Dân chủ và đạo Kitô ở Việt Nam

Lê Dọn Bàn

24 tháng 4, 2011

Đông A viết:

Dân chủ Thiên Chúa giáo

(http://donga01.blogspot.com/2011/04/dan-chu-thien-chua-giao.html)

Dường như đang có những mưu đồ tập hợp lực lượng để hình thành một phong trào dân chủ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam. Có lẽ đây là một âm mưu mới sau những thất bại ở các cuộc đòi đất và những vi phạm luật pháp đặc trưng mang tính đám đông của những người Thiên Chúa giáo ở Việt Nam. Sự kết hợp của cái gọi là “ dân chủ” và Thiên Chúa giáo có lẽ là một hoạch định mới, nhằm phá vỡ thế bế tắc, cô lập của cả hai thành phần này, không nằm ngoài mục đích tối thượng là Thiên chúa hóa Việt Nam với những đặc điểm được xào xáo lại để phù hợp với tính thời đại bằng mọi thủ đoạn. Sự kết hợp này được nảy sinh trên một số sai sót nhất định của chính quyền trong xử lý một số vụ việc. Phong trào dân chủ Thiên Chúa giáo này sẽ tập hợp lực lượng một cách rộng rãi, lấy tổ chức của Thiên Chúa giáo, một hệ thống tổ chức khá chặt chẽ, làm nòng cốt, đem “ hiệp thông” như một hoạt động vừa tập hợp lực lượng, vừa tạo áp lực chính trị xã hội lên chính quyền. Có thể thấy đấy là một kiểu phiên bản khác dạng của Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan. Và như vậy đây cũng là một thách thức đối đầu với chính quyền. Các vụ việc xảy ra trong thực tế đều có nhiều vấn đề chồng chập lên nhau, rất khó bóc tách để thấy những cốt lõi ẩn giấu của chúng, mà trong đấy không khỏi có những cốt lõi cơ hội, tạo thời cơ gây lũng đoạn chính trị xã hội được che đậy dưới những chiêu bài thế này hay thế khác.

Posted by Đông A at 4/19/2011 09:16:00 AM

 

Lê Dọn Bàn viết:

Dân chủ và đạo Kitô ở Việt Nam

(http://donga01.blogspot.com/)

1.

Khái niệm dân chủ và Kitô giáo – là một paradox – nếu tôi được phép góp ý với ông Đông A – hiện nay, lấy thí dụ, ở châu Âu có các đảng chính trị lấy tên – như ông nhắc – là “ dân chủ thiên chúa giáo”. Nhưng đó là chuyện gọi tên, tự đặt nhãn hiệu. Kitô giáo ở đó được xem như đồng nghĩa với bảo thủ, giữ truyền thống, và có đông đảo người liên hệ với nó. Nên chuyện lấy tên, đặt nhãn hiệu có phần nào dựa trên những ý ấy, không phải vì tôn giáo mang tên đó, có nội dung chúng ta hiểu là “ dân chủ” .

Cũng có thể nói thêm – các đảng Christian Democratic (Dân chủ Kitô giáo) không có gì đặc biệt là dân chủ. Họ đã được hình thành trong cuối thế kỷ 19 để bảo vệ quyền lợi của người Kitô chống lại những quốc gia tự do và thế tục, vì tại các quốc gia này – chính phủ ngày càng can thiệp vào hai lĩnh vực cốt lõi của hoạt động tuyên truyền và kiếm ăn của các hội nhà thờ: giáo dục và phước thiện xã hội. Họ chỉ ra đời ở các nước có chia rẽ sâu sắc về tôn giáo, nơi họ không hoàn toàn đa số (vì thế không có Dân chủ Kitô giáo ở Ireland hoặc Poland – là những nước hoàn toàn Kitô, không có đối lập), và trong các nước có chế độ dân chủ đại viện vững mạnh, vì thế ban đầu không có Dân chủ Kitô giáo ở Pháp, vì nước này nổi tiếng là không ổn định chính trị, vốn ở đây nhà thờ Catô vẫn nuôi hy vọng “thay đổi chế độ” để trở về một chế độ ủng hộ-tôn giáo – Gallicancism -  như xưa (các tín đồ Kitô VN chắc chịu ảnh hưởng này – đa số các lãnh tụ của họ được huấn luyện ở đây).

Một buổi lễ "hiệp thông" đầu năm 2010

Vatican – nếu hiểu là một quốc gia trần tục thì hoàn toàn quân chủ - nếu là một tổ chức thì phi dân chủ (trừ khi bạn gọi chuyện bầu vua chiên mới khi ông cũ chết – và chỉ trong đám các ông thày chăn chiên cấp cao mặc áo đỏ - là dân chủ)  - còn nếu hiểu là một đại diện cho vương quốc “cha ta trên trời cao” thì dĩ nhiên là với vị tối thượng như thế - nếu vị ấy có thực – thì không có – hay các tín đồ có thể nói – không cần dân chủ - Vatican có một mối quan hệ không rõ rệt với các đảng phái này: Nhiều trường hợp, Vatican đã cáo buộc họ là quá “tân tiến”, nếu họ xem ra đi quá sát với một phong trào ửng hộ hay tranh đấu thực sự cho dân chủ.

2.

Dân chủ là thành quả của những vận động lâu dài vốn và phải có sự tham dự của toàn bộ dân chúng trong một quốc gia, và từ cả hai bộ phận cầm quyền và không cầm quyền - dĩ nhiên là không thể nhập cảng, không đến từ bất cứ áp lực nào bên ngoài, và nếu có gây dựng ở trong, càng không thể đến từ những niềm tin tôn giáo.  Dân chủ là hoa nở từ trí tuệ - hay thu hẹp hơn – ý thức chính trị xã hội - của dân chúng được phát triển – khi dân chúng thực sự đạt đến một trình độ ý thức trưởng thành, tự mình thấm nhuần được những quan niệm xã hội và chính trị sáng xuốt, thuận tình hợp lý với cộng đồng của mình. Thêm nữa, không phải chỉ vài dăm bông hoa, nhưng cả một mùa hoa, và cũng phải hết sức chăm sóc để sẽ nở mãi, qua năm tháng. Trong tình trạng VN, dân chủ phải đi đôi với dân trí, và có lẽ điều này làm chúng ta nhớ kinh nghiệm của Phan Chu Trinh, một người rất sáng xuốt và có lý tưởng, cùng can đảm, đã đi trước thời đại của ông.

3.

Dân chủ là hoa nở từ trí tuệ, nên không bao giờ đi cùng với tôn giáo, vì tôn giáo dựng trên tình cảm của con người, không trên lý trí. Và có khi còn phủ nhận trí tuệ, như thấy trong những tôn giáo, như đạo Kitô (có bạn nào hay đọc thánh kinh – chỉ cho tôi một câu thôi – trong đó ca ngợi trí tuệ?) – đạo này nếu có gần với một tổ chức chính trị nào – thì đó là chế độ quân chủ độc tài – trong Kitô giáo, không hề có tự do tư tưởng, nên dĩ nhiên không bao giờ có chuyên chở nội dung của ý niệm dân chủ.

Tại sao tôi dám nói thế - không phải tôi sẽ đưa ra rằng trong kinh Thánh, không có chỗ nào nhắc nhở - chứ đừng nói gợi ý - chúng ta với ý niệm dân chủ cả - điều đó là tất nhiên, vì nó là quyển sách cổ lỗ, phản ảnh trình độ của người viết; dù được viết ở thời con người đã biết đến dân chủ rồi, nhưng đó là ở những polis Hy lạp, chứ không phải ở vùng Trung đông lạc hậu, phong kiến, nơi những tác giả của nó ra đời. Tôi cũng không cần phải thách đố - có ai cho tôi một thí dụ về đạo Kitô đã tranh đấu cho dân chủ trong lịch sử nhân loại – kể từ châu Âu sang tới châu Mỹ Latin hiện đại.  Họ tranh đấu – rất thông minh, rất xảo quyệt là khác - cho sự bành trướng tôn giáo của họ mà thôi. Đó đây, trong lịch sử cận đại, có những lúc đồng hành, nhưng sau cùng họ phản bội người bạn đường dân chủ, và khi có quyền lực, lúc cần thiết, sẽ tìm cách bóp chết, hay ít nhất bôi nhọ người “bạn” ấy. Lịch sử tranh đấu cho dân chủ ở châu Âu, là lịch sử tranh đấu với những thế lực của các hội nhà thờ - có thể nhìn như nhằm phục hồi lại dân chủ đã mất – sau khi tư tưởng dân chủ Hylạp bị tư tưởng Kitô xỏa bỏ tại châu Âu, trong hơn nghìn năm trăm năm – kẻ cuối cùng đóng lại cánh cửa Academy vốn do Plato thành lập là Justinian I - một hoàng đế sùng mộ Kitô. Lần cuối cùng, một lực lượng chính trị cực hữu Kitô của châu Âu lên nắm quyền, chúng ta có đảng và chính quyền Phát xít của Mussolini.  Lần cuối cùng một sức mạnh cực tả - mô phỏng chế độ toàn trị độc tài muốn đem thiên đường “nước cha ta trên trời” xuống thành “thiên đường trần gian”, muốn thúc đẩy lịch sử đi cho chóng tới cuối đường, lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện– và khái niệm con người phải có cứu cánh của thần học Kitô, chuyển “cứu rỗi con người” khỏi “tội lỗi” sang lịch sử tất yếu “giải phóng” con người khỏi “vong thân”  – lên cầm quyền là chủ nghĩa cộng sản kiểu Leninism/Stalinism ở Kremlin. Hỏa ngục có lửa trừng phạt đời đời thành những “quần đảo ngục tù” có băng tuyết lạnh dưới -40 độ ở Tây bá lợi Á.

4.

Một tôn giáo độc tài trong tư tưởng (các bạn trong và ngoài Kitô đều nghe quen đến nhàm tai – xin lỗi phải lập lại - vua chiên là không thể sai, chỉ có một Gót, không có thần thánh nào khác nữa ngoài ta, phải gọi đúng bằng một tên, thờ chỉ một cách, tin chỉ một lối, thái độ “ không theo ta là chống ta.” …) – không tin vào con Người (tin vào một đấng tối cao, tin chân lý không thể tìm, chỉ được “ mặc khải’ cho biết) – không tin vào trí tuệ con người (cầu nguyện khi gặp khốn đốn, khó khăn trong nhân sự, thiên nhiên, có ai cầu chân gãy lại lành được không hay đi lắp chân giả? ..) – nên nếu chỉ ghép tên tôn giáo đó với dân chủ - ở châu Âu là một trò chính trị bịp bợm, mị dân – còn ở đây – có thể nói là một trò cười, nhưng nguy hiểm nên không thể cười được.

 

Hồng Y Ivan Dias dự lễ bế mạc Năm Thánh 2010 tại La Vang
- Ảnh có tính cách minh hoạ

5.

Những kẻ mặc áo đen, đội mũ đỏ, nghiêm trang thắp nến, trang phục diêm dúa theo cái thời còn đế quốc La mã ấy - cầu nguyện cho “dân chủ” ;  đó chỉ là những màn kịch dàn dựng hết sức khéo léo; chọn đúng thời, đúng chỗ – thực chất là những người làm chính trị chuyên nghiệp, của một tổ chức chính trị quốc tế- vẫn từ hàng trăm năm nay rồi trên quê hương chúng ta  - reo truyền, rao giảng một tin tưởng xa lạ, cuồng tín và mê muội, bất chấp tai hại lâu dài cho chính mình và đất nước, cùng những đồng bào của mình. Những thay đổi mà có bạn kể (cho phép thắp nhang, thờ cúng, ..) – bạn kể đó không thành thực – họ đã phải thay đổi – sau những thất bại, không phải chỉ ở quê hương chúng ta nhưng ở cái thị trường bao la là xứ Tàu kia. Những thay đổi đó, chỉ là những chiến thuật nhất thời của một chiến lược truyền đạo lâu dài kiên trì – chiến lược đó gọi là Inculturation – tôi mượn lại những gì tôi ghi chú lúc trước, ở chỗ khác – cũng tạm đủ:

Trong quá trình xâm thực văn hóa (gọi cho đẹp đẽ là Inculturation) của đạo Kitô, hội nhà thờ Catô, đặc biệt với nhóm tiên phong chủ lực tinh nhuệ nhất (dòng Jesuits), họ chủ trương, thí dụ trong lĩnh vực tư tưởng, dùng các từ ngữ có sẵn trong văn hóa bản địa, để chuyển dịch các khái niệm xa lạ của đạo Kitô, cấy trồng cho nẩy nở trong văn hóa không-Kitô, với thời gian, kiên nhẫn và khôn ngoan, cuối cùng sẽ đi đến tình trạng các từ ngữ của văn hóa bản địa sẽ bị chuyển nghĩa, dần mất nghĩa cũ, và đi đến chỉ còn mang nghĩa mới của Kitô.

Hình thức đó tương tự như “ bình cũ rượu mới” , nhưng tinh vi xảo quyệt hơn, và tai hại hơn, vì cuối cùng văn hóa bản địa không-Kitô, sẽ bị mất, những từ ngữ của nó vẫn còn, vì khó mà xóa được, và không dễ thay ngôn ngữ của một dân tộc, nhưng nội dung chuyên chở của những từ ngữ đó đã mất, thay vào đó là nội dung ngày càng đậm chất Kitô, sau cùng, có thể trăm năm, tất cả chỉ còn lại văn hóa với một nội dung là Kitô.

Không đơn giản chỉ là thêm vào, nhưng Inculturation chủ tâm là thay thế và rồi xóa đi những gì có từ trước. Thế nên không làm giàu, đóng góp thêm cho văn hóa bản địa, nhưng làm nghèo đi, vì phá hủy rồi thay thế để độc tôn. Đó là nghiên cứu, để trà trộn, sau đó lẫn lộn, rồi lần lần thay thế, đánh tráo, và cuối cùng là huỷ diệt sạch những gì không-Kitô. Mục đích trước sau là truyền đạo, nếu có truyền bá văn hoá, thì đó là văn hoá Ki tô được du nhập, khoác áo địa phương bên ngoài để gây thân thiện mà thôi. Dẫu vậy, có lẽ cũng chỉ đến một mức độ nào đó giới hạn. Người ta có thể phản lịch sử - trơ trẽn mặc áo dài Việt, đội khăn vành rây cho bà Maria, nhưng chắc không thể đi đến trâng tráo mặc áo dài, chít khăn đống cho Jesus” .

6.

Bạn có ý muốn nói, những chuyện kể đó là quá khứ, sai lầm đó là qúa khứ; Dĩ nhiên là chúng ta phải hướng về tương lai – nhưng để biết những kẻ hoạt đầu chính trị cuồng tín tôn giáo, trước sau vẫn dính cái đuôi với những thế lực ngoại quốc đó sẽ hoạt động ra sao – chúng ta chỉ có thực tại quá khứ để dựa vào đó mà dự đoán, và thái độ của những người theo tôn giáo đó khi đánh giá quá khứ chung của dân tộc, đặc biệt là trong các thời ngoại thuộc và thực dân vừa qua; Khi nhìn về quá khứ, chúng ta phải chân thực, không thể “lấy mong ước làm thực”, vẫn cứ tiếp tục bẻ cong, hay bôi xóa những sự kiện lịch sử để vẽ những bức tranh giả dối cho tôn giáo của mình; Dĩ nhiên chúng ta phải nhìn ra toàn cầu – xem thế lực quốc tế đó đang hoạt động ra sao – nếu như nó phản dân chủ, phản nhân quyền không nói đến phản dân tộc, luôn luôn đứng về phe các thế lực nước ngoài để hà hiếp dân chúng như tại các nước chậm tiến châu Mỹ Latinh, hay gần chúng ta hơn như tại Philippines. Các bạn hay nhắc đến Poland và thích kể sự thành công của tổ chức Solidarity của nó – có bạn nào theo dõi hiện nay – hội nhà thờ Kitô ở đây nay đã thành một thực thể chính trị đe đọa dân chủ hay không?  Và mỉa mai thay một đảng với danh xưng Dân chủ Kitô giáo cũng không thành hình nổi ở quốc gia Kitô giáo, hậu cộng sản này.

Tôi cũng không nói là tôn giáo không thể đóng góp cho dân chủ - nhưng có lẽ phải là một hệ thống tư tưởng không phản con người, không phản tự do tư tưởng và nhân phẩm của con người, tin vào con người chứ không tin vào thần linh ngoài thế gian không gian này - đó là một tôn giáo không mê tín, không độc thần, tôn giáo không đã đi với những chế độ thực dân xâm lăng, không đi với chế độ nô lệ, tôn giáo không đã “thánh chiến” với tôn giáo khác; không đốt sống những người đồng đạo nhưng có suy nghĩ tự do khác biệt; Lý tưởng quá – chắc không có? – Mời bạn đừng nhìn xa tận Vatican - hãy nhìn sang bên trái, gần chúng ta hơn, tương đồng văn hóa  – bà Aung San Suu Kyi – đương tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền – nhưng theo những con đường khác hẳn.

Và có lẽ rồi bà sẽ thành công vì sự khác biệt đó.

Nhân ngày nghỉ - một vụ tự tử vĩ đại trong lịch sử tôn giáo nhân loại - đọc tin trong nước, nên không thể không viết vội dăm dòng.

Trân trọng cảm ơn ông Đông A và quí vị,

 

LDB

4/23/2011 6:38 AM

http://chuyendaudau.blogspot.com/

http://chuyendaudau.wordpress.com

 

Mời xem bài viết của Đông A

 

Trang Chính Trị