Linh tinh Thời sự, Viết mà chơi !!

Trần Chung Ngọc

nguồn http://giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=1294

đăng ngày 17  tháng 6, 2007

 

S au bao năm năng nổ vận động như: ngăn cản bỏ cấm vận, cản trở việc thông qua quy chế PNTR cho Việt Nam, cản trở Việt Nam gia nhập WTO, van xin tông tông Bush  lợi dụng dịp APEC để ép Việt Nam về nhân quyền, khoa trương mấy cái nghị quyết ấm ớ của hạ viện Mỹ, của quốc hội Âu Châu v…v… với mục đích để “Đen về thay thế Đỏ” mà không mang lại một kết quả nhỏ nhoi nào, cuối cùng thì giới chống Cộng ở hải ngoại cũng đạt được một chiến thắng lẫy lừng, vang dội từ Bolsa đến Sydney trên Internet vô tri vô giác: đó là có  4 người thuộc 4 tổ chức chống Cộng: ông Lê Minh Nguyên, chủ-tịch Mạng Lưới Nhân Quyền VN; ông Đỗ Thành Công, chủ-tịch Đảng Dân-chủ Nhân-dân; BS. Nguyễn Quốc Quân, chủ-tịch Phong trào Quốc-tế Yểm-trợ Cao-trào Nhân-bản; và ông Đỗ Hoàng Điềm, chủ-tịch Đảng Việt Tân, tự nhận là đại diện cho toàn khối người Việt di cư, hay lố bịch hơn nữa, đại diện cho toàn thể đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước, được gọi vào Tòa Bạch Ốc diện kiến nhan thánh Bush, để giúp ý kiến (sic) hoạch định đường lối chính trị đối ngoại, hay đối Việt Nam, của Mỹ [theo một luận điệu hoang tưởng trên Internet.]  Người ta cho đó là một thành công vĩ đại của phong trào tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ ở hải ngoại.  Chỉ có điều, sự thành công này chỉ có thể có trong sự hoang tưởng của những đầu óc mù tịt về chính trị quốc tế, chính trị của Mỹ, và nhất là tinh thần dân tộc tự chủ của người Việt Nam.   

Tôi vốn không mấy tha thiết với chính trị vì chính trị không thuộc lãnh vực chuyên môn của tôi.  Vả lại, cái đầu óc của tôi thuộc loại chỉ phân tích sự việc dựa trên lôgíc, trên sự kiện và trên các tài liệu, chứ không dựa trên chính trị mà đặc tính của nó là thủ đoạn giảo hoạt. Nhưng tôi rất quan tâm đến Việt Nam như là một quốc gia, nơi chôn nhau cắt rốn của ông bà cha mẹ tôi cũng như của tôi, nơi tôi đã sống hơn 40 năm trong đó, cho nên dù không tha thiết, và dù ngày nay tôi đã là một công dân của nước cờ hoa từ 27 năm nay, tôi cũng không thể nào không để tâm ít nhiều về những gì xẩy ra cho quốc gia mà tôi vẫn từng hãnh diện là công dân của quốc gia đó, một quốc gia đã từng có một lịch sử chống ngoại xâm oai hùng nhất thế giới, một quốc gia mà tuyệt đại đa số người dân rất ghét những loại người như Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, dựa thế ngoại bang để mưu đồ quyền lực riêng tư, bất kể dưới danh nghĩa nào và nấp sau chiêu bài nào. Tinh thần dân tộc của người Việt Nam là như vậy, và lịch sử Việt Nam cũng đã chứng minh như vậy.   

Có vẻ như các “nhà dân chủ” Việt Nam chưa bao giờ biết đến bài học chính trị của một chính khách Cuba:  Elizardo Sanchez.  Elizardo Sanchez là lãnh tụ phe chống đối ở Cuba, và tư cách của ông ta được thể hiện qua bản thông tin như sau trên tờ Chicago Tribune ngày 22 tháng 5, 2001:       

Lãnh tụ phe chống đối ở Cuba Elizardo Sanchez từ chối không nhận tiền của Mỹ trợ giúp những hoạt động chống đối của ông.  Ông nói rằng nhận thức về việc lãnh lương của Mỹ thì tín nhiệm đặt trên ông sẽ không còn nữa.  Cũng như mọi tài trợ từ bên ngoài chỉ làm cho Castro có cớ để xiết chặt gọng kìm trên các nhóm chống đối.  Sự hỗ trợ cho phong trào Đoàn Kết ở Ba-Lan chỉ có sau khi Lech Walesa đã tự mình tạo được vị thế lãnh tụ đối lập và hàng chục ngàn người đã gia nhập nghiệp đoàn độc lập của ông ta.  Tiền của Mỹ không tạo nên phong trào Đoàn Kết và phần chắc là không thể gây nên một phong trào đối lập ở Cuba hay ở bất cứ nơi nào khác

     (In Cuba, leading dissident figure Elizardo Sanchez already said “No thanks!” to American money.  The perception of being on the payroll of the U.S., he said, would be the end of his credibility.  Any outside subsidies also would only give Castro a ready-made justification to tighten the vise around any dissent groups.  American support for Poland’s Solidarity movement came after Lech Walesa had already established himself as an opposition leader and tens of thousands had joined his independent union.  U.S. money did not create Solidarity and it’s not likely to ignite an opposition movement in Cuba or anywhere else.)

    Đây là bài học vỡ lòng cho bất cứ cá nhân, hội đoàn nào muốn dựa hơi ngoại quốc, hay được ngoại quốc tài trợ, để tranh đấu cho tự do và nhân quyền ở Việt Nam.  Không thể tự lực tạo uy tín để có được hậu thuẫn của quần chúng, phải dựa hơi ngoại quốc, nhờ vả tiền bạc từ bên ngoài, đường lối đấu tranh này không bao giờ có thể thành công, và sử sách sẽ ghi như thế nào, điều này ai cũng biết.  Và những người quan tâm đến tương lai quốc gia với tinh thần dân tộc không bao giờ có thể chấp nhận đường lối đấu tranh phi dân tộc như trên và không thể không đặt một câu hỏi:  Trong những nhà dân chủ Việt Nam ở trong nước, có ai nhận tiền hay nằm trong sổ lương của Mỹ, và có ai nhận tài trợ từ bên ngoài không?  Và những cơ quan truyền thông, đảng phái, tổ chức ở ngoại quốc, có nơi nào lãnh tiền của chính quyền Mỹ không?  Nếu có thì ai tín nhiệm họ, và uy tín của họ là ở đâu?  Hỏi tức là đã trả lời.     Một bài học khác rõ ràng và đi thẳng vào chủ đề hơn là của Giáo sư sử học Nguyễn Mạnh Quang, trong cuốn Thực Chất Của Giáo Hội La Mã, với nhận định rất đúng về tinh thần dân tộc của người Việt như sau:       "

Đa số người Việt lưu vong có thể không đồng ý với một chế độ độc tài chính trị, mức độ tham nhũng, chính sách giáo dục yếu kém ở Việt Nam.  Nhưng điều này không có nghĩa là họ sẽ mù quáng ủng hộ bất cứ một lực lượng nào, thường là hữu danh vô thực, nhờ thế lực ngoại quốc, thế tục cũng như tôn giáo, để khuynh đảo chủ quyền đất nước của họ."    

Có một số người, ở trong nước cũng như ở hải ngoại, có cái “gen” của Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc.., tin rằng có thể nhờ vào thế lực của Mỹ, với vị thế bá chủ hoàn cầu ngày nay về kinh tế và quân sự, cũng như vị thế tiến bộ của một số cường quốc Âu Châu, dùng chiêu bài tự do dân chủ và nhân quyền để ép Việt Nam phải thay đổi theo ý họ, đúng ra là theo sách lược xuất cảng dân chủ của Mỹ.  Họ không nghiên cứu kỹ vấn đề, Tây phương trong thời đại này không còn ở vị thế có thể áp đặt những quan niệm về dân chủ, nhân quyền của họ trên các nước khác.   Thời đại đó qua lâu rồi, đúng như Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã dạy cho Sanchez một bài học vỡ lòng về chính trị quốc tế ngày nay.  Hơn nữa, hồ sơ nhân quyền của Tây phương, nhất là Mỹ,  cũng chẳng đẹp đẽ gì, chẳng qua chỉ là “ỷ mạnh hiếp yếu”, “cả vú lấp miệng em” mà thôi.  Diễn biến ở Iraq đã chứng tỏ kế hoạch xuất cảng dân chủ vì dầu của Mỹ đã thất bại, và Mỹ vừa tuyên bố sẵn sàng “nói chuyện với” những quân nổi giậy chống Mỹ ở Iraq để khuyên họ buông súng, nhận đô-la của Mỹ.  Đông phương đang vươn lên, tìm lại những giá trị truyền thống của mình và chứng tỏ rằng những giá trị này vượt trên những giá trị về xã hội và tôn giáo của Tây phương.  Trung Quốc sẽ trở thành một đối trọng ngang ngửa với Mỹ trong tương lai không xa, và Mỹ đang lo ngại về sự bành trướng khả năng quân sự của Trung Quốc cũng như sách lược “chiếm đất giành dân” của Trung Quốc ở Phi Châu và Nam Mỹ.  Đây là một diễn biến mà các “nhà dân chủ” cần phải nghiên cứu để mà đánh giá tình hình quốc tế và từ đó đánh giá lại đường lối đấu tranh dựa hơi ngoại quốc, đặc biệt dựa hơi Mỹ, của mình.        

Điển hình trong số những người hoang tưởng có thể nhờ cậy vào Mỹ như trên là ông Đỗ Thành Công, Phát ngôn viên đảng Dân Chủ Nhân Dân.  Trong bức thư gửi tổng thống Bush ngày 29 tháng 5, 2007, ông ấy dám tự nhận láo là  “Thay mặt cho đảng Dân Chủ Nhân Dân cùng tất cả đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước” [sic].  Đảng Dân Chủ Nhân Dân do ông ấy thành lập hay là đảng trưởng thì ông ấy có quyền thay mặt cho các đảng viên, chứ hơn 80 triệu đồng bào trong nước và 2 triệu đồng bào ngoài nước, ai cho ông ấy cái quyền thay mặt họ?  Lãnh tụ của một đảng mà viết láo và ngu như vậy thì cái đảng ấy làm được cái trò gì?  Ông Bush ngu đến độ có thể tin được lời tự nhận huênh hoang của ông Đỗ Thành Công hay sao?  FBI ngồi chơi xơi nước, không biết gì về cái đảng Dân Chủ Nhân Dân của ông ấy hay sao?  Trong bức thư, với cái “gen” của Lê Chiêu Thống và Trần Ích Tắc, ông Đỗ Thành Công đã đề nghị với ông Bush những điểm sau đây, chứng tỏ kiến thức chính trị của ông ấy là con số không:

 -     Đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia đáng quan tâm về tôn giáo để xác quyết rằng việc vi phạm những lời hứa với cộng đồng quốc tế sẽ không được chấp thuận. [Mỹ đã đưa bao nhiêu quốc gia vào danh sách CPC, và từ đó đến nay, Mỹ đã có những hành động gì đối với các quốc gia đó?  Vậy thực chất cái danh sách các quốc gia đáng quan tâm về tôn giáo có giá trị gì thực dụng?  Hay chỉ để làm cảnh cho vui?  Tòa án Malaysia vừa ra lệnh cấm người Hồi Giáo cải đạo sang Thiên Chúa Giáo.  Bush làm gì?  Cả khối Hồi Giáo đều như vậy.  Bush làm gì?  Các cá nhân trong một tôn giáo không phải là tôn giáo đó.  Nguyễn Văn Lý không phải là Công Giáo.]

-    Yêu cầu Việt Nam tôn trọng Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền bằng cách trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị. [Thế nào là tù nhân chính trị và chính trị như thế nào?  Chửi bậy trong Tòa là chính trị?  Liên hệ với các cá nhân, tổ chức ở ngoại quốc chống đối quốc gia là chính trị? v..v..]

-    Đưa Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới giúp Việt Nam phát triển nhưng không viện trợ quân sự cho Việt Nam vì mối đe doạ cuả Việt Nam đối với các quốc gia lân cận và đối với phong trào dân chủ. [Nhảm!  Việt Nam không phải là mối đe dọa của các quốc gia lân cận mà chính là Trung Quốc.  Và Mỹ muốn giúp Việt Nam để làm đối trọng đối với Trung Quốc mà Mỹ đang lo sốt vó về tiềm năng phát triển quân sự của Trung Quốc.  Việt Nam không cần đến viện trợ quân sự của Mỹ mới có thể đàn áp dân chủ, nếu muốn]

-         Hỗ trợ cho phong trào dân chủ trong nước Việt Nam , đặc biệt là các đảng phái và các hiệp hội lao động độc lập.  Các tổ chức này không những cần sự hỗ trợ về tinh thần mà còn cần sự trợ giúp thực tiễn qua chính sách dài hạn nhằm huấn luyện, giáo dục đào tạo, và cả về trợ giúp tài chánh.  Về lâu về dài, một chính quyền tự do dân chủ tại Việt Nam sẽ có lợi cho Hoa Kỳ hơn là một chế độ độc tài đảng trị. [Thì NED chẳng đã thực hiện các điều này từ lâu rồi hay sao?  Hãy hỏi Võ Văn Ái, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân v..v…Một chính quyền độc tài nhưng thân Mỹ để cho Mỹ thao túng thị trường, phát triển kinh tế Mỹ thì có lợi cho Mỹ và được Mỹ cưng hơn là một chính phủ tự do dân chủ nhưng không thân Mỹ.  Lịch sử đã chứng tỏ như vậy.  Yêu cầu trợ giúp tài chánh nói nôm na là xin tiền]   

Noam Chomsky, một học giả lừng danh của Mỹ, đã viết:    

“Thật ra chính sách ngoại giao của Mỹ là đặt căn bản trên nguyên tắc không liên quan gì đến nhân quyền, mà là liên quan nhiều đến sự tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho ngoại thương” (James Speck, Editor, The Chomsky Reader, p. 331:  U.S. foreign policy is in fact based on the principle that human rights are irrelevant, but that improving the climate for foreign business operations is highly relevant.)   

Những người như Đỗ Thành Công, với trình độ hiểu biết như vậy, có thể hi vọng là người dân Việt Nam sẽ đứng sau lưng làm hậu thuẫn cho những điều xin xỏ ấu trĩ như trên hay sao?  Dám tự xưng là thay mặt cho tất cả đồng bào trong và ngoài nước mà kiến thức và hành xử kém cỏi như vậy thì thật ra chỉ làm đồng bào xấu hổ lây vì một con chiên ghẻ trong cộng đồng mà thôi.     

Về chuyện ông Bush gặp mấy “nhà dân chủ” ở hải ngoại, có “bình luận gia” cho rằng “Mục đích của cuộc gặp gỡ trao đổi này trước hết để hóa giải sự im lặng của ông trước đây khi tới Hà Nội dự hội nghị APEC [đối với giới chống Cộng hải ngoại], nhưng chính yếu là để gián tiếp cảnh giác Hà Nội rằng Hoa Kỳ vẫn còn một tích sản (asset) chưa sử dụng.”   

Nhưng vấn đề cần đặt ra là: cái “tích sản” này của ông Bush thực lực là bao nhiêu, có bao nhiều quần chúng ở ngoài nước cũng như ở trong nước làm hậu thuẫn.  Có ai ngây thơ đến độ có thể tin rằng ông Bush tiếp mấy người đó là vì tin vào thực lực của mấy cá nhân và mấy tổ chức đó và có thể dùng họ để khuynh đảo Việt Nam?  Mỹ ngu lắm hay sao?   Mỹ thừa biết bản chất và thực lực của mấy tổ chức đó như thế nào.  Đừng có hòng qua mặt Mỹ.  Người Việt hải ngoại còn biết rõ huống chi là Mỹ.  Ví dụ như muốn biết Việt Tân?  Hỏi Tú Gàn!   

Thật ra thì chuyện Bush tiếp mấy nhân vật đó, nghiên cứu kỹ, chỉ là phản ứng của một cường quốc trước một nước nhỏ, kém phát triển như Việt Nam mà lại dám dỡn mặt “cái đầu tầu phun khói đen kéo cả thế giới theo sau”, niềm tự tôn của Mỹ.  Có vài lý do khiến cho tôi suy nghĩ như vậy nhưng rất có thể tôi chỉ suy đoán dựa theo lôgíc, và cái lôgíc của tôi có thể không đúng vì thiếu những yếu tố căn bản mà tôi không được biết.       Thật vậy, Mỹ đang quảng cáo cho món hàng xuất cảng nhân quyền, dân chủ bằng cách xâm chiếm Iraq, nhưng mục đích chính đã bị người dân phản đối với khẩu hiệu “no blood for oil”.  Vậy mà gần đây Việt Nam lại bắt giữ những người mà giới truyền thông hải ngoại đều cho là “nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền” theo đúng sách lược xuất cảng dân chủ của Mỹ..  Dựa vào sách lược này của Mỹ, các nhà dân chủ tha hồ làm mưa làm gió, kể cả chửi bậy trong tòa án, tin tưởng vào hậu thuẫn của cường quốc Mỹ.  Thử kể lại vài vụ sau đây:   

Thứ nhất là Nguyễn Văn Lý với tấm hình “bịt miệng” chẳng mấy đẹp và được khai thác tối đa tuy rằng người ta đã không đủ lương thiện trí thức để mà phân biệt giữa “chửi bậy trong tòa” và “phát biểu dân chủ”.  Có diễn đàn đăng bức hình và đặt câu hỏi: “Tại sao anh bịt miệng tôi?”  Tại sao họ không hỏi ông Lý: “Tại sao ông lại bị bịt miệng?” Nếu chửi bậy trong tòa án là phát biểu dân chủ, thì cái dân chủ đó thuộc loại nào?  Vì vậy chính quyền Mỹ im lặng, chỉ có vài dân biểu, nghị sĩ cắc ké, không thông suốt nội vụ, lên tiếng ngớ ngẩn đòi nọ đòi kia làm như cha người ta, muốn xía vào chuyện gì cũng được.    

Rồi Việt Nam lại ra tay bắt giữ Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, những người  mở các lớp đào tạo về nhân quyền và trực tiếp giảng dạy tại Văn phòng Luật sư Thiên Ân, kinh phí mở lớp được “Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ” của Mỹ (NED) tài trợ.  Đụng đến NED thì cũng phải cẩn thận vì NED là bộ mặt khác của CIA, đã từng dính líu vào nội bộ của nhiều quốc gia trên thế giới [Xin đọc bài Về Vụ Bắt Giữ Lê Quốc Quân trên giaodiemonline] và có đủ trăm phương ngàn cách để khuấy động nội tình của một quốc gia.  Nhưng hành động này của Việt Nam cũng chưa đủ để cho Bush phải ra mặt.   

Giọt nước làm tràn ly, Việt Nam cho Lê Quốc Quân đi học dân chủ ở Washington D.C. do sự tài trợ của NED [Bush tăng ngân sách của NED lên gấp đôi trong sách lược xuất cảng dân chủ của Bush], nhưng lại tóm cổ Lê Quốc Quân vừa mới tốt nghiệp lớp huấn luyện đào tạo về dân chủ về nước mới có có 4 ngày thay vì mời Lê Quốc Quân mở lớp dạy lại về dân chủ những gì ông ta vừa học được của NED.  Thế này thì quá quắt lắm, không coi Mỹ ra gì, đúng là dỡn mặt Chú Sam.  Làm cho Albright và McCain, 2 người đứng đầu 2 cơ quan ngoại vi của NED phải lên tiếng phản đối, trong khi trên thế giới không thiếu gì những quốc gia có tình trạng nhân quyền, dân chủ, và tự do tôn giáo tệ hơn Việt Nam rất nhiều.  Nhà Nước Việt Nam không thuộc bài học khôn ngoan của cổ nhân:  Đánh đầy tớ thì cũng phải nể mặt chủ nhà, nhất là chủ nhà lại là Mỹ, một cường quốc về kinh tế và quân sự vào bậc nhất thế giới.  Mặt khác, truyền thông của Nhà Nước quá yếu trong chính sách đối ngoại, để cho cả Âu Châu, có thể vì những thông tin sai lạc từ những tổ chức chống đối và truyền thông một chiều, cũng bất mãn về những hành động bắt giữ không rõ ràng của Nhà Nước.   

Kết quả là Việt Nam ép Mỹ phải phản ứng.  Uy tín của Bush đang ở mức thấp nhất vì chiến tranh Iraq, và với sức ép của một số dân biểu nghị sĩ ít có thiện cảm với Việt Nam, rất có thể là cả của Albright và McCain trong NED, và để vuốt ve người Việt di cư chống Cộng cùng lúc dằn mặt Việt Nam, cuộc tiếp kiến của Bush với mấy ngài “đại diện cộng đồng hải ngoại” [sic] đã xẩy ra.  Nếu Việt Nam mạnh như Trung Quốc thì chắc chắn chuyện tiếp xúc đó không thể xẩy ra.  Nhưng Việt Nam chỉ là một nước nhỏ, đang trên đà phát triển, cho nên Mỹ tự cho mình có quyền can thiệp vào chuyện nội bộ Việt Nam, lẽ dĩ nhiên, dưới danh nghĩa toàn cầu hóa nhân quyền và dân chủ, dù rằng lịch sử đã chứng minh chủ đích chính của Mỹ không phải là về nhân quyền và dân chủ.  Chúng ta đừng quên Mỹ có một hồ sơ khủng khiếp nhất về nhân quyền như tôi đã nêu lên một tài liệu trong một bài trước..  Những sự can thiệp vào Việt Nam, El Salvador, Nicaragua, Haiti v..v.. là những thí dụ. Nhưng Việt Nam khó có thể phản pháo Mỹ như Trung Quốc trước đây về vấn đề nhân quyền khiến Mỹ phải thay đổi thái độ và vẫn tiếp tục cho Trung Quốc hưởng qui chế Tối Huệ Quốc.  Vì đây là vấn đề tương quan lực lượng, tất nhiên đối với Việt Nam, Mỹ ở thế thượng phong, và Việt Nam cần nhận thức rõ vị thế của mình trong chính trường quốc tế.    

Phân tích kỹ, cuộc Bush gặp gỡ mấy chính khách Việt Nam lưu vong không phải là một bước chính trị “ngoạn mục” như có người ca tụng, mà là một bước chính trị vụng về.  Vụng về ở chỗ là, thứ nhất, chứng tỏ cho Việt Nam thấy bản chất chính trị của Mỹ, cậy mạnh xía vào nội bộ các quốc gia yếu kém về lực lượng và kinh tế. Một câu hỏi vẫn thường được đặt ra:  Tại sao Mỹ lại cứ xía vào nội bộ Việt Nam trong khi trên thế giới có nhiều nơi cần Mỹ xía vào hơn, Israel chẳng hạn. Thứ nhì, vụng về ở chỗ sử dụng những quân cờ không sáng giá, thực chất chỉ là những con tốt, và ai cũng biết, chỉ cho một mục đích chính trị nhất thời.  Thứ ba, với kinh nghiệm của cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ vẫn chưa hiểu được dân tộc tính của người Việt Nam, rất hiếu khách nhưng luôn luôn chống ngoại nếu bị ép và phạm đến chủ quyền quốc gia của họ.  Thứ tư, với màn trình diễn ngoài mặt này, Bush đã đẩy Việt Nam thêm về phía Trung Quốc trong khi Mỹ muốn tạo thêm ảnh hưởng ở Á Châu.  Và thứ năm,  Việt Nam thừa biết thực lực của những quân cờ của Mỹ như trên, có bao uy tín trong cộng đồng hải ngoại, có bao nhiêu hậu thuẫn trong nước v..v.. 

Cho nên Việt Nam đã đi một bước có thể gọi là “ngoạn mục”: lờ đi coi như chuyện tiếp xúc của ông Bush như không có, không phê bình, không phản đối.  Do đó biến cố tiếp xúc trên chỉ nổi ở hải ngoại, trên Internet, trên những diễn đàn truyền thông, báo chí ít có giá trị trí thức, nhưng rất có thể có tác dụng thúc đẩy giới chống Cộng năng nổ hơn, tham gia nhiều hơn, trong việc tổ chức biểu tình chống ông Nguyễn Minh Triết khi ông sang Mỹ, đáp lời mời của chính phủ Mỹ.   

iện nay, nhiều diễn đàn truyền thông hải ngoại đang hô hào tổ chức biểu tình đại quy mô để “dàn chào” ông Nguyễn Minh Triết khi ông tới Mỹ.  Nhưng đây chính lại là một vấn đề đối với đa số người Việt hải ngoại, những người có đầu óc và có chút liêm sỉ trước những hành động thấp kém vô trí của một nhóm người trong cộng đồng của mình..    Thật vậy, về mặt ngoại giao, một công dân nước ngoài, nếu được phép chính thức, đến một nước nào thì đương nhiên là khách của nước đó, và trong mối bang giao giữa hai nước có những tiêu chuẩn đối xử với khách.  Trên cuốn sổ thông hành của Mỹ, ngay trang đầu có câu:    

“Ngoại Trưởng Hoa Kỳ yêu cầu mọi người có thể liên quan đến, cho phép công dân/ quốc tịch Mỹ có tên trong đây được đi qua, đừng làm chậm trễ hay ngăn cản, và khi cần hãy cung cấp mọi sự giúp đỡ và bảo vệ hợp pháp.”   (The Secretary of State of the United States of America hereby requests all whom may concern to permit the citizen/national of the United States named herein to pass without delay or hindrance and in case of need to give all lawful aid and protection)   

Đây là quy luật ngoại giao quốc tế áp dụng cho bất cứ một công dân nào được nhập cảnh hợp pháp vào một quốc gia khác, huống chi là một chính khách được chính phủ mời.  Nhưng nếu có nhóm công dân nào dùng luật rừng để làm chậm trễ, hoặc ngăn cản, hoặc khủng bố, hoặc dùng những lời lẽ thô tục đối với  một người khách đến nước mình thì cái nhục là về phần quốc gia đón tiếp khách chứ không phải là về phần khách.  Rất ít người làm nghề biểu tình chống Cộng đủ trình độ văn hóa để hiểu ra điều này, cũng vì vậy mà, trong quá khứ họ đã có những hành động làm nhục lây cả đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại nói riêng, đến nước Mỹ nói chung.  Bất hạnh thay, những hành động lạc hậu, ấu trĩ này lại thường xẩy ra ngay trên những nước được cho là tôn trọng tự do, nhân quyền, dân chủ như Mỹ và Úc.  Thật đáng xấu hổ cho cả cộng đồng người Việt.  Vụ Trịnh Hội và Nguyễn Cao Kỳ Duyên ở Úc gần đây, và biết bao vụ khác ở Úc và ở Mỹ là sự ô nhục cho những người biểu tình chống đối đe dọa hay bạo động chứ không phải là cho những nạn nhân của sự chống đối.    

Mặt khác, về phương diện ngoại giao, khi một vị nguyên thủ quốc gia được mời tới một nước nào thì bao giờ cũng phải có một phái đoàn ngoại giao đến trước để thảo luận và thỏa thuận về vấn đề an ninh và những nghi thức ngoại giao đón tiếp (protocols). Nếu không đạt được những thỏa thuận theo đúng quy tắc ngoại giao thì người được mời có quyền từ chối lời mời, và bá cáo cùng quốc dân là tại sao lại từ chối.  Một hành động để bảo vệ chủ quyền và uy tín quốc gia tất nhiên sẽ được toàn dân ủng hộ, trừ những tay sai ngoại quốc.  Trong thế giới văn minh ngày nay, không có một quốc gia nào có thể bỏ qua nghi thức ngoại giao này dù đối với một kẻ thù, và không có một quốc gia nào lại hạ cấp đến độ coi thường người khách chính mình mời đến bằng cách tiếp đón không xứng đáng.  Nếu không đáng mời thì không mời, còn khi đã mời rồi thì phải đón tiếp theo đúng những nghi thức ngoại giao. Nhưng rất có thể vì tinh thần “cao bồi Texas”, với tinh thần cao ngạo, trịch thượng cố hữu và có sức mạnh của quân sự, Mỹ cậy mình là một cường quốc nên cho rằng mình muốn làm sao cũng được, nhưng nếu không đúng nghi thức ngoại giao thì điều đó chỉ chứng tỏ một cách hành xử mọi rợ trong thế giới văn minh hiện đại, chứ chẳng phải là niềm hãnh diện của một cường quốc.  Nhưng Mỹ thừa hiểu rằng, nếu không đón tiếp một vị nguyên thủ quốc gia theo đúng protocols, thì cái nhục là về phần Mỹ chứ không phải là về phần khách, vì đây là thuộc vấn đề nghi thức ngoại giao trong vấn đề bang giao quốc tế chứ không phải là vấn đề nước lớn, nước nhỏ, tư bản hay cộng sản.     

Một sách lược “xử dụng sức mạnh đồng tiền” (sic) của người Việt hải ngoại để lật đổ Cộng Sản đã được ông Phạm Văn Song đề nghị đại khái như sau:  “Ông hô hào người Việt hải ngoại không nên tiếp tục gửi tiền về Việt Nam, không về Việt Nam du lịch, không buôn bán với Việt Nam, không mua hàng của Việt Nam v..v..”  

Tác giả còn viết: Tuần qua, trong một bài viết, một tác giả đã nhắc lại, chính chị Lê Thị Công Nhân đã yêu cầu người Việt Hải ngoại chớ nên tiếp tục ủng hộ chế độ Công sản nữa, vì tiếp tục gởi tiền về, tiếp tục đi về thăm, du lịch, buôn bán với Việt Nam, tức là tiếp tục hà hơi tiếp sức ủng hộ chế độ Việt Nam.     

Cả ông Phạm Văn Song lẫn bà Lê Thị Công Nhân đều hơi đần vì không biết rằng cái chiêu này đã được những người chống Cộng sử dụng từ thập niên 1980 nhưng vô hiệu và đã không còn được nhắc tới từ lâu rồi, vì chẳng có ai nghe.  Hô hào thì cứ hô hào, hàng năm vẫn có mấy trăm ngàn người Việt hải ngoại về thăm quê hương, các hãng gửi tiền vẫn hoạt động mạnh, người ta vẫn miệng thì chống Cộng nhưng vẫn có những cơ sở làm ăn buôn bán với “Việt Cộng”.  Ông Song và bà Lê Thị Công Nhân không biết đến dân tộc tính, không biết rằng người Việt không thích nuôi thù hận, và không biết rằng tinh thần gia tộc của người Việt còn rất mạnh.  Ông tưởng làm như vậy thì Cộng Sản sẽ sập tiệm hay sao?  Hay là để cho người dân đói khổ, nổi loạn, để các ông làm ngư ông đắc lợi.  Dân có đói thì đói chứ cán bộ, chính quyền có bao giờ đói?  19 năm Mỹ cấm vận Việt Nam chẳng có tác dụng gì.  58 năm Mỹ cấm vận Cuba, Fidel Castro vẫn sống và chính quyền vẫn mạnh. 

Thời Việt Nam khó khăn nhất, phải ăn độn bo bo cũng đã qua lâu rồi, và người dân ngày nay sống như thế nào, có phải tất cả chỉ trông ngóng vào đồng tiền của người Việt hải ngoại gửi về không?  Ngay từ sau 1986, khi Việt Nam bắt đầu đổi mới, mở cửa, thì người Việt đã ồ ạt gửi tiền về giúp bà con, điều mà các ông và bà Lê Thị Công Nhân ngày nay còn ngu ngơ gọi là “hà hơi tiếp sức” cho Cộng Sản, bất kể là thời đó đã có cả một chiến dịch yêu cầu Mỹ đừng bỏ cấm vận và năng nổ hô hào ngăn cản người Việt hải ngoại đừng “hà hơi tiếp sức” cho Cộng sản.  Điều này nói lên cái gì?  Tinh thần bà con, dân tộc là ở đó, không phải là tinh thần “Thà mất nước chứ chẳng thà mất Chúa” của linh mục Hoàng Quỳnh.     

Tôi có cảm tưởng là các ông thù Cộng Sản và thù lây sang cả dân tộc, không muốn cho dân tộc phát triển, mở mang.  Từ bao năm nay tôi vẫn mua hàng sản xuất từ Việt Nam: quần áo, vật dụng, thức ăn, thức uống v..v.. dù đã mấy lần bị rỉ tai là “đừng mua hàng Việt Nam, độc đấy” ở chợ Bolsa.  Giúp cho người Việt trong nước có công ăn việc làm, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, đất nước mở mang, rồi dân chủ tự nhiên sẽ đến.  Không về Việt Nam mà quan sát, cứ ở ngoại quốc mà nói mò.  Hãy quan sát xem và so sánh thời sau 75 với thời nay xem Việt Nam đã thay đổi như thế nào, dân chúng đang sống như thế nào, đất nước đã phát triển ra sao về mọi mặt. 

Ngày nay, nhiều người trong chế độ cũ, chứ không phải là cán bộ hay đảng viên, làm ăn phát đạt hơn thời VNCH trước, có tiền gửi con đi học tự túc ở Mỹ, cảnh “hồng hơn chuyên” cũng đã hết từ lâu rồi.  Các ông chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực của Việt Nam, lẽ dĩ nhiên không phải là không có, mà không nhìn thấy khía cạnh tích cực của một quốc gia đang phát triển trên đà hội nhập cộng đồng quốc tế.  Hãy thử về Việt Nam quan sát và so sánh miền Nam ngày nay tự lực tự cường với miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm và Nguyễn văn Thiệu, những chế độ sống hoàn toàn nhờ viện trợ Mỹ, về mọi mặt, từ nhân quyền đến tự do tôn giáo, từ nền kinh tế đến các công cuộc phát triển xã hội, từ độc tài chính trị đến độc tài tôn giáo v..v.. xem có sự khác biệt nào không?    Nếu muốn nói đến “hà hơi tiếp sức” thì phải nói đến những nhà đầu tư ngoại quốc đã đầu tư vào những liên doanh sản xuất ở trong nước, vào sự khai thác dầu hỏa, về sự phát triển đường xá, cầu cống, về giáo dục, thông tin điện tử v..v.. chứ không phải là người Việt gửi tiền về cho bà con hay về Việt Nam thăm quê hương. Tin trên trang nhà Asia Times cho biết năm nay các nhà đầu tư ngoại quốc có thể đầu tư vào Việt Nam tới 35 tỷ đô la, và riêng Đài Loan cũng đã tới 6,7 tỷ gì đó và Nhà Nước cho rằng nếu thực hiện được một nửa hay hơn nửa con số trên là đã đạt được chỉ tiêu rồi.  Làm chính trị mà kiến thức kém cỏi như mấy ông bà thì chỉ có chết cả nước nếu ông bà nắm được quyền bính trong tay.   

Chẳng cần phải nói, ai cũng biết, Việt Nam, vì là một nước nhỏ, đang cần phát triển nên dù muốn dù không cũng ở trong thế kẹt giữa hai lực lượng, “tư bản Đỏ” và “tư bản Đen”, nghĩa là giữa “anh Ba” và “chú Sam”.  Khi xưa, trong cuộc chiến, chính trị Cụ Hồ đã thành công để cho hai thế lực xung đột nhau, Nga và Trung Quốc, đều viện trợ cho Việt Nam.  Ngày nay, chính trị Việt Nam có đủ khả năng làm như vậy đối với “anh Ba” và “chú Sam” không, không phải để xin viện trợ mà để cả hai anh, nếu không giúp thì cũng để yên cho Việt Nam phát triển trong hòa bình, ổn định?  Các cụ nhà ta có dạy: “Bán họ hàng xa mua láng giềng gần” nhưng cái anh láng giềng này luôn luôn là một mối nhức đầu cho Việt Nam, vì Việt Nam lúc nào cũng phải e dè  canh chừng.  Còn cái chú họ hàng xa này thì cũng khó có thể tin cậy, chú ta có thể dở chứng bất cứ lúc nào, quay mặt 180 độ, bất kể liêm sỉ, bất kể phê phán của quốc tế, miễn là có lợi cho chú ta.  Lịch sử đã chứng tỏ là khó có thể tin cậy hoàn toàn vào chú ta, một nước đặt quyền lợi quốc gia và lợi nhuận kinh tế trên hết.  Thể chế, và có dân chủ hay không, của các quốc gia khác chỉ là thứ yếu.   Alexis de Tocqueville đã viết về nền dân chủ của chú ta và đưa ra một số nhận xét khá tinh tế về nước Mỹ, trong đó có nhận định rất chính xác như sau:    “Khi chúng ta đào sâu vào đặc tính quốc gia của người Mỹ, chúng ta thấy rằng họ chỉ tìm giá trị của mọi thứ trong thế giới này trong câu trả lời của câu hỏi: nó mang đến bao nhiêu tiền?”   (As one digs deeper into the national character of the Americans, one sees that they have sought the value of everything in this world only in the answer to this single question: how much money will it bring in? )   

Nói tóm lại, thế kẹt của Việt Nam là:  đi hẳn với “chú Sam” thì đầy bất trắc, chú ta ở xa lắc xa lơ và chưa có chân đứng vững ở Á Châu, hơn nữa “anh Ba” cũng chẳng để cho yên và anh ta lúc nào cũng là một mối lo ngay trên đầu mình.  Còn đi hẳn với “anh Ba” thì “chú Sam” chắc cũng chẳng ưa và thế nào cũng tìm cách khuấy động qua sách lược “xuất cảng dân chủ, nhân quyền, và tự do tôn giáo”, chưa kể những đòn phép kinh tế không sao tính trước được.  Có người cho rằng vụ bắt giữ một số “nhà dân chủ” gần đây [thực chất không ít thì nhiều cũng dính líu đến chú Sam] là do anh Ba ép hoặc là phe anh Ba đã thắng thế trong Bộ Chính Trị.  Nhận định vấn đề này ngoài khả năng của tôi, xin để phần cho các chính trị gia vô thượng thiên tài trên các diễn đàn truyền thông CCCĐ hay CCCC.

 



 

Trang Trần Chung Ngọc