal" của Tổng thống F.D. Roosevelt kéo dài trong 8 năm (1933-1941), nền kinh tế Mỹ đã có một bước phát triển mới cả về mô hình và cơ cấu. Trong những năm cuối của thế chiến thứ hai, cùng với việc tranh giành khu vực ảnh hưởng, Mỹ đã nỗ lực thiết lập luật chơi mới trên thương trường quốc tế thông qua việc xây dựng hệ thống Bretton Woods, IMF và WB vào năm 1944 - một năm trước khi kết thúc chiến tranh. Điều này có ý nghĩa quan trọng cả trên hai phương diện lý thuyết kinh tế và chính trị đối ngoại.

Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 cho thấy rõ hơn những khuyết tật của mô hình kinh tế thị trường tự do, cần có những điều chỉnh trong lĩnh vực quản lý vĩ mô cả ở tầm quốc gia và quốc tế. Trong khi cả thế giới và đặc biệt là châu Âu bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc và khi mà lãnh đạo các nước lớn chỉ tập trung vào đàm phán kết thúc chiến tranh và phân chia khu vực ảnh hưởng, thì Mỹ không chỉ tranh thủ làm giàu bằng buôn bán vũ khí mà còn nhanh chóng đổi mới tư duy kinh tế đối ngoại và xúc tiến triển khai các hoạt động xây dựng các thể chế kinh tế tài chính quốc tế. Thuyết thể chế đã có ảnh hưởng mạnh hơn cả trên hai phương diện kinh tế và chính trị . Cùng với cạnh tranh tự do, giới hoạch định chiến lược của Mỹ cũng đã sớm nhận thấy và tận dụng thời cơ dùng các thể chế kinh tế-tài chính quốc tế nhằm tối đa hoá lợi ích và mở rộng ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự, đặc biệt là vũ khí nguyên tử và chạy đua vũ trang, thiết lập các liên minh chính trị-quân sự như NATO, hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ và gây các cuộc chiến tranh cục bộ v.v. để thực hiện mục tiêu bá chủ thế giới. Đó là một phương diện quan trọng, nhưng chưa phải là tất cả. Bên cạnh chủ nghĩa hiện thực chính trị, chủ nghĩa tự do và thuyết thể chế với các mức độ khác nhau cũng có ảnh hưởng lớn tới quá trình hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ và qua triển khai trên thực tế vẫn thấy hiển hiện sợi dây lôgíc lợi ích kinh tế của Mỹ ở các châu lục.

Sự phát triển kinh tế Mỹ phụ thuộc một phần hết sức quan trọng vào việc mở rộng thị trường, thương mại và đầu tư quốc tế. Chính vì vậy mà trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ không chỉ chú ý tới cuộc đọ sức với Liên Xô mà còn triển khai nhiều chính sách kinh tế đối ngoại có hiệu quả thiết thực. Ở châu Âu, cùng với việc thành lập NATO (1949) để kiềm chế chủ nghĩa cộng sản, Mỹ còn triển khai kế hoạch Mashall nhằm tái thiết Tây Âu, thiết lập Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT). Thông qua các cuộc đàm phán thương mại đa phương trong khuôn khổ GATT, Mỹ lôi kéo và ép buộc các nước khác, đặc biệt là các nước tư bản phát triển ở Tây Âu và Nhật Bản hạ thấp hàng rào thuế quan, chấp nhận các luật chơi chung về tự do hoá thương mại và dịch vụ.

Đầu những năm 70, Tây Âu và Nhật Bản trở thành hai cường quốc kinh tế thế giới và có thể cạnh tranh được với Mỹ. Nhưng con số hơn 70% lợi nhuận Mỹ thu được từ Tây Âu cũng cho thấy lợi ích kinh tế mà Mỹ thu được to lớn như thế nào trong quan hệ với Tây Âu. NATO không đơn thuần chỉ là phương tiện "ngăn chặn cộng sản", mà còn là công cụ quan trọng bảo đảm cho sự dính líu lâu dài cũng như an ninh kinh tế của Mỹ ở châu Âu. Có một khía cạnh đáng lưu ý nữa là, với sự hậu thuẫn quan trọng của Mỹ, các nước Tây Âu trong khối NATO đã nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là Cộng hoà Liên bang Đức. Trong khi đó thì các nước XHCN trong khối Vacxava trong đó có Cộng hoà dân chủ Đức, lúc đầu cũng duy trì được sự phát triển nhất định, nhưng sau đó lâm dần vào khủng hoảng kinh tế-xã hội ngày càng trầm trọng. Chính vì vậy mà lợi thế cạnh tranh kinh tế đã nghiêng dần về phe TBCN do Mỹ hậu thuẫn. Như vậy, với chiến lược hai gọng kìm cả chính trị-quân sự và kinh tế, Mỹ đã từng bước xác lập được vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng chi phối ở Tây Âu, hình thành khung quan hệ chiến lược châu Âu-Đại Tây Dương trong quan hệ giữa các nước tư bản Âu-Mỹ.

Còn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, song song với việc thiết lập các liên minh quân sự song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin, Australia, Mỹ còn tăng cường các quan hệ kinh tế-thương mại với các nước khác và tạo điều kiện thuận lợi cho một số nền kinh tế khu vực đặc biệt là Hàn Quốc cất cánh trở thành "hổ" và "rồng". Việc Mỹ chủ động cải thiện quan hệ với Trung Quốc vào đầu những năm 70 không chỉ nhằm vào mục tiêu địa-chính trị - thiết lập tam giác chiến lược Mỹ-Xô-Trung mà còn chuẩn bị tiền đề cho việc triển khai chiến lược mở cửa thị trường to lớn của Trung Quốc trong tương lai gần.

Ngay từ thời Tổng thống Lincoln, Bộ trưởng Ngoai giao Mỹ đã khẳng định khu vực châu Á - Thái Bình Dương là "món quà tặng" của tự nhiên cho nước Mỹ. Vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, tổng kim ngạch buôn bán của Mỹ với khu vực này đã vượt so với Tây Âu. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, năm 1989 APEC được thành lập. Quan hệ kinh tế-thương mại của Mỹ với khu vực cũng đã được thể chế hoá một bước quan trọng.

Từ một phương diện khác, sau cuộc khủng hoảng dầu lửa 1972-1973, năm 1975, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ, Nhóm các nước công nghiệp phát triển ( G.7) ra đời nhằm phối hợp chính sách thương mại, tài chính, đầu tư để đối phó với những bất trắc kinh tế có thể xảy ra trên toàn cầu. Mặt khác, đây còn là thể chế quan trọng để Mỹ có thêm cơ hội thuyết phục, dàn xếp và giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn với các đồng minh trong sân chơi cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Như vậy, có thể thấy, ngay trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, trong chiến lược đối ngoại, với các mức độ và ưu tiên khác nhau, Mỹ luôn phối hợp và triển khai song song cả hai chiến lược có mối quan hệ tương tác hỗ trợ lẫn nhau là chính trị-an ninh và kinh tế đối ngoại. Đồng thời, chiến lược kinh tế đối ngoại được hoạch định và triển khai trong mối quan hệ chặt chẽ với quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế trong nước cho phù hợp với những đòi hỏi mới của sự phát triển lực lượng sản xuất dưới tác động của cách mạng khoa học-kỹ thuật. Chính sách kinh tế của Tổng thống Reagan (Reaganomics) trong những năm 80 đã tạo dựng cơ sơ hạ tầng thông tin cần thiết cho kinh tế Mỹ nắm bắt kịp những cơ hội mới do xu thế toàn cầu hoá đưa lại và nhanh chóng cất cánh vào thập kỷ sau đó.

Sau khi Liên Xô tan rã, cùng với việc điều chỉnh chiến lược đối ngoại, Mỹ cũng nhanh chóng điều chỉnh chiến lược kinh tế đối ngoại nhằm tận dụng những lợi thế so sánh tối ưu trong bối cảnh cách mạng tin học và toàn cầu hoá. Cựu Tổng thống Mỹ B. Clinton đã từng tuyên bố "tập trung vào kinh tế như một tia la de" và cho tới đầu năm 2000, nền kinh tế Mỹ đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng kéo dài hiếm có.

Trên bình diện toàn cầu, cùng với việc triển khai chiến lược an ninh theo mô hình "đại bàng" với đầu là Bắc Mỹ và hai cánh là châu Âu-Đại Tây Dương (mở rộng NATO) + châu Á-Thái Bình Dương (nâng cấp Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ), Mỹ đã xúc tiến thiết lập một thể chế thương mại toàn cầu thông qua quá trình thúc đẩy chuyển hoá GATT thành Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào đầu năm 1995 nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới về tự do hoá thương mại và đầu tư của xu thế toàn cầu hoá. Đây là một thành công kinh tế đối ngoại của Mỹ theo hướng thể chế hoá quá trình cạnh tranh kinh tế toàn cầu bằng việc xác lập những qui tắc và luật chơi chung có lợi cho Mỹ.

Vai trò và ảnh hưởng của Mỹ trong WTO rất lớn. Các nước còn lại, dù có là nước lớn, nếu muốn trở thành thành viên của tổ chức này đều phải tranh thủ sự hậu thuẫn và "gật đầu" của Mỹ. Trung Quốc cũng đã phải có một số nhân nhượng với Mỹ, đặc biệt là trong vụ sứ quán Trung Quốc ở Bêôgrát (Nam Tư) bị ném bom khi Mỹ tiến hành không kích Cô-xô-vô năm 1999 để tranh thủ sự hậu thuẫn của Mỹ đối với việc gia nhập WTO. Trong sân chơi kinh tế mới này, với thế mạnh về kinh tế-tài chính, Mỹ và một số nước phát triển khác đóng vai trò chủ đạo, nhưng trong cấu trúc phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích, các nước đang phát triển cũng có vai trò nhất định. Tại Hội nghị WTO vừa rồi các nước phát triển đã phải nhượng bộ các nước đang phát triển về vấn đề hàng nông sản.

Còn trên bình diện khu vực, trong hai nhiệm kỳ cầm quyền, chính quyền B. Clintơn cũng đã có những quyết sách phù hợp khi triển khai chiến lược đối ngoại để tối đa hoá lợi ích kinh tế của Mỹ. Nắm bắt kịp thời xu thế khu vực hoá và cũng để tập hợp lực lượng nhằm cạnh tranh với các tổ chức kinh tế khu vực khác, đặc biệt là với khối kinh tế Tây Âu mà sau này là Liên minh châu Âu (EU), năm 1992, Mỹ đã cùng với một số nước khác thành lập khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tới tháng 12 năm 1994, 34 nhà lãnh đạo của các quốc gia châu Mỹ từ Canada đến Chilê (trừ Cu Ba) đã có cuộc họp thượng đỉnh tại Miami và cùng nhất trí với Tổng thống Mỹ B. Clintơn về dự án hoàn thành Khu vực thương mại tự do châu Mỹ (FTAA) trước năm 2005.

Ở châu Âu, Mỹ thực hiện chiến lược kép gắn chính trị-an ninh với kinh tế-thương mại. Biên giới NATO mở rộng tới đâu thì sân chơi kinh tế của Mỹ cũng mở rộng tới đó. Ngay cả cuộc chiến Côxôvô do Mỹ chỉ đạo năm 1999 cũng có mục tiêu kinh tế chứ không phải đơn thuần là một cuộc chiến tranh tranh giành quyền lực với Nga ở bán đảo Ban Căng. Mỹ muốn cản trở đồng EURO sắp lưu hành và dọn đường để tiếp cận vào khu vực Trung Á có nhiều dầu lửa.

Vào những năm gần đây, đặc biệt là sau Hội nghị Seattle và sau sự kiện 11/9, Mỹ đã đẩy mạnh việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương với các nước khác nhau. Trong Chiến lược An ninh quốc gia được công bố ngày 30/9/2002, Tổng thống G.W. Bush đã nhấn mạnh cách tiếp cận ba cấp độ về tự do hoá thương mại mang tính cạnh tranh: "Hoa kỳ sẽ hợp tác với từng quốc gia, từng khu vực và cộng đồng thương mại toàn cầu nhằm xây dựng một thế giới tự do thương mại".

Việc Mỹ lựa chọn đối tác để đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương xuất phát từ ba mục tiêu có liên quan với nhau phản ánh mối quan hệ tương tác qua lại giữa kinh tế với chính trị quốc tế: cạnh tranh kinh tế khu vực, tập hợp lực lượng và xác lập vai trò lãnh đạo trong đàm phán WTO. Chẳng hạn, Mỹ đã ưu tiên ký FTA với Ôtxrâylia vì nước này vừa là nước đứng đầu Tổ chức các nước xuất khẩu thuần tuý các sản phẩm nông nghiệp, lại vừa là nước rất tích cực ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố và cuộc chiến ở Irắc. Ký FTA với Ôtxrâylia tạo thêm thuận lợi cho Mỹ trong các cuộc đàm phán về nông nghiệp ở WTO và tăng cường hợp tác chống khủng bố, hỗ trợ cho an ninh của Mỹ.

Tháng 5/2003, Mỹ đã ký FTA với Xingapo - đối tác đầu tiên ở Đông Á. Đây cũng không phải là hành động ngẫu nhiên. Nó được tính toán phù hợp với nhu cầu và lợi ích của Mỹ cả về chính trị-an ninh và kinh tế. Nước này đã nhiệt thành ủng hộ Mỹ trở lại Đông Nam Á sau các sự kiện Subic và Clark (1992), có chung quan điểm về tiêu chuẩn môi trường và lao động, hơn nữa lại có ngành dịch vụ tiền tệ rất phát triển. Lôi kéo được Xingapo, Mỹ sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để tiếp tục mở rộng cửa vào thị trường ASEAN, tăng sức cạnh tranh với cả Trung Quốc và Nhật Bản.

Mỹ đã chọn Chilê là nước đầu tiên ở Nam Mỹ để ký FTA không chỉ vì nước này là một trong những nền kinh tế mạnh nhất Nam Mỹ, sẽ hậu thuẫn tích cực cho Mỹ thúc đẩy khu vực thương mại tự do châu Mỹ, mà còn vì Chilê đã từng có quan hệ gắn bó với Mỹ và hơn nữa, nước này đã ký hiệp định thương mại tự do với Canađa và một số nước khác. Ở châu Phi, Mỹ đã chọn Marốc để ký FTA là muốn tạo dựng lên một tấm gương tín đồ Hồi giáo thân thiện với Mỹ, đồng thời tạo thế đứng vững chắc hơn để mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi nơi cũng có nguồn dầu lửa dồi dào.
 

3. Chính trị giao thông và dầu lửa

Vào cuối thế kỷ XX, nền kinh tế tri thức đã xuất hiện, tuy nhiên, cho tới nay và chí ít là tới giữa thế kỷ XXI, vì chưa có nguyên liệu thay thế nên dầu mỏ vẫn là "vàng đen" của nền công nghiệp hiện đại và cuộc tranh giành nguồn dầu mỏ sẽ vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt. "Chính trị dầu lửa" vẫn là chủ đề nổi trội trên nhiều chương trình nghị sự quốc tế.

Đối với Mỹ, "một quốc gia đặt trên những bánh xe, kinh tế đất nước và đời sống hàng ngày của nhân dân không phút nào tách khỏi dầu lửa", nên tự do thương mại có mối quan hệ qua lại với tự do hàng hải và tự do tiếp cận các nguồn dầu mỏ. Một vị Bộ trưởng Năng lượng Mỹ đã từng nói: "Tuyến nguồn năng lượng thế giới tới đâu thì chính sách ngoại giao của Mỹ cũng tới đó". Theo Báo cáo của Tổ chính sách năng lượng quốc gia đứng đầu là Phó Tổng thống Cheney công bố tháng 5/2001, thì trong 20 năm tới, lượng dầu mà Mỹ sử dụng sẽ tăng 1/3, trong khi sản lượng dầu của Mỹ giảm 12% và đến năm 2020, lượng dầu nhập khẩu chiếm 2/3 nhu cầu dầu lửa ở Mỹ. Vì vậy, mối quan tâm đặc biệt của Mỹ tới Trung Đông, Trung Á, Đông Nam Á, Tây Phi cũng là điều dễ hiểu. Từ góc độ chiến lược toàn cầu, có thể thấy rõ mục tiêu song trùng mà Mỹ đang theo đuổi ở các địa bàn trên là: khống chế các khu vực "cửa ô", đầu mối giao thông và nguồn dầu lửa ở các châu lục.

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, nước Mỹ đã phải hứng chịu vụ khủng bố bằng máy bay san phẳng Trung tâm thương mại thế giới ở New York. Lợi dụng sự kiện này, ngay sau đó, chính quyền G.W. Bush đã nhanh chóng tiến hành cuộc chiến chống khủng bố ở Ápganixtan và tạo thế hợp pháp để đưa quân vào Trung Á - một địa bàn chiến lược quan trọng về địa chính trị, giao thông Âu-Á và dầu lửa. Một nhà bình luận quân sự Mỹ cho rằng: "Sự kiện 11/9" khiến cho Mỹ chỉ trong một đêm thực hiện được giấc mộng ôm ấp hàng mấy thế kỷ là tiến vào khu vực Trung Á mà từ trước tới nay toàn thế giới khó tiếp cận nhất và khó hiểu nhất, Mỹ muốn vào nhất mà vẫn chưa vào được".

Từ trước đến nay các nhà chiến lược Mỹ đều coi trọng Trung Á vì có thể biến nó thành một kết cấu mạng lưới giao nhau và từ những cứ điểm nhỏ có thể kiềm chế Nga ở phía Bắc, kiểm soát được Ấn Độ ở phía Nam, Trung Quốc ở phía Đông và châu Âu ở phía Tây. Với việc có mặt quân sự ngày một gia tăng ở Trung Á, Mỹ đang không chỉ thay đổi cục diện chính trị-an ninh mà còn ngày càng đẩy Nga ra khỏi thị trường, đặc biệt là khai thác dầu lửa và từng bước chiếm tỉ trọng cao trong quan hệ kinh tế với các nước Trung Á.

Tháng 9/2002, chính quyền G..W. Bush công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới với học thuyết "đánh đòn phủ đầu" mà mục tiêu không khác gì với Học thuyết "Ngăn chặn cộng sản" là xác lập sự lãnh đạo thế giới của Mỹ. Đằng sau quyền lực chính trị là quyền lực kinh tế, quyền lực dầu lửa. Dù che đậy dưới hình thức nào thì qua các "hành vi chính sách" vẫn thấy hiển hiện rõ rệt nền "chính trị giao thông và dầu lửa" mà Mỹ đang theo đuổi một cách liên tục và nhất quán.

Khu vực Trung Đông nằm ở gần trung tâm Đông bán cầu, là "cửa ô" ngã ba của ba châu: châu Âu, châu Á và châu Phi và lại được bao bọc bởi năm biển: Hắc Hải, Địa Trung Hải, Lý Hải, Hồng Hải và Arập. Tại khu vực này còn có những eo biển quan trọng, nơi có những tuyến đường yết hầu nối liền Địa Trung Hải với Hồng Hải, Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương, Đông với Tây, châu Âu với châu Á, trong đó có kênh đào Xu-ê - tuyến giao thông nối liền Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương với lượng hàng vận chuyển chiếm tới 22% tổng số lượng hàng vận chuyển đường biển trên thế giới, 40% lượng tàu vận chuyển dầu trên thế giới và gần 80% lượng tàu vận chuyển hàng hoá của châu Á. Eo biển Hormuz không chỉ là tuyến đường ra biển duy nhất của các nước vùng Vịnh mà còn là tuyến đường yết hầu chuyên chở dầu mỏ xuất khẩu của các nước ở Trung Đông.

Trung Đông còn được mệnh danh là "kho báu dầu mỏ của thế giới", nơi đây chiếm tới gần 70% trữ lượng dầu mỏ đã được thăm dò của thế giới, 65% lượng tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới. Hiện nay, tỉ trọng dầu nhập khẩu tương ứng của Mỹ, EU và Nhật Bản là 60%, 75% và 80%. Tỉ trọng dầu Trung Đông trong tổng lượng dầu nhập khẩu của Mỹ là 22%, EU - 36%, Trung Quốc - 44%, Nhật Bản - 80%, các nước châu Á-Thái Bình Dương khác - 73%.

Do tầm quan trọng chiến lược đặc biệt như vậy, nên trong lịch sử quan hệ quốc tế, Trung Đông luôn trở thành nơi tranh giành của các đế chế và các cường quốc, từ đế quốc Arập, Giáo hoàng La Mã, đế quốc Mông Cổ, đế quốc Ốttôman cho tới đế quốc Anh và Pháp sau này. Thời kỳ Chiến tranh lạnh, hai siêu cường Xô-Mỹ cũng đã cạnh tranh quyết liệt ở đây. Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ tìm mọi cách để khống chế toàn bộ khu vực này theo khuôn khổ "hoà bình kiểu Mỹ" (PAX AMERICANA) và xác lập quyền lực dầu lửa để đáp ứng nhu cầu của Mỹ cũng như khống chế các đối thủ cạnh tranh khác, đặc biệt là Trung Quốc. Cả hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh I (1991) và II (2003) đều được thực hiện theo logíc địa-chính trị giao thông và dầu lửa.

Đông Nam Á cũng là một địa bàn được Mỹ quan tâm hơn sau sự kiện 11/9. Ngoài mục tiêu hợp tác chống khủng bố, Mỹ còn có những ý đồ to lớn hơn về cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, khống chế các đường giao thông quan trọng ở khu vực biển Đông và lợi ích dầu lửa. Chỉ riêng eo biển Malắcca dài 805 km - nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, đã là một tuyến đường hàng hải hết sức quan trọng của thế giới. Mỗi năm có khoảng 50 nghìn lượt tàu biển qua lại eo này, chuyên chở hơn 1/4 khối lượng hàng hoá buôn bán trên thế giới. Hầu như toàn bộ số xăng dầu nhập khẩu của Nhật Bản và Trung Quốc đều đi qua eo biển này.

Cùng với ưu tiên đại lục Âu-Á, sau Chiến tranh lạnh, Mỹ đã chú ý tới nguồn dầu lửa và thị trường châu Phi. Tiếp theo Tổng thống B. Clintơn, Tổng thống G.W. Bush cũng đã bay tới châu Phi (3-2003). Mục đích của chuyến thăm viếng này không đơn thuần chỉ là vấn đề nhân đạo, dân chủ và đói nghèo mà còn là vấn đề thị trường, nguyên liệu hiếm và dầu lửa, hơn nữa, đây lại là vấn đề quan trọng hơn. Cơn khát dầu lửa đang ập tới và các nền kinh tế lớn trên thế giới đều phải lo lắng.

* *

Nhìn vào các hoạt động ngoại giao của Mỹ trong thời gian vừa qua, có thể thấy trong thời gian tới, dù ai lên nắm quyền thì cũng phải quan tâm tới ưu tiên chiến lược dầu lửa. Một mặt để bảo đảm năng lượng cho sự tăng trưởng ổn định và lâu dài của kinh tế Mỹ và đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của dân cư Mỹ. Mặt khác, vũ khí dầu lửa được dùng để khống chế các đối thủ đang và sẽ cạnh tranh kinh tế quyết liệt với Mỹ trong tương lai. Tuy nhiên, thế giới hiện nay đang thay đổi theo hướng mà ngay cả cường quốc mạnh nhất cũng không thể đạt được một số mục tiêu quốc tế cơ bản bằng hành động đơn phương. Do đó, sớm muộn thì Mỹ cũng sẽ phải điều chỉnh chính sách cả về chính trị-an ninh và kinh tế đối ngoại cho phù hợp với những chiều hướng và thách thức mới trong đó có hiện tượng đặc biệt là "tư nhân hoá chiến tranh".

Trang Chính Trị Xã Hội